Chương 3. Thật Hay Giả

Chương 3. Thật Hay Giả

Price:

Read more

Osho - Dhammapada: Con đường của Phật (Tập 1)
Chương 3. Thật hay giả

Powered by RedCircle


Lầm cái giả thành cái thật
Và cái thật thành cái giả,
Ông bỏ sót trái tim
Và rót đầy bản thân mình bằng ham muốn.
Thấy cái giả là giả,
Cái thật là thật..
Nhìn vào trái tim ông.
Đi theo bản tính của ông.
Tâm trí không phản xạ là chiếc mái nghèo nàn.
Đam mê, như mưa, làm ngập lụt ngôi nhà.
Nhưng nếu mái mạnh mẽ, có chỗ trú ẩn.
Bất kì ai đi theo ý nghĩ không thuần khiết
Đều khổ trong thế giới này và thế giới sau.
Trong cả hai thế giới người ấy khổ,
Và vĩ đại làm sao,
Khi người ấy thấy điều sai mình đã làm.
Nhưng bất kì ai tuân theo luật
Đều vui vẻ ở đây và vui vẻ ở kia.
Trong cả hai thế giới người ấy đều hân hoan,
Và thật là lớn lao,
Khi người ấy thấy điều tốt mình đã làm.
Thu hoạch trong thế giới này là lớn, và vẫn còn lớn hơn trong thế giới tiếp.
Dù ông đọc bao nhiêu lời linh thiêng,
Dù ông nói bao nhiêu lời,
Chúng sẽ làm điều gì tốt cho ông
Nếu ông không hành động theo chúng?
Ông là người chăn cừu
Ai đi đếm cừu của người khác,
Chưa bao giờ chung một đường?
Đọc ít lời như ông muốn
Và nói ít hơn.
Nhưng hành động theo luật.
Từ bỏ con đường cũ -
Đam mê, thù hận, điên rồ.
Biết chân lí và tìm an bình.
Chia sẻ con đường.

Chân lí có đấy. Nó không cần nỗ lực về phần bạn để phát minh ra nó. Chân lí phải được phát hiện ra, không phát minh ra. Và điều gì cản trở chúng ta không phát hiện ra nó? Chúng ta đã bị dạy cho nhiều điều dối trá, cả núi dối trá. Đấy là rào chắn mà cứ làm sai đi chân lí, cái không cho phép trái tim chúng ta phản xạ cái đang đấy.
Chân lí không phải là kết luận logic. Chân lí là sự tồn tại, thực tại. Nó đã ở đây rồi - nó bao giờ cũng ở đây. Chỉ chân lí tồn tại. Thế thì tại sao chúng ta không thể tìm ra nó? Chúng ta xoay xở thế nào không tìm ra nó? Bởi vì ngay từ hồi trẻ thơ chúng ta đã được dạy những điều giả dối, định kiến, ý thức hệ, tôn giáo, triết học... tất cả đều dẫn bạn đi lạc lối.
Chân lí không phải là ý tưởng. Bạn không cần là người Hindu để biết nó, hay là người Mô ha mét giáo, người Ki tô giáo. Nếu bạn là người Hindu bạn sẽ không bao giờ biết nó; chính việc là người Hindu sẽ giữ bạn bị mù. Chúng ta ngụ ý gì khi chúng ta nói, “Tôi là người Hindu, hay người Mô ha mét giáo hay người Do Thái?” Chúng ta ngụ ý, “Tôi đã có ý tưởng về chân lí - ý tưởng từ Kinh thánh hay Koran hay Gita, nhưng tôi đã có ý tưởng. Tôi không biết chân lí, nhưng tôi biết nhiều về nó.” Và cái biết nhiều đó là vấn đề duy nhất cần phải được giải quyết.
Một khi bạn vứt bỏ các ý tưởng của mình về chân lí bạn sẽ đương đầu với nó, cả bên trong và bên ngoài. Bạn sẽ đối diện với nó - bởi vì không có gì khác cả!
Nhưng bố mẹ, xã hội, quốc gia, nhà thờ, hệ thống giáo dục, tất cả chúng đều lệ thuộc vào dối trá. Khi đứa trẻ được sinh ra họ bắt đầu đánh bẫy nó vào dối trá. Và đứa trẻ bất lực. Nó không thể thoát khỏi bố mẹ, nó hoàn toàn lệ thuộc. Bạn có thể khai thác sự lệ thuộc của nó... và điều đó đã bị khai thác từ các thời đại.
Không ai đã từng bị khai thác nhiều như trẻ con - không vô sản không phụ nữ, không ai đã bị khai thác nhiều thế và sâu sắc thế và huỷ diệt thế, như đứa trẻ hồn nhiên này. Bởi vì chúng bất lực và phụ thuộc nên chúng phải học bất kì cái gì bạn dạy cho chúng. Chúng phải hấp thu tất cả những điều dối trá mà bạn cứ áp đặt lên chúng. Đấy là vấn đề về sự sống còn cho chúng - chúng không thể sống còn mà thiếu bạn. Đấy là vấn đề sống và chết! Chúng phải là người Hindu, chúng phải là người Mô ha mét giáo, chúng phải là người Jaina, chúng phải là Phật tử, chúng phải là người cộng sản. Bất kì cái gì bạn quan tâm nhồi nhét vào tâm trí chúng, bạn cứ nhồi nhét vào trong đó.
Thay vì làm cho chúng tỉnh táo hơn, nhận biết hơn, sống động hơn, phản xạ hơn, thay vì làm cho chúng tựa gương soi nhiều hơn, thuần khiết, bạn làm cho chúng đầy những ý tưởng... hết tầng bụi bặm nọ đến tầng bụi bặm kia. Và thế thì chúng sẽ trở nên không thể nào thấy được cái đang đó. Chúng bắt đầu việc thấy cái không có đó và chúng dừng việc thấy cái có đó.
Do đó, việc là tôn giáo thực sự nghĩa là tái sinh: lần nữa lại trở thành giống như đứa trẻ, vứt bỏ tất cả những cái mà xã hội đã trao cho bạn.
Tôn giáo là nổi dậy - nổi dậy chống lại tất cả những cái đã được áp đặt lên bạn, nổi dậy chống lại việc bị thu lại thành chiếc máy tính. Nhìn vào bên trong đi! Bất kì điều gì bạn biết, bạn đều được bảo cho biết; nó không phải là cái biết của bạn, nó không phải là chân thực. Làm sao nó có thể chân thực nếu nó không phải là của bạn? Bạn không phải là nhân chứng cho nó, bạn chỉ là nạn nhân - nạn nhân của tình huống.
Chỉ là ngẫu nhiên mà được sinh ra ở Ấn Độ hay được sinh ra ở Anh. Chỉ là ngẫu nhiên mà được sinh ra trong gia đình người Hindu hay trong gia đình Ki tô giáo. Bởi vì những điều ngẫu nhiên này mà bản tính tinh tuý của bạn đã bị mất - bạn đã bị buộc phải làm mất nó. Nếu bạn muốn giành lại nó bạn sẽ phải được tái sinh.
Đó chính xác là nghĩa khi Jesus nói với Nicodemus, “Chừng nào ông chưa được sinh ra lần nữa ông sẽ không vào được Vương quốc của Thượng đế.” Ông ấy không ngụ ý rằng bạn thực sự phải chết đi, phải tự tử, và thế rồi được sinh ra lần nữa. Điều đó không ích gì, bởi vì lần nữa bạn sẽ được sinh ra với bố mẹ nào đó trong xã hội nào đó, bên trong nhà thờ nào đó, và lại cùng cái ngu đần ấy cứ được làm cho bạn mãi.
Jesus ngụ ý bởi ‘tái sinh’ là có chủ ý, có ý thức, bây giờ bạn có khả năng vứt bỏ mọi cái đã từng được dạy cho bạn. Vứt bỏ tri thức của bạn và trở thành hồn nhiên. Và đó là cách duy nhất để trở thành hồn nhiên. Tri thức là cái làm bẩn. Trong trạng thái không biết là hồn nhiên, và vận hành từ trạng thái đó là cách duy nhất để biết tới chân lí.
Thiền về những lời kinh cực kì có ý nghĩa này của Phật Gautama. Ông ấy nói:
Lầm cái giả thành cái thật
Và cái thật thành cái giả,
Ông bỏ sót trái tim
Và rót đầy bản thân mình bằng ham muốn.
Tâm trí không là gì ngoài ham muốn. Trái tim không biết tới ham muốn. Bạn sẽ ngạc nhiên mà nghe thấy điều đó, rằng tất cả những ham muốn đều thuộc về cái đầu. Trái tim sống trong hiện tại; nó rộn ràng, nó đập, trong ở đây và bây giờ. Nó không biết gì về quá khứ và không biết gì về tương lai. Nó bao giờ cũng ở đây, bây giờ.
Và tôi không nói về triết lí nào đó. Tôi đơn giản phát biểu một sự kiện đơn giản thế để bạn có thể quan sát nó bên trong bản thân mình: tim bạn đang đập bây giờ. Nó không thể đập trong quá khứ, nó không thể đập trong tương lai. Trái tim chỉ biết hiện tại, do đó nó hoàn toàn thuần khiết. Nó không bị ô nhiễm bởi kí ức quá khứ, bởi tri thức, bởi kinh nghiệm, bởi tất cả những cái bạn đã được bảo và được dạy, bởi kinh sách, bởi truyền thống. Nó không biết gì về tất cả những cái vô nghĩa đó! Và nó không biết gì về tương lai, về ngày hôm sau. Với nó, quá khứ không tồn tại nữa, tương lai chưa tới. Nó hoàn toàn ở đây. Nó là ngay tức khắc.
Nhưng tâm trí là chính cái đối lập của trái tim: tâm trí chưa bao giờ ở đây, bây giờ. Hoặc là nó nghĩ về những kinh nghiệm đẹp của quá khứ hoặc là nó ham muốn cùng kinh nghiệm đẹp đó trong tương lai. Nó cứ qua lại như con thoi giữa quá khứ và tương lai, nó chưa hề dừng lại ở hiện tại. Nó hoàn toàn không nhận biết gì về hiện tại. Với tâm trí, hiện tại không tồn tại. Thấy ra điểm này: hiện tại là điều duy nhất đang tồn tại, nhưng với tâm trí hiện tại là điều duy nhất không tồn tại. Quá khứ là không tồn tại, tương lai là không tồn tại, nhưng đấy là những điều tồn tại cho tâm trí.
Cái đầu là vấn đề... và trái tim là giải pháp. Đứa trẻ vận hành từ trái tim. Khi bạn bắt đầu lớn lên, bạn bắt đầu chuyển từ tim lên đầu. Khi bạn tốt nghiệp đại học bạn đã hoàn toàn quên mất tim. Bạn bị treo trong đầu, toàn thể năng lượng của bạn đã chuyển lên đầu. Bây giờ bạn không biết gì về thực tại. Bạn đầy tràn những rác - rác học giả, điều vô nghĩa hàn lâm. Bạn có thể là tiến sĩ, tiến sĩ văn chương. Bạn biết nhiều, chẳng biết gì cả! - bởi vì việc biết thực xảy ra trong tim, không trong đầu. Và các đại học tồn tại để phân tán năng lượng của bạn từ tim lên đầu.
Mọi đại học trên thế giới cho tới nay đã từng là kẻ thù của nhân loại. Toàn thể vận hành của chúng là để phục vụ cho quốc gia và nhà thờ. Chúng là tác nhân của nguyên trạng, chúng là tác nhân của những quyền lợi được đầu tư. Chúng không phục vụ bạn, chúng phục vụ cho quyền lực, cho ông chủ, cho kẻ áp bức, cho kẻ bóc lột. Bất kì ai ngẫu nhiên lọt vào trong giới quyền lực, đại học đều phục vụ cho. Chúng còn chưa phục vụ cho nhân loại.
Nếu như chúng thực sự phục vụ cho nhân loại, thế thì đại học sẽ là chỗ để học nổi dậy. Đại học sẽ tạo ra các cuộc cách mạng. Đại học sẽ không tạo ra người rập khuôn theo qui tắc, kẻ tuân thủ; đại học sẽ tạo ra những người không tuân thủ, không rập khuôn. Nó sẽ tạo ra người nổi dậy - phiêu lưu, sẵn sàng mạo hiểm cuộc sống của mình cho chân lí. Điều đó vẫn còn chưa xảy ra.
Sự kiện đáng buồn là ở chỗ nhân danh giáo dục điều gì đó xấu xa vẫn đang được tiếp tục, điều gì đó rất xấu. Đằng sau cái mặt nạ đó, cái gì đó rất tội ác vẫn đang tiếp tục. Và đây là tội ác: rằng chúng làm trệch năng lượng của bạn từ tim lên đầu, chúng phá huỷ năng lực yêu của bạn và chúng buộc bạn học logic. Với chúng logic còn quan trọng hơn yêu, suy nghĩ là quan trọng hơn nhạy cảm. Đây chính là việc đặt con bò sau chiếc xe. Nó hoàn toàn là lộn ngược.
Đó là lí do tại sao nhân loại đang trong đống lộn xộn thế: cái không thật dường như là thật và cái thật dường như là không thật. Chúng đã thành công trong việc bóp méo cách nhìn của bạn. Chư phật đang chiến đấu chống lại tất cả những quyền lợi được đầu tư đó.
Phật nói: Lầm cái giả thành cái thật và cái thật thành cái giả, ông bỏ sót trái tim và rót đầy mình bằng ham muốn.
Tâm trí là ham muốn, và bạn cứ rót đầy bản thân mình bằng ngày càng nhiều ham muốn, ngày càng nhiều tham vọng, ngày càng nhiều khao khát quyền lực, danh vọng, của cải. Và bạn hoàn toàn quên mất rằng có trái tim đang đập bên trong bạn cái đã sống trong Thượng đế, cái đã là một phần của luật tối thượng - aes dhammo sanantano - mà đã là một phần của luật không cạn, vĩnh hằng. Bạn đang được nối từ trái tim tới Thượng đế. Trái tim bạn là rễ trong mảnh đất Thượng đế.
Trái tim bạn vẫn còn được nuôi dưỡng bởi Thượng đế, chân lí, nhưng bạn không ở đó. Bạn đã bỏ trống chỗ này. Bạn sống trong đầu bạn. Ngày tới ngày đi, bạn sống trong đầu bạn; bạn chưa bao giờ đi xuống từ đó. Ngay cả trong đêm khi ngủ bạn vẫn cứ làm ầm ĩ trong đầu... mơ, rồi mơ trùm lên mơ. Ban ngày ý nghĩ, ban đêm mơ. Chúng không khác biệt.
Mơ chỉ là việc dịch của suy nghĩ sang ngôn ngữ của ngủ, và ngược lại: suy nghĩ không là gì ngoài việc dịch mơ sang ngôn ngữ của ngày. Bạn cứ di chuyển giữa hai điều này: mơ và nghĩ. Cả hai đều là ham muốn. Bạn nghĩ gì? Cái gì có đó để suy nghĩ ngoại trừ ham muốn? Và bạn mơ gì ngoại trừ ham muốn?
Phật nói cái giả dường như là thật bởi vì bạn đã trở thành giả đối với cái thật riêng của mình, với trái tim riêng của mình. Quay lại trái tim đi, và thế thì bạn sẽ có khả năng biết tới cái thật là thật và cái giả là giả. Đó là chứng ngộ, đó là đang về nhà.
Thấy cái giả là giả
Nhưng bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ việc thấy cái giả là giả. Đó là lí do tại sao mọi chư phật đều dường như phủ định, mọi chư phật dường như có tính phá huỷ. Họ phủ định. Jesus phủ định. Ông ấy nói đi nói lại: Điều đó đã được nói cho ông trong quá khứ, nhưng tôi nói với ông... Và ông ấy thay đổi toàn bộ quan điểm.
Chẳng hạn, ông ấy nói: Điều đó đã được nói cho ông trong quá khứ rằng cái này cái nọ là luật. Nếu ai đó ném gạch vào ông, phản ứng bằng việc ném đá. Nhưng ta nói cho ông, nếu ai đó tát vào má này của ông, chìa má kia ra cho người đó. Và nếu ai đó lấy áo khoác của ông, cho anh ta cả áo sơ mi của ông nữa. Và nếu ai đó buộc ông đi một dặm đường với anh ta, đi hai dặm đường.
Mohammed chống lại mọi hình ảnh của Thượng đế, bởi vì mọi người đã tôn thờ hàng thế kỉ; họ có ba trăm sáu mươi nhăm vị thần - mỗi thần cho một ngày trong năm. Đền thờ Kaaba trong thời của Mohammed là một trong những đền vĩ đại nhất trên trái đất này - chuyên dành cho ba trăm sáu mươi nhăm thần! Mohammed phá huỷ tất cả những thần tượng này. Điều đó có vẻ phủ định...
Phật nói: Không có cái thật trong Veda, trong Upanishad. Thận trọng với những lời đẹp đẽ này, thận trọng với những suy đoán triết lí này. Đừng phí thời gian chẻ đôi sợi tóc, bằng logic. Im lặng đi! Vứt Veda ra khỏi đầu bạn, chỉ thế thì bạn mới có thể im lặng được. Ông ấy có vẻ như phủ định, ông ấy có vẻ như hư vô, ông ấy có vẻ nguy hiểm - nhưng đó là cách duy nhất bạn có thể được giúp.
Bạn phải được bảo cho cái giả là giả. Bạn phải bắt đầu với điều này: neti, neti - không cái này không cái kia. Thầy phải nói với bạn, “Cái này là giả, cái kia là giả.” Thầy phải cứ chỉ ra cho bạn bất kì cái gì là giả trước hết, bởi vì khi bạn đã biết tất cả những cái giả, đột nhiên biến đổi xảy ra trong tâm thức của bạn. Khi bạn đã trở nên nhận biết về cái giả, bạn bắt đầu nhận biết về cái thật.
Bạn không thể được dạy cái gì là chân lí, nhưng bạn chắc chắn có thể được dạy cái gì là không là chân lí. Bạn đã bị ước định, bạn có thể được giải ước định đó. Bạn đã bị thôi miên - là người Hindu, người Mô ha mét giáo, Ki tô giáo, Jaina giáo... Chức năng của thầy là giải thôi miên cho bạn. Một khi bạn được giải thôi miên, đột nhiên bạn sẽ có khả năng thấy chân lí. Chân lí không cần được dạy.
Thấy cái giả là giả, cái thật là thật. Nhìn vào trái tim ông
Đi theo bản tính của ông.
Một trong những phát biểu có ý nghĩa nhất từ trước tới giờ: Nhìn vào trái tim ông. Đi theo bản tính của ông. Ông ấy không nói theo kinh sách. Ông ấy không nói theo ta. Ông ấy không nói theo qui tắc đạo đức nào đó. Ông ấy không dạy bạn bất kì đạo đức nào. Ông ấy không cố tạo ra tính cách nào đó quanh bạn, bởi vì mọi tính cách đều là các phòng giam đẹp. Ông ấy không cho bạn cách sống nào đó. Thay vì thế ông ấy cho bạn lòng dũng cảm, sự động viên, để đi theo bản tính riêng của bạn. Ông ấy muốn bạn đủ bạo dạn để lắng nghe trái tim riêng của bạn và đi theo nó tương ứng.
“Đi theo bản tính của ông” nghĩa là tuôn chảy với bản thân bạn. Bạn là kinh sách... và ẩn sâu bên trong bạn là tiếng nói nhỏ bé, tĩnh lặng. Nếu bạn trở nên im lặng thì bạn sẽ được hướng dẫn từ đó.
Thầy chỉ phải làm cho bạn nhận biết về người thầy bên trong của bạn. Thế thì chức năng của thầy được hoàn tất. Thế thì thầy có thể bỏ bạn lại với bản thân bạn; thầy có thể ném bạn về với bản thân bạn. Thầy không làm cho đệ tử thành nô lệ; thầy là để giải phóng người đó, cho người đó tự do toàn bộ. Và đây là khả năng duy nhất để đạt tới tự do toàn bộ: Đi theo bản tính của ông. Với “bản tính” Phật ngụ ý pháp. Cũng hệt như bản tính của nước là chảy xuống và bản tính của lửa là bốc lên, cho nên có bản tính nào đó ẩn bên trong bạn. Nếu mọi ước định đã từng được xã hội đặt quanh bạn, được vứt bỏ đi, đột nhiên bạn sẽ khám phá ra bản tính của bạn. Bản tính của bạn đã trở thành Thượng đế. Aes dhammo sanantano - đây là luật vĩnh hằng, không cạn: bản tính của bạn là trở thành Thượng đế.
Con người là thượng đế tiềm năng - bồ tát. Con người được ngụ ý để trở thành thượng đế. Kém hơn điều đó sẽ không thoả mãn cho bạn, kém hơn điều đó là không ích gì. Bạn có thể có tất cả tiền bạc trong thế giới này, tất cả quyền lực, tất cả danh vọng có thể có, và dầu vậy bạn vẫn còn trống rỗng - chừng nào bản tính thiêng liêng của bạn còn chưa nở hoa, chưa mở nụ của nó ra, chừng nào bạn còn chưa trở thành hoa sen, hoa sen một nghìn cánh, chừng nào điều thiêng liêng của bạn còn chưa hiển lộ ra cho bạn, bạn không bao giờ có thể được mãn nguyện.
Người tôn giáo bình thường được bảo vẫn còn thoả mãn, mãn nguyện, với bất kì cái gì là hoàn cảnh. Cái gọi là các thánh nhân tôn giáo cứ thuyết giảng cho mọi người: Được thoả mãn đi. Thoả mãn là một trong những giáo lí nền tảng của họ. Điều đó không phải là cách thức của các thầy thực.
Thầy thực tạo ra bất mãn trong bạn - và bất mãn đến mức không điều gì của thế giới này có thể thoả mãn được nó. Thầy tạo ra khát khao trong bạn đến mức chừng nào bạn chưa đạt tới điều tối thượng bạn vẫn còn bốc cháy, bốc lửa. Thầy tạo ra đau trong trái tim bạn, thầy tạo ra khổ não... bởi vì cuộc sống đang tuột đi mọi khoảnh khắc, và từng khoảnh khắc trôi qua là trôi qua mãi mãi, và bạn chưa đạt  tới Thượng đế, và một ngày lại qua đi.
Thầy tạo ra khao khát sâu lắng thế trong bạn, nỗi đau đến thế trong tim! Thầy tạo ra nước mắt trong mắt bạn, bởi vì chỉ qua sự bất mãn thiêng liêng như thế bạn sẽ chuyển động, bạn sẽ lấy bước nhảy lượng tử, bước nhảy tối thượng vào cái không biết. Chính chỉ qua sự bất mãn thiêng liêng đến mức bạn sẽ thu lấy mọi năng lượng của bạn, và bạn sẽ mạo hiểm, và bạn sẽ đi vào cuộc phiêu lưu tối thượng để tìm ra bạn là ai.
Đi theo bản tính riêng của bạn. Bản tính của bạn là tâm thức. Nhưng bạn đã được các tu sĩ bảo cho: hãy theo những qui tắc đạo đức nào đó, mười điều răn dạy, tuân theo nguyên lí nào đó - không phải là bản tính của bạn. Các tu sĩ rất sợ bản tính của bạn, bởi vì nếu bạn đi theo bản tính của bạn, bạn sẽ thoát ra khỏi sự nắm bắt của họ, bạn sẽ không còn là kẻ nô lệ nữa. Bạn sẽ không đến nhà thờ, đền đài, chùa chiền nữa, và bạn sẽ không nghe những tu sĩ ngốc nghếch, các chính khách, cái gọi là những lãnh tụ. Tôi gọi họ là “cái gọi là lãnh tụ” bởi vì điều thực tế đang xảy ra là ở chỗ người mù đang dẫn dắt người mù khác.
Bạn sẽ không lắng nghe họ thêm nữa nếu bạn lắng nghe bản tính riêng của mình. Nếu bạn biết tiếng nói bên trong riêng của mình, bạn sẽ trở nên tự do. Tiếng nói bên trong của bạn phải bị nghiền nát, phải bị phá huỷ, hoàn toàn bị phá huỷ - ít nhất bị bóp méo đến mức cho dù bạn nghe thấy nó, bạn không thể hiểu được nó. Và họ đã thành công. Chừng nào bạn chưa đấu tranh gian nan chống lại họ, không có khả năng nào cho thành công. Khai thác của họ cũ thế, áp bức của họ cổ thế, chiến lược của họ tinh ranh thế... và họ có vô hạn quyền lực trong tay. Và bạn là gì mà chống lại họ như một cá nhân?
Nhưng nếu bạn đi vào, nếu bạn lắng nghe trái tim bạn, bạn sẽ đạt tới sức mạnh mà không quyền lực nào trên trái đất này có thể làm bạn nô lệ lần nữa.
Đi theo bản tính của ông... Nhưng làm sao đi theo bản tính của bạn nếu bạn không biết nó là gì? Và bạn không được phép biết nó! Bạn được trao cho những lệnh chính xác phải làm gì: ăn gì, khi nào dậy vào buổi sáng, khi nào đi ngủ. Bạn đã được trao cho những lệnh chính xác. Những lệnh này, nếu được tuân theo, làm bạn thành nô lệ. Nếu không được tuân theo, họ làm cho bạn thành tội nhân. Nếu được tuân theo, bạn trở thành thánh nhân - nhưng là nô lệ. Mọi người sẽ tôn thờ bạn, kính trọng bạn, nhưng tất cả những kính trọng đó đều là ngầm hiểu lẫn nhau: “Nếu anh tuân theo lệnh của chúng tôi, chúng tôi sẽ kính trọng anh. Nếu anh không tuân theo, anh sẽ bị tống vào nhà giam.”
Hoặc là bạn bị làm thành kẻ nô lệ về tâm linh hoặc là bị làm thành tù nhân về thể chất: đây là hai phương án xã hội trao cho bạn. Và nó không bao giờ để bạn trở nên nhận biết rằng có nguồn vô hạn những hướng dẫn bên trong bạn, từ đó Thượng đế nói.
Thượng đế vẫn nói, ngài đã không dừng nói. Ngài không thiên vị - không phải là ngài nói cho Mohammed và cho Moses và ngài không nói cho bạn. Ngài đang nói cho bạn cũng nhiều như ngài đã nói cho Mohammed. Điều khác biệt duy nhất là, Mohammed đã sẵn sàng lắng nghe còn bạn không sẵn sàng lắng nghe. Mohammed là sẵn có còn bạn không sẵn có.
Trở nên sẵn có cho bản tính bên trong của bạn là điều tôi gọi là thiền.
Nhớ hai từ này. ‘Tính cách’ là bịa đặt của các chính khách và tu sĩ; nó là âm mưu chống lại bạn. Tâm thức là bản tính của bạn. Vâng, con người của tâm thức có tính cách nào đó, nhưng tính cách đó đi theo tâm thức người đó. Nó không bị bất kì ai khác áp đặt vào người đó; nó là quyết định riêng của người đó. Và người đó không bị giam hãm trong nó; người đó tự do toàn bộ để thay đổi nó vào bất kì khoảnh khắc nào. Khi hoàn cảnh thay đổi, thì tâm thức người đó trao cho người đó những chỉ đạo khác và người đó thay đổi tính cách của mình.
Người có tính cách - cái gọi là người có tính cách - là bị giam cầm. Cho dù hoàn cảnh thay đổi người đó vẫn cứ lặp lại cùng tính cách đó, mặc dầu nó không còn liên quan nữa, nó không khớp nữa. Hoàn cảnh mà trong đó nó có nghĩa đã biến mất, nhưng người đó vẫn cứ lặp lại cùng những điều vô nghĩa. Người đó giống như con vẹt. Người đó là cái máy: người đó không đáp ứng, người đó chỉ phản ứng.
Người có tâm thức đáp ứng, và đáp ứng của người đó là tự phát. Người đó tựa tấm gương: người đó phản xạ bất kì cái gì tới trước mình. Và từ tính tự phát này, từ tâm thức này, một loại hành động mới được sinh ra. Hành động đó chưa bao giờ tạo ra bất kì tù túng nào, bất kì nghiệp nào. Hành động đó giải phóng bạn. Bạn vẫn còn là tự do nếu bạn lắng nghe bản tính của bạn.
Nhưng lời khuyên đơn giản này dường như là rất khó đối với mọi người. Nó phải là điều đơn giản nhất trên thế giới này. Từng đứa trẻ được sinh ra đều tuân theo bản tính của nó, nhưng khi bạn lớn lên, dần dần bạn mất tiếp xúc với nó - bạn bị buộc phải mất tiếp xúc với nó. Tiếp xúc này có thể được giành lại, nó có thể được khám phá lại. Về sau, khi bạn trở nên rất thông thái, bị giam cầm trong tính cách nào đó, hoàn toàn mù quáng với trái tim và bản tính riêng của bạn, bạn bắt đầu hỏi câu hỏi như vậy.
Mới hôm nọ Prem Vijen đã hỏi:
“Thưa Thầy kính yêu, thầy ngụ ý gì khi thầy nói ‘Đi vào’?”
Một phát biểu đơn giản thế - “Đi vào” - và bạn hỏi tôi, “Thầy ngụ ý gì?” Bạn không thể hiểu những từ đơn giản này sao, ‘đi vào’? Tôi biết bạn hiểu các từ này, nhưng đi vào đã trở thành khó thế bởi vì bạn đã được dạy chỉ mỗi cách đi ra. Bạn chỉ có thể đi ra, bạn chỉ biết cách đi ra. Tâm thức của bạn đã quay hướng sang người khác; nó đã quên mất con đường vào bản thân nó. Bạn cứ gõ lên cửa của người khác, và bất kì khi nào bạn được bảo, “Về nhà đi,” bạn nói, “Thầy ngụ ý gì bởi ‘về nhà’?” Bạn chỉ biết nhà của người khác, nhưng bạn không biết nhà riêng của mình. Và bạn đang mang nó bên trong bản thân mình. Bạn đã bị buộc phải trở thành hướng ngoại. Người ta phải học lại cách hướng nội.
Soren Kierkegaard đã nói: Tôn giáo có nghĩa là hướng nội - đi vào bên trong nội tâm riêng của bạn. Nhưng từ đơn giản, ‘đi vào’, đã trở nên khó hiểu thế. Tâm trí chỉ biết cách đi ra; nó không có bánh răng ngược trong nó.
Tôi đã nghe nói rằng khi Ford làm những chiếc xe ô tô đầu tiên của ông ấy chúng không có bánh răng quay ngược. Bánh răng đó mãi về sau mới được thêm vào. Không có bánh răng quay ngược nó là vấn đề thực sự: bất kì khi nào bạn muốn quay lại bạn phải đi nhiều dặm đường không cần thiết, bạn phải đi vòng. Cho dù bạn muốn đi lùi vài mét, bạn có thể phải làm cuộc hành trình nhiều cây số. Thế rồi Ford trở nên nhận biết rằng bánh răng ngược được cần tới.
Tôi đang dạy bạn ở đây rằng bánh xe ngược có đó, có sẵn rồi, bạn chỉ quên mất nó thôi. Bạn biết cách đi ra. Không ai hỏi, “Điều đó có nghĩa gì khi thầy nói ‘Đi ra’?” Nhưng mọi người đều muốn hỏi, “Thầy ngụ ý gì khi thầy nói, ‘Đi vào’?” Từ đơn giản!
Suy nghĩ là đi ra: không suy nghĩ là đi vào. Nghĩ, và bạn bắt đầu đi xa khỏi bản thân mình. Ý nghĩ là cách đưa bạn đi xa. Ý nghĩ là dự án. Không ý nghĩ... và bỗng nhiên bạn ở trong. Không ý nghĩ, bạn không thể đi ra được, không ham muốn, bạn không thể đi ra được. Bạn cần nhiên liệu của ham muốn và chiếc xe ý nghĩ để đi ra.
Ngồi im lặng, không làm gì... thậm chí không nghĩ, thậm chí không ham muốn... và bạn sẽ ở đâu?
Đi vào không thực sự là đi vào. Nó đơn giản là dừng đi ra... và bỗng nhiên bạn thấy bản thân mình ở trong.
Prem Vijen, bạn cần không đi vào bởi vì nếu bạn đi, bao giờ cũng là đi ra. Đi nghĩa là đi ra. Dừng việc đi! Dừng việc đi bất kì đâu! Bạn không thể ngồi im lặng mà không đi đâu cả sao? Vâng, về mặt vật lí bạn có thể ngồi, điều đó không khó gì mấy. Bạn có thể học tư thế yoga và bạn có thể làm cho thân thể mình gần như là bức tượng, nhưng vấn đề là - bạn đang làm gì bên trong? Ham muốn, ý nghĩ, kí ức, tưởng tượng, đủ mọi loại dự án? - dừng chúng lại nữa.
Làm sao dừng chúng lại? Chỉ trở nên dửng dưng với chúng, không bận tâm. Cho dù chúng có đó, đừng chú ý tới chúng. Cho dù chúng có đó, đừng cho chúng là quan trọng. Cho dù chúng có đó, cứ để chúng đấy. Bạn ngồi im lặng bên trong - quan sát. Nhớ từ ‘quan sát’ đó - chứng kiến, chỉ tỉnh táo.
Và khi việc quan sát lớn dần lên, trở nên sâu sắc hơn, cùng năng lượng đã trở thành ham muốn và ý nghĩ và kí ức và tưởng tượng - cùng năng lượng ấy được hấp thu vào chiều sâu mới. Cùng năng lượng ấy được dùng với việc đi sâu vào bên trong này. Và bạn sẽ biết điều đó có nghĩa gì khi tôi nói ‘Đi vào’.
Đừng bắt đầu nhìn vào từ điển hay Bách khoa toàn thư Encyclopaedia Britannica. Đấy không phải là vấn đề từ ngữ! Từ ngữ đơn giản để hiểu; khi tôi nói “Đi vào,” đó đích xác là điều tôi ngụ ý - đi vào! Đừng bắt đầu hỏi về từ ngữ - hãy lắng nghe thông điệp ẩn kín; bằng không bạn sẽ lỡ tầu. Tôi ngụ ý gì bởi ‘lỡ tầu’?
Để tôi kể cho bạn một câu chuyện:
Vợ của một nông dân chất phác tới ga Paddington để đáp chuyến tầu, và có thời gian dư trước khi tầu tới, cô ấy nghĩ cô ấy sẽ kiểm tra cân nặng của mình trên chiếc cân máy gần đó.
Cô ấy leo lên, cho một xu vào và máy bật ra một tấm thẻ có ghi, “Bạn nặng một trăm năm mươi pound và trong năm phút nữa kể từ bây giờ bạn sẽ đánh rắm.” Đỏ mặt sượng sùng và cảm thấy có chút ít bị xúc phạm, cô ấy bước ra khỏi chiếc cân và vội vã ra xa. Năm phút sau với toàn bộ sự ngạc nhiên của mình, cô ấy đánh cái rắm rõ to và dài.
Rất thẹn thùng, nhưng đầy tò mò, cô ấy quay lại chiếc máy để xem nó nói gì lần này. Cho vào một xu - một thẻ tuồn ra: “Bạn vẫn nặng một trăm năm mươi pound và năm phút nữa kể từ bây giờ bạn sẽ bị cưỡng hiếp.” Cô ấy nhảy ra khỏi máy một cách phẫn nộ và cương quyết bước ra xa.
Một người bán báo, người đang có buổi sáng nghỉ ngơi đặc biệt, nhìn thấy cô thôn nữ vụng về này và nghĩ có trò vui vẻ, cho nên trước khi cô ấy biết điều gì xảy ra, thì cô ấy bị kéo vào sau quầy và bị cưỡng hiếp. Vài phút sau đó thoát ra khỏi trạng thái khủng khiếp, với cái mũ còn ở một bên, gót gầy bị vỡ, và trong trạng thái sốc hoàn toàn, cô ấy lảo đảo bước lại cái máy và mò mẫm đút vào một xu. Một cái thẻ lại tuồn ra: “Bạn vẫn nặng một trăm năm mươi pound, và với tất cả những việc đánh rắm và đéo đó, bạn sẽ lỡ tầu!”
Nếu bạn trở nên quá quan tâm tới từ ngữ - “Đi vào có nghĩa là gì? Nó có nghĩa gì, bằng lời, bằng ngôn từ?” - Vijen, bạn sắp lỡ tầu đấy. Đừng phí thời gian với từ ngữ!
Và đấy là loại bệnh tật đặc biệt mới mà những trí thức của thế giới này hay mắc phải. Trong ít nhất năm mươi năm thế giới triết học đã trở nên quan tâm quá nhiều tới từ ngữ, phân tích ngôn từ. Họ không hỏi thêm Thượng đế là gì. Họ không hỏi thêm liệu Thượng đế có tồn tại hay không. Các triết gia hiện đại hỏi, “Khi bạn dùng từ ‘Thượng đế’ nó có nghĩa gì?” Đấy không phải là câu hỏi liệu Thượng đế có tồn tại hay không. Đấy không phải là câu hỏi Thượng đế là gì. Đấy không phải là câu hỏi làm sao đạt tới Thượng đế. Bây giờ câu hỏi đã lấy một ngã rẽ rất mới: “Khi bạn dùng từ ‘Thượng đế’ nó có nghĩa gì?”
Bạn ngụ ý gì khi bạn dùng từ ‘hoa hồng’? Bây giờ điều đó là dễ dàng: bạn có thể giữ triết gia lại, buộc ông ta đi ra vườn, và bạn có thể chỉ cho ông ta bông hồng: “Đây là điều tôi ngụ ý khi tôi dùng từ ‘hoa hồng’.” Nhưng điều này không thể làm được với từ ‘Thượng đế’ - và điều này không thể làm được với từ ‘thiền’ và điều này không thể làm được với từ ‘đi vào’. Đây là những hiện tượng tinh tế. Đừng trở nên quan tâm về mặt ngôn từ. Tôi không ở đây để dạy bạn phân tích ngôn từ.
Toàn bộ cách tiếp cận của tôi mang tính tồn tại. Nếu bạn thực sự muốn biết đi vào nghĩa là gì, đi vào đi! Và cách thức là: quan sát các ý nghĩ của bạn và không bị đồng nhất với chúng. Vẫn còn là người quan sát, hoàn toàn dửng dưng, không ủng hộ không chống đối. Đừng phán xét, bởi vì mọi phán xét đều đem lại đồng nhất. Đừng nói, “Những ý nghĩ này là sai,” và đừng nói, “Những ý nghĩ này là tốt.” Đừng bình luận về ý nghĩ. Cứ để chúng diễu qua dường như đấy là luồng giao thông trôi qua, và bạn đang đứng bên lề đường không quan tâm, nhìn vào giao thông.
Cái gì diễu qua không thành vấn đề - xe buýt, xe tải, xe đạp. Nếu bạn có thể quan sát quá trình suy nghĩ của tâm trí bạn với sự không quan tâm như thế, với tách rời như thế, một khoảnh khắc không xa lắm sẽ tới khi ngày nào đó toàn thể giao thông biến mất... bởi vì giao thông có thể tồn tại chỉ nếu bạn cứ trao năng lượng cho nó. Nếu bạn dừng trao năng lượng cho nó... Và đó là điều quan sát là gì: dừng trao năng lượng cho nó, dừng việc chuyển năng lượng vào trong giao thông. Chính năng lượng của bạn làm cho các ý nghĩ di chuyển. Khi năng lượng của bạn không tới thì chúng bắt đầu rơi rụng đi; chúng không thể đứng theo cách riêng của chúng.
Và khi con đường của tâm trí là hoàn toàn trống rỗng, bạn ở trong. Đó là điều tôi ngụ ý, Vijen, khi tôi nói “Đi vào.” Và đó là điều Phật ngụ ý khi ông ấy nói: Đi theo bản tính của ông.
Tâm trí không phản xạ là chiếc mái nghèo nàn.
Đam mê, như mưa, làm ngập lụt ngôi nhà.
Nhưng nếu mái mạnh mẽ, có chỗ trú ẩn.
Tâm trí không phản xạ... Phật không ngụ ý bởi “phản xạ” là suy nghĩ, lưu tâm vào. Bởi “phản xạ” ông ấy đơn giản ngụ ý việc phản xạ, không suy nghĩ - phản xạ theo nghĩa chiếc gương phản xạ. Khi bạn tới trước gương, gương không suy nghĩ về bạn. Tấm gương đơn giản soi gương! Việc soi gương đó là điều Phật ngụ ý.
Tâm trí không phản xạ - tâm trí đã quên mất cách soi gương - là chiếc mái nghèo nàn. Và chúng ta đã quên mất cách soi gương. Chúng ta biết cách nghĩ, chúng ta không biết cách phản xạ.
Nghĩ về đứa trẻ: đứa trẻ được sinh ra, lần đầu tiên đứa trẻ mở mắt ra - nó sẽ thấy cây, nhưng nó sẽ không có khả năng nói với bản thân nó, “Đây là cây.” Nó sẽ thấy ánh sáng, nhưng nó sẽ không có khả năng nói bên trong bản thân nó, “Đây là ánh sáng điện.” Nó sẽ thấy mầu đỏ của bông hồng, nhưng nó sẽ không có khả năng nói, “Đây là hoa hồng và mầu là đỏ.” Nó sẽ thấy mọi thứ, nhưng nó sẽ không nói gì bên trong. Đó là việc soi gương: nó sẽ đơn giản soi gương. Cây cối sẽ vẫn xanh, thực ra xanh hơn là chúng vẫn xanh, bởi vì gương hoàn toàn thuần khiết, trong như pha lê. Gương không có bụi bặm... ý nghĩ tụ tập bụi bặm.
Khi bạn đi vào vườn và bạn nói, “Hoa hồng đẹp quá,” bạn có thể thậm chí không thấy hoa hồng. Bạn có thể đơn giản lặp lại câu nói rập khuôn. Bởi vì bạn đã thấy người ta nói rằng hoa hồng đẹp bạn nói điều đó. Thấy mặt trời lặn đẹp, bạn có thể không thấy nó, bạn có thể không chú ý, bạn có thể không nhận biết... nhưng một cách vô ý thức, tự động, bạn đơn giản khẳng định, “Mặt trời lặn đẹp quá.” Bạn không ngụ ý điều đó chút nào; bạn đơn giản nói điều đó bởi vì bạn đã được bảo. Bạn đang lặp lại phát biểu của ai đó. Nếu bạn quan sát sâu, bạn thậm chí có thể thấy đây là phát biểu của ai - của mẹ bạn, của bố bạn, của thầy giáo bạn, của bạn bè bạn. Nếu bạn quan sát kĩ lưỡng bạn có thể có khả năng nghe thấy đích xác tiếng nói của người đã nói lần đầu tiên rằng mặt trời lặn là đẹp... và bạn đơn giản lặp lại điều đó. Bạn chưa thấy mặt trời lặn này. Bạn chưa thấy cái ‘này’, sự hiện diện, cái đẹp tức khắc của nó.
Phật nói: Tâm trí không phản xạ là chiếc mái nghèo nàn.
Đam mê, như mưa, làm ngập lụt ngôi nhà.
Một tâm trí mà đã quên mất cách soi gương chân lí bao giờ cũng là nạn nhân của ham muốn - nạn nhân của cái đầu, nạn nhân của tương lai, nạn nhân của khao khát thường xuyên về điều này điều nọ. Và không ham muốn nào có thể được thoả mãn cả. Vào lúc một ham muốn được thoả mãn, nó đã tạo ra thêm mười ham muốn nữa.
Và điều này cứ tiếp diễn mãi... và cuộc sống ngắn ngủi, và cái chết có thể gõ cửa bạn vào bất kì lúc nào.
Bạn tới thế giới này để được thoả mãn, nhưng bạn đi với bàn tay trống rỗng, bạn đi không được thoả mãn. Do đó bạn sẽ phải quay lại lần nữa. Chừng nào bạn chưa học xong bài học bạn sẽ còn phải bị ném trở lại nữa vào trong bụng mẹ nào đó, bạn sẽ phải được tái sinh. Bạn sẽ bị gửi lại trường học. Bạn đã bị gửi lại hàng triệu lần, và nếu bạn không chú ý, bạn cũng sẽ lỡ tầu với cuộc sống này.
Thận trọng vào! Bắt đầu lau sạch tấm gương của bạn sao cho bạn có thể phản xạ.
Đam mê, như mưa, làm ngập lụt ngôi nhà. Nhưng nếu mái mạnh mẽ, có chỗ trú ẩn. Nếu bạn biết cách phản xạ thực tại, có chỗ trú ẩn. Bạn an toàn bởi vì bạn ở trong Thượng đế, bởi vì bạn là một phần của chân lí.
Bất kì ai đi theo những ý nghĩ không thuần khiết
Đều khổ trong thế giới này và thế giới sau.
Trong cả hai thế giới người ấy khổ,
Và vĩ đại làm sao,
Khi người ấy thấy điều sai mình đã làm.
Mọi ý nghĩ đều không thuần khiết. Ý nghĩ không thể là thuần khiết được. Cho nên để tôi nhắc bạn lần nữa: bất kì khi nào Phật nói “ý nghĩ không thuần khiết” ông ấy ngụ ý các ý nghĩ. Ông ấy dùng tính từ “không thuần khiết” để nhấn mạnh nó, bởi vì nếu ông ấy đơn giản nói “ý nghĩ” bạn có thể không hiểu đúng. Cho nên ông ấy nói “ý nghĩ không thuần khiết,” nhưng ông ấy bao giờ cũng ngụ ý các ý nghĩ. Mọi ý nghĩ đều không thuần khiết, bởi vì ý nghĩ nghĩa là bạn đang nghĩ tới cái khác, ham muốn đã nảy sinh. Và bất kì khi nào ông ấy nói “ý nghĩ thuần khiết” ông ấy ngụ ý vô ý nghĩ.
Chỉ vô ý nghĩ là thuần khiết, bởi vì thế thì bạn hoàn toàn là bản thân mình, một mình, không cái gì can thiệp vào.
Jean-Paul Sartre nói: Người khác là địa ngục. Và ông ấy là đúng theo một cách nào đó, bởi vì bất kì khi nào bạn đang nghĩ về người khác, bạn ở trong địa ngục. Mọi ý nghĩ đều đề cập tới người khác. Khi bạn đang trong trạng thái vô ý nghĩ, bạn một mình, và tính một mình là thuần khiết. Và trong tính một mình đó xảy ra tất cả những điều đáng xảy ra.
Nhưng bất kì ai tuân theo luật
Đều vui vẻ ở đây và vui vẻ ở kia.
Trong cả hai thế giới người ấy đều hân hoan,
Và vĩ đại làm sao,
Khi người ấy thấy điều tốt mình đã làm.
Đảo ngược lại, khi bạn thấy rằng bạn đã tạo ra địa ngục cho bản thân mình - không ai khác chịu trách nhiệm ngoài bạn - khi bạn thấy điều này bạn sẽ khổ lắm, khủng khiếp rồi. Thậm chí không có một cái cớ, bạn không thể ném trách nhiệm lên vai ai đó khác được: nó là trách nhiệm của bạn.
Khổ sẽ có đó và còn nhiều thế, còn mạnh hơn thế, bởi vì bạn cũng sẽ cảm thấy, “Mình ngu quá. Không ai làm mình khổ cả. Chỉ bởi vì ý nghĩ của mình thôi. Đấy là vì mình ngày càng trở nên hướng ngoại hơn, ngày càng trở nên quan tâm đến những thứ của bên ngoài, nên mình khổ. Mình duy nhất phải chịu trách nhiệm.”
Điều này sẽ cho bạn thống khổ lớn lao - và ngược lại. Nếu bạn tuân theo luật, theo pháp, theo Đạo, nếu bạn tuân theo cốt lõi bên trong nhất của bạn, bản tính của bạn, bạn sẽ vui vẻ ở đây và ở kia.
Phật không quan tâm mấy tới “ở kia.” Nhưng ông ấy nói nếu bạn vui vẻ ở đây bạn nhất định vui vẻ ở kia. Nếu khoảnh khắc này bạn hân hoan, khoảnh khắc tiếp bạn sẽ hân hoan hơn, bởi vì khoảnh khắc tiếp sắp được sinh ra từ khoảnh khắc này.
Và phúc lạc của bạn thu lấy đà, nó có tính tích luỹ. Nếu khoảnh khắc này bạn khổ, khoảnh khắc tiếp bạn sẽ khổ hơn, bởi vì bạn đang học cách khổ, bạn đang trở nên quen với khổ. Bạn sẽ tạo ra nhiều khổ hơn cho khoảnh khắc tiếp bởi vì bạn đang trở nên hiệu quả hơn trong việc tạo ra nó. Cho nên bất kì cái gì là bản chất của khoảnh khắc này, nó sẽ được làm mạnh thêm, sâu hơn, vào khoảnh khắc tiếp.
Nhưng Phật không bận tâm về khoảnh khắc tiếp chút nào. Ông ấy đơn giản phát biểu một sự kiện.
Đừng bận tâm về khoảnh khắc tiếp, hay kiếp sống tiếp, hay thế giới tiếp. Làm cho khoảnh khắc này thành hân hoan, làm cho khoảnh khắc này là khoảnh khắc của phúc lạc, và khoảnh khắc tiếp sẽ theo nó, và kiếp sống tiếp, thế giới tiếp sẽ theo nó. Và mọi thứ mà bạn đang là trong khoảnh khắc này sẽ trở nên được làm càng sâu sắc hơn. Và khi bạn thấy rằng bạn chịu trách nhiệm cho phúc lạc của bạn, phúc lạc sẽ thêm nhiều nữa. Khi bạn thấy rằng không ai đã trao nó cho bạn, rằng bạn đã không phải là kẻ ăn xin, rằng nó không phải là món quà từ ai đó khác - bởi vì không ai trao nó cho bạn, không ai có thể lấy nó đi được - khi bạn thấy điều này bạn sẽ hạnh phúc hơn nhiều.
Thu hoạch trong thế giới này là lớn, và vẫn còn lớn hơn trong thế giới tiếp.
Dù ông đọc bao nhiêu lời linh thiêng,
Dù ông nói bao nhiêu lời,
Chúng sẽ làm điều gì tốt cho ông
Nếu ông không hành động theo chúng?
Nhưng toàn thể vấn đề phụ thuộc vào hành động. Đấy không phải là vấn đề chỉ nghĩ tới các ý nghĩ đẹp. Đấy không chỉ là vấn đề các ham muốn đẹp - về Thượng đế, về thiên đường, về moksha. Đấy không phải vấn đề về việc suy nghĩ về thiền, mà là hành động, làm điều gì đó về nó. Hành động và chỉ hành động mới có thể có ích. Bạn phải trở nên được tham dự vào, bạn phải trở nên được cam kết.
Nhiều người tới tôi và nói, “Chúng tôi yêu thích những bài nói của thầy, nhưng chúng tôi không muốn thiền và chúng tôi không muốn trở thành sannyasin. Thế không đủ sao,” họ hỏi, “nếu chỉ lắng nghe những bài nói tuyệt vời của thầy?” Điều đó hoàn toàn vô ích!
Chỉ lắng nghe bài nói của tôi là rất ngu xuẩn. Nếu bạn không hành động, đừng phí thời gian - đấy là bài tập về tính vô ích! Nếu bạn chỉ cứ nghe tôi và không bao giờ hành động, thì lời tôi có thể dễ nghe, lời tôi có thể an ủi, lời tôi có thể thuyết phục, bạn có thể thích thú điều tôi đang nói về mặt trí tuệ, bạn có thể thích thú không gian được tạo ra bởi sự hiện diện của tôi, nhưng một mình điều này sẽ không ích gì. Hành động là tuyệt đối cần thiết.
Nếu bạn bị thuyết phục về chân lí nào đó, hành động theo nó, và hành động ngay lập tức đi! - bởi vì tâm trí rất tinh ranh, và tinh ranh lớn nhất của tâm trí là trì hoãn. Nó nói, “Ngày mai vậy...” và ngày mai không bao giờ tới. Nó nói, “Vâng, chúng ta sẽ thiền một ngày nào đó. Trước hết chúng ta hiểu thiền là gì.” Và thế thì bạn có thể cứ đi hiểu thiền là gì trong cả đời mình, và bạn sẽ không bao giờ hành động. Và chừng nào bạn chưa hành động không cái gì sẽ xảy ra, không biến đổi nào sẽ xảy ra.
Sannyas là cam kết. Nó là việc biểu lộ một cách tích cực tình yêu của bạn hướng tới tôi. Đó là việc tham dự vào định mệnh của tôi. Đó là việc đi vào trong chiếc thuyền của tôi. Điều đó là nguy hiểm - an toàn hơn là đứng trên bờ và lắng nghe. Thế thì đấy là một loại giải trí - giải trí tâm linh! - nhưng hoàn toàn vô dụng, chỉ giết thời gian.
Và đó là điều mà mọi người cứ làm trong cái gọi là tụ tập tâm linh - satsang. Họ tới buổi giảng ngày chủ nhật và họ lắng nghe rất chăm chú và rất nghiêm chỉnh, nhưng ra ngoài nhà thờ điều đó không có tác dụng gì lên cuộc sống của họ. Thực ra, ngay cả người thuyết giảng cũng không bị ảnh hưởng bởi điều ông ta nói. Chính công việc của ông ta là nói những điều này, ông ta được trả tiền cho việc này. Ông ta là nhà chuyên môn. Và đó là nghi lễ cho những người nghe - chỉ có danh tiếng tốt trong cộng đồng, rằng họ là tôn giáo, rằng họ tới nhà thờ đều đặn mọi chủ nhật. Và đó là sự tụ tập xã hội đẹp nữa - gặp gỡ mọi người, nói chuyện với mọi người, tán gẫu. Nó đem lại cơ hội tốt - nhân danh tôn giáo. Một sự tụ tập xã hội! Đó là môt kiểu cổ của câu lạc bộ Rotary, câu lạc bộ Lions, vân vân. Điều đó không có ý nghĩa gì, điều đó không làm thay đổi cuộc sống của họ.
Có lần tôi sống ở cạnh một linh mục Ki tô giáo, một diễn giả rất hùng biện. Một hôm ông ấy cho tôi xem khu vườn của ông ấy, và chúng tôi bắt đầu nói về điều này điều nọ. Và ông ấy nói, “Ông có thể giúp đỡ con tôi được không?”
Tôi nói, “Có chuyện gì với con ông vậy?”
Ông ta nói, “Nó bắt đầu coi buổi giảng lễ của tôi quá nghiêm chỉnh. Tôi phải thuyết giảng và tôi phải nói  về những điều lớn lao. Nó tới nghe và nó bắt đầu coi những điều đó quá nghiêm chỉnh. Bây giờ nó không muốn lấy vợ; nó muốn trở thành người linh thiêng. Ông có thể giúp cho nó được không?”
“Tôi có thể giúp được - đó là công việc của tôi mà! tôi có thể giúp - tôi giúp cho những người linh thiêng trở lại thành không linh thiêng. Ông cứ đưa nó tới tôi đi. Tôi sẽ kéo nó xuống.”
“Nhưng nghe đây,” linh mục nói, “nó coi lời tôi quá nghiêm chỉnh.” Ngay cả linh mục cũng không có nghĩa là bất kì ai cũng phải coi lời của linh mục là quá nghiêm chỉnh - và không ai làm như vậy ngoại trừ vài người ngu.
Nhưng khi bạn ở quanh một Phật, một Jesus, một Krishna, một Mohammed, vấn đề không phải là coi lời của họ là nghiêm chỉnh. Vấn đề là thấy tính chân thực của lời của họ và thế rồi hành động theo đó. Nếu điều đó khuấy động trái tim bạn, nếu chuông bắt đầu ngân trong tim bạn, thế thì đừng dừng nó lại. Thế thì đi theo đi, thế thì đi sâu hơn vào trong nó đi, bởi vì đó là cách duy nhất để được biến đổi. Đó là cách duy nhất để biết cái vĩnh hằng - aes dhammo sanantano. Đó là cách duy nhất để biết hài hoà vĩnh hằng của sự tồn tại.
Và biết tới hài hoà vĩnh hằng là biết tới phúc lạc, là biết tới Thượng đế, là vượt ra ngoài thời gian, là vượt ra ngoài cái chết, là vượt ra ngoài khổ.
Hai người phụ nữ đang nói chuyện trong phòng trà vào lúc bốn giờ, sau khi ăn cốc kem quả lớn và chút bánh đường. Họ đã không gặp nhau từ hồi còn học phổ thông, và một người đang khoe khoang về cuộc hôn nhân rất thuận lợi của mình.
“Chồng tớ mua cho tớ cả bộ kim cương mới khi chiếc của tớ bị bẩn,” cô ta nói. “Tớ chưa hề bận tâm tới việc lau sạch chúng.”
“Tuyệt diệu!” người phụ nữ kia nói.
“Vâng,” người thứ nhất nói, “chúng tớ cứ hai tháng lại kiếm một xe mới. Không có chuyện mua trả dần đâu nhé! Chồng tớ mua chúng ngay lập tức, và chúng tớ đem chúng cho người làm vườn da đen và người quản gia xem như quà tặng.”
“Tuyệt diệu!” người kia nói.
 “Còn nhà tớ,” người thứ nhất nói tiếp, “này, ích gì mà nói về nó nhỉ? Nó chỉ là...”
“Tuyệt diệu!” người kia kết thúc.
“Vâng, mà kể cho tớ, bây giờ cậu đang làm gì vậy?” người phụ nữ thứ nhất nói.
“Tớ đi học Trường làm duyên,” người kia nói. “Trường làm duyên? Sao, kì lạ nhỉ! Cậu học gì ở đó?”
“Thế này, chúng tớ học nói ‘Tuyệt diệu’ thay vì ‘Chuyện nhảm nhí’!”
Bạn có thể bắt đầu gọi chuyện nhảm nhí là “tuyệt diệu.” nhưng điều đó không khác biệt gì. Bạn có thể học rác rưởi tôn giáo, tâm linh...
Có nhiều người ở đây nữa, người rất chuyên gia trong cái gọi là biệt ngữ bí truyền. Họ bao giờ cũng nói về nhiều bình diện thế, nhiều thể thế, nhiều trung tâm thế... và họ nói nghiêm chỉnh đến mức dường như họ biết điều họ đang nói tới. Tránh những thứ rác rưởi bí truyền đi! Tránh tri thức bí truyền! Đấy không phải là tri thức, đấy chỉ là đi lừa mọi người. Nếu bạn quan tâm tới những vấn đề như vậy thì bạn nên đọc tài liệu lớn do những người theo thuyết thần bí tạo ra.
Bất kì cái gì diễn ra, bạn chỉ phải nói theo cách là nó dường như ở thế giới khác. Điều đó không thể nào được chứng minh hay bác bỏ. Bây giờ làm sao bạn có thể chứng minh được có bao nhiêu bình diện? Bẩy hay mười ba?
Một người tới tôi. Giáo phái tôn giáo của người đó tin vào mười bốn bình diện, và ông ta có một sơ đồ, ông ta đem tới một sơ đồ. Mahavira đã chỉ đạt tới bình diện thứ năm,
Phật ở bình diện thứ sáu, Kabir, Nanak, bình diện thứ chín - bởi vì ông ấy là người Punjab nên ông ấy có chút ít hào phóng với Nanak và Kabir! Nhưng thầy riêng của ông ấy Radhaswami, ông ta đạt tới bình diện thứ mười bốn! Thậm chí Phật cũng chỉ treo lơ lửng ở bình diện thứ sáu! Còn Mohammed, bạn có biết Mohammed ở chỗ nào không? - chỉ ở thứ ba! Một người Hindu và một người Punjab, làm sao bạn có thể cho phép Mohammed vượt ra ngoài bình diện thứ ba được? Ông ấy giữ ông này ở bậc thứ ba. Với Jesus ông ấy có hào phóng hơn chút ít - ở bình diện thứ tư; ông ấy đặt Jesus ở thứ tư. Nhưng guru của riêng ông ấy - chẳng ai biết về guru này - ông ấy đã đạt tới thứ mười bốn! Bình diện thứ mười bốn được gọi là satch-khand - bình diện của chân lí.
Cho nên tôi hỏi ông ta, “Thế mười ba bình diện khác thì sao?”
Ông ta nói, “Chúng chỉ tới ngày càng gần hơn với chân lí, chỉ đúng xấp xỉ thôi.”
Bây giờ, có thể có cả chân lí xấp xỉ sao? Hoặc cái gì đó là đúng hoặc cái gì đó không đúng. Hoặc tôi ở đây trong chiếc ghế này hoặc tôi không ở trong ghế - tôi không thể xấp xỉ trong ghế dược. Cho nên “chân lí xấp xỉ” là cái tên đẹp cho lời dối trá.
Ông ấy đã tới để hỏi tôi về ý kiến của tôi đối với mười bốn bình diện. Tôi nói, “Tôi đã đạt tới thứ mười lăm rồi. Và cũng như ông đang hỏi về các bình diện này, cái ông guru Radhaswami của ông cứ hỏi đi hỏi lại tôi mãi làm sao vào được bình diện thứ mười lăm.”
Ông ta giận lắm. Ông ta nói, “Chưa hề nghe nói đến bình diện thứ mười lăm!”
Tôi nói, “Làm sao ông nghe thấy được? Guru của ông cũng mới chỉ đạt tới bình diện thứ mười bốn, cho nên ông đã nghe nói đến thứ mười bốn. Nhưng tôi đã đạt tới bình diện thứ mười lăm!”
Chỉ vô nghĩa thôi! Nhưng nó có thể được trình bầy theo cách nó có vẻ rất tâm linh. Tránh xa ra!
Phật nói: Dù ông đọc bao nhiêu lời linh thiêng, dù ông nói bao nhiêu lời, chúng sẽ làm điều gì tốt cho ông nếu ông không hành động theo chúng?
Niềm tin vẫn còn trong thế giới của lời. Chính tin cậy, chính tin cậy sâu sắc đưa bạn vào hành động. Hành động là mạo hiểm. Nói về bờ bên kia là đơn giản, nhưng bơi sang bờ bên kia là nguy hiểm, bởi vì không bản đồ nào tồn tại. Thực ra không ai có thể chắc chắn về bờ bên kia, liệu nó có tồn tại hay không.
Chỉ niềm tin bình thường sẽ không có tác dụng. Chừng nào bạn chưa tin cậy vô cùng vào cuộc sống, chừng nào bạn chưa tin cậy vô cùg vào tiếng nói bên trong riêng của mình, bạn không thể tiếp tục cuộc hành trình tới những biển chưa được lập bản đồ.
Nhưng chỉ hành động sẽ chứng tỏ rằng bạn tin cậy, và chỉ hành động mới có thể biến đổi bạn.
Ông là người chăn cừu
Ai đi đếm cừu của người khác,
Chưa bao giờ chung một đường?
Phật thường nói đi nói lại: rằng có những người ngu xuẩn cứ đếm mãi bò của người khác - rằng người này có mười lăm con bò, người này có mười ba con bò - và bản thân họ thì không có lấy một con nào! Đếm bò hay cừu của người khác phỏng có ích gì? Điều đó không nuôi sống bạn, điều đó không nuôi dưỡng bạn. Điều đó cực kì lãng phí thời gian!
Nhưng đây là điều xảy ra nhân danh tôn giáo. Điều Veda nói... mọi người phí toàn thể những kiếp sống của họ trong việc cố gắng giải mã nghĩa của Veda. Có những người còn phí toàn thể cuộc sống mình để tìm ra nghĩa đúng của Kinh thánh. Đây là việc đếm cừu của người khác!
Bạn có thể đi vào trong và bạn có thể nghe thấy Kinh thánh nảy sinh tại đó - như Jesus đã nghe thấy nó. Jesus không có đặc quyền gì hơn bạn. Không ai có đặc quyền cả! Trước luật vĩnh hằng, trước pháp, mọi người đều bình đẳng. Trong thế giới này mọi người đều không bình đẳng và có thể không bao giờ bình đẳng cả. Trong thế giới này chủ nghĩa cộng sản là điều không thể được.
Nhưng trong thế giới bên trong mọi người đều bình đẳng - duy nhất chủ nghĩa cộng sản là có thể. Chủ nghĩa cộng sản là hiện tượng bên trong. Nỗ lực đang được thực hiện để làm cho thế giới bên ngoài thành thế giới cộng sản là vô tích sự; nó không thể xảy ra được trong chính bản chất của mọi vật.
Ở nước Nga Xô viết bây giờ các giai cấp cũ không còn nữa, nhưng các giai cấp mới đã tới. Các giai cấp cũ bị thay thế bởi giai cấp mới. Đầu tiên có vô sản và tư sản; bây giờ có những người cai trị, kẻ thống trị, đảng viên Đảng Cộng sản, và những người bị cai trị. Đấy là cùng trò chơi được chơi dưới cái tên khác.
Trong thế giới bên ngoài, chủ nghĩa cộng sản là điều không thể có được. Bất bình đẳng là luật; mọi người đều bất bình đẳng trong thế giới bên ngoài. Ai đó mạnh hơn bạn, ai đó thông minh hơn bạn, ai đó đẹp hơn bạn, ai đó tài hơn bạn, ai đó là thiên tài... Mọi người đều khác nhau, và họ không thể bị bắt buộc phải bình đẳng; điều đó sẽ phá huỷ nhân loại. Họ sẽ vẫn còn bất bình đẳng.
Nhưng trong thế giới bên trong, khi bạn di chuyển vào trong, bất bình đẳng bắt đầu biến mất. Tại cốt lõi bên trong nhất có bình đẳng tuyệt đối. Chủ nghĩa cộng sản là hiện tượng bên trong.
Đó là lí do tại sao tôi đang gọi đạo tràng mới của tôi là công xã. Chủ nghĩa cộng sản bắt nguồn từ từ ‘công xã’. Nó sẽ là bình đẳng bên trong. Mọi người sẽ vẫn còn khác nhau, nhiều nhất có thể được; thực ra, khi có liên quan tới thế giới bên ngoài, mọi người nên có tính cá nhân duy nhất của mình, hương vị riêng của mình, chữ kí riêng của mình. Bên ngoài mọi người nên được phép tự do tuyệt đối là bản thân mình. Bên trong, bản ngã biến mất, cá tính biến mất, chỉ có tâm thức thuần khiết. Và hai tâm thức không cao hơn hay thấp hơn nhau. Không có cấp bậc.
Đừng cứ đếm mãi cừu của người khác. Đi vào trong đi! Đừng cứ đọc mãi kinh sách. Đi vào trong! Đừng cứ nghe mãi lời người khác! Chia sẻ con đường! Nếu bạn bắt gặp vị phật bạn may mắn đấy. Nếu bạn yêu vị phật bạn được phúc lành đấy. Đừng chỉ cứ nghe mãi lời của ông ấy. Đi theo con đường, chia sẻ con đường! Nhìn vào nơi ông ấy chỉ tới, đừng bắt đầu tôn thờ ngón tay ông ấy. Nhìn vào mặt trăng!
Đọc ít lời như ông muốn
Và nói ít hơn.
Nhưng hành động theo luật.
Để tôi nhắc bạn lần nữa, bởi vì từ ‘luật’ trong tiếng Anh có liên hệ sai. Nó là việc dịch cho từ dhamma - pháp: luật vĩnh hằng, luật vũ trụ, đạo. Hành động theo luật không ngụ ý hành động theo luật hình sự Ấn Độ. Hành động theo luật nghĩa là hành động theo bản tính bên trong của bạn.
Từ bỏ con đường cũ -
Đam mê, thù hận, điên rồ.
Biết chân lí và tìm an bình.
Chia sẻ con đường.
Từ bỏ con đường cũ... Bạn phải trở nên gián đoạn với quá khứ. Bạn phải tồn tại theo cách mới. Bạn phải đơn giản cắt bỏ bản thân mình khỏi quá khứ của mình chỉ bằng một nhát. Và đó là điều tính chất sannyas tất cả là gì: cắt bản thân bạn ra khỏi quá khứ của bạn chỉ bằng một nhát kiếm.
Con đường cũ là gì? - con đường của ham muốn, con đường của ghét, và con đường của ngu ngốc. Đừng vận hành từ căm giận và đừng ham muốn mọi thứ, đừng sở hữu. Và đừng mê tín, ngu xuẩn. Nếu bạn có thể làm được chừng đó, nếu bạn có thể lấy bước nhảy vào cái không biết... bởi vì quá khứ đã được biết và bạn quen làm mọi thứ theo cách nào đó. Khi bạn vứt bỏ quá khứ bạn sẽ lúng túng trong vài ngày, mất hướng, không biết phải làm gì, làm sao để làm nó. Bạn sẽ trong chân không. Chân không đó phải được đi qua. Điều đó là đau đớn - đó là cái giá chúng ta phải trả cho chân lí.
Một khi bạn đã đi qua chân không đó: Biết chân lí và tìm ra an bình. Thế thì chân lí được biết tới và an bình theo sau chân lí như cái bóng.
Chia sẻ con đường, Phật nhấn mạnh lại lần nữa. Nhưng điều này không thể xảy ra chỉ bởi việc lắng nghe, chỉ bởi việc đọc công trình của các thầy.
Chia sẻ con đường.
Aes dhammo sanantano.
Xem tiếp Chương 4 – Quay về Mục Lục Tập 1 – Quay về Mục lục Toàn tập

Ads Belove Post