Chương 2. Cuộc hành hương về bản thể riêng của bạn

Chương 2. Cuộc hành hương về bản thể riêng của bạn

Price:

Read more

Osho – Bồ Đề Đạt Ma: Thiền sư vĩ đại nhất
Chương 2. Cuộc hành hương về bản thể riêng của bạn


Osho kính yêu,
Bài thuyết giáo Huyết Mạch của Bồ đề đạt ma.
Mọi vật xuất hiện trong ba cõi đều dẫn ngược trở về tâm trí. Do đó, chư phật của quá khứ và tương lai dạy tâm trí sang tâm trí không bận tâm về các định nghĩa.
Nhưng nếu họ không định nghĩa nó, họ ngụ ý gì bởi tâm trí?
Ông hỏi. Đó là tâm trí của ông. Ta trả lời. Đó là tâm trí của ta. Nếu ta không có tâm trí, làm sao ta có thể trả lời được? Nếu ông không có tâm trí, làm sao ông có thể hỏi được? Cái mà hỏi là tâm trí ông." Qua vô hạn kalpas không bắt đầu, bất kì điều gì ông làm, bất kì nơi đâu ông ở, đó là tâm trí thực của ông, đó là vị phật thực của ông. Tâm trí này là phật, nói cùng một điều. Bên ngoài tâm trí này ông sẽ không bao giờ tìm ra phật khác. Việc tìm kiếm chứng ngộ hay niết bàn bên ngoài tâm trí này là điều không thể được. Thực tại của tự tính riêng của ông, việc thiếu vắng nguyên nhân và hậu quả, là điều được ngụ ý bởi tâm trí. Tâm trí của ông là niết bàn. Ông có thể cho rằng tìm được phật hay chứng ngộ ở đâu đó bên ngoài tâm trí, nhưng nơi như vậy không tồn tại.
Việc cố gắng tìm ra phật hay chứng ngộ giống như cố gắng nắm bắt không gian. Không gian có tên nhưng không có hình dạng. Nó không phải là cái gì đó ông có thể nhặt lấy hay đặt xuống. Và ông chắc chắn không thể nào nắm bắt được nó. Bên ngoài tâm trí này, ông sẽ không bao giờ thấy phật. Phật là sản phẩm của tâm trí ông. Tại sao tìm phật bên ngoài tâm trí này?
Chư phật của quá khứ và tương lai chỉ nói về tâm trí này. Tâm trí này là phật. Và phật là tâm trí. Ngoài tâm trí không có phật. Và ngoài phật không có tâm trí. Nếu ông nghĩ có phật ở ngoài tâm trí, ông ấy ở đâu? Không có phật ngoài tâm trí, cho nên tại sao mường tượng ra phật? Ông không thể biết tâm trí thực của mình chừng nào ông vẫn còn tự lừa dối mình. Chừng nào ông vẫn còn bị mê hoặc bởi hình dạng không sống, ông không tự do. Nếu ông không tin vào ta, việc tự lừa dối ông không ích gì. Đấy không phải là lỗi của phật. Tuy vậy mọi người đều bị ảo tưởng. Họ không nhận biết rằng tâm trí riêng của họ là phật. Bằng không họ đã không đi tìm phật ngoài tâm trí.
Chư phật không cứu chư phật. Nếu ông dùng tâm trí của mình để tìm phật, ông sẽ không thấy phật. Chừng nào ông còn tìm phật ở đâu đó, ông sẽ chẳng bao giờ thấy rằng tâm trí của riêng ông là phật. Và đừng dùng phật để tôn thờ phật. Và đừng dùng tâm trí để cầu phật. Chư phật không tụng kinh. Chư phật không giữ giới luật. Và chư phật không phá giới luật. Chư phật không giữ hay phá điều gì cả. Chư phật không làm việc thiện hay ác.
Để tìm phật, ông phải thấy bản tính của mình. Bất kì ai thấy bản tính mình đều là phật. Nếu ông không thấy bản tính của mình, cầu chư phật, trích đọc kinh, và giữ giới luật tất cả đều vô dụng. Cầu phật làm nảy sinh nghiệp tốt. Đọc kinh làm nảy sinh trí nhớ tốt. Giữ giới luật làn nảy sinh việc tái sinh tốt. Và cúng dường làm nảy sinh phúc lành tương lai. Nhưng không làm nảy sinh phật.
Việc nhận ra chứng ngộ, hay phật tính, là khó khăn. Và nó cũng không khó khăn. Nó khó nếu bạn bắt đầu tìm nó. Nó không khó nếu bạn đơn giản ngồi xuống, lắng đọng vào bên trong bản thân mình trong bình thản, yên tĩnh, chỉ là nhận biết thuần khiết.
Thế thì bạn là phật, thế thì bạn là người chứng ngộ. Không phải là bạn trở nên được chứng ngộ đâu, điều đó không phải là sự trở thành của bạn. Nó chính là bản thể của bạn, nó là bạn trong bản tính tự phát, đơn giản nhất của mình.
Chứng ngộ là tự tính của bạn.
Một khi ai đó đạt tới chứng ngộ, khó khăn lớn nhất là truyền đạt nó cho những người đang sống trong bóng tối và những người chưa bao giờ thấy bất kì ánh sáng nào. Điều đó gần giống như nói về ánh sáng cho người mù. Một thầy chứng ngộ tương truyền đã nói, "Nỗ lực cả đời tôi trong việc truyền đạt kinh nghiệm của mình giống như việc bán kính cho người mù."
Do đó, nhiều người trong số những người đã đạt tới vẫn còn im lặng, và rất ít người đã nói, vẫn biết rằng lời của họ không thể mang được chứng ngộ của họ, cái đẹp của nó, vui vẻ của nó, hương thơm của nó; vẫn biết rằng khoảnh khắc kinh nghiệm này được dịch thành lời, cái gì đó tinh tuý đã chết đi. Chỉ cái xác đạt tới người khác.
Nhưng từ lòng từ bi, hi vọng theo hi vọng, vài người chứng ngộ trong nhiều thời đại đã làm đủ mọi nỗ lực để truyền đạt cho bạn rằng cuộc sống không phải là tất cả những điều bạn nghĩ nó là vậy. Nó là nhiều hơn nữa, nhiều hơn vô hạn.
Nhưng không người chứng ngộ nào đã từng viết ra một lời, bởi lí do đơn giản rằng lời được nói ra có hơi ấm nào đó, và chữ được viết ra tuyệt đối lạnh lẽo. Lời nói ra có sự hiện diện của thầy, nhưng từ viết ra lại không có sự hiện diện của thầy. Lời nói ra không chỉ là lời; còn có biết bao nhiêu thứ khác có thể truyền đạt gián tiếp cho bạn. Sự hiện diện của thầy, phúc lạc của thầy, vẻ duyên dáng của thầy, đôi mắt mời chào của thầy, trái tim vẫy gọi bạn của thầy, gợi nên cho bạn cuộc hành trình, cuộc hành hương về bản thể riêng của bạn... tất cả những điều này đều thiếu vắng trong từ được viết ra.
Do đó, không người chứng ngộ nào đã từng viết ra điều gì. Nhưng đệ tử đã ghi chép lại. Tất cả sách vở đã tồn tại nhân danh người chứng ngộ không là gì ngoài ghi chép của đệ tử. Vấn đề trở nên ngày một phức tạp hơn bởi vì đệ tử đang viết ra điều gì đó mà người đó không hiểu. Người đó yêu thầy, người đó rơi vào chuyện tình sâu sắc, nhưng người đó không hiểu điều bí ẩn của thầy. Người đó ở dưới ảnh hưởng phép mầu của thầy, nhưng người đó không biết bí mật của thầy. Chừng nào mà người đó còn chưa biết đến bí mật riêng của mình người đó sẽ không bao giờ biết đến bí mật của thầy, bởi vì chúng không phải là hai điều.
Đệ tử nghĩ, đã từng nghĩ suốt nhiều năm, rằng lời của thầy không nên để bị mất; chúng là quí giá thế, chúng là vàng ròng. Ít nhất cái gì đó cho các thế hệ tương lai nên được thu thập lại. Nhưng hiểu biết của người đó rất nhỏ bé, và người đó viết ra tương ứng theo hiểu biết của mình. Thứ nhất, nhiều điều bị mất khi thầy nói; thế rồi nhiều điều bị mất khi đệ tử nghe; thế rồi nhiều điều lại mất khi đệ tử viết. Và đệ tử viết trong ngôn ngữ này, và thế rồi nó cứ được dịch sang ngôn ngữ khác. Nó trở thành tiếng vọng xa xăm của bản gốc.
Chẳng hạn, Bồ đề đạt ma nói tiếng Trung Quốc, không phải là tiếng mẹ đẻ của ông ấy. Ông ấy được sinh ra ở Ấn Độ. Ông ấy đã học tiếng Trung Quốc. Ngay cả trong tiếng mẹ đẻ của bạn, cho cách diễn đạt về những kinh nghiệm của cội nguồn cuộc sống bên trong nhất của bạn, im lặng của trái tim bạn, và phúc lạc của bản thể bạn, là khó khăn - ngay cả trong tiếng mẹ đẻ của bạn. Nhưng nói trong một ngôn ngữ mà ông ấy mới học, và tiếng Trung Quốc lại không phải là ngôn ngữ đơn giản... Nếu người ta thực sự muốn là học giả cần ít nhất mất ba mươi năm, bởi vì nó không có bảng chữ cái, nó là ngôn ngữ tranh vẽ. Nó là một loại ngôn ngữ rất nguyên thuỷ.
Bảng chữ đưa ngôn ngữ về hiện tượng rất đơn giản. Nhưng ngôn ngữ không bảng chữ, như tiếng Trung Quốc, hay Hàn Quốc, hay Nhật Bản, là rất khó cho người không được sinh ra trên những mảnh đất đó. Bạn phải nhớ hàng nghìn bức tranh. Những ngôn ngữ đó mang tính bức tranh. Mỗi thứ có một bức tranh kí hiệu nào đó và chừng nào bạn chưa nhớ được hàng nghìn bức tranh kí hiệu, không thể nào nói được, không thể nào viết được. Bồ đề đạt ma chỉ có ba năm khi ông ấy đi tới Trung Quốc để học tiếng thật nhanh trước khi ông ấy tới đó. Ông ấy đã làm trong ba năm công trình của gần ba mươi năm.
Một cách tự nhiên, điều ông ấy đã nói còn xa với kinh nghiệm của ông ấy. Và khó khăn lại nhân lên bởi vì những lời kinh này được dịch từ tiếng Trung Quốc sang tiếng Anh. Chẳng hạn, tôi sẽ chỉ đưa ra cho bạn một từ mà rất trung tâm cho những lời kinh này, từ 'tâm trí'.
Bất kì ai đọc những lời kinh này đều hiểu đích xác điều ngược lại cái mà Bồ đề đạt ma phải đã ngụ ý, và lí do là ở chữ 'tâm trí'.
Trong tiếng Anh chỉ có một từ cho quá trình suy nghĩ của bạn, và đó là 'tâm trí'. Và trong tiếng Anh không có từ nào có thể kí hiệu cho điều gì đó vượt ra ngoài quá trình suy nghĩ. Toàn thể triết lí của Phật Gautam và Bồ đề đạt ma là cách vượt ra ngoài quá trình suy nghĩ. Trong tiếng Phạn, tiếng Pali, có các từ khác nhau: manus, là gốc cho từ tiếng Anh 'mind' - tâm trí, đích xác có nghĩa quá trình suy nghĩ; thế rồi chitta có nghĩa là tâm thức vượt ra ngoài quá trình suy nghĩ.
Những người rất tỉnh táo, và những người đã không chỉ là học giả mà đã kinh nghiệm điều gì đó về thiền - thì ở bất kì đâu trong những lời kinh này mà bạn thấy từ 'tâm trí', thiền nhân sẽ đặt ngay cái đối lập của nó vào, 'vô trí'. Tiếng Anh không có từ cho vô trí, cho nên đấy chỉ là bịa đặt tuỳ tiện. Tại mọi nơi trong lời kinh này, nơi tâm trí được nhắc tới, xin đọc là vô trí. Bằng không bạn sẽ đi tuyệt đối theo rãnh sai.
Lời kinh: Mọi vật xuất hiện trong ba cõi đều dẫn ngược trở về vô trí.
Người dịch nói, "về tâm trí." Tâm trí là cái gì đó phải được siêu việt lên, tâm trí là bệnh tật; thiền là nỗ lực để vượt ra ngoài nó. Do đó, tôi sẽ đọc ở mọi nơi thay vì 'tâm trí' là 'vô trí', để sửa lại bản dịch. Bản dịch được thực hiện bởi ai đó hiểu ngôn ngữ nhưng không hiểu thiền.
Mọi vật xuất hiện trong ba cõi... Ba cõi nào đây? Thân thể, tâm trí, trái tim... dẫn tới cái thứ tư, turiya, cái mà chỉ có thể được dịch là vô trí; dẫn tới im lặng nơi không một gợn ý nghĩ, nơi thời gian biến mất, không gian biến mất và chỉ một tâm thức thuần khiết, không ý thức về bất kì vật gì, nhưng ý thức về bản thân nó... nhận biết tự chói sáng còn lại. Mọi thứ đều dẫn tới nhận biết tự chói sáng này.
Người hiểu thiền bao giờ cũng dịch từ chitta là 'vô trí'.
Do đó, chư phật của quá khứ và tương lai dạy tâm trí sang tâm trí mà chẳng bận tâm về định nghĩa. Điều này tức cười thế, nhưng các kẻ sĩ thực sự đang làm điều gì đó mà họ không được chuẩn bị. Điều đúng sẽ là nói, "Chư phật của quá khứ và tương lai, dạy vô trí sang vô trí, không có chỗ cho các định nghĩa."
Định nghĩa là một phần của tâm trí. Khoảnh khắc bạn siêu việt lên tâm trí, bạn siêu việt lên trên mọi định nghĩa. Bây giờ tâm trí của đệ tử len vào: Nhưng nếu họ không định nghĩa nó, họ ngụ ý gì bởi tâm trí? Điều này đần độn thế, nó tức cười không thể tin được. Bản thân đệ tử, người đã ghi lại những ghi chép này bị phân vân. Anh ta hỏi, Nhưng nếu họ không định nghĩa nó, họ ngụ ý gì bởi tâm trí? Và anh ta trả lời để tự thoả mãn mình: Ông hỏi. Đó là tâm trí của ông. Ta trả lời. Đó là tâm trí của ta. Điều đó là đúng về đệ tử, nhưng không đúng về người đã chứng ngộ, người không diễn đạt bản thân mình qua lời nói. Cho dù người đó có dùng lời, đấy cũng chỉ là phương cách để tạo ra khoảnh khắc của im lặng.
Truyền trao thực xảy ra trong lỗ hổng. Không cái gì được nói, và không cái gì được nghe, và vậy mà thông điệp đã lấy bước nhảy lượng tử từ bản thể này sang bản thể khác. Đây là cái đẹp và là phép mầu và là ảo thuật xảy ra giữa thầy và đệ tử.
Đệ tử trích dẫn Bồ đề đạt ma khi nói, Nếu ta không có tâm trí, làm sao ta có thể trả lời được? Nếu ông không có tâm trí, làm sao ông có thể hỏi được? Cái mà hỏi chính là tâm trí ông. Thông qua vô hạn kalpas, qua vô hạn năm, không có bắt đầu, bất kì cái gì ông làm, bất kì nơi đâu ông ở, đó là tâm trí thực của ông, đó là vị phật thực của ông.
Anh ta đang thực sự bị lẫn lộn. Nhưng bất kì ai sẽ trong cùng vị thế ấy, không biết rằng thiền là siêu việt, là thoát ra khỏi tâm trí. Nó là không gian ở bên ngoài, nơi sự vận hành của tâm trí không thể nào đạt tới được.
Và đó là bản tính đúng của bạn, đó là chứng ngộ của bạn. Và từ im lặng đó, bất kì điều gì bạn làm đều là chứng ngộ. Từ im lặng đó, bất kì cái gì phát triển ra đều là hoa sen của thiên đường. Từ cái im lặng đó bạn không thể làm bất kì cái gì sai được. Thực ra, từ cái im lặng đó chính ý tưởng, sự phân biệt giữa trái và phải, tốt và xấu, biến mất. Bất kì điều gì bạn làm từ im lặng đó đều đơn giản mang tính tồn tại, cách thức nó phải vậy. Nó không phải là nỗ lực của bạn, nó không phải là hành động được nghĩ ra, được lập kế hoạch trước của bạn; nó đơn giản là sự tràn ra tự phát của bạn.
Tâm trí này là phật. Để tôi chữa lại nó.
Vô trí này là phật. Bên ngoài vô trí này, ông sẽ không bao giờ tìm ra phật khác. Việc tìm kiếm chứng ngộ hay niết bàn bên ngoài vô trí này là điều không thể được. Thực tại của tự tính riêng của ông, việc thiếu vắng nguyên nhân và hậu quả, là điều được ngụ ý bởi vô trí. Vô trí của ông là niết bàn - nhưng nhớ bất kì khi nào tôi đang nói vô trí, trong bản thân lời kinh đều được viết là tâm trí. Tôi bất đồng với nó một cách toàn bộ, và Bồ đề đạt ma sẽ bất đồng với điều đó, và Phật sẽ bất đồng với điều đó, và bất kì ai thậm chí có một thoáng nhìn về thiền cũng sẽ bất đồng với điều đó.
Ông có thể cho rằng tìm được phật hay chứng ngộ ở đâu đó bên ngoài vô trí, nhưng nơi như vậy không tồn tại.
Việc cố gắng tìm ra phật hay chứng ngộ giống như cố gắng nắm bắt không gian. Không gian có tên nhưng không có hình dạng. Nó không phải là cái gì đó ông có thể nhặt lấy hay đặt xuống. Và ông chắc chắn không thể nào nắm bắt được nó. Bên ngoài vô trí này, ông sẽ không bao giờ thấy phật. Phật là sản phẩm của vô trí của ông.
Thực ra vô trí và phật là đồng nghĩa. Nhưng anh chàng đệ tử đáng thương này, người đã ghi ra những ghi chép này cứ dùng từ 'tâm trí', điều tuyệt đối ngớ ngẩn.
Tại sao tìm phật bên ngoài tâm trí này?
Chư phật của quá khứ và tương lai chỉ nói về vô trí này. Vô trí này là phật. Và phật là vô trí. Ngoài vô trí không có phật. Và ngoài phật không có vô trí. Nếu ông nghĩ có phật ở ngoài vô trí, ông ấy ở đâu?
Cùng sai lầm này tiếp tục suốt bản kinh. Nó là kinh cổ đại nhất về Bồ đề đạt ma, và trong gần mười bốn thế kỉ nó đã được chấp nhận là giáo huấn của Bồ đề đạt ma. Và lí do là ở chỗ không ai cố hiểu kinh nghiệm này bằng việc kinh nghiệm nó. Mọi người đơn giản đọc kinh sách, họ trở nên có hiểu biết, nhưng sâu bên trong dốt nát ngự trị. Họ bắt đầu nói về ánh sáng, nhưng cái mù của họ vẫn cứ tiếp tục. Đó là lí do tại sao anh ta lại nói, ông nghĩ có phật ngoài tâm trí. Phật chỉ có ở bên ngoài tâm trí; vấn đề không phải là suy nghĩ, nhưng anh chàng đệ tử ngu xuẩn này nói không có vị phật bên ngoài tâm trí. Anh ta đã làm thành vấn đề là phật và tâm trí là đồng nghĩa. Thế thì cần gì phải thiền nữa? Tất cả các bạn đều có tâm trí; các bạn có đủ phật rồi - bạn cần thêm tâm trí nữa không?
Bạn cần thoát ra khỏi tâm trí, thoát ra khỏi mọi gông cùm của ý nghĩ, xúc động, tâm trạng, tình cảm; tất cả chúng tạo nên tâm trí bạn. Và bên ngoài chúng có nhân chứng, người quan sát. Người quan sát đó là vị phật.
Tôi phải nghiêm khắc với chàng đệ tử này, mặc dầu anh ta đã làm việc phục vụ cho nhân loại. Anh ta đã giữ bản ghi lại lời của Bồ đề đạt ma, mặc dầu anh ta không có khả năng giữ bản ghi theo cách đúng đắn. Nhưng dẫu sao, bản ghi của anh ta cũng thể được sửa lại bởi bất kì ai ở cùng trạng thái như Bồ đề đạt ma. Cho nên không có vấn đề gì. Anh ta đã làm việc phục vụ lớn lao, mặc dầu anh ta ngu xuẩn.
Thỉnh thoảng, anh ta lặp lại Bồ đề đạt ma: Ông không thể biết vô trí thực của mình chừng nào ông vẫn còn tự lừa dối mình. Chừng nào ông vẫn còn bị mê hoặc bởi hình dạng không sống, ông không tự do.
Giam cầm của bạn là gì? Tâm trí bạn là nhà tù của bạn. Có những nhà tù khác nhau, nhưng chúng tất cả đều là nhà tù. Người Hindu có một loại nhà tù, kiến trúc khác; người Mô ha mét giáo có một nhà tù khác, kiến trúc khác; người Ki tô giáo có một nhà tù khác, vân vân và vân vân. Nhưng chúng chỉ khác nhau về kiến trúc thôi. Còn khi có liên quan tới tù nhân, tất cả chúng đều là nhà tù. Và mọi người chuyển từ nhà tù nọ sang nhà tù kia với hi vọng rằng có lẽ họ sẽ tìm được tự do. Người Ki tô giáo trở thành Hindu giáo, người Hindu giáo trở thành Phật tử, Phật tử trở thành người Mô ha mét giáo và họ đơn giản đang đổi nhà tù. Từ chương trình này họ chuyển sang chương trình khác, và điều được cần là hoá giải lập chương trình. Đó là cái, mà theo thuật ngữ khoa học chính là ý nghĩa của từ 'thiền' - hoá giải lập chương trình.
Nếu tâm trí bạn có thể hoàn toàn được hoá giải lập chương trình, nó có thể trở thành cái bảng được xoá trắng hoàn toàn, một phiến đá sạch mà từ đó mọi tri thức đã bị xoá đi. Hồn nhiên này là bắt đầu của vô trí. Hồn nhiên này là sinh thành của vị phật trong bạn.
Nếu ông không tin vào ta, việc tự lừa dối ông không ích gì. Đấy không phải là lỗi của phật. Tuy vậy mọi người đều bị ảo tưởng. Họ không nhận biết rằng vô trí riêng của họ là phật. Bằng không họ đã không đi tìm phật ngoài vô trí.
Ảo tưởng lớn nhất theo những người đã đạt tới đỉnh cao nhất của nhận biết, là tìm và kiếm bên ngoài bản thân mình về chân lí, về nghĩa của sự tồn tại, hay cái bất tử, luồng mạch vĩnh hằng của cuộc sống. Tâm trí bao giờ cũng cố gắng nhìn ra ngoài, bởi vì chính chức năng của tâm trí là làm việc trong thế giới. Đó là lí do tại sao tâm trí lại hoàn toàn tốt trong khoa học, trong kinh doanh, trong kinh tế. Trong mọi thứ ở bên ngoài bạn, thế thì tâm trí là phương tiện đúng hoàn hảo.
Nhưng cái ở bên trong bạn vượt ra ngoài tầm với của tâm trí. Bạn sẽ phải bỏ lại tâm trí, và đi vượt lên và đi xa. Khoảnh khắc bạn trở thành chỉ là nhân chứng, quan sát tâm trí như cái gì đó ở bên ngoài bạn, bạn đã về nhà. Nhưng người đã ghi lại những ghi chép này và người đã dịch chúng sang tiếng Anh... có lẽ cả hai đều không có kinh nghiệm về thiền. Họ cứ lặp lại từ 'tâm trí' ở nơi mà chỉ 'vô trí' mới là có thể.
Chư phật không cứu chư phật. Bây giờ điều này tôi có thể nói là phải đã tới từ Bồ đề đạt ma. Đây là phát biểu cực kì có ý nghĩa, và mãnh liệt tới mức nó vượt ra ngoài năng lực của chàng đệ tử đáng thương này, người thậm chí không thể nào hiểu nổi nó. Anh ta đã đơn giản viết ra điều đó, anh ta phải đã nghe thấy điều đó. Có lẽ Bồ đề đạt ma đã lặp đi lặp lại điều đó. Đây là một trong những giáo huấn tinh tuý nhất của Phật Gautam, rằng không ai có thể cứu bạn được.
Jesus nói, "Ta là cứu tinh." Nếu bạn so sánh Jesus và Bồ đề đạt ma, bạn sẽ phải ngạc nhiên lớn. Jesus nói, "Các ông là con chiên, ta là người chăn chiên và nếu các ông bị lạc, ta sẽ tìm các ông." Và điều ấy có vẻ, với những người không hiểu biết, là một ý thức hệ từ bi lớn lao. Jesus dường như là có lòng từ bi, tình yêu, lòng tốt lớn. Thực ra Ki tô giáo nói rằng ông ấy đã hi sinh bản thân mình để cứu nhân loại, nhưng chẳng ai hỏi tại sao nhân loại không được cứu. Anh chàng đáng thương này chết một cách không cần thiết.
Tôi bao giờ cũng tự hỏi... tôi đã nghe những người Ki tô giáo, và không cảm thấy lúng túng gì họ cứ nói mãi rằng Jesus đã từ bỏ cuộc đời mình để cứu nhân loại. Tôi đã rất thân thiện với một nhà thuyết giáo, Stanley Jones, một nhà truyền giáo Ki tô giáo nổi tiếng và có khiếu rất triết lí theo tâm trí. Bất kì khi nào ông ta tới thành phố nơi tôi ở, là tôi bao giờ cũng tới nghe ông ấy. Một hôm câu chuyện thành quá thể; ông ấy cứ liên tục lặp lại rằng "Jesus là vị cứu tinh duy nhất."
Tôi phải đứng dậy. Tôi nói, "Đây không phải là việc của tôi, tôi không phải là người Ki tô giáo và thực ra, tôi không nên tạo ra bất kì rối loạn nào trong nhà thờ; tôi không thuộc vào giáo đoàn. Nhưng ông đang lặp lại điều vô nghĩa thế. Ông cứ nói mãi rằng ông ấy đã cứu nhân loại bằng việc từ bỏ cuộc sống mình trên cây chữ thập. Nhưng tôi chẳng thấy nhân loại được cứu ở đâu cả. Ông ấy thậm chí chẳng tự cứu mình nổi."
Nhưng mọi tôn giáo được sinh ra bên ngoài Ấn Độ đều có ý tưởng về cứu tinh. Mô ha mét giáo, Do Thái giáo, Ki tô giáo - ba tôn giáo này đều được sinh ra bên ngoài Ấn Độ, và cả ba tôn giáo này đều có ý tưởng về cứu tinh. Tại Ấn Độ có bốn tôn giáo: Hindu giáo, Sikh giáo, Jaina giáo, Phật giáo. Jaina giáo và Phật giáo là hai tôn giáo duy nhất đơn giản phủ nhận chính khái niệm về việc cứu giúp cho bất kì ai, bởi vì họ nói - và tôi đồng ý với quan niệm của họ - rằng điều đó là kết án, điều đó là xấu hổ. Chính ý tưởng rằng "Tôi sẽ cứu bạn" làm cho tôi cao hơn bạn, và linh thiêng hơn bạn. Tôi trở thành đặc biệt. Tôi là đứa con duy nhất của Thượng đế, hay tôi là nhà tiên tri duy nhất của Thượng đế, hay vị sứ giả duy nhất của Thượng đế, và bạn chỉ là người thường.
Phát biểu của Bồ đề đạt ma là, Chư phật không cứu chư phật. Ông ấy đang nói các bạn tất cả đều là phật dù bạn biết điều đó hay không, và làm sao bất kì ai có thể cứu bạn được? Làm sao vị phật này có thể cứu được vị phật khác? Mọi điều mà vị phật có thể làm là đánh thức bạn dậy. Điều đó chẳng mấy cứu giúp gì. Khi bạn đánh thức ai đó dậy, bạn có cho rằng mình linh thiêng hơn, và đặc biệt, và bạn đã làm việc phục vụ vĩ đại cho nhân loại, bởi việc đánh thức một anh chàng đáng thương đang ngủ không?
Chư phật không cứu chư phật. Đây là một phát biểu rất hàm ý. Nó đem lại sự bình đẳng cho mọi người. Khác biệt duy nhất, không khác biệt gì mấy, là... mọi người đều là phật; vài người đang ngủ và không nhận biết về họ là ai, và vài người đã trở nên thức tỉnh và biết họ là ai. Nhưng về bản chất, không có khác biệt chút nào, và không có vấn đề về cứu bất kì ai. Đấy là quyền của người đó nếu ai đó muốn tiếp tục ngủ; đấy là quyền tập ấm của người đó. Bạn không thể bắt buộc đánh thức người nào đó bởi vì đấy là can thiệp vào tự do của người đó.
Chuyện đã xảy ra: Tôi đang ngồi trên bờ sông Hằng tại Allahabad. Tôi đã tới để nói chuyện trong một trường cao đẳng Ki tô giáo ở Allahabad, và trường cao đẳng Ki tô giáo này ở ngay bên bờ sông Hằng tại một chỗ rất đẹp ngay gần cầu đường tầu hoả. Tôi đang ngồi trên bờ sông, và hàng dặm đường chẳng có ai thế rồi bỗng nhiên một người tới và nhảy xuống nước. Tôi nghĩ có lẽ anh ta đang tắm, và khi anh ta nhảy, anh ta bắt đầu kêu lên, "Cứu tôi với, cứu tôi với." Anh ta ở ngay gần tôi.
Trong thoáng chốc tôi nghĩ, "Có chuyện gì thế nhỉ? Nếu anh ta muốn được giúp đỡ, sao anh ta nhảy?" Nhưng tôi nghĩ tốt hơn là trước hết vớt anh ta lên đã. Nếu tôi bắt đầu nghĩ về điều đó, vào lúc đó anh ta cũng xong đời rồi. Thế là tôi nhảy xuống. Anh ta là người nặng nề nhưng tôi bằng cách nào dó cũng kéo được anh ta lên, và tôi cảm thấy có sự kháng cự nào đó. Điều đó thậm chí trở nên phân vân hơn, anh ta đang kêu lên: "Cứu tôi với, tôi bị chết đuối." Nhưng khi tôi cố gắng lôi anh ta lên, tôi cảm thấy rằng anh ta không định được giúp, anh ta chống lại nỗ lực của tôi.
Tôi nói, "Ông dường như điên. Ông muốn được cứu hay là không?"
Anh ta nói, "Xin ông cứu tôi." Thế là tôi lôi anh ta lên. Và khi anh ta đã lên, anh ta bắt đầu trở nên rất giận tôi và nói, "Ông không thể hiểu được hay sao? Tôi vừa tự tử đấy mà."
Tôi nói, "Ông đáng phải nói như vậy trước chứ. Vậy tại sao ông kêu lên, 'Cứu tôi với'?"
Anh ta nói, "Điều đó là tự nhiên. Tôi muốn tự tử nhưng sâu bên dưới ở đâu đó vẫn còn ham muốn sống. Đó là lí do tại sao tôi lại kêu lên."
Tôi nói, "Thôi được." Tôi đơn giản đẩy anh ta xuống nước. Tôi nói, "Nếu đây là trường hợp, thế thì tôi sẽ không làm điều gì chống lại ông."
Anh ta lại bắt đầu kêu lên, "Ông có điên hay là gì không thế? Ông muốn giết tôi sao?"
Tôi nói, "Bây giờ tôi chẳng liên can gì tới ông cả. Bất kì điều gì tôi đã làm, tôi đã hoàn tác lại nó rồi. Bây giờ tôi sẽ ngồi im lặng ở đây và quan sát."
Ai đó khác tới và nhảy xuống và lôi anh ta ra. Lần này anh ta không kháng cự lại nhưng anh ta cứ nhìn tôi. Tôi nói, "Có chuyện gì vậy, ông định đi đâu?"
Anh ta nói, "Đây là một âm mưu tự tử sao?"
Tôi nói, "Không phải vậy; tôi chưa bao giờ bảo ông tự tử cả. Ông đã tự tử; ông quên rồi sao?"
Anh ta nói, "Ông dường như là một người kì lạ. Khi ai đó tự tử, hay cố tự tử, mọi người đều ngăn cản người ấy - nhưng ông giúp họ."
Tôi nói, "Tôi sẵn sàng giúp theo bất kì cách nào. Nếu ông muốn thoát ra khỏi dòng sông, tôi sẵn sàng giúp đỡ. Nếu ông muốn đi vào trong sông, tôi sẵn sàng giúp đỡ. Tôi không muốn can thiệp vào kiểu sống của ông bất kì điều gì ông muốn làm."
Anh ta nói, "Tôi không muốn chết."
Tôi nói, "Điều đó hoàn toàn tốt. Ông có thể đi, nhưng nghĩ hai lần đi. Ông có thể phải quay lại lần nữa."
Anh ta nói, "Tôi không định quay lại."
Tôi nói, "Đấy là tuỳ ông. Tôi chỉ nhắc nhở ông rằng cái ý tưởng tự tử đó sẽ đến lần nữa với ông, và đây là cơ hội tốt. Đừng bỏ lỡ nó. Bình thường, có biết bao nhiêu người trên bờ sông. Chỉ ngẫu nhiên mới không có ai - chỉ một người mới sẵn sàng giúp theo bất kì cách nào, cách này hay cách khác."
Anh ta nói, "Ông còn ở đây, tôi không định quay lại!"
Tôi nói, "Điều đó tuỳ ông. Không có tôi ông sẽ khó khăn đấy."
Bồ đề đạt ma đang nói, Chư phật không cứu chư phật. Chư phật đơn giản làm mọi nỗ lực để đánh thức mọi người về với thực tại riêng của họ, nhưng đấy không phải là vấn đề cứu giúp. Họ đã là phật rồi, không cái gì phải được thêm vào. Đây là một trong những đóng góp vĩ đại nhất của Phật giáo và Jaina giáo. Nhưng đệ tử này nhất định phạm sai lầm lặp đi lặp lại; anh ta đơn giản bất lực. Câu này anh ta đã viết ra đích xác như nó đáng phải vậy.
Nhưng lần nữa anh ta bắt đầu: Nếu ông dùng tâm trí của mình để tìm phật, ông sẽ không thấy phật. Chừng nào ông còn tìm phật ở đâu đó, ông sẽ chẳng bao giờ thấy rằng vô trí của riêng ông là phật. Anh ta đang nói tới tâm trí, tôi đọc là vô trí.
Và đừng dùng phật để tôn thờ phật. Lần nữa, phát biểu này tôi có thể nói với thẩm quyền tuyệt đối, là bắt nguồn từ Bồ đề đạt ma. Đừng dùng phật để tôn thờ phật. Cũng như vị phật không thể cứu được vị phật khác, cho nên điều tuyệt đối xuẩn ngốc là phật này phải tôn thờ phật khác. Phật giáo chống lại việc tôn thờ.
Những lời cuối cùng của Phật Gautam là, "Đừng làm tượng ta, đừng làm đền chùa cho ta, bởi vì cả đời ta ta đã từng dạy các ông rằng các ông là phật, và các ông không phải tôn thờ phật khác." Và đặc biệt nếu một phật đá được tôn thờ bởi phật sống; điều này là cực kì ngớ ngẩn.
Và đừng dùng tâm trí để cầu phật. Chư phật không tụng kinh. Chư phật không giữ giới luật. Và chư phật không phá giới luật. Chư phật không giữ hay phá điều gì cả. Chư phật không làm việc thiện hay ác.
Những phát biểu này phải tới trực tiếp từ Bồ đề đạt ma bởi vì việc nói những điều lớn lao như vậy nằm ngoài năng lực của đệ tử này. Bồ đề đạt ma đang nói rằng chư phật không tuân theo bất kì kỉ luật nào ngoại trừ nhận biết riêng của họ. Họ không tuân theo bất kì kinh sách nào ngoại trừ ánh sáng riêng của họ. Họ không theo bất kì điều gì mà họ cũng không phá bất kì điều gì. Họ không làm điều thiện cũng chẳng làm điều ác. Họ đơn giản hành động từ tính tự phát cái ở bên ngoài thiện và ác.
Chư phật không phải là người khắt khe hay đạo đức. Họ hành động từ tâm thức thuần khiết và hành động của họ không bị quyết định bởi bất kì lí tưởng nào, bất kì giới luật nào, bất kì kinh kệ nào. Họ không tụng niệm bất kì kinh kệ nào. Họ chẳng bận tâm về kinh sách linh thiêng bởi vì họ biết nhận biết riêng của họ là đủ chỉ ra cho họ con đường và dẫn họ tới định mệnh tối thượng.
Để tìm phật, ông phải thấy bản tính của mình. Bất kì ai thấy bản tính mình đều là phật. Nếu ông không thấy bản tính của mình, cầu chư phật, đọc kinh, và giữ giới luật tất cả đều vô dụng.
Những lời này chắc chắn có tiếng ngân vang và âm hưởng của con người của nhận biết. Chúng phải tới từ Bồ đề đạt ma. Nhưng đệ tử này không được thoả mãn, anh ta phải cảm thấy chút ít không thoải mái. Toàn bộ ý tưởng là ở chỗ tụng kinh, cúng dường, và giữ giới luật tất cả đều vô dụng... anh ta phải cảm thấy không thoải mái bởi vì đây là những ý tưởng phi tôn giáo. Không tôn giáo thông thường nào định chấp nhận chúng.
Do đó, đệ tử này lập tức đưa vào ý tưởng của riêng mình. Cầu phật làm nảy sinh nghiệp tốt. Bây giờ đây là phần thêm của anh ta. Cho đến chỗ này thì điều đó là vô dụng, nhưng anh ta không thể nào cảm thấy thoải mái với từ vô dụng này. Anh ta phải viết nó bởi vì Bồ đề đạt ma phải đã nói điều đó, nhưng anh ta tự do làm loãng nó đi. Thực ra, anh ta bắt đầu thay đổi toàn thể âm hưởng của nó.
Cầu phật làm nảy sinh nghiệp tốt. Đọc kinh làm nảy sinh trí nhớ tốt. Giữ giới luật làn nảy sinh việc tái sinh tốt. Và cúng dường làm nảy sinh phúc lành tương lai. Nhưng không phật.
Đệ tử này đã cố gắng vất vả để đặt những lời của Bồ đề đạt ma vào cho đúng, nhưng đấy phải là nỗ lực lớn và căng thẳng lớn cho anh ta bởi vì điều Bồ đề đạt ma đang nói chỉ có thể được hiểu bởi những thiền nhân vĩ đại. Không thể có chuyện điều đó được hiểu bởi cái gọi là nhân loại thông thường. Điều đó đi ngược lại tất cả tôn giáo thường, các nhà tiên tri thường, các sứ giả thường của Thượng đế, các kinh sách thiêng liêng thường.
Cảm thấy không thoải mái, đệ tử này làm một số bổ sung của riêng anh ta. Bây giờ nếu người đọc những lời kinh này mà không có hương vị thiền, người đó nhất định sẽ bị lẫn lộn, và người đó nhất định bị lạc lối bởi phần thêm vào. Đệ tử này đang làm lộn xộn, và làm ô nhiễm dòng nước trong vắt như pha lê thuần khiết của Bồ đề đạt ma bởi đủ mọi loại phân, bởi vì anh ta không thể nào dung thứ nổi cách tiếp cận trong như pha lê thế, tinh tế thế.
Mặc dầu đã có nhiều người chứng ngộ trong dòng truyền thừa của Phật Gautam, Bồ đề đạt ma đã trở thành nổi tiếng nhất. Ông ấy không phải là người sáng lập của Thiền Phật giáo, người sáng lập của Thiền là Mahakashyapa. Nhưng ngay cả Mahakashyapa cũng mờ nhạt. Bồ đề đạt ma không phải là người sáng lập nhưng ông ấy đã trở thành người chứng ngộ quan trọng nhất sau Phật Gautam chỉ bởi vì cách tiếp cận mãnh liệt, không khoan nhượng của ông ấy. Ông ấy không định an ủi ai cả; ông ấy đơn giản nói ra chân lí. Dù nó gây đau đớn cho bạn hay chữa lành cho bạn, điều đó tuỳ bạn, nhưng ông ấy không định thêm một lời chỉ để an ủi bạn, bởi vì mọi an ủi đều đưa bạn vào giấc ngủ. Mọi an ủi đều là một loại thuốc phiện.
Bồ đề đạt ma tuyệt đối nghiêm khắc. Đó là lí do tại sao ông ấy đã được hoạ lại như một con người có vẻ dữ tợn. Điều đó không có nghĩa là ông ấy giống như thế. Ông ấy là một hoàng tử, và tôi không nghĩ rằng cách ông ấy đã được vẽ suốt hàng thế kỉ là ảnh thực của ông ấy. Đúng hơn, đó là kinh nghiệm của những người đã ở với ông ấy - ông ấy rất dữ tợn. Và ông ấy dữ tợn bởi vì ông ấy không nói bất kì lời an ủi nào, ông ấy đơn giản nói ra chân lí trần trụi. Nếu nó làm bạn đau, tốt. Có lẽ bạn cần bị đau và chỉ điều đó mới làm bạn thức tỉnh. Bạn không cần lời an ủi nào, bởi vì điều đó sẽ đưa bạn vào giấc ngủ sâu.
Bồ đề đạt ma là độc đáo, và tôi có thể hiểu tại sao đệ tử này không thể hiểu được. Điều đó phải đã là trường hợp cho nhiều người nghe ông ấy. Vào khoảnh khắc cuối khi ông ấy muốn chọn người kế tục - ông ấy chỉ chọn được bốn đệ tử, và từ bốn người này ông ấy định chọn người kế tục. Ông ấy thực sự nghiêm khắc; có lẽ là thầy nghiêm khắc nhất mà thế giới đã từng biết tới, nhưng từ bi nhất, bởi vì nghiêm khắc của ông ấy không là gì ngoài từ bi của ông ấy.
Được chứ, Maneesha?
Vâng, thưa Osho.

Ads Belove Post