Chương 6. Hiểu biết tới ở giữa câu

Chương 6. Hiểu biết tới ở giữa câu

Price:

Read more

Osho – Bồ Đề Đạt Ma: Thiền sư vĩ đại nhất
Chương 6. Hiểu biết tới ở giữa câu


Osho kính yêu,
Nếu ông thấy linh ảnh vị phật, pháp hay bồ tát và bầy tỏ tôn kính với họ, ông hạ tầng bản thân mình vào cõi người hữu tử. Nếu ông tìm hiểu biết trực tiếp, đừng ôm giữ bất kì hình tướng nào, dù nó là cái gì, và ông sẽ thành công. Ta không có lời khuyên nào khác.
Đừng níu bám lấy hình tướng, và ông sẽ cùng một tâm trí với vị phật.
Nhưng tại sao chúng tôi không nên tôn thờ chư phật và bồ tát?
Quỉ và ma có sức mạnh của biểu hiện. Chúng có thể tạo ra hình tướng của bồ tát theo đủ mọi loại trá hình. Nhưng chúng là giả. Không một ai trong chúng là chư phật cả. Phật là tâm trí riêng của ông. Đừng hướng sai tôn thờ của ông.
Phật trong tiếng Phạn là điều ông gọi là nhận biết, nhận biết huyền bí. Đáp ứng, cảm nhận, nhíu trán, nháy mắt, vung tay chân, đấy tất cả là bản tính nhận biết huyền bí của ông. Và bản tính này là tâm trí. Và tâm trí là phật. Và phật là đạo. Và đạo là thiền. Nhưng từ thiền là từ vẫn còn thách đố. Việc thấy bản tính của ông là Thiền.
Cho dù ông có thể giải thích hàng nghìn lời kinh và kệ, chừng nào ông chưa thấy bản tính riêng của mình, việc giải thích của ông là giáo lí của người hữu tử, không phải của vị phật. Đạo đúng là siêu phàm. Nó không thể được diễn đạt trong ngôn ngữ. Kinh sách phỏng có ích gì? Nhưng ai đó thấy bản tính riêng của mình, tìm thấy Đạo, cho dù người đó không thể đọc được một từ... Mọi thứ vị phật nói đều là diễn đạt cho tâm trí của ông ấy. Nhưng thân thể ông ấy và cách diễn đạt về cơ bản là trống rỗng, ông không thể tìm thấy vị phật trong lời nói.
... Đạo về cơ bản là hoàn hảo. Nó không đòi hỏi làm hoàn hảo. Đạo không có hình dạng hay âm thanh. Nó tinh tế và khó cảm nhận. Nó giống như khi ông uống nước. Ông biết nước nóng hay lạnh thế nào. Nhưng ông không thể nói cho người khác được. Về điều đó chỉ tathagata (như lai) biết, người và thần vẫn còn không nhận biết. Nhận biết của người hữu tử không đạt tới. Chừng nào họ còn bị gắn bó với hình tướng, họ không nhận biết rằng tâm trí của họ là trống rỗng. Và bởi níu bám sai lầm vào hình tướng của mọi vật, họ lạc mất Đạo.
Nếu ông biết rằng mọi thứ tới từ tâm trí, đừng trở nên bị gắn bó. Một khi bị gắn bó, ông vô nhận biết. Nhưng một khi ông thấy bản tính của riêng mình, toàn bộ kinh sách trở thành bài tụng chán ngắt. Hàng nghìn lời kinh và kệ chỉ đưa tới một tâm trí rõ ràng. Hiểu biết tới ở giữa câu. Các học thuyết có tốt gì?
Chân lí tối thượng vượt ra ngoài lời. Học thuyết là lời. Chúng không phải là Đạo. Đạo là vô lời. Lời là ảo tưởng.
Chúng không khác những điều xuất hiện trong giấc mơ của ông ban đêm, dù chúng là lâu đài hay xe ngựa... Đừng tưởng tượng bất kì vui thích nào cho những điều như vậy. Chúng tất cả đều là cái nôi của tái sinh. Nhớ điều này trong tâm trí khi ông tiến tới cái chết. Đừng níu bám vào hình tướng, và ông sẽ phá vỡ mọi rào chắn. Một khoảnh khắc ngần ngại và ông sẽ ở dưới bùa mê của ma quỉ. Thân thể thực của ông là thuần khiết và không thể bị hư hỏng. Nhưng bởi vì ảo tưởng, ông không nhận biết về điều đó. Và bởi vì điều này, ông chịu nghiệp một cách vô ích. Bất kì chỗ nào ông thấy vui mừng, ông thấy tù túng. Nhưng một khi ông đánh thức thân thể và tâm trí nguyên thuỷ của ông, ông không còn bị dính với gắn bó.
Hiểu biết của Bồ đề đạt ma và sự sáng suốt của ông ấy trong bí mật về tâm thức con người là sâu sắc đến mức chắc chắn có thể nói nó là hoàn hảo. Không cái gì có thể được thêm vào cho nó và không cái gì có thể được sửa đổi từ nó. Ông ấy nói theo kiểu điện báo, chỉ dùng những lời tinh tuý nhất.
Bạn sẽ thấy cách thức con người có thể diễn đạt điều gì đó vượt qua việc diễn đạt, cái gì đó bao giờ cũng được biết như là không thể diễn đạt nổi. Nhưng Bồ đề đạt ma tới rất gần với việc diễn đạt nó. Nếu bạn không hiểu, đấy là lỗi ở bạn.
Ngoài ra rất khó tìm thấy một thầy với tầm cỡ của Bồ đề đạt ma. Trong toàn bộ quá khứ truyền thuyết về các thầy, Bồ đề đạt ma đứng rất tách rời, rất một mình; cách sống của ông ấy, cách giảng của ông ấy, mọi thứ đều là của riêng của ông ấy. Trước đây chưa bao giờ có bất kì ai giống như Bồ đề đạt ma, và chưa bao giờ sau ông ấy có ai có thể được gọi đích xác là ngang bằng về sáng suốt, về hiểu biết, về uyên thâm. Và vậy mà ông ấy không dùng lời khó hiểu nào; ông ấy không phải là triết gia, không phải là nhà thượng đế học. Ông ấy là người rất đơn giản. Ông ấy dùng những lời trực tiếp đi như mũi tên cắm vào tim bạn. Mọi điều cần thiết về phần bạn là để mở cánh cửa trái tim mình. Ông ấy sẽ không tới mà không được mời vào trong bạn, nhưng được mời ông ấy chắc chắn sẽ đạt tới trái tim bạn. Cảm nhận của bạn chung cuộc sẽ là nhân tố quyết định.
Trong những lời kinh này tối nay, ngoại trừ vài sai lầm của đệ tử người đã ghi lại bản ghi chép này, gần như mọi thứ dường như đích thực là của Bồ đề đạt ma.
Nếu ông thấy linh ảnh vị phật, pháp hay bồ tát và bầy tỏ tôn kính với họ, ông gạt bản thân mình vào cõi người hữu tử.
Theo Bồ đề đạt ma, mọi người về bản chất đều là vị phật. Nhưng nếu bạn bắt đầu tưởng tượng chư phật và tôn thờ họ, thế thì bạn đang làm điều cực kì tai hại cho bản thân mình. Điều đó có nghĩa là bạn đã không hiểu giáo huấn cơ bản. Không có người để được tôn thờ cả, không có người được nhìn thẳng vào, bởi vì bạn là bản thân vị phật.
Chính bởi vì điểm này mà Phật Gautam phủ nhận sự tồn tại của Thượng đế. Việc phủ nhận của ông ấy vĩ đại tới mức ý nghĩa của nó đã không được hiểu ra. Ông ấy phủ nhận Thượng đế, không phải bởi vì ông ấy là kẻ vô thần; ông ấy phủ nhận Thượng đế bởi vì ông ấy kính trọng mọi sinh linh như thượng đế. Có nhiều thượng đế cũng như có các sinh linh vậy. Vài người đã đạt tới việc nhận ra mình là ai, còn phần lớn mọi người trong số các sinh linh vẫn còn ngủ. Họ không biết họ là ai, nhưng dốt nát của họ không thay đổi bản tính của họ.
Cho nên lời kinh thứ nhất là: Nếu ông thấy linh ảnh vị phật, ông gạt bản thân mình vào cõi người hữu tử. Mọi kẻ tôn thờ trong mọi đền chùa, trong mọi giáo đường Do Thái, trong mọi nhà thờ, đều đang làm nhục bản thân mình và làm nhục thượng đế bên trong. Thượng đế bên trong không cần thượng đế khác để tôn thờ. Mọi điều cần là việc thức tỉnh, nhận biết, ý thức về bản thể riêng của mình.
Khoảnh khắc một người trở nên ý thức về bản thân mình, người đó không còn là người hữu tử nữa; người đó trở thành bất tử. Người đó bao giờ cũng là bất tử nhưng bởi vì việc hiểu lầm của mình, người đó đã làm thoái hoá bản thân mình thành người hữu tử, thành ai đó sắp chết. Mặc dầu cuộc sống bên trong bạn và tâm thức bên trong bạn là vĩnh hằng và bất tử, vậy mà bạn vẫn cứ sợ chết bởi vì bạn thấy ai đó chết đi hàng ngày. Và cái chết của mọi người nhắc bạn về cái chết của chính mình.
Nhà thơ này đang nói, “Đừng bao giờ hỏi chuông điểm cho ai, chuông điểm cho ba người.” Trong các làng Ki tô giáo, một tục lệ cổ là khi ai đó chết, chuông nhà thờ bắt đầu điểm, báo cho cả làng, những người ra đồng, hay những người ra vườn, hay những người đi ép rượu, quay về; ai đó đã chết.
Nhà thơ này đang nói: “Đừng bao giờ hỏi chuông điểm cho ai, nó bao giờ cũng điểm cho ba người.” Ông ấy có chân lí nào đó để truyền đạt cho bạn. Mọi cái chết đều là biểu tượng. Nó chỉ ra rằng bạn đang đứng trong cùng hàng đợi và hàng đợi này đang trở nên ngày một ngắn hơn. Mọi ngày bạn đang tới gần cái chết hơn. Thực ra ngày bạn được sinh ra không phải là ngày sinh của bạn; đó là ngày bạn bắt đầu chết. Và từ đó trở đi bạn cứ chết dần hàng ngày. Mọi sinh nhật, cái chết của bạn lại tới gần hơn.
Một sự kiện tuyệt đối chắc chắn là mọi người đều chết, con vật chết, cây cối chết, chim chóc chết. Làm sao bạn tránh được sự kiện rằng bạn cũng sẽ chết đi - có thể ngày mai, có thể ngày kia? Đấy chỉ là vấn đề thời gian thôi.
Nhưng dầu vậy, những người nhận biết về bản thể của họ biết rằng không ai chết cả.
Cái chết là ảo tưởng.
Bạn đã thấy mọi người chết; bạn đã bao giờ thấy bản thân mình chết chưa? Và khi bạn thấy ai đó chết, bạn có thực sự thấy ai đó chết không? Tất cả những điều bạn thấy, và tất cả những điều y học của bạn có thể thấy là ở chỗ người này đã ngừng thở, rằng mạch của người đó đã mất, rằng tim người đó không còn đập nữa, và họ tuyên bố rằng người đó chết.
Mới vài ngày trước đây, một người ở vùng Kashmir bị Pakistan chiếm, lần thứ ba đã lừa bạn mình, đồng nghiệp mình, gia đình mình. Vào độ tuổi một trăm ba mươi nhăm, người đó đã chết lần thứ ba. Mọi người đều rất hồ nghi bởi vì hai lần trước người đó đã giở trò mẹo; người đó chết. Các chẩn đoán của bác sĩ là chết, xác nhận là chết, người đó thức dậy, mở mắt ra và bắt đầu cười. Cho nên khi người đó chết lần này, mọi người rất thận trọng. Các bác sĩ đều rất thận trọng, nhưng có mọi sự chắc chắn về cái chết của người đó; không có vấn đề.
Họ nói, “Có lẽ trước kia người đó có thể đã lừa dối bạn, nhưng lần này người đó chắc chắn chết. Như y học có thể biết được, người đó hoàn thành mọi yêu cầu của người chết.” Và khoảnh khắc mà việc xác nhận này được ba bác sĩ kí vào, người đó mở mắt ra, bắt đầu cười và nói, “Nghe đây, lần sau khi ta sắp chết, ta sẽ chết thật đấy. Ta chỉ nghĩ tới một lần nữa thôi...”
Vùng Kashmir bị Pakistan chiếm có những người sống lâu nhất ở Ấn Độ và Pakistan... Một trăm hai mươi tuổi là rất thường, bình thường. Một trăm năm mươi tuổi bạn có thể tìm thấy; nó không thông thường thế, nhưng vẫn có hàng trăm người vượt qua một trăm năm mươi tuổi. Và có vài trường hợp hiếm hoi có người đã đạt tới một trăm tám mươi tuổi và họ vẫn còn trẻ; họ vẫn làm việc trên cánh đồng.
Và người này đã được các báo chí, phóng viên trên khắp thế giới tới phỏng vấn, bởi vì người đó là một người hiếm hoi; ba lần chết đã được xác nhận và ba lần người đó đã bất chấp mọi tri thức ngành y, cả y học. Và họ đã hỏi, “Ông đã làm gì vậy? Chuyện gì đã xảy ra?”
Ông ấy nói, “Không cái gì cả - bởi vì tôi không phải là thân thể tôi, tôi biết điều đó; và tôi không phải là hơi thở mình, tôi biết điều đó; và tôi không phải là tim mình, tôi biết điều đó - tôi ở ngoài tất cả những cái này. Tôi đơn giản trượt vào cõi bên kia. Tim dừng lại, mạch dừng lại, hơi thở dừng lại, và các ông tất cả đều bị lừa. Thế rồi tôi trượt lại vào thân thể, máu bắt đầu chạy lại, mạch bắt đầu làm việc trở lại và tim bắt đầu đập lại.”
Ông ấy là một người đơn giản, một nông dân. Ông ấy không phải là nhà yoga; ông ấy chưa bao giờ công phu điều gì. Nhưng khi ông ấy còn là đứa trẻ rất trẻ, không hơn bẩy hay tám tuổi, ông ấy đã tiếp xúc với một nhà huyền môn Sufi, người bảo ông ấy rằng chết là ảo tưởng. Và ông ấy hồn nhiên đến mức là ông ấy chấp nhận điều đó.
Nhà huyền môn Sufi đã bảo ông ấy, “Có một phương pháp rất đơn giản để trượt ra khỏi thân thể con. Quan sát nó từ bên trong; quan sát thân thể và bỗng nhiên sẽ có một khoảng cách ngày càng lớn giữa con và thân thể con. Không mấy chốc thân thể sẽ ở xa hàng dặm đường. Quan sát tâm trí và cùng điều đó sẽ xảy ra với tâm trí.
“Con đơn giản vẫn còn là người quan sát và con sẽ có khả năng trượt ra ngoài thân thể, ra ngoài tâm trí, ra ngoài toàn bộ cá tính này. Và việc quay trở lại cũng là ở bên trong kiểm soát của con. Bởi vì con đã trượt ra, con biết cách con trượt ra. Cho nên con biết cách đi vào trở lại. Và cách thức là ở chỗ bằng quan sát, con đã trượt ra - bây giờ chấm dứt quan sát. Trở nên được đồng nhất với thân thể. Nói, ‘Mình là thân thể, mình là tâm trí, mình là hơi thở, mình là nhịp tim.’ Ngay lập tức khoảng cách sẽ biến mất. Con sẽ tới ngày một gần hơn rồi không mấy chốc con sẽ trượt trở lại vào thân thể.”
Đồng nhất bản thân mình với thân thể, bạn trở thành thân thể. Thế thì bạn là người hữu tử. Thế thì có sợ chết. Không đồng nhất với thân thể, bạn chỉ là người quan sát, bạn chỉ là tâm thức thuần khiết, vô trí. Và không có cái chết và không có bệnh tật và không có tuổi già. Chừng nào có liên quan tới việc chứng kiến của bạn, nó là vĩnh hằng và nó bao giờ cũng tươi tắn và trẻ trung và là một.
Tôn giáo đích thực không dạy bạn tôn thờ. Tôn giáo đích thực dạy bạn khám phá cái bất tử của bạn, khám phá thượng đế bên trong bạn. Và đó là điều Bồ Đề Đạt Ma đang nói.
Nếu ông tìm hiểu biết trực tiếp, đừng ôm giữ bất kì hình tướng nào, dù nó là cái gì, và ông sẽ thành công. Ta không có lời khuyên nào khác.
Lời khuyên của ông ấy rất đơn giản, nhưng nó chưa bao giờ sai. Ông ấy đang khuyên đừng bị đồng nhất với bất kì hình tướng nào: thân thể là một hình tướng, tâm trí là một hình tướng, thế giới là một hình tướng. Điều duy nhất tuyệt đối thực là tâm thức của bạn. Mọi thứ khác cứ thay đổi. Cái mà cứ thay đổi là hình tướng - đừng bị đồng nhất với nó. Bạn là điều thiêng liêng không thay đổi, bạn là tính thượng đế không thay đổi. Và Bồ Đề Đạt Ma nói: Ta không có lời khuyên nào khác.
Đừng níu bám lấy hình tướng, và ông sẽ là một tâm trí với vị phật.
Lời kinh nói: ông sẽ là một tâm trí với vị phật. Đó là hiểu lầm của người đã ghi lại phát biểu của Bồ Đề Đạt Ma. Tôi phải sửa lại từ “tâm trí” sang “vô trí”.
Như tâm trí, bạn có thể không bao giờ có thể là một với vị phật. Cố hiểu xem, bởi vì điều đó có ý nghĩa vô biên. Tại đây, nếu tất cả các bạn là tâm trí, thế thì có nhiều người như có bằng ấy tâm trí. Nhưng nếu tất cả các bạn trở thành im lặng, không ý nghĩ, thế thì chỉ có một vô trí - thế thì mọi phân biệt biến mất. Dù bạn là đàn ông hay đàn bà, trẻ con hay ông già, có học hay vô học, giầu hay nghèo, điều đó không thành vấn đề.
Mọi phân biệt biến mất vào khoảnh khắc tâm trí được siêu việt lên. Mọi phân biệt đều được tạo ra bởi tâm trí. Bên ngoài tâm trí chỉ là bầu trời im lặng, không gian thuần khiết. Trong không gian thuần khiết đó với vị phật, bạn tất cả là một với sự tồn tại.
Bạn là một với cái toàn thể.
Tôi gọi cái một này với cái toàn thể là cái thiêng liêng duy nhất.
Đệ tử này hỏi Bồ Đề Đạt Ma: Nhưng tại sao chúng tôi không nên tôn thờ chư phật và bồ tát?
Đệ tử này dường như là người có tâm trí rất xoàng, bởi vì Bồ Đề Đạt Ma đã trả lời rồi. Và bây giờ điều anh ta đưa ra như câu trả lời của Bồ Đề Đạt Ma, tôi phủ nhận tuyệt đối rằng đấy không thể nào là câu trả lời của Bồ Đề Đạt Ma được. Nó ngu xuẩn đến mức Bồ đề đạt ma không thể nào nói điều đó. Cho nên trước hết tôi sẽ đọc điều đệ tử này viết, thế rồi tôi sẽ bảo bạn đích xác cái gì Bồ Đề Đạt Ma ắt hẳn đã nói.
Quỉ và ma sở hữu sức mạnh của biểu hiện. Chúng có thể tạo ra hình tướng của bồ tát theo đủ mọi loại trá hình. Nhưng chúng là giả. Không một ai trong chúng là chư phật cả. Phật là tâm trí riêng của ông. Đừng hướng sai tôn thờ của ông.
Đệ tử này đang nói rằng việc tôn thờ vị phật bị phủ nhận bởi vì ma quỉ có thể giả làm chư phật. Nếu bạn tôn thờ, hình tướng sẽ là phật, và thực ra có quỉ ẩn đằng sau hình tướng này. Đây không thể là câu trả lời của Bồ Đề Đạt Ma được.
Một người không tin vào Thượng đế không thể tin vào ma quỉ được. Một người có khả năng phủ nhận Thượng đế chắc chắn có khả năng phủ nhận mọi ma quỉ. Và câu trả lời duy nhất của ông ấy có thể là câu trả lời mà ông ấy đã đưa ra trong lời kinh cơ sở. Không hoài nghi gì câu trả lời của ông ấy sẽ là, “Ông không nên tôn thờ bất kì chư phật nào bởi vì ông là vị phật. Điều đơn giản lố bịch là việc: vị phật này tôn thờ vị phật khác.”
Tôi nhớ tới một Thiền sư khác. Ông ấy ắt là con người có phẩm chất tương tự nào đó với Bồ Đề Đạt Ma; ông ấy là đệ tử theo cùng dòng truyền thừa. Ông ấy ngụ trong một ngôi chùa Phật giáo vào đêm đông - vị tu sĩ, biết rằng ông ấy là một thầy lớn, đã cho phép ông ấy ngụ lại trong chùa. Nhưng vào giữa đêm tu sĩ này thức dậy. Bỗng nhiên có nhiều ánh sáng thế. Ông ta nhìn vào trong chùa... bởi vì phòng ông ta ở bên ngoài chùa. Thầy mà anh ta đã cho phép ngụ lại trong chùa đang tận hưởng việc đốt một bức tượng đẹp, bức tượng gỗ của Phật Gautam.
Tu sĩ này đơn giản phát điên lên. Ông ta nói, “Ông điên hay làm sao đấy? Ông đã đốt tượng Phật Gautam rồi.” Thầy lấy cây thiền trượng của mình và bắt đầu tìm cái gì đó trong đống tro của bức tượng đã cháy. Tu sĩ nói, “Ông tìm gì vậy?” Thầy nói, “Ta đang tìm xương đây.”
Ngay cả tu sĩ này cũng phải bật cười, mặc dầu ông ta giận lắm và bức tượng đẹp nhất của ông ta đã bị đốt cháy. Nhưng ông ta nói, “Ông thực sự mất trí rồi. Nhưng làm sao tượng gỗ có thể có xương được?”
Thầy nói, “Đó là điều ta đang chỉ cho ông; rằng nếu không có xương bên trong nó, nó không phải là tượng của Phật. Nó không phải là Phật; nó chỉ là gỗ đẽo gọt thành hình dáng nào đó. Đừng bị lừa bởi nó. Đêm dài và trời quá lạnh còn ta mệt mỏi thế về cuộc hành trình dài này. Nếu ông có thể giúp đỡ cách nào đó... ông vẫn còn ba tượng nữa. Một tượng là đủ cho việc tôn thờ, ông có thể cho ta hai tượng. Đêm nay thực là lạnh. Hơn nữa ta là phật sống. Với vị phật sống điều tuyệt đối đúng là đốt phật gỗ đi để có chút ít hơi ấm. Trời quá lạnh trong ngôi chùa này.”
Tu sĩ trở nên rất sợ rằng con người này dường như tuyệt đối nguy hiểm và nghĩ, “Nếu mình đi ngủ, ông ta sẽ đốt hết tượng của mình.” Vào giữa đêm ông ta tống thầy ra khỏi ngôi chùa. Thầy cứ khăng khăng, “Điều này là không đúng. Nghe đây, ông sẽ hối hận về điều đó. Ông đang tống phật sống vào trong bóng tối của ban đêm, vào trong đêm đông lạnh lẽo. Và ông bảo vệ cho phật gỗ. Ông điên hay sao?”
Tu sĩ nói, “Tôi không muốn thảo luận điều đó với ông. Tôi biết ai điên. Ông ra khỏi đây đi.”
Đến sáng tu sĩ mở cửa ra để xem điều gì xảy ra cho thầy. Ông ấy đang ngồi ngay bên đường. Ông ấy đã hái vài bông hoa dại và ông ấy đặt những bông hoa dại này lên cột mốc cây số. Ông ấy đang tôn thờ, “Buddham sharanam, gachchhami. Sangham sharanam gachchhami. Dhammam sharanam gachchhami.”
Tu sĩ không thể tin nổi vào điều đó, “Ông ta điên thật. Đêm qua ông ta đã đốt mất một vị phật, đắt thế.” - nó được làm bằng gỗ đàn hương - “và bây giờ kẻ điên này đang tôn thờ cột cây số như vị phật.” Tu sĩ tới gần ông ấy và nói, “Ông làm gì thế này?”
Thầy nói, ‘Lời cầu nguyện buổi sáng của ta.” Tu sĩ nói, “Nhưng ông có vẻ lạ đời. Đêm qua ông đã phá huỷ phật của ta còn bây giờ ông tôn thờ cột cây số.”
Ông ấy nói, “Ông không hiểu. Đấy chỉ là hình dung của ông thôi. Nếu ông quán tưởng rằng đây là vị phật, đây là vị phật. Ông đã quán tưởng vị phật trong bức tượng gỗ - nó trở thành vị phật. Đấy tất cả đều là trò chơi tâm trí. Ta không tin vào lời cầu nguyện. Chỉ vì ông mà ta đợi và tôn thờ cột cây số này - chỉ để chỉ cho ông rằng bất kì cái gì ông tôn thờ, ông đang tôn thờ cái gì đó sai, bởi vì ông là phật. Người tôn thờ là phật, không phải cái được tôn thờ. Ta có thể vào lại chùa đêm nay được không?”
Tu sĩ nói, “Không, mặc dầu ông có vẻ như là đúng và có lẽ tôi sai, tôi không thể nào theo được hiểu biết lớn lao của ông - nó là nguy hiểm. Tốt hơn cả là ông đi khỏi chỗ này và làm hành động của ông ở một chùa khác nào đó. Tôi là một tu sĩ nghèo, ông đã phá huỷ một trong những vị phật đẹp nhất của tôi; bây giờ tôi không thể nào - cho dù ông có thuyết phục tôi - tôi không thể nào cho phép ông vào bên trong chùa được.”
Thầy nói, “Không thành vấn đề... nhưng ta có thể thấy rằng ông đã hiểu đúng, và một ngày nào đó ông sẽ tới tìm ta. Ta có thể thấy trong mắt ông ánh sáng của hiểu biết, tia sáng của hiểu biết. Không cho ta vào... nhưng ta đã vào bên trong ông rồi.”
Và sau đó hai năm, tu sĩ này phải tới thầy để xin lỗi, và ông ta mang ba bức tượng còn lại tới, nói, “Thầy có thể đốt chúng bất kì khi nào thầy cần. Tôi đã hiểu ra. Từ đêm đó, tôi đã không thể nào có lấy một khoảnh khắc quên thầy - cái đẹp của thầy, duyên dáng của thầy, an bình của thầy, im lặng của thầy và nỗ lực lớn lao của thầy để làm cho tôi hiểu rằng điều tôi đã làm là ngu xuẩn. Và tôi đã xử tệ với thầy; tôi đã tống thầy vào trong đêm tối, vào đêm lạnh lẽo. Dầu vậy thầy vẫn đợi tôi tới sáng hôm sau, để cho tôi một cơ hội khác để hiểu. Và tôi đã ngu đến mức tôi bỏ lỡ cả cơ hội đó nữa.
"Nhưng hai năm là đủ. Thầy đã ám ảnh tôi. Bây giờ tôi đã tới, hoàn toàn biết rõ rằng vị phật là ở bên trong; ông ấy không ở trong các bức tượng của chùa, và tượng của chùa và cột mốc cây số là không khác.”
Điều đó làm tôi nhớ: khi lần đầu tiên ở Ấn Độ, chính phủ Anh tạo ra đường sá và đặt cột mốc lên, họ đã sơn các cột mốc đó bằng mầu đỏ, bởi vì mầu đỏ là mầu rất rực rỡ và bạn có thể thấy nó từ xa. Đặc biệt trong tương phản với mầu xanh của cánh đồng và rừng thẳm, nó trông tách biệt. Bất kì mầu nào khác cũng có thể gây trộn lẫn, nhưng mầu đỏ đứng tuyệt đối tách biệt.
Các kĩ sư Anh, người làm việc trên đường, cũng ngạc nhiên rằng dân làng bắt đầu tôn thờ chúng! Họ nghĩ rằng đây là những bức tượng của Hanuman (thần khỉ). Đấy là cả một vấn đề lớn đối với các kĩ sư để bảo với các dân làng ấy rằng chúng chỉ là cột cây số. Nhưng dân làng cứ khăng khăng, “Chúng có thể là cột mốc cây số đối với các ông, nhưng với chúng tôi, nó hoàn toàn tốt. Chúng trông đẹp thế, và chúng tôi không làm hại gì các ông cả. Chúng tôi chỉ tôn thờ chúng.”
Tôi đã đọc câu chuyện này... khi đường sá lần đầu tiên được làm ở Ấn Độ, các kĩ sư người Anh đã bị sốc. Họ không thể nào ngăn cản được dân làng, người đã nói, “Các ông có thể coi chúng là cột mốc, nhưng có hại gì nếu chúng tôi tôn thờ chúng? Với chúng tôi, chúng chỉ là bức tượng của Hanuman.”
Câu trả lời của Bồ Đề Đạt Ma không thể là điều đệ tử này đã ghi ra ở đây. Câu trả lời của ông ấy chỉ có thể là: Nhớ lấy phật tính riêng của ông, đánh thức phật tính riêng của ông, và việc đánh thức này sẽ làm cho vô trí của ông là một với vị phật. Đừng hướng sai tôn thờ của ông. Ông phải tôn thờ tâm thức bên trong nhất riêng của ông. Ông là ngôi đền, ông là người tôn thờ, và ông là cái được tôn thờ.
Phật là từ tiếng Phạn cho điều ông gọi là nhận biết, nhận biết huyền bí. Đáp ứng, cảm nhận, nhíu trán, nháy mắt, vung tay và chân, đấy tất cả là bản tính nhận biết huyền bí của ông. Và bản tính này là vô trí. Và vô trí là phật. Và phật là Đạo. Và Đạo là Thiền. Nhưng từ thiền là một từ vẫn còn thách đố. Việc thấy bản tính của ông là Thiền.
Từ Zen vẫn còn là một câu đố bởi vì nó tới từ một gốc tiếng Sanskrit (Phạn); nó bắt nguồn từ từ dhyan - thiền. Phật dùng ngôn ngữ đương đại của mọi người thời ông ấy - đấy là một bước cách mạng, bởi vì tiếng Phạn bao giờ cũng là ngôn ngữ của học giả. Phật đã mang tới cuộc cách mạng bằng việc dùng ngôn ngữ của mọi người, không dùng ngôn ngữ của học giả. Ông ấy dùng tiếng Pali cho nên mọi dân làng đều có thể hiểu được. Trong tiếng Pali, dhyan bị đổi một chút thành dạng khác; nó trở thành zh’an.
Và khi Bồ Đề Đạt Ma tới Trung Quốc, ông ấy đã nói về zh’an. Nhưng trong tiếng Trung Quốc, nó lại lấy một dạng khác; nó trở thành ch’an. Và rồi từ Trung Quốc, nó tới Nhật Bản; từ ch’an nó trở thành zen. Đi xa nó mất gốc nguyên thuỷ. Bây giờ ở Nhật Bản không có gốc cho zen; từ này là từ ngoại đối với tiếng Nhật. Với ch’an không có gốc rễ trong tiếng Trung Quốc; từ này là từ ngoại.
Đó là lí do tại sao nó thành điều khó hiểu; Zen là gì? Nhưng nếu bạn có thể quay về gốc rễ, mọi sự trở nên đơn giản; câu đố biến mất. Dhyan có nghĩa là vượt ra ngoài tâm trí, đi ra ngoài quá trình ý nghĩ, vào trong im lặng, hoàn toàn im lặng nơi không cái gì chuyển động, nơi không cái gì quấy rối, nơi mọi thứ vắng bóng - chỉ trống rỗng thuần khiết. Không gian này là zen, không gian này là thiền. Không có gì khó hiểu về nó cả.
Nhưng chỉ trong đất nước này mới có thể tìm thấy gốc rễ của zen. Zen được sinh ra ở đây, trong đất nước này; nó nở hoa ở Nhật Bản. Hoa tới ở Nhật Bản và chúng là điều khó hiểu, bởi vì họ không thể nào tìm thấy gốc rễ ở đâu, cây ở đâu. Họ chỉ có thể thấy hoa và hương thơm. Gốc rễ ở xa xôi trên đất nước này, và một điều không may thế là dhyan đã nở hoa tới điều tối thượng của nó tại Nhật Bản, còn tại Ấn Độ nó biến mất gần như hoàn toàn.
Các sứ quán Ấn Độ đã được chính phủ Ấn Độ thông báo rằng bất kì ai từ bất kì nước nào trên thế giới mà muốn tới Ấn Độ để học thiền, không nên được cấp bất kì vi sa du lịch nào.
Chính phủ không biết gì về thiền cả. Các chính khách không thể đảm đương được là thiền nhân, bởi vì nền tảng của thiền là vô tham vọng, vô ham muốn, vô thành đạt. Chính khách không thể đảm đương được là một thiền nhân. Do đó, trong các đại học Ấn Độ không có điều khoản về thiền, một đóng góp lớn nhất của Ấn Độ cho thế giới. Và mọi người muốn tới Ấn Độ để học thiền bị các sứ quán Ấn Độ trên khắp thế giới ngăn cản. Họ được cấp vi sa tới nếu họ chỉ muốn xem Taj Mahal, các ngôi đền Khajuraho, đi tuần trăng mật ở Kashmir, hay bởi bất kì lí do ngớ ngẩn nào, nhưng không vì thiền.
Đó là một trong những sự cố không may đã xảy ra ở Ấn Độ. Ấn Độ đã tạo ra những thiền nhân vĩ đại nhất trên thế giới, và từ Ấn Độ toàn bộ châu Á đã học thiền. Nó vẫn sống động trong các tu viện của Nhật Bản; nhưng ở Ấn Độ không có sự hỗ trợ từ bất kì nguồn nào cho đóng góp vĩ đại nhất của riêng Ấn Độ cho tiến bộ con người. Nhưng lí do là rõ ràng: những người đang nắm quyền lực không hiểu ngay cả ABC của việc im lặng. Họ chỉ biết một tâm trí căng thẳng, lo âu và lo nghĩ, tham vọng, tinh ranh, kéo chân người khác, phá hoại quyền lực của nhau. Toàn thể mối quan tâm là tham vọng cực kì để ở trong quyền lực.
Thiền là khác toàn bộ; không chỉ khác, mà còn là chiều đối lập ngược hẳn lại. Đó là cách thức của con người khiêm tốn, đó là cách thức của trái tim giản dị. Đó là cách thức của những người muốn hân hoan trong việc biến mất hệt như giọt sương biến mất trong đại dương.
Cho dù ông giải thích hàng nghìn lời kinh và kệ, chừng nào ông chưa thấy bản tính riêng của mình, việc giải thích của ông là giáo lí của người hữu tử.
Bạn có thể hiểu các kinh sách linh thiêng, bạn có thể biết Vedas, bạn có thể biết Upanishads, bạn có thể biết Kinh thánh linh thiêng, bạn có thể biết Koran linh thiêng, hay Gita linh thiêng, nhưng nếu bạn không biết tới bản thân mình, giáo huấn của bạn chỉ là lặp lại, lặp lại máy móc như vẹt. Và có lẽ vẹt cũng còn thông minh hơn là các kẻ sĩ của bạn.
Tôi đã nghe nói về một ông giám mục có hai con vẹt, và trong nhiều năm ông ấy đã huấn luyện chúng trích đọc lời cầu nguyện Ki tô giáo chính thức. Ông ấy làm những hạt vàng cho vẹt; chúng đeo những hạt này và đọc lời cầu nguyện, và bất kì khách nào hay tới đều đơn giản ngạc nhiên. Việc tụng của chũng hoàn hảo thế và chúng trông gần như thánh, với các hạt trong cánh.
Cuối cùng, bởi vì ông ấy đã được ca ngợi quá nhiều về điều ông ấy đã làm trong việc dạy vẹt, ông giám mục nghĩ mình sẽ mua một con vẹt nữa và huấn luyện cả nó nữa. Cho nên ông ấy mua một con vẹt khác và đặt con vẹt mới đó vào giữa hai hiền giả này, tụng lời cầu nguyện với những hạt của chúng. Khi giám mục đi vào, con vẹt nọ nói với con vẹt kia, “George, bây giờ vứt hạt đi. Lời cầu nguyện của chúng ta đã được nghe rồi; người yêu của chúng ta đã tới với chúng ta.”
Đó là con vẹt cái. Thậm chí vẹt cũng dường như thông minh hơn...
Một người không biết tới bản thân mình nên cảm thấy xấu hổ khi dạy cho người khác chỉ bởi vì người đó biết kinh sách. Học thức không có ý nghĩa chút nào trong thế giới đích thực của tôn giáo. Nó là thế giới của kinh nghiệm, không phải của giải thích. Người dạy theo kinh sách là:
... người hữu tử, không phải vị phật. Đạo đúng là siêu phàm. Nó không thể được diễn đạt trong ngôn ngữ. Kinh sách phỏng có ích gì? Nhưng ai đó thấy bản tính riêng của mình, tìm thấy Đạo, cho dù người đó không thể đọc được một từ... Mọi thứ vị phật nói đều là diễn đạt cho vô trí của ông ấy. Nhưng vì thân thể ông ấy và cách diễn đạt về cơ bản là trống rỗng, ông không thể nào tìm thấy vị phật trong lời nói.
... Đạo về cơ bản hoàn hảo. Nó không đòi hỏi làm hoàn hảo. Đạo không có hình tướng hay âm thanh. Nó tinh tế và khó cảm nhận. Nó giống như khi ông uống nước. Ông biết nước nóng hay lạnh thế nào, nhưng ông không thể nói cho người khác được. Về điều đó chỉ tathagata (như lai) biết, người và thần vẫn còn không nhận biết. Nhận biết của người hữu tử không đạt tới.
Bạn có ít nhận biết - nhưng rất ít. Nếu toàn thể bản thể bạn có thể được tính tới, thế thì chín phần của nó là trong bóng tối và vô ý thức. Chỉ một phần trong mười là có ý thức, chỉ một tầng rất nông có thể dễ dàng bị khuấy động. Ai đó xúc phạm bạn và bạn quên tất cả về khiêm tốn, bạn quên tất cả về tử tế, bạn lập tức trở nên phát rồ. Bỗng nhiên cái man rợ của bạn trào lên. Chỉ cào chút ít và con vật bắt đầu biểu lộ thực tại của nó trong chính con người bạn.
Văn minh của bạn hời hợt thế. Nó giống hệt quần áo của bạn vậy; bạn có thể vứt bỏ chúng vào bất kì lúc nào. Và tất cả các bạn đều biết rằng có những khoảnh khắc khi bạn vứt bỏ mọi văn minh của mình đi, mọi văn hoá của mình, mọi tôn giáo, mọi phẩm chất vĩ đại của mình mà bạn nói tới, trong một giây, chúng biến mất. Tâm thức bạn nhỏ bé thế.
Nhận biết của người hữu tử không đạt tới. Nó không thể đạt tới những đỉnh cao của con người đã thức tỉnh đầy đủ. Đó là lí do tại sao vị phật nhất định bị hiểu lầm. Bất kì điều gì ông ấy làm đều xa xôi với bạn thế - ông ấy gần như trên đỉnh đầy ánh nắng của Himalaya còn bạn thì trong thung lũng tăm tối. Thậm chí những điều ông ấy nói đạt tới bạn, nó không còn là nó nữa. Bạn nghe chỉ tiếng thung lũng vang vọng. Cái gì đó của nó đạt tới bạn và bạn diễn giải nó theo tâm trí riêng của mình.
Một đêm chuyện xảy ra: Phật Gautam hay nói với các đệ tử của mình vào mọi đêm, sau bài nói của ông ấy, “Bây giờ đến lúc rồi; đi và làm điều cuối cùng. Đừng quên trước khi các ông đi ngủ.” Hướng dẫn của ông ấy là về việc thiền cuối cùng trước khi bạn đi ngủ. Nhưng một đêm chuyện đã xảy ra, có một tên trộm trong hội chúng và có cả một gái mãi dâm nữa. Khi Phật nói, “Bây giờ đến lúc rồi, các ông hãy đi và làm điều cuối cùng trước khi các ông đi ngủ,” gái mãi dâm nghĩ, “Lạy trời, ông ấy biết rằng mình ở đây, và rằng đây là lúc hành nghề của mình. Mình phải đi thôi, nhanh lên.”
Tên trộm nói, “Mình đang ẩn mình trong bóng tối, bởi vì không ai biết cả... Người này, ông ta có thể nhận ra rằng mình là kẻ trộm, và ông ấy đã nhận ra. Ông ấy đang nói với mình, ‘Bây giờ đi đi, và làm điều cuối cùng, trước khi ông đi ngủ. Đây là lúc rồi.’ Lạy trời, người này thực sự kì lạ. Mình phải chạy đi bây giờ, muộn rồi và đây là lúc để kết thúc công việc của mình, bằng không thì mình sẽ không ngủ được tối nay.”
Hàng nghìn sannyasin đi vào thiền. Gái mãi dâm ra bãi chợ. Kẻ trộm bắt đầu tìm công việc mình. Phật nói một điều, nhưng có nhiều cách diễn giải khác nhau tương ứng với tâm trí riêng của mọi người.
Chừng nào họ còn gắn bó với hình tướng, họ còn không nhận biết rằng vô trí của họ là trống rỗng. Và bởi níu bám sai lầm vào hình tướng của mọi vật, họ lạc mất Đạo.
Nếu ông biết rằng mọi thứ đều tới từ vô trí...
Mọi thứ tới từ cái không, và biến mất lại vào trong cái không. Và bạn thấy điều đó xảy ra hàng ngày; từ hạt mầm cây phát sinh ra. Bạn chặt hạt mầm ra và xem - bạn sẽ không thấy cây nào, bạn sẽ không thấy cành nào, bạn sẽ không thấy bất kì tán lá nào, bạn sẽ không thấy bất kì hương thơm nào, bất kì quả nào - không cái gì, chỉ trống rỗng.
Nhưng từ hạt mầm, cái không là gì ngoài cái trống rỗng, một cây lớn mọc lên với tán lá vĩ đại, với nhiều hoa, với nhiều quả và hàng triệu hạt mầm. Và từ mỗi hạt mầm, lần nữa lại hàng triệu hạt mầm. Các nhà khoa học nghiên cứu về cây cối, rau cỏ, nói rằng một hạt mầm có thể làm cho cả trái đất xanh rờn. Nó có nhiều tiềm năng thế, mặc dầu bạn không thể thấy được bằng việc cắt nó ra - bạn sẽ không thấy cái gì ở đó cả.
Mọi thứ đều tới từ cái không và quay trở lại vào trong cái không. Do đó không có nhu cầu gắn bó, bởi vì gắn bó sẽ đem lại khổ. Chẳng mấy chốc nó sẽ trôi qua. Hoa đã nở ra vào buổi sáng, đến tối sẽ tàn đi.
Đừng bị gắn bó; bằng không vào buổi tối sẽ có khổ. Thế thì sẽ có nước mắt, thế thì bạn sẽ bỏ lỡ bông hoa. Tận hưởng trong khi nó đang có đó. Nhưng nhớ, nó đã tới từ cái không, và nó sẽ quay trở lại cái không. Và cùng điều này là đúng cho mọi thứ, ngay cả về mọi người.
Bạn yêu người đàn ông, bạn yêu người đàn bà; họ đã tới từ đâu? Từ chính những hạt mầm nhỏ bé mà thậm chí mắt trần không thể thấy được. Nếu chúng được đặt ra trước bạn, chúng sẽ không lớn hơn dấu chấm câu. Và bạn sẽ không nhận ra rằng đây là bạn, hay rằng một ngày nào đó bạn đã giống cái này, rằng đây là tấm ảnh cũ của bạn.
Một ngày nào đó bạn sẽ biến mất trên dàn thiêu - vào cái không, như khói. Đừng bị gắn bó với bất kì cái gì. Gắn bó này đem bạn đi xa khỏi bản thể thực của mình; bạn trở nên bị hội tụ vào những thứ bạn bị gắn bó. Nhận biết của bạn lạc trong các  đồ vật,  trong tiền bạc, trong  con người, trong quyền lực. Và có cả nghìn lẻ một thứ, toàn bộ rừng rậm bao quanh bạn, để mà bị lạc.
Nhớ lấy, vô gắn bó là bí mật của việc tìm ra bản thân bạn, thế thì nhận biết có thể quay vào bên trong bởi vì bạn không có gì bên ngoài để bắt giữ. Đấy là tự do, và trong tự do này bạn có thể biết tới tự tính của mình.
... đừng trở nên gắn bó. Một khi bị gắn bó, ông không nhận biết. Nhưng một khi ông thấy bản tính riêng của mình, toàn bộ kinh sách trở thành bài tụng chán ngắt.
Thế thì mọi kinh sách đều vô dụng. Bạn đã thấy cái linh thiêng nhất của cái linh thiêng, chính cội nguồn của Upanishad, chính cội nguồn của Veda, chính cội nguồn của tất cả cái gọi là kinh sách linh thiêng. Khi bạn đã thấy cội nguồn, ai còn bận tâm đến kinh sách nữa? Chúng quá tẻ nhạt, không là gì khác.
Hàng nghìn lời kinh và kệ chỉ đưa tới vô trí rõ ràng. Hiểu biết tới ở giữa câu.
Đây là một phát biểu hay thế. Hiểu biết không tới qua lời, mà qua lỗ hổng - trong khoảnh khắc của im lặng.
Hiểu biết tới ở giữa câu. Các học thuyết có ích gì?
Chân lí tối thượng vượt ra ngoài lời. Học thuyết là lời. Chúng không phải là Đạo. Đạo là vô lời. Lời là ảo tưởng. Chúng không khác các vật xuất hiện trong giấc mơ của ông ban đêm, dù chúng là lâu đài hay xe ngựa... Đừng tưởng tượng bất kì vui thích nào cho những điều như vậy. Chúng tất cả đều là cái nôi của tái sinh. Nhớ điều này trong tâm trí khi ông tiến tới cái chết. Đừng níu bám vào hình tướng, và ông sẽ phá vỡ mọi rào chắn.
Đây là một phát biểu vĩ đại cần được ghi nhớ bởi vì mọi người sẽ đi qua cái cổng của cái chết một ngày nào đó. Nếu bạn có thể nhớ rằng bạn chỉ là tâm thức thuần khiết - không phải là thân thể, không phải là tâm trí, không phải là trái tim, không phải là tiền của bạn, không phải uy tín của bạn, không phải quyền lực của bạn, không phải nhà của bạn, mà chỉ là tâm thức thuần khiết - thế thì bạn có thể đi qua rào chắn của cái chết mà không xây xước gì. Thế thì cái chết thậm chí không thể làm sứt mẻ được bạn.
Cái chết có quyền lực với bạn chỉ nếu bạn bị gắn bó.
Bạn không sợ cái chết. Tâm lí cơ sở là bạn sở cái chết bởi vì nó đem bạn xa khỏi mọi gắn bó của bạn. Nếu như có khả năng rằng bạn có thể đem cả vợ bạn và con bạn cùng nhà cửa và tiền bạc và quyền lực và mọi thứ bạn nghĩ thuộc về bạn, đi cùng bạn khi bạn chết, tôi cho rằng bạn không sợ chết. Bạn sẽ hân hoan; một cuộc phiêu lưu lớn - đi cùng với toàn bộ đoàn lữ hành. Nhưng cái chết cắt đi mọi thứ khỏi bạn, để bạn hoàn toàn trần trụi - chỉ như một tâm thức...
Trong Upanishad có một câu chuyện cổ mà tôi bao giờ cũng yêu mến. Một nhà vua lớn tên là Yayati đã tới một trăm tuổi. Bây giờ thế là đủ; ông ấy đã sống một cách rất khoẻ mạnh. Ông ấy đã tận hưởng mọi điều mà cuộc sống có thể làm có sẵn. Ông ấy là một trong những vị vua vĩ đại nhất trong thời ông ấy. Nhưng câu chuyện này hay...
Thần Chết tới và nói với Yayati, “Sẵn sàng đi. Đây là thời điểm cho ông rồi, và ta đã tới để đem ông đi.” Yayati thấy Thần Chết, và ông ấy là một chiến binh vĩ đại và ông ấy đã thắng nhiều cuộc chiến. Yayati bắt đầu run rẩy, và nói, “Nhưng thế thì quá sớm.” Thần Chết nói, “Quá sớm à! Ông đã sống cả trăm năm nay rồi. Thậm chí con ông cũng đã già. Con cả của ông đã tám mươi tuổi rồi. Ông còn muốn gì hơn nữa?”
Yayati có một trăm con trai bởi vì ông ấy có một trăm vợ. Ông ấy đã yêu cầu Thần Chết, “Ngài có thể làm một ân huệ cho ta được không? Ta biết ngài phải đem ai đó đi. Nếu ta có thể thuyết phục một trong những đứa con của ta, liệu ngài có thể để ta sống thêm một trăm năm nữa và đem một trong những đứa con của ta đi được không?” Thần chết nói, “Điều đó hoàn toàn được nếu ai đó khác sẵn sàng ra đi. Nhưng ta không nghĩ... Nếu ông không sẵn sàng, và ông là bố và ông đã sống nhiều hơn và ông đã tận hưởng mọi thứ, tại sao con ông lại phải sẵn sàng?”
Yayati triệu một trăm con trai lại. Những đứa con già hơn vẫn còn im lặng. Có im lặng lớn, không ai nói điều gì cả. Chỉ một người, đứa con trai nhỏ tuổi nhất mói chỉ mười sáu tuổi, đứng dậy và anh ta nói, “Tôi sẵn sàng”. Ngay cả Thần Chết cũng cảm thấy buồn cho cậu bé và nói với cậu thanh niên này, “Có lẽ cậu còn quá hồn nhiên. Cậu không thể thấy chín mươi chín anh cậu tuyệt đối im lặng đó sao? Ai đó tám mươi, ai đó bẩy mươi nhăm, ai đó bẩy tám, ai đó bẩy mươi, ai đó sáu mươi - họ đã sống - nhưng họ vẫn muốn sống. Và cậu thì chưa sống chút nào. Thậm chí ta cũng cảm thấy buồn khi đem cậu đi. Cậu nghĩ lại đi.”
Cậu thanh niên nói, “Không, thấy tình huống này cũng làm cho tôi hoàn toàn chắc chắn. Đừng cảm thấy buồn hay tiếc; tôi đi với nhận biết hoàn toàn. Tôi có thể thấy rằng nếu bố tôi còn chưa thoả mãn trong một trăm năm, phỏng có ích gì mà ở đây? Làm sao tôi có thể thoả mãn được? Tôi đang thấy chín mươi chín anh tôi; không ai thoả mãn cả. Cho nên tại sao phải phí thời gian? Ít nhất thì tôi cũng có thể làm ân huệ này cho bố tôi. Trong tuổi già của bố, để cho bố tận hưởng thêm một trăm năm nữa. Nhưng tôi kết thúc. Thấy tình huống là không ai thoả mãn cả, tôi có thể hoàn toàn hiểu một điều - rằng cho dù tôi có sống một trăm năm, tôi cũng sẽ không thoả mãn. Cho nên cũng không thành vấn đề liệu tôi đi hôm nay hay sau chín mươi năm. Ngài cứ đem tôi đi.”
Thần Chết tóm lấy cậu bé. Và sau một trăm năm thần quay lại. Và Yayati lại ở trong cùng tình huống đó. Và ông ấy nói, “Một trăm năm này trôi qua chóng quá. Mọi con trai lớn của tôi đều đã chết, nhưng tôi có một đoàn khác. Tôi có thể cho thần một người con nào đó. Xin hãy ban đặc ân cho tôi.”
Chuyện cứ thế tiếp diễn - câu chuyện cứ kể mãi - trong một nghìn năm. Mười lần Thần Chết tới. Và chín lần thầm đã lấy đi người con nào đó và Yayati sống thêm một trăm năm. Lần thứ mười Yayati nói, “Mặc dầu tôi vẫn chưa thoả mãn như tôi chưa thoả mãn khi thần tới lần đầu tiên, nhưng bây giờ - mặc dầu không sẵn sàng, ngần ngại - tôi sẽ đi, bởi vì tôi không thể nào cứ hỏi xin ân huệ mãi được. Như thế quá nhiều rồi. Và một điều đã trở nên chắc chắn với tôi, là nếu một nghìn năm không thể nào giúp gì cho tôi được bằng lòng, thế thì thậm chí mười nghìn năm cũng không làm được.”
Đấy là gắn bó. Bạn có thể cứ sống nhưng khi ý tưởng về cái chết điểm vào bạn, bạn sẽ bắt đầu run rẩy. Nhưng nếu bạn không bị gắn bó với bất kì cái gì, cái chết có thể tới chính khoảnh khắc này và bạn sẽ trong tâm trạng rất đón chào. Bạn sẽ hoàn toàn sẵn sàng ra đi. Trước con người như vậy, cái chết bị thất bại. Cái chết bị thất bại chỉ bởi những người đã sẵn sàng chết vào bất kì lúc nào, không ngần ngại gì. Họ trở thành bất tử, họ trở thành chư phật.
Một khoảnh khắc ngần ngại và ông sẽ ở dưới bùa mê của quỉ. Thân thể thực của ông, bản thể thực của bạn là thuần khiết và không thể bị hư hỏng. Nhưng bởi vì ảo tưởng, ông không nhận biết về điều đó. Và bởi vì điều này, ông chịu nghiệp một cách vô ích. Bất kì chỗ nào ông thấy vui mừng, ông thấy tù túng. Nhưng một khi ông đánh thức thân thể và vô trí nguyên thuỷ của mình, ông không còn bị dính với gắn bó.
Tự do này là mục đích của mọi tìm kiếm tôn giáo. Tự do khỏi gắn bó là tự do khỏi cái chết.
Tự do khỏi gắn bó là tự do khỏi bánh xe sinh tử. Tự do khỏi gắn bó làm cho bạn có khả năng đi vào ánh sáng vũ trụ và trở thành một với nó. Và đó là phúc lành lớn nhất, cực lạc tối thượng bên ngoài nó không cái gì khác tồn tại. Bạn đã về nhà.
Được chứ Maneesha?
Vâng, thưa Osho.

Ads Belove Post