Chương 1. Tìm kiếm cái không là phúc lạc

Chương 1. Tìm kiếm cái không là phúc lạc

Price:

Read more

Osho – Bồ Đề Đạt Ma: Thiền sư vĩ đại nhất
Chương 1. Tìm kiếm cái không là phúc lạc


Osho kính yêu,
Đại cương của Bồ đề đạt ma về thực hành
Nhiều con đường dẫn tới Đạo, về cơ bản chỉ có hai con đường: lí luận và thực hành. Đi vào bằng lí luận có nghĩa là nhận ra điều tinh tuý qua hướng dẫn và tin rằng mọi vật sống đều có chung cùng bản tính đúng đắn, điều không rõ ràng bởi vì nó bị che khuất bởi cảm giác và ảo tưởng. Những người từ ảo tưởng quay về với thực tại, người thiền với bức tường, thấy vắng bóng cái ta và người khác, thấy cái một của người hữu tử và hiền nhân, và những người đó vẫn còn thản nhiên, ngay cả với kinh sách, là trong tán thành đầy đủ và không nói lên lời với lí luận. Không di chuyển, không nỗ lực, họ đi vào, chúng ta nói, bằng lí luận.

Đi vào bằng thực hành nói tới bốn thực hành bao hàm toàn bộ: chịu đựng bất công, thích ứng với hoàn cảnh, tìm cái không và thực hành Pháp.
Thứ nhất, chịu đựng bất công. Khi những người tìn kiếm Đạo gặp phải vận rủi, họ nên nghĩ về bản thân mình, "Trong vô lượng năm trôi qua, mình đã đi từ điều tinh tuý tới cái tầm thường và vẩn vơ qua đủ mọi cách thức của sự tồn tại, thường giận dữ chẳng nguyên nhân và mặc cảm về vô số tội lỗi. Bây giờ, mặc dầu mình không làm điều sai trái, mình đang bị trừng phạt bởi quá khứ của mình. Không thần thánh cũng không người nào có  thể  thấy trước được khi nào hành vi ác sẽ mang lại quả của nó. Mình chấp nhận nó bằng trái tim cởi mở và không phàn nàn về bất công." Kinh nói, "Khi ông gặp vận rủi, đừng nổi giận. Bởi vì điều đó có ý nghĩa." Với hiểu biết như vậy, ông trong hài hoà với lí luận. Và bằng việc chịu đựng bất công, ông đi vào Đạo.
Thứ hai, thích ứng với hoàn cảnh. Là người hữu tử, chúng ta bị cai trị bởi hoàn cảnh, không bởi chúng ta. Tất cả đau khổ và vui sướng chúng ta kinh nghiệm phụ thuộc vào hoàn cảnh. Nếu chúng ta được ân huệ bởi một phần thưởng lớn lao nào đó, như danh vọng hay của cải, đấy là kết quả của hạt mầm do chúng ta đã gieo trong quá khứ. Khi hoàn cảnh thay đổi, nó chấm dứt. Tại sao thích thú trong sự tồn tại của nó? Nhưng khi thành công và thất bại phụ thuộc vào hoàn cảnh, tâm trí không tròn không khuyết. Những người vẫn còn thản nhiên trước làn gió vui vẻ im lặng đi theo Đạo.
Thứ ba, tìm cái không. Mọi người của thế gian này đều ảo tưởng. Họ bao giờ cũng khao khát cái gì đó, nói cách khác, bao giờ cũng trong tìm kiếm. Nhưng người trí huệ thức dậy. Họ chọn lí luận thay cho thói quen. Họ tập trung tâm trí mình vào cái siêu phàm và để cho thân thể họ thay đổi theo mùa. Mọi hiện tượng đều trống rỗng. Họ không chứa cái gì đáng ham muốn. Tai hoạ mãi mãi thay đổi cùng thịnh vượng. Cư ngụ trong ba cõi giới là cư ngụ trong nhà cháy. Có thân thể là khổ. Bất kì ai có thân thể có biết tới an bình không?
Thứ tư, thực hành Pháp. Pháp là chân lí rằng mọi bản tính đều thuần khiết. Theo chân lí này, mọi hình tướng là trống rỗng. Ô uế và gắn bó, chủ thể và khách thể không tồn tại. Kinh nói, "Pháp không chứa hiện hữu nào bởi vì nó là tự do khỏi cái không thuần khiết của hiện hữu. Và Pháp không chứa cái ta, bởi vì nó là tự do khỏi cái không thuần khiết của cái ta." Những người đủ trí huệ để tin và hiểu chân lí này nhất định thực hành theo Pháp. Vì hiện thân của Pháp không chứa cái gì đáng thèm muốn, họ đem thân thể, cuộc sống và tài sản của mình cho việc từ thiện, không tiếc nuối, không kiêu căng tụ phụ là người cho, cái cho và người nhận, và không thiên vị hay gắn bó. Và họ tiếp tục biến đổi người khác để xoá bỏ cái không thuần khiết nhưng không trở nên bị gắn bó với hình dạng. Vậy, qua việc thực hành riêng của mình, họ có khả năng giúp cho người khác và làm vinh quang Con đường của Chứng ngộ. Và như với việc thiện, họ cũng thực hành các đức hạnh khác. Nhưng trong khi thực hành sáu đức hạnh để xoá bỏ ảo tưởng, họ thực hành chỉ mỗi cái không. Đây là điều được ngụ ý bởi thực hành Pháp. Những người hiểu điều này tách bản thân mình khỏi tất cả những cái đang tồn tại và chấm dứt tưởng tượng hay tìm kiếm bất kì cái gì. Kinh nói, "Tìm kiếm là khổ. Tìm cái không là phúc lạc." Khi ông tìm cái không, ông đang trong Đạo."
Tôi có một góc rất dịu dàng trong tim dành cho Bồ đề đạt ma. Điều đó làm cho nó thành cơ hội rất đặc biệt để nói về ông ấy. Có lẽ ông ấy là người duy nhất tôi đã yêu mến sâu đậm đến mức nói về ông ấy, tôi sẽ gần như nói về bản thân mình. Điều đó cũng tạo ra phức tạp lớn, bởi vì ông ấy chưa bao giờ viết ra bất kì điều gì trong đời mình. Không người chứng ngộ nào đã từng viết ra. Bồ đề đạt ma không phải là ngoại lệ, nhưng theo truyền thống ba cuốn sách này mà chúng ta sẽ thảo luận tới đều được cho là của Bồ đề đạt ma.
Các học giả lí luận rằng bởi vì không có bằng chứng trái ngược - và trong gần một nghìn năm, những sách này đã được cho là của Bồ đề đạt ma - chẳng có lí do gì tại sao chúng ta không chấp nhận chúng. Tôi không phải là học giả, và chắc chắn có những đoạn phải được Bồ đề đạt ma nói ra, nhưng đây không phải là sách do ông ấy viết ra. Đây là các ghi chép của đệ tử ông ấy. Chính truyền thống cổ đại là khi một đệ tử ghi chép từ thầy, người đó không đưa tên riêng của mình vào những ghi chép đó, bởi vì chẳng có cái gì thuộc vào người đó cả; nó đã tới từ thầy.
Nhưng biết Bồ đề đạt ma thân thiết như tôi biết ông ấy... Có biết bao nhiêu nguỵ biện trở thành có thể chỉ nếu ai đó khác đã ghi chép và tâm trí riêng của người đó len vào; người đó đã diễn giải Bồ đề đạt ma - và không mấy hiểu biết.
Trước khi chúng ta đi vào trong những lời kinh này, biết thêm đôi điều về Bồ đề đạt ma cũng là tốt. Điều đó sẽ cho bạn hương vị của con người này và cách thức để hiểu điều gì thuộc về ông ấy trong những cuốn sách này và điều gì không thuộc về ông ấy. Đấy sẽ là việc bình luận rất kì lạ.
Bồ đề đạt ma được sinh ra từ mười bốn thế kỉ trước đây, là con của một ông vua ở miền nam Ấn Độ. Đã có một đế quốc vĩ đại, đế quốc Pallavas. Ông ấy là con thứ ba, nhưng thấy mọi điều - ông ấy là con người cực kì thông minh - ông ấy đã từ bỏ vương quốc. Ông ấy không chống lại thế giới này, nhưng ông ấy đã không sẵn sàng bỏ phí thời gian của mình trong những việc vặt vãnh, tầm thường. Toàn bộ mối quan tâm của ông ấy là để biết tự tính mình, bởi vì không biết điều đó bạn phải chấp nhận cái chết là kết thúc.
Mọi người tìm kiếm đúng đắn thực ra đã từng tranh đấu chống lại cái chết. Bertrand Russell đã đưa ra câu phát biểu rằng nếu không có cái chết, sẽ không có tôn giáo. Có chân lí nào đó trong nó. Tôi sẽ không đồng ý toàn bộ, bởi vì tôn giáo là lục địa mênh mông. Nó không chỉ là cái chết, nó cũng là tìm kiếm phúc lạc, nó cũng là tìm kiếm chân lí, nó cũng còn là việc tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời; nó là nhiều thứ hơn. Nhưng chắc chắn Bertrand Bussell là đúng: nếu như không có cái chết, rất ít, rất hiếm người sẽ quan tâm tới tôn giáo. Cái chết là động cơ lớn lao.
Bồ đề đạt ma đã từ bỏ vương quốc khi nói với bố mình, "Nếu bố không thể cứu con khỏi cái chết, thế thì xin đừng ngăn cản con. Để con đi tìm cái gì đó ở bên ngoài cái chết." Đấy đã là những ngày rất đẹp, đặc biệt ở phương Đông. Người bố nghĩ một lúc rồi ông ấy nói, "Bố sẽ không ngăn cản con, bởi vì bố không thể ngăn cản được cái chết của con. Con cứ đi tìm với mọi ân huệ của bố. Bố buồn nhưng đấy là vấn đề của bố; đấy là gắn bó của bố. Bố đã hi vọng con là người kế tục, là hoàng đế của đế quốc Pallavas vĩ đại, nhưng con đã chọn cái gì đó còn cao hơn điều đó. Bố là bố của con cho nên làm sao bố có thể ngăn cản con được?
"Và con đã đặt ra một câu hỏi theo cách đơn giản thế mà bố chưa bao giờ trông đợi. Con nói, 'Nếu bố có thể ngăn cản được cái chết của con thế thì con sẽ không rời khỏi cung điện, nhưng nếu bố không thể ngăn cản được cái chết của con, thế thì xin đừng ngăn cản con.'" Bạn có thể thấy tầm vóc của Bồ đề đạt ma như một người thông minh vĩ đại.
Và điều thứ hai tôi muốn bạn nhớ tới là ở chỗ mặc dù ông ấy là tín đồ của Phật Gautam, trong hoàn cảnh nào đó ông ấy biểu lộ tầm bay cao hơn bản thân Phật Gautam. Chẳng hạn, Phật Gautam sợ điểm đạo cho đàn bà công xã các sannyasin của mình nhưng Bồ đề đạt ma đã nhận điểm đạo từ một người đàn bà đã chứng ngộ. Tên của bà ấy là Pragyatara. Có lẽ mọi người chắc sẽ quên mất tên bà ấy; chỉ bởi vì Bồ đề đạt ma mà tên của bà ấy còn lại, nhưng chỉ cái tên - chúng ta không biết gì khác về bà ấy. Chính bà ấy đã ra lệnh cho Bồ đề đạt ma sang Trung Quốc. Phật giáo đã tới Trung Quốc từ sáu trăm năm trước Bồ đề đạt ma. Đấy là điều gì đó thần kì; điều chưa bao giờ đã xảy ra ở bất kì đâu, vào bất kì thời đại nào - thông điệp của Phật lập tức được toàn thể người Trung Quốc bắt giữ.
Tình huống  là  ở  chỗ  Trung Quốc đã sống  dưới ảnh hưởng của Khổng Tử và đã mệt mỏi về nó. Bởi vì Khổng Tử chỉ là nhà đạo đức, khắt khe về đạo đức, ông ấy chẳng biết gì về những bí ẩn bên trong của cuộc sống. Thực ra, ông ấy phủ nhận rằng có cái gì đó bên trong. Mọi thứ đều ở bên ngoài; làm tinh tế nó lên, đánh bóng nó, trau chuốt nó, làm cho nó đẹp nhất có thể được.
Đã có những người như Lão Tử, Trang Tử, Liệt Tử, đương đại với Khổng Tử, nhưng họ là các nhà huyền môn chứ không phải là thầy. Họ không thể tạo ra phong trào chống lại Khổng Tử ngay trong trái tim của người Trung Quốc. Cho nên đã có chân không. Không ai có thể sống mà không có linh hồn, và một khi bạn bắt đầu nghĩ rằng không có linh hồn, cuộc sống của bạn bắt đầu mất đi mọi nghĩa. Linh hồn là chính khái niệm hoà hợp của bạn; không có nó bạn bị cắt rời khỏi sự tồn tại và cuộc sống vĩnh hằng. Cũng giống như cành bị chặt khỏi cây nhất định chết - nó đã mất cội nguồn nuôi dưỡng - chính ý tưởng rằng không có linh hồn bên trong bạn, không tâm thức, đã cắt rời bạn ra khỏi sự tồn tại. Người ta bắt đầu co lại, người ta bắt đầu cảm thấy ngột ngạt.
Nhưng Khổng Tử là một người duy lí rất vĩ đại. Những nhà huyền môn này, Lão Tử, Trang Tử, Liệt Tử, đều biết rằng điều Khổng Tử đang làm là sai, nhưng họ không phải là thầy. Họ vẫn còn trong tu viện của mình với vài đệ tử.
Khi Phật giáo vươn tới Trung Quốc, nó lập tức đi vào chính linh hồn của mọi người... dường như họ đã từng khát nước hàng thế kỉ, và Phật giáo đã tới như đám mây mưa. Nó làm dịu đi cơn khát của họ, mênh mang đến mức cái gì đó không thể nào tưởng tượng nổi đã xảy ra.
Ki tô giáo đã cải đạo nhiều người, nhưng việc cải đạo đó không đáng gọi là tôn giáo. Nó cải đạo người nghèo, người đói, kẻ ăn xin, con côi, không phải bởi bất kì ảnh hưởng tâm linh nào lên họ mà chỉ bởi việc cho họ đồ ăn, quần áo, chỗ ở, giáo dục. Nhưng những điều này chẳng liên quan gì tới tâm linh cả. Mô ha mét giáo đã cải đạo rất nhiều người, nhưng trên đầu lưỡi kiếm: hoặc là bạn là người Mô ha mét giáo, hoặc bạn không thể sống được. Chọn lựa là phần bạn.
Chuyển đổi đã xảy ra ở Trung Quốc là chuyển đổi tôn giáo duy nhất trong toàn bộ lịch sử loài người. Phật giáo đơn giản tự giải thích mình, và cái đẹp của thông điệp đó đã được mọi người hiểu. Họ đã khát khao về nó, họ đã chờ đợi cái gì đó giống nó. Toàn bộ đất nước này, nước lớn nhất trên thế giới, quay sang Phật giáo. Khi Bồ đề đạt ma tới đó sáu trăm năm sau, đã có tới ba mươi nghìn ngôi chùa, tu viện Phật giáo và hai triệu sư Phật giáo ở Trung Quốc. Và hai triệu nhà sư Phật giáo này không phải là con số nhỏ đâu; nó chiếm năm phần trăm toàn thể dân số của Trung Quốc.
Pragyatara, thầy của Bồ đề đạt ma, đã bảo ông ấy đi sang Trung Quốc bởi vì những người đã tới đó trước ông ấy đã tạo nên tác động lớn, mặc dầu không người nào trong số họ đã chứng ngộ. Họ là những học giả lớn, những người rất kỉ luật, rất đáng yêu và an bình và từ bi, nhưng không người nào trong số họ đã chứng ngộ. Và bây giờ Trung Quốc cần một Phật Gautam khác. Mảnh đất đã sẵn sàng.
Bồ đề đạt ma là người chứng ngộ đầu tiên tới Trung Quốc. Điểm tôi muốn làm rõ ràng là ở chỗ trong khi Phật Gautam sợ điểm đạo cho đàn bà vào công xã của mình, Bồ đề đạt ma đã đủ dũng cảm để được điểm đạo bởi một đàn bà trên con đường của Phật Gautam. Đã có những người chứng ngộ khác, nhưng ông ấy đã chọn một đàn bà với một mục đích nào đó. Và mục đích đó là để chỉ ra rằng đàn bà có thể được chứng ngộ. Không chỉ có thế, đệ tử của bà ấy có thể được chứng ngộ. Tên của Bồ đề đạt ma đứng thứ hai trong tất cả những người đã chứng ngộ Phật giáo chỉ sau Phật Gautam.
Có nhiều truyền thuyết về con người này; chúng tất cả đều có ý nghĩa nào đó. Truyền thuyết thứ nhất là: Khi tới Trung Quốc - ông ấy đi mất ba năm - hoàng đế Vũ ra đón ông ấy. Danh tiếng của ông ấy đã vang xa trước ông ấy. Lương Vũ Đế đã làm rất nhiều công quả theo triết lí của Phật Gautam. Hàng nghìn học giả đã dịch kinh Phật từ tiếng Pali sang tiếng Trung Quốc và hoàng đế là người bảo trợ cho tất cả công trình dịch thuật lớn lao đó. Ông ấy đã làm hàng nghìn ngôi đền chùa và tu viện, và ông ấy đã nuôi dưỡng hàng nghìn sư. Ông ấy đã đổ toàn thể kho báu của mình ra cho việc phụng sự Phật Gautam, và một cách tự nhiên các sư Phật giáo, những người đã tới trước Bồ đề đạt ma, đều đã nói với ông ấy rằng ông ấy thu được công đức lớn lao; rằng ông ấy sẽ được sinh ra làm thần trên trời.
Một cách tự nhiên, câu hỏi đầu tiên của ông ấy với Bồ đề đạt ma là, "Trẫm đã làm nhiều tu viện, trẫm đã nuôi hàng nghìn học giả, trẫm đã mở cả trường đại học cho việc học tập về Phật Gautam, trẫm đã để toàn bộ vương quốc của mình và kho báu của nó và việc phụng sự Phật Gautam. Phần thưởng cho trẫm sẽ là gì?"
Hoàng đế có chút ít lúng túng khi thấy Bồ đề đạt ma, không nghĩ rằng con người đó sẽ giống thế này. Ông ấy trông rất dữ tợn. Ông ấy có đôi mắt rất to, nhưng ông ấy có trái tim rất dịu dàng - hoa sen trong tim ông ấy. Nhưng khuôn mặt ông ấy thì dữ dằn như bạn có thể hình dung. Chỉ thiếu kính râm; bằng không ông ấy đích thị là một tên mafia!
Với sợ hãi lớn lao, Lương Vũ Đế hỏi câu hỏi ấy, và Bồ đề đạt ma nói, "Chẳng có gì cả, không có phần thưởng đâu. Ngược lại là đằng khác, sẵn sàng xuống địa ngục thứ bẩy đi."
Hoàng đế nói, "Nhưng trẫm có làm điều gì sai trái đâu - sao xuống địa ngục tầng thứ bẩy? Trẫm đã làm mọi điều mà các sư Phật giáo đã bảo trẫm cơ mà."
Bồ đề đạt ma nói, "Chừng nào ông còn chưa nghe thấy tiếng nói riêng của mình, không ai có thể giúp được cho ông, dù là Phật tử hay không Phật tử. Và ông chưa nghe thấy tiếng nói bên trong của mình rồi. Nếu ông đã nghe thấy nó, ông đã không hỏi câu hỏi ngu xuẩn đến thế.
"Trên con đường của Phật Gautam không có phần thưởng bởi vì chính ham muốn được phần thưởng tới từ tâm trí tham lam. Toàn bộ giáo huấn của Phật Gautam là vô ham muốn và nếu ông đang làm tất cả những cái gọi hành động đức hạnh này, dựng đền chùa và tu viện và nuôi hàng nghìn sư, với một ham muốn trong tâm trí mình, ông đang chuẩn bị con đường của mình xuống địa ngục rồi đó. Nếu ông làm những điều này từ niềm vui, để chia sẻ niềm vui của ông với toàn bộ vương quốc, và thậm chí không có đến một thoáng ham muốn ở bất kì đâu về bất kì phần thưởng gì, chính hành động đó là phần thưởng lên chính nó. Bằng không ông đã bỏ lỡ toàn bộ vấn đề."
Lương Vũ Đế nói, "Tâm trí trẫm đầy những ý nghĩ. Trẫm đã cố gắng tạo ra sự an bình nào đó của tâm trí, nhưng trẫm đã không làm được và bởi vì những ý nghĩ này và sự ầm ĩ của chúng, trẫm không thể nào hiểu được điều ông nói về tiếng nói bên trong. Trẫm không biết gì về nó cả."
Bồ đề đạt ma nói, "Thế thì, đến bốn giờ sáng, một mình không lính hộ vệ nào, đi tới ngôi đền trên núi nơi ta đang ngụ ở đó. Và ta sẽ làm cho tâm trí ông an bình, mãi mãi."
Hoàng đế nghĩ con người này quả thực kì dị, kì quái quá. Ông ta đã gặp nhiều sư; họ lễ phép thế; nhưng người này thậm chí chẳng bận tâm rằng ông ta là hoàng đế của một nước lớn. Và đi tới con người này trong bóng tối của sáng sớm vào lúc bốn giờ, một mình... Và người này dường như dữ tợn - ông ta bao giờ cũng mang theo một cây thiền trượng lớn.
Cả đêm hoàng đế không thể nào ngủ được, "Đi hay không đi? Vì người kia có thể làm bất kì điều gì. Ông ta dường như tuyệt đối không đáng tin." Và mặt khác, hoàng đế cảm thấy sâu trong tim mình sự chân thành của người này, rằng người đó không phải là kẻ đạo đức giả. Ông ta chẳng để ý chút nào rằng mình là hoàng đế và ông ta là kẻ ăn xin. Ông ta hành xử như một hoàng đế, và ngay trước ông ta mình hệt như kẻ ăn xin. Và cách ông ta nói, "Ta sẽ làm cho tâm trí ông an bình mãi mãi."
"Kì lạ thật, bởi vì ta đã hỏi," hoàng đế nghĩ, "biết bao nhiêu người trí huệ đã tới từ Ấn Độ, và tất cả họ đều cho ta phương pháp, kĩ thuật, mà ta đã thực hành, nhưng chẳng cái gì xảy ra cả - và anh chàng kì lạ này, người trông như điên khùng, hay say khướt, và có khuôn mặt kì lạ với đôi mắt to thế tạo ra nỗi sợ... Nhưng ông ta dường như chân thành nữa - ông ta là một hiện tượng hoang dại. Và cũng đáng để mạo hiểm đấy. Ông ta có thể làm được gì - nhiều nhất thì ông ta có thể giết mình." Cuối cùng, hoàng đế không cưỡng nổi cám dỗ bởi vì người này đã hứa. "Ta sẽ làm cho tâm trí ông an bình mãi mãi."
Lương Vũ Đế tới ngôi đền lúc bốn giờ, sớm trong buổi sáng khi trời vẫn tối, một mình, và Bồ đề đạt ma đã đứng đó với cây thiền trượng của mình, ngay trên bậc, và ông ấy nói, "Ta biết ông sẽ tới, mặc dầu cả đêm ông cứ tranh cãi liệu có đi hay không đi. Ông là loại hoàng đế gì vậy - hèn nhát thế, sợ cả một sư nghèo, kẻ ăn xin nghèo chẳng có gì trên thế giới này ngoại trừ cây thiền trượng. Và với cây thiền trượng này ta sẽ làm cho tâm trí ông im lặng."
Hoàng đế nghĩ bụng, "Trời, ai đã bao giờ nghe nói rằng bằng cây thiền trượng mà ông ta có thể làm cho tâm trí ai đó thành im lặng được! Ông ta có thể kết thúc người đó, nện một cú mạnh vào đầu người đó - thế thì cả con người này sẽ im lặng, không chỉ tâm trí. Nhưng bây giờ quá trễ không quay lại được rồi."
Và Bồ đề đạt ma nói, "Ông ngồi xuống đây trong sân đền này." Không có người nào ở quanh cả. "Nhắm mắt lại, ta đang ngồi ngay trước ông với cây thiền trượng. Công việc của ông là bắt giữ lại tâm trí. Nhắm mắt lại và đi vào trong tìm nó - chỗ nó ở. Khoảnh khắc ông bắt giữ được nó, bảo cho ta, 'Nó đây rồi.' Và cây thiền trượng của ta sẽ làm việc còn lại."
Đó là kinh nghiệm kì lạ nhất mà bất kì người nào tìm kiếm chân lí hay an bình có thể đã có - nhưng bây giờ không còn cách nào khác. Lương Vũ Đế ngồi đó với đôi mắt nhắm, hoàn toàn biết rõ rằng Bồ đề đạt ma dường như ngụ ý mọi điều ông ấy nói. Hoàng đế nhìn khắp xung quanh - không có tâm trí. Cây thiền trượng kia đã làm công việc của nó. Lần đầu tiên hoàng đế trong tình huống như vậy. Chọn lựa... nếu bạn tìm thấy tâm trí, người ta chẳng bao giờ biết con người này định làm gì với cây thiền trượng cả. Và ở chỗ núi non im lặng đó, trong sự hiện diện của Bồ đề đạt ma, người có duyên dáng của riêng mình... Đã có nhiều người chứng ngộ, nhưng Bồ đề đạt ma đứng tách rời, một mình, như đỉnh Everest. Mọi hành động của ông ấy là duy nhất và độc đáo. Mọi cử chỉ của ông ấy đều có chữ kí riêng của ông ấy; nó không được vay mượn.
Hoàng đế đã cố gắng vất vả để tìm tâm trí, và lần đầu tiên ông ta không thể tìn thấy tâm trí. Đó là một chiến lược nhỏ. Tâm trí tồn tại chỉ bởi vì bạn chưa bao giờ tìm nó; nó tồn tại chỉ bởi vì bạn chưa bao giờ nhận biết về nó. Khi bạn tìm nó bạn nhận biết về nó, và nhận biết chắc chắn giết chết nó hoàn toàn. Hàng giờ trôi qua và mặt trời đã lên trong vùng núi non im lặng với làn gió mát. Bồ đề đạt ma có thể thấy trên khuôn mặt của Lương Vũ Đế an bình thế, im lặng thế, tĩnh lặng thế cứ dường như hoàng đế là pho tượng vậy. Ông ấy lay hoàng đế và hỏi, "Đã khá lâu rồi. Ông đã tìm thấy tâm trí chưa?"
Lương Vũ Đế nói, "Chẳng cần cây thiền trượng của ông, ông đã yên bình tâm trí ta hoàn toàn. Ta không có tâm trí nào cả và ta đã nghe thấy tiếng nói bên trong về điều ông nói. Bây giờ ta biết bất kì điều gì ông nói đều đúng. Ông đã làm biến đổi ta mà chẳng làm gì cả. Bây giờ ta biết rằng từng hành động phải là phần thưởng cho chính nó; nếu không, đừng làm nó. Ai có đó để trao cho ta phần thưởng? Đây là ý tưởng trẻ con. Ai có đó trao cho ta trừng phạt? Hành động của ta là sự trừng phạt và hành động của ta là phần thưởng của ta. Ta là chủ của định mệnh mình."
Bồ đề đạt ma nói, "Ông là một đệ tử hiếm hoi. Ta yêu ông, ta kính trọng ông, không phải như một hoàng đế mà như một người có dũng cảm chỉ trong mỗi việc ngồi để mang tới nhiều nhận biết, nhiều ánh sáng đến mức mọi bóng tối của tâm trí biến mất."
Vũ cố gắng thuyết phục ông ấy tới cung điện. Ông ấy nói, "Đấy không phải là cung điện của ta; ông có thể thấy ta hoang dã, ta làm mọi thứ mà bản thân ta không biết trước. Ta sống từ khoảnh khắc nọ sang khoảnh khắc kia một cách tự phát, ta là rất không dự đoán được. Ta có thể tạo ra rắc rối không cần thiết cho ông, triều đình của ông, thần dân của ông; ta không được ngụ ý dành cho cung điện, cứ để ta sống nơi hoang dã của mình."
Ông ấy sống trên núi này, có tên là Tai... Truyền thuyết thứ hai là ở chỗ Bồ đề đạt ma là người đầu tiên đã tạo ra trà - tên 'trà' bắt ngồn từ tên tai, vì nó đã được tạo ra trên núi Tai. Và mọi từ cho trà trong bất kì ngôn ngữ nào, đều được dẫn ra từ cùng nguồn gốc, tai. Trong tiếng Anh nó là tea, trong tiếng Hindu nó là chai. Từ Trung quốc tai cũng có thể được phát âm là cha. Từ Marathi đích xác là cha.
Cách thức Bồ đề đạt ma tạo ra trà không thể có tính lịch sử được nhưng có ý nghĩa. Ông ấy đã thiền gần như mọi lúc, và đôi khi trong đêm ông ấy bắt đầu rơi vào giấc ngủ. Cho nên, để không rơi vào giấc ngủ, để dạy một bài học cho đôi mắt mình, ông ấy cắt tất cả lông mày và ném chúng xuống đất đền. Chuyện kể rằng từ những lông mày đó, bụi trà mọc lên. Đấy là những bụi trà đầu tiên. Đó là lí do tại sao khi bạn uống trà, bạn không thể ngủ được. Và trong Phật giáo đã thành thường lệ là để thiền, trà có ích mênh mông. Cho nên toàn bộ giới Phật tử uống trà như một phần của thiền, bởi vì nó giữ cho bạn tỉnh táo và thức tỉnh.
Mặc dầu đã có hai triệu sư Phật giáo ở Trung Quốc, Bồ đề đạt ma chỉ có thể tìm được bốn người xứng đáng được nhận làm đệ tử của ông ấy. Ông ấy thực sự rất chọn lựa. Ông ấy phải mất gần chín năm mới tìm ra đệ tử đầu tiên của mình, Huệ Khả (Hui Ko).
Trong chín năm - và đó là sự kiện lịch sử, bởi vì có những tham khảo cổ đại nhất, gần như đương đại với Bồ đề đạt ma mà tất cả đều nói tới sự kiện đó mặc dầu các tham khảo khác có thể không được nhắc tới - trong chín năm, sau khi để Lương Vũ Đế về cung điện, ông ấy đã ngồi đó trước bức tường ngôi đền, quay mặt vào tường. Ông ấy đã làm điều đó là việc thiền vĩ đại. Ông ấy chỉ đơn giản cứ nhìn vào tường. Bây giờ, nhìn vào tường trong thời gian dài, bạn không thể nghĩ được. Dần dần, cũng giống như bức tường, màn ảnh tâm trí bạn cũng trở thành trống rỗng.
Và có lí do thứ hai. Ông ấy đã tuyên bố, "Chừng nào chưa có ai đó xứng đáng là đệ tử của ta tới, ta sẽ không nhìn vào người nghe."
Mọi người hay tới và họ sẽ ngồi đằng sau ông ấy. Đó là tình huống kì lạ. Chẳng ai đã nói theo cách này; ông ấy sẽ nói với bức tường. Mọi người sẽ ngồi sau ông ấy nhưng ông ấy không quay mặt ra với người nghe, bởi vì ông ấy nói, "Người nghe làm ta bị tổn thương nhiều, bởi vì họ giống như bức tường thôi. Chẳng ai hiểu cả, và nhìn vào con người trong trạng thái dốt nát đó gây tổn thương sâu sắc. Nhưng nhìn vào bức tường, chẳng có vấn đề gì cả; bức tường, sau hết chỉ là bức tường. Nó không thể nghe thấy, cho nên không cần bị tổn thương. Ta sẽ quay mặt ra người nghe chỉ nếu ai đó chứng tỏ bằng hành động của mình rằng người đó sẵn sàng là đệ tử của ta."
Chín năm trôi qua. Mọi người không thể tìm được cái gì phải làm - hành động nào sẽ thoả mãn ông ấy. Họ không thể nào hình dung ra được điều đó. Thế rồi người thanh niên này tới, Huệ Khả. Anh ta dùng kiếm chặt đứt một bàn tay mình, và ném bàn tay đó xuống trước Bồ đề đạt ma và nói, "Đây mới là bắt đầu. Hoặc là thầy quay lại, hoặc là đầu con sẽ rơi trước thầy. Con sắp chặt cả đầu mình nữa."
Bồ đề đạt ma quay lại và nói, "Ông thực sự là người xứng đáng của ta. Không cần phải chặt đầu, chúng ta phải dùng nó." Con người này, Huệ Khả, là đệ tử đầu tiên của ông ấy.
Cuối cùng, khi ông ấy rời khỏi Trung Quốc, hay dự định rời khỏi Trung Quốc, ông ấy đã gọi bốn đệ tử của mình lại - ba người nữa ông ấy đã thu nhận sau Huệ Khả. Ông ấy hỏi họ, "Bằng lời đơn giản, trong câu ngắn ngủi, vắn tắt, nói lại cho ta tinh hoa trong giáo huấn của ta. Ta dự định ra đi vào sáng mai để trở lại Himalayas, và ta muốn chọn trong số các ông, một người làm người kế tục của ta."
Người thứ nhất nói, "Giáo huấn của thầy vượt ra ngoài tâm trí, về tuyệt đối im lặng, và thế rồi mọi thứ bắt đầu xảy ra theo cách riêng của nó."
Bồ đề đạt ma nói, "Ông không sai, nhưng ông không thoả mãn ta. Ông có được da của ta."
Người thứ hai nói, "Biết rằng mình không hiện hữu, và chỉ sự tồn tại hiện hữu, là giáo huấn cơ bản của thầy."
Bồ đề đạt ma nói, "Có tốt hơn chút ít, nhưng chưa tới chuẩn của ta. Ông được xương của ta, ngồi xuống."
Và người thứ ba nói, "Chẳng cái gì có thể được nói về nó cả. Không lời nào có khả năng nói gì về nó được."
Bồ đề đạt ma nói, "Tốt, nhưng ông đã nói điều gì đó về nó rồi. Ông đã tự mâu thuẫn. Ngồi xuống; ông được tuỷ của ta."
Và người thứ tư là đệ tử thứ nhất của ông ấy, Huệ Khả, người đơn giản quì xuống dưới chân Bồ đề đạt ma, không nói một lời, nước mắt lăn ròng từ đôi mắt. Bồ đề đạt ma nói, "Ông đã nói điều đó. Ông sẽ là người kế tục của ta."
Nhưng trong đêm đó Bồ đề đạt ma đã bị đầu độc bởi một đệ tử nào đó xem như việc trả thù, bởi vì anh ta đã không được chọn làm người kế tục. Thế là họ đem ông ấy đi chôn, và truyền thuyết kì lạ nhất là ở chỗ ba năm sau một viên quan đã thấy ông ấy đang bước từ Trung Quốc về hướng Himalaya với cây thiền trượng trong tay và một chiếc dép treo trên cây thiền trượng - và ông ấy đi chân trần.
Viên quan này đã từng biết ông ấy, đã từng tới ông ấy nhiều lần, đã yêu mến con người này, mặc dầu ông ấy có chút ít lập dị. Ông này hỏi, "Cây thiền trượng này có ý nghĩa gì, và một chiếc dép treo trên đó?" Bồ đề đạt ma nói, "Chẳng mấy chốc ông sẽ hiểu. Nếu ông gặp người của tôi cứ bảo họ rằng tôi đi vào Himalayas mãi mãi."
Viên quan này lập tức đi ngay, thật nhanh hết sức, về tu viện trên núi nơi Bồ đề đạt ma đã từng sống. Và tại đó ông ấy được biết rằng Bồ đề đạt ma đã bị đầu độc và đã chết... và và có nấm mồ. Viên quan này chưa từng biết về điều đó, bởi vì ông ấy đã bị chặn lại ở biên thuỳ của vương quốc. Ông ta nói, "Trời, nhưng tôi đã gặp ông ấy mà, và tôi không thể nào bị lừa được bởi vì tôi đã gặp ông ấy nhiều lần trước đây. Ông ấy vẫn là con người ấy, vẫn cùng đôi mắt dữ dằn ấy, với cùng cái nhìn dữ tợn và hoang dã ấy, và trên đỉnh thiền trượng ông ấy mang một chiếc dép."
Các đệ tử không thể đừng được tò mò của mình, và họ đã mở mồ ra. Mọi điều họ có thể tìm thấy chỉ là một chiếc dép. Và thế rồi viên quan đã hiểu ra tại sao ông ấy đã nói, “Ông sẽ tìm ra nghĩa của điều đó; chẳng mấy chốc ông sẽ biết."
Chúng ta đã nghe quá nhiều về phục sinh của Jesus. Nhưng chẳng ai nói mấy về phục sinh của Bồ đề đạt ma cả. Có lẽ ông ấy chỉ bị ngất đi khi họ đem ông ấy đi chôn, và thế rồi ông ấy tỉnh lại, trườn ra khỏi nấm mồ, bỏ một chiếc dép lại đó và đặt chiếc dép kia lên trên cây thiền trượng, và theo kế hoạch, ông ấy ra đi.
Ông ấy muốn chết trong tuyết vĩnh cửu của Himalayas. Ông ấy muốn rằng không có mồ mả, không đền đài, không tượng về ông ấy. Ông ấy đã không muốn để lại bất kì dấu chân nào đằng sau mình để được tôn thờ; những người yêu ông ấy nên đi vào trong bản thể của riêng mình - "Ta không định để được tôn thờ." Và ông ấy đã biến mất gần như trong thinh không. Không ai nghe nói gì về ông ấy cả - điều gì đã xảy ra, nơi ông ấy đã chết. Ông ấy phải đã được chôn vùi trong tuyết vĩnh cửu của Himalayas ở đâu đó.
Đây là con người đó, và đây là ba tuyển tập nhỏ mà chúng ta đang nói như cả một cuốn sách. Đây không phải là bài viết của ông ấy, bởi vì chúng không chứng tỏ bất kì phẩm chất nào của con người này. Chúng là các bản ghi của các đệ tử học giả; do đó chúng nhất định có những lỗi, những hiểu lầm, diễn giải sai nền tảng và bản chất. Họ không phải là những người của vô trí. Tâm trí họ đang lấy lời ghi lại; tâm trí họ đang chọn lời.
Bồ đề đạt ma không phải là con người của lời nói, ông ấy là con người của hành động. Không có khả năng nào về việc ông ấy viết sách. Một người chưa bao giờ muốn được tôn thờ, một người chưa bao giờ muốn để lại bất kì dấu chân nào sau mình để được mọi người theo, không định viết ra sách, bởi vì đó là để lại dấu chân cho mọi người theo.
Nhưng tôi đã chọn nói về chúng bởi vì ba tuyển tập nhỏ này là những bài viết duy nhất mà trong hàng thế kỉ đã được mọi người tin là của Bồ đề đạt ma. Chúng chứa ở đây đó, mặc cho những người đã viết lại ghi chú, điều gì đó của Bồ đề đạt ma - điều gì đó đã đi vào. Phân biệt phần nào là của Bồ đề đạt ma và phần nào là của người ghi lại là một nhiệm vụ khó khăn cho bất kì học giả nào. Nó không thành vấn đề với tôi.
Tôi biết từ kinh nghiệm riêng của mình cái gì có thể là Bồ đề đạt ma tinh khôi, và cái gì có thể chỉ là tâm trí của học giả diễn giải ông ấy. Cho nên đây không phải là những bình luận thông thường. Theo một cách nào đó đây là nỗ lực đầu tiên về Bồ đề đạt ma để lọc ra hạt mì từ rơm.
Câu thứ nhất: Nhiều con đường dẫn tới Đạo. Điều này không thể do Bồ đề đạt ma nói ra được. Ông ấy không thể thậm chí nói rằng ngay cả một con đường dẫn tới chân lí; toàn bộ cách tiếp cận của ông ấy là ở chỗ bạn là chân lí rồi, bạn không phải đi đâu cả. Bạn phải dừng việc đi, để cho bạn có thể vẫn còn ở nhà nơi chân lí hiện hữu. Vấn đề không phải là đi theo một con đường; ngược lại vấn đề là không theo con đường nào cả, không đi đâu cả, để cho bạn có thể ở đây - để cho bạn có thể ở bây giờ, chỉ bên trong bản than bạn. Mọi con đường đều đẫn đi lạc lối, đó là cách tiếp cận của Bồ đề đạt ma. Còn đây là cách tiếp cận học giả.
Nhiều con đường dẫn tới Đạo, về cơ bản chỉ có hai con đường: lí luận và thực hành.
Không thể có chuyện Bồ đề đạt ma nói điều đó được. Chắc chắn không phải là lí luận có thể đưa bạn tới thực tại tối thượng của bản thể bạn. Lí luận là một phần của tâm trí. Và thậm chí còn sai hơn nữa là con đường của thực hành. Điều đó nghĩa là nó phải được dựa trên niềm tin và bạn phải thực hành và đặt kỉ luật lên bản thân mình theo nó. Bạn sẽ trở thành kẻ bắt chước, nhưng bạn sẽ không có khả năng đi tới khuôn mặt nguyên thuỷ của mình.
Không thực hành nào được cần tới. Bạn đang thực sự ở nơi bạn cần hiện hữu. Chỉ có mỗi điều là bạn cứ đi mãi đi mãi, lòng vòng lại lòng vòng, nhưng chẳng bao giờ lắng đọng vào bản thể riêng của mình. Việc lắng đọng đó vào bản thể của bạn không bao giờ có nhiều con đường hay hai con đường.
Đi vào bằng lí luận có nghĩa là hiểu điều tinh tuý qua hướng dẫn...
Điều đó có nghĩa là thông tin tới từ ai đó khác.
... và tin rằng mọi vật sống đều có chung cùng bản tính đúng đắn ...
Bồ đề đạt ma không thể dùng từ "tin" được. Ông ấy là người cuối cùng dùng từ tin, bởi vì niềm tin chỉ tạo ra người mù quáng. Việc tin không bao giờ trở thành mắt bạn được; nó không bao giờ đem tới ánh sáng cho bạn mà chỉ đem tới định kiến, ý kiến, ý thức hệ. Nhưng chúng không phải là kinh nghiệm và Bồ đề đạt ma về nền tảng chỉ quan tâm tới kinh nghiệm.
... điều không rõ ràng bởi vì nó bị cảm giác và ảo tưởng che khuất.
Đây là những phát biểu tầm thường, ở xa phía dưới phẩm chất phi thường của Bồ đề đạt ma.
Những người từ ảo tưởng quay về với thực tại, người thiền với bức tường ... có lẽ đoạn nhỏ này ... Những người từ ảo tưởng quay về với thực tại, người thiền với bức tường, thấy vắng bóng cái ta và người khác, thấy cái một của người hữu tử và hiền nhân, và những người đó vẫn còn thản nhiên, ngay cả với kinh sách, là trong hoà hợp đầy đủ và không nói lên lời với lí luận.
Chỉ phần cuối của phát biểu này là phải được thay đổi.
Thay vì "với lí luận" nó phải là "với sự tồn tại".
Mẩu này tôi có thể nói với đảm bảo tuyệt đối, là bắt nguồn từ Bồ đề đạt ma. Cố hiểu nó đi. Những người thiền với bức tường có nghĩa là những người bắt đầu vứt bỏ ý nghĩ, vứt bỏ tâm trí, người có màn ảnh của tâm trí trở thành giống như bức tường - không chuyển động, tĩnh lặng thuần khiết. Họ đi tới hiểu thiếu vắng của cái ta, rằng không có bản ngã bên trong bạn, rằng không có ai có thể, 'Tôi đây."
"Sự tồn tại có, tôi không có."
Vô ngã là một trong những nền tảng của Phật Gautam. Và Bồ đề đạt ma chắc chắn đồng ý với điều đó bởi vì điều đó là chính nền tảng của toàn bộ cuộc cách mạng mà Phật Gautam đã tạo ra.
...cái một của người hữu tử và hiền nhân... Điều đó thậm chí Phật Gautam cũng không thể nói được - chỉ Bồ đề đạt ma, một người duy nhất trên toàn thế giới, trong toàn bộ lịch sử - nói rằng người thường và hiền nhân là không khác nhau. Họ chỉ có cá tính, bề ngoài khác nhau, nhưng trong phần bên trong nhất của tính chủ quan của của họ, họ là một. Tội nhân và thánh nhân là một. Tội nhân đang chịu khổ một cách không cần thiết từ mặc cảm còn thánh nhân đang chịu khổ một cách không cần thiết từ bản ngã, rằng "Ta trong sạch hơn anh." Nhưng cả hai về cơ bản là một - vô ngã, chỉ là cái không thuần khiết.
... và những người vẫn còn thản nhiên, ngay cả với kinh sách... Bất kì điều gì kinh sách có thể nói đều không thể nào thay đổi được những người này, những thiền nhân  này, người đã đi tới biết cái không, người đã đi tới biết cái vô ngã, người đã đi tới biết tâm thức thuần khiết không bị nhiễm bẩn bởi bản ngã. Thậm chí nếu mọi kinh sách có nói điều này là không đúng, họ cũng không bị lay động bởi điều đó. Không kinh sách nào có thể quấy rối được họ.
... là trong hoà hợp đầy đủ và không nói lên lời với sự tồn tại, không với lí luận. Phần nhỏ của phát biểu này không phải là từ Bồ đề đạt ma. Điều đó được người viết ra cuốn sách này thêm vào.
Không di chuyển, không nỗ lực, họ đi vào, chúng ta nói, bằng lí luận. Lại lần nữa, chắc chắn phát biểu này dường như là từ Bồ đề đạt ma. Không di chuyển, bởi vì không có chỗ nào mà đi. Để tìm ra bản thân mình bạn phải ở trong trạng thái im lặng không chuyển động. Không chuyển động, và tất nhiên không nỗ lực nào bởi vì nỗ lực sẽ đem tới chuyển động. Bạn đơn giản phải vô nỗ lực và không chuyển động và chỉ im lặng, dường như bạn không hiện hữu. Họ đi vào trong chính tâm điểm của sự tồn tại.
Việc đi vào bằng thực hành nói tới bốn thực hành bao hàm toàn bộ.
Tôi không cho rằng những phát biểu này bắt nguồn từ Bồ đề đạt ma, mặc dầu chúng bắt nguồn từ kinh sách Phật giáo. Cho nên chúng ta sẽ phải nhìn một chút vào chúng.
Chịu đựng bất công... Điều đó bắt nguồn từ kinh sách Phật giáo. Điều đầu tiên Bồ đề đạt ma không thể nói nhưng Phật Gautam có thể nói. Và nó là một phát biểu rất phức tạp: chịu đựng bất công, thích ứng với hoàn cảnh... Nó có thể giúp cho người ta được bằng lòng nhưng nó lấy đi tất cả tính chất nổi dậy từ ông ấy. Chịu đựng bất công phải được nhìn từ cả hai phía. Một phía là chịu đựng bất công chỉ như một phần của luật nghiệp: hành động ác trong kiếp sống quá khứ của bạn đã tạo ra nó; đấy là trừng phạt - chịu đựng nó mà không phàn nàn, không nổi dậy. Điều đó chắc chắn sẽ tạo ra hài lòng nông cạn nhưng nó sẽ phá huỷ cái gì đó rất đẹp - tính cá nhân của bạn. Nó sẽ phá huỷ nổi dậy trong bạn; đấy là một loại tự tử của việc nổi dậy.
Điều này chắc chắn được Phật Gautam dạy, và do đó tôi bao giờ cũng nói rằng trong cái nghèo nàn của Ấn Độ, hai nghìn năm nô lệ, Phật Gautam đã góp tay vào. Khi bạn dạy cho mọi người chịu đựng bất công mà không phàn nàn chống lại nó, và thích nghi với bất kì điều kiện nào mà bạn thấy đang xảy ra quanh mình, chẳng hạn sự nô lệ - thích ứng với nó đi... Ảnh hưởng của Phật Gautam là lớn lao. Nó đi sâu vào chính trái tim người Ấn Độ và đó là nguyên nhân cho nghèo nàn của Ấn Độ, sự nô lệ lâu dài của Ấn Độ. Không quốc gia nào đã sống đến hai nghìn năm trong nô lệ cả, và thậm chí ngày nay khi cái gọi là tự do đã tới, tâm trí Ấn Độ vẫn cứ là nô lệ về mặt tâm lí.
Chẳng hạn khi Rabindranath Tagore nhận giải thưởng Nobel cho cuốn thơ của ông ấy, Gitanjali, "Cúng dường bài thơ", cuốn sách đã tồn tại hai mươi năm trong tiếng Bengali và Hindi. Chẳng ai thậm chí bận tâm về nó. Nhưng khi nó được giải thưởng Nobel, khi nó đã được dịch sang tiếng Anh, ngay lập tức Rabindranath Tagore trở thành nhân vật thế giới. Ông ấy đã sống ở Calcutta và Đại học Calcutta muốn phong cho ông ấy bằng tiến sĩ danh dự, nhưng ông ấy từ chối. Trong lời từ chối của mình ông ấy viết, "Các ông không phong tiến sĩ cho tôi, các ông phong tiến sĩ cho giải thưởng Nobel. Tâm trí các ông bị nô lệ thế. Cuốn sách của tôi đã tồn tại hai mươi năm nay và bản dịch không hay bằng bản gốc". Bản dịch là tiếng vọng xa xăm, và đúng là bản gốc có cái hay mà bản dịch không thể nào có được.
Thơ ca không thể nào được dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác; chỉ văn xuôi có thể được dịch, bởi vì mọi ngôn ngữ có sắc thái riêng của nó và trong thơ ca những sắc thái đó giữ vai trò chính đến mức bạn không thể nào chuyển chúng dễ dàng sang ngôn ngữ khác được.
Phật Gautam chắc chắn phải chịu trách nhiệm cho cái nô lệ, cái nghèo nàn của Ấn Độ bởi việc đưa ra một giáo huấn như thế về thích ứng với hoàn cảnh, rằng dù hoàn cảnh là bất kì cái gì - đấy là định mệnh của chúng ta. Và thậm chí khi chịu đựng bất công bạn không được cổ vũ cho phàn nàn. Điều này giết chết chính sự nổi dậy trong bản thể bạn và không có nổi dậy bạn gần như chết.
Tính nổi dậy của bạn là chính dòng chảy cuộc sống của bạn.
Tôi không thể nghĩ được rằng một người như Bồ đề đạt ma, mãnh liệt thế trong phát biểu của ông ấy, có thể làm cho hai điều này thành thực hành có ý nghĩa. Vâng điều thứ ba chắc chắn bắt nguồn từ ông ấy:
Tìm cái không và thực hành dharma. Bạn phải hiểu từ dharma - pháp. Nó đã không được dịch nhưng nó có thể được dịch rất dễ dàng. Dharma có nghĩa là tự tính. Chẳng hạn, nóng là tự tính của lửa; lạnh là tự tính của băng, tự tính. Tự tính của con người là gì? Vô ngã, im lặng, và bỗng nhiên bùng phát từ bi. Điều này có thể được Bồ đề đạt ma nói, nó phải đã được ông ấy nói ra. Và trước nó, đấy là điều kiện: tìm cái không. Mọi việc tìm kiếm đều đưa bạn đi xa khỏi bản thân mình, cho nên không tìm kiếm là một trong những điều tinh tuý của giáo huấn của Bồ đề đạt ma.
Đừng đi đâu cả. Kéo tất cả năng lượng của bạn vào trong. Đóng mọi cánh hoa của bạn và chỉ ở trong. Và bạn sẽ kinh nghiệm dharma là gì, tự tính là gì. Thế rồi thực hành nó. Thế rồi hành động dường như bạn là không ai cả. Thế rồi hành động với từ bi lớn lao. Thế rồi để cho toàn bộ cuộc đời bạn đơn giản là sự hiện diện, nhưng không là người bởi vì không có cái ta bên trong bạn.
Trước hết, chịu đựng bất công. Khi những người tìn kiếm Đạo gặp phải vận rủi, họ nên nghĩ về bản thân mình, "Trong vô lượng năm trôi qua, mình đã đi từ điều tinh tuý tới cái tầm thường và vẩn vơ qua đủ mọi cách thức của sự tồn tại, thường giận dữ không nguyên nhân và mặc cảm về vô số tội lỗi. Bây giờ, mặc dầu mình không làm điều sai trái, mình đang bị trừng phạt bởi quá khứ của mình."
Những lời này là từ người viết ra các ghi chép.
"Không thần thánh cũng chẳng người nào có thể thấy trước được khi nào một hành vi ác sẽ đem lại quả của nó. Mình chấp nhận nó với một trái tim cởi mở và không phàn nàn về bất công."
Những lời này chắc chắn không phải từ Bồ đề đạt ma.
Kinh nói, "Khi ông gặp vận rủi, đừng nổi giận. Bởi vì điều đó có nghĩa." Với hiểu biết như vậy, ông trong hài hoà với lí luận. Và bằng việc chịu đựng bất công, ông đi vào Đạo.
Không có dấu hiệu nào của Bồ đề đạt ma trên những lời này.
Thứ hai, thích ứng với các hoàn cảnh. Là người hữu tử, chúng ta bị cai quản bởi hoàn cảnh, không phải bởi bản thân mình.
Lần nữa, điều đó không là từ Bồ đề đạt ma. Bồ đề đạt ma không thể nói rằng chúng ta bị cai quản bởi hoàn cảnh và không bởi bản thân mình. Ngay chỗ đầu tiên, chúng ta không có. Chúng ta chỉ là cái không - thuần khiết, và ai có thể cai quản được cái không thuần khiết? Như một con người, bạn có thể bị cai quản, nhưng như sự hiện diện bạn không thể bị cai quản. Và làm hoàn cảnh thành quan trọng hơn bản thân bạn là lại hỗ trợ cho các quyền lợi được đầu tư, kẻ bóc lột, kẻ ăn bám. Bồ đề đạt ma là một trong những linh hồn nổi dậy vĩ đại nhất của thế giới.
Nếu chúng ta được ân huệ bởi một phần thưởng lớn lao nào đó, như danh vọng hay của cải, đó là quả của hạt mầm do chúng ta đã gieo trong quá khứ.
Lần nữa, đấy không phải là Bồ đề đạt ma. Bồ đề đạt ma không tin vào quá khứ hay vào tương lai; tin cậy của ông ấy chỉ là vào hiện tại. Và bất kì điều gì bạn làm, hậu quả của nó sẽ theo sau hành động ngay lập tức giống hệt cái bóng theo sau bạn. Cái mang lại phần thưởng là đức hạnh và cái đem tới đau khổ là tội lỗi. Ông ấy là người đơn giản; ông ấy không phải là triết gia phức tạp và ông ấy không ủng hộ cho các quyền lợi được đầu tư theo bất kì cách nào.
Khi hoàn cảnh thay đổi, nó chấm dứt. Tại sao vui sướng trong sự tồn tại của nó? Nhưng khi thành công và thất bại phụ thuộc vào hoàn cảnh, tâm trí không tròn không khuyết. Những người vẫn còn thản nhiên trước làn gió niềm vui im lặng đi theo Đạo.
Có lẽ, tôi nói có lẽ những lời này có thể là của Bồ đề đạt ma. Bạn không nên bị ảnh hưởng bởi cả thành công hay thất bại. Chúng không nhiều hơn các giấc mơ, chúng tới và đi. Bạn nên vẫn còn trong cái ta chứng kiến của mình. Những người vẫn còn thản nhiên trước làn gió vui vẻ im lặng đi theo Đạo.
Thứ ba, tìm cái không. Mọi người của thế gian này đều ảo tưởng. Họ bao giờ cũng khao khát cái gì đó, nói cách khác, bao giờ cũng trong tìm kiếm. Nhưng người trí huệ thức dậy. Họ chọn lí luận thay cho thói quen. Họ tập trung tâm trí mình vào cái siêu phàm và để cho thân thể họ thay đổi theo mùa. Mọi hiện tượng đều trống rỗng. Họ không chứa cái gì đáng ham muốn. Tai hoạ mãi mãi thay đổi cùng thịnh vượng. Cư ngụ trong ba cõi giới là cư ngụ trong nhà cháy. Có thân thể là khổ. Bất kì ai có thân thể có biết tới an bình không?
Trong đoạn này đôi điều chắc chắn cho hương vị của Bồ đề đạt ma, nhưng đôi điều lại có vẻ không cùng phẩm chất. Chẳng hạn, tìm cái không là Bồ đề đạt ma. Người trí huệ thức dậy... đây là Bồ đề đạt ma. Họ chọn lí luận thay cho thói quen. Tôi muốn đổi từ lí luận thành thiền. Họ chọn thiền thay cho thói quen. Họ chọn thông minh của riêng mình thay cho thói quen và truyền thống.
Điều này chắc chắn không thể từ Bồ đề đạt ma được. Họ tập trung tâm trí mình vào cái siêu phàm và để cho thân thể họ thay đổi theo mùa. Người nói rằng tội nhân và thánh nhân là một, người thường và hiền nhân không khác nhau, không thể đưa ra phát biểu này được - bởi vì với người đó cái phàm tục và cái siêu phàm là không khác, chúng không thể khác được.
Vâng, phát biểu này có thể được xác nhận là của Bồ đề đạt ma: Mọi hiện tượng đều trống rỗng. Bất kì điều gì xảy ra bên ngoài bạn trong cuộc sống chỉ là trống rỗng, trống rỗng như giấc mơ; nó được tạo nên từ cùng chất liệu. Người trí huệ thức dậy và nhìn toàn thể cuộc đời như một chuỗi dài các giấc mơ - lúc tốt, lúc xấu, lúc dịu ngọt, lúc ác mộng, nhưng chúng tất cả đều mơ. Người đã thức tỉnh không mơ trong giấc ngủ không bị ảo tưởng bởi các giấc mơ của thế giới bên ngoài trong khi người đó thức. Chúng không chứa cái gì đáng ham muốn.
Tai hoạ mãi mãi thay đổi với thịnh vượng. Cư ngụ trong ba cõi giới là cư ngụ trong ngôi nhà cháy. Ba cõi này là về thân thể, về tâm trí và về trái tim. Việc đào sâu vào cái thứ tư, turiya, là ở tại an bình với sự tồn tại.
Thứ tư, thực hành Pháp. Pháp là chân lí rằng mọi bản tính đều thuần khiết. Theo chân lí này, mọi hình tướng là trống rỗng. Ô uế và gắn bó, chủ thể và khách thể không tồn tại.
Điều này có thể được nói là mang tính Bồ đề đạt ma thuần khiết.
Kinh nói, "Pháp không chứa hiện hữu nào bởi vì nó là tự do khỏi cái không thuần khiết của hiện hữu. Và Pháp không chứa cái ta, bởi vì nó là tự do khỏi cái không thuần khiết của cái ta." Những người đủ trí huệ để tin và hiểu chân lí này nhất định thực hành theo Pháp.
Đây là những phần thêm vào của những người ghi chép.
Vì  hiện  thân  của  Pháp  không  chứa  cái  gì  đáng  thèm muốn, họ đem thân thể, cuộc sống và tài sản của mình cho việc từ thiện, không tiếc nuối, không kiêu căng tụ phụ là người cho, cái cho và người nhận, và không thiên vị hay gắn bó. Và họ tiếp tục biến đổi người khác để xoá bỏ cái không thuần khiết nhưng không trở nên bị gắn bó với hình dạng. Vậy, qua việc thực hành riêng của mình, họ có khả năng giúp cho người khác và làm vinh quang Con đường của Chứng ngộ. Và như với việc thiện, họ cũng thực hành các đức hạnh khác. Nhưng trong khi thực hành sáu đức hạnh để xoá bỏ ảo tưởng, họ thực hành chỉ mỗi cái không.
Mọi phát biểu phía trên câu này không thể được nói một cách đích thực là từ Bồ đề đạt ma. Nhưng câu này, họ thực hành chỉ mỗi cái không …
Những người đang thực hành tất cả những điều này đã được ghi lại ở phần trước, là thực hành cái không, bởi vì nếu thế giới này chỉ là một mảnh đất mơ, thế thì liệu bạn là kẻ cắp hay nhà từ thiện vĩ đại đâu có gì khác biệt. Trong giấc mơ, nếu bạn là kẻ cắp hay nhà từ thiện, điều đó có tạo ra khác biệt gì khi bạn thức dậy không? Bạn có cảm thấy thoải mái là mình đã là nhà từ thiện vĩ đại như vậy không? Hay bạn sẽ cảm thấy xấu hổ rằng trong mơ bạn đã là tên kẻ cắp? Cả hai đều là mơ, bong bóng xà phòng; chúng chẳng có nghĩa gì.
Biết Bồ đề đạt ma, tôi có thể nói đích xác cái gì là lời ông ấy. Họ thực hành chỉ mỗi cái không - những người đang thực hành các điều nói trên... Đây là điều được ngụ ý bởi thực hành Pháp.
Bồ đề đạt ma đang nói: Biết điều này - rằng bất kì cái gì ông đang thực hành đều là cái không - cái biết này, hiểu biết này được gọi là thực hành pháp.
Những người hiểu điều này tách bản thân mình khỏi tất cả những cái đang tồn tại và chấm dứt tưởng tượng hay tìm kiếm bất kì cái gì. Kinh nói, "Tìm kiếm là khổ. Tìm cái không là phúc lạc." Đây là Bồ đề đạt ma nguyên chất. Khi ông tìm cái không, ông đang trong Đạo."
Cho nên đây sẽ là nỗ lực tiếp tục để vạch ra lằn ranh, giữa cái đích xác là phát biểu của Bồ đề đạt ma và cái là những phát biểu của người viết ra những cuốn sách này, những ghi chép này. Nhưng tôi có thể nói ra điều đó với thẩm quyền, bởi vì đây là hiểu biết và kinh nghiệm riêng của tôi nữa: tôi đồng ý với Bồ đề đạt ma trên từng và mọi điểm. Nói cách khác, Bồ đề đạt ma đồng ý với tôi trên từng và mọi điểm.
Các học giả đã từng nói về những cuốn sách này. Tôi không phải là học giả. Tôi là một Bồ đề đạt ma. Tôi sẽ nhận ra đâu là phát biểu của tôi và đâu không phải là phát biểu của tôi.
Nắm được điều đó chứ? Được chứ, Maneesha?
Vâng, thưa Osho.

Ads Belove Post