Chương 14. Chánh định

Chương 14. Chánh định

Price:

Read more

Osho – Đức Phật và Phật Pháp
Phần 3. Phật pháp
Chương 14. Chánh định

Nhân loại là một đám đông, một đám đông với nhiều tiếng nói - thích hợp, không thích hợp, nhất quán, không nhất quán - tiếng này cố át tiếng kia. Những tiếng nói ấy đã làm mọi người căng thẳng. Bình thường con người là một mớ hỗn độn, nếu không nói là điên khùng. Bạn giữ được ít nhiều thăng bằng cũng là một phép lạ. Sâu bên dưới, lớp bệnh này chồng lớp kia, đang sùng sục sôi bên trong. Chúng có thể nổ tung bất cứ lúc nào, sự kiềm chế của bạn có thể mất bất cứ lúc nào, bởi vì sự kiềm chế đến từ bên ngoài. Đó không phải là kỷ luật từ trung tâm bản thể của bạn mà có. Vì những lý do xã hội, kinh tế, chính trị bạn đã phải mặc lấy một tính nết nào đó. Nhưng rất nhiều bản năng của bạn mâu thuẫn với tính nết kia. Chúng luôn luôn phá hoại tính nết đó. Cho nên bạn chẳng mấy khi bạn không lầm lỗi, đôi khi bạn làm những việc mà bạn không muốn. Biết là sai mà bạn vẫn làm, bởi vì bạn không phải một, mà nhiều người. Đức Phật không coi những lầm lỗi ấy là tội, bởi vì coi là tội nghĩa là kết án. Ngài coi chúng là lầm lỗi, sơ sót. Là người ai chả lầm lỗi. Thánh nhân mới không sai lầm. Nhưng tỉnh thức là con đường từ phàm đến thánh. Những tiếng nói bên trong ấy có thể ngừng tra tấn bạn, lôi kéo bạn, thúc đẩy bạn; chúng sẽ biến mất khi bạn trở nên cảnh giác.
Khi tỉnh thức bạn sẽ không lầm lỗi. Không phải là bạn tự kiềm chế, nhưng khi bạn tỉnh thức, cảnh giác, những tiếng nói ấy im bặt; bạn đã trở thành một, và bất cứ bạn làm gì đều xuất phát từ trung tâm bản thể của bạn. Cho nên bạn sẽ không lầm lỗi. Điều này cần phải hiểu rõ. Hãy lấy một thí dụ của nhóm Human Potential Movement để giúp bạn hiểu rõ hơn. Mođen của họ có ba thành phần, gọi là CND. C là cha mẹ, N là người lớn. D là đứa trẻ. Đó là ba lớp vỏ của bạn, như thể bạn là cao ốc ba tầng.3 Tầng thấp nhất là đứa trẻ. Tầng thứ hai là cha mẹ. Và tầng thứ ba là người lớn. Bộ ba này đồng lõa với nhau. Chúng thay phiên mà làm khó cho bạn. Đứa trẻ nói một điều, cha mẹ nói khác, và người lớn - tượng trưng lý trí của bạn - lại nói khác hẳn. Đứa trẻ nói, "Hưởng thụ đi." Nó chỉ biết từng khoảnh khắc một; nó chẳng nghĩ xa xôi. Nó tự phát, nhưng không nghĩ đến hậu qủa; nó quên hẳn quá khứ, không màng tương lai; nó chỉ biết hiện tại. Nó không có lý tưởng, không biết lo lắng, không tỉnh thức, không cảnh giác. Nó sống theo cảm giác, không biết lý lẽ là gì. Tất nhiên là nó sẽ phải va chạm với người khác. Nó có rất nhiều xung đột bên trong, bởi vì nó theo một cảm giác mà làm một điều, bỗng dưng cảm giác khác lại lôi kéo nó. Vì vậy nó chẳng tranh được với ai. Khi muốn ăn thua, cảm giác của nó lại thay đổi. Nó muốn làm rất nhiều nhưng chẳng hoàn tất được gì. Nó luôn luôn bất nhất. Nó thích hưởng thụ nhưng không thể sáng tạo, không thể sáng tạo được. Nó rất đam mê, nhưng sống bằng đam mê cũng chưa đủ. Bạn không thể là đứa trẻ mãi mãi. Bạn sẽ phải học rất nhiều, bởi vì bạn đang sống giữa chỗ đông người. Vấn đề sẽ không được đặt ra nếu bạn sống giữa hoang đảo, và bạn có thể là đứa trẻ mãi mãi. Nhưng bạn sống giữa xã hội có cả triệu người, với nhiều luật lệ, nhiều tập tục mà bạn phải theo. Nếu không, sẽ có nhiều va chạm và đời sống sẽ rất khó khăn. Đứa trẻ phải biết kỷ luật, và đó là lý do nó cần cha mẹ. Tiếng nói bên trong của bạn là tiếng nói của xã hội, văn hoá, tôn giáo. Tiếng nói ấy giúp bạn sống được giữa thế giới đông người, ở đó có nhiều cá nhân với những tham vọng đối nghịch nhau, trong đó cá lớn nuốt cá bé là thường. Bạn phải vạch ra con đường riêng cho mình, và bạn phải thận trọng. Tiếng nói của cha mẹ là tiếng nói thận trọng ấy. Nó khép bạn vào khuôn khổ. Đứa trẻ chưa được thuần hóa. Tiếng nói của cha mẹ giúp nó biết cư xử. Người biết cư xử có thể sống giữa đô thị, có thể sống giữa đám đông, trong xã hội.
Đứa trẻ rất độc đoán. Nó nghĩ nó là rốn của vũ trụ. Cha mẹ nó phải dạy nó rằng chẳng ai là rốn của vũ trụ cả. Nó phải được cảnh tỉnh rằng có rất nhiều người trên thế giới, và nó không phải là người duy nhất. Nó phải kính trọng người khác nếu nó muốn được họ kính trọng. Nếu không, nó sẽ bị nghiền nát. Đó là vấn đề phải thích nghi để sống còn. Tiếng nói cha mẹ là những mệnh lệnh - phải làm, không được làm. Cha mẹ giúp bạn thận trọng; bạn không thể thiếu họ. Sau đó là tiếng nói thứ ba, cái lớp thứ ba, khi bạn trưởng thành, khi bạn không cần giáo huấn của cha mẹ nữa, khi bạn có đủ trí khôn để có thể tự quyết định đời mình. Đứa trẻ là những khái niệm về cảm xúc; cha mẹ là những khái niệm được dạy dỗ; người lớn là những khái niệm về tư tưởng. Bộ ba này luôn luôn tranh giành lẫn nhau. Đứa trẻ muốn một điều, cha mẹ nói ngược hẳn, trong khi lý lẽ lại nói khác hẳn. Khi có thức ăn ngon, đứa trẻ muốn ăn thật nhiều. Tiếng nói của cha mẹ bảo nó phải đắn đo. Nó có đói không? Thức ăn đó có bồi bổ không? Nó có hại gì không? Hãy chờ đợi, đừng hấp tấp. Kế đến là lý lẽ, tiếng nói của người lớn, có thể khác hoàn toàn. Tiếng nói của người lớn chẳng cần phải đồng ý với cha mẹ. Họ không biết tất cả. Họ cũng yếu đuối như bạn vậy, và cũng sai lầm như thường. Họ cũng cuồng tín, cũng dị đoan, cũng tin nhảm nhí. Tiếng nói của người lớn có thể không chấp nhận. Cha mẹ nói phải làm điều đó, nhưng tiếng nói người lớn nói chẳng nên, trong lúc đứa trẻ ỉ ôi đòi cái khác. Đó là ba quỷ sứ bên trong của bạn. Nếu nghe theo đứa trẻ, cha mẹ sẽ giận dữ. Một phần thấy thoải mái vì muốn gì được nấy, nhưng cha mẹ cảm thấy bất bình, muốn kết án. Sự xung đột ấy làm cho bạn có mặc cảm tội lỗi. Khi còn trẻ bạn cũng thường có mặc cảm ấy. Nay bạn không còn trẻ nữa, nhưng đứa trẻ vẫn chưa biến mất. Nó vẫn còn lởn vởn đâu đó. Nếu nghe theo đứa trẻ, nếu nghe theo cảm xúc, cha mẹ sẽ cảm thấy bực bội, và bạn sẽ hối hận. Nếu nghe cha mẹ, đứa trẻ sẽ cảm thấy nó bị buộc làm những điều nó không muốn. Nó cảm thấy bị cản trở, bị xâm phạm một cách không cần thiết. Tự do bị thiệt thòi khi nghe cha mẹ nên đứa trẻ muốn nổi loạn. Nếu nghe cha mẹ, lý lẽ sẽ nói, "Vô lý! Họ biết gì chứ? Họ đã lỗi thời rồi. Bạn biết nhiều hơn, hợp thời hơn. Sao bạn phải nghe lời họ? Mà nếu nghe theo lý trí, bạn sẽ cảm thấy bất hiếu. Lại mặc cảm tội lỗi. Thật là khó xử. Gần như bộ ba này chẳng hề đồng ý với nhau bao giờ.
Đó là mối băn khoăn của đời người. Chẳng hề có sự tương hợp giữa cặp ba này. Có những đạo sư khuyên nên theo đứa trẻ. Họ chủ trương phải tự nhiên. Thí dụ, Lão Tử nói, "Sẽ không có sự thỏa thuận. Đừng nghe tiếng nói của cha mẹ, những điều răn. Hãy bỏ những cái "phải", "nên" để trở nên đứa trẻ. Chúa Giê-Su cũng nói như thế. Lão Tử  và Chúa Giê-Su dạy bạn phải trở nên như con trẻ, bởi vì nó sẽ giúp bạn lấy lại sự tự phát, sẽ giúp bạn theo được nhịp tự nhiên của đời sống, của Đạo. Thông điệp của họ rất là tuyệt vời, nhưng gần như không thực tế. Thỉnh thoảng có những người trở nên như con trẻ thật. Nhưng trường hợp ấy rất hiếm hoi để có thể nói rằng nhân loại không thể trở thành con trẻ được. Nó tựa như một tinh cầu giá lạnh - đẹp nhưng không bao giờ tới được. Lại có những đạo sư như Khổng Tử, Mahavira, Moses, Mohammed, Manu, nói phải nghe theo tiếng nói của cha mẹ, của luân lý, của xã hội, của học đường. Hãy nghe và tuân theo. Nếu không muốn khó khăn ở đời, nếu không muốn rước họa vào thân, hãy nghe lời cha mẹ. Đừng bao giờ trái ý họ. Phần lớn nhân loại theo những đạo sư ấy, nhưng họ mất hẳn sự tự phát, thiếu tự nhiên. Họ luôn luôn cảm thấy bị hạn chế, bị đóng khung. Và khi không có tự do, bạn có thể có cảm giác bình an, nhưng bình an ấy không có giá trị gì. Bình an đến với tự do mới giá trị. Bình an đi kèm phúc lạc mới lâu dài. Bình an giả tạo ấy cho bạn sự tiện lợi và an ủi, nhưng linh hồn của bạn sẽ thiệt thòi. Cũng có vài người thành công nhờ tiếng nói của cha mẹ. Họ cũng chứng nghiệm được chân lý, nhưng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mà cái thời ấy đã qua rồi, đã thành lịch sử rồi. Khổng Tử, Moses, Mohammed, và Manu đã làm lợi cho nhân loại vì những giới luật của họ: "Phải làm cái này. Đừng làm điều kia." Họ đã biến cái phức tạp thành đơn giản. Bạn chẳng phải làm gì cả. Họ không tin rằng bạn có thể quyết định nênđã cho bạn những mệnh lệnh đã làm sẵn. Nếu bạn cứ theo những giới răn ấy mà hành xử, mọi hy vọng, mọi ước muốn sẽ được toại nguyện. Vấn đề là phải biết phục tùng. Những tôn giáo cổ đều nhấn mạnh sự vâng lời. Bất tuân là tội nặng. Adam và Eva bị trục xuất ra khỏi vườn Địa Đàng vì đã không vâng lời. Thượng Đế cấm họ không được ăn trái cấm mà họ không tuân theo. Đó là tội duy nhất của họ. Nhưng đứa trẻ nào chẳng phạm tội ấy? Cha nó nói, "Không được hút thuốc," nó sẽ hút. Cha nói, "Đừng đi chơi," nó sẽ trốn đi khi có cơ hội. Chuyện của Adam và Eva là chuyện của mỗi đứa trẻ. Sự kết án, sự trục xuất... do đó mà ra. Phục tùng là đạo của Khổng Tử, Manu, Mohammed, và Moses. Nhưng ngày ấy đã xa rồi, và nhờ đó mà chẳng mấy người thành đạo. Nhiều người tìm được bình an, trở thành công dân gương mẫu. Nhưng chỉ thế thôi. Khuynh hướng còn lại là nhắm vào tiếng nói của người lớn. Patanjali và những người theo thuyết bất khả tri (agnostics) như Bertrand Russell, hoặc những nhà nhân văn từ kỷ nguyên Ánh Sáng chủ trương phải nghe theo lý trí. Nhưng điều này sẽ khó khăn lắm. Nó biến đời sống thành bãi chiến trường triền miên vì bạn đã được cha mẹ dưỡng dục, đã được họ điều kiện hoá. Nếu chỉ nghe lý trí, đời sống của bạn sẽ trở nên què quặt. Bạn sẽ phải chối bỏ toàn bộ tâm trí của bạn, nhưng việc đó chẳng phải dễ. Mà cũng chẳng có lý do gì để bạn được sinh ra. Khi mới sinh, bạn chỉ có cảm giác. Lý trí mãi sau này mới có; nó xuất hiện khi mọi sự đã rồi. Các nhà tâm lý nói rằng mỗi đứa trẻ thu thập bảy mươi năm phần trăm kiến thức của nó trong bảy năm đầu. Bảy mươi năm phần trăm toàn bộ kiến thức của nó phải được học trong bảy năm đầu, và năm mươi phần trăm lúc bốn tuổi. Bạn học khi còn nhỏ, và mãi sau này lý trí mới có; nó đến khi tất cả đã muộn màng. Mọi góc cạnh đã được chọn và thí nghiệm mà chẳng cái nào mang lại kết quả tốt đẹp cả. Quan điểm của Đức Phật khác hẳn, và đó là một đóng góp tích cực nhất cho tâm thức con người. Ngài nói đừng chọn cái nào cả, mà hãy đứng ngay tại tâm điểm của tam giác. Đừng chọn lý trí, đừng chọn cha mẹ, đừng chọn đứa trẻ. Hãy an trú ngay tại trọng tâm của tam giác với một sự tỉnh thức và thinh lặng tuyệt đối. Phép tiếp cận của Ngài rất có ý nghĩa. Nó giúp bạn nhìn được bản thể của mình rõ như pha lê. Từ phối cảnh và sự thấu suốt ấy bạn sẽ đáp ứng một cách hữu hiệu trong mọi tình huống. Nói cách khác, nếu hành xử như một đứa trẻ, bạn chẳng khác gì trẻ con. Nhiều lần bạn đã làm thế. Không thích gì, bạn sẽ nổi lôi đình. Bạn phản ứng trong lúc nóng giận để rồi hư tất cả. Khi nguôi cơn giận, bạn đã mất mặt rồi. Ai cũng tưởng bạn là người điềm đạm mà nay mặt chuột mới lòi ra. Có những lúc bạn theo tiếng nói của cha mẹ, nhưng sau đó bạn bực tức vì vẫn chưa thoát được sự kiềm chế của họ. Bạn vẫn chưa trưởng thành, vẫn chưa đủ lớn nhận lãnh trách nhiệm của chính đời mình. Đôi khi bạn theo lý trí. Nhưng bạn nghĩ bên tình bên lý làm sao chu toàn được cả hai. Người duy lý hoàn toàn sẽ cắt đứt với cơ thể, với đời sống và với người chung quanh. Người ấy chỉ là bộ máy biết suy nghĩ. Nhưng suy nghĩ chẳng làm bạn sống động; nó sẽ lấy đi nhựa sống của bạn, sẽ làm bạn cằn cỗi. Cho nên bạn muốn nhựa sống của bạn dạt dào; bạn muốn được sống động, trẻ trung và luôn luôn tươi tắn. Cái vòng luẩn quẩn chạy hoài không hết. Đức Phật nói rằng những tiếng nói ấy chỉ là những phản ứng khác nhau, mà phản ứng thì không trọn vẹn; chỉ có đáp ứng mới toàn bộ, mà những gì không trọn vẹn đều là lầm lỗi. Đó là quan niệm của Ngài về tội lỗi: những gì không trọn vẹn là lầm lỗi. Bởi vì khi không trọn vẹn, những phần khác sẽ không được hoàn thành, và chúng sẽ báo thù. Phải toàn diện. Đáp ứng là toàn diện; phản ứng là vụn vặt. Khi theo một tiếng nói, bạn sẽ có vấn đề. Bạn sẽ không hề thoả mãn với nó. Chỉ một phần được thoả mãn, hai phần kia sẽ bất mãn. Hai phần ba bản thể của bạn bị ức hiếp trong khi chỉ một phần ba được thoả mãn. Cho nên bạn sẽ bị hỗn loạn triền miên. Bất cứ bạn làm gì, phản ứng sẽ không thoả mãn bạn vì phản ứng là không toàn diện. Đáp ứng. Đáp ứng là toàn phần. Thế thì bạn không hành động từ một điểm của tam giác. Bạn không chọn lựa mà giữ được sự tỉnh thức bất phân biệt. Bạn nằm ngay tại trọng tâm. Và từ tâm điểm ấy mà bạn hành động, bất kể hành động nào; nó sẽ không phải cha mẹ (C), không phải người lớn (N), không phải đứa trẻ (D). Bạn đứng ngoài CND. Đó là bạn, là bản thể của bạn. CND ấy chẳng khác một cơn xoáy lốc, mà bạn là trung tâm của nó.
Mỗi khi cần phải đáp ứng, Đức Phật nói bạn phải cảnh giác, tỉnh thức. Hãy nhớ đến nội tâm của mình. Hãy trở về trung tâm ấy, và hãy ở lại đó ít lâu trước khi hành động. Được thế thì chẳng cần suy nghĩ vì suy nghĩ là bất toàn. Cảm xúc cũng bất toàn. Cũng chẳng cần phải hỏi ý cha mẹ, vốn là biểu tượng của Thánh kinh, Gita, Koran. Chỉ cần giữ được sự thanh tịnh, im lặng và tỉnh thức để quan sát mọi tình huống, như thể bạn đứng hẳn bên ngoài, dửng dưng, như thể một quan sát viên trên đỉnh cao. Đó là chánh định. Đó là đòi hỏi tiên quyết - phải từ trọng tâm mà hành động. Rồi từ trọng tâm ấy hãy để mọi hoạt động diễn ra. Thế thì những gì bạn làm đều thánh thiện, bất kỳ bạn làm gì đều đúng cả. Đức Phật nói chánh định là đức hạnh duy nhất. Thiếu cảnh giác là tội lỗi. Hành động một cách vô ý thức là lầm lỗi.

Quán Tâm Pháp Của Nanda
Một hôm Đức Phật đi ngang một khu rừng. Trưa hè oi ả, và Ngài cảm thấy khát. Ngài nói với Nanda, "Hãy trở lại khúc sông mà chúng ta đã đi qua cách đây khoảng ba, bốn dặm để lấy ít nước. Tôi thấy khát khô cả cổ." Nanda trở lại, nhưng khi đến nơi, nước đã đục ngầu vì trâu bò mới đi qua cùng với bùn lầy từ đáy sông nổi lên. Nanda trở về tay không vì nước không thể uống được. Ngài nói vớiĐức Phật, "Thế Tôn phải chờ một lát. Con nghe nói khoảng hai, ba dặm trước mặt là một con sông lớn. Con sẽ lấy nước từ đó."
Nhưng Đức Phật vẫn khăng khăng, "Hãy trở lại chỗ cũ mà lấy nước." Nanda không hiểu thái độ của Đức Phật, nhưng khi thầy nói, trò phải nghe. Ngài vẫn đi, mặc dù biết là vô lý vì phải đi ba, bốn dặm đường để lấy nước, mà nước có uống được đâu. Trước khi Nanda ra đi, Đức Phật nói, "Nếu nước vẫn còn đục thì đừng trở về. Hãy chờ ở bờ sông. Đừng làm gì cả. Đừng bước xuống sông. Hãy kiên nhẫn và quan sát. Sớm hay muộn nước sẽ trong lại. Lúc đó hãy đem nước về. Nanda trở lại, và y như lời Đức Phật nói. Bùn lầy đã lắng đọng. Nhưng nước vẫn chưa trong hẳn. Nanda ngồi chờ và ngắm dòng nước trôi qua. Dần dà nước sông trở nên trong vắt. Ngài trở lại và nhảy nhót điên cuồng vì đã hiểuđ ược ý của Đức Phật. Ngài trao nước cho Đức Phật, rồi phục xuống chân mà tạ ơn.
Đức Phật nói, "Ông làm gì thế? Tôi phải cám ơn ông vì đã lấy nước cho tôi." Nanda nói, "Con đã hiểu ra rồi. Ban đầu con hơi bực tức vì phải trở lại thì vô lý quá. Nhưng nay con đã hiểu ý của Thế Tôn. Đó là điều mà con cần trong lúc này. Tâm trí của con cũng thế. Khi ngồi bên bờ ngắm dòng nước trôi qua, con thấy tâm trí của con cũng tương tự như vậy. Nếu bước xuống sông, con sẽ làm nước đục. Nếu theo tiếng nói của tâm trí, nó sẽ ồn ào hơn, nhiều vấn đề sẽ nổi lên. Con học được phương pháp đó khi ngồi ngắm dòng sông. "Con sẽ ngồi ngắm tâm trí của con với những bẩn thỉu, những tanh hôi, những vết thương cũ, những kỷ niệm xưa, những ham muốn hiện nay. Con chỉ cần quan sát một cách thờ ơ và đợi cho đến khi tất cả lắng đọng lại."

3 Ba tầng tâm lý của con người cũng đã được Plato, Karl Marx và Sigmund Freud bàn đến. Bộ ba của Plato gồm có: lý trí, lương tâm hay tinh thần, và dục vọng. Bộ ba của Marx gồm có: con người tự nhiên (natural self), con người giả dối (alienated self), và con người chủng loại (species self). Bộ ba của Freud gồm có: bản năng tự nhiên (id), ngã (ego), và siêu ngã (superego). (VS)

Ads Belove Post