Chương 6. Sao ông không đi nghỉ đi

Chương 6. Sao ông không đi nghỉ đi

Price:

Read more

Không nước Không trăng - Osho

Bài nói về các chuyện thiền

Chương 6. Sao ông không đi nghỉ đi



Đức Sơn đã học thiền theo Long Đàm. Một đêm Đức Sơn tới Long Đàm và hỏi nhiều câu hỏi.

Thầy giáo nói, "Đêm đang ngày một tàn - sao ông không đi nghỉ đi?"

Thế là Đức Sơn cúi lạy, và ngay khi anh ta mở màn ra để đi anh ta quan sát, "Bên ngoài trời tối quá."

Long Đàm đưa cho Đức Sơn một chiếc nến đang cháy để tìm đường, nhưng ngay khi Đức Sơn nhận chiếc nến, Long Đàm thổi tắt nó đi.

Vào khoảnh khắc đó tâm trí Đức Sơn được mở ra.

Đức Sơn đã học thiền theo Long Đàm. Một đêm Đức Sơn tới Long Đàm và hỏi nhiều câu hỏi.

Điều đầu tiên cần hiểu: bạn không thể học thiền. Điều đó là không thể được. Bạn có thể ở trong nó, nhưng bạn không thể học nó - bởi vì thiền, hay dhyan, không phải là đối tượng của học, nó là cách sống. Nó phụ thuộc vào cách bạn sống. Bạn không thể có được nó qua kinh sách, bạn không thể có được nó từ bất kì ai. Không ai có thể dạy bạn, nó không thể được dạy. Nó không phải là tri thức có thể được truyền từ tay nọ sang tay kia. Nó là cách thức của cuộc sống. Bạn có thể cho phép bản thân mình đi vào trong nó, bạn có thể tuôn chảy trong nó, bạn có thể mong manh với nó, cởi mở với nó - và đó là điều người ta phải làm với thầy.

Bạn không thể học tập, bạn chỉ cho phép bản thân mình được tiêm nhiễm. Nó cũng giống như sự tiêm nhiễm; nếu bạn mong manh, bạn sẽ bắt lấy nó. Chỉ sống với thầy là đủ: cởi mở, không tranh đấu, chỉ hiện hữu với thầy, có những khoảnh khắc trong khi bạn im lặng... bạn có thể học nó.

Câu chuyện này nói, Đức Sơn đã học thiền... Tại đó anh ta sai. Không đại học nào có thể cung cấp cho bạn giáo trình trong tôn giáo. Họ cung cấp, nhưng bất kì điều gì họ dạy cũng đều không phải là tôn giáo chút nào. Nó có thể là lịch sử tôn giáo - nó không phải là tôn giáo. Nó có thể là triết lí về tôn giáo - nó không phải là tôn giáo. Họ có thể giúp cho bạn học kinh Koran, Kinh Thánh, Gita, nhưng nó không phải là tôn giáo. Họ có thể nói về Jesus, Phật, Krishna, và bạn sẽ học nhiều điều, nhưng bạn sẽ bỏ lỡ chính cái cơ sở, chính cái cốt lõi.

Cho nên điều đầu tiên cần được hiểu là không ai có thể giải thích cho bạn thiền là gì, dhyan là gì. Bạn có thể học nó, nhưng không ai có thể dạy bạn được. Tôi đã liên tục nói rằng có đệ tử và không có thầy, bởi vì thầy không thể làm được cái gì tích cực, trực tiếp. Thầy không thể trao nó cho bạn được, thầy không thể dạy nó cho bạn được. Thầy có thể làm được gì? Nếu thầy có thể dạy, thầy có thể cho nó; thế thì một phật có thể là đủ để làm cho cả thế giới chứng ngộ. Nhưng nhiều phật đã tồn tại và thế giới vẫn còn như nó đang thế. Một cách trực tiếp chẳng cái gì có thể được làm cả. Sự việc tinh tế, tinh vi đến mức nếu bạn truyền đạt nó, trong chính việc truyền đạt đó nó chết.

Tôi đã từng nghe: một linh mục Ki tô giáo gửi cuốn Kinh Thánh làm quà tặng cho người bạn nào đó - ông ta đã làm một gói bọc rất đẹp. Ông ta tới bưu điện và nhân viên bưu điện tại quầy hỏi, "Có thứ gì dễ hỏng trong nó không?"

Ông linh mục cười to và nói, "Có chứ, Mười điều răn."

Tôn giáo tinh tế thế, dễ hỏng thế, không bọc gói nào có thể bảo vệ được nó. Khoảnh khắc bạn truyền nó, nó đã chết rồi. Nó sống với cuộc sống bên trong. Nó sống trong vị phật, trong bậc thầy. Thầy không thể trao nó cho bạn được, nhưng bạn có thể cởi mở bản thân mình với nó.

Cũng giống như mặt trời lên vào buổi sáng: mặt trời không thể đem cuộc sống cho bông hoa được - không! Nhưng bông hoa tự mở ra hướng tới mặt trời, nó được làm giàu có qua việc mở ra của riêng nó. Nếu hoa vẫn còn đóng, mặt trời chẳng thể làm được gì. Mặt trời không thể gõ vào cửa, không thể chuyển giao ánh sáng, không thể chuyển giao lực sống và cuộc sống - không! Mặt trời sẽ đi qua không để ý. Vị phật tới - tôi ở đây với các bạn, các bạn có thể cởi mở bản thân mình. Nhưng nếu các bạn vẫn còn đóng không điều gì có thể được làm cả. Cho nên điều đó là tuỳ ở bạn, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào bạn liệu bạn có biết hay không - và nó không phải là việc học.

Học là điều chết, mang tính trí tuệ. Biết là sống động: nó không từ cái đầu, nó từ trái tim. Bạn biết từ trái tim, bạn học từ cái đầu. Khi bạn học bạn trở thành học giả lớn. Cứ đi và nhìn các học giả lớn, tất cả các đại học đều đầy họ, và bạn sẽ không tìm thấy người nào chết hơn họ. Họ gần như trong nấm mồ của mình - họ đã bước vào rồi! Họ chưa bao giờ sống; họ bị ám ảnh nhiều với lời tới mức họ đã bỏ qua cuộc sống.

Họ có thể nói về yêu nhưng họ chưa bao giờ yêu cả. Họ không thể đảm đương được việc đó - điều đó nguy hiểm thế; và họ cũng biết rằng họ không thể nhận lấy bước nguy hiểm đó. Họ đã nói về thiền, đọc về nó, nhưng họ lại chưa bao giờ làm nó cả. Điều đó là nguy hiểm. Không cái gì có thể nguy hiểm hơn điều đó. Và học giả bao giờ cũng tìm kiếm an toàn; an toàn trong lời, an toàn trong học thuyết, an toàn ở mọi nơi. Người đó không bạo dạn, người đó không dám đánh cược cả đời mình.

Việc biết này là của trái tim, nó cũng giống như tình yêu. Đó là lí do tại sao Jesus cứ nhắc lại rằng Thượng đế là tình yêu. Điều đó có không nghĩa, như người Ki tô giáo vẫn hiểu hay hiểu lầm, rằng Thượng đế là việc yêu. Không! Điều đó không có nghĩa rằng Thượng đế là việc yêu. Nó đơn giản nghĩa là nếu bạn muốn đạt tới Thượng đế, phương pháp là hệt như khi bạn muốn đi vào trong tình yêu. "Thượng đế là tình yêu" nghĩa là: con đường dẫn tới ngôi đền của tình yêu là hệt như con đường dẫn tới ngôi đền của Thượng đế. Nó chỉ ra con đường - nó đi qua trái tim, không qua cái đầu.

Đức Sơn đã học thiền theo Long Đàm - đó là nơi anh ta bỏ lỡ. Chính bước đầu đã đi sai, và khi bước đầu tiên đi sai, thế thì mọi thứ khác theo đó sẽ đi sai. Bao giờ cũng nhớ lấy bước đầu tiên cho đúng. Nếu bước đầu tiên lấy đúng, thế thì một nửa con đường đã đi qua, nó gần như đã được kết thúc. Bởi vì nếu bước thứ nhất mà đúng, tất cả những cái tiếp sau sẽ tự động theo sau; bạn sẽ đạt tới mục tiêu. Cho nên đừng tới thầy để học, tới để biết. Nếu bạn tới học, thầy sẽ dạy bạn, nhưng điều có ý nghĩa nhất lại không thể dạy được. Tới để biết đi.

Và khác biệt giữa hai thái độ này là gì? Nhiều khác biệt: khi bạn đi học bạn muốn nhiều tri thức hơn; khi bạn đi để biết bạn sẽ hiện hữu nhiều hơn - nó không phải là tri thức. Khi bạn biết, hiện hữu của bạn trưởng thành. Khi bạn học, kí ức của bạn phát triển. Khi bạn học, bạn hiểu biết ngày một nhiều hơn; khi bạn biết bạn trở nên ngày một hiện hữu hơn - và đây là những điều hoàn toàn khác nhau.

Một người có thể có kí ức lớn, biết nhiều điều, và sâu bên dưới trong bản thể người đó hoàn toàn là kẻ ăn xin, nghèo khó, chẳng có gì ở đó cả. Người đó có thể tự lừa dối mình rằng người đó hiểu biết nhiều điều thế, nhưng hiểu biết sẽ chẳng ích gì - chừng nào bạn còn chưa hiện hữu, hiểu biết chỉ vô tích sự. Chỉ hiện hữu mới có ích.

Nếu bạn sắp chết, cái gì sẽ đi cùng bạn, tri thức của bạn hay bản thể bạn? Ai sẽ có ích? Cái gì sẽ là cây cầu? Bạn có thể mang cái gì đi cùng mình bên ngoài cái chết? Tri thức ư? Bộ não bị bỏ lại sau, bởi vì bộ não là một phần của thân thể. Chỉ bản thể mới được mang qua. Và bạn chưa bao giờ nhìn vào nó cả, nó vẫn còn nghèo nàn, chết đói - bạn chưa bao giờ nuôi dưỡng nó cả.

Việc biết là của hiện hữu, tri thức chỉ là của kí ức, của tâm trí. Các đại học có thể cho bạn tri thức, các thầy giáo có thể cho bạn tri thức, nhưng chỉ người chứng ngộ mới có thể cho phép bạn, có thể giúp bạn - và việc giúp đỡ đó là gián tiếp - thu được nhiều hiện hữu hơn. Bạn có thể nhận sự giúp đỡ đó, nhưng điều cuối cùng tuỳ thuộc vào bạn.

Nếu bạn đi để học, bạn đã lỡ bước đầu tiên. Và bước đầu tiên là rất có ý nghĩa, bởi vì cái đầu tiên chung cuộc trở thành cái cuối cùng. Hạt mầm là rất có ý nghĩa; hạt mầm là bước đầu tiên và nó sẽ trở thành cái cây. Có thể mất nhiều năm để ra hoa, nhưng nếu bạn đã trồng hạt mầm sai, thế thì ngay cả một triệu kiếp sống cũng chẳng có ích gì. Đức Sơn đã sai từ ngay đầu - học.

Học, anh ta quan tâm nhiều hơn tới kinh sách, không với thầy. Và ngu xuẩn làm sao! Khi thầy đang sống bạn bị ám ảnh với kinh sách. Khi kim cương ở khắp nơi, bạn níu bám lấy đá đỏ, đá mầu! Khi thầy đang sống, bạn lại quan tâm tới lời chết.

Một đêm Đức Sơn tới Long Đàm và hỏi nhiều câu hỏi.

Một người ở với thầy để học bao giờ cũng đầy những câu hỏi, bởi vì đây là cách người ta học tập. Bạn phải đưa ra các câu hỏi để cho bạn có thể nhận được câu trả lời, và thế rồi bạn có thể cứ thu thập các câu trả lời và bạn trở nên hiểu biết hơn.

Một người không theo đuổi học mà theo đuổi việc biết chỉ có một câu hỏi, không nhiều. Và nhớ lấy: nhiều câu hỏi không thể được trả lời, chỉ một câu hỏi mới có thể được trả lời. Nhiều câu hỏi không thể được trả lời, bởi vì nếu bạn là kiểu người hỏi nhiều câu hỏi đó, bất kì câu trả lời nào được trao cho bạn cũng sẽ chỉ tạo ra thêm nhiều câu hỏi hơn - chẳng cái gì khác cả. Mọi lời giải sẽ cho bạn thêm nhiều vấn đề.

Bạn tới tôi và bạn hỏi, "Ai đã tạo ra thế giới này?" Và nếu tôi nói "Thượng đế," bạn bắt đầu hỏi về Thượng đế: "Thượng đế này là ai? Và sao ông ấy lại tạo ra thế giới?" Và nếu tôi nói, "Bởi vì điều này," bạn lại hỏi... Mọi câu trả lời đều sẽ tạo ra ngày một nhiều câu hỏi hơn.

Nhưng nếu bạn chỉ có một câu hỏi... điều đó là rất khó. Chỉ người rất trí huệ mới hỏi một câu hỏi. Đi tới một câu hỏi, bạn đã trở nên chín chắn - bởi vì nhiều câu hỏi chỉ ra tò mò của bạn, một câu hỏi chỉ ra rằng sự hiện hữu của bạn đã đi tới kết luận. Bây giờ điều này đang lâm nguy: nếu câu hỏi này được giải đáp, mọi thứ đều được giải đáp. Nó là câu hỏi về sống và chết.

Hỏi một câu hỏi nghĩa là bạn đã trở thành người hướng vào một điểm. Hỏi một câu hỏi nghĩa là bây giờ bạn đã là sự thống nhất. Và khi bạn là sự thống nhất, câu trả lời có thể được trao cho bạn; bằng không bạn không sẵn sàng. Và không thầy nào lại định phí thời gian và năng lượng của mình cho bạn nếu bạn cứ hỏi nhiều câu hỏi. Hỏi một câu hỏi thôi!

Trước hết tìm ra cái gì là câu hỏi có ý nghĩa nhất. Đừng đi trên ngoại vi, tới trung tâm! Trên ngoại vi có thể có nhiều điểm để được hỏi, nhưng tại trung tâm chỉ có một điểm thôi. Và khi bạn đi trên ngoại vi, bạn cứ đi mãi trong vòng tròn; câu hỏi này sẽ dẫn tới câu hỏi khác, câu hỏi khác sẽ dẫn tới câu hỏi khác nữa, và bạn cứ đi đi mãi vô tận.

Nhưng tại trung tâm chỉ có một câu hỏi. Và câu hỏi đó có thể được trả lời thậm chí không có việc trả lời; nếu bạn đã đi tới một câu hỏi, thầy có thể nhìn vào bạn và câu hỏi đã được trả lời rồi. Thầy có thể chạm vào bạn và câu hỏi đã được trả lời rồi. Bởi vì khi bạn là người hướng vào một điểm đến thế, khi bạn sống mãnh liệt đến thế, ngọn lửa của bạn đang cháy sáng thế, tâm trí bạn sáng tỏ thế - không tràn đầy mây mù, chỉ một mặt trời, không có hàng triệu đám mây - bạn quang đãng thế, mọi thứ đều chói chang, rõ ràng, rực cháy, chỉ một cái nhìn cũng có thể có tác dụng; chỉ một cái chạm cũng có thể có tác dụng. Nhưng nếu bạn tràn đầy với nhiều câu hỏi, cho dù thầy có gõ búa những câu hỏi vào bạn, chẳng cái gì sẽ xảy ra.

Một đêm Đức Sơn tới Long Đàm và hỏi nhiều câu hỏi.

Những câu chuyện thiền này hay thế, mọi lời của chúng đều có nghĩa. Một đêm - không vào buổi sáng mà trong bóng tối. Vào buổi sáng bạn tới hỏi một câu hỏi, vào buổi đêm bạn tới hỏi nhiều câu hỏi. Vào buổi sáng bạn rõ ràng, tươi tắn, trẻ trung. Vào đêm bạn già lão, mục nát. Vào đêm có nghĩa là bạn trong bóng tối, dò dẫm. Cho dù bạn có tới cửa bạn sẽ không có khả năng thấy. Cho dù câu trả lời được trao cho nó cũng sẽ không được hiểu.

Tâm trí là bóng tối của linh hồn, nó là đêm của linh hồn. Nhưng bạn tin vào tâm trí này nhiều thế - và nó lại chẳng cho bạn cái gì ngoài trừ những điều hứa hẹn. Nó cho bạn lời hứa, nó là phi thường trong điều đó - nó cứ hứa mãi.

Tôi đã từng nghe: Có lần Mulla Nasruddin quay về nhà rất, rất muộn trong đêm. Anh ta gõ cửa, người vợ hỏi: "Nasruddin, mấy giờ rồi?"

Nasruddin nói một cách đơn giản, "Còn sớm lắm, mới chỉ mười một giờ mười lăm."

Vợ nói, "Chớ có nói dối em. Em vừa mới xem đồng hồ báo thức. Không phải là mười một giờ mười lăm mà là ba giờ mười lăm. Cả đêm đã qua rồi."

Nasruddin nói, "Xem kĩ xem. Em tin vào cái đồng hồ báo thức cũ rích hai mươi xu hơn là tin vào người chồng yêu mến của em phải không? Cái kiểu hôn nhân gì thế này? Em là kiểu đàn bà gì thế này?"

Bạn bao giờ cũng tin vào tâm trí cũ rích hai mươi xu của mình, mà bạn đã mua từ một cửa hiệu tâm trí đã dùng cũ - nó thậm chí không phải là của bạn! Nó đã qua nhiều tay, hàng nghìn lần. Cái gì là mới trong tâm trí bạn? Mọi thứ đều cũ, đều đã qua sử dụng. Cái gì tươi tắn trong tâm trí bạn? Cái gì nguyên bản trong nó? Mọi thứ đều được vay mượn. Và khi một người mua chiếc xe cũ, đã dùng rồi, người đó nghĩ hàng triệu lần liệu có nên mua nó hay không.

Bạn chưa bao giờ nghĩ về tâm trí cả, rằng nó đã được nhiều người dùng. Mọi ý nghĩ của bạn đều được vay mượn, cũ rích, rác rưởi; nhiều người đã vứt nó đi.

Nhưng bạn cứ tin vào điều đó, bởi vì tâm trí này đã biết được một mẹo, và mẹo đó là cách hứa hẹn. Nó cứ hứa hẹn mãi: "Tớ sẽ cho cậu mọi thứ. Cậu cần Thượng đế sao? Tớ sẽ cho cậu Thượng đế, chỉ cần chờ đợi. Làm điều này điều nọ. Cố gắng, và hi vọng và cầu nguyện, và cậu sẽ được nó." Nó bao giờ cũng trì hoãn. Nó nói, "Ngày mai điều đó sẽ xảy ra" - và ngày mai chẳng bao giờ tới cả. Ngày mai không thể tới được - tất cả mọi cái tới bao giờ cũng hôm nay, và tất cả mọi điều tâm trí làm là truyền mọi thứ sang ngày mai. Nó hứa với bạn - trong tương lai. Cho dù nó là thiên đường, cho dù nó là Thượng đế, hay moksha, hay niết bàn - nó bao giờ cũng hứa với bạn, "Trong tương lai."

Thiền, Zen, chưa bao giờ hứa với bạn điều gì. Nó đơn giản cho bạn ở đây và bây giờ. Tâm trí là kẻ trì hoãn, nó nói, "Điều đó sẽ xảy ra. Điều đó sẽ xảy ra dần dần. Đi từ từ. Đừng vội vàng, chẳng cái gì có thể được làm ngay bây giờ." Tâm trí nói, "Thời gian là cần thiết. Chiều dài là con đường. Nhiều điều cần phải được làm và chừng nào mình còn chưa làm nó, làm sao mình có thể đạt tới được?" Tâm trí bao giờ cũng phân chia mục đích và phương tiện.

Trong thực tế, không có phân chia. Mọi bước đều là mục đích và mọi khoảnh khắc đều là niết bàn. Hiện tại là tất cả những cái đang tồn tại. Tương lai là điều ảo tưởng nhất, nó là bịa đặt của tâm trí. Nhưng bạn tin vào tâm trí, và đó mới là điều thực sự phi thường, bạn thậm chí không chán nản.

Tôi đã từng nghe: Một người mua một chiếc xe cũ, đã dùng rồi. Thế rồi sau hai tuần anh ta quay lại cùng cửa hàng đó và hỏi người bán hàng, "Anh có phải vẫn là anh chàng bán cho tôi chiếc xe này không đấy?"

Người này nói, "Vâng," có hơi chút sợ hãi và e dè, bởi vì anh ta biết kiểu xe mình đã bán.

Người mua nói, "Thế hãy nói lại cho tôi cùng điều anh đã bảo tôi trước khi anh bán cho tôi chiếc xe này - tôi chán nản quá. Cho tôi chút ít can đảm đi; và tôi sẽ còn tới đi tới lại nữa, chỉ để được động viên."

Bạn thậm chí không chán nản về tâm trí mình. Bạn cứ nghe lời nó. Và tâm trí lại đen tối, phần tối của bản thể bạn nơi ánh sáng không bước vào. Nó là đêm.

Cho nên điều này là phải: Một đêm Đức Sơn tới Long Đàm và hỏi nhiều câu hỏi. Thầy giáo nói...

Ông ấy đã không trả lời. Ông ấy đã không trả lời một câu hỏi. Ông ấy đơn giản nghe câu hỏi.

Thầy giáo nói, "Đêm đang ngày một tàn - sao ông không đi nghỉ đi?"

Trông đấy! Biết bao nhiêu câu hỏi đã được hỏi và thầy đơn giản nói, "Đêm ngày một tàn, trời ngày một tối. Ông đang đi vào trong phần tâm trí ngày một tối hơn. Đêm đang ngày một tàn - sao ông không đi nghỉ đi?"

Đây là câu trả lời duy nhất cho biết bao nhiêu câu hỏi: "Sao ông không đi nghỉ đi?"

Bạn là câu hỏi và là người tạo câu hỏi. Bạn - bản ngã, tâm trí - bạn là bệnh tật. Sao bạn không mệt? Nhiều câu hỏi đã được hỏi - chỉ một câu trả lời được trao, và điều đó nữa cũng không thể được hiểu, bởi vì người hỏi nhiều câu hỏi không thể hiểu được một câu trả lời. Tâm trí người đó không thể hiểu được bất kì cái gì thuộc vào một. Người đó chỉ có thể hiểu nhiều. 'Nhiều' bao giờ cũng ở ngoài, 'một' bao giờ cũng ở trong - bởi vì trung tâm là ở bên trong bạn, còn ngoại vi là ở ngoài.

Thầy nói một trong những điều hay nhất: "Đêm đang ngày một tàn - sao ông không đi nghỉ đi? Đây là lúc ông nên đi nghỉ." Điều đó dường như chẳng liên quan. Ông ấy đáng phải trả lời các câu hỏi... Ông ấy đã trả lời rồi, bởi vì ông ấy nói, "Thôi ông đi nghỉ đi."

Nếu bạn có đó, thế thì câu hỏi sẽ cứ đến nữa. Câu hỏi tới tâm trí cũng giống như lá tới trên cây. Và bạn cứ tưới nước cho cây, và thế thì lá cứ tới nữa. Tất nhiên, lá già sẽ rụng và lá mới sẽ tới. Cho nên thầy có thể trả lời một câu hỏi: câu hỏi cũ sẽ ra đi, nhưng câu hỏi mới sẽ tới và nó sẽ được thay thế lần nữa. Và câu hỏi mới còn tồi hơn, bởi vì câu hỏi cũ - bạn đã chán ngấy nó rồi. Bạn có thể ném nó đi. Bạn đã sống đủ với nó.

Câu hỏi mới giống như vợ mới - bạn lại trong tình yêu, lại chuyện tình lãng mạn bắt đầu, lại thơ ca và lại toàn bộ những điều vô nghĩa. Ý nghĩ mới còn nguy hiểm hơn ý nghĩ cũ, bởi vì với ý nghĩ cũ bạn chán ngấy, bạn đã chán chường với nó, bạn muốn vứt nó đi. Đó là lí do tại sao Phật, hay Long Đàm, hay người giống thế, không bao giờ trả lời câu hỏi của bạn. Họ không thích cho bạn chỗ trú ẩn mới cho tâm trí. Họ không muốn cho bạn vật thay thế mới cho cái cũ.

Phật hay nói, "Đừng hỏi nếu ông muốn được trả lời. Khi ông không hỏi, ta sẽ trả lời. Nếu ông hỏi, cánh cửa bị đóng lại."

Phật hay nhấn mạnh cho những người mới tới, "Trong một năm hãy ở cùng ta mà đừng hỏi điều gì cả. Nếu ông hỏi, ông không thể được phép sống cùng ta, ông sẽ phải đi tiếp. Trong một năm chỉ im lặng." Và việc hỏi không phải là vấn đề thấy được - Phật biết... nếu bạn cứ hỏi bên trong, ông ấy biết.

Một hôm chuyện xảy ra, Mahakashyapa đang ngồi đó. Ông ấy đã chẳng hỏi gì cả. Một đại đệ tử của Phật, nhưng ông ấy đã tới chỉ vài tháng trước đây và Phật đã bảo ông ấy im lặng trong một năm, không hỏi điều gì cả. Vài đệ tử khác cũng đang ngồi đó. Bỗng nhiên, Phật hỏi, "Mahakashyapa, ông hỏi đấy à?"

Thế là Mahakashyapa nói, "Tôi chưa nói chút nào."

Và những người khác cũng nói, "Ông ấy chưa nói gì cả."

Phật nói, "Nhìn vào trong đi. Ông đã hỏi rồi. Ông đã nuốt lời hứa."

Và Mahakashyapa nhìn vào, và ông ấy cúi mình xuống và nói, "Xin lỗi!" Ông ấy đã hỏi. Ông ấy đã không hỏi để cho bạn có thể nghe thấy, nhưng sâu bên trong câu hỏi đã có đó. Cho dù bạn không hỏi nhưng tâm trí lại đang hỏi, bạn đã hỏi rồi, bởi vì ý nghĩ là hành động tinh tế. Chẳng chóng thì chầy nó sẽ trở thành thấy được. Bọt nước có đó rồi, nó sẽ trồi lên bề mặt. Bạn có thể kìm nén nó, nhưng bạn không thể lừa được Phật.

Khi nào bạn có thể được phép hỏi? Khi không có câu hỏi. Điều này dường như ngược đời; nếu không có câu hỏi, thế thì bạn sẽ hỏi cái gì? Chỉ thế thì bạn mới hỏi một câu hỏi, và không cần nói nó ra. Toàn bộ bản thể của bạn trở thành một câu hỏi, việc tìm kiếm, việc truy tìm; thế thì toàn bộ bản thể của bạn là việc truy tìm. Và khi bạn đứng trước vị phật, toàn bộ bản thể của bạn được biến đổi thành việc truy tìm, niềm khao khát, cơn đói sâu sắc, sâu đến mức bạn không có đó, chỉ cơn đói là có đó - thế thì vị phật có thể nuôi dưỡng bạn, thế thì câu trả lời có thể được trao. Bằng không, Phật, với bất kì điều gì ông ấy nói, sẽ dường như chẳng liên quan - và những câu chuyện thiền này chẳng có quan hệ gì.

Có hàng triệu chuyện thiền mà hoàn toàn chẳng thấy quan hệ gì. Bạn hỏi về A còn thầy nói về Z - không quan hệ gì cả! Chúng ta không biết Đức Sơn đã hỏi câu hỏi nào. Chỉ một điều chúng ta biết; thầy giáo, thầy, không bao giờ đáp lại chúng. Ông ấy đơn giản nói, "Đức Sơn, đêm đang ngày một tàn - sao ông không đi nghỉ đi?" Và đây là tất cả thiền là gì. Đây tất cả là thiền là gì - đi nghỉ.

Bạn không đủ mệt với tâm trí sao? Thế thì đi nghỉ đi! Tâm trí làm chưa đủ sao? Tâm trí chưa tạo ra đủ hỗn loạn trong bạn sao? Sao bạn lại níu bám vào nó? Hi vọng gì, hứa hẹn gì làm cho bạn níu bám lấy nó? Nó đã liên tục lừa dối bạn. Nó nói, "Kia kìa - mục đích đó, trong việc sở hữu đó, trong ngôi nhà đó, trong chiếc xe đó, trong người đàn bà đó, trong sự giầu có đó - là mọi thứ." Và bạn đi, và khi bạn đạt tới nó, chẳng cái gì tới trong tay bạn ngoại trừ thất vọng. Mọi trông đợi đều đưa bạn tới thất vọng. Mọi ham muốn đến cuối cùng đều trở thành chuyện buồn, nỗi buồn kết quả.

Và tâm trí này đã từng hứa hẹn với bạn và hứa hẹn mãi với bạn - chẳng lời hứa nào được hoàn thành cả, nhưng bạn chưa bao giờ nói với tâm trí, "Mi là kẻ lừa dối, thôi đi!" Bạn sợ nói ra điều đó.

Có lần chuyện xảy ra: Mulla Nasruddin vừa bước ra khỏi quán rượu làng, một linh mục mới trông thấy anh ta - ông ấy đi ngang qua đường. Linh mục mới nói, "Nasruddin, anh là người tôn giáo. Tôi vừa thấy gì vậy? Anh bước ra từ một chỗ như vậy sao? Con ta, uống rượu là việc làm của Quỉ đấy. Và khi Quỉ lại mời con lần nữa, từ chối đi. Sao con không từ chối?"

Nasruddin nói, "Thưa đức cha, con cũng muốn từ chối lắm chứ, nhưng Quỉ có thể tức giận và có thể lại không mời nữa."

Đó là vấn đề. Bạn muốn từ chối tâm trí này; tâm trí này chưa bao giờ hoàn thành bất kì cái gì cả, nhưng bạn lại sợ - tâm trí có thể tức giận, sẽ không hứa hẹn cho bạn lần nữa. thế thì...? Bạn không thể sống được nếu thiếu những lời hứa hẹn, bạn không thể sống không hi vọng - đây là cơ chế.

Chừng nào bạn còn chưa sẵn sàng để sống không hi vọng, bạn không thể nào trở nên mang tính tôn giáo được. Thậm chí cái gọi là tôn giáo của bạn cũng chẳng là gì ngoài hi vọng do tâm trí tạo ra. Bạn có sẵn sàng sống không hi vọng không? Bạn có sẵn sàng sống không tương lai không? thế thì đơn giản không có nhu cầu nghỉ; tâm trí tự nó đi nghỉ. thế thì không có níu bám vào tâm trí. Nhưng bạn sợ - tâm trí có thể tức giận. Và tâm trí là Quỉ và có thể không đưa ra hứa hẹn nữa, thế thì bạn sẽ làm gì?

Mọi người tới tôi, họ nghĩ việc tìm kiếm của họ mang tính tôn giáo - việc tìm kiếm của họ vẫn mang tính tâm trí. Họ vẫn đi trong thung lũng tối tăm của tâm trí, họ vẫn nghe theo tâm trí, họ hi vọng. Họ hi vọng qua tiền bạc và họ thất bại; họ hi vọng qua dục - họ đã thất bại. Họ đã hi vọng theo nhiều, nhiều cách và họ đã thất bại. Bây giờ họ hi vọng qua thiền, bây giờ họ hi vọng qua thầy - nhưng hi vọng có đó. Và nhớ cho rõ: nếu bạn hi vọng qua tôi bạn sẽ lỡ tôi. Tôi không thể hoàn thành hi vọng của bạn được.

Sao không bỏ quách hi vọng đi? Sao bạn cứ hi vọng? Cơ sở của nó là gì? Sự không hài lòng trở thành hi vọng; đây là sự trá hình. Bởi vì ở đây và bây giờ bạn không bằng lòng thế, trong khốn khổ nhiều đến mức bạn cần hi vọng nào đó trong tương lai. Hi vọng đó sẽ giúp bạn đi. Bằng cách nào đó bạn có thể chịu đựng hiện tại; qua việc hi vọng, bạn có thể chịu đựng hiện tại... hi vọng là thuốc mê. Hiện tại đang khổ, đau đớn; hi vọng là rượu cồn, nó là ma tuý, nó làm cho bạn đủ vô ý thức cho nên bạn có thể chịu đựng hiện tại.

Hi vọng có nghĩa là ở đây và bây giờ không được hài lòng. Nhưng bạn đã bao giờ nhìn vào toàn bộ hiện tượng này không? Sao ngay chỗ đầu tiên bạn không bằng lòng với ở đây và bây giờ? Tại sao? - bởi vì bạn đã hi vọng trong quá khứ, đó là lí do tại sao ở đây và bây giờ bạn không hài lòng. Hôm nay này đã là ngày mai của hôm qua. Hôm qua bạn đã hi vọng cho hôm nay, bởi vì nó đã là ngày mai rồi. Bây giờ hi vọng đó không được hoàn thành, cho nên bạn khổ, thất vọng. Và để che giấu khổ này, để bằng cách nào đó cho trôi qua hôm nay, bạn hi vọng vào ngày mai.

Bạn đang trên vết đường mòn, và trên con đường mòn như vậy sẽ rất khó thoát ra khỏi nó. Ngày mai lại cùng điều như vậy xảy ra: bạn sẽ lại thất vọng, bởi vì tâm trí có thể hứa hẹn nhưng không bao giờ có thể hoàn thành cả. Bằng không, đã không có nhu cầu thiền; thế thì Phật là kẻ ngu, cứ thiền.

Nếu tâm trí có thể hoàn thành, mọi cách thiền đều ngu cả, thế thì mọi người chứng ngộ đều là kẻ ngu. Bởi vì tâm trí không thể hoàn thành được... khi họ đi tới hiểu ra toàn bộ cơ chế này, và toàn bộ khốn khổ của nó... Đây là cơ chế: hôm qua tâm trí đã hứa với bạn rằng cái gì đó sắp sửa được chuyển giao cho bạn vào ngày mai. Bây giờ tâm trí nói, "Ngày mai tớ sẽ chuyển giao cho." Tâm trí lại hứa hẹn. Và đây là cái kiểu ngu xuẩn gì vậy, mà bạn lại lắng nghe tâm trí? Và ngày mai cũng cơ chế đó sẽ được lặp lại - nó là cái vòng luẩn quẩn.

Bạn nghe tâm trí, bạn trở nên khổ - bằng không hôm nay này là thiên đường! Và không có thiên đường nào khác, hôm nay này là niết bàn. Nếu bạn đã không nghe tâm trí... chỉ không nghe tâm trí thôi, thế thì bạn không khổ; bởi vì khổ không thể tồn tại mà không có trông đợi và không có hi vọng. Và khi khổ tồn tại bạn lại cần thêm hi vọng cho nó, để che giấu nó, để sống bằng cách nào đó. Sống vô hi vọng - thế thì bạn là người ngay thẳng, thế thì bạn được nghỉ ngơi.

Những lời này là hay. Thầy nói, "Đêm đang ngày một tàn - sao ông không đi nghỉ đi? Ông không có đủ đêm nay sao? Ông chẳng đã nghe tâm trí này quá nhiều rồi hay sao? Bỏ nó đi thôi. Đừng nghe nó thêm nữa. Đi nghỉ đi!"

Nhưng Đức Sơn lại hiểu lầm ông ấy, bởi vì một người tràn đầy với biết bao nhiêu câu hỏi không thể hiểu được câu trả lời. Từ lòng từ bi của mình Long Đàm đã cho câu trả lời, nhưng đệ tử này lại đã hiểu lầm - học giả bao giờ cũng hiểu lầm.

Anh ta đã nghĩ gì? Anh ta đã nghĩ tới đêm bên ngoài... điều đó đã không được nhắc tới chút nào. Thầy không bao giờ nói về bên ngoài, họ bao giờ cũng nói về bên trong. Thầy đang nói về đêm tối bên trong, còn đệ tử này lại nghĩ, "Vâng, đêm ngày một tàn." Anh ta nhìn ra ngoài - anh ta nhìn vào ngoại vi. Thầy đang nói về trung tâm. Thầy đang dùng ngôn ngữ của bên trong, còn đệ tử này lại hiểu theo ngôn ngữ của bên ngoài. Và ngôn ngữ của bên trong không thể được dịch sang ngôn ngữ của bên ngoài. Không, không có cách nào để dịch nó cả. Hoặc là bạn hiểu hoặc bạn không hiểu - không có cách nào để dịch nó cho bạn.

Tiếng Hindu có thể được dịch sang tiếng Anh, tiếng Anh có thể được dịch sang tiếng Trung Quốc - nhưng tôn giáo không thể được dịch sang bất kì ngôn ngữ nào. Cái bên trong không thể được dịch thành cái bên ngoài. Tại sao tiếng Trung Quốc có thể được dịch sang tiếng Anh? Bởi vì cả hai đều là tiếng của bên ngoài, chúng cả hai đều tồn tại ở ngoại vi.

"Sao ông không đi nghỉ đi?" thầy nói.

Thế là Đức Sơn cúi lạy, và ngay khi anh ta mở màn ra để đi anh ta quan sát, "Bên ngoài trời tối quá."

Anh ta đã hiểu - anh ta đã nghĩ rằng mình hiểu. Anh ta cúi lạy: "Vâng, quá khuya rồi, và đêm ngày một tối hơn và tàn nữa, và đây là lúc đi ngủ rồi."

Điều thầy ngụ ý, định nói là, "Bây giờ là lúc thức tỉnh đi." Với người biết cái bên trong, 'nghỉ ngơi' nghĩa là đây là lúc bước ra khỏi giấc ngủ của bạn, bước ra khỏi tâm trí của bạn, bởi vì tâm trí là giấc ngủ.

Bạn đã nghe nói về bệnh ngủ chưa? - tâm trí là bệnh đó, nó là giấc ngủ say. Ngay cả trong khi bạn tỉnh nó cũng không cho phép bạn tỉnh; bạn đi trong thôi miên sâu, đấy là chứng mộng du. Bạn làm mọi thứ giống hệt như cái máy tự động, máy móc. Bạn giống như cái máy tự động; bạn ăn, bạn nói, bạn làm mọi thứ, bạn hiệu quả, nhưng chẳng hề nghĩ rằng mình được thức tỉnh. Bạn không tỉnh.

Bạn có nhiều kiểu giấc ngủ: đôi khi bạn ngủ với mắt nhắm, đôi khi bạn ngủ với mắt mở. Đôi khi bạn ngủ trên giường, đôi khi bạn ngủ trong đền, đôi khi trên phố. Đôi khi bạn trong cửa hàng mà ngủ. Đôi khi bạn ngủ mà vẫn đang làm mọi thứ, đôi khi bạn ngủ mà không làm mọi việc. Đôi khi bạn ngủ có mơ, đôi khi bạn ngủ có các ý nghĩ - nhưng bạn liên tục trong giấc ngủ của mình.

Vào buổi sáng bạn không trở nên thức tỉnh. Vào buổi sáng một loại giấc ngủ mới bắt đầu với mắt mở - giấc mơ bồng bềnh, và các ý nghĩ liên tục, và bạn làm nghi lễ. Việc thức tỉnh là không cần thiết cho nghi lễ hàng ngày. Đó là lí do tại sao không ai thích những điều mới xảy ra mọi ngày - bởi vì nếu những điều mới mà xảy ra, thế thì bạn sẽ phải thức tỉnh. Với những điều cũ, với cái lệ thường, bạn có thể đi mà vẫn ngủ, không có nhu cầu. Trong cuộc sống bẩy mươi năm, nếu bạn đã từng thức tỉnh cho bẩy khoảnh khắc, đấy cũng quá nhiều rồi. Đó là lí do tại sao khi Gautam Siddhartha thức tỉnh chúng ta lại gọi ông ấy là Phật, người đã thức tỉnh. Bởi vì nó là hiện tượng hiếm hoi thế - được thức tỉnh.

Thầy ngụ ý, "Nghỉ tâm trí đi, để cho ông có thể thức tỉnh." Và đệ tử này đã hiểu, "Đúng rồi," anh ta nói, "bên ngoài trời rất tối, bây giờ mình phải đi ngủ thôi. Mình phải nghỉ ngơi." Đây là cách thức, bất kì khi nào chân lí được thầy trao cho, nó bị bóp méo trong tâm trí của đệ tử này.

Thế là Đức Sơn cúi lạy... chỉ để cám ơn thầy, rằng anh ta đã quan sát đúng là đêm đã sắp tàn... và ngay khi anh ta mở màn ra để đi anh ta quan sát, "Bên ngoài trời tối quá."

Long Đàm đưa cho Đức Sơn một chiếc nến đang cháy... thầy trao cây nến đang cháy cho đệ tử... để tìm đường, nhưng ngay khi Đức Sơn nhận chiếc nến... và anh ta tiếp tục đi ra ngoài.

... Long Đàm thổi tắt nó đi.

Vào khoảnh khắc đó tâm trí Đức Sơn được mở ra.

Điều gì đã xảy ra? Long Đàm đã đưa cho Đức Sơn cây nến đang thắp. Ông ấy nói, "Thôi được rồi, bên ngoài trời rất tối, cho nên ông cầm chiếc nến đang thắp này để thấy đường."

Với bên ngoài người ta có thể trao cây nến, không cho bên trong - bởi vì làm sao bạn sẽ đem nến vào bên trong được? Với bên trong, không thể đưa cây nến nào từ bên ngoài vào được cả. Thầy không thể cho bạn cây đèn sẽ làm sáng bạn từ bên trong.

Trong thực tế, bên trong cây đèn này bao giờ cũng cháy sáng. Nó có đó, nhưng bạn cứ nhìn ra bên ngoài. Một khi bạn nhìn vào bên trong, cây đèn đã có đó rồi. Nó bao giờ cũng ở đó. Bạn chưa bao giờ bỏ lỡ nó cho dù là một khoảnh khắc. Bạn không thể bỏ lỡ nó được. Nó là Đạo của bạn, bản tính của bạn, chính cái ta của bạn - không cần phải đem bất kì cây nến nào cho bên trong cả, và không cây nến nào có thể đi vào được bên trong. Nhưng với bên ngoài có thể phải đem nến.

Cho nên nhớ lấy: tất cả những người đem cho bạn cái gì đó trên con đường của bạn, tất cả những cây nến đó chỉ là để dành cho bên ngoài. Chúng có thể chiếu sáng con đường của bạn trong thế giới, nhưng không bao giờ trong Thượng đế.

Thấy rằng đệ tử của mình vẫn không hiểu, thầy cố gắng lần nữa. Thầy đã tạo ra tình huống, một tình huống rất hiếm hoi: thầy đã đưa cho Đức Sơn cây nến đang thắp.

Đức Sơn đang hỏi nhiều câu hỏi, và anh ta đã không đem cây nến nào cho bên trong, anh ta đã không đưa ra lấy một câu trả lời. Anh ta đơn giản nói, "Về nghỉ thôi!" Nhưng nếu bóng tối ở bên ngoài, cái gì đó có thể được làm, bạn có thể được giúp. Nếu thân thể bạn ốm, bạn có thể tìm bác sĩ; nhưng nếu linh hồn bạn ốm không bác sĩ nào có thể có ích gì - thế thì bạn phải làm điều gì đó. Thế thì thầy chỉ có thể đem bạn tới điểm này mà bạn phải làm điều gì đó, bởi vì bên trong không ai có thể thấm vào được trừ bạn. Nếu ai đó có thể thấm vào bên trong bạn, nó không phải là bên trong, bởi vì trong ngôi đền bên trong nhất của bản thể bạn, làm sao người nào có thể vào được? Không có chỗ - chỉ bạn mới tồn tại ở đó trong sự đơn độc toàn bộ của mình.

Đó là lí do tại sao Mahavira đã nói rằng ngay cả tình yêu cũng không thể vào đó được. Bạn hoàn toàn một mình. Mahavira đã dùng một từ cho việc giải thoát tối thượng, cho việc cứu rỗi tối thượng; từ đó là kaivalya. Kaivalya nghĩa là đơn độc tuyệt đối. Trong bản thể bên trong nhất của mình, bạn hoàn toàn một mình - không ai có thể vào đó được. Ngay cả thầy cũng không thể vào đó được. Nếu ai đó có thể vào đó, nó là bên ngoài, thế thì nó không phải là cốt lõi bên trong nhất. Tại tâm của vòng tròn chỉ có thể có một điểm, không hai. Nếu có hai, nó vẫn không phải là tâm. Thế thì một ngoại vi nhỏ vẫn bao quanh.

Bạn một mình trong bản thể sâu nhất của mình. Thầy có thể giúp bạn để trở nên nhận biết về sự kiện này, và một khi bạn biết nó, mọi bệnh tật bên trong đều biến mất. Một khi bạn chấp nhận đơn độc toàn bộ của mình bạn được giải thoát; thế thì không có gắn bó - tình yêu có thể tuôn chảy. Trong thực tế, chỉ tình yêu bây giờ mới có thể tuôn chảy, bởi vì tình yêu bây giờ không phải là sự phụ thuộc, bạn không phụ thuộc vào người khác. Nếu bạn phụ thuộc vào người khác, thế thì bạn cũng sẽ chống lại nữa - bởi vì bất kì ai làm cho bạn phụ thuộc đều là kẻ thù, không thể là bạn được. Cho nên những người yêu liên tục đánh nhau, bởi vì người yêu là kẻ thù, người được yêu là kẻ thù. Bạn đã trở nên phụ thuộc, bạn không thể sống mà không có người khác, tự do của bạn bị phá huỷ, và bất kì tình yêu nào phá huỷ tự do đều sẽ trở thành ghét chẳng chóng chầy.

Chỉ tình yêu nào cho bạn nhiều tình yêu hơn mới không bao giờ biến thành ghét, nó sẽ là vĩnh hằng. Cho nên chỉ một Jesus, một Phật mới có thể yêu một cách vĩnh hằng. Không có thay đổi khí hậu, cùng hài hoà ấy tiếp diễn. Vì sao? - bởi vì một Phật hay một Jesus đã đạt tới sự đơn độc toàn bộ của mình, và đã chấp nhận sự kiện này. Và điều này đẹp thế... một mình toàn bộ, như đỉnh Everest.

Tại chính đỉnh đó, bạn một mình. Tại chính cốt lõi, bản thể bên trong nhất, bạn một mình. Khi bạn đã chấp nhận điều đó, bây giờ tình yêu có thể tuôn chảy như dòng sông Hằng, bây giờ không có rắc rối, bây giờ bạn có thể yêu mà không có điều kiện nào cả. Bây giờ bạn có thể yêu mà không trở nên phụ thuộc, hay không làm cho bất kì ai phụ thuộc vào bạn. Bây giờ tình yêu có thể là tự do.

Thầy giúp bạn nhận biết về cái đơn độc toàn bộ, tối thượng của mình. Từ đơn độc là không hay lắm, bởi vì nó mang vẻ buồn rầu về nó - bởi vì bạn, không bởi vì từ này. Bởi vì những liên kết cũ, bạn bao giờ cũng cảm thấy buồn khi bạn đơn độc.

Tại Nhật Bản có lần chuyện xảy ra: Một thiền sư là một người làm vườn vĩ đại, một người yêu làm vườn. Ngay cả nhà vua cũng ghen tị với vườn của ông ấy, rồi một hôm ai đó tới nhà vua và nói, "Bây giờ bệ hạ phải tới mà xem."

Người Nhật Bản yêu thích hoa bìm bìm lắm và người đã nói với nhà vua lại nói, "Thần chưa bao giờ thấy những bông hoa như vậy, hàng triệu trong chúng, cả khu vườn của thiền sư này tràn ngập toàn hoa. Và hương thơm - thơm làm sao. Bệ hạ chớ bỏ lỡ điều đó. Bệ hạ nên đi xem đi."

Đến xem vườn người nghèo này là quá thể đối với nhà vua. Ông ta có một khu vườn lớn - hàng trăm a xanh tươi, hàng trăm người làm vườn làm việc ở đó - mà ông ta lại phải đi xem sao?

Nhưng người này cứ tấu trình và ông ta nói, "Điều đó có thể không xảy ra lần nữa đâu."

Cho nên nhà vua nói, "Khanh hãy đi và báo cho ông ta rằng sáng mai ta sẽ tới."

Vị thầy này được thông báo. Sáng hôm sau nhà vua tới cùng triều đình, các tướng lĩnh, hoàng hậu, hoàng tử. Cả kinh thành chìm trong im lặng, hàng nghìn người tụ tập xung quanh đạo tràng. Và nhà vua tới, ông ta nhìn quanh và ông ta nói, "Cái gì vậy! Ta đã được thông báo có hàng triệu hoa, và ta chỉ thấy mỗi một bông hoa bìm bìm trong vườn thôi."

Thiền sư nói, "Vâng, có hàng triệu, nhưng trong đêm chúng tôi đã dẹp bỏ tất cả chúng rồi, bởi vì chúng tôi tin vào một. Và đây là bông hoa đẹp nhất trong tất cả các hoa - trong đám đông bệ hạ sẽ bỏ lỡ bông hoa này. Cho nên chúng tôi đã dẹp bỏ tất cả; chỉ để bông hoa tuyệt vời nhất, chỉ để bông hoa đẹp nhất mới được dành cho bệ hạ."

Nhà vua trở nên chút ít buồn bã. Ông ta nói, "Nó trông đơn độc quá."

Và thiền sư cười to và nói, "Nó không đơn độc. Nó một mình đấy thôi."

Nhớ điều này: khi bạn đạt tới trung tâm bên trong nhất của mình bạn không đơn độc, bạn một mình. Và một mình này không phải là trống rỗng - nó là tràn đầy. Một mình này không trống rỗng, nó là tràn ngập. Một mình này không là hư không, nó là tất cả.

Thầy chỉ có thể làm cho bạn nhận biết về sự kiện này - cái đã có đó. Thầy không thể cho bạn cái gì mới. Thầy chỉ cho bạn cái bạn đã có, cái bạn đã là, cái bạn đã từng mang bên trong mình, nhưng chưa bao giờ tỉnh táo về nó. Thầy chỉ làm cho bạn để tâm tới sự kiện đang đó, về bản thể bạn. Thầy chỉ làm cho bạn nhận biết về chân lí: kho báu đang được giấu kín ở đó - và bạn lại chưa nhìn vào nó.

Việc là thượng đế của bạn đã đấy rồi; thầy chỉ làm cho bạn nhận biết về sự kiện này. Nó không phải là việc đạt tới.

Long Đàm đưa cho Đức Sơn một chiếc nến đang cháy. Ông ấy nói, "Thôi được. Nếu ông không thể nhìn được vào bên trong, vào bóng tối mà ông đang sống trong, bóng tối của tâm trí... Ta nói về bên trong còn ông lại nhìn ra ngoài - nếu ông tập trung thế, ta sẽ cho ông một chiếc nến."

Thầy trao cho anh ta... một chiếc nến đang cháy để tìm đường, nhưng ngay khi Đức Sơn nhận chiếc nến... và anh ta tiếp tục đi ra ngoài, bước xuống ngôi đền của thầy... Long Đàm thổi tắt nó đi.

Bỗng nhiên, tối mù! Với chiếc nến thắp sáng có ánh sáng. Nó thậm chí không được cho và nó lại bị thổi tắt ngay lập tức, bỗng nhiên có bóng tối.

Vào khoảnh khắc đó... điều gì đã xảy ra? ...tâm trí Đức Sơn được mở ra - anh ta đã trở nên chứng ngộ.

Điều gì đã xảy ra trong khoảnh khắc này? Nhiều điều đã xảy ra đồng thời. Chúng đã xảy ra trong một mảnh vỡ. Thời gian không bị mất. Tại đây chiếc nến đã bị thổi tắt; tại kia, ngay lập tức, đệ tử này đã được chứng ngộ.

Điều gì đã xảy ra? Một điều: bỗng nhiên anh ta trở nên nhận biết rằng thầy đã không nói về đêm tối bên ngoài. Đó là lí do tại sao thầy đã thổi tắt nến - để chỉ ra rằng chiếc nến này chẳng có tác dụng gì cả. Thầy đang nói về bên trong, về đêm tối bên trong. Thầy không nói hãy đi và nghỉ ngơi và rơi vào giấc ngủ. Thầy muốn làm cho anh ta tỉnh táo và nhận biết. Và khi ánh sáng đột nhiên mất đi, tâm trí anh ta bỗng nhiên bị dừng lại. Anh ta không thể nào quan niệm được... điều đó không dự đoán được thế. Thầy đã đưa cho anh ta chiếc nến và thế rồi lại thổi tắt nó đi. Sao mà ngớ ngẩn thế! Thế sao phải đưa nến?

Điều đó mâu thuẫn quá, trong một khoảnh khắc tâm trí không thể nghĩ được - bởi vì tâm trí không thể nghĩ khi có mâu thuẫn. Nhiều lần tôi đưa cho bạn cây nến rồi thổi tắt nó đi ngay lập tức. Tôi nói một câu rồi lại làm mâu thuẫn với nó ngay lập tức, chỉ để cho tâm trí bạn không thể nghĩ được gì về nó, không thể làm việc về nó được. Nếu tâm trí bạn có thể làm việc được từ nó, cơ hội bị bỏ lỡ. Nó mâu thuẫn thế: đêm tối và thầy đưa ra chiếc nến, và khi anh vừa mới định đi, thầy lại thổi tắt nến. Thầy ngụ ý gì? Bất nhất thế!

Người chứng ngộ bao giờ cũng bất nhất. Nhất quán bao giờ cũng của tâm trí; bạn có thể tìm thấy một nhà tư tưởng nhất quán, nhưng bạn không thể tìm ra một Phật nhất quán. Từng khoảnh khắc ông ấy đều cư xử theo cách mới - bởi vì ông ấy không cư xử từ quá khứ, ông ấy đáp ứng với khoảnh khắc hiện tại. Và điều đó cũng ngẫu nhiên tới mức tâm trí không thể làm việc được từ đó - và đột nhiên có bóng tối khắp nơi.

Đệ tử này đã hiểu một điều, rằng thầy không nói về bên ngoài. Thầy không nói về đêm ở ngoài kia, thầy đang nói về đêm ở đây, bên trong. Thầy đưa ra cây nến và thế rồi thổi tắt nó đi. Thầy đang nói rằng chẳng thể giúp gì được ở bên trong cả. Bạn phải tự mình đi vào trong bóng tối của mình, những chiếc nến này chẳng có tác dụng gì. Không ai có thể là người hướng dẫn ở đó cả, chỉ những chỉ dẫn...

Phật tương truyền đã nói rằng chư phật chỉ vạch ra con đường - bạn phải bước đi, họ không thể đi cùng bạn được. Nếu họ đi với bạn, bạn sẽ trở thành phụ thuộc vào họ, và họ sẽ trở thành thế giới của bạn và họ sẽ trở thành sự gắn bó của bạn. Họ không thể đi với bạn được. Và điều cố hữu, điều bản chất là không thể nào một ai đó khác lại đưa bạn về trung tâm của bạn được. Người đó có thể chỉ ra con đường - chư phật chỉ trỏ con đường; bạn phải đi.

Đột nhiên có bóng tối - tâm trí dừng lại. Tâm trí không thể quan niệm được, tâm trí không thể tương thích với hành vi bất nhất này. Có lỗ hổng, sự gián đoạn trong tâm trí - và lỗ hổng đó trở thành thiền. Đột nhiên tâm trí anh ta được mở ra. Khi tâm trí không thể vận hành được, khi tâm trí thấy cái gì đó không thể nào thích ứng được, giải quyết được, tâm trí bị loại bỏ.

Nếu tâm trí có thể tìm ra logic nó tiếp tục. Cho nên thầy phải phi logic bởi vì tâm trí của bạn; chỉ thế thì lỗ hổng mới thành có thể. Khoảnh khắc này thầy cư xử theo cách nào đó, rồi khoảnh khắc tiếp thầy lại tự mâu thuẫn. Khoảnh khắc này thầy nói điều gì đó, khoảnh khắc tiếp thầy nói điều gì đó hoàn toàn đối lập lại. Bạn không thể tạo ra hệ thống từ đó được.

Đó là lí do tại sao khi Phật chết nhiều hệ thống lại nảy sinh, bởi vì mọi người đều bắt đầu tạo ra hệ thống từ cái của riêng mình. Và ông ấy lại là người bất nhất, ông ấy không là người tạo ra hệ thống, cho nên đã có hàng triệu mâu thuẫn. Cho nên mọi người - các triết gia - bắt đầu làm việc, và bây giờ các Phật tử có nhiều triết lí. Trong những triết lí đó mâu thuẫn đã bị gạt ra và họ đã làm ra cái toàn thể nhất quán.

Nhưng khi bạn gạt mâu thuẫn ra, bạn đã gạt chính Phật ra rồi - bởi vì ông ấy hiện hữu trong mâu thuẫn của mình. Ông ấy trong lỗ hổng. Ông ấy đang gây sốc cho tâm trí bạn. Đây là cú sốc: Đức Sơn, vào khoảnh khắc đó, đột nhiên trở nên tỉnh táo. Anh ta không thể dự đoán được điều đó. Nếu tâm trí có thể dự đoán mọi thứ, đã không có sốc. Nếu tôi lặp lại câu chuyện này với bạn... nếu tôi đưa cho bạn chiếc nến trong đêm nay, bạn biết rõ câu chuyện này, và thế rồi tôi thổi tắt nó - chẳng cái gì sẽ xảy ra cả, bởi vì bạn trông đợi điều đó.

Cho nên một phương cách không thể được dùng lại; không thể dùng lại nó lần nữa được. Đó là lí do tại sao chư phật mới bao giờ cũng được cần tới, bởi vì chư phật cũ ... tâm trí bạn đã hấp thu họ, nó biết rất rõ. Cho nên một phật mới có thể làm đích xác điều đối lập. Người đó có thể đưa cho bạn chiếc nến và sẽ không thổi tắt nó, và bạn sẽ đi vào trong đêm tối với chiếc nến đó cứ nghĩ liên tục, "Điều gì đã xảy ra? Câu chuyện này dường như không đầy đủ." Vị phật mới phải tạo ra phương cách mới, phương pháp mới, kĩ thuật mới, bởi vì tâm trí bạn tinh ranh thế: một khi nó biết, nó làm mọi thứ thành bộ phận của nó.

Vào khoảnh khắc đó tâm trí của Đức Sơn được mở ra. Và khi tâm trí được mở ra bạn chứng ngộ. Tâm trí là việc đóng, tâm trí là cánh cửa đóng. Và hiện hữu là cánh cửa mở - đó là sự khác biệt duy nhất. Tâm trí mở, bạn là một sinh linh; tâm trí đóng, bạn chỉ là quá khứ, kí ức, không phải là việc sống, sinh lực. Tâm trí đóng, bạn chỉ có thể nhìn ra ngoài, bởi vì làm sao bạn có thể nhìn vào bên trong được? Tâm trí đóng, cánh cửa bị đóng. Tâm trí mở, bạn có thể nhìn vào trong.

Nhìn vào trong, bạn hoàn toàn được biến đổi. Một khi có một thoáng nhìn về bên trong bạn sẽ không bao giờ như cũ nữa. Thế thì bạn có thể đi, bạn có thể nhìn ra ngoài, bạn có thể đi trong thế giới; bạn có thể là chủ cửa hàng; bạn có thể là thư kí, bạn có thể là thầy giáo trường phổ thông cơ sở, bạn có thể là đồ tể - bạn có thể là bất kì cái gì bạn đã là trước đây, nhưng phẩm chất đã thay đổi.

Trong thiền người ta nói rằng trước khi một người chứng ngộ, sông là sông, núi là núi. Thế rồi, khi người ta trở thành người tìm kiếm, sông không còn là sông, núi không còn là núi - mọi thứ đều bị lẫn lộn, một sự hỗn loạn. Còn khi một người trở nên chứng ngộ, sông lại là sông, núi lại là núi.

Thiền nhân nói rằng con người của chứng ngộ sống theo cùng cách như những người thường - không khác biệt gì ở bên ngoài. Người đó ăn khi người đó cảm thấy đói, người đó ngủ khi người đó cảm thấy mệt - không khác biệt gì ở bên ngoài. Chỉ bản chất của con người, phẩm chất của con người đã thay đổi: bây giờ tâm trí cởi mở. Người đó có thể nhìn ra ngoài, nhưng người đó vẫn còn ở bên trong. Người đó có thể đi trong thế giới, nhưng thế giới không còn là một phần của sự hiện diện của người đó. Người đó có thể làm bất kì cái gì cần thiết, nhưng người đó không bao giờ bị gắn bó. Thế giới đã trở thành giấc mơ, thế giới đã trở thành vở kịch, trò chơi. Nó không còn thực nữa, nó không còn bản chất nữa. Nếu người đó ngẫu nhiên là đồ tể, người đó vẫn còn là đồ tể; người đó sẽ mang việc đó tới tận cùng.

Thiền nói rằng tâm trí thường là tâm trí chứng ngộ - chỉ với một khác biệt: tâm trí cởi mở, cánh cửa mở, tỉnh táo, thức tỉnh. Giấc ngủ đã qua. Bạn không còn trong thôi miên nữa, bạn không còn trong trạng thái đê mê nữa. Bạn tỉnh táo.

Nếu bạn cố gắng quá nhiều để thay đổi bên ngoài, điều đó chỉ ra rằng bạn vẫn còn bị gắn bó. Nếu một người cố gắng để được tách ra, điều đó chỉ ra sự gắn bó. Tại sao phải bận tâm tới tách ra nếu bạn không bị gắn bó? Nếu đàn ông trốn khỏi đàn bà, điều đó chỉ ra rằng dục vẫn còn là nỗi ám ảnh. Bằng không, sao phải trốn khỏi đàn bà nếu bạn không bị ám ảnh?

Nếu một người tránh chợ, đi lên Himalayas, bằng cách nào đó người đó vẫn trong chợ, hay chợ ở trong người đó. Người đó vẫn sợ, và nỗi sợ bao giờ cũng chỉ ra rằng bạn đã không thay đổi. Bằng không, con người của chứng ngộ sẽ bình thường như bất kì ai khác. Còn bình thường hơn bất kì ai khác! Bình thường một cách phi thường! Tại sao? - bởi vì người đó không phải là người theo chủ nghĩa phô trương. Người đó có thể chính là hàng xóm cạnh nhà bạn và bạn có thể chưa từng biết tới người đó, bởi vì bạn đang theo đuổi những người phi thường.

Nếu một người đứng trong nhiều năm, bạn sẽ tới xem… dù nhiều, nhiều dặm đường bạn cũng vẫn đi. Việc đó trở thành cuộc hành hương, bởi vì bạn định tới gặp một người đã đứng mười năm rồi. Điều đó có thể là việc nhịn ăn, nhưng điều đó chẳng biểu lộ cái gì cả. Nó chỉ ra ngay một quan điểm đầy bản ngã, phô trương. Bạn có thể tới và cúi mình trước một người đã từng nhịn ăn, bởi vì bạn không thể nhịn ăn được. Con người này đã đạt tới mục tiêu và bạn lại không thể đạt được tới nó. Bạn cảm thấy kém cỏi trước con người này. Bạn cúi mình bởi vì sâu bên dưới bạn cũng muốn giống thế này: phi thường. Bạn muốn quyền năng nào đó, phép mầu nào đó, và người này đã đạt tới.

Một người là brahmachari, vô dục: bạn cảm thấy kính nể, bạn cảm thấy rất bị ảnh hưởng, có ấn tượng, bởi vì bạn không thể sống mà không có đàn bà, và con người này lại có. Anh ta đã đạt tới cái ham muốn mà bạn cũng có bên dưới, một ham muốn sống không có đàn bà, bởi vì đàn bà là tù túng. Bạn cảm thấy cô ấy tạo ra biên giới quanh bạn, cô ấy sở hữu bạn. Bạn không thể đi ra ngoài biên giới đó, bạn sợ đàn bà.

Ai đó hỏi Mulla Nasruddin, "Này Nasruddin, sao anh hôm nay về sớm thế?" - anh ta đang rời khỏi quán rượu.

Anh ta nói, "Ngày nào điều đó cũng là vấn đề. Vợ đấy!"

Thế là người này nói, "Anh sợ vợ sao? Anh là người hay là chuột?"

Nasruddin nói, "Tôi là người."

Và người này nói, "Thế sao anh lại đi sớm thế nếu anh là người? Và anh biết chắc tới mức độ nào rằng anh là người?"

Nasruddin nói, "Tôi chắc chắn, tuyệt đối chắc chắn, bởi vì vợ tôi sợ chuột nhắt. Tôi chắc chắn là người. Tôi sợ cô ấy còn cô ấy sợ chuột nhắt. Giá mà tôi là chuột…!

Vợ, chồng, gia đình, công việc, trách nhiệm, thế giới - mọi thứ đều trở thành gánh nặng, biên giới bao quanh bạn. Bạn cảm thấy bị cầm tù, bị giam cầm. Và người đã bỏ tất cả, đứng một mình trong vẻ oai nghiêm của mình, không bị nặng gánh bởi vợ, con, không lo nghĩ, không sợ hãi - bạn cúi mình trước người đó, bởi vì bạn cảm thấy, "Đây là mục tiêu. Đây là điều mình cũng muốn đạt tới."

Nhưng con người này chỉ là cực đối lập của bạn. Người đó có thể trở thành chuột và bạn có thể vẫn là người, vợ có thể sợ người đó, nhưng chẳng có gì thay đổi cả. Người đó chỉ là cái đối lập. Người đó cũng che giấu cùng cái sợ hãi đó. Người đó đang che giấu cùng sự thèm khát, nhưng người đó đã kìm giữ lại toàn bộ quá trình. Người đó đang nổi ngược dòng, có vậy thôi - nhưng dòng nước vẫn là một, cuộc tranh đấu vẫn tiếp diễn. Người đó có thể là chiến sĩ vĩ đại hơn bạn, hay có thể là chiến sĩ ngu hơn bạn - bởi vì người ngu bao giờ cũng bạo phổi, và họ có thể nổi ngược dòng dễ hơn bất kì ai khác. Kẻ ngốc có thể làm những điều mà người thông minh thường không thể làm nổi.

Người ngu có thể đi vào nơi mà thậm chí đến thiên thần cũng sợ phải tới. Cho nên nếu bạn thấy trong các sư ở các đạo tràng, các sannyasin, những cái gọi là sadhu, là những người ngu, điều đó là tự nhiên. Nhìn vào mắt họ mà xem, bạn sẽ chẳng bao giờ thấy vẻ thông minh nào cả, bạn sẽ không thấy sự sáng tỏ, bạn sẽ không thấy ngọn lửa. Bạn sẽ chỉ thấy người ngu, người đần, đờ đẫn - những kẻ đần độn! Họ có thể làm những điều như vậy dễ dàng hơn. Họ có thể đứng lộn ngược đầu, shirshasan, và họ có thể làm như vậy trong nhiều năm, nhưng họ đã chẳng thay đổi, sự biến đổi đã không xảy ra.

Thiền nói tâm trí bình thường là tâm trí chứng ngộ. Bạn không đi đâu cả; thế giới bình thường là thiên đường. Ở đây và bây giờ, mọi thứ đều có đó. Bạn không cần đi đâu cả.

Người có tâm trí cởi mở, vợ biến mất. Không phải là người đó đi, trốn khỏi vợ - đơn giản vợ biến mất và một sinh linh đẹp đẽ có đó. Khi không có vợ, sinh linh đẹp đẽ có đó. Khi bạn làm một sinh linh thành vợ, thành chồng, cái xấu đi vào. Thế thì có người bạn, người bạn đẹp đáng yêu - bởi vì mọi trông đợi đều đem tới thù hằn. Chính tâm trí bạn, tâm trí đóng, mới tạo ra vấn đề, không phải là vợ.

Lần đầu tiên bạn trở nên nhận biết về cái đẹp của thế giới... mọi thứ đều trẻ trung và tươi tắn và sống động, và Thượng đế là ở đây! Nếu bạn nghĩ Thượng đế của mình là ở đâu đó khác, bạn vẫn đang nghe tâm trí, bởi vì đó là ngôn ngữ của tâm trí: "Tại đâu đó khác, tại chỗ nào đó khác. Chưa bao giờ ở đây" - và ngài bao giờ cũng ở đây.

Thiền làm lộ ra cho bạn cái ở đây và bây giờ. Và thế thì tâm trí bình thường trở thành điều phi thường nhất, và cuộc sống bình thường trở thành cái tối cao, điều tối thượng. Sự khác biệt duy nhất là về tâm trí đóng hay mở.

Khi các ý nghĩ có đó, tâm trí đóng. Khi các ý nghĩ không có đó, những đám mây không có đó và tâm trí mở ra. Và khi tâm trí mở cái thùng cũ tụt xuống, nước trào ra, sự phản xạ biến mất - không nước không trăng.

Đủ cho hôm nay.

Xem tiếp Chương 7 - Quay về Mục lục


Ads Belove Post