Chương 3. Vậy thế sao?

Chương 3. Vậy thế sao?

Price:

Read more

Không nước Không trăng - Osho

Bài nói về các chuyện thiền

Chương 3. Vậy thế sao?



Thiền sư Bạch Ẩn được hàng xóm rất kính nể như một người có cuộc sống thuần khiết. Một hôm người ta phát hiện ra rằng một cô gái đẹp sống gần Bạch Ẩn mang thai. Bố mẹ cô rất giận dữ. Ban đầu cô gái không nói ai là bố đứa bé, nhưng sau rất nhiều lo lắng ưu phiền cô ấy mới nói tên Bạch Ẩn. Bực mình bố mẹ cô tới Bạch Ẩn, nhưng ông ấy lại nói, "Vậy thế sao?"

Sau khi đứa bé được sinh ra, người ta mang nó tới cho Bạch Ẩn, người đã mất đi mọi danh tiếng vào lúc đó, mặc dầu ông ấy dường như chẳng bị xao động mấy bởi sự kiện này. Bạch Ẩn hết lòng chăm sóc cho đứa trẻ. Ông ấy đi xin hàng xóm sữa, thức ăn và mọi thứ khác cần cho đứa trẻ.

Một năm sau đó cô gái-người mẹ này không thể đừng được thêm nữa, cho nên cô ấy kể cho bố mẹ mình về sự thật - người bố thật là một thanh niên làm việc ở chợ cá. Người mẹ và người bố của cô gái này lập tức quay lại Bạch Ẩn để kể cho ông ấy về câu chuyện này, dài dòng xin lỗi, xin ông ấy tha thứ, và xin được đem đứa trẻ về.

Khi bậc thầy này sẵn lòng nhường lại đứa bé, ông ấy nói, "Vậy thế sao?"

Cuộc sống thuần khiết là gì? Bạn gọi cái gì là thuần khiết? Bởi vì bất kì cái gì bạn có thể gọi là thuần khiết lại không thực là thuần khiết. Thuần khiết của bạn là tính toán, tính toán đạo đức. Thuần khiết của bạn không phải là thuần khiết của thánh nhân - thuần khiết của ông ấy là hồn nhiên. Thuần khiết của bạn là một loại tinh ranh, sắc sảo.

Điều này phải được hiểu trước hết. Nếu bạn hiểu nó sâu sắc, chỉ thế thì bạn mới có thể hiểu người trí huệ là gì, thánh nhân là gì, con người của hiểu biết là gì. Bởi vì nếu cách đo của bạn sai, nếu chính cơ sở đánh giá của bạn là sai, mọi thứ sẽ đi sai cùng nó.

Thuần khiết thực cũng giống như đứa trẻ - hồn nhiên; hồn nhiên về cái gì là tốt, cái gì là xấu; hồn nhiên về bất kì phân biệt nào. Thuần khiết thực không biết Thượng đế là gì và Quỉ là gì. Nhưng thuần khiết của bạn lại là chọn lựa - chọn Thượng đế chống lại Quỉ, chọn cái tốt chống lại cái xấu. Bạn đã tạo ra phân biệt, bạn đã phân chia sự tồn tại. Và sự tồn tại bị phân chia không thể dẫn tới hồn nhiên được.

Hồn nhiên chỉ nở hoa khi sự tồn tại là không phân chia. Bạn chấp nhận nó như nó đang thế. Bạn không chọn lựa, bạn không phân chia, bạn không làm bất kì phân biệt nào. Bạn không phân biệt, một cách thực sự, cái gì là tốt và cái gì là xấu. Nếu bạn biết, thế thì bạn sẽ tính toán, thế thì thuần khiết sẽ bị bịa đặt. Nó sẽ không là việc nở hoa.

Tôi sẽ kể cho bạn một giai thoại: Khalil Gibran đã viết một câu chuyện hay. Một linh mục đang đi vào đền. Ngay bên đường ông ta thấy một người gần chết - chảy máu, đang chết, cứ dường như người đó đã bị đánh rất nặng - vết thương khắp mình, máu chảy thành vũng, ngâm người trong máu.

Linh mục đang vội; ông ta phải tới đền đúng giờ, phải có mọi người đang đợi. Nhưng ông ta là con người của đạo đức - tôi không nói con người thuần khiết: ông ta là con người của đạo đức. Ông ta cân nhắc phải làm gì. Ông ta tính toán và rồi ông ta nghĩ, "Tốt hơn cả là giúp người sắp chết này. Đây là điều Jesus đã nói. Tốt hơn cả là quên ngôi đền đi, quên người tôn thờ đi; họ có thể đợi thêm một chút. Nhưng người này thì phải được giúp ngay, bằng không anh ta sẽ chết."

Thế là ông ta lại gần người này hơn, nhưng khoảnh khắc ông ta thấy khuôn mặt người này, ông ta đâm sợ. Khuôn mặt này trông quen quen, có vẻ rất ác. Thế rồi ông ta sực nhớ rằng trong ngôi đền của mình có một bức tranh về Quỉ - và đây là con người đó. Đây là Quỉ, không phải ai khác! Thế là ông ta bắt đầu chạy về hướng ngôi đền.

Quỉ gọi với; nó nói, "Ông linh mục ơi, nghe đây! Nếu ta chết ông sẽ ăn năn mãi mãi đấy. Bởi vì nếu ta chết, nếu cái ác chết, Thượng đế của ông sẽ ở đâu? Nếu cái xấu chết, làm sao ông biết cái gì là tốt? Ông tồn tại bởi vì có ta. Nghĩ lại điều đó đi!"

Ông linh mục dừng lại. Quỉ cũng phải: nếu Quỉ chết, sẽ không có địa ngục. Và nếu không có sợ hãi, ai sẽ tôn thờ Thượng đế? Mọi lời cầu nguyện đều dựa trên sợ. Bạn sợ, tình yêu của bạn hướng tới Thượng đế được dựa trên nỗi sợ Quỉ. Cái thiện của bạn được đo thông qua cái ác. Thượng đế cần Quỉ.

Quỉ nói, "Thượng đế cần ta! Ông ấy không thể hiện hữu được nếu không có ta. Mọi ngôi đền sẽ sụp đổ và không ai sẽ tới để tôn thờ. Và ông sẽ không tìm đâu ra một người tôn giáo nếu ta không có đó. Ta xúi bẩy họ; qua sự xúi bẩy của ta mà họ trở thành thánh nhân. Ông đã bao giờ nghe nói về thánh nhân nào không bị Quỉ xúi bẩy không? Jesus của ông, Zoroaster của ông, Phật của ông - tất cả đều đã bị ta cám dỗ! Chính ta đã làm cho họ thành thánh nhân. Cho nên ông quay lại đi!"

Linh mục ngờ vực một chốc, nhưng Quỉ lại logic - và Quỉ thì bao giờ cũng logic; Quỉ là logic đã được nhân cách hoá. Bạn không thể nào cãi lí được với nó, bạn không thể tranh cãi được. Nếu bạn cãi, bạn sẽ thua. Bạn không thể thắng bằng cãi lí với Quỉ.

Linh mục phải nhân nhượng và đồng ý. Ông ta nói, "Ông dường như phải. Chúng ta sẽ ở đâu nếu không có ông?" Thế là ông ta cõng Quỉ trên vai vào bệnh viện. Ông ta đợi ở đó cho tới khi ông ta chắc chắn rằng không còn nguy hiểm gì nữa và rằng Quỉ sẽ sống sót - và cùng với Quỉ thì mọi đền chùa, mọi tu sĩ và mọi tôn giáo cũng sống sót.

Linh mục này là con người đạo đức, nhưng không phải là người thuần khiết. Cuộc sống của ông ta là tính toán toán học, và nếu bạn tính toán thế thì bạn đã sẵn sàng bị Quỉ làm cho thua. Bạn không thể tính toán giỏi hơn Quỉ được. Nếu bạn cãi lí, nếu bạn phân chia cuộc sống, nếu điều đó trở thành vấn đề logic, thì không có khả năng nào cho bạn thắng nó. Trò chơi này đã thua rồi. Bạn đang trong trận chiến thua.

Con người của hồn nhiên không biết Thượng đế là ai và Quỉ là ai. Con người của hồn nhiên sống từ sự hồn nhiên của mình, không từ sự tính toán của mình. Người đó không sắc sảo, người đó đơn giản. Người đó sống khoảnh khắc nọ sang khoảnh khắc kia, không quá khứ không tương lai nào có ý nghĩa với người đó. Chính khoảnh khắc này là đủ cho chính nó.

Nhưng đạo đức của bạn... đạo đức của bạn được các tu sĩ tạo ra, các tu sĩ đã giúp đỡ Quỉ; bởi vì Quỉ đã cãi lí, và nó cãi lí đúng. Đạo đức của bạn là không thuần khiết. Cho nên bất kì khi nào có ai đó có thể cư xử theo cách bạn nghĩ người thuần khiết nên cư xử, người có thể thao túng bản thân mình, thì bạn kính nể người đó, bạn kính trọng người đó, bạn gọi người đó là thánh nhân. Thánh nhân của bạn cũng hư huyễn như bạn đang hiện hữu vậy, bởi vì bạn quyết định và đánh giá ai là thánh nhân. Đạo đức của bạn chỉ là sợ hãi, sợ hãi ẩn kín, và cải trang này láu cá tới mức bạn chẳng bao giờ trở nên nhận biết về nó.

Làm sao người tính toán có thể trở thành người hồn nhiên được? Và không trở thành hồn nhiên - hồn nhiên như cây cối, hồn nhiên như con vật, hồn nhiên như trẻ nhỏ - làm sao thuần khiết có thể xảy ra cho bạn được? Nó không phải là cái gì đó mà bạn có thể kiểm soát được. Nếu bạn kiểm soát, nó là kìm nén, và điều trái ngược bao giờ cũng hiện diện ở đó. Nếu bạn trở thành người vô dục, dục vẫn còn đó ẩn trong vô thức chờ đợi cho khoảnh khắc của nó để khẳng định, nổi loạn. Nếu bạn trở thành không bạo hành, bạo hành có đó. Cái đối lập không thể bị ném đi. Nếu bạn chọn, cái đối lập bao giờ cũng bị kìm nén - đó là tất cả mọi điều bạn có thể làm. Chỉ trong một tâm trí hồn nhiên cái đối lập mới biến mất, bởi vì không cái gì được chọn cả: cái đối lập không thể tồn tại được nếu không có chọn lựa.

Do đó Krishnamurti nhất quán nhấn mạnh đừng chọn lựa, và là vô chọn lựa - đó là cơ sở của hồn nhiên. Nhưng bạn có thể tự lừa dối mình bằng việc chọn vô chọn lựa: "Bởi vì Krishnamurti nói. 'Vô chọn lựa' nên mình sẽ chọn vô chọn lựa." Nếu bạn quyết định, ý chí đã đi vào - và ý chí là tinh ranh. Nếu bạn quyết định là vô chọn lựa, cái vô chọn lựa của bạn sẽ là một phần của đạo đức, không phải là một phần của thuần khiết.

Hiểu, đừng chọn - đừng chọn ngay cả vô chọn lựa. Đơn giản hiểu toàn bộ tình huống: rằng bất kì cái gì bạn chọn, bất kì cái gì bạn làm, đều bắt nguồn từ tâm trí tính toán. Nó không thể là cái thực được. Tâm trí bạn chỉ có thể tạo ra giấc mơ, không ai có thể tạo ra được nó. Nó có đó; nó phải được thấy. Không cái gì phải được làm cả, chỉ cái nhìn là cần - cái nhìn không định kiến nào, cái nhìn không chọn lựa nào, cái nhìn không phân biệt nào.

Con người của Thượng đế, nếu người đó đã trấn áp, nếu người đó đã phủ nhận Quỉ, không phải là con người thực của Thượng đế. Quỉ sẽ có đó trong mọi ngóc ngách. Một khi bạn phân chia, bạn bị mắc vào trận chiến của các điều đối lập - bạn sẽ bị nghiền nát. Nếu bạn không quyết định - bạn không biết cái gì là tốt cái gì là xấu - bất kì điều gì xảy ra bạn đơn giản chấp nhận. Nó đang xảy ra, bạn có thể làm được gì? Chẳng cái gì có thể làm được cả. Cho nên bạn nổi như đám mây trắng. Bạn không biết mình đang đi đâu hay tại sao bạn đi. Gió thổi tới phương bắc, bạn đi lên phương bắc; rồi gió dạt sang phương nam, bạn dạt sang phương nam. Bạn nổi cùng gió. Bạn không nói, "Mình đi về phương nam, mình không thể đi lên phương bắc được." Bạn không tranh đấu.

Con người của thuần khiết không phải là người lính, người đó là thánh nhân. Và con người của đạo đức thì là người lính, người đó không phải là thánh nhân. Tất nhiên, cuộc chiến là ở bên trong, không ở bên ngoài. Tất nhiên, cuộc chiến không với ai đó khác mà với chính mình - nhưng cuộc chiến có đó.

Bạn cần không là chiến sĩ. Và nếu bạn tranh đấu, bạn sẽ thua trận chiến này. Làm sao bạn có thể tranh đấu với cái toàn thể được? Bạn chỉ là một phần tí hon, một phần nguyên tử. Làm sao bạn có thể tranh đấu với cái toàn thể được? Con người của thuần khiết không tranh đấu cũng không đầu hàng - bởi vì đầu hàng cũng thuộc vào người lính. Trước hết người đó tranh đấu, thế rồi người đó thấy không thể nào thắng được, nên người đó đầu hàng. Việc đầu hàng của người đó là gián tiếp, nó tới qua tranh đấu. Con người của thuần khiết đơn giản tồn tại. Người đó không phải là chiến sĩ, người đó không cần đầu hàng. Không có gì để đầu hàng, không có ai để đầu hàng. Ai sẽ đầu hàng và cái gì cần phải được đầu hàng? Người đó chưa bao giờ tranh đấu cả.

Hiểu biết dẫn bạn tới chấp nhận, và chấp nhận đó cho bạn thuần khiết. Nhưng thuần khiết này không thể được mọi người tôn kính, không thể được hàng xóm tôn kính - họ không thể hiểu được điều đó. Đạo đức thuộc về đất nước, thuần khiết không thuộc về đất nước nào cả. Đạo đức thuộc về thời đại, thuần khiết không có tính thời gian. Đạo đức thuộc về xã hội này hay xã hội kia: có nhiều đạo đức cũng như ngần ấy xã hội. Thuần khiết chỉ có một - bất kì nơi đâu bạn tới nó cũng là một, cũng giống như vị của biển: dù bạn đi đâu thì nó cũng mặn.

Một Phật hay một Jesus hay một Ramakrishna, nếu bạn nếm họ, họ tất cả cũng giống như biển - cùng tính mặn ấy. Nhưng con người của đạo đức lại khác. Con người của đạo đức, nếu người đó là người Mô ha mét giáo, sẽ khác; nếu người đó là người Hindu giáo, người đó không thể y hệt được. Nếu người đó là người Ki tô giáo, người đó lại sẽ khác. Con người của đạo đức phải tuân theo luật, luật của xã hội. Xã hội có nhiều, đạo đức có hàng triệu. Xã hội thay đổi, đạo đức thay đổi. Thuần khiết là vĩnh hằng - nó siêu việt lên trên thời gian, không gian. Nó siêu việt lên trên hoàn cảnh, đất nước, nó siêu việt lên trên bộ tộc. Nó siêu việt lên trên tất cả mọi cái con người làm ra. Thuần khiết không do con người làm ra; đạo đức do con người làm ra.

Bây giờ chúng ta nên đi vào câu chuyện hay này - nó xảy ra trong thực tế, nó là sự kiện lịch sử.

Thiền sư Bạch Ẩn được hàng xóm rất kính nể như một người có cuộc sống thuần khiết.

Họ không biết, họ đã không nhận biết rằng quan niệm về thuần khiết của họ không thể áp dụng được cho con người này. Họ đã không nhận biết. Họ nghĩ, "Ông ta là người đạo đức," mà ông ấy lại không phải là con người đạo đức. Ông ấy là con người thuần khiết, người hồn nhiên - nhưng không phải là người đạo đức. Ông ấy là người tôn giáo - và nhớ lấy khác biệt này - ông ấy thuộc vào hồn nhiên vĩnh hằng, ông ấy như trẻ thơ. Nhưng mọi người kính nể ông ấy bởi vì họ vẫn chưa nhận biết được sự phân biệt giữa đạo đức và thuần khiết phi đạo đức.

Họ nghĩ rằng ông ấy là thánh nhân, nhưng ông ấy không phải là thánh nhân theo quan niệm của họ. Ông ấy là thánh nhân, nhưng ông ấy không là thánh nhân mà bạn có thể đo lường được. Tiêu chuẩn của bạn không áp dụng được ở đây. Bạn sẽ phải vứt cách đo của mình đi và nhìn lại. Bạn sẽ phải vứt cách đánh giá của mình đi và nhìn lại; chỉ thế thì thánh nhân, thánh nhân thực mới lộ ra cho bạn.

Một hôm người ta phát hiện ra rằng một cô gái đẹp sống gần Bạch Ẩn mang thai. Bố mẹ cô rất giận dữ. Ban đầu cô gái không nói ai là bố đứa bé, nhưng sau rất nhiều lo lắng ưu phiền cô ấy mới nói tên Bạch Ẩn.

Bực mình bố mẹ cô tới Bạch Ẩn, nhưng ông ấy lại nói, "Vậy thế sao?"

Ông ấy sẽ không phủ nhận, ông ấy sẽ không chấp nhận. Ông ấy không đưa ra lời cam kết nào cả. Ông ấy không nói, "Tôi không có trách nhiệm." Ông ấy không nói, "Tôi chịu trách nhiệm." Ông ấy đơn giản nói ra một điều vô thưởng vô phạt; ông ấy nói, "Vậy thế sao?" cứ dường như ông ấy chẳng có quan hệ gì - tách rời thế, hoàn toàn ở ngoài nó. Ông ấy đơn giản hỏi, "Vậy thế sao, vậy tôi là bố đứa bé đó sao?"

Điều này nghĩa là gì? Nó nghĩa là chấp nhận toàn bộ đến mức ngay cả việc chấp nhận cũng là không cần thiết. Bởi vì khi bạn nói, "Tôi chấp nhận," sâu bên dưới bạn đã phủ nhận. Khi bạn nói có, không đã được bao hàm. Ông ấy thậm chí chẳng nói có. Ông ấy là ai mà nói có hay không? Nếu nó đã xảy ra, nếu đây là sự kiện, thế thì ông ấy sẽ chỉ là một nhân chứng cho nó. Nếu mọi người phải đi tới nghĩ rằng ông ấy là người bố, thì sao lại phải làm náo động họ một cách không cần thiết và nói điều gì đó theo cách này hay cách nọ? Ông ấy sẽ không chọn lựa. Đây là điều vô chọn lựa là gì. Ông ấy sẽ không thế này hay thế nọ, ông ấy không tự bào chữa cho mình.

Thuần khiết chưa bao giờ phải bào chữa cả. Đạo đức bao giờ cũng phải bào chữa, đó là lí do tại sao đạo đức bao giờ cũng lấy bào chữa rất dễ dàng. Nhìn nhà đạo đức mà xem, nhìn người khắt khe đạo đức, và ông ta cảm thấy bị xúc phạm. Nếu bạn nói điều gì đó, ông ta cảm thấy bị xúc phạm; ông ta sẽ ngay lập tức phủ nhận và tự bào chữa cho mình. Nhưng đây là một trong những sự sáng suốt tâm lí cơ sở của mọi người tìm kiếm: rằng bất kì khi nào bạn bào chữa cho cái gì đó, điều đó có nghĩa là bạn sợ.

Nếu Bạch Ẩn này mà là thánh nhân thường, ông ấy đã tự bào chữa cho mình - và ông ấy cũng đúng trong việc bào chữa của mình, không có vấn đề về nó: điều đó được chứng minh về sau rằng đứa bé chưa bao giờ thuộc về ông ấy cả, ông ấy không phải là người bố. Thánh nhân thường, cái gọi là thánh nhân, con người của đạo đức, ngay cả khi ông ấy là người bố, cũng đã tự bào chữa cho mình. Còn Bạch Ẩn này - ông ấy không phải là người bố, nhưng ông ấy không tự bào chữa cho mình.

Hồn nhiên là bấp bênh, đó là lí do tại sao nó là hồn nhiên. Nếu bạn phòng chống cho nó và làm cho nó được an toàn, đấy không phải là hồn nhiên - tính toán đã đi vào.

Điều gì phải đã xảy ra bên trong Bạch Ẩn? Chẳng có gì cả! Ông ấy đơn giản nghe sự kiện mà mọi người đã đi tới tin rằng ông ấy là bố, cho nên ông ấy hỏi, "Vậy thế sao?" Tất cả chỉ có vậy, có vậy thôi! Ông ấy đã không phản ứng lại theo bất kì cách nào - cách này hay cách nọ. Ông ấy không nói có, ông ấy không nói không. Ông ấy không bào chữa, ông ấy cởi mở và mong manh. Hồn nhiên là mong manh; nó hoàn toàn mong manh, cởi mở.

Bất kì khi nào bạn bào chữa, bất kì khi nào bạn nói rằng điều này không phải vậy, bạn đều sợ. Chỉ sợ hãi mới mang tính phòng thủ. Người bạo dạn không thể mang tính phòng thủ được. Sợ hãi bao giờ cũng mặc giáp cho nó. Nếu ai đó nói rằng bạn không trung thực, bạn lập tức đề phòng. Tại sao? Tại sao phải lo nghĩ thế về điều đó? Tại sao lại phản ứng? - bởi vì bạn biết rằng bạn không trung thực. Đó là lí do tại sao điều đó lại gây tổn thương. Chân lí gây tổn thương nhiều lắm, bởi vì vết thương có đó. Bạn biết mình không trung thực, và nếu ai đó nói bạn không trung thực, bạn không thể cười được, bạn trở nên nghiêm chỉnh. Bạn phải bào chữa, bằng không điều đó sẽ bị mọi người biết. Bạn phải tranh đấu, bằng không mọi người khác sẽ bắt đầu nghĩ theo những thuật ngữ đó.

Và nếu mọi người đi tới biết rằng bạn không trung thực, thế thì sẽ khó mà không trung thực được, bởi vì chỉ nếu mọi người tin rằng bạn trung thực, bạn mới có thể tiếp tục không trung thực được. Đây là toán học. Mọi người phải tin rằng bạn là người nói thật, chỉ thế thì bạn mới có thể nói dối. Nếu mọi người đều biết rằng bạn nói dối - hết rồi! Thế thì làm sao bạn có thể nói dối được. Ngay cả điều dối trá cũng cần một loại tin cậy nào đó về bạn.

Bạn có thể là kẻ cắp chỉ nếu mọi người tin rằng bạn là thánh nhân - thế thì rất dễ dàng là kẻ cắp, bởi vì mọi người sẽ không cố gắng tự bảo vệ mình đối với bạn.

Người vô đạo đức bao giờ cũng bào chữa cho cá tính của mình. Người đó sẽ cố gắng chứng minh rằng mình là con người của cá tính, nhưng điều này chỉ ra rằng người đó vô cá tính. Nếu bạn là người trung thực và ai đó nói bạn là không trung thực, thì bạn sẽ nói, "Vậy thế sao? Có thể, có lẽ, ai mà biết được!" Bạn sẽ nói, "Tôi sẽ xem lại. Tôi sẽ xem lại bên trong mình. Bạn có thể đúng."

Nhưng đây là trung thực. Làm sao người này có thể không trung thực được, người nói, "Tôi sẽ xem, tôi sẽ cố gắng tìm cho ra. Bạn có thể đúng"? Đây là trung thực chân chính. Con người này không thể nào không trung thực được. Nhưng nếu bạn không trung thực và ai đó nói vậy, bạn mếch lòng. Mọi bào chữa của bạn đều bởi vì bạn mếch lòng. Bạn bao giờ cũng được chuẩn bị và sẵn sàng trả lời. Bạn mang sự xác nhận cá tính theo mình, "Mình là con người có cá tính."

Sợ hãi tạo ra áo giáp. Bây giờ tâm lí chiều sâu đã đi tới nhận ra rằng tất cả các cá tính đều là áo giáp. Đứa trẻ sinh ra, nó không biết cái gì tốt cái gì xấu. Thế rồi nó phải được dạy dỗ để tạo ra phân biệt. Nó bị trừng phạt nếu nó cứ làm điều gì đó bị coi là xấu. Điều gì xảy ra cho tâm trí của đứa trẻ này? Điều gì xảy ra trong tâm thức của nó? Khi có liên quan tới hồn nhiên của nó, nó không thể nào thấy được cái gì là xấu trong đó. Sao điều đó xấu? Nhưng bố và mẹ - và họ có quyền - họ nói, "Điều này là xấu, và nếu con làm điều đó con sẽ bị phạt. Nếu con không làm điều đó con sẽ được khen, được thưởng."

Nó phải nghe lời họ bởi vì họ có quyền, và nó phải đè nén bản thân mình và hồn nhiên riêng của mình. Nó tạo ra áo giáp quanh mình. Nó trở nên sợ những điều nào đó mà nó không nên làm, bằng không nó sẽ bị phạt. Một số điều nó nên làm bởi vì thế thì nó sẽ được thưởng.

Tham lam được tạo ra, sợ hãi được tạo ra. Và thế thì đứa trẻ trải qua nhiều kinh nghiệm trong đó nó bị phạt, trong đó nó được thưởng. Dần dần, nó tạo ra cá tính quanh tâm thức của mình. Cá tính nghĩa là việc tạo ra thói quen mà xã hội nghĩ là tốt, và phá huỷ những thói quen mà xã hội coi là xấu - đây là cá tính. Và cá tính này là áo giáp, bởi vì nếu bạn không tạo ra nó, xã hội sẽ phá huỷ bạn. Xã hội sẽ không cho phép bạn tồn tại. Để tồn tại, để sống còn, bạn phải tạo ra cá tính, bằng không bạn sẽ bị tù, bị trừng phạt.

Tại sao bạn lại chống đối kẻ tội phạm nhiều thế? Tại sao bạn trừng phạt họ nhiều thế? Không phải bởi vì tội ác của họ lớn thế, không phải bởi vì nó là cần thiết cho công lí, không. Bạn đang trả thù. Họ đã không vâng lời xã hội, họ đã không vâng lời bạn, cấu trúc, thể chế. Họ nổi loạn. Bạn đã nói, "Điều này là xấu," thế mà họ vẫn cứ làm nó - xã hội sẽ trả thù. Và toà án của bạn và các quan toà của bạn lại không thực là con người của công lí, họ là những kẻ treo cổ. Họ là những kẻ giết người được xã hội bổ nhiệm, nhân danh công lí, để trả thù. Họ giết người, họ sát hại, nhưng nhân danh công lí.

Một người ăn cắp, anh ta là kẻ cắp. Anh ta bị tống vào tù năm năm, bẩy năm, mười năm. Điều đó có ích lợi theo bất kì cách nào không? Khi anh ta ra tù, điều đó có ngăn cản việc ăn cắp của anh ta không? Không, ngược lại; anh ta sẽ ra tù là một kẻ cắp thiện nghệ hơn, bởi vì trong tù anh ta sẽ gặp các bậc thầy. Tại đó anh ta sẽ học các bí mật nghề nghiệp, tại đó anh ta sẽ học tại sao mình lại bị bắt, mình phạm lỗi ở đâu. Lần sau sẽ không dễ dàng bắt anh ta được như thế nữa. Anh ta sẽ trở nên hiệu quả hơn, anh ta sẽ trở nên tỉnh táo hơn.

Trừng phạt của bạn chẳng bao giờ thay đổi được bất kì ai. Nhưng bạn cứ trừng phạt và bạn nói, "Chúng ta trừng phạt để thay đổi người đó." Một người giết người, thế rồi xã hội giết anh ta "...bởi vì," họ nói, "tại sao anh đã giết người?" Nhưng điều này dường như ngu xuẩn. Anh ta đã giết người, anh ta sai, và bây giờ xã hội giết anh ta - và xã hội phải! Và làm sao việc giết người đó của bạn lại sẽ làm thay đổi được anh ta? Anh ta sẽ không còn đó nữa.

Không! Bạn đang trả thù. Và bạn biết sâu bên dưới rằng không chỉ xã hội đang làm điều đó, bạn cũng đang làm điều đó. Bạn là bố hay mẹ - bạn trừng phạt con cái mình. Bạn đã bao giờ quan sát tâm trí mình, sao bạn lại trừng phạt? Nhìn sâu vào bên trong và bạn sẽ thấy thái độ trả thù. Bạn sẽ nói, "Chúng ta dạy bảo nó. Nó sẽ học thế nào nếu nó không bị phạt?" Những đây chỉ là hợp lí hoá. Bên trong, người bố cảm thấy bị tổn thương vì đứa trẻ đã không vâng lời, nó đã trở nên nổi loạn, nó đã làm điều gì đó mà người ta bảo nó không được làm - bản ngã của người bố cảm thấy bị tổn thương.

Nếu bạn nhìn vào trong các kinh sách cổ, Kinh Cựu ước, kinh Koran và những kinh sách khác, bạn sẽ ngay lập tức cảm thấy rằng Thượng đế rất hay trả thù. Ông ấy sẽ tống bạn xuống địa ngục, không phải là công lí cần điều đó, nhưng bởi vì bạn không vâng lời. Trong Kinh Cựu ước có nói: Vâng lời là đức hạnh, không vâng lời là tội lỗi. Vấn đề không phải là điều gì được nói cho bạn - vâng lời là đức hạnh và không vâng lời là tội lỗi.

Nếu vâng lời bị ép buộc, thế thì cá tính nảy sinh. Thế thì dần dần đứa trẻ bắt đầu học; nó học, trở nên tính toán - cái gì cần làm, cái gì không làm. Hồn nhiên bị đầu độc. Hồn nhiên không còn đó nữa, bây giờ tính toán đã bước vào. Và bây giờ nó biết cách ảnh hưởng tới bạn, cách thao túng bạn, cách là đứa trẻ tốt để cho nó được thưởng, và cách không là đứa trẻ xấu.

Và áo giáp cá tính này có tác dụng theo cả hai cách. Nó tự bảo vệ mình đối với xã hội; nhưng sâu bên trong, tâm thức không biết cái gì là tốt, cái gì là xấu. Cho nên nó phải liên tục tự tranh đấu với chính mình. Cá tính này trở thành thứ hai lưỡi: mặt ngoài nó là bảo vệ đối với xã hội, mặt trong nó là đấu tranh thường xuyên.

Bạn lâm vào tình yêu với một người đàn bà và cô ấy không phải là vợ bạn. Phải làm gì đây? Xã hội đã dạy bạn rằng điều này là vô đạo đức. Nhưng ngay cả tâm thức của bạn đã lâm vào tình yêu, bởi vì tâm thức không biết cái gì là vô đạo đức và cái gì là đạo đức. Điều gì đó xảy ra, bạn không thể làm được gì về nó cả. Cá tính của bạn bắt đầu tranh đấu và nói, "Điều này là vô đạo đức, ngăn cản nó đi, kiểm soát nó đi. Đừng đi theo đường này, điều này là sai." Thế rồi bạn bắt đầu tranh đấu. Cuộc đấu tranh này tạo ra lo âu, tự phát của bạn bị mất. Trong con mắt của người khác bạn là con người của cá tính; bạn không thể để mất danh tiếng của mình, bởi vì thế thì bản ngã sẽ mất.

Bên trong bạn cũng nghĩ rằng mình là con người của cá tính. Bạn bắt đầu cảm thấy phạm tội, bạn bắt đầu tự trừng phạt mình. Biết bao nhiêu sư trong bao nhiêu đạo tràng đang nhịn ăn, không phải như lời cầu nguyện tôn giáo mà chỉ như việc tự trừng phạt mình. Họ cảm thấy phạm tội, liên tục phạm tội. Và rất khó tìm ra một sư không cảm thấy phạm tội, rất khó, bởi vì mọi thứ đều sai: nhìn vào một phụ nữ đẹp là sai, ăn thức ăn có vị ngon là sai, cảm thấy thoải mái là sai - mọi thứ đều sai. Liên tục mặc cảm, cho nên phải làm gì bây giờ?

Chỉ một điều còn lại... Và người đó không phải là tội phạm bởi vì người đó đã chẳng làm gì cả, cho nên xã hội không thể trừng phạt được người đó. Và các bạn tất cả đều bày tỏ kính trọng với người đó. Cho nên người đó có thể làm gì? Người đó phải tự trừng phạt mình. Người đó sẽ nhịn ăn. Người đó sẽ liên tục mất ngủ trong bẩy ngày. Người đó sẽ không cho phép mình ngủ, người đó sẽ không cho phép được thoải mái, người đó sẽ không ăn ngon, người đó sẽ không nhìn cái gì đẹp - người đó sẽ không tận hưởng cái gì cả. Đó là cách người đó sẽ tự trừng phạt mình, và người đó càng tự trừng phạt mình, người đó lại càng trở nên được kính trọng trong con mắt bạn. Và người đó chỉ là một người ốm yếu, hư hỏng.

Người đó bệnh hoạn, người đó là một ca. Người đó phải được nghiên cứu, không được kính trọng. Cái gì đó đã đi sai bên trong người đó. Tâm trí người đó không thoải mái - bị phân chia, phân mảnh, người đó liên tục chống lại bản thân mình. Đây là điều lo âu nghĩa là gì: khi bạn chống lại bản thân mình, bạn trong lo âu. Liên tục tranh đấu với bản thân mình sẽ tạo ra căng thẳng.

Và bạn không thể cho phép điều gì cả, bởi vì bạn bao giờ cũng sợ rằng nếu bạn cho phép, tất cả mọi điều bạn đã kìm nén sẽ bục ra. Bạn không thể thảnh thơi. Cái gọi là thánh nhân của bạn không thể thảnh thơi được. Ngay cả trong giấc ngủ họ cũng không thể thảnh thơi được, bởi vì họ sợ thảnh thơi. Nếu họ thảnh thơi, điều gì sẽ xảy ra? Thế thì thân thể họ sẽ nói, "Thoải mái đi." Thế thì tâm trí họ sẽ nói, "Thưởng thức thức ăn, tìm thức ăn ngon." Thế rồi thân thể sẽ ham muốn: "Tìm người đàn bà, tìm thân thể đẹp mà ôm. Tìm ai đó mình có thể hội nhập và tan chảy." Nếu bạn thảnh thơi, thế thì tất cả những điều bạn đã kìm nén cũng sẽ thảnh thơi. Cho nên các thánh nhân của bạn không thể thảnh thơi được, họ sợ thảnh thơi. Họ căng thẳng, liên tục căng thẳng, bạn có thể cảm thấy căng thẳng đó. Nếu bạn lại gần vị thánh, tất cả xung quanh ông ta là một trường căng thẳng. Bạn cũng sẽ trở nên căng thẳng nếu bạn lại gần vị thánh.

Nhưng với một thánh nhân thực, một hiền nhân, là con người của thuần khiết chứ không phải là con người của đạo đức, ông ấy liên tục thảnh thơi... nếu bạn lại gần ông ấy bạn sẽ cảm thấy được thảnh thơi. Nhưng thế thì bạn có thể cảm thấy sợ hãi, bởi vì nếu bạn cảm thấy thảnh thơi, những sự kìm nén riêng của bạn sẽ bắt đầu bục ra.

Nhiều người tới tôi và họ nói, "Điều này nguy hiểm, bởi vì khi chúng tôi thiền và thảnh thơi, nhiều thứ đã không làm phiền chúng tôi trước đây nay bắt đầu làm phiền chúng tôi."

Một người có gia đình với sáu con tới tôi mới vài ngày trước, và người đó nói, "Trong đời mình, tôi chưa bao giờ nhìn vào những người đàn bà khác, chưa bao giờ. Nhưng điều gì đang xảy ra thế này? Tôi đang thiền và lần đầu tiên trong đời - mà tôi thì đã bốn mươi tám tuổi rồi với sáu đứa con, một vợ, và mọi thứ đều tốt - bỗng nhiên phụ nữ lại trở thành rất hấp dẫn. Phải làm gì đây?" Bây giờ anh ta sợ. Anh ta phải đã kìm nén điều này liên tục trong bốn mươi tám năm. Bây giờ, bỗng nhiên, anh ta đã học cách thảnh thơi. Nhưng khi bạn thảnh thơi, bạn thảnh thơi toàn bộ, cho nên tất cả những điều đã bị kìm nén cũng thảnh thơi.

Lần đầu tiên anh ta lại trở thành thanh niên. "Thực sự," tôi bảo anh ta, "bạn chưa bao giờ là thanh niên cả. Bây giờ bạn đang lại trở thành thanh niên, cho nên phụ nữ đã trở nên hấp dẫn. Nhưng đừng sợ, mọi sự bây giờ đều đang trở nên hấp dẫn: cây cối trông sẽ khác, hoa trông sẽ khác - và tại sao phụ nữ lại không khác? Mọi thứ đang trở nên khác. Và nếu bạn sợ điều này, sự tồn tại chẳng bao giờ có thể trở thành đẹp cho bạn.

"Và khi toàn thể sự tồn tại đã trở nên đẹp, bạn đã tới cổng của điều thiêng liêng, chưa bao giờ có trước đây. Và bạn sợ phụ nữ - điều gì sẽ xảy ra khi Thượng đế tới? Ông ấy sẽ đẹp tới mức bạn sẽ quên mất vợ mình hoàn toàn. Bạn sẽ làm gì? Bạn sợ người phụ nữ tí hon này - điều gì sẽ xảy ra cho bạn khi cái đẹp vô biên bùng nổ khắp trên thế giới, ở mọi nơi? Cho nên đừng đóng lại..."

Nhưng anh ta nói, "Thầy có thể đúng, nhưng điều gì sẽ xảy ra với gia đình tôi? Tôi đã có con cái."

Đây là những nỗi sợ. Với tâm trí kìm nén, thảnh thơi là điều nguy hiểm nhất. Bạn tới tôi và bạn hỏi, "Làm sao thảnh thơi?" Bạn không biết điều mình đang hỏi - bởi vì xã hội của bạn đã huấn luyện bạn không thảnh thơi, xã hội bạn đã dạy bạn cách kiểm soát, còn ở đây tôi đang dạy bạn cách thảnh thơi. Điều đó hoàn toàn là phản xã hội. Nhưng Thượng đế là phản xã hội, cõi bên kia là phản xã hội. Xã hội của bạn được tạo ra từ những tâm trí bệnh hoạn giống như bạn. Họ đã làm ra các qui tắc và qui định - và người bệnh hoạn bao giờ cũng rất hiệu quả trong việc làm ra các qui tắc và qui định. Bản thân họ bị kìm nén và trong khổ; họ muốn người khác cũng bị kìm nén và trong khổ. Họ không thể cho phép bạn hạnh phúc thế.

Nhìn vào một thầy giáo trong trường tiểu học, với cây gậy trong tay, giết những đứa trẻ vẫn còn sung sướng. Xã hội đã không phá huỷ chúng - chúng vẫn còn tự phát. Nhìn vào ông giáo này: buồn rầu, giận dữ, bao giờ cũng giận dữ, bao giờ cũng giết chết tự nhiên, Đạo, sự tự phát. Ông ấy sẽ sung sướng chỉ khi tất cả những đứa trẻ này trở thành già lão và chết. Thế thì ông ấy sẽ thoải mái, ông ấy đã làm xong công việc của mình.

Các nhà tâm lí nói rằng những người bị hấp dẫn tới trường học, để trở thành thầy giáo, đều là những người tàn bạo. Và chẳng có gì giống như trường học nếu bạn là kẻ tàn bạo, bởi vì trẻ con yếu đuối thế, bất lực thế, bạn có thể làm bất kì cái gì với chúng. Bạn đánh chúng và chúng không thể nổi loạn được. Bạn làm điều gì đó và chúng không thể đáp lại được, chúng sẽ phải chịu đựng. Và bạn đang làm điều này vì điều tốt cho riêng chúng, cho nên bạn ở bên ngoài mọi chỉ trích. Bạn đang giúp cho chúng trưởng thành.

Pascal đã nói rằng cả xã hội đều điên và rằng trẻ con rơi vào trong tay của nhiều người điên thế. Chúng tới hồn nhiên, nhưng ngay lập tức chúng ta nhận trách nhiệm và biến chúng thành người điên. Một số trong chúng thoát ra theo cửa sau: chúng là kẻ tội phạm. Và một số trong chúng thoát ra đằng cửa trước: chúng là hiền nhân.

Hiền nhân và tội đồ có phẩm chất tương tự, và đó là tính nổi dậy. Nhưng tội đồ đã đi sai trong tính nổi dậy của mình. Nổi dậy của người đó mang tính huỷ diệt, không mang tính sáng tạo. Còn thánh nhân đã lấy con đường của nổi dậy - nhưng sáng tạo.

Bố mẹ cô rất giận dữ. Ban đầu cô gái không nói ai là bố đứa bé, nhưng sau rất nhiều lo lắng ưu phiền cô ấy mới nói tên Bạch Ẩn.

Bực mình bố mẹ cô tới Bạch Ẩn, nhưng ông ấy lại nói, "Vậy thế sao?"

Sau khi đứa bé được sinh ra, người ta mang nó tới cho Bạch Ẩn, người đã mất đi mọi danh tiếng vào lúc đó, mặc dầu ông ấy dường như chẳng bị xao động mấy bởi sự kiện này.

Dù bạn kính nể hay bạn sỉ nhục ông ấy thì cũng chẳng thể tạo ra khác biệt nào cho một hiền nhân, cho con người của thuần khiết. Điều bạn nghĩ về ông ấy thực sự là không liên quan.

Tại sao điều người khác nghĩ lại liên quan thế với bạn? Tại sao ý kiến người khác lại liên quan tới bạn thế? Tại sao bạn lại quan tâm nhiều thế? Bởi vì bạn không biết mình là ai. Bạn phụ thuộc vào ý kiến của họ về bản thân mình. Đó là sự tự biết mình duy nhất của bạn. Nếu họ bảo bạn tốt, thì bạn là tốt. Nếu họ bảo bạn xấu, thì bạn là xấu. Bạn chẳng có gì bên trong mà có thể nói, "ý kiến họ là ý kiến của họ. Nếu mình tốt, thì mình là tốt; bất kì điều gì họ nói cũng chẳng tạo ra khác biệt gì. Nếu mình xấu, thì mình là xấu. Toàn thế giới có thể kính trọng mình như thánh nhân, nhưng mình là xấu, mình biết mình là xấu, và danh tiếng này không thể trở thành cái thay thế được - nó vô dụng. Còn nếu mình là tốt, cả thế giới có thể nói rằng mình không tốt, xấu, ác, chính hoá thân của cái ác - làm sao điều đó tạo ra khác biệt gì được?"

Người biết tới bản thân mình chưa bao giờ bị xao động bởi điều bạn nghĩ về người đó. Nhưng người không biết tới bản thân mình - người đó bao giờ cũng bị xao động, bởi vì toàn bộ tri thức của người đó chỉ gồm những ý kiến của bạn. Toàn bộ tri thức của người đó chỉ là một bộ hồ sơ mà người đó đã thu nhặt về những điều mọi người nghĩ về người đó. Đây không phải là tri thức, không phải là việc tự biết mình. Đây là tự dốt nát, điều bạn che giấu, nguỵ trang, bằng ý kiến của người khác. Toàn bộ căn cước của bạn, toàn bộ hình ảnh của bạn, đều do người khác làm ra. Bạn nhất định vẫn còn trong lo âu thường xuyên bởi vì người khác cứ thay đổi ý kiến của mình.

Ý kiến giống như khí hậu; nó chưa bao giờ là cố định cả. Vào buổi sáng trời đầy mây còn bây giờ mây đã bay hết. Bây giờ trời nắng, và khoảnh khắc tiếp trời mưa. Ý kiến cũng giống như những đám mây, cũng giống như khí hậu. Bạn có thể làm được gì về nó? Nhìn Richard Nixon: mới khoảnh khắc trước ông ta còn là mọi thứ, và chỉ khoảnh khắc sau, chẳng là cái gì cả. Ý kiến đã thay đổi, những người đã ủng hộ ông ấy nay đang chống lại ông ấy - và cùng những người đó.

Đây là cái hay của nó: cũng những người đã đẩy bạn lên ngai vàng sẽ kéo bạn xuống. Có một luật động, bên trong, rằng những người kính trọng bạn, sâu bên dưới cũng bất kính bạn. Những người yêu bạn cũng ghét bạn nữa, bởi vì họ bị phân chia. Họ không là một. Cho nên sau khi họ giúp bạn đạt tới ngai vàng, một phần trong họ kết thúc - phần yêu. Bây giờ điều gì sẽ xảy ra cho phần ghét? Ngay lập tức phần ghét bắt đầu vận hành. Cho nên một khi một người trở nên được kính trọng, bầu khí hậu đã thay đổi. Một khi một người đã trở thành tổng thống hay thủ tướng, các cử tri đã thay đổi. Thực sự, khoảnh khắc họ bầu, một phần đã kết thúc - phần yêu. Bây giờ phần ghét sẽ nổi lên. Cho nên cùng những người đã đưa bạn lên ngai vàng, và cùng những người đó lại hạ bạn xuống.

Chỉ hiền nhân là còn không xao động. Tại sao? - bởi vì ông ấy chưa bao giờ chú ý tới điều bạn nói. Điều bạn nói thực sự là rác rưởi. Bạn chẳng biết gì về bản thân mình cả, và bạn nói điều gì đó về Mahavira, Phật, Christ. Bạn không biết gì về bản thân mình, và bạn lại tin tưởng vào Jesus thế, rằng ông ấy tốt hay xấu. Điều đó là rác rưởi. Và một người có thể chú ý tới rác rưởi của bạn chỉ nếu người đó cũng giống như bạn vậy. Hiền nhân không giống bạn, và điều này là khác biệt.

Sau khi đứa bé được sinh ra, người ta mang nó tới cho Bạch Ẩn, người đã mất đi mọi danh tiếng vào lúc đó.

Tất nhiên rồi, hiển nhiên rồi, cũng những người đã coi rằng ông ấy là hiền nhân thì lại bắt đầu nghĩ rằng ông ấy là kẻ ác. Ông ấy đã phạm phải tội lỗi lớn nhất - bởi vì với mọi người, dục là tội lỗi lớn nhất.

Bạn chống lại cuộc sống nhiều tới mức dục đã trở thành tội lỗi lớn nhất - bởi vì nó là nguồn gốc của cuộc sống. Bạn chết thế, đó là lí do tại sao dục đã trở thành tội lỗi lớn nhất. Dục là hiện tượng sống động nhất trên thế giới. Chẳng cái gì khác sống động được như dục. Bạn tới qua nó, cây cối tới qua nó, chim chóc tới qua nó - mọi thứ đều tới qua nó. Bất kì cái gì trở nên sống động đều tới qua nó, nó là cội nguồn.

Nếu bạn có thể nêu ra bất kì cái gì tương đương với Thượng đế trong thế giới này, thì đó là dục. Đó là lí do tại sao người Hindu đã lấy shivalinga làm biểu tượng của mình. Người Hindu là người hiếm hoi - không có so sánh ở bất kì đâu thế giới - những người rất dũng cảm để lấy shivalinga, cơ quan sinh dục của Shiva, làm biểu tượng cho điều thiêng liêng.

Dục là điều thiêng liêng nhất trên thế giới. Nhưng tại sao bạn lại gọi nó là tội lỗi? - bởi vì từ ngay ban đầu bạn đã được dạy rằng nó là tội lỗi. Bạn đã hoàn toàn quên mất rằng bạn đã tới từ nó. Và bạn đã hoàn toàn nguỵ trang cho sự kiện là khi năng lượng dục bị hết trong bạn, bạn sẽ chết. Chính năng lượng dục đang rung động trong bạn là cuộc sống.

Đó là lí do tại sao thanh niên lại sống động hơn, còn ông già lại kém sống động. Đâu là sự khác biệt giữa thanh niên và ông già? Trong thanh niên năng lượng dục đang là dòng chảy. Trong ông già nguồn cung cấp đã biến mất, bây giờ dòng chảy đang biến đi. Nó đã trở thành giống như dòng suối nhỏ giọt. Khoảnh khắc năng lượng dục đã biến mất, bạn chết.

Dục là cuộc sống - và chúng ta đã làm nó thành tội lỗi lớn nhất.

Sâu bên dưới chúng ta chống lại cuộc sống.

Cho nên khi bạn đi tới biết rằng một thánh nhân đã có quan hệ dục, mọi danh tiếng của ông ấy lập tức biến mất. Nếu ông ấy là kẻ cắp, sự việc không đến nỗi tệ thế, bạn có thể tha thứ được cho ông ấy. Nếu ông ấy tích luỹ tiền bạc - thánh nhân của bạn đang tích luỹ đấy - thế thì bạn sẽ tha thứ cho ông ấy; đấy không phải là vấn đề lớn, tham lam không phải là vấn đề lớn. Bất kì điều gì ông ấy làm, bạn cũng có thể tha thứ cho ông ấy được, nhưng dục sao? - không thể được!

Chúng ta đã trở nên chống đối nó đến cùng đến mức người Ki tô giáo nói rằng Jesus được sinh ra không qua dục. Bởi vì làm sao Jesus lại có thể được sinh ra từ dục được, tội lỗi nguyên thuỷ? Làm sao Jesus lại có thể được sinh ra từ dục? Mọi người khác đều được sinh ra từ dục - trừ Jesus. Chỉ bởi vì dục là điều nguy hiểm thế, họ đã nói rằng Jesus được sinh ra từ Thánh thần linh thiêng. Không có bố cho Jesus, không có giao hợp dục. Ông ấy đã được sinh ra từ bụng mẹ mà không có sự gặp gỡ với giới khác.

Tại sao lại có điều vô nghĩa này? Nhưng gạt Jesus sang bên, và cả người Ki tô giáo nữa. Bạn! Nếu bạn thậm chí nghĩ rằng bố mình, lúc này hay lúc khác, phải đã làm tình với mẹ mình, thì bạn sẽ cảm thấy mặc cảm. Bạn được sinh ra như thế nào? Bạn không phải là con hoang. Nhưng chỉ nghĩ tới bố bạn làm tình với mẹ bạn... toàn bộ sự việc dường như xấu. Toàn bộ sự việc dường như xấu đến mức bạn không thể quan niệm nổi việc bố mình làm điều đó - người khác có thể làm điều đó, nhưng bố bạn sao? Không thể được! Bạn được sinh ra từ người bố brahmachari, vô dục; đó là điều người Ki tô giáo đang nói về Jesus.

Và khi bạn đi tới chắc chắn rằng một thánh nhân, một hiền nhân lớn như Bạch Ẩn, đã làm cho một cô gái mang thai - thì hiển nhiên không chỉ sự kính trọng bị mất đi. Ông ấy phải đã bị sỉ nhục nhiều lắm. Ông ấy chắc không thể nào đi quanh thị trấn mà xin ăn được. Mọi người phải ném đá vào ông ấy, vẫn những người đã đem vòng hoa và hoa tới và đã cúi đầu dưới chân ông ấy - cũng vẫn những người đó. Nhưng Bạch Ẩn lại không xao động.

Bạch Ẩn hết lòng chăm sóc cho đứa trẻ. Ông ấy đi xin hàng xóm sữa, thức ăn và mọi thứ khác cần cho đứa trẻ.

Một năm sau đó cô gái-người mẹ này không thể đừng được thêm nữa, cho nên cô ấy kể cho bố mẹ mình về sự thật...

Điều đó phải đã quá nặng nề cho cô ấy, khi thấy sự kính trọng với Bạch Ẩn cứ giảm đi, khi thấy những lời sỉ nhục cứ trút vào Bạch Ẩn, khi thấy rằng cả thị trấn đang chống lại ông ấy, khi thấy ông ấy đi xin ăn cho đứa trẻ, xin sữa, xin thức ăn, và những cánh cửa đóng lại trước mặt ông ấy. Điều đó phải thực sự nặng nề.

... cho nên cô ấy kể cho bố mẹ mình về sự thật - người bố thật là một thanh niên làm việc ở chợ cá.

Họ bao giờ cũng làm việc trong chợ cá - những người bố thật.

Người mẹ và người bố của cô gái này lập tức quay lại Bạch Ẩn để kể cho ông ấy về câu chuyện này, dài dòng xin lỗi, xin ông ấy tha thứ, và xin được đem đứa trẻ về.

Khi bậc thầy này sẵn lòng nhường lại đứa bé ông ấy nói, "Vậy thế sao?"

Trong khổ, trong sướng, hiền nhân này vẫn còn như vậy. Được kính trọng, bị sỉ nhục, hiền nhân này vẫn còn như vậy. Trong cuộc sống, trong cái chết, hiền nhân vẫn còn như vậy. Ông ấy đơn giản nói cùng ba lời đó: "Vậy thế sao?" Lại vô thưởng vô phạt, lại không tự cam kết mình vào bất kì cái gì, không nói bất kì cái gì, đơn giản chấp nhận một sự kiện: "Nếu điều đó là vậy, thì tốt."

Đây là tâm thức của thuần khiết. Bất kì cái gì cuộc sống đem tới, đón chào nó. Nếu nó đem tới khổ và sỉ nhục - chấp nhận nó, đón chào nó. Nếu nó đem tới tôn kính, sung sướng - đón chào nó, chấp nhận nó. Và đừng tạo ra bất kì phân biệt nào giữa hai điều này. Nếu bạn phân biệt, cân bằng của bạn bị mất, và cân bằng là thuần khiết.

Khi bạn được cân bằng, bạn là hiền nhân. Khi cân bằng bị mất, bạn bị mất, bạn đã trở thành tội đồ. Tội lỗi không phải là cái gì đó bạn làm, tội lỗi là cái gì đó xảy ra bên trong bạn khi cân bằng bị mất. Nó không phải là một hành động, nó là cân bằng bên trong. Nó là điều Mahavira đã gọi là samyaktva - cân bằng bên trong; không thế này không thế nọ, điều Upanishads đã gọi là neti, neti - không cái này, không cái nọ. Chỉ ở giữa - không đi sang bên này, không đi sang bên nọ, bởi vì nếu bạn đi, cho dù chỉ một hơi chút chuyển động mà không ai ngoài bạn phát hiện ra... Nhớ điều này: không ai có thể phát hiện ra cân bằng bên trong của bạn được. Chỉ bạn mới có thể phát hiện ra nó, nó tinh tế thế! Nhưng ngay cả một thoáng chuyển động thôi và bạn không còn an bình nữa, bạn không còn ở nhà nữa, bạn đã làm mất điều thiêng liêng. Bởi vì một chút nghiêng đi nghĩa là gì? Nó có nghĩa là bạn đã chọn lựa. Nó có nghĩa là phân biệt đã được tạo ra. Nó có nghĩa là bạn đã nói cái này tốt, cái kia xấu. Nó có nghĩa là trông đợi đã đi vào. Nó có nghĩa là ham muốn đã nhú ra. Nó có nghĩa là bây giờ bạn đã bị thúc đẩy.

Giá mà Bạch Ẩn nói, "Phải rồi! Vậy là các người đã đi tới nhận ra chân lí sao?" thì điều đó nghĩa là ông ấy không là hiền nhân chút nào, bởi vì điều đó có nghĩa là trong cả năm ông ấy đã chờ đợi khoảnh khắc này, ông ấy đã không trong hiện tại, ông ấy đã nghĩ về tương lai, "Ngày này hay ngày khác chân lí này sẽ được mọi người biết tới. Mọi người sẽ lại kính trọng ta. Khi họ đi tới biết được rằng đứa trẻ này không thuộc về ta, họ sẽ lại kính trọng ta: sự kính trọng của ta sẽ quay lại." Thế thì ông ấy đã chờ đợi, nhưng cân bằng bị mất.

Nếu Bạch Ẩn không phải là hiền nhân, ông ấy đã nghĩ và cầu nguyện Thượng đế, rằng Thượng đế hãy hiển lộ chân lí này cho mọi người. Nhưng tại sao? Nếu chuyện xảy ra rằng đứa trẻ ngẫu nhiên tới với bạn, và mọi người nghĩ rằng nó là con bạn - nếu cuộc sống đã đem tới một đứa trẻ cho bạn, thì ai là bố thực của nó có khác biệt gì? Chẳng khác biệt gì cả! Bạch Ẩn nhận mọi sự chăm sóc cho đứa trẻ, giống như người bố. Con cần bố, đó là một điều. Và Bạch Ẩn làm bố đứa trẻ yêu mến tới mức không người bố nào có thể được như vậy. Ngay cả đứa trẻ có là con riêng của bạn, thì bạn cũng khó mà chăm sóc được như ông ấy đã làm.

Điều đó không phải là tội lỗi của đứa trẻ. Ông ấy không chống lại đứa trẻ này. Nếu bạn ở vào địa vị của Bạch Ẩn, bạn chắc đã giết chết đứa trẻ bởi vì nó là nguyên nhân của khốn nạn của bạn. Bạn chắc đã ném đứa bé đó đi và chuyển sang làng khác nơi mọi người có thể kính trọng bạn, bởi vì họ không biết bạn. Bạn chắc đã làm điều gì đó để gìn giữ sự kính trọng của mình - toàn bộ danh tiếng của bạn đã bị tan nát. Mà Bạch Ẩn này lại đang mang đứa trẻ, chẳng lo nghĩ về dân làng. Điều mọi người nói không phải là vấn đề, nó không liên quan. Đứa trẻ cần bố, cho nên Bạch Ẩn trở thành bố. Ông ấy không xao động, ông ấy không phản ứng.

Và thế rồi, sau một năm... khi bạn chăm nom cho đứa trẻ yêu mến thế, gắn bó nảy sinh - nhất định là như vậy. Cho dù đứa trẻ này không phải là của bạn, đứa trẻ sẽ thành của bạn. Sống với đứa trẻ một năm và chịu đựng bao nhiêu điều vì đứa trẻ này, hi sinh bao nhiêu vì đứa trẻ - một mối quan hệ sâu sắc, mối ràng buộc sâu sắc nảy sinh. Người ta trở nên bị gắn bó. Nhưng khi bố mẹ cô gái tới và họ kể toàn bộ câu chuyện này, cầu xin ông ấy tha thứ và nhận đứa trẻ về, khi bậc thầy này sẵn lòng nhường lại đứa bé không có lấy một sự run rẩy nào của gắn bó. Ông ấy đơn giản nhường lại đứa bé - Ông ấy nói, "Vậy thế sao?"- cứ dường như chẳng có gì xảy ra cả. Cả năm này đã là một giấc mơ. Chỉ giấc mơ bị tan vỡ, và bạn thức dậy.

Hiền nhân sống trong thế giới này giữa các bạn cứ như ông ấy đang sống trong mơ. Bạn là cái bóng. Ông ấy sống giữa các bạn cứ như ông ấy đang đóng một vai, ông ấy không can dự vào. Ông ấy có đó, nhưng không trong nó - ông ấy vẫn còn là người ngoài. Và nếu bạn có thể vẫn còn là người ngoài, chẳng chóng thì chầy bạn sẽ đi tới nhận ra: không nước, không trăng. Bởi vì khi bạn tham dự vào, thì nước được tạo ra; thế thì bạn sống với sự phản xạ, thế thì bạn không thể đi tới cái thực, thế thì bạn sống với cái không thật.

Gắn bó của bạn tạo ra ảo tưởng. Ảo tưởng không có đó bên ngoài bạn, maya không có đó bên ngoài bạn. Nó ở bên trong bạn, trong thái độ của bạn: gắn bó, chọn lựa, vì cái này, chống cái kia, tạo ra những phân biệt, thích và không thích. Nó là bên trong bạn. Bạn tạo ra ảo tưởng của mình và thế rồi bạn sống trong nó, thế rồi bạn bị nó làm mây mù che phủ. Trong trạng thái mây mù đó bạn chỉ có thể thấy phản xạ, bạn chưa bao giờ thấy mặt trăng thực.

Bạch Ẩn này vẫn còn cân bằng. Bất kì điều gì xảy ra bên ngoài không ảnh hưởng gì tới bên trong cả. Bên trong vẫn còn cân bằng - không sóng, không rung động của bên ngoài đi vào được. Ông ấy vẫn còn im lặng cứ dường như đấy là giấc mơ. Và bất kì cái gì tới, ông ấy đều chấp nhận nó. Ông ấy không trở thành người làm, một karta, ông ấy vẫn còn là một nhân chứng.

Ba lời này, "Vậy thế sao?" thuộc vào linh hồn chứng kiến; không đưa ra bất kì đánh giá nào, đơn giản nói, "Vậy thế sao?" Và đây tất cả là cái ở bên trong ông ấy, "Vậy thế sao? Nếu là vậy, thì tốt"

Hiền nhân thấy tốt với mọi sự xảy ra, ông ấy không có chọn lựa. và khi không có chọn lựa, thì không có nước. Không nước - phản xạ biến mất - maya biến mất - không trăng.

Đủ cho hôm nay.

Xem tiếp Chương 4 - Quay về Mục lục


Ads Belove Post