Bản kinh cuối cùng - Chương 1

Bản kinh cuối cùng - Chương 1

Price:

Read more

THIENOSHO - Bản kinh cuối cùng - Tập 6
(Phỏng vấn với giới báo chí)
Chương 1

Câu hỏi: Mọi người nói rằng thầy là con người của trí tuệ nhưng không phân biệt - thầy tin cậy mọi người và mọi người phản bội thầy.
Câu hỏi này rất kì lạ bởi vì phẩm chất thứ nhất của trí tuệ là phân biệt. Con người của trí tuệ nhất định là con người của phân biệt. Trí tuệ không có chức năng. Chức năng duy nhất của nó là để quyết định cái gì là đúng, cái gì là sai. Phân biệt là toàn thể khu vực của nó. Cho nên nếu bạn nói rằng tôi là con người của trí tuệ, thế thì phần thứ hai của câu hỏi của bạn trở thành không nhất quán với phần thứ nhất. Và bạn có thể thấy đây là phân biệt; phần thứ nhất trong câu hỏi của bạn là không nhất quán với phần thứ hai.
Bạn nói rằng tôi tin cậy vào mọi người và mọi người phản bội tôi. Tôi tự hỏi làm sao bạn đã đi tới kết luận này. Tôi chắc chắn tin cậy vào mọi người nhưng không ai đã bao giờ phản bội tôi cả, bởi vì tin cậy của tôi là vô điều kiện. Điều này phải được hiểu.
Tin cậy của bạn có thể bị phản bội nếu bạn có điều kiện trong nó. Nếu tôi tin cậy bạn vô điều kiện, không có khả năng phản bội tôi. Bất kì điều gì bạn làm, tôi vẫn sẽ tin cậy vào bạn. Bạn có thể giết tôi nhưng bạn không thể phá huỷ được tin cậy của tôi. Tôi sẽ chết khi tin cậy vào bạn.
Nếu bạn làm cái gì đó mà với người khác có vẻ như phản bội, điều đó đơn giản có nghĩa là bạn đang phản bội chính bản thân bạn, bạn đang sa ngã khỏi chân giá trị riêng của bạn. Nhưng bạn không thể phản bội tôi được. Tôi chưa bao giờ kinh nghiệm bất kì phản bội nào trong cuộc đời mình. Tôi không thể lên án bất kì ai về phản bội. Mọi người đã hành xử theo cách người đó có thể và tôi chưa bao giờ trông đợi người đó hành xử theo bất kì cách nào khác. Tôi đã tin cậy vào người đó theo cách người đó vậy. Tin cậy của tôi không phải là đòi hỏi rằng bạn phải hành xử theo cách nào đó. Cho nên bất kì điều gì bạn làm, bạn đều đang làm cho bản thân bạn, không phải cho tôi.
Nhưng bất kì ai đã hỏi câu hỏi này đều không nhận biết về tin cậy vô điều kiện, yêu vô điều kiện. Tất cả tình yêu của chúng ta, tất cả tin cậy của chúng ta, đều có điều kiện. Và bởi vì nó là có điều kiện nên nó không chân thực, nó không thực. Thế thì nếu một người hành xử hơi khác đi chút ít, đi theo hướng khác với bạn đã đòi hỏi, trực tiếp hay gián tiếp, lập tức bạn bắt đầu lên án người đó, rằng người đó đã phản bội bạn. Bạn đã giả định rằng bạn đã mua người đó và cả tương lai của người đó nữa. Tương lai vẫn còn để mở. Bạn không thể nói được điều gì người khác sẽ làm ngày mai và bất kì cái gì người đó định làm, người đó sẽ làm cho bản thân người đó. Bạn không nên bị ảnh hưởng bởi điều đó. Nếu bạn bị ảnh hưởng bởi nó, thế thì bạn không phải là con người của chứng ngộ.
Tôi không bị ảnh hưởng chút nào bởi điều mọi người làm với tôi. Mối quan tâm của tôi là ở chỗ tôi vẫn còn như vậy dù bất kì điều gì họ làm - dù họ ủng hộ tôi hay chống đối tôi, dù họ là bạn tôi hay họ là kẻ thù của tôi, điều đó không thành vấn đề. Tình yêu của tôi, tin cậy của tôi vẫn còn nguyên vậy.
Tôi thấy buồn cười bởi nhiều lí do. Trước hết, bất kì ai nghe tôi, người đã đọc tôi, đều sẽ thấy rất dễ dàng rằng tôi không phải là con người của trí tuệ, bởi vì về mặt trí tuệ, bạn có thể thấy cả nghìn lẻ một bất nhất và mâu thuẫn trong các phát biểu của tôi. Nhưng tôi chẳng thấy bất nhất nào, chẳng thấy tự mâu thuẫn nào, bởi vì với tôi cuộc sống không là logic và để tìm ra chân lí của cuộc sống, trí tuệ không phải là con đường. Cuộc sống là điều bí ẩn, bạn không thể hình dung ra được nó là gì. Bạn có thể kinh nghiệm nó, nếm trải nó, ca hát nó, nhảy múa nó, nhưng bạn không thể giải thích nó. Bạn không thể tạo ra lí thuyết từ nó.
Khoảnh khắc bạn bắt đầu làm ra lí thuyết, ngay lập tức bí ẩn của cuộc sống biến mất. Chức năng của trí tuệ là lí thuyết hoá. Khoa học tùy thuộc vào trí tuệ. Đó là lí do tại sao có thể nói rằng toàn thể nỗ lực của khoa học là để giải trừ bí ẩn của sự tồn tại. Khoa học chia sự tồn tại thành hai loại: cái biết và cái không biết. Và cái được biết hôm nay đã là cái không biết hôm qua, và cái không biết hôm nay có thể là cái biết ngày mai, cho nên phân biệt này không phải về chất - vấn đề chỉ là thời gian và tìm kiếm của con người. Khoa học có thể quan niệm một ngày nào đó khi tất cả sẽ được biết và phân loại của cái không biết sẽ biến mất. Đây là cách thức của trí tuệ: giải bí ẩn, làm cho mọi thứ thành được biết, phá huỷ cái không biết.
Làm sao bạn có thể nói rằng tôi là con người của trí tuệ? Tôi đang làm chính điều đối lập lại. Toàn thể nỗ lực của tôi là làm cho ngay cả cái biết thành cái không biết. Đem bí ẩn trở lại trong cuộc sống của bạn - ngay cả trong những thứ nhỏ bé mà bạn đã bắt đầu coi như đương nhiên có, tôi muốn bạn có cái nhìn khác.
Tôi nhớ tới một trong những con người tuyệt vời nhất trong thế kỉ này, D.H. Lawrence. Ông ấy đang đi dạo trong vườn với một bé trai, cũng hệt như mọi đứa trẻ đều tò mò, đứa bé cứ hỏi hết câu hỏi nọ tới câu hỏi kia. Với một câu hỏi, ngay cả D.H. Lawrence cũng bị sững sờ. Đứa trẻ hỏi, "Cháu xin lỗi. Cháu chắc phải làm bác mệt bởi việc hỏi các câu hỏi, nhưng đây là câu hỏi cuối cùng: cháu muốn biết tại sao cây lại xanh."
Và câu trả lời chợt đến từ D.H. Lawrence là có ý nghĩa; nó không phải là câu trả lời của trí tuệ. Ông ấy nói, "Cây xanh bởi vì chúng xanh."
Đứa bé đồng ý, điều đó là hoàn toàn đúng. Nhưng Lawrence cứ nghĩ mãi, "Đấy mà là câu trả lời sao? Liệu có người nào tiếp cận tới cuộc sống một cách trí tuệ mà được thoả mãn với nó không?" Nhưng thực tại là ở chỗ bất kì điều gì chúng ta biết đều bị bao bọc bởi tính không thể biết được vô hạn; không chỉ cái không biết.
Và đó là nơi tôi tạo ra sự khác biệt. Khoa học khách quan phân chia cuộc sống, sự tồn tại, thành hai loại - cái biết và cái không biết. Khoa học của nội tâm phân chia cuộc sống thành ba loại - cái biết, cái không biết và cái không thể biết được. Và cái không thể biết được là quan trọng nhất, bởi vì chung cuộc bạn phải đối diện với nó. Và khoảnh khắc bạn đối diện với cái không thể biết được, bạn phải nhận ra dốt nát của mình, bạn phải trở thành đứa trẻ lần nữa.
Socrates tương truyền đã nói, "Khi tôi còn trẻ tôi đã nghĩ tôi biết mọi thứ." Và ông ấy là một trí thức vĩ đại. "Khi tôi già hơn một chút tôi đã không chắc chắn thế, càng già thêm chút nữa và càng không chắc chắn thêm, già thêm chút nữa và bây giờ tôi có thể nói chắc chắn rằng tôi chẳng biết gì cả."
Và trước khi chết ông ấy nói, "Chỉ mỗi một điều tôi biết, đó là tôi chẳng biết gì cả." Đây là phát biểu từ người có một trong những trí tuệ tinh tuý nhất; nhưng ông ấy có cái gì đó còn hơn, cao hơn và sâu hơn trí tuệ, và đó là trực giác.
Tôi không phải là con người của trí tuệ, bởi vì toàn thể công việc của tôi là với cái không thể biết. Phương pháp của khoa học là trí tuệ, phương pháp của thế giới nội tâm là trực giác. Trí tuệ là tuyệt đối vô nghĩa.
Khi bạn bắt đầu đi vào nội tâm, vào sâu hơn trong thiền, nhận biết, ý thức, bạn sẽ trở thành ngày một nhận biết hơn về điều bí ẩn, điều huyền bí, và bạn sẽ trở nên nhận biết về sự kiện rằng sự tồn tại về cơ bản là cái không thể biết. Chúng ta có thể biết chút ít vài mẩu mảnh đây đó và thế là đủ cho cuộc sống thực tế của chúng ta nhưng bạn càng đi sâu hơn, bạn bao giờ cũng bắt gặp bức tường.
Đã có thời một thế kỉ trước đây các nhà khoa học còn rất lạc quan bởi vì khoa học đã đi tới biết ngày một nhiều hơn. Nhưng sau Albert Einstein mọi sự đã thay đổi hoàn toàn. Albert Einstein đã đi tới chỗ sâu nhất, chính bên trong của vật chất, và đã bị phân vân bởi vì điều ông ấy đi tới hiểu ra lại bí ẩn, phi logic đến mức ngay cả làm ra lí thuyết khoa học từ nó cũng dường như là không thể được.
Một điều là ở chỗ khi nguyên tử được phân chia thành điện tử, Einstein đã trở nên nhận biết rằng điện tử không di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Chúng đơn giản, từ điểm A, biến mất và xuất hiện tại điểm B - chúng không đi ở giữa. Bạn không có dấu vết chút nào về việc du hành của chúng, không vết tích. Làm sao mà giải thích được điều đó? Điều đó tới gần ảo thuật hơn là khoa học; điều đó tới gần những kinh nghiệm lớn của các thiền nhân hơn là khoa học.
Khi tôi đọc điều này tôi đã nhớ tới một trong các thiền nhân vĩ đại: Basho nói, "Trên đường của chân lí không có con đường nào cả. Điều đó cũng giống như chim bay trên trời, nó không để lại dấu vết nào đằng sau nó." Tất nhiên trong không trung không dấu vết nào có thể được để lại. Tôi đơn giản nhớ tới các từ 'nó không để lại dấu vết nào đằng sau nó.'
Và Albert Einstein thấy điện tử di chuyển từ điểm A sang điểm B và ở giữa không có dấu vết. Không vết tích nào. Cứ dường như chúng biến mất từ điểm này và xuất hiện tại điểm khác - điều tuyệt đối phi logic. Điều đó gây rắc rối cho Albert Einstein trong nhiều ngày để tuyên bố với những người bạn khoa học của mình rằng ông ấy đã bắt gặp một hiện tượng vượt ra ngoài trí tuệ. Nhưng ông ấy có thể làm được gì? Đây là cách thức sự tồn tại đang hành xử và sự tồn tại không có nghĩa vụ phải hoàn thành các yêu cầu của chúng ta về trí tuệ, logic, nhất quán. Chúng ta phải đi cùng sự tồn tại; sự tồn tại không định đi cùng chúng ta.
Những nghiên cứu khoa học mới nhất đã trở nên ngày một bí ẩn hơn và đây là một trong những hi vọng lớn nhất, rằng chẳng bao lâu nữa chúng ta có thể tạo ra một khoa học duy nhất. Không cần tôn giáo và không có nhu cầu về khoa học - một khoa học với hai cánh. Cánh bên trong là bí ẩn và cánh bên ngoài cũng bí ẩn. Bây giờ điều đó là có thể bởi vì cả hai đang đi vào trong khu vực của bí ẩn.
Điều đó đã xảy ra nhiều lần nhưng mọi người không chú ý tới nó bởi vì nó hiếm thế.
Bạn phải đã từng nghe đến cái tên của Bà Curie - bà ấy là một trong những nhà khoa học được giải thưởng Nobel - và bà ấy đã làm việc trên vấn đề khoa học trong nhiều năm mà chẳng đi đến đâu cả. Một đêm bà ấy làm việc muộn và đã thực sự mệt mỏi và chán ngán với vấn đề - bà ấy gần như sắp vứt bỏ ý niệm đó và bắt đầu một dự án khác nào đó. Phỏng có ích gì mà phí thời gian về cái gì đó đã tiêu tốn tới bốn hay năm năm cuộc đời mà bà ấy vẫn chỉ ở chỗ bà ấy đã bắt đầu - không một thoáng nhìn, không một manh mối. Và cuộc đời thì ngắn; bạn không thể phí hoài toàn bộ cuộc sống của mình vào một vấn đề khoa học.
Đêm đó bà ấy đi ngủ với ý nghĩ, "Ngày mai mình sẽ đem đốt tất cả các giấy tờ mà mình đã viết ra trong năm năm này - mình bị kết thúc với nó rồi." Đến sáng khi bà ấy thức dậy bà ấy ngạc nhiên, bà ấy không thể nào tin được vào điều đó. Trên bàn mình, trong cuốn sổ tay còn để mở của mình, bà ấy đã bỏ lại đêm hôm trước, câu trả lời đã được viết ra. Và điều gây phân vân nhất là ở chỗ căn phòng bị khoá kín từ bên trong; không ai đã vào. Chồng bà ấy cũng là một nhà khoa học nhưng nếu bà Curie đã không thể giải quyết được vấn đề này trong năm năm thì ông ấy không thể xoay xở được chỉ trong một đêm. Và hơn nữa, ông ấy lại không có nhà, ông ấy đã đi công tác.
Khi bà ấy nhìn kĩ hơn điều đó lại càng trở nên mỗi lúc một bí ẩn hơn - chữ viết là của bà ấy. Thế rồi bà ấy nhắm mắt và cố gắng nhớ lại điều đã xảy ra, và thế rồi toàn bộ khung cảnh tự nó lộ ra...
Bây giờ bà ấy nhớ rằng trong đêm bà ấy đã có giấc mơ. Bà ấy đã đi ra bàn, viết ra câu trả lời, quay trở lại giường và quên hết về điều đó. Đấy không phải là giấc mơ, đấy là thực tại, bởi vì cuốn sổ và câu trả lời là bằng chứng rằng bà ấy đã không mơ, nhưng từ đâu mà câu trả lời này tới? Bởi vì không có gì khác trên trang giấy, chỉ mỗi câu trả lời.
Điều đó không phải là từ trí tuệ của bà ấy - từ trí tuệ bà ấy đã từng làm việc trong năm năm. Nhưng bởi vì bà ấy đã mệt mỏi, trí tuệ nói, "điều đó ở ngoài mình." Bà ấy đã ngủ với ý niệm này rằng "Mình bị kết thúc với nó" - đây là quyết định của trí tuệ và trong những khoảnh khắc như vậy, trực giác kế tục. Trực giác nắm quyền chỉ khi trí tuệ bị kết thúc. Trí tuệ là để dành cho thực tại thấp - cho thế giới trần tục. Trực giác là dành cho thực tại cao, cho điều bí ẩn, cho điều huyền bí.
Thế rồi bà ấy đã đi ngược từ câu trả lời cho toàn bộ quá trình và đã thấy rằng câu trả lời là đúng. Điều này là tương tự, đích xác tương tự với trường hợp của Phật Gautam. Nhưng không ai đã từng so sánh hai quá trình này.
Phật Gautam đã trở nên chứng ngộ vào cái đêm khi ông ấy đã quyết định vứt bỏ mọi nỗ lực. Ông ấy đã mệt mỏi, ông ấy đã làm đủ mọi thứ mà thầy bảo, thầy giáo bảo, kinh sách bảo, và ông ấy đã làm mọi thứ một cách tốt nhất mà chẳng cái gì xảy ra cả. Mười hai năm đã trôi qua từ khi ông ấy rời bỏ cung điện mà tay ông ấy vẫn trống rỗng như xưa. Lúc đó là đêm trăng tròn, ngồi dưới gốc cây ông ấy đã quyết định rằng toàn bộ việc tìm kiếm là vô ích - 'Mình được chấm dứt với nó.'
Với cùng thái độ như bà Curie khi đi ngủ, Phật đi ngủ dưới gốc cây. Và vào buổi sáng khi ông ấy mở mắt ra, khi mặt trời đã lên, ông ấy kinh ngạc nhìn ra thế giới. Nó không phải là thế giới mà ông ấy đã ngủ trong đó. Đây không phải là con mắt mà ông ấy đã đi ngủ cùng - ông ấy đã có con mắt mới và thế giới mới. Nó chói sáng, nó là điều bí ẩn ở khắp nơi. Và mọi lo âu của ông ấy đã biến mất, mọi hỏi han đã biến mất - có im lặng tuyệt đối và thanh bình mênh mông.
Lần đầu tiên ông ấy cảm thấy mình ở nhà, ông ấy đã đạt tới - bây giờ chẳng còn đâu mà đi, mục đích đã đạt được. Trí tuệ đã làm việc trong mười hai năm - mệt mỏi, nó bị vứt bỏ ra khỏi con đường, nhường chỗ cho trực giác bước vào; và điều không thể được cho trí tuệ không phải là không thể được cho trực giác.
Với trực giác cách tiếp cận là khác toàn bộ, nó là cách tiếp cận hồn nhiên không logic. Nó là cách tiếp cận của trẻ con khi được sinh ra và mở mắt ra lần đầu tiên. Nó chẳng biết gì nhưng nó nhìn mọi thứ, mặc dầu nó không thể nói, "Tường là gì, cột là gì, mọi người là gì và con vật là gì?" - nó không thể phân biệt được. Nhưng nó đang thấy mọi thứ. Nó không thể mô tả, nó không có lời nhưng điều đó không có nghĩa là nó không thấy. Trực giác là việc thấy thuần khiết - nó không phải là quá trình, nó là bước nhảy lượng tử.
Tôi không phải là con người của trí tuệ. Tôi đã bỏ nó ở xa, xa lắm rồi. Bất kì điều gì tôi đang nói với các bạn đều là kinh nghiệm trực giác của tôi. Đó là lí do tại sao bạn có thể thấy trong những phát biểu của tôi nhiều điều không nhất quán bởi vì trực giác không biết tới không nhất quán, không mâu thuẫn; nhưng khi bạn nghĩ về những thực tại đó bằng trí tuệ, bạn đang nhìn từ góc độ hoàn toàn khác, với phương pháp luận hoàn toàn khác - điều đó tạo ra rắc rối. Bạn lập tức thấy đây là không nhất quán, đây là mâu thuẫn. Bất kì ai đã hỏi câu hỏi này đều chẳng biết gì về trí tuệ và chẳng biết gì về phân biệt cả. Bởi vì để biết về trí tuệ và biết về phân biệt, bạn phải cao hơn cả hai điều đó - chỉ từ đỉnh cao đầy ánh nắng mặt trời, bạn mới có thể thấy những thực tại thấp hơn.
Câu hỏi này đã được nêu hôm qua nữa và tôi đã chọn trả lời nó nhưng bởi vì thời gian hết nên tôi đã bỏ nó. Tôi ngạc nhiên là hôm nay nó có khác - nó không đích xác là cùng câu hỏi như nó ngày hôm qua. Bạn không thể lừa tôi được và bạn đừng bao giờ nên thử điều đó: hôm qua nó còn ngu xuẩn hơn và người này phải đã nghĩ đi nghĩ lại làm sao nói nó theo cách tốt hơn cho nên nó bớt ngu xuẩn đi. Nhưng ngu xuẩn vẫn cứ là ngu xuẩn thôi. Điều đó chẳng tạo ra khác biệt.
Hôm qua nó đã là, "Osho ơi, thầy là người khổng lồ về trí tuệ nhưng thầy biết phân biệt."
Người này phải đã nghĩ 'người khổng lồ về trí tuệ' và 'không có khả năng phân biệt' có vẻ hiển nhiên vô nghĩa, bởi vì chức năng của trí tuệ là phân biệt. Và nếu bạn là người khổng lồ về trí tuệ, thế thì toàn thể công việc của bạn là phân biệt; phân biệt rất tinh tế và rất tinh vi.
Nhưng bạn đã làm tốt khi bỏ đi chữ 'người khổng lồ' bởi vì tôi không phải là người khổng lồ, tôi là một người đơn giản. Thậm chí bạn còn hay hơn nữa nếu bạn bỏ từ 'trí tuệ'. Nếu như bạn đã nói, "Osho ơi, thầy không phải là con người của trí tuệ," tôi chắc sẽ đánh giá cao hiểu biết của bạn. Tôi không thế.
Nhưng bạn đã đặt vào từ 'trí tuệ' bởi vì bạn đã muốn tạo ra vấn đề về phân biệt. Nếu bạn chấp nhận tôi không phải là con người của trí tuệ, thế thì chẳng có vấn đề rằng tôi không phải là con người của phân biệt - câu hỏi đó không thể được tạo ra. Chỉ công bố rằng tôi không phải là con người của phân biệt, một cách không chủ ý, bạn phải chấp nhận tôi như con người của trí tuệ.
Không cần đâu. Bạn có thể đơn giản nói, "Osho ơi, thầy không phải là con người của phân biệt," và tôi không là người như vậy. Tôi không phân biệt giữa bạn và thù, giữa đàn ông và đàn bà, giữa da trắng và da đen, giữa người Hindu và người Mô ha mét giáo, giữa quốc gia này và quốc gia kia; tôi không phân biệt theo bất kì cách nào. Tất cả những phân biệt này đều là tội ác cả.
Tất cả những phân biệt này đều phải bị loại bỏ và đây không phải là lần đầu tiên mà điểm này đã được nêu ra cho tôi. Vào những dịp khác, bởi những người khác, theo những lí do khác, điều đó đã được trỏ vào tôi.
Tôi muốn nói với bạn vài điểm để cho bạn có thể hiểu cái gì đang sôi trong vô thức của bạn.
Một trong các vị chủ tịch quốc hội ở Ấn Độ, U.N. Dhebar, đã dự trại của tôi và chắc phải đã không có khó khăn gì, nhưng một hôm ông ấy bảo tôi, "Osho ơi, ông là người kế tục thực về ý thức hệ của Mahatma Gandhi, mặc dầu ông chưa bao giờ ở cùng với Mahatma Gandhi cả. Ông chưa bao giờ được liên kết với chủ nghĩa Gandhi, nhưng nếu ông bắt đầu thuyết giảng về chủ nghĩa Gandhi, thế thì nó có thể được cứu khỏi chết đấy."
Tôi nói, "Đáng lẽ tốt hơn nếu ông đã không nói điều này, bởi vì tôi ghét là kẻ kế tục của bất kì ai và tôi ghét tuyên truyền cho triết lí của bất kì ai khác."
Và ngày hôm đó tôi phê phán Mahatma Gandhi ở nhiều điểm. Tôi sẽ chẳng bao giờ bận tâm bởi vì có hàng triệu người trên thế giới này; tôi không định phê phán mọi người, chẳng có thời gian cho điều đó. Nhưng U.N. Dhebar chỉ tôi hướng theo Mahatma Gandhi, cho nên ông ấy chịu trách nhiệm, ông ấy đang có mặt đấy.
Sau cuộc họp này tôi hỏi ông ta, "Nếu ông có điều gì cần nói, ông có thể nói điều đó cho tôi bây giờ hay ông có thể nói điều đó trong cuộc họp kế tiếp trước mọi người. Tôi sẵn lòng có cuộc thảo luận công khai về điều đó bởi vì tôi nghĩ rằng chủ nghĩa Gandhi nên chết để cho Ấn Độ được sống. Nếu chủ nghĩa Gandhi tiếp tục, thế thì Ấn Độ sẽ phải chết. Và nếu tôi phải lựa chọn giữa hai điều này, tôi sẽ chọn Ấn Độ sống - Gandhi đã chết rồi. Chẳng thành vấn đề liệu chủ nghĩa Gandhi cũng chết theo hay là không. Ai quan tâm?"
Ông ấy nói, "Không, tôi không thể thảo luận về điều đó ở chỗ công cộng được. Tôi hiểu điều ông nói là đúng, nhưng ông nên phân biệt hơn."
Tôi nói, "Ông là một chính khách, tôi không là chính khách. Chính khách phải phân biệt, nhưng sao tôi phải phân biệt?"
Ông ấy nói, "Tôi đơn giản bảo ông rằng ông sẽ được nhiều người theo trong số những người theo Gandhi nhưng nếu ông nói những điều chống lại Gandhi tất cả những người này sẽ bỏ đi. Họ sẽ không bỏ chủ nghĩa Gandhi, họ sẽ bỏ ông. Đó là lí do tại sao tôi lại nói ông nên phân biệt hơn. Khi ông đưa ra bất kì phát biểu nào, ông nên đợi và xem liệu điều đó sẽ lợi cho ông hay chống lại ông." Và ông ấy đang cho lời khuyên bạn bè. Nhưng điều ông ấy thực sự ngụ ý cho phân biệt là ngoại giao. Tôi không phải là nhà ngoại giao.
Tôi nói, "Tôi sẽ nói bất kì cái gì mà tôi cảm thấy là điều đúng, bất chấp hậu quả nào."
Tôi đã mất nhiều tín đồ trong ba mươi năm này theo cùng cách. Khi tôi phê bình Gandhi, tất cả mọi người cộng sản và người xã hội bắt đầu tới gần tôi hơn; họ nghĩ rằng tôi phải là người cộng sản. Ai khác sẽ phê phán Gandhi? Chủ tịch đảng cộng sản bảo tôi, "Chúng tôi có thể được ông giúp đỡ vô cùng bởi vì chúng tôi không có người nào có sức thu hút như ông, người có thể ảnh hưởng tới quần chúng."
Nhưng tôi nói, "Đợi đã. Tôi đã không nói chống lại Gandhi bởi vì tôi là người cộng sản - bây giờ ông đã tạo ra rắc rối khác, tôi sẽ phải nói chống lại chủ nghĩa cộng sản."
Và lần nữa lại cùng lời khuyên: "Không, Osho, ông phải rất phân biệt. Những người này có thể có ích vô cùng cho ông. Đảng cộng sản là đảng có tổ chức nhất trong cả nước và nếu họ ở đằng sau ông, công việc của ông..."
Tôi nói, "Quên mọi chuyện về công việc đi. Trước hết để tôi kết thúc người cộng sản đã, bởi vì họ đã tới với hiểu lầm và tôi không muốn bất kì ai ở cùng tôi với bất kì hiểu lầm nào." Và tôi phải phê phán chủ nghĩa cộng sản chỉ bởi vì ham muốn của họ.
Và điều này đã xảy ra một cách chính trị, xã hội, tôn giáo... Tôi đã có những người yêu tôi trong mọi tôn giáo. Có các giáo sĩ đã viết thư cho tôi, rằng "Thầy đã làm cho chúng tôi hiểu về tôn giáo riêng của mình, thầy đã cho chúng tôi sáng suốt mới, nhưng thế rồi thật kì lạ đôi khi thầy lại bắt đầu phê phán. Thầy nên phân biệt hơn, chỉ nói những điều tốt về mọi người, thế thì thầy sẽ có hàng triệu tín đồ. Và phỏng có ích gì mà khơi ra những cái không đúng."
Ý định của họ là tốt nhưng điều họ đang nói cho tôi, về cơ bản, tôi phải là một chính khách.
Trên đường tới Nepal, tại Delhi, các bạn bè đã tụ tập và nói, "Trước khi thầy đi Nepal chúng tôi phải nói đôi điều: một, đừng nói chống lại Hindu giáo ở đó!" Tôi nói, "Tại sao?" Tôi đã không nhận biết, tôi có thể đã không nói về Hindu giáo chút nào.
Họ nói, "Đấy là vương quốc Hindu giáo và hiến pháp dựa trên Hindu giáo. Hiến pháp tuyên bố đây là vương quốc Hindu giáo duy nhất trên thế giới. Cho nên tránh điều đó ra."
Tôi nói, "Bây giờ điều ấy sẽ thành khó khăn. Nếu các bạn muốn tôi tránh điều đó, các bạn không nên nhắc tới nó. Các bạn nên phân biệt hơn - tôi không thể thế được!"
Tôi chưa bao giờ ngoại giao cả, tôi chưa bao giờ chính trị cả. Tôi chỉ nói điều mình cảm thấy đúng vào khoảnh khắc được nói ra. Tôi không nghĩ về khoảnh khắc tiếp.
Tôi đã nói về mọi tôn giáo. Tôi đã nói về cái đẹp của chúng, về cái vĩ đại của chúng, về những chuyến bay cao của niềm cực lạc của chúng, và từ mọi tôn giáo mọi người đã tới tôi; nhưng khoảnh khắc tôi chỉ cho họ rằng cũng có chỗ tối nữa, rằng những khoảnh khắc nhỏ bé của cực lạc này và những chuyến bay vào những vùng cao hơn của tâm thức là rất ít... Toàn bộ lịch sử của các bạn đầy những đổ máu, giết chóc, sát hại, thiêu người sống. Tôi không thể chỉ cứ ca ngợi mãi vài điểm tốt đó, điều liên quan tới chỉ vài người tốt. Tôi sẽ phải nói toàn bộ sự việc. Và chín mươi chín phần trăm là rác rưởi. Nếu tôi không nói điều đó, thế thì tôi đang phạm tội chống lại bản thân chân lí.
Cho nên tôi không phải là con người của trí tuệ - bạn đúng. Và tôi không biết cách phân biệt - bạn đúng. Nhưng tôi hoàn toàn hạnh phúc và hài lòng như tôi đang thế, còn bạn thì không. Trước khi nói bất kì cái gì về lời khuyên, bao giờ cũng nghĩ tới người bạn đang nói về điều đó.
Tôi tuyệt đối mãn nguyện. Tôi thậm chí chẳng cần thêm một khoảnh khắc nữa để sống. Ngay cả chết cũng sẽ được đón chào ngay bây giờ bởi vì tôi biết không có chết. Chỉ có chân lí. Và một khi bạn đã kinh nghiệm nó, cái gì xảy ra cho bạn, cái gì xảy ra cho thân thể bạn, chẳng thành vấn đề nữa, bởi vì chẳng cái gì có thể làm thay đổi được khí hậu bên trong của bạn, phúc lạc bên trong, cái đẹp bên trong. Điệu vũ bên trong cứ tiếp tục diễn ra mặc cho tất cả mọi cái khác.
Câu hỏi: Làm sao thiền nhân biết rằng mình đang đi lên cao hơn và sâu hơn, hay liệu mình có bị kẹt ở đâu đó không?
Điều đó rất đơn giản. Trước hết, có những phẩm chất phát triển đi lên khi thiền đi sâu. Chẳng hạn, bạn bắt đầu cảm thấy yêu mà chẳng có lí do nào cả. Không phải là tình yêu mà bạn biết đâu, trong đó bạn phải đổ - không đổ trong yêu. Nhưng chỉ một phẩm chất của việc yêu, không chỉ với con người. Khi thiền của bạn đi sâu hơn, tình yêu của bạn sẽ bắt đầu lan rộng ra ngoài nhân loại tới con vật, tới cây cối, thậm chí tới tảng đá, tới núi non.
Nếu bạn cảm thấy rằng cái gì đó bị bỏ ra khỏi tình yêu của mình - điều đó có nghĩa là bạn bị mắc kẹt. Việc yêu của bạn phải lan toả tới toàn thể sự tồn tại. Khi việc thiền của bạn lên cao hơn, những phẩm chất thấp của bạn sẽ bắt đầu bị rơi rụng đi. Bạn không thể xoay xở có cả hai được. Bạn không thể giận dữ dễ dàng như bạn bao giờ cũng vậy. Dần dần, dần dần, bạn trở thành không thể nào giận dữ được nữa. Bạn không thể dối trá, lừa lọc, khai thác theo bất kì cách nào.
Bạn không thể tổn thương được. Hình mẫu hành vi của bạn sẽ thay đổi cùng với thay đổi tâm thức bên trong của bạn.
Bạn sẽ không rơi vào những khoảnh khắc buồn bã mà bạn vẫn thường rơi vào - thất vọng, thất bại, buồn rầu, cảm giác về vô nghĩa, lo âu, phiền não; tất cả những điều này dần dần, dần dần trở thành kẻ xa lạ.
Một khoảnh khắc tới khi cho dù bạn muốn nổi giận, bạn sẽ thấy điều đó là không thể được; bạn đã quên mất ngôn ngữ của giận dữ. Tiếng cười sẽ trở thành dễ dàng hơn. Khuôn mặt bạn, đôi mắt bạn, sẽ ánh lên ánh sáng bên trong nào đó. Bạn sẽ tự cảm thấy rằng bạn đã trở thành ánh sáng, dường như lực trọng trường không vận hành như nó vẫn vận hành trước đây. Bạn đã mất sự nặng nề, bởi vì tất cả những tính cách đó đều rất nặng nề - giận dữ, buồn bã, thất vọng, tinh ranh. Tất cả những cảm giác này là rất nặng nề. Bạn không biết, nhưng chúng đang làm cho bạn nặng lòng và chúng cũng làm cho bạn thành khắc khổ.
Khi thiền của bạn phát triển, bạn sẽ cảm thấy bản thân mình trở nên dịu dàng, mong manh - cũng như tiếng cười sẽ trở thành dễ dàng cho bạn, nước mắt sẽ trở thành dễ dàng cho bạn. Những nước mắt này sẽ không là của nỗi buồn hay tủi. Những nước mắt này sẽ là của vui vẻ, phúc lạc; những nước mắt này sẽ là của biết ơn, của cám ơn. Những nước mắt này sẽ nói lên điều mà lời không thể nói được; những nước mắt này sẽ là lời cầu nguyện của bạn.
Và lần đầu tiên bạn sẽ biết rằng nước mắt không chỉ để bầy tỏ nỗi đau của bạn, nỗi khổ của bạn, phiền não của bạn; đó là cách chúng ta đã dùng chúng. Nhưng chúng có mục đích lớn lao hơn nhiều để hoàn thành: chúng đẹp vô cùng khi chúng tới như cách diễn đạt của cực lạc.
Và bạn sẽ thấy, về toàn thể, sự mở rộng - rằng bạn đang mở rộng, bạn đang trở nên ngày một lớn hơn. Không theo nghĩa của bản ngã mà theo nghĩa là tâm thức của bạn đang lan toả, theo nghĩa là nó đang đem mọi người vào trong khu vực của nó, theo nghĩa là tay bạn đang ngày càng trở nên lớn hơn và ôm choàng lấy mọi người, theo nghĩa là khoảng cách đang rơi rụng đi, theo nghĩa là ngay cả những vì sao xa xăm cũng là gần, bởi vì tâm thức của bạn bây giờ có cánh.
Và những điều này rõ ràng và chắc chắn đến mức câu hỏi hay hoài nghi chẳng bao giờ nảy sinh. Nếu hoài nghi nảy sinh điều đó nghĩa là bạn bị mắc kẹt; thế thì tỉnh táo hơn đi, thế thì dồn năng lượng của bạn mãnh liệt hơn vào thiền. Nhưng nếu những điều này tới mà không có câu hỏi nào...
Đây là một thế giới kì lạ: nếu bạn khổ, nếu bạn phiền não, chẳng ai nói với bạn rằng ai đó đã tẩy não bạn, ai đó đã thôi miên bạn. Nhưng nếu bạn mỉm cười, nhảy múa vui vẻ trên phố, hát bài hát, mọi người sẽ bị sốc. Họ sẽ nói, "Anh làm gì vậy? Ai đó đã tẩy não anh sao - anh có bị thôi miên hay có phát điên không đấy?"
Trong thế giới kì lạ này, phiền não được chấp nhận là tự nhiên. Đau khổ được chấp nhận là tự nhiên. Tại sao? Bởi vì bất kì khi nào bạn trong phiền não và bất kì khi nào bạn khổ, bạn làm cho người khác cảm thấy hạnh phúc là người đó không khổ đến thế, người đó không bất hạnh đến thế. Bạn cho người đó một cơ hội để bầy tỏ thông cảm với bạn, và thông cảm chẳng tốn kém gì.
Nhưng nếu bạn phúc lạc thế, hạnh phúc thế, thế thì người đó không thể nào cảm thấy bản thân mình hạnh phúc hơn bạn được; bạn đang đặt người đó xuống dưới. Người đó cảm thấy cái gì đó sai với người đó. Người đó phải kết án bạn, bằng không thì người đó phải nghĩ về bản thân mình, điều người đó sợ nghĩ tới. Mọi người đều sợ nghĩ về bản thân mình bởi vì điều đó có nghĩa là thay đổi, biến đổi, trải qua những quá trình nào đó.
Dễ dàng chấp nhận mọi người với bộ mặt buồn, rất khó chấp nhận mọi người với tiếng cười. Đáng ra phải không như vậy. Trong một thế giới tốt hơn, trong một thế giới với nhiều người có ý thức hơn, nó không nên như vậy, nó nên là điều đối lập lại - rằng khi bạn phiền não mọi người sẽ bắt đầu hỏi bạn, "Có chuyện gì vậy, điều gì đã đi sai?" Và khi bạn hạnh phúc và bạn nhảy múa bên đường, nếu ai đó đi qua, người đó có thể cùng tham gia với bạn, người đó có thể nhảy múa cùng bạn, hay người đó ít nhất cũng cảm thấy hạnh phúc khi xem bạn nhảy múa. Nhưng người đó sẽ không nói bạn điên, bởi vì nhảy múa không phải là điên, hát không phải là điên, vui vẻ không phải là điên; khổ mới là điên. Nhưng điên khùng lại được chấp nhận.
Với thiền của bạn phát triển, bạn phải nhận biết rằng bạn sẽ tạo ra biết bao nhiêu người chỉ trích quanh bạn, những người sẽ nói, "Cái gì đó đi sai với anh rồi. Chúng tôi đã thấy anh mỉm cười khi anh ngồi một mình. Tại sao anh mỉm cười? Điều này là không lành mạnh." Buồn bã là lành mạnh, nhưng mỉm cười, điều đó lại không lành mạnh.
Mọi người sẽ thấy khó nếu họ xúc phạm bạn mà bạn không phản ứng. Bạn đơn giản nói 'cám ơn' và cứ theo đường của mình. Điều này là khó chấp nhận bởi vì nó xúc phạm sâu sắc bản ngã của người đó. Người đó muốn lôi bạn xuống chỗ cặn bã còn bạn lại từ chối; bây giờ người đó một mình nơi cặn bã. Người đó không thể tha thứ cho bạn được.
Cho nên nếu những điều này bắt đầu xảy ra, bạn có thể chắc chắn bạn đang trên đường đúng. Và chẳng mấy chốc những người của hiểu biết, những người của kinh nghiệm, sẽ bắt đầu thấy những thay đổi trong bạn. Họ sẽ bắt đầu hỏi bạn điều gì đã xảy ra cho bạn, làm sao điều đó đã xảy ra cho bạn. "Chúng tôi cũng muốn điều đó xảy ra cho chúng tôi." Ai muốn khổ? Ai muốn vẫn còn liên tục bị hành hạ bên trong?
Khi thiền của bạn đi sâu, mọi điều này sẽ xảy ra: ai đó sẽ kết án bạn, ai đó sẽ coi bạn là điên, ai đó, người có hiểu biết nào đó, sẽ hỏi bạn, "Điều gì đã xảy ra cho anh và làm sao điều đó có thể xảy ra cho tôi được?"
Bạn vẫn còn định tâm, bắt rễ, tiếp đất trong bản thể mình - bất kì cái gì xảy ra xung quanh đều không thành vấn đề. Bạn phải trở thành trung tâm của cơn xoáy lốc. Và bạn sẽ biết khi nào bạn đã trở thành trung tâm của cơn xoáy lốc. Không cần phải hỏi, "Làm sao chúng tôi sẽ biết?" Làm sao bạn biết khi nào mình đau đầu? Bạn đơn giản biết.
Một trong các thầy giáo của tôi ở trường phổ thông là một người rất kì cục. Ngày đầu tiên vào lớp ông ấy nói với chúng tôi, "Nhớ lấy một điều: đau đầu tôi không tin, đau bụng tôi không tin, tôi chỉ tin vào những thứ tôi có thể thấy được. Cho nên nếu các trò muốn không ở trường vào bất kì ngày nào, đừng nêu ra cớ đau đầu, đau bụng vân vân; các trò phải đem cái gì đó thực đến chỉ cho tôi."
Và ông ấy được coi là một người rất nghiêm khắc. Rất khó xin phép ra ngoài dù chỉ một giờ. Tại ngay trước nhà ông ấy có hai cái cây kadamba - những cây rất đẹp. Vào lúc tối ông ấy hay đi dạo và trời lúc đó gần như tối khi ông ấy trở về.
Cho nên ngày đầu tiên tôi nói, "Chuyện này phải được giải quyết." Tôi trèo lên một trong những cây này và khi ông ấy tới dưới gốc cây, tôi thả một hòn đá vào đầu ông ấy. Ông ấy la lên, quát lên. Tôi tụt xuống. Tôi nói, "Có chuyện gì vậy?" Ông ấy nói, "Đau quá, mà trò lại hỏi có chuyện gì."
Tôi nói, "Thầy phải chỉ nó ra chứ. Chừng nào thầy còn chưa chỉ nó cho em thì em sẽ không tin vào điều đó. Em là học trò của thầy! Và đừng bao giờ nói tới điều này cho bất kì ai - em không muốn ngày mai thầy gọi em lên phòng hiệu trưởng bởi vì thầy sẽ gặp rắc rối. Thầy sẽ phải chỉ ra cái đau của thầy, thầy sẽ phải đặt nó lên bàn, bằng không thì nó chỉ là hư huyễn; thầy đã bịa ra nó; nó là tưởng tượng. Tại sao em phải trèo lên cây trước nhà thầy? Em chưa bao giờ làm điều đó trong cả đời em. Bỗng nhiên em phát điên sao?"
Ông ấy nói, "Nghe đây, tôi hiểu điều em muốn tôi hiểu, nhưng đừng nói cho ai cả. Nếu em đau đầu tôi sẽ chấp nhận điều đó, nhưng đừng bảo bất kì ai bởi vì đó là nguyên tắc cả đời tôi. Nay tôi làm ra một ngoại lệ."
Tôi nói, "Thế thì được. Em không bận tâm về bất kì ai khác. Xin thầy hiểu cho rằng khi em giơ tay, hoặc đó là đau đầu, hoặc đó là đau bụng - cái gì đó không thấy được. Thầy phải để em ra ngoài."
Cả lớp ngạc nhiên: "Chuyện gì thế này? Khoảnh khắc cậu giơ tay lên, thầy đơn giản nói "Ra đi! Ra ngay lập tức!" Và cả ngày cậu thoát khỏi hành hạ của ông ấy. Nhưng ý nghĩa của việc giơ tay đó là gì, nó có nghĩa gì? Và tại sao ông ấy lại bị xúc động thế?"
Bạn sẽ biết; điều đó còn sâu hơn nhiều so với đau đầu, sâu hơn nhiều so với đau bụng, sâu hơn nhiều so với đau tim. Nó là cái đau linh hồn, bạn sẽ biết nó.
Câu hỏi: Chứng kiến và nhạy cảm có phải là hai mặt của cùng đồng tiền không?
Chúng không phải là hai mặt của cùng một đồng tiền đâu - chứng kiến và nhạy cảm. Nhưng nhạy cảm là một trong những phẩm chất phát triển lên trong bạn cùng với chứng kiến. Các phẩm chất khác cũng phát triển. Với chứng kiến bạn gần như trở thành một khu vườn - nhiều hoa và nhiều hương thơm phát triển trong bạn.
Chứng kiến trở thành chính cơ sở của biến đổi. Bạn càng thấy tâm trí mình, bạn càng chứng kiến nó, bạn sẽ càng thấy nó ít đi. Nó cần vô ý thức để có đó. Nó là con vật chỉ tồn tại trong bóng tối. Khi bạn đem ánh sáng vào, tâm trí cùng các ý nghĩ của nó biến mất.
Và chính sự dầy đặc ý nghĩ làm cho bạn không nhạy cảm. Khi không có ý nghĩ và bạn đơn giản là nhân chứng, chỉ là tấm gương, thế thì nhạy cảm của bạn là vô hạn. Thế thì bất kì cái gì tới trước bạn đều được phản xạ lại toàn bộ. Thế thì bạn thấy cùng bông hồng với cái nhìn hoàn toàn khác: thế thì nó trở thành toả sáng, thế thì nó toả ra không chỉ màu sắc mà cả tia sáng. Thế thì nó trở thành không chỉ là vật chất mà là hiện tượng năng lượng.
Tại Liên Xô một nhà chụp ảnh khoa học, Kirlian, đã chụp ảnh năng lượng bao quanh mọi thứ. Ông ta đã phát triển tấm ảnh nhạy tới mức khi bạn chụp ảnh bông hồng bạn cũng thấy trong ảnh vầng hào quang ánh sáng bao quanh nó. Nó cũng vậy với ảnh chụp người, và mọi người đều có hào quang mầu sắc khác nhau. Cho nên ý niệm cổ đại về hào quang bây giờ tìm thấy sự hỗ trợ khoa học.
Người chứng ngộ sẽ có hào quang trắng. Người như Adolf Hitler hay Joseph Stalin sẽ có hào quang đen, và giữa hai loại người này - hào quang đen và trắng - sẽ là toàn thể nhân loại. Mầu sắc khác nhau, đôi khi mầu sắc trộn lẫn, và tất cả các mầu đó chỉ ra nơi bạn đang ở, nơi bạn đang ở bên trong.
Khi bạn trở thành nhân chứng bạn trở thành tấm gương nhạy cảm, còn nhạy cảm hơn tấm ảnh của Kirlian. Bạn sẽ thấy mọi thứ trong ánh sáng hoàn toàn mới - vẫn cùng mọi thứ ấy, cùng thế giới ấy, nhưng trong ánh sáng hoàn toàn khác. Những thứ thông thường bắt đầu có cái đẹp phi thường. Chỉ đá cuội trên bãi biển cũng trở thành giá trị hơn, duyên dáng hơn, hơn bất kì viên kim cương Kohinoor nào - bởi vì điều đó tất cả đều phụ thuộc vào cách bạn thấy chúng. Nếu bạn có thể thấy hào quang của chúng, ánh sáng của chúng, mầu sắc của chúng, cái đẹp của chúng, thế thì chúng không còn chỉ là đá cuội nữa - chúng đã trở thành hoa.
Và khi bạn trở thành ngày một nhạy cảm hơn, bạn sẽ có hiểu biết của người mà bạn chưa từng có trước đó. Chỉ nhìn khuôn mặt của một người, bạn sẽ thấy nhiều điều hơn bản thân người đó biết về mình. Chỉ cầm tay của một người, bạn sẽ biết nhiều về năng lượng của người đó hơn là người đó đã từng biết. Ở cùng ai đó, bạn sẽ thấy rằng năng lượng của bạn đang bị hút ra và bạn cảm thấy mệt mỏi - chỉ ở cùng với người đó. Và với ai đó khác bạn cảm thấy bạn được nuôi dưỡng, bạn cảm thấy mạnh khoẻ hơn, bạn cảm thấy lành mạnh hơn.
Những người khác nhau sẽ cho bạn kinh nghiệm khác nhau, và những người khác nhau sẽ trở nên bị hấp dẫn tới bạn khi nhận biết của bạn tăng trưởng lên. Chỉ thế thì những người với phẩm chất tốt hơn sẽ tới gần bạn hơn.
Đúng là một người có thể được biết bởi bạn bè của người đó, bởi bằng hữu mà người đó giữ. Điều đó là tuyệt đối đúng, bởi vì bạn không thể giữ bằng hữu mà không hài hoà với bản thể bên trong của bạn.
Với việc chứng kiến của bạn sẽ có vài khó khăn: những người bạn cũ của bạn có thể không còn là bạn của bạn nữa, không phải là bạn đã làm gì hại cho họ nhưng đơn giản bạn đã thay đổi và bây giờ bạn không còn khớp với trạng thái của họ nữa, với tâm thức của họ nữa. Cho nên đừng bị lo nghĩ về điều đó. Nếu bạn có gia đình và bạn thấy rằng vợ bạn đang rời xa bạn thế thì tốt hơn cả là nói với cô ấy điều bạn đang làm: rằng nếu cô ấy muốn cùng với bạn, nếu cô ấy yêu bạn theo cách bạn yêu cô ấy, bạn cũng muốn cô ấy là đồng hành trên cùng con đường của thiền. Bằng không, chẳng mấy chốc mà các bạn xa rời nhau đến mức mọi thứ sẽ bị hiểu lầm.
Con bạn sẽ thấy rằng bạn là con người khác - bạn không còn là cùng người bố cũ nữa. Tốt hơn cả là giúp cho con bạn học một chút ít về chứng kiến. Và đừng nghĩ rằng chúng không thể học được; chúng có thể học tốt hơn người lớn bởi vì chúng còn tươi trẻ, chúng không bị nặng tải với quá khứ nào. Bạn chỉ phải thân thiện hơn với chúng hơn là kiểu làm bố. Và trước khi sự rạn nứt xảy ra, tốt hơn cả là làm điều đó rõ ràng với chúng, "Đây không phải là lỗi của bố nếu gia đình tan vỡ. Bố đã chọn một con đường mà sẽ cho bố cái gì đó và bố muốn được chia sẻ với tất cả các con."
Tôi không muốn bất kì gia đình nào bị quấy rối bởi bất kì ai nhân danh tâm linh, và nếu chúng ta có thể đáng yêu và từ bi hơn một chút và làm cho họ hiểu - và họ sẽ có khả năng thấy rằng bạn ít giận dữ hơn, bạn ít mệt mỏi hơn, bạn ít thất vọng hơn, bạn đáng yêu hơn, từ bi hơn - thì họ chắc chắn sẽ tới với bạn.
Các tôn giáo cũ đã thuyết giảng về 'từ bỏ gia đình'. Đây là một trong những lí do - bởi vì chẳng chóng thì chầy sẽ có khó khăn - nhưng tôi không nghĩ rằng đáng đem điều đó ra thử, việc bạn từ bỏ gia đình.
Tôi nói với bạn nó là một trường huấn luyện tốt - gia đình - và nếu bạn không thể thay đổi được con bạn và vợ bạn, những người yêu bạn, bạn định thay đổi ai trong thế giới này? Bạn sẽ thấy ngày càng nhiều người lạ ở mọi nơi.
Bắt đầu ở bất kì chỗ nào bạn đang ở đi. Và nếu bạn thấy cái gì đó cực kì có giá trị, chia sẻ cái đó với mọi người.
Không một sannyasin nào của tôi đã từ bỏ gia đình cả. Và mọi sannyasin đều đã tìm thấy sự hỗ trợ vô cùng từ gia đình. Họ đã trở nên gần gũi hơn, họ đã trở thành bạn bè, họ đã trở thành bạn đồng hành thân thiết.

Ads Belove Post