Chương 17. Tắt ngọn nến

Chương 17. Tắt ngọn nến

Price:

Read more

Osho – Đức Phật và Phật Pháp
Phần 3. Phật pháp
Chương 17. Tắt ngọn nến

Một điểm đặc biệt của Đức Phật mà chúng ta cần phải hiểu là Ngài đã dùng chân không, trống rỗng để diễn tả kinh nghiệm tối thượng. Những đạo sư khác đã dùng sự đầy đặn để phát biểu kinh nghiệm tâm linh ấy. Tại sao Đức Phật đã chọn thuật ngữ tiêu cực ấy? Điều đó vô cùng quan trọng cho sự tăng trưởng tâm linh của bạn, chẳng phải vì lý do triết học. Tôi chẳng quan tâm về các vấn đề triết học. Tôi chỉ bàn những vấn đề có giá trị hiện thực. Ý tưởng về sự đầy đặn, ý tưởng về Thượng Đế, về sự toàn thiện, về tuyệt đối, về sự tối thượng đều là những từ ngữ tích cực. Những thuật ngữ đó đã làm Đức Phật sửng sốt khi nhận ra sự xảo quyệt của tâm trí con người... Những nhà huyền môn khác đã vô tình dùng những danh từ tích cực đó vì họ đã kinh nghiệm như thế. Sao phải bận tâm về những sự thống khổ đã qua? Sao không nói về những cái đang diễn ra? Họ nói từ kinh nghiệm bản thân của họ. Nhưng qua nhiều thế kỷ nó đã bị sự xảo quyệt của tâm trí con người lợi dụng. Đối với tâm trí ma mãnh, ý tưởng về sự tràn đầy và những cái tên mỹ miều đứng đàng sau đã trở thành lý do để thoả mãn cái tôi: "Tôi đã trở thành Thượng Đế. Tôi đã đạt đến tuyệt đối. Tôi đã hợp nhất với cái tối thượng. Tôi đã đạt được giải thoát hoàn toàn." Chữ "tôi" ấy trở thành trọng tâm của mọi phát biểu của chúng ta. Cái khó khăn là bạn không thể lấy kinh nghiệm tối thượng để thoả mãn cái tôi. Cái tôi là một cản trở; nó không thể trở thành cầu nối được.
Ðức Phật nhập Bát-Niết-bàn sau 45 năm hoằng pháp độ sinh. Những thuật ngữ tích cực đã bị lạm dụng. Thay vì phá huỷ cái tôi, chúng đã trở thành đồ trang trí cho nó. Thượng Đế trở thành một cái đích và bạn phải tìm đến. Bạn trở nên vĩ đại hơn cả Thượng Đế nữa. Lý do là đích không thể lớn hơn bạn được. Cái đạt được không thể lớn hơn người đạt được. Điều đó rất dễ hiểu.
Mọi tôn giáo đều thất bại vì sự hồn nhiên của các nhà huyền môn. Đức Phật đã hiểu rõ hơn ai hết. Ngài là người được giáo dục nhiều nhất, thông thái nhất, và đã trở thành một đạo sư. Trong toàn thể lịch sử không ai có thể so sánh được với Ngài, bởi vì Ngài đã thấy được sự hồn nhiên của các nhà huyền môn đã bị tâm trí xảo quyệt lợi dụng. Vì vậy, Ngài gọi điều tối thượng là chân không, trống rỗng - shunya, số không. Làm cách nào cái tôi lấy cái không để khoe khoang được? ThượngĐế có thể được dùng làm đích, nhưng cái không thì nó bó tay. Ai muốn trở thành cái không nào? Đó là một nỗi sợ. Ai ai cũng muốn tránh bằng mọi cách để không trở thành số không. Thế mà Đức Phật lại dùng nó để nói về điều tối thượng.
Chữ mà Ngài dùng là niết bàn.
Ngài đã chọn một chữ thật tuyệt đẹp. Và Ngài đã làm các tư tưởng gia và triết gia sửng sốt bằng cách dùng chữ niết bàn ấy để diễn tả cái kinh nghiệm tối thượng. Niết bàn nghĩa là "tắt ngọn nến." Các nhà huyền môn khác nói rằng bạn trở nên rực sáng, như thể một ngàn mặt trời đã mọc bên trong, như thể bầu trời đầy sao đã nằm trong trái tim của bạn. Những ý tưởng đó đánh thức cái tôi. Nó muốn trăng sao nhảy múa trong lồng ngực để mà le lói với đời.
Đức Phật đã cắt tận gốc rễ trò chơi đó khi nói rằng kinh nghiệm ấy như thể bạn tắt ngọn nến. Ngọn lửa nhỏ của nến tạo ra một vùng ánh sáng nhỏ. Và khi nó tắt, bạn sẽ chìm vào bóng tối mênh mông. Nhiều người nói với Ngài, "Nếu Ngài tiếp tục dạy như thế, chẳng ma nào dám theo Ngài. Ai muốn sự tối tăm chứ? Chắc Ngài điên rồi chăng? Ngài nói rằng kinh nghiệm tối thượng là cái chết tối thượng. Trong lúc người người nói về sự sống vĩnh cửu, Ngài lại nói về cái chết vĩnh viễn." Nhưng Ngài không hề mâu thuẫn. Trong bốn mươi hai năm Ngài không ngừng thách đố các thiên tài đông phương, và không hề nhượng bộ cái tôi. Ngài cũng thừa biết cái mà Ngài gọi là bóng tối vì nó quá sáng, đến đỗi nó trông như thế bóng tối. Bạn nghĩ gì khi một ngàn mặt trời mọc bên trong. Bạn có thấy quá sáng không? Bạn sẽ thấy chói mắt; bạn sẽ cảm thấy vô cùng tối tăm. Hãy nhìn vào mặt trời vài giây là mắt của bạn sẽ mở không ra. Nếu một ngàn mặt trời mọc bên trong bạn, bên trong tâm trí, bạn sẽ cảm thấy tối tăm, không phải sáng rực. Phải mất một thời gian bạn mới quen; bạn phải chờ cho mắt đủ mạnh, một cách chậm chạp, thì tối mới trở thành sáng, trống rỗng mới trở nên tràn đầy. Nhưng Ngài không hề nói về những điều ấy. Ngài không hề nói tối sẽ trở thành sáng. Và Ngài không hề nói sự chết sẽ phục sinh sau này, bởi vì Ngài hiểu rõ sự xỏ lá của cái tôi. Nếu Ngài nói như thế, nó sẽ tự nhủ, "Thế thì chẳng có vấn đề gì. Mục đích của chúng ta vẫn không thay đổi; ta chỉ cần vượt qua một đêm tăm tối của linh hồn. Và cuối cùng ánh sáng sẽ trở lại như thể một ngàn mặt trời."
Đức Phật đã phải phủ nhận sự hiện hữu của Thượng Đế. Không phải là Ngài đã chống lại Thượng Đế. Người như Ngài không thể chống lại Thượng Đế. Mà nếu Đức Phật không chấp nhận Thượng Đế, sự cổ võ của người khác về Thượng Đế cũng chẳng đáng kể. Sự quả quyết của Ngài đã vạch ra một hướng đi cho nhân loại; Ngài chính là linh hồn của chúng ta. Nhưng Ngài không chống lại Thượng Đế mà phủ nhận cái tôi, và Ngài đã cẩn thận không cho cái tôi một cơ hội để tồn tại. Nếu Thượng Đế được dùng để chống đỡ cái tôi, thà không có ThượngĐế còn hơn. Một điều chúng ta đã học được là, mặc dù là người đầu tiên đã dùng những thuật ngữ tiêu cực, Ngài phải là người có sức thu hút lạ lùng. Hàng triệu người đã theo bước chân của Ngài. Biện tài vô ngại của Ngài đã thuyết phục được người nghe. Thiền để làm gì, khổ hạnh làm gì, ly gia cắt ái làm gì, ăn ngày một bữa làm gì... để rồi cuối cùng trở thành hư không, biến thành số không? Vậy thì đừng thiền, đừng khổ hạnh còn hơn. Nhưng một điều chắc chắn là khi trở thành số không, sẽ không có người để đau khổ nữa. Nhưng có gì đặc biệ tđâu? Ngà đã thuyết phục mọi người, không phải vì triết lý của Ngài, mà vì sự tỉnh thức của Ngài, sức hấp dẫn của Ngài. Ngài đã giúp mọi người tự kinh nghiệm để họ có thể hiểu. Sự trống rỗng ấy chỉ đúng với thế gian, với cái tôi, nhưngđối với bản thể con người thì lại là một sự phong phú, đầy đặn. Có nhiều lý do để ý tưởng của Đức Phật biến mất khỏi Ấn Độ, nhưng từ ngữ tiêu cực là lý do quan trọng nhất. Những thiền sư, những học giả, những nhà huyền môn Ấn đều dùng những thuật ngữ tích cực. Nhiều ngàn năm trước Đức Phật, Ấn Độ đã quen với những ý tưởng tích cực, những từ ngữ tiêu cực không ai nghe bao giờ. Họ đã theo Ngài vì tác động mạnh mẽ của Ngài, nhưng khi Ngài nhập diệt, số người theo Ngài cũng giảm đi rồi biến mất - bởi vì tín đồ của Ngài không được thuyết phục về mặt trí thức. Họ có thể cảm nhận được chân lý qua con người của Ngài: "Nếu Ngài có thể tự tại trong sự trống rỗng như thế, nếu trở thành số không mà phúc lạc như thế, nếu không có linh hồn mà được ân sủng như thế, chúng ta sẽ sẵn sàng theo gót chân của Ngài. Ngài phải có ma lực, có bí mật nào đó." Nhưng xét về mặt triết học thì Ngài khó thuyết phục bạn lắm, bởi vì cái tôi của bạn chẳng thấy gì hấp dẫn cả. Phật Giáo phát triển mạnh ở Trung Quốc, ở Tích Lan, Miến Điện, Nhật, Hàn Quốc, Đông Dương, Nam Dương - khắp Á Châu, chỉ trừ ẤnĐộ - bởi vì Phật Giáo tại đó đã bỏ những từ ngữ tiêu cực. Họ đã dùng lại những thuật ngữ tích cực như đắc đạo, tối thượng, tuyệt đối, toàn thiện... Họ đã phải thoả hiệp. Cho nên đối với tôi, Phật Giáo đã chết theo Đức Phật. Những gì ta biết về Phật Giáo ngày nay chẳng có gì liên quan với Đức Phật cả, bởi vì Phật Giáo đã bỏ hẳn những đóng góp cơ bản nhất của Ngài, đó là cách tiếp cận tiêu cực. Tôi biết rất rõ cả hai truyền thống, tích cực và tiêu cực, nhưng tôi được may mắn hơn Đức Phật. Ngài hiểu rõ là cái tôi có thể lợi dụng những từ ngữ tích cực.
Và đó là sự đóng góp vĩ đại nhất của Ngài. Ngài đã bỏ cái tích cực mà nhấn mạnh tiêu cực, và biết rõ là nhiều người sẽ không theo Ngài, bởi vì điều đó không hấp dẫn lắm đối với cái tôi.
Niết bàn nghĩa là "tắt ngọn nến."
Cả hai truyền thống ấy đã mở ra cho chúng ta. Tôi biết rõ là phương pháp tích cực đã bị cái tôi lợi dụng. Và tôi biết chuyện gì đã xảy ra cho phương pháp tiêu cực. Sau cái chết của Đức Phật, các đệ tử của Ngài đã phải thoả hiệp; họ đã nhượng bộ chính những cái mà Đức Phật đã bác bỏ. Cho nên tôi đã cố gắng giải thích cả hai cách tiếp cận - trống rỗng đối với thế giới, và tràn đầy đối với kinh nghiệm tâm linh. Phương pháp này bao gồm cả hai: bàn về những cái phải loại bỏ, và phân tích những lợi ích sẽ đạt được. Những cách tổng hợp ấy cho đến nay không được áp dụng một cách triệt để. Mahavira, Shankara, Moses, Mohammed đều dùng cách tích cực. Đức Phật dùng cách tiêu cực. Tôi đón nhận cả hai mà không thấy có gì mâu thuẫn cả. Nếu hiểu tôi thật rõ ràng, bạn có thể ngưỡng mộ cái đẹp của cả hai truyền thống. Nhưng bạn phải tránh không để cái tôi lợi dụng, và đừng sợ hãi trước cái chết, sự tối tăm và trống rỗng. Chúng chẳng mâu thuẫn nhau. Như thể một ly nước chỉ đầy có một nửa, và bạn nói hoặc nó đầy một nửa, hoặc vơi một nửa thì cả hai đều sai, bởi vì nhìn từ một khía cạnh thì nó vơi, và từ góc cạnh khác thì nó đầy. Một nửa đời của bạn thuộc về thế tục, nửa kia là linh thiêng. Đó là một điều không may, nhưng chẳng có cách nào khác cả. Cho nên chúng ta phải sử dụng cùng một thuật ngữ cho cả thế tục và linh thiêng. Cho nên bạn phải cảnh giác. Theo thế tục sẽ mất những cái thiết yếu. Nếu đuổi theo thế tục, bạn sẽ thấy sự trống rỗng của tâm linh. Nếu nghĩ về nó trong sự linh thiêng, bạn sẽ thấy nó thật là tràn đầy.
Hết quyển "Đức Phật và Phật Pháp" - Quay về Mục lục

Ads Belove Post