Chương 6. Nhu cầu đoạt giải

Chương 6. Nhu cầu đoạt giải

Price:

Read more

Osho - Thuyền rỗng
Chương 6. Nhu cầu đoạt giải

Khi cung thủ bắn để vui đùa
Người đó trổ hết tài nghệ.
Nếu người đó bắn để được chiếc khoá đồng,
người đó đã bồn chồn.
Nếu người đó bắn để được giải vàng
Người đó thành mù
hay thấy hai mục tiêu -
Người đó ra ngoài tâm trí mình
Tài nghệ người đó không thay đổi,
nhưng giải thưởng chia rẽ người đó
Người đó chăm lo
Người đó nghĩ nhiều về đoạt giải
hơn là về bắn cung -
và nhu cầu đoạt giải
làm mòn mỏi tài nghệ người đó
Nếu tâm trí tràn đầy với mơ mộng bạn không thể thấy đúng được. Nếu trái tim tràn đầy với ham muốn bạn không thể cảm đúng được. Ham muốn, mơ mộng và hi vọng - tương lai làm náo động bạn và chia rẽ bạn. Nhưng bất kì cái gì đang đấy, nó cũng trong hiện tại cả. Ham muốn dẫn bạn tới tương lai, còn cuộc sống ở đây và bây giờ. Thực tại là ở đây và bây giờ, còn ham muốn dẫn bạn vào tương lai. Thế thì bạn không ở đây. Bạn nhìn, nhưng bạn vẫn không thấy; bạn nghe, nhưng bạn vẫn lỡ; bạn cảm, nhưng việc cảm mờ nhạt, nó không thể đi sâu, nó không thể xuyên thấu. Đó là cách thức chân lí bị lỡ.
Mọi người vẫn thường hỏi: Điều thiêng liêng ở đâu, chân lí ở đâu? Vấn đề không phải là tìm thấy điều thiêng liêng hay chân lí. Nó bao giờ cũng ở đây, nó chưa bao giờ ở bất kì đâu khác, nó không thể ở đâu khác được. Nó có đó nơi bạn hiện hữu, nhưng bạn không có đó, tâm trí bạn ở đâu đó khác. Mắt bạn tràn đầy với mơ mộng, tim bạn tràn đầy với ham muốn. Bạn đi vào tương lai, và tương lai là gì ngoài ảo tưởng? Hay bạn đi vào quá khứ, và quá khứ đã chết. Quá khứ không còn nữa và tương lai chưa tới. Giữa hai điều này là khoảnh khắc hiện tại. Khoảnh khắc đó rất ngắn ngủi, nó là nguyên tử, bạn không thể chia nó ra, nó là không thể phân chia được. Khoảnh khắc đó trôi qua trong nháy mắt. Nếu một ham muốn đi vào, bạn đã làm lỡ nó; nếu một mơ mộng có đó, bạn đang lỡ nó.
Toàn thể tôn giáo bao gồm việc không đưa bạn đến đâu đó, đem bạn về tại đây và bây giờ, đem bạn trở về cái toàn thể, trở về nơi bạn bao giờ cũng ở đấy. Nhưng cái đầu đã đi xa, rất xa xôi. Cái đầu này phải được đem lại. Cho nên Thượng đế không được tìm kiếm ở đâu đó - bởi vì bạn đang tìm kiếm ở đâu đó, đó là lí do tại sao bạn đang bỏ lỡ ngài. Ngài đã ở đây mọi thời gian chờ đợi bạn.
Có lần chuyện xảy ra là Mulla Nasruddin lảo đảo về nhà say bí tỉ, và gõ cửa nhiều lần. Lúc đó đã quá mười hai rưỡi đêm. Người vợ ra mở cửa và anh ta hỏi vợ, “Thưa bà, xin bà cho tôi biết Mulla Nasruddin sống ở đâu?”
Người vợ nói, “Thế này thì quá lắm. Anh là Mulla Nasruddin cơ mà.”
Anh ta nói, “Phải rồi, điều đó tôi biết, nhưng điều đó không trả lời cho câu hỏi của tôi. Anh ta sống ở đâu?”
Đây là tình huống ấy. Say với ham muốn, lảo đảo bước đi, bạn gõ cửa nhà mình và hỏi nhà bạn ở đâu. Thực sự, bạn hỏi bạn là ai. Đây là nhà bạn, và bạn chưa bao giờ rời xa nó, không thể nào rời xa nó được. Nó không phải là cái gì đó bên ngoài mà bạn có thể đi xa và bỏ đi; nó là ở bên trong bạn, nó là chính bản thể bạn.
Việc hỏi Thượng đế ở đâu là ngu xuẩn, bởi vì bạn không thể mất Thượng đế được. Nó là ở bên trong bạn, bản thể bên trong nhất của bạn, chính cốt lõi của bạn. Nó là sự tồn tại của bạn: bạn thở trong ngài, bạn sống trong ngài, và điều đó không thể khác được. Điều đã xảy ra là ở chỗ bạn đã trở nên say đến mức bạn không thể nhận ra khuôn mặt riêng của mình. Và chừng nào bạn còn chưa quay lại và không say nữa, bạn sẽ vẫn cứ đi tìm và kiếm và bạn sẽ cứ lỡ hoài.
Đạo, Thiền, Yoga, Sufi, Hassidi, tất cả những điều này đều là các phương pháp để đem bạn quay trở lại, để làm cho bạn tỉnh trở lại, để phá huỷ cái say của bạn. Tại sao bạn say thế? Điều gì làm cho bạn say thế? Tại sao mắt bạn buồn ngủ thế? Tại sao bạn không tỉnh táo? Căn nguyên gốc rễ của tất cả nó là gì? Căn nguyên gốc rễ là ở chỗ bạn ham muốn.
Cố hiểu bản chất của ham muốn đi.
Ham muốn là rượu cồn, ham muốn là ma tuý lớn nhất có thể có. Cần sa chẳng là cái gì, LSD chẳng là cái gì. Ham muốn là LSD lớn nhất có thể có - điều tối thượng trong ma tuý.
Bản chất của ham muốn là gì? Khi bạn ham muốn, điều gì xảy ra? Khi bạn ham muốn, bạn đang tạo ra ảo tưởng trong tâm trí; khi bạn ham muốn, bạn đã đi khỏi đây. Bây giờ bạn không ở đây, bạn vắng mặt khỏi đây, bởi vì tâm trí đang tạo ra giấc mơ. Sự vắng mặt này là sự say sưa của bạn. Hãy hiện diện!
Chính khoảnh khắc này cánh cửa thiên đường mở ra. Thậm chí không cần gõ nữa bởi vì bạn không phải ở bên ngoài thiên đường, bạn đã ở bên trong rồi. Chỉ cần tỉnh táo và nhìn quanh với con mắt không đầy ham muốn, và bạn sẽ cười vỡ bụng. Bạn sẽ cười vào toàn bộ trò đùa này, vào điều đang xảy ra. Nó giống hệt người đang mơ trong đêm.
Có lần chuyện xảy ra là một người rất rối loạn - mọi đêm của người đó đơn giản chỉ là những cơn ác mộng kéo dài. Cả đêm người đó đều là cuộc vật lộn. Nó đau đớn đến mức là người đó bao giờ cũng sợ đi ngủ và người đó bao giờ cũng sung sướng thức dậy. Và bản chất của các giấc mơ là ở chỗ khoảnh khắc người đó rơi vào giấc ngủ, dưới gầm giường, người đó bắt đầu thấy hàng triệu sư tử, rồng, hổ, cá sấu, tất cả đều tụ dưới chiếc giường bé nhỏ của người đó. Cho nên người đó đã mơ rằng mình không thể ngủ được - vào bất kì lúc nào chúng cũng sẽ tấn công.
Cả đêm của người đó chỉ là rối loạn dài, hành hạ, địa ngục. Người đó đã chữa chạy thuốc thang nhưng chẳng ích gì. Mọi thứ đều không tác dụng. Người đó đã được các nhà tâm lí, tâm thần phân tích nhưng cũng chẳng tác dụng gì. Thế rồi một hôm người đó bước ra khỏi nhà cười to.
Chẳng ai thấy người đó cười to từ nhiều năm nay. Khuôn mặt người đó đã trở thành khủng khiếp, bao giờ cũng buồn khổ, sợ sệt, hoảng hốt. Cho nên hàng xóm hỏi, “Có chuyện gì vậy? Anh cười à? Chúng tôi chưa từng thấy anh cười trong thời gian lâu thế, chúng tôi đã hoàn toàn quên mất rằng anh hay cười. Điều gì đã xảy ra cho các cơn ác mộng của anh?”
Người này nói, “Tôi bảo anh rể tôi, và anh ấy đã chữa cho tôi.”
Hàng xóm hỏi, “Anh rể anh là nhà phân tâm vĩ đại nào đó chăng? Anh ấy chữa cho anh như thế nào?
Người này nói, “Anh ấy là thợ mộc, và anh ấy đơn giản cưa bớt chân giường tôi. Bây giờ chẳng còn chỗ nào ở dưới nữa, cho nên tôi ngủ được lần đầu tiên.!”
Bạn tạo ra không gian - và ham muốn là cách thức để tạo ra không gian. Ham muốn càng lớn, càng nhiều không gian được tạo ra. Một ham muốn có thể được hoàn thành trong một năm, thế thì bạn có không gian một năm. Bạn có thể đi vào trong nó, và bạn sẽ phải gặp với nhiều loài bò sát, nhiều rồng. Không gian này do ham muốn tạo ra, bạn gọi nó là thời gian. Nếu không có ham muốn thì không cần thời gian.
Một khoảnh khắc tồn tại - thậm chí không đến hai khoảnh khắc, bởi vì cái thứ hai chỉ cần tới do ham muốn, nó không cần tới bởi sự tồn tại của bạn. Sự tồn tại được hoàn thành đầy đủ, toàn bộ, trong một khoảnh khắc.
Nếu bạn nghĩ rằng thời gian là cái gì đó bên ngoài bạn, nhớ lấy, rằng bạn lầm đấy. Thời gian không phải là cái gì đó bên ngoài bạn đâu.
Nếu con người biến mất khỏi trái đất này, có thời gian không? Cây sẽ lớn lên một cách tự động. Một phần bản chất của cây là hoa sẽ tới. Nhưng cây không mơ mộng, cây không di chuyển, nó không suy nghĩ, nó không ham muốn.
Sẽ không có thời gian, chỉ có những khoảnh khắc vô tận, nếu con người không có đó. Bạn tạo ra thời gian bởi ham muốn. Ham muốn càng lớn, càng cần nhiều thời gian.
Nhưng với các ham muốn vật chất thì không cần nhiều thời gian. Đó là lí do tại sao ở phương Tây người ta nói rằng chỉ có một kiếp sống. Tại phương Đông, chúng ta đã ham muốn về moksha. Đó là ham muốn lớn nhất có thể có - không ham muốn nào có thể lớn hơn nó. Làm sao bạn có thể có được moksha trong một kiếp sống? Một kiếp là không đủ. Bạn có thể có được cung điện, bạn có thể tổ chức một vương quốc, bạn có thể trở thành người rất giầu và quyền thế, một Hitler, một Ford, bạn có thể trở thành cái gì đó của thế giới này, nhưng moksha là ham muốn lớn tới mức một kiếp là không đủ.
Cho nên ở phương Đông chúng ta tin vào nhiều kiếp sống, tin vào tái sinh, bởi vì nhiều thời gian, nhiều kiếp sống sẽ được cần tới để hoàn thành ham muốn về moksha. Chỉ thế thì mới có hi vọng rằng ham muốn này sẽ được hoàn thành. Vấn đề không phải là liệu có nhiều kiếp sống hay không, hay chỉ có một, mà là ở chỗ tại phương Đông mọi người tin vào nhiều kiếp sống bởi vì ham muốn về moksha.
Nếu bạn chỉ có một kiếp sống, làm sao bạn có thể đạt tới moksha được? Chỉ những cái gì về vật chất mới có thể đạt tới được trong một kiếp, biến đổi tâm linh là không thể đạt tới được trong một kiếp. Ham muốn này khổng lồ đến mức phải cần tới hàng triệu kiếp sống. Đó là lí do tại sao người phương Đông sống lười biếng thế. Chẳng phải vội vàng gì bởi vì không khan hiếm thời gian. Bạn sẽ được sinh ra đi sinh ra lại cho nên tại sao phải vội vàng? Bạn có thời gian vô tận.
Cho nên nếu phương Đông lười biếng và dường như hoàn toàn không nhận biết gì về thời gian, nếu mọi sự chuyển động với một luồng chậm chạp đến thế, đấy là vì khái niệm nhiều kiếp sống. Nếu phương Tây ý thức tới thời gian đến thế, đấy là vì chỉ có một kiếp sống, và mọi thứ đều phải được đạt tới trong nó. Nếu bạn bỏ lỡ, bạn sẽ lỡ vĩnh viễn - không cơ hội thứ hai nào là có thể có cả! Bởi khan hiếm thời gian này, phương Tây đã trở nên rất căng thẳng. Biết bao nhiêu điều phải làm mà ít thời gian còn lại thế để thực hiện chúng. Chẳng bao giờ có đủ thời gian và có biết bao nhiêu là ham muốn.
Mọi người bao giờ cũng vội vàng, chạy rõ nhanh. Không ai di chuyển chậm chạp cả. Mọi người đều chạy, và cần tốc độ cao hơn. Cho nên phương Tây phát minh ra các xe cộ chạy càng nhanh hơn và chẳng bao giờ có bất kì thoả mãn nào với chúng. Phương Tây kéo dài thêm cuộc sống con người chỉ để cho bạn một chút thời gian thêm nữa để hoàn thành ham muốn của bạn.
Nhưng tại sao cần thời gian? Bạn không thể ở đây và bây giờ mà không có thời gian được hay sao? Khoảnh khắc này là không đủ sao, chỉ ngồi gần tôi, không quá khứ, không tương lai - khoảnh khắc này ở giữa, là nguyên tử, thực sự dường như không tồn tại? Nó nhỏ đến mức bạn không thể bắt giữ nó được. Nếu bạn bắt giữ nó, nó đã là quá khứ rồi. Nếu bạn nghĩ, nó là trong tương lai. Bạn có thể ở trong nó, nhưng bạn không thể bắt giữ nó. Khi bạn bắt giữ nó, nó trôi qua; khi bạn nghĩ về nó, nó không có đó.
Khi nó có đó, chỉ một điều có thể được làm - bạn có thể sống nó, có vậy thôi. Nó nhỏ đến mức bạn chỉ có thể sống trong nó, nhưng nó quan trọng đến mức nó đem cuộc sống cho bạn.
Nhớ lấy, nó cũng hệt như nguyên tử, nhỏ đến mức nó không thể thấy được. Không ai, thậm chí không nhà khoa học nào, đã từng thấy nó. Bạn chỉ có thể thấy hậu quả của nó. Người ta có khả năng làm nổ tung nó: Hiroshima và Nagasaki là những hậu quả. Chúng ta đã thấy Hiroshima bốc cháy, trên một trăm nghìn người chết - đây là hậu quả. Nhưng không ai đã thấy điều gì xảy ra trong vụ nổ nguyên tử. Không ai đã thấy nguyên tử bằng mắt mình. Không có công cụ nào có thể thấy được nó.
Thời gian là nguyên tử, khoảnh khắc này cũng là nguyên tử. Không ai có thể thấy được nó, bởi vì khoảnh khắc bạn thấy nó, nó đã trôi qua. Trong thời gian cần để thấy, nó đã trôi qua - dòng sông đã chảy đi, mũi tên đã bay đi, và không ai đã từng thấy thời gian. Bạn dùng từ thời gian, nhưng nếu ai đó đòi về định nghĩa, bạn sẽ lúng túng.
Ai đó đã hỏi thánh Augustine, “Xin định nghĩa Thượng đế. Ông ngụ ý gì khi ông dùng từ thượng đế?”
Và Augustine nói, “Điều ấy cũng giống như thời gian vậy. Ta có thể nói về nó, nhưng nếu ông hỏi về định nghĩa, ta lúng túng.”
Bạn hay hỏi mọi người, “Thời gian là gì?” Và họ sẽ nhìn vào đồng hồ và trả lời. Nhưng nếu bạn thực sự hỏi, “Thời gian là gì?” nếu bạn hỏi về định nghĩa, thế thì đồng hồ chẳng ích lợi gì.
Bạn có thể định nghĩa được thời gian không? Không ai đã thấy nó, không có cách nào để thấy nó. Nếu bạn nhìn, nó trôi qua; nếu bạn nghĩ, nó không có đó. Khi bạn không nghĩ, khi bạn không nhìn, khi bạn đơn giản hiện hữu, nó có đó. Bạn sống nó. Và thánh Augustine là phải: Thượng đế có thể được sống, nhưng không thể được thấy. Thời gian có thể được sống, nhưng không thể được thấy. Thời gian không phải là vấn đề triết lí, nó mang tính tồn tại. Thượng đế không phải là triết lí, ngài mang tính tồn tại. Mọi người đã sống ngài, nhưng nếu bạn cứ khăng khăng về định nghĩa họ sẽ im lặng, họ không thể trả lời. Và nếu bạn có thể hiện hữu trong khoảnh khắc này, mọi cánh cửa của tất cả những bí ẩn đều mở ra.
Cho nên vứt mọi ham muốn đi, gạt mọi bụi bặm khỏi mắt mình đi, thoải mái bên trong, không khao khát điều gì đó, thậm chí cả Thượng đế. Mọi khao khát đều như nhau, dù đấy là về chiếc xe lớn, hay Thượng đế, hay nhà to, cũng chẳng khác biệt gì. Khao khát là như nhau. Bạn đừng khao khát - chỉ hiện hữu. Thậm chí đừng nhìn - chỉ hiện hữu! Đừng nghĩ ngợi! Để khoảnh khắc này có đấy, và bạn trong nó, và bỗng nhiên bạn có mọi thứ - bởi vì cuộc sống có đấy. Bỗng nhiên mọi thứ bắt đầu mưa rào lên bạn, và thế thì khoảnh khắc này trở thành vĩnh hằng và thế thì không có thời gian. Nó bao giờ cũng là bây giờ. Nó chưa bao giờ kết thúc, chưa bao giờ bắt đầu. Nhưng thế thì bạn là trong nó, không phải là người ngoài. Bạn đã đi vào cái toàn thể, bạn đã nhận ra mình là ai.
Bây giờ cố hiểu lời kinh của Trang Tử về nhu cầu đoạt giải. Từ đâu nhu cầu này nảy sinh ra - nhu cầu đoạt giải? Mọi người đều tìm kiếm thắng lợi, tìm kiếm đoạt giải, nhưng tại sao nhu cầu đoạt giải này nảy sinh?
Bạn không trong bất kì cách thức nhận biết nào rằng bạn đã thắng lợi rồi, rằng cuộc sống đã xảy ra cho bạn rồi. Bạn đã là người đoạt giải và không còn cái gì có thể nữa, tất cả những cái có thể xảy ra thì đã xảy ra cho bạn rồi. Bạn đã là hoàng đế rồi, và không còn vương quốc nào khác để đoạt lấy nữa. Nhưng bạn vẫn chưa nhận ra nó, bạn vẫn chưa biết tới cái đẹp của cuộc sống đã xảy ra ra cho bạn. Bạn vẫn chưa biết đến cái im lặng, yên bình, cái phúc lạc đã có đó.
Và bởi vì bạn không nhận biết về vương quốc bên trong, nên bạn bao giờ cũng cảm thấy rằng cần cái gì đó thêm nữa, thắng lợi nào đó, để chứng tỏ rằng bạn không phải là kẻ ăn xin.
Có lần, Alexander Đại Đế tới Ấn Độ - để chiếm đoạt, tất nhiên. Nếu bạn không cần chiếm đoạt, bạn sẽ chẳng đi đâu cả.. Sao phải bận tâm? Athens đẹp thế, chẳng cần phải bận tâm làm cuộc hành trình dài thế.
Trên đường ông ta nghe nói rằng bên bờ sông một nhà huyền môn đang sống, Diogenes. Ông ta đã nghe nhiều câu chuyện về ông này. Trong những ngày đó, đặc biệt ở Athens, chỉ có hai cái tên được nhắc tới - một là Alexander, và cái tên kia là Diogenes. Họ là hai điều đối lập, hai cực. Alexander là một hoàng đế, đang cố gắng tạo ra một vương quốc trải rộng từ đầu này sang đầu kia trái đất. Ông ta muốn chiếm lĩnh toàn bộ thế giới; ông ta là kẻ chinh phục, con người tìm kiếm thắng lợi.
Còn Diogenes thì đích xác đối lập lại. Ông ấy sống trần trụi, không sở hữu một thứ gì. Ban đầu ông ấy còn có một bình bát ăn xin để uống nước, hay đôi khi đi xin thức ăn. Thế rồi một hôm ông ấy thấy con chó uống nước từ dòng sông và lập tức ông ấy vứt bình bát đi. Ông ấy nói, “Nếu chó uống được nước mà chẳng cần gì, sao ta không thế được? Chó thông minh đến mức chúng có thể uống nước chẳng cần bình bát. Ta phải rất ngu si mang chiếc bát này, nó là gánh nặng.”
Ông ấy lấy con chó đó làm thầy mình và mời con chó đó cùng ở với mình bởi vì nó thông minh thế. Con chó đó đã chứng tỏ cho ông ấy rằng bình bát của ông ấy là gánh nặng không cần thiết - ông ấy đã không nhận biết. Và từ đó con chó đó còn lại với ông ấy. Họ quen ngủ cùng nhau, ăn cùng nhau. Con chó là người bạn đồng hành duy nhất của ông ấy.
Ai đó hỏi Diogenes, “Sao ông cứ sống cùng con chó thế?”
Ông ta nói, “Nó còn thông minh hơn cái gọi là con người. Tôi không thông minh đến thế trước khi tôi gặp nó. Nhìn nó, quan sát nó đã làm cho tôi tỉnh táo hơn. Nó sống tại đây và bây giờ, chẳng bận tâm bởi cái gì cả, không sở hữu cái gì. Và nó hạnh phúc đến mức không có gì thì nó lại có mọi thứ. Tôi còn chưa được bằng lòng đến như vậy, những điều khó chịu nào đó vẫn còn trong tôi. Khi tôi đã trở thành giống như nó, thế thì tôi sẽ đạt tới mục tiêu.”
Alexander đã nghe nói về Diogenes, phúc lạc cực lạc của ông ấy, cái im lặng của ông ấy, đôi mắt tựa gương soi của ông ấy, giống như bầu trời xanh không gợn mây. Và con người này sống trần trụi, ông ấy thậm chí không cần quần áo. Thế rồi ai đó nói, “Ông ấy sống gần đây trên bờ sông, và chúng ta sẽ đi qua, chúng ta không ở xa lắm…” Alexander muốn gặp ông ấy, cho nên ông ta tới.
Hôm đó là buổi sáng, sáng mùa đông, và Diogenes đang tắm nắng, nằm dài trên cát trần trụi, tận hưởng buổi sáng, mặt trời mưa rào lên ông ấy, mọi thứ đẹp thế, im lặng, dòng sông tuôn chảy bên cạnh…
Alexander tự hỏi phải nói gì đây. Một người như Alexander không thể nghĩ được ngoại trừ về đồ vật và sở hữu. Cho nên ông ta nhìn vào Diogenes, và nói, “Ta là Alexander Đại đế. Nếu ngươi cần điều gì, bảo ta. Ta có thể giúp nhiều và ta muốn giúp ông.”
Diogenes cười to và nói, “Ta không cần gì cả. Chỉ xin ông đứng dẹp sang một bên một chút, ông chắn mặt trời của ta. Đó là tất cả những gì ông có thể làm cho ta. Nhớ lấy, đừng chắn mặt trời của bất kì ai, đó là tất cả những gì ông có thể làm. Đừng đứng trên con đường của ta, và ông chẳng cần làm gì khác.”
Alexander nhìn vào người này. Ông ấy phải đã cảm thấy giống như kẻ ăn xin đứng trước mình: Ông ấy chẳng cần gì cả, ta cần cả thế giới, và thậm chí thế thì ta vẫn sẽ không thoả mãn, thậm chí thế giới này cũng không đủ. Alexander nói, “Ta sung sướng được gặp ông. Ta chưa bao giờ gặp một người mãn nguyện như vậy.”
Diogen nói, “Không có vấn đề gì! Nếu ông muốn được mãn nguyện như ta, lại đây và nằm xuống cạnh ta, tắm nắng. Quên tương lai đi, và vứt bỏ quá khứ. Không ai cản trở ông.”
Alexander cười to, tiếng cười hời hợt tất nhiên, và nói, “Ông phải đấy - nhưng thời gian còn chưa chín muồi. Một ngày nào đó ta sẽ thảnh thơi như ông.”
Diogenes đáp, “Thế thì cái một ngày nào đó ấy sẽ chẳng bao giờ tới đâu. Còn cái gì khác nữa ông cần phải làm để thảnh thơi? Nếu ta, một kẻ ăn xin, có thể thảnh thơi được, cái gì khác nữa còn cần tới? Tại sao có cuộc vật lộn này, nỗ lực này, những cuộc chiến tranh này, chinh phục này, tại sao điều này cần chiếm đoạt?”
Alexander nói, “Khi ta đã trở nên thắng lợi, khi ta đã chinh phục cả thế giới, ta sẽ tới và học ông và ngồi cạnh ông tại đây trên bờ sông này.”
Diogenes nói, “Nhưng nếu ta có thể nằm ở đây và thảnh thơi ngay bây giờ, sao phải đợi tới tương lai? Và tại sao phải đi khắp thế giới tạo ra khổ cho bản thân mình và người khác? Tại sao phải đợi cho tới lúc cuối của cuộc đời rồi mới tới chỗ ta và thảnh thơi ở đây? Ta đã thảnh thơi rồi.”
Nhu cầu chiếm đoạt là gì? Bạn phải chứng tỏ bản thân mình. Bạn cảm thấy kém cỏi bên trong thế, bạn cảm thấy vắng lặng và trống rỗng thế, bạn cảm thấy bên trong không có ai đến mức nhu cầu chứng minh nảy sinh. Bạn phải chứng tỏ rằng bạn là ai đó, và chừng nào bạn còn chưa chứng tỏ được điều đó, làm sao bạn có thể thoải mái được?
Có hai cách thức, và cố gắng hiểu rằng đây là những cách thức duy nhất. Một cách là đi ra ngoài và chứng tỏ rằng bạn là ai đó; cách kia là đi vào trong và hiểu rằng bạn là không ai cả. Nếu bạn đi ra ngoài, bạn sẽ không bao giờ có thể chứng minh được rằng bạn là ai đó cả. Nhu cầu sẽ vẫn còn đấy; thay vì thế, nó có thể tăng lên. Bạn càng chứng tỏ, bạn lại càng cảm thấy nhiều tính ăn xin hơn, như Alexander đứng trước Diogenes. Việc chứng tỏ cho người khác rằng bạn là ai đó không làm cho bạn trở thành ai đó. Sâu bên dưới cái không ai cả vẫn còn. Nó làm nhói tim bạn, và tại đó bạn biết rằng bạn là không ai cả.
Vương quốc chẳng ích gì, bởi vì vương quốc sẽ không đi vào trong và lấp đầy lỗ hổng bên trong bạn. Chẳng cái gì có thể đi vào trong được. Cái bên ngoài vẫn còn là bên ngoài; cái bên trong vẫn còn là bên trong. Không có gặp gỡ. Bạn có thể có tất cả của cải trên thế gian nhưng làm sao bạn có thể đem nó vào trong và lấp đầy cái trống rỗng này? Không, thậm chí khi bạn có tất cả của cải, bạn vẫn cứ cảm thấy trống rỗng - trống rỗng hơn, bởi vì bây giờ tương phản sẽ có đó. Đó là lí do tại sao Phật rời bỏ cung điện: thấy tất cả của cải mà vẫn cảm thấy trống rỗng bên trong, ông ấy cảm thấy rằng tất cả đều vô dụng.
Cách khác là đi vào trong - không cố gắng để gạt bỏ cái không ai cả này, mà để hiểu nó. Đây là điều Trang Tử đang nói: Trở thành thuyền rỗng, chỉ đi vào trong và hiểu rằng bạn là không ai cả. Khoảnh khắc bạn hiểu rằng bạn là không ai cả, bạn bùng nổ trong chiều hướng mới, bởi vì khi một người hiểu mình là không ai cả, người đó cũng hiểu mình là tất cả.
Bạn không phải là ai đó, bởi vì bạn là tất cả. Làm sao tất cả có thể là ai đó được? Ai đó bao giờ cũng là một phần. Thượng đế không thể là ai đó được bởi vì ngài là tất cả, ngài không thể sở hữu cái gì bởi vì ngài là cái toàn thể. Chỉ kẻ ăn xin mới sở hữu, bởi vì việc sở hữu có giới hạn, chúng không thể trở thành vô giới hạn được. Tính chất ai đó có biên giới, tính ai đó không thể không có biên giới được, nó không thể là vô hạn được. Tính không ai cả là vô hạn, giống như tính tất cả.
Thực sự, cả hai cách đều như nhau. Nếu bạn đi ra ngoài, bạn sẽ cảm thấy bản thể bên trong của mình là không ai cả. Nếu bạn đi vào trong, bạn sẽ cảm thấy cùng tính không ai cả như tất cả. Đó là lí do tại sao Phật nói rằng shunya, cái trống rỗng tuyệt đối, là Brahman. Là không ai cả tức là hiểu rằng bạn là tất cả. Việc hiểu rằng bạn là ai đó tức là hiểu rằng bạn không phải là tất cả. Và không cái gì kém hơn điều đó có tác dụng.
Cho nên cách khác để đi vào trong, không tranh đấu với cái không ai cả này, không cố gắng trút đầy cái trống rỗng này, là hiểu nó và trở thành một với nó. Là thuyền rỗng và thế thì tất cả biển cả đều là của bạn. Thế thì bạn có thể đi vào nơi chưa lập bản đồ, thế thì không có cản trở nào cho con thuyền này, không ai có thể phong toả con đường của nó. Không cần bản đồ nào. Con thuyền này sẽ đi vào trong cái vô hạn và bây giờ mọi nơi đều là mục tiêu. Nhưng người ta phải đi vào trong.
Nhu cầu để thắng là để chứng tỏ rằng bạn là ai đó, và cách duy nhất chúng ta biết để chứng minh là chứng minh trong mắt người khác, bởi vì con mắt của họ phản xạ.
Nhìn vào mắt người khác Alexander có thể thấy rằng mình là ai đó; đứng gần Diogenes, ông ta cảm thấy mình là không ai cả. Diogenes sẽ không thừa nhận cái vĩ đại bên ngoài. Trước ông ấy, Alexander phải đã cảm thấy ngu xuẩn. Người ta nói rằng ông ấy đã bảo Diogenes rằng nếu Thượng đế ban cho ông ấy lần sinh nữa, ông ấy muốn được là Diogenes chứ không là Alexander - lần sau.
Tâm trí bao giờ cũng đi về tương lai! Chính lần này ông ấy có thể trở thành Diogenes, không có rào chắn, không ai ngăn cản ông ta cả. Có hàng triệu rào chắn để trở thành Alexander Đại Đế bởi vì mọi người sẽ cố gắng ngăn cản bạn. Khi bạn muốn chứng tỏ rằng bạn là ai đó, bạn động chạm tới bản ngã của mọi người, và họ tất cả sẽ cố gắng để chứng tỏ rằng bạn là cái không. Bạn nghĩ mình là gì, là ai? Bạn phải chứng tỏ điều đó, và đấy là cách rất vất vả, rất bạo hành, rất huỷ diệt.
Không có rào chắn nào để là Diogenes. Alexander cảm thấy cái đẹp, cái duyên dáng của con người này. Ông ta nói, “Nếu Thượng đế cho ta lần sinh nữa, ta sẽ muốn là Diogenes - nhưng lần sau.”
Diogenes cười và nói, “Nếu ta được hỏi, chỉ một điều này là chắc chắn: ta sẽ không bao giờ muốn là Alexander Đại Đế!”
Trong con mắt của Diogenes, Alexander có thể đã thấy việc không thừa nhận thắng lợi của ông ấy. Bỗng nhiên ông ấy phải đã cảm thấy một cảm giác chìm lỉm, cảm giác tựa người chết rằng mình là không ai cả. Ông ấy phải đã trốn chạy, chạy khỏi Diogenes nhanh nhất có thể được. Ông này là người nguy hiểm.
Tương truyền rằng Diogenes ám ảnh Alexander cả đời. Dù ông ấy đi đâu thì Diogenes cũng cùng với ông ấy như cái bóng. Ban đêm, trong giấc mơ, Diogenes cũng có đó cười to. Và câu chuyện hay này còn kể rằng họ chết vào cùng ngày.
Họ chết cùng ngày, nhưng Diogenes chắc phải đợi thêm một chút để cho ông ấy có thể đi theo Alexander. Trong khi vượt qua con sông phân chia thế giới này với thế giới kia, Alexander gặp lại Diogenes, và lần gặp thứ hai này còn nguy hiểm hơn lần trước. Alexander đang ở trước bởi vì ông ấy đã chết vài phút trước đó - Diogenes đã đợi để theo ông ta. Alexander, nghe thấy tiếng ai đó đằng sau mình trên con sông, nhìn lại và thấy Diogenes ở đó đang cười. Ông ấy phải đã trở nên hoàn toàn chết điếng, bởi vì lần này mọi sự đã hoàn toàn khác. Ông ấy cũng trần trụi như Diogenes, bởi vì bạn không thể đem quần áo sang thế giới bên kia. Lần này ông ấy hoàn toàn là không ai cả, không hoàng đế.
Nhưng Diogenes vẫn như cũ. Tất cả những cái gì mà cái chết có thể lấy đi, ông ấy đã từ bỏ rồi, cho nên cái chết không thể lấy được gì ở ông ấy cả. Ông ấy hệt như trên bờ sông nọ; tại đây ông ấy đang ở trên con sông này, cũng hệt như trước đây.
Cho nên để hờ hững, để cho mình dũng cảm và niềm tin, Alexander cũng cười to và nói, “Hay lắm, tuyệt vời! Lần nữa lại có gặp gỡ giữa hoàng đế vĩ đại và kẻ ăn xin vĩ đại.”
Diogenes đáp, “Ông hoàn toàn đúng, chỉ có chút ít lẫn lộn về ai là hoàng đế và ai là kẻ ăn xin. Đây là gặp gỡ của hoàng đế vĩ đại nhất và kẻ ăn xin vĩ đại nhất, nhưng hoàng đế ở sau và kẻ ăn xin ở phía trước. Và tôi bảo ông, Alexander, cũng hệt như trong cuộc gặp gỡ đầu tiên. Ông đã là kẻ ăn xin, nhưng ông nghĩ tôi là kẻ ăn xin. Bây giờ ông nhìn vào bản thân mình xem! Ông được gì bởi việc chiếm được cả thế giới?”
Nhu cầu chiếm đoạt là gì? Bạn muốn chứng tỏ cái gì? Trong con mắt riêng của mình, bạn biết rằng bạn là một thực thể không, bạn là cái không, và cái không này trở thành nỗi đau trong trái tim. Bạn đau khổ bởi vì bạn là cái không - cho nên bạn phải chứng tỏ bản thân mình trong con mắt người khác. Bạn phải tạo ra dư luận trong tâm trí người khác rằng bạn là ai đó, rằng bạn không phải là cái không. Và nhìn vào mắt họ bạn sẽ thu thập các dư luận, dư luận công chúng, và qua dư luận công chúng bạn sẽ tạo ra một hình ảnh. Hình ảnh này là bản ngã, nó không phải là cái ta thực của bạn. Nó là niềm vinh quang được phản xạ, không phải của riêng bạn - nó được thu thập từ con mắt người khác.
Một người như Alexander bao giờ cũng sẽ sợ hãi người khác bởi vì họ có thể lấy lại bất kì cái gì họ đã cho. Chính khách bao giờ cũng sợ công chúng bởi vì họ có thể lấy lại bất kì cái gì họ đã trao. Cái ta của người đó chỉ là cái ta vay mượn. Nếu bạn sợ người khác, bạn là nô lệ, bạn không phải là người chủ.
Một Diogenes không sợ người khác. Bạn không thể lấy bất kì cái gì từ người đó bởi vì người đó không vay mượn cái gì cả. Người đó có cái ta, bạn chỉ có bản ngã. Đây là khác biệt giữa cái ta và bản ngã - bản ngã là cái ta vay mượn.
Bản ngã phụ thuộc vào người khác, vào ý kiến công chúng, cái ta là bản thể chân thực của bạn. Nó không phải là vay mượn, nó là của bạn. Không ai có thể lấy nó lại.
Nhìn đi, Trang Tử có những dòng tuyệt vời để nói:
Khi cung thủ bắn để vui đùa
Người đó trổ hết tài nghệ.
Khi cung thủ bắn để vui đùa
Người đó trổ hết tài nghệ.
Khi bạn đang chơi, bạn không cố gắng chứng tỏ rằng mình là ai đó. Bạn thoải mái, như ở nhà. Trong khi chơi, chỉ để đùa, bạn không lo nghĩ về người khác nghĩ về bạn như thế nào.
Bạn đã bao giờ thấy người bố trong trận đánh nhau giả với đứa con mình chưa? Anh ta sẽ bị thua. Anh ta sẽ nằm dài ra và đứa trẻ sẽ ngồi lên trên ngực anh ta và cười, và nói, “Con là người thắng!” - và người bố sẽ hạnh phúc. Đấy chỉ là trò đùa. Trong trò đùa bạn có thể bị đánh bại và hạnh phúc. Chơi đùa là không nghiêm chỉnh, nó không liên quan gì tới bản ngã. Bản ngã bao giờ cũng nghiêm chỉnh.
Cho nên nhớ lấy, nếu bạn nghiêm chỉnh, bạn bao giờ cũng sẽ trong rối loạn, rối loạn bên trong. Thánh nhân bao giờ cũng trong chơi đùa, dường như là việc bắn chỉ để đùa về nó. Ông ta không quan tâm tới việc bắn như một mục tiêu đặc biệt, ông ta chỉ tận hưởng bản thân mình.
Một triết gia người Đức, Eugene Herrigel, tới Nhật bản để học về thiền. Và ở Nhật người ta dùng đủ mọi kiểu lí do để dạy về thiền - cung thuật là một trong chúng. Herrigel là một cung thủ hoàn hảo; ông ấy bắn bách phát bách trúng, ông ấy chưa bao giờ trượt mục tiêu. Cho nên ông ấy tới một bậc thầy để học thiền qua việc bắn cung, bởi vì ông ấy đã có tài năng về nó.
Ba năm học tập trôi qua và Herrigel bắt đầu cảm thấy rằng điều đó chỉ là phí thời gian. Thầy cứ nhấn mạnh rằng ông ấy không nên bắn cung. Ông ấy bảo Herrigel, “Để cho mũi tên tự nó rời đi. Anh không nên có đó khi anh nhắm bắn, để cho mũi tên tự nó nhắm vào đích.”
Đây là điều ngớ ngẩn. Đặc biệt đối với người phương Tây, điều đó hoàn toàn là ngớ ngẩn: Thầy ngụ ý gì, để cho mũi tên tự nó bắn đi sao? Làm sao mũi tên tự nó bắn đi được? Ta phải làm cái gì chứ. Và ông ấy tiếp tục bắn, chưa bao giờ trượt mục tiêu.
Nhưng thầy nói, “Mục tiêu không phải là mục tiêu chút nào. Anh mới là mục tiêu. Ta không nhìn vào việc liệu anh có bắn trúng mục tiêu hay không. Đó là kĩ năng máy móc. Ta đang nhìn vào anh, để xem liệu anh có đó hay không. Bắn để vui đùa thôi! Thích thú nó, đừng cố gắng chứng minh rằng anh chưa bao giờ trượt mục tiêu. Đừng cố gắng chứng minh bản ngã. Nó đã có đó, anh có đó, không cần phải chứng minh nó. Thoải mái và cho phép mũi tên tự nó bắn đi.”
Herrigel không thể hiểu được. Ông ấy cố gắng và cố gắng mãi và nói đi nói lại mãi, “Nếu mục tiêu của mình là bách phát bách trúng, tại sao thầy không cho mình lời xác nhận?”
Tâm trí phương Tây bao giờ cũng quan tâm tới kết quả cuối cùng còn tâm trí phương Đông bao giờ cũng quan tâm tới cái bắt đầu, không vào cái kết thúc. Với tâm trí phương Đông thì cái kết thúc là vô dụng; cái quan trọng là chỗ bắt đầu, ở cung thủ, không ở mục tiêu. Cho nên thầy nói, “Không!”
Thế rồi, hoàn toàn thất vọng, Herrigel xin phép ra đi. Ông ấy nói, “Thế thì tôi sẽ phải ra đi. Ba năm dài thế chẳng được gì cả. Thầy cứ nói không mãi… rằng tôi vẫn như cũ.”
Cái ngày ông ấy ra đi, ông ấy tới chào tạm biệt thầy và thấy thầy đang dạy cho các đệ tử khác. Sáng hôm đó Herrigel chẳng còn quan tâm; ông ấy sắp ra đi, ông ấy đã vứt bỏ toàn bộ dự án. Cho nên ông ấy chỉ chờ đợi ở đây để thầy kết thúc để cho ông ấy có thể chào tạm biệt và ra đi.
Ngồi trên bãi cỏ ông ấy nhìn vào thầy lần đầu tiên. Lần đầu tiên trong ba năm ông ấy đã nhìn vào thầy. Thực sự, thầy chẳng làm gì cả; cứ dường như mũi tên tự nó bắn đi. Thầy không nghiêm chỉnh, thầy đang chơi, thầy đang đùa. Không có ai quan tâm tới việc trúng mục tiêu cả.
Bản ngã bao giờ cũng là hướng mục tiêu. Vui đùa không có mục tiêu cần đạt tới, vui đùa là ở chỗ bắt đầu khi mũi tên rời khỏi cánh cung. Liệu nó có bắn đi hay không là điều ngẫu nhiên, liệu nó có đạt tới mục tiêu hay không cũng không liên quan; liệu nó bắn trúng hay trượt mục tiêu cũng không phải là vấn đề. Nhưng khi mũi tên rời khỏi cánh cung, cung thủ nên vui đùa, thích thú, không nghiêm chỉnh. Khi bạn nghiêm chỉnh, bạn căng thẳng, khi bạn không nghiêm chỉnh, bạn thảnh thơi, và khi bạn thảnh thơi, bạn hiện hữu. Khi bạn căng thẳng, bản ngã hiện hữu; bạn bị che phủ.
Lần đầu tiên Herrigel nhìn… bởi vì bây giờ ông ấy không quan tâm. Bây giờ đấy không phải là việc của ông ấy, ông ấy đã loại bỏ toàn bộ vấn đề. Ông ấy sắp bỏ đi cho nên không có vấn đề về nghiêm chỉnh. Ông ấy đã chấp nhận thất bại của mình, chẳng có gì để phải chứng minh cả. Ông ấy nhìn, và lần đầu tiên mắt ông ấy không bị ám ảnh bởi mục tiêu.
Ông ấy nhìn vào thầy và dường như là mũi tên tự nó bắn đi từ cái cung. Thầy chỉ trao cho nó năng lượng, thầy không bắn. Thầy không làm gì cả, toàn bộ vấn đề là vô nỗ lực. Herrigel nhìn, và lần đầu tiên ông ấy đã hiểu.
Như là mê say ông ấy lại gần thầy, cầm lấy chiếc cung và kéo mũi tên. Thầy nói, “Anh đã đạt tới. Đây là điều ta vẫn bảo anh làm trong suốt ba năm qua.” Mũi tên vẫn còn chưa rời khỏi cung mà thầy đã nói, “Thôi. Mục tiêu đã đạt được rồi.” Bây giờ ông ấy đã vui đùa, ông ấy không nghiêm chỉnh, ông ấy không hướng mục tiêu.
Đây là khác biệt. Vui đùa là không hướng mục tiêu; nó không có mục tiêu. Vui đùa bản thân nó là mục tiêu, giá trị thực chất, không có gì tồn tại ngoài nó. Bạn hưởng thú nó, có thế thôi. Không có mục đích cho nó, bạn chơi với nó, có thế thôi.
Khi cung thủ bắn để vui đùa
Người đó trổ hết tài nghệ.
Khi bạn bắn để vui đùa, bạn không trong xung đột. Không có hai, không có căng thẳng; tâm trí bạn không đi đâu cả. Tâm trí bạn không di chuyển chút nào - cho nên bạn là toàn thể. Thế thì kĩ năng có đó.
Một câu chuyện được kể về một thiền sư, một hoạ sĩ, người vẽ một ngôi đền mới, một cái chùa. Đã thành thói quen là ông ấy phải có một đệ tử ruột bên cạnh. Ông ấy hay vẽ bức tranh, nhìn vào đệ tử và hỏi, “Ông nghĩ sao?”
Và đệ tử này sẽ nói, “Không xứng với thầy.” Thế là ông ấy sẽ vứt nó đi.
Điều này xảy ra chín mươi chín lần. Ba tháng trôi qua và nhà vua cứ hỏi mãi khi nào thì bức tranh sẽ hoàn tất để cho việc xây dựng có thể bắt đầu. Và thế rồi một hôm chuyện xảy ra là trong khi thầy đang vẽ bức tranh thì mực hết, cho nên ông ấy bảo đệ tử ra ngoài lấy thêm mực.
Khi đệ tử đi ra ngoài, và khi anh ta quay lại anh ta nhìn và nói, “Cái gì thế này? Thầy đã vẽ xong nó! Nhưng sao thầy không thể nào làm được điều đó trong ba tháng này?”
Thầy nói, “Đấy là bởi vì ông. Ông cứ ngồi cạnh ta và ta bị phân chia. Ông cứ nhìn vào ta và ta bị hướng mục tiêu, việc đấy không phải là vui đùa nữa. Khi ông không có đó, ta thảnh thơi. Ta cảm thấy rằng không ai nhìn vào và ta trở thành toàn thể. Bức tranh này ta đâu có làm ra, nó tự đến đấy thôi. Trong ba tháng nó đã không tới bởi vì ta là người làm.”
Khi cung thủ bắn để vui đùa
Người đó trổ hết tài nghệ.
...Bởi vì toàn bộ bản thể người đó là có sẵn. Và khi toàn bộ bản thể có sẵn, bạn có cái đẹp, cái duyên dáng, phẩm chất hoàn toàn khác của bản thể. Khi bạn bị phân chia, nghiêm chỉnh, căng thẳng, bạn là xấu. Bạn có thể thành công, nhưng thành công của bạn sẽ là xấu. Bạn có thể chứng tỏ rằng bạn là ai đó nhưng bạn chẳng chứng minh được gì, bạn đơn giản tạo ra hình ảnh giả. Nhưng khi bạn là toàn bộ, thảnh thơi, toàn thể, chẳng ai có thể biết về bạn, nhưng bạn hiện hữu.
Và cái toàn thể này là phúc lành, là cái đẹp, là ân huệ, điều xảy ra cho tâm trí thiền, điều xảy ra trong thiền.
Thiền có nghĩa là tính toàn thể.
Cho nên nhớ lấy, thiền phải là vui đùa, nó phải không giống như làm việc. Bạn không nên làm nó giống như người tôn giáo, bạn nên làm nó như kẻ liều lĩnh. Cứ chơi, làm nó để vui đùa, giống như lực sĩ chứ không phải doanh nhân! Nó phải là vui đùa, và thế thì tất cả các kĩ năng sẽ có sẵn, thế thì nó sẽ tự nở hoa. Bạn sẽ không được cần đến nữa. Không nỗ lực nào là cần cả. Đơn giản toàn bộ bản thể bạn phải có sẵn, toàn thể năng lượng của bạn phải có sẵn. Thế thì việc nở hoa tự nó tới.
Nếu người đó bắn để được chiếc khoá đồng,
người đó đã bồn chồn.
Nếu người đó đang trong thi thố chỉ để được chiếc khoá đồng, nếu cái gì đó cần đạt tới, một kết quả nào đó, người đó đã bồn chồn, sợ sệt. Nỗi sợ đi vào: “Liệu mình sẽ thành công hay không?” Người đó bị phân chia. Một phần tâm trí nói, “Có thể mình sẽ thành công”; phần khác lại nói, “Có thể mình sẽ thất bại.” Bây giờ cái toàn thể trong tài nghệ của người đó là không có sẵn, bây giờ người đó nửa nọ nửa kia. Và bất kì khi nào bạn bị phân chia, toàn thể bản thể bạn trở thành xấu và ốm yếu. Bạn bị bệnh.
Nếu người đó bắn để được giải vàng
Người đó thành mù
hay thấy hai mục tiêu -
Người đó ra ngoài tâm trí mình
Ra chợ và xem mọi người đang theo đuổi vàng. Họ thành mù. Vàng làm con người mù quáng không cái gì khác làm được, vàng bịt mắt hoàn toàn. Khi bạn quá lo âu về thành công, quá lo âu về kết quả, quá tham vọng, khi bạn quá lo âu về huy chương vàng, thế thì bạn mù quáng và bạn bắt đầu thấy hai mục tiêu. Bạn quá say nên bạn thấy thành gấp đôi.
Nasruddin đang nói với con mình trong quán rượu. Anh ta nói, “Con bao giờ cũng phải nhớ khi nào thì dừng việc uống rượu. Rượu là tốt, nhưng người ta cần biết khi nào thì dừng lại. Và bố đang bảo con qua kinh nghiệm của bố. Con nhìn vào góc kia - khi bốn người đang ngồi ở cái bàn kia bắt đầu trông như tám người, dừng lại.”
Đứa trẻ nói, “Nhưng bố ơi, con chỉ thấy có hai người đang ngồi đó thôi.”
Khi tâm trí bị say, cái nhìn thành gấp đôi. Và vàng làm bạn thành vô ý thức, bị say. Bây giờ có hai mục tiêu và bạn đang vội vã để đạt tới chúng đến mức bạn bồn chồn, run rẩy bên trong.
Đây là trạng thái Trang Tử ngụ ý khi ông ấy nói:
...Người đó ra ngoài tâm trí mình
Mọi người đều ở bên ngoài tâm trí mình. Không chỉ người điên là người ra ngoài tâm trí mình đâu, bạn cũng ra ngoài tâm trí mình đấy. Khác biệt chỉ là ở mức độ, không ở phẩm chất, thêm một chút ít nữa và bất kì khoảnh khắc nào bạn cũng có thể vượt qua đường biên. Cứ dường như là bạn đang ở chín mươi chín độ rồi. Một trăm độ và bạn sôi, bạn đã vượt qua ngưỡng. Khác biệt giữa những người trong nhà thương điên và những người ở bên ngoài chỉ là ở số lượng, không ở chất lượng. Mọi người đều ở ngoài tâm trí mình, bởi vì mọi người đều theo đuổi kết quả, mục tiêu, mục đích. Cái gì đó cần phải đạt tới. Thế thì bồn chồn tới, run rẩy bên trong tới, thế thì bạn không thể tĩnh lặng bên trong được. Và khi bạn run rẩy bên trong, mục tiêu trở thành hai, hay thậm chí thành bốn hay tám - và thế thì không thể nào trở thành cung thủ được.
Cung thủ hoàn hảo bao giờ cũng là cung thủ có vui đùa.
Con người hoàn hảo sống vui vẻ, như chơi đùa.
Nhìn cuộc sống của Krishna mà xem. Nếu như Trang Tử biết tới ông ấy, điều đó chắc là tuyệt vời lắm. Cuộc sống của Krishna là vui đùa. Phật, Mahavira, Jesus, cách này cách khác trong đó có chút ít nghiêm chỉnh, dường như cái gì đó cần phải đạt tới - moksha, niết bàn, vô ham muốn. Nhưng Krishna thì hoàn toàn vô mục đích: người thổi sáo chỉ sống cho vui đùa, nhảy múa với con gái và thích thú, ca hát. Với ông ấy chẳng có đâu đi. Mọi thứ đều ở đây, cho nên tại sao phải bận tâm về kết quả? Mọi thứ đều sẵn có ngay bây giờ, tại sao không tận hưởng nó?
Krishna là người hoàn hảo nếu vui đùa là dấu hiệu cho con người hoàn hảo. Tại Ấn Độ, chúng ta chưa bao giờ gọi cuộc sống của Krishna là charitra, tính cách, chúng ta gọi nó là leela của Krishna, trò chơi của ông ấy. Đấy không phải là căn cước, đấy không phải là mục đích, nó hoàn toàn vô mục đích.
Điều đó cũng hệt như trẻ nhỏ. Bạn không thể hỏi, “Cháu đang làm gì thế?” Bạn không thể hỏi, “Ý nghĩa của nó là gì?” Nó đang tận hưởng bản thân mình chỉ đuổi theo bướm. Nó sẽ đạt được gì qua việc chỉ nhảy dưới mặt trời? Nỗ lực này dẫn nó tới đâu? Chẳng tới đâu cả! Nó không định đi đâu. Chúng ta gọi nó là ngây thơ và chúng ta coi mình là chín chắn, nhưng tôi bảo bạn rằng khi bạn thực sự chín chắn, bạn sẽ lại trở thành như trẻ thơ. Thế thì cuộc sống của bạn sẽ lại trở thành vui đùa. Bạn sẽ tận hưởng nó, mọi mảnh của nó, bạn sẽ không nghiêm chỉnh. Tiếng cười sâu sắc sẽ lan ra tất cả cuộc sống bạn. Nó sẽ giống với điệu vũ nhiều hơn và ít giống như kinh doanh; nó sẽ giống như ca hát nhiều hơn, âm vang trong buồng tắm, không giống như tính toán trong văn phòng. Nó sẽ không là toán học, nó sẽ chỉ là tận hưởng.
Tài nghệ người đó không thay đổi,
nhưng giải thưởng chia rẽ người đó
Người đó chăm lo
Người đó nghĩ nhiều về đoạt giải
hơn là về việc bắn cung -
và nhu cầu đoạt giải
làm mòn mỏi tài nghệ người đó
Nếu bạn cảm thấy bất lực thế, không có khả năng thế, vô ích thế, đấy là vì bạn. Không ai khác làm mòn mỏi sức mạnh của bạn cả. Bạn có nguồn sức mạnh vô hạn, không bao giờ kết thúc, nhưng bạn trông mòn mỏi, dường như bất kì lúc nào bạn cũng sắp sụp đổ không còn lại năng lượng nào.
Tất cả năng lượng này đi đâu? Bạn đang tạo ra xung đột bên trong bản thân mình mặc dầu tài nghệ bạn thì vẫn thế.
Tài nghệ người đó không thay đổi,
nhưng giải thưởng chia rẽ người đó
Người đó chăm lo.
Tôi đã nghe một câu chuyện. Chuyện xảy ra trong một làng có một thanh niên nghèo, con trai một kẻ ăn xin, trẻ trung và mạnh khoẻ. Anh ta trẻ trung và mạnh khoẻ đến mức khi voi của nhà vua đi qua làng, anh ta chỉ cần tóm lấy đuôi voi và nó sẽ không thể nào đi được!
Đôi khi điều đó làm nhà vua rất bối rối bởi vì ông ấy ngồi trên voi và cả chợ sẽ tụ tập lại và mọi người sẽ cười. Và tất cả vì con của người ăn xin này!
Nhà vua gọi tể tướng tới, “Phải làm điều gì đó đi chứ. Đây là sỉ nhục. Ta trở nên sợ phải đi qua làng đó, và cậu bé này đôi khi lại tới làng khác! Bất kì đâu, bất kì lúc nào, nó đều có thể nắm đuôi voi và voi không đi được nữa. Cậu bé đó thật mạnh mẽ, cho nên phải làm điều gì đó để làm mòn mỏi năng lượng của nó.”
Tể tướng nói, “Thần xin tới và hỏi người trí huệ bởi vì thần không biết cách làm mòn mỏi năng lượng của cậu ta. Nếu cậu ta làm việc như một thư kí trong văn phòng, điều đó sẽ làm mòn mỏi năng lượng của nó. Nếu cậu ta là thầy giáo trường làng, thế thì năng lượng của cậu ấy có thể bị mòn mỏi đi. Nhưng cậu ta chẳng có gì làm cả. Cậu ta sống cho vui, và mọi người yêu mến cậu ta và nuôi dưỡng cậu ta cho nên cậu ta không bao giờ thiếu thức ăn. Cậu ta hạnh phúc, cậu ta ăn và ngủ. Cho nên cũng khó, nhưng thần sẽ đi hỏi.”
Thế là ông ta đi tới gặp ông già trí huệ. Ông già trí huệ nói, “Làm việc này. Tới và bảo cậu bé rằng ông sẽ cho cậu ta một đồng ru pi vàng mỗi ngày nếu nó chịu làm một việc nhỏ - và việc này thực sự là nhỏ. Nó phải đi tới ngồi đền trong làng và thắp đèn lên. Nó chỉ phải thắp đèn lúc chạng vạng tối, thế thôi. Và ông sẽ cho nó một đồng ru pi vàng mỗi ngày.”
Tể tướng nói, “Nhưng điều này có ích gì? Điều này có thể làm cho nó thậm chí còn nhiều năng lượng hơn. Nó sẽ được một ru pi và nó sẽ ăn nhiều hơn. Nó sẽ thậm chí chẳng bận tâm đi ăn xin nữa.”
Người trí huệ nói, “Đừng lo, đơn giản cứ làm như ta nói.”
Điều này được thực hiện, và tuần sau, khi lần nữa nhà vua đi qua, cậu bé cố gắng dừng con voi lại nhưng không được. Nó bị con voi lôi đi.
Điều gì đã xảy ra? Lo lắng đã đi vào, lo âu đã đi vào. Nó phải nhớ, trong hai mươi bốn giờ một ngày nó phải nhớ rằng nó phải tới ngôi đền vào mọi buổi chiều tối và thắp đèn lên. Điều đó trở thành nỗi lo âu làm phân chia toàn bộ con người nó. Thậm chí trong giấc ngủ nó cũng bắt đầu mơ rằng đấy là trời tối: Mình làm gì đây? Phải đi và thắp đèn lên rồi lĩnh một đồng ru pi. Và thế rồi nó bắt đầu thu thập những đồng ru pi vàng đó. Nó có bẩy, bây giờ là tám, và thế rồi nó bắt đầu tính toán rằng trong ngần ấy thời gian nó sẽ có một trăm đồng ru pi vàng - và thế rồi chúng sẽ tăng lên thành hai trăm. Toán học đã đi vào và vui đùa đã mất. Và đấy chỉ là việc nhỏ mà nó phải làm, thắp đèn lên. Chỉ làm việc có một phút, thậm chí không đến thế, chỉ một việc nhất thời. Nhưng điều đó trở thành lo nghĩ. Nó làm mòn mỏi hết năng lượng của cậu bé.
Và nếu bạn bị mòn mỏi đi, cũng chẳng có gì ngạc nhiên là cuộc sống bạn sẽ không vui đùa nữa. Bạn có biết bao nhiêu ngôi đền và biết bao nhiêu ngọn đèn cần bật lên và tắt đi, biết bao nhiêu tính toán cần thực hiện trong cuộc sống mình, không thể vui đùa được.
Tài nghệ của cung thủ này không thay đổi, tài nghệ vẫn thế, nhưng cung thủ, khi anh ta bắn cho vui, có tất cả tài nghệ có sẵn. Bây giờ mặc dầu tài nghệ của anh ta không thay đổi nhưng giải thưởng làm phân chia anh ta. Anh ta lo lắng, lo âu đi vào, bồn chồn đi vào. Anh ta nghĩ nhiều tới đoạt giải, bây giờ anh ta không bận tâm tới việc bắn nữa. Bây giờ câu hỏi là làm sao để đoạt giải, không phải làm sao để bắn. Anh ta đã chuyển từ chỗ bắt đầu đến chỗ kết thúc. Bây giờ phương tiện là không quan trọng, mục đích mới là quan trọng, và bất kì khi nào mục đích là quan trọng, năng lượng bạn bị phân chia, bởi vì tất cả những điều có thể được làm là được làm với phương tiện, không với mục đích. Mục đích không ở trong tay bạn.
Krishna nói trong Gita với Arjuna: “Đừng quan ngại với mục đích, với kết quả. Đơn giản làm bất kì cái gì cần phải làm ở đây và bây giờ và để kết quả lại cho ta, cho Thượng đế. Đừng hỏi điều gì sẽ xảy ra, không ai biết cả. Quan tâm tới phương tiện và đừng nghĩ về mục đích. Đừng hướng kết quả.”
Tình huống này là đẹp và đáng gắn với câu nói của Trang Tử, bởi vì Arjuna là một cung thủ, cung thủ vĩ đại nhất Ấn Độ đã tạo ra. Anh ta là một cung thủ hoàn hảo.
Nhưng mục đích đã đi vào tâm trí anh ta. Anh ta chưa bao giờ lo nghĩ, điều đó chưa bao giờ xảy ra trước đây. Cung thuật của anh ta hoàn hảo, tài nghệ của anh ta là toàn bộ, tuyệt đối, nhưng nhìn vào chiến trường ở Kurukshetra, nhìn vào hai quân đội đang đương đầu với nhau, anh ta trở nên lo nghĩ. Lo nghĩ của anh ta là gì? Đó là ở chỗ anh ta có bạn bè ở cả hai phe. Đấy là chuyện gia đình, cuộc chiến giữa các anh em họ hàng, cho nên mọi người đều có liên hệ với nhau, cả hai phía đều là họ hàng. Tất cả các gia đình đều bị phân chia - đó là cuộc chiến hiếm hoi, cuộc chiến tranh gia đình.
Krishna và Arjuna ở về một phe còn quân đội của Krishna đang đánh lại ở phe bên kia. Krishna đã nói, “Các anh cả hai bên đều yêu mến ta cho nên các anh sẽ phải chia làm nửa nọ và nửa kia. Một phe có ta, còn phe bên kia có thể có quân đội của ta.”
Duryodhana, lãnh đạo phe bên kia, là ngu xuẩn. Ông ta nghĩ “Ta sẽ làm gì với Krishna nếu theo phe của ông ta? Nhưng ông ta có quân đội lớn…” Và ông này chọn quân đội của Krishna.
Thế là Krishna cùng phe với Arjuna và Arjuna sung sướng, bởi vì một Krishna còn hơn cả thế giới. Quân đội có thể là gì - những người vô ý thức, đang ngủ? Một người đã thức tỉnh đáng giá tất cả.
Krishna trở thành sự giúp đỡ thực sự khi Arjuna bị lẫn lộn và tâm trí bị phân chia. Trong Gita có nói rằng nhìn vào hai quân đội này anh ta trở nên phân vân. Và đây là lời anh ta đã dùng với Krishna: “Năng lượng của tôi bị mòn mỏi. Tôi cảm thấy bồn chồn. Tôi cảm thấy bất lực, sức mạnh của tôi đã rời bỏ tôi.” Và anh ta đã là con người có tài nghệ hoàn hảo, một cung thủ hoàn hảo.
Cái cung của anh ta được gọi là gandiva. Anh ta nói, “Tôi cảm thấy chiếc gandiva quá nặng với tôi. Tôi đã trở thành bất lực thế, thân thể tôi tê cứng, và tôi không thể nghĩ và không thể thấy được. Mọi thứ đã trở thành lẫn lộn, bởi vì đấy tất cả đều là người thân và tôi sẽ phải giết họ. Kết quả sẽ là gì? Giết người, biết bao nhiêu người bị giết, tôi sẽ thu được gì từ nó? Một vương quốc vô giá trị ư? Cho nên tôi không quan tâm tới đánh nhau, nó dường như là cái giá phải trả quá cao. Tôi muốn trốn đi và trở thành sannyasin, đi vào rừng rậm và thiền. Điều này không phải dành cho tôi. Năng lượng của tôi bị mòn mỏi.”
Krishna bảo anh ta, “Đừng nghĩ về kết quả. Nó không ở trong tay anh. Và đừng nghĩ về bản thân mình là người làm, bởi vì nếu anh là người làm thế thì mục đích là trong tay anh. Người làm bao giờ cũng là điều thiêng liêng, còn anh chỉ là công cụ. Quan tâm tới việc ở đây và bây giờ thôi, phương tiện, và để mục đích cho ta. Ta bảo anh, Arjuna, rằng những người này đều đã chết, họ có định mệnh phải chết. Anh không định giết họ. Anh chỉ là công cụ sẽ hiển lộ cho họ sự kiện là họ đã bị giết chết. Trong chừng mực như ta có thể thấy, ta thấy họ chết. Họ đã đạt tới điểm cái chết xảy ra - anh chỉ là công cụ thôi.”
Tiếng Phạn có một từ hay, không có từ tương đương trong tiếng Anh: nó là nimitta. Nimitta có nghĩa là bạn không phải là người làm, bạn không phải là nguyên nhân, thậm chí không phải là một trong các nguyên nhân, bạn chỉ là nimitta. Điều đó có nghĩa là nguyên nhân là trong tay của điều thiêng liêng. Điều thiêng liêng là người làm, bạn chỉ là phương tiện của nó. Bạn chỉ như bưu tá - bưu tá là nimitta. Người đó tới và giao thư cho bạn. Nếu bức thư xúc phạm bạn, bạn không giận người đó. Bạn không nói, “Sao anh đem bức thư này tới cho tôi?” Bưu tá không quan tâm, anh ta là nimitta. Anh ta không viết bức thư, anh ta không tạo ra nó, anh ta không quan tâm chút nào. Anh ta chỉ hoàn thành nghĩa vụ của mình. Bạn sẽ không giận anh ta. Bạn sẽ không nói “Sao anh đem bức thư này tới cho tôi?”
Krishna nói với Arjuna, “Anh chỉ giống như bưu tá, anh phải trao cái chết cho họ. Anh không phải là kẻ giết người; cái chết là từ điều thiêng liêng. Họ đã đi kiếm nó rồi, cho nên đừng lo nghĩ. Nếu anh không giết họ thế thì ai đó khác sẽ giao thư. Nếu bưu tá này không làm điều đó thế thì ai đó khác sẽ làm. Nếu anh đi vắng hay đi nghỉ hay bị ốm, điều đó không có nghĩa là bức thư sẽ không được giao. Một bưu tá khác sẽ làm điều đó. Nhưng bức thư phải được giao. Cho nên đừng bận tâm, đừng lo nghĩ không cần thiết; anh chỉ là nimitta, không phải là nguyên nhân cũng chẳng là người làm ra nó, chỉ là một công cụ. Quan tâm tới phương tiện, đừng nghĩ về mục đích, bởi vì một khi anh nghĩ về mục đích thì tài nghệ của anh bị mất.
“Anh bị phân chia và đó là lí do tại sao anh cảm thấy bị mòn mỏi, Arjuna. Năng lượng của anh không đi đâu cả, nó trở nên bị xung đột - bên trong, anh bị phân chia. Anh đang đánh nhau với chính mình. Một phần nói tiến lên, phần khác nói điều này là không tốt. Cái toàn thể của anh bị mất. Và bất kì khi nào cái toàn thể bị mất, người ta cảm thấy bất lực.”
Một người mạnh mẽ như vậy, như Arjuna, có thể nói, “Tôi không thể cầm được chiếc gandiva này, cái cung này quá nặng với tôi. Tôi đã trở nên bồn chồn. Tôi cảm thấy sợ sâu sắc, lo âu nổi lên trong tôi. Tôi không thể đánh nhau được.”
Tài nghệ vẫn thế, không thay đổi, nhưng tâm trí bị phân chia. Cứ khi nào bị phân chia, bạn đều bất lực; khi bạn trọn vẹn, bạn mạnh mẽ. Ham muốn phân chia bạn, thiền làm trọn vẹn bạn: ham muốn dẫn bạn tới tương lai, thiền đem bạn về hiện tại.
Nhớ điều này như một kết luận: đừng đi vào tương lai. Bất kì khi nào bạn cảm thấy tâm trí đi vào tương lai, nhảy ngay về hiện tại. Đừng cố gắng hoàn thành nó. Lập tức, khoảnh khắc bạn nghĩ, khoảnh khắc bạn trở nên nhận biết rằng tâm trí đi vào trong tương lai, trong ham muốn, nhảy về hiện tại. Ở nhà.
Bạn sẽ mất hiện tại. Lần nọ lần kia bạn sẽ làm lỡ nó bởi vì nó đã trở thành thói quen lâu dài; nhưng chẳng chóng thì chầy, ngày càng nhiều hơn, bạn sẽ ở nhà. Thế thì cuộc sống là vui đùa, nó là trò chơi. Và thế thì bạn tràn đầy năng lượng đến mức bạn tuôn trào, ngập lụt sức sống. Và ngập lụt đó là phúc lạc.
Bất lực, mòn mỏi, bạn không thể cực lạc được. Làm sao bạn có thể nhảy múa? Để nhảy múa bạn sẽ cần năng lượng vô hạn. Mòn mỏi, làm sao bạn có thể hát? Hát bao giờ cũng là tuôn trào. Chết như bạn hiện thế, làm sao bạn có thể cầu nguyện được? Chỉ khi bạn sống động toàn bộ, biết ơn mới nảy sinh từ trái tim, lòng biết ơn. Lòng biết ơn đó là lời cầu nguyện.

Ads Belove Post