Chương 2. Bất kì cái gì xảy ra cũng đều tốt

Chương 2. Bất kì cái gì xảy ra cũng đều tốt

Price:

Read more

Dhammapada - Con đường của Phật (Tập 10)
Chương 2. Bất kì cái gì xảy ra cũng đều tốt
Câu hỏi thứ nhất:
Thưa Thầy kính yêu,
Các tu sĩ không thể giúp theo cách nào đó này khác sao?
Veeresh, họ đã từng giúp nhân loại hàng thế kỉ rồi; do đó mới có trạng thái khổ sở này của mọi thứ. Họ đã giúp nhiều để tạo ra nhiều dối trá nhất có thể được - dối trá dường như thoải mái. Nhưng đến cùng, dối trá vẫn chỉ là dối trá thôi. Có thể với thời hiện tại họ cho bạn cảm giác ấp áp, ấm cúng, an ninh, nhưng chỉ cho khoảnh khắc vậy thôi. Chẳng chóng thì chầy bạn lại ở trong trạng thái tối mù hơn, lạnh lẽo hơn bao giờ.
Các tu sĩ qua nhiều thời đại đã phát minh ra các chiến lược để giữ bạn vẫn như bạn vậy. Bạn không muốn thay đổi; bạn đơn giản muốn những dối trá thoải mái được trao cho bạn để cho bạn có thể cứ sống theo cách bạn đang vậy. Thay đổi bản thân mình cần dũng cảm. Các tu sĩ giúp bạn vẫn còn là kẻ hèn nhát. Bạn sợ chết. Tu sĩ cứ vỗ về bạn, "Đừng lo. Linh hồn con là vĩnh hằng." Và bạn chẳng có ý tưởng về linh hồn chút nào.
George Gurdjieff hay nói rằng rất hiếm khi bắt gặp người có linh hồn. Người khác chỉ trống rỗng; không có gì bên trong cả. Vâng, có tiềm năng để tạo ra linh hồn trong mọi người, nhưng điều đó không phải là thực tại. Bạn có thể là một linh hồn, bạn có thể trở thành một phần của vĩnh hằng đấy, bạn có thể bất tử đấy, nhưng điều đó chỉ là một khả năng. Nhiều công việc - công việc vất vả, công việc gian nan - sẽ cần được làm để biến nó thành thực tế, để hiện thực nó.
Nhưng các tu sĩ đã từng nói với bạn từ hàng thế kỉ rằng bạn đã có linh hồn rồi. Chỉ thân thể chết đi còn linh hồn tiếp tục cuộc hành hương vĩnh hằng của nó. Điều đó an ủi bạn. Điều đó giữ cho bạn gắn lại, theo một nghĩa nào đó. Bạn không trở nên quá sợ chết. Thực tế, nếu bạn quá sợ chết thì sẽ là tốt hơn. Chính nỗi sợ đó bắt đầu hướng dẫn bạn. Chính cú sốc đó có thể làm lẩy cò quá trình biến đổi trong bạn.
Phật thường hay phái các đệ tử của mình tới xem các xác chết được đem đi thiêu, để thiền ở đó, cứ quan sát ngọn lửa ngốn dần cái xác. Và thế rồi đến cuối cùng chẳng cái gì còn lại, chỉ vài cái xương và tro. Đây là thủ tục thông thường của ông ấy - để cho các sannyasins được đưa tới quan sát xác thiêu cháy, ít nhất là trong ba tháng, để cho họ có thể cảm thấy thực tại của cái chết, để cho thực tại đó của cái chết chìm sâu vào tim họ. Chỉ điều đó mới có thể đánh thức được bạn dậy.
Nhưng các tu sĩ đang giúp, bằng việc cho bạn thuốc an thần, để giữ bạn ngủ thoải mái nhất có thể được. Điều đó đã từng là phục vụ của họ và chúng ta đã trả tiền cho họ về phục vụ của họ. Họ dốt nát cũng như bạn, vô nhận biết như bạn. Họ ở trong cùng tình huống như bạn ở: họ cũng cần an ủi. Họ nhìn vào kinh sách để tìm an ủi. Họ cứ đọc kinh sách, liên tục nhắc lại cùng kinh sách lặp đi lặp lại mãi, bởi vì đó là cách người ta bị tự thôi miên. Tu sĩ Ki tô giáo cứ đọc cùng Kinh Thánh đó lặp đi lặp lại mãi, còn tu sĩ Hindu cứ trích dẫn Gita lặp đi lặp lại mãi. Mọi ngày, mọi sáng ông ta đều trích dẫn cùng kinh sách. Nó trở thành máy móc. Nó trở thành giống như chiếc máy hát. Ông ta cứ lặp lại. Nó trở thành một phần kí ức của ông ta mà chẳng có nghĩa gì, chẳng ý nghĩa gì. Ông ta chỉ như con vẹt. Nhưng điều đó cho sự an ủi. Lặp đi lặp lại chân lí nào đó làm thôi miên bạn.
Krishna nói: Khi thân thể chết, linh hồn không chết. Bạn có thể thiêu thân xác, nhưng lửa không thể thiêu linh hồn được. Na hanyate hanyamane shareere - ông có thể giết chết thân thể, nhưng ông không thể giết chết tâm linh, ông không thể giết chết linh hồn, bởi vì không mũi tên nào có thể đạt tới nó được, không kiếm nào có thể chém được nó. Nainam chhindanti shastrani, nainam dahati pavakah - không vũ khí nào có thể chém được ta không lửa nào có thể thiêu được ta. Cứ nhắc lại nó lặp đi lặp lại mãi, hết năm nọ tới năm kia; bạn trở nên bị tự thôi miên. Bạn bắt đầu tin vào nó, mặc dầu bạn chưa tạo ra linh hồn nào cả.
Krishna đúng: linh hồn là vĩnh hằng - nhưng ngay chỗ đầu tiên bạn phải có nó đã. Nó không có đó. Linh hồn nghĩa là tâm thức, linh hồn nghĩa là tính được tích hợp. Linh hồn nghĩa là bạn biết qua kinh nghiệm riêng của mình rằng bạn không là thân thể và không là tâm trí. Nó nảy sinh chỉ qua chứng kiến cơ chế thân tâm; nó không được tạo ra bằng việc lặp lại. Lặp lại là thôi miên.
Nó được kinh nghiệm theo cách khác: bạn phải trở nên được giải thôi miên, bạn phải trở thành không bị ước định. Bạn phải quên đi mọi kinh sách và mọi tu sĩ và bạn phải nhìn vào trong bản thân mình. Dù điều đó đáng sợ thế nào, bạn vẫn phải đương đầu với lãnh thổ của mình.
Tu sĩ giúp bạn vẫn còn ở chu vi. Họ dường như là những người bạn lớn, nhưng tính đến cùng họ là kẻ thù lớn nhất. Không phải Adolf Hitler và Joseph Stalin và Mao Trạch Đông là kẻ thù thực của tôn giáo. Kẻ thù thực là các tu sĩ, giáo hoàng, các shankaracharyas, và vân vân, vân vân. Họ không biết điều họ đang làm. Làm sao họ có thể giúp bạn được? Họ đơn giản cứ lặp lại truyền thống, trao cho bạn những qui ước - qui ước cổ đại, nhưng chết.
Bạn hỏi tôi, Veeresh, "Các tu sĩ không thể giúp theo cách nào đó này khác sao?"
Vâng, họ có thể giúp chứ... nếu họ biến mất! Chúng ta không cần họ nữa. Con người đã đến tuổi lớn rồi. Tất cả những an ủi này đều không cần. Chúng ta cần những người, người nổi dậy, không phải là các tu sĩ thường. Chúng ta cần chư phật, người thức tỉnh để đánh thức bạn dậy. Chúng ta cần chư phật, không phải các tu sĩ này những người cứ cho bạn đồ chơi mới để chơi. Và họ đã tạo ra những đồ chơi đẹp, không hoài nghi gì về điều đó. Họ rất láu cá, tinh ranh. Hàng thế kỉ kinh nghiệm đằng sau họ, cách khai thác nhân loại, cách khai thác điểm yếu của nhân loại.
Nhưng nhớ lấy: họ không khác với bạn theo bất kì cách nào khi có liên quan tới tâm thức. Có thể họ biết nhiều hơn bạn biết, thông tin của họ nhiều hơn của bạn.
Đó là khác về lượng; đó không phải là khác biệt mà tạo ra khác biệt. Khác về chất nào đó là cần có.
Và bị người mù dẫn đường là nguy hiểm. Họ đã phá huỷ toàn thể cái đẹp của con người, họ đã phá huỷ tự do của con người. Họ đã phá huỷ tất cả những cái có giá trị. Họ đã để bạn bị như sa mạc, trống rỗng, vô nghĩa. Điều đó được cảm thấy khắp trên thế giới. Tại sao mọi người cảm thấy trống rỗng và vô nghĩa thế? Ai đã làm điều này cho họ? Hàng thế kỉ của giới tu sĩ, của các tôn giáo khác nhau, đã cho họ an ủi giả tạo. Tất cả những an ủi giả tạo đó không còn áp dụng được nữa. Con người đã trở thành người lớn. Cho trẻ con chơi đồ chơi thì tốt, nhưng khi ai đó đã tới tuổi lớn và bạn cứ cho người đó đồ chơi để chơi, người đó sẽ bắt đầu cảm thấy cuộc sống là vô nghĩa. Người đó cần cái gì đó nhiều hơn; người đó cần cái gì đó thực hơn.
Cẩn thận với việc người mù dẫn đường đấy!
Một thanh nữ, đúng hơn là một cô gái, đi tới giáo sĩ địa phương. "Cha không biết con," cô ấy bắt đầu nghẹn trong cổ họng, "nhưng con phải nói với ai đó. Cha thấy đấy, con không có mẹ hay cha và con không biết mấy về chuyện thế gian."
"Con không phải nói về thế giới khác," giáo sĩ nói. "Ta hiểu rõ lắm. Đấy là chuyện đàn ông, đúng không?"
"Vâng, và anh ấy bao giờ cũng cố hôn con. Hôn, hôn, hôn - đó là tất cả những gì anh ấy đã từng nghĩ tới."
"Con phải vững chãi," giáo sĩ nói một cách nghiêm nghị. "Cái loại đàn ông đó con không cần. Bảo anh ta con không cho phép cái loại như thế tiếp diễn."
Khi cô ấy ra về, giáo sĩ nói, "Tuần sau quay lại và cho ta biết con đã làm thế nào."
Chắc chắn, cô gái quay lại sau một tuần, nhưng lần này cô ấy thậm chí còn rối loạn hơn trước đây.
"Bây giờ có chuyện gì nào?" giáo sĩ hỏi.
"Con đã làm anh ta chấm dứt mọi trò hôn đó," cô trẻ bất hạnh nói, "nhưng bây giờ - ồ, con không biết làm sao đưa nó...."
"Nói, nói!" giáo sĩ thúc giục. "Với ta con chẳng có gì phải xấu hổ cả."
"Anh ấy cố gắng sờ con bằng tay," cô ấy lắp bắp trong ngượng ngùng.
Giáo sĩ dướn người trên ghế trong cơn giận chính đáng. "Con bảo thằng cha mất dạy đó giữ bàn tay bẩn thỉu cho chính nó!" giáo sĩ sủa lên. "Là cái thá gì mà đối xử thế với một cô gái Do Thái đoan trang? Bảo nó chấm dứt ngay, con nghe chưa?"
Nhưng khi cô ấy tới thăm giáo sĩ lần nữa cô ấy gần như đầy nước mắt. "Con đã làm mọi thứ như cha nói," cô gái rền rĩ, "nhưng bây giờ anh ấy khăng khăng anh ấy muốn ngủ với con."
"Cái gì!" giáo sĩ bị xúc phạm gào lên. "Ta chưa bao giờ nghe nói về sự trơ tráo như thế trong cả đời ta. Con về thẳng nhà đi và lần sau con gặp nó ta muốn con đá đít nó ra khỏi nhà. Con hiểu không? ta ra lệnh cho con đấy! Tống nó ra!"
Vài ngày sau cô ấy tới thăm giáo sĩ thêm một lần nữa. Mắt cô ấy đỏ mọng và vì khóc và mặt cô ấy là bức tranh của khổ sở.
"Con có làm như ta ra lệnh không?" giáo sĩ hỏi.
Cô ấy gật đầu, và vẫn nức nở, cô ấy nói qua nước mắt, "Bây giờ anh ấy muốn li dị!"
Tu sĩ của bạn vô ý thức cũng như bạn, hay thậm chí còn hơn. Họ thậm chí còn không nhận biết về tình huống mà con người đang trải qua. Họ cứ đưa ra những đơn thuốc cũ, chẳng còn liên quan gì nữa. Họ cứ cho bạn lời khuyên lớn lao mà có thể đôi khi hữu dụng trong quá khứ nhưng hoàn toàn ở ngoài hoàn cảnh trong tình huống hiện tại.
Bạn không cần nhiều tu sĩ và sự giúp đỡ của họ. Bạn cần vài người thức tỉnh trên thế giới. Bạn cần nhiều thiền nhân hơn - không phải người trung gian. Các tu sĩ đã từng là người trung gian giữa bạn và Thượng đế. Bạn cần nhiều thiền nhân hơn, những người đi sâu hơn vào trong bản thể của họ, người đã trở nên định tâm, người biết im lặng bên trong, in lặng trong trắng và cái đẹp vô cùng của nó. Họ sẽ giúp cho nhân loại, và họ sẽ không giúp trực tiếp cho nhân loại đâu. Chính sự hiện diện của họ sẽ toả ra những rung động mới mà có thể làm biến đổi.
Người thực bao giờ cũng giúp mọi người một cách gián tiếp. Người đó không hung hăng. Người đó không chỉ huy bạn, "Làm cái này, không làm cái kia." Người đó không phá huỷ tự do của bạn theo bất kì cách nào. Người đó đơn giản sống cuộc sống của mình trong ánh sáng người đó đã tìm thấy bên trong bản thân mình. Và ở cùng người đó, cái gì đó xảy ra giữa bạn và người đó.
Thầy thực không bao giờ là tu sĩ. Và tôi chưa bao giờ nghe nói về tu sĩ là thầy thực cả. Nếu bạn là thầy bạn dừng là tu sĩ, và nếu bạn là tu sĩ thì bạn không thể nào là thầy được. Tu sĩ thuộc vào ý thức hệ nào đó - Hindu giáo, Ki tô giáo, Mô ha mét giáo. Thầy không thuộc vào ý thức hệ nào cả. Thầy ý thức hơn, không thông thái hơn. Thầy có nhiều hiện hữu hơn, không nhiều tri thức hơn. Thầy có nhiều linh hồn hơn, không nhiều kí ức hơn. Thầy có thể không biết kinh sách - bởi vì bản thân thầy là kinh sách rồi! Và bạn sẽ không thấy thầy trong đền chùa và tu viện hồi giáo và nhà thờ đâu.
Tôi đã nghe nói về một người da đen rất tôn giáo, người muốn đi nhà thờ, nhưng chỉ có một nhà thờ trong vùng lân cận mà lại thuộc về người da trắng.
Linh mục là một người tốt - vì các linh mục đều được giả thiết là vậy. Một hôm khi người da đen tới gõ cửa, linh mục bước ra. Linh mục bị lâm vào trạng thái bối rối - liệu nói có với anh ta hay nói không. Nói có là nguy hiểm bởi vì toàn thể giáo đoàn sẽ chống lại điều đó. Đó là nhà thờ của người da trắng và không người da đen nào được phép vào; đó là thoả thuận ngầm. Nhưng làm sao nói không với con người đơn giản này, với đôi mắt đẫm lệ và nói, "Tôi muốn vào và tôi muốn cầu nguyện Jesus Christ"?
Nhưng các tu sĩ đều là người tinh ranh. Dù họ có thể xuất hiện tốt thế nào trên bề mặt, sâu bên dưới họ đều tinh ranh. Nếu họ không tinh ranh họ sẽ không ở trong nghề tu sĩ được chút nào, bởi vì nghề đó còn tồi tệ hơn nhiều so với bất kì nghề nào khác. Ngay cả gái mãi dâm cũng còn tốt hơn tu sĩ! Ít nhất họ chỉ bán thân thể họ, còn tu sĩ đang bán thậm chí cả linh hồn họ.
Linh mục này lập tức bịa ra một cách thức nào đó. Ông ta nói, "Tốt, ông có thể tới, nhưng không ngay bây giờ. Trước hết hãy làm thuần khiết bản thân mình đã, chỉ thế thì lời cầu nguyện của ông mới được nghe."
Đó là chiến lược thủ đoạn. Không người da trắng nào đã từng bị yêu cầu phải làm thuần khiết bản thân mình trước hết, và thế rồi mới vào trong nhà thờ. Và ai sẽ quyết định khi nào người này là thuần khiết đủ? Điều đó sẽ tuỳ linh mục quyết định và ông ta bao giờ cũng cứ nói, "Ông còn chưa đủ thuần khiết."
Người da đen quay lại. Ông ta thực sự trong chuyện tình sâu sắc với Thượng đế; ông ta kêu và khóc, và ông ta cố gắng theo đủ mọi cách có thể để không làm cái gì sai, để tránh bất kì cái gì có thể làm cho ông ta thành không thuần khiết. Trong ba tuần ông ta vẫn còn ở biệt lập, nhịn ăn, cầu nguyện. Và sau ba tuần Thượng đế xuất hiện cho ông ta: ước muốn của ông ta được hoàn thành.
Sau kinh nghiệm đó ông ta đi tới nhà thờ. Linh mục sợ lắm - người này lại tới, và ông ta có vầng hào quang đẹp thế quanh mình tới mức linh mục rất sợ nói, "Ông còn chưa thuần khiết." Thuần khiết của ông ta chói sáng; nó giống như mặt trời lên trên đường chân trời. Điều đó sáng tỏ tới mức phủ nhận nó sẽ là tội lỗi, và linh mục này sợ.
Người này tới rất gần cửa ra vào, ngay bậc cửa, đứng đó, cười to, quay lại và đi về nhà. Linh mục rất phân vân tại sao ông ấy đã làm điều này. Ông ta chạy theo ông này, giữ ông này lại và nói, "Sao ông đã làm điều này? Sao ông không muốn vào nhà thờ?"
Ông ta nói, "Không, tôi không muốn vào nhà thờ. Tôi vừa mới tới gặp ông và nhà thờ một lần nữa, bởi vì đêm trước Thượng đế đã hiện ra và tôi đã hỏi ngài - khi bản thân ngài có đó tôi đã hỏi ngài, 'Con có thể vào nhà thờ được không? Bây giờ con thuần khiết đủ chưa?' Thượng đế nói, 'Con thuần khiết rồi, còn thuần khiết hơn bất kì ai khác đi vào trong nhà thờ đó, thuần khiết hơn bản thân linh mục. Nhưng đừng đi vào nhà thờ đó. Họ sẽ không cho phép con vào đâu. Ta biết điều đó từ kinh nghiệm riêng của ta bởi vì ta đã cố đi vào trong nhà thờ đó và họ không cho phép ta vào. Nếu họ không cho phép ta vào trong nhà thờ đó, làm sao họ cho phép con được? Con vứt toàn thể ý tưởng này đi. Bản thân ta đã vứt bỏ nó rồi!'"
Nhà thờ của bạn, đền chùa của bạn là trống rỗng. Chúng là những nấm mồ của tôn giáo. Tôn giáo không nở hoa ở đó. Vâng, khi một Jesus còn sống có sự nở hoa vĩ đại, khi Phật còn sống có sự nở hoa vĩ đại, nhưng không trong đền chùa phật giáo, không trong nhà thờ Ki tô giáo.
Tu sĩ là những người lấy ưu thế của người đã chứng ngộ. Một khi người chứng ngộ đi rồi, rời khỏi thân thể mình, các tu sĩ nhảy lên học thuyết của người đó, bắt đầu việc kinh doanh lớn từ đó, bắt đầu đưa ra diễn giải theo bản thân họ.
Ki tô giáo chẳng liên quan gì tới Christ, nhớ lấy, và Phật giáo chẳng liên quan gì tới Phật, và Jaina giáo chẳng liên quan gì tới Mahavira. Đó là điều kì lạ, nhưng nó đã từng xảy ra một cách nhất quán. Không tôn giáo nào có cái gì liên quan tới cội nguồn nguyên thuỷ. Thực tế, người Ki tô giáo có tính phá huỷ thông điệp của Christ hơn bất kì ai khác, và các linh mục là người lãnh đạo của người Ki tô giáo. Họ không có mối quan hệ gì với Christ - họ không thể có được. Họ sợ Christ. họ phải sợ sâu bên dưới rằng nếu đôi khi họ bắt gặp Christ và ông ấy hỏi, "Ông đã làm gì với thông điệp của ta?" làm sao họ sẽ trả lời nó được?
Tôi đã nghe:
Có lần một cú điện thoại vang lên trong phòng của giáo hoàng ở Vatican. Không có ai khác ở đó cho nên đích thân giáo hoàng nhận cuộc gọi. Đó là lời gọi từ New York, và vị tăng lữ cao nhất từ New York đang run rẩy, giọng run lên. Ông ta nói, "Trông này! Nghe này! Tin tôi đi - một người đã tới trong nhà thờ và ông ta trông đích xác như Jesus Christ. Bây giờ tôi phải làm gì?"
Giáo hoàng đắn đo về điều đó trong vài khoảnh khắc và rồi nói, "Cứ có vẻ bận rộn vào!"
Còn làm gì khác được?
Tu sĩ đã chi phối nhân loại. Họ là các chính khách của thế giới bên trong, cũng như chính khách là tu sĩ của thế giới bên ngoài. Và có âm mưu giữa tu sĩ và chính khách, hiểu biết lẫn nhau, phân công: "Ông cai quản con người về phần tính chủ quan còn chúng tôi sẽ cai trị con người từ bên ngoài của họ." Họ đã khai thác, áp bức. Họ phá huỷ nhiều.
Và, Veeresh, bạn hỏi tôi, "Các tu sĩ có thể giúp cho nhân loại theo cách này đó nào khác không?"
Cách duy nhất mà tôi có thể quan niệm được là ở chỗ vì họ không được cần tới nữa, họ nên biến mất. Điều đó sẽ là việc phục vụ lớn nhất của họ cho nhân loại.
Câu hỏi thứ hai:
Thưa Thầy kính yêu,
Tôi cảm thấy sự thôi thúc về cách diễn đạt nghệ sĩ và đã được đào tạo cổ điển, có kỉ luật về âm nhạc phươngTây. Thường tôi cảm thấy đào tạo này cầm tù tính sáng tạo tự phát và tôi đã thấy rất khó thực hành đều đặn về sau. Tôi không chắc thêm nữa về cái gì là phẩm chất của nghệ thuật thực và theo quá trình nào mà người nghệ sĩ tạo ra và chuyển giao nghệ thuật đích thực. Làm sao tôi có thể cảm thấy người nghệ sĩ trong mình?
Barbara Limberger, ngược đời của nghệ thuật là ở chỗ đầu tiên bạn phải học kỉ luật của nó và thế rồi bạn phải quên toàn bộ đi. Nếu bạn không biết ABC của nó bạn sẽ không có khả năng đi rất sâu vào trong nó. Nhưng nếu bạn chỉ biết kĩ thuật của nó và bạn cứ thực hành kĩ thuật này cả đời mình thì bạn có thể rất giỏi về kĩ thuật, nhưng bạn sẽ vẫn còn là nhà kĩ thuật; bạn không bao giờ trở thành nghệ sĩ.
Trong Thiền họ nói, nếu bạn muốn là hoạ sĩ, trong mười hai năm hãy học cách vẽ và thế rồi trong mười hai năm quên tất cả về việc vẽ đi. Quên hoàn toàn - nó chẳng liên quan gì tới bạn cả. Trong mười hai năm thiền, chẻ củi, gánh nước từ giếng. Làm bất kì cái gì, nhưng không vẽ.
Và thế rồi một hôm bạn sẽ có khả năng vẽ. Hai mươi bốn năm huấn luyện: mười hai năm huấn luyện kĩ thuật và mười hai năm huấn luyện quên kĩ thuật. Và thế thì bạn có thể vẽ. Bây giờ kĩ thuật đã trở thành một phần của bạn; nó không còn là tri thức kĩ thuật nữa, nó đã trở thành một phần máu và xương và tuỷ bạn. Bây giờ bạn có thể tự phát. Nó sẽ không cản trở bạn, nó sẽ không cầm tù bạn. Đó đích xác là kinh nghiệm của tôi nữa.
Bây giờ đừng chỉ thực hành. Quên tất cả về âm nhạc cổ điển đi. Làm các loại việc khác: làm vườn, điêu khắc, vẽ tranh, nhưng quên về âm nhạc cổ điển đi, cứ dường như nó không tồn tại chút nào. Trong vài năm để nó vẫn còn ở sâu bên dưới trong bản thể bạn để cho nó trở nên được tiêu hoá. Thế thì nó không còn là kĩ thuật nữa. Thế thì một hôm nào đó một thôi thúc bất thần sẽ sở hữu bạn - và thế rồi lại bắt đầu chơi nhạc. Và khi bạn lại bắt đầu chơi, đừng bận tâm quá nhiều về kĩ thuật, bằng không bạn sẽ không bao giờ tự phát được.
Mang tính canh tân thêm chút ít đi - đó là điều tính sáng tạo là gì. Đổi cách thức mới, phương tiện mới. Thử cái gì đó mới mà không ai đã từng làm. Tính sáng tạo lớn nhất xảy ra trong những người có việc huấn luyện thuộc về bộ môn khác nào đó.
Chẳng hạn, nếu nhà toán học bắt đầu chơi nhạc ông ấy sẽ đem cái gì đó mới cho thế giới âm nhạc. Nếu nhạc sĩ trở thành nhà toán học ông ấy sẽ đem cái gì đó mới cho thế giới toán học. Tất cả sáng tạo vĩ đại đều xảy ra qua những người đi từ bộ môn này sang bộ môn khác.
Nó giống như lai giống. Và đứa trẻ tới từ việc lai giống thường mạnh khoẻ hơn, đẹp hơn nhiều.
Đó là lí do tại sao trong mọi nước trong hàng thế kỉ, hôn nhân giữa anh em và chị em đã từng bị cấm; có lí do trong việc đó. Hôn nhân là tốt hơn nếu nó xảy ra giữa những người có quan hệ rất xa nhau hay có huyết thống rất xa nhau. Sẽ là tốt nếu mọi người từ giống nòi này lấy người ở giống nòi khác. Và nếu một ngày nào đó chúng ta khám phá ra người ở hành tinh khác nào đó, cách tốt nhất sẽ là lai giống giữa người trái đất và người ở hành tinh khác. Thế thì các loại mới hơn, người mới hơn sẽ tới trong sự tồn tại.
Điều cấm đoán, điều kiêng kị chống lại mối quan hệ anh/chị, hôn nhân của họ, là có ý nghĩa, có ý nghĩa về mặt khoa học. Nhưng người ta còn chưa làm việc chi tiết tới cực điểm của nó, tới cực đoan logic của nó. Cực đoan logic là ở chỗ không người Ấn Độ nào được lấy người Ấn Độ khác, không người Đức nào được lấy người Đức khác. Điều tốt nhất là ở chỗ người Đức lấy người Ấn Độ, người Ấn Độ lấy người Nhật Bản, người Nhật Bản lấy người da đen, người da đen lấy người Mĩ, người Do Thái lấy người Ki tô giáo, người Ki tô giáo lấy người Hindu, người Hindu lấy người Mô ha mét giáo. Điều đó sẽ là điều tốt nhất. Điều đó sẽ nâng cao tâm thức của toàn thể hành tinh này. Nó sẽ cho trẻ con tốt hơn, tỉnh táo hơn, sống động hơn, phong phú hơn theo mọi cách có thể.
Nhưng chúng ta ngu xuẩn tới mức chúng ta chẳng thể làm được gì, chúng ta chẳng thể chấp nhận được gì. Thế thì tôi nói gì đây...?
Chauncey, một thanh niên đẹp trai, gần như xinh xắn, tha thiết nói với mẹ mình.
"Mẹ ơi, thời gian đã tới rồi - nó thực sự tới rồi - khi con có cuộc nói chuyện tâm tình với Myron. Thành thực về điều đó, mối quan hệ của chúng con đã nở hoa thành - làm sao con nói được điều đó mà không có vẻ thiếu tế nhị? - thế này, đã nở hoa thành cái gì đó đẹp và tốt và thậm chí còn thiêng liêng. Sự thực là, mẹ yêu dấu, con yêu Myron và Myron cũng yêu lại con. Chúng con muốn lấy nhau sớm nhất có thể được và cả hai chúng con đều hi vọng mẹ sẽ ban phước lành."
"Nhưng Chauncey này," người mẹ phản đối, "con có nhận ra điều gì con đang nói không? Con có thể thành thực trông đợi mẹ tha thứ cho cuộc hôn nhân như thế sao? Mọi người sẽ nói gì? Bạn bè và hàng xóm chúng ta sẽ nghĩ gì?"
"A, mẹ ơi, mẹ sẽ buồn đấy - con có thể cảm thấy điều đó từ trong xương tuỷ. Và sau đó chúng con đã là những người bạn tốt nữa. Con chưa bao giờ tin điều đó từ mẹ - từ tất cả mọi người. Con chỉ có thể khóc!"
"Nhưng con ơi, con không thể đi ngược lại tục lệ như thế này!"
"Thôi được, mẹ ơi, cứ để chúng con có điều đó được công khai như những người văn minh. Đích xác và chính xác mẹ hay bất kì ai khác có thể có phản đối nào về việc Myron và con trở thành chồng và chồng?"
"Con biết hoàn toàn rõ tại sao mẹ phản đối: anh ta là người Do Thái!"
Bà ấy không phản đối hôn nhân đồng dục; bà ấy phản đối vì anh ta là người Do Thái. Mọi người chống nhau nhiều thế. Họ đã bị ước định vì sự đối kháng này lâu tới mức họ đã quên mất hoàn toàn rằng chúng ta tất cả đều là con người, rằng chúng ta thuộc vào cùng trái đất, cùng hành tinh.
Khoảng cách càng lớn giữa vợ và chồng, sản phẩm của hôn nhân của họ sẽ càng tốt hơn.
Và cùng điều đó xảy ra trong âm nhạc, trong hội hoạ, trong toán học, trong vật lí, trong hoá học: một loại lai ghép. Bất kì khi nào một người chuyển từ bộ môn này sang bộ môn khác người đó đều mang theo hương vị của bộ môn của mình, mặc dầu bộ môn đó không thể được thực hành. Bạn có thể làm được gì với âm nhạc khi bạn đi vào trong vật lí? Bạn phải quên tất cả về nó, nhưng nó vẫn còn lại trong bối cảnh. Nó đã trở thành một phần của bạn; nó sẽ ảnh hưởng tới bất kì điều gì bạn làm. Vật lí xa xôi thế, nhưng nếu bạn đã từng theo bộ môn âm nhạc, chẳng chóng thì chầy bạn sẽ thấy các lí thuyết, các giả thuyết, mà bằng cách nào đó có mầu sắc và hương thơm của âm nhạc. Bạn có thể bắt đầu cảm thấy rằng thế giới này là hài hoà - không phải hỗn độn mà là trật tự. Bạn có thể bắt đầu cảm thấy, tìm vào các cõi vật lí sâu hơn, rằng sự tồn tại là dàn nhạc giao hưởng. Bây giờ, điều đó là không thể được với người không biết gì về âm nhạc.
Nếu một vũ công đi vào trong âm nhạc người đó sẽ đem cái gì đó mới, người đó sẽ đóng góp cái gì đó mới cho âm nhạc.
Gợi ý của tôi là ở chỗ mọi người nên chuyển từ bộ môn này sang bộ môn khác. Khi bạn trở nên quen với bộ môn này, khi bạn trở nên bị giam cầm với kĩ thuật này, thoát khỏi nó vào bộ môn khác. Chính ý tưởng hay, ý tưởng lớn là chuyển từ môn này sang môn khác. Bạn sẽ thấy bản thân mình trở nên ngày một sáng tạo hơn.
Một điều cần phải được ghi nhớ: nếu bạn thực sự sáng tạo, bạn có thể không trở nên nổi tiếng. Người thực sự sáng tạo cần thời gian để trở nên nổi tiếng bởi vì người đó phải tạo ra giá trị - giá trị mới, tiêu chí mới, chỉ thế thì người đó mới có thể được đánh giá. Người đó phải đợi ít nhất năm mươi năm; đến lúc đó người đó chết rồi. Chỉ thế thì mọi người mới bắt đầu đánh giá cao người đó. Nếu bạn muốn có danh vọng, thế thì quên tất cả về sáng tạo đi. Thế thì chỉ thực hành và thực hành thôi, và cứ làm điều bạn đang làm một cách khéo léo hơn, hoàn hảo về kĩ thuật hơn, và bạn sẽ nổi tiếng - bởi vì mọi người hiểu điều đó; nó đã được chấp nhận.
Bất kì khi nào bạn đem cái gì đó mới vào trong thế giới này bạn nhất định bị bác bỏ. Thế giới chưa bao giờ tha thứ cho người đem cái gì mới vào thế giới. Người sáng tạo nhất định bị thế giới trừng phạt, nhớ lấy điều đó. Thế giới đánh giá cao người không sáng tạo nhưng khéo léo, người hoàn hảo về kĩ thuật, bởi vì hoàn hảo về kĩ thuật đơn giản nghĩa là hoàn hảo của quá khứ. Và mọi người đều hiểu quá khứ, mọi người đã được giáo dục để hiểu nó. Đem cái gì đó mới vào trong thế giới nghĩa là không ai sẽ có khả năng đánh giá cao nó. Nó mới tới mức không có tiêu chí nào để dựa vào đó mà nó có thể được đánh giá. Vẫn chưa có phương pháp nào trong sự tồn tại mà có thể giúp cho mọi người hiểu nó. Sẽ phải mất ít nhất năm mươi năm hay hơn; người nghệ sĩ sẽ chết. Đến lúc đó mọi người sẽ bắt đầu đánh giá cao nó.
Vincent van Gogh đã không được đánh giá cao trong thời của ông ấy. Thậm chí một tranh cũng không bán được. Bây giờ tranh của ông ấy được bán hàng triệu đô la - và mọi người thậm chí không sẵn sàng chấp nhận những bức tranh đó như món quà từ Vincent van Gogh - vẫn cùng những bức tranh đó thôi. Ông ấy đã đem chúng cho bạn bè, cho bất kì ai sẵn sàng treo chúng trong phòng của họ. Chẳng ai sẵn sàng treo tranh của ông ấy trong phòng mình bởi vì mọi người đều lo nghĩ. Người khác sẽ hỏi, "Anh có điên hay cái gì không đấy? Đây là loại tranh gì vậy?"
Vincent van Gogh có thế giới riêng của ông ấy. Ông ấy đã đem vào tầm nhìn mới. Phải mất nhiều, nhiều thập kỉ; dần dần, dần dần nhân loại mới bắt đầu cảm thấy rằng cái gì đó có đấy. Nhân loại chậm chạp và lờ phờ; nó tụt lại sau thời đại. Còn người sáng tạo bao giờ cũng đi trước thời đại mình, do đó mới có lỗ hổng.
Cho nên, Barbara này, nếu bạn thực sự muốn có tính sáng tạo bạn sẽ phải chấp nhận rằng bạn không thể nổi tiếng được, bạn không thể nổi danh được. Nếu bạn thực sự muốn sáng tạo, thế thì bạn phải học hiện tượng đơn giản: nghệ thuật vị nghệ thuật, không vì động cơ khác. Thế thì tận hưởng bất kì cái gì bạn đang làm đi. Nếu bạn có thể tìm thấy vài người bạn để tận hưởng điều đó, tốt; nếu không ai có đó để tận hưởng, thì tận hưởng nó một mình. Nếu bạn đang tận hưởng nó, điều đó là đủ. Nếu bạn cảm thấy được hoàn thành qua nó, điều đó là đủ.
Bạn hỏi tôi, "Tôi không chắc thêm nữa về cái gì là phẩm chất của nghệ thuật."
Nghệ thuật thực nghĩa là: nếu nó giúp bạn trở nên im lặng, tĩnh lặng, vui vẻ; nếu nó cho bạn lễ hội; nếu nó làm cho bạn nhảy múa - liệu có người nào tham gia cùng bạn hay không là không liên quan; nếu nó trở thành cây cầu giữa bạn và Thượng đế - đó là nghệ thuật thực. Nếu bạn trở nên bị hấp thu trong nó, bị hấp thu toàn bộ tới mức bản ngã biến mất, đó là nghệ thuật thực.
Nghệ thuật thực tới rất gần tôn giáo. Cho nên đừng lo nghĩ nghệ thuật thực là gì. Nếu bạn hân hoan trong việc làm nó, nếu bạn cảm thấy mất hút trong việc làm nó, đó là nghệ thuật thực. Và đừng bận tâm về điều các nhà phê bình nói. Nhà phê bình không biết gì về nghệ thuật đâu. Thực tế, người không thể trở thành nghệ sĩ được thì trở thành nhà phê bình. Nếu bạn không thể tham gia vào cuộc chạy đua, nếu bạn không thể là vận động viên chạy Olympic, ít nhất bạn cũng có thể đứng bên đường và ném đá vào người chạy khác; điều đó bạn có thể làm dễ dàng.
Đó là điều các nhà phê bình cứ làm mãi. Họ không thể là người tham gia, họ không thể sáng tạo ra được cái gì.
Tôi đã nghe nói về một nhà huyền môn Sufi thích vẽ, và tất cả các nhà phê bình thời ông ấy đều chống lại ông ấy. Mọi người tới và chỉ cho ông ấy, "Điều này sai, điều kia sai."
Ông ấy trở nên mệt mỏi với những người này, cho nên một hôm, ngay trước nhà mình ông ấy treo mọi bức vẽ của mình lên và ông ấy mời tất cả các nhà phê bình tới và bảo họ tới mang theo cả chổi vẽ, mầu vẽ, để cho họ có thể sửa bức tranh của ông ấy, bởi vì họ đã phê bình đủ rồi; bây giờ là lúc để sửa.
Chẳng nhà phê bình nào tới cả. Phê bình thì dễ, sửa mới khó. Và kể từ đó các nhà phê bình thôi không tới và thôi không phê bình tranh ông ấy nữa. Ông ấy đã làm điều đúng.
Những người không biết cách sáng tạo đều trở thành nhà phê bình. Cho nên đừng lo nghĩ về họ. Điều quyết định là cảm giác bên trong của bạn, nhiệt tình bên trong, sự nồng ấm bên trong. Nếu làm nhạc cho bạn cảm giác ấm áp, niềm vui nảy sinh trong bạn, bản ngã biến mất, thế thì nó trở thành cây cầu giữa bạn và Thượng đế. Và nghệ thuật có thể là điều có tính cầu nguyện nhất, điều có tính thiền nhất có thể được. Nếu bạn có thể ở trong bất kì nghệ thuật nào, âm nhạc, hội hoạ, điêu khắc, nhảy múa, nếu bất kì nghệ thuật nào có thể thu hút bản thể bạn, đó là cách tốt nhất để cầu nguyện, cách tốt nhất để thiền. Thế thì bạn không cần thiền nào khác; đó là thiền của bạn. Điều đó sẽ đưa bạn dần dần, từng bước một vào trong Thượng đế. Cho nên đây là tiêu chí của tôi: nếu nó dẫn bạn tới Thượng đế, nó là nghệ thuật thực, nghệ thuật đích thực.
Câu hỏi thứ ba:
Thưa Thầy kính yêu,
Thầy nghĩ gì về cuộc sống sau cái chết?
Sargamo, tôi hoàn toàn đồng ý với Tristan Bernard, nhà văn Pháp-Do Thái, người có lần đã hỏi cùng câu hỏi này. Người ta hỏi ông ấy đã nghĩ gì về cuộc sống sau cái chết. Ông ấy đáp, "Về khí hậu tôi thích cõi trời, nhưng về bạn đồng hành tôi ưa thích địa ngục."
Câu hỏi thứ tư:
Thưa Thầy kính yêu,
Phải làm gì với sự dai dẳng của chống cự dường như vô hạn, không phúc lạc?
Amit Prem, chấp nhận nó đi, đừng chống lại nó. Đừng chống lại sự kháng cự. Đó là điều bạn đang làm. Sự chống cự đầu tiên không phải là vấn đề chút nào; sự chống cự thứ hai tạo ra vấn đề. Bạn đang chống lại sự chống cự của mình. Khổ sở của bạn bị nhân lên không cần thiết. Bạn vứt bỏ sự chống cự thứ hai và bạn sẽ ngạc nhiên: nếu bạn vứt bỏ sự chống cự thứ hai, sự chống cự thứ nhất sẽ bay hơi theo cách riêng của nó.
Jesus nói: Đừng chống lại quỉ. Một phát biểu rất kì lạ... không người thức tỉnh nào khác đã đưa ra phát biểu nổi dậy đến thế. Các linh mục Ki tô giáo, các nhà truyền giáo, không nói về điều đó chút nào. Họ nói về những điều khác, nhưng họ không nói về phát biểu kì lạ này: Đừng chống lại quỉ. Dường như điều đó rất phi logic, phi tôn giáo. Quỉ phải bị chống lại chứ - mà Jesus lại nói: Đừng chống lại quỉ. Tại sao?
Có bí mật trong đó. Nếu bạn chống quỉ, bạn cho nó năng lượng. Mọi chống đối đều đem năng lượng cho cái bị chống đối. "Đừng chống lại quỉ" nghĩa là nếu bạn không chống lại nó, nó sẽ mất đi theo cách riêng của nó bởi vì bạn sẽ không nuôi dưỡng nó bằng năng lượng của bạn; bạn được ngắt ra ngay lập tức.
Amit Prem, bạn nói, "Phải làm gì với sự dai dẳng của chống cự dường như vô hạn, không phúc lạc?"
Chẳng phải làm cái gì cả. Nếu bạn làm bất kì cái gì bạn sẽ tạo ra sự chống cự này ngày một nhiều hơn; đó là cách bạn đã làm nó thành vô hạn. Nó không vô hạn. Chỉ Thượng đế mới là vô hạn, không cái gì khác. Làm sao chống cự của bạn có thể vô hạn được? Nhưng bạn đang làm cho nó thành vô hạn bởi vì bạn đang rót năng lượng của mình vào trong nó. Bạn đang cố gắng chống lại nó, tranh đấu với nó, kìm nén nó theo cách tinh tế - cho nên nó cứ tới đi tới lại mãi.
Gợi ý của tôi là: Chấp nhận nó, và thế rồi xem điều gì xảy ra. Bất kì cái gì xảy ra cũng đều tốt. Lúc ban đầu bạn sợ chấp nhận nó. Lúc ban đầu bạn sẽ nghĩ, "Nếu mình chấp nhận nó thì mình sẽ phải theo nó." Không, điều đó không phải là chân lí. Nếu bạn chấp nhận nó toàn bộ bạn sẽ thấy nó chết ngay lập tức - bạn đã chặt chính gốc rễ. Đó là điều Jesus ngụ ý. Ông ấy muốn tiêu diệt quỉ toàn bộ; do đó ông ấy nói: Đừng chống lại quỉ. Nếu ông chống lại ông sẽ cứ nuôi dưỡng nó.
Sự chống cự đầu tiên không bao giờ là vấn đề, sự chống cự thứ hai mới là vấn đề. Và bạn không thể làm được gì về điều thứ nhất; bạn có thể làm cái gì đó chỉ với điều thứ hai, bởi vì cái đó là của bạn. Cái gì có thể được làm? Nếu chống cự có đó thì nó có đó – chào mừng nó đi, chấp nhận nó đi. Nhưng bạn đang làm điều đó theo nhiều cách.
Amit Prem viết thư cho tôi: "Tôi cảm thấy rất buồn, tôi cảm thấy rất khổ, chán nản. Tôi chịu đựng chứng phức cảm kém cỏi." Khi tôi đọc thư anh ấy trong đó anh ấy nói về nỗi khổ của mình về phức cảm tự ti tôi chợt nhớ tới một chính khách vừa mới trải qua cuộc phân tâm....
Sau ba năm dành cho một công trình phân tâm lớn, nhà phân tâm rạng rỡ với niềm vui một hôm đón chào một chính khách, và ông này nói, "Vào đi. Tôi đã tìm ra mọi thứ. Bây giờ không cần phân tâm nào thêm nữa. Vấn đề của ông được giải quyết rồi!"
Chính khách này cũng sung sướng. Ông ta nói, "Ông đã tìm ra giải pháp nào?"
Và nhà phân tâm nói, "Ông không chịu phức cảm kém cỏi đâu - ông đơn giản là kẻ kém cỏi rồi, cho nên không có vấn đề gì cả!"
Đây là việc chấp nhận. Amit Prem này, bạn đơn giản là kẻ kém cỏi - chấp nhận điều đó đi! Bạn chịu đựng phức cảm kém cỏi bởi vì có ham muốn lớn để là siêu phàm. Ham muốn đó về siêu phàm tạo ra việc đánh thức sự chịu đựng phức cảm kém cỏi. Chấp nhận nó đi.
Tôi kém cỏi - nhìn tôi mà xem! Bạn không thể nào kém cỏi hơn tôi được. Tôi bình thường thế! Tôi không thể làm phép màu nào, tôi không thể bước đi trên nước được. Tôi phải chịu phức cảm kém cỏi - bởi vì Jesus đã bước đi trên nước. Bạn thấy tôi bình thường làm sao!
Nhưng tôi phúc lạc thế bởi vì tôi cứ nói, "Vậy thì sao?" tôi không thể bước đi trên nước được, điều đó là đúng. Tôi không tạo ra vấn đề từ nó. Bạn có thể làm ra vấn đề từ bất kì cái gì.
Tôi đã nghe:
Khi Moses tới từ Ai Cập và kẻ thù theo sát gót ông ấy và họ tới gần biển, bây giờ có vấn đề: Phải làm gì? Biển là rào chắn và kẻ thù đang gần tới. Họ đang mỗi khoảnh khắc một gần hơn.
Và thế rồi bỗng nhiên phép màu xảy ra: biển bị chia thành hai phần. Những cột nước khổng lồ ở cả hai phía và con đường nhỏ....
Moses nhìn lên trời và nói, "Lạy trời, mỗi một điều con phải hỏi ngài thôi. Tại sao bao giờ con cũng là người đầu tiên? Bây giờ con phải đi vào trong nguy hiểm này! Tại sao con bao giờ cũng phải là người đầu tiên?"
Bạn thậm chí có thể phàn nàn về phép màu của mình - còn tôi không phàn nàn ngay cả về sự bình thường của tôi. Golda Meir, cựu thủ tướng Israel, thường nói đi nói lại, "Tôi không thể tha thứ cho Moses được. Trong bốn mươi năm ông ấy đã dẫn người của chúng ta vào sa mạc, và ông ấy đã tìm ra Israel - chỗ duy nhất không có dầu! Tôi không thể tha thứ cho con người này được. Và ông ấy đã đi qua nhiều chỗ có dầu."
Amit Prem, đơn giản chấp nhận cách bạn đang vậy đi. Bạn không thể là bất kì ai khác được. Bởi vì bạn đang cố gắng là ai đó khác, điều đó tạo ra rắc rối.
Anh ấy viết cho tôi, "Tôi muốn là người bên trong trong đạo tràng, và tôi vẫn còn ở ngoại vi." Vậy cái gì sai với việc ở ngoại vi? Tôi thậm chí còn không ở ngoại vi! Bạn ít nhất cũng còn ở ngoại vi. Bất kì khi nào bạn hiện hữu, tận hưởng điều đó đi. Nếu bạn trở nên quen thuộc với việc tạo ra khổ sở cho bản thân mình, cho dù bạn ở chính trung tâm bạn vẫn sẽ khổ. Bạn sẽ nói, "Trời ơi, sao tôi bao giờ cũng phải ở trung tâm và mang toàn thể trách nhiệm thế này?"
Tôi nói, tôi không ở trung tâm bởi vì tôi không mang trách nhiện nào cả. Bạn sẽ không tìm thấy người nào vô trách nhiệm trên toàn thế giới hơn tôi đâu. Tôi không có trách nhiệm chút nào. Ngay cả ở ngoại vi bạn cũng có trách nhiệm nào đó. Ngay cả người gác ở cổng cũng có trách nhiệm nào đó.
Học tận hưởng ở bất kì chỗ nào bạn ở và bất kì cái gì bạn đang là. Đừng làm nhặng sị lên về nó. Nếu có chống cự điều đó là tự nhiên, bởi vì toàn thế quá trình này là về buông bỏ. Tính chất sannyas là buông bỏ. Chống cự là tự nhiên. Cho nên chấp nhận nó đi, và qua việc chấp nhận nó sẽ chết cái chết tự nhiên.
Câu hỏi thứ năm:
Thưa Thầy kính yêu,
Thầy có chống phong trào giải phóng phụ nữ không?
Shakti, tôi không chống phụ nữ, tôi ủng hộ tất cả cho họ. Nhưng phong trào giải phóng phụ nữ là cái gì đó xấu xí - và tôi biết trách nhiệm thuộc về tính gia trưởng nam. Họ đã làm nhiều điều hại cho đàn bà qua nhiều thời đại tới mức bây giờ đàn bà muốn trả thù. Nhưng bất kì khi nào bạn bắt đầu trả thù bạn đều trở nên có tính phá huỷ. Phong trào này vẫn đang trong pha phá huỷ; nó đã không trở thành sáng tạo Và tôi chống lại tính phá huỷ.
Cứ nhìn mãi vào vết thương quá khứ chẳng hữu dụng gì. Trả thù vì quá khứ cũng không hữu dụng. Người ta phải học tha thứ và quên đi. Vâng, điều đó đã là sai rồi - chấp nhận nó đi. Bất kì cái gì đã từng được làm cho đàn bà từ nhiều thời đại đều tuyệt đối sai. Đàn ông đã khai thác họ. Đàn ông đã từng rất tàn bạo, rất con vật. Đàn ông đã làm đàn bà thành nô lệ; thậm chí còn hơn thế, anh ta đã làm họ thành đồ vật, thành thứ sở hữu. Nhưng phỏng có ích gì mà trả thù? Thế thì bạn trở thành kẻ đuổi và đàn ông trở thành kẻ bị đuổi. Thế thì một loại gia trưởng khác bắt đầu hình thành. Thế thì gia trưởng nữ được sinh ra. Và điều này sẽ không đưa mọi sự về đúng. Thế thì đàn bà sẽ bắt đầu gây hại cho đàn ông, và chẳng chóng thì chầy họ sẽ trả thù. Điều này sẽ chấm dứt ở đâu? Nó là cái vòng luẩn quẩn.
Và cảm giác của tôi là ở chỗ thay vì đàn ông dừng nó lại, để đàn bà dừng nó lại còn dễ dàng hơn nhiều, để bước ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này - bởi vì họ đang ngày một đáng yêu hơn, từ bi hơn. Đàn ông hùng hổ hơn, bạo hành hơn. Tôi không có mấy hi vọng vào đàn ông, tôi hi vọng nhiều vào đàn bà. Do đó tôi không thiên về thái độ hung hăng và cách tiếp cận của phong trào giải phóng phụ nữ.
Bà Farid tự trình diện ở cổng cõi trời và run rẩy gõ cửa.
"Thưa bà," Cha Abraham nói, nhìn đầy nghi ngờ qua lỗ nhỏ, "bà từ đâu tới đây?"
"Tôi tới từ Flatbush," bà Farid đáp với vẻ bối rối, khi những giọt mồ hôi lớn túa ra trên trán thiêng liêng của bà ấy.
"Đừng lo, con gái của ta," lão trượng đáp lại một cách từ bi. "Vĩnh hằng là thời gian dài; con có thể sống xuôi theo đó."
"Thưa ngài, con có cái gì đó để thú tội," bà ấy tiếp tục, hiển nhiên là lo nghĩ.
"Trong tôn giáo của chúng ta, chúng ta không có thú tội."
"Nhưng việc này khác. Nếu ngài nhìn vào bản ghi của ngài, ngài sẽ thấy rằng có thể con không thuộc vào đây. Con - con - thế này - con đã đầu độc chồng con và băm nhỏ em chồng. Mà không chỉ có thế, con...."
Cha Abraham bỗng nhiên trở nên nghiêm nghị. "Hành vi ngông cuồng của bà quả thực tạo ra vấn đề, thưa bà. Bà có phải là thành viên của phong trào giải phóng phụ nữ không?"
"Không."
Ngọc môn và thạch cao tuyết hoa chuyển động nhịp nhàng mở ra bản lề vàng, tạo ra âm nhạc say đắm nhất, và trưởng lão cúi mình xuống.
"Xin mời vào nơi nghỉ vĩnh hằng của bà."
Nhưng bà Farid ngần ngại. "Đầu độc, băm vằm, thế... thế...." bà ấy lẩm bẩm.
"Không có hậu quả gì đâu, tôi đảm bảo cho bà đấy. Chúng tôi sẽ không khó dễ với quí bà đã không thuộc vào phong trào phụ nữ. Cầm đàn hạc đi."
"Nhưng tôi đã xin làm thành viên rồi. Họ không cho tôi vào."
"Cầm hai đàn hạc."
Đừng lo, Shakti. Có nhiều đàn bà ở đây đã từng thuộc vào phong trào giải phóng phụ nữ. Nhưng khi họ tới gần tôi hơn, thái độ của họ đã thay đổi, cách tiếp cận của họ đã thay đổi. Những vấn đề của cuộc sống chỉ có thể được giải quyết bằng tình yêu, chúng không thể được giải quyết bằng bất kì cách tiếp cận bạo hành nào.
Đàn ông và đàn bà là những thế giới khác nhau; do đó khó mà hiểu được nhau. Và quá khứ đã đầy những hiểu lầm, nhưng điều đó không cần phải như vậy trong tương lai. Chúng ta có thể học bài học từ quá khứ, và bài học duy nhất là ở chỗ đàn ông và đàn bà phải trở nên hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn và chấp nhận sự khác biệt của nhau nhiều hơn. Những khác biệt đó là có giá trị, chúng không cần tạo ra xung đột nào; thực tế, chúng là nguyên nhân của hấp dẫn giữa họ. Nếu mọi khác biệt giữa đàn ông và đàn bà biến mất, nếu họ có cùng loại tâm lí, tình yêu cũng sẽ biến mất bởi vì cực không có đó.
Đàn ông và đàn bà giống như các cực âm và dương của điện: chúng hút lẫn nhau về mặt từ; chúng là các cực đối lập. Do đó, xung đột là tự nhiên. Nhưng qua hiểu biết, qua từ bi, qua tình yêu, qua việc nhìn vào thế giới của người khác và cố gắng thông cảm với nó, mọi vấn đề có thể được giải quyết. Không cần tạo ra nhiều xung đột hơn - thế là đủ rồi.
Đàn ông cần nhiều giải phóng như đàn bà. Cả hai đều cần giải phóng - giải phóng khỏi tâm trí. Họ nên cộng tác với nhau và giúp đỡ lẫn nhau để được giải phóng khỏi tâm trí. Đó sẽ là phong trào giải phóng thực.
Đó là điều tính chất sannyas tất cả là gì.
Câu hỏi cuối cùng:
Thưa Thầy kính yêu,
Thầy có phải là Thượng đế Đấng sáng tạo không?
Sudheer, bạn nghĩ tôi điên chắc?
Trong gần một năm, ông Sulzberg đã từng thường ông ấy đã tạo ra từ ga trải giường, và với bộ râu bạc chảy dài, ông ấy quả thực trông như một giáo trưởng kinh thánh.
Ảo tưởng của ông già Sulzberg cứ ngày càng tồi tệ dần, và chung cuộc con trai và con gái của ông ấy và các con cháu mới lớn tổ chức cuộc họp và ngần ngại đồng ý đưa ông ấy tới tổ chức từ thiện. Ở đó, họ hi vọng, được trị liệu đúng, ông ấy có thể phục hồi lành mạnh và rồi trở về nhà.
Tại Nhà Li băng Cedars dành cho người bị rối loạn tinh thần, "đấng cứu thế" lại nổi tiếng với các bệnh nhân bạn bè. Đến lúc đó, tức là, ông ấy đã phạm sai lầm thúc đẩy họ bỏ cách thức phi thượng đế của họ.
"Ta là Moses hoá thân đây," ông ta gầm lên như sấm như nhà tiên tri thời xưa. "Ta là đấng cứu thế!"
"Ồ thế à?" một trong các bệnh nhân la lên. "Ai nói thế?"
"Ta sẽ nói cho các ông ai nói thế," ông Sulzberg- biến thành đấng cứu thế nói. "Thượng đế nói thế!"
Và từ nhóm bệnh nhân bên ngoài hơn một giọng nói phẫn nộ vang lên: "Ta không nói thế!"
Xem tiếp Chương 3 - Quay về Mục lục

Ads Belove Post