Chương 8. Thượng đế yêu tiếng cười

Chương 8. Thượng đế yêu tiếng cười

Price:

Read more

Osho - Dhammapada: Con đường của Phật (Tập 2)
Chương 8. Thượng đế yêu tiếng cười


Câu hỏi thứ nhất:
Thưa Thầy kính yêu,
Ở phương Tây tôi đã được huấn luyện là một công nhân xã hội. Tôi được dạy rằng điều quan trọng là một người kính trọng và yêu mến bản thân mình và cảm thấy xứng đáng. Tôi đã được dạy rằng điều quan trọng là hỗ trợ để giúp làm mạnh cho bản ngã. Thầy nói giết chết bản ngã. Tôi bị lẫn lộn.

Prem Aradhana, bản ngã được cần tới bởi vì cái ta thực chưa được biết tới. Bản ngã là cái thay thế, nó là thực thể giả. Bởi vì bạn không biết bản thân mình nên bạn phải tạo ra một trung tâm nhân tạo; bằng không hoạt động trong cuộc sống sẽ không thể được. Bởi vì bạn không biết khuôn mặt thật của mình, bạn phải đeo mặt nạ. Không biết về cái bản chất, bạn phải tin cậy vào cái bóng.
Chỉ có hai cách sống trong cuộc sống. Một là sống nó từ chính cốt lõi của bản thể bạn - đó đã là cách của các nhà huyền môn. Thiền không là gì ngoài phương cách làm cho bạn nhận biết về cái ta thực của mình - cái không do bạn tạo nên, cái bạn đã là vậy rồi. Bạn được sinh ra với nó, bạn là nó! Nó cần được phát hiện ra. Nếu điều này là không thể, hay nếu xã hội không cho phép điều đó xảy ra... và không xã hội nào cho phép nó xảy ra cả, bởi vì cái ta thực là nguy hiểm - nguy hiểm cho nhà thờ đã được lập, nguy hiểm cho nhà nước, nguy hiểm cho đám đông, nguy hiểm cho truyền thống - bởi vì một khi con người biết tới cái ta thực của mình, người đó trở thành cá nhân. Người đó không còn thuộc vào tâm lí đám đông nữa; người đó sẽ không mê tín, và người đó không thể bị khai thác. Người đó không thể bị dẫn đi như trâu bò, người đó không thể bị ra lệnh và chỉ huy. Người đó sẽ sống theo ánh sáng của mình, người đó sẽ sống từ nội tâm riêng của mình. Cuộc sống của người đó sẽ có cái đẹp, sự toàn vẹn vô cùng. Nhưng đó là nỗi sợ của xã hội.
Con người được hợp nhất trở thành cá nhân, và xã hội muốn bạn trở thành phi cá nhân. Thay vì tính cá nhân, xã hội dạy bạn là cá tính. Từ 'cá tính - personality' phải được hiểu. Nó bắt nguồn từ một gốc, 'persona' - persona nghĩa là mặt nạ. Xã hội cho bạn một ý tưởng giả tạo về bạn là ai; nó cho bạn mỗi một thứ đồ chơi, và bạn cứ níu bám lấy đồ chơi này cả đời bạn.
Cách duy nhất là sống qua thiền - thế thì bạn sống cuộc sống của nổi dậy, của phiêu lưu, của dũng cảm.
Thế thì bạn thực sự sống! Cách khác để sống, hay để sống giả, là cách thức của bản ngã - làm mạnh bản ngã, nuôi dưỡng bản ngã; để cho bạn không cần nhìn vào cái ta, cứ níu bám lấy bản ngã. Bản ngã là vật phẩm do xã hội tạo ra để lừa dối bạn, làm sao lãng bạn.
Bản ngã là do con người tạo ra, được chúng ta chế tạo ra. Và bởi vì nó do xã hội chế tạo ra, xã hội có quyền trên nó. Bởi vì nó do nhà nước và nhà thờ tạo ra, và do những người đang có quyền lực tạo ra, họ có thể phá huỷ nó vào bất kì lúc nào; điều đó tuỳ thuộc vào họ. Bạn phải thường xuyên trong sợ, và bạn phải thường xuyên vâng lời họ, tuân theo họ, để cho bản ngã của bạn còn nguyên không bị động chạm. Xã hội cho bạn sự kính trọng nếu bạn không phải là cá nhân. Xã hội tôn vinh bạn nếu bạn không phải là một Jesus, không phải là một Socrates, không phải là một Phật. Nó kính trọng bạn chỉ nếu bạn là con cừu, không phải là con người.
Phương Tây đã hoàn toàn quên mất cách thiền - và Ki tô giáo đã là nguyên nhân. Ki tô giáo đã tạo ra một tôn giáo rất giả tạo, chẳng biết gì về thiền. Ki tô giáo là rất hình thức; nó là nghi lễ. Nó là một phần của xã hội và cấu trúc chính trị của xã hội. Karl Marx hoàn toàn đúng về điều đó, rằng nó là thuốc phiện của  mọi người. Bởi vì Ki tô giáo, phương Tây đã mất dấu vết của bản thể riêng của nó. Và người ta không thể sống mà không có ý tưởng nào đó về cái ta của mình - và nếu bạn không thể phát hiện được, thế thì tạo ra cái gì đó đi. Nó sẽ là giả, nhưng cái gì đó vẫn còn tốt hơn là không cái gì.
Aradhana, điều bạn đã được bảo cho là hoàn toàn vô nghĩa. Không thành vấn đề ai nói điều đó - các đại học, các chính khách, các tu sĩ. Chắc chắn, bạn sẽ cảm thấy bị lẫn lộn, bởi vì tôi đang nói cho bạn chính cái đối lập lại: Tôi đang bảo bạn gạt bỏ bản ngã, bởi vì nếu bạn gạt bỏ bản ngã, bạn gạt bỏ tảng đá đang ngăn cản luồng tâm thức của bạn.
Tâm thức của bạn có đó, ngay ở sau tảng đá này; nó phải không được đem từ đâu đó khác lại. Loại bỏ tảng đá này đi - tôn giáo thực chỉ bao gồm việc loại bỏ cái không cần thiết, và thế rồi cái cần thiết bắt đầu tuôn chảy. Cái không bản chất phải bị loại bỏ đi. Và cái bản chất đã có đó rồi, nó đã là hoàn cảnh rồi! Bạn loại bỏ tảng đá và bạn sẽ ngạc nhiên: bạn không cần tạo ra cái ta thực - nó tự lộ ra cho bạn.
Và cái thực có cái đẹp, và cái thực là bất tử. Bởi vì nó bất tử nó không sợ. Cái không thực thường xuyên run rẩy. Bản ngã bao giờ cũng trong nguy hiểm - bất kì ai đều có thể phá huỷ được nó. Bởi vì nó đã được những người khác trao cho bạn, họ có thể lấy lại nó. Hôm nay họ kính trọng bạn, ngày mai họ có thể không kính trọng bạn. Nếu bạn không theo ý tưởng của họ về cuộc sống, nếu bạn không xác nhận phong cách hiện hữu của họ, họ sẽ rút lại sự kính trọng của họ. Và bạn sẽ bị xẹp lép trên đất… và bạn sẽ không biết mình là ai.
Borges viết:
"Tôi mơ rằng tôi thức dậy từ một giấc mơ khác - đầy những biến động và rối loạn - và rằng tôi thức dậy trong một căn phòng tôi không nhận ra. Bình minh đã bừng lên: ánh sáng khuếch tán yếu ớt làm hằn đường nét của chân giường sắt, bàn. Tôi hoảng sợ nghĩ 'Mình ở đâu thế này?' và nhận ra rằng tôi đã không biết. Tôi nghĩ 'Mình là ai?' và tôi không thể nhận ra được bản thân mình. Nỗi sợ lớn dần lên trong tôi. Tôi nghĩ, 'Việc thức tỉnh đau đớn này đã là địa ngục rồi, việc thức tỉnh không tương lai này sẽ là cái vĩnh hằng của tôi.' Thế rồi tôi thực sự thức dậy, run rẩy."
Không biết tới bản thân mình, không biết tới số phận mình, đó chắc chắn là địa ngục thực. Và con người không biết tới bản thân mình. Bây giờ, cách thức rẻ hơn là tạo ra bản ngã, và phương Tây đã đi theo cách thức rẻ hơn này. Mà cũng không chỉ phương Tây: đa số mọi người ở phương Đông nữa, cũng đã làm cùng điều đó. Chỉ bỏ vài người đã chứng ngộ sang bên, và cả thế giới đã từng làm cùng một điều.
Phương Tây chiếm tới chín mươi chín phẩy chín phần trăm người trên thế giới; phương Đông chỉ gồm vài người, họ có thể được đếm trên đầu ngón tay. Với tôi, phương Đông và phương Tây không phải là về địa lí - chúng là chiều hướng tâm linh. Phật Gautam, Lão Tử, Zarathustra, Abraham, Moses, Christ, Thánh Francis - phương Đông bao gồm những người này. Nơi họ sinh ra không quan trọng, không liên quan. Chắc chắn Thánh Francis không được sinh ra ở phương Đông, nhưng tôi tính cả ông ấy như một phần của phương Đông.
Chiều hướng tâm linh, chiều hướng nơi mặt trời bên trong mọc, là phương Đông. Và đêm tối của linh hồn, cái không biết gì về mặt trời mọc cả, là phương Tây. Bạn không trở nên có tính tôn giáo chỉ bởi việc được sinh ra ở Ấn Độ. Tôn giáo không rẻ thế. Nó là thứ đắt nhất trong sự tồn tại, bởi vì nó là quí giá nhất.
Không có lối tắt cho nó, còn những người tìm kiếm lối tắt nhất định bị lừa dối bởi ai đó. Họ sẽ được cho đồ chơi, và bạn có thể cứ tin vào đồ chơi bởi vì bạn không muốn liều mạng phiêu lưu vào cái không biết.
Cái không biết lớn nhất tồn tại bên trong bạn. Biển chưa được thăm dò nhất là tâm thức bạn, và nguy hiểm lớn nhất nữa, bởi vì khi bạn bắt đầu đi vào bên trong, bạn bắt đầu rơi vào trong cái trống rỗng, và hoảng sợ lớn lao nảy sinh, sợ bị điên, sợ mất căn cước của bạn... Bởi vì bạn đã biết tới bản thân mình như cái tên, bạn đã biết tới bản thân mình như một người đặc biệt - bạn đã biết tới bản thân mình như bác sĩ, như kĩ sư, như doanh nhân; bạn đã biết tới bản thân mình như người Ấn Độ, người Đức, người Trung Quốc; bạn đã biết tới bản thân mình như người da đen hay da trắng; bạn đã biết tới bản thân mình như đàn ông hay đàn bà; bạn đã biết tới bản thân mình như người có giáo dục hay không giáo dục - tất cả những phân loại này bắt đầu biến mất.
Khi bạn đi vào bên trong, bạn không là đàn ông không là đàn bà: Neti, neti - không cái này không cái nọ, không da trắng không da đen, không Hindu giáo không Mô ha mét giáo, không người Ấn Độ không người Pakistan. Khi bạn đi vào bên trong, tất cả những phân loại này bắt đầu tuột khỏi tay bạn. Thế thì bạn là ai? Bạn bắt đầu mất dấu vết bản ngã của bạn, và nỗi sợ lớn nảy sinh - sợ cái không. Bạn rơi vào trong cái vô hạn. Ai biết liệu bạn sẽ có khả năng quay lại hay không? Và ai biết cái gì sẽ là kết quả của việc thám hiểm này? Kẻ hèn nhát níu bám lấy bến bờ và quên mất tất cả về biển. Đó là điều đang xảy ra trên khắp thế giới. Mọi người níu bám lấy bản ngã bởi vì bản ngã cho bạn ý tưởng nào đó về bạn là ai, cho bạn sáng tỏ nào đó. Nhưng bản ngã là giả, và sáng tỏ này cũng là giả.
Thà bị lẫn lộn bởi thực tại còn tốt hơn là được sáng tỏ với cái không thực ra.

Aradhana, bạn đúng đấy: với tôi lẫn lộn lớn nhất định xảy ra - bởi vì mọi tri thức của bạn, dần dần, dần dần sẽ được chứng tỏ đơn giản là dốt nát chứ không gì khác. Ẩn giấu đằng sau tri thức của bạn là dốt nát của bạn. Ẩn đằng sau cái láu lỉnh của bạn là tâm trí ngu đần của bạn. Và đằng sau bản ngã chẳng có gì cả - nó là cái bóng.
Một khi điều này trở thành rõ ràng cho bạn, rằng bạn đã níu bám lấy cái bóng, sợ hãi lớn và lẫn lộn lớn, hỗn độn lớn nhất định xảy ra. Nhưng từ hỗn độn này các ngôi sao  được sinh ra. Người ta phải trải qua những hỗn độn như vậy - đó là một phần của trưởng thành tâm linh. Bạn phải làm mất đi cái giả để có được cái thật. Nhưng giữa hai điều này sẽ là một khoảng hở mà cái giả sẽ mất đi và cái thật sẽ chưa tới. Đó là những khoảnh khắc, khoảnh khắc mấu chốt nhất... đây là những khoảnh khắc mà bạn cần thầy hay bạn.
Mới hôm nọ, Phật đã nói, "Thầy hay bạn là được cần." Đây là những khoảnh khắc đó khi bạn sẽ cần bàn tay của ai đó, người có thể giữ bạn, người có thể đỡ bạn, người có thể nói, "Đừng sợ. Cái trống rỗng này sẽ biến mất. Chẳng mấy chốc bạn sẽ tuôn trào - chỉ chút ít chờ đợi thêm nữa, chút ít kiên nhẫn thêm nữa." Thầy không thể cho bạn cái gì, nhưng thầy có thể cho bạn dũng cảm. Thầy có thể đưa bàn tay của mình cho bạn vào những khoảnh khắc mấu chốt đó khi tâm trí bạn muốn quay lại, trở lại, níu bám bến bờ này.
Vui vẻ của thầy, niềm tin của thầy, thẩm quyền của thầy... nhớ lấy, khi tôi nói "thẩm quyền của thầy" tôi không ngụ ý rằng thầy là người cầm quyền. Thầy không bao giờ là người cầm quyền, nhưng thầy có thẩm quyền, bởi vì thầy là nhân chứng cho cái ta riêng của mình. Thầy biết về bờ bên kia, thầy đã từng ở bờ bên kia. Bạn chỉ mới nghe nói về bờ bên kia, bạn đã đọc về nó; bạn chỉ biết về bờ bên này, sự thoải mái và an ninh, và an toàn của bờ này. Và khi cơn bão hoành hành dữ dội và bạn bắt đầu mất cái nhìn về bờ này, và bạn không có khả năng thấy được bờ bên kia, tâm trí bạn sẽ nói, "Quay lại thôi! Quay lại nhanh nhất có thể được đi! Bờ cũ đang biến mất và bờ mới không xuất hiện. Có thể không có gì ở bờ bên kia cả, có thể không có bờ bên kia chút nào. Và cơn bão to thế!"
Trong những khoảnh khắc đó, nếu bạn ở cùng thầy, và ai đó đang ngồi trong thuyền im lặng, hoàn toàn bình thản và yên tĩnh, cười lớn và nói, "Đừng lo," vẫn cứ thổi sáo, hay ca hát bài ca, hay kể chuyện cười cho bạn, và người đó nói, "Đừng lo. Có bờ bên kia - ta biết, ta đã từng ở đó. Kiên nhẫn thêm chút nữa đi..."
Nhìn vào mắt người đó... vào sự tự tin tuyệt đối của người đó sẽ là giúp đỡ duy nhất. Thấy sự bình thản, yên tĩnh của người đó, sự toàn vẹn của người đó... Người đó không nhìn lại, người đó không sợ: người đó phải đã thấy bờ bên kia rồi, người đó phải đã ở đó rồi. Toàn bộ bản thể của người đó nói lên điều đó, toàn thể bản thể của người đó chứng minh cho điều đó. Và khi người đó cầm tay bạn, bạn có thể cảm thấy rằng tay người đó không run; bạn có thể cảm thấy rằng bất kì điều gì người đó nói, người đó nói từ kinh nghiệm riêng của mình, không phải bởi vì nó được viết trong Kinh Thánh, trong Gita, trong Dhammapada. Người đó biết điều đó theo cách riêng của mình! - đó là thẩm quyền của người đó.
Một khi tự tin của người đó, tin cậy của người đó, trở thành lây nhiễm cho bạn, bạn cũng sẽ bắt đầu cười. Tất nhiên, tiếng cười của bạn sẽ có chút ít thần kinh trong nó, nhưng bạn sẽ bắt đầu cười. Bạn có thể bắt đầu hát cùng người đó, có thể chỉ để tránh sợ, cũng như mọi người huýt sáo trong bóng tối. Bạn có thể tham gia cùng điệu vũ của người đó, chỉ để quên đi tất cả về điều đang xảy ra. Bạn không muốn thấy cơn bão bao quanh mình, và bạn không muốn nhớ quá khứ và bạn không muốn nghĩ về tương lai. Nó dường như đen tối và ảm đạm với bạn. Bạn có thể tham gia vào trong điệu vũ của người đó...
Khi nhảy múa với người đó, cho dù là từ sợ, khi ca hát với người đó cho dù việc hát của bạn nhất định là thần kinh, khi cười cùng người đó mặc dầu tiếng cười của bạn không toàn bộ, cơn bão sẽ chóng qua đi. Kiên nhẫn của bạn càng sâu, điều đó càng chóng xảy ra - bạn cũng sẽ có khả năng thấy bờ bên kia, bởi vì khi mắt không bị trục trặc, khi mắt không đầy sợ, chúng trở thành có tính cảm nhận. Việc thấy nảy sinh trong bạn - bạn trở thành người thấy.
Bờ bên kia không xa xôi gì; chỉ tại mỗi mắt bạn đầy khói đến mức bạn không thể thấy được. Thực ra, chính bờ này là bờ bên kia. Nếu mắt bạn sáng tỏ, nếu cảm nhận của bạn không bị u ám, nếu sáng suốt đã nảy sinh trong bản thể bạn, nếu bạn có thể thấy và nghe, chính bờ này là bờ bên kia. Khi người ta biết, người ta thực sự cười vào toàn thể cái nhố nhăng của cuộc sống - bởi vì chúng ta đã thu được cái chúng ta khao khát. Kho báu này đi cùng với chúng ta, và chúng ta cứ chạy quanh đây đó.
Bản ngã phải không được tạo ra, bởi vì bạn có cái ta tối cao bên trong mình.
Nhưng tôi có thể hiểu được lẫn lộn của bạn. Vẫn còn bị lẫn lộn đi. Đừng quay sự sáng tỏ cũ của bạn - nó là lừa dối. Ở trong lẫn lộn này, ở cùng tôi thêm chút nữa, và chẳng mấy chốc lẫn lộn sẽ tản mát đi và biến mất. Và thế rồi một loại sáng tỏ hoàn toàn mới tới.
Có hai loại sáng tỏ - một, sáng tỏ chỉ đơn giản có tính trí tuệ, bất kì khoảnh khắc nào cũng có thể bị lấy đi, hoài nghi có thể được tạo ra vào bất kì khoảnh khắc nào... Trí tuệ đầy những hoài nghi. Bất kì cái gì bạn đã nghe thấy và bất kì cái gì bạn đã được bảo đều bị tôi dễ dàng lấy đi thế; nó chẳng giá trị gì mấy. Huấn luyện cả đời của bạn, và tôi đã lấy đi mảnh đất từ dưới chân bạn dễ dàng thế... và bạn bị lẫn lộn. Sáng tỏ như vậy có thể có giá trị gì? Nếu tôi có thể làm cho bạn lẫn lộn dễ dàng thế, điều đó nghĩa là nó không thực sự sáng tỏ đâu. Tôi sẽ cho bạn một loại sáng tỏ mới mà không thể bị làm lẫn lộn được.
Có lần một triết gia lớn tới gặp Ramakrishna. Triết gia này biện luận chống Thượng đế, và ông ấy biện luận thực giỏi. Tên ông ấy là Keshav Chandra Sen. Ramakrishna hoàn toàn thất học; ông ấy chẳng biết gì về triết học cả, ông ấy chưa bao giờ tới đại học, ông ấy chỉ đọc được tới mức lớp hai thôi. Ông ấy có thể viết và đọc một chút tiếng Bengali.
Triết gia này là người rất có giáo dục, nổi tiếng thế giới, ông ấy đã viết nhiều sách. Ông ấy biện luận, còn Ramakrishna cười. Và mỗi lần triết gia này nêu ra một luận cứ hay, sâu sắc chống Thượng đế, Ramakrishna nhảy lên và ôm chầm lấy ông ta. Một đám đông lớn đã tụ tập để xem cảnh tượng này, điều đang xảy ra. Triết gia này xấu hổ lắm, bởi vì ông ấy đã tới để tranh biện, và đây là cái loại tranh biện gì thế này? Người này cười, nhảy múa - đôi khi còn ôm chầm.
Triết gia này nói, "Ông không bị xáo động bởi luận cứ của tôi sao?"
Ramakrishna nói, "Làm sao tôi có thể bị xáo động được? Tôi thực sự thích luận cứ của ông. Ông láu lỉnh, ông thông minh, luận cứ của ông thật là cừ - nhưng tôi có thể làm gì được? Tôi biết Thượng đế! Đấy không phải là vấn đề luận cứ, không phải là tôi tin vào Thượng đế. Nếu mà tôi tin, ông sẽ làm cho tôi xáo động, ông sẽ lấy đi mọi sự sáng tỏ của tôi và ông sẽ làm cho tôi lẫn lộn. Nhưng tôi biết ngài hiện hữu mà!"
Nếu bạn biết, bạn biết - không có cách nào làm sao lãng bạn được. Tôi sẽ cho bạn loại sáng tỏ đó - cái biết, không phụ thuộc vào bất kì luận cứ nào, và nảy sinh từ kinh nghiệm tồn tại. Thế thì bạn không cần phải được dạy kính trọng bản thân mình hay yêu lấy bản thân mình hay cảm thấy có giá trị. Biết bản thân mình, người ta biết người là Thượng đế. Bây giờ bạn có thể bày tỏ kính trọng thêm nào nữa cho bản thân mình? Khi kinh nghiệm này nảy sinh trong bạn - "aham brahmasmi! Ta là Thượng đế!" - bạn còn có thể bày tỏ kính trọng thêm nào nữa cho bản thân mình?
Và ai có đó để cho kính trọng? Chỉ mỗi Thượng đế có đó. Khi trong chỗ thầm kín sâu sắc nhất của bản thể bạn việc nhận ra xảy tới: "Ana'l haq! - Ta là chân lí!" bạn còn cần cảm thấy xứng đáng nào thêm nữa? Bạn đã đi tới điều tối thượng, và bạn đã đi tới biết điều tối thượng như bản thể cốt lõi nhất của mình, lãnh thổ của mình.
Vâng, bạn đã được bảo kính trọng bản thân mình bởi vì bạn không biết bạn là ai. Bạn đã được bảo cảm thấy xứng đáng bởi vì bạn cảm thấy vô giá trị. Bạn đã được bảo yêu lấy bản thân mình bởi vì bạn ghét bản thân mình. Và điều kì lạ này, điều kì khôi này, là ở chỗ cũng cùng những người đó đã làm cả hai điều đối với bạn.
Cùng những người đó trước hết làm cho bạn cảm thấy vô giá trị; đây là bí mật thương mại của mọi nhà thờ, của tất cả cái gọi là tôn giáo, của mọi ý thức hệ chính trị, của mọi xã hội, các nền văn minh và văn hoá đã tồn tại cho tới nay. Đây là bí mật thương mại: trước hết họ làm cho bạn cảm thấy vô giá trị - mọi đứa trẻ đều bị làm cho cảm thấy vô giá trị. Nó được bảo, "Nếu cháu chưa trở thành thế này thế nọ, cháu chẳng có giá trị gì." Khi nó bắt đầu cảm thấy vô giá trị, chúng ta bắt đầu bảo nó, "Cảm thấy xứng đáng đi, cảm thấy giá trị nào đó. Nếu cháu không thể cảm thấy xứng đáng, cuộc đời cháu bị phí hoài."
Trước hết chúng ta bảo nó ghét bản thân nó và kết án bản thân nó; mọi thứ nó làm đều sai, do đó nó bắt đầu ghét bản thân nó bởi vì nó không phải là người đẹp. Bố mẹ, thầy giáo, tu sĩ, họ tất cả đều cùng chung tay vào trong mưu đồ này. Mọi đứa trẻ đều bị qui về trạng thái bị kết án đến mức nó bắt đầu cảm thấy,
"Mình phải là người xấu nhất trên thế giới, bởi vì mình làm những điều không nên làm, và mình không làm những điều nên làm." Và thế rồi một ngày nào đó chúng ta bắt đầu bảo đứa trẻ, "Sao cháu không yêu bản thân mình? Bằng không, làm sao cháu sống sót được?"
Chúng ta lấy đi mọi kính trọng khỏi đứa trẻ, và khi nó trở thành bất kính đối với bản thân nó chúng ta bắt đầu bảo nó tạo ra kính trọng. Đây là tình huống ngớ ngẩn thế! Từng đứa trẻ được sinh ra với kính trọng lớn lao về bản thân mình. Từng đứa trẻ đều biết giá trị của nó, giá trị cố hữu của nó. Nó không xứng đáng bởi vì nó giống Phật hay Krishna hay Christ - nó đơn giản biết nó có giá trị bởi vì nó hiện hữu, nó có sự hiện hữu. Thế là đủ! Và mỗi đứa trẻ đều yêu bản thân nó, kính trọng bản thân nó.
Chính bạn là người dạy cho nó điều đối lập. Trước hết bạn phá huỷ tất cả những cái đẹp trong nó, và thế rồi bạn bắt đầu vẽ bức tranh giả. Phá đi cái đẹp tự nhiên và thế rồi vẽ khuôn mặt nó, làm cho nó thành tuyệt đối giả. Nhưng sao điều này được thực hiện? - bởi vì chỉ người giả mới có thể là nô lệ, chỉ người giả mới có thể tuân theo các chính khách ngu xuẩn, chỉ người giả mới có thể là nạn nhân của các tu sĩ hoàn toàn dốt nát. Nếu mọi người đều thực, họ không thể bị khai thác và không thể bị áp bức.
Aradhana, vẫn còn bị lẫn lộn đi - điều đó là tốt. Điều tốt là bạn đã tới điểm này nơi lẫn lộn lớn đã nảy sinh trong bạn. Bạn có thể không còn tin cậy vào bản ngã của bạn nữa - tốt! Điều đó cực kì quan trọng, bởi vì bây giờ bước thứ hai trở thành có thể. Tôi sẽ trả cho bạn thời thơ ấu của bạn, giá trị bên trong của bạn, điều không phải là một hiện tượng được tạo ra; tình yêu tự nhiên của bạn, điều không được trau dồi nên; kính trọng tự phát của bạn, điều nảy sinh chỉ khi bạn bắt đầu cảm thấy rằng mình là một phần của Thượng đế, rằng bạn là điều thiêng liêng.
Nhớ lấy, bản ngã có tính so sánh - nó bao giờ cũng so sánh bản thân nó với người khác - và cái ta không so sánh. Khi bạn biết tới bản thân mình nó chẳng kém cỏi hơn chẳng cao siêu hơn bất kì ai, nó đơn giản là bản thân nó. Nhưng bản ngã có tính so sánh. Và nhớ lấy, nếu bạn cảm thấy cao siêu so với ai đó, bạn nhất định cảm thấy kém cỏi so với ai đó khác. Cho nên bản ngã là hiện tượng rất rắc rối: một mặt nó làm cho bạn cảm thấy cao siêu, mặt khác nó làm cho bạn cảm thấy kém cỏi. Nó giữ bạn trong mù quáng kép, nó cứ kéo bạn về một bên. Nó làm bạn phát rồ.
Một mặt bạn biết rằng mình là cao siêu hơn người phục vụ của mình, nhưng với ông chủ của bạn thì sao? Bạn buộc người hầu phải phục tùng bạn, và bạn phục tùng ông chủ. Bạn buộc người phục vụ của mình hay vợ mình hay con mình là nô lệ cho mình. Và thế rồi với ông chủ của bạn thì sao? Bạn vẫy đuôi ở đó.
Làm sao bạn có thể phúc lạc được? Cả hai điều đều sai. Làm cho người khác cảm thấy kém cỏi là bạo hành, đó là tội chống lại Thượng đế; và làm cho bản thân bạn cảm thấy kém cỏi trước ai đó lại là tội chống lại Thượng đế. Khi bạn biết cái ta thực, cả hai điều này biến mất. Thế thì bạn là bạn, và người khác là người khác, và không có so sánh - không ai siêu hơn và không ai kém hơn.
Đây là điều tôi gọi là chủ nghĩa cộng sản tâm linh, nhưng điều này là có thể chỉ khi việc tự biết mình đã xảy ra. Karl Marx hay Friedrich Engels, Joseph Stalin hay Mao Trạch Đông, những người này không phải là người cộng sản thực. Họ sống trong bản ngã. Người cộng sản thực là Phật Gautam, Jesus, Lão Tử - không ai biết họ là người cộng sản nhưng họ là người cộng sản thực, bởi vì nếu bạn hiểu cái nhìn của họ, mọi so sánh biến mất. Và khi không có so sánh, có chủ nghĩa cộng sản. Bình đẳng là có thể chỉ khi so sánh biến mất khỏi thế giới.
Không biết tới bản thân mình, bạn gần như ngủ say; không biết tới bản thân mình, bạn giống  như người say cứ đi hỏi người khác, "Nhà tôi đâu?" Người say thậm chí đôi khi còn hỏi, "Thưa ông, xin ông bảo tôi là ai?"
Một lần một người say quay lại chỗ người đứng quầy rượu và hỏi anh ta, "Ông có thấy bạn tôi không? Anh ấy có ở đây không?"
Người đứng quầy nói, "Có đấy, mới vài phút trước đây thôi, anh ấy đã ở đây."
Và người say hỏi, "Xin anh vui lòng cho tôi biết, tôi có ở cùng đó với anh ấy không?"
Một hôm có một người say đứng tại quầy rượu. Anh ta quay sang người bên phải mình và nói, "Anh đổ bia vào túi quần tôi đấy à?"
"Tôi chắc chắn không làm đâu," người này nói.
Thế rồi người say quay sang người bên trái mình và nói, "Anh có đổ bia vào túi quần tôi không đấy?"
Người này nói, "Tôi chắc chắn không đổ bia vào túi quần anh đâu."
Người say nói, "Vậy như tôi nghĩ rồi - việc bên trong rồi."
Câu hỏi thứ hai:
Thưa Thầy kính yêu,
Tầm nhìn của thầy về công xã mới là gì?
Krishna Prem, công xã mới là một thực nghiệm về chủ nghĩa cộng sản tâm linh. Từ 'cộng sản' bắt nguồn từ 'công xã - commune'. Chỉ có một khả năng của chủ nghĩa cộng sản trên thế giới và khả năng đó là qua thiền. Chủ nghĩa cộng sản là không thể có được qua thay đổi cấu trúc kinh tế của xã hội.
Thay đổi cấu trúc kinh tế của xã hội sẽ chỉ đem tới các giai cấp mới; nó không thể đem tới xã hội phi giai cấp được. Giai cấp vô sản có thể biến mất, giai cấp tư sản có thể ra đi, nhưng thế rồi người cai trị và người bị cai trị... đó là điều đã xảy ra ở nước Nga Xô viết, đó là điều đã xảy ra ở Trung Quốc. Những phân biệt mới, các giai cấp mới đã nảy sinh.
Chủ nghĩa cộng sản về cơ bản là tầm nhìn tâm linh. Vấn đề không phải là thay đổi cấu trúc kinh tế của xã hội, mà là thay đổi viễn kiến tâm linh của mọi người. Công xã mới sẽ là không gian nơi chúng ta có thể tạo ra con người không bị ám ảnh bởi so sánh, những người không bị ám ảnh bởi bản ngã, những người không bị ám ảnh bởi cá tính.
Công xã mới sẽ là hoàn cảnh để trong đó con người mới có thể trở thành có thể. Socrates nói rằng thầy là bà đỡ, và ông ấy đúng: mọi thầy đều là bà đỡ. Họ bao giờ cũng mang nhân loại mới vào sự tồn tại. Qua họ mà con người mới được sinh ra.
Con người cũ bị kết thúc. Con người cũ không còn hợp thức nữa. Và với con người cũ, tất cả những cái thuộc vào con người cũ cũng đã trở thành không hợp thức, không liên quan. Con người cũ có tính phủ định cuộc sống. Công xã mới sẽ tạo ra tính tôn giáo khẳng định cuộc sống. Khẩu hiệu của công xã mới là: Chính thân thể này là Phật, chính trái đất này là Thiên đường Hoa sen.
Công xã mới sẽ thần thánh hoá trái đất, làm cho mọi thứ đều thành thiêng liêng. Chúng ta không định phân chia sự tồn tại thành thế giới này và thế giới kia: chúng ta định sống sự tồn tại trong tính toàn bộ của nó. Chúng ta định sống như các nhà khoa học, như các nhà thơ, như các nhà huyền môn - tất cả cùng nhau!
Nhà khoa học có tính bộ phận. Ông ấy chỉ tin vào thân thể, ông ấy không thể vượt ra ngoài nó; tầm nhìn của ông ấy rất hạn chế, thiển cận. Nhà thơ níu bám lấy khía cạnh khác của nhân loại, phần cảm giác. Ông ấy có thể thấy cái đẹp, nhưng cái đẹp của ông ấy có tính rất nhất thời. Ông ấy không có ý tưởng gì về cái vĩnh hằng. Nhà huyền môn sống trong bản thể, ông ấy sống trong trạng thái vô thời gian, bất tử. Bởi vì ông ấy sống trong trạng thái vô thời gian, bất tử, ông ấy trở thành dửng dưng với thế giới của thời gian và không gian.
Ông ấy trở thành dửng dưng cả với khoa học và với thơ ca. Đây là tất cả ba khía cạnh của thực ra, ba khuôn mặt của Thượng đế, ba ngôi, tam thể.
Nỗ lực của tôi trong công xã mới là để tạo ra con người không bộ phận... con người toàn bộ, toàn thể, linh thiêng. Con người nên là cả ba đồng thời. Con người phải có tính chính xác và khách quan như nhà khoa học; và con người phải có tính nhạy cảm, tràn đầy của trái tim, như nhà thơ; và con người phải được bắt rễ sâu vào trong bản thể mình như nhà huyền môn. Con người không nên chọn lựa. Con người nên cho phép tất cả ba chiều hướng này cùng tồn tại.
Phương Đông đã khổ bởi vì chúng ta trở nên quá quan tâm tới bản thể; chúng ta mất lối của khoa học, chúng ta mất lối của nghệ thuật. Phương Tây đã khổ, đang khổ, bởi vì nó đã làm mất lối của bản thể. Phương Đông trở thành giầu có nội tâm nhưng nghèo khó ngoại diên; phương Tây đã trở nên giầu có ngoại diên, nghèo khó nội tâm. Công xã mới sẽ giầu có theo cả hai cách.
Tôi tin vào giầu có. Tôi không phải là kẻ tôn thờ nghèo khó. Điều đó đơn giản là ngu xuẩn. Tôi muốn nhân loại giầu có theo mọi cách có thể: giầu trong khoa học, giầu trong công nghệ, giầu trong thơ ca, giầu trong âm nhạc, giầu trong thiền, giầu trong huyền môn. Cuộc sống nên được sống trong tính đa chiều của nó. Thượng đế nên được tiếp cận tới qua mọi con đường có thể. Sao làm nghèo nàn linh hồn bạn?
Công xã mới sẽ tạo ra không gian, hoàn cảnh, cho nhân loại đa chiều này được sinh ra. Và tương lai thuộc vào con người mới này.
Con người cũ tin vào từ bỏ; con người cũ đã tin rằng nếu bạn muốn tới gần Thượng đế hơn, bạn phải lánh xa khỏi thế giới, cứ dường như có xung đột giữa Thượng đế và thế giới. Điều đó hiển nhiên sai. Thế giới tồn tại qua Thượng đế! Thế giới là thân thể của Thượng đế - không thể có bất kì xung đột nào được! Nếu như có bất kì xung đột nào, thế thì thế giới đã biến mất từ lâu trước đây rồi.
Thế giới thở, đang sống, và cuộc sống là Thượng đế. Cây là thiêng liêng bởi vì nó sống, và đá là thiêng liêng bởi vì đá cũng sống theo cách riêng của nó, đá cũng trưởng thành. Toàn thể sự tồn tại tràn đầy cuộc sống, tuôn chảy với cuộc sống. Thượng đế không chống lại thế giới - làm sao hoạ sĩ có thể chống lại bức tranh của mình được? và làm sao nhà thơ có thể chống lại thơ ca của mình được? và làm sao nhạc sĩ có thể chống âm nhạc của mình được? Thế giới là thơ ca của ngài, bức tranh của ngài, âm nhạc của ngài - nó là điệu vũ của ngài.
Con người cũ đã sống trong từ bỏ, trốn chạy khỏi thế giới vào hang  động, vào các tu viện, lên Himalayas. Con người cũ là kẻ đào tẩu, con người cũ sợ sống, con người đó sẵn sàng chết hơn. Bằng cách nào đó con người cũ có tính tự tử.
Con người mới của tôi sẽ ở sâu trong tình yêu với cuộc sống. Và tôn giáo của tôi không phải là từ bỏ mà là hân hoan. Công xã mới sẽ tạo ra mọi cơ hội có thể có để hân hoan, ca hát, nhảy múa.
Công xã mới sẽ là một loại tính tôn giáo mới toàn bộ, có tính tâm linh. Không ai là người Hindu giáo hay người Mô ha mét giáo hay người Ki tô giáo hay người Jaina giáo, nhưng mọi người đều sẽ có tính tôn giáo - chỉ tính tôn giáo. Với tôi, tôn giáo không cần có tính từ. Và khoảnh khắc tôn giáo trở nên bị gắn với một tính từ, nó không còn là tôn giáo nữa - nó trở thành chính trị.
Bayazid không phải là người Mô ha mét giáo. Bản thân Mohammed không là người Mô ha mét giáo, không thể là vậy được. Christ không phải là người Ki tô giáo và Phật không phải là Phật tử. Họ đơn giản có tính tôn giáo. Họ có hương vị nào đó, im lặng nào đó, duyên dáng nào đó, bao quanh họ. Họ là những cánh cửa sổ mở sang cõi bên kia. Qua họ bạn có thể thấy cõi bên kia, qua họ Thượng đế cứ ca hát cả nghìn lẻ một bài ca.
Công xã mới sẽ không phải là của bất kì tôn giáo nào. Nó sẽ có tính tôn giáo. Nhưng tôn giáo sẽ không phải là siêu phàm, nó sẽ rất sát đời thường; do đó nó sẽ có tính sáng tạo, nó sẽ thám hiểm mọi khả năng có tính sáng tạo. Mọi loại sáng tạo sẽ được hỗ trợ, nuôi dưỡng.
Con người tôn giáo thực phải đóng góp cho thế giới này. Người đó phải làm nó đẹp hơn một chút so với nó lúc người đó thấy nó khi đi vào thế giới. Người đó phải làm cho nó vui vẻ hơn một chút. Người đó phải làm cho nó thơm hương hơn một chút. Người đó phải làm cho nó hài hoà hơn một chút. Đó sẽ là đóng góp của người đó.
Trong quá khứ chúng ta đã kính trọng mọi người bởi các lí do sai. Chúng ta kính trọng ai đó bởi vì người đó nhịn ăn. Bây giờ việc nhìn ăn chẳng đóng góp gì cho thế giới cả. Và người cứ nhịn ăn lâu đơn giản là bạo hành với bản thân mình. Kính trọng người đó là kính trọng bạo hành, kính trọng người đó là kính trọng bản năng tự tử, kính trọng người đó là kính trọng tự bạo. Người đó ốm yếu về tinh thần! Người đó không tự nhiên, người đó bất bình thường. Người đó cần điều trị tâm lí, người đó cần sự giúp đỡ. Nhưng bạn kính trọng người đó, và bởi vì kính trọng của bạn, bản ngã của người đó được thổi phồng; cho nên nếu người đó định nhịn ăn trong một tháng, người đó sẽ nhịn ba tháng luôn. Và người đó càng nhịn ăn nhiều, người đó càng hành hạ thân thể mình nhiều, bạn càng bầy tỏ kính trọng của bạn cho người đó hơn.
Công xã mới sẽ không kính trọng bất kì khuynh hướng tự bạo nào. Nó sẽ không kính trọng bất kì chủ nghĩa khổ hạnh nào, nó sẽ không kính trọng bất kì khuynh hướng bất thường, phi tự nhiên nào - nó sẽ kính trọng con người tự nhiên. Nó sẽ kính trọng đứa trẻ trong con người, nó sẽ kính trọng hồn nhiên, và nó sẽ kính trọng tính sáng tạo. Nó sẽ kính trọng người vẽ bức tranh đẹp, nó sẽ kính trọng người thổi sáo hay. Người thổi sáo sẽ có tính tôn giáo, và hoạ sĩ sẽ có tính tôn giáo, và vũ công sẽ có tính tôn giáo; không phải là người nhịn ăn lâu, người hành hạ thân thể mình, người nằm trên giường gai, người làm bản thân mình què quặt.
Đó sẽ là việc bắt đầu của một nhân loại mới. Điều đó là cần thiết, tuyệt đối cần thiết. Nếu chúng ta không thể tạo ra được con người mới trong hai mươi năm sắp tới - đến cuối thế kỉ này - thế thì nhân loại không có tương lai. Con người cũ đã đi tới chỗ kết thúc phạm vi của nó. Con người cũ sẵn sàng tự tử toàn cầu. Chiến tranh thế giới thứ ba sẽ là tự tử toàn cầu. Điều đó có thể tránh được chỉ nếu loại người mới có thể được tạo ra.
Đây sẽ là một thực nghiệm, một thực nghiệm lớn mà theo đó nhiều điều sẽ phụ thuộc vào. Nó có tác động cực kì to lớn tới tương lai. Sẵn sàng cho nó đi. Được chuẩn bị cho nó đi. Đạo tràng này chỉ là cầu nhảy xuất phát... Ở một qui mô nhỏ tôi đang làm thực nghiệm. Công xã mới sẽ ở qui mô lớn: mười nghìn sannyasins sống cùng nhau như một thân thể, một sinh linh. Không ai sẽ sở hữu cái gì; mọi người sẽ dùng mọi thứ, mọi người sẽ tận hưởng. Mọi người sẽ sống một cách tiện nghi, một cách giầu có, vì chúng ta có thể đảm đương được. Nhưng không ai sẽ sở hữu cái gì cả. Không chỉ đồ vật không bị sở hữu, mà con người cũng sẽ không bị sở hữu trong công xã mới. Nếu bạn yêu một người đàn bà, sống với cô ấy - từ tình yêu cực kì, từ vui vẻ cực kì - nhưng đừng trở thành chồng cô ấy, bạn không thể thế được. Bạn không trở thành vợ. Trở thành "vợ" hay "chồng" là xấu bởi vì nó đem tới quan hệ sở hữu; thế thì người kia bị thu thành tài sản.
Công xã mới sẽ không có tính sở hữu, tràn đầy tình yêu - sống trong tình yêu nhưng không có tính sở hữu chút nào; chia sẻ mọi loại vui vẻ, tạo ra toàn những vui vẻ... Khi mười nghìn người đóng góp, điều đó có thể trở nên có tính bùng nổ. Hân hoan sẽ lớn lao.
Jesus nói đi nói lại mãi: Hân hoan! Hân hoan! Hân hoan! Nhưng ông ấy vẫn chưa được chưa ai nghe. Người Ki tô giáo trông nghiêm chỉnh thế, và họ đã vẽ Jesus cũng theo cách đó dường như là bản thân ông ấy chưa bao giờ hân hoan cả. Người Ki tô giáo nói Jesus chưa bao giờ cười! Điều này là khôi hài. Người nói "Hân hoan!" người hay thích thức ăn ngon, rượu ngon, người hay ăn tiệc tùng và tham dự lễ hội, người mà quanh mình bao giờ cũng có tiệc tùng - người đó không bao giờ cười sao? Người Ki tô giáo đã đem một Christ giả cho thế giới.
Trong công xã của tôi, Phật sẽ cười và nhảy múa, Christ sẽ cười và nhảy múa. Những anh chàng đáng thương này, chẳng ai đã theo họ mãi cho tới giờ! Từ bi với họ đi - để cho họ nhảy múa và ca hát và nô đùa. Công xã mới của tôi sẽ biến công việc thành vui đùa, nó sẽ biến cuộc sống thành tình yêu và tiếng cười.
Nhớ lấy khẩu hiệu này một lần nữa - thần thánh hoá trái đất này, làm cho mọi thứ thành thiêng liêng, biến đổi cái bình thường, cái trần tục thành những điều phi thường, tâm linh. Toàn thể cuộc sống phải là ngôi đền chùa của bạn, công việc phải là tôn thờ của bạn, tình yêu phải là lời cầu nguyện của bạn.
Chính thân thể này là Phật, chính trái đất này là Thiên đường Hoa sen.
Câu hỏi thứ ba:
Thưa Thầy kính yêu,
Tôi là nhà tâm lí. Tôi đã hi vọng rằng việc nghiên cứu tâm lí sẽ giúp làm thay đổi cuộc đời tôi, nhưng chẳng cái gì như thế đã xảy ra. Tôi phải làm gì bây giờ?
Tâm lí học vẫn còn là khoa học rất, rất chưa chín muồi. Nó còn rất thô sơ, nó chỉ mới là bắt đầu. Nó chưa là cách sống - nó không thể biến đổi bạn được. Nó chắc chắn có thể cho bạn vài sáng suốt trong tâm trí, nhưng những sáng suốt đó sẽ không là biến đổi. Tại sao? - bởi vì biến đổi bao giờ cũng xảy ra từ bình diện cao hơn. Biến đổi chưa bao giờ có nghĩa là giải quyết vấn đề - vẫn còn ở cùng bình diện cũ - điều đó nghĩa là điều chỉnh. Tâm lí học vẫn đang cố gắng giúp bạn điều chỉnh - điều chỉnh theo xã hội, cái bản thân nó đã điên khùng rồi, điều chỉnh theo gia đình, điều chỉnh theo các ý tưởng đang chi phối quanh bạn. Nhưng tất cả những ý tưởng đó - gia đình bạn, xã hội bạn - bản thân chúng đều ốm yếu, bệnh tật, và điều chỉnh theo chúng sẽ cho bạn sự bình thường nào đó, ít nhất có vẻ bề ngoài lành mạnh, nhưng điều đó sẽ không làm biến đổi bạn.
Biến đổi có nghĩa là thay đổi bình diện của hiểu biết của bạn. Nó tới qua việc siêu việt lên. Nếu bạn muốn thay đổi tâm trí bạn, bạn phải đi sang trạng thái vô trí. Chỉ từ tầm cao đó bạn mới có khả năng thay đổi tâm trí mình, bởi vì từ chiều cao đó bạn sẽ là người chủ. Vẫn còn trong tâm trí và cố thay đổi tâm trí bằng bản thân tâm trí là quá trình vô tích sự. Điều đó cũng giống như tự kéo mình lên qua dây giầy của mình. Điều đó cũng giống như con chó cố bắt đuôi của nó; đôi khi chúng làm vậy, đôi khi chúng hành xử rất con người. Con chó đang ngồi sưởi nắng mặt trời buổi sáng sớm và nó thấy cái đuôi ngay bên cạnh nó - một cách tự nhiên, tò mò phát sinh: Sao không bắt lấy nó? Nó thử, không được, cảm thấy bực mình, khó chịu; thử mạnh hơn, thất bại mạnh hơn, trở nên điên, khùng. Nhưng nó sẽ không bao giờ có khả năng bắt được đuôi - đấy là đuôi riêng của nó. Nó càng nhảy lên, cái đuôi cũng sẽ càng nhảy lên.
Tâm lí học có thể cho bạn vài điều sáng suốt nhìn vào tâm trí, nhưng bởi vì nó không thể đưa bạn vượt ra ngoài tâm trí nên nó không thể có ích gì được.
Sam trở thành nhà tâm thần và bắt đầu làm ăn phát đạt. Anh ta mua về một chiếc xe hơi to đắt tiền và lái nó lần đầu tiên. Anh ta vừa lái được một chốc, một chiếc xe khác đâm sầm vào anh ta. Anh ta nhảy ra khỏi chiếc Cadillac bẹp dúm, đi tới chiếc xe đã đụng vào xe mình, rung rung nắm đấm với nó, và gầm lên, "Đồ ngu! Đồ khờ! Đồ đê tiện! Đồ chó... !" Thế rồi anh ta sực nhớ mình là nhà tâm thần và hạ giọng xuống hỏi một cách mềm mỏng, "Sao anh ghét mẹ anh?"
Tâm lí học chẳng thể giúp ích được. Tôi đã nghe kể một câu chuyện khác về cũng anh chàng Sam này - một câu chuyện khi anh ta không còn trên thế giới này nữa, anh ta đã chết.
Bà quả phụ chăm sóc cây quanh nấm mồ của chồng mình. Khi bà ấy nghiêng người qua, vài nhành cỏ xuyên vào chỗ da trần dưới váy bà ấy. Giật mình, bà ấy nhanh chóng quay lại, nhưng chẳng thấy ai cả. Thở dài, bà ấy quay nấm mồ và thì thào, "Sam ơi, cư xử cho phải phép vào! Và nhớ đấy, anh được coi là chết rồi mà."
Tâm lí học sẽ không giúp gì mấy cho bạn cả trong sống lẫn trong chết. Bạn có thể được giúp đỡ chỉ bởi tôn giáo.
Bây giờ các nhà tâm lí đang cố gắng đóng vai trò của người thầy, hoàn toàn chỉ giả vờ. Nhà tâm lí, nhà phân tâm và nhà tâm thần đều không phải là thầy! Họ không biết bản thân họ. Vâng, họ đã hiểu chút ít về cơ chế của tâm trí, họ đã nghiên cứu, họ có thông tin tốt. Nhưng thông tin không bao giờ thay đổi ai cả, nó chưa bao giờ đem tới bất kì cách mạng nào. Sâu bên dưới người này vẫn còn như cũ. Người đó có thể nói hay, người đó có thể cho bạn lời khuyên tốt, nhưng người đó không thể đi theo lời khuyên riêng của mình.
Nhà phân tâm không thể là thầy được. Nhưng đặc biệt ở phương Tây ông ta đã trở nên thành công một cách chuyên nghiệp tới mức ngay cả linh mục cũng cực kì kính nể. Ngay cả các linh mục - Cơ đốc giáo và Tin Lành - đang nghiên cứu phân tâm học và các trường phái khác của tâm lí, bởi vì họ thấy rằng mọi người không tới các linh mục nữa, họ tới nhà phân tâm. Linh mục trở nên sợ rằng mình mất việc.
Linh mục đã chi phối mọi người từ hàng trăm năm nay. Ông ta là người khôn ngoan - ông ta đã mất hấp dẫn rồi. Và mọi người không thể sống được mà thiếu các cố vấn; họ cần ai đó bảo họ phải làm gì bởi vì họ chưa bao giờ trưởng thành. Họ giống như trẻ nhỏ, bao giờ cũng cần được bảo cho cái gì làm và cái gì không làm. Mãi cho tới nay các linh mục vẫn thường làm điều đó; bây giờ linh mục đã mất sức mê hoặc của mình, sự hợp thức của mình. Ông ta không còn đương đại nữa, ông ta đã trở thành lạc hậu rồi. Bây giờ nhà phân tâm đã chiếm vị trí của ông ta, nhà phân tâm là tu sĩ thời nay.
Nhưng như tu sĩ là giả, nhà phân tâm cũng vậy. Tu sĩ đã dùng lối nói tôn giáo để khai thác mọi người; nhà phân tâm dùng lối nói khoa học để khai thác cũng người đó. Tu sĩ không thức tỉnh mà nhà phân tâm cũng không thức tỉnh.
Con người có thể được giúp đỡ chỉ bởi ai đó đã là vị phật; bằng không người đó không thể được giúp đỡ.
Mọi cố vấn của bạn sẽ làm cho bạn ngày một trở thành đống lộn xộn nhiều hơn. Bạn càng nghe cố vấn, bạn sẽ càng trở thành đống lộn xộn lớn hơn - bởi vì họ không biết điều họ nói! Họ thậm chí không đồng ý trong bản thân họ. Freud nói điều này, Adler nói điều khác, Jung lại nói điều khác. Và bây giờ có cả nghìn lẻ một trường phái. Và mọi trường phái đều cuồng tín về triết học của nó - rằng nó có chân lí, toàn thể chân lí và không có gì ngoài chân lí. Mà không chỉ nó nói rằng nó đúng đâu; nó nói nó có chân lí, và mọi người khác đều nói dối, lừa dối.
Nếu bạn nghe theo các nhà phân tâm này, nếu bạn đi từ nhà phân tâm này sang nhà phân tâm khác, bạn sẽ còn bị phân vân hơn. Giúp đỡ duy nhất họ có thể trao cho bạn là ở chỗ nếu bạn đủ thông minh bạn sẽ trở nên ngán họ, chán họ tới mức bạn sẽ đơn giản vứt bỏ cái ý tưởng về được biến đổi, và bạn có thể bắt đầu sống cuộc sống của bạn một cách bình thường, chẳng bận tâm nhiều tới biến đổi - nếu bạn thông minh, điều rất hãn hữu, bởi vì thông minh đã bị nghiền nát từ ngay ban đầu. Bạn bị làm cho thành người xoàng xĩnh. Từ ngay chính ban đầu, thông minh đã bị phá huỷ. Chỉ vài người bằng cách nào đó trốn thoát khỏi xã hội và vẫn còn thông minh.
Nagesh, bạn hỏi tôi, "Tôi phải làm gì bây giờ?"
Gợi ý của tôi là: bạn đã làm đủ rồi. Bây giờ học cái gì đó không phải là làm mà là vô làm. Ở đây đi, và học - không làm mà hiện hữu. Ngồi im lặng, không làm gì. Trong vòng ba tới chín tháng, nếu người ta đủ kiên nhẫn và nếu người ta có thể đơn giản cứ ngồi đó hàng giờ với nhau mọi ngày - chừng nào người ta có thể tìm thấy thời gian để ngồi... Ban đầu, rối loạn lớn sẽ nảy sinh trong tâm trí bạn; mọi thứ từ vô thức sẽ bắt đầu nổi lên bề mặt. Bạn sẽ thấy nó dường như bạn sắp phát điên. Cứ quan sát - đừng lo nghĩ. Bạn không thể phát điên được bởi vì bạn đã điên rồi, cho nên chẳng có gì để mất và không cái gì để sợ .
Một chính khách, một chính khách lớn, tới tư vấn một nhà phân tâm. Chính khách này đang bị phức cảm kém cỏi - mọi chính khách đều bị phức cảm kém cỏi. Nếu họ không bị phức cảm kém cỏi, họ sẽ không là chính khách ngay chỗ đầu tiên. Là chính khách nghĩa là cố gắng là cao siêu, có quyền lực, để cho người ta có thể chứng minh cho người khác và cho bản thân mình, "Tôi không kém cỏi. Trông đây! Tôi là thủ tướng. Trông đây! Mỗi tôi là thủ tướng của đất nước chứ không phải ai khác - làm sao tôi có thể kém cỏi được?"
Chính trị nảy sinh từ phức cảm kém cỏi - mọi chính trị quyền lực đều nảy sinh từ phức cảm kém cỏi. Cho nên không phải hiếm hoi mà chính khách bị chứng phức cảm kém cỏi.
Nhà phân tâm làm việc trên chính khách này hết năm nọ tới năm kia. Sau hai hay ba năm, nghe đủ mọi điều lảm nhảm vô nghĩa của ông ta... bởi vì chính khách có thể nói gì được? Trong hàng giờ ông ta nằm dài trên tràng kỉ và nói những điều vô nghĩa.
Sau ba năm, một hôm khi ông ta tới, nhà phân tâm đón ông ta với vui vẻ lớn và nói, "Tôi vui mừng tuyên bố, sau nghiên cứu ba năm trên ông, rằng ông không bị chứng phức cảm kém cỏi. Tôi đã đi tới kết luận này sau một nỗ lực dài rằng điều đó không thể sai được. Ông không bị chứng phức cảm kém cỏi - đơn giản quên hết về nó đi."
Chính khách này rất sung sướng và ông ta nói, "Tôi biết ơn ông lắm, nhưng ông có thể cho tôi biết làm sao ông đã đi tới kết luận này không?"
Nhà phân tâm nói, "Bởi vì ông đơn giản kém cỏi rồi - làm sao ông có thể bị chứng phức cảm kém cỏi được?"
Nagesh, bạn không cần lo nghĩ. Nếu ngồi im lặng bạn bắt đầu cảm thấy điên khùng nảy sinh, đừng lo nghĩ - bạn không thể điên hơn bạn đã điên vậy rồi. Con người không thể sa ngã thêm nữa. Con người đã ngã xuống đá đáy rồi. Bây giờ không còn sa ngã thêm nữa.
Ngồi im lặng bạn sẽ thấy điên khùng nảy sinh trong mình, bởi vì nó vẫn còn bị kìm nén. Và bạn bị giữ bận tâm với mọi thứ - tâm lí học vân vân - bây giờ bạn sẽ trở nên bận tâm với thiền và tính chất sannyas, nhưng đây tất cả là bận tâm và bạn không cho phép vô thức của mình làm lộ bản thân nó ra cho bạn. Điều đó gây kinh hãi.
Gợi ý của tôi cho bạn là, chỉ ngồi im lặng nhiều nhất khi bạn có thể có thời gian cho nó. Thiền nhân ngồi im lặng ít nhất sáu tới tám giờ một ngày. Ban đầu điều đó thực sự là điên khùng. Tâm trí giở ra nhiều thủ đoạn với bạn, cố dẫn bạn phát rồ, tạo ra những hình ảnh kinh sợ, những ảo giác. Thân thể bắt đầu giở trò với bạn... đủ loại điều sẽ xảy ra. Nhưng nếu bạn có thể cứ chứng kiến, trong vòng ba tới chín tháng mọi sự được lắng đọng, và lắng đọng theo cách riêng của nó - không phải bởi vì bạn phải làm cái gì đó. Không có việc làm của bạn, nó đơn giản lắng đọng, và khi tĩnh lặng nảy sinh, cái không được trau dồi, cái không được thực hành, nó là cái gì đó tuyệt vời, cái gì đó cực kì duyên dáng, thanh tú. Bạn chưa bao giờ nếm trải cái gì giống như nó trước đây - nó là nước cam lồ thuần tuý...
Bạn đã siêu việt lên trên tâm trí! Mọi vấn đề tâm trí đều được giải quyết. Không phải là bạn đã tìm thấy giải pháp, mà đơn giản chúng đã tự rơi rụng đi - bởi việc chứng kiến, chỉ bởi việc chứng kiến.
Bạn đã quá thông thái. Đừng thêm tri thức nữa; bạn cần dỡ bỏ bớt. Người thông thái là người rất tinh ranh - họ bao giờ cũng có thể tìm ra cớ để vẫn còn như cũ.
Một giáo sư triết học và tâm lí học nghiện rượu lậu. Một đêm, sau khi ăn uống no nê, ông ta đi và buồng ngủ, cởi quần áo lên giường, và cố gắng thổi tắt nến. Hơi thở nồng nặc rượu của ông ta làm bùng lên ngọn lửa.
Rùng mình buồn bã bởi kinh nghiệm này, ông ta gọi vợ, "Đem cho anh cuốn Kinh Thánh, Martha. Đây là bài học ghê rợn với anh. Anh sẽ phải thề."
Người vợ sung sướng vội vàng đem cuốn Kinh Thánh lại, đứng cạnh trong khi chồng mình đặt tay lên cuốn sách và nhìn lên trời: "Tôi xin thề với thánh thần linh thiêng rằng tôi sẽ không bao giờ thổi tắt ngọn nến đang cháy nữa."
Tâm trí tinh ranh. Bạn phải vượt ra ngoài tâm trí - đó là điều thiền tất cả là gì.
Câu hỏi cuối cùng:
Thưa Thầy kính yêu,
Thầy dường như là thầy chứng ngộ đầu tiên kể chuyện cười - sao điều đó là như vậy?
Garima, tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện. Câu chuyện sau trong tiếng Talmud đặc biệt được yêu mến bởi thầy Hassid vĩ đại, Baal Shem.
Giáo sĩ Baruch hay tới thăm bãi chợ nơi nhà tiên tri Elijah thường xuất hiện với ông ấy. Người ta tin rằng ông ấy xuất hiện với người thánh thiện nào đó để trao cho họ hướng dẫn tâm linh.
Một lần Baruch hỏi nhà tiên tri, "Có người nào ở đây có phần trong thế giới để tới không?"
Ông ấy đáp, "Không."
Trong lúc họ đang nói chuyện, hai người đi qua và Elijah nhận xét, "Hai người này có phần trong thế giới để tới."
Giáo sĩ Baruch tiến gần và hỏi họ, "Các ông làm nghề gì vậy?"
Họ đáp, "Chúng tôi pha trò cười. Khi thấy mọi người nản chí chúng tôi làm cho họ cười đùa lên."
Thượng đế thích tiếng cười, Thượng đế thích người vui vẻ. Thượng đế không quan tâm khi thấy bạn với khuôn mặt dài.
Khi Baal Shem sắp chết, ai đó hỏi, "Thầy đã chuẩn bị đi gặp Trời chưa?"
Ông ấy nói, "Ta bao giờ cũng đã sẵn sàng rồi. Không phải là vấn đề trở nên sẵn sàng bây giờ - ta bao giờ cũng đã sẵn sàng. Bất kì lúc nào ngài đều có thể gọi ta!"
Người này hỏi, "Sẵn sàng của thầy là gì?"
Baal Shem nói, "Ta biết vài chuyện cười hay - ta sẽ kể cho ngài những chuyện cười đó. Và ta biết ngài sẽ thích chúng và ngài sẽ cười cùng ta. Và ta còn có thể cúng dường cho ngài cái gì khác được nữa? Toàn thể thế giới đều là của ngài, toàn thể vũ trụ là của ngài, cho nên ta có thể cúng dường ngài cái gì? Chỉ vài chuyện cười thôi!"
Baal Shem là một trong những chư phật vĩ đại người đã bắt nguồn từ truyền thống Do Thái, một trong những người được các đệ tử của mình yêu mến nhất. Ông ấy là người sáng lập ra Hassid giáo.
Và nhớ lấy, tôi không phải là người đầu tiên kể cho bạn chuyện cười. Có nhiều người rồi... Nhưng mọi người buồn tới mức họ quên mất về những người đã là cội nguồn cho tiếng cười và vui vẻ - họ chỉ nhớ những người buồn. Mọi người đều buồn; do đó họ tìm ra đồng cảm nào đó với người buồn. Bạn chỉ nhớ chư phật buồn - cho dù họ không buồn, bạn làm cho họ thành buồn. Trong tâm trí mình bạn bịa ra chuyện, bạn chế tác ra các ý tưởng, và bạn làm cho họ trông buồn.
Bây giờ người Jaina sẽ bị xúc phạm lắm nếu tôi nói rằng Mahavira đã cười. Tiếng cười dường như trần tục thế, trần gian thế. Làm sao Mahavira có thể cười được? Nếu tôi nói Phật đã cười, các phật tử, đặc biệt là phật tử tiểu thừa, sẽ tức giận. Tôi đã từng cực kì yêu mến Phật; tôi nghĩ không có người nào khác trên trái đất này ngày nay đã yêu Phật nhiều như tôi. Nhưng mới hôm nọ tôi đọc trên báo chí: ông chủ tịch của Hội Phật giáo Ấn Độ định nêu ra câu hỏi chống tôi ở nghị viện trong phiên họp sắp tới. Tôi có thể hiểu được, những người này phải cảm thấy rất bị xúc phạm bởi vì tôi đang cho Phật màu sắc mới - màu sắc của ông ấy, màu của Phật. Tôi đang cố gắng đem thực tại của ông ấy cho bạn. Và những người này đã bóp méo toàn bộ hình ảnh của ông ấy; họ đã làm cho ông ấy trông buồn thế, họ sẽ không cho phép ông ấy cười. Nếu ông ấy cười, họ sẽ nêu ra câu hỏi chống ông ấy trong nghị viện.
Tôi xúc phạm mọi người bởi vì tôi đang cố gắng làm sống tôn giáo không theo các ý tưởng của họ. Tôi bảo bạn, một cách riêng tư tất nhiên, rằng Jesus thường đùa - nhưng đừng kể điều đó cho người Ki tô giáo nhé, họ sẽ không hiểu. Họ có thể chỉ hiểu Jesus bị đóng đinh. Thực ra, họ đang tôn thờ cái chết, không phải Jesus; họ đang tôn thờ cây thập tự, không phải Christ. Do đó tôi gọi Ki tô giáo là Chữ thập giáo - nó chẳng liên quan gì tới Christ. Tôi biết con người này, về mặt cá nhân tôi biết con người này!
Ông ấy thường yêu mến mọi điều tốt của cuộc sống. Làm sao ông ấy có thể tránh được chuyện cười? Ông ấy thích chuyện tầm phào, và người ta nói ông ấy chỉ toàn chuyển giao sách phúc âm! Ông ấy là con người rất, rất bắt rễ vào đất. Ông ấy đi với tụi đánh bạc, với kẻ say, với cả gái đĩ nữa. Ông ấy chẳng sợ tất cả những kẻ ngu này - đó là lí do tại sao ông ấy phải chịu khổ.
Đó là lí do tại sao tôi chịu khổ...
Đủ cho hôm nay.
Xem Chương 9 - Quay về Mục lục - Quay về Mục lục Toàn tập

Ads Belove Post