Chương 10. Bạn là con đường

Chương 10. Bạn là con đường

Price:

Read more

Osho - Con đường tôi đi - Con đường của mây trắng
Chương 10. Bạn là con đường


Osho kính yêu,
Một tục lệ cổ của thiền là sư phải ở với thầy mình trong mười năm trước khi người đó đi thuyết giảng.
Có một câu chuyện thiền về một sư đã hoàn tất mười năm trong thiền viện. Một ngày trời mưa sư tới thăm thầy mình, Nan-in. Sau khi Nan-in đã chào đón sư, ông nói với sư: Chắc là ông đã để dép ở tiền sảnh. Ông đã để dép ở phía bên nào của chiếc ô? Sư lưỡng lự trong chốc lát và qua việc lưỡng lự đó sư hiểu ra là mình đã không trong thiền mọi lúc.
Thầy đã bảo chúng tôi rằng cuộc sống có nhịp đập - vào và ra, âm và dương.
Liệu chúng tôi có phải cố gắng nhận biết từng giây phút, hay chúng tôi có thể cũng theo nhịp cuộc sống và có những lúc bỏ cố gắng của mình?
Điều đầu tiên cần phải hiểu: nhận biết phải có từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc kia, nhưng nó chỉ có thể có khi nó trở thành phi nỗ lực. Với nỗ lực bạn sẽ mất tiếp xúc đi tiếp xúc lại, với nỗ lực bạn sẽ phải nghỉ. Nỗ lực không thể liên tục, đấy là điều không thể được. Làm sao bạn có thể nỗ lực liên tục được? Bạn sẽ mệt và thế thì bạn sẽ phải thảnh thơi.
Mọi nỗ lực đều cần có thảnh thơi. Cho nên nếu nhận biết là thông qua nỗ lực, thế thì nhận biết không thể là luồng liên tục, thường xuyên. Sẽ có khoảnh khắc bạn sẽ mất nhận biết. Đấy là những khoảnh khắc thảnh thơi khỏi nỗ lực.
Cuộc sống rung động. Cuộc sống bao giờ cũng chuyển sang phía đối lập. Nỗ lực, thế thì bạn phải nghỉ. Bạn lại nỗ lực, thế rồi bạn lại phải nghỉ. Nhưng có một nhận biết vượt ra bên kia cuộc sống - siêu việt. Thế thì không có rung động; nó là vô nỗ lực, nó là tự phát.
Điều gì đã xảy ra cho sư này, đệ tử của Nan-in? Thầy hỏi: Ông để dép ở đâu - bên phải hay bên trái? Người đó lưỡng lự. Và người đó nhận ra rằng trong khoảnh khắc bỏ dép mình đã không nhận biết - nếu không, người đó phải biết dép đã để chỗ nào, bên phải hay bên trái. Tâm thức của người đó chưa liên tục. Điều đó chỉ chứng tỏ rằng tâm thức của người đó vẫn chưa vô nỗ lực. Người đó vẫn còn phải nhớ, phải nỗ lực có ý thức. Sự chú tâm của người đó vẫn đi kèm với căng thẳng. Người đó vẫn chưa trở thành chú tâm. Đôi khi người đó thành công, đôi khi lại thất bại.
Nan-in đang hỏi: Nhận biết của ông bây giờ tự nhiên chưa? Ông không cần phải thao tác nó nữa chứ? Ông không cần phải làm gì về nó nữa chứ? Nó có đấy - nó có đấy dù bất kì cái gì ông làm, hay ông phải nỗ lực thì nó mới có đấy? Nếu nỗ lực có đó, nó là điều phải ráng sức, mà điều phải ráng sức thì nhất định là phi tự nhiên. Nhận biết phi tự nhiên không thực là nhận biết - nó chỉ tồn tại ở ngoại vi, không phải bên trong ông. Nếu nó tồn tại trong ông, chẳng cần phải nỗ lực gì.
Điều tôi cố gắng nói là: Nỗ lực bao giờ cũng chỉ ở ngoại vi. Bạn không thể động chạm tới trung tâm thông qua nỗ lực. Bạn có thể làm điều gì đó ở ngoại vi - bạn có thể thay đổi hành vi của mình, bạn có thể thay đổi cái gọi là tính cách của bạn. Tại ngoại vi, với nỗ lực, bạn có thể trở thành người tốt từ việc xấu, bạn có thể trở thành đức hạnh từ việc là kẻ tội lỗi; thậm chí bạn có thể trở thành thánh nhân - tại ngoại vi, với nỗ lực.
Nhưng trung tâm không bao giờ có thể bị động chạm tới và bị thấm vào qua nỗ lực - bởi vì không hành động nào có thể dẫn tới bạn. Bạn đã ở đó rồi! Không cần phải làm gì cả. Bạn phải đơn giản im lặng, tự phát, và thế thì trung tâm nảy sinh. Nó ló ra từ đám mây. Có một chỗ vỡ, một lỗ hổng. Bạn bỗng nhiên nhận ra nhận biết tự phát của mình. Bạn là nhận biết. Nó không là cái gì bạn làm, nó không là cái gì phải được làm - chính bản chất của bạn là nhận biết.
Người Hindu gọi bạn là satchitananda. Họ đã dùng ba từ - sat, chit, ananda. Sat nghĩa là sự tồn tại, cái không bao giờ đi vào không tồn tại. Sat nghĩa là chân lí, điều không bao giờ trở thành không đúng. Sat nghĩa là vĩnh hằng - điều đã là, đang là, sẽ là. Chit nghĩa là nhận biết, tâm thức. Đó là bản tính của bạn. Bạn bao giờ cũng là ý thức, bạn đang là ý thức, bạn sẽ là ý thức. Tâm thức đó không thể bị lấy đi từ bạn, nhưng nó tồn tại trong chính cốt lõi bản thể của bạn, không phải ở ngoại vi. Nó là bạn, nhưng bạn không trong tiếp xúc với chính mình. Còn ananda có nghĩa là phúc lạc, cực lạc. Không phải là bạn phải đạt tới phúc lạc - nó là bạn. Bạn bao giờ cũng phúc lạc, bạn không thể là khác được; không có khả năng nào. Bạn không thể thay đổi được nó.
Bạn sẽ nói điều này dường như hoàn toàn ngớ ngẩn - vì chúng ta đang trong khổ. Bạn đang trong khổ vì bạn đã trở nên bị ám ảnh với ngoại vi quá nhiều. Bạn đã quên hoàn toàn trung tâm. Bạn đã trở nên dính líu quá nhiều với người khác, bận tâm quá nhiều tới người khác, tới mức toàn bộ chú ý được tập trung vào người khác, và bạn rơi vào trong bóng tối, trong vùng tối.
Bạn là satchiananda.
Thiền sư Nan-in đang hỏi đệ tử: Bây giờ ông đã trở nên tỉnh táo ông là ai chưa? Bây giờ ông đã bắt rễ vào bản tính của mình chưa?
Nếu đệ tử này đã thực sự bắt rễ vào bản tính mình, trường hợp này sẽ là gì?
Câu chuyện này rất khó hiểu. Đấy không phải là câu hỏi về việc để dép bên trái hay bên phải; đấy không phải là vấn đề của câu chuyện này. Điều đó dường như là vấn đề nhưng kì thực không phải. Vấn đề thực sự là: khi Nan-in hỏi điều này, đệ tử đã lưỡng lự. Đấy mới là vấn đề thực sự. Và trong khoảnh khắc lưỡng lự đó người đó không nhận biết rằng mình đang lưỡng lự. Nếu người đó đã nhận biết rằng có lưỡng lự, người đó sẽ được chấp nhận. Nhưng vào chính khoảnh khắc đó người đó mất nhận biết.
Và bạn cũng không thể lừa được Nan-in. Nếu bạn tới gặp Nan-in bạn có thể nhớ rất rõ nơi đã bỏ dép, điều đó không khó. Nếu Nan-in hỏi bạn: Ông đã bỏ dép ở đâu, bên trái hay bên phải? Bạn có thể trả lời ngay lập tức: bên phải. Và bạn vẫn thất bại. Đấy không phải là vấn đề, đấy chỉ là sự đánh lừa. Nan-in làm lạc hướng tâm trí chỉ để xem ngay bây giờ điều gì xảy ra trong đệ tử.
Trong chính khoảnh khắc khi Nan-in hỏi: Dép ông để đâu, bên phải hay bên trái? thì đệ tử bị lỡ. Trong chính khoảnh khắc đó người đó lưỡng lự - và người đó không nhận biết về sự lưỡng lự. Người đó bắt đầu nghĩ. Trong chính khoảnh khắc đó người đó trở nên không nhận biết, Nan-in nhìn vào người đó. Câu hỏi đó chỉ để làm lạc hướng hướng tâm trí, đấy chỉ là sự đánh lừa.
Đệ tử này thất bại, cho nên người đó không thể được đi thuyết giảng cho người khác. Người đó vẫn còn chưa sẵn sàng, người đó vẫn còn chưa nhận biết. Làm sao một người chưa nhận biết có thể dạy được người khác? Bất kì điều gì người đó định dạy cũng đều sẽ sai. Có nhiều thầy không biết về chính bản thân mình. Họ có thể là thầy tốt, có hiệu quả, có nghệ thuật, nhưng đấy không phải là vấn đề. Họ không thể có ích gì.
Một lần tôi đã đi trên một chuyến xe lửa. Trong toa có một chú bé rất quấy. Mọi hành khách trong toa đều bị làm phiền. Nó chạy hết góc này đến góc kia, làm đổ cốc chén, ngã vào mọi người, còn bố nó thì rất bối rối. Người đó cố gắng nhiều lần để ngăn cậu bé lại, nhưng đứa bé chẳng chịu nghe lời.
Cuối cùng người bố nói: Willy, nếu con không chịu nghe lời bố và nếu con không dừng lại thì bố sẽ phát đít con.
Đứa trẻ vẫn tiếp tục chạy. Nó đi tới đầu đằng kia toa và nó nói: Được rồi, bố phát đít con đi - nhưng thế thì con sẽ mách người soát vé con thực sự mấy tuổi rồi.
Người bố này không thể là thầy giáo. Thậm chí đến đứa trẻ cũng không chịu nghe lời người đó. Một người thầy mà không nhận biết được về bản thân mình thì không thể là thầy giáo được. Người đó không thể dạy người khác điều mà bản thân mình không đạt tới được.
Nhận biết là cái gì đó tựa như bệnh lây lan. Khi thầy tỉnh táo, nhận biết, bạn cũng sẽ nhiễm nhận biết của thầy. Đôi khi, chỉ ngồi bên cạnh thầy bạn bỗng nhiên trở nên nhận biết - dường như mây đã bay đi và bạn có thể thấy bầu trời rộng mở. Cho dù một khoảnh khắc... nhưng điều đó trở thành thay đổi sâu sắc trong chính phẩm chất con người bạn.
Cho dù không phải nỗ lực gì về phần bạn, chỉ có ở gần bên thầy, người là nguồn nhận biết im lặng, bỗng nhiên bạn trở nên im lặng. Thầy chạm tới bạn. Cánh cửa khép nay mở ra, hay dường như trong bóng đêm bỗng nhiên có tia chớp và bạn thấy toàn bộ. Nó biến mất vì nó không thể bị bạn giữ lại nữa. Nếu nó không được bạn đạt tới, bạn sẽ mất nó - nhưng bạn sẽ không bao giờ như cũ nữa. Bạn đã biết cái gì đó, cái gì đó mà trước đây chưa từng biết tới. Và bây giờ cái biết này sẽ còn lại như một phần của bạn. Sẽ nảy sinh ham muốn, sẽ nảy sinh tham vọng mới: để đạt tới điều này, để làm cho điều này thành thường hằng - bởi vì cho dù một khoảnh khắc nhưng nó phúc lạc làm sao, nó biểu lộ biết bao hạnh phúc cho bạn, biết bao niềm vui.
Nhưng nếu người thầy, nếu thầy giáo, bản thân mình lại không nhận biết, người đó có thể dạy về nhận biết nhưng người đó lại không thể dạy tính nhận biết được. Và việc dạy về tính nhận biết là vô dụng - đấy chỉ là lời nói, đấy chỉ là lí thuyết. Bạn có thể học lí thuyết với người đó, nhưng bạn không thể học được sự kiện. Do đó, trước khi đệ tử này rời Nan-in, Nan-in phải nhìn vào người đó - và đây là một hiện tượng rất khác.
Trong lĩnh vực giáo dục, sinh viên bị kiểm tra, nhưng chỉ trí nhớ của người đó là được kiểm tra còn bản thân người đó thì chẳng bao giờ.
Bao giờ trí nhớ người đó cũng được kiểm tra - không bao giờ là người đó. Nan-in không kiểm tra trí nhớ của đệ tử. Ông ấy không hỏi: Ông để dép ở đâu, bên phải hay bên trái? Ông ấy không yêu cầu trí nhớ tốt, bởi vì nơi đệ tử bỏ dép bây giờ là quá khứ. Ông ấy đang cố gắng nhìn vào bên trong bản thể của đệ tử ngay lúc đó. Ông ấy không kiểm tra trí nhớ mà cố nhìn vào tâm thức ngay khoảnh khắc này. Quá khứ không thành vấn đề. Hiện tại, tính hiện tại mới là vấn đề.
Tưởng tượng rằng đệ tử đang ngồi trước Nan-in đi. Nan-in hỏi, và đệ tử lạc trong quá khứ. Người đó cố nghĩ xem mình đã bỏ dép ở đâu. Người đó cố nghĩ xem liệu mình có thể nhớ được hay không. Người đó cố nghĩ xem liệu mình có mất nhận biết hay không. Ngay lúc này người đó đã trở nên lẫn lộn. Toàn bộ tâm thức của người đó đã trở nên u ám. Người đó không còn ở đây nữa. Người đó không có trong hiện diện của Nan-in, người đó đã đi vào quá khứ, người đó đã đi vào trong suy nghĩ - người đó không mang tính thiền. Lưỡng lự, suy nghĩ, cố gắng thử ...
Bạn không thể thoát khỏi Nan-in. Ông ấy sẽ thấy qua bạn; ông ấy sẽ thấy mọi đám mây, ông ấy sẽ thấy bạn không ở đây và bây giờ. Thế thì bạn không thể được phép đi thuyết giảng. Bạn không thể được phái đi, vì bạn sẽ giảng cái gì? Điều bạn không có, bạn không thể giảng được. Bạn có thể giả vờ nhưng việc giả vờ đó sẽ là nguy hiểm, bởi vì nếu bạn giả vờ rằng bạn nhận biết và bạn lại không nhận biết, thì việc giả vờ đó sẽ trở thành truyền nhiễm. Thầy giả tạo ra trò giả, và thế thì giống như gợn sóng lăn tăn, tính giả đó cứ lan rộng ra.
Tội lỗi nguy hiểm nhất mà con người có thể phạm phải là giả vờ nhận biết. Cho dù bạn giết người, đó vẫn chưa là tội lỗi lớn đến thế, bởi vì, quả thực, bạn không thể giết người. Bạn chỉ có thể phá huỷ thân thể; linh hồn chuyển sang thân thể khác. Bạn chỉ phá huỷ một trò chơi, trò mới bắt đầu ngay lập tức. Kẻ giết người không phải là kẻ tội phạm lớn nhất như thế. Nhưng nếu bạn giả vờ rằng bạn nhận biết mà bạn lại không nhận biết, nếu bạn giả vờ rằng bạn là thầy và bạn không phải như vậy, bạn đang làm một điều tệ hại, điều tệ hại vô cùng đến mức không tội lỗi nào có thể so sánh được với nó - vì người khác sẽ học cái giả vờ đó. Họ bắt đầu giả vờ, và thế thì điều đó sẽ tiếp diễn mãi - giống như khi bạn ném một hòn đá vào cái hồ im lặng, gợn sóng dậy lên và lan ra mãi. Một gợn sóng này tạo ra gợn sóng khác, đẩy gợn sóng kia đi, và việc đó tiếp diễn cho tới tận bờ hồ.
Hồ tâm thức không có biên giới. Gợn sóng được tạo ra sẽ lan đi mãi; nó còn tiếp tục mãi mãi. Bạn sẽ không ở đây, nhưng lừa dối của bạn, giả dối của bạn, vẫn sẽ tiếp tục và nhiều người sẽ bị ảo tưởng bởi nó.
Thầy giả là tội nhân lớn nhất trên thế giới. Đó là lí do tại sao Nan-in không cho phép bất kì ai được đi thuyết giảng chừng nào tự bản thân người đó còn chưa trở nên chứng ngộ. Thế thì chính ánh sáng cháy bên trong bạn sẽ giúp cho người khác được thắp sáng. Chính ngọn lửa cháy bên trong bạn sẽ làm cho người khác ấm áp. Chính cuộc sống đã xảy ra cho bạn sẽ giúp cho người khác thoát khỏi tính chết cứng của họ.
Nhưng phải nhớ: tỉnh táo, nhận biết hay tâm thức có thể liên tục chỉ khi nó đã trở thành vô nỗ lực. Ban đầu nỗ lực nhất định phải có đó, bởi vì nếu không làm sao bạn bắt đầu được? Bạn sẽ phải nỗ lực, bạn sẽ phải cố chú tâm, bạn sẽ phải cố gắng đủ mọi cách để ý thức, nhưng nỗ lực sẽ tạo ra căng thẳng. Và bạn càng nỗ lực, bạn càng bị căng thẳng. Sẽ có thoáng nhìn nhỏ nhoi, nhưng bởi vì căng thẳng nên cực lạc sẽ bị bỏ lỡ. Bạn phải trải qua trạng thái này nữa, bằng nỗ lực.
Một điều sớm hay muộn bạn sẽ trở nên nhận biết: bất kì khi nào bạn nỗ lực, nhận biết tới với bạn nhưng đó là một nhận biết rất cực nhọc, ác mộng. Nó rất nặng nề, tựa như có hòn đá đè lên đầu bạn. Nó không đem lại vui sướng, không vô trọng lượng, không nhảy múa. Nhưng khi nỗ lực như vậy, đôi khi bỗng nhiên bạn trở nên nhận biết - khi bạn không nỗ lực gì cả. Và nhận biết đó sẽ nhẹ nhàng, vui thích, nhảy múa, cực lạc.
Điều này sẽ xảy ra chỉ cho những người đang nỗ lực. Trong khi nỗ lực, đôi khi, khi bạn không nỗ lực, thoáng nhìn này sẽ xảy ra cho bạn. Thế thì bạn sẽ trở nên nhận biết rằng qua nỗ lực bạn không thể đạt tới điều tối thượng - chỉ có thông qua vô nỗ lực nó mới xảy ra.
Đối với nhiều thiền nhân quanh tôi điều đó xảy ra. Họ đến nói với tôi rằng trong khi thiền vào buổi sáng, vào buổi tối, chẳng có gì mấy xảy ra. Rồi bỗng nhiên trong đêm hay bỗng nhiên vào buổi trưa khi họ đang ngồi và cái gì đó bắt đầu - và họ đã không làm gì cả. Điều này sẽ xảy ra. Giống như khi bạn quên một cái tên mà bạn cảm thấy ngay trên đầu lưỡi, bạn phải cố gắng hết sức để nhớ ra, bạn nỗ lực để đem nó lại trong ý thức. Nó không đến, và bạn càng cố gắng, bạn càng cảm thấy mất tăm mất tích. Bạn biết là bạn có biết, bạn vẫn liên tục biết rằng bạn có thể nhớ được. Nó chỉ quanh quẩn đâu đây nhưng một rào chắn nào đó, cái gì giống như một khối chắn ở đó, và cái tên không tới với bạn - nó có thể là tên của người bạn thân yêu! Và thế thì toàn bộ nỗ lực trở nên vô ích đến độ bạn phải từ bỏ nó. Bạn bắt đầu đọc báo hay ra hút thuốc, hay ra vườn đi dạo, hay bắt đầu đào xới trong vườn, và rồi bỗng nhiên nó bật ra. Bỗng nhiên cái tên có đó, người bạn đang đứng đó, khuôn mặt có đó.
Điều gì đã xảy ra? Khi bạn nỗ lực, bạn bị căng thẳng đến độ chính căng thẳng này trở thành khối chắn; chính căng thẳng làm hẹp lối đi. Cái tên muốn tới, kí ức đã gõ cửa, nhưng chính căng thẳng trở thành cái chốt đóng. Đó là lí do tại sao bạn cảm thấy nó ngay trên đầu lưỡi. Nó quả ngay đấy! Nhưng bởi vì bạn căng thẳng quá, lo nghĩ quá về nó, lo âu để đem nó ra nên mối lo âu trở thành khối chắn. Khi tâm trí rất lo âu, nó trở nên đóng.
Tất cả những gì đẹp đẽ và đúng đắn chỉ xảy ra khi bạn không lo lắng về nó. Tất cả những gì đáng yêu xảy ra chỉ khi bạn thậm chí không chờ đợi nó - không đòi hỏi, không yêu cầu. Thế thì tâm trí không có khối chắn nào. Đó là lí do tại sao nó xảy ra khi bạn quên nó. Nỗ lực là cần thiết, ban đầu nỗ lực là cái phải có - vô ích đấy, nhưng vẫn phải có. Cái vô ích sẽ được nhận ra từ từ. Khi bạn có thoáng nhìn, thoáng nhìn bất chợt, với cảm giác rằng bạn không làm nỗ lực nào, những thoáng nhìn đó đã mưa rào lên bạn, món quà từ điều thiêng liêng, thế thì bạn có thể bỏ nỗ lực - và khi bạn càng bỏ nỗ lực, lại càng nhiều quà tặng sẽ tới.
Tại phương Đông chúng ta bao giờ cũng tin, và tin đúng, rằng chứng ngộ chẳng phải là thành tựu. Nó giống như ân huệ, nó là món quà, nó là prasad. Thượng đế trao nó cho bạn, bạn không thể giằng nó ở chỗ xa tay mình.
Với người tìm kiếm phương Tây điều này rất khó hiểu, bởi vì ở phương Tây trong vài thế kỉ qua toàn bộ tâm trí con người đã được chuyển vào điều tranh giành. Bạn đã giành giật mọi thứ từ tự nhiên. Bất kì bí mật nào khoa học biết được đều không phải là thứ được đem cho, chúng đã được giành giật lấy. Bạn đã dùng vũ lực bạo hành buộc tự nhiên mở ra cánh cửa của những điều bí ẩn. Bởi vì bạn đã thành công với vật chất nên bạn nghĩ rằng điều tương tự cũng xảy ra với điều thiêng liêng. Điều đó không thể xảy ra được, điều đó là không thể được. Bạn không thể tấn công vào cõi trời và bạn cũng không thể đến đó với lưỡi lê. Bạn không thể buộc điều thiêng liêng mở trái tim cho bạn bởi vì kì khi nào bạn dùng vũ lực, bạn đều đóng. Đó là vấn đề: bất kì khi nào bạn dùng vũ lực bạn đều đóng, và nếu bạn đóng, điều thiêng liêng không thể lộ ra cho bạn.
Khi bạn không dùng vũ lực nhưng nổi tựa đám mây trắng, chỉ bồng bềnh, không nỗ lực gì để đạt tới bất kì đâu; khi không có mục đích và không nỗ lực; khi bạn không muốn đạt tới bất kì cái gì và không phải gắng sức về nó; khi bạn hạnh phúc như bạn hiện hữu, khi bạn cực lạc như thế giới hiện hữu; khi bạn chấp nhận mọi thứ như chúng hiện hữu và bạn không muốn thay đổi cái gì - thì bỗng nhiên bạn được đưa tới một chiều hướng khác của bản thể. Bạn nhận ra cánh cửa bao giờ cũng mở. Chúng chưa bao giờ đóng cả, chúng không thể đóng được. Bí ẩn thiêng liêng bao giờ cũng kề cận bên bạn. Nó chưa bao giờ ở rất xa cả. Nó không thể ở xa được, bởi vì bạn là một phần của điều thiêng liêng. Dù bạn có đi đâu, điều thiêng liêng cũng đi theo bạn.
Vấn đề không phải là ở chỗ dò tìm hay tìm kiếm; đấy là vấn đề vẫn im lặng và cho phép. Khi bạn tìm kiếm, bạn bị lỡ, bởi vì người tìm kiếm bao giờ cũng mạnh bạo. Khi bạn tìm nó sẽ không đến với bạn, bởi vì tâm trí đang tìm kiếm quá bận bịu, nó không sẵn có. Nó chưa bao giờ ở đây và bây giờ, nó bao giờ cũng ở đâu đó trong tương lai - khi việc khám phá sẽ được tiến hành, khi tìm kiếm sẽ được hoàn tất, khi việc dò tìm sẽ đi tới kết thúc. Nó bao giờ cũng ở đâu đó phía cuối, nó không ở đây. Điều thiêng liêng ở đây, cho nên bạn chẳng gặp được. Người tìm kiếm chẳng bao giờ đạt tới.
Điều đó không có nghĩa là bạn không nên là người tìm kiếm. Ban đầu bạn sẽ phải là người đi tìm, không có cách nào khác. Ban đầu bạn phải là người tìm kiếm, bạn phải đi tìm và làm đủ mọi nỗ lực. Chỉ có bằng tất cả nỗ lực và trở thành người tìm kiếm điên khùng bạn mới nhận ra rằng điều đó chỉ xảy ra khi bạn đang trong tâm trí không tìm kiếm.
Đôi khi vào lúc nghỉ, điều đó sẽ đến với bạn. Đôi khi trong khi ngủ, điều đó sẽ giáng xuống bạn. Đôi khi chỉ bước trên đường nó sẽ có đó. Đôi khi chỉ nhìn mặt trời mọc buổi sớm - chẳng làm gì cả, chỉ là nhận biết thụ động - nhìn mặt trời mọc hay mặt trăng lung linh bóng trong đêm lạnh ven hồ, hay bông hoa xoè cánh, và bạn chỉ là nhận biết thụ động... Chẳng cần gì về phần bạn cả. Khi bông hoa nở ra, nó chẳng cần giúp đỡ của bạn.
Thế mà vẫn có những người đần cố giúp cho hoa nở. Họ sẽ phá huỷ toàn bộ vẻ đẹp của hoa, và thế thì hoa sẽ không bao giờ nở được thực sự nữa. Cho dù bạn có buộc nó phải nở ra, nó vẫn là bông hoa đóng. Việc nở hoa đã không xảy ra, đó là việc bắt buộc. Mọi thứ bị bắt buộc đều chẳng bao giờ nở hoa được. Bạn không cần phải giúp mặt trời mọc. Có những người nghĩ rằng giúp đỡ của họ là cần thiết. Có những người tạo ra nhiều phiền hà, nhiều điều phiền hà bởi vì họ nghĩ giúp đỡ của họ là cần cho mọi nơi.
Trong cuộc sống thực, bất kì khi nào thực tại đang xảy ra, chẳng cần có giúp đỡ của ai hết cả. Nhưng rất khó cưỡng lại ý định giúp đỡ bởi vì khi bạn giúp bạn cảm thấy bạn đang làm điều gì đó. Khi bạn làm điều gì đó bạn tạo ra bản ngã. Khi bạn không làm gì cả, bản ngã không thể tồn tại được. Trong khoảnh khắc không làm gì bản ngã biến mất. Nhìn vào mặt trời mọc, nhìn bông hoa nở, nhìn mặt trăng lung linh trong hồ lạnh, không làm gì cả - bỗng nhiên nó sẽ giáng xuống bạn. Bạn sẽ thấy toàn bộ sự tồn tại được rót đầy với điều thiêng liêng, mọi nhịp thở của bạn đều thiêng liêng.
Với nỗ lực, đạt tới vô nỗ lực.
Với tìm kiếm, đạt tới trạng thái vô tìm kiếm.
Với tâm trí, đi tới vô trí.
Có hai kiểu người. Với một kiểu người nếu tôi nói nỗ lực đi thì họ sẽ thật nỗ lực, nhưng rồi họ không cho phép có vô nỗ lực. Với kiểu người kia nếu tôi nói nó sẽ xảy ra chỉ trong vô nỗ lực, họ bỏ mọi nỗ lực. Cả hai đều đi sai. Cả hai đều đi chệch đường.
Đây là nhịp điệu cuộc sống: nỗ lực sao cho bạn có thể là vô nỗ lực nữa. Cố gắng hết sức đạt tới chính mục đích để cho bạn có thể đạt tới khoảnh khắc tâm thức không cố gắng. Chạy thật nhanh hết sức để cho đến khi ngồi nghỉ bạn thực sự ngồi nghỉ. Bị cạn kiệt trong nỗ lực để cho khi bạn nghỉ, nó là việc nghỉ thực sự.
Bạn có thể nghỉ với cái bất ổn bên trong. Bạn có thể nằm xuống đất, nhưng bất ổn cứ tiếp diễn bên trong. Cho nên bạn đơn giản nằm xuống, nhưng đấy không phải là nghỉ. Bạn có thể ngồi giống như vị phật và bên trong trẻ con chạy tán loạn - tâm trí vẫn làm việc và hoạt động. Bên trong bạn đang phát điên, bên ngoài bạn ngồi theo tư thế phật. Bạn có thể hoàn toàn tĩnh tại bên ngoài, không chuyển động, không hoạt động, còn bên trong rối loạn tiếp diễn. Điều này chẳng ích gì. Kết thúc rối loạn trong nỗ lực đi. Chạy thật nhanh vào. làm thật cạn kiệt đi! Do đó, việc nhấn mạnh của tôi là vào Thiền Động. Nó vừa cả nỗ lực và vô nỗ lực. Nó vừa cả hoạt động và bất hoạt. Nó có cả chạy và thế rồi ngồi - chỉ ngồi.
Nan-in nhìn vào trong đệ tử này. Người đó đã siêu việt lên trên nỗ lực chưa? Người đó đã tới vô nỗ lực chưa? Tâm thức đã trở thành điều tự nhiên, tự phát cho người đó chưa? Người đó không lẫn lộn chứ? Người đó có sáng tỏ như trời xanh không? Thế thì người đó có thể là thầy, người đó có thể được phép đi thuyết giảng cho người khác.
Nhớ điều này bất kì khi nào cám dỗ đến với bạn để dạy ai đó. Nếu bạn muốn nói điều gì đó với ai đó, hãy nói rằng đấy là về - về Thượng đế, về nhận biết. Làm cho người khác nhận biết rằng bạn còn chưa đạt tới - bạn đã nghe nói thôi. Bạn đã nghe về những điều đẹp đẽ đến mức bạn muốn chia sẻ về điều đó, nhưng bạn chưa đạt tới. Thế thì bạn có thể giúp đỡ mà không đầu độc, không đầu độc người khác.
Bao giờ cũng nhớ: nếu bạn không biết, thì bạn không biết. Đừng bao giờ giả vờ, thậm chí đừng phủ nhận. Bởi vì bạn có thể đơn giản giữ im lặng, không nói rằng bạn còn chưa đạt tới. Cho dù như thế là không tốt, bởi vì trong im lặng người khác có thể mang cảm giác rằng bạn đã biết. Làm điều đó thành rõ rằng bạn chưa biết về nó, nhưng bạn biết những người quả thực là đã biết, bạn đã được nghe về nó.
Ở Ấn Độ có hai kiểu kinh. Một kiểu gọi là shruti, kiểu kia gọi là smriti. Smriti nghĩa là trí nhớ còn Shruti nghĩa là cái đã được nghe tới. Kinh được gọi là smriti thuộc về những người chính bản thân họ đã biết. Nó là của riêng họ. Họ kể lại trí nhớ riêng của mình, họ kể lại kinh nghiệm của riêng họ. Shruti là kiểu kinh thứ hai; nó bắt nguồn từ những người có may mắn được ở gần những người đã biết - họ được nghe thấy.
Bao giờ cũng nhớ điều này: nếu bạn đã nghe thấy, nói rằng đấy là điều gì đó bạn đã nghe, và nó đẹp đẽ đến mức chỉ có nghe thôi, nó cũng trở thành kho báu cho bạn. Thậm chí việc nghe nó đã làm xúc động trái tim bạn và bạn muốn chia sẻ. Nhưng điều này cũng mới chỉ là sự thân thiết; bạn chưa trở thành người chủ. Nó chỉ như một cử chỉ yêu mến, chỉ là sự chia sẻ hạnh phúc của bạn, nhưng bạn không chia sẻ nhận biết. Chừng nào bạn còn chưa đạt tới, chừng nào bạn còn chưa nhận ra, chừng nào điều đó còn chưa trở thành của riêng bạn, đừng cố gắng hướng dẫn bất kì ai. Điều đó là thô bạo. Còn khi bạn đã chứng ngộ, chính sự hiện hữu của bạn sẽ trở thành hướng dẫn.
Đệ tử đến gặp thầy Nan-in ngay từ lúc đầu đã bước sai, bởi vì nếu người đó đã sẵn sàng, Nan-in sẽ phải gọi người đó. Không phải là phần của người đó để quyết định: mười năm đã hoàn tất và tôi nay cần đi thuyết giảng. Toàn bộ vấn đề là sai. Thầy sẽ biết trước đệ tử khi nào người đó sẵn sàng, bởi vì tất nhiên thầy có thể quan sát kĩ hơn là bạn tự quan sát bản thân mình.
Thầy theo bạn ngay cả trong đêm và trong giấc mơ của bạn. Thầy tựa như một hình bóng thường xuyên theo dõi mọi điều xảy ra, dù bạn biết về sự theo dõi của thầy hay không. Và bạn sẽ không nhận biết, bởi vì đấy là điều tinh tế thế.
Bất kì khi nào đệ tử đã sẵn sàng, thầy sẽ gọi người đó đến và nói với người đó: Bây giờ ông hãy đi! Đệ tử không cần phải công bố, và nếu đệ tử quyết định công bố, điều đó nghĩa là người đó không sẵn sàng - bản ngã có đó.
Đệ tử này muốn làm thầy - mọi đệ tử đều muốn vậy - và chính điều mong muốn đó trở thành rào chắn. Mười năm đã hoàn tất; người đó phải đã tính toán. Người đó phải là một anh chàng rất tinh ranh; nếu không ai sẽ nhớ? Sống cùng thầy phỏng có ích gì nếu bạn không thể quên được thời gian? Bạn định quên cái gì khác? Vội vàng là gì? Đệ tử này không buông xuôi. Người đó chỉ chờ đợi, tính toán. Số học có đó, logic có đó, và một thái độ cố định hướng tới mọi vật. Người đó biết về lịch sử của thiền viện, rằng trong thời gian mười năm một đệ tử sẽ sẵn sàng và thế rồi người đó ra đi.
Nhưng điều đó cũng còn tuỳ. Không phải mọi đệ tử đều sẵn sàng trong mười năm, một số đệ tử sẽ không sẵn sàng trong mười kiếp, và một số đệ tử thì sẵn sàng trong mười giây. Đây không phải là một điều máy móc. Nó tuỳ thuộc vào phẩm chất, sự mãnh liệt của tâm thức của đệ tử. Đôi khi điều đó xảy ra: chỉ một cái nhìn từ thầy mà đệ tử sẵn sàng. Nếu người đó cởi mở, nếu không có rào chắn, nếu người đó buông xuôi, thì chỉ một khoảnh khắc cũng đủ. Cho dù điều đó là không cần, sự việc xảy ra không cần thời gian.
Nhưng nếu bạn tính toán, suy nghĩ: Khi nào điều đó xảy ra nhỉ? Ta đã đợi đủ rồi. Mất một năm, hai năm, rồi mười năm trôi qua, thế mà ta vẫn chờ đợi hoài mà chẳng có gì xảy ra cả - bạn tính toán bên trong - thế thì ta phí hoài thời gian. Đệ tử cần phải vứt bỏ tâm thức thời gian. Thời gian thuộc về bản ngã. Thời gian thuộc về tâm trí. Thiền là vô thời gian.
Đệ tử này tới thầy chỉ để công bố: Mười năm giờ đã hoàn tất. Tôi được dự định đi đâu và tôi được dự định dạy ở đâu bây giờ? Tôi đã sẵn sàng... bởi vì mười năm đã qua. Không ai sẵn sàng theo cách đó. Đó là lí do tại sao thầy phải hỏi một câu hỏi, chỉ để làm cho đệ tử lộ ra cái đần độn cho mình.
Các bậc thầy thiền sư là những người rất khó tính - rất thẳng thắn, hiểu thấu, và làm cho người khác lúng túng. Thế mới là câu hỏi cho người tìm kiếm vĩ đại đã mất cả chục năm trời chờ đợi: Ông bỏ dép ở đâu, bên phải hay bên trái? Kiểu câu hỏi nào và kiểu người nào mới là người hỏi một câu hỏi như vậy cho nhà tìm kiếm vĩ đại? Điều này không siêu hình chút nào. Bạn không thể tìm được câu hỏi tầm thường hơn thế. Bạn không thể tìm được câu hỏi báng bổ hơn - hỏi về đôi dép. Nếu như thầy hỏi về Thượng đế thì đệ tử này đã sẵn sàng. Nếu như thầy hỏi về cõi trời, về địa ngục thì đệ tử chắc đã sẵn sàng. Đệ tử này phải đã nhồi nhét đủ thứ, đủ mọi câu trả lời. Đó là lí do tại sao người đó đã phí hoài cả mười năm trời đèn sách, học hỏi. Mọi kinh sách đều có trong người đó, và người đó đã sẵn sàng... thầy có thể hỏi bất kì câu hỏi nào!
Nhớ lấy: nếu bạn ở gần người đã chứng ngộ thì người đó sẽ không bao giờ hỏi những câu hỏi mà bạn có thể trả lời được. Vấn đề không phải là trả lời, vấn đề là đáp ứng bằng cả bản thể.
Thầy hỏi câu hỏi vô tích sự đến thế: Ông bỏ dép ở đâu? Toàn bộ cái siêu hình của đệ tử phải đã tan tành, và người đó phải đã nghĩ: Kiểu người gì thế này...? Ta đang đây này, sẵn sàng, sôi đầy các câu trả lời. Mọi kiểu câu hỏi thầy đưa ra ta sẽ trả lời. Ngay cả những câu hỏi mà Phật còn chưa trả lời ta sẽ trả lời. Ta thông làu mọi sách vở, mọi kinh sách. Ta đã đọc mọi thứ; đã nghiền ngẫm và thuộc làu mọi kinh cú.
Người đó đã sẵn sàng thế mà người kia lại hỏi về đôi dép! Nhưng quả thực thầy hỏi một câu hỏi không thể trả lời được, bởi vì bạn không thể sẵn sàng cho nó từ trước. Điều đó hoàn toàn không dự đoán được. Đệ tử cảm thấy lưỡng lự, và lưỡng lự là câu trả lời. Lưỡng lự nói lên mọi điều về đệ tử này; người đó vẫn không nhận biết, nếu không thì không thể có lưỡng lự. Bạn hành động. Người đó sẽ phải làm điều gì đó nếu người đó tỉnh táo. Người đó đáng phải đáp ứng theo cách toàn bộ, nhưng người đó trở nên phải suy nghĩ, giải đố... lưỡng lự, lẫn lộn.
Câu chuyện thật hay. Khi lần đầu tiên thiền được phương Tây biết tới người ta không thể tin vào điều các bậc thầy này làm và hỏi - toàn hỏi về những điều ngớ ngẩn. Bạn hỏi thầy một câu hỏi và thầy đáp ứng. Không thầy thiền sư nào sẽ cho bạn câu trả lời, ông ấy sẽ đáp ứng.
Một người tìm kiếm, một người tìm kiếm triết học dĩ nhiên, đến gặp một bậc thầy thiền sư, Bokuju, và hỏi: Con đường là gì?
Bokuju nhìn ra mấy quả núi gần đó và nói: Núi rất đẹp.
Dường như ngớ ngẩn! Ông ấy hỏi: Con đường là gì? còn Bokuju lại nói: Núi đẹp. Thất vọng, người tìm kiếm bỏ đi ngay lập tức. Thế rồi Bokuju mới cười phá lên.
Một đệ tử nói: Thưa thầy, người đấy chắc phải coi thầy là điên.
Bokuju nói: Một trong chúng ta chắc chắn là điên. Hoặc là ông ta điên... bởi vì ông không thể hỏi về con đường được, ông phải đi qua nó. Qua hành trình, con đường mới được khám phá. Nó không sẵn có đó, làm sẵn, cho nên ta không thể nói nó ở đâu được. Nó không giống như đường cái quan, làm sẵn, đang đợi ông: Đến và đi! Không có con đường nào giống thế, nếu không mọi người đã đạt tới từ lâu rồi. Nếu con đường mà được làm sẵn, mọi người đều đã đi qua được nó hết. Con đường được tạo ra qua cuộc hành trình của ông, nó không có đấy chờ đợi ông. Khoảnh khắc ông bắt đầu hành trình, nó được tạo ra. Nó xuất phát từ ông tựa như mạng nhện. Nó đến qua ông. Ông tạo ra nó, thế rồi ông du hành qua nó. Khi ông du hành qua nó ông lại tạo ra thêm về nó. Và nhớ, con đường biến mất cùng ông. Không người nào khác có thể đi trên con đường đó; nó không thể được vay mượn.
Cho nên thầy mới nói: Nó không thể nào được hỏi, chỉ người ngu mới hỏi những câu hỏi như vậy, Con đường là gì? Ông là con đường!
Thế rồi đệ tử này nói: Con hiểu điều đó, nhưng tại sao thầy lại nói về núi?
Thầy nói: Thầy phải nói về núi bởi vì chừng nào ông chưa đi qua núi, không có con đường nào được tìm ra. Con đường ở bên kia ngọn núi, và núi đẹp đến mức không ai muốn đi qua chúng. Chúng duyên dáng, quyến rũ đến độ mọi người đều bị lạc trong núi - còn con đường tồn tại bên kia.
Thầy đáp ứng. Thầy đụng tới sự cần thiết thực sự của bạn. Thầy không lo nghĩ về câu hỏi của bạn. Câu hỏi của bạn có thể có liên quan hay không có liên quan - nhưng bạn bao giờ cũng có liên quan. Thầy nhìn vào bạn. Thầy đụng vào bạn. Nhưng người trí thức bao giờ cũng bỏ lỡ kiểu câu trả lời đó.
Xem Chương 11 - Quay về Mục lục

Ads Belove Post