Chương 12. Bất kì cái gì bạn làm, hãy toàn bộ

Chương 12. Bất kì cái gì bạn làm, hãy toàn bộ

Price:

Read more

Osho - Con đường tôi đi - Con đường của mây trắng
Chương 12. Bất kì cái gì bạn làm, hãy toàn bộ


Osho kính yêu,
Thầy đã nói cho chúng tôi về buông xuôi hoàn toàn với thầy, nhưng thường tâm trí chúng tôi hay nảy sinh các lí do để không tuân theo đúng nguyên văn các hướng dẫn.
Chúng tôi nói những điều như: Thầy không thể biết rằng tình huống đã thay đổi. Hay: Thầy không hiểu điều kiện thực tế ở phương Tây ra sao.
Chúng tôi có nên tuân theo mọi thứ thầy nói đúng từng từ hay có lúc chúng tôi nên dùng suy xét của riêng mình?
Bạn nên tuân theo hoặc là tuyệt đối, hoặc không chút nào. Không thoả hiệp nào nên được tạo ra, bởi vì bất kì cái gì nửa vời không chỉ vô dụng mà còn có hại nữa. Bất kì cái gì nửa vời sẽ chia rẽ bạn - đó là cái hại. Bạn nên duy trì là một thể thống nhất không phân chia.
Cho nên hoặc là buông xuôi hoàn toàn... thế thì không cần suy nghĩ về phần bạn; tuân theo một cách mù quáng. Tôi nhấn mạnh từ 'mù quáng' - dường như bạn không có mắt; ai đó có mắt đang dẫn bạn đi. Thế thì bạn sẽ còn là một thể thống nhất không phân chia; và không bị phân chia, được tích hợp, bạn sẽ trưởng thành.
Hoặc, nếu bạn cảm thấy điều này là không thể được và không thể làm được, đừng theo ai cả. Hoàn toàn đi theo chính mình. Thế nữa bạn sẽ vẫn còn không phân chia. Vẫn còn không bị phân chia là mục đích, là mục tiêu. Cả hai cách này đều có tác dụng, kết quả tối thượng là như nhau. Nếu bạn có thể một mình, không thầy, nếu bạn có thể đi theo tâm thức của riêng mình đến bất kì đâu nó đưa tới, thì kết quả cũng vậy, kết quả vẫn là một. Cho nên điều đó tuỳ thuộc vào bạn.
Nhưng tâm trí bao giờ cũng nói: Làm cả hai. Tâm trí nói: Cứ theo thầy nhưng phải nghĩ về điều đó. Chỉ theo những gì bạn nghĩ là phải. Thế thì việc theo là ở đâu? Buông xuôi là ở đâu? Nếu bạn là quan toà, và bạn quyết định cái gì phải theo và cái gì không theo, thế thì đâu là buông xuôi, đâu là tin cậy? Thế thì tốt hơn cả là theo tâm thức của riêng bạn. Nhưng đừng lừa dối - ít nhất thì cũng không nên có lừa dối; nếu không bạn sẽ cứ đi theo mình và bạn lại nghĩ rằng bạn đang theo thầy.
Nếu bạn là nhân tố quyết định, nếu bạn phải chọn lựa, nếu bạn phải vứt bỏ cái gì đó, chấp nhận cái gì đó, thế thì bạn đang theo chính mình. Nhưng bạn có thể tạo ra ấn tượng xung quanh mình và bạn có thể tự lừa dối mình rằng bạn đang theo thầy. Thế thì chẳng có gì đến được từ đó. Bạn sẽ không trưởng thành, bởi vì qua lừa dối không thể có trưởng thành được. Và bạn sẽ ngày càng gặp nhiều lẫn lộn hơn, bởi vì nếu bạn định quyết định điều gì cần phải làm và điều gì không cần làm, nếu bạn phải chọn từ hướng dẫn của thầy thì bạn sẽ tạo ra hỗn độn, bởi vì bất kì khi nào thầy hướng dẫn cho bạn, hướng dẫn đó có sự thống nhất hữu cơ về nó. Mọi hướng dẫn đều có quan hệ với các hướng dẫn khác. Nó là một toàn thể trọn vẹn. Bạn không thể bỏ điều gì đó và theo điều gì đó; bạn sẽ trở thành đống điêu tàn, đổ nát. Ngay cả một điều đơn giản bị từ chối, cái toàn thể đã bị rối loạn. Bạn không biết cách thức mọi việc có liên quan lẫn nhau.
Cho nên đây là gợi ý của tôi cho bạn: Vẫn còn là một thể thống nhất, không phân chia. Quyết định đi. Nếu bạn phải quyết định thì hãy quyết định: Ta sẽ theo chính mình. Thế thì đừng có buông xuôi - không có nhu cầu!
Đây là điều Krishnamurti đã từng nói trong bốn mươi, năm mươi năm liên tục: Đừng đi theo. Mọi người có thể đạt tới mà không theo ai cả, nhưng con đường thì gian khổ và rất dài bởi vì bạn không sẵn sàng chấp nhận bất kì sự giúp đỡ hay hướng dẫn nào có thể được trao cho bạn - đấy là điều có thể và điều đó có thể cắt bỏ bớt nhiều khó khăn không cần thiết trên con đường. Đây chính là điều Krishnamurti đã từng nói. Không ai đã làm điều đó.
Đây là vấn đề của tâm trí. Tâm trí có thể chấp nhận: Đừng theo ai cả - không phải bởi vì nó đã hiểu mà bởi vì đó chính là sự đáp ứng bản ngã không đi theo bất kì ai. Không ai muốn đi theo bất kì ai. Sâu bên dưới bản ngã cưỡng lại.
Cho nên xung quanh Krishnamurti tất cả các bản ngã tụ hội lại. Họ lại tự lừa dối mình. Họ nghĩ họ không theo bất kì ai bởi vì họ đã hiểu ảo tưởng của việc đi theo, họ đã hiểu rằng con đường phải được đi qua một mình, họ đã hiểu rằng không thể có sự giúp đỡ, không ai có thể giúp được bạn, không ai có thể hướng dẫn được bạn; một mình bạn phải đi. Họ nghĩ rằng họ đã hiểu điều này, đó là lí do tại sao họ không theo bất kì ai. Đó không phải là điều thực - họ đang lừa dối. Họ không theo ai bởi vì bản ngã của họ không cho phép. Thế mà họ vẫn cứ nghe Krishnamurti. Trong nhiều năm họ đi lại mãi.
Nếu không thể có sự giúp đỡ thì tại sao bạn cứ phải trở đi trở lại với Krishnamurti? Nếu không ai có thể hướng dẫn bạn thì phỏng có ích gì mà lắng nghe ông ấy nói đi nói lại? Điều ấy là vô nghĩa. Và thậm chí cả thái độ này, điều bạn phải đi con đường một mình, cũng không do bạn khám phá ra - nó đã được để lộ ra cho bạn qua Krishnamurti. Sâu bên dưới, ông ấy đã trở thành thầy bạn. Nhưng bạn cứ nói rằng bạn không đi theo. Đấy là lừa dối.
Cũng điều lừa dối đó có thể xảy ra từ phía ngược lại. Bạn đến với tôi, bạn nghĩ bạn đã buông xuôi, thế mà bạn vẫn cứ chọn lựa. Nếu tôi nói điều gì đó hợp với bạn, điều đó có nghĩa là nó hợp với bản ngã của bạn - bạn theo nó. Nếu tôi nói điều gì đó không hợp với bản ngã của bạn, bạn bắt đầu lập luận: Điều này có thể không phải dành cho mình. Cho nên bạn cảm thấy rằng bạn đã buông xuôi mà bạn lại không buông xuôi.
Mọi người xung quanh Krishnamurti nghĩ là họ không đi theo bất kì ai, mà họ lại đang đi theo. Các bạn xung quanh tôi cứ nghĩ là các bạn đang theo tôi mà bạn lại không theo tôi. Tâm trí bao giờ cũng là kẻ lừa dối. Dù bạn đi đâu nó cũng có thể lừa dối bạn, cho nên hãy tỉnh táo.
Tôi nói với bạn: Bạn có thể đạt tới mà không đi theo, nhưng con đường này sẽ rất, rất đơn độc, rất dài. Nó nhất định là như vậy. Người ta có thể đạt tới, không thể không thế được - mọi người đã đạt tới. Bản thân tôi đã đạt tới mà không theo ai cả; bạn cũng có thể đạt tới. Nhưng nhớ rằng không theo ai không nên trở thành việc đáp ứng cho bản ngã; nếu không bạn sẽ không bao giờ đạt tới.
Có thầy hay không có thầy, đấy không phải là điều cơ bản. Điều cơ bản là bản ngã, bản ngã của bạn. Không bản ngã - thì dù không có thầy bạn vẫn có thể đạt tới. Có bản ngã - ngay cả phật cũng chẳng hướng dẫn được bạn. Hoặc đi theo toàn bộ hoặc không đi theo toàn bộ, nhưng phải là toàn bộ. Đấy là do bạn quyết định. Đừng bị tâm trí lừa dối và nhìn sâu vào bên trong bản thân bạn. Nhận biết điều bạn đang làm. Nếu bạn đang buông xuôi, hãy buông xuôi.
Tôi nhớ: Có lần chuyện đã xảy ra với một nhóm trong cuộc đời của Gurdjieff. Ông ấy làm việc với một vài đệ tử. Cần phải hoàn toàn buông xuôi - và Gurdjieff đã nói rằng bất kì điều gì ông ấy nói ra, họ đều phải tuân theo. Ông ấy đã giúp họ thực hành một bài tập nào đó; ông ấy quen gọi bài tập đó là bài tập dừng. Cho nên bất kì khi nào ông hô: Dừng! bạn phải dừng mọi việc mình đang làm. Bạn đang bước, một chân giơ lên và khi đó ông ấy hô: Dừng! bạn phải dừng ở đó. Bạn đang nói và mồm vừa há thì ông ấy hô: Dừng! bạn phải dừng mà mồn vẫn há. Bạn không được thay đổi động tác đó, bạn không được làm cử chỉ thuận tiện, bởi vì điều đó sẽ là lừa dối, và bạn không lừa dối bất kì ai trừ bản thân bạn.
Một hôm, bỗng nhiên vào buổi sáng khi mọi người đang tập luyện bên ngoài trại và một vài người đang đi qua một con kênh chảy qua gần đó, ông bỗng nhiên hô: Dừng! - ông vẫn bên trong trại. Thế là mọi người dừng. Bốn người đang đi qua con kênh. Kênh lúc đó còn cạn, nước không chảy, cho nên họ dừng lại.
Nhưng bỗng nhiên ai đó mở kênh và nước bắt đầu chảy. Họ bắt đầu nghĩ: Phải làm gì đây? Gurdjieff đang trong lều, ông ta không biết rằng chúng ta đang đứng trong kênh và kênh đang có nước chảy. Nhưng họ vẫn đợi, bởi vì tâm trí có thể đợi được một chốc.
Khi nước ngập tới cổ, một người nhảy ra. Người đó nói: Thế này quá lắm. Gurdjieff không biết.
Rồi nước trong kênh dâng lên nữa. Hai người khác nhảy ra khi nước ngập tới gần mũi họ... bởi vì bây giờ họ sẽ bị chết đuối còn việc lập luận thì đơn giản và dễ dàng. Bạn cũng sẽ phải làm tương tự. Họ đang sắp chết... thầy lại đang ở trong lều và thầy không biết!
Chỉ còn lại mỗi một người. Nước đã ngập trên đầu người đó và người đó vẫn đang đứng. Thế là Gurdjieff chạy xô ra khỏi lều và vớt người đó lên khỏi kênh. Người đó gần như bất tỉnh. Nước được lấy ra khỏi thân thể người đó; người đó gần chết. Nhưng khi người đó mở mắt ra, người đó đã trở thành một người khác. Con người cũ đã chết thực sự. Đây là biến đổi. Người đó đã hoàn toàn khác.
Điều gì đã xảy ra trong khoảnh khắc chết đó? Người đó đã chấp nhận thầy. Người đó đã bác bỏ tâm trí và lập luận của mình. Người đó đã bác bỏ ham muốn cuộc sống của chính mình. Người đó đã bác bỏ thôi thúc sinh vật bên trong nhất của mình để tồn tại. Người đó đã bác bỏ mọi thứ. Người đó nói: Khi thầy đã nói dừng, ta phải dừng. Bây giờ không có gì có thể lay chuyển được ta.
Điều đó thật hết sức khó, khó lắm - gần như không thể được. Nhưng khi bạn làm điều không thể được đó, bạn được biến đổi. Việc chết, người đó cũng không cho phép tâm trí được can thiệp. Cái chết có đó, nhưng người đó thà chấp nhận cái chết còn hơn chấp nhận tâm trí và cách suy xét riêng của mình.
Người đó không bao giờ còn là người cũ nữa, không ai còn có thể gặp được con người cũ nữa. Thế thì những người khác hiểu rằng họ đã bỏ lỡ một cơ hội lớn. Ba người đã nhảy ra khỏi kênh đã bỏ lỡ một cơ hội lớn.
Đây là buông xuôi hoàn toàn. Vấn đề không phải là cần viện đến tâm trí của bạn hay không, tâm trí của bạn phải nói có hay nói không.
Khi bạn buông xuôi, bạn đã buông xuôi mọi khả năng nói không. Dù bất kì tình huống nào, bạn sẽ không nói không. Nói có toàn bộ nghĩa là buông xuôi. Khó đấy! Đó là lí do tại sao việc biến đổi lại khó khăn. Không dễ dàng chút nào - đó là lí do tại sao việc sinh thành tâm linh không dễ dàng.
Nhưng tôi không nói rằng bạn không thể đạt tới một mình được. Bạn có thể đạt tới một mình và bạn có thể đạt tới với thầy; bạn có thể đạt tới trong nhóm, bạn có thể đạt tới như một cá nhân. Mọi khả năng đều để mở. Tôi không thế này mà cũng không thế khác. Vấn đề là ở bạn quyết định, và quyết định không chút lừa dối.
Nhớ lấy, vấn đề không phải là phương Đông hay phương Tây. Sâu bên dưới, tâm trí là như nhau, mọi khác biệt đều chỉ là trên bề mặt. Phương Đông và phương Tây - đấy chỉ là bề mặt... dấu ấn văn hoá, giống nòi, nhưng chúng chỉ là trên bề mặt. Sâu bên dưới tâm trí con người là một. Bạn gốc gác từ đâu chẳng có quan hệ gì.
Buông xuôi hay vẫn hoàn toàn một mình, nhưng cả hai con đường này là những chặng đường mà chỉ có những người toàn bộ mới có thể đi qua được. Một mình, Phật đạt tới chứng ngộ; theo Phật, nhiều người đã đạt tới cùng chứng ngộ.
Tôi không phải là người thiên lệch. Tôi không nói, như Krishnamurti nói: Chỉ đây mới là con đường. Tôi không nói, như Meher Baba nói: Chỉ đây mới là con đường. Tôi biết rõ họ nói: Chỉ đây mới là con đường, là để giúp bạn, bởi vì một khi bạn trở nên nhận biết rằng lối khác cũng có thể là con đường, lẫn lộn bắt đầu sinh ra trong bạn. Thế thì bạn bắt đầu thay đổi ý kiến - đôi khi bạn nghĩ thế này, đôi khi bạn nghĩ thế khác. Đó là lí do tại sao các bậc thầy đã từng nói: Chỉ đây mới là con đường - chỉ để làm cho tâm trí bạn không lẫn lộn. Nếu không thì cái đối lập sẽ hấp dẫn bạn và bạn sẽ cứ thay đổi lập trường. Để làm cho bạn được toàn bộ, các bậc thầy cứ nhấn mạnh.
Nhưng tôi nói cả hai con đường. Tại sao? - bởi vì rằng việc nhấn mạnh đã trở thành cổ rồi, và bạn đã nghe quá nhiều về: Đây là con đường duy nhất. Nó đã trở thành lời sáo rỗng chết cứng. Bây giờ nó chẳng có ích lợi gì nữa. Nó đã có ích trong quá khứ; bây giờ nó không có ích nữa, vì thế giới đã trở thành gần là một. Trái đất đã trở thành giống như một làng toàn cầu, và mọi tôn giáo đều biết tới mọi tôn giáo khác và ai cũng biết tất cả các con đường. Bây giờ loài người đã quen với mọi con đường - mọi con đường, mọi khả năng, mọi cách thức.
Trong quá khứ mọi người chỉ biết có một con đường, con đường trong đó họ được sinh ra. Nhấn mạnh rằng con đường này là duy nhất là điều tốt - để làm cho tâm trí họ tin cậy vào nó, tin tưởng vào nó. Nhưng bây giờ điều này không còn là tình huống chút nào nữa. Người Hindu đọc Koran, người Ki tô giáo đến Ấn Độ để tìm kiếm hướng dẫn, người Mô ha mét giáo nhận biết về Gita và Veda. Mọi con đường đều đã trở nên được biết tới. Nhiều lẫn lộn tồn tại, và bất kì ai nói rằng đây là con đường duy nhất, bây giờ đều không có ích bởi vì bạn biết những con đường khác có đó. Bạn cũng biết rằng từ các con đường khác mọi người đã đạt tới và đang đạt tới. Do đó tôi không nhấn mạnh vào con đường nào cả.
Bạn có thể nhận sự giúp đỡ của tôi nếu bạn buông xuôi, bạn có thể nhận sự giúp đỡ của tôi nếu bạn không buông xuôi - nhưng bạn phải rõ ràng về điều đó. Nếu bạn chọn con đường buông xuôi, bạn phải theo tôi toàn bộ. Nếu bạn chọn rằng bạn không định buông xuôi, quyết định về nó đi. Tôi có thể là một người bạn trên con đường, không cần phải biến tôi thành thầy. Tôi có thể chỉ là một người bạn đường - hay thậm chí không là một người bạn.
Bạn đang tìm kiếm và bạn gặp ai đó hoàn toàn không biết trước, một người xa lạ, rồi bạn hỏi người đó: Dòng sông ở đâu? Con đường nào dẫn tới dòng sông? Khi người đó đã nói xong bạn cám ơn người đó và bạn bước tiếp. Tôi có thể chỉ là một người lạ. Thậm chí không cần phải là một người bạn, bởi vì với một người bạn, bạn cũng có can dự vào. Bạn có thể nhận sự giúp đỡ của tôi - sự giúp đỡ của tôi là vô điều kiện.
Tôi không nói: Làm cái này, thế thì tôi sẽ giúp bạn. Tôi không nói: Buông xuôi đi, chỉ thế thì tôi mới giúp bạn. Nhưng điều này tôi phải nói nhiều: Làm bất kì cái gì bạn thích, nhưng làm nó một cách toàn bộ. Nếu bạn là toàn bộ thì việc biến đổi là rất gần. Nếu bạn bị phân chia, điều ấy gần như không thể được.

Osho kính yêu,
Khi Wakuan thấy một bức tranh về Bồ đề đạt ma có râu, ông ta phàn nàn: Tại sao thằng cha kia lại không có râu?
Osho kính yêu, tại sao thầy không có râu?
Truyền thống của thiền thực là hay. Bồ đề đạt ma có râu, và một đệ tử hỏi: Tại sao thằng cha này lại không có râu? Câu hỏi hay nhưng chỉ đệ tử thiền mới có thể nêu ra được nó - bởi vì râu thuộc về thân thể, không thuộc về Bồ đề đạt ma. Thằng cha đó không râu, bởi vì thân thể chỉ là nơi cư trú. Rõ ràng câu hỏi này ngớ ngẩn, nhưng nó có nghĩa, và những câu hỏi như vậy đã được hỏi nhiều lần.
Phật liên tục nói - sáng, tối, chiều, trong làng này, trong làng khác, di chuyển, bốn mươi năm liên tục nói. Một hôm Sariputta hỏi: Tại sao thầy vẫn còn im lặng? Tại sao thầy không nói cho chúng tôi? Rõ ràng ngớ ngẩn! Phật cười phá lên rồi nói: Ông phải đấy. Và con người này đã nói - không ai nói nhiều như Phật. Nhưng Sariputta cũng phải, bởi vì việc nói này đã xảy ra chỉ trên bề mặt còn Phật quả thực vẫn còn im lặng.
Một thiền sư, Rinzai, hay nói: Con người này, Phật, chưa từng sinh, ông ta chưa từng bước trên trái đất này, ông ta chưa từng chết - ông ta chỉ là giấc mơ. Thế mà hàng ngày Rinzai vẫn tới đền thờ và cúi lạy trước tượng Phật.
Thế rồi ai đó nói: Rinzai, ông điên rồi! Ngày nào ông cũng cứ khăng khăng rằng người này chưa từng sinh, chưa từng chết, chưa từng bước trên trái đất này, mà ông vẫn đi tới đền thờ và cúi lạy.
Rinzai nói: Bởi vì người này chưa từng sinh, chưa từng bước đi trên trái đất này, chưa từng chết, nên đó là lí do tại sao tôi phải đến và cúi lạy.
Người hỏi cứ khăng khăng, nói rằng: Chúng tôi không thể theo ông được. Hoặc ông là điên hoặc chúng tôi điên, nhưng chúng tôi không thể theo được - ông ngụ ý gì?
Và Rinzai nói: Sinh của con người này chỉ là giấc mơ với ông ta. Bước đi trên trái đất này chỉ là giấc mơ với ông ta. Chết không phải là thật với ông ta - chỉ là kết thúc giấc mơ dài. Còn người này, trung tâm của sự hiện hữu này, vẫn nằm ngoài sinh, nằm ngoài tử.
Tương truyền rằng Phật bao giờ cũng ở trên tầng trời thứ bảy. Ông ấy không bao giờ đi xuống - chỉ có phản xạ của ông ấy là ở đây. Và điều này là đúng! Điều này cũng đúng cho cả bạn nữa. Bạn chưa bao giờ xuống, chỉ phản xạ - nhưng bạn đã trở thành đồng nhất với phản xạ đến mức bạn đã quên mất. Bạn nghĩ rằng bạn đã xuống. Bạn không thể xuống được - không có cách nào rơi xuống từ bản thể bạn được.
Bạn có thể nhìn vào dòng sông và bạn có thể thấy sự phản xạ, và bạn có thể trở thành đồng nhất với nó đến mức bạn có thể nghĩ rằng bạn đang ở dưới nước. Bạn có thể đau khổ bởi nó; bạn có thể cảm thấy bị ngạt thở, và bây giờ bạn có thể cảm thấy bạn sắp chết. Và bạn bao giờ cũng đứng trên bờ, bạn chưa bao giờ xuống nước cả - bạn không thể xuống !
Cho nên tôi nói với bạn: Không chỉ có Phật, không ai đi xuống từ tầng trời thứ bảy. Nhưng một vài người bị ám ảnh, bị đồng nhất với sự phản xạ của họ. Đấy chính là điều Hindu gọi là thế giới ảo vọng, thế giới của phản xạ. Chúng ta vẫn còn trong Brahman, chúng ta vẫn còn trong thực tại tối hậu, bắt rễ ở đó vĩnh viễn. Không ai đi xuống. Nhưng chúng ta có thể trở nên đồng nhất với sự phản xạ, với giấc mơ.
Cho nên bạn là phải khi hỏi tôi. Thằng cha này cũng không râu. Nếu bạn nhìn vào thân thể tôi, bạn không nhìn vào tôi. Nếu bạn nhìn vào tôi thế thì bạn sẽ hiểu. Râu không thể mọc theo cách riêng của nó được. Râu chỉ có thể mọc trên thân thể. Và bộ râu này thực sự rất biểu tượng: linh hồn là sống động, thân thể một nửa chết một nửa sống, râu thì gần như chết. Tóc bạn là phần chết của thân thể bạn. Đó là lí do tại sao bạn cắt nó và bạn không cảm thấy đau. Làm đứt tay bạn sẽ cảm thấy đau. Tóc bạn là một phần của thân thể, nhưng nếu bạn cắt nó bạn không cảm thấy đau chút nào. Nó là tế bào chết của thân thể. Cho nên đôi khi xảy ra trong một hầm mộ... nếu bạn tới hầm mộ của người Mô ha mét giáo và đào thi thể lên, người đã chết có thể không có râu nhưng bây giờ sẽ có râu. Ngay cả trên xác chết râu vẫn có thể mọc bởi vì râu là tế bào chết, chỉ là tế bào chết.
Râu mọc cũng tốt bởi vì thế thì đứng trước gương bạn có thể thấy được ba tầng của mình: tầng chết hoàn toàn, tầng nửa chết nửa sống và tầng tuyệt đối sống. Râu là vật liệu, vật chất; thân thể là sự gặp gỡ của vật chất và tâm linh. Sự gặp gỡ bao giờ cũng khó khăn, nhưng thân thể đúng chỉ là mảnh đất gặp gỡ của vật chất và tâm linh. Bất kì khi nào gặp gỡ này bị tan vỡ, cân bằng sẽ bị mất - bạn chết. Vật chất tan rã về vật chất, tâm linh trở về tâm linh.
Thằng cha này cũng không râu.
Toàn bộ câu hỏi là: Tại sao Bồ đề đạt ma lại không phải là vật chất? Và câu trả lời là: Vì tâm linh không thể là vật chất.
Các đệ tử thiền hay hỏi theo một cách kì lạ. Chẳng ở đâu khác những câu hỏi như thế lại được hỏi cả. Bạn không thể hỏi giáo hoàng Ki tô giáo: Tại sao thằng cha Jesus này lại không có râu? Chính câu hỏi đó sẽ bị coi là báng bổ; bạn không thể thân mật đến mức ấy với Jesus được. Bạn không thể gọi ông ấy là thằng cha hay hắn được; điều đó có vẻ không thiêng liêng. Hành vi của bạn sẽ có vẻ là xúc phạm. Nhưng không như vậy đối với thiền. Thiền nói: Nếu bạn yêu mến thầy của mình, bạn có thể cười về họ; nếu bạn yêu mến họ thì không thể có sợ hãi gì, ngay cả việc sợ về một người thiêng liêng cũng không thể có. Nếu bạn yêu họ nỗi sợ biến mất.
Cho nên khi lần đầu tiên các nhà thông thiên Ki tô giáo biết tới truyền thống thiền, họ không thể tin được một tôn giáo như vậy lại có thể tồn tại, bởi vì các thiền sư cứ cười cả Phật. Đôi khi họ còn dùng những từ bạn không thể tin được! Họ có thể nói: Thằng cha đần độn này - để chỉ Phật! Và nếu bạn hỏi họ, họ sẽ nói: Đúng thế, nó đần lắm, bởi vì nó cứ cố nói về điều không thể nói được và nó muốn làm biến đổi chúng ta, những người không thể nào biến đổi được. Nó là một thằng đần - nó cứ cố làm những điều không thể được!
Các thiền sư quen dùng các từ và thuật ngữ không tôn giáo nào có thể dùng. Nhưng bởi vì điều đó tôi nói rằng không một tôn giáo nào lại mang tính tôn giáo được như thiền, bởi vì nếu bạn thực sự yêu thì sợ ở đâu? Bạn có thể đùa, bạn có thể cười, và người đã chứng ngộ như Phật cũng sẽ cười với bạn - không có vấn đề gì. Ông ấy sẽ không cảm thấy tổn thương. Nếu ông ấy cảm thấy bị tổn thương thì ông ấy chưa chứng ngộ chút nào. Và ông ấy sẽ không nói: Đừng có dùng cái ngôn ngữ báng bổ ấy - bởi vì với Phật, mọi ngôn ngữ đều báng bổ, chỉ im lặng mới thiêng liêng. Cho nên dù bạn gọi ông ấy là thằng đần hay người tỉnh thức, cả hai cũng như nhau đối với ông ấy. Ngôn ngữ như thế là báng bổ. Chỉ có im lặng là thiêng liêng. Bất kì điều gì bạn nói thì cũng như nhau cả.
Đệ tử này, Wakuan, đang hỏi: Tại sao thằng cha Bồ đề đạt ma này lại không có râu nhỉ? Bồ đề đạt ma là tổ sư thứ nhất của thiền. Bồ đề đạt ma tạo ra dòng sông thiền chảy mãi, mới mãi này.
Bồ đề đạt ma đến Trung quốc từ một ngàn bốn trăm năm trước đây. Khi ông ấy vào Trung quốc ông ấy đội một chiếc dép trên đầu. Một dép dưới chân, một dép trên đầu. Hoàng đế tới đón ông ấy. Hoàng đế bối rối: Đây là cái kiểu người gì vậy? Hoàng đế đã đợi lâu thế, và hoàng đế nghĩ: Một người thiêng liêng vĩ đại này, một thánh nhân và hiền nhân vĩ đại đang tới - và người này đang hành xử y như thằng hề! Hoàng đế bối rối, ông ta cảm thấy không thoải mái. Và ông ta có cơ hội đầu tiên, ông ta đã hỏi Bồ đề đạt ma: Ông đang làm gì vậy? Mọi người đều cười và họ cười cả ta nữa vì ta đã đến đón ông. Và cách ông hành xử thì không phải là cách hành xử; ông phải hành xử như thánh nhân chứ!
Bồ đề đạt ma nói: Chỉ có những người không phải thánh nhân mới hành xử như thánh nhân. Ta là thánh nhân. Chỉ những người không phải là thánh nhân mới hành xử như thánh nhân - và ông ấy đúng, bởi vì bạn chăm lo cho hành vi của mình chỉ khi nó không phải là tự phát.
Hoàng đế nói: Ta không thể hiểu được việc đội một chiếc dép trên đầu của ông; ông dường như là một thằng hề.
Bồ đề đạt ma nói: Vâng, vì mọi thứ thấy được chỉ là trò hề. Chỉ có cái không thấy được... Bệ hạ đứng đây tựa như hoàng đế, mặc áo long bào, đội vương miện, đúng là trò hề. Để nói được điều này cho bệ hạ ta đã đội dép lên đầu. Tất cả điều này đều là đóng kịch và trò hề. Cái thực không có ở ngoại vi. Nhìn vào ta đây, đừng nhìn vào thân thể ta. Đây chính là biểu tượng rằng ta đội chiếc dép trên đầu. Ta nói rằng trong cuộc sống chẳng có gì là thiêng liêng và cũng chẳng có gì là báng bổ cả. Ngay cả một chiếc dép cũng thiêng liêng như đầu bệ hạ. Ta đội chiếc dép này như một biểu tượng.
Tương truyền rằng hoàng đế rất có ấn tượng nhưng hoàng đế nói: Ông như thế thì quá lắm! Chỉ có một điều ta muốn hỏi ông và đó là, làm sao định tâm cho ta được. Ta rất nóng vội, khuấy động, không thoải mái.
Bồ đề đạt ma nói: Bệ hạ hãy tới chỗ ta vào lúc bốn giờ sáng và đem tâm trí cùng bệ hạ lại. Ta sẽ định tâm cho.
Hoàng đế không thể tuân theo. Ông ta bắt đầu nghĩ: ông ấy ngụ ý gì, cái con người này - đem tâm trí ta cùng ta lại ư? Khi hoàng đế bước xuống bậc thang của ngôi đền mà Bồ đề đạt ma ở, Bồ đề đạt ma lần nữa nói: Bệ hạ nhớ nhé, đừng đến một mình, nếu không ta sẽ làm thoải mái cho ai? Đem tâm trí theo bệ hạ. Đến vào lúc bốn giờ sáng - và chỉ một mình thôi, không lính gác, không ai khác đi theo bệ hạ.
Suốt cả đêm hoàng đế không thể ngủ được. Ông ta cứ nghĩ: Con người này dường như hơi quái dị. Khi ta ở đó, tâm trí ta hiển nhiên vẫn cùng với ta. Cho nên cứ nhất định như thế là gì - đem tâm trí cùng với ta sao? Đôi khi hoàng đế nghĩ: Tốt hơn là đừng đi, bởi vì ai biết được, một mình người này có thể đánh ta hay làm điều gì đó. Ta không thể tin được... ta không thể dự đoán được con người này.
Nhưng cuối cùng thì nhà vua cũng quyết định đi, bởi vì người này quả thực có từ tính. Ông ấy có cái gì đó trong đôi mắt, ngọn lửa không thuộc về trái đất này. Ông ấy có cái gì đó trong nhịp thở, im lặng đến từ cõi bên kia. Cho nên hoàng đế tới như bị thôi miên, và điều đầu tiên Bồ đề đạt ma đã hỏi là: Tốt, vậy là bệ hạ đã đến. Tâm trí của bệ hạ đâu? Và ông ấy ngồi đó với một cây thiền trượng lớn.
Hoàng đế nói: Nhưng khi ta tới đây, tâm trí của ta cũng đến cùng ta. Nó ở bên trong ta - nó không giống như một thứ mà ta có thể mang theo.
Thế là Bồ đề đạt ma nói: Thôi được, vậy bệ hạ nghĩ rằng tâm trí là ở bên trong bệ hạ. Vậy ngồi và nhắm mắt rồi cố thử tìm xem nó ở đâu. Bệ hạ chỉ cần chỉ nó cho ta và ta sẽ sắp đặt mọi thứ trật tự. Cây thiền trượng đang ở đây - và ta sẽ làm cho tâm trí bệ hạ im lặng, đừng lo nghĩ. Hoàng đế nhắm mắt và cố nhìn, còn Bồ đề đạt ma vẫn ngồi ngay trước nhà vua. Hoàng đế cứ cố gắng, cố gắng và cố gắng mãi, thời gian trôi qua, rồi mặt trời lên mà khuôn mặt hoàng đế vẫn hoàn toàn im lặng. Rồi hoàng đế mở mắt ra và Bồ đề đạt ma, vẫn ngồi đó, hỏi: Bệ hạ có tìm thấy nó không?
Hoàng đế bắt đầu cười phá lên rồi nói: Ông đã định tâm được cho ta - bởi vì ta càng cố tìm thì ta càng cảm thấy rằng nó không có ở đó. Nó chỉ là hình bóng, và nó có đó bởi vì ta chưa bao giờ lọt vào bên trong. Đó chỉ là thiếu vắng của ta. Ta trở thành hiện diện bên trong và nó biến mất.
Bồ đề đạt ma này thực sự là người rất hiếm có. Đệ tử của ông ấy có thể diễu cợt ông ấy, cười nhạo ông ấy - còn ông ấy thích thú điều đó!
Người chứng ngộ là người cười liên tục. Người đó không phải là người nghiêm chỉnh như mọi người thường nghĩ. Bất kì chỗ nào bạn thấy có nghiêm chỉnh, hãy hiểu rõ có điều gì đó không ổn, bởi vì nghiêm chỉnh là một phần của con người bệnh tật. Không bông hoa nào nghiêm chỉnh trừ phi nó ốm yếu. Không con chim nào nghiêm chỉnh trừ phi nó ốm yếu. Không cây cối nào nghiêm chỉnh trừ phi có điều gì đó không ổn. Bất kì khi nào có điều gì đó không ổn, nghiêm chỉnh xảy ra. Nghiêm chỉnh là ốm yếu. Khi mọi thứ ổn thoả, tiếng cười phát sinh.
Bồ đề đạt ma vẫn tiếp tục cười, và cái cười của ông ấy mới thực là cái cười vỡ bụng, náo động. Đệ tử của ông ấy quen hỏi những câu hỏi không ai trừ Bồ đề đạt ma mới có thể trả lời được. Và tôi bảo bạn: Thằng cha ấy không râu, mà thằng cha này cũng không râu nốt.

Osho kính yêu,
Goso nói: Khi bạn gặp một thiền sư trên đường, bạn không thể nói với người đó và bạn cũng không thể đi với người đó trong im lặng. Bạn phải làm gì?
Osho kính yêu, khi chúng tôi gặp thầy của các thầy trên bãi cỏ - chúng tôi phải làm gì?
Quả vậy, điều đó đúng. Khi bạn gặp một thiền sư trên đường bạn không thể nói với người đó, bởi vì bạn có thể nói với người đó điều gì? Thế giới của các bạn khác biệt thế, ngôn ngữ của các bạn thuộc về hai chiều khác nhau. Bạn có thể nói gì với người đó? Bạn có thể hỏi điều gì? Có câu hỏi nào thực sự đáng hỏi không? Có câu hỏi nào thực sự có nghĩa không? Khi bạn gặp một thiền sư, bạn sẽ nói về cái gì? Tất cả những điều bạn có thể nói đều thuộc vào thế giới này, thế giới vô vị này, chợ búa, nhà cửa, gia đình. Tất cả những điều bạn có thể nói, tất cả những điều về bạn, mới vô ích làm sao.
Điều đó đúng. Khi bạn gặp thiền sư trên đường... và bạn bao giờ cũng gặp thầy trên đường bởi vì thầy luôn di chuyển. Bạn chẳng bao giờ gặp thầy ở bất kì đâu khác. Nhớ lấy, bạn bao giờ cũng gặp thầy trên đường, bởi vì thầy bao giờ cũng di chuyển. Thầy là dòng sông, không bao giờ tĩnh tại, không bao giờ đứng lại. Nếu bạn không thể đi với thầy, bạn sẽ lỡ thầy. Thầy bao giờ cũng đi trên đôi chân mình. Bạn bao giờ cũng gặp thầy trên đường.
Bạn có thể nói gì với thầy? Và bạn cũng không thể im lặng được, bởi vì im lặng gần như không thể được cho bạn. Bạn không thể nói, bởi vì thầy thuộc vào một thế giới khác. Bạn không thể im lặng, bởi vì thế giới của bạn chẳng bao giờ im lặng. Tâm trí bạn cứ huyên thuyên. Tâm trí bạn là cái hộp huyên thuyên thường xuyên. Nhất quán, không nhất quán - ý nghĩ cứ tiếp tục mãi và không có kết thúc cho nó, chúng chuyển vận trong một bánh xe.
Bạn không thể im lặng và bạn cũng không thể nói - vậy phải làm gì? Nếu bạn bắt đầu nói, điều đó sẽ ngớ ngẩn. Nếu bạn bắt đầu im lặng, điều đó sẽ không thể được. Tốt hơn hết là đừng quyết định về phần bạn. Hỏi thầy xem phải làm gì. Bảo thầy: Tôi không thể nói bởi vì chúng ta thuộc vào các thế giới khác nhau. Bất kì điều gì tôi hỏi đều vô dụng, và bất kì điều gì thầy có thể trả lời, tôi cũng không thể hỏi. Bất kì cái gì tôi hỏi cũng đều vô dụng, thậm chí không đáng trả lời. Và tôi không thể im lặng bởi vì tôi không biết im lặng là gì. Tôi chưa bao giờ biết về nó; im lặng chưa bao giờ xảy ra cho tôi. Tôi biết một loại im lặng - im lặng đến giữa hai suy nghĩ như một lỗ hổng, im lặng tồn tại giữa hai từ, chỉ là một lỗ hổng.
Im lặng của chúng ta giống như hoà bình xảy ra giữa hai cuộc chiến tranh. Nó không thực là hoà bình; nó chỉ là chuẩn bị cho cuộc chiến tranh khác. Làm sao mà hoà bình chỉ là cầu nối cho hai cuộc chiến tranh? Chiến tranh đơn giản xảy ra ngầm bên dưới, có thế thôi. Đó là cuộc chiến tranh lạnh; chưa bao giờ là hoà bình. Im lặng của chúng ta cũng giống vậy.
Cho nên nói với thầy: Tôi không thể im lặng và tôi cũng không thể nói - cho nên thầy bảo tôi điều phải làm đi. Đừng bắt đầu bất kì điều gì về phần bạn, bởi vì bất kì cái gì bạn bắt đầu cũng đều sẽ sai. Nói hay im lặng - bất kì cái gì bạn bắt đầu cũng đều sai. Để mọi thứ cho thầy, và hỏi thầy: Tôi phải làm gì đây? Nếu thầy nói: Nói đi - thì nói. Nếu thầy nói: Im lặng - thì cố mà im lặng. Thầy biết, và thầy sẽ hỏi chỉ những điều có thể cho bạn.
Cuối cùng thầy sẽ hỏi điều không thể, nhưng không bao giờ vào lúc bắt đầu. Thầy sẽ hỏi điều không thể vào lúc cuối cùng bởi vì thế thì nó cũng đã trở thành điều có thể. Dần dần thầy sẽ đẩy bạn hướng tới vực thẳm cuối cùng nơi điều không thể lại xảy ra. Nếu thầy bảo nói, thì nói. Thế thì ngay cả việc nói của bạn cũng có ích. Nhưng thế thì bạn lại không thực sự hỏi, chỉ nói như việc thanh tâm. Bạn đang giãi bày tâm trí mình ra, bạn đang diễn lại tâm trí mình. Bạn đang cởi mở bản thân mình. Bạn không hỏi mà chỉ phô bầy. Phô bầy này là có ích. Bạn sẽ được nhẹ bớt nhiều gánh nặng.
Khi thầy ở gần bạn, nếu bạn có thể thực sự thẳng thắn và nói mọi điều đến với bạn, dù không liên quan, dù không nhất quán, không chán về chính mình, không kiểm soát, không thao tác nó... Khi thầy ở gần bạn, bạn có thể nói toàn bộ bất kì điều gì xảy đến cho tâm trí bạn. Điều đó có thể trở thành điều nói lăng nhăng; nếu bạn không quản lí nó, điều đó sẽ giống như người điên nói. Nhưng khi thầy ở gần bạn, nếu bạn thẳng thắn, trung thực và thành thực và giãi bầy tâm trí mình, thì thầy sẽ thấm vào bạn từ cửa sau. Từ cửa trước tâm trí bạn vẫn đi ra; từ cửa sau thầy đi vào bạn.
Cho nên khi gần tôi trên bãi cỏ cứ chân tình và thành thực. Đừng đem những câu hỏi lí trí đến; chúng vô dụng. Siêu hình là thứ vô dụng nhất trên thế giới này. Đừng đem tới bất kì câu hỏi siêu hình nào; chúng không đúng đâu, chúng không thuộc về bạn. Bạn có thể đã nghe nói về chúng, đọc về chúng, nhưng chúng không phải là một phần của bạn. Đem những cái vô nghĩa của bạn ra, dù nó là gì. Và đừng cố thao túng nó. Đừng cố hợp lí hoá nó và trau chuốt nó. Để nó thô sơ nhất có thể được - bởi vì trước thầy bạn phải trần trụi. Bạn không nên mặc quần áo và bạn không nên che dấu bản thân mình.
Đấy là giãi bày, và nếu bạn có thể nói như giãi bầy chứ không như việc hỏi - chỉ để mở trái tim bạn, không hỏi điều gì - thế thì im lặng sẽ theo sau, bởi vì khi bạn đã giãi bày tâm trí mình và bạn đã trải qua việc thanh tâm, im lặng tới với bạn. Đấy là một kiểu im lặng khác, không phải là im lặng bắt buộc, không phải là im lặng bị kiểm soát, không phải là im lặng với bất kì nỗ lực nào về phần bạn.
Khi bạn đã giãi bày tâm trí mình hoàn toàn, đã tháo ra mọi thứ ở đó, im lặng đến, hạ xuống bạn, tràn ngập bạn, im lặng bên kia hiểu biết, và im lặng bên kia bạn - im lặng thuộc về cái toàn thể và không thuộc về cá nhân. Thế thì bạn có thể là cả hai. Bây giờ với một thiền sư trên đường bạn có thể nói và bạn có thể im lặng nữa.
Xem Chương 13 - Quay về Mục lục

Ads Belove Post