Chương 14. Cả hai đều cần

Chương 14. Cả hai đều cần

Price:

Read more

Osho - Con đường tôi đi: Con đường của mây trắng
Chương 14. Cả hai đều cần


Osho kính yêu,
Thầy đã nói mọi đứa trẻ được sinh ra đều là thượng đế, vậy mà hai đứa con của tôi rất khác nhau ngay từ khi sinh. Một đứa rất chân thành và như thượng đế, nhưng đứa kia dường như quậy phá trước khi nó bị ảnh hưởng bởi bất kì ước định nào. Tôi phải xử trí với đứa khó khăn này như thế nào?
Điều này đặt ra một vấn đề rất cơ bản. Sự tồn tại bản thân nó là thiêng liêng; thế thì điều ác từ đâu tới? Điều xấu, cái vô đạo đức, điều không thể chấp nhận được từ đâu tới? Điều tốt thì được bởi vì chúng ta đã làm cho nó đồng nghĩa với Thượng đế - tốt nghĩa là Thượng đế. Nhưng điều xấu từ đâu đến? Điều này đã thách đố loài người hàng thế kỉ nay. Dù ta có quay lui đến đâu, vấn đề này bao giờ cũng có đó trong tâm trí loài người.
Giải pháp logic, giải pháp mà tâm trí có thể tìm ra là phân chia sự tồn tại, tạo ra nhị nguyên, để nói rằng đã có Thượng đế, là tốt, và có quỉ, ác quỉ, Beelzebub, sa tăng, là xấu. Tâm trí nghĩ rằng vấn đề đã được giải quyết - như vậy mọi điều xấu đều bắt nguồn từ quỉ, còn mọi điều tốt đều bắt nguồn từ Thượng đế. Nhưng vấn đề không được giải quyết; vấn đề chỉ bị đẩy lui lại một chút. Vấn đề vẫn còn y như cũ. Bạn đã đẩy nó lùi lại một bước, nhưng chẳng cái gì được giải quyết cả - bởi vì quỉ từ đâu đến? Nếu Thượng đế là đấng sáng tạo thì ông ấy hẳn đã phải tạo ra quỉ ngay từ ban đầu, từ vị trí đầu tiên, nếu không thì Thượng đế không còn là người sáng tạo tối cao nữa. Quỉ bao giờ cũng có đó, như kẻ thù, lực đối kháng - thế thì cả hai đều là vĩnh viễn. Nếu quỉ không được tạo ra, thế thì quỉ không thể bị tiêu diệt, cho nên xung đột sẽ tiếp diễn vĩnh viễn. Thượng đế không thể thắng, quỉ bao giờ cũng có đó để quấy nhiễu.
Đây là vấn đề đối với thượng đế học Ki tô giáo, thượng đế học Mô ha mét giáo, thượng đế học Zoroastrian, bởi vì cả ba thượng đế học đó, đều đi theo một giải pháp đơn giản mà tâm trí gợi ý. Nhưng tâm trí không thể giải quyết được nó. Còn có một khả năng khác không đến từ tâm trí và sẽ khó hiểu đối với tâm trí. Đó là khả năng đã nảy sinh ở phương Đông, đặc biệt là ở Ấn Độ, và khả năng đó là ở chỗ không có quỉ, không có nhị nguyên cơ bản - chỉ Thượng đế tồn tại, không có lực nào khác. Đây chính là điều advait - triết học bất nhị - nghĩa là: duy nhất chỉ có Thượng đế. Nhưng chúng ta thấy có quỉ ở đó!
Người Hindu nói rằng quỉ tồn tại trong cách diễn giải của bạn, không phải trong bản thân nó. Bạn gọi nó là xấu bởi vì bạn không thể hiểu được nó hay bởi vì bạn bị nó quấy rối. Chính thái độ của bạn làm cho nó là xấu hay có vẻ xấu. Không có quỉ. Quỉ không thể tồn tại được. Chỉ Thượng đế tồn tại, chỉ điều thiêng liêng tồn tại.
Bây giờ tôi sẽ xét vấn đề của bạn trên nền tảng này. Hai đứa trẻ được sinh ra - một đứa tốt, một đứa xấu. Tại sao bạn gọi đứa này là tốt và tại sao bạn gọi đứa kia là xấu? Đó là thực tại thực sự hay đó là cách diễn giải của bạn? Đứa nào là tốt và tại sao? Nếu đứa trẻ phục tùng thì đứa trẻ là tốt; nếu đứa trẻ bất phục tùng thì đứa trẻ là xấu. Người theo bạn là tốt, người chống bạn là xấu. Dù bạn nói thế nào, đứa này đều chấp nhận tuốt. Nếu bạn nói: Ngồi yên đấy - thế là nó ngồi đấy. Nhưng đứa kia cố bất phục tùng, cố chống đối - đứa kia là xấu. Đây là cách diễn giải của bạn. Bạn không nói điều gì về trẻ con cả, bạn đang nói điều gì đó về tâm trí của mình.
Tại sao đứa phục tùng là tốt? Thực tế, đứa phục tùng chẳng bao giờ tỏ ra linh lợi, chẳng bao giờ tỏ ra hoạt bát, chúng luôn luôn ù lì. Không đứa trẻ phục tùng nào lại là nhà khoa học lớn hay người tôn giáo lớn, hay nhà thơ lớn - không đứa trẻ nào theo kiểu phục tùng. Chỉ những đứa bất phục tùng mới là nhà phát minh lớn, người sáng tạo; chỉ có những đứa chống đối mới vượt qua cái cũ và đạt tới cái mới và đi vào cái chưa hiểu biết.
Nhưng với bản ngã của bố mẹ, họ cảm thấy đứa phục tùng là tốt, bởi vì nó giúp cho bản ngã của họ. Khi đứa trẻ tuân theo bạn, dù bạn nói gì, bạn sẽ cảm thấy thoải mái; khi đứa trẻ chống lại và từ chối bạn, bạn cảm thấy khó chịu.
Nhưng thực sự đứa trẻ sống động sẽ chống đối. Tại sao nó phải tuân theo bạn? Bạn là ai? Tại sao nó phải tuân theo bạn chỉ bởi vì bạn là bố nó? Bạn đã làm gì để là người bố? Bạn chỉ là lối đi - và điều đó nữa cũng rất vô ý thức. Dục của bạn không phải là hành động có ý thức, bạn đã bị các lực vô ý thức xô đẩy để đi vào nó. Đứa trẻ chỉ là điều ngẫu nhiên. Bạn chưa bao giờ trông đợi, bạn không nhận biết có ý thức về người mà bạn đã trao lời mời tới. Đứa trẻ bỗng nhiên tới như một người lạ. Bạn đã được làm bố nó, nhưng bạn không phải là người bố.
Khi tôi nói bạn đã được làm bố nó, đấy là một điều mang tính sinh vật. Không cần có bạn, ngay cả một ống hút cũng có thể làm điều đó. Nhưng bạn không phải là bố bởi vì bạn không ý thức. Bạn đã không đưa ra lời mời, bạn đã không yêu cầu một linh hồn đặc biệt đi vào bụng vợ bạn, người yêu bạn. Bạn đã không làm việc vì nó.
Và khi đứa trẻ được sinh ra, bạn đã làm gì cho nó? Khi bạn nói đứa trẻ phải tuân theo bạn, bạn có đủ tin rằng bạn biết chân lí và nó phải theo bạn không? Bạn có đủ niềm tin, chắc chắn rằng bạn đã hiểu điều gì đó rằng đứa trẻ phải tuân theo không?
Bạn có thể tự mình ép buộc đứa con bởi vì đứa trẻ yếu đuối còn bạn thì mạnh mẽ. Đấy là sự khác biệt duy nhất giữa bạn và con bạn. Nếu không, bạn cũng ngây thơ, dốt nát; bạn vẫn chưa trưởng thành, bạn vẫn chưa chín chắn. Bạn sẽ nổi cáu hệt như trẻ con, bạn sẽ ghen tị hệt như trẻ con, và bạn sẽ chơi đồ chơi hệt như trẻ con. Đồ chơi của bạn có thể khác, hơi lớn hơn một chút, có thế thôi.
Cuộc sống của bạn là gì? Bạn đã đạt đến đâu? Bạn đã thu được trí huệ gì để cho trẻ con phải tuân theo bạn và phải nói có với bạn theo bất kì điều gì bạn yêu cầu? Người bố cần phải có ý thức về điều đó; người đó sẽ không áp đặt bất kì cái gì lên con trẻ. Thay vì thế, người đó sẽ cho phép đứa trẻ được chính là bản thân nó, người đó sẽ giúp đứa trẻ là bản thân nó. Người đó sẽ trao tự do cho đứa trẻ, bởi vì nếu người đó biết bất kì cái gì, người đó phải biết rằng chỉ có thông qua tự do, cái bên trong mới phát triển được. Nếu người đó đã kinh nghiệm điều gì trong đời mình, người đó biết rõ rằng kinh nghiệm cần tự do. Càng nhiều tự do kinh nghiệm của bạn càng phong phú. Càng ít tự do... không có khả năng để kinh nghiệm. Nếu không có tự do chút nào, bạn có thể vay mượn kinh nghiệm, bắt chước, là hình bóng, nhưng không bao giờ có điều thật cả, không bao giờ đích thực cả.
Làm bố đứa trẻ sẽ có nghĩa là cho nó ngày một nhiều tự do hơn, làm cho nó ngày một độc lập hơn, cho phép nó đi vào cái chưa biết, nơi bạn chưa từng tới. Nó phải vượt xa bạn, nó phải đi lên trước bạn, nó phải vượt qua tất cả mọi biên giới mà bạn đã biết. Nó phải được giúp đỡ nhưng không bị bắt buộc, bởi vì một khi bạn bắt đầu bắt buộc tức là bạn đang giết nó, bạn đang sát hại đứa trẻ.
Tâm linh cần tự do - nó phát triển trong tự do và chỉ trong tự do. Nếu bạn thực sự là người bố, bạn sẽ hạnh phúc nếu đứa trẻ chống đối, bởi vì không người bố nào lại muốn giết chết tâm linh của đứa trẻ.
Nhưng bạn không phải là người bố. Bạn ốm yếu với bệnh tật của riêng mình. Khi bạn buộc đứa trẻ phải tuân theo bạn, bạn đơn giản nói rằng bạn muốn chi phối ai đó. Bạn không thể làm được điều đó trong thế giới, nhưng đứa trẻ nhỏ này - ít nhất, bạn cũng có thể chi phối được nó, sở hữu nó. Bạn là chính khách đối với đứa trẻ. Bạn muốn hoàn thành một số ham muốn không được đáp ứng của mình thông qua đứa trẻ - chi phối, độc tài. Ít nhất bạn cũng có thể là kẻ độc tài với đứa trẻ; nó yếu đuối thế, nó non dại thế và không nơi giúp đỡ, và nó phụ thuộc vào bạn nhiều đến mức bạn có thể áp đặt mọi thứ lên nó. Nhưng bằng cách áp đặt bạn đang giết chết nó. Bạn đã không sinh thành ra nó, bạn đang huỷ hoại nó.
Đứa trẻ tuân theo bạn thì có vẻ tốt - bởi vì nó chết. Đứa trẻ chống đối có vẻ xấu bởi vì nó sống động.
Bởi vì bản thân chúng ta đã bỏ lỡ cuộc sống mình, nên chúng ta chống lại cuộc sống. Bởi vì chúng ta đã chết, chết trước cái chết, nên chúng ta bao giờ cũng muốn giết người khác. Cách thức thì tế nhị. Nhân danh tình yêu, bạn có thể giết. Nhân danh từ bi, bạn có thể giết. Nhân danh phục vụ, bạn có thể giết. Chúng ta tìm ra những cái tên mĩ miều - nhưng sâu bên dưới có kẻ giết người ngồi đó.
Hiểu điều này, thế thì bạn sẽ không nghĩ dưới dạng đó nữa - rằng đứa trẻ này tốt và đứa kia xấu. Đừng diễn giải. Mọi người đều duy nhất, mọi người đều khác biệt. Lực sáng tạo thiêng liêng là ở chỗ nó không bao giờ lặp lại.
Cho nên chỉ nói điều này nhiều vào, rằng đứa trẻ này khác đứa trẻ kia. Đừng nói đứa này tốt, đứa kia xấu. Bạn không biết cái gì là tốt và cái gì là xấu. Đứa trẻ này phục tùng, đứa trẻ kia bất phục; nhưng không ai biết cái gì là tốt.
Và đừng áp đặt. Nếu đứa trẻ này bởi tính tự phát của nó là phục tùng, thì đó là tốt. Đó là bản tính của nó - giúp nó phát triển. Và nếu đứa trẻ kia chống đối, bất phục tùng thì đấy cũng là bản tính của nó - giúp cho nó được trưởng thành. Để cho một đứa phát triển thành người-nói-có sâu sắc; để cho đứa kia phát triển thành người-nói-không sâu sắc. Nhưng đừng diễn giải, bởi vì khoảnh khắc bạn diễn giải là bạn bắt đầu phá huỷ. Đây là bản chất của nó, nói-có, còn kia là bản chất của nó, nói-không. Cả hai đều cần.
Cuộc sống sẽ rất bằng phẳng và tẻ nhạt nếu không ai nói-không. Nếu mọi người đều là người nói-có thì cuộc sống sẽ hoàn toàn tẻ nhạt và đần độn. Người-nói-không là cần, đó là cực đối lập. Phục tùng sẽ vô nghĩa nếu không có ai chống đối. Đừng chọn lựa, đơn giản cảm thấy khác biệt và giúp đỡ. Và đừng áp đặt ý mình lên người khác, đừng khắc nghiệt.
Mọi người bố đều khắc nghiệt, mọi người mẹ đều khắc nghiệt và bạn cũng có thể khắc nghiệt bởi vì bạn khắc nghiệt nhân danh tình yêu. Không ai định chỉ trích bạn, bởi vì bạn nói bạn yêu con bạn đến mức bạn phải đánh nó, bạn yêu nó đến mức bạn phải làm cho nó đúng. Bạn nói bởi vì bạn yêu nó, đó là lí do tại sao bạn cố đưa nó về đường đúng - nó đang đi sai. Bạn có chắc cái gì là sai và cái gì là đúng không? Chẳng ai chắc được cả, không ai có thể đoan chắc được - bởi vì hiện tượng này là ở chỗ, điều là tốt trong khoảnh khắc này, trở thành xấu trong khoảnh khắc tiếp; chiều hướng dường như là xấu lúc đầu, chuyển thành tốt lúc cuối. Cuộc sống là luồng chảy, mọi khoảnh khắc đều thay đổi.
Cho nên người bố thực sự hay người mẹ thực sự sẽ cho con mình chỉ nhận biết chứ không phải là đạo đức, bởi vì đạo đức là thứ chết. Bạn nói: Cái này tốt, nên theo! Nhưng khoảnh khắc tiếp cái đó lại thành xấu, và trẻ con sẽ nên làm gì? Khoảnh khắc tiếp cuộc sống thay đổi. Nó đang thay đổi, nó là sự liên tục của thay đổi, còn đạo đức của bạn thì cố định - bạn nói cái này tốt, cái này cần theo. Thế thì bạn trở thành chết cứng. Cuộc sống cứ thay đổi còn bạn cứ dính chặt với đạo đức của mình. Đó là lí do tại sao người tôn giáo có vẻ tẻ nhạt đến vậy, mắt họ lơ láo, hời hợt, thiếu chiều sâu - bởi vì chiều sâu chỉ có khi bạn đi cùng dòng sông cuộc sống.
Vậy người bố hay người mẹ nên lấy gì làm quà tặng cho con trẻ? Chỉ nhận biết. Làm cho trẻ con thêm nhận biết. Cho phép tự do và bảo chúng: Tỉnh táo và đi theo tự do đi. Cho dù chúng có phạm sai lầm, đừng sợ, bởi vì cuộc sống học thông qua sai lầm nữa. Người ta trở nên tỉnh táo cũng thông qua sai lầm - cho nên đừng sợ. Đã là con người là có sai lầm.
Nếu bạn phạm phải sai lầm trong tỉnh táo thì chỉ một điều sẽ xảy ra cho bạn: bạn sẽ không phạm phải cùng sai lầm đó lần nữa. Một khi bạn phạm sai lầm bạn sẽ kinh nghiệm nó, bạn sẽ trở nên tỉnh táo về nó và nó sẽ biến mất. Nó sẽ làm cho bạn giầu có hơn và bạn sẽ đi lên trước, không sợ hãi. Nhớ một điều, rằng bất kì cái gì bạn trải qua, ý thức nhiều hơn. Nếu bạn nói có, hãy nói điều đó một cách có ý thức. Nếu bạn nói không, hãy nói điều đó một cách có ý thức.
Đừng bị tổn thương khi đứa trẻ nói không - bởi vì bạn là ai mà trừng phạt đứa trẻ? Nó đến thông qua bạn, bạn chỉ là lối đi. Đừng trở thành kẻ độc tài. Tình yêu không bao giờ ra lệnh, và nếu bạn không bao giờ ra lệnh thì cái tốt này, cái xấu này sẽ biến mất. Thế thì bạn sẽ yêu cả hai. Tình yêu của bạn sẽ tuôn chảy vô điều kiện. Đó là cách tình yêu của Thượng đế đang tuôn chảy cho thế giới này - vô điều kiện.
Tôi đã nghe... Một ai đó đã nói với Junnaid, nhà huyền môn Sufi: Một kẻ rất ác độc đến nghe thầy và thầy cho phép hắn ta được gần gũi và thân mật đến thế. Tống cổ hắn đi, hắn không phải là người tốt.
Junnaid nói: Nếu Thượng đế không tống cổ người đó ra khỏi sự tồn tại thì ta là ai mà tống cổ người đó đi? Nếu Thượng đế chấp nhận người đó... Ta không cao hơn Thượng đế. Thượng đế cho người đó cuộc sống, Thượng đế giúp người đó sống; và người đó vẫn còn trẻ trung và tươi tắn, người đó sẽ sống lâu, lâu hơn ông. Cho nên ta là ai mà quyết định? Thượng đế đang mưa rào lên cả hai, cái tốt và cái xấu.
Tình huống này hoàn toàn rõ ràng, trong suốt như pha lê - là với Thượng đế, không có tốt, không có xấu. Khi tôi nói Thượng đế, tôi không định nói về một người ngồi đâu đó trên trời. Đấy chỉ là một quan điểm của loài người: chúng ta quan niệm về Thượng đế theo hình ảnh của riêng mình.
Chẳng có ai ngồi ở đó cả. Thượng đế có nghĩa là cái toàn thể, toàn bộ sự tồn tại. Người xấu thở cũng đẹp như người tốt vậy; tội nhân cũng được sự tồn tại chấp nhận như thánh nhân. Sự tồn tại không tạo ra phân biệt. Nhưng bởi vì cách suy nghĩ nhị nguyên - người Ki tô giáo, người Mô ha mét giáo, người Zoroastrian - chúng ta nghĩ dưới dạng xung đột.
Có một câu chuyện: Có một thành phố, Sodom, ở Israel cổ. Người dân trong thành phố đó rất đồi bại, đồi bại về dục - đồng dục. Cho nên tương truyền rằng Thượng đế đã huỷ diệt thành phố đó. Toàn bộ thành phố bị tiêu huỷ. Một đám cháy lớn đã giáng xuống và mọi người đều chết.
Sau nhiều, nhiều thế kỉ, một vị thánh Hassid, một nhà huyền môn Hassid, được hỏi: Khi Thượng đế phá huỷ Sodom chắc phải có ít nhất vài người tốt trong thành phố chứ? - tất cả đều bị thiêu huỷ. Cho nên người hỏi nói: Chúng tôi có thể chấp nhận rằng người xấu bị tiêu diệt vì họ là xấu - nhưng tại sao lại cả người tốt nữa?
Bây giờ nhìn vào tâm trí tinh ranh này. Người Hassid ngẫm nghĩ về điều đã qua rồi nói: Ngài tiêu diệt cả người tốt để cho họ có thể là nhân chứng rằng những người xấu đó đúng là xấu. Đây là một tính toán tinh ranh, đây chỉ là việc giữ thể diện. Điều thực sự là ở chỗ với Thượng đế không có tốt, không có xấu. Khi ông ấy sáng tạo, ông ấy sáng tạo ra cả hai; khi ông ấy phá huỷ ông ấy phá huỷ cả hai - vô điều kiện.
Đây là ngu si thực sự, thái độ đối với cái tốt và cái xấu. Người hút thuốc trở thành xấu, người thưởng thức rượu trở thành xấu, người yêu vợ của một ai đó khác cũng thành xấu. Chúng ta nghĩ Thượng đế ngồi ở đó và tính toán: Thằng cha này hút thuốc, thằng cha này nghiện rượu, cha này tằng tịu, hãy để nó đến và ta sẽ xem. Điều này thực ngu đần nếu Thượng đế lại tính toán về những điều tầm thường như vậy! Đấy chỉ là tâm trí nhỏ nhoi của chúng ta thôi.
Đối với sự tồn tại, không có diễn giải và không có phân chia. Tốt và xấu đều là quan niệm của con người, không phải của điều thiêng liêng. Mọi xã hội đều có quan niệm riêng về tốt và xấu, mọi thời đại đều thay đổi và có quan niệm riêng về tốt và xấu. Không có cái tuyệt đối về tốt và xấu. Tốt và xấu là tương đối - tương đối với xã hội, với văn hoá, tương đối với chúng ta. Thượng đế là tuyệt đối; với ông ấy không có phân biệt. Và nếu bạn ở sâu trong thiền nơi ý nghĩ biến mất, thế thì sẽ không có phân biệt - bởi vì tốt và xấu là các ý nghĩ. Khi bạn im lặng, cái gì là tốt và cái gì là xấu? Khoảnh khắc ý tưởng này nảy sinh: Cái này tốt, cái kia xấu, im lặng đã bị mất. Trong thiền sâu chẳng có gì - không tốt, không xấu.
Tương truyền Lão Tử đã nói: Chỉ một phân biệt bằng sợi tóc là đất trời đã phân chia. Trong tâm trí của thiền nhân, dù chỉ một phân biệt rất nhỏ nảy sinh, toàn bộ thế giới đã bị chia lìa.
Thiền là vô phân biệt, không phân biệt. Bạn đơn giản nhìn và bạn thấy cái toàn thể và không phân chia nó. Bạn không nói: Cái này xấu, cái kia đẹp; cái này tốt, cái kia xấu. Bạn đừng nói điều gì cả. Bạn đơn giản hiện hữu. Bạn không nói điều gì, bạn không tạo ra bất kì phân biệt nào. Bất nhị có đó.
Trong thiền bạn trở thành Thượng đế. Mọi người nghĩ trong thiền, họ sẽ thấy Thượng đế. Điều này sai; chẳng có ai để mà thấy cả. Thượng đế không phải là một vật. Trong thiền bạn trở thành Thượng đế, bởi vì mọi phân biệt biến mất. Trong thiền bạn trở thành một với cái toàn thể, bởi vì trong thiền bạn không thể phân chia bạn với cái toàn thể - mọi phân chia đã rơi rụng mất. Bạn im lặng đến mức là không còn biên giới nào ở đó nữa. Mọi biên giới đều chỉ là rối loạn. Bạn im lặng đến mức không còn cái tôi, cái người. Bạn im lặng đến mức mọi biên giới đều mờ đi và biến mất. Cái một tồn tại, đơn vị tồn tại. Đây chính là điều người Hindu gọi là Brahman - cái một, đơn vị, đơn vị tối thượng của sự tồn tại.
Chính tâm trí phân chia, tạo ra phân biệt, nói điều này là thế này, điều kia là thế kia. Trong thiền chỉ có cái có đấy, không phân chia. Bạn là Thượng đế khi bạn đang trong thiền, và chỉ trong thiền bạn mới trở nên biết tình yêu vô điều kiện.
Nếu bạn là bố, cả hai con bạn đều sẽ chỉ là con - những người lạ đến từ một thế giới không biết, đi vào sự tồn tại không biết, trưởng thành, chín chắn. Từ tình yêu của mình, bạn cho chúng; bạn chia sẻ cuộc sống của bạn, kinh nghiệm của bạn, nhưng bạn không bao giờ bắt buộc điều gì. Khi bạn không bắt buộc, thế thì ai phục tùng và ai chống đối? Khi bạn không bắt buộc, làm sao bạn có thể quyết định ai là tốt và ai là xấu?
Bây giờ tôi tới điểm cuối. Khi bạn không bắt buộc, làm sao đứa này có thể phục tùng còn đứa kia chống đối? Toàn bộ hiện tượng này biến mất. Thế thì bạn chấp nhận người khác - con, vợ, chồng, bạn bè - như người ấy vốn thế, như một sự kiện. Nếu chúng ta có thể chấp nhận lẫn nhau như những sự kiện, không nghĩa vụ, trách nhiệm, không có xấu và tốt, cuộc sống sẽ trở thành thiên đường ngay chính khoảnh khắc này.
Chúng ta bác bỏ. Cho dù chúng ta chấp nhận ai đó, ta chấp nhận một phần thôi. Chúng ta nói: Mắt bạn tốt, nhưng mọi thứ khác lại bẩn. Điều này chấp nhận được sao? Chúng ta nói: Hành động này của bạn là tốt, nhưng mọi hành động khác lại là xấu, không thể chấp nhận được, và tôi chỉ chấp nhận những cái gì tốt. Điều đó có nghĩa là: Tôi chỉ chấp nhận những cái phù hợp với tôi.
Bạn có thể không biết cách bạn đang phá huỷ lẫn nhau, bởi vì bất kì khi nào bố mẹ nói với con cái: Chúng ta chỉ chấp nhận phần này, không cái gì khác - khi vợ nói với chồng: Em chỉ chấp nhận cái này trong anh, không chấp nhận những cái khác - bạn đang làm gì vậy? Bạn đang tạo ra sự phân chia cả trong tâm trí người khác.
Khi người bố nói: Đừng làm điều này, bố không chấp nhận điều này, bố đang bực về điều này - khi anh ta trừng phạt đứa trẻ bởi vì anh ta nghĩ rằng nó đã làm điều gì đó sai, anh ta đang làm gì vậy? Khi anh ta khen ngợi đứa trẻ, cho nó đồ chơi, tặng hoa cho nó, cho kẹo rồi nói: Con làm khá lắm, con đã làm điều gì đó tốt mà bố chấp thuận - anh ta đang làm điều gì vậy? Anh ta đang tạo ra phân chia trong đứa trẻ. Dần dần đứa trẻ cũng sẽ bác bỏ phần mà bố mẹ chúng đã bác bỏ, và nó sẽ bị phân chia: nó sẽ trở thành hai cái tôi.
Bạn có thể quan sát những đứa nhỏ - chúng thậm chí còn trừng phạt lẫn nhau; chúng thậm chí còn nói với nhau: Bobby, thế này không tốt. Mày đã làm điều xấu. Chúng bắt đầu bác bỏ phần đã bị bố mẹ chúng bác bỏ. Thế thì phân chia được tạo ra. Phần bị bác bỏ trở thành vô ý thức, phần bị kìm nén; còn phần được chấp nhận trở thành có ý thức, ý thức. Thế thì toàn bộ cuộc đời của chúng sẽ là địa ngục, bởi vì phần bị bác bỏ và phần được chấp nhận sẽ tiếp tục tranh đấu; rối loạn sẽ liên tục tiếp diễn.
Phần bị bác bỏ không thể bị thủ tiêu. Nó là bạn, nó có đó. Nó bao giờ cũng làm việc bên trong bạn - bạn có thể đẩy nó vào trong bóng tối, có thế thôi. Nhưng một khi bạn đẩy một phần mình vào bóng tối, phần đó trở nên bị ép buộc, bởi vì nó làm việc trong bóng tối, còn bạn không thể thấy nó, bạn không thể nhận biết về nó và nó giữ phần báo thù của riêng nó. Bất kì khi nào có khoảnh khắc yếu đuối và phần ý thức của bạn không thật mạnh mẽ, nó sẽ nhảy ra. Bạn có thể tốt trong hai mươi ba giờ nhưng trong một giờ, khi ý thức mệt mỏi, phần vô ý thức tự khẳng định nó.
Cho nên ngay cả thánh nhân cũng có những khoảnh khắc tội lỗi của mình, ngay cả thánh nhân cũng phải có ngày nghỉ, thoát khỏi tính thánh thiện. Đó là những ngày nghỉ, đôi khi họ phải nghỉ. Cho nên nếu bạn bắt gặp một vị thánh vào ngày nghỉ, đừng quá bị bối rối: ai cũng phải có ngày nghỉ. Mọi người đều mệt mỏi - trừ phi người ta là cái toàn thể. Thế thì không có mệt mỏi bởi vì không có phần khác thường xuyên tranh đấu, tạo ra rắc rối, khẳng định mình, trả thù.
Cho nên chúng ta có hai từ: một là từ thánh nhân và từ kia là hiền nhân. Thánh nhân bao giờ cũng có tội nhân ẩn bên trong ông ta; hiền nhân là cái toàn thể. Hiền nhân không thể có ngày nghỉ bởi vì ông ta bao giờ cũng trong ngày nghỉ - không có phần bị bác bỏ; ông ta sống như một toàn thể. Ông ta chuyển từ khoảnh khắc nọ sang khoảnh khắc kia như một toàn thể; ông ta không bao giờ bác bỏ bất kì điều gì. Ông ta chấp nhận bản thân mình hoàn toàn.
Nhưng bác bỏ này do bố mẹ, xã hội tạo ra. Đứa trẻ nhỏ bao giờ cũng là một nhà khám phá lớn, và tất nhiên nó bắt đầu khám phá bằng thân thể nó; tức là sự tồn tại gần nhất với nó. Nó không thể lên mặt trăng, nó không thể lên đỉnh Everest; những chỗ ấy xa xôi quá. Một ngày nào đó, nó có thể đi, nhưng ngay bây giờ chỗ gần gũi nhất là thân thể của nó. Nó bắt đầu khám phá thân thể của mình. Nó sờ vào thân thể, nó thích thú với thân thể.
Quan sát đứa trẻ nhỏ sờ ngón chân nó - hạnh phúc, hạnh phúc như bạn chưa bao giờ biết tới nếu bạn lên được tới mặt trăng. Nó đã phát hiện ra thân thể nó! Nó sờ vào ngón chân, thích thú ngón chân, đưa ngón chân lên mồm, bởi vì đấy là cách nó khám phá. Nó sẽ nếm ngón chân, ngửi ngón chân, sờ ngón chân. Nhưng khi nó dò tới bộ phận sinh dục, bố mẹ trở nên bối rối. Bối rối này là ở trong bố mẹ, chứ không trong đứa trẻ. Nó đâu có phân biệt gì; ngón chân hay cơ quan sinh dục cũng như nhau vậy. Cho tới lúc đó, không có phân chia trong thân thể nó. Toàn bộ thân thể nó có đó: ngón tay, mắt, mũi, cơ quan sinh dục, ngón chân đều là một luồng. Không có phân chia thấp và cao.
Người Hindu có phân chia; trên toàn thế giới mọi nền văn hoá đều có phân chia. Người Hindu nói: Đừng bao giờ chạm tới phía dưới rốn bằng tay phải, bởi vì phần dưới rốn là bẩn thỉu. Chạm phía dưới rốn bằng tay trái; chạm phía trên rốn bằng tay phải. Thân thể được phân chia, và phân chia đã ăn sâu vào tâm trí đến độ bên phải chúng ta coi là tốt - chúng ta nói: Bạn phải - bên trái ta coi là xấu. Cho nên nếu bạn muốn kết án ai đó, chỉ cần nói người đó là trái, khuynh hữu. Bên trái là xấu.
Đứa trẻ không biết đâu là trái, đâu là phải. Đứa trẻ là toàn thể, nó là một thể thống nhất. Nó không biết đâu là thấp kém, đâu là thanh cao - thân thể là một luồng không phân chia. Nó sẽ đi tới khám phá phần sinh dục của nó, và bố mẹ trở nên bối rối. Bất kì khi nào đứa trẻ, con trai hay con gái, chạm tới cơ quan sinh dục, lập tức chúng ta nói: Đừng sờ! Chúng ta gạt tay nó ra. Đứa trẻ bị sốc. Bạn đã gây một cú sốc điện cho nó. Nó không thể hiểu bạn làm gì.
Và điều này sẽ xảy ra nhiều lần. Bạn đang nhồi nhét vào con trẻ rằng cái gì đó trong thân thể nó cần phải bị bác bỏ - bộ phận sinh dục của thân thể là xấu. Về mặt tâm lí, bạn đang tạo ra phức cảm. Đứa trẻ sẽ trưởng thành, nhưng nó không bao giờ có thể chấp nhận cơ quan sinh dục. Nếu bạn không thể chấp nhận thân thể mình trong sự toàn bộ của nó thì sẽ có vấn đề, sẽ có rắc rối, bởi vì trẻ con sẽ làm tình, nó sẽ đi vào hành động dục, nhưng sẽ có mặc cảm: cái gì đó sai đang xảy ra, cái gì cơ bản sai đang xảy ra. Nó tự lên án nó. Làm tình, việc đẹp đẽ nhất trên thế giới, nó đang lên án và phạm tội. Nó không thể làm tình một cách toàn bộ, nó không thể chuyển toàn bộ vào người khác, bởi vì nó lùi lại. Một nửa tiến lên, một nửa bị kiểm soát. Điều này tạo ra xung đột và tình yêu trở thành khổ.
Điều này xảy ra trong mọi chiều hướng cuộc sống. Mọi thứ trở thành khổ bởi vì trong mọi thứ bố mẹ đã tạo ra phân chia: cái này tốt và cái kia xấu. Đây là lí do tại sao bạn khổ - bởi vì bố mẹ bạn, xã hội. Đừng làm cùng điều đó cho con bạn. Điều đó sẽ rất khó khăn. Bởi vì bạn bị phân chia, bạn muốn phân chia đứa trẻ - đấy là vô ý thức!
Nhưng nếu bạn tỉnh táo... nếu bạn thực sự thiền, bạn sẽ trở nên tỉnh táo. Đừng tạo ra cùng bệnh tinh thần phân liệt trong đứa con bạn; đừng phân chia, đừng tạo ra chia lìa. Bạn đã chịu đựng đủ rồi; đừng tạo ra cùng những đau khổ cho con cái bạn. Nếu bạn thực sự yêu, bạn sẽ không phân chia nó, bởi vì phân chia tạo ra đau khổ. Bạn sẽ giúp nó duy trì cái toàn thể, bởi vì tính toàn thể là thiêng liêng, và tính toàn thể cho các khả năng cực lạc, mở cánh cửa cho các kinh nghiệm đỉnh.
Làm sao bạn có thể giúp cho đứa trẻ duy trì cái toàn thể? Một điều: duy trì tỉnh táo để cho bạn không phân chia nó một cách vô ý thức. Đừng kết án điều gì. Nếu bạn cảm thấy điều đó có hại, bảo đứa trẻ rằng điều này có hại nhưng đừng nói điều này là điều xấu - bởi vì khi bạn nói có hại, bạn đang phát biểu một sự kiện; khi bạn nói điều này là xấu, bạn đã đem vào sự đánh giá trong đó.
Bố mẹ phải nói nhiều điều cho con trẻ, bởi vì trẻ con không biết. Bạn phải nói: Đừng đến gần lửa - nhưng nói: Điều này có hại. Nếu con bị bỏng con sẽ đau lắm, nhưng thế thì đấy là vấn đề chỗ con. Hãy nói: Đây là kinh nghiệm của bố hay mẹ, là bất kì khi nào bị bỏng thì cũng cảm thấy đau rát. Bố nói với con về kinh nghiệm của mình, nhưng ngay cả nếu con muốn thử nó thì con có thể thử. Điều này có hại.
Nói cái gì đó là có hại, nói cái gì đó có lợi, nhưng đừng nói tốt hay xấu. Nếu bạn tỉnh táo, bạn sẽ vứt bỏ được các từ tốt và xấu khỏi vốn từ vựng của mình - bởi vì với tốt và xấu, bạn đang đem đánh giá vào mọi thứ. Nói có hại - và vẫn cho phép tự do, bởi vì kinh nghiệm của bạn không thể trở thành kinh nghiệm của con trẻ. Chúng phải tự kinh nghiệm lấy. Đôi khi ngay cả những điều có hại vẫn phải được làm; chỉ thế thì chúng mới có thể trưởng thành. Đôi khi chúng phải ngã và bị thương; chỉ thế thì chúng mới biết. Chúng phải trải qua mọi thứ, bị thương và lên sẹo, nhưng đó là cách duy nhất mà người ta trưởng thành.
Nếu bạn bảo vệ đứa trẻ quá nhiều, nó sẽ không trưởng thành. Nhiều người vẫn còn trẻ con, tuổi tinh thần của họ chẳng bao giờ vượt hơn đứa trẻ. Họ trở nên già - họ có thể bẩy mươi, nhưng tuổi tinh thần của họ chỉ quanh quanh bẩy, bởi vì họ đã được bảo vệ thế. Nhìn vào các gia đình rất giầu: con cái họ được bảo vệ quá nhiều, chúng không được phép có bất kì tự do nào để sai sót, để kinh nghiệm, để lầm lạc, để đi chệch con đường. Gần như vào mọi lúc đều có ai đó theo dõi chúng - người phục vụ, gia sư, người cai quản; chúng chẳng bao giờ bị bỏ một mình. Thế rồi nhìn điều gì xảy ra cho chúng: gần như bao giờ các gia đình giầu có cũng tạo ra những đứa trẻ tầm thường, đần đần, ngu si. Những bộ óc vĩ đại không bao giờ xuất phát từ các gia đình giầu có - rất khó. Những nhà phát minh không bao giờ xuất thân từ họ, các nhà thám hiểm không bao giờ xuất thân từ họ - họ không thể xuất phát từ đó được. Chúng đã được bảo vệ quá kĩ, chúng chưa bao giờ trưởng thành.
Để trưởng thành, không bảo vệ là cần, bảo vệ cũng cần - cả hai đều cần. Nhìn người làm vườn đang làm việc với cây cối: người đó giúp chúng, người đó bảo vệ chúng, nhưng người đó vẫn cho chúng tự do lay động dưới ánh mặt trời, trong mưa sa, trong bão tố. Người đó sẽ không đem những cây đó vào trong nhà để bảo vệ chúng khỏi bão tố và mặt trời, khỏi những nguy hiểm bao giờ cũng có ở bên ngoài. Nếu bạn đưa cây vào bên trong chúng sẽ chết. Cây trong nhà kính là phi tự nhiên, và tất cả chúng ta đều trở thành cây trong nhà kính bởi bố mẹ quá bảo vệ.
Bạn đừng bảo vệ con trẻ, đừng để cho chúng không được bảo vệ. Theo dõi chúng như cái bóng. Chăm sóc chúng, chăm nom và tạo ra cân bằng, để cho bất kì khi nào nguy hiểm đến mức chúng có thể chết thì bạn bảo vệ chúng; nhưng bất kì khi nào bạn cảm thấy rằng vấn đề không nguy hiểm lắm, hãy cho phép chúng. Chúng càng trưởng thành, bạn càng phải cho phép nhiều hơn. Đến lúc đứa trẻ trở nên chín muồi về dục, bạn nên cho chúng tự do toàn bộ - bởi vì tự nhiên đã làm cho nó trở thành một con người. Bây giờ không cần phải lo nghĩ thế. Đôi khi tai nạn sẽ xảy ra, nhưng chúng cũng xứng với điều đó.
Cho đứa trẻ cái toàn bộ. Làm cho nó tiêm nhiễm nhận biết của bạn. Yêu nó, kể cho nó kinh nghiệm của bạn, nhưng đừng cố làm cho nó tuân theo kinh nghiệm của bạn. Đừng ép buộc. Nếu nó đi theo ý riêng của nó, đấy là điều tốt; nếu nó không theo, cứ đợi - không gì phải vội cả.
Thật khó để là người bố hay người mẹ, điều khó nhất trên thế giới. Thế mà người ta lại nghĩ đấy là điều dễ nhất.
Tôi đã từng nghe: Một người đàn bà đi taxi về nhà từ chợ, và người lái taxi thật quái dị. Anh ta cho xe chạy dích dắc; bất kì khoảnh khắc nào cũng có thể xảy ra tai nạn. Mà anh ta đi nhanh làm sao... người đàn bà rất nóng ruột, ngồi trên mép ghế và nhiều lần chị ta nói: Đừng đi nhanh thế, tôi sợ. Nhưng chàng lái xe chẳng nghe lời. Thế là chị ta nói: Nghe đây! Mười hai đứa trẻ đang đợi tôi ở nhà. Nếu có gì sơ sảy, điều gì sẽ xảy ra cho mười hai đứa trẻ đây?
Thế là người lái xe trả lời: Bà định bảo tôi phải tỉnh táo sao?
Có khó tuân theo điều đó không? Anh ta đang nói: Bà đã cho sinh ra mười hai đứa trẻ - bà đã không tỉnh táo, thế mà bà lại bảo tôi phải tỉnh táo khi lái xe!
Rất dễ cho ra đời nhiều trẻ con; chẳng có vấn đề gì cả, con vật làm điều đó dễ dàng. Nhưng là người mẹ thì rất khó, điều khó nhất trên thế giới. Là người bố thì thậm chí còn khó hơn - vì là mẹ thì tự nhiên, là bố thì không tự nhiên được như thế. Bố là hiện tượng xã hội. Chúng ta đã tạo ra người bố; nó không tồn tại trong tự nhiên. Là bố thì còn khó hơn, bởi vì không có bản năng tự nhiên cho việc đó. Điều ấy là khó vì đây là hành động sáng tạo nhiều nhất, tạo ra một con người, người bố.
Tỉnh táo đi. Cho nhiều tự do hơn. Đừng tạo ra phân biệt về tốt và xấu; chấp nhận cả hai, và giúp cho cả hai kiểu người được phát triển. Chẳng mấy chốc việc giúp đỡ trẻ con trưởng thành sẽ trở thành việc thiền sâu sắc cho bạn - bạn cũng sẽ trưởng thành cùng với chúng. Và rồi con bạn nở hoa thành người-nói-có hay người-nói-không... vì cũng có nhiều người-nói-không đẹp đẽ: Nietzsche là người-nói-không - nhưng đẹp! Thiên tài của ông trong việc nói không là hiện tượng tuyệt diệu và tươi đẹp đến mức thế giới không thể phong phú đến thế nếu không có những người như Nietzsche. Ông không thể nói có. Đấy là điều khó đối với ông ta. Cái không là toàn bộ con người ông ta.
Phật là người-nói-không. Ông ấy nói: Không có Brahman, không có linh hồn, không có thế giới. Bạn không thể tìm được người-nói-không nào vĩ đại hơn. Ông ấy chẳng để lại gì. Ông ấy nói: Có cái không. Ông ấy cứ nói không, cứ xoá bỏ. Rất khó tìm được cái có từ ông ấy - không thể được. Nhưng con người tuyệt diệu lại tiến hoá ra từ cái không đó! Cái không đó phải là toàn bộ.
Có những người-nói-có, những người sùng kính - bhaktas: Meera, Chaitanya hay Jesus hay Mohammed, đây là những người-nói-có. Và tất nhiên cũng có hai kiểu tôn giáo: một tôn giáo xoay quanh người-nói-không, tôn giáo kia xoay quanh người-nói-có. Bạn cũng sẽ thuộc vào loại này hay loại kia. Nếu bạn là người-nói-không, thế thì Phật giáo sẽ có ích nhiều cho bạn. Nếu bạn là người-nói-có, thế thì Phật giáo không giúp bạn được chút nào; nó sẽ mang tính huỷ diệt. Ki tô giáo có thể có ích, Hindu giáo có thể có ích.
Cả hai đều cần. Khi tôi nói điều này, tôi ngụ ý chúng bao giờ cũng tồn tại theo một tỉ lệ, giống như đàn ông và đàn bà - gần như bao giờ con số cũng sàn sàn như nhau. Toàn bộ thế giới bị phân chia - nửa đàn ông, nửa đàn bà. Và làm sao tự nhiên lại giữ được tỉ lệ này thì quả là phép màu. Trong mọi chiều hướng khác, cùng một tỉ lệ như vậy cũng được duy trì: bao giờ trên thế giới cũng có một nửa người-nói-có, một nửa người-nói-không, bao giờ cũng có một nửa số người có thể theo con đường hiểu biết và một nửa số người có thể theo con đường tình yêu. Tình yêu là nói-có, hiểu biết bao giờ cũng nói-không. Và tỉ lệ này bao giờ cũng được tự nhiên duy trì.
Cho nên nếu bạn có hai đứa trẻ, đứa này nói-có và đứa kia nói-không, thì đúng tỉ lệ rồi! Như thế là tốt vì bạn có cả hai trong nhà mình. Bạn có thể tạo ra sự hài hoà từ chúng. Đừng cố phá huỷ đứa nói-không, đừng cố thúc đẩy và giúp đỡ chỉ đứa nói-có. Tạo ra hài hoà giữa hai đứa. Hai đứa trẻ này là đại diện cho toàn bộ thế giới, âm và dương, các chiều đối lập, các cực. Tạo ra hài hoà giữa chúng và gia đình bạn sẽ thực sự là một gia đình, một thể thống nhất, một thể thống nhất hài hoà.
Nhưng đừng diễn giải, đừng lên án, đừng đạo đức hoá. Chỉ là người bố, người mẹ. Yêu chúng và chấp nhận chúng và giúp chúng trở thành chính chúng. Đây là cơ sở cho mọi tình yêu: giúp người khác là giúp chính mình. Nếu bạn muốn lôi kéo, thao túng, bạn không trong tình yêu, bạn mang tính phá hoại.
Osho kính yêu,
Ở phương Tây, phần lớn các phương pháp trưởng thành của chúng tôi đều có khuynh hướng theo nhóm kiểu như tham gia vào các nhóm và môi trường tâm lí.
Ở phương Đông, mặc dầu cũng có các tu viện nơi những người tìm kiếm sống cùng nhau, nhưng căng thẳng dường như chỉ ở mỗi cá nhân. Xin thầy nói cho chúng tôi về hai cách tiếp cận này.
Có hai kiểu phương pháp trưởng thành. Bạn có thể theo đuổi trưởng thành tâm linh của mình theo cách một mình, hay bạn có thể làm việc thông qua nhóm, qua trường phái. Cả hai kiểu này bao giờ cũng tồn tại ngay cả ở phương Đông. Phương pháp của Sufi là theo nhóm. Phương pháp theo nhóm cũng tồn tại cả ở Ấn Độ, nhưng chưa bao giờ được phổ biến như đạo Hồi hay Sufi. Nhưng đây là hiện tượng mới khi có liên quan tới số lượng - đó là việc phương Tây hoàn toàn hướng theo nhóm. Trước đây chưa bao giờ có nhiều phương pháp theo nhóm sống động như vậy, và cũng khá nhiều người làm việc qua chúng, như phổ biến hiện nay ở phương Tây.
Cho nên theo một cách ta có thể nói rằng phương Đông vẫn còn duy trì những nỗ lực cá nhân, còn phương Tây bây giờ phát triển hướng về phương pháp theo nhóm. Tại sao điều này lại như vậy và sự khác biệt là gì? Và tại sao lại có sự khác biệt?
Phương pháp theo nhóm chỉ có thể tồn tại nếu bản ngã của bạn đã đi tới điểm nó trở thành gánh nặng phải mang. Khi bản ngã đã trở thành nặng nề đến mức một mình là khổ sở, thế thì phương pháp nhóm trở thành có nghĩa, bởi vì trong nhóm bạn có thể hội nhập bản ngã của mình.
Nếu bản ngã không tiến hoá lắm thì phương pháp cá nhân có thể có ích cho bạn. Bạn có thể lên núi, bạn có thể ở cô lập, hay thậm chí sống trong hang động với thầy và bạn làm việc một mình: bạn thiền kiểu của bạn, người khác thiền kiểu của họ, các bạn chẳng bao giờ làm việc với nhau.
Ở Ấn Độ, người Hindu không bao giờ cầu nguyện theo nhóm. Với người Mô ha mét giáo, cầu nguyện theo nhóm đã vào Ấn Độ. Người Mô ha mét giáo cầu nguyện theo nhóm; người Hindu bao giờ cũng cầu nguyện một mình; cho dù họ có đến đền thờ, họ cũng đi một mình. Đấy là quan hệ một-một - bạn và Thượng đế của bạn.
Điều này là có thể nếu bản ngã còn chưa được giúp đỡ để phát triển tới điểm nó trở thành gánh nặng. Ở Ấn Độ nó chưa bao giờ được giúp đỡ để trưởng thành - ngay từ ban đầu chúng ta đã chống lại bản ngã. Cho nên bạn trưởng thành trong bản ngã nhưng bản ngã vẫn còn mơ hồ, mờ mịt; bạn vẫn còn khiêm tốn, bạn không thực sự là người bản ngã. Nó chưa lên được tới đỉnh trong bạn, nó mới ở đất bằng. Bạn là người có bản ngã, bởi vì mọi người đều phải thế, nhưng không là bản ngã tuyệt đối. Bạn bao giờ cũng nghĩ điều đó sai và cứ tự kéo mình xuống. Trong những tình huống nào đó, bạn có thể bị khiêu khích và bản ngã trở thành đỉnh - nhưng thông thường nó không ở đỉnh, nó là đất bằng.
Ở Ấn Độ bản ngã giống như cơn giận - nếu ai đó khiêu khích bạn, bạn trở nên giận; nếu không ai khiêu khích bạn, bạn không giận. Ở phương Tây bản ngã đã trở thành chất liệu thường xuyên. Nó không giống giận, bây giờ nó giống như việc thở. Không cần phải khêu gợi nó - nó có đó, nó là hiện tượng thường xuyên. Vì bản ngã này, nhóm trở thành điều rất có ích. Trong nhóm, làm việc với một nhóm, hội nhập bản thân bạn vào nhóm, bạn có thể dễ dàng gạt bản ngã mình sang bên. Đó là lí do tại sao không chỉ trong tôn giáo mà cả trong chính trị, một vài hiện tượng chỉ có thể tồn tại ở phương Tây. Chẳng hạn, chủ nghĩa phát xít có thể tồn tại, có thể trở thành hiện thực ở nước Đức, đất nước bản ngã nhất ở phương Tây, phương Tây nhất. Trên khắp thế giới không còn gì có thể giống như bản ngã Đức. Đó là lí do tại sao Hitler có thể trở thành hiện thực - bởi vì mọi người đều bản ngã thế, mọi người đều cần sự hội nhập.
Quốc xã tụ hội, hàng triệu người tuần hành - bạn có thể mất bản thân mình, cái ta của bạn không cần có đó. Bạn trở thành đoàn tuần hành, nhóm chơi nhạc, gây ồn ào, Hitler thôi miên, một cá tính có sức lôi cuốn quần chúng. Mọi người đều nhìn vào Hitler, toàn bộ đám đông bao quanh bạn tựa như đại dương - bạn trở thành một con sóng. Bạn cảm thấy sung sướng, bạn cảm thấy tươi tắn, bạn cảm thấy trẻ trung, bạn cảm thấy hạnh phúc. Bạn quên mất khổ của mình, phiền não, đơn độc, ghét bỏ của mình. Bạn không còn đơn độc nữa. Một đám đông vĩ đại như vậy cùng với bạn và bạn cùng với nó. Những lo nghĩ cá nhân của bạn bị vứt bỏ. Bỗng nhiên có một khoảng mở - bạn cảm thấy ánh sáng dường như bạn đang bay.
Hitler trở nên thành công không phải bởi vì ông ta có triết học rất có ý nghĩa - triết học của ông ta ngớ ngẩn, nó ấu trĩ, chưa chín muồi - không phải bởi vì ông ta có thể thuyết phục người dân Đức rằng ông ta là đúng... đấy không phải là vấn đề. Rất khó để thuyết phục người dân Đức, một trong những điều khó nhất, bởi vì họ là những người logic, họ có logic trong tâm trí, lập luận theo đủ mọi cách. Rất khó thuyết phục họ, và bị thuyết phục bởi Hitler là điều không thể có được. Không, ông ta chưa bao giờ cố gắng thuyết phục họ. Ông ta đã tạo ra một hiện tượng thôi miên nhóm; điều đó đã thuyết phục họ.
Vấn đề không phải là ở điều Hitler nói; vấn đề là ở điều họ đã cảm thấy khi họ trong nhóm, trong đám đông. Đó là một kinh nghiệm nhẹ gánh đến mức người ta thấy đáng đi theo con người này lắm. Dù ông ta có nói cái gì - trái hay phải - logic, phi logic, ngu xuẩn - cứ theo ông ta là tốt rồi. Họ đã quá chán với chính mình đến mức họ muốn được cuốn hút trong đám đông. Đó là lí do tại sao chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa quốc xã và mọi kiểu điên khùng theo nhóm lại trở thành có thể ở phương Tây.
Ở phương Đông, chỉ Nhật Bản bản mới theo được điều đó, bởi vì Nhật Bản là phần tương ứng của nước Đức ở phương Đông. Nhật Bản là quốc gia Tây phương nhất ở phương Đông. Cùng một hiện tượng có đó, cho nên Nhật Bản có thể trở thành đồng minh với điên khùng Hitler. Điều tương tự cũng xảy ra trong các lĩnh vực khác - trong tôn giáo, tâm lí nữa. Thiền theo nhóm đang xảy ra, và chỉ có thiền theo nhóm sẽ xảy ra trong thời gian dài sắp tới. Khi hàng trăm người cùng nhau - bạn sẽ ngạc nhiên, đặc biệt là với những người không biết về tâm trí phương Tây sẽ ngạc nhiên - chỉ cầm tay nhau, một trăm người ngồi tay nắm tay, cảm lẫn nhau, và họ cảm thấy phấn chấn.
Không người Ấn Độ nào cảm thấy phấn chấn cả. Người đó sẽ nói: Vô nghĩa làm sao! Chỉ có nắm tay nhau hàng trăm người ngồi theo vòng tròn, làm sao như thế lại phấn chấn được? Làm sao bạn có thể trở nên cực lạc? Nhiều nhất bạn cũng chỉ có thể cảm thấy mồ hôi tay người khác. Nhưng ở phương Tây hàng trăm người nắm tay nhau lại là phấn chấn, cực lạc. Tại sao? - bởi vì bình thường ngay cả việc nắm tay cũng trở thành không thể được bởi bản ngã. Ngay cả vợ và chồng cũng không thể cùng nhau. Gia đình nối liền đã biến mất. Đó là hiện tượng nhóm. Xã hội đã biến mất. Ở phương Tây hiện nay thực tế không tồn tại xã hội. Bạn đi đơn độc.
Ở Mĩ - tôi đã đọc bản thống kê - mọi người đều chuyển nhà trong vòng ba năm sang thành phố khác. Bây giờ, một người ở nông thôn Ấn Độ vẫn còn ở lại đó - không chỉ có người đó, cả gia đình người đó còn ở lại đó hàng nghìn năm. Người đó bắt rễ sâu trên mảnh đất đó. Người đó có quan hệ với mọi người, người đó biết mọi người, mọi người đều biết người đó. Người đó không phải là người lạ, người đó không đơn độc. Người đó sống như một phần của thôn làng, người đó bao giờ cũng có thôn làng. Người đó đã sinh ra ở đó, người đó sẽ chết ở đó.
Ở Mĩ, cứ ba năm một người trung bình lại chuyển nhà. Đây là nền văn minh du mục nhất đã từng có từ trước đến nay: người lang thang - không nhà cửa, không gia đình, không thành phố, không làng quê, không tổ ấm thực sự. Trong ba năm làm sao bạn có thể bắt rễ được? Dù bạn có đi đâu bạn cũng vẫn là người lạ. Đám đông bao quanh bạn nhưng bạn chẳng có quan hệ với nó. Bạn vô quan hệ, toàn bộ gánh nặng trở thành cá nhân.
Ngồi trong một nhóm, trong nhóm đương đầu hay trong nhóm trưởng thành, chạm vào thân thể nhau, bạn trở thành một phần của cộng đồng. Chạm tay nhau, nắm tay nhau, chỉ nằm gần nhau, hay nằm đầu người nọ nối chân người kia thành một hàng, bạn cảm thấy cái một, sự phấn chấn tôn giáo xảy ra. Một trăm người nhảy múa, chạm lẫn nhau, đi vòng quanh nhau, trở thành một. Họ hội nhập, bản ngã tan biến trong giây lát. Hội nhập đó trở thành điều cầu nguyện. Các chính khách lợi dụng nó cho mục đích phá hoại, tôn giáo có thể dùng nó cho hiện tượng rất sáng tạo - nó có thể trở thành thiền.
Ở phương Đông mọi người trong cộng đồng quá nhiều, cho nên bất kì khi nào người ta muốn mang tính tôn giáo, họ muốn đi lên Himalaya. Xã hội đã quá nhiều quanh họ rồi. Họ đã không chán với chính mình, họ chán với xã hội. Đây là khác biệt. Ở phương Tây bạn chán với chính mình và bạn muốn chiếc cầu nào đó, cách truyền cảm với xã hội, với người khác; cách tạo ra cây cầu, cách đi tới người khác sao cho bạn có thể quên đi bản thân mình. Ở phương Đông mọi người chán với xã hội. Họ đã sống ở đó quá lâu, và xã hội bao quanh họ quá nhiều đến mức họ không cảm thấy bất kì tự do nào. Cho nên bất kì khi nào ai đó muốn được tự do, được im lặng, người đó chạy lên Himalaya.
Ở phương Tây bạn chạy vào xã hội, ở phương Đông mọi người chạy ra khỏi xã hội. Đó là lí do tại sao phương pháp đơn độc, phương pháp cá nhân tồn tại ở phương Đông; phương pháp nhóm đang tồn tại ở phương Tây.
Tôi đang làm gì? Phương pháp của tôi là sự tổng hợp. Trong những bước đầu của Thiền Động, bạn là một phần của nhóm; trong phần sau, nhóm biến mất, bạn chỉ còn một mình. Tôi làm điều này theo những lí do đặc biệt... bởi vì bây giờ Đông và Tây đã trở nên không liên quan. Đông đang quay sang Tây; Tây đang quay sang Đông. Đến cuối thế kỉ này sẽ không Đông, không Tây nữa - chỉ còn một thế giới. Phân chia địa lí đã tồn tại quá lâu; điều này không thể tồn tại thêm được nữa.
Công nghệ đã làm tan biến nó; nó đã hết thời, nhưng bởi vì thói quen thường lệ trong tâm trí nên nó còn tiếp tục. Nó còn tiếp tục chỉ như hiện tượng tinh thần; thực tế nó không còn nữa. Đến cuối thế kỉ này sẽ không Đông, không Tây - chỉ là một thế giới. Nó đã có đó. Những người có thể thấy, có thể thấy điều đó đã có đây. Sự tổng hợp sẽ là cần thiết - cả nhóm và cá nhân. Bạn làm việc trong nhóm lúc đầu; đến lúc cuối bạn trở thành một mình toàn bộ.
Bắt đầu từ xã hội và đạt tới bản thân bạn. Đừng trốn khỏi cộng đồng - sống trong thế giới nhưng đừng là một phần của nó. Có quan hệ nhưng vẫn giữ đơn độc. Yêu và thiền, thiền và yêu.
Bất kì cái gì xảy ra trước đều không thành vấn đề; bất kì cái gì xảy ra sau cũng không thành vấn đề. Thiền và yêu nếu bạn là đàn ông, yêu và thiền nếu bạn là đàn bà - nhưng đừng chọn lựa. Yêu cộng thiền là khẩu hiệu của tôi.

Ads Belove Post