Chương 7. Cái mềm nhất - Osho

Chương 7. Cái mềm nhất - Osho

Price:

Read more

Osho - Đạo: Ba Kho Báu (Tập 2)
Chương 7. Cái mềm nhất



Thiên hạ chi chí nhu,
Trì sính thiên hạ chi chí kiên.
Vô hữu nhập vô gian.
Ngô thị dĩ tri vô vi
chi hữu ích.
Bất ngôn chi giáo,
Vô vi chi ích,
Thiên hạn hi cập chi.
Cái rất mềm của thiên hạ,
Đi qua cái rất cứng trong thiên hạ.
Cái không hình dạng
xen vào được chỗ không kẽ nứt;
Do đó mà ta biết được sự lợi ích của vô hành động
Dạy bảo mà không cần đến lời nói,
Lợi ích của vô vi,
Trong thiên hạ ít ai hiểu kịp.
Đêm hôm trước tôi có đọc một câu chuyện Sufi - tôi thích nó, tôn hân hoan trong nó, nó cực hay, và tôi muốn chia sẻ nó với các bạn.
Chuyện xảy ra là một thầy tu đạo Sufi, trong khi đi tìm Thượng đế, đã lang thang từ nước này sang nước khác. Ông ấy đã bắt gặp nhiều thầy giáo nhưng không ai có thể thoả mãn cho ông ấy; ông ấy không thể tìm được chỗ nào mà ông ấy có thể buông xuôi trái tim mình. Thất vọng, nản lòng, ông ấy quyết định đi vào rừng thẳm và ở một mình; lắng nghe người thầy bên trong và quên hết về các thầy bên ngoài. Ông ấy bắt gặp một lùm sồi đẹp. Nhiều cây sồi, cổ kính, cổ đại, đã làm ra lùm cây này - cành của chúng đan quyện lẫn nhau theo thành cái bảo vệ tự nhiên chống lại mưa, mặt trời và các yếu tố thiên nhiên. Và gần đó là một chiếc hồ. Khu rừng rất im lặng và nó ở sâu trong rừng thẳm tới mức không ai đã bao giờ đi qua nó.
Người Sufi này đi vào trong đó, ông ấy yêu nó, chỗ này có cái duyên dáng của riêng nó. Ông ấy bắt đầu thiền ở đó. Mỗi tuần một lần trong vài giờ ông ấy đi ra và tới làng gần nhất để kiếm lương thực, và thế rồi trong bẩy ngày ông ấy sẽ mất hút trong thiền.
Người Sufi liên tục nhẩm tên của Thượng đế, 'Allah'. Câu mật chú của người Mô ha mét giáo nghĩa là: 'Không có Thượng đế ngoài Thượng đế', nhưng người Sufi đã cắt ngắn nó xuống còn một từ, 'Allah' hay 'Thượng đế', bởi vì họ nói có thể là một ngày nào đó bạn có thể chết khi bạn đang ở giữa chừng đọc câu mật chú này. Nếu bạn đang đọc câu mật chú này và bạn chết ở giữa chừng nó, bạn đã nói: 'Không có Thượng đế', vậy bạn chết đi như kẻ vô thần. Vào khoảnh khắc cuối đó bạn không mang nhân chứng cho điều thiêng liêng; ngược lại, bạn chết trong tính tiêu cực. Cho nên họ nói rằng điều đó là nguy hiểm, và họ không nhẩm câu mật chú Mô ha mét giáo đó dưới dạng đầy đủ của nó, họ đơn giản nhẩm 'Allah, Allah, Allah' để cho ở khoảnh khắc cuối cùng trái tim họ được rót đầy, hơi thở họ được rót đầy bằng tên của Allah, với việc nhớ tới ngài. Đó là điều họ gọi là ziqra.
Người Sufi này đã tụng câu mật chú của mình - 'Allah, Allah, Allah' - trong nhiều tháng. Ông ấy bắt đầu cảm thấy rất bình thản và yên tĩnh và thanh thản và tự chủ. Im lặng thế bao quanh khu rừng, an bình thế, và cùng an bình đó bắt đầu rót vào bên trong ông ấy, trong những phần lãnh thổ bên trong nhất của bản thể ông ấy: Nhưng ông ấy không hạnh phúc. Điều đó là không đủ. Chứng ngộ, niết bàn, vẫn còn xa xôi.
Nhiều năm trôi qua và khu rừng gần như là một chỗ linh thiêng. Cành lá xum xuê đã mọc ra từ các cây sồi, bỗng nhiên chúng trở thành dường như trẻ lại, với những tán lá mới, và cả khu rừng đầy vẻ đẹp - những vẫn có nỗi buồn trong tim người Sufi này. Nhưng ông ấy chờ đợi, và ông ấy đã làm bất kì cái gì có thể được làm: ông ấy đã liên tục được rót đầy với lời cầu nguyện, thiền. Mười tám năm trôi qua, nhưng ông ấy vẫn xa xăm với niết bàn như bao giờ. Tất nhiên ông ấy bây giờ an bình và im lặng - nhưng chưa phúc lạc. Cái gì đó đã tan biến nhưng chẳng cái gì đã giáng xuống; cái gì đó đã bỏ đi, ông ấy đã trống rỗng, và cái trống rỗng tất nhiên im lặng - nhưng ông ấy đã không được tràn đầy. Cái trống rỗng vẫn còn trống rỗng và bây giờ không có gì hơn để làm.
Một đêm tối, vào giữa đêm, đột nhiên nghi ngờ nảy sinh trong tâm trí ông ấy, hoài nghi tới - bởi vì mười tám năm là thời gian rất dài và ông ấy đã để mọi nỗ lực, mọi bản thể ông ấy vào trong nó, ông ấy đã không giữ lại cái gì, cho nên nếu nó không xảy ra bây giờ thế thì dường như nó sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Hoài nghi nảy sinh. Ông ấy bắt đầu nghĩ: Có thể là lùm sồi này không cho phép lời cầu nguyện của mình đi ra vì nó không cho phép mưa và mặt trời đi vào? Tán lá dầy thế, có thể lời cầu nguyện của mình chỉ tới phía dưới lá và chúng không đi ra ngoài được, cho nên Thượng đế đã không nghe thấy mình. Vì mặt trời không bao giờ có thể xuyên qua được khu rừng này, có thể lời cầu nguyện của mình đã không xuyên ra vũ trụ bên ngoài được. Khu rừng này đã là kẻ khai thác, kẻ bóc lột.
Ông ấy trở nên sợ lùm cây này tới mức ông ấy đơn giản trốn đi khỏi nó vào giữa đêm tối.
Nhưng vào chính khoảnh khắc đó, từ xa khu rừng hàng dặm đường, trên đường một người ăn xin đi ngang qua, đang đi từ thị trấn này sang thị trấn khác. Bỗng nhiên, hoàn toàn bất ngờ, một thôi thúc sâu sắc tới trong người đó để đi vào trong lùm cây này. Người đó chống lại thôi thúc, nó là nguy hiểm, lùm cây đầy thú hoang và chẳng ích gì mà đi vào trong nó bởi vì người đó phải đi sang làng bên trước sáng, và nửa cuộc hành trình còn chưa hoàn thành. Người đó phải đi vào rừng để làm gì? Nhưng cứ dường như cái gì đó đã bắt đầu kéo người đó, người đó bất lực, người đó không thể làm gì được. Người đó bắt đầu chạy vào trong rừng như điên và thỉnh thoảng người đó nghĩ: Mình làm gì thế nhỉ? Nhưng thân thể đang đi theo cách của nó, người đó không còn là chủ nữa. Người đó muốn chạy trốn, điều đó là tuyệt đối nguy hiểm, người đó sợ, run rẩy - nhưng bất lực. Nhưng khi người đó tới gần khu rừng, thế thì người đó hiểu ra.
Một tiếng gọi tinh tế vọng tới từ lùm cây: Lại đây với ta! Đấy không phải là âm thanh nghe được cho tai bên ngoài, mà là cái gì đó trong người đó có thể nghe được nó. Và lùm cây là không thể nào tin được! Toàn thể rừng thẳm đầy bóng tối nhưng lùm cây này lại rực rỡ với ánh sáng xanh tinh tế. Gần như nó là một thế giới khác, dường như vị phật đang ngồi dưới cây, dường như ai đó đã trở nên chứng ngộ dưới chúng, và ánh sáng của chứng ngộ và an bình và phúc lạc của niết bàn đã lan toả khắp xung quanh. Người đó cảm thấy những gợn sóng tinh tế khắp xung quanh khu rừng - một từ trường. Bây giờ nỗi sợ biến mất. Người đó đi vào khu rừng, và chỉ bởi việc đi vào, người đó đã được biến đổi, người đó trở thành một người mới toàn bộ. Người đó không thể tin được vào bản thân mình: người đó chỉ là người thường, không đặc biệt tốt không đặc biệt xấu, chỉ là người thường thôi.
Sâu trong lẫn lộn của cuộc sống đời thường, sâu trong những rắc rối của cuộc sống đời thường, không hữu thần không vô thần... thực tế người đó chưa bao giờ nghĩ về Thượng đế nói riêng, người đó chưa bao giờ lấy quyết định nào về tôn giáo, người đó thực sự dửng dưng với nó. Cuộc sống có nhiều vấn đề thế và người đó vướng rất nhiều trong nó... nhưng bỗng nhiên, đi vào trong khu rừng này, người đó bị bắt vào trong cơn lốc. Người đó ngồi dưới gốc cây, và người đó không thể nào tin được vào điều đó - người đó chưa bao giờ dùng tư thế này trước đây, người đó đã ngồi như thầy tu Sufi. Và thế rồi một khuấy động bắt đầu trong bản thể người đó - cốt lõi bên trong nhất của bản thể người đó bắt đầu bị khuấy động, và một âm thanh bắt đầu dâng lên. Người đó không thể nào tin được điều đang xảy ra, điều đó là không thể nào tin nổi. Thế rồi một âm thanh bùng lên người đó mà người đó không thể nhận ra được, nhưng dần dần khi mọi sự lắng đọng và kích động qua đi, người đó có thể nghe được âm thanh này, âm thanh mờ đục trở nên rõ ràng; cái vô hình dạng lấy hình dạng và bây giờ người đó có thể nghe thấy - nó không là gì ngoài 'Allah, Allah', và người đó đang nhẩm lại nó mặc cho bản thân mình. Người đó không làm điều đó, người không phải là người làm, người đó chỉ có thể mang nhân chứng cho điều đó - điều đó xảy ra.
Cứ dường như người đó chỉ là bờ cát của đại dương vũ trụ nào đó và các con sóng triều dồn tới và bắn toé khắp người đó - 'Allah, Allah, Allah' - sóng triều đại dương đập lên bờ cát; người đó chỉ là bờ. Được tắm, được chuyển hoá, cả triệu lần người đó chết đi và được tái sinh trong đêm đó.
Trong mười tám năm thầy tu đã còn ở đó và chẳng cái gì đã xảy ra, và trong mười tám năm người ăn xin này đã là vị Phật - và người đó đã không làm một điều gì. Tôi thích câu chuyện này. Lão Tử chắc cũng thích nó, Lão Tử chắc đã hiểu nó. Bí mật của điều này là gì? Nó có vẻ phi lí chút ít: người đã từng cầu nguyện mười tám năm mà chẳng đạt tới cái gì còn người chưa bao giờ cầu nguyện lại đạt tới mọi thứ trong mười tám giờ. Chìa khoá bí mật để hiểu câu chuyện này là gì?
Lão Tử có một từ. Từ đó là vô vi. Nó nghĩa là: hành động mà không hành động. Nó nghĩa là: hành động như vô hành động. Nó nghĩa là: hành động và không hành động cùng nhau. Đó là chìa khoá bí mật. Thầy tu này đã làm điều đó quá nhiều; ông ấy đã không duy trì được bản thân mình ở giữa. Ông ấy đã làm điều đó quá mức, và việc là quá thì bao giờ cũng hoàn tác.
Cuộc sống là cân bằng, và ông ấy đã không thể đạt tới cân bằng. Trong tham lam đạt tới của mình, trong tham vọng đạt tới của mình, ông ấy đã đi tới cực đoan và trở thành quá tích cực. Và bất kì khi nào bạn quá tích cực, bất kì khi nào bạn chỉ tích cực, thế thì mọi sự của thế giới có thể xảy ra cho bạn nhưng mọi sự của thế giới kia không thể xảy ra được - bởi vì bạn qua bị kích động, quá bồn chồn, bạn chưa là người chấp nhận đúng. Người chấp nhận đúng là người được cân bằng: được cân bằng hoạt động và bất hoạt, được cân bằng giữa tích cực và thụ động, cân bằng trong mọi nhị nguyên. Thầy tu này là người quá tốt: tính tốt trở thành mất cân bằng. Ông ấy né tránh toàn thế giới, ông ấy đi tới một cực đoan, ông ấy từ bỏ, và thế rồi ông ấy trở thành người mong đợi, liên tục mong đợi. Tán lá đẹp của những cây này không phải là rào chắn - tán lá mong đợi của riêng ông ấy mới là rào chắn, chướng ngại. Vâng, lời cầu nguyện không thể tới được Thượng đế - nhưng không phải vì cây sồi. Sồi là tuyệt đối hồn nhiên. Lời cầu nguyện không thể tới được Thượng đế bởi vì ông ấy đã bị che phủ bởi mong đợi. Lời cầu nguyện của ông ấy là đẹp nhưng sâu bên dưới con sâu xấu xí của mong đợi có đó. Việc nhớ tới Thượng đế của ông lấy là liên tục, nhưng ngay đằng sau việc nhớ đó có đi theo cái bóng của tham lam và ham muốn và tham vọng. Điều đó phá huỷ toàn thể sự việc.
Ngay cả lùm sồi cũng được lợi và được phúc lành bởi lời cầu nguyện của ông ấy nhưng ông ấy không thể được phúc lành bởi lời cầu nguyện riêng của mình. Lùm sồi trở nên đẹp hơn, đạt tới tuổi thanh niên mới và cuộc sống mới, cứ dường như được cái vĩnh hằng chạm tới. Ngay cả trong góc tối của bản thế của chúng ánh sáng bắt đầu cháy sáng, nhưng ông thầy tu này vẫn còn trống rỗng. Ông ấy không thể được rót đầy bởi vì ông ấy không thể nào quên được bản thân mình.
Nhớ tới Thượng đế là tốt, nhưng chừng nào bạn còn chưa quên bản thân mình việc nhớ là không toàn bộ. Làm sao cả hai có thể cùng tồn tại được, Thượng đế và bạn? Điều đó là không thể được.
Và thế rồi bỗng nhiên, khi ông ấy bỏ đi, mười tám năm này của việc nhớ thường xuyên, lặp mật chú thường xuyên, cho lùm sồi một từ trường tốt. Bây giờ lùm sồi là lốc xoáy của năng lượng vũ trụ, của tâm thức; bây giờ lùm sồi đã sẵn sàng cho, trả lại - bởi vì cuộc sống là cho và nhận, nhận và cho.
Bạn không thể cứ nhận mãi, bạn phải cho. Trong cuộc sống không có tính hà tiện; cuộc sống chỉ lấy để cho. Và bây giờ lùm sồi đã sẵn sàng, thai nghén, để cho: nó giống như người đàn bà mang thai đứa trẻ để được sinh ra. Lùm sồi bắt đầu tạo ra rung động riêng của nó quanh khu rừng cho bất kì ai tới và chấp nhận món quà này. Trong xoáy lốc đó người ăn xin bị mắc vào.
Người ăn xin này là người bình thường, không tốt không xấu, chẳng có gì đặc biệt - thực tế chút ít được cân bằng hơn ông thầy tu, người tốt, thánh nhân. Người ăn xin này đôi khi là tội nhân và đôi khi là thánh nhân - không gì đặc biệt cả. Và người đó không bao giờ có thể mong đợi được bởi vì người đó thậm chí chưa bao giờ cầu nguyện, người đó thậm chí không phải là người tin. Người đó dính líu nhiều vào những hoạt động bình thường của thế gian tới mức tham lam của người đó chưa bao giờ đạt tới điểm nơi nó trở thành thế giới khác.
Khi người đó đi vào lùm cây người đó mộc mạc và đơn giản và hồn nhiên như đứa trẻ. Thế rồi đột nhiên người đó được biến đổi. Người đó không tự ý thức: đó là chìa khoá. Thực tế người đó đã không đi tìm Thượng đế. Khi bạn đang tìm bạn sẽ lỡ, còn nếu bạn tìm quá chăm chú bạn chắc chắn sẽ lỡ. Nhưng nếu bạn chỉ thảnh thơi bạn có thể gặp ngài, bởi vì Thượng đế tới bạn khi bạn không đặc biệt theo sau ngài - khi bạn theo ngài bạn có chút hăm hở. Thượng đế tới bạn khi bạn giống thể nữ tính hơn là tâm trí nam tính. Đó là nghĩa của việc mang nữ tính của Lão Tử - bạn chờ đợi.
Ở phương Tây một phụ nữ rất, rất hiếm hoi của thế kỉ này, Simone Weil, đã viết cuốn sách có tên 'Đợi Thượng đế'. Đây là thái độ đúng. Bạn có thể làm được gì khác? Bạn biết cái gì khác? Bạn đơn giản có thể đợi, chờ đợi. Bạn đón nhận, bạn không thể đi và tấn công được.
Người ăn xin là người ăn xin, được hài hoà để nhận. Người ăn xin được hài hoà để nhận - bao giờ cũng cùng bình bát, người nhận. Người ăn xin mang nữ tính. Và bí ẩn của khái niệm Ấn Độ nằm ở đây rằng chừng nào bạn còn chưa trở thành kẻ ăn xin, bhikkhus, bạn sẽ không đạt tới. Không đích xác là bạn phải trở thành người ăn xin và đi trên phố trong bộ đồ rách rưới và tạo ra phiền toái, không. Ý nghĩa là ở chỗ người ăn xin biết cách cảm nhận; bhikkhu biết cách không hung hăng, cách đơn giản chờ ở cửa, chỉ đợi. Và nếu không cái gì được cho, thế thì người ăn xin thực không có phàn nàn chống bạn bởi vì phàn nàn nào có thể chống bạn được? Đó là việc của bạn để quyết định có cho hay không. Người xin ăn thực, bhikkhu - Phật đã gọi các sannyasin của mình là bhikkhus - bhikkhu thực cám ơn bạn, và dù bạn cho người đó cái gì hay không, đấy không phải là vấn đề. Người đó cám ơn bạn nếu bạn cho, người đó cám ơn bạn nếu bạn không cho - bởi vì nếu người đó không thể cám ơn bạn được khi bạn không cho thế thì người đó không phải là người nhận, thế thì hung hăng nào đó vẫn còn bên trong người đó. Thế thì người đó chờ đợi. có mong đợi rằng cái gì đó sẽ được cho là: Nếu nó được cho mình sẽ cám ơn, nếu nó không được cho mình sẽ nguyền rủa.
Trong tiếng Ấn Độ chúng ta có hai từ dành cho người ăn xin: người ăn xin 'đúng' chúng ta gọi là bhikkhu khất sĩ hay bhikkshu; người ăn xin 'sai' chúng ta gọi là bhikhari. Chúng có cùng gốc, nhưng bhikhari không phải là bhikkhu và bhikkhu không phải là bhikhari. Người ăn xin đúng không có mong đợi, người đó không đòi gì. Làm sao bạn có thể đòi được? Nếu bạn không có đòi hỏi bạn không hung hăng, nếu bạn không hung hăng bạn cám ơn, và dù cái gì đó được cho hay không đều không có liên quan.
Người đó là người ăn xin nhưng người đó phải là một khất sĩ bhikkhu, không phải là bhikhari. Người đó phải là người ăn xin 'đúng'. Người đó đi vào lùm sồi và đạt tới chứng ngộ - trở thành vị Phật trong mười tám giờ. Đây là cái đẹp của vô hành động. Người đó đã không làm gì về phần mình, người đó đơn giản cho phép bản thân mình ở đó. Người đó vẫn còn sẵn có, có vậy thôi. Và bất kì cái gì xảy ra, cứ xảy ra, người đó chỉ là người quan sát, nhân chứng cho việc đó. Người ăn xin đó không thể nói: tôi đã đạt tới phật tính. Làm sao người đó có thể nói được điều đó? Không có người đạt tới, không có người đi tới, không có ai cố đạt tới cái gì. Người đó đi vào trong cái không biết; người đó đi vào trong cái không quen thuộc và cái lạ; người đó thậm chí không thể nhận ra âm thanh là gì - nó tất cả xảy ra cho người đó.
Bởi vì hiện tượng đó, teerthas, những nơi chốn thiêng liêng và đền thờ, đã trở thành rất quan trọng, bởi vì đôi khi cái gì đó có thể xảy ra cho bạn khi bạn không là người làm. Chính chỗ đó được nạp từ trường của ai đó khác mạnh tới mức bạn bị bắt vào nó, bạn trở thành tác nhân nhận, cái gì đó bắt đầu xảy ra cho bạn. Và biết cái đẹp của cái gì đó đang xảy ra mà không có việc làm của bạn là điều vĩ đại nhất trên thế giới. Biết cảm giác đó về cái đẹp, biết cảm giác đó về duyên dáng đang rót lên bạn, bạn không làm gì cả và mọi thứ đang xảy ra...
Bây giờ nghe lời kinh này của Lão Tử:
Cái rất mềm của thiên hạ,
Đi qua cái rất cứng trong thiên hạ.
Cái gì là chất mềm nhất của thiên hạ? Có hai thứ: trong thế giới bên ngoài cái mềm nhất là nước; trong thế giới bên trong cái mềm nhất là tình yêu. Và nước và tình yêu cả hai đều như nhau theo nhiều, nhiều cách. Chúng phải được hiểu.
Nước tìm chỗ hổng, tình yêu cũng tìm chỗ hổng. Nếu bạn là một bản ngã, tình yêu không thể đạt tới bạn được bởi vì bạn là đỉnh cao của bản ngã, đỉnh chóp. Bạn được tràn đầy với bản thân mình tới mức tình yêu không thể đạt tới bạn được - tình yêu cần bạn trống rỗng, chỗ trống không có cản trở nào. Nước cũng tìm chỗ hổng: đó là cách nó đi từ Himalaya cứ đi mãi đi mãi cho tới khi đạt tới đại dương. Đại dương là chỗ hổng nhất trên thế giới, đó là cách nước đạt tới nó. Dòng sông không thể đi tới đỉnh Gourishankar, nó không thể đi tới đỉnh cao nhất của Himalaya được; chính điều ngược lại xảy ra - sông được sinh ra từ những đỉnh cao nhất của Himalayas, ở chỗ băng hà, và thế rồi nó đi xuống thấp hơn, thấp hơn, thấp hơn và cứ đi cho tới khi nó tới chỗ hổng nhất và thấp nhất trên thế giới, đại dương. Đại dương trở thành nhà nó.
Tình yêu cũng đi tới cái hổng, cái trống - đó là lí do tại sao người bản ngã không thể yêu được và không thể được yêu. Họ ham muốn nhiều, họ đòi hỏi tình yêu, họ làm bất kì cái gì có thể được làm để đạt tới tình yêu, nhưng họ vẫn còn thất bại. Họ thất bại hoàn toàn, bởi vì vấn đề không phải là cách đạt tới tình yêu, vấn đề là cách trở thành hổng, cách trở thành trống rỗng. Tình yêu không nên được thăm dò trực tiếp, không thể được thăm dò trực tiếp, chỉ bằng cách gián tiếp bạn mới có thể trở thành sẵn có cho nó. Bạn đơn giản trở thành hổng, và nhìn, và thấy - cả nghìn lẻ một dòng suối sẽ bắt đầu chảy về bạn, những người lạ không biết sẽ rơi vào tình yêu với bạn - không chỉ con người, mà cả các vì sao và đá, cát và đại dương, cây cối và chim chóc, bất kì chỗ nào bạn đi, bỗng nhiên tình yêu sẽ bắt đầu tuôn chảy hướng tới bạn. Bởi vì tình yêu giống như nước, nó tìm kiếm chỗ hổng nơi nó nó thể nghỉ ngơi. Bạn đi qua bên cạnh cây - nếu bạn hổng, bỗng nhiên tình yêu của cây sẽ bắt đầu tuôn chảy tới bạn. Điều đó là tự nhiên. Nó chẳng có gì như phép màu cả; nó chỉ như nước vậy: bạn đổ nước và nó sẽ tìm chỗ hổng nhất để nghỉ ngơi. Tình yêu là nước của bản thể bên trong.
Lão Tử nói:
Cái rất mềm của thiên hạ,
Đi qua cái rất cứng trong thiên hạ.
Họ nói rằng trong vòng bẩy nghìn năm thác Niagara sẽ hoàn toàn làm biến mất mọi núi bao quanh nó. Cho tới giờ bẩy dặm đồi và núi đá đã bị nó làm tan biến. Trong vòng bầy nghìn năm thác Niagara sẽ biến mất bởi vì sẽ không có núi để từ đó đổ xuống. Đá cứng nhất bị biến mất bởi nước mềm nhất. Và nó chẳng bao giờ làm cái gì; nó không thực sự cố gắng làm cái gì cả, nó đơn giản cứ chảy. Và khi lần đầu tiên bạn thấy tảng đá và thác nước gặp gỡ bạn chắc chắn sẽ nói tảng đá này không thể nào tan biến được - cứng thế. Nhưng tất cả cát trong đại dương không là gì ngoài Himalaya quá khứ. Nước đã đem chúng và làm chúng thành nền cho đất, Himalaya biến mất và nước tiếp tục chảy - mềm mại thế nhưng bền bỉ thế, mềm mại nhưng liên tục thế, tới mức dần dần cái cứng hơn tan biến, không biết cái gì xảy ra.
Cái gì đang xảy ra? Tại sao yếu tố mềm làm tan biến yếu tố cứng? Bởi vì cái cứng chống cự, bởi vì cái cứng tranh đấu, bởi vì cái cứng phòng thủ từ chính ban đầu - điều đó làm nó mệt mỏi. Và cái mềm không phải là chiến sĩ. Từ chính lúc ban đầu trong tâm trí của yếu tố mềm không có việc làm tan biến hay phá huỷ bất kì ai. Nó đơn giản xuôi theo tiến trình riêng của nó hướng tới chỗ hổng - có vậy thôi. Nó không phải là kẻ thù từ chính lúc bắt đầu. Nhưng yếu tố cứng nhận biết, tỉnh táo, trong tâm trạng tranh đấu, chống cự - chính chống cự đó làm tiêu tán năng lượng, chính chống cự đó giết chết. Chống cự là chết.
Jesus có một câu nói rất, rất hay, hay và ngược đời không thể nào tin được. Ông ấy nói: Không chống lại quỉ. Các nhà thượng đế học Ki tô giáo đã không thể nào giải thích được điều đó hay giải thích nó theo cách xa hẳn - đó là vấn đề cho họ, điều khó hiểu. Không chống lại quỉ sao? Jesus dạy cái gì vậy? Jesus đang dạy Đạo đấy. Jesus đang dạy bí mật của vô vi. Ông ấy nói: Không chống quỉ và quỉ sẽ chết. Và bạn sẽ sống còn bởi vì quỉ bao giờ cũng tự bảo vệ, bao giờ cũng phòng thủ, bao giờ cũng mặc cảm, bao giờ cũng bảo vệ, có ý thức, hợp lí hoá, và đưa ra những thu xếp phòng thủ mới. Tự nó sẽ chết nếu bạn đơn giản không chống lại. Đó có thể là tảng đó bây giờ, rất cứng, đá hoa cương - và vô chống cự của bạn hệt như nước - mềm tới mức bạn không bao giờ có thể nghĩ rằng bạn có thể thắng được, nhưng...
Ở Ấn Độ chúng ta có câu ngạn ngữ, câu ngạn ngữ rất, rất sâu sắc: 'Satyamevajayate' - 'Chân lí bao giờ cũng thắng; vô chân lí không bao giờ.' Ai đó hỏi Phật: Chúng tôi thấy mâu thuẫn này trên thế gian. Thầy nói: 'Satyamevajayate' - 'Chân lí thắng, chân lí bao giờ cũng thắng lợi,' nhưng chúng tôi thấy điều đảo ngược lại trên thế gian. Chúng tôi thấy kẻ dối trá thắng, và người chân thực thua. Chúng tôi thấy người tinh ranh, bất lương thắng, còn người chân thành, trung thực bao giờ cũng là nạn nhân, bao giờ cũng thua. Phật nói: Cuối cùng chân lí thắng và phi chân lí thua. Cuối cùng, đến cuối.
Lúc đầu mọi sự đều dường như nói rằng đá sẽ thắng bởi vì nó là đá hoa cương còn nước đáng thương này, chả có sức mạnh gì trong nó, thậm chí không có hình dạng, không chống cự, khiêm tốn thế, không có bản ngã nào, khiêm tốn tới mức nó bao giờ cũng tìm kiếm chỗ hổng để trốn, không tham vọng, không cố gắng đi tới Delhi, chỉ đi tới chỗ hổng, chỉ trốn khỏi thế giới và ở đó - nước này, làm sao nó có thể thắng được? Chân lí dường như giống nước, nó giống như nước. Phi chân lí là tảng đá hoa cương, và Phật nói: Vâng, cuối cùng chân lí thắng và phi chân lí thua. Có thể mất thời gian lâu, có thể mất bẩy nghìn năm để Niagara làm tan biến mọi núi quanh nó, nhưng bẩy nghìn năm là gì trong vĩnh hằng? Chẳng là gì cả, thậm chí không là một giây.
Nếu bạn nhìn vào vĩnh hằng, cái mềm hơn là chiến thắng và cái cứng hơn là thất bại; nhưng nếu bạn nhìn với một tâm trí rất, rất thiển cận, cái cứng hơn dường như thắng. Nếu bạn nhìn Phật và Alexander đứng cùng nhau, bạn có thể nghĩ rằng Phật sẽ thắng không? Tất nhiên không - Alexander sẽ thắng. Mọi logic đều sẽ nói rằng Alexander sẽ thắng. Nếu bạn nhìn Lão Tử đứng bên cạnh Adolf Hitler, bạn có thể nghĩ Lão Tử sẽ thắng không? Lão Tử sẽ khiêm tốn thế và Hitler ngạo mạn thế. Hitler là tảng đá hoa cương, nhưng nhìn với tầm xa hơn, nhìn với viễn tượng, và bạn sẽ thấy mọi Hitler đều trở thành cát, mọi Alexanders tan biến thành cát. Và Lão Tử và Phật... họ cứ thắng. Họ không tranh đấu và họ thắng, còn những người tranh đấu, họ thất bại.
Cái rất mềm của thiên hạ,
Đi qua cái rất cứng trong thiên hạ.
Bạn đã bao giờ yêu ai đó chưa? Tình yêu mềm dịu tới mức bạn không thể nghĩ được rằng tình yêu sẽ thắng, nhưng nó bao giờ cũng thắng. Bao giờ đàn ông cũng thất bại, không bao giờ là đàn bà. Nếu đàn bà thất bại bạn có thể chắc chắn rằng cái gì đó của đàn ông đã đi vào cô ấy, và nếu đàn ông thắng bạn có thể chắc chắn rằng anh ấy có cái gì đó của nữ tính, của mềm mại, bên trong anh ta - bởi vì cái mềm thắng, cái cứng không thể thắng được.
Bạn có thể đánh người đàn bà bạn yêu, bạn có thể buộc cô ấy làm mọi thứ, bạn có thể bạo hành với cô ấy, nhưng chung cuộc, cuối cùng, cô ấy sẽ thắng. Nếu cô ấy yêu cô ấy sẽ thắng; nếu bạn yêu cô ấy bạn sẽ thất bại. Và cô ấy chưa bao giờ thực sự tranh đấu. Nếu cô ấy bắt đầu tranh đầu cô ấy sẽ thất bại bởi vì thế thì cô ấy mất toàn thể phẩm chất của mềm mại. Đây là điều đang xảy ra ở phương Tây.
Phụ nữ mới, được giải phóng không mềm mại, cô ấy rất cứng rắn. Cô ấy sẽ bị thất bại. Cô ấy đang cố dùng phương pháp nam tính chống lại đàn ông; cô ấy sẽ bị thất bại. Và cho dù cô ấy không thất bại cô ấy sẽ bị bỏ lại một mình với bản thân cô ấy, không tình yêu. Tôi đã thấy nhiều phụ nữ của phong trào giải phóng tới tôi, tôi bao giờ cũng thấy họ như sa mạc, khô khan. Mây của tình yêu đã tan biến khỏi cuộc sống của họ. Họ đã trở thành chiến sĩ. Họ đã đánh mất trong sáng và mềm mại của nước, họ đã trở thành cứng rắn.
Tôi đã đọc cương lĩnh của một nhánh của phong trào giải phóng. Cương lĩnh này là của một hội có cái tên là SCUM. Tên đầy đủ là 'Hội tiêu diệt đàn ông - Society to Cut up Men'. Hội tiêu diệt đàn ông sao? Trong cương lĩnh này có nói rằng mọi đàn ông phải bị tiêu diệt; họ phải bị giết, sát hại, quét sạch khỏi trái đất, họ là không được cần tới. Và nếu đàn bà cảm thấy thích yêu họ phải không bao giờ yêu đàn ông, họ phải trở thành đồng dục nữ - họ phải yêu đàn bà khác.
Người đàn bà đã viết bản cương lĩnh đó đã tự tử mới vài năm trước - cô ấy không thể giết được đàn ông nhưng cô ấy đã tự giết mình. Nếu bạn tranh đấu với đàn ông, bằng phương pháp đàn ông đã dùng từ đầu, chúng sẽ làm khô héo tính đàn bà của bạn hoàn toàn. Cái gì đó mềm mại bên trong bạn sẽ biến mất. Chúng phù hợp với đàn ông bởi vì đàn ông cứng rắn, đàn ông là tảng đá hoa cương - chúng không phù hợp với đàn bà chút nào. Một khi bạn cố dùng các phương pháp đó bạn sẽ giống như đàn ông. Tất nhiên bạn sẽ cảm thấy rằng bạn mạnh mẽ hơn, nhưng bạn ngu bởi vì bạn không biết rằng chung cuộc sức mạnh không bao giờ thắng. Chung cuộc chỉ khiêm tốn thắng.
Tôi đã từng quan sát đàn ông và đàn bà và mối quan hệ của họ theo cả triệu cách thức. Mặc cho mọi giả vờ của đàn ông, điều không đáng xét tới, điều đó là gần như không thể được cho đàn bà, nếu cô ấy vẫn còn là đàn bà, để không thắng. Đàn bà có thể cho phép đàn ông giả vờ là anh ta là người thắng nhưng mọi đàn bà đều biết rằng họ mới là người thắng. Thực tế, gọi bất kì ai là anh chồng sợ vợ đều sai, vì mọi đàn ông đều sợ vợ cả.
Điều ngược lại là không thể được, bởi vì đàn bà mềm mại thế, sẵn sàng điều chỉnh như nước thế. Làm sao bạn có thể phá huỷ được cô ấy? Cái mềm mại của cô ấy dần dần thắng bạn; duyên dáng của cô ấy, tình yêu của cô ấy, khiêm tốn của cô ấy, vô bản ngã của cô ấy, dần dần thắng bạn.
Alexander có thể là người lính vĩ đại ở bên ngoài nhà mình nhưng khi ông ta vào trong nhà ông ta chỉ là con chuột bình thường. Không đàn bà nào tin rằng bạn là người lính vĩ đại cả; cho dù cô ấy có nói thế, cho dù cô ấy thuyết phục bạn tin rằng bạn là người chủ thực của gia đình, bạn vẫn không phải vậy. Điều đó là không thể được, không phải bởi vì đàn bà đang chơi trò chính trị chống lại bạn đâu, không. Đó chỉ là hiện tượng tự nhiên - cái mềm thắng, và đàn bà là yếu tố mềm hơn đàn ông. Yếu tố cứng có cái dụng riêng của nó, nhưng khi có liên quan tới chiến thắng cuối cùng đó là cái mềm. Tất nhiên bạn không thể đánh bại được đàn ông nếu anh ta cũng có nữ tính - vị phật không thể bị đánh bại bởi đàn bà, không thể được, bởi vì vị phật còn nữ tính hơn bất kì đàn bà nào. Lão Tử không thể bị đánh bại, ông ấy còn khiêm tốn hơn bất kì đàn bà nào.
Nếu bạn muốn thắng theo Lão Tử bạn phải mềm mại, khiêm tốn, không chống cự.
Cái không hình dạng
xen vào được chỗ không kẽ nứt;
Cho dù đá hoa cương không nước nào thấm vào trong nó, nước vẫn đi qua nó - bởi vì nước không có hình dạng. Nước khiêm tốn tới mức bạn có thể cho nó bất kì hình dạng nào và nó bao giờ cũng sẵn sàng lấy hình đó, dạng đó. Bạn cho nó vào cốc, nó trở thành cốc; bạn cho nó vào xô, nó trở thành xô. Nó chưa bao giờ chống lại, chưa bao giờ kêu khóc, chưa bao giờ phàn nàn, chưa bao giờ phản đối. Nước mang tính đại lượng; nước không phải là kẻ phản kháng. Nó đơn giản nhường. Và tình yêu cũng vậy - tình yêu mang tính đại lượng, nó không là kẻ phản đối, nó đơn giản nhường. Nó tin cậy nhiều tới mức nó có thể lấy bất kì hình dạng nào, nó chưa bao giờ sợ. Bất kì hình dạng nào bạn muốn cho nó, nó sẵn sàng nhận, bởi vì trong bất kì hình dạng nào nó vẫn còn là một. Hình hay dạng không phải là điều thật, điều thật - bản thể bên trong nhất vẫn còn như cũ.
Yếu tố cứng hơn sợ hãi, sợ hơn, ít chắc chắn về cốt lõi bên trong nhất của bản thể, nhiều níu bám lấy hình dạng. Tảng đá sợ rằng nếu hình dạng bị vỡ, nó sẽ ở đâu? Nước không sợ. Hình dạng không phải là bản thể của nó - dù hình dạng là bất kì cái gì nó vẫn như cũ. Tình yêu không sợ, nó có thể lấy bất kì hình dạng nào; ghét sợ, ghét là thứ cứng rắn.
Mới hôm nọ ai đó hỏi tôi: Tại sao khi chúng tôi ghét, ghét lại mãnh liệt thế, nhưng khi chúng tôi yêu, chúng tôi không yêu mãnh liệt thế? Bởi vì bạn chỉ biết một mãnh liệt, mãnh liệt của chất cứng; bạn không biết mãnh liệt của chất lỏng, của hiện tượng lỏng. Bạn chỉ biết cái cứng của thép, bạn không biết cái mềm của hoa.
Và bạn sợ, cho nên khi bạn ghét bạn có thể ghét sâu sắc hoàn hảo, bạn có thể ghét toàn bộ, bạn có thể đi và phá huỷ kẻ thù hoàn toàn nhưng bạn chưa bao giờ cho năng lượng sáng tạo như thế cho người yêu của mình. Bạn có thể đi và phá huỷ kẻ thù, bạn có thể cho người đó chất độc và giết chết người đó; nhưng nếu tình yêu của bạn mà cũng mãnh liệt như bạn ghét thì bạn có thể trao cuộc sống của mình cho người yêu của mình. Đó là cùng một hiện tượng: ghét là phá huỷ, yêu là sáng tạo. Trong ghét bạn đi và phá huỷ người khác, trong yêu bạn phá huỷ bản thân mình và cho người khác toàn bộ bản thân mình.
Không, bạn chưa bao giờ cho bản mình một cách toàn bộ thế, bạn bao giờ cũng giữ bản thân mình lại, phần chính bạn bao giờ cũng giữ lại. Ai biết được, bất kì khoảnh khắc nào mọi sự cũng đều có thể thay đổi, thế thì bạn có thể rụt tay lại. Cho nên bạn chỉ đưa tay vào trong hiện tượng yêu; toàn thân vẫn còn bên ngoài để cho bạn có thể rụt nó lại bất kì khoảnh khắc nào mọi sự đi sai.
Chỉ một phần.... Mọi hôn nhân đều là hôn nhân một phần, do đó hôn nhân không bao giờ có thể tự do khỏi li dị. Hôn nhân một phần - làm sao nó có thể tự do được với li dị? Dù luật pháp có cho phép hay không, đấy không phải là vấn đề, duy nhất hôn nhân toàn bộ mới có thể tự do khỏi li dị. Hôn nhân toàn bộ nghĩa là hội nhập, và hội nhập là có thể chỉ nếu bạn mềm - làm sao bạn có thể hội nhập được nếu bạn cứng?
Cái không hình dạng
xen vào được chỗ không kẽ nứt;
Do đó mà ta biết được sự lợi ích của vô hành động
Lão Tử nói: Do đó mà ta biết được sự lợi ích của vô hành động - bởi vì mọi hành động đều hung hăng, mọi hành động đều nam tính. Trong hành động có mùi vị của gia trưởng nam tính, trong chính hiện tượng của hành động, hung hăng tồn tại. Tình yêu không thể là hành động, nó chỉ có thể là vô hành động; lời cầu nguyện không thể là hành động, bởi vì nó là dạng cao nhất của tình yêu - nó chỉ có thể vô hành động. Đó là lí do tại sao thầy tu Sufi này đã bỏ lỡ còn người ăn xin đã đạt tới. Thầy tu Sufi quá hành động, liên tục cầu nguyện, người làm. Bản ngã của ông ấy phải đã trở nên ngày một tinh tế và mạnh hơn và mạnh hơn và mạnh hơn. Nó phải đã trở thành như lưỡi kiếm, sắc, mạnh, bén ngọt. Người ăn xin có thể đạt tới, người đó chỉ là người ăn xin và người đó không làm điều đó, điều đó xảy ra.
Đừng bao giờ cố làm mọi sự mà không thể được làm, điều chỉ xảy ra. Đừng bao giờ cố 'làm' lời cầu nguyện, chỉ ở trong tâm trạng cảm nhận và cho phép nó. Ngồi dưới cây, và chờ đợi - và tôi bảo bạn rằng bất kì cây nào cũng đều có thể trở thành lùm sồi. Bạn ngồi im lặng và chờ đợi. Nếu bỗng nhiên bạn cảm thấy khuấy động trong tim và một cái tên bật ra, nếu cái gì đó nổi lên bề mặt, chiếm quyền sở hữu - thì cầu nguyện! Nếu bạn cảm thấy tư thế nào đó xảy ra, để cho chúng xảy ra, đừng là người kiểm soát theo bất kì cách nào. Nếu nước mắt bắt đầu chảy, để chúng chảy - thế thì đó là lời cầu nguyện của khoảnh khắc đó. Nếu bạn bỗng nhiên cảm thấy rằng bạn muốn lăn lộn dưới đất, thì lăn lộn trên đất. Để cho điều đó là lời cầu nguyện trong khoảnh khắc đó. Đó là cách sự tồn tại muốn nó vào khoảnh khắc đó. Chỉ theo cách đó, trong khoảnh khắc đó, bạn có thể đạt tới lời cầu nguyện. Cho phép!
Sự tồn tại là bao la. Cho phép sự tồn tại, phá vỡ mọi rào chắn của bạn - và chỉ chờ đợi.
Chuyện xảy ra cho một trong những nhà huyền môn Sufi vĩ đại nhất. Tên ông ấy là nhà huyền môn và nhà thơ Sufi vĩ đại. Ông ấy đi qua phố trong thị trấn, và ông ấy đi qua phố khi thợ kim hoàn đang làm việc. Ông ấy đã cầu nguyện chăm chỉ, nhưng chẳng cái gì xảy ra cả. Ông ấy cầu nguyện suốt đêm ngày - nhưng chỉ thất vọng và thất vọng xảy ra, và bao giờ tay cũng trống rỗng. Lời cầu nguyện hay lảng tránh, ông ấy không thể bắt giữ được nó; ông ấy cố gắng vất vả, siết chặt nắm đấm của mình - nhưng bất kì khi nào ông ấy mở nắm đấm ra đều chẳng có gì.
Ông ấy đi qua bãi chợ dọc phố kim hoàn. Họ đang đập búa vào các bản vàng và có nhiều tiếng ồn. Ông ấy đứng đó. Đột nhiên cái gì đó bắt giữ ông ấy, ông ấy bị chiếm hữu. Họ đang đập búa lên tấm vàng và ông ấy bắt đầu nghe thấy tên của Allah trong việc đập búa - 'Allah, Allah, Allah.' Ông ấy không thể nào tin được vào điều đó. Một vi chỉnh tinh tế đã xảy ra và ông ấy tràn ngập với cực lạc và phúc lạc thế, ông ấy bắt đầu nhảy múa. Ông ấy xoay tít. Vào hôm đó, trong thị trấn nhỏ đó, bởi vì những thợ kim hoàn đó và việc gõ búa và tiếng ồn, lần đầu tiên việc xoay tít của thầy tu được thực hiện; đó là lần đầu tiên điệu vũ xoay tít được thực hiện.
Ông ấy chưa bao giờ dự định điều đó, nhưng bạn có thể làm gì khi bạn cảm thấy phúc lạc thế, khi cái gì đó chiếm quyền sở hữu? Bạn có thể làm gì khi trái tim bạn đang cảm thấy hạnh phúc thế, ngoại trừ nhảy múa? Ông ấy nhảy múa và nhảy múa và nhảy múa hàng giờ và toàn thể bãi chợ tụ tập lại và họ nghĩ ông ấy đã phát điên. Mọi người bắt đầu nghĩ: Điều này bao giờ cũng xảy ra cho người tôn giáo, ông ấy đã phát điên. Ngày đó ông ấy trở thành vị phật.
Và nhiều người đã đạt tới qua nhảy múa. Ngày đó ông ấy không chủ ý đã phát minh ra phương pháp, ông ấy đã khám phá ra phương cách. Với người khác đó là phương cách, với bản thân ông ấy đó là hiện tượng tự phát.
Chờ đợi và quan sát, ông ấy phải đã trong bãi chợ đó mà không có mong đợi nào về việc gặp Thượng đế ở đó - ai mong đợi gặp Thượng đế trong bãi chợ? Không ai đã bao giờ mong đợi. Nếu bạn đi lên Himalaya bạn có thể mong đợi, nhưng ở bãi chợ không ai mong đợi cả.
Và trong phố nơi thợ kim hoàn làm việc, không ai đã từng mong đợi. Nó ồn ào thế, phiền phức thế - nhưng nó đã xảy ra. Ở đó Jalaluddin trở thành một trong những bậc thầy vĩ đại nhất đã từng có. Nhưng điều đó đã xảy ra. Thế thì không có nhu cầu cầu nguyện. Thế thì ông ấy không bao giờ cầu nguyện nữa theo cách cổ, thế thì ông ấy bao giờ cũng chờ đợi cho tới đúng khoảnh khắc. Bất kì khi nào khoảnh khắc đúng tới, khi vũ trụ muốn bạn nhảy múa, bạn nhảy múa, khi sự tồn tại muốn bạn hát, bạn hát - nhưng nó không liên quan gì tới phần của bạn. Bạn không phải là người làm.
Do đó mà ta biết được sự lợi ích của vô hành động
Dạy bảo mà không cần đến lời nói,
Lợi ích của vô vi,
Trong thiên hạ ít ai hiểu kịp.
Không có so sánh với khoảnh khắc đó, với cực lạc và phúc lạc đó mà đột nhiên xảy ra và chiếm quyền sở hữu bạn - bạn bị ám ảnh.
Đừng tìm kiếm Thượng đế. Chỉ tìm tình huống nơi bạn có thể bị ám ảnh. Đừng cố đi thẳng - cứ đợi. Và bỗng nhiên từ chiều không biết ngài tới và rót vào đầu bạn bằng ánh sáng không biết. Bạn sẽ không bao giờ có khả năng thốt ra một lời về nó - lưỡi không được làm ra cho điều đó, môi không có khả năng của điều đó. Mọi điều họ có thể nói được là bao giờ cũng về và về và về, nó không bao giờ là sự vật. Đó là lí do tại sao Lão Tử nói: Đạo không thể được thốt ra, và cái có thể được thốt ra không thể là Đạo.
Trong im lặng nó được nghe thấy và được biết tới; trong im lặng nó được cảm thấy và được sống; trong im lặng bạn trở thành nó, nó trở thành bạn. Bạn sẽ không đạt tới nó qua hành động mà qua vô hành động và im lặng.
Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đi vào hang động và ngồi và vứt bỏ mọi hành động, không. Đó là điều đã được thầy tu kia thực hiện, người đã ngồi mười tám năm và đã bỏ lỡ. Không cần đi đâu cả. Thay vì thế, cố hiểu mẹo của việc làm cân bằng giữa hành động và vô hành động. Ngay cả khi bạn đang làm mọi thứ bao giờ cũng nhớ bạn không là người làm, ngài là người làm. Bao giờ cũng nhớ rằng cái toàn thể đang làm việc qua bạn, bạn không nhiều hơn cây sậy, cây sáo bằng sậy. Tiếng nói, bài ca, âm nhạc, tất cả đều là của ngài, tất cả đều là của cái toàn thể.
Trong hành động bạn nhớ rằng hành động là của ngài, bạn chỉ là người quan sát, nhân chứng. Thế thì vô hành động đi vào trong hành động. Khi hành động trở thành vô hành động, khi chúng cả hai đi cùng nhau, được cân bằng, bạn không còn là một phần của thế giới này; nhị nguyên biến mất trong cân bằng đó. Trong định tâm đó nhị nguyên không có đó, bạn đã siêu việt. Đạo là siêu việt, chân lí là siêu việt.
Cân bằng giữa bất kì nhị nguyên nào và bỗng nhiên cánh cửa mở ra. Cánh cửa bao giờ cũng vẫn còn mở, chỉ bạn quá dính líu vào trong hành động tới mức bạn không có không gian để thấy rằng nó là mở.
Vâng, Lão Tử là đúng -
Dạy bảo mà không cần đến lời nói,
Lợi ích của vô vi,
Trong thiên hạ ít ai hiểu kịp.
Xem Chương 8 Quay về Mục lụcQuay về Mục lục Toàn tập

Ads Belove Post