Read more
Osho - Đạo: Ba Kho Báu (Tập 3)
Chương 3. Chinh phục thế giới bằng vô vi
Lão Tử nói:
Theo học, càng ngày càng thêm,
Theo Đạo, càng ngày càng bớt.
Bớt rồi lại bớt, đến mức vô vi.
Không làm mà không gì là không làm,
Thường dùng vô vi thì được thiên hạ,
Bằng dùng hữu vi thì không đủ trị thiên hạ.
Tri thức là gì? Và tại sao tất cả những người đã trở nên thức
tỉnh đều chống lại nó sâu sắc?
Tri thức là phương cách để tranh đấu với sự tồn tại. Tri thức
là công cụ trong tay của bản ngã. Tri thức là xung đột: bộ phận đang cố chinh
phục cái toàn thể bằng việc biết bí mật của cái toàn thể. Tri thức là trò bản
ngã cơ bản.
Cũng như tiền là trò bản ngã, quyền lực là trò bản ngã, tri
thức cũng là trò bản ngã - nhưng nguy hiểm hơn tiền, nguy hiểm hơn quyền, bởi
vì tri thức tinh vi hơn. Tôi phải kể cho bạn câu chuyện kinh thánh cổ về việc
đuổi Adam ra khỏi thiên đường. Chuyện ngụ ngôn đó có nghĩa đa chiều. Một trong
các nghĩa là của Lão Tử: Thượng đế tạo ra thế giới, và ngài bảo Adam không được
ăn quả của cây tri thức - nhưng tại sao lại đặc biệt cây tri thức? Thực tế điều
đó dường như ngớ ngẩn. Giá mà ngài cấm Adam không được giết người, chúng ta có
thể đã hiểu được; giá mà ngài cấm Adam đi vào dục, thế thì mọi tôn giáo thế giới
đã hiểu được. Nhưng Thượng đế không cấm dục không cấm bạo hành mà cấm tri thức.
Tri thức dường như là tội lỗi nguyên thuỷ.
Nhưng tại sao Thượng đế cấm điều đó? Tại sao tri thức là
nguy hiểm? Bởi vì chính nỗ lực biết bí mật là hung hăng. Hung hăng sâu sắc nhất.
Chính nỗ lực tiết lộ các bí ẩn là bạo hành. Và chính nỗ lực để biết nghĩa là bạn
đang sẵn sàng tranh đấu. Bằng không bạn sẽ làm gì với tri thức?
Tri thức là phương cách của hung hăng, tranh đấu và xung đột.
Bộ phận đang cố nổi loạn; bộ phận đang cố có trung tâm riêng của nó để tách rời
khỏi cái toàn thể. Bộ phận đang cố gắng trở thành trung tâm của bản thân thế giới!
Không phải là có một Thượng đế cấm đoán đâu. Hôm qua tôi đã
kể cho các bạn rằng Thượng đế thích nghe chuyện. Bây giờ tôi phải kể cho bạn rằng
bản thân Thượng đế là một phần của câu chuyện hay. Thượng đế là chuyện ngụ ngôn
hay nhất. Không có gì giống như Thượng đế ở bất kì đâu. Đừng tìm ngài bằng
không bạn sẽ tìm ngài một cách vô ích. Bạn sẽ không bao giờ bắt gặp ngài đâu.
Thượng đế là chuyện ngụ ngôn - nhưng hay! Nó nói nhiều thứ, và bạn sẽ bỏ lỡ nếu
bạn nghĩ rằng Thượng đế là người. Thượng đế không phải là người.
Chuyện xảy ra, có lần tôi nghe một đối thoại triết lí lớn.
Tôi ngồi trong nhà của người giầu, trong phòng khách đẹp của người đó; người đó
thường xuyên huyên thuyên, nhưng thế rồi điện thoại kêu trong phòng khác và người
đó bỏ lại tôi. Cũng tốt là người đó bỏ đi bằng không tôi chắc đã bỏ lỡ cuộc đối
thoại lớn này.
Ngay bên cạnh tôi có một cái bát lớn, và hai con cá vàng
đang bơi trong đó. Con trẻ hơn bỗng nhiên dừng lại và hỏi con kia: "Đằng ấy
có tin vào Thượng đế không?" Con cá trẻ này trông rất bình thản - người
tìm kiếm. Con già hơn nói theo kiểu guru: "Có chứ, bằng không anh cho rằng
ai thay nước hàng ngày? Nếu không có Thượng đế anh cho rằng ai thay nước hàng
ngày cho chúng ta?"
Mọi khái niệm về Thượng đế đều giống thế này - Bạn cho rằng
ai đã tạo ra thế giới? Bạn cho rằng ai đang kiểm soát thế giới, quản lí thế giới?
Toàn tâm trí nhỏ bé, khái niệm nhỏ bé. Thượng đế không phải là khái niệm, đó là
chuyện ngụ ngôn.
Cho nên nhớ khi tôi nói 'Thượng đế cấm' tôi không ngụ ý rằng
có ai đó cấm. Tôi đơn giản ngụ ý rằng đây là cách nói cái gì đó. Sự tồn tại cấm
tri thức. Sự tồn tại cho phép hồn nhiên và cấm tri thức bởi vì trong hồn nhiên
bộ phận hội nhập với cái toàn thể, vẫn còn cùng với cái toàn thể - và khoảnh khắc
nó bắt đầu biết, bản ngã phát sinh, bản ngã kết tinh. Bộ phận không tuôn chảy
cùng cái toàn thể bây giờ, bây giờ nó có tâm trí riêng của nó - làm những thứ
gì đó, không làm những thứ gì đó; bây giờ nó có chọn lựa riêng của nó, bây giờ
nó có cái thích và không thích riêng của nó.
Đây là nghĩa của câu chuyện này: đột nhiên Adam và Eve bị đuổi
khỏi thiên đường.
Bạn phải đã tự hỏi thiên đường ở đâu. Nó không phải là nơi
chốn địa lí, nó là trạng thái tâm lí của tâm trí. Hồn nhiên là thiên đường, tri
thức là việc đuổi ra.
Mọi đứa trẻ được sinh ra đều như Adam hay Eve và vẫn còn
trong thiên đường. Nhưng thế rồi chúng ta bắt đầu dạy nó, chúng ta bắt đầu ước
định nó. Mọi thầy giáo và mọi người đều ước định, tất cả những người cố làm cho
đứa trẻ thành thông thái, đều là con rắn đã thuyết phục Eve rằng nếu bạn ăn quả
của cây tri thức bạn sẽ trở thành giống như Thượng đế, bạn sẽ có trung tâm
riêng của mình như Thượng đế có trung tâm của ngài. Nếu bạn biết, bạn sẽ trở
thành cái gì đó khác hơn bạn đang vậy.
Toàn thể tri thức là dụ dỗ để trở thành cái gì đó mà bạn
không là. Mọi tri thức đều tạo ra tương lai, mọi tri thức đều tạo ra ham muốn để
trở thành cái gì đó mà bạn không là.
Hồn nhiên là tận hưởng cái bạn đang là, tri thức là làm nỗ lực
vì cái bạn không là.
Con rắn đó là thầy giáo đầu tiên của thế giới. Con rắn đó đã
tạo ra rạn nứt, và rạn nứt này là giữa hiện hữu và trở thành. Mọi tri thức đều
tạo ra rạn nứt này giữa cái đang vậy của bạn và việc trở thành của bạn. Nó tạo
ra mơ. Nó tạo ra cám dỗ, ảo tưởng rằng bạn có thể trở thành giống như thượng đế.
Nhưng - bạn không là thượng đế, bạn có thể trở thành giống như thượng đế. Hồn
nhiên nói bạn hiện hữu, không cần trở thành. Điều khác là không thể được - bạn
là một phần của cái toàn thể, bạn có cùng phẩm chất như cái toàn thể có, bạn là
linh thiêng. Hồn nhiên nói bạn đã là cái đó. Không cái gì cần được làm. Bạn đơn
giản phải tận hưởng nó và mở hội nó và vui mừng trong nó. Tri thức nói: Như
mình thế thì mình bị kết án, mình chẳng là gì cả; mình phải trở thành giống thượng
đế. Cố đi! Làm nỗ lực! Làm mọi sự! Đưa mình vào kỉ luật!
Nhớ lấy, ngày đứa trẻ bắt đầu nghĩ về tương lai nó đánh mất
hồn nhiên. Cho tới khoảnh khắc đó, trong khi nó vẫn còn tận hưởng hiện tại, nó
là đứa trẻ, hồn nhiên; hiện hữu của nó không bị biến chất. Trở thành còn chưa
đi vào trong, nó vẫn trong thiên đường.
Thiên đường không là gì, thiên đường là năng lực tận hưởng bản
thân mình ngay ở đây và bây giờ.
Bạn đang trong thiên đường, nhưng dầu vậy bạn đã đánh mất nó
bởi vì bạn không thể tận hưởng được ở đây và bây giờ. Bạn đang nghĩ, lập kế hoạch
cho tương lai, ở đâu đó khi bạn trở thành giống như thượng đế, thế thì bạn sẽ tận
hưởng nó.
Tri thức tạo ra tương lai. Tri thức tạo ra ham muốn. Tri thức
tạo ra trở thành. Tri thức là sansar, bánh xe. Khi bạn ở trong bánh xe bạn cứ
đi vòng tròn và vòng tròn chẳng đạt tới đâu cả.
Tri thức là thế giới. Khi Jesus nói: Vương quốc của ta không
phải là của thế giới này, ông ấy ngụ ý thế giới của trở thành. Ông ấy không ngụ
ý thế giới này của cây cối và chim chóc đang hót và mưa đang rơi, và bầu trời
và mây, không, ông ấy không ngụ ý 'thế giới này', thế giới này bao quanh bạn,
ông ấy ngụ ý thế giới bao quanh tâm trí bạn và hiện hữu của bạn, thế giới của trở
thành, ham muốn - điều Phật gọi là tanha. Ham muốn là cái gì đó khác hơn bạn đã
là.
Và điều đó là không thể được. Bạn sẽ ở trong địa ngục thường
xuyên. Bạn chỉ có thể là cái bạn đã là, không cái gì khác là có thể. Bạn đơn giản
cố làm cái gì đó không thể được.
Bạn không thể là bất kì cái gì khác được. Làm sao bạn có thể
thế được? Hoa hồng cố trở thành hoa sen, hoa sen cố trở thành cái gì đó khác...
nhưng chúng không ngu xuẩn thế, chúng vẫn là một phần của thiên đường. Bụi hồng
ở ngay bên cạnh bạn vẫn trong thiên đường nhưng bạn thì không. Đứa trẻ đang ngồi
ngay cạnh bạn có thể vẫn trong thiên đường nhưng bạn thì không. Tôi đang ở đây
ngay trước bạn, và trong thiên đường, nhưng bạn thì không. Cho nên thiên đường
không phải là vấn đề địa lí, nó là vấn đề của không gian bên trong.
Tri thức tạo ra kẽ nứt, nó làm biến chất hồn nhiên, nó làm
cho bạn già đi, bằng không bạn bao giờ cũng vẫn còn giống như trẻ con. Và khi
Jesus nói, và ông ấy hoàn toàn đúng, rằng 'chừng nào các ông còn chưa trở thành
giống như trẻ con các ông sẽ không vào vương quốc Thượng đế của ta,' đó là bí mật
để mở ra những cánh cửa đóng của thiên đường lần nữa.
Tri thức đuổi bạn ra, không phải Thượng đế. Không có Thượng
đế, cái đó chỉ là cách nói cho cùng một điều. Để nói điều đó theo cách dễ hơn
chúng ta làm ra chuyện ngụ ngôn mà bạn có thể hiểu. Khoảnh khắc bạn trở nên
thông thái bạn tự động bị đuổi ra, không ai đuổi bạn cả. Và khoảnh khắc bạn vứt
bỏ tri thức và trở thành lại hồn nhiên, bạn được chấp nhận trở lại, không ai chấp
nhận bạn cả.
Tri thức là phương cách để tranh đấu với cái toàn thể, và
làm sao bạn có thể tranh đấu với cái toàn thể được? Điều đó cũng giống như giọt
nước của đại dương tranh đấu với đại dương; điều đó sẽ là khổ sở, rất rất khổ,
hiện tượng địa ngục. Làm sao giọt nước có thể tranh đấu với đại dương được? Nó
có thể cứ tranh đấu, nhưng không có khả năng nào cho nó đã bao giờ chinh phục
được cái toàn thể. Nó bao giờ cũng sẽ trong thất bại, và đó là địa ngục, bao giờ
cũng bị đánh bại, bao giờ cũng bị đánh bại, bao giờ cũng thất bại.
Và Lão Tử nói: Tri thức là tội lỗi duy nhất. Và tất cả những
người đã thức tỉnh tới hồn nhiên bên trong nhất của họ đều nói cùng điều này.
Vứt bỏ tri thức, và trở nên hồn nhiên, lại như trẻ con.
Giành lại tuổi thơ đã mất của bạn, và bỗng nhiên bạn trở thành hiền nhân, thánh
nhân. Không cái gì thiếu. Ngoại trừ ham muốn này để trở thành cái gì đó khác,
không cái gì chắn đường bạn cả.
Theo học, càng ngày càng thêm,
Theo Đạo, càng ngày càng bớt.
Những người quan tâm tới tri thức, toàn thể nỗ lực của họ là
để biết ngày càng nhiều hơn càng nhiều hơn. Họ cứ tích luỹ, và họ càng tích luỹ
nhiều, họ càng bị nặng gánh nhiều. Bạn có thể nhìn quanh - mọi người dường như
mang nhiều tải trọng nặng thế, bị nghiền nát dưới tích luỹ riêng của mình, khổ
sở, nhưng dầu vậy vẫn níu bám lấy nó bởi vì người đó nghĩ nó là cái gì đó quí
giá.
Nếu bạn quan sát bản thân mình bạn sẽ ngạc nhiên rằng bạn cứ
níu bám lấy đau đớn của mình; bạn cứ ham muốn rằng một ngày nào đó, ở đâu đó, cực
lạc sẽ xảy ra, nhưng bạn cứ níu bám lấy đau đớn của mình, bạn chưa bao giờ vứt
bỏ nó. Nhớ lấy, nó không níu bám lấy bạn, nó không thể níu bám vào bạn được, bạn
níu bám lấy nó. Bạn không chỉ níu bám đâu, bạn cứ lớn lên cùng nó, bạn cứ giúp
cho nó phát triển ngày càng nhiều hơn.
Lão Tử nói: Theo học, càng ngày càng thêm. Toàn thể nỗ lực của
người đó là học nữa, tích luỹ nữa, biết nữa. Và người đó càng biết nhiều người
đó càng trở nên biết bên trong ít hơn, bởi vì thế thì bản thể bị mất nhiều hơn.
Thế thì người đó trở thành đống thông tin, chỗ để đồ đồng nát, và người đó
không thể tìm thấy bản thân mình, mình ở đâu. Người đó bị mất hút trong rừng rậm
tri thức của riêng mình.
Theo học, càng ngày càng thêm.
Chính điều đối lập lại mới là người học đạo, người học chân
lí, không phải tri thức, người học về hiện hữu, không học về trở thành. Người
đó là chính cái đối lập. Người đó cứ đánh mất đi hàng ngày, người đó dỡ bở gánh
nặng cho bản thân mình, người đó dỡ bỏ. Việc học duy nhất của người đó là cách
dỡ bỏ. Điều duy nhất người đó quan tâm là cách dỡ bỏ gánh nặng toàn bộ.
Một triết gia Đức tới gặp Maharshi Raman. Tất nhiên ông ta
đã đi lâu, và ông ta phải đã nghĩ nhiều về điều ông ấy sẽ hỏi. Khi ông ấy tới
Raman ông ấy nói, "Tôi đã tới để ngồi gần thầy, để học nhiều." Raman
nhìn ông ta với từ bi sâu sắc và nói, "Thế thì ông đã tới nhầm người rồi bởi
vì ở đây ta chỉ dạy dỡ bỏ. Nếu ông đã tới để học ông đã tới nhầm chỗ, đi đâu đó
khác đi; nhưng nếu ông sẵn sàng dỡ bỏ, đủ chín chắn để dỡ bỏ, thế thì ông có thể
ở lại đây."
Ông ấy đúng. Ở gần hiền nhân bạn đi tới dỡ bỏ. Khi bạn chán
với việc học của mình, khi bạn đã học nhiều và chẳng thu được cái gì, khi bạn
biết nhiều nhưng bạn đã hoàn toàn quên mất mình là ai, khi bạn biết nhiều về những
thứ không cần thiết, những thứ không bản chất, và tri thức bản chất này về hiện
hữu riêng của bạn bị mất, thế thì bạn đi tới hiền nhân để dỡ bỏ.
Và đó là buông bỏ vĩ đại nhất. Buông bỏ của cải là dễ dàng,
bởi vì nó ở bên ngoài bạn. Kẻ cướp có thể lấy nó đi, nó có thể bị lấy trộm, nó
không phải là một phần của bạn, nó là ở bên ngoài! Bạn có thể vứt bỏ nó dễ dàng.
Nhưng tri thức của bạn trở thành hiện tượng bên trong, nó nắm
bên trong bạn, nó chạy trong máu bạn, nó trở thành một phần xương bạn, nó trở
thành chính tuỷ bạn; khó mà buông bỏ nó.
Dễ học một thứ, rất khó dỡ bỏ nó. Làm sao dỡ bỏ được khi bạn
biết điều nào đó? Rất khó trở thành không biết nó. Làm sao vứt bỏ nó? Nó ở sâu
thế bên trong bạn. Chừng nào bạn còn chưa vượt ra ngoài tâm trí, vì bạn bị đồng
nhất với tâm trí, bạn không thể vứt bỏ được nó bởi vì thế thì bạn nghĩ 'Nó là
mình.' Thế thì bạn nghĩ tri thức của bạn là hiện hữu của bạn.
Làm đi! Mọi cách thiền đều là kĩ thuật để đi khỏi tâm trí, để
thu lấy chút ít khoảnh cách với tâm trí, để trở nên xa cách chút ít và không bị
đồng nhất với nó, để siêu việt lên trên tâm trí, để trở thành người quan sát trên
núi để cho bạn có thể thấy điều đang xảy ra trong tâm trí. Khi bạn tách rời khỏi
tâm trí, chỉ thế thì mới có khả năng vứt bỏ cái gì đó, vứt bỏ tri thức, dỡ bỏ.
Theo Đạo, càng ngày càng bớt.
Đó là cái thu được của người đó. Người đó thu được bằng việc
đánh mất đi từng ngày. Đó là việc học của người đó, người đó học bằng việc dỡ bỏ
từng ngày. Một khoảnh khắc tới khi người đó lại là đứa trẻ, không biết cái gì.
Một khoảnh khắc tới khi người đó lại đi vào trong thiên đường.
Người đó nếm trải quả đắng của tri thức, nhưng người đó thấy
nó là ngu xuẩn. Tri thức là ngu xuẩn sâu sắc.
Người đó tìm thấy nó, bây giờ người đó đi vào trong thiên đường
lần nữa. Bây giờ không rắn nào có thể dụ dỗ được người đó. Người đó đi tới chín
chắn - như trẻ con nhưng chín chắn; đứa trẻ, hồn nhiên - nhưng tỉnh táo, nhận
biết, ý thức.
Bây giờ người đó đạt tới thuần khiết lớn hơn, bởi vì thuần
khiết mà không có nhận biết nhất định sẽ bị mất đi. Ai đó sẽ cám dỗ, ai đó sẽ
biến chất, và nếu không có ai cả, bản thân bạn sẽ tự làm biến chất mình, bởi vì
bạn không tỉnh táo.
Adam phải bị đuổi ra khỏi vườn thiên đường. Anh ta đơn giản
đã hồn nhiên. Anh ta đã là Phật ở một phần: anh ta đã hồn nhiên, anh ta giống
như Jesus ở một phần: anh ta đã hồn nhiên, nhưng phần khác còn bị thiếu, anh ta
không nhận biết.
Adam là bắt đầu, Jesus là chỗ cuối. Adam là một nửa, Jesus
là đầy đủ - nửa kia đã trở nên nhận biết. Bây giờ Jesus là không thể bị biến chất.
Ông ấy không chỉ thuần khiết, ông ấy còn là không thể bị biến chất, hồn nhiên của
ông ấy bây giờ là tuyệt đối.
Theo Đạo, càng ngày càng bớt.
Bớt rồi lại bớt, đến mức vô vi.
Điều này rất tinh tế. Chú ý nhiều như bạn có thể chú ý. Có
tính thiền về điều đó nhất có thể được.
Bạn có thể không biết rằng từ thiền - meditation bắt nguồn từ
cùng gốc như thuốc - medication, y học, và nghĩa gốc của từ này là - một kĩ thuật
để trở thành toàn thể, kĩ thuật để trở thành mạnh khoẻ. Thuốc là y học, cũng giống
như thế, thiền cũng là thuốc. Nó làm cho bạn thành toàn thể, được hoà nhập, mạnh
khoẻ.
Chú ý, lắng nghe nó một cách thiền nhất có thể được. Khi bạn
lắng nghe một cách có tính thiền bạn hiểu, khi bạn lắng nghe một cách tập trung
bạn học. Nếu bạn lắng nghe với sự tập trung, bạn sẽ thu được tri thức, nếu bạn
lắng nghe một cách có tính thiền, bạn sẽ mất tri thức. Và khác biệt là rất tinh
tế.
Khi bạn lắng nghe một cách chăm chú, chăm chú nghĩa là căng
thẳng, nó nghĩa là bạn đang căng thẳng, quá hăm hở để học, để hấp thu, để biết.
Bạn quan tâm tới tri thức, tập trung là cách hướng tới tri thức; tâm trí hội tụ
vào một điều tất nhiên, học nhiều hơn.
Thiền là tâm trí không hội tụ, bạn đơn giản im lặng, không
căng thẳng trong tâm trí, không với thôi thúc để biết và học, không, với thảnh
thơi toàn bộ, trong buông bỏ, trong việc mở bản thể mình.
Bạn lắng nghe, không biết, bạn đơn giản hiểu. Đây là những
cách lắng nghe khác nhau.
Nếu bạn cố biết, thế thì bạn đang cố ghi nhớ điều tôi nói,
sâu bên dưới bạn đang lặp lại nó, bạn đang ghi chép bên trong tâm trí, bạn đang
viết nó trong thế giới của kí ức của bạn, bạn quan tâm tới việc để nó được bắt
rễ sâu trong bạn để cho bạn không quên. Thế thì nó sẽ trở thành tri thức.
Và cùng hạt mầm đó có thể đã trở thành dỡ bỏ, hiểu biết. Thế
thì bạn đơn giản lắng nghe, bạn không quan tâm tới tích luỹ nó, bạn không quan
tâm tới việc viết nó vào kí ức của mình, vào tâm trí mình. Bạn đơn giản nghe cởi
mở, như bạn nghe âm nhạc, như bạn nghe chim hót trên cây, như bạn nghe gió thoảng
qua rặng thông cổ, như bạn nghe tiếng nước trong thác đổ - không có gì để ghi
nhớ, không có gì để học thuộc lòng, bạn không nghe bằng tâm trí vẹt, bạn đơn giản
nghe mà không có tâm trí nào - việc lắng nghe là hay, nó là cực lạc, không có mục
đích trong nó, trong bản thân mình nó là cực lạc, nó là phúc lạc.
Lắng nghe có tính thiền, không với tập trung. Mọi trường học,
cao đẳng, đại học đều dạy tập trung, bởi vì mục đích là ghi nhớ. Ở đây mục đích
không phải là ghi nhớ, mục đích không phải là học chút nào, mục đích là dỡ bỏ.
Lắng nghe một cách im lặng, và không nghĩ rằng bạn sẽ quên.
Không cần nhớ; chỉ cái rác rưởi mới cần nhớ, bởi vì bạn cứ quên nó.
Bất kì khi nào bạn nghe chân lí đều không cần nhớ nó bởi vì
nó không thể bị quên được. Bạn có thể không có khả năng nhớ các lời nhưng bạn sẽ
nhớ điều tinh tuý - và cái đó sẽ không là một phần của kí ức bạn, nó sẽ là một
phần của bản thể bạn.
Tôi đang nói điều gì đó ở đây, Lão Tử đang nói điều gì đó ở
đây qua tôi, để làm lộ ra một phần của bản thể giấu kín của bạn. Ông ấy không
nuôi bạn bằng thông tin mới, ông ấy chỉ làm lộ bạn ra, khám phá lại bạn, cho bạn
thoáng nhìn về bản thể riêng của mình.
Bớt rồi lại bớt, đến mức vô vi.
Tri thức là việc làm, nó là xung đột, vật lộn, điều Darwin gọi
là 'sống còn của kẻ mạnh nhất.' Nó là tranh đấu với tự nhiên, nó là cuộc chiến
thường xuyên của con người chống lại cái toàn thể. Ngu xuẩn! Nhưng nó có đó.
Khi bạn muốn học cái gì đó bạn thực tế đang cố học làm cái
gì đó. Mọi tri thức đều thực chứng, thực hành, bạn sẽ biến đổi nó thành thực
hành của mình, bạn sẽ làm cái gì đó với nó, bằng không bạn sẽ nói - "Sao lại
học? Phỏng có ích gì?" Bạn học nó như một tiện dụng.
Đó là lí do tại sao trong thế giới thực chứng, kinh nghiệm,
nghệ thuật dần dần biến mất. Không ai muốn nghe thơ ca, không ai muốn nghe âm
nhạc, bởi vì vấn đề là: Bạn có thể làm gì với nó? Bạn có thể làm ra tiền từ nó
không? Bạn có thể trở nên quyền lực từ nó không? Bạn có thể làm được gì? Bạn có
thể sửa xe ô tô bằng việc nghe nhạc không? Bạn có thể làm được nhà không?
Không, nó không thể được dùng, âm nhạc không phải là tiện ích, nó không có tiện
ích - và đó là cái đẹp của nó.
Toàn thể cuộc sống là không tiện dụng, nó không có mục đích,
nó không định đi đâu cả. Nó đơn giản ở đây, nó không đi đâu cả. Nó không có mục
đích để đạt tới, nó không có định mệnh. Nó là vở kịch vũ trụ - điều người Hindu
gọi là leela, vở kịch, như trẻ con chơi mà không có mục đích nào trong cách
nhìn - bản thân việc chơi là mục đích, chúng đang tận hưởng nó, chúng đang vui
mừng trong nó, chúng hạnh phúc - kết thúc!
Việc học bao giờ cũng là với cái nhìn để làm cái gì đó. Nó
là kĩ thuật hướng tới việc trở thành người làm vĩ đại. Nếu bạn biết nhiều hơn,
bạn có thể làm nhiều hơn. Thế thì dỡ bỏ sẽ làm gì? Nó sẽ làm bạn thành người vô
làm.
Dần dần bạn sẽ không biết cái gì và bạn sẽ không có khả năng
làm. Dần dần khi tri thức biến mất khỏi bạn, việc làm cũng sẽ biến mất. Bạn sẽ
trở thành hiện hữu, thế thì bạn có thể hiện hữu, nhưng bạn sẽ không là người
làm. Tôi không ngụ ý rằng bạn sẽ không làm gì - ngay cả Phật cũng phải đi xin,
ngay cả Lão Tử cũng phải cố gắng mọi cách và mọi thứ để tìm bánh mì và bơ và những
thứ như thế; khi trời mưa ông ấy phải tìm chỗ trú ẩn - ông ấy sống lâu, và ông ấy
đã sống cuộc sống rất lành mạnh. Không, tôi không ngụ ý rằng bạn không làm, tôi
ngụ ý bạn trở thành vô người làm. Mọi sự bắt đầu xảy ra. Bạn không làm chúng,
chúng xảy ra. Người làm, người thao túng, ra đi, tan biến, biến mất, và cùng với
người làm ra đi, bản ngã không còn được tìm thấy nữa.
Mọi người tới tôi và họ hỏi: "Làm sao chúng tôi có thể
buông xuôi được bản ngã?" Bạn không thể buông xuôi được bản ngã. Nếu bản ngã
có đó, ai sẽ buông xuôi? Đây là bản ngã đang hỏi, bản ngã đang hỏi làm sao
buông xuôi.
Bạn có thể cúi đầu, bạn có thể để đầu bạn dưới chân tôi và bạn
có thể nói 'Tôi buông xuôi', nhưng cái tôi này đang nói đấy, nó là cái phải bị
buông xuôi - bây giờ nó sẽ sống sót, và được nuôi dưỡng qua buông xuôi bản thân
nó, nó sẽ đi và nói với mọi người: tôi đã buông xuôi toàn bộ theo Thầy, tôi
không còn nữa. Nhưng cái tôi vẫn tiếp diễn, chẳng khác biệt gì điều nó gieo rắc.
Nó gieo rắc bản thân nó qua mọi thứ - qua buông xuôi, qua từ bỏ.
Không, bản ngã không thể bị buông xuôi. Nhưng nếu bạn bắt đầu
dỡ bỏ, một ngày nào đó bạn bỗng nhiên thấy rằng bản ngã chưa bao giờ tồn tại!
Ngay chỗ đầu tiên nó không có đó và bạn đang hỏi câu hỏi ngu xuẩn: làm sao
buông xuôi? Nó không có đó ngay từ chính lúc ban đầu, nó chưa bao giờ tồn tại.
Bỗng nhiên bạn bắt đầu nhìn vào bên trong bản thân mình và nó không được tìm thấy
ở đó, thậm chí không có dấu vết gì về nó. Nó chưa bao giờ có đó. Nó là khái niệm
giả tới qua việc làm.
Cho nên có hệ thống: tri thức, để giúp bạn trở thành người
làm, thế thì khi bạn trở thành người làm bạn trở thành trung tâm - trung tâm giả
tất nhiên, bạn không thể là trung tâm thực được bởi vì bạn không tách rời khỏi
sự tồn tại. Trung tâm thực là có thể chỉ nếu bạn có thể tồn tại không tách rời
sự tồn tại - bạn có thể tồn tại một cách tách rời được không? Bạn có thể tồn tại
mà không có không khí bao quanh bạn được không? Bạn có thể tồn tại mà không thở
được không? Bạn có thể tồn tại mà không có mặt trời liên tục có đó cho bạn cuộc
sống và năng lượng được không? Bạn có thể tồn tại mà không có cây liên tục cho
bạn quả không? và đất cho thu hoạch? Bạn có thể tồn tại mà không có mưa và cát
và biển được không? Bạn có thể tồn tại mà không có sao và trăng được không? Bạn
không thể tồn tại được. Tách rời, bạn không thể tồn tại được.
Thế thì làm sao bạn có thể nói rằng bạn có trung tâm được?
Duy nhất cái toàn thể có thể có trung tâm. Thực tế chỉ cái toàn thể mới có thể
được phép nói ta, không ai khác.
Nhưng bằng việc mất tri thức, dần dần bạn triệt phá toàn thể
ngôi nhà. Nhưng bắt đầu từ nền móng đã. Nền móng là tri thức. Làm mất móng, vứt
bỏ móng, và ngôi nhà bắt đầu sụp đổ. Ngôi nhà là việc làm. Nền móng là từ tri
thức, ngôi nhà là việc làm, và bên trong ngôi nhà một thứ tưởng tượng như ma
đang sống, cái chính là bản ngã.
Khi nền móng biến mất ngôi nhà sụp đổ. Khi nhà đổ bạn bỗng
nhiên trở nên nhận biết rằng không ai sống ở đó cả. Ngôi nhà bao giờ cũng trống
rỗng. Đó chỉ là một ý tưởng, ý chợt nảy ra. Chỉ là mơ trong tâm trí, ác mộng.
Bớt rồi lại bớt, đến mức vô vi.
Không làm mà không gì là không làm,
Đó là bí mật. Bằng không làm gì mọi thứ lại được làm. Mọi thứ
đã được làm, bạn chen vào một cách không cần thiết, bạn làm nhiều ồn ào không cần
thiết. Không có bạn mọi sự vẫn diễn ra tốt đẹp như nó có thể diễn ra.
Một khi bạn biết điều đó bạn vứt bỏ người làm, bạn trở thành
một phần của dòng chảy, bạn nổi cùng sông, bạn thậm chí không bơi. Ngay bây giờ
bạn đang cố đi ngược dòng, và thế thì tất nhiên bạn cảm thấy mệt mỏi, và thế
thì tất nhiên bạn cảm thấy bị thất bại. Không ai cố đánh bại bạn cả, sông không
cố đánh bại bạn, thực tế, sông hoàn toàn quên lãng sự kiện là bạn tồn tại. Và
đây là điều may mắn cho sông, bằng không sông sẽ phát điên nếu nó đi tới biết về
bạn, rằng bạn tồn tại; nhiều người điên thế. Không, sông hoàn toàn quên lãng sự
kiện này, vô nhận biết một cách phúc lạc rằng bạn tồn tại, rằng bạn đang cố
tranh đấu ngược dòng.
Chuyện xảy ra - hôm đó chắc phải là một ngày như thế này -
trời mưa, và sông chảy qua bên cạnh làng đang dâng nước lụt lên. Bỗng nhiên mọi
người chạy xô tới nhà Mulla Nasrudin và họ nói: "Nasrudin, anh làm gì ở
đây thế? Anh không nghe nói gì sao? Vợ anh ngã xuống dòng nước rồi - đi ra và cứu
cô ấy đi!" Nasrudin chạy nhanh ra.
Không ai đã trông đợi rằng anh ta chạy nhanh thế bởi vì mọi
ông chồng bằng cách nào đó đều muốn vợ bị chết đuối trong sông nào đó. Điều đó
là hoàn hảo. Và mọi người trong làng đó đều biết rằng họ đã không sống tốt, mọi
sự bao giờ cũng đi sai, và họ đang tranh đấu liên tục, cho nên điều đó là phúc
lạc, ân huệ từ trời - nhưng Mulla Nasrudin chạy nhanh thế, họ không thể tin được
rằng anh ta yêu cô ấy nhiều thế.
Anh ta nhảy xuống sông và bắt đầu cố gắng - tranh đấu với
dòng sông, anh ta bắt đầu bơi ngược dòng. Mọi người nói: "Anh làm gì thế?
Anh có ngu không đấy? Sông đã đưa vợ anh đi xuôi dòng rồi! Anh đang đi
đâu?"
Nasrudin nói, "Im đi, tôi biết vợ tôi rõ lắm. Cô ấy bao
giờ cũng đi ngược dòng, cô ấy không thể đi xuôi dòng được, điều đó không phải
là bản tính của cô ấy."
Mọi người đều đi ngược dòng, cố tranh đấu với dòng sông - Tại
sao? Bởi vì trong tranh đấu bạn có thể tạo ra khái niệm về bản ngã. Trong thách
thức, trong kháng cự, bạn có thể tạo ra khái niệm về bản ngã; nếu bạn vứt bỏ
tranh đấu và bạn nổi cùng dòng sông, dần dần bạn sẽ đi tới biết rằng bạn không
có. Đó là lí do tại sao mọi người thích thách thức, mọi người thích nguy hiểm,
mọi người muốn tranh đấu. Nếu không có ai để tranh đấu họ sẽ tạo ra cái gì đó
hay người khác để tranh đấu, bởi vì chỉ trong tranh đấu bản ngã của họ mới có
thể được duy trì - và nó phải được duy trì liên tục; nó giống như xe đạp - bạn
đạp nó, và bạn phải cứ đạp mãi bằng không nó sẽ đổ. Bạn phải liên tục đạp nó.
Bản ngã cần đạp liên tục. Mọi khoảnh khắc bạn phải tranh đấu
với cái gì đó hay người khác.
Một khi bạn dừng tranh đấu, bỗng nhiên bạn thấy xe đạp đã đổ.
Bản ngã không thể tồn tại mà không có tranh đấu.
Học giúp cho làm, làm giúp cho tranh đấu, tranh đấu tạo ra bản
ngã - đây là hệ thống, khoa học.
Và đây là tất cả tôn giáo là gì. Vứt bỏ tri thức, quên nó
đi, trở thành hồn nhiên như đứa trẻ, bỗng nhiên bạn thấy mọi sự đang thay đổi.
Bây giờ bạn không là người làm. Khi bạn không là người làm, không phải là mọi sự
dừng xảy ra, chúng vẫn tiếp tục; bạn không liên quan - khi bạn không có, không
bị xáo trộn, mọi sự xảy ra; mặt trời mọc như nó bây giờ vẫn đang mọc...
Bạn có nghe nói về một bà già sống ở một làng nhỏ và tin rằng
chính vì bà ấy mà mặt trời mọc trong làng không? Bà ấy có nhiều gà trống, và
trước khi mặt trời mọc chúng sẽ bắt đầu gây tiếng động, gáy lên, và bà ấy tin rằng
chính bởi vì những con gà trống đó mà mặt trời mọc.
Đó là điều logic. Bao giờ cũng vậy, chúng gây ra tiếng động
- và lập tức mặt trời bắt đầu mọc, chưa bao giờ khác đi. Bà ấy bảo với dân
làng: "Chính vì tôi mà mặt trời mới mọc. Một khi tôi rời khỏi làng các ông
bà sẽ sống trong bóng tối." Họ cười. Bực mình, bà ấy bỏ đi cùng lũ gà trống
của mình.
Bà ấy sang làng khác, và tất nhiên, đến sáng mặt trời mọc.
Bà ấy cười và nói, "Bây giờ họ sẽ hiểu! Bây giờ mặt trời đang mọc ở làng
này! Bây giờ họ sẽ kêu và khóc và hối hận, nhưng ta sẽ không quay lại
đâu."
Mọi sự đã từng xảy ra mà không có bạn. Mọi sự đã từng hoàn hảo
mà không có bạn. Khi bạn sẽ không có ở đây mọi thứ sẽ hoàn hảo như mọi khi
thôi. Nhưng bạn không thể tin được vào điều đó bởi vì nếu bạn tin vào điều đó bản
ngã của bạn biến mất.
Mọi sự sẽ tiếp diễn khi người làm biến mất.
Không làm mà không gì là không làm,
Mọi thứ xảy ra bởi vì cái toàn thể đang vận hành. Và khi bạn
không tranh đấu bạn cũng trở thành phương tiện của cái toàn thể, bước chuyển,
chiếc sáo, hổng hoác bên trong, và cái toàn thể cứ hát qua bạn. Những bài ca
hay sẽ cứ tới qua bạn.
Cho dù bây giờ mặc cho bạn, chúng thỉnh thoảng vẫn tới. Đôi
khi bạn cảm thấy tâm trạng im lặng tới, bạn không biết nó tới từ đâu - chỉ từ
trời xanh; nó tới bởi vì bằng cách nào đó trong khoảnh khắc đó bạn quên mất
tranh đấu. Bạn quên mất - bạn có thể đã từng bị mệt mỏi - bạn quên tranh đấu,
và bỗng nhiên mọi thứ trở nên đẹp.
Nhưng bầu trời không phải bao giờ cũng luôn thoáng. Mây lại
tụ tập bởi vì bạn lại bắt đầu. Ngay ở khoảnh khắc bạn cảm thấy mọi thứ là đẹp,
bỗng nhiên bạn bắt đầu làm cái gì đó; tâm trí bắt đầu nghĩ: Khoảnh khắc này sẽ
kéo dài được bao lâu? Mình có thể đánh mất nó cho nên mình phải làm cái gì đó để
bảo vệ nó, để làm cho nó an ninh!
Bây giờ bạn đã đi vào. Chiếc sáo không còn hổng nữa, nó bị đầy
bởi bạn, âm nhạc không còn tuôn chảy, nó bị mất. Và khi nó bị mất bạn nghĩ:
Trông đấy, mình phải cố nhiều hơn. Chính bởi vì nỗ lực của bạn mà nó bị mất, nhưng
tâm trí bạn cứ nói bạn phải cố gắng chăm chỉ hơn, thế thì nó sẽ tiếp tục.
Thỉnh thoảng, ngồi dưới sao, bạn cảm thấy phúc lạc nảy sinh
bên trong tim bạn. Nó dường như không phải của thế giới này. Bạn ngạc nhiên. Bạn
không thể tin được điều đó.
Tôi đã bắt gặp những người đơn giản, người đã biết nhiều khoảnh
khắc trong cuộc sống của họ, điều giống như Phật, điều thuộc vào tâm thức
Christ, nhưng họ chưa bao giờ nói về chúng cho bất kì ai bởi vì bản thân họ
không tin rằng chúng là có thể. Họ thực tế đã kìm nén chúng. Họ đã từng nghĩ rằng
họ phải đã tưởng tượng ra chúng: Làm sao điều đó có thể xảy ra mà không có bất
kì nỗ lực nào của riêng mình? Làm sao lại có thể có chuyện bỗng nhiên người ta
trở nên phúc lạc?
Bạn có thể nhớ chúng trong cuộc sống riêng của mình - và
trong những khoảnh khắc như vậy khi bạn chưa bao giờ mong đợi chúng - đi tới
văn phòng, trong thường lệ hàng ngày, mặt trời lên cao và bạn vã mồ hôi, và bỗng
nhiên cái gì đó rọi vào nhà, và trong một khoảnh khắc bạn không còn là bạn cũ nữa.
Thiên đường được thu lại.
Và thế rồi nó lại bị mất đi. Bạn quên mất về nó bởi vì nó
không phải là một phần của phong cách sống của bạn. Bạn thậm chí không nói về
nó, bạn nghĩ 'Mình phải đã tưởng tượng ra nó. Làm sao những điều này là có thể
được? Và mình đã không làm cái gì cho nên làm sao nó có thể xảy ra được? Nó phải
đã là ảo giác, và ảo tưởng hay giấc mơ.' Bạn không nói về nó.
Như tôi đã quan sát hàng nghìn người một cách sâu sắc tôi đã
không bắt gặp mấy người mà không tìm ra những khoảnh khắc như vậy trong cuộc đời
của họ. Nhưng họ chưa bao giờ nói về chúng cho bất kì ai. Cho dù họ có thử nói,
mọi người cười và họ nghĩ: Anh ngu xuẩn, đần độn. Họ không tin, họ kìm nén.
Không chỉ nhân loại đã kìm nén dục, nhân loại đã kìm nén cái
chết, nhân loại đã kìm nén đủ mọi thứ là đẹp trong cuộc sống.
Con người đã bị buộc trở thành như máy tự động, robot. Mọi
manh mối, mọi cánh cửa đã bị đóng lại với cái không biết.
Nhưng Lão Tử là đúng, và điều ông ấy nói ông ấy biết - tôi
biết điều đó. Mọi sự cứ xảy ra theo cách riêng của chúng.
Trong nhiều năm tôi đã không làm gì cả, thậm chí không nghĩ
về chúng. Chúng cứ xảy ra theo cách riêng của chúng. Điều cực kì vui mừng là thấy
cách mọi sự cứ xảy ra theo cách riêng của chúng. Điều cực kì vui mừng là thấy
cách mọi sự cứ xảy ra theo cách riêng của chúng.
Nhiều điều xảy ra mà không có việc làm của bạn. Và khi nó xảy
ra không có việc làm của bạn nó có cái đẹp của riêng nó. Nó không có bạo hành
trong nó. Nó có duyên dáng. Nó đáng yêu. Khi bạn làm nó, bạn áp đặt nó. Ân huệ
bị mất, nó trở thành xấu.
Bạo hành không thể duyên dáng được. Và là không bạo hành -
đây là cách duy nhất, như Lão Tử nói. Đơn giản vứt bỏ tri thức, người làm. Chỉ
hiện hữu và để mọi sự hiện hữu. Và mọi thứ bắt đầu nở hoa, và mọi thứ bắt đầu
tuôn chảy. Tri thức đã làm cho bạn thành đông cứng.
Bớt rồi lại bớt, đến mức vô vi.
Không làm mà không gì là không làm,
Thường dùng vô vi thì được thiên hạ,
Bằng dùng hữu vi thì không đủ trị thiên hạ
Những người đã làm những điều vô cùng đều là vô người làm.
Người làm có thể dường như làm mọi thứ nhưng những điều này không kéo dài.
Alexanders, Napoleons, Hitlers, Mussolinis, họ đã cố gắng vất
vả để làm mọi thứ, nhưng họ đã tạo ra chỉ ác mộng quanh bản thân họ, và trong bản
thân họ. Việc làm riêng của họ tốn phí hàng nghìn, hàng triệu mạng người, và bản
thân họ nữa. Việc làm riêng của họ trở thành tự tử. Họ đã giết hàng triệu người,
và chung cuộc họ đã giết bản thân mình. Đó là mọi điều đã xảy ra. Họ đã tồn tại
như cơn ác mộng. Người điên. Loạn thần kinh. Sát nhân. Những người đó không phải
là người chinh phục. Họ đã không chinh phục thế giới.
Thế rồi nhìn vào một Phật, một Lão Tử, một Jesus; một kiểu nở
hoa khác. Hàng thế kỉ trôi qua, thời đại tới rồi đi, Lão Tử vẫn còn nở hoa,
hương thơm của ông ấy vẫn còn tươi mới như bao giờ. Nó đã không mất đi chút nào
tính mới của nó - nó đã không trở thành cũ. Nó đã không trở thành khô khan. Nó
vẫn tươi mới như giọt sương sớm của sáng nay.
Những người đã sống trong bây giờ bao giờ cũng vẫn còn trong
bây giờ. Họ chưa bao giờ là của quá khứ.
Lão Tử còn đương đại hơn bất kì Hitler hay Mussolini nào. Một
Lão Tử sẽ vẫn còn là đương đại trong hàng nghìn năm tới. Ông ấy bao giờ cũng là
đương đại. Một Jesus chưa bao giờ là một phần của lịch sử quá khứ, ông ấy bao
giờ cũng là một phần của hiện tại. Ông ấy chết, nhưng ông ấy chưa bao giờ chết.
Ông ấy vẫn tiếp tục sống - đó là nghĩa của câu chuyện ngụ ngôn Ki tô giáo về phục
sinh: ông ấy chết trên cây thập tự nhưng ông ấy đã được người ta thấy vào một
hôm khác đang bước đi trên đường. Đừng hiểu điều đó theo từng lời. Đây là chuyện
ngụ ngôn hay với ý nghĩa sâu sắc. Bạn đã giết chết ông ấy trên cây thập tự,
nhưng bạn không thể giết được ông ấy. Trong vài ngày ông ấy đã bước đi, lại di
chuyển.
Bạn không thể giết chết một Jesus. Người đã biết tới vô làm
không thể bị giết chết bởi vì chỉ bản ngã mới có thể bị giết chết. Bản ngã có
thể bị phá huỷ, bản thể không bao giờ. Người đó được phục sinh.
Và trong Ki tô giáo chính điều đối lập đã xảy ra - cây thập
tự trở thành điều có ý nghĩa nhất. Phục sinh phải đã trở thành điều có ý nghĩa
nhất, không phải là cây thập tự, bởi vì nhiều người đã chết trên cây thập tự,
điều đó không phải là rất có ý nghĩa. Điều có ý nghĩa nhất là phục sinh. Toàn
thể Ki tô giáo đáng phải phụ thuộc vào điều đó - rằng Jesus không thể bị giết
chết. Chúng ta giết ông ấy, chúng ta đóng đinh ông ấy, nhưng ông ấy không thể bị
giết. Ông ấy vẫn còn tươi tắn, ông ấy bao giờ cũng tươi tắn. Bạn có thể gặp ông
ấy ở ngã tư đường bây giờ. Bạn có thể tìm thấy ông ấy ở bất kì chỗ nào.
Ở Ấn Độ, chúng ta chưa bao giờ mô tả bất kì hoá thân avatar
nào, Ram, Krishna, Phật, Mahavir, là già. Không phải là họ không bao giờ trở
nên già, họ có trở nên già chứ, thân thể phải tuân theo cùng luật, tự nhiên
chưa bao giờ tin vào ngoại lệ, qui luật là tuyệt đối. Ram và Krishna và Phật và
Mahavir - họ cũng trở nên già nhưng chúng ta chưa bao giờ mô tả họ là già, bao
giờ cũng như thanh niên. Mọi ảnh đã tồn tại ở Ấn Độ đều là Mahavir trẻ, Phật trẻ,
Krishna trẻ, Ram trẻ, chưa bao giờ già - vấn đề là gì? Bởi vì chúng ta đã biết
sự trẻ trung của họ, và chúng ta đã cảm thấy rằng họ chưa bao giờ trở nên già.
Thân thể tới rồi đi nhưng tính trẻ của họ còn lại. Hương thơm của họ, hồn nhiên
của họ, có phẩm chất của vĩnh hằng trong nó.
Đây là những người chinh phục thực và họ đã không làm cái gì
cả. Người ta chẳng bao giờ biết Lão Tử đã làm gì - không cái gì. Bạn không thể
tìm thấy cuộc sống nào yên ổn hơn cuộc sống của Lão Tử. Không cái gì xảy ra. Chỉ
một điều đã xảy ra - ông ấy đã xảy ra. Có vậy thôi. Không cái gì khác xảy ra.
Đó là lí do tại sao những người này không được xét tới trong
lịch sử. Nhiều nhất họ trở thành những cước chú nhỏ, bởi vì họ không có lí lịch
nào. Họ có cái không. Hitler có tiểu sử lớn. Nhiều điều thế đã xảy ra quanh ông
ta, chỉ không cái gì đã xảy ra bên trong ông ta. Chỉ một điều chưa bao giờ xảy
ra, và đó là bản thể của ông ta. Nhiều điều khác đã xảy ra: bạn có thể cứ viết
và viết hàng nghìn trang, và dầu vậy nhiều điều vẫn bị bỏ lại. Nhưng Lão Tử
sao? Chỉ là cước chú.
Bạn thậm chí có thể vứt bỏ cước chú đó. Ông ấy không phải là
một phần của lịch sử, không phải là một biến cố chút nào. Nhưng đây là những
người chinh phục thực. Lão Tử vẫn cứ quăng lưới của ông ấy, và mọi người vẫn mắc
lưới, mọi người vẫn bị chuyển đổi, biến đổi, phục sinh từ nấm mồ của họ. Phép
màu cứ diễn ra.
Thường dùng vô vi thì được thiên hạ,
Bằng dùng hữu vi thì không đủ trị thiên hạ
Đừng bao giờ thúc ép bất kì ai làm cái gì đó, đừng bao giờ
thúc ép bản thân bạn làm cái gì đó, để mọi sự xảy ra, thế thì Thượng đế sẽ làm
chúng qua bạn. Có hai cách để làm mọi thứ: một cách, bạn làm; cách khác, Thượng
đế làm chúng qua bạn. Nếu bạn làm chúng, bạn tạo ra lo âu cho bản thân mình,
phiền não, đau khổ, bởi vì thế thì bạn trở thành hướng kết quả; bạn nghĩ - Mình
sẽ thành công hay không? Bạn trở nên quan tâm tới kết quả cuối cùng hơn với quá
trình. Và thế thì bạn thường xuyên lo nghĩ; và bất kì cái gì xảy ra bạn sẽ bị
thất vọng.
Nếu bạn thành công bạn sẽ bị thất vọng bởi vì thành công sẽ
không chuyển giao hàng hoá mà bạn đã nghĩ là sẽ được chuyển giao bởi nó. Nếu nó
thất bại, tất nhiên bạn sẽ khổ.
Những người thất bại đều trong khổ, những người đã thành
công đều trong khổ. Thực tế những người đã thành công còn khổ nhiều hơn những
người đã thất bại bởi vì người thất bại có thể vẫn còn hi vọng. Người đã thành
công thực sự không thể hi vọng được. Người đó trở thành vô vọng. Bây giờ người
đó không có đâu mà đi, người đó đã thành công rồi - cứ hỏi những người rất giầu
tại sao họ trong khổ thế. Người nghèo - chúng ta có thể hiểu được, sao người giầu
lại trong khổ nhiều thế? Họ đã thành công, và bây giờ, đang thành công, họ đã
đi tới nhận ra rằng nó đã là vô dụng, thành công đó đã không cho họ cái gì cả,
nó đơn giản đã làm phí hoài toàn thể đời họ.
Bây giờ, thời gian mất đi không thể thu lại được, và dường
như không có tương lai và không có hi vọng bởi vì họ có thể có hàng triệu đô la
và nhiều nhất nếu họ tiếp tục theo cùng đường họ sẽ có nhiều triệu nữa. Nhưng
cái gì có từ cái đó? Nếu nhiều triệu thế đã không cho thoả mãn nào, nhiều triệu
hơn nữa sẽ không cho điều đó đâu.
Từ satisfaction - thoả mãn này phải được hiểu. Từ này là rất
kì lạ: nó bắt nguồn từ gốc Latin satir. Thoả mãn satisfaction, satisfy,
satiate, chúng tới từ satir, và từ satir này bắt nguồn từ gốc tiếng Phạn sat.
Sat nghĩa là thực, tuyệt đối thực. Từ cùng từ sat tới từ Nhật Bản satori - người
đã nhận ra chân lí.
Sat nghĩa là chân lí, người đã nhận ra chân lí, đã đạt tới
satori. Nhưng làm thoả mãn và thoả mãn, chúng đã mất tiếp xúc với gốc nguyên
thuỷ của chúng. Không cái gì khác có thể thoả mãn ngoại trừ chân lí. Cho nên
khi bạn thành công trong thế giới thì không có thoả mãn. Chỉ sat mới có thể thoả
mãn.
Bạn có thể tích luỹ hàng triệu đô la và pound, nhưng bỗng
nhiên bạn thấy chẳng cái gì thoả mãn, cơn khát của bạn vẫn còn như cũ, nó không
được dịu đi. Và bây giờ không có hi vọng. Bạn đã học được thủ đoạn - cách thành
công. Bây giờ bạn đã thành công, và bạn đã phí hoài toàn thể cuộc sống của mình
trong thành công này, và thoả mãn không tới, nhưng thất vọng sâu sắc, trạng
thái vô vọng lại tới. Còn nếu bạn thất bại? Tất nhiên thế thì làm sao có thể có
thoả mãn được? Trong thế giới, nếu bạn thất bại thì bạn thất bại, nếu bạn thành
công, bạn cũng thất bại.
Bạn có câu ngạn ngữ; bạn nói, "Không cái gì thành công
như thành công." Tôi đã đổi nó đi một chút ít và tôi nói, "Không cái
gì thất bại như thành công."
Thất bại thì thất bại đã đành, thành công cũng là thất bại.
Chỉ có một khả năng: rằng bạn biết bản thể mình, sat. Chỉ cái đó mới có thể thoả
mãn, chỉ cái đó là chưa bao giờ thất bại. Nhưng cái đó không phải là một phần của
trở thành. Cái đó chẳng liên quan gì tới thời gian. Ngay bây giờ chính khoảnh
khắc này nó sẵn có. Nó đã có đó trong vinh quang toàn bộ của nó. Nhà vua đang
trên ngai vàng bên trong bạn nhưng bạn chưa bao giờ nhìn vào đó. Bạn đang tìm
tiền, tri thức, danh vọng, quyền lực, và bạn đi ra. Và, tất cả những người đi
ra - lại đây!
Vứt bỏ học, học việc dỡ bỏ. Lại đây! Vứt bỏ người làm, học
cách làm mọi thứ mà không làm chúng.
Và có bí mật. Đây là bí mật vĩ đại nhất của tất cả, phép màu
vĩ đại nhất có thể xảy ra cho bất kì ai, và đó là - bạn đơn giản trở thành lối
đi, xe cộ, chiếc sáo hổng, và bài ca thiêng liêng bắt đầu tuôn chảy qua bạn.
Bạn chỉ đừng chen vào giữa bạn và bản thân mình. Đó là toàn
thể tất cả yoga, mật tông, tôn giáo. Xin bạn gạt bản thân mình sang bên, đừng
chen vào đường. Đứng sang bên và để xe của Thượng đế đi qua. Nếu bạn có thể học
chỉ một điều thôi - cách đứng sang bên, bạn đã học được tất cả.
Và thế thì bạn trở nên nhận biết rằng mọi thứ đều cứ tự nó
diễn ra. Cái toàn thể đang làm việc. Bộ phận không cần làm việc, nó chỉ cần
tham gia. Nó chỉ cần không tạo ra rắc rối và xung đột. Nó chỉ cần ở cùng với
cái toàn thể.
Ở cùng với cái toàn thể là có tính tôn giáo. Chống lại cái
toàn thể là có tính phàm tục.
Xem Chương 4 – Quay về Mục lục – Quay về Mục lục Toàn
tập