Chương 4. Chư phật không thực hành điều vô nghĩa

Chương 4. Chư phật không thực hành điều vô nghĩa

Price:

Read more

Osho – Bồ Đề Đạt Ma: Thiền sư vĩ đại nhất
Chương 4. Chư phật không thực hành điều vô nghĩa


Osho kính yêu,
Nhưng giả sử tôi không thấy bản tính mình, chẳng lẽ tôi vẫn không thể đạt tới chứng ngộ bằng việc cầu chư phật, tụng kinh, cúng dường, gìn giữ giới luật, thực hiện cầu nguyện hay làm những việc tốt sao?
Không, ông không thể chứng ngộ được. Và tại sao không?
Nếu ông đạt tới bất kì cái gì tất cả đấy chỉ là điều kiện, đấy là nghiệp. Nó nảy sinh trong sự trừng phạt. Nó làm quay Bánh xe. Và chừng nào ông còn là chủ thể cho sinh và tử, ông sẽ không bao giờ đạt được chứng ngộ cả. Để đạt tới chứng ngộ ông phải thấy bản tính của mình. Chừng nào ông chưa thấy bản tính của mình, mọi việc nói này về nhân quả đều vô nghĩa. Chư phật không thực hành điều vô nghĩa. Vị phật là tự do với nghiệp, tự do với nhân quả. Nói ông ấy đạt tới bất kì điều gì là phỉ báng vị phật. Ông ấy có thể đạt tới điều gì? Ngay cả hội tụ vào tâm trí, vào quyền năng, hiểu biết hay cách nhìn đều là không thể được với vị phật. Vị phật không phải là người một chiều. Bản tính tâm trí ông ấy về cơ bản là trống rỗng, không thuần khiết không không thuần khiết. Ông ấy tự do với việc thực hành và hiểu. Ông ấy tự do với nhân quả.
Vị phật không giữ giới luật. Vị phật không làm điều thiện hay ác. Vị phật không hăng hái hay lười biếng. Vị phật là ai đó người làm cái không, người thậm chí không thể hội tụ tâm trí mình vào vị phật. Vị phật không phải là vị phật. Đừng nghĩ về chư phật. Nếu ông không thấy điều ta đang nói tới, ông sẽ không bao giờ biết tới tâm trí riêng của mình.
Mọi người không thấy bản tính của mình và cứ tưởng tượng họ có thể thực hành làm cái không mọi lúc đều là kẻ dối trá và kẻ ngu. Họ rơi vào trong không gian vô tận. Họ như người say. Họ không thể biết điều thiện từ điều ác. Nếu ông định thực hành làm cái không, ông phải thấy bản tính của mình trước khi ông có thể đặt dấu chấm hết vào suy nghĩ hợp lí. Đạt tới chứng ngộ mà không thấy bản tính của ông là điều không thể được.
Vậy mà những người khác vẫn phạm phải đủ mọi loại hành vi ác, cứ nói nghiệp không tồn tại. Họ xác nhận sai lầm rằng vì mọi thứ đều trống rỗng, phạm điều ác là không sai. Những người như thế rơi vào trong địa ngục của bóng tối vô tận không hi vọng gì được thoát. Những người trí huệ không giữ quan niệm như vậy.
Nhưng nếu mọi tình cảm và trạng thái của chúng ta, bất kì khi nào nó xuất hiện, đều là tâm trí, tại sao chúng ta không thấy tâm trí này khi thân thể của người ta chết đi?
Tâm trí bao giờ cũng hiện diện. Ông không thấy nó mà thôi.
Nhưng nếu tâm trí hiện diện, sao tôi không thấy nó? Ông có bao giờ mơ không?
Tất nhiên.
Khi ông mơ, đấy có phải là ông không? Có, đấy là tôi.
Và điều ông đang làm và nói có khác với ông không? Không, điều đó không khác.
Nhưng nếu nó không khác, thế thì thân thể này là thân thể thực của ông. Và thân thể thực này là tâm trí ông. Và tâm trí này, qua vô hạn kalpas không có bắt đầu, chưa bao giờ thay đổi cả. Nó chưa bao giờ sống hay chết, xuất hiện hay biến mất, tăng hay giảm. Nó không thuần khiết  cũng không không thuần khiết, không thiện không ác, quá khứ hay tương lai. Nó không đúng hay sai. Nó không nam hay nữ. Nó không xuất hiện như sư hay dân thường, người già cả hay người mới lớn, hiền nhân hay kẻ ngu, vị phật hay người hữu tử. Nó cố gắng để không nhận ra và không chịu nghiệp. Nó không có sức mạnh hay hình dạng. Nó giống như không gian. Ông không thể sở hữu nó. Và ông không thể làm mất nó. Chuyển động của nó không thể bị chặn lại bởi núi, sông hay tường đá. Sức mạnh không thể nào dừng nổi của nó thấm vào núi của năm uẩn và đi ngang qua dòng sông luân hồi. Không nghiệp nào có thể kìm lại được thân thể thực này. Nhưng tâm trí này là tinh tế và khó thấy. Nó không phải là một với tâm trí giác quan. Mọi người đều muốn thấy tâm trí này. Và những người di chuyển tay và chân họ bằng ánh sáng của nó là nhiều như hạt cát dọc sông Hằng. Nhưng hỏi họ. Họ không thể giải thích được điều đó. Họ giống như những con rối. Nó là của họ để dùng. Sao họ không thấy nó?
Tôi cảm thấy cực kì buồn và tiếc bởi vì Bồ đề đạt ma đã có loại người sai để ghi lại các phát biểu của ông ấy; họ đang trộn sự lẫn lộn của riêng họ vào. Họ đang cố gắng vất vả để làm cho dường như điều họ đang nói là do Bồ đề đạt ma nói. Và những người không hiểu về mặt tồn tại chứng ngộ là gì, nhất định rơi vào trong bẫy của họ. Họ sẽ không có khả năng phân biệt điều gì thuộc về Bồ đề đạt ma và điều gì thuộc về người đã ghi lại những ghi chép đó.
Thấy tình huống này, tôi nhớ lại một thí dụ mà tôi đã kể cho các bạn, nhưng nó cần được nhắc lại. Rabindranath Tagore, một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của đất nước này, đã dịch cuốn sách thơ của riêng mình, Gitanjali, sang tiếng Anh. Mặc dầu ông ấy đã được giáo dục ở Anh... ông ấy thuộc về một gia đình cực siêu giầu có của Bengal; ông nội ông ấy được đế quốc Anh trao cho tước hiệu vương.
Ông ấy đã có mọi giáo dục tốt nhất có thể có trên thế giới, nhưng dầu vậy tiếng mẹ đẻ vẫn là tiếng mẹ đẻ. Ông ấy đã viết toàn bài thơ của mình trong tiếng Bengal, nhưng vài người bạn đã gợi ý rằng Gitanjali vĩ đại tới mức nếu nó được dịch sang tiếng Anh có mọi khả năng nó sẽ đoạt giải thưởng Nobel. Nhưng ai sẽ dịch nó ngoại trừ bản thân Rabindranath? Ai còn có thể là dịch giả tốt hơn được?
Thế là ông ấy đã dịch nó ra, nhưng ông ấy vẫn còn ngần ngại. Ông ấy đã yêu cầu một nhà truyền giáo Ki tô giáo lớn của thời đó, C.F. Andrews - một học giả lớn và rất có ảnh hưởng, một nhân vật nổi tiếng thế giới - đọc qua bản dịch bởi vì ông này cũng có thể hiểu được tiếng Bengali. Ông ấy đã sống ở Bengal như một nhà truyền giáo; ông ấy đã làm việc giữa những người Bengal và đã học tiếng của họ. Cho nên ông ấy là đúng người để đọc qua bản dịch và để nhìn vào bản gốc. Ông ấy đã chấp nhận toàn bộ cuốn sách chỉ trừ bốn điểm, chỉ bốn từ rải rác đây đó trong cuốn sách. Ông ấy nói, “Chúng không đúng về văn phạm, và tôi gợi ý các từ khác có nghĩa gần như vậy, nhưng đúng về văn phạm.”
Và Rabindranath đã bị thuyết phục rằng C.F. Andrews là phải khi có liên quan tới ngôn ngữ. Cho nên ông ấy đã đổi bốn từ này và thay chúng bằng những từ mà C.F. Andrews gợi ý. Tại Anh ông ấy có những người bạn trong số mọi nhà thơ Anh, cho nên ông ấy tới London nơi ông là khách của một trong những nhà thơ lớn thời đó, Yeats. Và Yeats đã triệu tập một cuộc họp chỉ các nhà thơ Anh để nghe đọc bản Gitanjali của Rabindranath. Ông ấy đã bị thuyết phục rằng cuốn sách này hiếm hoi và duy nhất đến mức nó có thể được đề nghị tặng giải thưởng Nobel, nhưng cũng tốt là có ý kiến của nhiều nhà thơ đã được giải thưởng Nobel.
Thế là gần hai mươi hay hai mươi nhăm nhà thơ đã tụ tập tại nhà của Yeats để nghe đọc thơ của Rabindranath. Họ tất cả đều có ấn tượng rất lớn, và họ nhất trí muốn đưa ra lời kêu gọi uỷ ban giải thưởng Nobel rằng cuốn sách này nên được vinh dự nhận giải thưởng Nobel. Nhưng bản thân Yeats còn có chút bảo lưu. Ông ấy nói, “Mọi thứ đều hoàn toàn đúng, ngoại trừ có bốn từ.” Rabindranath không thể nào tin được vào điều đó - đấy đích xác là bốn từ mà C.F Andrews đã gợi ý!
Yeats nói, “Chúng hoàn toàn đúng về văn phạm, nhưng chúng không mang tính thơ ca. Chúng có vẻ dường như ai đó đã can thiệp vào; chúng ngăn cản dòng chảy đẹp đẽ của thơ ca. Thay vì giúp thêm vào, chúng là cản trở và tôi gợi ý rằng ông nên đổi bốn từ này đi.
"Ông lấy chúng ở đâu ra vậy? Bởi vì tôi có mọi điều chắc chắn trong bản thể mình rằng chúng không phải là lời của ông. Không nhà thơ nào có thể dùng những từ đó ở chỗ mà chúng đã được dùng. Nhà ngôn ngữ, vâng; người muốn hoàn hảo về văn phạm và ngôn ngữ sẽ dùng chúng. Nhưng nhà thơ có tự do nào đó; người đó có giấy phép thơ ca để đi chệch đường ra ngoài một chút so với văn phạm bởi vì thơ ca có giá trị cao hơn văn xuôi. Với văn xuôi, văn phạm là được, nhưng với thơ ca, văn phạm có thể gây rối loạn.”
Rabindranath không thể nào tin được vào điều đó, nhưng ông ấy nói, “Ông phải đấy, những từ này không phải là lời tôi, nhưng từ này là từ C.F. Andrews. Tôi sẽ nói cho ông những từ ban đầu tôi đã dùng.”
Và ông ấy đưa ra những từ của mình và Yeats sung sướng vô ngần. Ông ấy nói, “Bây giờ thì mọi thứ đều tốt cả. Bốn tảng đá đó đã bị loại bỏ đi khỏi luồng chảy như dòng sông. Những từ của ông không đúng văn phạm nhưng chúng mang tính thơ ca, và chúng tới từ chính trái tim ông.”
Văn phạm là trò chơi của tâm trí và thơ ca không phải là một phần của tâm trí; tâm trí về bản chất là văn xuôi, thơ ca thuộc về trái tim.
Sai về văn phạm, nhưng đúng về thơ ca, Gitanjali đã được trình bày cho uỷ ban giải thưởng Nobel và đã được nhất trí chấp nhận trao giải thưởng.
Thí dụ này chỉ ra rằng những người đã viết ra lời kinh này của Bồ đề đạt ma đều giỏi khi có liên quan tới ngôn ngữ, nhưng họ không hoà hợp chút nào với kinh nghiệm về chứng ngộ - không hợp chút nào. Cho nên có nhiều câu sai, những câu rất lẫn lộn, cùng với những câu tuyệt đối đúng của Bồ đề đạt ma.
Cho nên người ta phải đọc với nhận biết rất sắc bén; bằng không rất khó tìm ra chỗ nào Bồ đề đạt ma kết thúc và đệ tử bước vào, và chỗ nào đệ tử kết thúc và Bồ đề đạt ma bước vào. Nó trộn lẫn thế, và tôi cảm thấy buồn bởi vì Bồ đề đạt ma xứng đáng có những đệ tử khá hơn. Ông ấy là một trong những thầy vĩ đại nhất mà thế giới đã từng biết tới. Nhưng có lẽ ông ấy đã là thầy vĩ đại đến mức mà rất ít đệ tử thậm chí có thể đạt tới gần ông ấy. Và những người đã đạt tới gần ông ấy đã không viết ra lời ghi chép nào cả.
Huệ Khả, người mà ông ấy đã chọn làm người kế tục mình, khi được Bồ đề đạt ma hỏi, “Giáo huấn tinh tuý của ta là gì?” đơn giản quì xuống, nước mắt lăn dài từ đôi mắt, không thốt ra một lời. Bồ đề đạt ma đỡ ông ấy dậy và nói, “Mặc dầu ông đã không trả lời, ta chấp nhận câu trả lời của ông. Mặc dầu ông đã không nói lấy một lời, nước mắt của ông là đủ truyền đạt thông điệp. Ông đã hiểu ta và ta có thể hiểu tại sao ông lại im lặng. Im lặng của ông còn nói nhiều hơn là ông đã có thể xoay xở bằng việc nói bất kì điều gì. Ông là chính linh hồn ta, ông sẽ đại diện cho ta khi ta qua đi.”
Nhưng Huệ Khả đã không viết ra lấy một lời. Cho nên đấy là định mệnh kì lạ: những người có thể hiểu thấy khó làm cái gì ngoài một phát biểu lẫn lộn. Họ sẽ thích vẫn còn im lặng hơn là phạm phải sai lầm. Còn những người không hiểu chẳng sợ cái gì. Họ không biết rằng họ đang phạm phải sai lầm, sai lầm về nghĩa và ý nghĩa sâu sắc.
Và tôi sẽ chỉ cho bạn rằng trên bề mặt những lời ghi chép đó có vẻ hoàn toàn đúng, nhưng chỉ sâu xuống một chút, ở nhiều chỗ chúng không thể nào là phát biểu của Bồ đề đạt ma được. Chúng không thể là phát biểu của bất kì người nào đã đạt tới tâm thức tối thượng, của người đã đạt tới định mệnh của tự nhận biết.
Lời kinh: Nhưng giả sử tôi không thấy bản tính mình, không lẽ tôi vẫn không thể đạt tới chứng ngộ bằng việc cầu khẩn chư phật, đọc kinh, cúng dường, gìn giữ giới luật, thực hiện cầu nguyện hay làm những việc tốt sao?
Không, ông không thể chứng ngộ được.
Cái không này chắc chắn là từ Bồ đề đạt ma. Phát biểu trên là điều mà mọi tôn giáo vẫn đang làm trên thế giới. Cái gọi là những người tôn giáo đang làm tất cả những điều này; họ đang cầu khẩn Thượng đế, họ đang cầu chư phật, họ đang cầu các jinnahs, họ đang cầu các nhà tiên tri, đấng cứu thế, đấng cứu tinh. Họ đang tụng kinh, kinh Koran linh thiêng, Kinh thánh linh thiêng, Gita linh thiêng, Dhammapada linh thiêng. Họ đang cúng dường trong các đền chùa, đền thờ Hồi giáo, trong nhà thờ, trong giáo đường Do Thái, trong Gurudwaras. Hàng nghìn loại giới luật đang được các tôn giáo khác nhau tuân theo.
Mới hôm nọ tôi mới nhìn vào Talmud, kinh sách linh thiêng của người Do Thái và tôi không thể nào tin được... Nhiều lần trước đây tôi cũng đã mở nó ra rồi đóng nó lại, bởi vì chỉ đọc một đoạn thôi cũng đủ thấy cái ngu xuẩn. Bạn mở bất kì chỗ nào và mọi thứ được nói dường như không liên quan chút nào tới tâm linh. Chẳng hạn, vào ngày linh thiêng sabbath bạn có thể đi tới trang trại hay ra vườn hay ra cánh đồng, nhưng đừng đi tới tận cùng. Bạn có thể đi tới rất gần chỗ cuối cùng, nhưng đừng tới chính chỗ cuối cùng. Và đây là phần của kinh sách linh thiêng! Và thế rồi còn có những bình luận về nó; một giáo sĩ này nói, "Tại sao nó được nói ra?" Thế rồi giáo sĩ khác nói điều gì đó khác. Thế rồi giáo sĩ khác... Hàng trăm lời bình luận trên một phát biểu ngu xuẩn như vậy.
Hay... điều bạn nên có một cửa ra vào và chỉ một cửa sổ và vấn đề là liệu cửa sổ nên ở bên phải cửa ra vào hay bên trái cửa ra vào. Và có những giáo sĩ lớn cứ thảo luận mãi vấn đề là nó phải ở bên phải hay nó phải ở bên trái, và họ đưa ra những biện luận lớn lao về tại sao. Và điều ấy thì không lớn lao gì, nó phải nhỏ - nhỏ làm sao...?
Nhân danh giới luật, kỉ luật, đủ mọi loại vô nghĩa đã được thực hành - nào cầu nguyện, hay làm việc thiện, mở bệnh viện, trường hợc, trại trẻ mồ côi. Chỉ một người như Bồ đề đạt ma mới có thể nói, "Không, ông không thể đạt tới chứng ngộ hay phật tính bởi những điều ngu xuẩn như thế." Chỉ có duy nhất một cách và đó là biết tới bản thể bạn, đó là biết tới tự tính của bạn.
Và tại sao lại không?
Nếu ông đạt tới bất kì cái gì thì tất cả đấy chỉ là điều kiện. Bây giờ điều này là rất có ý nghĩa và bạn phải hiểu điều đó. Bất kì cái gì có điều kiện bạn đều có thể mất nếu điều kiện bị loại bỏ. Chứng ngộ phải là vô điều kiện bởi lí do đơn giản rằng nó không thể bị lấy đi. Cuộc sống của bạn là có điều kiện: bất kì ai cũng có thể giết chết bạn, bạn có thể tự tử. Nhưng việc chứng ngộ của bạn thì phải là vô điều kiện.
Bạn không thể làm được bất kì cái gì để phá huỷ, để phá hoại bất kì cái gì có tính vô điều kiện. Bạn không thể làm bất kì nỗ lực nào để đi lui được, bởi vì không có điều kiện, không có nguyên nhân; nó là tự do với việc bị phá huỷ. Chẳng hạn, bạn đốt lửa - nhưng nó là có điều kiện. Nếu bạn bỏ gỗ đi, lửa sẽ tắt. Gỗ đó là tuyệt đối cần thiết cho lửa vẫn còn trong sự tồn tại. Nó không phải là vô điều kiện, nó là hậu quả của một nguyên nhân. Nguyên nhân bị loại bỏ, hậu quả biến mất.
Đó là khác biệt giữa người tâm linh và người duy vật. Người duy vật nói dưới dạng triết lí rằng cuộc sống, tâm thức, tất cả đều là có điều kiện, tất cả đều là hậu quả. Khi nguyên nhân bị loại bỏ chúng sẽ biến mất. Khi trong cái chết năm yếu tố cấu thành nên thân thể bạn, được làm rời ra, quay trở lại với cội nguồn nguyên thuỷ của nó - nước về với nước, đất về với đất, khí về với khí, lửa về với lửa, không gian, bầu trời về với bầu trời - thế thì không cái gì còn lại cả. Không có linh hồn còn sống sót; nó chỉ là hậu quả. Nếu nguyên nhân mà hiện diện, hậu quả hiện diện - khi nguyên nhân bị loại bỏ, hậu quả biến mất. Nói cách khác Karl Marx nói, "Tâm thức chỉ là sản phẩm phụ; nó không có sự tồn tại trong bản thân nó."
Bồ đề đạt ma đang nói: Nếu ông đạt tới bất kì cái gì tất cả đấy chỉ là điều kiện, đấy là nghiệp. Nó nảy sinh trong sự trừng phạt. Nó làm quay Bánh xe. Và chừng nào ông còn là chủ thể cho sinh và tử, ông sẽ không bao giờ đạt được chứng ngộ. Chứng ngộ phải không là hậu quả của nguyên nhân nào đó, không là hậu quả của việc thực hành nào đó, không là hậu quả của những điều kiện nào đó mà bạn đã hoàn thành. Nó phải không là việc đạt tới, mà chỉ là việc khám phá.
Nó đã có đó rồi.
Bạn chỉ giữ cho mắt mình nhắm lại, cho nên khi bạn mở mắt ra và bạn thấy phật tính của mình, bạn không thể nói là bạn đã đạt tới nó. Nó đã có đó từ trước khi bạn thậm chí thấy nó. Nó không phải là việc "đạt tới" của bạn, và việc mở mắt ra của bạn không phải là nguyên nhân.
Dù bạn có mở mắt mình ra hay không, phật tính của bạn vẫn không hề bị động chạm tới. Thậm chí với mắt nhắm bạn vẫn là vị phật; với mắt mở sẽ không có thay đổi gì - các bạn sẽ là chư phật. Thay đổi duy nhất sẽ là trong hiểu biết của bạn, không trong phẩm chất của bạn, không trong bản thể bạn. Sự thay đổi duy nhất sẽ là trong hiểu biết của bạn: "Lạy trời, mình đã đi tìm kiếm chứng ngộ, phật tính, trong mọi kiếp sống, tìm và kiếm ở mọi nơi và làm đủ mọi loại hành động tốt, gìn giữ giới luật, cúng dường, cầu nguyện, tụng kinh - và tất cả những điều đó là ngu xuẩn, bởi vì trong khi mình đang tụng kinh mình đã là vị phật rồi. Khi mình cúng dường hoa cho bức tượng đá, mình đang làm một hành động xuẩn ngốc thế bởi vì mình làm cho vị phật chạm chân bức tượng đá. Mình bao giờ cũng là vị phật rồi; đó là bản tính vô điều kiện của mình."
Đó là lí do tại sao phát biểu của Bồ đề đạt ma cực kì có ý nghĩa khi ông ấy nói, "Không, ông không thể nào tìm thấy phật tính bằng tất cả những cái gọi là như vậy mà các tôn giáo cứ thuyết giảng mãi cho mọi người."
Để đạt tới chứng ngộ ông phải thấy bản tính của mình.
Và chính chỉ là ngôn ngữ và khó khăn của ngôn ngữ mà người ta phải gọi nó là đạt tới; bằng không đạt tới nào có đó? Đấy thực sự chỉ là khám phá.
Kho báu có đó, bạn đơn giản làm lộ nó ra.
Bạn không tạo ra nó, bạn không sáng tạo ra nó, nó không phải là cái gì đó mới; nó bao giờ và bao giờ cũng có đó. Và dù bạn có khám phá ra nó hay không cũng không tạo nên khác biệt gì với nó. Nó là vĩnh hằng vô điều kiện.
Chừng nào ông còn chưa thấy bản tính của mình, mọi việc nói này về nhân quả đều vô nghĩa.
Tôi có thể nói rằng những lời gay gắt này chỉ có thể tới từ Bồ đề đạt ma, không từ bất kì đệ tử nào, những người không thể có dũng cảm ngần ấy. Chỉ Bồ đề đạt ma mới có thể nói: Chư phật không thực hành điều vô nghĩa. Nó là tiếng gầm của sư tử. Nó là tiếng gầm của sư tử, không phải là dòng viết của đệ tử tầm thường.
Vị phật là tự do với nghiệp, tự do với nhân quả. Nói ông ấy đạt tới bất kì điều gì là phỉ báng vị phật.
Không có vấn đề về đạt tới, người đó chỉ phát hiện ra.
Người đó chỉ mở mắt mình ra và thấy bản thân mình.
Ông ấy có thể đạt tới điều gì? Ngay cả việc hội tụ vào tâm trí, vào quyền năng, hiểu biết hay cách nhìn đều là không thể được với vị phật. Vị phật không phải là người một chiều.
Do đó, ông ấy không thể hội tụ vào bản thân mình được. Ông ấy là đa chiều, ông ấy là phổ quát. Chỉ những người một chiều mới có thể hội tụ. Tâm trí bình thường của bạn có thể hội tụ; nó có thể tập trung, nhưng vị phật không thể tập trung được. Ông ấy mở như bầu trời, trong mọi hướng, trong mọi chiều.
Vị phật không phải là người một chiều. Bản tính vô trí của ông ấy... đệ tử này đang viết là tâm trí của ông ấy, nhưng tôi phải chữa cho anh ta. Bản tính vô trí của ông ấy về cơ bản là trống rỗng, không thuần khiết cũng không không thuần khiết. Và bạn có thể thấy tại sao tôi sửa điều đó bởi vì nếu đấy là tâm trí, nó không thể nào trống rỗng được. Tâm trí bao giờ cũng đầy ý nghĩ; tâm trí không là gì ngoài cái bình chứa ý nghĩ. Tâm trí là cái tên khác cho quá trình suy nghĩ.
Ban ngày nó là suy nghĩ, ban đêm nó là mơ, nhưng nó bao giờ cũng tràn đầy với cái gì đó. Nó chưa bao giờ trống rỗng.
Và tâm trí bao giờ cũng hoặc thuần khiết hoặc không thuần khiết. Điều đó phụ thuộc vào loại ý nghĩ gì đang diễn ra trong nó. Nếu bạn đang nghĩ tới giết ai đó, hay nếu bạn đang nghĩ tới đánh cắp cái gì đó, hay nếu bạn đang nghĩ tới việc giúp ai đó... Nếu bạn tràn đầy với ý nghĩ từ bi, ý nghĩ yêu mến hay ý nghĩ huỷ hoại... điều đó sẽ phụ thuộc vào loại nội dung nào trong tâm trí bạn, và tâm trí thì chưa bao giờ trống rỗng. Do đó, hoặc nó sẽ thuần khiết hoặc không thuần khiết, hoặc nó sẽ là cả hai cùng nhau. Bởi vì tâm trí bạn là đống lộn xộn thế, không thuần khiết và thuần khiết, ý nghĩ tốt và ý nghĩ xấu, tất cả đều đứng đó như một đám đông. Do đó, tôi muốn đổi từ tâm trí thành vô trí. Chỉ thế thì phát biểu này mới trở nên có nghĩa: Bản tính vô trí ông ấy về cơ bản là trống rỗng, không thuần khiết cũng không không thuần khiết bởi vì vô trí là ở bên ngoài nhị nguyên.
Tâm trí không bao giờ có thể vượt ra ngoài nhị nguyên được. Nó bao giờ cũng nghĩ về ủng hộ hay chống đối, nó bao giờ cũng bị phân chia và chia chẻ, nó bao giờ cũng tinh thần phân liệt; nó chưa bao giờ là toàn bộ. Một phần của nó bao giờ cũng ngần ngại. Bất kì điều gì bạn làm, một phần của bạn sẽ không cùng với bạn; nó sẽ cứ nói: "Đừng làm điều đó, mình sẽ ăn năn nếu mình làm điều đó."
Đó là một trong những nguyên nhân tại sao mọi con người đều trong khổ. Bởi vì bất kì điều gì bạn làm, cái gì không thành vấn đề, phần mà không hợp tác vẫn cứ trả thù. Nó sẽ nói với bạn, "Nghe đây, bây giờ xem đấy, đã bảo trước rồi, đừng có làm điều này, nhưng mà mình có bao giờ nghe đâu." Nếu bạn đã nghe nó, thế nữa tình huống cũng không khác đi bởi vì phần kia mà đang nói, "Làm nó đi," sẽ đợi và chờ cơ hội của nó để kết án bạn bằng việc nói, "Không chịu nghe lời gì cả." Bạn bao giờ cũng trong giằng co đó: dù bạn làm điều này hay điều kia, bạn bao giờ cũng sai.
Chỉ vô trí mới có thể không có nhị nguyên nào, bởi vì nó là trống rỗng. Vô trí là vô chọn lựa. Vô trí là nhận biết thuần khiết. Nó chỉ là bầu trời trống rỗng.
Vị phật không giữ giới luật. Bây giờ đây là một phát biểu vĩ đại. Nó đáng được viết bằng chữ vàng ở mọi nơi trên khắp trái đất để mọi người hiểu nó.
Vị phật không giữ giới luật.
Ông ấy không tuân theo bất kì kỉ luật nào. Tại sao? Bởi vì ông ấy không có nhu cầu tuân theo bất kì kỉ luật nào, bất kì giới luật nào; ông ấy phải không tuân theo bất kì đạo đức nào bởi sự kiện đơn giản là ông ấy sống trong nhận biết tràn đầy. Từ nhận biết tràn đầy của ông ấy mà việc đáp ứng tới - không từ bất kì giới luật nào, bất kì kinh sách nào, bất kì luật đạo đức nào. Không, ông ấy hành động từ khoảnh khắc nọ sang khoảnh khắc kia từ trống rỗng thuần khiết của mình.
Nhìn một cách im lặng ông ấy cho phép toàn thể bản thể mình đáp ứng. Ông ấy giống hệt như tấm gương; ông ấy phản chiếu, ông ấy không làm cái gì khác. Đáp ứng của ông ấy là phản chiếu của ông ấy.
Vị phật không làm điều thiện hay ác. Vị phật không hăng hái hay lười biếng. Vị phật là ai đó làm cái không, ai đó thậm chí không thể hội tụ tâm trí mình vào vị phật.
Cho dù Thượng đế đứng trước ông ấy, ông ấy không thể tập trung vào Thượng đế được. Ông ấy chỉ là trống rỗng thuần khiết. Ông ấy không mang bất kì căng thẳng nào, bởi vì tập trung là căng thẳng, hội tụ là căng thẳng. Ông ấy hoàn toàn thảnh thơi.
Tại đây Bồ đề đạt ma tới đỉnh cao của mình khi ông ấy nói: Vị phật không phải là vị phật.
Bây giờ điều này sẽ rất khó cho mọi người hiểu - đặc biệt là những người có tâm trí bị định kiến theo biết bao nhiêu tôn giáo trên thế giới. Vị phật không phải là vị phật. Điều đó phải được hiểu, bởi vì nó có ý nghĩa đến mức nếu bạn bỏ lỡ nó, bạn sẽ bỏ lỡ mọi thứ.
Lấy vài ví dụ; có lẽ điều đó có thể có ích. Đứa trẻ mới sinh ra hoàn toàn hồn nhiên. Nhưng bạn có biết hay bạn có cho rằng nó nhận biết rằng nó hồn nhiên không? Đứa trẻ hồn nhiên có thể biết rằng nó là hồn nhiên không? Nếu nó biết rằng nó là hồn nhiên, nó không còn hồn nhiên nữa. Đứa trẻ hồn nhiên là hồn nhiên chỉ nếu nó không biết rằng nó là hồn nhiên.
Vị phật là việc tái sinh, việc tái sinh của tâm thức. Ông ấy đang đạt tới thời thơ ấu thứ hai; ông ấy được sinh ra lần nữa. Ông ấy là tâm thức tuyệt đối, nhưng ông ấy không thể nhận biết và ông ấy không thể nói, "Tôi là tâm thức tuyệt đối." Phát biểu đó sẽ làm cho tâm thức thành không thuần khiết. Tâm thức của ông ấy giống hệt như cái hồn nhiên của đứa trẻ. Nó không thể là tự ý thức được. Nó có đó và không có chỗ nào còn lại cho bất kì cái gì khác, cho dù là ý nghĩ, "Tôi là vị phật."
Vị phật không phải là vị phật. Đừng nghĩ về chư phật, bởi vì suy nghĩ về chư phật là điều ngớ ngẩn. Bạn là vị phật. Sao bạn còn phí thời gian để nghĩ về chư phật? Sao không đơn giản mở mắt ra và thức tỉnh và là vị phật đi? Bạn định thu được cái gì bằng việc nghĩ về chư phật?
Nếu ông không thấy điều ta đang nói tới, ông sẽ không bao giờ biết tới vô trí riêng của mình.
Mọi người không thấy bản tính của mình và tưởng tượng họ có thể thực hành làm cái không mọi lúc đều là kẻ nói dối và kẻ ngu.
Có nguy hiểm - Bồ đề đạt ma nhận biết về điều đó - rằng có thể có những người ranh ma, kẻ dối trá, kẻ ngu, cứ đi lừa người khác, lừa dối bản thân mình. Tôi đã đi tới biết nhiều người, khi đọc hay nghe những phát biểu vĩ đại như phát biểu của Bồ đề đạt ma, bắt đầu giả vờ rằng với họ không cái gì tốt, không cái gì xấu, rằng họ không cần quan tâm tới phân biệt giữ đúng và sai. Bởi vì Bồ đề đạt ma và những người như Bồ đề đạt ma tuyên bố rằng bạn là vị phật, họ tận hưởng ý tưởng này mà không mở mắt mình ra. Nó thoả mãn bản ngã đến mức họ không mở mắt mình ra. Họ không kinh nghiệm tự tính của họ, nhưng họ bắt đầu tuyên bố rằng họ đã chứng ngộ. Những người như vậy làm hại bản thân họ nhiều lắm và hại người khác nhiều lắm.
Tôi đã thấy biết bao nhiêu người bắt đầu tuyên bố bản thân họ đã chứng ngộ và họ thậm chí không có tí chút ý thức nào hơn các bạn cả. Cho nên những phát biểu vĩ đại này có thể là nguy hiểm. Chúng giống như những chiều cao lớn của các đỉnh Himalayas. Từ những chiều cao này, bạn có thể ngã và bạn có thể phá huỷ bản thân mình. Những bí mật này nên được hiểu theo cách rất chân thành, trung thực; chúng không nên được dùng để khai thác mọi người và tôn cao bản ngã của bạn.
Những người này rơi vào trong không gian vô tận. Họ như người say. Họ không thể biết điều thiện từ điều ác. Nếu ông định thực hành cái không, ông phải thấy bản tính của mình trước khi ông có thể đặt dấu chấm hết vào suy nghĩ hợp lí. Đạt tới chứng ngộ mà không thấy bản tính mình là điều không thể được.
Cho nên điều đó là tuỳ từng cá nhân liên tục nhớ vẫn còn chân thành. Bằng không, không ai có thể ngăn cản được bạn; bạn có thể tuyên bố bạn chứng ngộ nhưng cuộc sống của bạn sẽ chỉ ra, hành động của bạn sẽ chỉ ra, con mắt của bạn sẽ chỉ ra, mọi thứ quanh bạn sẽ chỉ ra rằng bạn không chứng ngộ. Và điều này không giúp bạn theo bất kì cách nào; điều này thậm chí lại còn có thể làm lầm lạc vài người. Và nếu bạn có thể kiếm được vài người tin vào chứng ngộ của bạn, mà điều này bao giờ cũng có thể bởi vì thế giới này đầy những kẻ xuẩn ngốc đến mức bất kì kẻ ngốc nào cũng có thể tìm thấy đệ tử... Và một khi bạn đã tìm thấy vài kẻ ngốc làm đệ tử, thế thì bạn trở nên tuyệt đối chắc chắn rằng bạn phải đã chứng ngộ; bằng không làm sao nhiều người khôn ngoan thế lại tin vào bạn?
Dầu vậy những người khác phạm phải đủ mọi loại hành vi ác, cứ nói nghiệp không tồn tại. Họ xác nhận sai lầm rằng vì mọi thứ đều trống rỗng, nên phạm điều ác là không sai. Những người như thế rơi vào trong địa ngục của bóng tối vô tận không hi vọng gì được thoát. Những người trí huệ không giữ quan niệm như vậy.
Đấy là vấn đề trách nhiệm cá nhân lớn; không có trách nhiệm nào khác lớn hơn điều này. Bao giờ cũng nhớ - và đừng quên dù một khoảnh khắc - đừng nói điều gì mà không phải là bạn; bằng không bạn sẽ rơi vào trong bóng tối mà từ đó thì rất khó thoát ra.
"Nhưng nếu mọi tình cảm và trạng thái của chúng ta, bất kì khi nào nó xuất hiện, đều là vô trí, tại sao chúng ta không thấy vô trí này khi thân thể của người ta chết đi"
Vô trí bao giờ cũng hiện diện. Ông chỉ không thấy nó thôi.
Vô trí không phải là vật. Nó không phải là hàng hoá, nó không phải là đối tượng. Vô trí là không gian thuần khiết. Nó là trống rỗng hoàn toàn, nó là im lặng. Bạn không thể nghe thấy nó. Bạn đã bao giờ nghĩ về nó, khi bạn nói nó là tuyệt đối im lặng không? Bạn có nghe thấy im lặng không? Mọi điều bạn nghe thấy là không tiếng động. Bởi vì bạn không nghe thấy tiếng động nào, bạn kết luận nó là im lặng.
Bởi vì bạn không kinh nghiệm bất kì lo nghĩ nào, lo âu nào, căng thẳng nào, bất kì khổ nào, bất kì đau khổ nào, bạn suy ra rằng đây là trạng thái của an bình và phúc lạc. Nhưng những điều này không phải là vật hay sự vật mà bạn có thể thấy. Hay khi một người chết, bạn không thể thấy vô trí của người đó đang từ bỏ thân thể.
Nhớ lần nữa, tôi đang thay đổi những phát biểu này - bất kì chỗ nào có tâm trí, tôi nói vô trí - bởi vì tâm trí có thể được thấy. Bạn thấy nó hàng ngày. Không cần phải chết đi để thấy nó; thậm chí trong khi sống bạn thấy nó. Chỉ nhắm mắt lại và bạn sẽ bắt đầu thấy nó.
"Nhưng nếu vô trí hiện diện, sao tôi không thấy nó?"
Đệ tử này đang đưa ra câu hỏi và cố gắng tìm câu trả lời của Bồ đề đạt ma. Có lẽ anh ta đã hỏi những câu hỏi này... anh ta phải đã nhận được câu trả lời, nhưng anh ta đã không thể hiểu được những câu trả lời đó. Anh ta đã diễn giải những câu trả lời đó theo cách riêng của mình. Bồ đề đạt ma đã nói: Vô trí bao giờ cũng hiện diện. Ông chỉ không thấy nó thôi. Bạn không thể thấy nó được bởi vì nó là không gian thuần khiết, nó không phải là một vật. Nó là cái không; hay tốt hơn, nó là cái không vật. Nó là không thấy được. Nhưng dầu vậy đệ tử này cứ hỏi mãi cùng câu hỏi ấy dưới những dạng khác nhau. Nếu tâm trí - nếu vô trí - hiện diện, sao tôi không thấy nó?
Dường như là anh ta chưa viết ra... anh ta đã quên rồi, hay anh ta đã không hiểu câu trả lời mà Bồ đề đạt ma nêu ra, bởi vì câu hỏi có đó, nhưng câu trả lời không có đó. Câu trả lời phải là: Bởi vì ông là nó rồi, cho nên ông không thể thấy nó được.
Bạn có thể thấy mọi thứ trên thế giới này ngoại trừ bản thân mình. Hiển nhiên tôi có thể bằng bàn tay mình nắm lấy mọi thứ trên thế giới ngoại trừ bản thân bàn tay tôi. Tôi có thể thấy bằng mắt mình mọi thứ trên thế giới ngoại trừ mắt riêng của tôi.
Vô trí là bản tính của tôi.
Tôi có thể cảm thấy nó, tôi có thể sống nó, tôi có thể thưởng thức nó, tôi có thể hát nó, tôi có thể nhảy múa nó, nhưng tôi không thể thấy nó được. Bởi vì tôi là nó. Cái gì đó tựa như điều này phải đã là câu trả lời nhưng nó không được ghi ra.
Và Bồ đề đạt ma phải đã cố gắng vất vả để cho đệ tử này có thể hiểu phân biệt này. Ông ấy hỏi anh ta:
Ông có bao giờ mơ không? Tất nhiên.
Khi ông mơ, đấy có phải là ông không?
Nhưng dầu vậy đệ tử này không hiểu điều đó. Anh ta trả lời: Có, đấy là tôi.
Và điều này đi ngược lại với toàn thể triết lí của Bồ đề đạt ma và Phật Gautam và tất cả những người đã từng trở nên chứng ngộ. Câu trả lời đáng phải là, "Không, đấy không phải là tôi." Bởi vì làm sao tôi có thể là giấc mơ được? Giấc mơ nổi ở phía trước tôi. Tôi thấy chúng. Bởi vì tôi thấy chúng, hiển nhiên tôi không phải là chúng. Tôi là người thấy và chúng là cái được thấy. Tôi là người biết và chúng là cái được biết. Chúng là đối thể, tôi là chủ thể. Do đó câu trả lời đúng phải là, không là "Có, đấy là tôi," mà là "Không, đấy không phải là tôi."
Và điều ông đang làm và nói có khác với ông không?
Lần nữa lại cùng sai lầm; câu trả lời được nêu ra là Không, nó không khác. Nó không khác với tôi - bất kì việc làm hay lời nói nào... Nhưng điều đó đơn giản thế; đặc biệt với bạn nó phải đơn giản thế. Bước đi, bạn có thể thấy rằng đấy là hành động của thân thể bạn, nhưng bạn không là nó. Bạn không bước đi; tâm thức bên trong của bạn ở đích xác tại nơi nó bao giờ cũng ở. Dù bạn đang đứng tĩnh lặng hay bước đi, nó bao giờ cũng là một. Câu trả lời thực sẽ làm "Có, nó là khác. Nó không phải là tôi. Hành động của tôi không thể là tôi được, việc làm của tôi không thể là tôi được. Tôi bao giờ cũng là người quan sát đằng sau; tôi bao giờ cũng là nhân chứng bên ngoài."
Nhưng nếu nó là khác, thế thì thân thể này không là thân thể thực của ông. Đó là việc chữa của tôi. Bản thân lời ghi là điều đối lập lại. Lời ghi tiếp tục theo cùng cách sai. Lời ghi là: Nhưng nếu nó không khác, thế thì thân thể này là thân thể thực của ông. Nếu bạn không khác với hành động của mình, nếu bạn không khác với giấc mơ của mình, thế thì đây là tâm trí thực của bạn, đây là thân thể thực của bạn.
Nhưng thân thể này không phải là thân thể thực của bạn. Chẳng mấy chốc một ngày sẽ tới khi thân thể này sẽ bị thiêu trên dàn hoả thiêu. Nhưng bạn sẽ không bị thiêu. Tâm thức của bạn sẽ lấy một dạng mới - đã đi xa xôi.
Cho nên tôi sẽ đi với việc sửa chữa của tôi: Nhưng nếu nó là khác, thế thì thân thể này không là thân thể thực của ông. Và thân thể thực này là vô trí của ông. Và vô trí này, qua vô hạn kalpas không có bắt đầu, chưa bao giờ thay đổi cả. Nó chưa bao giờ sống hay chết... Xem kết luận này. Nếu thân thể này là thực, thế thì những phát biểu sau không thể có liên quan được... qua vô hạn kalpas, qua vô hạn năm, không có bắt đầu, chưa bao giờ thay đổi cả. Nó chưa bao giờ sống hay chết, xuất hiện hay biến mất, tăng hay giảm. Nó không thuần khiết cũng không không thuần khiết, thiện hay ác, quá khứ hay tương lai. Nó không đúng hay sai. Nó không nam hay nữ. Nó không xuất hiện như sư hay dân thường, người già cả hay người mới lớn, hiền nhân hay kẻ ngu, vị phật hay người hữu tử. Nó cố gắng để không nhận ra và không chịu nghiệp. Nó không có sức mạnh hay hình dạng. Nó giống như không gian. Ông không thể sở hữu nó.
Những phát biểu là có thể chỉ nếu những việc chữa của tôi được thực hiện; bằng không những phát biểu này trở thành tuyệt đối không thể được bởi vì thân thể bạn đã chết đi nhiều lần, đã được sinh ra nhiều lần, sẽ chết đi nữa, sẽ được sinh ra nữa. Thân thể này không phải là thân thể thực của bạn.
Thân thể thực của bạn là bản thể thực của bạn - cái không bao giờ chết, cái không bao giờ sinh ra, cái bao giờ cũng liên tục vĩnh hằng qua nhiều hình dạng, nhưng nó đều là một cả. Có một phát biểu của Phật Gautam: "Ông có thể nếm đại dương tại bất kì đâu, từ mọi chiều hướng; vị của nó bao giờ cũng là một."
Cho nên dù trong thân thể này hay thân thể khác, tâm thức của bạn vẫn là một. Và thân thể này chắc chắn là nam hay nữ; chỉ bản thể bạn là không nam hay nữ. Cho nên chừng nào việc chữa của tôi còn chưa có đó, tất cả những phát biểu theo sau này đều trở thành hoàn toàn không liên quan gì cả và đối lập ngược hẳn lại với phát biểu mà đệ tử này đã viết ra.
Và ông không thể làm mất nó. Chuyển động của nó không thể bị chặn lại bởi bất kì núi, sông hay tường đá nào. Sức mạnh không thể nào dừng nổi của nó thấm vào núi của năm skandhas (uẩn) ... Năm skandhas này là điều tôi đã gọi là năm yếu tố. Skandha là từ Phật giáo cho yếu tố - đất, khí, nước, lửa và trời. Đây là năm yếu tố mà cái gọi là thân thể bạn được tạo nên. Nhưng bản thể thực của bạn ở bên ngoài tất cả skandha... núi của năm skandhas và đi ngang qua dòng sông luân hồi. Tâm thức bạn không bao gồm năm yếu tố này và cho dù năm yếu tố này là núi, chúng vẫn không thể nào ngăn cản được tâm thức của bạn vượt ra ngoài tới ngôi nhà thực của mình.
Thậm chí đại dương của luân hồi này, thế giới này, không thể ngăn cản được bạn khỏi việc đạt tới ngôi nhà tối thượng của mình. Bởi vì ngôi nhà tối thượng này đã ở bên trong bạn rồi, không cái gì có thể ngăn cản bạn khỏi việc đạt tới nó. Bạn đã ở đó rồi, bạn chỉ không nhận biết về điều đó.
Không nghiệp nào có thể kìm lại được bản thể thực này, hay thân thể thực này. Nhưng vô trí này là tinh tế và khó thấy. Nó không phải là một với tâm trí giác quan. Mọi người đều muốn thấy vô trí này. Và những người cử động tay và chân bằng ánh sáng của nó cũng nhiều như hạt cát dọc sông Hằng.
Mặc dầu bạn không thấy nó, mọi người đều có nó. Bạn sống trong ánh sáng của nó. Chính cuộc sống của bạn thuộc và vô trí của bạn.
Nhưng hỏi họ. Họ không thể giải thích được điều đó.
Bạn sống, bạn biết bạn đang sống, nhưng nếu ai đó hỏi bạn cuộc sống là gì, hay định nghĩa điều bạn ngụ ý bởi việc sống, bạn sẽ lúng túng. Điều đó cũng dường như là nếu bạn nếm cái gì đó ngon lành; bạn biết cái vị ấy, nhưng không có cách nào nói ra nó là gì, nó là thế nào? Cách duy nhất là để cho người khác nếm nó. Không lời giải thích nào có thể có ích cả.
Người chưa bao giờ nếm vị ngọt... bạn không thể giải thích cho người đó ngọt là gì. Bạn có thể đem mọi cách nói rõ ràng của mình, nhưng bạn không thể nào giải thích được một điều đơn giản, ngọt. Cách duy nhất là tặng cho người đó cái kẹo nào đó. Đó là điều mà thầy đã làm suốt từ đầu. Thay vì bảo cho bạn ngọt là gì, họ đưa nó cho bạn nếm. Bản thân họ đang đưa ra chính bản thể riêng của họ, sự hiện diện riêng của họ cho bạn nếm trải nó.
Mọi người đều có vị phật bên trong bởi vì họ không nhận biết họ vận hành như con rối. Vị phật bên trong này là của họ để sử dụng, sao họ không thấy nó? Sao họ cứ còn như con rối vậy? Sao họ không trở thành thầy của bản thể riêng của mình? Và đấy không phải là nhiệm vụ khó khăn gì, thực ra nó không là nhiệm vụ chút nào. Đấy chỉ là một mẹo nhỏ để trở nên nhận biết, chỉ như lay bản thân bạn và thức dậy. Mọi cách thiền đơn giản là phương cách để lay bạn sao cho giấc ngủ tâm linh sâu bị khuấy động. P.D. Ouspensky đã tặng một cuốn sách chuyên khảo của mình, Đi tìm điều huyền bí, cho thầy mình, George Gurdjieff, với những lời rất hay, "Tặng George Gurdjieff, người quấy rối giấc ngủ của tôi." Nhưng đấy chỉ là chức năng của thầy: theo cách nào đó quấy rối bạn, theo cách nào đó lay bạn và đánh thức bạn dậy.
Không có đâu mà đi và không có gì để đạt tới. Bạn đã ở đó ở nơi bạn cần ở.
Tìm kiếm là tội lỗi duy nhất.
Tìm là con đường duy nhất đi lạc lối.
Vẫn còn lại bên trong bản thân bạn, rút vào bản thân bạn từ mọi thứ, mọi năng lượng, mọi tia năng lượng, và tập trung nó tại chính trung tâm bản thể bạn... Gurdjieff gọi nó là 'sự kết tinh'. Và ông ấy là một người rất giống Bồ đề đạt ma. Nếu bất kì ai có thể được đặt vào trong cùng loại như Bồ đề đạt ma, thế thì Gurdjieff là người đó. Điều ông ấy gọi là sự kết tinh của bản thể bạn được Bồ đề đạt ma gọi là đánh thức bản thể bạn, hay phật tính.
Đọc những lời kinh này, tôi đã nghĩ phải có cái nhìn vào những lời kinh cổ khác, bởi vì cùng những sai lầm mà tôi đang thấy trong những lời kinh này nhất định phải có đó. Chúng đã không được viết ra bởi những người chứng ngộ. Và những lẫn lộn này, những phát biểu sai này, không có chủ ý gì, gây hại nhiều lắm cho tất cả những người đang theo chúng; chúng cần phải được sửa lại. Cho nên những lời bình luận của tôi là nhiều sửa chữa và phê bình về tất cả những gì bị lẫn lộn và sai sót. Tôi muốn đưa Bồ đề đạt ma ra sáng tỏ hoàn toàn, không có bất kì dấu vết nào còn lại bởi những đệ tử này, người đã viết ra những lời kinh này. Điều đó bao giờ cũng xảy ra... sách phúc âm của Jesus đã được viết ra ba trăm năm sau khi Jesus không còn đó để sửa lại chúng. Và không người Ki tô giáo nào thích một Jesus khác sửa lại chúng. Bằng không... tôi tuyệt đối sẵn lòng.
Kinh của Phật Gautam đã được viết ra sau cái chết của ông ấy. Và có biết bao nhiêu tranh cãi trong các đệ tử đến mức ngay sau cái chết của ông ấy đã có ba mươi hai tông phái xung đột lẫn nhau. Ai đó nói, "Điều này do ông ấy nói ra," hay "Điều này chưa được nói ra." Ba mươi hai cách diễn giải, mâu thuẫn lẫn nhau, và Phật Gautam đáng  thương không còn sống và chắc chắn ông ấy không nói những điều có tới ba mươi hai cách diễn giải khác nhau đã có. Ông ấy không phải là người điên. Nghĩa của ông ấy rất rõ ràng, nhưng sự sáng tỏ đó là có thể chỉ cho những người đã vượt ra ngoài tâm trí, bởi vì tâm trí là lẫn lộn, và vô trí là sáng tỏ.
Im lặng của vô trí cho bạn sự sáng tỏ. Bạn có thể thấy ngay lập tức cái gì đúng và cái gì sai; không có vấn đề về bất kì biện luận nào. Đọc những lời kinh này, tôi không phải nghĩ ngợi một khoảnh khắc hay ngần ngại một khoảnh khắc nào ở đâu nó là sai hay ở đâu nó là đúng. Khoảnh khắc tôi tới bất kì chỗ nào mà sai, điều đó là ngay lập tức và tuyệt đối rõ ràng với tôi, không có ngần ngại gì.
Bởi vì thấy những lời kinh này, tôi đã nghĩ phải nhìn vào những kinh sách cổ, những điều đã được viết ra bởi những đệ tử chưa chứng ngộ và phải chữa lại chúng. Bởi vì đây là lúc - chúng đã sống hàng nghìn năm mà không có sửa chữa nào.
Nhưng mọi người trở nên bị ám ảnh và cuồng tín đến mức họ không muốn bất kì thay đổi nào. Chẳng hạn, những sửa chữa của tôi sẽ không được các Phật tử thích thú. Họ sẽ cảm thấy rất bị tổn thương - mọi dòng phải là đúng - nhưng họ không thấy ra vấn đề rằng những dòng này không do Bồ đề đạt ma viết ra; bằng không chúng đã được rồi. Chúng đã được những người chưa chứng ngộ viết ra. Do đó, điều tuyệt đối chắc chắn là chúng sẽ sai sót, lẫn lộn, phát biểu sai, nhiều điều bị bỏ sót và có lẽ nhiều điều đã do đệ tử thêm vào, chỉ để làm cho nó thành câu chuyện hoàn chỉnh, hệ thống triết lí hoàn chỉnh. Đấy sẽ là một công việc khó khăn. Điều đó sẽ làm khó chịu nhiều người hơn nữa. Tôi đã gây khó chịu cho biết bao nhiêu người đến mức bây giờ tôi không quan tâm thêm nữa. Điều đó không thành vấn đề. Tôi đã gây khó chịu cho hàng triệu người, vài triệu người nữa - bây giờ nó không thành vấn đề chút nào.
Các thế hệ tương lai của con người mới sẽ cảm thấy biết ơn rằng ít nhất đã có một người không thèm bận tâm tới việc cả thế giới bị người đó gây khó chịu. Người đó cứ phân biệt giữa cái gì là chân lí và cái gì không là chân lí.
Được chứ, Maneesha?
Vâng, thưa Osho.

Ads Belove Post