Chương 5. Hướng dẫn tới tự do

Chương 5. Hướng dẫn tới tự do

Price:

Read more

Osho – Thiền động
Thiền – Tự do đầu tiên và cuối cùng
Khoa học về Thiền
Chương 5. Hướng dẫn tới tự do

Ba điểm căn bản
Thiền có vài điều căn bản trong nó, dù bất kì phương pháp nào, nhưng có vài điều bản chất là cần thiết trong mọi phương pháp. Trước hết là trạng thái thảnh thơi: không tranh đấu với tâm trí, không kiểm soát tâm trí, không tập trung. Thứ hai, quan sát với nhận biết thảnh thơi bất kì cái gì đang xảy ra, không có bất kì diễn giải nào - chỉ quan sát tâm trí, im lặng, không có bất kì phán xét nào, đánh giá nào.
Đó là ba điều: thảnh thơi, quan sát, không phán xét và dần dần, dần dần im lặng vĩ đại sẽ choàng lên bạn. Tất cả chuyển động bên trong bạn đều dừng lại. Bạn có đấy, nhưng không có ý nghĩa của ‘tôi đây’ - chỉ là không gian thuần khiết. Có một trăm mười hai phương pháp thiền. Tôi đã nói về tất cả những phương pháp này. Chúng khác biệt trong cách thiết lập, nhưng những điều cơ bản vẫn còn là một: thảnh thơi, quan sát và thái độ không phán xét.35

Vui đùa
Hàng triệu người lỡ mất thiền vì thiền đã mang ý nghĩa sai. Nó có vẻ rất nghiêm trang, có vẻ buồn rầu, có cái gì đó của nhà thờ trong đó; nó trông dường như chỉ dành cho người chết hay hấp hối - những người u sầu, nghiêm nghị, mặt dài ra, người đã mất đi hân hoan, vui vẻ, đùa rỡn, lễ hội...
Đấy mới là những phẩm chất của thiền: thiền nhân thực sự thì vui đùa; cuộc sống là vui tươi với người đó, cuộc sống là leela, vở kịch. Người đó tận hưởng nó vô cùng. Người đó không nghiêm trang. Người đó thảnh thơi.36

Kiên nhẫn
Chớ vội vã. Hấp tấp thường gây ra chậm trễ. Khi bạn khao khát, kiên nhẫn chờ đợi - chờ đợi càng sâu sắc, nó càng đến sớm. Bạn đã gieo hạt, bây giờ ngồi trong bóng râm và theo dõi điều gì xảy ra. Hạt sẽ tách ra, nó sẽ nhú mầm, nhưng bạn không thể đẩy nhanh quá trình này được. Mọi thứ chẳng cần thời gian đó sao? Công việc bạn phải làm, nhưng để kết quả cho Thượng đế. Chẳng có gì trong cuộc sống là lãng phí cả, đặc biệt là bước tiến tới chân lí. Nhưng lúc nào cái sốt ruột cũng tới; cái sốt ruột tới cùng với khát khao, nhưng đây là chướng ngại. Giữ lại khao khát và vứt sốt ruột đi. Đừng lẫn lộn sốt ruột với khát khao. Với khát khao có mong mỏi nhưng không có tranh đấu; với sốt ruột có tranh đấu mà không có mong mỏi. Với ao ước có chờ đợi nhưng không có yêu cầu; với sốt ruột có yêu cầu mà không có chờ đợi. Vớu khát khao có nước mắt im lặng; với sốt ruột có tranh đấu bất ổn. Chân lí không thể nào bị đột kích; nó đạt được thông qua buông xuôi, không phải qua tranh đấu. Nó bị chinh phục qua buông xuôi hoàn toàn.37

Đừng trông đợi kết quả
Bản ngã chỉ rình kết quả, tâm trí bao giờ cũng hám kết quả. Tâm trí chẳng bao giờ quan tâm tới bản thân hành động, mối quan tâm của nó là trong kết quả. “Mình sẽ được gì ở đó?” Nếu tâm trí có thể xoay xở để thu được cái gì đó mà chẳng phải thông qua hành động nào thì nó sẽ chọn lối tắt.
Đó là lí do tại sao những người có giáo dục trở nên rất tinh ranh, vì họ có khả năng tìm ra lối tắt. Nếu bạn kiếm sống theo cách hợp pháp, bạn phải mất cả đời. Nhưng nếu bạn có thể kiếm tiền thông qua buôn lậu, cá cược hay bằng cách nào đó khác - bằng cách trở thành người lãnh đạo chính trị, thủ tướng, tổng thống - thế thì bạn có mọi lối tắt dành sẵn cho bạn. Người có giáo dục trở thành rất khôn lỏi. Người đó không trở nên trí huệ, người đó chỉ đơn thuần trở nên láu lỉnh. Người đó trở nên khôn lỏi đến mức người đó muốn có mọi thứ mà chẳng phải làm gì cho nó cả. Thiền xảy ra chỉ cho những người không hám kết quả. Thiền là trạng thái không hướng mục tiêu.38

Đánh giá cao vô nhận biết
Trong khi người nhận biết tận hưởng nhận biết thì người không nhận biết lại tận hưởng vô nhận biết. Chẳng có gì sai cả, vì vô nhận biết cũng tựa như việc nghỉ ngơi. Nếu không thì nhận biết lại trở thành căng thẳng. Nếu bạn tỉnh suốt hai mươi tư tiếng, bạn nghĩ bạn có thể sống được bao nhiêu ngày? Không ăn người ta có thể sống được ba tháng; không ngủ, trong ba tuần người đó sẽ phát điên, và người đó sẽ cố tự tử. Ban ngày bạn tỉnh thức; ban đêm bạn thư thả, và cái thư thả đó giúp cho bạn trong ngày được tỉnh táo hơn, tươi tắn lại. Năng lượng đã trải qua kì nghỉ ngơi cho nên chúng sống động hơn vào buổi sáng.
Cũng điều tương tự như vậy xảy ra trong thiền: trong vài khoảnh khắc, bạn hoàn toàn nhận biết, đạt tới đỉnh núi và một vài khoảnh khắc khác bạn lại trong thung lũng, nghỉ ngơi. Nhận biết đã biến mất, bạn đã quên mất. Nhưng có gì sai trong đó? Điều này đơn giản. Qua vô nhận biết mà nhận biết sẽ nảy sinh lại, tươi tắn, trẻ trung và điều này cứ tiếp diễn.
Nếu bạn có thể tận hưởng được cả hai thì bạn trở thành cái thứ ba, và đó là điểm cần phải hiểu: nếu bạn có thể tận hưởng được cả hai, điều đó có nghĩa là bạn không là cả hai - chẳng nhận biết lẫn vô nhận biết - bạn là người tận hưởng được cả hai. Cái gì đó vượt ra ngoài đã đi vào. Trong thực tế, đây là nhân chứng thực sự. Hạnh phúc bạn tận hưởng, có gì sai trong đó? Khi hạnh phúc đã trôi qua và bạn trở nên buồn bã, có gì sai với cái buồn đó? Tận hưởng nó đi. Một khi bạn trở nên có khả năng tận hưởng cả buồn, bạn không là cả hai.
Và điều này tôi bảo bạn: nếu bạn tận hưởng buồn, nó cũng có cái đẹp của riêng nó đấy. Hạnh phúc có đôi chút nông cạn; buồn thì rất sâu, nó có chiều sâu trong đó. Người chưa từng buồn sẽ chỉ là người nông cạn, chỉ ở bề mặt. Buồn tựa như đêm tối, rất sâu. Bóng tối có im lặng trong nó, và buồn cũng vậy. Hạnh phúc thì bọt bèo; có âm thanh trong nó. Nó tựa như con sông trong núi; âm thanh luôn sinh ra. Nhưng trong núi, con sông chẳng bao giờ rất sâu được; nó bao giờ cũng nông cạn. Khi con sông đi tới đồng bằng nó trở nên sâu, nhưng âm thanh không còn. Nó chuyển động dường như không chuyển động. Buồn có chiều sâu là vậy.
Tại sao lại tạo ra rắc rối? Trong khi hạnh phúc, cứ hạnh phúc đi, tận hưởng nó đi. Đừng bị đồng nhất với nó. Khi tôi nói hạnh phúc đi, tôi muốn nói tận hưởng nó. Để cho nó là khí hậu sẽ chuyển động và thay đổi. Sáng đổi sang trưa, trưa đổi sang chiều, chiều đổi sang tối và rồi đêm tới. Để hạnh phúc là khí hậu quanh bạn đi. Tận hưởng nó, và thế thì khi buồn tới, tận hưởng cả nó nữa.
Tôi dạy bạn tận hưởng bất kì cái gì đang xảy ra. Ngồi im lặng và tận hưởng buồn, rồi bất chợt buồn không còn là buồn nữa; nó đã trở thành khoảnh khắc im lặng an bình, đẹp đẽ trong chính nó. Chẳng có gì sai trong nó cả. Và thế thì thuật giả kim tối thượng tới, một điểm mà bạn bỗng nhiên hiểu ra rằng bạn chẳng là cả hai - chẳng hạnh phúc mà cũng không buồn bã. Bạn là người quan sát: bạn quan sát đỉnh núi, bạn quan sát thung lũng; nhưng bạn không là cả hai. Một khi đạt tới điểm này bạn có thể mở hội mọi thứ. Bạn mở hội cuộc sống, bạn mở hội cái chết.39

Máy móc có ích nhưng không tạo ra thiền
Biết bao máy móc đã được tạo ra trên khắp thế giới, chủ định là chúng có thể đem lại cho bạn việc thiền; bạn chỉ phải đeo tai nghe vào rồi thảnh thơi, và trong mười phút bạn sẽ đạt tới trạng thái thiền. Điều này là cực kì ngu xuẩn, nhưng cũng có lí do tại sao ý tưởng như thế lại nảy sinh trong tâm trí của dân kĩ thuật. Tâm trí vận hành theo chiều dài sóng nào đó khi nó tỉnh thức. Khi nó đang mơ, nó vận hành theo chiều dài sóng khác. Khi nó đang trong giấc ngủ nhanh nó vận hành theo chiều dài sóng khác. Nhưng chẳng chiều dài sóng nào là thiền cả.
Trong hàng nghìn năm chúng ta đã gọi thiền là turiya, “trạng thái thứ tư”. Khi bạn đã vượt ra ngoài giấc ngủ say nhất mà bạn vẫn còn nhận biết thì nhận biết đó là thiền. Đó không phải là kinh nghiệm; nó là bạn, chính con người bạn. Nhưng những máy móc kĩ thuật cao này có thể cực kì có ích nếu biết dùng đúng đắn. Chúng có thể giúp tạo ra loại sóng trong tâm trí bạn sao cho bạn bắt đầu cảm thấy được thảnh thơi, dường như nửa ngủ... ý nghĩ biến mất và một khoảnh khắc tới mà mọi thứ đều trở nên im lặng trong bạn. Đó là khoảnh khắc khi sóng này là sóng của giấc ngủ say. Bạn sẽ không thể nào nhận biết về giấc ngủ say này, nhưng sau mười phút, khi bạn ngắt điện ra khỏi máy, bạn sẽ thấy hiệu quả: bạn bình thản, bình tĩnh, an bình, không lo nghĩ, không căng thẳng; cuộc sống dường như vui đùa và hớn hở hơn. Người ta cảm thấy dường như mình đã được tắm bên trong. Toàn bộ con người bạn bình thản và trầm tĩnh.
Với máy móc chắc chắn bạn có được những điều này, vì chúng không phụ thuộc vào bất kì việc làm nào của riêng bạn. Cũng tựa như nghe nhạc: bạn cảm thấy an bình, hài hoà. Những máy này sẽ đưa bạn lên trạng thái thứ ba - ngủ say, ngủ không mơ. Nhưng nếu bạn nghĩ đấy là thiền thì bạn lầm. Tôi sẽ nói đây là kinh nghiệm tốt, và trong khi bạn đang trong khoảnh khắc ngủ say đó, nếu bạn cũng có thể nhận biết từ ngay ban đầu, khi tâm trí bắt đầu thay đổi sóng của nó...
Bạn phải tỉnh táo hơn, tỉnh thức hơn, quan sát hơn - điều gì đang xảy ra? - và bạn sẽ thấy rằng tâm trí dần dần rơi vào buồn ngủ. Và nếu bạn có thể thấy tâm trí đang rơi vào buồn ngủ... người đang thấy tâm trí rơi vào buồn ngủ là bản thể bạn, và đó là mục đích của tất cả việc thiền chân thực.
Những máy móc này không thể tạo ra được nhận biết đó. Nhận biết đó bạn sẽ phải tạo ra, nhưng những máy móc này trong vòng mười phút chắc chắn có thể tạo ra khả năng mà bạn không thể nào tạo ra được trong nhiều năm cố gắng. Cho nên tôi không chống lại các công cụ kĩ thuật cao. Tôi ủng hộ hoàn toàn cho chúng. Chỉ có điều là tôi muốn những người đang làm lan tràn các máy này trên toàn thế giới biết rằng họ đang làm việc tốt, nhưng vẫn không hoàn chỉnh. Nó sẽ là hoàn chỉnh chỉ khi người trong im lặng sâu lắng đó cũng tỉnh táo, tựa như ngọn lửa nhận biết nhỏ đang bùng cháy. Mọi thứ biến mất, tất cả xung quanh đều tối bưng, và im lặng, và an bình - nhưng vẫn có ngọn lửa nhận biết không lay động. Cho nên nếu máy móc được sử dụng đúng và người ta được dạy rằng điều thực sự sẽ tới không phải qua máy móc, thì máy có  thể tạo ra nền tảng rất bản chất trong đó ngọn lửa có thể phát triển. Nhưng ngọn lửa đó phụ thuộc vào bạn, không phụ thuộc vào máy móc.
Cho nên một mặt tôi ủng hộ cho những máy móc đó và mặt khác tôi lại rất chống đối chúng, vì nhiều, nhiều người sẽ nghĩ, “Đây là thiền,” và họ sẽ bị lừa dối. Những máy này sẽ gây hại nhiều lắm, nhưng chúng sẽ rất nhanh chóng lan khắp thế giới. Và chúng thì đơn giản - chẳng có gì nhiều lắm trong đó cả; đấy chỉ là vấn đề tạo ra những sóng nào đó. Nhạc sĩ có thể học được từ những máy móc này, sóng nào họ sẽ tạo ra trong mọi người, và họ có thể bắt đầu tạo ra những sóng đó qua nhạc cụ của mình. Mà cũng chẳng cần đến máy móc nữa, nhạc sĩ có thể tạo ra những sóng đó cho bạn, và bạn sẽ bắt đầu rơi vào buồn ngủ! Nhưng nếu bạn có thể vẫn còn tỉnh thức ngay cả trong giấc ngủ say nhất, khi bạn thấy rằng chỉ thêm bước nữa nữa thôi là bạn sẽ trở nên vô thức, thì bạn đã học được bí mật rồi đấy. Máy đó có thể được dùng một cách tốt đẹp. Và điều này là đúng cho mọi máy móc trên thế giới: nếu được dùng đúng chúng có thể cực kì có ích cho loài người. Nếu bị dùng sai chúng có thể trở thành cản trở. Và không may là lại có quá nhiều việc dùng sai...
Nhưng đấy không phải là thiền, đấy chỉ đơn thuần là thay đổi sóng radio mà vẫn liên tục phát đi xung quanh bạn trong không trung. Nó chắc chắn là có ích như kinh nghiệm; nếu không thì với nhiều người, thiền vẫn cứ còn là lời nói thôi. Họ nghĩ rằng lúc nào đó họ sẽ thiền. Và vẫn cứ còn hoài nghi, liệu có ai thiền hay không nhỉ? Nhưng ở phương Tây tâm trí là cơ giới, cách tiếp cận là cơ giới; mọi thứ họ đều muốn thu về cái máy - và họ có khả năng về điều đó. Nhưng còn có những thứ nằm ngoài khả năng của bất kì máy móc nào. Nhận biết không thể được tạo ra bởi bất kì máy nào; nó là nằm ngoài phạm vi của bất kì kĩ nghệ cao nào. Nhưng điều công nghệ có thể đem lại cho bạn thì chắc chắn là dùng được. Điều này có thể được dùng như bàn đạp rất tuyệt vời để nhảy vào thiền.
Và khi bạn đã nếm trải nhận biết thì có lẽ đôi lúc máy móc có thể có ích để cho nó trở thành ngày càng rõ ràng hơn, cho nên nhận biết của bạn trở nên ngày càng tách bạch khỏi im lặng mà máy móc tạo ra. Và thế thì bạn nên bắt đầu thực hiện nó mà không cần máy móc nữa. Một khi bạn đã học được cách thực hiện điều đó mà không cần máy móc thì máy đã giúp bạn nhiều lắm rồi đó.40

Bạn không phải là kinh nghiệm của mình
Một trong những điều nền tảng cần nhớ - không chỉ bởi bạn mà còn bởi mọi người - là ở chỗ bất kì cái gì bạn trải qua trong cuộc hành trình bên trong của mình, bạn đều không phải là nó. Bạn là người đang quan sát nó - nó có thể là cái không, nó có thể là phúc lạc, nó có thể là im lặng. Nhưng một điều phải nhớ - dù bạn có trải qua kinh nghiệm đẹp đến đâu, say mê đến đâu, bạn cũng không phải là nó.
Bạn là người đang kinh nghiệm nó, và nếu bạn cứ tiếp tục mãi như thế thì điều tối thượng trong cuộc hành trình là điểm mà không kinh nghiệm nào còn lại nữa - chẳng còn im lặng, chẳng phúc lạc, chẳng cái không. Chẳng có gì còn như một đối thể đối với bạn mà chỉ có chủ thể bạn thôi. Tấm gương rỗng không. Nó không phải là cái đang phản xạ. Nó là bạn.
Ngay cả người du hành của thế giới nội tâm vĩ đại cũng còn bị kẹt trong những kinh nghiệm đẹp đẽ, và trở nên đồng nhất với những kinh nghiệm này khi nghĩ, “Ta đã tìm thấy cái ta.” Họ đã dừng lại trước khi đạt tới giai đoạn cuối cùng nơi tất cả kinh nghiệm đều biến mất. Chứng ngộ không phải là kinh nghiệm. Đó là trạng thái bạn bị bỏ lại tuyệt đối một mình, chẳng có gì để biết cả. Không đối thể hiện hữu, dù đẹp đẽ. Chỉ trong khoảnh khắc đó mà tâm thức bạn, không bị ngăn trở bởi bất kì đối thể nào, mới quay lại và đi về nguồn. Nó trở thành việc tự hiểu biết. Nó trở thành chứng ngộ. Tôi phải lưu ý bạn về từ ‘đối thể’. Mọi đối thể đều mang nghĩa cản trở. Chính ý nghĩa của từ đối thể này là đối lại.
Cho nên đối thể có thể bên ngoài bạn, trong thế giới vật chất; đối thể có thể bên trong bạn, trong thế giới tâm lí của bạn, đối thể có thể trong tim bạn, cảm giác, xúc động, tình cảm, tâm tính bạn. Và đối thể có thể thậm chí trong thế giới tâm linh của bạn. Và chúng cực lạc đến độ người ta không thể nào tưởng tượng ra được có gì hơn nữa. Và nhiều nhà huyền môn của thế giới đã dừng lại ở cái cực lạc này. Đó là một chỗ đẹp đẽ, một chốn kịch trường, nhưng họ vẫn còn chưa về đến nhà.
Khi bạn đi tới điểm tất cả các kinh nghiệm đều vắng bóng, không còn đối thể nữa, tâm thức không cản trở đó đi vào vòng tròn - trong sự tồn tại mọi thứ đều di chuyển theo vòng tròn, nếu không bị cản trở - nó đến từ cùng ngọn nguồn con người bạn, đi vòng tròn. Không thấy chướng ngại nào với nó - không kinh nghiệm, không đối thể - thì nó đi ra sau. Và bản thân chủ thể trở thành đối thể, đối thể.
Đó chính là điều J. Krishnamurti liên tục nói trong suốt cả đời: khi người quan sát trở thành cái được quan sát, hãy biết rằng bạn đã tới nơi. Trước khi đó có cả nghìn thứ trên đường. Thân thể cho kinh nghiệm của riêng nó, điều đã từng được biết như những kinh nghiệm về các trung tâm kundalini; bẩy trung tâm trở thành bẩy đoá hoa sen. Mỗi đoá hoa lại lớn hơn và cao hơn đoá hoa khác, và hương thơm làm say sưa người ta. Tâm trí cho bạn không gian lớn, vô giới hạn, vô hạn. Nhưng nhớ câu châm ngôn nền tảng là vẫn chưa về đến nhà đâu.
Tận hưởng cuộc hành trình và tận hưởng tất cả nhưng cảnh vật tới trong cuộc hành trình - cây cối, núi non, hoa, sông, mặt trời và mặt trăng, các ngôi sao - nhưng đừng dừng ở bất kì đâu, chừng nào mà chính chủ thể của bạn còn chưa trở thành đối thể của riêng nó. Khi người quan sát là cái được quan sát, khi người thấy là cái được thấy thì bạn đã về nhà.
Ngôi nhà này là ngôi đền thực sự mà chúng ta đã tìm kiếm, trong bao nhiêu kiếp sống, nhưng chúng ta bao giờ cũng đi lạc lối. Chúng ta trở nên thoả mãn với những kinh nghiệm đẹp đẽ. Người tìm kiếm dũng cảm phải bỏ lại tất cả những kinh nghiệm đẹp đẽ đó đằng sau, và tiếp tục dấn bước. Khi tất cả những kinh nghiệm đã hết sạch và chỉ còn bản thân người đó còn lại trong sự một mình của mình... thế thì không cực lạc nào còn lớn hơn điều đó, thế thì không phúc lạc nào là phúc lạc lớn hơn thế thì thế thì không chân lí là lại đúng hơn nữa. Bạn đã đi vào cái tôi gọi là tính thượng đế, bạn đã trở thành một thượng đế.
Một ông già tới gặp bác sĩ. “Tôi có vấn đề vệ sinh,” ông ta phàn nàn.
“Được, để tôi xem nào. Bác đi tiểu ra sao?”
“Sáng nào cũng đi, vào quãng bẩy giờ, hệt trẻ nhỏ.”
“Tốt. Bác đi ngoài thế nào?”
“Tám giờ sáng hàng ngày, đều như cái máy.”
“Thế thì có vấn đề gì nào?” ông bác sĩ hỏi.
“Nhưng đến chín giờ tôi mới dậy cơ.”
Bạn buồn ngủ và đây là lúc phải dậy. Tất cả những kinh nghiệm này đều là kinh nghiệm của tâm trí đang ngủ. Tâm trí thức tỉnh chẳng có kinh nghiệm nào hết cả.41

Người quan sát không phải là nhân chứng
Người quan sát và cái được quan sát là hai khía cạnh của nhân chứng. Khi chúng tan biến vào nhau, khi chúng tan chảy vào lẫn nhau, khi chúng là một, thì lần đầu tiên nhân chứng nảy sinh trong toàn bộ của nó. Nhưng vấn đề lại nảy sinh với nhiều người. Lí do là ở chỗ họ nghĩ nhân chứng là người quan sát. Trong tâm trí họ, người quan sát và nhân chứng là đồng nghĩa. Điều đó là lầm lạc; người quan sát không phải là nhân chứng mà chỉ là một phần của nhân chứng thôi. Và bất kì khi nào bộ phận nghĩ nó là tổng thể thì sai lầm lại nảy sinh.
Người quan sát nghĩa là chủ thể, còn cái được quan sát nghĩa là đối thể: người quan sát nghĩa là cái ở ngoài, cái được quan sát, và người quan sát cũng nghĩa là cái ở bên trong. Bên trong và bên ngoài không thể tách biệt; chúng gắn bó với nhau, chúng chỉ có thể cùng nhau. Khi gắn bó này, hay cái một này được kinh nghiệm thì nhân chứng nảy sinh. Bạn không thể thực hành được nhân chứng. Nếu bạn thực hành nhân chứng, bạn sẽ thực hành chỉ có người quan sát, mà người quan sát thì không phải là nhân chứng.
Thế thì phải làm gì đây? Phải tan chảy ra, phải hội nhập lại. Nhìn hoa hồng, quên hoàn toàn rằng có đối thể đang được thấy và đối thể là người thấy. Để cái đẹp của khoảnh khắc đó, lộc trời của khoảnh khắc đó tràn ngập trong bạn cả hai, vậy thì hoa hồng và bạn không còn tách bạch nữa, nhưng bạn trở thành nhịp điệu, bài ca, cực lạc.
Yêu đương, kinh nghiệm âm nhạc, ngắm mặt trời lặn, để nó xảy ra lặp lại. Nó càng xảy ra nhiều thì càng tốt hơn, bởi vì nó không phải là nghệ thuật mà là mẹo. Bạn phải có linh cảm về nó; khi bạn đã nhận được nó thì bạn có thể khởi sự nó ở bất kì đâu, bất kì lúc nào. Khi nhân chứng nảy sinh, chẳng có ai đang chứng kiến và cũng chẳng có gì được chứng kiến cả. Nó chỉ là tấm gương thuần khiết, cái không đang soi gương. Thậm chí nói đó là cái gương cũng không đúng; đúng hơn nên nói đó là việc soi gương. Nó phần nhiều là quá trình động của việc tan chảy và hội nhập; nó không phải là hiện tượng tĩnh tại, nó là một luồng. Hoa hồng đạt tới bạn, bạn đi vào trong hoa hồng: đó là việc chia sẻ con người.
Quên ý tưởng nhân chứng là người quan sát đi; nó không phải thế. Bạn có thể thực hành làm người quan sát, còn nhân chứng thì xảy ra. Người quan sát là một loại tập trung, và người quan sát giữ bạn phân tách. Người quan sát sẽ nâng cao, làm mạnh thêm bản ngã bạn. Bạn càng trở thành người quan sát, bạn càng cảm thấy giống như một hòn đảo - phân tách, đứng xa, xa xôi.
Suốt nhiều thời đại, các nhà sư trên khắp thế giới đã từng thực hành người quan sát. Họ có thể gọi nó là nhân chứng, nhưng đấy không phải là nhân chứng. Nhân chứng là cái gì đó hoàn toàn khác, khác hẳn về chất. Bạn có thể thực hành, trau dồi người quan sát; bạn có thể trở thành người quan sát tốt hơn qua việc thực hành nó.
Các nhà khoa học quan sát, các nhà huyền môn chứng kiến. Toàn bộ quá trình của khoa học là ở chỗ quan sát: quan sát rất tinh tường, sắc sảo, sắc bén, cho nên chẳng bỏ lỡ điều gì. Nhưng nhà khoa học lại không nhận ra Thượng đế. Mặc dầu quan sát của ông ta thì rất rất chuyên gia, thế mà ông ta vẫn chẳng nhận biết được về Thượng đế. Ông ta chưa bao giờ đi qua Thượng đế; ngược lại, ông ta chối từ có Thượng đế, vì ông ta càng quan sát - và toàn bộ quá trình của ông ta là ở chỗ quan sát - ông ta càng trở nên tách biệt với sự tồn tại. Cây cầu đã bị gẫy và bức tường đã dựng lên; ông ta trở thành bị cầm tù trong bản ngã của riêng mình.
Nhà huyền môn chứng kiến. Nhưng nhớ lấy, chứng kiến là việc xảy ra, sản phẩm phụ - sản phẩm phụ của việc là toàn bộ trong bất kì khoảnh khắc nào, trong bất kì tình huống nào, trong bất kì kinh nghiệm nào. Tính toàn bộ là mấu chốt: từ tính toàn bộ mới nảy sinh lộc trời của chứng kiến. Quên hoàn toàn việc quan sát đi; điều đó sẽ cho bạn thông tin chính xác hơn về đối thể được quan sát, nhưng bạn sẽ còn tuyệt đối hiển nhiên về tâm thức riêng của mình.42

Thiền là mẹo
Thiền là bí ẩn đến mức có thể gọi nó là khoa học, nghệ thuật hay mẹo, mà cũng chẳng mâu thuẫn gì. Từ một quan điểm nào đó thì đấy là khoa học vì có kĩ thuật rõ ràng phải thực hiện. Không có ngoại lệ cho nó, nó gần như một qui luật khoa học. Nhưng từ một quan điểm khác thì cũng có thể nói nó là nghệ thuật. Khoa học là sự mở rộng của tâm trí - nó là toán học, nó là logic, nó là hợp lí. Thiền thuộc về trái tim, không thuộc về tâm trí - nó không logic, nó gần với tình yêu. Nó không giống như các hoạt động khoa học khác, mà giống âm nhạc, thơ ca, hội hoạ, vũ điệu; do đó có thể gọi nó là nghệ thuật.
Nhưng thiền là bí ẩn lớn đến mức dù có gọi nó là ‘khoa học’ và ‘nghệ thuật’ thì vẫn chưa vét cạn được nó. Nó là mẹo, nó không thể dạy được. Mẹo không phải là nghệ thuật. Mẹo là điều bí ẩn nhất trong hiểu biết con người.43
Khi tôi còn nhỏ, tôi được gửi đến một ông thầy, một người bơi lội bậc thầy. Ông ấy là người bơi giỏi nhất thành phố, còn tôi thì chưa bao giờ biết tới một người mê sông nước đến như vậy. Nước là thiên thần với ông ấy, ông ấy tôn thờ nó, và sông là nhà ông ấy. Sáng sớm - quãng ba giờ sáng - bạn đã thấy ông trên bờ sông và ban đêm bạn thấy ông ngồi đấy, thiền bên cạnh dòng sông. Toàn bộ cuộc đời ông chỉ bao gồm việc ở gần với con sông.
Khi tôi được đem đến cho ông - tôi muốn học bơi - ông ấy nhìn tôi, ông ấy cảm thấy điều gì đó. Ông ấy nói: “Nhưng không có cách nào để học bơi cả; ta có thể ném con xuống nước và rồi việc bơi sẽ tới theo cách của nó. Không có cách nào để học nó, điều đó không thể dạy được. Đấy là mẹo, không phải là tri thức.”
Và đấy là điều ông ấy làm - ông ấy ném tôi tôi xuống nước còn ông ấy thì đứng trên bờ. Hai ba lần tôi chìm nghỉm và tôi cảm thấy tôi gần như chết đuối. Ông ấy vẫn chỉ đứng đấy, ông ấy thậm chí không cố giúp tôi! Tất nhiên khi cuộc sống bạn bị đe doạ thì bạn sẽ làm bất kì điều gì bạn có thể. Cho nên tôi vung tay loạn xạ - chúng đập tứ tung, cuống cuồng, nhưng mẹo lại tới. Khi cuộc sống bị nguy khốn thì bạn làm bất kì cái gì bạn có thể làm... Và bất kì khi nào bạn làm bất kì cái gì bạn có thể làm một cách toàn bộ thì mọi việc xảy ra!
Tôi có thể bơi! Tôi thật xúc động! “Lần sau,” tôi nói, “thầy không cần ném con xuống nước nữa - con sẽ tự nhảy. Bây giờ tôi biết rằng có sức nổi tự nhiên của thân thể. Đấy không phải là vấn đề bơi lội, đấy chỉ là vấn đề trở nên hài hoà với yếu tố nước. Một khi bạn hài hoà với yếu tố nước thì nó sẽ bảo vệ bạn.”
Kể từ đó, tôi đã ném rất nhiều người vào dòng sông cuộc đời! và tôi chỉ đứng đấy... Gần như chẳng ai thất bại cả nếu người đó nhảy. Người ta chắc chắn là học được.44 Bạn có thể mất vài ngày để thu được mẹo. Nó là mẹo! Nó không phải là nghệ thuật! Nếu thiền là nghệ thuật thì nó chắc hẳn phải rất đơn giản để dạy. Vì nó là mẹo nên bạn phải cố gắng; dần dần bạn có được nó. Một trong những giáo sư tâm lí Nhật thử dạy cho trẻ nhỏ, sáu tháng tuổi, học bơi, và ông ta đã thành công. Thế rồi ông ta lại thử với đứa trẻ ba tháng tuổi - và ông ta lại thành công.
Bây giờ ông ta thử với đứa trẻ sơ sinh, và tôi hi vọng rằng ông ta thành công. Có mọi khả năng - bởi vì đấy là mẹo. Nó không cần bất kì loại kinh nghiệm nào: tuổi tác, giáo dục... nó chỉ đơn thuần là mẹo. Và nếu đứa trẻ sáu tháng hay ba tháng tuổi có thể bơi được thì điều đó có nghĩa là chúng ta tự nhiên được trời phú cho ý tưởng “cách” bơi... nó có đấy, chúng ta chỉ phải phát hiện nó ra. Chỉ chút ít nỗ lực và bạn sẽ có khả năng phát hiện ra nó. Điều tương tự cũng đúng cho thiền - còn đúng hơn là cho việc bơi. Bạn chỉ phải nỗ lực có chút ít thôi.45
Xem tiếp Chương 6Quay  về Mục lục

Ads Belove Post