Chương 7. Cứng và Mềm

Chương 7. Cứng và Mềm

Price:

Read more

Osho - Đạo: Ba Kho Báu (Tập 4)
Chương 7. Cứng và Mềm

Lão Tử nói:
Người khi mới sinh thì mềm yếu;
Mà khi chết thì cứng và mạnh.
Vạn vật cây cỏ mới sinh thì mềm dịu;
Mà khi chết thì khô héo
Nên
Cứng và mạnh là bạn của chết;
Mềm và yếu là bạn của sống.
Ấy nên binh mạnh thì không thắng;
Cây mạnh thì ắt gãy.
Ấy nên
Cứng và mạnh ở bậc dưới
Mềm và yếu ở bậc trên.
Cuộc sống là dòng sông, sự tuôn chảy, sự liên tục, không bắt đầu và không kết thúc. Nó không đi tới đâu đó, nó bao giờ cũng ở đây. Nó không đi từ đâu đó tới đâu đó khác, nó bao giờ cũng đi từ đây tới đây. Thời gian duy nhất cho cuộc sống là bây giờ, và nơi chốn duy nhất là ở đây.
Không có vật lộn để đạt tới, không có gì để đạt tới. Không có vật lộn để chinh phục, không có gì để chinh phục. Không có nỗ lực để bảo vệ, bởi vì không có gì để được bảo vệ cả. Duy nhất cuộc sống tồn tại, một mình, tuyệt đối một mình, đẹp trong tính một mình của nó, uy nghiêm trong tính một mình của nó.
Bạn có thể sống cuộc sống theo hai cách: bạn có thể tuôn chảy cùng nó - thế thì bạn cũng oai nghiêm, bạn có duyên dáng, duyên dáng của bất bạo hành, không xung đột, không vật lộn, thế thì bạn có cái đẹp, như trẻ con, như đoá hoa, mềm mại, tinh tế, không bị biến chất. Nếu bạn tuôn chảy với cuộc sống bạn có tính tôn giáo. Đó là điều tôn giáo ngụ ý cho Lão Tử - hay cho tôi.
Tôn giáo thông thường nghĩa là đấu tranh với Cuộc sống - vì Thượng đế. Bình thường nó nghĩa là: Thượng đế là mục đích, cuộc sống phải bị phủ nhận - và tranh đấu; cuộc sống phải bị hi sinh và Thượng đế phải được đạt tới. Tôn giáo thông thường này là phi tôn giáo. Tôn giáo thông thường này chỉ là một phần của tâm trí xông xáo bạo hành bình thường.
Không có Thượng đế bên ngoài cuộc sống; cuộc sống là Thượng đế. Nếu bạn phủ nhận cuộc sống bạn phủ nhận Thượng đế, nếu bạn hi sinh cuộc sống bạn hi sinh Thượng đế. Trong mọi hi sinh, duy nhất Thượng đế bị hi sinh.
Gurdjieff thường nói - điều đó có vẻ ngược đời nhưng nó đúng - rằng mọi tôn giáo đều chống lại Thượng đế.
Nếu cuộc sống là Thượng đế, thế thì phủ nhận, từ bỏ, hi sinh đều là đi ngược lại Thượng đế.
Nhưng dường như Gurdjieff đã không biết nhiều về Lão Tử. Hay cho dù ông ấy đã biết về Lão Tử ông ấy chắc đã nói cùng điều, bởi vì Lão Tử dường như không có tính tôn giáo bình thường. Ông ấy nhiều phần giống như nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, người sáng tạo, hơn là giống nhà thượng đế học, tu sĩ, người thuyết giảng, triết gia. Ông ấy bình thường tới mức bạn không thể nghĩ được rằng ông ấy có tính tôn giáo. Nhưng thực sự mang tính tôn giáo là bình thường một cách phi thường trong cuộc sống tới mức bộ phận không chống lại cái toàn thể, mà bộ phận tuôn chảy cùng cái toàn thể.
Mang tính tôn giáo không phải là tách rời khỏi dòng chảy. Mang tính phi tôn giáo là có tâm trí riêng của bạn, trong nỗ lực để thắng, để chinh phục, để đạt tới đâu đó. Nếu bạn có mục đích bạn là phi tôn giáo. Nếu bạn suy nghĩ về ngày mai bạn đã bỏ lỡ tôn giáo. Tôn giáo không có ngày mai cho nó. Đó là lí do tại sao Jesus nói:"Không nghĩ về mai; trông những hoa loa kèn trên cánh đồng kia, chúng đang nở bây giờ. Mọi thứ đang có, là bây giờ, mọi thứ đang sống động là sống động bây giờ. Bây giờ là thời gian duy nhất, vĩnh hằng duy nhất.
Hai khả năng có đó. Bạn có thể đấu tranh với cuộc sống, bạn có thể có mục đích riêng tư chống lại cuộc sống - và mọi mục đích đều riêng tư, mọi mục đích đều cá thể, bạn đang cố áp đặt hình mẫu lên cuộc sống, cái gì đó của riêng bạn; bạn đang cố kéo lê cuộc sống theo bạn, và bạn chỉ là một phần tí hon, phần nhỏ vô cùng, nhỏ thế, nguyên tử thế, và bạn đang cố kéo lê toàn vũ trụ cùng bạn. Tất nhiên bạn nhất định bị thất bại. Bạn nhất định đánh mất duyên dáng của mình, bạn nhất định trở thành cứng nhắc.
Đấu tranh tạo ra cứng nhắc. Chỉ nghĩ về đấu tranh, và cứng nhắc tinh tế lại tới quanh bạn; chỉ nghĩ tới kháng cự, và lớp vỏ nảy sinh quanh bạn, cái bao phủ bạn như cái kén.
Chính ý tưởng bạn có mục đích nào đó làm cho bạn là hòn đảo, bạn không còn là một phần của lục địa cuộc sống bao la. Và khi bạn bị tách rời khỏi cuộc sống, bạn giống như cây bị tách rời khỏi đất. Nó có thể sống thêm chút ít dựa trên dưỡng chất quá khứ, nhưng thực sự nó đang chết. Cây cần rễ, cây cần ở trong đất, được gắn với nhau, là một phần của nó.
Bạn cần được nối với lục địa cuộc sống, là một phần của nó, được bắt rễ trong nó. Khi bạn được bắt rễ trong cuộc sống bạn mềm mại - bởi vì bạn không sợ.
Sợ tạo ra cứng nhắc. Sợ tạo ra ý tưởng về an ninh, sợ tạo ra ý tưởng về bảo vệ bản thân bạn. Và không cái gì giết chết như sợ bởi vì trong chính ý tưởng về sợ bạn bị tách rời khỏi đất, bị bật rễ.
Thế thì bạn sống trên quá khứ - đó là lí do tại sao bạn nghĩ nhiều thế tới quá khứ. Điều đó không phải là trùng hợp ngẫu nhiên. Tâm trí liên tục nghĩ hoặc về quá khứ hoặc về tương lai. Tại sao nghĩ nhiều thế về quá khứ? Cái qua rồi là qua rồi! Nó không thể được lấy lại. Quá khứ chết rồi! Sao bạn cứ nghĩ về quá khứ cái không còn nữa và về nó chẳng cái gì có thể làm được? Bạn không thể sống nó được, bạn không thể ở trong nó được. Nhưng nó có thể phá huỷ khoảnh khắc hiện tại của bạn.
Nhưng phải có nguyên nhân bắt rễ sâu nào đó cho nó chứ - nguyên nhân bắt rễ sâu là ở chỗ bạn đang đấu tranh với cái toàn thể. Đấu tranh với cái toàn thể, đấu tranh với dòng sông cuộc sống, bạn bị mất rễ. Bạn đã trở nên tí hon, hiện tượng như bao nang, bị đóng trong bản thân mình. Bạn đã trở thành cá nhân, bạn không còn là một phần của brahma, vũ trụ mở rộng, cái bao la. Không, bạn không còn là một phần của nó, bạn phải sống như kẻ keo kiệt dựa trên nuôi dưỡng quá khứ của mình, đó là lí do tại sao tâm trí cứ nghĩ về quá khứ.
Và bạn phải kéo bản thân mình bằng cách nào đó sẵn sàng đấu tranh - đó là lí do tại sao bạn cứ nghĩ về tương lai: tương lai cho bạn hi vọng, quá khứ cho bạn nuôi dưỡng, và ở ngay chính giữa hai điều này là vĩnh hằng, chính cuộc sống, cái bạn bị thiếu. Giữa quá khứ và tương lai bạn đang chết, không sống.
Có cách khác để hiện hữu - thực sự, cách duy nhất để hiện hữu bởi vì cách này không phải là cách để hiện hữu, cách của tranh đấu không phải là cách để hiện hữu.
Cách khác là tuôn chảy cùng dòng sông, tuôn chảy cùng với nó tới mức bạn không cảm thấy ngay cả sự tách rời - rằng bạn là tách rời và tuôn chảy cùng nó. Không, bạn trở thành một phần, không chỉ một phần, bạn được nhận chìm vào trong nó, bạn đã trở thành dòng sông, không tồn tại tách rời. Khi bạn không tranh đấu, bạn trở thành cuộc sống. Khi bạn không tranh đấu bạn đã trở thành cái bao la, cái vô hạn. Khi bạn không tranh đấu, trạng thái đó ở phương Đông đã được biết là buông xuôi; tin cậy, điều chúng ta đã gọi là shraddha; tin cậy vào cuộc sống, không tin cậy vào tâm trí cá nhân, nhưng tin cậy vào cái toàn thể. Không tin cậy vào bộ phận, mà vào cái toàn thể. Không tin cậy vào tâm trí, mà tin cậy vào sự tồn tại.
Buông xuôi, đột nhiên bạn trở thành mềm mại, bởi vì thế thì không cần phải cứng nhắc, bạn không tranh đấu, không có kẻ thù, không cần bảo vệ, không có thôi thúc để an ninh, bạn đã được hội nhập với cuộc sống.
Và cuộc sống là an ninh, chỉ các bản ngã cá nhân mới không an ninh, chúng cần bảo vệ, chúng cần an toàn, chúng cần áo giáp quanh chúng; sợ hãi, liên tục run rẩy. Thế thì làm sao bạn có thể sống được? Bạn sống trong phiền não và lo âu. Bạn không sống. Bạn mất mọi vui sướng, niềm vui vô cùng của hiện hữu ở đây - và đó là niềm vui vô cùng. Nó không có nguyên nhân cho nó. Nó đơn giản nảy sinh bởi vì bạn hiện hữu. Nó đơn giản bật ra bên trong bạn chỉ bởi vì bạn hiện hữu. Một khi bạn cởi mở, tuôn chảy cùng cuộc sống, bạn bật ra cùng vui vẻ liên tục. Không bởi lí do nào cả! Bạn đơn giản bắt đầu cảm thấy rằng hiện hữu là hạnh phúc.
Đó là lí do tại sao người Hindu đã gọi điều tối thượng là satchitananda. Điều đó nghĩa là hiện hữu là phúc lạc. Là thực chính là phúc lạc. Không có cách khác để hiện hữu. Nếu bạn khổ điều đó chỉ chứng tỏ rằng bạn đã mất tiếp xúc với hiện hữu. Khổ nghĩa là bằng cách nào đó bạn bị bứt rễ khỏi đất, bạn đã trở nên tách rời khỏi dòng sông, bạn đã trở thành khối đông cứng, tảng băng, nổi trong dòng sông, nhưng không cùng với nó; tranh đấu, thậm chí cố gắng đi ngược dòng - bản ngã bao giờ cũng muốn đi ngược dòng, bởi vì bất kì chỗ nào có thách thức bản ngã đều cảm thấy tốt. Bản ngã bao giờ cũng trong tìm kiếm tranh đấu. Nếu bạn không thể tìm được bất kì ai để tranh đấu bạn sẽ cảm thấy rất khổ. Ai đó được cần để tranh đấu. Trong tranh đấu, bạn có.
Nhưng đó chính là trở ngại cho hiện hữu. Cách thức bệnh hoạn, cách thức loạn thần kinh để hiện hữu. Loạn thần kinh là tranh đấu với dòng sông. Nếu bạn tranh đấu, bạn trở thành cứng nhắc. Nếu bạn tranh đấu, bạn bao quanh mình bằng bức tường chết. Tất nhiên, hiện hữu riêng của bạn là chết. Bạn mất đi sự mềm mại, sáng sủa, duyên dáng, hiền lành. Thế thì bạn đang kéo lê, không sống động.
Lão Tử ủng hộ buông xuôi. Ông ấy nói: Buông xuôi theo cuộc sống. Cho phép cuộc sống dẫn bạn đi, đừng cố dẫn cuộc sống. Đừng cố thao túng và kiểm soát cuộc sống, để cuộc sống thao túng và kiểm soát bạn. Để cuộc sống sở hữu bạn. Bạn đơn giản buông xuôi! Bạn đơn giản nói: Tôi không có. Bạn trao toàn bộ sức mạnh cho cuộc sống, và sống cùng nó. Khó đấy, bởi vì bản ngã nói: Thế thì tôi là cái gì? Buông xuôi rồi, tôi không còn nữa.
Nhưng khi bản ngã không có, thực tế lần đầu tiên bạn hiện hữu. Lần đầu tiên bạn không hữu hạn, bạn là vô hạn. Lần đầu tiên bạn không là thân thể, cái được biểu hiện, bạn là cái vô thể, cái bao la, cái cứ mở rộng mãi; vô thuỷ, vô chung.
Nhưng bản ngã không biết về điều đó. Bản ngã sợ. Nó nói: "Mình đang làm gì thế này, đánh mất bản thân mình à? Thế thì mình sẽ bị mất, mình sẽ là không ai cả." Nếu bạn nghe theo bản ngã, bản ngã sẽ đưa đi đưa lại bạn vào con đường loạn thần kinh, con đường của việc là ai đó. Và bạn càng trở thành ai đó cuộc sống càng biến mất khỏi bạn.
Nhìn vào những người đã thành công trên thế giới mà xem, người đã trở thành ai đó, người có tên trong cuốn các nhân vật nổi tiếng Who's Who? Nhìn vào họ, quan sát họ, bạn sẽ thấy rằng họ đang sống cuộc sống giả! Họ chỉ là những cái mặt nạ, không có gì bên trong, người hổng hoác, có thể được nhồi nhét, nhưng không sống. Trống rỗng.
Quan sát những người đã trở nên thành công trên thế giới, và đã trở thành ai đó: tổng thống, thủ tướng, người giàu, rất giàu, người đã đạt tới mọi thứ có thể được đạt tới trong thế giới này. Quan sát họ, chạm vào họ, nhìn họ; bạn sẽ cảm thấy cái chết. Bạn sẽ không tìm thấy những trái tim đập rộn ràng ở đó. Có thể trái tim vẫn đập đấy nhưng cái đập là máy móc. Cái đập đã mất tính thơ ca. Họ nhìn bạn, nhưng mắt họ đờ đẫn. Vẻ huy hoàng của sống động không có đó. Họ sẽ bắt tay bạn nhưng trong tay họ bạn sẽ không cảm thấy cái gì tuôn chảy, bạn sẽ không cảm thấy trao đổi năng lượng nào, bạn sẽ không thấy sự đón chào nồng hậu với bạn. Bàn tay chết. Trọng lượng bạn sẽ thấy ở đó, tình yêu bạn sẽ không tìm thấy.
Nhìn quanh họ: họ sống trong địa ngục. Họ đã thành công, họ đã trở thành ai đó, và bây giờ chỉ địa ngục bao quanh họ. Bạn đang trên cùng con đường nếu bạn cố là ai đó.
Lão Tử nói: Là không ai cả, và thế thì bạn sẽ có cuộc sống vô hạn tuôn chảy trong bạn.
Với dòng chảy của cuộc sống, là ai đó trở thành khối chắn; là không ai cả đi - trống rỗng bao la; điều đó cho phép tất cả. Mây có thể di chuyển, sao có thể di chuyển trong nó. Và không cái gì quấy rối nó. Và bạn không có gì để mất, bởi vì tất cả những cái có thể mất bạn đã buông xuôi rồi.
Trong trạng thái bản thế như thế người ta bao giờ cũng trẻ. Thân thể tất nhiên sẽ trở nên già đi, nhưng cốt lõi bên trong nhất của bản thể bạn vẫn còn trẻ trung, tươi tắn. Nó chưa bao giờ trở nên già, nó chưa bao giờ chết.
Và Lão Tử nói: Đây là cách để thực sự mang tính tôn giáo.
Nổi cùng Đạo, di chuyển cùng Đạo, không tạo ra bất kì mục đích và đích riêng tư nào, cái toàn thể biết rõ hơn, bạn đơn giản ở cùng nó. Cái toàn thể đã tạo ra bạn, cái toàn thể thở bên trong bạn, cái toàn thể sống trong bạn, tại sao bạn bận tâm? Để trách nhiệm ở cùng với cái toàn thể. Bạn đơn giản đi tới bất kì chỗ nào nó dẫn tới.
Bạn không cố áp đặt và lập kế hoạch, và bạn không hỏi về những mục đích nào đó bởi vì thế thì sẽ có thất vọng, và bạn sẽ trở thành cứng nhắc, và bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội của việc sống động. Và đây là điểm chốt - rằng nếu bạn cho phép cuộc sống, nhiều cuộc sống hơn xảy ra, thế thì nếu bạn cho phép bản thân mình được sống động lại càng nhiều cuộc sống hơn xảy ra.
Jesus liên tục nói: Tới với ta, và ta sẽ chỉ cho ông cách sống vô hạn. Cuộc sống dư thừa. Cuộc sống tràn ngập, ngập lụt.
Nhưng chúng ta sống như kẻ ăn xin, chúng ta đáng có thể giống như hoàng đế. Không ai khác chịu trách nhiệm. Láu cá của bạn để là bản thân mình, để níu bám lấy bản ngã, là toàn thể nguyên nhân của khổ của bạn.
-------------------------------
Bây giờ tới lời kinh.
Người khi mới sinh thì mềm yếu;
Quan sát đứa trẻ nhỏ, mới sinh. Nó không có lớp vỏ cứng nào quanh nó: mong manh, cởi mở, mềm mại. Cuộc sống trong sự thuần khiết của nó. Nó sẽ không như vậy lâu đâu, chẳng mấy chốc các cá tính sẽ bắt đầu phát triển quanh nó, nó sẽ bị giam hãm, bị tù đày bởi xã hội, bố mẹ, trường học, đại học; chẳng mấy chốc cuộc sống sẽ trở thành hiện tượng xa cách. Nó sẽ giống tù nhân hơn. Cuộc sống sẽ tiếp tục đập ở đâu đó sâu bên trong nó, nhưng ngay cả thế nó sẽ không có khả năng nghe thấy tiếp đập của cuộc sống.
Nhưng khi đứa trẻ được sinh ra - quan sát nó. Phép màu xảy ra lặp đi lặp lại. Cuộc sống cứ tiếp tục đi tiếp tục lại chỉ ra cho bạn con đường, cách hiện hữu, lặp đi lặp lại cuộc sống tiếp tục nói rằng cuộc sống được làm mới mọi ngày.
Người già chết đi. Trẻ con nhỏ mới được sinh ra. Vấn đề là gì trong điều đó? Điều rất rõ ràng là cuộc sống không tin vào sự già. Thực tế, nếu cuộc sống được các nhà kinh tế cai quản, điều này dường như rất không kinh tế, sự lãng phí. Người già có huấn luyện, có kinh nghiệm theo nhiều cách thức của cuộc sống và thế giới, thế rồi khi người đó sẵn sàng và khi người đó nghĩ mình đã trở nên khôn ngoan, cái chết tiếp quản - và thay thế người già bằng trẻ nhỏ không tri thức gì, không khôn ngoan chút nào, tuyệt đối tươi tắn, tấm bảng chưa viết - tabula rasa - mọi thứ đều phải được viết lại mãi. Nếu bạn hỏi nhà kinh tế họ sẽ nói: Điều này là ngu xuẩn! Thượng đế phải tư vấn các nhà kinh tế trước chứ - ngài đang làm gì? Phí phạm, cực kì phí phạm! Người tám mươi tuổi được đào tạo rồi lại chết đi và đứa bé không được đào tạo thay thế cho người đó, điều này đáng phải làm khác đi chứ, thế thì sẽ kinh tế hơn.
Nhưng cuộc sống không tin vào kinh tế - và điều tốt là nó không tin, bằng không toàn thế giới chắc đã trở thành nghĩa địa lớn. Nó tin vào trong cuộc sống, không vào kinh tế. Nó cứ thay thế người già bằng người mới, người chết bằng người trẻ, người cứng bằng người mềm - chỉ báo là rõ ràng: cuộc sống yêu cái mềm. Bởi vì qua sinh linh mềm cuộc sống có thể tuôn chảy dễ dàng.
Người khi mới sinh thì mềm yếu;
Và Lão Tử nhấn mạnh vào điểm thứ hai nữa; rằng cuộc sống không tin vào sức mạnh. Yếu có cái đẹp trong nó, bởi vì nó là non và mềm. Cơn bão tới, cây lớn sẽ đổ - mạnh đấy; còn cây nhỏ - chúng đơn giản uốn mình; và thế rồi bão qua đi và chúng lại mỉm cười và nở hoa. Thực tế bão đã làm cho chúng tươi tắn. Nó đã lấy đi bụi bặm của chúng, có vậy thôi. Chúng sống động hơn, trẻ trung hơn, tươi tắn hơn, và cơn bão đã cho chúng việc tắm sạch. Còn cây già - rất mạnh đấy, chúng đã đổ kềnh, bởi vì chúng kháng cự, chúng sẽ không uốn mình, chúng rất bản ngã.
Lão Tử nói: Cuộc sống yêu cái yếu. Và đó là nghĩa của lời của Jesus: Được phúc lành là những người nhu mì, bởi vì họ sẽ kế thừa thế gian; được phúc lành là người nghèo, tâm linh nghèo; được phúc lành là những người khóc, bởi vì họ sẽ được an ủi.
Ki tô giáo liên tục bỏ lỡ nghĩa này của lời nói của Jesus, bởi vì những lời đó là theo kiểu Lão Tử. Chừng nào chúng còn chưa có liên quan tới Lão Tử chúng không thể được diễn giải đúng. Toàn thể giáo huấn của Jesus là: Sống động và yếu đi. Đó là lí do tại sao ông ấy nói nếu ai đó tát bạn vào má này, chìa cả má kia ra cho người đó. Nếu ai đó lấy áo khoác của bạn, cho người đó cả áo sơ mi nữa. Và nếu ai đó buộc bạn đi với người đó một dặm, đi hai dặm đi. Ông ấy đang nói hãy yếu - được phúc lành là người nhu mì.
Cái gì có đó trong tính yếu mà được phúc lành? Bởi vì thông thường cái gọi là người lãnh đạo thế giới, thầy giáo của thế giới, họ liên tục nói: Mạnh đi. Còn Lão Tử này và Jesus, họ nói: Yếu đi.
Yếu có cái gì đó trong nó - bởi vì nó không cứng nhắc. Để là mạnh người ta cần cứng rắn. Để cứng rắn người ta cần trôi ngược cuộc sống. Nếu bạn muốn mạnh, bạn sẽ phải tranh đấu với dòng chảy, chỉ thế thì bạn mới trở nên mạnh, không có cách khác để trở nên mạnh. Nếu bạn muốn trở nên mạnh, đi ngược dòng lên. Dòng sông càng buộc bạn chống lại nó, bạn càng trở nên mạnh hơn.
Là yếu, chảy cùng dòng sông; bất kì chỗ nào nó đi, đi cùng với nó. Tuôn chảy cùng dòng sông... nếu dòng sông nói đi với ta một dặm, đi hai dặm đi, nếu dòng sông lấy áo khoác của bạn, cho nó cả áo sơ mi nữa, và nếu dòng dòng vỗ lên má bạn, cho nó má bên kia.
Yếu có cái đẹp nào đó trong nó. Cái đẹp đó là cái đẹp của duyên dáng, cái đẹp đó là cái đẹp của bất bạo hành, ahimsa, cái đẹp đó là cái đẹp của tình yêu, tha thứ, cái đẹp của không xung đột. Và chừng nào Lão Tử còn chưa được hiểu rõ, và nhân loại còn chưa bắt đầu cảm Lão Tử, nhân loại không thể sống được trong an bình.
Nếu bạn được dạy là mạnh bạn nhất định tranh đấu, chiến tranh sẽ tiếp tục. Mọi người lãnh đạo chính trị trên thế giới đều nói rằng họ yêu hoà bình - và tất cả họ đều chuẩn bị cho chiến tranh. Họ nói họ bênh vực hoà bình - và tất cả họ đều liên tục tích luỹ vũ khí. Họ nói về hoà bình - và họ chuẩn bị cho chiến tranh. Và tất cả họ đều nói họ phải chuẩn bị cho chiến tranh bởi vì họ sợ kẻ khác; và người khác nói cùng điều đó. Toàn thể sự việc có vẻ ngu xuẩn và đần độn thế.
Trung Quốc sợ Ấn Độ, Ấn Độ sợ Trung Quốc. Sao bạn không thể thấy được ra vấn đề! Nga sợ Mĩ, Mĩ sợ Nga. Cả hai họ đều nói về hoà bình và cả hai đều tiếp tục chuẩn bị chiến tranh. Và tất nhiên, cái bạn chuẩn bị sẽ xảy ra.
Lời của bạn về hoà bình tựa như rác rưởi. Lời của bạn về hoà bình không là gì ngoài chiến tranh lạnh. Thực tế các chính khách cần thời gian để chuẩn bị: trong thời gian đó họ nói về hoà bình để cho họ có thể có đủ thời gian chuẩn bị. Nhân loại trong hàng thế kỉ đã sống chỉ trong hai thời kì: chiến tranh, thời kì của chiến tranh, và thời kì của chuẩn bị cho chiến tranh - đây là hai thời kì duy nhất; toàn thể lịch sử dường như chỉ loạn thần kinh.
Nhưng điều này sẽ là như vậy bởi vì sức mạnh được ca ngợi, bản ngã được ca ngợi. Nếu hai người đang đánh nhau trên đường, một người mạnh hơn, người kia yếu, người yếu hơn ngã và người mạnh hơn ngồi trên ngực anh ta, bạn ca ngợi ai? Bạn ca ngợi người đã trở thành kẻ chinh phục sao? Thế thì bạn bạo hành. Thế thì bạn ủng hộ chiến tranh. Thế thì bạn là kẻ hiếu chiến. Thế thì bạn là người rất nguy hiểm và loạn thần kinh. Hay bạn ca ngợi người yếu?
Nhưng không ai ca ngợi người yếu cả, không ai muốn bị liên kết với người yếu, bởi vì sâu bên dưới bạn muốn là mạnh. Khi bạn ca ngợi kẻ mạnh bạn nói: "Vâng, đây là lí tưởng của tôi, tôi cũng muốn như anh ta." Nếu sức mạnh được ca ngợi, thế thì bạo hành được ca ngợi. Nếu sức mạnh được ca ngợi, thế thì cái chết được ca ngợi, bởi vì mọi sức mạnh đều giết chết - giết chết người khác và giết chết bạn nữa. Sức mạnh là mang cả hai tính sát hại và tính tự tử.
Yếu, chính từ này dường như kết án. Nhưng yếu là gì? Đoá hoa yếu. Tảng đá bên cạnh đoá hoa là rất mạnh. Bạn có muốn là tảng đá không? Hay bạn muốn giống đoá hoa? Đoá hoa là yếu, nhớ lấy, rất yếu. Chỉ cơn gió mạnh nhỏ, và đoá hoa sẽ mất đi. Cánh hoa sẽ rơi xuống đất. Đoá hoa là phép màu; nó là phép màu về cách hoa tồn tại - yếu thế, mềm thế! Dường như là không thể được. Làm sao điều đó là có thể được? Tảng đá dường như là được, chúng tồn tại, chúng có số học của chúng để tồn tại, nhưng đoá hoa sao? Dường như là hoàn toàn không được hỗ trợ, nhưng dầu vậy hoa vẫn tồn tại. Đó là phép màu.
Bạn có muốn giống đoá hoa không? Nếu bạn hỏi sâu bên dưới bản ngã của bạn sẽ nói: "Giống như tảng đá." Và cho dù bạn khăng khăng, bởi vì tảng đá trông xấu xí, thế thì bản ngã thậm chí sẽ nói nếu bạn là đoá hoa thì hãy là hoa nhựa đi. Ít nhất cũng là mạnh! Gió sẽ không quấy rối được bạn, mưa sẽ không phá huỷ bạn, và bạn có thể vẫn còn mãi mãi.
Đoá hoa thực tới vào buổi sáng, cười một chốc, lan toả hương thơm của nó - và rồi qua đi. Đoá hoa không thực, hoa nhựa, có thể còn lại mãi mãi.
Nhưng nó là không thực, và nó mạnh bởi vì nó là không thực. Thực tại là mềm và yếu. Và thực tại càng cao hơn, càng mềm hơn.
Bạn không thể hiểu được Thượng đế bởi vì tâm trí của bạn hiểu logic của tảng đá. Bạn không hiểu logic của đoá hoa. Tâm trí bạn có thể hiểu được toán học, bạn không có cảm giác thẩm mĩ để cảm về đoá hoa.
Chỉ tâm trí thơ ca mới có thể hiểu được khả năng của Thượng đế, bởi vì Thượng đế là cái yếu nhất và cái mềm nhất. Đó là lí do tại sao nó là cái cao nhất. Nó là đoá hoa tối thượng. Nó nở hoa, nhưng nó nở hoa chỉ trong một phần giây. Phần giây đó được biết là hiện tại.
Nếu bạn bỏ lỡ khoảnh khắc đó - và nó là khoảnh khắc nhỏ tới mức bạn cần chăm chú rất mãnh liệt, chỉ thế thì bạn mới có khả năng thấy nó, bằng không bạn sẽ bỏ lỡ nó. Nó bao giờ cũng nở hoa mọi khoảnh khắc, nó nở hoa nhưng bạn không thể thấy được, tâm trí bạn bị huyên náo với quá khứ và tương lai - và hiện tại là hiện tượng hạn hẹp thế, chỉ một cái rung rinh của tròng mắt và nó qua rồi.
Trong khoảnh khắc hẹp đó Thượng đế nở hoa - nó là cái cao nhất, cái tối thượng.
Nhưng rất yếu, rất mềm, nó phải vậy. Nó là cực điểm, cao trào cuối cùng, bên ngoài nó không cái gì tồn tại.
Bạn sẽ có khả năng hiểu Thượng đế chỉ khi bạn hiểu logic của tính mềm và tính yếu. Nếu bạn cố là mạnh: kẻ chinh phục, chiến sĩ, chiến binh, thế thì bạn sẽ sống trong thế giới được bao quanh bởi đá, không bởi hoa, và Thượng đế sẽ là hiện tượng xa xăm. Sẽ không có khả năng cho bạn phát hiện ra Thượng đế ở bất kì đâu trong cuộc sống.
Người khi mới sinh thì mềm yếu;
Mà khi chết thì cứng và mạnh.
Cho nên điều này nên trở thành một phần của cuộc sống của bạn: vẫn còn mềm, non và yếu, đừng cố là cứng rắn và cứng nhắc bởi vì đó là cách bạn đang mang cái chết riêng của mình lại ngày một gần hơn.
Cái chết sẽ tới một ngày nào đó - đấy không phải là vấn đề. Cái chết không phải là nỗi sợ, cái chết không phải là vấn đề, nhưng nếu bạn sống động trong cá tính tựa cái chết - đó mới là vấn đề. Cái chết trong bản thân nó là rất mềm, mềm hơn cuộc sống, rất non; bạn có thể nghe thấy âm thanh của cuộc sống, nhưng bạn không thể nghe thấy âm thanh của cái chết. Khi cái chết tới nó mềm thế, bạn thậm chí không thể biết được một giây trước đó rằng nó đang tới. Và nó yếu thế, non thế. Cái chết đó không phải là vấn đề. Cái chết mà bạn đang sống ngay bây giờ, cái đó mới là vấn đề. Cái chết trước cái chết mới là vấn đề, sống cuộc sống chết, cái đó mới là vấn đề. Gian nan. Đóng kín. Leibnitz có thuật ngữ cho nó, ông ấy gọi nó là đơn tử - monad. Monad nghĩa là: bị đóng trong nhà tù, trong bao nang tới mức thậm chí không có cửa sổ để nhìn ra, hay với bên ngoài để nhìn vào. Đơn tử là ô không cửa sổ tuyệt đối đóng.
Monad có cùng gốc như monopoly (độc quyền), monastery (tu viện), monk (sư) và monogamy (một vợ một chồng); nó nghĩa là một mình toàn bộ. Sư là người sống một mình. Tu viện là chỗ mọi người sống một mình.
Khi bạn hoàn toàn đóng, trong một ô chết, bạn ở trong tu viện. Bạn sống trong hang bởi bản thân mình, bạn không thể đạt tới người khác, người khác không thể đạt tới bạn được. Bạn hoàn toàn đóng. Đây là cái chết cứng nhắc.
Và thế rồi bạn khổ, và thế rồi bạn cố tìm cách thức và phương tiện để làm sao không khổ. Bạn tiếp tục tạo ra khổ bằng việc cứng nhắc, cứng rắn, và thế rồi bạn tiếp tục tìm kiếm các phương pháp để làm sao không khổ.
Thực tế nếu bạn hiểu hiện tượng về cách bạn đã trở nên khổ, bạn có thể vứt bỏ nó ngay lập tức. Cứ mềm mại, tuôn chảy. Giống như đứa trẻ, và bao giờ cũng còn thuần khiết và mềm mại của tuổi thơ. Đừng đánh mất tiếp xúc với nó và bạn sẽ ngạc nhiên một ngày nào đó khi bạn khám phá ra rằng đứa trẻ mà bạn đã từng là từ năm mươi năm trước vẫn còn sống động trong bạn.
Nếu bạn biết cách tạo tiếp xúc với nó, bỗng nhiên bạn lại là đứa trẻ; đứa trẻ chưa bao giờ bị mất đi bởi vì đó là cuộc sống của bạn. Nó vẫn còn đó; nó không phải là đứa trẻ chết và thế thì bạn trở nên trẻ trung, và thế rồi tuổi thanh niên của bạn chết, thế rồi bạn trở nên già, không! Hết tầng nọ tới tầng kia tích luỹ nhưng cốt lõi bên trong nhất vẫn còn là một, đứa bé mà bạn đã từng được sinh ra vẫn có đó bên trong bạn; nhiều tầng đã tích luỹ quanh nó - nếu bạn xuyên thấu qua những tầng đó, bỗng nhiên đứa trẻ bùng nổ trong bạn; bùng nổ này tôi đã gọi là cực lạc.
Jesus nói: "Chừng nào các ông còn chưa trở thành giống như trẻ con các ông sẽ không vào vương quốc của Thượng đế." Đây là điều ông ấy ngụ ý: đây là tất cả những điều tôi đang nói tới. Nếu bạn xuyên thấu qua lớp vỏ cứng của mình, cái chuồng cứng, những bức tường quanh bạn, nhiều tầng, bỗng nhiên đứa trẻ sẽ bùng nổ bên trong bạn, bạn lại sẽ nhìn vào thế giới với con mắt hồn nhiên đó của đứa trẻ. Thế thì có Thượng đế.
Thượng đế không phải là khái niệm rất triết học: nó là thế giới này được nhìn qua con mắt của đứa trẻ. Cùng thế giới đó - những hoa này, cây này, bầu trời này - và bạn, vẫn cùng thế giới đó bỗng nhiên lấy phẩm chất mới của việc là điều thiêng liêng khi bạn nhìn nó qua con mắt trẻ thơ. Chỉ cần trái tim non mềm thuần khiết. Thượng đế không bỏ lỡ, bạn đang bỏ lỡ. Thượng đế không vắng mặt, bạn vắng mặt.
Người khi mới sinh thì mềm yếu;
Mà khi chết thì cứng và mạnh.
Vạn vật cây cỏ mới sinh thì mềm dịu;
Mà khi chết thì khô héo.
Học đi. Cuộc sống đang dạy qua nhiều cách. Cuộc sống đang chỉ ra con đường về cách người ta nên vậy.
Nên
Cứng và mạnh là bạn của chết;
Mềm và yếu là bạn của sống.
Nếu bạn muốn sống động hơn, sống động dư thừa, thế thì tìm kiếm những bạn đồng hành của cuộc sống: hiền lành, mềm mại.
Tất cả những ồn ào đó làm cho bạn thành cứng rắn. Sống theo cách mà từng khoảnh khắc bạn đều tự do với khoảnh khắc quá khứ.
Tình huống của bạn ngay bây giờ giống thế này: bạn có ngôi nhà lớn với nhiều phòng; trong mọi phòng đều có những thách đố lắp hình, cả ngôi nhà đầy những trò chơi sắp hình - trên bàn, trên ghế, trên giường, trên sàn, treo trên trần - mọi nơi, toàn trò chơi sắp hình; còn bạn đã không có khả năng giải bất kì trò chơi nào. Bạn cố giải một trò chơi; cảm thấy rằng giải nó thật khó cho bạn chuyển sang trò thách đố khác; nhưng trò thứ nhất đang treo trong đầu bạn; không chỉ điều đó, vài phần của nó bạn đang mang cùng mình để làm việc về sau. Thế rồi bạn cố giải trò khác, nhưng bạn không thể giải được nó bởi vì bản thân bạn đang bị thách đố. Thế rồi bạn đi sang phòng khác, và theo cách này bạn cứ tiếp diễn mãi - trong vòng tròn. Bạn bị làm lộn xộn với những thách đố không được giải quyết, và dần dần bạn hoàn toàn bị loạn thần kinh, không một điểm nào của cuộc sống được giải và hàng nghìn thách đố đang treo quanh bạn. Chúng đợi lượt của chúng, chúng giết bạn.
Đừng bao giờ mang các thứ từ quá khứ - nó qua rồi! Mọi khoảnh khắc giũ sạch nó đi! Dù được giải quyết hay không giải quyết. Bây giờ chẳng cái gì có thể được làm về nó. Vứt nó đi. Và đừng mang các bộ phận bởi vì những bộ phận đó sẽ không cho phép bạn giải những vấn đề mới nhưng sống khoảnh khắc này đi, sống khoảnh khắc này toàn bộ nhất có thể được, và bỗng nhiên bạn sẽ đi tới nhận ra nếu bạn sống nó một cách toàn bộ, nó được giải quyết. Không cần giải quyết nó. Cuộc sống không phải là vấn đề, nó là bí ẩn để được sống.
Nếu bạn sống nó một cách toàn bộ nó được giải quyết, và bạn ra khỏi nó đẹp đẽ, giàu có, với những kho báu mới của bản thể bạn được mở ra, nhưng không cái gì treo quanh bạn. Thế thì bạn đi vào khoảnh khắc khác với sự tươi mát đó, với tính toàn bộ này, để cho khoảnh khắc khác được sống - và được giải quyết.
Đừng bao giờ tiếp tục tích luỹ những khoảnh khắc không sống quanh bạn, bằng không bạn sẽ trở nên cứng rắn.
Bạn có thể vẫn còn mềm mại chỉ nếu bạn không mang cái gì từ quá khứ. Tại sao trẻ con mềm mại? Chúng không mang gì. Cách thức của chúng là cách thức của hiền nhân. Nếu đứa trẻ giận nó là giận dữ. Trong khoảnh khắc đó nó không bận tâm điều Phật nói về giận dữ, nó không bận tâm điều Mahavir đã dạy về giận dữ: Đừng giận dữ - nó trở thành giận dữ thực sự. Nó giận mãnh liệt tới mức chính mãnh liệt đó trở thành đẹp. Nhìn đứa trẻ khi nó thực sự giận: toàn thân - thân thể nhỏ thế, mềm mại thế, non thế - đập rộn ràng với giận dữ, mắt đỏ lên, mặt đỏ lên, nhảy nhót, la hét, cứ dường như nó sẽ phá huỷ toàn thế giới. Sự bùng nổ của năng lượng.
Và khoảnh khắc tiếp giận dữ qua rồi, và nó chơi, và nhìn khuôn mặt nó - bạn không thể tin được rằng khuôn mặt này đã giận dữ khoảnh khắc trước. Tất cả toàn nụ cười! Đẹp thế, hạnh phúc thế.
Đây là cách sống. Một khoảnh khắc ở trong nó, nhưng ở trong nó toàn bộ tới mức không cái gì bị bỏ lại để ở trong khoảnh khắc khác. Đứa trẻ sống khoảnh khắc của giận dữ, thế rồi nó di chuyển. Khi giáo dục tốt hơn sẽ là có thể trên thế giới chúng ta sẽ không dạy trẻ con không giận dữ, chúng ta sẽ dạy chúng giận dữ, nhưng giận dữ một cách toàn bộ, và không mang điều đó đi. Giận dữ trong bản thân nó không xấu, mang nó, tích luỹ nó, là nguy hiểm.
Nhoáng lên của giận dữ là đẹp, thực tế là cần thiết, chúng đem sắc điệu cho cuộc sống. Chúng làm cho cuộc sống mặn hơn. Bằng không bạn sẽ cảm thấy nhũn nhẽo hơn, bạn sẽ không có sắc điệu. Nó là bài luyện tập tốt trong bản thân nó, và nếu người ta có thể ở trong nó một cách toàn bộ và đi ra khỏi nó một cách toàn bộ, không trầy xước, không cái gì sai trong nó cả. Và người có thể giận dữ toàn bộ cũng có thể hạnh phúc toàn bộ, có thể đáng yêu toàn bộ, bởi vì vấn đề không phải là bạn giận dữ hay hạnh phúc hay đáng yêu; một điều bạn học từ mọi kinh nghiệm là ở tính toàn bộ.
Nếu bạn không được phép giận dữ bạn trở nên không đầy đủ. Bạn sống khoảnh khắc này một cách bộ phận, phần khác treo trong tâm trí. Thế rồi bạn mỉm cười nhưng nụ cười của bạn không thuần khiết, nó bị biến chất, bởi vì giận dữ đó treo trong nó. Môi bạn mỉm cười nhưng chúng có chất độc, giận dữ đã không bỏ đi, quá khứ đã không ra đi, bạn không hoàn toàn tự do ở đây và bây giờ, quá khứ có cái bóng lên bạn.
Và điều này cứ diễn ra mãi. Bạn trở nên phân vân. Toàn thể cuộc sống trở thành tàn tích. Thế thì bạn không thể sống được cái gì: bạn không thể yêu, bạn không thể cầu nguyện, bạn không thể thiền. Mọi người tới tôi và họ nói: "Khi chúng tôi thiền đột nhiên hàng triệu ý nghĩ phát sinh; bình thường các ý nghĩ đó không nảy sinh, nhưng khi chúng tôi thiền thì chúng nảy sinh."
Tại sao điều đó xảy ra? Kinh nghiệm không đầy đủ; khi bạn thiền bạn không bận bịu; tất cả chúng nhảy lên bạn: Bạn không bận bịu - ít nhất giải quyết chúng tôi đi! hoàn thành chúng tôi đi! hoàn thành chúng tôi đi! Bạn không làm gì cả, thiền là không làm gì cả, chỉ ngồi ở đây. Làm cái gì đó đi! Cơn giận này có đó - hoàn thành nó đi! Tình yêu này có đó - hoàn thành nó đi! Ham muốn này có đó - làm cái gì đi!
Khi bạn bận rộn, bạn bận rộn tới mức tất cả chúng bao quanh bạn nhưng chúng chưa bao giờ trở nên hội tụ của chú ý của bạn. Nhưng khi bạn thiền tất cả chúng đều cố gắng hấp dẫn chú ý của bạn: Chúng tôi còn chưa đầy đủ. Chúng là ma của quá khứ của bạn.
Sống mọi khoảnh khắc một cách toàn bộ đi. Và sống với nhận biết để cho quá khứ không được mang theo: Và điều này là dễ dàng, chỉ chút ít nhận biết là được cần. Không cái gì khác được cần cả. Đừng sống trong giấc ngủ, như robot. Thêm chút ít ý thức đi, và bạn sẽ có khả năng thấy.
Và thế thì bạn sẽ trở nên mềm mại như đứa trẻ, mềm dẻo như cây mới nhú mầm, và phẩm chất này có thể được mang tới chính khoảng khắc cuối cùng của cái chết, bạn vẫn còn mềm dẻo. Nếu bạn vẫn còn mềm dẻo, trẻ trung, tươi tắn - cái chết xảy ra, nhưng nó không xảy ra cho bạn. Bởi vì bạn mang cuộc sống trong bạn, cái chết không thể xảy ra được. Chỉ những người đã từng chết mới chết. Những người vẫn còn sống động, họ quan sát cái chết xảy ra; thân thể chết, tâm trí chết, nhưng họ không chết, họ vẫn còn ở ngoài nó, siêu việt.
Ấy nên binh mạnh thì không thắng;
Lão Tử có vẻ ngớ ngẩn. Ông ấy nói khi quân đội cứng rắn nó sẽ thua trong chiến trận, và bạn nghĩ bất kì khi nào bạn cứng rắn bạn sẽ thắng.
Cây mạnh thì ắt gãy.
Ấy nên
Cứng và mạnh ở bậc dưới
Mềm và yếu ở bậc trên.
Rễ cứng, chúng thuộc vào phía dưới. Hoa mềm, chúng thuộc trên đỉnh.
Và đây sẽ là cấu trúc đúng của xã hội - nếu người mạnh thuộc vào gốc rễ và người mềm mại thuộc trên đỉnh. Nhà thơ và hoạ sĩ nên thuộc vào đỉnh. Thánh nhân và hiền nhân nên thuộc vào đỉnh cao nhất. Lính tráng, chính khách, doanh nhân nên thuộc vào bên dưới, họ không nên thuộc vào đỉnh. Toàn thế giới đang lộn ngược, bởi vì người cứng rắn đang cố ở trên đỉnh.
Dường như là gốc rễ đã trở thành chính khách và họ đang cố đi tới đỉnh cây và họ cố buộc hoa đi xuống rễ, xuống dưới đất.
Khi thế giới này cân bằng hơn - chẳng hạn ở Ấn Độ Brahmins thuộc vào đỉnh. Chúng ta đã đặt họ ở trên đỉnh - Brahmins nghĩa là hiền nhân: những người đã biết tới Brahma. Nó không phải là đẳng cấp. Nó không liên quan gì tới việc sinh, nó có cái gì đó liên quan tới phục sinh bên trong. Những người đã biết tới điều tối thượng, họ đều là Brahmins, họ thuộc về đỉnh, họ là hoa. Ngay cả vua, những hoàng đế rất mạnh, cũng phải tới và cúi lạy dưới chân họ. Đó là cách đúng! Vua, dù mạnh tới đâu, và dù vĩ đại đến đâu, vẫn là vua thôi. Con người của thế gian vẫn loạn thần kinh, vẫn theo đuổi tham vọng và bản ngã - người đó phải cúi lạy.
Chuyện xảy ra là Phật tới một thị trấn, và vua của thị trấn đó có chút ít ngần ngại đi tới đón ông ấy.
Thừa tướng của nhà vua nói với ông ấy: "Bệ hạ phải đi chứ." Thừa tướng là người trí huệ rất già. Nhà vua nói: "Điều này có vẻ không cần thiết. Ông ấy là kẻ ăn xin. Để ông ấy tới! Phỏng có ích gì để ta đi ra tận biên thuỳ vương quốc mà đón ông ấy? Ta là vua, còn ông ấy là kẻ ăn xin."
Thừa tướng già của nhà vua lập tức viết ngay đơn từ chức. Ông ấy nói: "Xin cho thần từ chức, bởi vì nếu bệ hạ đã xuống thấp thế thì thần không thể còn ở đây được. Bệ hạ phải nhớ rằng bệ hạ đang trị vì còn ông ấy đã từ bỏ vương quốc. Ông ấy không có gì. Bệ hạ có vương quốc lớn, còn ông ấy chỉ có cái không. Ông ấy thuộc vào đỉnh. Và bệ hạ phải tới và cúi lạy, nếu không thì xin nhận từ chức của thần. Thần không thể ở đây trong cung điện này với bệ hạ được. Điều đó là không thể được với thần." Nhà vua phải đi.
Khi ông ấy cúi lạy Phật, Phật tương truyền đã nói với ông ấy: "Không cần đâu. Ta đã nghe nói rằng ông ngần ngại tới - không cần, bởi vì khi người ta ngần ngại, cho dù người ta tới, người ta vẫn không tới. Và kính trọng không thể bị ép buộc. Hoặc ông hiểu hoặc ông không hiểu. Không có nhu cầu! Tự bản thân ta tới và ta là kẻ ăn xin. Còn ông là hoàng đế."
Nhưng bây giờ nhà vua bắt đầu kêu và khóc. Ông ấy đã hiểu ra vấn đề.
Ở phương Đông, Brahmins ở trên đỉnh. Điều đó phải là cách thức đúng để cấu trúc xã hội. Bây giờ trên khắp thế giới các chính khách đã đạt tới đỉnh. Do đó mới có khổ sở, và hỗn độn, nó phải vậy. Đỉnh đã trở thành quá nặng. Chỉ hoa mới nên ở trên đỉnh: hiền nhân, nhà thơ, nhà huyền môn, không phải chính khách.
Cứng và mạnh ở bậc dưới
Mềm và yếu ở bậc trên.
Lão Tử đang nói rằng nếu bạn muốn thuộc về đỉnh thì hãy hiền lành và yếu. Yếu thế và hiền thế, mềm thế, như cỏ, không mạnh như cây lớn.
Lão Tử có mối quan tâm sâu sắc vào tất cả những cái vô dụng. Ông ấy nói là vô dụng là được bảo vệ. Hữu dụng là nguy hiểm, bởi vì nếu bạn hữu dụng thế thì ai đó sẽ dùng bạn, bạn sẽ bị khai thác. Nếu bạn mạnh thế thì bạn sẽ bị buộc phải vào quân đội.
Lão Tử đi từ một làng, đi qua một làng cùng với các đệ tử của mình. Ông ấy thấy một người lưng gù. Ông ấy bảo các đệ tử: "Đi tới người gù kia và hỏi anh ta cảm thấy thế nào, bởi vì ta đã nghe nói thị trấn này đang trong rắc rối. Nhà vua đã buộc mọi thanh niên và người khoẻ vào quân đội.
Họ đi tới người gù và họ hỏi anh ta. Người gù nói: "Tôi hạnh phúc! Vì cái lưng của tôi mà họ đã không bắt tôi làm lính. Tôi vô dụng. Đó là cách tôi được cứu." Họ về tường trình lại. Lão Tử nói với họ: "Bây giờ nhớ lấy. Vô dụng đi. Bằng không các ông sẽ trở thành cỏ khô trong chiến tranh."
Một lần đi qua một khu rừng họ tới dưới một cây lớn: một nghìn xe trâu kéo có thể nghỉ ngơi dưới nó được. Cả khu rừng đã bị chặt hạ, hàng nghìn thợ mộc đang làm việc ở đó. Lão Tử nói: "Hỏi xem điều gì đã xảy ra. Sao họ không chặt cây lớn này?"
Các đệ tử đi, họ hỏi; thợ mộc nói: "Cây đó tuyệt đối vô dụng. Cành không thẳng, ông không thể làm đồ đạc được từ chúng; và khi ông đốt chúng, nhiều khói ra từ nó tới mức không thể dùng làm nhiên liệu được. Và lá đắng tới mức thậm chí con vật cũng chẳng thèm ăn chúng. Cho nên nó vô dụng. Đó là lí do tại sao chúng tôi đã không chặt nó xuống."
Tương truyền Lão Tử bắt đầu cười và nói với các đệ tử của ông ấy: "Cứ như cái cây đó, vô dụng. Thế thì không ai sẽ chặt các ông xuống. Và trông cây này, nó đã trở nên lớn thế nào, chỉ bằng việc vô dụng!"
Cuộc sống có thể được nhìn vào theo hai cách. Hoặc bạn nhìn nó như tiện dụng - một thứ phải được dùng vì cái gì đó khác; thế thì cuộc sống trở thành phương tiện, và mục đích nào đó phải được hoàn thành. Hay cuộc sống có thể được nhận như sự thích thú, không như tiện ích. Thế thì khoảnh khắc này là tất cả, không có mục đích, không có chủ định.
Mới hôm nọ tôi có đọc một bài thơ. Một dòng của nó dội vào tôi sâu sắc. Một dòng trong bài thơ này nói: Bài thơ không nên là phương tiện, mà là hiện hữu.
Tôi thích điều đó. Cuộc sống không nên là phương tiện, cuộc sống nên hiện hữu. Mục đích trong chính nó. Không đi đâu cả. Tận hưởng ở đây và bây giờ. Mở hội. Chỉ thế thì bạn mới có thể mềm mại được. Nếu bạn cố hữu dụng, bạn sẽ trở thành cứng rắn. Nếu bạn cố đạt tới cái gì đó, bạn sẽ trở thành cứng rắn. Nếu bạn cố tranh đấu bạn sẽ trở thành cứng rắn. Buông xuôi. Mềm mại và non nớt. Và cho phép dòng chảy của cuộc sống đem bạn tới bất kì chỗ nào nó đưa bạn tới. Để mục đích của cái toàn thể là mục đích của bạn. Đừng tìm kiếm mục đích riêng tư nào. Bạn chỉ là một phần, và cái đẹp vô hạn và duyên dáng xảy ra.
Cố cảm thấy nó đi - điều tôi đang nói đấy; vấn đề không phải là hiểu, vấn đề không phải là năng lực trí tuệ. Cảm nó, điều tôi đang nói. Thấm đẫm nó, điều tôi đang nói. Để nó có đó cùng bạn. Cho phép nó lắng đọng sâu trong bản thể bạn: Cuộc sống không nên ngụ ý, cuộc sống nên hiện hữu.
Và thế thì bỗng nhiên bạn mềm mại. Mọi cứng rắn ra đi, biến mất, tan chảy. Đứa bé được phục hồi lại, bạn lại trở thành đứa trẻ, những cặp mắt trong suốt đó của tuổi thơ lại sẵn có.
Bạn có thể nhìn và thế thì mầu lục này là khác toàn bộ, và tiếng chim hót là khác toàn bộ. Thế thì cái toàn thể có ý nghĩa khác toàn bộ. Nó không có nghĩa, nó có ý nghĩa. Nghĩa liên quan tới tiện dụng, ý nghĩa liên quan tới vui mừng.
Vui mừng trong nó và bạn sẽ mềm mại. Tuôn chảy cùng dòng sông. Trở thành dòng sông.
Xem tiếp Chương 8 - Quay về Mục lụcQuay về Mục lục Toàn tập

Ads Belove Post