Chương 17. Già đi

Chương 17. Già đi

Price:

Read more

Osho – Từ Thuốc tới Thiền
Chương 17. Già đi


Tâm trí phương Tây được huấn luyện theo ý tưởng rằng bạn chỉ có một kiếp sống – bẩy mươi năm – và tuổi thanh niên sẽ không bao giờ quay lại nữa. Tại phương Tây, mùa xuân chỉ tới một lần; một cách tự nhiên, có ham muốn sâu xa để níu bám lâu nhất có thể được, để giả vờ theo đủ mọi cách có thể rằng bạn vẫn còn trẻ.
Tại phương Đông người già hơn bao giờ cũng có giá trị, được kính trọng. Người đó đã từng trải nhiều, người đó đã chứng kiến nhiều, nhiều mùa tới rồi đi; người đó đã sống qua đủ mọi loại kinh nghiệm, tốt và xấu. Người đó đã trở nên dầy dạn; người đó không còn non nớt nữa. Người đó có tính toàn vẹn nào đó, cái chỉ tới với tuổi tác. Người đó không còn ngây thơ, ôm gấu bông; người đó không còn trẻ trung, vẫn lãng phí thời gian nghĩ rằng đây là tình yêu.
Người đó đã trải qua tất cả những kinh nghiệm này, đã thấy rằng cái đẹp phai mờ đi; người đó đã thấy rằng mọi thứ đều đi tới chỗ kết thúc, rằng mọi thứ đang đi tới nấm mồ. Từ chính khoảnh khắc người đó rời bỏ cái nôi, đã chỉ có một con đường – và đó là từ cái nôi tới nấm mồ. Bạn không thể đi đâu khác được; bạn không thể đi lạc lối cho dù bạn có thử. Bạn sẽ đạt tới nấm mồ dù bạn làm bất kì cái gì.
Người già được kính trọng, được yêu mến; người đó đã đạt tới một sự thuần khiết nào đó của trái tim bởi vì người đó đã sống qua các ham muốn, và đã thấy rằng mọi ham muốn đều dẫn tới thất vọng. Những ham muốn đó là kí ức quá khứ. Người đó đã sống trong đủ mọi loại quan hệ, và đã thấy rằng mọi loại quan hệ đều biến thành địa ngục. Người đó đã trải qua tất cả những đêm tối của linh hồn. Người đó đã đạt tới thái độ tách rời nào đó – sự thuần khiết của người quan sát. Người đó không còn quan tâm tới việc tham gia vào bất kì trận đấu bóng nào. Chỉ sống cuộc sống mình, người đó đã đi tới siêu việt; do đó, người đó được kính trọng, trí huệ của người đó được kính trọng.
Nhưng ở phương Đông, ý tưởng đã là cuộc sống không chỉ là một mẩu nhỏ bẩy mươi năm trong đó tuổi thanh niên của bạn chỉ tới có một lần. Ý tưởng đã là, hệt như trong sự tồn tại, mọi thứ đều chuyển động vĩnh cửu – mùa hè tới, mưa tới, mùa đông tới và mùa hè lại tới; mọi thứ chuyển vận tựa bánh xe – cuộc sống không phải là ngoại lệ. Cái chết là kết thúc của bánh xe này và là bắt đầu của bánh xe khác. Lần nữa bạn sẽ là đứa trẻ, và lần nữa bạn lại là thanh niên, và lần nữa bạn sẽ là người già. Điều đó đã là như vậy từ lúc bắt đầu, và nó sẽ là như vậy cho tới chính lúc cuối – cho tới lúc bạn trở nên chứng ngộ đến mức bạn có thể nhảy ra khỏi cái vòng luẩn quẩn và có thể đi vào trong một luật hoàn toàn khác. Từ cá nhân, bạn có thể nhảy vào vũ trụ. Cho nên không có gì vội vã, và không có níu bám.
Phương Tây dựa trên truyền thống Do Thái vốn tin vào chỉ một kiếp sống. Ki tô giáo chỉ là một nhánh của Do thái giáo. Jesus đã là một người Do Thái, được sinh ra là người Do Thái, sống là người Do Thái, chết đi là người Do Thái; ông ấy chưa bao giờ biết rằng ông ấy là người Ki tô giáo. Nếu bạn gặp ông ấy ở đâu đó và chào ông ấy bằng, “Xin chào, Jesus Christ,” ông ấy sẽ không nhận ra bạn đang nói về ai bởi vì ông ấy chưa bao giờ biết rằng tên mình là Jesus và ông ấy chưa bao giờ biết rằng mình là Christ. Tên của ông ấy là Joshua, cái tên Do Thái, và ông ấy là vị cứu tinh của Thượng đế, không phải là Christ. Jesus Christ là việc dịch sang tiếng Hi lạp từ tiếng Do Thái. Mô ha mét giáo cũng là sản phẩm phụ của cùng một tín ngưỡng – Do Thái. Ba tôn giáo này tin vào một kiếp sống. Việc tin vào một kiếp sống là rất nguy hiểm bởi vì nó không cho bạn cơ hội để phạm sai lầm, nó không cho bạn cơ hội để có đủ kinh nghiệm về bất kì cái gì; bạn bao giờ cũng vội vã.
Toàn bộ tâm trí phương Tây đã trở thành tâm trí của khách du lịch, người đang mang hai, ba máy ảnh, và xô đi chụp ảnh mọi thứ bởi vì người đó chỉ có visa ba tuần. Và trong ba tuần này, người đó phải bao quát cả đất nước – tất cả những đài kỉ niệm lớn. Không có thời gian cho người đó xem trực tiếp chúng; người đó sẽ xem chúng ở nhà, lúc thoải mái, trong tuyển tập ảnh của mình. Bất kì khi nào tôi nhớ tới người khách du lịch này, tôi lại thấy bà già ấy chạy xô từ chỗ nọ sang chỗ kia – từ Ajanta tới Ellora, từ Taj Mahal tới Kashmir – trong vội vàng, bởi vì cuộc sống là ngắn ngủi.
Chỉ trong tâm trí phương Tây mới tạo ra câu ngạn ngữ rằng thời gian là tiền bạc. Tại phương Đông mọi thứ trôi qua chậm chạp; không có vội vàng – người ta có toàn thể sự vĩnh hằng. Chúng ta đã từng ở đây và chúng ta sẽ ở đây nữa, cho nên vội gì? Tận hưởng mọi thứ với sự mãnh liệt và tính toàn bộ.
Cho nên, một điều: bởi vì cái ý tưởng về một kiếp sống, phương Tây đã trở thành quá bận tâm tới việc trẻ trung, và thế thì mọi thứ đều được làm để duy trì trẻ trung lâu nhất có thể được, để kéo dài quá trình này. Điều đó tạo ra thói đạo đức giả, và điều đó phá huỷ sự phát triển đích thực. Điều đó không cho phép bạn trở thành trí huệ thực sự trong tuổi già của mình, bởi vì bạn ghét tuổi già; tuổi già chỉ nhắc bạn về cái chết, không cái gì khác. Tuổi già có nghĩa là dấu chấm hết không còn xa xôi nữa; bạn đã đi tới điểm cuối cùng – chỉ một tiếng còi nữa, và con tầu sẽ dừng.
Tôi đã có một thoả thuận với ông tôi. Ông thích chân ông được xoa bóp, còn tôi đã bảo ông, “Ông nhớ đấy nhé, khi cháu nói ‘phẩy,’ điều đó nghĩa là tỉnh táo; chấm phẩy đang tới gần. Khi cháu nói, ‘chấm phẩy,’ thì sẵn sàng, bởi vì dấu chấm hết đang tới gần. Còn một khi cháu nói ‘chấm hết,’ cháu muốn nói điều đó.” Thế là ông sợ “phẩy” đến mức khi tôi sắp nói, “phẩy” thì ông sẽ nói, “Được rồi, nhưng để cho chấm phẩy lâu hơn chút nữa. đừng làm nó ngắn và nhanh chóng!”
Tuổi già đơn giản nhắc nhở bạn, ở phương Tây, rằng dấu chấm hết đang tới gần – kéo dài dấu phẩy ra. Và bạn định lừa dối ai? Nếu bạn đã nhận ra rằng tuổi thanh niên của bạn không còn đó, bạn có thể cứ lừa dối cả thế giới nhưng bạn không còn trẻ, bạn đơn giản làm trò cười… Mọi người đều đang cố gắng duy trì trẻ trung, nhưng họ không biết rằng chính nỗi sợ về mất tuổi trẻ không cho phép bạn được sống nó trong tính toàn bộ của nó.
Và điều thứ hai là, nỗi sợ về mất đi tuổi trẻ không cho phép bạn chấp nhận tuổi già với sự duyên dáng. Bạn bỏ lỡ cả hai tuổi thanh xuân – niềm vui của nó, mãnh liệt của nó – và bạn cũng bỏ lỡ cả duyên dáng, và trí huệ, và an bình mà tuổi già đem lại. Nhưng toàn bộ vấn đề dựa trên một quan niệm sai lầm về cuộc sống. Chừng nào phương Tây còn chưa thay đổi ý tưởng rằng chỉ có một kiếp sống, thái độ đạo đức giả này, níu bám này, nỗi sợ này không thể nào được thay đổi.
Trong thực tế, một kiếp không phải là tất cả; bạn đã sống nhiều lần, và bạn sẽ sống nhiều lần nữa. Do đó, sống từng khoảnh khắc một cách toàn bộ nhất có thể được; chẳng vội vàng gì nhảy vào khoảnh khắc khác. Thời gian không phải là tiền bạc, thời gian là không thể vét cạn; nó có sẵn cho người nghèo cũng nhiều như cho người giầu. Người giầu không giầu hơn khi có liên quan tới thời gian, và người nghèo cũng không nghèo hơn. Cuộc sống là hoá thân vĩnh viễn.
Điều xuất hiện trên bề mặt được bắt rễ rất sâu trong các tôn giáo của phương Tây. Họ rất keo kiệt trong việc cho bạn chỉ bẩy mươi năm. Nếu bạn cố gắng vạch tỉ mỉ ra, gần như một phần ba thời gian cuộc sống bạn sẽ mất đi cho việc ngủ, một phần ba cuộc sống bạn sẽ phải phí hoài cho việc kiếm ăn, quần áo, nhà cửa. Bất kì cái gì nhỏ bé còn lại đều phải dành cho giáo dục, trận đá bóng, phim ảnh, những cuộc cãi cọ, đánh nhau ngốc nghếch. Nếu bạn có thể tiết kiệm, trong thời gian bẩy mươi năm, bẩy phút cho mình, tôi sẽ tính bạn là người trí huệ. Nhưng khó mà tiết kiệm thậm chí bẩy phút trong cả cuộc sống của bạn; cho nên làm sao bạn có thể tìm thấy bản thân mình? Làm sao bạn có thể biết được bí ẩn của bản thể mình, của cuộc sống mình? Làm sao bạn có thể hiểu được rằng cái chết không phải là kết thúc? Bởi vì bạn đã bỏ lỡ kinh nghiệm bản thân cuộc sống, bạn đang bỏ lỡ kinh nghiệm lớn về cái chết nữa; nếu không thì chẳng có gì để mà sợ trong cái chết cả. Đó là giấc ngủ đẹp, ngủ không mơ, giấc ngủ cần cho bạn để chuyển vào thân thể khác, im lặng và an bình. Đó là hiện tượng giải phẫu; nó gần giống như việc đánh thuốc mê. Cái chết là bạn bè, không phải là kẻ thù.
Một khi bạn hiểu cái chết như bạn bè, và bắt đầu sống cuộc sống không sợ hãi gì mà nó chỉ là một khoảng thời gian rất nhỏ chừng bẩy mươi năm – nếu viễn cảnh của bạn mở tới điều vĩnh hằng của cuộc sống bạn – thế thì mọi thứ sẽ chậm lại; thế thì không cần phải mau lẹ. Trong mọi việc, mọi người đơn giản chạy xô vào. Tôi đã thấy mọi người lấy cặp đi làm, nhét mọi thứ vào đó, hôn vợ, chẳng thèm nhìn xem cô ấy là vợ mình hay ai đó khác, và nói lời tạm biệt với con họ. Đây không phải là cách sống! Và bạn đạt tới đâu với tốc độ này?
Tôi đã nghe về một đôi thanh niên mới mua một chiếc xe mới, và họ cho chạy hết tốc độ. Người vợ cứ hỏi đi hỏi lại chồng, “Chúng ta đang đi đâu?” – bởi vì người vợ vẫn mang tâm trí cổ: “Chúng ta đang đi đâu?”
Người đàn ông trả lời, “Thôi đừng làm phiền tôi nữa, tận hưởng tốc độ chúng ta đang đi. Câu hỏi thực không phải là chúng ta đang đi đâu; câu hỏi thực là chúng ta đang đi với tốc độ lớn nào?”
Tốc độ đã trở thành quan trọng hơn cái đích, và tốc độ đã trở thành quan trọng hơn bởi vì cuộc sống ngắn ngủi thế. Bạn phải làm nhiều thứ đến mức chừng nào bạn chưa làm mọi thứ với tốc độ, bạn không thể quản lí nổi. Bạn không thể nào ngồi im lặng thậm chí lấy vài phút – điều đó dường như là phí hoài. Trong vài phút đó bạn có thể đã kiếm được vài đồng đô la.
Chỉ phí thời gian nhắm mắt lại, và cái gì có đó bên trong bạn? Nếu bạn thực sự muốn biết, bạn có thể đi tới bất kì bệnh viện nào và nhìn bộ xương. Đó là cái ở bên trong bạn. Tại sao bạn dính líu vào rắc rối một cách không cần thiết bằng việc nhìn vào trong? Nhìn vào trong, bạn sẽ thấy xương. Và một khi bạn đã thấy xương mình, cuộc sống sẽ trở nên khó khăn hơn; hôn vợ mình, bạn biết hoàn toàn rõ cái gì đang xảy ra – hai bộ xương. Ai đó chỉ cần phát minh ra kính tia X, thế là mọi người có thể đeo kính tia X và thấy tất cả các bộ xương xung quanh đang cười. Có lẽ nhất, người đó sẽ không sống để tháo kính của mình ra; biết bao nhiêu bộ xương đang cười cũng đủ để chấm dứt nhịp tim của bất kì ai. “Lạy trời, đây là thực tại sao! Và đây là điều tất cả các nhà huyền môn đã từng nói với mọi người, ‘Nhìn vào trong; – phải tránh họ thôi!”
Phương Tây không có truyền thống huyền môn. Nó là hướng ngoại: Nhìn ra ngoài, có nhiều thứ thế để xem. Nhưng họ không nhận biết rằng bên trong không chỉ có bộ xương, còn có cái gì đó bên trong hơn bộ xương. Đó là tâm thức bạn. Bằng việc nhắm mắt lại bạn sẽ không bắt gặp bộ xương, bạn sẽ bắt gặp chính cội nguồn sống của mình. Phương Tây cần quen biết sâu sắc với cội nguồn cuộc sống của riêng nó, thế thì sẽ không có vội vàng. Người ta sẽ tận hưởng khi cuộc sống đem đến tuổi thanh niên, người ta sẽ tận hưởng khi cuộc sống đem tới tuổi già và người ta sẽ tận hưởng khi cuộc sống đem tới cái chết. Bạn đơn giản biết một điều – cách tận hưởng mọi thứ bạn bắt gặp, cách biến đổi nó thành lễ hội. Tôi gọi tôn giáo đích thực là nghệ thuật biến đổi mọi thứ thành lễ hội, thành bài ca, thành điệu vũ.
Một ông già bước vào trong bệnh viện sức khoẻ và bảo với bác sĩ, “Anh cần làm cái gì đó để hạ thấp động lực dục của tôi.”
Bác sĩ nhìn vào ông già yếu đuối và nói, “Bây giờ, bây giờ, thưa ông, tôi đã có cảm giác rằng động lực dục của ông tất cả đều ở trong đầu ông.”
“Đó chính là điều tôi muốn nói đấy, cu con,” ông già nói, “Tôi phải hạ thấp nó xuống một ít.”
Thậm chí đến ông già cũng còn muốn là kẻ ăn chơi. Điều đó chứng tỏ một điều chắc chắn – rằng ông ấy chưa sống thời thanh niên của mình một cách toàn bộ. Ông ấy đã bỏ lỡ tuổi thanh niên của mình, và ông ấy vẫn nghĩ về nó. Bây giờ ông ấy không thể làm được điều gì về nó cả, nhưng toàn bộ tâm trí ông ấy vẫn liên tục nghĩ về những ngày ông ấy còn trong tuổi thanh niên chưa được sống qua; vào lúc đó ông ấy đã vội vã.
Nếu như ông ấy đã sống tuổi thanh niên của mình, ông ấy sẽ được tự do trong tuổi già của mình với mọi kìm nén, dục tình; sẽ không cần cho ông ấy vứt bỏ bản năng dục của mình. Nó biến mất, nó bay hơi trong việc sống. Người ta chỉ phải sống không bị ngăn cấm, không có can thiệp nào từ tôn giáo, từ các tu sĩ, và nó biến mất; bằng không, khi bạn còn thanh niên bạn đi nhà thờ, và khi bạn già, bạn lại đọc tạp chí Playboy bằng cách che giấu nó trong Kinh thánh thiêng liêng. Mọi Kinh thánh thiêng liêng đều được dùng chỉ với một mục đích, che giấu các tạp chí như Playboy, để cho bạn không bị trẻ con bắt gặp – điều đó thật xấu hổ.
Tôi đã nghe nói về ba người, ba ông già. Một người bẩy mươi, người kia tám mươi và người thứ ba chín mươi. Họ tất cả đều là bạn cũ, đã về hưu, người quen đi dạo và ngồi ghế dài trong công viên, và có đủ mọi loại chuyện tán gẫu. Một hôm người trẻ nhất trong ba người này, người bẩy mươi tuổi, trông có vẻ chút ít buồn bã. Người thứ hai, tám mươi tuổi, hỏi, “Có chuyện gì vậy? Ông trông rất buồn.”
Ông ấy nói, “Tôi cảm thấy rất mặc cảm. Nếu tôi kể cho các ông thì điều đó sẽ giúp tôi được nhẹ gánh. Đấy là một vụ: Một bà đẹp đang tắm – bà ấy là khách trong nhà tôi – và tôi nhìn qua lỗ khoá và mẹ tôi bắt quả tang tôi.”
Cả hai người bạn già đều cười; họ nói, “Ông là thằng ngu. Mọi người đều làm như thế hồi trẻ con.”
Ông ấy nói, “Vấn đề không phải là thời trẻ con, điều đó mới xảy ra hôm nay.” Người thứ hai đáp, “Thế thì đấy thực sự là nghiêm trọng. Nhưng tôi sẽ kể cho ông một điều vừa mới xảy ra với tôi trong ba ngày, và tôi vẫn còn chịu nó như một hòn đá, một tảng đá đè lên tim tôi. Liên tục suốt ba ngày vợ tôi đã từ chối làm tình với tôi.”
Người thứ nhất nói, “Điếu đó thực sự rất tồi tệ.”
Nhưng người thứ ba, người già nhất cười phá lên và ông ấy nói, “Trước hết ông hãy hỏi ông ấy làm tình nghĩa là gì.”
Thế là ông này hỏi, và ông già thứ hai nói, “Cũng không có gì nhiều lắm. Đừng làm tôi cảm thấy bối rối thêm. Đấy là một quá trình đơn giản. Tôi cầm tay vợ tôi và bóp nó ba lần, thế rồi bà ấy đi ngủ và tôi đi ngủ. Nhưng trong ba ngày, bất kì khi nào tôi cố gắng cầm tay bà ấy, bà ấy nói, “Không phải hôm nay, không phải hôm nay! ê cảm thấy xấu hổ đi; ông đủ già rồi – không phải hôm nay!” Thế là trong ba ngày tôi đã không làm tình.”
Ông già thứ ba nói, “Điều này chẳng là gì cả. Điều đã xảy ra cho tôi, tôi phải thú nhận, bởi vì các ông còn trẻ và điều đó sẽ có ích cho các ông trong tương lai của các ông. Đêm qua, khi đêm vừa qua đi và sáng tới gần hơn, tôi bắt đầu chuẩn bị làm tình với vợ tôi và bà ấy nói với tôi, ‘Ông đang cố gắng làm gì vậy, ông ngốc?’ Tôi nói, ‘Tôi đang cố gắng làm gì ư? Tôi đơn giản cố gắng làm tình với bà,’ còn bà ấy nói, ‘Đây là lần thứ ba trong đêm đấy; ông không ngủ mà ông cũng chẳng cho phép tôi ngủ. Yêu, yêu, yêu!’ Thế là tôi nghĩ dường như là tôi mất trí nhớ rồi. Vấn đề của các ông chẳng là gì cả; tôi đã mất trí nhớ.”
Nếu bạn lắng nghe người già, bạn sẽ ngạc nhiên; họ đang nói chỉ những điều họ đáng phải đã sống, nhưng thời gian đã trôi qua khi nó là có thể để sống chúng. Vào thời gian đó họ đã đọc Kinh thánh thiêng liêng và nghe tu sĩ. Các tu sĩ đó và những kinh sách thiêng liêng kia đã làm biến chất mọi người, bởi vì chúng đã trao cho họ cái ý tưởng chống lại tự nhiên và chúng không thể cho phép họ sống một cách tự nhiên. Nếu chúng ta cần một nhân loại mới, chúng ta sẽ phải xoá đi toàn bộ quá khứ và bắt đầu mọi thứ mới. Và nguyên tắc cơ bản đầu tiên sẽ là: cho phép mọi người, giúp mọi người, dạy mọi người sống theo bản tính của mình, không theo bất kì ý tưởng nào, và sống một cách toàn bộ và mãnh liệt không sợ hãi gì. Thế thì trẻ con sẽ tận hưởng tuổi thơ của chúng, thanh niên sẽ tận hưởng tuổi xuân của họ và người già sẽ có cái duyên dáng tới một cách tự nhiên, bắt nguồn từ toàn bộ cuộc sống được sống một cách tự nhiên.
Chừng nào tuổi già của bạn còn chưa duyên dáng và trí huệ và tràn đầy ánh sáng cùng vui vẻ, mãn nguyện, hoàn thành, phúc lạc… trong chính hiện diện của bạn, chừng nào hoa chưa nở và chưa có hương thơm của điều vĩnh hằng, thế thì chắc chắn là bạn vẫn còn chưa sống đâu. Nếu nó không xảy ra theo cách đó, điều đó có nghĩa là bạn đã đi lạc lối ở đâu đó, đâu đó bạn đã nghe các tu sĩ, những kẻ làm biến chất, kẻ tội phạm, đâu đó bạn đã đi ngược lại tự nhiên – và tự nhiên báo thù. Và trả thù của nó là phá huỷ tuổi già của bạn và làm cho nó xấu đi, xấu với người khác và xấu trong con mắt riêng của bạn; bằng không tuổi già có vẻ đẹp mà thậm chí tuổi thanh niên không thể có được.
Tuổi thanh xuân có chín muồi, nhưng nó vẫn còn chưa trí huệ. Nó có quá nhiều cái ngu xuẩn trong nó; nó mang tính tài tử. Tuổi già đã cho nét vẽ cuối cùng lên bức tranh của cuộc sống riêng của người ta. Và khi người ta đã cho nét vẽ cuối cùng, người ta sẵn sàng chết một cách sung sướng, vũ hội. Người ta sẵn sàng đón chào cái chết.

Ads Belove Post