Read more
Osho - Con đường tôi đi - Con đường của mây
trắng
Chương 3. Khổ sở hay cực lạc?
Osho kính yêu,
Thầy đã có lần kể cho chúng tôi một câu chuyện về một ông
già đã trên trăm tuổi.
Một hôm, nhân ngày sinh nhật, người ta hỏi ông tại sao ông lại
luôn luôn cực lạc. Ông trả lời: mỗi sáng mai khi tôi thức dậy tôi có chọn lựa
là hạnh phúc hay bất hạnh, và tôi đã chọn hạnh phúc.
Làm sao mà chúng tôi lại thường chọn bất hạnh?
Làm sao mà chúng tôi không cảm thấy nhận biết về chọn lựa?
Đây là một trong những vấn đề con người phức tạp nhất. Nó phải
được xem xét rất sâu sắc - và nó không phải là lí thuyết, nó liên quan tới bạn.
Đây là cách mọi người ứng xử - bao giờ cũng chọn sai, bao giờ cũng chọn điều buồn,
điều thất vọng, điều khổ. Phải có lí do sâu sắc cho điều đó, và đây là lí do.
Điều đầu tiên: cách thức con người được nuôi dưỡng giữ vai
trò rất xác định trong việc đó. Nếu bạn bất hạnh, bạn được cái gì đó từ nó, bạn
bao giờ cũng được. Nếu bạn hạnh phúc bạn bao giờ cũng mất. Ngay từ chính ban đầu
đứa trẻ tỉnh táo bắt đầu cảm thấy phân biệt. Bất kì khi nào nó bất hạnh mọi người
đều thông cảm với nó; nó được thông cảm. Mọi người cố gắng hướng tình yêu về
nó; nó được tình yêu. Và thậm chí còn hơn thế, bất kì khi nào nó bất hạnh mọi
người đều hướng chú ý về nó - nó được chú ý.
Chú ý tác động tựa như thức ăn cho bản ngã, một kích thích rất
ngây ngất. Nó cho bạn năng lượng; bạn cảm thấy mình là ai đó. Do đó mới có biết
bao nhu cầu, có biết bao ham muốn được chú ý tới. Nếu mọi người nhìn bạn, bạn
trở nên quan trọng. Nếu không ai nhìn bạn, bạn cảm thấy dường như bạn không có
đó, bạn không còn nữa, bạn không hiện hữu. Những người nhìn bạn, những người
chăm sóc bạn đem lại cho bạn năng lượng.
Bản ngã tồn tại trong quan hệ. Càng nhiều người chú ý tới bạn,
bạn càng thu được nhiều bản ngã. Nếu không ai nhìn bạn, bản ngã biến mất. Nếu mọi
người hoàn toàn quên mất bạn, làm sao bản ngã có thể tồn tại được? Làm sao bạn
có thể cảm thấy bạn đang hiện hữu? Do đó cần có hội, hiệp hội, câu lạc bộ. Câu
lạc bộ có trên khắp thế giới - Rotary, Lions, Masonic Lodges - hàng triệu câu lạc
bộ và hội. Những hội và câu lạc bộ này tồn tại chỉ để đem cho sự chú ý tới những
người không thể thu được sự chú ý theo các cách khác.
Rất khó trở thành tổng thống một nước, rất khó trở thành
giám đốc công ti. Dễ hơn cả là trở thành chủ tịch câu lạc bộ Lions, thế thì một
nhóm người đặc biệt sẽ chú ý đến bạn. Bạn rất quan trọng - chẳng làm gì cả. Câu
lạc bộ Lions, câu lạc bộ Rotary... chẳng làm cái gì nhưng họ vẫn cảm thấy họ là
cái gì đó quan trọng. Và chủ tịch cứ thay đổi - người này năm này, người kia
năm khác. Mọi người đều được chú ý. Đó là dàn xếp lẫn nhau, và mọi người đều cảm
thấy quan trọng.
Ngay từ ban đầu trẻ con đã học chính trị. Chính trị là:
trông khổ sở, thế thì bạn được thông cảm, thế thì mọi người chú ý tới. Trông ốm
yếu - bạn trở nên quan trọng. Đứa trẻ ốm trở thành kẻ độc tài; cả gia đình phải
theo nó - bất kì điều gì nó nói cũng là luật lệ. Khi nó hạnh phúc chẳng ai nghe
nó. Khi nó mạnh khoẻ chẳng ai chăm sóc nó. Khi nó hoàn hảo chẳng ai chú ý tới.
Ngay từ ban đầu chúng ta bắt đầu chọn khổ, buồn bã, bi quan, phía tối của cuộc
sống. Đấy là một điều.
Điều thứ hai có liên quan tới nó là: bất kì khi nào bạn hạnh
phúc, bất kì khi nào bạn vui sướng, bất kì khi nào bạn cảm thấy cực lạc và phúc
lạc, mọi người đều ghen tị với bạn. Ghen tị nghĩa là mọi người đối kháng, không
ai thân thiện; vào khoảnh khắc đó mọi người đều là kẻ thù. Cho nên bạn đã học
không tỏ ra cực lạc đến độ mọi người trở thành thù địch với mình - không biểu lộ
phúc lạc của mình, không cười to.
Nhìn mọi người khi họ cười. Họ cười rất tính toán. Đấy không
phải là cái cười từ bụng, nó không tới từ rất sâu của bản thể họ. Trước hết họ
nhìn bạn, thế rồi họ đánh giá... và thế rồi họ cười. Và họ cười tới mức độ đặc
biệt, mức độ mà bạn sẽ chịu được, mức độ sẽ được coi như phù hợp, mức độ mà
không ai sẽ trở nên ghen tị. Ngay cả cái mỉm cười của chúng ta cũng chính trị.
Tiếng cười đã biến mất, phúc lạc đã trở nên hoàn toàn không được biết tới, và cực
lạc gần như là không thể có được bởi vì nó không được phép. Nếu bạn khổ chẳng
ai nghĩ bạn điên. Nếu bạn cực lạc và nhảy múa mọi người sẽ nghĩ bạn điên. Nhảy
múa bị bác bỏ, ca hát không được chấp nhận. Một người phúc lạc - và chúng ta
nghĩ điều gì đó đã đi sai.
Đây là kiểu xã hội gì vậy? Nếu ai đó khổ mọi thứ tốt; người
đó phù hợp bởi vì toàn bộ xã hội nhiều ít cũng khổ. Người đó là một thành viên,
người đó thuộc về chúng ta. Nếu ai đó trở nên cực lạc chúng ta nghĩ người đó
điên, mất trí. Người đó không thuộc về chúng ta - và chúng ta cảm thấy ghen tị,
và bởi vì ghen tị chúng ta kết án người đó. Bởi ghen tị chúng ta cố gắng bằng mọi
cách đẩy người đó lại trạng thái cũ. Chúng ta gọi trạng thái cũ là bình thường.
Các nhà phân tâm sẽ giúp đỡ, các nhà tâm thần sẽ giúp đỡ để đưa người này về
cái khổ thông thường.
Tại phương Tây toàn bộ xã hội đều quay ra chống lại ảo giác.
Luật pháp, quốc gia, chính phủ, các chuyên gia pháp lí, toà án cấp cao, các nhà
lập pháp, tu sĩ, giáo hoàng - mọi người đều quay ra chống đối. Họ không thực sự
chống lại ảo giác - họ chống lại những người cực lạc. Họ không chống lại rượu,
họ không chống lại những thứ khác mà là ma tuý, nhưng họ chống lại ảo giác bởi
vì ảo giác có thể tạo ra sự thay đổi hoá học trong bạn. Và lớp vỏ cũ mà xã hội
đã tạo ra xung quanh bạn, tù túng trong khổ, có thể bị phá vỡ, có thể có đột
phá. Bạn có thể bước ra khỏi nó, cho dù trong vài khoảnh khắc, và cực lạc.
Xã hội không thể cho phép cực lạc. Cực lạc là cuộc cách mạng
vĩ đại nhất.
Tôi nhắc lại điều đó: cực lạc là cuộc cách mạng vĩ đại nhất.
Nếu mọi người trở nên cực lạc, toàn bộ xã hội sẽ phải thay đổi,
bởi vì xã hội này dựa trên khổ. Nếu mọi người phúc lạc, bạn không thể đưa họ
vào chiến tranh - ở Việt Nam hay ở Ai cập hay ở Israel. Không. Ai đó đang phúc
lạc sẽ chỉ cười và nói: đây là điều là vô nghĩa!
Nếu mọi người phúc lạc bạn không thể làm cho họ bị ám ảnh bởi
tiền bạc. Họ sẽ không lãng phí toàn bộ cuộc đời mình chỉ để tích luỹ tiền bạc.
Đối với họ sẽ tựa như điên rồ khi một người huỷ hoại toàn bộ cuộc sống mình chỉ
để đánh đổi cuộc sống mình lấy những đồng tiền chết, chết đi và tích luỹ tiền bạc
- và tiền sẽ có đó khi người ấy chết. Điều này tuyệt đối điên rồ! Nhưng điên rồ
này không thể thấy được chừng nào bạn còn chưa cực lạc.
Nếu mọi người cực lạc thế thì toàn bộ hình mẫu của xã hội này
sẽ phải thay đổi. Xã hội này tồn tại trên khổ. Khổ là đầu tư lớn nhất cho xã hội
này. Cho nên chúng ta dạy dỗ trẻ con... ngay từ đầu chúng ta đã tạo ra việc học
hướng theo khổ. Đó là lí do tại sao chúng bao giờ cũng chọn khổ.
Vào buổi sáng với mỗi người đều có chọn lựa. Và không chỉ buổi
sáng - mọi khoảnh khắc đều có chọn lựa là khổ hay sướng. Bạn bao giờ cũng chọn
khổ bởi vì có đầu tư. Bạn bao giờ cũng chọn khổ bởi vì điều đó đã trở thành
thói quen, mẫu hình, bạn bao giờ cũng làm điều đó. Bạn đã trở nên hiệu quả khi
làm việc đó, nó đã trở thành lối mòn. Khoảnh khắc tâm trí bạn phải chọn lựa, lập
tức nó ùa tới khổ.
Khổ dường như đi xuống dốc, cực lạc dường như đi lên dốc. Cực
lạc có vẻ rất khó khăn đạt tới được - nhưng điều đó không là vậy. Điều thực
hoàn toàn đối lập lại: cực lạc là đi xuống dốc, khổ là đi lên dốc. Khổ là điều
rất khó đạt tới, nhưng bạn đã đạt tới nó, bạn đã làm điều không thể được - bởi
vì khổ chống lại tự nhiên thế. Không ai muốn khổ và mọi người đều khổ.
Xã hội đã làm được một việc lớn. Giáo dục, văn hoá và các tổ
chức văn hoá, bố mẹ, thầy giáo - họ đều đã làm một việc lớn. Họ đã tạo ra các
sinh linh khổ từ các đấng sáng tạo cực lạc. Mọi đứa trẻ được sinh ra đều cực lạc.
Mọi đứa trẻ được sinh ra đều là thượng đế. Và mọi người chết đi đều là người
điên.
Chừng nào bạn chưa giành lại, chừng nào bạn chưa đòi lại tuổi
thơ của mình, bạn vẫn sẽ không có khả năng trở thành mây trắng mà tôi đang nói
tới. Đây là toàn bộ công việc cho bạn, toàn bộ sadhama - làm sao giành lại tuổi
thơ, làm sao đòi lại nó. Nếu bạn lần nữa có thể trở thành đứa trẻ thế thì sẽ
không có khổ. Tôi không ngụ ý là đối với đứa trẻ không có khoảnh khắc khổ - có
đấy nhưng vẫn không có khổ.
Cố hiểu điều này đi. Đứa trẻ có thể trở thành khổ, nó có thể
bất hạnh, cực kì bất hạnh vào một khoảnh khắc, nhưng nó là toàn bộ đến mức
trong bất hạnh đó, nó là một với bất hạnh đó, đến mức không có phân chia. Đứa
trẻ tách biệt khỏi bất hạnh không có đó. Đứa trẻ không nhìn vào bất hạnh của
mình như tách biệt, bị phân chia. Đứa trẻ là bất hạnh - nó tham dự thế vào
trong đó. Và khi bạn trở thành một với bất hạnh, bất hạnh lại không phải là bất
hạnh nữa. Nếu bạn trở thành một với nó như vậy, ngay cả điều đó cũng có cái đẹp
của riêng nó.
Cho nên nhìn vào đứa trẻ - tôi muốn nói đứa trẻ không bị làm
hư hỏng. Nếu nó giận dữ, thế thì toàn bộ năng lượng của nó trở thành cơn giận dữ;
không có gì còn lại đằng sau, không giữ lại gì. Nó đã di chuyển và trở nên giận
dữ; không ai thao túng và kiểm soát điều đó.
Không có tâm trí. Đứa trẻ đã trở thành cơn giận dữ - nó
không giận dữ, nó trở thành cơn giận dữ. Và thế thì nhìn cái đẹp, sự nở hoa của
cơn giận dữ. Đứa trẻ chưa bao giờ trông xấu - ngay cả trong giận dữ nó trông
cũng đẹp đẽ. Nó trông mãnh liệt hơn, sinh động hơn, sống động hơn - núi lửa sẵn
sàng bùng nổ. Đứa trẻ như vậy, năng lượng lớn như vậy, bản thể nguyên tử như vậy
- với toàn bộ vũ trụ nổ tung. Và sau cơn giận dữ này đứa trẻ sẽ im lặng. Sau
cơn giận dữ này đứa trẻ sẽ rất an bình. Sau cơn giận dữ này đứa trẻ sẽ thảnh
thơi. Chúng ta có thể nghĩ thật khổ bị vào cơn giận dữ đó, nhưng đứa trẻ lại
không khổ - nó tận hưởng điều đó.
Nếu bạn trở thành một với bất kì cái gì, bạn trở nên phúc lạc.
Nếu bạn tách bạch bản thân mình với mọi thứ, cho dù đó là sướng, bạn sẽ trở
thành khổ.
Cho nên đây là chìa khoá. Tách biệt như bản ngã là cơ sở cho
mọi khổ; là một, tuôn chảy theo bất kì cái gì cuộc sống đưa đến cho bạn, hiện hữu
trong đó thật mạnh mẽ, thật toàn bộ đến độ bạn không còn nữa, bạn mất đi, mọi
thứ đều là phúc lạc. Chọn lựa có đó, nhưng bạn thậm chí trở nên không nhận biết
về chọn lựa. Bạn đã chọn cái sai liên tục thế, điều đó đã trở thành thói quen
chết đến mức bạn đơn giản chọn nó một cách tự động. Không có chọn lựa nào còn lại.
Trở nên tỉnh táo đi. Mỗi khoảnh khắc khi bạn chọn khổ, nhớ:
đây là chọn lựa của bạn. Thậm chí lưu tâm này sẽ có ích - tỉnh táo biết rằng
đây là chọn lựa của mình và mình chịu trách nhiệm, và đây là điều mình đang làm
cho chính mình, đây là việc làm của mình. Ngay lập tức bạn sẽ cảm thấy khác biệt.
Phẩm chất của tâm trí sẽ thay đổi. Sẽ dễ dàng hơn cho bạn để đi tới hạnh phúc.
Và một khi bạn biết rằng đây là chọn lựa của bạn thế thì
toàn bộ sự việc đã trở thành trò chơi. Thế thì nếu bạn yêu thích khổ, cứ khổ,
nhưng nhớ đây là chọn lựa của bạn và đừng phàn nàn. Không ai khác chịu trách nhiệm
cho điều đó. Đây là vở kịch của bạn. Nếu bạn thích cách này, nếu bạn thích cách
khổ, nếu bạn muốn trải qua cuộc sống trong khổ, thế thì đây là chọn lựa của bạn,
trò chơi của bạn. Bạn đang chơi nó - chơi cho hay! Thế thì đừng có đi và hỏi mọi
người cách đừng khổ. Điều đó là ngớ ngẩn. Đừng đi và hỏi thầy và các guru cách
được hạnh phúc. Cái gọi là các guru tồn tại bởi vì bạn ngu đần. Bạn tạo ra khổ,
và thế rồi bạn lại đi và hỏi người khác cách đừng tạo ra nó. Và bạn sẽ tiếp tục
tạo ra khổ bởi vì bạn không tỉnh táo với điều bạn đang làm.
Từ chính khoảnh khắc này cố gắng - cố hạnh phúc và phúc lạc.
Tôi sẽ nói cho bạn một trong những luật sâu sắc nhất của cuộc
sống. Bạn có thể không nghĩ về nó chút nào. Bạn đã biết - toàn bộ khoa học phụ
thuộc vào nó - rằng nguyên nhân và hậu quả là cơ sở. Bạn tạo ra nguyên nhân và
hậu quả theo sau. Cuộc sống là mối nối nhân quả. Bạn gieo hạt trong đất và nó sẽ
nảy mầm. Nếu nguyên nhân có đó thế thì cây theo sau. Lửa có đó - bạn thò tay
vào lửa và nó sẽ gây bỏng. Nguyên nhân có đó và hậu quả sẽ theo sau. Bạn uống
thuốc độc và bạn sẽ chết. Bạn bố trí cho nguyên nhân và thế rồi hậu quả theo
sau. Đây là một trong những luật khoa học cơ sở nhất, rằng nguyên nhân và hậu
quả là mối nối bên trong nhất của mọi quá trình cuộc sống.
Tôn giáo biết về luật thứ hai còn sâu sắc hơn luật này.
Nhưng luật thứ hai, sâu sắc hơn luật này, lại dường như ngớ ngẩn nếu bạn không
biết nó và thực nghiệm với nó. Tôn giáo nói: Tạo ra hậu quả đi rồi nguyên nhân
sẽ theo sau. Điều này hoàn toàn ngớ ngẩn theo thuật ngữ khoa học. Khoa học nói:
Nếu nguyên nhân có đó, hậu quả theo sau. Tôn giáo nói điều đảo lại cũng đúng: bạn
tạo ra hậu quả và xem... nguyên nhân theo sau.
Có một tình huống trong đó bạn cảm thấy hạnh phúc. Một người
bạn tới, người yêu gọi điện thoại; tình huống này là nguyên nhân - bạn cảm thấy
hạnh phúc. Hạnh phúc là hậu quả, việc người yêu tới là nguyên nhân. Tôn giáo
nói: Hạnh phúc đi và rồi người yêu tới. Tạo ra hậu quả đi và rồi nguyên nhân sẽ
theo sau. Và đây là kinh nghiệm riêng của tôi, là luật thứ hai còn cơ sở hơn luật
thứ nhất. Tôi đã thực hành nó và điều đó đã xảy ra. Cứ hạnh phúc và người yêu tới.
Cứ hạnh phúc và bạn bè có đó. Hạnh phúc và mọi thứ theo sau.
Jesus cũng nói điều đó nhưng theo lời khác: Tìm kiếm vương
quốc của Thượng đế trước, thế rồi mọi thứ khác sẽ theo sau. Nhưng vương quốc của
Thượng đế là mục đích, là hậu quả. Tìm kiếm mục đích trước - mục đích có nghĩa
là hậu quả, là kết quả - và nguyên nhân sẽ theo sau. Điều này như nó phải vậy.
Không phải chỉ có việc bạn gieo hạt trong đất và cây theo
sau; có một cây và sẽ có hàng triệu hạt. Nếu nguyên nhân theo sau hậu quả, thì
hậu quả lại theo sau nguyên nhân. Đây là dây chuyền. Thế thì nó trở thành vòng
tròn - bắt đầu từ bất kì đâu, tạo ra nguyên nhân hay tạo ra hậu quả cũng được. Và
tôi nói với bạn, tạo ra hậu quả dễ hơn bởi vì hậu quả hoàn toàn phụ thuộc vào bạn;
nguyên nhân không thể phụ thuộc vào bạn đến thế được. Nếu tôi nói tôi chỉ có thể
hạnh phúc khi có người bạn nào đó, thế thì điều đó phụ thuộc vào người bạn nào
đó, liệu người đó có ở đó hay không. Nếu tôi nói tôi không thể hạnh phúc được
chừng nào tôi còn chưa đạt tới giầu có, thế thì điều đó phụ thuộc vào toàn bộ
thế giới và tình hình kinh tế và mọi thứ. Điều đó có thể không xảy ra, và thế
thì tôi không thể hạnh phúc.
Nguyên nhân ở bên ngoài tôi, hậu quả ở bên trong tôi. Nguyên
nhân là ở những điều bao quanh, ở trong các tình huống - nguyên nhân là ở bên
ngoài. Hậu quả là ở tôi. Nếu tôi có thể tạo ra hậu quả, nguyên nhân sẽ theo
sau. Chọn hạnh phúc - điều đó nghĩa là bạn đang chọn hậu quả - và thế rồi xem
điều xảy ra. Chọn cực lạc và xem điều xảy ra. Chọn phúc lạc và xem điều xảy ra.
Toàn bộ cuộc sống bạn sẽ thay đổi ngay lập tức và bạn sẽ thấy phép mầu xảy ra
quanh bạn - bởi vì bây giờ bạn đã tạo ra hậu quả và nguyên nhân sẽ phải kéo đến.
Điều này có vẻ như thần thông; bạn thậm chí có thể gọi nó là
luật thần thông. Luật đầu tiên là luật của khoa học còn luật thứ hai là luật của
thần thông. Tôn giáo là thần thông và bạn có thể là người có thần thông. Đó
chính là điều tôi dạy cho bạn: là người thần thông, biết bí mật của thần thông.
Thử nó đi. Bạn đã thử điều khác cho toàn bộ cuộc sống của bạn - không chỉ kiếp
này mà cả nhiều kiếp khác nữa. Bây giờ nghe tôi đi. Thử công thức thần thông
này đi, thử mật chú mà tôi trao cho bạn. Tạo ra hậu quả và xem cái xảy ra.
Nguyên nhân lập tức bao quanh bạn, chúng theo sau. Đừng đợi nguyên nhân; bạn đã
đợi đủ lâu rồi. Chọn hạnh phúc và bạn sẽ hạnh phúc.
Đâu là vấn đề? Tại sao bạn không thể chọn được? Tại sao bạn
không thể làm việc với luật này? - bởi vì tâm trí bạn, toàn bộ tâm trí, đã được
huấn luyện theo cách nghĩ khoa học, nói rằng nếu bạn không hạnh phúc mà bạn cứ
cố hạnh phúc, hạnh phúc đó là giả tạo. Nếu bạn không hạnh phúc mà bạn cứ cố hạnh
phúc, điều đó sẽ chỉ là đóng kịch, điều đó sẽ không thật. Đây là điều cách nghĩ
khoa học nói - rằng điều đó sẽ không thật, bạn sẽ chỉ đóng kịch. Nhưng bạn
không biết đấy thôi. Năng lượng cuộc sống có cách vận hành riêng của nó. Nếu bạn
có thể đóng kịch một cách toàn bộ, điều đó sẽ trở thành thật. Điều duy nhất là,
diễn viên phải không có đó. Đi hoàn toàn vào trong nó, thế thì sẽ không có khác
biệt. Nếu bạn đang đóng kịch nửa vời, nó vẫn còn là điều giả tạo.
Nếu tôi nói với bạn: Nhảy múa và ca hát và phúc lạc, còn bạn
cố gắng nửa vời chỉ để xem điều gì xảy ra, nhưng bạn vẫn còn đứng sau... và bạn
cứ nghĩ: Đây chỉ là giả tạo. Mình đang thử nhưng điều này không tới, điều này
không tự phát - thế thì việc đó vẫn còn là đóng kịch, lãng phí thời gian.
Nếu bạn thử, thế thì thử với toàn tâm toàn ý. Đừng còn lại phía
sau, đi vào bên trong nó, trở thành việc đóng kịch - làm tan biến diễn viên
trong việc đóng kịch và thế rồi xem điều xảy ra. Nó sẽ trở thành thực và thế
thì bạn sẽ cảm thấy nó là tự phát. Bạn đã không làm điều đó, thế thì bạn sẽ biết
rằng điều đó đã xảy ra. Nhưng chừng nào bạn còn chưa toàn bộ, điều này không thể
xảy ra được. Tạo ra hậu quả, hoàn toàn ở trong nó, xem và quan sát kết quả.
Tôi có thể làm cho bạn thành vua mà không có vương quốc, chỉ
cần bạn phải đóng vai như vua, và nhập vai toàn bộ đến độ trước mắt bạn ngay cả
vua thật cũng xuất hiện dường như là ông ta chỉ đóng kịch. Và khi toàn bộ năng
lượng đã được chuyển vào bên trong đó, nó trở thành thực tại! Năng lượng làm mọi
thứ trở thành thực. Nếu bạn đợi các vương quốc, chúng không bao giờ đến. Cho dù
với một Napoleon, với một Alexander, những người có vương quốc lớn, chúng chẳng
bao giờ đến. Họ vẫn còn khổ bởi vì họ không đi tới nhận ra luật thứ hai, luật
cơ bản và chủ yếu hơn của cuộc sống. Alexander đã cố gắng tạo ra vương quốc lớn
hơn, để trở thành vua lớn hơn. Toàn bộ cuộc đời ông ta phí hoài trong việc tạo
ra vương quốc, và thế rồi không còn thời gian cho ông ta được làm vua. Ông ta
chết trước khi vương quốc được hoàn tất.
Điều này đã xảy ra cho nhiều người. Vương quốc có thể chẳng
bao giờ hoàn tất được. Thế giới là vô hạn - vương quốc của bạn nhất định là bộ
phận. Với vương quốc bộ phận làm sao bạn có thể là ông vua toàn bộ được? Vương
quốc của bạn nhất định bị giới hạn, và với vương quốc giới hạn làm sao bạn có
thể là hoàng đế? Điều đó không thể có được. Nhưng bạn có thể là hoàng đế đấy.
Chỉ cần tạo ra hậu quả.
Swami Ram, một trong những nhà huyền môn của thế kỉ này, đã
tới Mĩ. Ông ta quen tự gọi mình là Badshah Ram - Hoàng đế Ram - và ông ta là kẻ
ăn xin! Ai đó nói với ông ta: Ông chỉ là kẻ ăn xin, thế mà ông cứ gọi mình là
hoàng đế. Cho nên Ram nói: đừng nhìn vào những đồ vật của tôi, nhìn vào tôi đây
này. Và ông ấy phải, bởi vì nếu bạn nhìn vào các đồ vật, mọi người đều là kẻ ăn
xin cả - kể cả hoàng đế. Ông ta có thể là kẻ ăn xin lớn hơn, có thế thôi. Khi
Ram nói: Nhìn vào tôi đây này!, vào khoảnh khắc đó Ram là hoàng đế. Nếu bạn
nhìn, hoàng đế có đó.
Tạo ra hậu quả, trở thành hoàng đế, là người thần thông đi -
và từ ngay chính khoảnh khắc này, bởi vì không cần phải chờ đợi. Người ta phải
đợi nếu vương quốc phải đến trước. Nếu nguyên nhân phải được tạo ra trước, thế
thì người ta phải đợi, đợi mãi và đợi hoài và phải trì hoãn. Không cần phải chờ
đợi để tạo ra hậu quả. Bạn có thể là hoàng đế ngay chính lúc này.
Khi tôi nói: Hiện hữu đi! chỉ là hoàng đế rồi xem -, vương
quốc theo sau, tôi đã biết được điều đó qua kinh nghiệm của mình. Tôi không nói
với bạn về lí thuyết hay học thuyết. Hạnh phúc đi, và tại cực đỉnh đó của hạnh
phúc bạn sẽ thấy toàn thế giới đang hạnh phúc với bạn.
Có một câu ngạn ngữ cổ: Khóc và bạn khóc một mình, cười và cả
thế giới cười với bạn. Thậm chí cây, đá, cát, mây... nếu bạn có thể tạo ra hậu
quả và cực lạc, tất cả chúng sẽ nhảy múa cùng bạn. Thế thì toàn bộ sự tồn tại
trở thành vũ điệu, lễ hội. Nhưng điều đó tuỳ thuộc vào bạn, liệu bạn có thể tạo
ra hậu quả hay không. Và tôi nói với bạn, bạn có thể tạo ra được nó đấy. Đấy là
điều dễ nhất có thể làm được. Nó có vẻ rất khó bởi vì bạn chưa thử đấy thôi.
Thử đi!
Osho kính yêu,
Chúng tôi nghe thầy nói, nhưng ở phương Tây chúng tôi giữ
thông tin trong tâm trí.
Làm sao chúng tôi có thể thoát ra khỏi tâm trí? Chúng tôi có
thể dùng phương pháp nào và liệu sức mạnh ý chí có ích lợi gì không?
Không, sức mạnh ý chí không ích gì cho bạn cả. Sức mạnh ý chí
không phải là sức mạnh chút nào, bởi vì nó phụ thuộc vào bản ngã - hiện tượng rất
nhỏ nhoi; nó không thể tạo ra nhiều sức mạnh được. Khi bạn vô ý chí, thế thì bạn
mạnh mẽ - bởi vì thế thì bạn là một với cái toàn thể.
Sâu bên dưới, sức mạnh ý chí là một loại bất lực. Để che dấu
sự kiện chúng ta bất lực, chúng ta tạo ra ý chí. Chúng ta tạo ra cái đối lập để
lừa dối mình và người khác. Những người cảm thấy mình ngu thường hay cố chứng tỏ
rằng họ khôn. Họ thường xuyên nhận biết rằng họ ngu cho nên họ làm đủ mọi thứ để
có vẻ khôn. Những người xấu hay cảm thấy mình xấu bao giờ cũng cố làm cho mình
đẹp - cho dù là cái đẹp tô vẽ, chỉ bề ngoài, mặt nạ. Những người yếu bao giờ
cũng cố để có vẻ mạnh. Cái đối lập được tạo ra; đó là cách duy nhất để che dấu
thực tại bên trong. Một Hitler là một kẻ yếu đuối; đó là lí do tại sao ông ta tạo
ra quá nhiều sức mạnh ý chí xung quanh mình, chỉ để che dấu sự kiện đó. Một người
thực sự mạnh mẽ sẽ không nhận biết rằng mình mạnh. Sức mạnh sẽ tuôn ra, nó sẽ
có đó, nhưng người đó thậm chí sẽ không ý thức về nó.
Lão Tử nói: Người đức hạnh thực sự chẳng bao giờ biết rằng
mình đức hạnh. Người thực sự đạo đức không bao giờ nhận biết rằng mình là đạo đức.
Nhưng người nhận biết rằng mình đạo đức, lại có vô đạo đức bị che dấu ở sâu bên
dưới. Người nghĩ mình tốt, thánh thiện, hiền nhân, lại là tội nhân - và người
đó biết điều đó! Và để che dấu sự kiện này người đó tạo ra cái đối lập.
Sức mạnh ý chí không phải là sức mạnh thực sự mà là nhược điểm.
Người thực sự mạnh mẽ không có ý chí của riêng mình - cái toàn thể là ý chí của
người đó. Người đó nổi tựa mây trắng, là một với sự tồn tại, hoà hợp với nó. Ý
chí của bạn bao giờ cũng tạo ra xung đột. Nó làm bạn co lại, làm cho bạn thành
hòn đảo và thế thì tranh đấu bắt đầu.
Người vô ý chí sẽ tự nhiên vô đầu óc. Và nhớ, bạn không thể
thoát khỏi đầu óc mình được. Bạn có thể cắt bỏ nó - và đó là điều dễ hơn cả.
Thoát ra khỏi nó là điều gần như không thể được, bởi vì ngay cả khái niệm thoát
ra cũng là một phần của nó. Cái đầu là một mớ lộn xộn, nó là hỗn độn. Bạn nghĩ,
rồi bạn cũng nghĩ cả đến việc chống lại việc nghĩ. Việc nghĩ chống lại việc
nghĩ cũng là việc nghĩ. Bạn đâu có ra khỏi nó. Bạn có thể kết án các ý nghĩ của
mình, nhưng kết án này lại là ý nghĩ. Chẳng cái gì được đạt tới cả, bạn đi
trong vòng luẩn quẩn. Bạn có thể cứ đi nữa, nhưng bạn sẽ không thoát ra.
Vậy phải làm gì? Làm sao thoát ra khỏi đầu óc? Một điều duy
nhất là có thể: đừng tạo ra đánh lộn bên trong và đừng tạo ra bất kì nỗ lực nào
để thoát ra, bởi vì mọi nỗ lực đều sẽ là tự tử. Thế thì có thể làm được gì? Đơn
giản quan sát. Ở trong và quan sát. Đừng cố thoát ra - ở trong và quan sát.
Nếu bạn có thể quan sát, trong những khoảnh khắc quan sát đó
sẽ là không đầu óc. Bỗng nhiên bạn sẽ vượt ra ngoài. Không phải là đi ra - vượt
ra ngoài. Bỗng nhiên bạn sẽ lơ lửng bên ngoài mình.
Có một chuyện thiền - rất ngớ ngẩn, như mọi chuyện thiền đều
ngớ ngẩn. Nhưng chúng phải ngớ ngẩn bởi vì cuộc sống là như vậy; chúng mô tả cuộc
sống như nó hiện hữu.
Một thiền sư quen hỏi đệ tử của mình: Thời gian trước đây ta
đã bỏ một con ngỗng vào chiếc lọ. Bây giờ con ngỗng đã lớn, mà cổ lọ lại quá nhỏ
nên con ngỗng không thể chui ra được. Cái lọ lại rất quí giá và ta không muốn đập
vỡ nó, cho nên có tình huống khủng hoảng. Nếu con ngỗng không được phép chui
ra, nó sẽ chết. Ta có thể đập vỡ cái lọ và con ngỗng sẽ ra được, nhưng ta lại
không muốn đập vỡ cái lọ - cái lọ quí lắm. Ta cũng không muốn giết chết con ngỗng.
Vậy các ông bảo làm sao bây giờ?
Đây chính là vấn đề! Con ngỗng ở trong cái đầu và cổ thì rất
hẹp. Bạn có thể đập vỡ đầu, nhưng nó lại quí giá. Hoặc bạn để con ngỗng chết,
nhưng điều đó nữa cũng không thể được phép - bởi vì bạn là con ngỗng đó.
Thiền sư già tiếp tục hỏi các đệ tử, và đánh họ rồi nói với
họ: Tìm ngay ra cách đi... bởi vì không còn thời gian nữa!
Và chỉ có một lần ông chấp thuận câu trả lời. Một đệ tử nói:
Con ngỗng ở ngoài rồi!
Nhiều câu trả lời được nêu ra nhưng thầy bao giờ cũng đánh
người trả lời và nói không. Ai đó gợi ý làm điều gì đó với cái lọ, nhưng lần nữa
thầy sẽ nói: Lọ sẽ vỡ hay cái gì đó sẽ sai và điều đó không được phép. Hay ai
đó sẽ nói: Để con ngỗng chết quách đi cho rồi nếu cái lọ quí đến thế. Chỉ có
hai cách đó thôi, không còn cách nào khác. Còn thầy thì chẳng đưa ra thêm manh
mối nào.
Nhưng với đệ tử này thầy cúi mình chạm chân anh ta và nói:
ông phải đấy - con ngỗng ở ngoài! Nó chưa bao giờ ở trong.
Bạn ở ngoài! Bạn chưa bao giờ ở trong cả.
Cảm giác rằng bạn ở trong chỉ là quan niệm giả tạo.
Cho nên không có vấn đề thực về cách đưa bạn ra ngoài đầu óc
mình. Quan sát. Khi bạn quan sát, điều gì xảy ra? Nhắm mắt lại và quan sát ý
nghĩ. Điều gì xảy ra? Ý nghĩ có đó, bên trong, nhưng bạn không bên trong. Người
quan sát bao giờ cũng vượt ra bên ngoài. Người quan sát bao giờ cũng đứng trên
núi. Mọi thứ chuyển động xung quanh còn người quan sát thì vượt ra ngoài.
Người quan sát không bao giờ có thể ở trong, không bao giờ
có thể ở bên trong - người đó bao giờ cũng ở ngoài. Quan sát nghĩa là ở ngoài.
Bạn có thể gọi nó là chứng kiến, nhận biết, chú ý hay bất kì cái gì bạn chọn để
gọi nó, nhưng điều bí mật là - quan sát! Bất kì khi nào bạn cảm thấy đầu óc quá
nhiều, ngồi xuống dưới gốc cây và quan sát, và đừng cố đi ra. Ai sẽ ra? Chẳng
ai ở trong cả. Toàn bộ nỗ lực là vô ích, bởi vì nếu bạn chưa bao giờ ở trong,
làm sao bạn có thể đi ra được? Bạn có thể cứ cố gắng và cố gắng và dính líu vào
nó, bạn có thể phát khùng nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ ra được.
Một khi bạn biết rằng trong khoảnh khắc quan sát bạn vượt ra
ngoài, siêu việt lên, bạn đang ở ngoài rồi. Và từ khoảnh khắc đó bạn sẽ vô đầu
óc. Đầu thuộc về thân thể, không thuộc về bạn. Đầu là một phần của thân thể, nó
thuộc vào thân thể, nó có chức năng trong thân thể; nó thật đẹp, nó thật tốt.
Cái lọ là quí giá, và nếu bạn biết cách, biết bí mật về nó, nó có thể được sử dụng.
Khi tôi đang nói với bạn, tôi đang làm gì? Dùng cái lọ. Khi
Phật thuyết giảng, ông ấy làm gì? Dùng cái lọ. Cái lọ thực sự quí giá, đáng giữ
gìn. Nhưng đây không phải là cách để gìn giữ nó - chui vào trong nó và bị bắt
giữ trong nó, và thế rồi nỗ lực để thoát ra. Toàn bộ cuộc sống trở thành hỗn độn.
Một khi bạn biết rằng quan sát là bạn ở ngoài, bạn trở nên
vô đầu óc. Thế thì bạn đi trên trái đất này mà không có đầu óc. Một hiện tượng
đẹp làm sao, một người đi không có đầu óc! Đó là điều tôi ngụ ý khi tôi nói trở
thành mây trắng - hiện tượng không có đầu óc. Bạn thậm chí không thể hình dung
nổi biết bao im lặng có thể giáng xuống bạn khi đầu óc không có đó. Cái đầu vật
lí của bạn sẽ vẫn còn có đó, nhưng việc can dự, sự ám ảnh không có đó. Cái đầu
không phải là vấn đề. Nó là thiết bị đẹp, kì diệu, cái máy tính vĩ đại nhất đã
được phát minh ra, một cơ chế phức tạp và hiệu quả đến thế. Nó thật đẹp. Bạn có
thể dùng nó, bạn có thể tận hưởng việc dùng nó. Nhưng bạn đã lấy từ đâu cái ý
tưởng rằng bạn đang ở trong nó? Dường như chỉ là giáo lí giả tạo.
Bạn có thể không nhận biết rằng ở nước Nhật Bản cổ xưa và cả
ở những người Nhật Bản già, nếu bạn hỏi họ: Ông suy nghĩ từ đâu? họ sẽ trỏ ngay
vào bụng mình, bởi vì ở Nhật Bản người ta đã dạy rằng bụng là trung tâm của suy
nghĩ. Cho nên khi người châu Âu tới Nhật Bản lần đầu tiên, họ không thể tin được
rằng toàn bộ đất nước này nghĩ rằng đầu óc là ở bụng, không phải trong đầu. Điều
này hệt như thái độ người châu Âu cho rằng bạn là ở bên trong cái đầu. Tại Nhật
Bản cổ, việc suy nghĩ từ bụng thực sự có tác dụng, nhưng bây giờ họ đang dịch
chuyển từ bụng lên đầu. Cũng còn có các truyền thống khác coi suy nghĩ phát xuất
từ bộ phận khác của thân thể. Lão tử nói bạn nghĩ từ lòng bàn chân mình. Cho
nên có những kĩ thuật trong phái đạo gia để đi ra từ lòng bàn chân - bởi vì suy
nghĩ từ đó đi ra.
Thực tại là gì? Thực tại là: bạn đang ở ngoài. Nhưng bạn có
thể bị gắn bó với bất kì phần nào của thân thể - cái đầu là nỗi ám ảnh của
phương Tây, cái bụng là nỗi ám ảnh của phương Đông. Bạn chắc phải đã nghe nói về
D. H. Lawrence. Ông ta quen nghĩ rằng người ta suy nghĩ từ trung tâm dục, rằng
đấy là trung tâm suy nghĩ thực sự, không phải ở đâu khác.
Và mọi thứ đều như nhau - sai như nhau hoặc đúng như nhau.
Chẳng có gì để chọn bởi vì nhân chứng vượt ra ngoài. Nó ở xung quanh thân thể
và ở ngoài thân thể. Bạn có thể gắn với bất kì phần nào của thân thể và bắt đầu
nghĩ rằng đây là phần chính. Không cần phải đi ra bởi vì bạn chưa bao giờ ở
trong cả. Con ngỗng ở ngoài - đã ở ngoài rồi!
Quan sát... và khi bạn quan sát bạn phải nhớ rằng trong khi
quan sát, đừng phán xét. Nếu bạn phán xét, quan sát bị mất. Trong khi quan sát,
đừng đánh giá. Nếu bạn đánh giá, quan sát bị mất. Trong khi quan sát, đừng bình
phẩm. Nếu bạn bình phẩm, bạn đã lỡ mất vấn đề. Trong khi quan sát, chỉ quan
sát... dòng sông chảy, dòng suối tâm thức chảy, ý nghĩ nguyên tử nổi lên tựa bọt
nước, và bạn đang ngồi trên bờ quan sát. Dòng suối cứ chảy mãi. Bạn không nói
cái này tốt, bạn không nói cái này xấu, và bạn không nói điều này không nên như
thế, mà bạn cũng không nói điều này phải như thế. Bạn không nói gì cả - bạn đơn
giản quan sát. Không ai yêu cầu bạn phải bình luận. Bạn không phải là quan toà
- chỉ là người quan sát.
Thế rồi xem điều xảy ra. Quan sát dòng sông, bỗng nhiên bạn
sẽ vượt ra ngoài... và con ngỗng sẽ ở ngoài. Một khi bạn biết điều này tức là bạn
ở ngoài, bạn có thể vẫn ở ngoài. Và thế rồi bạn có thể di chuyển trên trái đất
mà không đầu óc.
Cho nên đây là cách cắt bỏ đầu óc. Mọi người đều quan tâm tới
việc cắt bỏ đầu óc người khác - điều đó chẳng ích gì. Bạn đã làm việc đó quá
nhiều rồi. Cắt bỏ đầu óc của chính bạn ấy. Không đầu óc chính là trong thiền
sâu sắc.
Xem Chương 4 - Quay về Mục lục