Chương 6. Không có nghĩa

Chương 6. Không có nghĩa

Price:

Read more

Osho - Đạo: Ba Kho Báu (Tập 1)
Chương 6. Không có nghĩa


Câu hỏi thứ nhất:
Thầy đã nói rằng mọi cử chỉ của bậc thầy đều có ý nghĩa, và thường câu trả lời được trao trong điều không được nói ra chứ không phải là điều được nói ra. Nhưng thường khi thầy nhìn hay liếc nhìn tôi, và tôi cảm thấy có thông điệp, tôi không biết cách xác định thông điệp này mà không dùng tâm trí mình. Và ngay cả khi tôi có dùng tâm trí thì tôi cũng không đảm bảo.
Tâm trí không thể được dùng. Một khi bạn dùng tâm trí, bạn đã bỏ lỡ vấn đề rồi. Im lặng phải được hiểu trong im lặng; thông điệp vô lời là để được hiểu một cách vô lời. Nếu bạn cố hiểu qua lời và qua tâm trí thì bạn sẽ bỏ lỡ nó, bạn sẽ hiểu lầm nó. Thế thì tâm trí riêng của bạn đã bước vào. Thế thì bạn sẽ diễn giải nó. Thế thì nó sẽ không thuần khiết, nó sẽ không như cũ.
Và nếu bạn hỏi, "Thế thì phải làm gì?" thì bạn đang hỏi một câu hỏi sai. Câu hỏi về cách thức nảy sinh từ tâm trí. Không có câu hỏi về cách thức. Im lặng. Đừng làm gì cả, đừng cố gắng diễn giải nó, đừng cố gắng theo bất kì cách nào can thiệp vào nó - cứ để cho nó lan toả khắp bản thể bạn. Bạn có thể không có khả năng xác định nó ngay bây giờ bởi vì nó còn bao la hơn tâm trí và mọi xác định đều là từ tâm trí. Bạn có thể không có khả năng biết đích xác nó là gì, nhưng không có nhu cầu. Bạn có thể không có khả năng khám phá, giải mã ý nghĩa của nó, nhưng không có nhu cầu. Cứ để thông điệp vô lời đạt tới trung tâm vô lời của bạn. Nó là tiếp xúc sâu sắc, và tiếp xúc là ý nghĩa. Nó là xuyên thấu sâu sắc, và xuyên thấu là ý nghĩa.
Bạn đi qua một bụi hồng và bạn nhìn vào một bông hồng. Ý nghĩa là gì? Nếu bạn bắt đầu nghĩ về bông hồng, thì tâm trí đi vào và bông hồng bị mất. Thế thì tâm trí tạo ra bức tường các lời, các ý nghĩ, khái niệm và bạn thậm chí không thể thấy được bông hồng ở đó.
Bạn đừng cố gắng tìm ra ý nghĩa. Ý nghĩa và sự ám ảnh thường xuyên với ý nghĩa là bệnh tật của tâm trí. Ý nghĩa của bông hồng là gì? Không có ý nghĩa. Nó nở hoa mà chẳng có ý nghĩa gì. Nó không cần ý nghĩa để biện minh cho bản thân nó; nó được biện minh trong sự hiện hữu của nó. Bạn chỉ để cho nó hiện hữu, và bạn hiện hữu cùng nó. Để cho bông hồng thấm sâu vào bạn, để cho bông hồng lan toả hương thơm quanh bạn và trong bạn, và bỗng nhiên cái gì đó khuấy động bên trong bản thể của bạn - cái gì đó đã nảy sinh. Bông hồng đã làm điều gì đó trong bạn. Cho dù vậy, bạn có thể không có khả năng biết bông hồng đã làm cái gì nhưng bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, phúc lạc hơn; bạn sẽ cảm thấy đã có tiếp xúc với cái chưa biết. Bạn sẽ cảm thấy rằng bạn đã được trao cho một cơ hội để nhìn vào bên trong cái chưa biết. Bạn sẽ cảm thấy rằng hoa hồng đã trở thành cửa sổ và bầu trời bao la đã mở ra - đã có chỗ nứt trong bức tường tâm trí của bạn, và tia sáng lọt vào. Đừng bận tâm về ý nghĩa.
Khi tôi nhìn bạn, bạn đơn giản nhìn tôi! Khi tôi đang trao cho bạn bản thể của tôi, bạn trao cho tôi bản thể của bạn. Sẵn có, để cho nó là sự tiếp xúc. Đấy không phải là trao đổi, đấy là giao cảm. Tôi không trao đổi thông điệp nào đó mà có thể được giải đoán, giải mã - không. Tôi đang trao bản thân tôi cho bạn trong cử chỉ đó. Nó còn lớn hơn bất kì nghĩa nào có thể được trao cho nó - và bạn cũng lớn hơn. Nếu tiếp xúc xảy ra, bạn sẽ cảm thấy rằng các biên giới đã tan biến. Trong một khoảnh khắc bạn không có đó. Trong một khoảnh khắc bạn bị tôi sở hữu - và không chỉ bởi tôi mà, qua tôi, bị cái toàn thể sở hữu. Cho nên bất kì khi nào tôi nhìn vào bạn, bất kì khi nào tôi muốn xuyên thấu vào mắt bạn, bất kì khi nào tôi gõ cửa bạn, vào trái tim bạn, mở cửa ra.
Đừng cố gắng tìm ra ý nghĩa. Trong việc tìm ý nghĩa bạn sẽ bỏ lỡ ý nghĩa - bởi vì tiếp xúc là ý nghĩa, cái ôm choàng bên trong sâu sắc là ý nghĩa.
 Câu hỏi thứ hai:
Tâm trí tôi trong trạng thái lẫn lộn tới mức không thể nào vẫn còn ở giữa được. Chẳng lẽ không tốt hơn sao nếu tôi cứ theo tâm trí trong đủ mọi cực đoan của nó để cho tôi có thể kinh nghiệm toàn bộ cái ngớ ngẩn của nó?
Phần thứ nhất của câu hỏi này:
Tâm trí tôi trong trạng thái lẫn lộn tới mức không thể nào vẫn còn ở giữa được.
Tôi không nói rằng bạn nên vẫn còn ở giữa. Nếu bạn cố gắng vẫn còn ở giữa thì bạn sẽ chẳng bao giờ ở giữa được. Chỗ giữa là quân bình; bạn không thể cố gắng ở đó được. Bạn sẽ phải nghiêng sang trái, bạn sẽ phải nghiêng sang phải. Đừng níu bám lấy bất kì vị trí nào. Tự do. Và giữa việc nghiêng sang trái và việc nghiêng sang phải, ở đâu đó một điểm tinh tế nảy sinh trong bạn. Nó không ở bên ngoài bạn. Nếu bạn cứ nhìn ra ngoài thì có bên trái và bên phải; không có chỗ giữa.
Điều đó cũng giống hệt thời gian. Không gian và thời gian là cùng nhau. Cố hiểu đi. Nếu bạn nhìn vào đồng hồ thì có quá khứ và có tương lai, không có hiện tại. Đồng hồ của bạn chưa bao giờ nói hiện tại là gì - nó không thể nói được, bởi vì khoảnh khắc nó nói điều đó, thì điều đó đã là quá khứ rồi. Cho nên các kim đồng hồ cứ chuyển động từ quá khứ sang tương lai; không có hiện tại trong đồng hồ của bạn - không thể có được. Hiện tại không phải là một phần của thời gian. Bạn đã học trong trường phổ thông và trường đại học rằng hiện tại là một phần của thời gian - đó là điều ngớ ngẩn. Hiện tại không phải là một phần của thời gian. Bạn đã nghe điều đó được lặp biết bao nhiêu lần rằng thời gian được chia thành ba thời - quá khứ, hiện tại và tương lai - đến mức điều đó đã trở thành ước định trong tâm trí bạn. Không. Thời gian chỉ có hai phân chia: quá khứ và tương lai.
Thế thì hiện tại ở đâu? Hiện tại là ở trong bạn. Nếu bạn nhìn ra, bạn sẽ thấy quá khứ và tương lai; nếu bạn nhìn vào, bạn sẽ thấy hiện tại và bao giờ cũng hiện tại. Không có quá khứ và không có tương lai - không thể có được.
Bạn đi vào bên trong, và bạn đi vào trong cái vĩnh hằng của hiện tại; bạn đi ra ngoài, hoặc là bạn đi vào trong quá khứ hoặc bạn đi vào trong tương lai.
Và cùng điều đó cũng đúng cho không gian - trong không gian có hoặc bên trái hoặc bên phải. Nếu bạn nghiêng sang bên trái thì nó là ở ngoài, nếu bạn nghiêng sang bên phải thì đấy cũng là ở ngoài. Nhưng nếu bạn thu được quân bình giữa hai bên, bỗng nhiên bạn ở trong. Điểm giữa là ở bên trong bạn, nó không phải là một phần của không gian bên ngoài. Trong thực tế, hiện tại và chỗ giữa là cùng nhau. Bất kì khi nào bạn ở chỗ giữa, bạn đều trong hiện tại. Chỗ giữa không phải là một vị trí ở ngoài bạn. Nó là một hiện tượng bên trong cũng giống như hiện tại.
Cho nên khi tôi nói hay Lão Tử nói, "Quân bình," thì chúng tôi không nói làm việc quân bình thành một hiện tượng tĩnh tại trong cuộc sống của bạn. Nó không thể tĩnh tại được, bạn sẽ phải liên tục duy trì nó, chuyển sang trái và phải. Trong sự chuyển động đó đôi khi bạn sẽ đi qua điểm bên trong nhất của bản thể của mình và bỗng nhiên bạn sẽ ở chỗ giữa. Và bỗng nhiên bạn sẽ thấy sự khép lại - không phải bùng nổ ra. Sự khép lại. Cái gì đó bên trong khép lại; bỗng nhiên bạn không còn như cũ nữa. Bất kì khi nào bạn đi qua vị trí của chỗ giữa bên trong, bạn không còn như cũ nữa - bạn trở nên sống mãnh liệt, bạn trở nên hồn nhiên mãnh liệt, bạn trở nên thuần khiết và thánh thiện mãnh liệt. Trong khoảnh khắc đó không có bóng tối cho bạn, không tội lỗi, không mặc cảm. Bạn là điều thiêng liêng, bạn là Thượng đế bất kì khi nào bạn có thể tìm ra quân bình đó. Nhưng bạn không thể nào tìm ra nó được một lần cho tất cả - không. Cuộc sống bao giờ cũng là cân bằng thường xuyên, sự liên tục, thể liên tục. Bạn không thể nào làm nó thành món hàng mà bạn mua một lần và bây giờ nó bao giờ cũng có đó trong nhà bạn. Không. Nếu bạn không nhận biết, bạn sẽ bỏ lỡ nó lặp đi lặp lại.
Đây là phần thứ nhất của câu hỏi của bạn: chỗ giữa không phải là điểm cố định bên ngoài. Bạn có thể đạt tới nó từ hoặc điểm đặc biệt, hoặc cố gắng thu được quân bình từ khoảnh khắc nọ sang khoảnh khắc kia giữa các cái đối lập - ghét trong yêu, giận dữ trong từ bi.
Giữ quân bình giữa các cái đối lập. Dần dần bạn sẽ đi tới cảm nhận sự thành thạo về nó. Tại đâu đó giữa ghét và yêu nó xảy ra. Tôi nói "đâu đó" - cái điểm không thể hình dung ra; nó là hiện tượng sống đến mức bạn không thể chỉ rõ nó ra được. Nó cũng giống như con bướm bay trong vườn - nếu bạn bắt bướm và ghim nó xuống thì nó chết. Bạn có thể ghim nó xuống nhưng nó không còn là bướm nữa, cuộc sống đã từ bỏ nó.
Giống như con bướm là quân bình bên trong, bạn không thể ghim nó xuống được. Đó là lí do tại sao điều đó không thể định nghĩa nổi, khó nắm bắt. Lão Tử nói: Đạo có thể được nói ra thì không còn là Đạo nữa. Chân lí mà có thể được thốt ra thì đã trở thành phi chân lí. Kinh sách Ấn Độ nói "Cái đó" không thể được biết bởi kinh sách. nayam atma pravachanen labhya. Bạn không thể hiểu được "Cái đó" bằng bất kì trao đổi lời nào. "Cái đó" là khó nắm bắt bởi vì nó sống động thế. Vào lúc bạn đạt tới nó thì con bướm đã mất rồi. Cứ tới mà xem. Đi vào vườn. Bạn tới gần nữa và con bướm sắp bay đi. Khi bạn tới gần tại điểm bắt nó thì nó đã rời bỏ đoá hoa, nó đã trên cây khác rồi. Bạn không thể ghim nó được. Nếu bạn có thể làm được điều đó, nó chết.
Tôi mới đọc hôm qua một trong những nhà thơ rất nhạy cảm của phương Tây, Wallace Stevens. Trong một trong những câu châm ngôn của mình ông ấy nói Aristotle là bộ xương. Tôi thích điều đó. Logic là bộ xương. Logic bao giờ cũng là cái chết, của cái chết. Nó không thuộc vào cuộc sống. Bất kì cái gì cố định thì bao giờ cũng chết - đó là lí do tại sao tôi nói hôn nhân là con bướm bị ghim lại; tình yêu là hiện tượng sống động.
Bạn có thể định nghĩa hôn nhân, bạn không thể định nghĩa được tình yêu. Cho dù toà án có thể quyết định hôn nhân là gì hay không là gì, nhưng không ai có thể quyết định được tình yêu là gì. Hôn nhân là làm hợp pháp; tình yêu là siêu việt lên mọi luật pháp - cái gì đó của cái không biết thấm vào trong tình yêu, vào trong hiện tượng yêu.
Quân bình bên trong không thể bị bắt buộc, bạn sẽ phải tìm ra sự thành thạo về nó. Và bạn có thể tìm thấy nó - bởi vì nếu tôi có thể tìm thấy nó, sao bạn không tìm được? Nếu Lão Tử có thể tìm thấy nó, sao bạn không tìm được? Nếu một người tìm thấy quân bình bên trong, cân bằng bên trong, tiếng nó nhỏ bé tĩnh lặng bên trong, thành thạo bên trong vượt qua mọi hiểu biết, thế thì mọi người đều trở nên có khả năng về nó. Trong Lão Tử là tương lai của bạn, khả năng của bạn. Bạn cũng có thể làm được điều đó.
Bạn nói:
Tâm trí tôi trong trạng thái lẫn lộn tới mức không thể nào vẫn còn ở giữa được.
Đừng cố gắng vẫn còn ở giữa, quên chỗ giữa đi. Cố gắng quân bình. Đi vào trong cái cái đối lập nhưng bao giờ cũng vẫn còn tỉnh táo để cho một ngày nào đó bạn có thể tìm thấy quân bình giữa hai cái đối lập. Và bạn đang làm điều đó đấy - chỉ nhận biết là cần. Mới khoảnh khắc trước bạn còn hạnh phúc, thế rồi sang khoảnh khắc khác bạn bất hạnh. Bạn đã chuyển sang cái đối lập. Bạn phải đã đi qua chỗ giữa rồi. Làm sao bạn có thể chuyển sang cái đối lập mà không đi qua chỗ giữa được? Có thể bạn đã đi qua nó chỉ một phần của giây, nhưng điều đó không phải là vấn đề; bạn đã đi qua nó. Nếu như bạn có chút ít tỉnh táo, bạn đã biết chỗ giữa ở đâu. Ngay bây giờ bạn im lặng thế, rồi một phút qua và toàn bộ tâm trí bạn bắt đầu huyên thuyên. Bạn phải đã đi qua chỗ giữa ở đâu đó.
Khi một người chết, người đó còn sống chỉ mới khoảnh khắc trước, thế rồi người đó chết. Nếu người đó tỉnh táo thì người đó sẽ thấy chỗ giữa vượt ra ngoài cái chết và cuộc sống, bất tử. Nhưng người đó không tỉnh táo. Bạn đã chết nhiều lần; hàng triệu lần, trong thực tế bạn đã đi qua chỗ giữa nhiều lần, hàng nghìn lần: từ bi và giận dữ, một người cảm thấy tốt thế và bỗng nhiên tồi thế, một người cảm thấy thánh thiện thế vào buổi sáng... nhìn mọi người đang cầu nguyện gần sông Hằng hay trong đền chùa - nhìn vào khuôn mặt họ, đẹp thế. Những khuôn mặt xấu xí nhất cũng trở nên đẹp khi có lời cầu nguyện. Và thế rồi nhìn vào họ trong chợ - ngay cả khuôn mặt đẹp nhất cũng có vẻ xấu. Họ phải đã đi qua điều đó ở đâu đó - từ đền tới chợ phải đã có một điểm giữa - nhưng họ không nhận biết.
Cho nên phải làm gì? Đừng cố gắng ở chỗ giữa. Tôi không nói cố gắng giận dữ chút ít và từ bi chút ít cùng nhau - không. Tôi không nói cố gắng ở giữa - bạn sẽ phát điên. Tôi đang nói chuyển từ cái đối lập nọ sang cái đối lập kia, nhưng chuyển một cách tỉnh táo tới mức bạn có thể tìm thấy điểm giữa ở bên trong mình. Khoảnh khắc bạn tìm thấy điểm giữa, lần đầu tiên bạn trở thành người chủ cuộc sống của mình. Mãi cho tới giờ bạn đã chỉ là nô lệ. Lần đầu tiên bạn trở nên thức tỉnh - mãi cho tới giờ bạn đã ngủ say.
Và phần thứ hai của câu hỏi:
Chẳng lẽ không tốt hơn sao nếu tôi cứ theo tâm trí trong đủ mọi cực đoan của nó để cho tôi có thể kinh nghiệm toàn bộ cái ngớ ngẩn của nó?
Mọi người đều chưa bao giờ có khả năng kinh nghiệm được toàn bộ cái ngớ ngẩn của tâm trí.
Nó là vô hạn. Bạn sẽ không có khả năng kinh nghiệm toàn bộ về nó; nó là rất bịa đặt, nó cứ bịa ra những cái ngớ ngẩn mới. Bạn đã ở đây trong sự tồn tại này lâu thế ấy vậy mà bạn vẫn không có khả năng kinh nghiệm toàn bộ cái ngớ ngẩn của nó. Bạn không phải là lần đầu tiên ở trên hành tinh trái đất này, bạn đã ở đây từ trước rồi. Tôi có thể thấy những khuôn mặt cổ đại của các bạn, ẩn bên dưới làn da tươi trẻ của bạn. Bạn là người cổ xưa.
Đã có một thầy giáo vào thời của Phật ở Ấn Độ; tên ông ấy là Prakuddha Katyayana. Ông ấy là một thầy giáo hiếm hoi. Ông ấy bao giờ cũng gọi đệ tử của mình là người cổ đại. Thậm chí một đứa trẻ tới gặp Prakuddha Katyayana, ông ấy cũng nói, "Ông khoẻ không, ông bạn cổ?" Bởi vì mọi người đều già thế, già hơn cả trái đất. Trái đất không phải già lắm, chỉ... trong thực tế, rất trẻ, mới vị thành niên. Nhưng bạn còn già hơn mặt trời. Bạn đã từng ở đây từ khi sự tồn tại đã ở đây, bằng không thì điều đó là không thể được - bạn không thể bỗng nhiên bật ra được. Làm sao bạn có thể xảy ra một cách ngẫu nhiên thế? Bạn đã từng ở đây theo mọi cách.
Một trong những nhà tâm lí lớn nhất của Mĩ, William James, đã viết một cuốn sách trở thành một cột mốc rất quan trọng trong lịch sử tâm lí học và tôn giáo. Tên của cuốn sách là Sự đa dạng của kinh nghiệm tôn giáo. Ông ấy đã du hành khắp thế giới để thu thập tài liệu cho cuốn sách. Nhiều cuốn sách đã được viết ra từ đó về tôn giáo, nhưng không cuốn sách nào đã đạt tới đỉnh cao đó. William James đã làm việc vất vả về nó. Ông ấy cũng tới Ấn Độ, ông ấy phải tới - nếu bạn viết một cuốn sách về tôn giáo thế thì Ấn Độ trở thành nơi phải tới.
Ông ấy tới Ấn Độ và ông ấy tới gặp một hiền nhân trên Himalayas. Ông ấy không nêu tên; trong thực tế các hiền nhân đều không có tên, cho nên cũng không cần. Ông ấy đã tới gặp hiền nhân này và ông ấy đã hỏi một câu hỏi. Ông ấy đã đọc kinh sách Ấn Độ mà trong đó có nói rằng trái đất được tám con voi trắng đỡ.
Ông ấy phân vân - ông ấy là nhà logic - cho nên ông ấy hỏi hiền nhân này, "Điều này có vẻ ngớ ngẩn. Tám con voi đó đứng trên cái gì? Chúng được đỡ làm sao? "
Hiền nhân này nói, "Trên tám con voi trắng khác và lớn hơn."
William James nói, "Nhưng điều đó chẳng giải quyết được vấn đề. Những con voi trắng lớn hơn đó đứng trên cái gì? "
Hiền nhân này cười to và ông ấy nói, "Voi đứng trên voi, voi trên voi, tất cả cứ như thế xuống. Ông có thể cứ hỏi," hiền nhân này nói, "và tôi sẽ cứ trả lời cùng điều - tới tận đáy."
Thế là William James nghĩ rằng một câu hỏi nữa có thể được hỏi: "Và cái đáy đó được cái gì đỡ cho?" Hiền nhân này nói, "Tất nhiên, tám con voi lớn hơn."
Nó cứ tiếp diễn mãi - tất nhiên nó phải là như vậy rồi. Nếu bạn đi ngược lại thì bạn sẽ thấy bản thân mình lặp đi lặp lại mãi. Bằng không thì làm sao bạn có thể ở đây được? Bạn được kiếp sống quá khứ của mình nâng đỡ, đó là lí do tại sao bạn lại ở đây. Và kiếp sống quá khứ của bạn được hỗ trợ bởi kiếp sống quá khứ khác - đó là lí do tại sao bạn đã ở trong kiếp sống quá khứ của mình. Và điều này cứ tiếp diễn mãi và bạn không thể nào hỏi, "Lần đầu tiên tôi đã tới như thế nào?" Bạn chưa bao giờ tới lần đầu tiên, ngay cả trước khi bạn hiện hữu. Ngay cả trước lần đầu tiên thì bạn cũng vẫn được hỗ trợ bởi kiếp sống quá khứ - voi trên voi, voi trên voi. Người Hindus thực là tuyệt. Họ tạo ra câu chuyện ngớ ngẩn, nhưng những câu chuyện ngớ ngẩn đó lại có nghĩa và ý nghĩa sâu sắc. Bạn ở đây chỉ bởi vì toàn bộ quá khứ - không phải quá khứ của bạn, toàn bộ quá khứ của sự tồn tại - đều hỗ trợ cho bạn. Bạn là toàn bộ quá khứ ấy vậy mà bạn vẫn không có khả năng vét cạn tất cả những cái ngớ ngẩn của nó. Bạn có cho rằng sẽ có khả năng vét cạn mọi cái ngớ ngẩn của tâm trí không? Không, không ai đã bao giờ có khả năng làm được điều đó. Nếu bạn trở nên nhận biết, thì thậm chí một ngày cũng là đủ. Nếu bạn vẫn còn không nhận biết, thậm chí cả triệu kiếp sống cũng không đủ. Nếu bạn trở nên nhận biết, thậm chí một khoảnh khắc cũng đủ để thấy cái ngớ ngẩn của tâm trí. Còn nếu bạn cứ ngủ và ngáy thế thì bạn có thể cứ ngủ và ngáy. Đó là cách bạn đã từng ở trong quá khứ, cùng điều bạn có thể ở trong tương lai.
Không, với việc ngủ bạn sẽ không bao giờ vét cạn cái ngớ ngẩn của tâm trí được. Đừng hi vọng; điều đó là vô vọng. Điều đó không thể được thực hiện. Điều đó là không thể được. Trở nên tỉnh táo, và bỗng nhiên bạn có thể thấy. Bởi vì cái ngớ ngẩn không thể nào bị vét cạn bằng việc kinh nghiệm, chúng chỉ có thể bị cạn kiệt bởi việc kinh nghiệm với nhận biết. Với kinh nghiệm một mình bạn sẽ không có khả năng vét cạn chúng.
Bạn yêu một người đàn bà nhưng mối quan hệ trở thành tẻ nhạt và mọi sự đi sai. Thế rồi bạn bắt đầu nghĩ tới người đàn bà khác. Tâm trí nói, "Người đàn bà này không đúng dành cho mình, nhưng có người đàn bà đúng. Mình phải cố gắng tìm cho ra cô ấy. Mình bị móc vào người đàn bà sai, đấy là lí do tại sao vấn đề đã nảy sinh." Vấn đề đã không nảy sinh bởi người đàn bà này - nhớ lấy. Nếu bạn tỉnh táo thì bạn sẽ thấy vấn đề nảy sinh bởi vì ham muốn, không phải bởi vì người đàn bà này. Nhưng tâm trí nói, "Bỏ người đàn bà này, li dị đi, chuyển sang người khác." Và với người khác, cùng điều ấy xảy ra - tâm trí nói, "Tìm ai đó khác." Và bạn cứ tiếp diễn mãi. Và tâm trí bao giờ cũng sẽ hi vọng rằng ai đó một ngày nào đó sẽ lật lại và mọi sự sẽ phải, và bạn sẽ trên cõi trời.
Điều đó đã không xảy ra, nó sẽ không xảy ra. Bằng không thì sẽ không có nhu cầu về tôn giáo, không có nhu cầu về yoga, không có nhu cầu về Đạo. Dần dần mọi người sẽ đi tới cuộc sống đúng - nhưng điều đó chẳng bao giờ xảy ra cả. Nhưng hi vọng cứ chiến thắng so với kinh nghiệm, và tới tận cùng bạn cứ hi vọng rằng một ngày nào đó, bằng cách nào đó, mọi sự sẽ tốt.
Hi vọng là cơ sở cho mọi ngớ ngẩn còn sự tồn tại thì lại ở mức là với tâm trí dốt nát và ngủ thì không có hi vọng gì cả. Trở nên tỉnh táo đi.
Chuyện xảy ra: Alexander đi tới Ấn Độ. Ông ấy gặp Diogenes trên đường. Diogenes là một người hiếm hoi - nếu Diogenes mà gặp Lão Tử, cả hai sẽ ngồi và cười và cười và cười mãi. Họ có cùng phẩm chất.
Alexander đi qua. Ông ta đã nghe nói rằng Diogenes chỉ ở ngay bên cạnh cho nên ông ta tới gặp ông này. Ngay cả Alexander cũng bị con người này gây ấn tượng, ngay cả Alexander cũng cảm thấy yếu ớt trước ông này. Diogenes là một thầy tu fakir trần trụi, ông ấy chẳng có gì, nhưng sự hiện hữu của ông ấy hấp dẫn thế, quyền năng thế - tới mức Alexander cũng bị ấn tượng, rất ấn tượng. Trong thực tế tương truyền rằng ông ấy không bao giờ bị ấn tượng lần nữa bởi bất kì người nào khác.
Ông ấy hỏi bí mật của điều đó: "Làm sao ông trở nên mạnh mẽ thế, mà chẳng có gì cả? Còn ta là người chinh phục thế giới, ta đã thắng gần khắp thế giới. Chỉ chút ít thêm nữa còn bỏ lại; chẳng mấy chốc ta sẽ kết thúc. Còn ông - một người trần trụi, chẳng có gì - bí mật về hạnh phúc của ông là gì?"
Diogenes theo thuật lại đã nói, "Ta đã từ bỏ hi vọng. Đó là bí mật. Và ta bảo ông, ông cũng từ bỏ hi vọng đi; bằng không thì ông bao giờ cũng sẽ khổ."
Alexander nói, "Ta sẽ tới ông để học bí mật này, nhưng không phải bây giờ. Ta đang trên đường - một nửa thế giới, hơn nửa thế giới ta đã thu được, nhưng còn có phần còn lại. Ta phải trở thành người chinh phục thế giới, thế rồi ta sẽ tới."
Diogenes nói, "Không ai đã bao giờ là kẻ chinh phục thế giới. Cái này hay cái khác vẫn còn lại cần được tiến hành. Giấc mơ không bao giờ hoàn chỉnh và ham muốn không bao giờ được mãn nguyện. Nếu ông thực sự hiểu tôi, và nếu ông thực sự thấy rằng tôi hạnh phúc mà không bận tâm gì tới việc chinh phục cả thế giới, thế thì ông cũng có thể hạnh phúc mà không có điều đó. "
Một cách logic, trí tuệ, Alexander đã hiểu điều đó. Nhưng ông ấy nói, "Ta sẽ tới sau. Đây chưa phải là đúng lúc cho ta."
Khi ông ấy rời khỏi Diogenes, Diogenes nói, "Nhớ lấy, ông sẽ chết trước khi ông chinh phục xong thế giới; mọi người đều đã chết và ông không thể là ngoại lệ."
Và điều đó đã xảy ra. Alexander chẳng bao giờ về tới nhà. Trở về từ Ấn Độ, ông ấy đã chết trên đường. Ông ấy phải đã nhớ tới Diogenes, ông fakir trần trụi kia, trong những khoảnh khắc cuối cùng của mình.
Và thế rồi còn có một câu chuyện khác; tôi không thể bảo đảm về nó. Có một câu chuyện rằng vào cùng ngày đó thì Diogenes cũng chết. Và họ gặp nhau trên đường sang thế giới bên kia, đi qua con sông chảy ngăn giữa thế giới này và thế giới kia. Họ gặp nhau trên con sông đó. Diogenes bắt đầu cười to, và ông ấy nói, "Trông kìa, ông có nhớ không, ông bạn xuẩn ngốc? Ông đã chết, và ông chết ở chỗ giữa, còn thắng lợi thì không đầy đủ."
Chỉ để vớt vát lấy thể diện của mình, Alexander cũng cố gắng cười khanh khách nhưng ông ấy không thể cười được. Chỉ để vớt vát lấy thể diện của mình ông ta nói, "Vâng, điều này thực là lạ, cuộc gặp gỡ của một hoàng đế và một kẻ ăn mày trần trụi trên dòng sông này. Nó có thể đã không xảy ra trước đây, nó có thể không xảy ra lần nữa."
Diogenes cười thậm chí còn vui nhộn hơn và ông ấy nói, "Ông phải đấy, nhưng ông không hiểu ai là hoàng đế và ai là nô lệ. Và ai là hoàng đế và ai là kẻ ăn mày - điều đó ông không biết đích xác. Tại đó ông sai, bằng không thì ông đúng: đấy là cuộc gặp gỡ của một hoàng đế và một kẻ ăn mày, nhưng ta là hoàng đế còn ông là kẻ ăn mày. Ông đã ăn mày cả thế giới - ông là kẻ ăn mày lớn nhất đã từng có. Và ta đã sống như một hoàng đế, nhưng nhìn vào điều đã xảy ra cho vương quốc của ông...."
Bây giờ ngay cả Alexander cũng trần trụi - bởi vì mọi thứ đều phải bị bỏ bên bờ này - và ông ấy cảm thấy rất xấu hổ và lúng túng, bối rối. Nhưng Diogenes không bối rối. Ông ấy nói, "Biết rõ điều này, rằng một ngày nào đó người ta phải trở nên trần trụi, ta đã tự tay ném đi những quần áo này. Bây giờ nhìn cách ông cảm thấy bối rối trước Thượng đế. Ta sẽ đứng cười, còn ông sẽ thấy mặc cảm và bối rối và mọi điều. Mọi thứ đều sai quanh ông."
Không có khả năng nào để vét cạn những cái ngớ ngẩn. Ngay cả Alexanders cũng chẳng bao giờ vét cạn được chúng. Nếu bạn muốn vét cạn chúng thì cách duy nhất là trở nên nhận biết. Bạn càng trở nên nhận biết thì những cái ngớ ngẩn càng có vẻ ngớ ngẩn hơn. Khi chúng trông có vẻ ngớ ngẩn, khi bạn thấy chúng ngớ ngẩn, bạn đơn giản chấm dứt. Bạn không làm chúng thêm nữa. Không có nhu cầu từ bỏ cái gì trong thế giới này - người ta chỉ nhận biết và mọi thứ vô dụng, vô nghĩa, sẽ tự loại bỏ chúng, theo cách của chúng.
Câu hỏi thứ ba:
Mọi tôn giáo đều thoái hoá thành một thể chế đạo đức. Thầy ca ngợi Lão Tử bởi vì không tôn giáo nào có thể phát triển theo con đường của ông ấy. Làm sao những người yêu thầy tránh việc thoái hoá thể chế như vậy theo cảm hứng của thầy?
Nếu bạn bắt đầu né tránh, thì bạn đã bắt đầu tạo ra nó. Đừng bận tâm về nó. Nếu nó định xảy ra thì nó sẽ xảy ra; nếu nó không định xảy ra thì nó sẽ không xảy ra. Bạn đừng bận tâm về nó, bởi vì nếu bạn bắt đầu tự hỏi làm sao tránh nó thì bạn đã mặc nhiên thừa nhận rằng nó sẽ có đó. Bạn đã trở nên tự ý thức về nó - và điều đó sẽ giúp tạo ra nó.
Phật đã cố gắng vất vả để thấy rằng tôn giáo của mình sẽ vẫn còn là một hiện tượng sống chứ không phải là một thể chế chết. Ông ấy đã cố gắng - nhưng ông ấy đã thất bại. Ông ấy càng cố gắng vất vả hơn, thì lại càng nhiều người cố gắng tạo ra một thể chế quanh ông ấy hơn.
Krishnamurti đang cố gắng vất vả - và ông ấy sẽ thất bại, bởi vì đây là qui luật. Tại sao bạn cố gắng vất vả thế? Bạn phải sợ hãi sâu bên dưới rằng điều đó sắp xảy ra. Và cho dù Krishnamurti có nghĩ rằng điều đó sắp xảy ra, thì điều đó sẽ vẫn sắp xảy ra. Tôi đã nói với bạn nhiều lần về luật hiệu quả ngược. Nó là một luật tâm lí rất sâu sắc: làm cái gì đó và điều ngược lại xảy ra. Đó là toàn bộ giáo huấn của Lão Tử. Ông ấy nói: Nói về trật tự và sẽ có mất trật tự. Cố gắng làm cho mọi người thành tốt và họ sẽ thành xấu.
Và tất cả các bạn đều biết rằng điều này xảy ra. Bạn cứ thử làm cho con bạn thành thánh thiện mà xem và bạn sẽ tạo ra nổi dậy đầu tiên trong nó chống bạn. Nó sẽ đi ngược lại bạn; nó sẽ làm đích xác điều bạn muốn nó không làm.
Điều đó chưa bao giờ xảy ra cho Lão Tử bởi vì ông ấy chưa bao giờ lo nghĩ về nó cả. Nếu nó xảy ra thì tốt - bạn có thể làm được gì?
Khi tôi qua đời, thì tôi qua đời. Bất kì điều gì xảy ra đều không phải là việc của tôi. Cho nên đừng lo nghĩ về nó. Nếu nó xảy ra thì nó phải xảy ra. Nếu nó không xảy ra, thì tốt; nếu nó xảy ra, điều đó nữa cũng tốt. Chúng ta là ai mà nhận trách nhiệm cho tương lai? Chúng ta là ai mà quyết định cho tương lai? Không, điều đó không thể được thực hiện. Bạn đơn giản vứt bỏ toàn bộ ý tưởng này đi. Đừng lo nghĩ. Vứt bỏ ý tưởng này hoàn toàn và đừng lo nghĩ; đừng cố gắng tạo ra nó và đừng cố gắng tránh nó. Trong khi tôi ở đây thì ở cùng với tôi đi, mở hội với tôi, vui sướng trong tôi. Để tôi giúp bạn, cho phép tôi - có vậy thôi. Khi tôi đã ra đi và bạn cũng ra đi, bất kì cái gì xảy ra... làm sao chúng ta có thể quyết định được nó và tại sao chúng ta phải lo nghĩ về nó? Trong khi chúng ta đang ở đây, chúng ta nên dùng cơ hội này, cánh cửa đã mở, con đường đã trở thành thấy được cho bạn - bước lên nó, đi trên nó; dù mọi người có tạo ra thể chế từ nó hay không thì để cho họ quyết định. Và chẳng cái gì có thể được làm về nó ngay lúc này.
Với tương lai, đừng bao giờ tạo ra bất kì lo nghĩ nào, bởi vì chính lo nghĩ của bạn sẽ tạo ra hiệu quả ngược. Bạn có quan sát không? - nếu bạn đi trong tầu hoả, nhìn quanh mà xem. Bạn có thể đánh giá ai đang đi không có vé bởi vì người đó thường xuyên lo nghĩ tới người soát vé - luật hiệu quả ngược. Người đó có vẻ sợ hãi, người đó trông lo nghĩ. Bất kì khi nào ai đó đi vào toa là người đó giật mình nhìn. Bạn có thể đơn giản thấy ai đi không có vé - người đó đang tạo ra khó khăn riêng của mình quanh mình.
Và đôi khi chuyện xảy ra là bạn đã mua một chiếc vé, rồi nó rơi khỏi túi bạn nhưng bạn không nhận biết về điều đó. Bạn không biết rằng bạn không có vé. Thế rồi bạn bước đi và bạn ngồi cứ như là bạn có vé. Chẳng ai đánh giá cả, chẳng ai có thể bắt bạn; ngay cả người soát vé cũng sẽ không tới bạn. Anh ta biết rằng bạn phải đã có vé. Mọi người bao giờ cũng ngạc nhiên rằng khi họ có vé thì chẳng ai tới kiểm tra cả, còn khi họ không có vé thì bỗng nhiên người soát vé tới, bởi vì người đó đã trở nên nhận biết về luật nhỏ này - rằng bạn có thể đánh giá ai là thủ phạm. Không khó khăn gì về điều đó cả. Người đó không thể tự nhiên được, người đó tạo ra những rung động phi tự nhiên quanh mình. Ngay lập tức người soát vé đi tới người đó.
Đừng bận tâm. Bạn ở đây; hiện tượng này là sống động ngay bây giờ, rung động, nói về bạn, thấm vào bạn, giúp đỡ bạn. Bạn chỉ vui sướng trong nó. Và nếu bạn vui sướng trong nó thì bản thân bạn trở thành một hiện tượng được chiếu sáng ở bên trong, người khác sẽ vui sướng trong bạn.
Và tôn giáo sống là sống động bởi mọi người vẫn được chứng ngộ trong nó, mọi người vẫn nhận biết trong nó. Nếu bạn trở nên nhận biết với tôi thì bạn có thể giúp được cho người khác cũng nhận biết cùng bạn - đấy là phản ứng dây chuyền. Một khi nhận biết biến mất, dây chuyền này biến mất; lỗ hổng tới, khoảng hở nơi không ai tỉnh táo, không ai thức tỉnh cả - thế thì tôn giáo chết. Thế thì nó trở thành giáo phái - Hindu giáo, Mô ha mét giáo, Jaina giáo. Thế thì nó trở thành nhà thờ - thế thì có nghi lễ, thế thì chỉ các điệu bộ chết.
Nhưng chẳng cái gì có thể được làm về nó cả. Thay vì thế, chỉ một điều có thể được làm về nó và đó là - bạn không bận tâm, bởi vì bạn có thể lãng phí thời gian của mình cứ nghĩ về nó. Bạn chỉ sống trong tôi và cho phép tôi sống trong bạn. Chẳng mấy chốc bạn sẽ có khả năng... qua ngọn nến đã thắp sáng của bạn mà các ngọn nến khác có thể được thắp sáng. Tạo ra dây chuyền và chúng sẽ di chuyển theo cách của chúng.
Và đừng bao giờ nghĩ tới mai. Tương lai không phải là mối quan tâm chút nào. Chỉ hiện tại là hiện hữu.
Câu hỏi thứ tư:
Thầy nói tôi là cái trống rỗng. Từ khi ở đây tôi bắt đầu cảm thấy trung tâm riêng của mình. Làm sao trung tâm tồn tại được trong cái trống rỗng?
Nó tồn tại đấy. Tôi không thể giải thích cho bạn làm sao hay tại sao được, nó là một sự kiện đơn giản. Cũng như khoa học nói H2O là nước...hai phần hidro, một phần ôxi - hai nguyên tử hydro, một nguyên tử ô xi - và việc tổ hợp là nước. Bạn không thể hỏi tại sao được. Tại sao không ba phần hidro, một phần ô xi? Tại sao không bốn phần ô xi, một phần hidro? Tại sao H2O, sao không khác đi? Khoa học sẽ nhún vai, nó sẽ nói: Chúng tôi không biết. Đấy là cách nó là vậy.
Vâng, sự hiện hữu bên trong của bạn là cái trống rỗng và vậy mà một trung tâm tồn tại. Bạn đã bao giờ thấy cơn lốc chưa? Vào ngày mùa hè ở Ấn Độ thường có cơn lốc, cơn gió xoáy. Tới và xem khi gió xoáy đi qua: nó làm quấy đảo mọi hạt bụi xung quanh, nhưng ngay ở trung tâm không có rối loạn. Ngay cả với cơn gió xoáy, một trung tâm cũng tồn tại, ngay cả với một cơn lốc trung tâm cũng tồn tại, ngay cả với cái trống rỗng thì trung tâm cũng tồn tại. Người ta chợt thấy nó, nó là một sự kiện của sự tồn tại - không có thế nào cho nó.
Một cậu nhỏ đang bước đi cùng với D.H. Lawrence trong vườn, và bỗng nhiên nó hỏi, "Sao cây xanh?"
D. H. Lawrence nói, "Cây xanh bởi vì chúng xanh."
Không gì nhiều hơn có thể được nói về điều đó. Tất cả mọi lời giải thích đều vô dụng, bạn có thể nói bởi vì điều này, bởi vì điều nọ - nhưng điều đó nữa đem tới cùng câu hỏi: Tại sao? Điều ngớ ngẩn là một trung tâm tồn tại cho cái trống rỗng - điều đó là phi logic, điều đó là bất hợp lí. Nhưng cuộc sống là bất hợp lí. Người ta phải chấp nhận cuộc sống - cuộc sống không bị buộc phải chấp nhận logic hay lập luận của bạn theo bất kì cách nào.
Điều đó xảy ra hàng ngày trong khoa học. Khi lần đầu tiên Einstein nói rằng mọi thứ đều tương đối, toàn thể thế giới khoa học cũ bị rối loạn. Mọi người bắt đầu hỏi: Tại sao? Thế nào? Một điều rất ngớ ngẩn mà Einstein đã nói, và đó là: nếu một du khách đi vào không gian vô hạn trên một cuộc hành trình trong con tầu đi nhanh hơn ánh sáng - ánh sáng đi ba trăm nghìn ki lô mét một giây - nếu con tầu đi nhanh hơn ánh sáng hay thậm chí bằng với ánh sáng, và nếu con của bạn tiếp tục cuộc hành trình trong không gian và quay lại sau hai mươi nhăm năm, nó sẽ vẫn cùng một tuổi. Nếu nó đã đi vào độ tuổi hai mươi nhăm, nó vẫn còn ở độ tuổi hai mươi nhăm. Bạn nó đã trở thành già năm mươi tuổi trên trái đất nhưng nó sẽ vẫn còn cùng tuổi ấy. Điều đó là ngớ ngẩn. Mọi người bắt đầu hỏi, "Logic này là gì vậy?" Einstein nói, "Tôi không thể nói logic này là gì, nó là vậy."
Với một tốc độ vô cùng như thế, bạn không thể già được. Điều đó cũng hệt như đến một trăm độ thì nước bốc hơi, có vậy thôi. Với tốc độ vô cùng như vậy bạn không thể già được; bạn sẽ vẫn còn như cũ. Và thậm chí còn ngớ ngẩn hơn - nếu tốc độ có thể tăng lên gấp đôi, bạn sẽ quay còn trẻ hơn khi bạn ra đi. Nếu bạn ra đi vào độ tuổi hai mươi và bạn quay về sau mười năm, thì bạn sẽ mười tuổi. Bạn sẽ đi ngược lại theo thời gian - bởi vì, Einstein nói, việc già đi phụ thuộc vào tốc độ, vào tốc độ của trái đất. Trái đất đang di chuyển với một tốc độ đặc biệt; việc già đi của bạn phụ thuộc vào tốc độ đó. Không thể nào tin được! Mâu thuẫn với mọi logic!
Thế rồi các nhà vật lí thâm nhập sâu vào trong vật chất và bỗng nhiên một hôm họ thấy chẳng có vật chất. Thế là họ đã phải nói rằng vật chất bao gồm cái trống rỗng; họ đã phải nói rằng vật chất chẳng là gì ngoài cái trống rỗng đậm đặc. Điều này có vẻ phi logic. Làm sao cái trống rỗng lại đậm đặc được? Làm sao cột trụ này lại được tạo ra từ cái trống rỗng đậm đặc? Nhưng bây giờ vật lí nói nó là vậy đấy. Và tự nhiên và sự tồn tại không tuân theo logic của chúng ta. Chúng có cách thức riêng của chúng và chúng ta không thể áp đặt logic của chúng ta lên chúng; logic của chúng ta phải theo cách thức của chúng. Cũng điều đó cũng đúng cho không gian bên trong. Tất nhiên, logic nói: Làm sao cái trống rỗng có trung tâm được? Về mặt logic điều đó là không thể được. Khi lần đầu tiên tôi đi tới trung tâm đó thì cùng câu hỏi này cũng nảy sinh trong tôi nữa: Làm sao cái trống rỗng có trung tâm?
Để có trung tâm thì cái gì đó là cần thiết - và nó có đó, nhưng nó không nghe theo logic của chúng ta. Chấp nhận nó vậy, và đừng tạo ra bất kì vấn đề logic nào trong tâm trí bạn, bởi vì điều đó sẽ chẳng ích gì. Cuộc sống là phi logic. Bạn ở đây. Bạn có logic gì để nói tại sao bạn ở đây không? Nếu như bạn không ở đây, liệu bạn có thể hỏi tại sao bạn không ở đây không? Mọi thứ đơn giản hiện hữu. Chẳng cái gì có thể được công bố, chẳng cái gì có thể được đặt ra, chẳng cái gì có thể được phóng chiếu, chẳng cái gì có thể được hỏi. Khi bạn trưởng thành trong nhận biết này: rằng mọi sự đơn giản hiện hữu - thế thì chấp nhận sâu sắc xảy ra. Thế thì cho dù chúng là phi logic bạn cũng chấp nhận. Bạn không tranh đấu, bạn nổi. Bạn thậm chí không bơi - bạn đơn giản trong buông bỏ.
Và dần dần ngày càng nhiều bí ẩn được hiển lộ ra. Đó là lí do tại sao tôn giáo nói rằng cuộc sống là bí ẩn, không phải là vấn đề. Vấn đề có thể được giải quyết; bí ẩn không bao giờ có thể được giải quyết. Bạn càng giải quyết nó, nó càng trở nên bí ẩn hơn. Bạn càng biết nó nhiều, bạn lại càng cảm thấy phải được biết. Bạn càng tới gần nó, bạn càng cảm thấy mình ra xa nó hơn.
Upanishads nói Thượng đế vừa xa vừa gần. Tại sao? Bởi vì bạn càng tới gần, bạn lại càng cảm thấy ngài ở xa hơn. Bạn gần như chạm vào ngài - và bạn cảm thấy xa xăm. Bạn gần như thấm vào ngài, bạn gần như trong trái tim ngài, nhưng dầu thế bí ẩn vẫn không bị tan biến đi. Ngược lại, bí ẩn đã trở thành bí ẩn hơn. Và đó là cái đẹp của nó. Nghĩ về một thế giới nơi tất cả mọi bí ẩn đều được giải quyết mà xem - nó sẽ chán làm sao! Nghĩ tới một thế giới tuyệt đối logic, hợp lí, toán học - nó chán ngán và đơn điệu làm sao! Thế thì sẽ không có khả năng nào cho thơ ca, sẽ không có khả năng nào cho lãng mạn, sẽ không có khả năng nào cho tình yêu, và sẽ không có khả năng nào cho bất kì thiền gì.
Thiền là đi vào trong bí ẩn; yêu là gõ vào cùng cánh cửa đó theo cách khác. Nguyện cũng là cho phép điều bí ẩn, và không tranh đấu chống lại nó bằng tâm trí.
Mọi thứ đều đẹp bởi vì mọi thứ đều là bí ẩn, và bạn không thể tới đáy của nó được. Phân tích nếu bạn muốn phân tích, nhưng mọi phân tích sẽ tạo ra nhiều vấn đề, nhiều bí ẩn hơn; câu trả lời, câu trả lời cuối cùng, không thể nào được tìm thấy. Và cũng tốt là nó không thể nào được tìm thấy. Nếu như nó được tìm thấy thì sao? Thế thì chính nghĩa và ý nghĩa bị mất.
Tôi không phải là triết gia, ít nhất cũng không phải vậy; nhiều nhất tôi chỉ là nhà thơ. Tôi nhìn vào cuộc sống và chấp nhận tính sự kiện của nó. Nếu nó làm cho hai với hai thành bốn, thì tốt thôi. Nếu nó làm hai với hai thành năm, thì cũng tốt. Nếu nó làm hai với hai thành ba, cũng tốt. Tôi đã nói có cho nó. Và đây là điều tính tôn giáo nghĩa là gì đối với tôi - nói có, nó là vậy.
Câu hỏi thứ năm:
Thầy của Carlos Castaneda, Don Juan, có là bậc thầy chứng ngộ không?
Nếu như có người nào đó như Don Juan thì người đó sẽ là chứng ngộ, người đó sẽ như một Phật hay một Lão Tử - nhưng chẳng có ai giống như Don Juan. Cuốn sách của Carlos Castaneda chín mươi chín phần trăm là hư cấu - hay, nghệ thuật, nhưng hư cấu. Như có những hư cấu khoa học, có cả những hư cấu tâm linh nữa. Có hư cấu tâm linh loại ba và hư cấu tâm linh loại một: nếu bạn thích loại ba, thế thì đọc Lobsang Rampa; nếu bạn muốn loại một, thế thì đọc Carlos Castaneda. Ông ấy là bậc thầy lớn - về hư cấu.
Nhưng tôi nói chín mươi chín phần trăm hư cấu. Một phần trăm chân lí có đó, ẩn ở đâu đó; bạn sẽ phải tìm ra nó. Thậm chí đọc nó như sự hư cấu thì cũng tốt. Đừng bận tâm về hư cấu của Rampa, bởi vì nó là rác rưởi do một tâm trí tầm thường bịa ra - và tất nhiên cũng tạo ra cho các tâm trí tầm thường. Nhưng Carlos Castaneda thì đáng đọc. Khi tôi nói hư cấu tôi không ngụ ý đừng đọc ông ấy, tôi ngụ ý phải đọc ông ấy cẩn thận hơn, bởi vì một phần trăm chân lí có đó. Bạn sẽ phải đọc nó rất cẩn thận, nhưng đừng ngốn ngấu nó hoàn toàn bởi vì nó là hư cấu chín mươi chín phần trăm.
Nó có thể giúp cho trưởng thành của bạn - nó có thể tạo ra ham muốn trưởng thành. Đó là lí do tại sao tôi nói nó hay. Nhưng nó có thể cản trở trưởng thành nữa nếu bạn lấy giá trị bề mặt của nó.
Con người Carlos này thực sự xảo trá, rất láu cá. Hiếm khi điều đó xảy ra, láu cá như vậy - bởi vì rất dễ bịa ra hư cấu khoa học, chẳng cần nhiều tưởng tượng gì, nhưng để tạo ra hư cấu tâm linh thì rất rất khó; người ta cần một tâm trí tưởng tượng và nghệ thuật lớn. Bởi vì những điều bạn không biết, làm sao bạn thậm chí có thể hình dung ra chúng được? Đó là lí do tại sao tôi nói một phần trăm chân lí có đó. Trên một phần trăm chân lí đó ông ấy đã có khả năng bịa ra một dinh thự lớn. Trên một phần trăm chân lí đó ông ấy đã có khả năng phóng chiếu nhiều tưởng tượng. Trên một li chân lí đó ông ấy đã dựng nên toàn bộ ngôi nhà, một lâu đài đẹp - một câu chuyện thần tiên. Nhưng một phần trăm chân lí có đó, bằng không thì nó đã không thể được.
Cho nên một phần trăm của Don Juan phải có đó ở đâu đó chỗ này chỗ khác. Ông ấy phải đã gặp ai đó; có thể tên của người này là Don Juan, có thể không, điều đó không thành vấn đề, không sao cả. Carlos đã bắt gặp một người cao thượng hơn ông ấy, ông ấy đã bắt gặp một người biết những bí mật nào đó. Có thể ông ấy đã không hiểu chúng, có thể ông ấy đã đánh cắp chúng, có thể ông ấy chỉ vay mượn chúng từ ai đó khác. Nhưng ông ấy đã gặp ai đó người đã bằng cách nào đó nhận được một số sự kiện của cuộc sống tâm linh và người này đã có khả năng tạo ra tưởng tượng quanh điều đó. Và tưởng tượng này trở thành có thể nếu bạn dùng ma tuý như một sự giúp đỡ - rất dễ dàng, bởi vì ma tuý không là gì ngoài sự trợ giúp cho tưởng tượng.
Con người này đã bắt gặp ai đó người biết tới cái gì đó, và thế rồi qua ma tuý, LSD và những chất khác, ông ấy đã phóng chiếu cái chân lí nhỏ bé đó thành thế giới tưởng tượng. Thế rồi toàn bộ hư cấu của ông ấy được dựng lên. Nó là cuộc hành trình ma tuý, nhưng là một thực nghiệm tốt trong bản thân nó. Và khi tôi nói tất cả những điều này, tôi không lên án Carlos. Trong thực tế tôi đã đi tới yêu mến con người này. Đây là chuyến bay hi hữu của tưởng tượng, và nếu nó là một trăm phần trăm hư cấu thì bản thân Carlos cũng là người hiếm hoi. Nếu ông ấy không bắt gặp người nào hết cả thế thì ông ấy phải có một phần trăm của thực tại trong mình. Bởi vì bằng không thì điều đó không thể có được - bạn chỉ có thể xây ngôi nhà trên cái móng, ngay cả ngôi nhà tưởng tượng cũng cần ít nhất một cái móng trong thực tại. Bạn có thể làm ngôi nhà bằng bìa nhưng ít nhất cũng trên đất, nền đất cứng là cần thiết. Đến ngần đó là đúng.
Cho nên đọc đi, bởi vì bạn sẽ phải đọc. Mọi trang đều có hư cấu riêng của nó, lãng mạn; người ta phải đi qua chúng. Bạn sẽ phải đọc. Bạn không thể trốn khỏi Carlos Castaneda được. Nhưng nhớ rằng chỉ một phần trăm là chân lí - và bạn phải tìm ra nó.
Nếu bạn đã đọc sách của Gurdjieff, đặc biệt cuốn Tất cả và mọi thứ, thế thì bạn có thể trở thành khéo léo về cách tìm ra chân lí, cách loại vỏ trấu ra khỏi hạt thóc. Nếu bạn chưa đọc cuốn Tất cả và mọi thứ, đấy là chỗ bắt đầu tốt. Trước hết bạn nên đọc Tất cả và mọi thứ của George Gurdjieff và thế rồi bạn có thể đọc sách của Carlos Castaneda. Rất khó huấn luyện để đọc Gurdjieff; trong thực tế không quá vài tá người hiện có trên thế giới đã đọc cuốn sách Tất cả và mọi thứ của ông ấy một cách đầy đủ. Điều đó là khó. Nó là cuốn sách một nghìn trang và Gurdjieff là bậc thầy về che giấu mọi thứ. Ông ấy cứ nói những điều chẳng liên quan, những điều vô dụng, những chuyện cổ xoay tròn bên trong truyện cổ - hàng trăm trang và thế rồi một dòng về chân lí, nhưng điều đó đáng tìm kiếm, nó là kim cương. Một trăm trang rác rưởi, nhưng thế rồi tới kim cương - nó đáng cho điều đó.
Nếu bạn có thể tìm thấy kim cương trong Gurdjieff thì đấy sẽ là việc huấn luyện lớn cho bạn. Và thế thì bạn có thể tìm thấy trong Carlos Castaneda cái gì là đúng và cái gì là không đúng. Bằng không thì bạn có thể trở thành nạn nhân của hư cấu. Và tôi nghĩ nhiều người Mĩ đặc biệt đang vẩn vơ ở Mexico đi tìm Don Juan. Ngu xuẩn!
Câu hỏi thứ sáu:
Như Tilopa và Bồ đề đạt ma, thầy có nghĩ thầy sẽ phải rời bỏ Ấn Độ để tìm người kế tục thích hợp không?
Bạn ngu! Bạn không thể thấy tôi đã rời khỏi Ấn Độ rồi sao? Tôi không còn ở đây ở Ấn Độ.
Và câu hỏi cuối cùng... Chinmaya đã hỏi câu hỏi này liên tục trong nhiều ngày, và tôi đã lảng tránh nó. Nhưng bây giờ là lúc. Anh ấy đã hỏi:
Tất cả các bậc thầy chứng ngộ có hói đầu không?
Và bây giờ tôi không thể tránh được nó nữa, bởi vì trong nỗ lực trở nên hói đầu anh ấy đã cạo đầu mình.
Không có mối quan hệ nào cả, cho nên đừng cố gắng thành hói đầu.
Người hói là rất láu cá, họ tạo ra tin đồn về chính mình. Một tin đồn họ đã tạo ra trên khắp thế giới là ở chỗ họ có tiềm năng nhiều dục hơn bất kì ai khác. Tất nhiên người hói không có hấp dẫn về dục; họ phải tạo ra tin đồn quanh mình. Trên khắp thế giới trong mọi nước tin đồn đều có rằng người hói nhiều dục hơn, nhiều tiềm năng dục hơn bất kì ai khác. Đây là một thủ đoạn.
Nhưng bây giờ để tạo ra tin đồn khác rằng người hói là người duy nhất trở nên chứng ngộ thì sẽ thành quá nhiều!
Xem Chương 7 Quay về Mục lụcQuay về Mục lục Toàn tập

Ads Belove Post