Read more
Câu hỏi 1
Giáo dục tiềm thức xung đột hay hài hoà với
Đạo ở đâu, vì nó ngụ ý kỉ luật bằng tự nỗ lực từ cách diễn đạt bên ngoài?
Đạo không biết gì tới kỉ luật.
Đạo là vô chính phủ, tự phát, vô nỗ lực. Mọi kỉ luật đều phi tự nhiên - chúng
phải vậy. Tự nhiên không cần kỉ luật, tự nó là đủ cho chính nó. Cây và sông và
con vật và sao trời - chúng không biết gì tới kỉ luật cả. Kỉ luật là do con người
tạo ra, nhân tạo, và bởi vì kỉ luật mà con người trở nên bị chia chẻ. Phần này
bắt đầu thao túng phần khác, thế rồi kẽ nứt được tạo ra. Tâm trí cố gắng thao
túng thân thể, và thân thể cố gắng thao túng tâm trí theo cách tinh vi, hay ít
nhất cũng cố phá hoại nó. Xung đột này tạo ra lẫn lộn: mọi xung đột đều lẫn lộn.
Bởi vì xung đột mà hợp nhất không thể xảy ra được: bạn không thể là một, bạn
không thể được hợp nhất vào một, do đó mới có lẫn lộn. Và kết quả chung cuộc chỉ
có thể là tinh thần phân liệt. Bạn cứ đánh nhau và đánh nhau, và dần dần bạn
không còn là một cá nhân nữa, bạn trở thành nhiều - ít nhất cũng là hai, và nếu
tồi hơn, thì nhiều - thế thì bạn trở thành đám đông. Và khi bạn không là một, bạn
không thể hạnh phúc được.
Hạnh phúc là chức năng của sự
thống nhất. Hạnh phúc là âm nhạc xảy ra khi bạn đang trong hợp nhất, khi mọi thứ
khớp lại với nhau, khi mọi thứ hài hoà, khi không có xung đột thậm chí không một
dấu vết của nó, khi bạn là một dàn nhạc chứ không là đám đông.... Không ai cố
thao túng, không ai cố trở thành người chủ, không ai cố khai thác, áp bức...
toàn thể bản thể tuôn trào với vui vẻ.
Đạo là tự phát, nó không phải
là kỉ luật, do đó Đạo là tối thượng trong tôn giáo - không tôn giáo nào chạm tới
được đỉnh cao đó. Khoảnh khắc tôn giáo bắt đầu trở thành kỉ luật, nó đã rơi xuống
rất thấp.
Có ba giai đoạn của tôn giáo.
Cũng giống như có thời thơ ấu, thanh niên và tuổi già trong cuộc sống của đàn
ông hay đàn bà, vậy có ba giai đoạn trong cuộc sống của tôn giáo. Khi tôn giáo
được sinh ra - thời thơ ấu của tôn giáo, khi Thầy còn sống, tươi tắn, và năng
lượng còn tuôn chảy từ cội nguồn và hương thơm thoảng tới, khi Phật còn sống
hay Lão Tử còn sống hay Jesus còn sống - thế thì tôn giáo có trạng thái hồn
nhiên, trong trắng, đầu tiên của nó: thời thơ ấu. Nó tươi tắn như giọt sương buổi
ban mai, tươi như hoa hồng, tươi như ngôi sao; nó không biết tới kỉ luật, nó chỉ
biết tính tự phát.
Thế rồi, gần Thầy mọi người bắt
đầu tụ tập lại. Điều đó nhất định xảy ra - nan châm có đó, mọi người bắt đầu tụ
tập. Giai đoạn thứ hai tới: giai đoạn của tôn giáo có tính hữu cơ. Giai đoạn thứ
nhất là có tính cá nhân, nổi dậy, tự phát; không có vấn đề nỗ lực nào, kỉ luật
nào, kinh sách nào; Thượng đế là ở trong sự trần trụi, chân lí là như nó vậy
không nguỵ trang, không trang hoàng. Thế rồi mọi người bắt đầu tụ tập. Giai đoạn
thứ hai không mang tính nổi dậy thế vì những người này, và bởi vì những người
này, dần dần kỉ luật nảy sinh. Thầy cứ nói về tự phát, nhưng tín đồ không thể
hiểu được tính tự phát; họ dịch nó dưới dạng tạo kỉ luật cho chính họ. Thầy nói
'Hiện hữu', họ hỏi 'Làm sao hiện hữu?' Câu hỏi của họ về 'làm sao; dần dần đem
tới kỉ luật; họ tạo ra kỉ luật. Để tôi nói điều đó theo cách này: Thầy đem tới
tự phát, đệ tử đem tới kỉ luật.
Từ 'disciple - đệ tử' và
'discipline - kỉ luật' bắt nguồn từ cùng một gốc. Khi đệ tử đã tụ tập quanh Thầy,
họ bắt đầu phiên dịch điều thầy nói, điều thầy ngụ ý. Họ bắt đầu diễn giải, và
tất nhiên họ diễn giải tương ứng theo tâm trí họ - không có cách khác. Nếu bạn
diễn giải tất cả, bạn sẽ diễn giải sai. Đệ tử thực là người không diễn giải,
người không phiên dịch, người lắng nghe thụ động, người không hỏi 'làm sao',
người không vội vã có được kết quả nào đó, người không hướng đích, người không
tham. Đệ tử tham lập tức tạo ra kỉ luật. Đây là giai đoạn thứ hai - vẫn còn sống;
tôi gọi giai đoạn này là giai đoạn tính hữu cơ của tôn giáo. Thầy vẫn còn đó, đệ
tử đã tới, có đơn vị hữu cơ nhưng....
Ở giai đoạn thứ nhất chỉ có
trung tâm, bây giờ có chu vi; và chu vi sẽ cứ trở nên ngày một lớn hơn và lớn
hơn, và nó càng lớn hơn nó sẽ càng kém chân thực hơn. Chu vi càng đi xa khỏi
trung tâm, nó càng đi xa khỏi chân lí, hồn nhiên. Nó trở thành tri thức, nó trở
thành kỉ luật, giáo điều, nhưng dầu vậy một chút ít ánh sáng vẫn tới qua tất cả
những màn ảnh này.
Thế rồi, ở giai đoạn thứ ba khi
Thầy qua rồi, tôn giáo trở thành tôn giáo được tổ chức. Nó không còn tính hữu
cơ bây giờ bởi vì trung tâm đã biến mất. Bây giờ chu vi cố gắng tồn tại mà
không có trung tâm - nó trở thành nhà thờ, tín điều, thượng đế học. Bây giờ tôn
giáo rất già; và một ngày nào đó, tôn giáo chết nhưng nhà thờ tiếp tục.
Bạn hỏi 'Giáo dục tiềm thức
xung đột hay hài hoà với Đạo ở đâu, vì nó ngụ ý kỉ luật với tự nỗ lực từ cách
biểu diễn bên ngoài?' Đạo không bao giờ cho phép bản thân nó trở thành ngay cả
tôn giáo hữu cơ - một cách tự nhiên, nó chưa bao giờ cho phép bản thân nó trở
thành nhà thờ. Nó vẫn còn tự phát, do đó không có tín đồ, không có nhà thờ nào
như Vatican, hay Shankaracharya - không cái gì giống điều đó.
Đạo vẫn còn sẵn có cho những
người đủ dũng cảm để tự phát. Nó cần dũng cảm lớn lao để tự phát bởi vì tự phát
nghĩa là vẫn còn trong trạng thái không kiểm soát thường xuyên. Tính tự phát
nghĩa là không can thiệp vào bản tính của bạn - để nó là bất kì cái gì nó là và
để nó đi bất kì chỗ nào nó đi; giống như gió, giống như sông, giống như song
không biết nó đang đi đâu - không quan tâm liệu nó đang đi đâu, không bận tâm,
không cố lập kế hoạch, không cố phóng chiếu.
Là tự nhiên cần dũng cảm lớn
lao, do đó có rất ít người đã đạt tới Đạo. Có hàng triệu người Ki tô giáo, hàng
triệu người Mô ha mét giáo, hàng triệu người Hindus, hàng triệu Phật tử, nhưng
Đạo vẫn còn siêu việt, hương thơm – không khô héo, không bị cầm tù - do đó mới
có cái đẹp của nó, cái tinh tế siêu phàm của nó, chân lí siêu phàm của nó.
Tiềm thức, ý thức, vô ý thức:
những phân chia này tồn tại bởi vì bạn đã cố có kỉ luật, bằng không có tâm thức
không phân biệt bên trong bạn. Không có phân chia. Những người theo Freud,
Jung, Alder và các nhà tâm lí học khác, nói cứ như thể những phân chia này là tự
nhiên có đó, cứ như thể chúng là một phần của tính sự kiện của nhân loại. Họ là
không đúng. Vô ý thức tồn tại bởi vì con người đã kìm nén; khoảnh khắc kìm nén
biến mất, vô ý thức cũng biến mất. Vô ý thức không phải là phân chia tự nhiên của
tâm thức của bạn. Bạn đã làm cái gì đó với tâm thức của bạn: bạn đã áp đặt nhiều
thứ bên trong bản thể bạn điều bạn không muốn nhìn vào; bạn né tránh, do đó tạo
ra vô ý thức.
Vị Phật không biết tới vô ý thức.
Tôi không biết vô ý thức nào. Mọi điều ở trong tôi, tôi đều nhận biết, tôi cho
phép nó, nó là trong cái nhìn của tôi; không có tầng ngầm tối nơi tôi cứ ném mọi
thứ vào. Tầng ngầm bắt đầu tồn tại chỉ khi bạn bắt đầu kìm nén. Kìm nén tạo ra
phân chia, thế thì bạn trở nên ngày một bị giới hạn hơn bởi vì bạn không thể
nhìn được sâu hơn: bạn sợ, bạn không dám, bạn không đảm đương được... vô ý thức
được tạo ra. Một khi vô ý thức được tạo ra, thế thì có sự chờm lấp nhỏ của ý thức
và vô ý thức; điều đó được gọi là tiềm thức. Vô ý thức nghĩa là hoàn toàn trong
tối, ý thức nghĩa là sáng. Tất nhiên, giữa tối và sáng có sự chờm lấp, một biên
giới nhỏ, cái không tối không sáng: đó là tiềm thức.
Ba phân chia này tồn tại bởi vì
bạn, không bởi vì tự nhiên. Nhưng các nhà tâm lí cứ nói dường như họ đã tìm ra
phân chia tự nhiên nào đó. Không có phân chia chút nào đâu. Khoảnh khắc bạn cho
phép tính tự phát bùng nổ, tâm thức của bạn bắt đầu lan toả. Một ngày nào đó
toàn thể bản thể bạn trở thành sáng; không có góc tối bởi vì không có gì để che
giấu. Bạn đứng trần trụi cho cách nhìn riêng của bạn... không cái gì phải che
giấu, không cái gì để trốn khỏi, không cái gì để sợ - bạn đã chấp nhận bản thân
bạn. Trong chấp nhận sâu sắc bạn trở thành một.
Đạo nói rằng con người có tâm
thức phân biệt. Bạn không thể gọi nó là 'ý thức', bạn không thể gọi nó là 'vô ý
thức', bạn không thể gọi nó là 'tiềm thức', bởi vì những phân chia này thực sự
là được bịa ra, nhân tạo. Khi đứa trẻ được sinh ra nó không có vô ý thức, nó
không có ý thức - nó là không phân biệt, nó là một. Nhưng lập tức chúng ta bắt
đầu giáo dục nó, lập tức chúng ta bắt đầu đào tạo nó: Giống cái này và không giống
cái kia; cho nên bất kì cái gì chúng ta phủ nhận, nó phải bác bỏ. Những phần bị
bác bỏ đó cứ chất đống bên trong nó và nếu nó phải nhìn vào chúng điều đó gây tổn
thương - chúng là những phần bị bác bỏ riêng của nó - dường như bạn đã cắt chi
của nó; nhìn vào chúng là đau đớn, tốt hơn cả là quên chúng đi.
Quên đi dường như là cách duy
nhất, và khi bạn quên cái gì đó ở bên trong bạn, vô ý thức được tạo ra. Vô ý thức
biến mất khi bạn lại trở thành tự phát như đứa trẻ. Toàn thể giáo huấn của Đạo
là lại giống đứa trẻ. Điều đó nghĩa là hoàn tác lại mọi điều xã hội đã làm cho
bạn; nó có nghĩa là phá huỷ, triệt phá, cấu trúc mà xã hội đã đặt quanh bạn;
giành lại tự do của bạn điều là quyền tập ấm của bạn; được biến đổi triệt để;
đi ra ngoài cấu trúc của xã hội, đi lên trên. Đi tới tự nhiên ngược lại với
nuôi dưỡng: đó là điều thông điệp của Đạo là gì.
Không có kỉ luật trong Đạo - Đạo
không phải là Yoga. Đạo chính là quan điểm đối lập toàn bộ với Yoga. Nếu
Patanjali và Lão Tử gặp gỡ, họ sẽ không có khả năng hiểu được lẫn nhau - không
thể được; Patanjali sẽ nói về kỉ luật. Nếu Patanjali gặp Khổng Tử, họ sẽ trở
thành bạn bè ngay lập tức; Khổng Tử cũng nghĩ về kỉ luật, kiểm soát, tính cách.
Lão Tử nói về vô tính cách. Nhớ từ 'vô tính cách' bởi vì Lão Tử nói rằng người
thực không có tính cách – không thể có tính cách được; tính cách nghĩa là cái
gì đó của quá khứ.
Người thực sống trong khoảnh khắc.
Người đó không sống qua quá khứ, người đó không có ý tưởng về sống - người đó
đơn giản sống, người đó đáp ứng với khoảnh khắc hiện tại. Và người đó không có
kinh sách nào để theo, không đạo đức nào để theo, người đó không có lời răn.
Thái độ duy nhất của người đó là thái độ có trách nhiệm tự phát: bất kì cái gì
người đó đương đầu, người đó đều đáp ứng một cách toàn bộ, người đó đáp ứng một
cách đầy đủ. Con người của tính cách không bao giờ có thể đáp ứng được đầy đủ.
Người đó có ý tưởng, người đó phải làm cái gì đó theo cách nào đó. Trước khi
tình huống nảy sinh người đó đã quyết định cách hành động, người đó đã diễn tập.
Con người của Đạo sống không diễn tập; người đó không bao giờ xoay xở, người đó
không bao giờ nhảy lên trước. Để khoảnh khắc tới và người đó có đó để phản xạ
nó - bất kì cái gì được cần sẽ thoát ra từ bản thể của người đó.
Người đó tin cậy vào tự nhiên:
tin cậy của người đó là tuyệt đối, hoàn toàn tuyệt đối. Con người của tính cách
không tin cậy vào tự nhiên. Người đó nói 'Mình phải trau dồi tính cách tốt, bằng
không trong tình huống nào đó mình có thể hành xử theo cách xấu.' Người đó
không tin cậy vào bản thân mình và người đó sẽ trau dồi và người đó sẽ xoay xở...
và người đó không tin vậy vào bản thân mình. Sự tự bất tín của người đó có đó
cho nên người đó trở thành người rởm, thế rồi người đó mất tính đích thực. Người
đó mỉm cười bởi vì người đó phải mỉm cười, người đó yêu bởi vì người đó phải
yêu, người đó hành xử theo cách nào đó bởi vì đó là cách người ta phải hành xử
- nhưng tất cả đều giả. Không cái gì tới từ trái tim người đó, không cái gì
tuôn chảy từ trái tim người đó, không cái gì có cái chạm vào bản thể người đó;
mọi thứ đều được quản lí. Một cách tự nhiên, người đó sống cuộc sống rất rởm:
tình yêu của người đó không sống, nụ cười của người đó được tô vẽ, cử chỉ người
đó tất cả đều bất lực, vô nghĩa. Người đó xoay xở - có vậy thôi, nhưng người đó
không bao giờ sống.
Đạo không có kỉ luật. Nó không
tin cậy vào tính cách, nó tin cậy vào bản thể, vào bản tính của bạn. Và không
có nỗ lực, bởi vì mọi nỗ lực sẽ tạo ra rắc rối. Nỗ lực nghĩa là xung đột, nỗ lực
nghĩa là áp đặt cái gì đó, nỗ lực nghĩa là bạn đang trong cuộc chiến với bản
thân bạn. Đạo tin cậy vào vô nỗ lực. Jesus nói với đệ tử của ông ấy: Nhìn những
bông hoa loa kèn trên cánh đồng, chúng không làm việc cực nhọc, chúng không lao
động. Chúng không lập kế hoạch cho ngày mai vậy mà chúng cực kì đẹp. Ngay cả
Solomon cũng không đẹp thế khi ông ấy được trang điểm trong mọi bộ quần áo đẹp
và kim cương và đồ trang sức. Cho dù thế ông ấy cũng không đẹp như những bông
hoa loa kèn này trên cánh đồng. Cái gì là bí mật của hoa loa kèn trên cánh đồng?
Chúng sống một cách tự nhiên, chúng nở hoa một cách tự nhiên: không có nỗ lực,
'chúng không làm việc cực nhọc'.
Jesus phải đã nhận được thông
điệp này từ nguồn Đạo nào đó. Có những câu chuyện rằng ông ấy đã du hành tới Ấn
Độ. Có câu chuyện rằng ông ấy thậm chí đã du hành tới Nhật Bản. Có chỗ ở Nhật Bản
mà mọi người nói rằng ông ấy đã tới. Có những câu chuyện rằng ông ấy đã đi tới
Tây Tạng. Nếu ông ấy đã đi tới Nhật Bản và Tây Tạng ông ấy phải đã đi tới biết
cái gì đó, cái gì đó về Đạo; ông ấy phải đã thu thập cái gì đó. Có thể ông ấy
chưa bao giờ đi tới Nhật Bản và chưa bao giờ tới Tây Tạng, có thể đấy chỉ là
kinh nghiệm riêng của ông ấy, ông ấy đã đi tới trong cuộc tìm kiếm bên trong
riêng của ông ấy, nhưng ông ấy là một Đạo nhân - Jesus có thể được tính tới.
Ông ấy là một Đạo nhân, do đó người Do Thái không thể tin được vào ông ấy.
Về nền tảng họ là dân tộc ngụ
trong luật pháp, họ đã sống theo luật: mười điều răn của Moses. Và Jesus nói: Moses
đã cho các ông luật. Ta sẽ cho các ông luật khác và luật cao hơn - luật của
yêu. Nhưng yêu không biết tới luật - ông ấy giở thủ đoạn - yêu bao giờ cũng là
vô luật. Nhưng để thuyết phục người Do Thái, những người cư ngụ trong luật, ông
ấy nói: Ta sẽ cho các ông luật của tình yêu. Luật của tình yêu sao? Đó là mâu
thuẫn trong thuật ngữ: luật không bao giờ yêu, yêu không bao giờ cư ngụ nơi luật
pháp - không thể thế được. Yêu là tự do, luật là tù túng – chúng không bao giờ
đi cùng nhau, không thể gắn chúng lại với nhau được.
Tôi đã nghe....
Một người đi qua nghĩa địa thì
tới một nấm mồ. Có một tảng đá đẹp trên nấm mồ, và ông ấy nhìn và ông ấy đọc,
và nó viết: Nơi đây an nghỉ một luật sư vĩ đại và người yêu vĩ đại. Ông ấy nói
'Không thể được! Làm sao hai người có thể ở trong một nấm mồ? Người yêu? Và luật
sư vĩ đại? Không thể được!'
Jesus đã đem tới tình yêu và
ông ấy đã đem tới tính vô luật lệ, đó là lí do tại sao người Do Thái không thể
tha thứ được cho ông ấy. Ông ấy phải bị trừng phạt: ông ấy đã phá vỡ toàn thể
xã hội. Ông ấy là nguy hiểm, ông ấy thực sự nguy hiểm - rất ít người được sinh
ra trên thế gian mà đã từng nguy hiểm như thế. Ông ấy phá hoại toàn thể cấu
trúc xã hội khi ông ấy nói 'Thượng đế là Tình yêu'; và Thượng đế của người Do
Thái chưa bao giờ yêu. Ngài là Thượng đế rất giận dữ và Thượng đế rất ghen tị,
và ngài sẽ tiêu diệt bạn vì những điều nhỏ bé nếu bạn không tuân theo lời răn của
ngài. Ngài đã tống cổ Adam và Eve ra khỏi vườn Eden vì họ đã không vâng lời.
Yêu tha thứ, yêu biết cách tha
thứ. Tình yêu yêu nhiều tới mức không thể nào giận dữ và phát rồ được. Thượng đế
của người Do Thái đã phá huỷ các thành phố vì những điều nhỏ bé - bởi vì mọi
người vô tính cách hay họ đồng dục. Ngài đã phá huỷ Sodom và Gomorrah, Ngài đã
phá huỷ toàn thể các thị trấn. Ngài làm ngập lụt toàn thế giới! Ngài muốn phá
huỷ toàn thế giới. Ngài không thể rất yêu thương được; ngài có thể công bằng,
nhưng không yêu thương. Và làm sao công bằng có thể yêu được? Công bằng phải
công bằng, yêu là chiều hoàn toàn khác. Người Do Thái trở nên sợ. Jesus đem tới
tự phát, ông ấy đem tới tính vô luật pháp và ông ấy đem tới tính nổi dậy, và
trong dạng trá hình đó mà mọi người thậm chí không nhận biết về điều ông ấy đã
mang tới.
Nếu mọi người chống lại tôi ở Ấn
Độ điều đó là tự nhiên: toàn thể thông điệp của tôi là phá hoại. Jesus nói: Ta
không mang tới hoà bình, ta mang tới chiếc kiếm. Và Jesus nói: Ta đã tới để làm
con trai chống lại cha, và chồng chống lại vợ, và mẹ chống lại con trai, và anh
chống lại em. Ông ấy ngụ ý cái gì? Những mối quan hệ này, cái gọi là 'mối quan
hệ' này, không còn là của tình yêu nữa; chúng chỉ là hình thức. Jesus nói: Chỉ
tình yêu là đủ, bất kì cái gì khác đều sẽ phá huỷ tính tự nhiên của ông. Yêu mẹ
bạn - không phải vì bà ấy là mẹ bạn; yêu bà ấy, để có tình yêu đó, nhưng không
bởi vì bà ấy là mẹ bạn. Làm sao bạn có thể yêu người đàn bà chỉ bởi vì người ấy
là mẹ bạn? Làm sao bạn có thể yêu người đàn bà chỉ bởi vì người ấy là chị bạn?
Bạn có thể hoàn thành nghĩa vụ nhưng nghĩa vụ là xấu.
'Nghĩa vụ' là từ bẩn thỉu -
tránh nó ra! Nó đã phá huỷ tự nhiên, nó đã phá huỷ nhân loại, nó đã không cho
phép con người nở hoa và bừng nở. Không, không có kỉ luật và không có nỗ lực
trong Đạo, chỉ có hiểu biết. Nhớ lấy, để tôi nhắc lại điều đó: chỉ có hiểu biết.
Nỗ lực nghĩa là bạn đã không hiểu đúng – đó là lí do tại sao bạn phải làm nỗ lực.
Nếu tôi nói 'Yêu là đủ' và bạn hiểu tôi, bạn có làm nỗ lực nào không? Chính việc
hiểu đó sẽ đem tới thay đổi. Hiểu biết là cách mạng. Nếu bạn hiểu, yêu là đủ. Nếu
bạn hiểu rằng hoa loa kèn trên cánh đồng là đẹp, nếu bạn hiểu cái đẹp là gì -
là tự nhiên là đẹp - bạn có định làm nỗ lực nào để đạt tới cái đẹp này không?
Làm sao bạn có thể tự nhiên qua nỗ lực được? Để là tự nhiên bạn phải vứt bỏ mọi
nỗ lực. Và bạn sẽ cố bỏ nỗ lực của bạn qua nỗ lực nào đó sao? Thế thì bạn sẽ
lâm vào cùng cái bẫy lần nữa. Nó sẽ không thay đổi bạn đâu.
Nhìn sự kiện này. Nhìn sự kiện
này và để sự kiện ở đó. Để nó thấm vào trong trái tim bạn, để nó chìm vào trong
và bạn thấy rằng chính hiểu biết về sự kiện đã biến đổi bạn. Đột nhiên bạn thấy
rằng bạn là con người hoàn toàn khác, con người cũ đã mất rồi và con người mới
được sinh ra - không có nỗ lực.
Và một điều nữa về điều đó: Đạo
là lười siêu phàm. Nó không tin vào hung hăng, nó không tin vào yếu tố nam
tính. Đạo là nữ tính: thụ động, nhạy cảm. Cố hiểu điều này. Có hai cách để đi tới
chân lí. Một cách là của hung hăng, gần như hãm hiếp. Đó là lí do tại sao tôi
bao giờ cũng nói khoa học đã hãm hiếp: nó hung hăng, nó bó buộc tự nhiên, nó ép
buộc tự nhiên để lộ các bí mật của tự nhiên. Nó rất thô thiển, hoang sơ, bởi vì
người ta phải hãm hiếp chỉ khi người ta không thể yêu. Kẻ hãm hiếp là người
không có khả năng yêu. Nếu bạn có thể yêu người đàn bà, bạn thậm chí có thể
nghĩ tới việc hiếp người đàn bà không? Điều đó thậm chí không tới cả trong mơ của
bạn - điều đó là không thể được. Khi người ta không trong yêu thì hãm hiếp nổi
lên. Bạo hành nảy sinh chỉ khi yêu thất bại, hùng hổ nảy sinh chỉ khi yêu thất
bại. Khoa học là thất bại - thất bại theo nghĩa rằng chúng ta không thể thuyết
phục được tự nhiên. Điều đáng tốt hơn là thuyết phục.
Đạo thuyết phục tự nhiên. Không
có nhu cầu bó buộc; yêu đi, và dần dần tự nhiên để lộ các bí mật của nó cho bạn.
Khoa học cố ép buộc. Bạn đi tới biết sự kiện nào đó nhưng chúng là xấu, chúng
không phát triển đầy đủ, chúng không được sinh ra một cách tự nhiên; và cái gì
đó của bạo hành của bạn cứ vọng đi và vọng lại. Cho nên không phải là ngẫu
nhiên mà khoa học đã dẫn tới ngày một nhiều bạo hành trên thế giới: khoa học là
bạo hành. Chỉ ngẫu nhiên mà khoa học đã lên tới cực điểm trong bom nguyên tử và
khinh khí - chúng là hệ quả tự nhiên của điều đó. Khoa học là bó buộc, và bó buộc
chung cuộc dẫn tới chấm dứt trong bạo hành; và nếu chúng ta không trở nên nhận
biết, khoa học sẽ trở thành tự tử, tự tử vũ trụ. Ngày này hay ngày khác, con
người sẽ tự tử, bởi vì nếu bạn ép buộc tự nhiên một cách bạo hành sẽ có sự dội
lại tương ứng từ nó. Và bạo hành mà bạn làm với tự nhiên sẽ quay lại dồn lên bạn
đấy.
Mọi sự xảy ra theo cách tinh tế
tới mức thỉnh thoảng người ta không nhận biết. Adolf Hitler đã tiêu diệt người
Do Thái ở Đức. Ông ta đã trục xuất Albert Einstein bởi vì ông này là người Do
Thái. Ông ta không bao giờ có thể nghĩ được rằng việc trục xuất một người này
ra khỏi Đức sẽ là chấm dứt toàn thể nỗ lực của ông ấy, sẽ là chấm dứt chủ nghĩa
phát xít. Albert Einstein bị đuổi ra khỏi Đức; ông ấy thăm dò việc sống tị nạn ở
Mĩ, và ông ấy đã viết một bức thư cho Roosevelt hứa hẹn rằng bom nguyên tử có
thể được tạo ra. Chính Albert Einstein đã trở thành phương tiện trong việc tạo
ra quả bom nguyên tử đầu tiên, và chính quả bom nguyên tử đó đã được thả xuống
Hiroshima. Và nó phá huỷ chủ nghĩa phát xít và chế độ Quốc xã, và Adolf Hitler,
và tất cả các giấc mơ của ông ta về cai trị một nghìn năm trên khắp thế giới.
Bây giờ, nếu bạn nhìn lại, việc này dường như rất đơn giản. Ông ấy đã đuổi
Albert Einstein đi, và ông ấy thậm chí đã không thể hình dung ra được rằng việc
đuổi Albert Einstein đi sẽ là chấm dứt của ông ấy. Nếu Albert Einstein mà không
bị đuổi ra khỏi Đức, Hitler có thể đã cai trị toàn thế giới. Nhưng một người Do
Thái bị đuổi ra khỏi nước chẳng có ý nghĩa chút nào trong con mắt ông ấy. Người
Do Thái đó đã chứng tỏ việc hoàn tác của mình: theo cách vòng vo bom nguyên tử
đã được tạo ra.
Cuộc sống được liên nối rất sâu
sắc: bất kì cái gì xảy ra ở đây sẽ có việc dội lại ở kia. Đạo nói: Đừng bao giờ
bó buộc tự nhiên, bằng không tự nhiên sẽ ném mọi bó buộc trở lại lên bạn, và bạn
sẽ bị tiêu diệt. Thuyết phục đi, yêu đi. Và, như Đạo nói đừng bó buộc tự nhiên
bên ngoài, Đạo nói đừng bó buộc tự nhiên bên trong nữa.
Khoa học cố gắng bó buộc tự
nhiên bên ngoài, Yoga cố gắng bó buộc tự nhiên bên trong - cho nên khoa học và
Yoga có thể đi cùng nhau rất tốt; chúng là bạn lữ hành. Einstein có thể đã hiểu
Patanjali rất dễ dàng, và Patanjali có thể đã hiểu Einstein rất dễ dàng. Nhưng
cả Einstein lẫn Patanjali sẽ không có khả năng quan niệm được điều Lão Tử nói.
Ông ấy có vẻ điên, ông ấy có vẻ ngớ ngẩn. Ông ấy đem tới chiều hướng khác toàn
bộ vào thế giới - chiều hướng của nữ tính.
Đàn ông là hung hăng, đàn bà là
cảm nhận. Đàn bà là bụng mẹ: cảm nhận. Lão Tử nói rằng chân lí phải được đón nhận,
không thăm dò. Tìm, và bạn sẽ không bao giờ thấy, Lão Tử nói. Chờ đợi, đợi
trong cởi mở, đợi trong mong manh và bạn sẽ thấy, bởi vì chân lí sẽ tới với bạn.
Mời, và đợi. Yêu, và đợi. Ở trong buông bỏ.
Đó là nghĩa khi tôi nói 'lười
siêu phàm'. Nó là không hoạt động, vậy mà nó không phải là lờ phờ; bất hoạt, vậy
mà đầy toả sáng; không làm gì, nhưng đập rộn ràng với năng lượng. Thực ra, người
không làm gì nên đập rộn rang cùng năng lượng vô cùng, bởi vì người đó không để
năng lượng của mình ở đâu cả; cho nên năng lượng tích luỹ lại: người đó trở
thành bình chứa - toả sáng, sống động, thổn thức, tuôn ra. Trong khoảnh khắc
năng lượng lớn lao đó, cái bất hoạt, chân lí xảy ra - do đó tôi gọi nó là 'lười
siêu phàm'. Người hoạt động đang phá huỷ, làm tiêu tán năng lượng của mình. Người
bất hoạt tích luỹ, cho nên đó không phải là lờ phờ. Người lờ phờ là bất hoạt và
không có năng lượng; người đó bất lực.
Mới vài ngày trước đây tôi đã
nói về Ashtavakra. Vâng, anh ấy đích xác giống như Lão Tử; anh ấy cũng ca ngợi
phẩm chất của lười siêu phàm. Anh ấy gọi nó là alasi shiromani, hoàng đế lười,
nhà vua lười vĩ đại, đỉnh cao nhất của lười biếng. Nhưng nhớ lấy, bất hoạt cộng
với năng lượng, cộng với tính sống động. Và không một nỗ lực riêng lẻ nào phải
được thực hiện, bởi vì trong nỗ lực nhiều năng lượng sẽ bị phí hoài tới mức bạn
sẽ kém rạng ngời.
Và Thượng đế tới với bạn chỉ
khi bạn sống động thế - sống động tối đa, tối ưu... ở đỉnh - tới mức bạn không
thể sống động thêm nữa được. Tại đỉnh đó bạn gặp gỡ điều thiêng liêng. Năng lượng
cao nhất của bạn tới gần chân Thượng đế nhất; năng lượng thấp nhất của Thượng đế
ở gần nhất với năng lượng cao nhất của con người, và có giao cảm. Hiểu Đạo là
đơn giản để hiểu. Kìm nén của bạn giống như bệnh tật, và mọi nỗ lực của bạn đều
không đem được gì tới ngoài kìm nén.
Tôi đã nghe....
Một người bí ẩn thường xuyên được
thấy ở trên bậu cửa của Bảo tàng Thủ đô vào buổi sáng khi mở cửa. Ông ta ăn vận
chỉnh tề, nhưng bao giờ cũng không cạo râu, trông cứ dường như ông ta vừa ra khỏi
giường, chui vào đống quần áo và phô trương cho Bảo tàng. Nhưng một khi vào bên
trong rồi, mọi điều ông ta làm là ngồi trên ghế dài, mở từ The Times ra, và đọc
hàng giờ hay hơn. Một sáng ông ta để ý thấy người gác nhìn mình và nói bằng giọng
gắt gỏng 'Tôi cho rằng ông đang tự hỏi sao tôi tới đây? Tôi đang cố dừng hút
thuốc, và tôi phải ở chỗ nào đó nơi họ sẽ không cho tôi hút thuốc, thấy chưa?'
Ông ta nghiền ngẫm một chốc, rồi khuếch đại giải thích của mình lên. 'Vào sáng
chủ nhật, khi mọi người các ông đóng cửa, tôi phải đi tới nhà thờ đấy.'
Nếu bạn né tránh cái gì đó, kìm
nén cái gì đó, trốn chạy khỏi sự kiện nào đó, cuộc sống của bạn sẽ trở thành hiện
tượng rất xấu. Bạn sẽ không bao giờ có khả năng sống cuộc sống của bạn, bởi vì
bạn sẽ không bao giờ có khả năng thoải mái với bản thân bạn. Vứt mọi cái khó chịu
đi, và nhớ: Thoải mái là phải - không nỗ lực nào được cần. Tôi biết rằng nỗ lực
hấp dẫn nhiều thế, bởi vì nỗ lực là chính việc hoàn thành cho bản ngã; khi bạn
làm nỗ lực bạn cảm thấy bạn đang làm cái gì đó.
Có một câu hỏi, rất có liên quan
tới câu hỏi này. Người hỏi nói 'Khi tôi tới đây, lúc ban đầu tôi là người tìm
kiếm tâm linh lớn lao và tôi làm nỗ lực lớn. Bây giờ tôi trở thành một loại người
duy vật vì bây giờ tôi chẳng làm nỗ lực nào để đạt tới tâm linh, để đạt tới niết
bàn và chứng ngộ, vậy điều gì đã xảy ra cho tôi thế, Osho? Tôi có sa ngã khỏi
ân huệ không?' Bạn đã vươn lên trong ân huệ đấy. Điều bạn tưởng là chủ nghĩa
duy vật mới là tâm linh đúng, và điều bạn tưởng là tâm linh thì chỉ là tham lam
và chủ nghĩa duy vật thôi.
Bạn đã cố gắng để trở nên chứng
ngộ - đó là chủ nghĩa duy vật, bởi vì đó là tham. Có bất kì mục đích nào đều chứng
tỏ là người duy vật; không có mục đích nào mới là tâm linh. Cố gắng đạt tới cái
gì đó chính là tham, là ham muốn, là tham vọng - đó tất cả đều là trò bản ngã.
Vứt tất cả những trò đó đi, và sống ở đây bây giờ, và yêu những điều nhỏ bé của
cuộc sống, là trở thành tâm linh. Đó là khác biệt giữa cái gọi là 'tâm linh
bình thường' và tâm linh mà chính là của Đạo.
Nếu bạn đi và bạn tìm thấy Lão
Tử, Trang Tử hay Liệt Tử, bạn sẽ không có khả năng nhận ra họ; họ sẽ rất bình
thường. Bạn sẽ phải ở cùng họ để cảm. Họ không áp đặt bất kì điều phi thường
nào, họ sẽ không phơi bầy cho bạn phép màu, và họ sẽ không phơi cho bạn siddhis
và quyền năng; họ sẽ là rất bình thường. Là bình thường chính là thông điệp của
Đạo, là bình thường tới mức bạn không có ý tưởng nào để là bất kì cái gì khác,
được mãn nguyện thế, được hài lòng thế.... Ăn, uống, nói, nghe, đi, ngủ, ngồi
trong ánh mặt trời hay dưới trăng. Nhìn cây: những điều nhỏ bé này trở thành
siêu phàm khi bạn nhìn với con mắt mãn nguyện. Khi bạn hạnh phúc, mọi thứ trở
nên cực kì hay, mọi thứ trở nên chói sáng. Điều đó tuỳ vào bạn.
Để tôi nói với bạn rằng khi bạn
tới tôi bạn đã là người duy vật - bạn đã chỉ nghĩ rằng bạn là tâm linh. Bởi vì
bạn rơi vào trong tâm linh, dần dần bạn phải trở nên sợ hãi chút ít - tính tâm
linh của bạn đã đi đâu rồi? Đó là chủ nghĩa duy vật. Đi vào Ấn Độ, và bạn sẽ thấy
rằng trong một trăm cái gọi là mahatmas, chín mươi chín người là người duy vật.
Người duy vật theo nghĩa rằng họ vẫn tham vọng, người duy vật theo nghĩa rằng họ
vẫn khao khát cái gì đó ở kiếp sau: về cõi trời, thiên đường, moksha, niết bàn.
Ham muốn của họ là sống động lắm; thực ra, họ còn ham muốn hơn người thường.
Người thường ham muốn xe hơi lớn
- chẳng nhiều nhặn gì, người đó có thể được tha thứ. Có thể ngu xuẩn đấy, nhưng
không là tội lỗi. Chút ít ngu xuẩn - vậy thì sao? Nhưng ai đó ham muốn cõi trời...
đó là tham lam quá nhiều; cuộc sống vĩnh hằng... đó cũng là tham lam quá nhiều.
Chiếc xe hơi là đồ chơi thôi. Ngôi nhà lớn là đồ chơi. Nhưng cái gọi là 'người
tâm linh' này muốn cái vĩnh hằng cơ: được mãi mãi, người đó muốn phẩm chất bất
tử. Tham vọng của người đó lớn thế, bản ngã của người đó lớn tới mức người đó
không thể được thoả mãn với những điều nhỏ bé. Người đó muốn Thượng đế trong nắm
tay của mình - chỉ thế thì, chỉ thế thì người đó mới có thể cảm thấy rằng vâng,
người đó là ai đó.
Cố hiểu tôi đi. Ở đây tôi đang
cố để mọi sự lộn ngược xuống vì mọi sự đã bị để lộn ngược xuống quá lâu rồi.
Chúng phải được để đúng lại và đó là cách duy nhất. Nếu ai đó đang đứng trên đầu
mình trong nhiều ngày, làm sao để người đó trở lại đúng? Để người đó "lộn
ngược xuống" thì người đó sẽ đứng thẳng lên. Cái gọi là tâm linh không là
gì ngoài chủ nghĩa vật chất được cải trang.
Bạn phải nhìn vào mọi sự. Người
không có ham muốn mới là tâm linh. Người không khao khát về bất kì trò bản ngã
nào là tâm linh. Người không lo nghĩ về kundalini và luân xa và sahasrar, hoa
sen một nghìn cánh mở ra, người đó là tâm linh, người đó có phẩm chất của việc
là người tâm linh. Trong cái bình thường của người đó, người đó là phi thường.
Trong cuộc sống bình thường người đó có tính linh thiêng. Ngay cả phân chia giữa
tâm linh và vật chất cũng là phân chia của người duy vật. Người tâm linh biết
không có phân chia; người tâm linh đơn giản chấp nhận bất kì cái gì đang vậy;
và cái 'đang vậy' này là một. Không có gì giống như tâm linh và duy vật cả - điều
đó lại là phân chia của bản ngã; mọi phân chia đều là của bản ngã. Khi bản ngã
biến mất không có phân chia, có một, thực tại không phân chia. Gọi nó là tâm
linh, gọi nó là vật chất - không thành vấn đề; khi chỉ có một, bất kì cái tên
nào cũng có tác dụng. Nhân danh tâm linh mọi người đã từng bị làm què quặt, bị
phá huỷ, tê liệt.
Ngày xưa, vương tử Lu đi tới gặp
con chim biển đã xuất hiện ở cung cấm của nước đó, và đã đưa nó về nhà thờ tổ.
Đây là chuyện ngụ ngôn Đạo.
Ở đó, một con bò, một con cừu
và một con lợn đã bị làm thịt, và một bữa tiệc được bầy ra trước con chim biển,
trong khi ban nhạc chơi nhạc hội hè được soạn ra dưới dự giám sát của Hoàng đế
Shuen. Tuy nhiên con chim này chỉ đứng nhìn, buồn bã và sầu thảm, từ chối nếm
miếng ăn hay uống một chút nước. Rồi nó chết đói sau ba ngày. Vương tử cho chim
ăn như ông ta cho mình ăn, và ông ta đã không thấy rằng nó đáng phải được đối xử
như con chim chứ không như vua.
Âm nhạc là vô nghĩa với chim,
và bò và cừu và lợn không phải là thức ăn của nó. Ông ta đã giết chết con chim.
Con người đã bị giết chết bởi vì bạn đã bị quyến rũ tới những thứ mà bạn không
được làm ra từ đó. Bạn đã không được cho cơ hội là bản thân bạn, bạn đã bị ai
đó khác thao túng. Mọi ý thức hệ đều ép buộc bạn vào cái gì đó mà bạn phải trở
thành. Đạo nói: Ông đã là cái đó. Không có nhu cầu trở thành - bạn đã là cái đó
rồi. Bạn đã là con người - không có việc trở thành. Bạn đã là cái đó rồi - bắt
đầu sống nó đi.
Thấy ra thông điệp cách mạng
này đi. Không cần cải tiến bản thân bạn, bạn đã là cái bạn có thể là. Bắt đầu
vui mừng trong nó, mở hội, sống đi. Và bạn càng mở hội, bạn càng sống theo cách
tự nhiên, bạn sẽ càng bắt đầu cảm thấy cốt lõi bên trong nhất của bạn. Và trong
cốt lõi bên trong nhất của bản thể bạn là Đạo: nó là bản tính của bạn, Đạo.
Câu hỏi 2
Nhận mạo hiểm có phải là tốt không?
Tốt hay xấu không phải là vấn đề.
Nếu bạn sống động bạn phải nhận mạo hiểm. Sống là mạo hiểm. Chỉ chết là an
ninh, sống chưa bao giờ an ninh - không có an ninh. Các công ti có tên là bảo
hiểm cuộc sống thực sự nên được gọi là bảo hiểm cái chết; trong cuộc sống không
thể có bảo hiểm được. Sống là sống động chỉ bởi vì có mạo hiểm, nguy hiểm - đó
là lí do tại sao có nhiều xúc động thế.
Bạn hỏi 'Nhận mạo hiểm có phải
là tốt không?' Nếu bạn muốn sống động bạn phải nhận mạo hiểm, và bạn càng nhận
mạo hiểm, bạn sẽ càng sống động hơn. Cho nên thực sự bạn đang hỏi 'Sống động có
là tốt không?' Được diễn giải đúng, câu hỏi của bạn sẽ có nghĩa là 'Sống động
có là tốt không?'
Bây giờ, tôi không là kẻ giết
người, và tôi không muốn đầu độc cuộc sống của bạn. Nhiều người đã làm điều đó rồi:
các tu sĩ, các chính khách - họ đang đầu độc cuộc sống của bạn. Họ tất cả đều dạy
bạn sống trong giới hạn; sống theo cách không có mạo hiểm, rằng bạn bao giờ
cũng an toàn và an ninh. Nhưng thế thì bạn chết, thế thì bạn đã trong nấm mồ của
bạn rồi. Và thế thì bạn trở nên khổ và thế thì bạn bắt đầu thấy rằng bạn không
có tình yêu nào, rằng bạn không có hạnh phúc nào, rằng chẳng cái gì xảy ra
trong cuộc đời bạn mà đáng giá trị. Thế rồi bạn bắt đầu cảm thấy không có
nghĩa, không có ý nghĩa; và lí do là ở chỗ bạn né tránh mạo hiểm. Nghĩa tới qua
nguy hiểm, phiêu lưu. Giá trị nảy sinh chỉ khi bạn sống động; giá trị tới qua
tính sống động.
Đức hạnh đơn giản nghĩa là có
phẩm chất của dũng cảm. Dũng cảm là đức hạnh duy nhất. Nếu bạn không sống cuộc
sống của hiểm nguy thế thì tốt hơn cả là tự tử. Thế thì sao làm nặng gánh trái
đất này? Và thế thì sao phải cảm thấy khổ? Thế thì tất cả phỏng có ích gì về
nó? Thế thì khổ của bạn chẳng dẫn đến đâu cả, thế thì khổ của bạn chỉ là đường
mòn trên đó bạn cứ đi mãi.
Nhìn mọi người. Mắt họ đã mất
niềm khao khát cuộc sống, mặt họ giống mặt nạ hơn là khuôn mặt thật. Họ không sống,
họ chỉ giả vờ rằng họ đang sống. Họ hành động, họ không sống. Và thế thì, một
cách tự nhiên, họ đi tới cảm thấy rằng chẳng có nghĩa gì - không nở hoa, không
hương thơm, không điệu vũ, không bài ca nào nảy sinh. Thế rồi họ đi tới tu sĩ để
hỏi, và tu sĩ nói 'Vâng, bài ca là có thể, nhưng nó xảy ra chỉ khi ông chết.
Sau cái chết.' Thế rồi họ đi tới chính khách. Ông ta nói 'Vâng, cuộc sống có thể
có nghĩa chứ, nhưng cấu trúc xã hội phải được thay đổi, cấu trúc kinh tế phải
được thay đổi, toàn thể lịch sử phải được thay đổi. Chủ nghĩa cộng sản phải được
đem vào, chủ nghĩa xã hội phải được đem vào.'
Khi mọi người làm mất nghĩa, tất
nhiên họ bắt đầu hỏi tìm nghĩa ở đâu. Và đây là hai người họ đi tới: tu sĩ và
chính khách - và họ là những người đã đẩy bạn vào trạng thái mà nghĩa đã bị mất.
Bây giờ đây là mưu đồ rất to lớn. Đầu tiên họ phá huỷ khả năng của nghĩa, và thế
rồi, tất nhiên, bạn ở trong tay họ - bạn phải đi và hỏi, và họ chỉ cho bạn con
đường. Nhìn đứa trẻ. Nó có nghĩa. Thỉnh thoảng bạn có quan sát nó không - đứa
trẻ chơi với sỏi trên bờ biển hay chạy tung tăng theo bướm? Ngắm mà xem, nhưng
đừng làm cho nó thành tự ý thức: khoảnh khắc nó trở nên tự ý thức nó không còn
là đứa trẻ nữa. Chỉ quan sát, ẩn ở đâu đó... mê mải, đứa trẻ hoàn toàn mất hút.
Và nó đẹp làm sao! Duyên dáng trên khuôn mặt nó, mầu sắc, vui vẻ, hân hoan, vui
mừng, sống động - dường như nó có cánh, và nó mê mải thế. Trong khoảnh khắc mê
mải đó nó ở gần Thượng đế nhất, nó ở trong Đạo, nó đang trên đường, nó tận hưởng
khoảnh khắc này. Nó cực kì hạnh phúc, hạnh phúc tới mức nó thậm chí không nhận
biết về hạnh phúc, bởi vì chỉ người khổ mới trở nên nhận biết về hạnh phúc. Nó
hạnh phúc thế - ai bận tâm? Nó toàn bộ 'ở trong', tới mức nó không là người
ngoài.
Thế rồi làm một điều: đem chiếc
máy ảnh tới và cố chụp lấy tấm ảnh đứa trẻ đó. Khoảnh khắc nó trở nên nhận biết
rằng ảnh được chụp, mọi vui mừng biến mất. Khuôn mặt nó không còn thực nữa, mặt
nạ đã tới. Mắt nó không còn mê mải nữa - phẩm chất chói sáng không còn đó nữa,
chúng đã trở thành đờ đẫn. Nó không còn năng động; nó trở thành tĩnh tại, cứng
nhắc. Bây giờ nó đã trở nên tự ý thức, bản ngã đã đi vào; với máy ảnh, bản ngã
đã đi vào.
Bây giờ đứa trẻ là xấu. Đó là
lí do tại sao rất khó có bức ảnh đẹp. Người có thể đẹp, nhưng khi bạn đưa người
đó tới hiệu chụp ảnh, đột nhiên cái gì đó đi sai. Bức ảnh chưa bao giờ ra đẹp cả.
Bạn đã bao giờ được thoả mãn với bất kì bức ảnh nào của bạn chưa? Bất kì khi
nào bạn nhìn vào bức ảnh, cái gì đó bị thiếu. Cái gì thiếu? Bạn trở nên tự ý thức,
bạn trở nên nhận biết, bạn bắt đầu biểu diễn. Bạn muốn trông rất hay, hạnh
phúc, mỉm cười; một nhân cách lớn, có từ lực, có duyên... và tất cả lại bị tiêu
hao đi; bạn chỉ là người xấu, chết. Bạn ý thức về máy ảnh và bạn ý thức về những
người sẽ nhìn vào ảnh của bạn. Bạn tự ý thức thế, làm sao bạn có thể đẹp được?
Người liên tục nghĩ liệu có mạo
hiểm nào hay không trở nên tự ý thức tới mức người đó không bao giờ sống. Người
đó trở thành cứng nhắc và đờ đẫn và ngu xuẩn - tầm thường. Quên mọi điều về mạo
hiểm đi. Sống là mạo hiểm rồi. Ngày bạn được sinh ra, một điều trở thành chắc
chắn: rằng bạn sẽ chết. Bây giờ còn mạo hiểm nào hơn có thể có đó?
Mẹ của mẹ tôi là một bà rất
già, và bà ấy bao giờ cũng sợ về tôi. Tôi liên tục đi trong tầu hoả - mười lăm
ngày một tháng tôi ở trên tầu. Và bà ấy bao giờ cũng sợ, và bà ấy sẽ nói 'Có
nhiều tai nạn lắm!' và mọi ngày bà ấy đều nhìn vào báo chí để xem liệu có tai nạn
tầu hoả nào không, máy bay nào đó rơi hay cái gì đó. Và bà ấy thu thập mọi đoạn
cắt, và bất kì khi nào tôi đi, bà ấy sẽ chỉ chúng cho tôi xem. 'Nhìn đây! Biết
bao nhiêu là tai nạn xe hơi, biết bao nhiêu là máy bay và bao nhiêu là tầu hoả
cháy, và biết bao nhiêu người bị chết. Cháu làm gì vậy? Mười lăm ngày đi trên tầu
hoả, máy bay, xe ô tô! Chấm dứt điều này đi!'
Thế là, một hôm, tôi nói với bà
'Bà nghe cháu đây. Bà thực sự quan tâm tới các số thống kế thì bà có biết rằng
chín mươi bẩy phần trăm số người chết trên giường của họ không? Vậy cháu có nên
đứng ngoài giường cả đêm không? Điều đó là mạo hiểm, không có cái gì khác mạo
hiểm hơn là ở trên giường. Chín mươi bẩy phần trăm mọi người phải chết trên giường!
Bà an toàn hơn khi ở trên máy bay - hiếm khi ai đó chết trên máy bay, hiếm khi
chết trên tầu hoả.' Bà phân vân lắm. Bà nói 'Điều đó đúng, nhưng điều đó không
thể làm được - điều đó là không thể được. Vâng, điều đó là đúng.' Kể từ đó, bà
chấm dứt nói chuyện về tai nạn - bà đã hiểu.
Ngày bạn được sinh ra bạn nhận
mạo hiểm lớn nhất mà bạn có thể đã từng nhận. Bây giờ cái chết sẽ xảy ra, cái
chết nhất định xảy ra. Ngày bạn được sinh ra bạn đã tiến một bước vào nấm mồ rồi.
Bây giờ còn mạo hiểm nào lớn hơn mà bạn có thể nhận? Cho dù bạn cứ né tránh mạo
hiểm, bạn sẽ chết, cho nên tại sao không nhận mạo hiểm và sống một cách thực sự
đích thực?
Một người giầu có lần nói với một
người bạn 'Sao có chuyện là mọi người bao giờ cũng chỉ trích tôi vì keo kiệt
trong khi mọi người đều biết tôi đã viết điều khoản để lại mọi thứ tôi có cho từ
thiện khi tôi chết?' 'Thế này' người bạn nói 'Để tôi kể cho anh câu chuyện về lợn
và bò. Một hôm lợn mếu máo với bò về việc nó không được nhiều người ưa chuộng
làm sao. "Mọi người bao giờ cũng nói về tính hiền lành của chị và đôi mắt
tử tế của chị" lợn nói. "Chắc chắn, chị cho sữa và bơ, nhưng em còn
cho nhiều hơn. Em cho thịt xông khói và giăm bông, và em cho lông cứng, và họ
thậm chí còn dầm chân em nữa! Thế mà chẳng ai thích em. Sao nó lại như vậy?"
Bò ngẫm nghĩ một phút và rồi nói "Ừ, có thể là bởi vì chị cho trong khi chị
vẫn còn sống."'
Chết sẽ lấy đi mọi thứ. Thế thì
tại sao lo nghĩ? Thay vì giữ nó cho cái chết đem đi, chia sẻ nó đi - nhận lấy mạo
hiểm. Người keo kiệt là người ngu; mọi thứ sẽ bị lấy đi. Đừng thận trọng thế. Đừng
thận trọng thế; có tinh thần phiêu lưu đi. Vâng, tôi biết thỉnh thoảng bạn có
thể phạm sai lầm, nhưng không gì sai trong nó cả. Thỉnh thoảng bạn có thể đi lạc
lối, nhưng không cái gì sai trong nó cả. Những người có thể đi lạc lối, họ có
thể quay lại; nhưng những người chưa bao giờ đi bất kì đâu, họ chết rồi.
Đừng bao giờ phạm cùng sai lầm
lặp đi lặp lại - điều đó là đúng, phát minh ra sai lầm mới mọi ngày đi. Có tính
sáng tạo vào. Mạo hiểm theo cách thức mới. Và đó là điều tính chất sannyas tất
cả là gì: là mạo hiểm, sống một cách hiểm nguy, sống không an ninh và an toàn.
Sống vô cùng trong tình yêu với cuộc sống là điều tính chất sannyas là gì. Và đừng
trì hoãn nó, bởi vì mọi trì hoãn đều chống lại chính việc thận trọng. Làm nó
ngay bây giờ đi. Nếu bạn đã hiểu được sự việc, để cho nó xảy ra.
Một anh trai ngoan đạo ngồi vào
ghế trước trong buổi giảng lễ sáng chủ nhật. Ngay sau đó anh ta bắt đầu cởi một
giầy ra. Thủ tục bất thường này ở ngay giữa phiên lễ nhà thời làm cho những người
có thể thấy anh ta phải mỉm cười và mất quan tâm một lúc tới bài thuyết giáo.
Nhưng thế rồi anh trai này lại cởi cả tất ra. Điều này gây ra nhiều sao lãng tới
mức người thuyết giảng phải dừng bài nói lại và hỏi anh trai liệu có cái gì bất
thường thành vấn đề không. 'Không,' người gây ngắt quãng nói 'Tôi để ý thấy một
chiếc tất của tôi bị đi lộn ngược trong ra ngoài.' 'Được, này anh trai' ông mục
sư chỉ trích 'anh không thể chờ cho tới khi buổi lễ xong để mà thay được sao?'
'Dạ không, thưa ngài' là lời đáp 'khi tôi thấy tôi sai tôi bao giờ cũng tiến
hành ngay để làm cho nó đúng.'
Điều đó nên là thủ tục: bất kì
khi nào bạn cảm thấy cái gì đó sai, đưa nó về đúng ngay lập tức - đừng trì
hoãn. Nếu bạn chưa bao giờ nhận mạo hiểm nào, nhận nó bây giờ đi, và bạn sẽ giầu
có hơn vì điều đó đấy.
Câu hỏi 3
Thầy nói, biết ơn ai đó khi người đó chấp
nhận tình yêu bạn mang tới - nhưng hạt mầm của tình yêu của tôi hầu hết đã rơi
vào mảnh đất đá sỏi.
Nó là từ Anurag. Thế thì cám ơn
mảnh đất đá sỏi đi!
Câu hỏi 4
Hôm qua thầy nói rằng hiểu biết về cái chết
là cơ sở của tâm lí học phương Đông, và hiểu biết về dục là cơ sở của tâm lí học
phương tây. Xin thầy nói cái gì đó thêm nữa về nó?
Chết là điều lớn nhất sẽ xảy ra
trong cuộc sống; chết là cực đỉnh. Chết phải được hiểu, bởi vì chết là mục đích
của sống: mọi việc sống đều hướng tới chết. Không hiểu chết sẽ thực sự có nghĩa
là không hiểu sống. Nhưng chúng ta đã từng được dạy né tránh sự kiện về cái chết;
chúng ta không nói về nó, chúng ta không nghĩ về nó. Chính ý tưởng này cho sự
rùng mình; run rẩy nảy sinh trong con người và chúng ta muốn được bận rộn ở đâu
đó khác. Khi ai đó chết bạn cảm thấy chút ít bối rối. Có vẻ như đây không phải
là điều được làm - sao người đó phải chết?
Cái chết của bất kì ai cũng đều
đem bạn lặp đi lặp lại tới tình huống rầy rà, và câu hỏi rầy rà nảy sinh trong
con người bạn: 'Một ngày nào đó, mình cũng chết sao?' – và điều đó bạn muốn né
tránh.
Phương Đông đã không né tránh
điều gì. Đó là cái đẹp của tâm lí học phương Đông: Bất kì cái gì vậy, nó là vậy
- và nó phải được nhìn vào. Chết có đấy, cho nên chết phải được nhìn vào, nó phải
được đối diện. Và bạn sẽ thấy rằng người né tránh chết cũng sẽ né tránh cả sống,
vì chỉ có một cách để tránh chết - tránh sống, bằng không sống bao giờ cũng dẫn
bạn tới chết. Bất kì điều gì bạn làm, bạn đều đi tới chết.... Đừng làm gì cả:
cách duy nhất để tránh chết là tránh sống.
Có một cách, bạn có thể xoay xở:
bạn có thể rơi vào cơn mê. Thế thì bạn có thể sống lâu hơn, bởi vì thế thì sẽ
không có tai nạn. Bác sĩ có thể cho bạn các mũi tiêm tĩnh mạch, nuôi bạn qua
truyền dưỡng chất, và bạn có thể nằm trên giường, được bảo vệ, và bạn có thể sống
rất lâu. Bạn có thể sống một nghìn năm, nhưng điều đó sẽ không là sống, điều đó
sẽ là sống thực vật - bạn sẽ là cây cỏ. Nhưng bạn có thể sống lâu.
Có vài người nằm trong các
phòng có điều hoà, ngầm dưới đất ở Mĩ, những người đã chết. Nhưng họ đã làm
chúc thư rằng tiền của họ nên được dùng để bảo vệ thân thể họ, bởi vì có tin đồn
trong giới khoa học rằng trong vòng hai mươi năm nữa sẽ có khả năng làm sống lại
con người. Cho nên họ đã làm ra tài sản uỷ thác từ toàn thể của cải của họ. Điều
đó rất tốn kém - gần mười nghìn đô la mỗi ngày - nhưng thân thể họ được chăm
sóc để cho không cái gì đi sai. Vậy sau hai mươi năm, khi khoa học trở nên có
khả năng làm sống lại họ, họ sẽ được làm sống lại. Bây giờ hai mươi năm này...
và ngay cả sau hai mươi năm khi bạn được làm sống lại, bạn sẽ định làm gì? Bạn
sẽ lặp lại cùng ngu xuẩn mà bạn đã làm trước đây. Bạn sẽ lại bắt đầu săn đuổi
đàn bà, và cạnh tranh ở chợ, và thu xếp tiền bạc để chết đi và lại được bảo vệ.
Tất cả những điều đó phỏng có ích gì?
Con người sợ chết thế. Phương
Đông nói rằng chết phải được nhìn tận mắt, chết phải được nhìn vào thực sâu. Nếu
bạn có thể nhìn, nếu bạn có thể đương đầu với chết, trong chính việc đương đầu
đó bạn siêu việt lên trên chết. Bạn đi tới biết rằng có yếu tố nào đó trong bạn
mà ở ngoài chết. Tránh chết, bạn vẫn còn dưới kiểm soát của chết: đối diện chết,
bạn siêu việt lên trên chết. Chúng ta chưa bao giờ nghĩ về cái chết riêng của
chúng ta. Bất kì khi nào chúng ta nghĩ, nó bao giờ cũng là cái chết của ai đó
khác: chết nghĩa là chết của ai đó khác - ABC - không bao giờ là chết của bạn.
Finklestein tranh cãi với người
bán hàng. 'Tôi không muốn tôi phải mua trứng của ông' anh ta la lên. 'Khách sạn
của tôi sẽ cháy và tôi sẽ không mua chúng. Vợ tôi sẽ chết và tôi sẽ không mua
chúng. Con tôi sẽ nghẹt thở và tôi sẽ không mua chúng.' Người bán trứng bắt được
tinh thần của luận cứ này và nói 'Ông sẽ bị mù và mua một cái hòm.' 'Nghe đây,'
Finklestein thận trọng 'bỏ tôi ra khỏi nó.'
Bất kì khi nào bạn nói về chết,
nguy hiểm, bạn bao giờ cũng bỏ bản thân bạn ra ngoài nó. Đấy không phải là cách
để đương đầu, đấy không phải là cách để đối diện với thực tại và chân lí của cuộc
sống. Nếu chết có đó, chết có đó - phỏng có ích gì mà tránh nó? Nhìn vào nó đi.
Bạn càng nhìn sớm, càng tốt. Phương Đông nói rằng bằng việc nhìn sâu vào chết,
bạn siêu việt lên trên chết; đột nhiên, bạn trở nên nhận biết rằng người có thể
nhìn vào trong chết là ở bên ngoài chết.
Thiền sâu đem bạn tới khoảnh khắc
của chết một cách tự nguyện và có ý thức. Thiền là cái chết: người ta chết và lại
được tái sinh. Người ta chết từ thế giới của hiện tượng, và người ta được sinh
ra trong thế giới của các vật trong bản thân nó. Người ta chết đi cái tạm thời,
và người ta được sinh ra trong cái vĩnh hằng. Khi bạn quay về từ cực lạc sâu
trong thiền, toàn thể cuộc sống của bạn được biến đổi. Thế thì bạn sống không sợ
hãi, vì không có chết. Nhưng từ chính thời thơ ấu chúng ta làm cho mọi người sợ.
Từ chính thời thơ ấu mọi người đều tự bảo vệ mình - chúng ta thậm chí còn làm bẩn
tâm trí trẻ con.
Một chủ nhật tại vườn bách thú,
Bill và bố nó dừng lại trước chuồng sư tử.
'Đây là vua của các loài vật' bố
nó nói.
'Sao bố gọi nó là thế, hả bố?'
'Này, nó là con lốm đốm to. Nó
có thể đánh bất kì con vật nào khác. Nó là kẻ ăn thịt người thực nữa.'
'Bố ngụ ý nó ăn cả bố nữa sao?'
cậu bé hỏi.
'Bố đoán nó ăn đấy - nếu nó xổng
ra.'
Bill nghiên cứu con sư tử với sự
quan tâm. Cuối cùng, nó quay sang và nhìn lên bố nó.
'Bố ơi' cậu thì thào 'nếu nó mà
ra, con phải lấy xe bus nào để về nhà?'
Không ai nghĩ, thậm chí cả trẻ
em cũng không nghĩ, rằng chết sẽ không chừa lại người đó - người đó sẽ được chừa
ra khỏi điều đó. Sư tử sẽ bắt bố đi và nó sẽ phải đi về nhà, cho nên 'xe bus số
mấy?'
Có cái gì đó trong tâm trí con
người giữ tránh xa khỏi chết, và có lí do trong nó, có nguyên nhân, bởi vì tâm
trí sẽ chết. Bạn sẽ không chết. Nhưng đừng hiểu lầm tôi. Khi tôi nói bạn sẽ
không chết, tôi nói về cái gì đó bên trong bạn cái mà bạn không nhận biết tới.
Tâm trí bạn sẽ chết. Điều đó tất cả các bạn đều đã biết về bản thân bạn, và cho
dù bạn không biết một cách toàn bộ, chỉ một mảnh mẩu của tâm trí bạn biết. Tâm
trí bạn sẽ chết, tâm trí bạn không vĩnh hằng: nó là hiện tượng thời gian, nó được
sinh ra và nó chết đi.
Thân thể bạn sẽ chết: nó là thứ
được xây dựng lên; nó là sự gặp gỡ của bố bạn và mẹ bạn; nó là ngẫu nhiên.
Nhưng bạn, bạn tồn tại trước khi bố và mẹ bạn đã từng gặp nhau, và bạn sẽ tồn tại
khi thân thể bạn đã đi vào trong đất - biến mất, 'cát bụi về với cát bụi'. Bạn
sẽ tồn tại. Nhưng điều đó bạn, bạn còn chưa biết.
Phương Đông nói: Yếu tố đó có
thể được biết tới chỉ khi bạn đương đầu với chết, khi bạn đối diện với chết,
khi bạn chấp nhận thách thức của chết. Thế thì bạn sẽ thấy rằng sâu bên dưới,
thân thể mất đi, tâm trí mất đi, bản ngã mất đi. Và nếu bạn vẫn còn dũng cảm và
cứ đối diện với sự kiện này, bạn sẽ đi tới một khoảnh khắc mà đột nhiên bạn sẽ
thấy rằng mọi thứ đều mất đi và vậy mà bạn có đấy. Và đây là thực tại của bạn.
Đây là câu trả lời cho câu hỏi 'Tôi là ai?'
Câu hỏi 5
Trở thành sannyasin là hấp dẫn. Nhưng bây
giờ tôi còn tham gia sâu sắc với Arica. Tôi yêu Oscar lắm. Mâu thuẫn sẽ là yêu
thương và phục vụ cho hai thầy. Làm sao giải quyết được nó?
Khi có liên quan tới tôi thì
không có vấn đề gì - bạn nên hỏi Oscar.
Tôi không ghen tị. Bạn có thể
yêu tôi, và bạn có thể yêu cả nghìn lẻ một thầy - không có vấn đề gì. Thực ra,
toàn thể nỗ lực của tôi ở đây là để làm cho bạn rơi vào trong tình yêu với Lão
Tử, Trang Tử, Liệt Tử, Phật, Krishna, Christ, Gurdjieff, Krishnamurti, Ramana,
Ramakrishna - nghìn lẻ một người. Tôi không ghen tị. Tôi bao la, tôi có thể chứa
tất cả những tình yêu của bạn; cho nên khi có liên quan tới tôi, không cần phải
lo nghĩ. Nhưng trước khi quyết định bất kì cái gì, bạn nên hỏi Oscar, bởi vì
tôi có cảm giác rằng anh ấy ghen.