Read more
Osho – Bồ Đề Đạt Ma: Thiền sư vĩ đại nhất
Chương 12. Mọi đau khổ đều là hạt mầm phật
Điều nói sau đây được chứng kiến trong Đạo. Nó ở bên ngoài tầm hiểu biết của a la hán và người hữu tử.
Khi tâm trí đạt tới niết bàn, ông không thấy niết bàn. Bởi vì tâm trí là niết bàn. Nếu ông thấy niết bàn ở đâu đó bên ngoài tâm trí, ông đang tự lừa dối mình.
Mọi đau khổ đều là hạt mầm phật. Bởi vì đau khổ thúc đẩy tìm kiếm trí huệ. Nhưng ông chỉ có thể nói rằng đau khổ làm phát sinh phật tính. Ông không thể nói rằng đau khổ là phật tính. Thân thể và tâm trí ông là cánh đồng. Đau khổ là hạt mầm, trí huệ là chồi và phật tính là hạt thóc.
... Khi ba chất độc hiện diện trong tâm trí ông, ông sống trong mảnh đất của ô uế. Khi ba chất độc thiếu vắng trong tâm trí ông, ông sống trong mảnh đất của thuần khiết.
... Không có ngôn ngữ nào mà không trong Pháp. Nói cả ngày mà không nói gì là Đạo. Im lặng cả ngày mà vẫn nói điều gì đó không phải là Đạo. Do đó, việc nói của như lai không phụ thuộc vào im lặng, mà im lặng của ông ấy cũng không phụ thuộc vào việc nói. Việc nói của ông ấy không tồn tại bên ngoài im lặng của ông ấy. Những người hiểu cả việc nói và im lặng là trong samadhi. Nếu ông nói khi ông biết, việc nói của ông là tự do. Nếu ông im lặng khi ông không biết, im lặng của ông là bị trói buộc. Ngôn ngữ về bản chất là tự do. Nó không liên quan gì với gắn bó. Và gắn bó không liên quan gì tới ngôn ngữ.
Bồ đề đạt ma là một mỏ vàng ròng, ngoại trừ hai điểm mà theo đó ông ấy cứ liên tục khăng khăng. Ông ấy là một người được lắng nghe, được hiểu, được hấp thu sâu sắc vào trong tim bạn tới mức có thể được. Nhưng hai điểm này cần phải ghi nhớ.
Tôi đã từng tự hỏi tại sao không người đương đại nào với Bồ đề đạt ma chỉ ra hai khiếm khuyết này. Điều duy nhất tôi có thể nghĩ tới là ở chỗ Bồ đề đạt ma là một cá nhân quá mạnh mẽ, quá lôi cuốn, đến mức ở trước ông ấy mọi người phải cảm thấy hoàn toàn im lặng. Quyền năng của ông ấy phải đã tràn ngập khắp; bằng không thì các khiếm khuyết rõ ràng đến mức không thể nào mà không ai để ý tới chúng được.
Bản thân ông ấy đã đạt tới việc nở hoa tối thượng của mình; ông ấy đã về tới nhà. Mối quan tâm của ông ấy không còn là trên đường đi ông ấy đã đi lạc lối vài lần - ông ấy bao giờ cũng quay lại. Có câu ngạn ngữ cổ phương Đông rằng nếu ai đó đi lạc lối buổi sáng và trở về nhà buổi tối, người đó không nên bị coi là lạc.
Và điều rất tự nhiên cho những người tự phát là thỉnh thoảng đi lạc lối, bởi vì họ không theo lối mòn làm sẵn. Họ không giống như tầu hoả, liên tục đi trên cùng đường ray. Họ giống nhiều với dòng sông hoang dã - không bản đồ nào, không hướng dẫn nào. Dòng sông phát sinh xa xôi trong rặng Himalayas và bắt đầu cuộc hành trình của nó trong núi non, trong thung lũng, trong đồng bằng, di chuyển liên tục theo đường này đường nọ. Nhưng cuối cùng nó rơi vào trong đại dương. Và ai quan tâm, khi người ta đã tới đại dương, rằng trên đường có vài bước không cần thiết, đáng ra có thể tránh được.
Một khi một người đã đạt tới người đó gần như quên hết, trong lễ hội của mình, cả cuộc hành trình dài, việc tìm kiếm lâu dài hướng tới tự nhận ra. Có lẽ đó là lí do tại sao Bồ đề đạt ma không thể nào thấy hai khiếm khuyết đơn giản này. Ngoại trừ hai khiếm khuyết này, mọi lời ông ấy đều tuyệt đối chân thành và đích thực. Nó không phải là lời của tri thức; nó là thổ lộ của hồn nhiên. Ông ấy không nói, ông ấy đang phô bầy toàn thể bản thể ông ấy cho bạn.
Nhưng tôi phải cảnh báo cho bạn về hai điểm đó. Một là đối kháng liên tục của ông ấy với a la hán. Và hai là... Ngay lúc ban đầu tôi cứ nghĩ đấy phải là lỗi của đệ tử, người ghi lại lời này, nhưng nó cứ liên tục lặp đi lặp lại thế này đến mức có mọi khả năng đấy không phải là lỗi của đệ tử: ông ấy đã dùng từ ‘tâm trí’ theo cách sai.
Bởi vì trong tiếng Anh chỉ có một từ, các nhà Thượng đế học và các nhà khoa học Ki tô giáo đã xoay xở một phương cách nào đó: với tâm trí người thường họ dùng chữ m nhỏ, còn với tâm trí vũ trụ, tương đương với vô trí, họ dùng chữ M hoa. Chắc chắn tâm trí vũ trụ không phải là tâm trí của bạn. Khi có liên quan tới bạn, tâm trí của bạn đã biến mất và bạn đã đi vào trong trạng thái của vô trí. Về những điểm này tôi sẽ sửa lại lời kinh của ông ấy. Tôi không thể cho phép một phát biểu hay như vậy về chân lí thậm chí có một vết nhơ nhỏ.
Lời kinh:
Điều sau đây được chứng kiến trên Đạo.
Ông ấy đang nói rằng lời kinh đi sau đây không phải là quan điểm triết lí của ông ấy; chúng là kinh nghiệm của ông ấy trên con đường đạo. Điều sau đây được chứng kiến trên Đạo: Ta sẽ chỉ nói điều ta đã chứng kiến. Đấy không phải là niềm tin của ta, đấy không phải là học thuyết của ta, đấy không phải là giáo điều của ta. Đấy là kinh nghiệm tuyệt đối không thể nghi ngờ của ta. Nó có thẩm quyền bản chất của nó. Bất kì ai đi theo đạo sẽ tìm thấy cùng những lời kinh này mở ra cánh cửa của chúng, bí mật của chúng, hương thơm của chúng cho khách lữ hành, nếu người đó đang đi theo đường phải.
Những lời kinh này có thể được dùng như một tiêu chuẩn. Nếu không điều gì xảy ra cho bạn, điều đó có nghĩa là bạn không trên con đường phải. Thế thì dòng sông của bạn đã đi vào trong sa mạc nào đó, nơi nó có thể bị mất hút mà không đạt tới đại dương.
Ông ấy tiếp tục nói, Nó ở bên ngoài tầm hiểu biết của a la hán và người hữu tử.
Tôi phải sửa lại cho ông ấy. Ông ấy cần một người như tôi. Nó không ở bên ngoài tầm hiểu biết của a la hán. Nó chắc chắn ở bên ngoài tầm hiểu biết của cái gọi là thánh nhân và người hữu tử, những người vẫn sống với ý tưởng rằng cuộc sống này là tất cả và rằng với cái chết mọi thứ đều chấm dứt... đây là người hữu tử. Cái gọi là thánh nhân, ý đồ của họ không thể nào bị hoài nghi, là người chân thành, nhưng họ đã rơi vào con đường sai. Họ đã trở thành tín đồ, kẻ bắt chước. Họ có ý tưởng trong tâm trí mình do xã hội gieo cấy vào, theo truyền thống, và họ đang cố gắng theo đủ mọi cách để hoàn thành các ý tưởng đó, biết rõ mười mươi rằng vị phật chỉ được sinh ra một lần.
Không bao giờ sẽ có một người khác như Phật Gautam. Có thể có nhiều chư phật, nhưng mỗi vị phật sẽ có phát biểu riêng của mình, tính cá nhân riêng của mình, cách biểu hiện riêng của mình. Người đó sẽ không phải là bản sao đúng của Phật Gautam. Mọi bản sao đúng, sau rốt, đều là bản sao. Chúng không có cái đẹp của bản gốc. Và mọi người cứ theo giới luật do kinh sách đưa ra. Những giới luật đó là chết. Cũng hệt như bạn sẽ tìm thấy trong kinh sách những hoa hồng đẹp, khô queo - chết. Mọi người kẹp giữ chúng trong Kinh Thánh linh thiêng, Koran linh thiêng, trong Gita linh thiêng, nhưng chúng không còn sống gì nữa.
Tôi có một vườn đẹp - tôi bao giờ cũng có vườn đẹp tại bất kì đâu tôi sống - và có hai ngôi đền gần đó, và những người tôn thờ trong các ngôi đền này sẽ đơn giản tới vườn tôi và bắt đầu hái hoa để thờ thượng đế. Ở Ấn Độ tuyệt đối không thể nào ngăn cản ai đó khi người đó hái hoa để thờ thượng đế. Tôi phải đặt một biển báo ngay trước vườn nhà mình rằng ngoại trừ những người tôn giáo, mọi người đều được phép hái hoa. Những người tôn thờ rất choáng. Như một nhóm, họ đem tới gần như một đại diện, nói, “Ông là loại người gì thế này? Người tôn giáo không bị ngăn cản hái hoa tại mọi nơi khác, bởi vì những hoa này sẽ được đem đi cúng dường cho thượng đế.”
Tôi nói với họ, “Những hoa trong vườn này đều đã được cúng dường cho Thượng đế, và tôi sẽ không cho phép hoa của Thượng đế, vẫn đang sống và nhảy múa trong gió và trong ánh mặt trời, bị phá huỷ bởi các ông, những kẻ ngu ngốc. Những hoa này là các thượng đế sống còn các ông định phá huỷ cuộc sống của chúng cho thượng đế chết của các ông. Đó là lí do tại sao tôi đã làm điều đó rõ ràng trên biển báo: ngoại trừ những người tôn giáo, bất kì ai cũng có thể hái hoa. Nếu ai đó muốn tặng hoa cho bạn gái hay bạn trai, họ hoàn toàn được hoan nghênh. Những hoa này là thiêng liêng, và có lẽ chúng cũng có thể biến đổi tình yêu của chúng thành chuyện thiêng liêng. Nhưng một điều là chắc chắn; ít nhất họ sẽ tặng hoa cho ai đó đang sống. Các ông định tặng chúng cho bức tượng chết, cho đá. Điều này không thể tha thứ được.”
Cái gọi là các thánh nhân vớ được giới luật, kỉ luật, từ kinh sách. Họ giống như hoa chết, già cỗi hàng nghìn năm, khô héo. Chúng không có hương thơm gì nữa.
Điều gì đó rất có ý nghĩa là ghi nhớ, rằng mọi kỉ luật đều là một phương sách do một thầy sống đưa ra. Mọi giới luật đều là một sách lược nào đó do thầy sống đưa ra; không có thầy mọi phương sách, giới luật, chỉ thị đều trở thành chết. Thế thì bạn có thể cứ tuân theo chúng với sự chân thành tuyệt đối, nhưng chúng sẽ chỉ đem tới hành hạ và khổ sở cho bạn mà không gì khác. Đi theo người chết, bạn cũng sẽ dần dần trở thành chết. Cái gọi là thánh nhân của bạn gần như chết, khô héo. Họ đã mất tiếp xúc với cuộc sống. Họ đã tạo ra cả nghìn lẻ một rào chắn giữa bản thân họ và sự tồn tại và những rào chắn này họ gọi là kỉ luật, khổ hạnh, thực hành tôn giáo.
Tôi có thể coi những lời kinh này là vượt ra ngoài tầm nhận biết của những người đó - cái gọi là thánh nhân và người hữu tử bình thường, người không nhận biết về tính bất tử của mình. Nhưng chúng không phải là ở bên ngoài tầm nhận biết của a la hán. A la hán là tuyệt đối trên cùng chiều cao như bất kì bồ tát nào. Bồ tát không có gì nhiều hơn a la hán có cả. Họ đã đi theo những con đường khác nhau, từ các hướng khác nhau, nhưng họ đều đã đạt tới cùng một đỉnh. Đỉnh bao giờ cũng chỉ một; đường dẫn bạn tới nó có thể hàng nghìn.
Khi tâm trí đạt tới niết bàn...
Đó là sai lầm thứ hai của ông ấy, bởi vì tâm trí không bao giờ đạt tới niết bàn cả. Thực ra, tâm trí không thể nào thậm chí quan niệm nổi ý tưởng về niết bàn. Niết bàn... chính từ này có nghĩa là việc dừng lại của tâm trí, nó là triệt tiêu của tâm trí. Nghĩa thực tế của từ niết bàn sẽ giúp bạn hiểu: theo đúng từ, nó có nghĩa là “thổi tắt chiếc nến.” Tâm trí chỉ là chiếc nến nhỏ với ngọn lửa nhỏ của nhận biết, nhưng thậm chí ngọn lửa nhỏ đó có thể gây hại vô cùng.
Tôi sẽ kể cho bạn một sự kiện trong cuộc sống của Rabindranath Tagore. Bố ông ấy là một điền chủ lớn. Bất động sản của họ bao gồm hàng trăm thành phố và hàng nghìn dặm, và có một dòng sông đẹp chảy qua ruộng đất của họ. Rabindranath thường hay đi trên chiếc nhà thuyền nhỏ của mình và sống hàng tháng trên dòng sông đẹp đó, được bao quanh bởi rừng rậm, trong im lặng và một mình tuyệt đối. Một đêm trăng, chuyện xảy ra: ông ấy đang đọc một đóng góp rất có ý nghĩa cho triết học về thẩm mĩ, của Croce.
Croce có lẽ là triết gia có ý nghĩa nhất, người đã nghĩ về cái đẹp. Công trình của cả đời ông ấy liên quan tới việc tìm ra nghĩa của cái đẹp - không phải chân lí, không phải cái thiện. Mối quan tâm độc nhất của ông ấy là với cái gì là đẹp. Ông ấy nghĩ nếu chúng ta có thể tìm ra cái gì là đẹp chúng ta đã tìm thấy cái gì là đúng, bởi vì chân lí không thể xấu được, và chúng ta đã tìm ra cái gì là thiện, bởi vì cái đẹp không thể ác được. Một quan niệm đẹp... và với nền tảng này ông ấy đã làm việc cả đời để tìm ra từ các góc độ khác nhau cái đẹp là gì.
Bản thân Rabindranath là người tôn thờ cái đẹp. Ông ấy đã sống một cuộc sống rất đẹp và thẩm mĩ. Ông ấy không chỉ sáng tạo ra bài thơ hay, mà bản thân cuộc sống của ông ấy đã là một bài thơ hay. Ông ấy là một người rất duyên dáng.
Vào đêm trăng tròn đó với một chiếc nến nhỏ trong chiếc nhà thuyền của mình, ông ấy đã đọc Croce. Vào giữa đêm, mệt mỏi từ những biện luận rất rắc rối của Croce, ông ấy gập sách lại và thổi tắt nến. Ông ấy định lên giường đi ngủ, nhưng một phép màu xảy ra. Khi ngọn lửa nhỏ của chiếc nến biến mất, từ mọi cửa sổ và cửa ra vào của chiếc nhà thuyền nhỏ, trăng ló vào nhảy múa. Trăng tràn ngập ngôi nhà với sự rực rỡ của nó.
Rabindranath vẫn còn im lặng một lúc... đó là kinh nghiệm thiêng liêng thế. Ông ấy ra khỏi nhà, và trăng đẹp mênh mông trong cái đêm im lặng đó giữa những cây cối im lặng kia, với dòng sông chảy chậm đến mức không có tiếng động. Ông ấy viết vào nhật kí của mình sáng hôm sau, “Cái đẹp tất cả ở quanh tôi, nhưng chiếc nến nhỏ đã ngăn cản nó. Bởi vì ánh sáng của chiéc nến, ánh trăng không thể vào được.”
Đây đích xác là nghĩa của niết bàn. Ngọn lửa nhỏ của bản ngã của bạn, ngọn lửa nhỏ của tâm trí của bạn và ý thức của nó, đang ngăn cản toàn thể vũ trụ không cho đổ xô vào bạn; do đó mới có từ niết bàn - thổi tắt chiếc nến và để cho toàn thể vũ trụ thấm nhuần vào bạn từ mọi ngóc ngách và xó xỉnh. Bạn sẽ không phải là người mất. Lần đầu tiên bạn sẽ thấy kho báu bất tận của cái đẹp, của điều thiện, của chân lí - của tất cả những cái có giá trị. Do đó, tâm trí không thể nào được nói là đạt tới niết bàn; chỉ vô trí tương đương với niết bàn.
Vô trí không cần đạt tới niết bàn. Vô trí là niết bàn.
Bồ đề đạt ma nói - tôi đang sửa lại ông ấy - Khi vô trí đạt tới niết bàn, ông không thấy niết bàn... bởi vì bạn không tách biệt khỏi niết bàn. Bạn chỉ có thể thấy cái gì đó tách rời khỏi bạn. Bạn là một với nó; do đó không có khả năng thấy nó. Bởi vì vô trí là niết bàn. Nếu ông thấy niết bàn ở đâu đó bên ngoài vô trí, ông đang tự lừa dối mình. Nói tóm lại, tâm trí là thế giới và vô trí là tự do khỏi thế giới. Tâm trí là khổ và vô trí là kết thúc của khổ và bắt đầu của cực lạc.
Mọi đau khổ đều là hạt mầm phật. Đây là một khẳng định rất quan trọng về phần Bồ đề đạt ma. Mọi đau khổ đều là hạt mầm phật. Bởi vì đau khổ thúc đẩy tìm kiếm trí huệ. Nhưng ông chỉ có thể nói rằng đau khổ làm phát sinh phật tính. Ông không thể nói rằng đau khổ là phật tính.
Bertrand Russell, trong bản tự truyện của mình, có một phát biểu rất sâu sắc. Ông ấy nói, “Nếu khổ trên thế giới này chấm dứt, mọi tôn giáo sẽ chấm dứt theo cách riêng của nó. Chính khổ giữ cho tôn giáo sống.” Ông ấy đang nói từ một góc độ rất khác. Ông ấy là người vô thần; ông ấy muốn mọi tôn giáo đều biến mất.
Tôi không phải là người vô thần. Tôi cũng muốn mọi tôn giáo biến mất nhưng với một lí do khác. Ông ấy muốn các tôn giáo biến mất bởi vì ông ấy nghĩ tôn giáo đã có hại cho tiến hoá của con người. Tôi muốn tôn giáo biến mất để cho tính tôn giáo có thể có toàn thể không gian mà các tôn giáo đã chiếm giữ. Các tôn giáo đã làm hại cho tiến bộ của tính tôn giáo, và với tôi, tính tôn giáo là bông hoa cao nhất của tiến hoá.
Bồ đề đạt ma là đúng khi ông ấy nói rằng thậm chí đau khổ cũng phải được chấp nhận một cách biết ơn, bởi vì nó chính là hạt mầm của phật. Nếu không có đau khổ, bạn sẽ không bao giờ đi tìm chân lí. Chính đau khổ cứ thúc đẩy bạn vượt ra ngoài nó. Chính phiền não và cơ cực cuối cùng bắt buộc bạn phải tìm kiếm con đường vượt ra ngoài đau khổ và cơ cực, tìm ra con đường đạt tới phúc lạc và tới vui vẻ vĩnh hằng.
Bồ đề đạt ma đang nói: Đừng đối nghịch với đau khổ; thậm chí cảm thấy biết ơn đau khổ đi. Đó là một ý tưởng vĩ đại. Cảm thấy biết ơn đau đớn, khổ, tuổi già, cái chết, bởi vì tất cả những điều này đang tạo ra tình huống cho bạn để tìm chân lí. Bằng không bạn sẽ rơi vào giấc ngủ; bằng không bạn sẽ thoải mái thế, bạn sẽ trở thành người sống cuộc đời tẻ nhạt. Sẽ không có nhu cầu... Đau khổ tạo nên nhu cầu cho tìm kiếm.
Thân thể và tâm trí ông là cánh đồng. Đau khổ là hạt mầm, trí huệ là chồi và phật tính là hạt thóc.
Trong tổng hợp này ông ấy đang tính công trạng cho thân thể bạn, cho tâm trí bạn, cho đau khổ. Ông ấy đang tính tới cả toàn thể cuộc sống của bạn. Ông ấy không phủ nhận cái gì về đóng góp của nó. Ông ấy rất công bằng.
Thân thể và tâm trí ông là cánh đồng. Đau khổ là hạt mầm, trí huệ là chồi và phật tính là hạt thóc.
Đây là cách thức của người nhìn cuộc sống như một đơn vị hữu cơ. Cái gọi là các tôn giáo đã mất tiếp xúc với người sáng lập sống của họ, đang chống lại thân thể. Họ hành hạ thân thể, thay vì biết ơn thân thể bởi vì nó chính là cánh đồng, nó chính là ngôi đền trong đó vị phật phải được khám phá ra. Mọi đau khổ, cơ cực không bị lên án bởi một người như Bồ đề đạt ma. Ông ấy nói nó nữa cũng đóng vai một phần. Nó giữ cho bạn thức tỉnh. Nó giữ cho bạn thường xuyên tỉnh táo, khêu gợi bạn và thách thức bạn để tìm ra con đường có thể dẫn bạn vượt ra ngoài nó.
... Khi ba chất độc hiện diện trong tâm trí ông, ông sống trong mảnh đất của ô uế. Khi ba chất độc thiếu vắng trong tâm trí ông, ông sống trong mảnh đất của thuần khiết.
Cho nên thực ra, cõi trời và địa ngục là không tách rời nhau; chúng xảy ra trong cùng cuộc sống. Chỉ cấu trúc phải thay đổi. Nơi có ba chất độc của tham lam, giận dữ và ảo tưởng, bạn đã tạo ra địa ngục bên trong mình. Khoảnh khắc bạn vứt bỏ những chất độc tham lam, giận dữ và ảo tưởng đó, cái thực sự thiết lập nên tâm trí bạn - khoảnh khắc bạn đã vứt bỏ tâm trí, chính bản thể bạn trở thành bản thân cõi trời.
Ý tưởng lan tràn khắp trên thế giới là ở chỗ những người tốt một ngày nào đó sau cái chết sẽ đi vào cõi trời, và những người xấu một ngày nào đó sau cái chết sẽ đi vào địa ngục. Ý tưởng đó tuyệt đối sai. Người tốt đã vào cõi trời rồi - không cần phải đợi tới cái chết. Cõi trời không ở đâu đó khác. Nó chỉ là biến đổi riêng của bạn. Cùng năng lượng là giận dữ nay trở thành từ bi, cùng năng lượng là tham lam nay trở thành chia sẻ, cùng năng lượng là ảo tưởng nay trở thành nhận biết. Năng lượng này là một, chỉ hướng của nó thay đổi.
Đổi chiều hướng của năng lượng của bạn, tạo ra bản giao hưởng mới từ năng lượng của bạn, là toàn bộ nghệ thuật của tôn giáo. Bất kì ai thuyết giảng bất kì điều gì khác xem như tôn giáo bản thân người đó là mù và dẫn người mù khác trong đêm tối. Họ tất cả đều sẽ ngã xuống giếng đâu đó chỗ này khác.
Con người đã được tự nhiên cho đủ mọi thứ. Nếu năng lượng được đặt đúng, con người trở thành vị phật. Nếu năng lượng đó không hài hoà và bạn không thể tạo ra được dàn nhạc từ năng lượng đó, cuộc sống của bạn sẽ trở thành địa ngục. Bạn là không gian nơi cả cõi trời và địa ngục đều có thể. Chỉ chút ít nhận biết và bạn có thể biến đổi địa ngục thành cõi trời. Chỉ chút ít thay đổi, hơi chút sắp xếp lại khác đi... nhưng đấy là cùng năng lượng; không cái gì phải thêm vào bạn, không cái gì phải xoá đi khỏi bạn.
Đây là một trong những sáng suốt vĩ đại nhất có thể có. Nó làm cho con người thành người chủ của cuộc sống riêng của mình. Nếu người đó đang sống trong địa ngục, người đó nên nhận trách nhiệm lên đôi vai riêng của mình. Người đó không nên nói, “Đấy là ý chí của Thượng đế.” Người đó không nên nói, “Đấy là định mệnh của tôi, số phận của tôi, số mệnh của tôi.” Người đó nên nói, “Đấy là vô ý thức của tôi, đấy là tôi.”
Khoảnh khắc bạn nhận lấy trách nhiệm lên đôi vai riêng của mình, khả năng là bạn sẽ bắt đầu thay đổi - bởi vì không ai khác đưa bạn vào địa ngục cả. Bạn không phải chờ đợi bất kì ai tới thay đổi bạn, tới cứu bạn. Bạn đơn giản có thể bắt đầu quan sát năng lượng của riêng mình và bạn có thể thấy cách chúng tạo ra địa ngục, cách chúng tạo ra khổ. Bạn có thể cũng thấy cách thức trong những khoảnh khắc nào đó bạn im lặng, trong khoảnh khắc nào đó bạn hạnh phúc, trong khoảnh khắc nào đó vui vẻ nắm bắt lấy bạn. Quan sát điều mà những năng lượng đó đang làm. Chúng là cùng một năng lượng - bạn không có gì khác cả. Người ta chỉ phải hiểu cách thức năng lượng của mình vận hành.
Nếu ai đó muốn sống trong địa ngục, đó là chọn lựa của người đó, đó là quyền tập ấm của người đó. Không ai có quyền quấy rối người đó. Cứ để người đó sống trong địa ngục. Và nếu người đó muốn thay đổi, người đó có mọi khả năng để thay đổi bản thân mình. Không cần phải đợi một đấng cứu tinh, một Jesus Christ hay một Krishna. Bạn phải trở thành vị cứu tinh của riêng mình. Đó là giáo huấn nền tảng của Bồ đề đạt ma.
... Không có ngôn ngữ nào không là Pháp. Tại đây Bồ đề đạt ma đang lấy một chỗ rẽ rất kì lạ nhưng có ý nghĩa. Tôi chưa bao giờ bắt gặp bất kì nhà huyền môn nào đã nói điều ông ấy định nói trong lời kinh này.
... Không có ngôn ngữ nào không là Pháp. Nói cả ngày mà không nói gì là Đạo. Im lặng cả ngày mà vẫn nói điều gì đó không phải là Đạo.
Đôi khi việc nhìn thấu của ông ấy vào thực tại con người lớn lao thế và đáng ngạc nhiên thế. Ông ấy đang nói rằng có khả năng về một người có thể nói cả ngày, nhưng vẫn biết rõ rằng không điều gì có thể được nói về chân lí. Thế thì tại sao người đó lại nói? Có lẽ qua việc nói người đó có thể tạo ra một tình huống cho im lặng - như ngay sau mọi con bão đều có im lặng lớn.
Khi thầy nói và dừng một chốc, bỗng nhiên có im lặng lớn. Thầy không nói chân lí, bởi vì chân lí không thể được nói ra. Thầy nói để thu hút tâm trí bạn và thế rồi bỗng nhiên, khi thầy thấy rằng bạn đã bị thu hút, thầy cho một lỗ hổng nhỏ. Và trong lỗ hổng đó việc chuyển chiếc đèn xảy ra. Đó là điều ngôn ngữ của Bồ đề đạt ma là gì: việc chuyển chiếc đèn. Trong những khoảnh khắc đó giữa hai lời, cái gì đó kì diệu thực hiện cú nhảy từ bản thể thầy và đi vào trong im lặng của bản thể bạn.
Do đó có khả năng là một Phật Gautam có thể đã nói suốt bốn mươi hai năm liên tục - sáng, chiều, tối - và dầu vậy ông ấy đã không nói chân lí, nhưng ông ấy đã chuyển chiếc đèn. Ông ấy dùng ngôn ngữ theo cách mà nó tạo ra những lỗ hổng im lặng nhỏ. Và những lỗ hổng này là bài thuyết pháp thực của ông ấy.
Bồ đề đạt ma nói có những người lấy lời nguyện im lặng... và tôi đã biết nhiều cái gọi là thánh nhân không nói gì cả, nhưng sự im lặng của họ buồn cười thế bởi vì họ tìm ra cách khác. Tôi đã thấy vài người mang những tấm bảng nhỏ với cả bộ chữ cái. Họ không thể nói nhưng đại đệ tử của họ ngồi cạnh bên họ và họ cứ đặt chữ cái lên bảng chữ cái: C-ó, có. Và đệ tử ngây ngô đó, người ngồi bên cạnh họ, người đó nói, “Có”. Thật là buồn cười. Nếu bạn muốn nói có, sao cứ phải đi vòng quanh như vậy, tạo ra vòng tròn không cần thiết làm gì? Và có những người đã đọc cho viết cả cuốn sách, chỉ trên bảng. Chắc sẽ dễ hơn là học đánh máy, bởi vì đây là cách thức rất nguyên thuỷ để gõ. Nó mất thời gian lâu thế.
Tôi đã thấy những người sẽ không dùng bảng nào nhưng họ sẽ ra dấu bằng tay, và những cử chỉ đó bạn không thể nào hiểu nổi. Các đệ tử được huấn luyện của họ biết điều chúng ngụ ý khi họ giơ nắm đấm ra, họ ngụ ý gì khi họ giơ năm ngón tay ra, họ ngụ ý gì khi họ giơ hai ngón tay. Những người này không phải là thánh nhân, đây là người quảng cáo. Và im lặng của họ là hoàn toàn vô nghĩa. Nhưng mọi loại ngu xuẩn cứ được nhớ mãi nhân danh tôn giáo.
Một người tới gặp tôi khi tôi ở Bombay. Ông ta là một vị thánh rất nổi tiếng; ông ta sống ở trong rặng Himalayas và ông ta đặc biệt tới để thăm tôi. Thông thường tôi tránh các thánh nhân, hiền giả... cái loại kẻ ngốc ấy tôi không muốn gặp. Nhưng khi tôi được thông báo rằng ông ta từ Himalayas xa xôi đã tới Bombay chỉ để gặp tôi, tôi nói, “Ông ta đã nhận nhiều rắc rối thế; tôi cũng nên chịu cho một ít.” Cho nên tôi mời ông ta vào. Ông ta tới cùng một đệ tử của mình; ông ta muốn biết về thiền.
Tôi nói, “Từ sáng mai tôi định mở phiên thiền, hàng ngày vào buổi sáng trong bẩy ngày. Ông đã tới đúng lúc đấy, bởi vì thiền không phải là cái gì đó được giải thích, nó là cái gì đó được kinh nghiệm. Vậy nên, từ sáng mai vào tám giờ, trong bẩy ngày ông thiền cùng tôi. Và thế rồi, nếu ông có câu hỏi gì tôi sẽ cho ông cuộc hẹn cá nhân và ông có thể hỏi mọi câu hỏi của mình.”
Ông ta nói, “Ngày mai sẽ khó cho tôi tới rồi.”
Tôi nói, “Có vấn đề gì vậy? Ông đã tới gặp tôi mà.”
Ông ta nói, “Với tôi thì không có vấn đề gì cả. Vấn đề là ở chỗ người này, đệ tử của tôi, phải đi đâu đó, để gặp ai đó - họ hàng của anh ta sống gần đây tại Kalyan.”
Thế là tôi nói, “Tôi không hiểu. Cứ để anh ta đi xuống
địa ngục, ông tới thiền.”
Ông ta nói, “Ông không hiểu vấn đề của tôi. Tôi không thể chạm vào tiền được. Anh ta giữ tiền để trả cho lái xe taxi. Tôi bao giờ cũng có anh ta đi cùng; bằng không thì làm sao tôi có thể xoay xở tới đây được?”
Tôi nói, “Lạ thật. Đấy là tiền của ông - anh ta chỉ là người giữ. Ông nổi tiếng vì không chạm tới tiền còn anh chàng đáng thương này sẽ rớt xuống địa ngục. Anh ta chạm vào tiền của ông! Đấy thậm chí không phải là tiền của anh ta! Anh ta đang phạm phải loại nghiệp nào đây? Chạm vào tiền riêng của mình là xấu còn chạm vào tiền của ai đó khác - điều đó phải tệ hơn nữa.” Tôi nói, “Ông nghĩ về anh chàng đáng thương này đi. Nếu đấy là tiền của ông, dù ông có chạm vào nó hay không... hay ông có thể mua găng tay cao su. Làm điều đó đơn giản để cho ông có thể chạm vào tiền nhưng ông vẫn không chạm vào nó.”
Nhưng điều đó sẽ không làm cho ai đó thành thánh nhân. Nếu ai đó đeo găng cao su và có đủ mọi loại tiền theo mình, bạn sẽ không gọi người đó là thánh nhân. Đây dường như là người rất tinh ranh... nhưng việc dùng người khác là không khác biệt gì mấy.
Cho nên có những người im lặng, nhưng bên trong họ sôi sùng sục. Họ muốn nói và họ tìm cách nói bằng việc ra dấu hiệu, là điều rất khó bởi vì họ trở thành tuyệt đối phụ thuộc, gần như nô lệ, vào người thông dịch cho họ. Và lại tuỳ ở người này về cách người đó thông dịch. Họ thậm chí không thể ngăn cản, họ thậm chí không thể nói, “Anh không đúng.” Họ phải chấp nhận việc thông dịch là bất kì cái gì.
Một người, Adi Irani, là thư kí của Meher Baba trong gần hết cả đời mình. Và bất kì khi nào tôi hay tới Ahmednagar, Adi Irani, nếu anh ta còn trong thành phố, hay tới gặp tôi. Anh ta đã viết mọi sách của Meher Baba; Meher Baba đơn giản ra dấu hiệu. Ban đầu ông ta dùng bảng, thế rồi ông ta vứt bảng đi bởi vì mọi người bắt đầu chỉ trích ông ta. “Đấy cũng cùng thứ như đánh máy thôi, chỉ là một quá trình chậm hơn, quá trình xe bò kéo trong thời đại tên lửa. Đây là điều vô nghĩa gì?”
Thế là Meher Baba vứt bảng đi và ông ta huấn luyện Adi Irani. Ông ấy sẽ ra hiệu bằng tay; không ai biết ông ta đang làm gì. Chỉ mỗi Adi Irani biết và anh ta viết ra sách. Tôi đã hỏi Adi Irani, “Bạn có chắc rằng bất kì cái gì bạn viết ra cũng đều thực là điều ông ta nói không?”
Anh ta nói, “Tôi không thể nói dối - ít nhất là với thầy. Tôi không biết. Tôi hình dung nó phải là đúng bởi vì ông ấy chưa bao giờ phản đối cả.”
Bây giờ điều này dường như buồn cười. Anh ta không biết liệu anh ta có diễn giải ông ta đích xác hay bản thân anh ta thao túng... và bởi vì Meher Baba không bao giờ phản đối, nên đấy là lí do duy nhất mà Adi Irani nghĩ mình chắc là đúng.
Tôi nói, “Bạn có thực sự biết đích xác không?... bởi vì bằng ra hiệu những điều nhỏ có thể được giải thích: bạn đói, bạn chỉ vào dạ dầy; bạn khát, bạn có thể chỉ bằng tay rằng bạn cần nước. Nhưng các chuyên luận triết học lớn thì sao? Tôi không thể nào quan niệm nổi cách thức bạn có thể ra hiệu cho chúng - và bao nhiêu cách ra hiệu sẽ phải cần tới? Chỉ với mười ngón tay của bạn...” Và Adi Irani đã viết gần năm mươi sách, mà không phải là sách ngắn - năm trăm trang, một nghìn trang.
Tôi bảo Adi Irani, “Đấy tất cả đều là tưởng tượng của bạn. Bạn là nhà văn giỏi đấy, nhưng những sách kia là bài viết của bạn, không phải của Meher Baba. Nhưng ông ta im lặng bởi vì bạn viết giỏi và mọi người chấp nhận những bài viết đó theo tên ông ta.” Meher Baba có người theo trên toàn thế giới, nhưng ông ta tuyệt đối phụ thuộc; ông ta không thể đi đâu được mà không có Adi Irani bởi vì bất kì nơi nào ông ta tới một mình, ông ấy sẽ bị coi là điên. Không ai hiểu điều ông ấy định nói gì.
Nhưng nếu bạn muốn nói, có gì sai với việc nói bằng môi và lưỡi? Và làm sao đúng được khi nói bằng ngón tay của bạn? Cũng như môi bạn và lưỡi bạn là bộ phận thân thể, ngón tay bạn cũng là một phần của cùng thân thể, và chúng không được dành cho việc nói. Tại sao không dùng đúng phương tiện tự nhiên? Dấu hiệu là nguy hiểm.
Khi lần đầu tiên các sannyasin Nhật Bản bắt đầu tới đây, tôi đã gặp rắc rối lớn bởi vì họ là những người duy nhất trên thế giới có nghệ thuật diễn đạt ra hiệu khác. Cũng kì lạ làm sao họ đã phát triển ra nó. Trên khắp thế giới trong mọi quốc gia, trong mọi giống nòi, từ người rất nguyên thuỷ cho tới người rất phức tạp, khi bạn muốn nói “Có”, bạn ra hiệu với đầu mình gật gật - có. Người Nhật Bản khi họ làm dấu hiệu này có nghĩa là không. Tôi đã hỏi điều gì đó và một anh chàng đáng thương nói có, nhưng tôi hiểu là không, bởi vì có của anh ta nghĩa là... Đó là có của anh ta. Ban đầu tôi hay hỏi một người Nhật Bản, “Bạn có muốn trở thành sannyasin không?” và người ấy nó có còn tôi sẽ nói, “Nếu bạn không muốn... thế thì sao bạn đã tới?”
Họ đã phát triển theo một cách thức rất kì lạ. Ai đó phải nhìn vào trong nó, bởi vì họ là những người duy nhất... Thế rồi tôi có một người thông dịch tiếng Nhật Bản cho tôi biết họ dang làm dấu hiệu gì bởi vì liên tục có hiểu lầm. Khi họ gật đầu có, tôi hiểu không, khi họ nói không, tôi hiểu có.
Bồ đề đạt ma đang nói: Im lặng cả ngày và vẫn nói điều gì đó không phải là Đạo. Nếu bạn im lặng, điều đó không có nghĩa là bạn không thể nói được. Bạn có thể vẫn còn im lặng và vậy mà bạn vẫn có thể nói, cũng như bạn có thể vẫn còn im lặng và bạn có thể bước đi. Bạn có thể vẫn còn im lặng và bạn vẫn có thể ăn. Im lặng là cái gì đó bên trong, bình thản, tĩnh lặng, an bình.
Thực ra, người im lặng bên trong có thể nói tốt hơn bất kì ai khác, bởi vì tâm trí người đó không còn trong rối loạn.
Người đó có thể nói dứt khoát hơn, trực tiếp hơn. Người đó có thể đạt tới chính trái tim bạn bởi vì lời người đó đang tới từ chiều sâu, và cái tới từ chiều sâu có năng lực đạt tới chiều sâu tương tự nếu bạn cởi mở cho nó. Nhưng im lặng không phải là cái gì đó chống lại việc nói. Im lặng là một kinh nghiệm lớn lao hơn nhiều so với việc nói hay ngôn ngữ. Và khi bạn im lặng ngay cả trong khi nói, thế thì lời của bạn có cái đẹp và thẩm quyền vô cùng trong chúng, bởi vì chúng đang tới từ trái tim thuần khiết - từ mảnh đất im lặng, từ chính thiên đường hoa sen của Phật Gautam.
Do đó, việc nói của như lai không phụ thuộc vào im lặng, mà im lặng của ông ấy cũng không phụ thuộc vào việc nói. Như lai là cái tên khác cho Phật Gautam, hay cho bất kì ai đã thức tỉnh tới tính như thế của mọi vật.
Do đó, việc nói của như lai không phụ thuộc vào im lặng, mà im lặng của ông ấy cũng không phụ thuộc vào việc nói. Việc nói của ông ấy không tồn tại bên ngoài im lặng của ông ấy. Những người hiểu cả việc nói và im lặng là trong samadhi.
Để tôi nhắc lại nó: Những người hiểu cả việc nói và im lặng là trong samadhi.... bởi vì samadhi là cân bằng giữa nói và im lặng. Nó ở đích xác chỗ giữa, nơi im lặng và nói gặp gỡ nhau, nơi im lặng và âm thanh gặp nhau. Chỗ đích xác giữa đó là vượt ra ngoài cả hai. Nó không chỉ là im lặng, trống vắng tiếng động, mà nó cũng không chỉ là nói, đầy những tán gẫu và tiếng ồn. Nó vượt ra ngoài cả hai. Nó là im lặng với bài ca, nhưng bài ca là vô âm. Nó là im lặng với âm nhạc, nhưng âm nhạc không được tạo ra từ bất kì nhạc cụ nào, âm nhạc đơn giản là chính bản tính của bạn.
Những người thấy cổ đại của mảnh đất này đã gọi nó là omkar, âm thanh của om... không phải là bạn lặp lại om, om, bạn đơn giản nghe thấy nó. Bạn hoàn toàn im lặng, được bao quanh bởi âm thanh tương tự như om. Đó là lí do tại sao om đã không được làm thành một phần của bảng chữ tiếng Phạn. Nó không phải là lời; nó là kí hiệu. Có lẽ đó là bảng chữ cái duy nhất trên thế giới có một kí hiệu trong nó nhưng không là một phần của bảng chữ cái. Nhưng mọi Upanishad đều bắt đầu bằng om và mọi Upanishad đều kết thúc bằng om. Và bạn có thể đã quan sát rằng đấy không chỉ là om, mà còn là việc lặp lại ba lần của từ Phạn dành cho im lặng: shanti.
Om shanti, shanti, shanti...
Nó là im lặng có âm thanh không thể nào được tạo ra trên bất kì nhạc cụ nào, và không thể được nói đích xác. Do đó, chúng ta đã làm một kí hiệu cho nó. Nó ở bên ngoài ngôn ngữ, bên ngoài bảng chữ, bên ngoài việc nói, bên ngoài im lặng.
Om đã được gọi là chính chất liệu mà sự tồn tại được tạo nên... âm nhạc của vũ trụ.
Nếu ông nói khi ông biết, việc nói của ông là tự do. Nếu ông im lặng khi ông không biết, im lặng của ông là bị trói buộc... và chết và trống rỗng và vô nghĩa.
Ngôn ngữ về bản chất là tự do. Nó không liên quan gì với gắn bó. Và gắn bó không liên quan gì tới ngôn ngữ.
Tất cả đều tuỳ thuộc vào tâm trí hay vô trí của bạn. Nếu tâm trí dùng ngôn ngữ, nó tạo ra thực tại giả - ảo tưởng. Nếu vô trí dùng ngôn ngữ, nó tạo ra phương cách cũng để giúp cho người khác đi vào trong cùng không gian ấy. Điều gì bạn làm ra nó, tất cả đều phụ thuộc vào bạn, liệu bạn vận hành như tâm trí hay như vô trí. Nếu bạn nói qua tâm trí, bạn bỏ lỡ vấn đề. Nếu bạn cho phép sự tồn tại nói qua bạn, không có bất kì sự can thiệp nào của tâm trí, ngôn ngữ là cách diễn đạt thuần khiết của chân lí.
Nói tóm lại, toàn thể mọi thứ có thể được tóm lại trong một phát biểu:
Tâm trí là nhà tù của bạn. Vô trí là tự do của bạn.
Tâm trí là dốt nát của bạn, vô trí là chứng ngộ của bạn. Chuyển từ tâm trí sang vô trí. Đây là toàn thể con đường, đây là toàn thể tôn giáo.
Được chứ, Maneesha?
Vâng, thưa Osho.