Read more
Osho - Con đường tôi đi - Con đường của mây
trắng
Chương 4. Mọi hi vọng đều sai
Osho kính yêu,
Thầy đã nói cho chúng tôi thật dễ dàng vứt bỏ bản ngã và trở
thành một với mây trắng. Thầy cũng đã bảo chúng tôi rằng chúng tôi đã trải qua
hàng triệu kiếp và nhiều kiếp trong số đó chúng tôi đã cùng thời với các Phật,
các Krishna và các Christ - ấy vậy mà chúng tôi vẫn không dứt bỏ bản ngã. Thầy
có đang tạo ra hi vọng sai trong chúng tôi không?
Mọi hi vọng đều sai cả. Cứ hi vọng là sai rồi. Cho nên vấn đề
không phải là việc tạo ra hi vọng sai: bất cứ điều gì bạn có thể hi vọng đều sẽ
sai. Hi vọng bắt nguồn từ cái sai của bạn về sự hiện hữu. Nếu bạn là thực, chẳng
cần gì phải hi vọng cả. Thế thì bạn chẳng bao giờ nghĩ về tương lai, về cái gì
sắp xảy ra. Bạn thực, chân thực đến mức tương lai biến mất.
Khi bạn không thực, thế thì tương lai trở thành rất có ý
nghĩa, thế thì bạn sống trong tương lai. Thế thì thực tại của bạn không ở đây
và bây giờ, thực tại của bạn ở đâu đó trong mơ của bạn, và bạn làm cho mơ đó có
vẻ thực vì thông qua những mơ đó bạn thu được thực tại của mình. Như bạn đang đấy,
bạn không thực. Đó là lí do tại sao bao nhiêu hi vọng cứ tiếp diễn. Mọi hi vọng
đều sai cả; bạn mới là thực. Toàn bộ nỗ lực của tôi là làm sao ném bạn về chính
bản thân bạn.
Bản ngã là tất cả những hi vọng sai được tổ hợp lại với
nhau. Bản ngã không phải là thực tại, nó là tuyển tập tất cả các mơ mộng của bạn,
của mọi thứ không thực, của mọi thứ giả tạo. Bản ngã không thể tồn tại trong hiện
tại. Nhìn vào hiện tượng này. Bản ngã tồn tại hoặc trong quá khứ hoặc trong
tương lai, không bao giờ ở đây và vào lúc này - không bao giờ, không bao giờ cả.
Điều đó là không thể được. Bất kì khi nào bạn nghĩ về quá khứ, bản ngã đến, cái
tôi đến. Bất kì khi nào bạn nghĩ về tương lai, cái tôi đến.
Nhưng khi bạn đang ở đây, không nghĩ về quá khứ và tương
lai, cái tôi của bạn ở đâu? Ngồi dưới gốc cây, không nghĩ về quá khứ và tương
lai, chỉ hiện hữu ở đó, bạn ở đâu? Cái tôi ở đâu? Bạn không thể cảm thấy nó được.
Nó không có đó. Bản ngã không bao giờ tồn tại trong hiện tại. Quá khứ không còn
nữa, tương lai sắp tới. Cả hai đều không có. Quá khứ đã biến mất, tương lai
chưa xuất hiện. Cả hai đều không có. Chỉ hiện tại đang có và trong hiện tại thì
chẳng tìm được gì giống như bản ngã cả.
Cho nên khi tôi nói vứt bỏ bản ngã, tôi muốn nói điều gì?
Tôi không định cho các bạn hi vọng mới, tôi đang lấy đi tất cả hi vọng của bạn.
Và đó là điều khó khăn: bạn sống qua hi vọng, cho nên bạn cảm thấy rằng nếu mọi
hi vọng đều bị lấy đi, bạn sẽ chết. Thế là câu hỏi sẽ nảy sinh: Tại sao lại sống?
Để làm gì? Tại sao lại chuyển từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác? Để làm
gì? Mục đích đã biến mất với sự tan biến của hi vọng. Cho nên tại sao lại cứ tiếp
tục mãi nếu không có đâu mà đạt tới cả? Bạn không thể sống được mà không hi vọng.
Đó là lí do tại sao lại khó vứt bỏ bản ngã đến thế. Hi vọng đã trở nên đồng
nghĩa với sống.
Cho nên bất kì khi nào một người đang hi vọng, thì người đó
dường như sinh động hơn, dường như sống hơn, dường như rất mạnh mẽ. Khi người
đó không hi vọng gì, người đó dường như yếu đuối, thất vọng, bị ném trở về với
chính mình, không biết phải làm gì, phải đi đâu. Và bất kì khi nào không còn hi
vọng nữa bạn đều cảm thấy sự vô nghĩa tới trong bạn. Ngay lập tức bạn tạo ra hi
vọng khác, một thứ thay thế được tạo ra. Nếu hi vọng này bị thất bại, lập tức
hi vọng khác sẽ thế vào - vì bạn không thể sống trong lỗ hổng, bạn không thể sống
một cách vô vọng được.
Tôi nói với bạn rằng đó là cách duy nhất để sống.
Không hi vọng gì, cuộc sống mới là thực, lần đầu tiên cuộc sống
mới chân thực.
Cho nên điều thứ hai cần phải hiểu là: khi tôi nói dễ dàng vứt
bỏ bản ngã, tôi không định nói rằng việc vứt bỏ bản ngã là dễ dàng đối với bạn.
Tôi ngụ ý dễ dàng vứt bỏ bản ngã vì chính hiện tượng bản ngã là không thực đến
thế. Nếu bản ngã là giả, làm sao lại khó vứt bỏ nó? Nếu mơ chỉ là mơ, làm sao lại
phải khó khăn mới thoát ra khỏi đó? Bạn có thể thoát được! Mơ không thể bắt giữ
được bạn, mơ không thể ngăn cản được bạn. Mơ không thể trở thành rào chắn. Mơ
không có uy lực - đó là lí do tại sao chúng ta gọi nó là mơ. Thật dễ dàng thoát
ra khỏi mơ. Đó là điều tôi ngụ ý khi tôi nói dễ dàng vứt bỏ bản ngã. Nhưng tôi
không ngụ ý rằng điều đó sẽ dễ dàng với bạn, vì mơ vẫn là thực tại với bạn, nó
lại không phải là mơ. Bản ngã đối với bạn là không giả, nó là thực tại duy nhất.
Mọi thứ khác đều giả.
Chúng ta đang sống quanh bản ngã. Chúng ta đang tìm tòi ngày
càng nhiều vị kỉ - người qua của cải, người qua địa vị, quyền lực, danh vọng,
người qua chính trị, người qua tôn giáo, tăng lữ. Có cả triệu cách thức. Nhưng
chung cuộc, kết quả, mục đích vẫn là một: tìm ngày càng nhiều cái tôi, tìm ngày
càng nhiều bản ngã.
Với bạn nó là thực tại; với bạn, tôi nói, nó là thực tại duy
nhất. Cái giả đã trở thành cái thực. Cái bóng đã trở thành thực chất. Đó là lí
do tại sao lại khó - không khó bởi vì bản ngã rất mạnh, không; khó chính bởi vì
bạn vẫn tin vào nó, vào sức mạnh của nó. Nếu bạn tin vào nó, vấn đề sẽ trở nên
khó khăn, bởi vì một mặt bạn muốn vứt bỏ nó, nhưng mặt khác bạn lại cứ níu bám
nó. Vấn đề thành khó khăn. Khi tôi nói với bạn nó là mơ, bạn muốn tin vào nó bởi
vì bạn đã phải chịu đựng quá nhiều qua nó - bởi vì bạn cảm thấy chân lí của điều
tôi đang nói. Nếu bạn cảm thấy chân lí của điều tôi đang nói, bạn sẽ vứt bỏ nó
ngay tức khắc. Bạn sẽ không hỏi làm sao. Không có làm sao cho nó. Bạn thấy đúng
vấn đề và bạn vứt bỏ nó!
Bạn không thấy chân lí của điều tôi đang nói. Khi tôi nói bạn
đã không hiểu rằng bản ngã là giả tạo và có thể được vứt bỏ, khi tôi nói rằng bản
ngã có thể bị vứt bỏ, bạn lại tạo ra hi vọng từ điều đó. Vì bạn đã chịu đựng
quá nhiều qua nó, nên bạn tạo ra hi vọng là nếu bản ngã có thể bị vứt bỏ thì mọi
đau khổ sẽ bị vứt bỏ. Bạn trở nên hạnh phúc với hi vọng này.
Tôi không tạo ra hi vọng này, bạn đang tạo ra hi vọng này.
Tôi đơn giản phát biểu một sự kiện rằng đây là cách tạo dựng nên bản ngã. Đây
là cách bản ngã được cấu tạo nên, đây là cách bản ngã được tạo ra và đây là
cách nó có thể bị vứt bỏ! Và bởi vì nó là giả tạo, nên chẳng cần đến nỗ lực. Chỉ
cần thấy đúng điểm là nó biến mất.
Một người đang chạy, hoảng hốt, sợ đến chết và cứ chạy bởi sợ
cái bóng của mình. Bạn ngăn người đó lại và nói với người đó: Anh ngu lắm! Đấy
chỉ là cái bóng của anh - không ai đuổi theo anh và cũng chẳng ai định ám hại
anh. Không ai ngoài chính anh. Anh đã trở nên hoảng sợ vì cái bóng của mình.
Nhưng một khi bạn bắt đầu chạy, cái bóng cũng chạy nhanh
hơn. Bạn chạy càng nhanh, cái bóng cũng theo bén gót bạn. Thế thì tâm trí logic
có thể nói rằng bạn đang bị nguy hiểm, và tâm trí logic sẽ nói: Nếu bạn muốn
thoát được, phải chạy càng nhanh hơn. Nhưng bất kì khi nào bạn làm như vậy, cái
bóng sẽ bám sát theo bạn luôn. Và nếu bạn không thể gạt bỏ được nó, bạn sẽ ngày
càng hoảng sợ hơn. Bạn đang tạo ra toàn bộ mọi thứ từ bản thân mình.
Nhưng nếu tôi nói với bạn: Đấy chỉ là cái bóng thôi, không
ai đuổi theo bạn đâu - và bạn hiểu ra vấn đề, bạn nhìn lại cái bóng và bạn cảm
nhận được vấn đề - liệu bạn có hỏi tôi cách vứt bỏ cái bóng này đi không? Bạn
có hỏi về một kĩ thuật, một phương pháp, một loại yoga nào đó, một cách thức
nào đó để vứt bỏ nó không? Bạn sẽ chỉ cười phá lên thôi. Bạn đã vứt bỏ được nó
rồi! Chính vào khoảnh khắc bạn thấy rằng đấy chỉ là cái bóng và không có ai đuổi
theo bạn thì nó đã được vứt bỏ. Không có vấn đề về làm sao. Bạn sẽ cười thoải
mái. Toàn bộ sự việc là vô nghĩa.
Điều hoàn toàn tương tự cũng xảy ra đối với bản ngã. Nếu bạn
có thể thấy được chân lí của điều tôi đang nói, sự việc đã xảy ra. Trong chính
việc thấy ra nó, sự việc đã xảy ra. Không còn làm sao về nó nữa. Nếu bạn vẫn
còn hỏi làm sao, sự việc chưa xảy ra và bạn vẫn chưa thấy được đúng vấn đề -
nhưng bạn đã tạo ra hi vọng từ nó, vì bạn đã từng đau khổ thông qua bản ngã
này. Bạn bao giờ cũng muốn vứt bỏ nó, nhưng điều mong muốn này bao giờ cũng chỉ
được một nửa trong tâm trí bạn.
Mọi đau khổ của bạn đều tới từ bản ngã, nhưng mọi vui thích
của bạn cũng đến từ bản ngã. Đám đông tán thưởng bạn, ca ngợi bạn - bạn cảm thấy
thích thú. Đó là phúc lạc duy nhất mà bạn đã biết. Bản ngã của bạn dâng lên
cao, đạt tới đỉnh, trở thành đỉnh Everest. Bạn tận hưởng nó! Và thế rồi đám
đông lên án bạn còn bạn thì cảm thấy bị tổn thương. Đám đông trở nên dửng dưng;
bạn bị nghiền nát bởi điều đó. Bạn rơi vào thung lũng, chán nản. Bạn đã được
vui thích qua bản ngã, bạn đã bị đau khổ qua nó. Bởi vì đau khổ nên bạn muốn vứt
bỏ nó, nhưng bởi vì vui thích nên bạn không thể vứt bỏ được nó.
Cho nên khi tôi nói rằng bản ngã có thể bị vứt bỏ dễ dàng,
hi vọng được tạo ra trong bạn. Không phải tôi đang tạo ra nó, mà tham lam của bạn
làm điều đó. Điều đó không trở thành hiểu biết, nó trở thành tham lam mới, tìm
kiếm mới cho sự mãn nguyện. Bạn cảm thấy rằng bây giờ có một cách, và có một
người có thể giúp bạn vứt bỏ bản ngã cùng mọi khổ mà nó tạo ra. Nhưng bạn có sẵn
sàng vứt bỏ cả mọi vui thích mà bản ngã cũng tạo ra không? Nếu bạn sẵn sàng thì
đó là một việc dễ dàng đến thế - giống như vứt bỏ cái bóng. Nhưng bạn không thể
vứt bỏ một nửa nó, và bạn cũng không thể giữ một nửa nó. Hoặc toàn bộ phải vứt
bỏ đi hoặc toàn bộ vẫn níu bám bạn. Đây là vấn đề và đây là khó khăn.
Mọi vui thích và mọi đau khổ của bạn đều liên quan tới một
hiện tượng duy nhất: bạn muốn giữ lấy vui thích và bạn muốn vứt bỏ đau khổ. Bạn
đang đòi hỏi điều không thể được. Thế thì đó là khó khăn - không chỉ khó khăn,
đó là điều không thể được. Điều đó sẽ không xảy ra cho bạn. Bất kì điều gì bạn
làm cũng sẽ vô ích, chẳng kết quả gì sẽ tới từ đó.
Bạn tạo ra hi vọng từ đó... cõi trời, phúc lạc mãnh liệt của
vị Phật. Khi nghe tôi hay nghe một Jesus hay một Phật, hi vọng được tạo ra.
Nhưng tôi không tạo ra nó, bạn đang tạo ra nó. Bạn đang phóng chiếu hi vọng lên
nó. Và đây mới là vấn đề, sự phức tạp: mọi hi vọng đều là thức ăn nữa cho bản
ngã. Cho dù hi vọng để đạt tới thiên đường, cõi trời, trở thành chứng ngộ, cũng
là hi vọng. Và mọi hi vọng đều là thức ăn cho bản ngã.
Ai đang cố trở thành chứng ngộ? Người đang cố gắng trở nên
chứng ngộ chính là vấn đề.
Không ai đã từng trở nên chứng ngộ cả. Chứng ngộ xảy ra,
nhưng không ai trở nên chứng ngộ cả. Khi căn buồng trống rỗng, chứng ngộ xảy ra
liền. Khi không có ai đạt tới chứng ngộ, chứng ngộ liền có ở đó. Bởi vì ngôn ngữ
chúng ta, bởi tính nhị nguyên của ngôn ngữ, bất kì điều gì nói được về những vấn
đề sâu sắc như vậy đều trở thành sai cả.
Chúng ta nói: Phật Gautam trở nên chứng ngộ. Điều đó là sai.
Phật Gautam chưa bao giờ trở nên chứng ngộ cả. Phật Gautam vẫn chưa chứng ngộ.
Khi ông ấy không có đó, khi ông ấy trở thành vắng mặt, chứng ngộ xảy ra. Khi bỗng
nhiên một hôm ông ấy hiểu ra rằng mình đã theo đuổi một mẫu hình ngớ ngẩn, khi
ông ấy hiểu: Ta chính là vấn đề, cho nên bất kì điều gì ta làm đều sẽ tạo ra
nhiều vấn đề hơn... Sự thể không phải là làm điều phải hay trái, thế này hay thế
kia. Bất kì điều gì bạn làm cũng chỉ làm mạnh thêm bản ngã. Một khi Phật hiểu
ra điều này - nhưng việc hiểu này cũng phải mất nhiều năm trời nỗ lực - khi ông
ấy hiểu ra rằng: Bất kì điều gì ta làm cũng chỉ giúp cho bản ngã mình ngày càng
mạnh, ông ấy đơn giản vứt bỏ việc làm. Trong khoảnh khắc của hiểu ra đó ông ấy
đơn giản trở thành người không làm, tuyệt đối bất hoạt.
Nhớ đây chính là vấn đề: bạn thậm chí có thể tạo ra hoạt động
từ bất hoạt của mình, hoặc bạn có thể tạo ra hoạt động chỉ để giúp cho bất hoạt
đến với bạn. Nhưng thế thì bạn lỡ. Bạn có thể đứng yên, bạn có thể ngồi im lặng,
nhưng nếu bạn đang thực hiện nỗ lực đứng yên, việc đứng của bạn thành giả. Bạn
không đứng, bạn đang chuyển động. Nếu bạn đang ngồi im lặng và có nỗ lực, nếu bạn
cố gắng im lặng, thì im lặng đó là giả. Bạn không im lặng.
Khi Phật hiểu ra rằng mình là vấn đề, và rằng mọi hoạt động
của mình đem lại chất liệu cho bản ngã, ông ấy đơn giản vứt bỏ. Thế thì ông ấy
chẳng nỗ lực gì để tạo ra trạng thái bất hoạt. Ông ấy không làm gì cả. Bất kì
cái gì xảy ra, cứ xảy ra. Gió vẫn thổi, và cây phải lay động; thế rồi trăng
tròn lên, và toàn bộ sự tồn tại đang tôn vinh. Và hơi thở đi vào, đi ra, và máu
tuần hoàn trong mạch, và tim đập, và mạch đập - mọi thứ đang xảy ra, nhưng ông ấy
không làm gì cả. Trong cái không làm này Gautam Siddhartha biến mất.
Trước khi trời sáng không còn ai để nhận chứng ngộ, nhưng chứng
ngộ đã có đó. Dưới gốc cây bồ đề đó một phương tiện vắng lặng vẫn đang ngồi đó
- tất nhiên vẫn thở, tất nhiên tim vẫn đập, còn mạnh hơn bình thường. Mọi thứ đều
vận hành hoàn hảo, nhưng không có người làm ở đó. Máu vẫn tuần hoàn, toàn bộ sự
tồn tại xoay quanh - sinh động, nhảy múa. Mọi nguyên tử trong thân thể Phật vẫn
đang nhảy múa, sinh động. Nó chưa bao giờ sống động như vậy, nhưng bây giờ năng
lượng đang chuyển vận theo sự hài hoà của nó - không ai thúc đẩy, không ai thao
túng nó. Phật trở thành mây trắng. Chứng ngộ đã xảy ra.
Điều đó cũng có thể xảy ra cho bạn nữa, nhưng đừng tạo ra hi
vọng nào về nó. Thay vì thế, khi thấy ra vấn đề, vứt bỏ mọi hi vọng. Trở thành
vô hi vọng, hoàn toàn vô hi vọng. Thật khó để trở thành hoàn toàn vô hi vọng. Nhiều
lần bạn đạt tới vô hi vọng nhưng nó chưa bao giờ là hoàn toàn. Một hi vọng được
vứt bỏ, bạn cảm thấy vô hi vọng. Nhưng ngay lập tức để che đậy nó bạn lại tạo
ra một hi vọng khác, và vô hi vọng mất đi.
Mọi người cứ chuyển từ thầy nọ sang thầy kia; đó là việc
chuyển từ hi vọng nọ sang hi vọng kia. Họ đi tới thầy này với hi vọng rằng thầy
sẽ ban cho qua ân huệ của thầy, rằng qua năng lượng của thầy mà sự việc sẽ xảy
ra. Thế rồi họ cố gắng, thế rồi họ chờ đợi với tâm trí rất miễn cưỡng, bởi vì
tâm trí đầy hi vọng chẳng bao giờ thấy thoải mái; với tâm trí rất nôn nóng, bởi
vì tâm trí đầy hi vọng không thể kiên nhẫn được. Và thế rồi họ bắt đầu cảm thấy
không thoải mái vì điều họ trông chờ không xảy ra. Vậy là thầy này là giả, họ
phải chuyển sang ai đó khác. Đây không phải là việc chuyển từ thầy nọ sang thầy
kia, đây là việc chuyển từ hi vọng nọ sang hi vọng kia. Mọi người chuyển từ tôn
giáo nọ sang tôn giáo kia; có những chuyển đổi chỉ bởi vì hi vọng. Bạn có thể cứ
làm điều đó trong nhiều, nhiều kiếp. Bạn vẫn đang làm điều đó.
Bây giờ cố nhìn ra vấn đề đi. Đấy không phải là vấn đề về thầy,
cũng không phải là vấn đề phương pháp đúng. Đấy là vấn đề sáng suốt trực tiếp,
hiểu thấu tức khắc vào bên trong hiện tượng của điều đang xảy ra, của việc tại
sao bạn hi vọng, của việc tại sao bạn không thể sống được mà không hi vọng. Và
bạn thu được cái gì từ tất cả những hi vọng của mình? Thấy nó. Tự nó vứt bỏ nó.
Thậm chí bạn không được yêu cầu phải vứt bỏ nó. Đó là lí do tại sao tôi nói việc
đó dễ dàng, và tôi biết rõ việc đó rất khó. Khó bởi vì bạn, dễ bởi vì bản thân
việc đó. Hiện tượng thì dễ dàng, bạn là khó khăn thôi.
Và điều này có thể xảy ra vào bất kì khoảnh khắc nào. Khi
tôi nói điều này có thể xảy ra vào bất kì khoảnh khắc nào, tôi muốn nói về hiện
tượng chứng ngộ, về vô ngã, không được gây ra bởi bất kì cái gì. Không nguyên
nhân nào cần tới cả. Nó không phải là kết quả của nhiều nguyên nhân, nó không
phải là sản phẩm phụ. Nó đơn giản là sự sáng suốt. Nó có thể xảy ra cho tội
nhân; nó có thể không xảy ra cho thánh nhân. Cho nên không điều kiện cần nào là
thực sự cần tới cả. Nếu người đó có thể thấy, thì điều đó có thể xảy ra ngay cả
đối với tội nhân. Nếu người đó trở thành vô hi vọng, nếu người đó cảm thấy rằng
chẳng có gì cần phải thu được hay đạt tới, nếu người đó nhận ra rằng toàn bộ vấn
đề chỉ là trò chơi ngớ ngẩn, điều đó có thể xảy ra. Nó có thể không xảy ra cho
thánh nhân, bởi vì thánh nhân đang cố gắng để đạt tới. Người đó vẫn chưa vô hi
vọng. Thế giới này đã trở thành vô ích, nhưng thế giới khác lại trở nên có
nghĩa. Người đó hiểu rằng mình phải rời bỏ trái đất này, nhưng vẫn còn bầu trời
bên ngoài - người đó phải đạt tới đấy.
Và thậm chí những người cận kề một Jesus hay một Phật vẫn cứ
hỏi về những điều như vậy. Vào ngay đêm cuối cùng, khi Jesus sắp sửa bị bắt và
ngày hôm sau thì bị giết, đệ tử của ông ấy đã hỏi ông ấy: Thưa thầy, xin thầy
chỉ bảo cho chúng tôi: trong vương quốc của Thượng đế, khi thầy ngồi bên phải
ngai của Thượng đế, đâu là vị trí của chúng tôi ở đó? Chúng tôi sẽ ngồi ở đâu,
theo thứ tự nào? Thượng đế vẫn ngồi trên ngai, Jesus bên phải, đứa con duy nhất
của cha, và thế rồi mười hai đệ tử: Chúng tôi sẽ ngồi ở đâu và thứ tự thế nào?
Mọi người xung quanh Jesus đều hỏi những câu hỏi ngu xuẩn
như vậy! Nhưng đấy chính là cách thức của tâm trí con người. Họ không hỏi điều
gì về thế giới này - họ đã trở thành những kẻ ăn xin, nhưng họ hỏi về thế giới
khác. Họ không phải là những kẻ ăn xin thực sự, họ vẫn đang hi vọng. Họ đã đặt
cược thế giới này, nhưng đó chỉ là mặc cả: Tại đó chúng ta sẽ ở đâu? Ai sẽ là
người ngồi tiếp sau bạn?
Nhất định phải có tranh giành trong số mười hai đệ tử. Nhất
định phải có chính trị, tham vọng, ai đó được lên, ai đó phải xuống, ai đó lên
cấp trưởng. Nhất định phải có nhiều xung đột, chính trị tay trong, mạch ngầm bạo
hành và hung hăng. Thậm chí với cả Jesus người ta cũng bắt đầu hi vọng. Hi vọng
bắt rễ sâu trong bạn. Dù bất kì điều gì được nói ra, bạn cũng chuyển nó thành
hi vọng. Bạn là cái máy tạo hi vọng, và cái máy tạo hi vọng này chính là bản
ngã.
Vậy phải làm gì? Thực tế, chẳng có gì cần phải làm cả. Bạn
chỉ cần đôi mắt sáng tỏ hơn, đôi mắt cảm nhận hơn, đôi mắt thấu suốt hơn. Tất cả
những điều đó là cần để có cái nhìn tươi tắn về bạn, về bản thể của bạn, về bất
kì cái gì bạn đang làm, đang hi vọng - cái nhìn tươi tắn.
Và tôi nói với bạn, trong cái nhìn tươi tắn đó, trong cái
nhìn hồn nhiên đó, bản ngã tự vứt bỏ chính nó, theo cách riêng của nó. Đó là hiện
tượng dễ dàng nhất, và đồng thời cũng khó khăn nhất. Nhưng nhớ cho kĩ, tôi
không tạo ra bất kì hi vọng nào trong bạn.
Osho kính yêu,
Liên quan tới điều thầy vừa nói, Thiền có câu ngạn ngữ: nỗ lực
vô nỗ lực. Xin thầy nói cho chúng tôi về điều đó, và cách áp dụng nó trong Thiền
động.
Thiền là hiện tượng năng lượng. Một điều rất cơ bản cần phải
hiểu rõ về mọi kiểu năng lượng. Đây là luật cơ bản: năng lượng chuyển theo hai
cực. Đó là cách thức duy nhất nó chuyển vận; không có cách thức nào khác cho
chuyển động của nó. Nó chuyển theo hai cực. Để cho bất kì năng lượng nào trở
thành động đều cần có cực đối diện. Cũng tựa như điện chuyển giữa cực âm và cực
dương. Nếu chỉ có cực âm, điện sẽ không xảy ra; hay nếu chỉ có cực dương, điện
cũng không xảy ra. Cả hai cực đều cần có. Và khi hai cực gặp nhau, chúng tạo ra
điện. Thế thì tia lửa phóng ra.
Và điều này cũng như vậy cho mọi kiểu hiện tượng. Cuộc sống
tiếp diễn... giữa đàn ông và đàn bà, các cực. Đàn bà là năng lượng sống âm; đàn
ông là cực dương. Họ là điện, do đó mới có nhiều hấp dẫn đến thế. Chỉ đàn ông
thôi thì cuộc sống sẽ biến mất; chỉ đàn bà thôi thì cũng không thể có cuộc sống
được, chỉ cái chết. Giữa đàn ông và đàn bà có sự cân bằng. Giữa đàn ông và đàn
bà - hai cực này, hai bờ sông này - dòng sông cuộc sống tuôn chảy. Bạn nhìn bất
kì đâu, cũng đều thấy cùng năng lượng chuyển giữa các cực, tự nó cân bằng.
Cực này là rất có ý nghĩa cho thiền bởi vì tâm trí mang tính
logic còn cuộc sống mang tính biện chứng. Khi tôi nói tâm trí mang tính logic
điều đó có nghĩa là tâm trí chuyển theo đường thẳng. Khi tôi nói cuộc sống mang
tính biện chứng, điều đó có nghĩa là cuộc sống chuyển theo cái đối lập, không
theo đường thẳng. Nó dích dắc từ âm sang dương, từ dương sang âm, từ âm sang
dương. Nó dích dắc. Nó dùng các cái đối lập.
Tâm trí chuyển theo đường thẳng, một đường thẳng đơn giản,
trực tiếp. Nó chẳng bao giờ chuyển sang cái đối lập. Nó phủ nhận cái đối lập.
Nó tin vào một còn cuộc sống tin vào hai. Cho nên bất kì cái gì tâm trí tạo ra,
nó bao giờ cũng chọn một. Nếu tâm trí chọn im lặng, nếu tâm trí đã chán với mọi
tiếng động được tạo ra trong cuộc sống và nó quyết định phải im lặng, thế thì
tâm trí đi lên Himalaya. Nó muốn được im lặng, không muốn bất kì cái gì phải
làm với bất kì kiểu tiếng động nào. Ngay cả tiếng chim hót cũng quấy nhiễu nó;
tiếng gió xào xạc qua cây cối cũng sẽ là nhiễu loạn. Tâm trí muốn im lặng. Nó
đã chọn đường thẳng; bây giờ cái đối lập phải bị chối bỏ hoàn toàn. Nhưng người
đang sống trên Himalaya, đang tìm kiếm im lặng, tránh né người khác, cái đối lập
sẽ trở thành chết, người đó chắc chắn sẽ trở nên đờ đẫn. Và người đó càng chọn
im lặng, người đó càng trở nên đờ đẫn hơn - bởi vì cuộc sống cần cái đối lập,
thách thức của cái đối lập.
Còn có một kiểu im lặng khác tồn tại giữa hai cái đối lập.
Cái im lặng thứ nhất là im lặng chết, im lặng của nghĩa địa. Người chết thì im
lặng, nhưng bạn không muốn giống như người chết. Người chết thì tuyệt đối im lặng,
chẳng ai có thể quấy rầy được người đó. Sự tập trung của người đó là hoàn hảo,
bạn không thể làm được gì để phân tán tâm trí người đó. Tâm trí người đó là tuyệt
đối cố định. Cho dù khắp thế giới có phát khùng, người đó vẫn duy trì trong sự
tập trung của mình. Nhưng dù có như thế bạn vẫn không thích là người chết. Im lặng,
tập trung, hay dù gọi nó là gì đi chăng nữa, bạn vẫn không thích là người chết
- vì nếu bạn im lặng khi chết thì cái im lặng đó vô nghĩa.
Im lặng phải xảy ra trong khi bạn tuyệt đối sinh động, sống
động, sôi động với cuộc sống và năng lượng. Thế thì im lặng mới có nghĩa. Nhưng
thế thì im lặng sẽ có phẩm chất khác, hoàn toàn khác hẳn cho nó. Nó sẽ không đờ
đẫn, nó sẽ sống động. Nó sẽ là cân bằng tinh tế giữa hai cực.
Thế thì một kiểu người như vậy, người đang tìm kiếm cân bằng
sống, im lặng sống, sẽ thích tới cả bãi chợ và tới Himalaya. Người đó sẽ thích
tới bãi chợ để tận hưởng tiếng động, rồi người đó cũng thích cả việc lên
Himalaya để tận hưởng im lặng. Người đó sẽ tạo ra cân bằng giữa hai cực đối lập
này, và người đó sẽ vẫn còn trong cân bằng đó. Mà cân bằng đó không thể đạt tới
được qua nỗ lực tuyến tính.
Đấy chính là điều được ngụ ý qua kĩ thuật thiền nỗ lực vô nỗ
lực. Thiền dùng các từ đối nhau chan chát - nỗ lực vô nỗ lực, hay cổng vô môn,
hay đường vô lộ. Thiền bao giờ cũng dùng các từ mâu thuẫn nhau, chỉ để cho bạn
hướng dẫn rằng quá trình đang xảy ra là biện chứng, không phải tuyến tính. Cái
đối lập không được chối bỏ mà phải được hấp thu. Cái đối lập không bị gạt sang
bên - nó phải được dùng. Gạt nó sang bên, nó bao giờ cũng sẽ là gánh nặng cho bạn.
Gạt nó sang bên, nó sẽ treo với bạn, không được dùng tới. Bạn sẽ bỏ lỡ nhiều.
Năng lượng này có thể được hoán chuyển và sử dụng. Và thế thì, bằng cách dùng
nó, bạn sẽ hoạt bát hơn, sinh động hơn. Cái đối lập phải được hấp thu, thế thì
quá trình này mới trở thành biện chứng.
Vô nỗ lực nghĩa là không làm gì cả, bất hoạt - vô nghiệp
akarma. Nỗ lực nghĩa là làm nhiều, hoạt động - nghiệp karma. Cả hai đều phải có
đấy. Làm nhiều, nhưng đừng là người làm; thế thì bạn đạt được cả hai. Đi vào
trong thế giới, nhưng đừng là một phần của nó. Sống trong thế giới nhưng đừng để
thế giới sống trong bạn. Thế thì mâu thuẫn đã được hấp thu. Thế thì bạn không
bác bỏ điều gì, không chối bỏ điều gì. Thế thì toàn bộ sự tồn tại đều được chấp
nhận.
Và đó là điều tôi đang làm đây. Thiền Động là mâu thuẫn. Động
nghĩa là cố gắng, nhiều cố gắng, hoàn toàn cố gắng, còn thiền nghĩa là im lặng,
không cố gắng, không hoạt động. Bạn có thể gọi nó là thiền biện chứng. Hoạt động
đến mức toàn bộ năng lượng trở thành chuyển động, không năng lượng nào còn lại
tĩnh tại trong bạn. Toàn bộ năng lượng đã được huy động ra, không còn lại gì ở
sau. Tất cả các phần đông cứng của năng lượng đều tan ra, chảy ra. Bạn bây giờ
không còn là một thứ đông cứng, bạn đã trở thành năng động. Bạn bây giờ không
giống chất liệu nữa, bạn giống năng lượng hơn. Bạn không là vật chất, bạn trở
thành điện. Đem toàn bộ năng lượng ra làm việc, để hoạt động, chuyển động.
Khi mọi thứ đang chuyển động và bạn đã trở thành cơn xoáy lốc,
trở nên tỉnh táo. Nhớ lấy, lưu tâm - và trong cơn xoáy lốc này bỗng nhiên bạn
tìm thấy một trung tâm tuyệt đối im lặng. Đó là tâm cơn lốc. Đó là bạn - bạn
trong tính thiêng liêng của mình, bạn như một thượng đế.
Tất cả xung quanh bạn là hoạt động. Thân thể bạn đã trở
thành cơn lốc hoạt động - mọi thứ đang chuyển động nhanh, nhanh hơn. Tất cả mọi
phần đông cứng đều đã tan ra, bạn đang chảy ra. Bạn đã trở thành núi lửa, lửa,
điện. Nhưng ngay trong trung tâm, ở giữa tất cả những chuyển động này có một điểm
không chuyển động, điểm tĩnh lặng.
Điểm tĩnh lặng này không phải là được tạo ra. Nó vẫn có đó,
bạn không làm gì về nó cả. Nó bao giờ cũng có đó. Nó là chính bản thể của bạn,
chính nền tảng của bản thể bạn. Đây là điều người Hindus đã gọi là atman, linh
hồn. Nó vẫn có đó, nhưng chừng nào thân thể bạn, chừng nào sự tồn tại vật chất
của bạn còn chưa trở nên hoàn toàn hoạt động, bạn sẽ không nhận biết về nó. Với
toàn bộ hoạt động, toàn bộ bất hoạt trở thành rõ ràng. Hoạt động cho bạn sự
tương phản. Nó trở thành tấm bảng đen, và trên bảng đen là chấm trắng. Trên bức
tường trắng bạn không thể thấy được chấm trắng; trên bảng đen chấm trắng hiện
ra cho bạn.
Cho nên khi thân thể bạn đã trở nên hoạt động, năng động,
thành chuyển động, bỗng nhiên bạn trở nên nhận biết về một điểm vốn vẫn tĩnh lặng,
tuyệt đối tĩnh lặng - tâm điểm không chuyển động của toàn bộ thế giới chuyển động.
Đó là vô nỗ lực. Không nỗ lực nào được thực hiện cho nó. Không nỗ lực nào được
cần tới, nó đơn giản được lộ ra. Nỗ lực ở ngoại vi, không có nỗ lực ở trung
tâm. Chuyển động tại ngoại vi, tĩnh lặng tại trung tâm. Hoạt động ở ngoại vi,
tuyệt đối bất hoạt ở trung tâm. Và giữa hai điều này...
Điều này sẽ hơi khó, bởi vì bạn có thể bị đồng nhất với
trung tâm, người Hindu gọi là atman, linh hồn. Nếu bạn bị đồng nhất với trung
tâm đang tĩnh lặng, bạn đã chọn cái gì đó giữa hai điều này. Bạn đã chọn cái gì
đó và bác bỏ cái gì đó.
Có một phát hiện của phương Đông rất tinh tế, và đó là: nếu
bạn đạt được đồng nhất với điểm tĩnh lặng, bạn sẽ không bao giờ biết Thượng đế;
bạn sẽ biết cái ta nhưng bạn sẽ không bao giờ biết Thượng đế. Và có nhiều tín
ngưỡng, đặc biệt là Jainas, người đã trở nên quá đồng nhất với cái ta - cho nên
họ nó không có Thượng đế, cái ta là Thượng đế duy nhất.
Người Hindu, người đã thực sự thấm nhuần sâu sắc, họ nói về
điểm tĩnh lặng này và về hoạt động này trên ngoại vi rằng bạn là cả hai hay bạn
không là gì cả. Hoặc bạn là cả hai hoặc bạn không là gì cả - cả hai nghĩa là
như nhau. Đây là hai cực. Đây là hai cực biện chứng, chính đề và phản đề. Đây
là hai bờ và bạn ở đâu đó giữa hai bờ này - không chuyển động cũng không vô
chuyển động. Đây là điều siêu việt tối thượng. Đây chính là điều Hindu gọi là
Brahman.
Nỗ lực và vô nỗ lực, chuyển động và không chuyển động, hoạt
động và không hoạt động, vật chất và linh hồn - chúng đều là hai bờ. Và giữa
hai bờ đó cái vô hình cuộn chảy. Hai bờ là thấy được. Giữa hai bờ này điều vô
hình cuộn chạy. Cái đó là bạn. Như Upanishad nói, Tattwamasi Swetketu. Cái chảy
giữa hai bờ này, cái không thể thấy được, cái thực sự là sự cân bằng tinh tế,
không cái gì khác - giữa hai bờ này, cái đó là ngươi. Cái đó đã được gọi là
Brahman, cái ta tối cao.
Cân bằng cần phải được đạt tới, và cân bằng có thể đạt được
chỉ khi bạn dùng cả hai cực. Nếu bạn dùng một cực, bạn sẽ trở thành chết. Nhiều
người đã làm điều đó; thậm chí cả xã hội đã trở nên chết. Điều này đã xảy ra
cho Ấn Độ. Nếu bạn chọn một cực thì không cân bằng, không cân xứng xảy ra. Nó
đã xảy ra ở Ấn Độ, ở phương Đông, rằng phần im lặng, điểm tĩnh lặng đã được chọn
và phần hoạt động bị chối bỏ. Cho nên toàn bộ phương Đông trở nên mụ mị buồn tẻ.
Cái sắc bén bị mất đi. Cái sắc bén của thông minh, cái sắc bén của thân thể
tráng kiện, mọi thứ đều mất đi. Phương Đông ngày càng trở nên buồn chán, xấu
xí, dường như cuộc sống chỉ còn là gánh nặng phải mang đi bằng cách nào đó và
phải bị vứt bỏ, là một nghĩa vụ phải hoàn thành, một nghiệp phải chịu đựng -
không phải là tận hưởng, không phải là vũ điệu mãnh liệt mà là chuyển động lờ
phờ, buồn tẻ.
Và điều đó có hậu quả của nó. Phương Đông trở nên yếu ớt, vì
với một điểm tĩnh lặng bạn không thể duy trì khoẻ mạnh mãi được, trong thời
gian dài. Sức mạnh cần hoạt động, sức mạnh cần chuyển động. Nếu bạn chối từ hoạt
động, sức mạnh sẽ biến mất. Phương Đông mất hoàn toàn cơ bắp của mình; thân thể
trở nên mềm nhẽo. Cho nên bất kì ai muốn cũng đều có thể chinh phục được phương
Đông. Trong hàng nghìn năm, nô lệ đã là định mệnh duy nhất cho phương Đông. Bất
kì ai mới chỉ có một ý tưởng làm ai đó thành nô lệ đều quay sang phương Đông.
Phương Đông bao giờ cũng sẵn sàng bị chinh phục, bởi vì tâm trí phương Đông đã
chọn một điểm chống lại cực đối diện. Phương Đông trở nên im lặng nhưng cũng chết
và ù lì. Kiểu im lặng này không giá trị gì.
Điều đối lập đang xảy ra ở phương Tây. Nó cũng đã xảy ra ở
các xã hội khác. Họ đã chọn phần hoạt động, ngoại vi, và họ nghĩ rằng không có
linh hồn. Họ nghĩ hoạt động này là tất cả, và phải hoạt động và tận hưởng, phải
thành đạt và tham vọng và phải chinh phục, cuộc sống phải bao gồm tất cả những
điều đó. Kết quả chung cuộc là phương Tây đang ngày một trở nên điên rồ - bởi
vì không có điểm tĩnh lặng bạn không thể giữ được lành mạnh. Bạn sẽ trở nên
điên khùng. Chỉ có điểm tĩnh lặng bạn không thể giữ được sinh động, bạn trở
thành dốt nát vô giác; chỉ với hoạt động, bạn trở nên điên khùng. Với những người
điên, điều gì sẽ xảy ra cho họ? Họ đã mất mọi tiếp xúc với điểm tĩnh lặng của
mình. Đó chính là cái điên khùng của họ.
Phương Tây đang biến thành nhà thương điên lớn. Ngày càng
nhiều người bị tâm thần phân liệt, phải điều trị tâm thần; ngày càng nhiều người
bị đưa vào nhà thương điên. Còn những người ở ngoài thì không phải vì họ lành mạnh
mà chỉ vì có quá đông người không thể đưa xuể vào trong nhà thương điên; nếu
không thì phải đưa toàn bộ xã hội vào nhà tù. Họ vẫn là người bình thường, làm
việc bình thường. Nhưng tâm lí học phương Tây nói rằng bây giờ khó mà nói được
ai là bình thường, và họ có lẽ cũng phải. Điều đó đã xảy ra ở phương Tây: không
người nào bình thường. Hoạt động một mình nó tạo ra ra điên rồ; cân bằng không
thể có. Nền văn minh hoạt động rút cục trở thành điên rồ; nền văn minh bất hoạt
trở thành dốt nát vô giác. Điều này xảy ra cho các xã hội, điều này xảy ra cho
các cá nhân.
Với tôi, cân bằng là tất cả. Đừng chọn lựa, đừng bác bỏ. Chấp
nhận cả hai - và tạo ra cân bằng bên trong. Thiền Động là nỗ lực hướng tới cân
bằng đó. Hoạt động... tận hưởng nó, cực lạc, tràn đầy với nó. Thế rồi im lặng...
tận hưởng nó, cực lạc về nó. Chuyển giữa hai cực này sao cho thật tự do mà đừng
tạo ra bất kì chọn lựa nào. Đừng nói: Tôi là thế này hay thế kia. Đừng đồng nhất
với cái nào. Nói: tôi là cả hai. Đừng sợ tự bản thân mâu thuẫn. Cứ mâu thuẫn,
là cả hai và di chuyển dễ dàng.
Và khi tôi nói điều này, tôi nói điều đó vô điều kiện -
không chỉ cho hoạt động và bất hoạt. Dù bất kì cái gì được gọi là xấu và tốt,
điều đó nữa cũng được bao hàm; dù bất kì cái gì được gọi là ác độc và thiêng
liêng, điều đó nữa cũng được bao hàm.
Luôn nhớ: mọi nơi đều có đôi bờ, và nếu bạn muốn là dòng
sông, dùng cả hai bờ một cách vô điều kiện. Đừng nói: vì tôi hoạt động làm sao
tôi có thể bất hoạt được? Đừng nói: vì tôi bất hoạt, làm sao bây giờ tôi có thể
hoạt động được? Đừng nói: tôi là thế này, vậy làm sao tôi có thể là thế kia được?
Bạn là cả hai và không cần gì phải chọn. Điều duy nhất cần phải nhớ là phải được
cân bằng giữa hai điều đó. Thế thì bạn sẽ siêu việt lên trên cả hai. Thế thì cả
ác độc lẫn thiêng liêng đều sẽ được siêu việt lên. Khi cả hai được siêu việt
lên, đó là Brahman. Brahman không có cực nào chống lại mình, bởi vì nó chính là
cân bằng giữa hai cực. Không có cực nào chống lại nó.
Đi vào trong cuộc sống thật tự do thoải mái nhất có thể được,
và dùng cả hai phía đối lập, cả hai bờ, nhiều nhất có thể được. Đừng tạo ra bất
kì mâu thuẫn nào. Chúng không mâu thuẫn, chúng chỉ dường như là mâu thuẫn thôi.
Sâu bên dưới chúng là một. Chúng giống hệt như chân bạn, phải và trái. Bạn dùng
chân phải, bạn dùng chân trái. Khi bạn giơ chân phải, chân trái vẫn tựa trên đất
để đỡ. Đừng trở thành thuận chân. Đừng thiên tả hay thiên hữu. Cả hai chân đều
là của bạn và trong cả hai chân năng lượng của bạn tuôn chảy - không phân chia.
Đã bao giờ bạn cảm thấy rằng chân phải có năng lượng này và chân trái có năng
lượng khác không? Bạn đang chảy trong cả hai. Nhắm mắt lại: bên trái biến mất,
bên phải biến mất. Cả hai chúng đều là bạn, và trong khi di động bạn có thể
dùng chúng. Dùng cả hai! Nếu bạn trở nên thuận bên phải hơn, như nhiều người trở
thành như vậy, bạn sẽ bị què quặt, bạn không thể dùng bên trái được. Thế thì bạn
vẫn có thể đứng nhưng bạn sẽ bị què, và dần dần bạn sẽ trở nên chết.
Di động và thường xuyên nhớ đến trung tâm bất động. Làm và
thường xuyên nhớ tới người không làm. Nỗ lực và vẫn còn vô nỗ lực. Một khi bạn
biết thuật bí mật về việc dùng cực đối lập, dùng mâu thuẫn, bạn được tự do; nếu
không bạn chỉ tạo nên tù túng bên trong.
Có những người đến tôi và nói: Làm sao tôi có thể làm được
việc này? Tôi chưa bao giờ làm việc này cả. Mới hôm nọ có ai đó nói với tôi:
Làm sao tôi có thể thực hiện thiền tích cực được, bởi vì bao nhiêu năm qua tôi
vẫn ngồi im lặng?
Người đó đã chọn lựa, và người đó chẳng đạt đến đâu cả; nếu
không thì đã chẳng cần tới tôi. Nhưng người đó không thể thực hiện thiền tích cực
vì người đó đã trở nên đồng nhất với tư thế bất hoạt. Điều này ngày một trở nên
đông cứng.
Trở nên chuyển động hơn đi. Chuyển động và cho phép cuộc sống
tuôn chảy. Một khi bạn biết rằng giữa các cực đối lập cân bằng có thể có, một
khi bạn đã thoáng thấy nó, thế thì bạn biết được nghệ thuật giữ cân bằng. Thế
thì ở bất kì đâu trong cuộc sống, trong mọi chiều hướng cuộc sống, bạn đều có
thể đạt được cân bằng đó rất dễ dàng. Quả thực, nói rằng bạn có thể đạt tới là
chưa tốt. Một khi bạn biết cái mẹo về nó, thì dù bạn làm bất kì cái gì, cân bằng
vẫn theo sát bạn như cái bóng. Cân bằng bên trong này giữa các cực đối lập là
điều có ý nghĩa nhất có thể xảy ra cho con người.
Xem Chương 5 - Quay về Mục lục