Chương 5. Năm kỹ thuật để luyện sự chú ý

Chương 5. Năm kỹ thuật để luyện sự chú ý

Price:

Read more

Osho - Thế giới Mật điển
Chương 5. Năm kỹ thuật để luyện sự chú ý



Tập trung vào điểm giữa chân mày để tâm thức đi trước dòng tư tưởng.
Cho tinh túy của hơi thở tràn đầy hình thể lên tới đỉnh đầu sau đó tuôn trào ánh sáng.
Trong sinh hoạt hằng ngày chú tâm vào giữa 2 thời thở trong vài ngày bạn sẽ biến đổi.
Với hơi thở và sự tập trung không lay chuyển; trung tâm lực nơi tim sẽ khơi dậy lúc ngủ.
Bạn làm chủ giấc mơ và ngay cả cái chết.
Với tinh thần cầu Pháp nồng nàn; tập trung vào 2 điểm tiếp nối giữa 2 hơi thở,
Bạn sẽ hiểu chính bạn.
Hãy nằm dài như một xác chết.
Hãy nhìn không chớp mắt hay hơn nữa, hít vào và hòa tan vào hơi thở.
Người ta nói Pythagore; Một đại triết gia Hy lạp đến Ai cập để xin vào một trường thần bí Mật truyền và bị từ chối, trong khi ông là một trong những đại tư tưởng hi hữu. Ông nài nĩ và hoàn toàn ngạc nhiên không hiểu tại sao mình lại bị chối từ. Nhưng sau đó, ông được thông báo rằng: "Ðể được cho phép nhập học. Trước tiên phải học vỡ lòng một vài kỹ thuật nhịn ăn và cách thở. Ðây là điều kiện tiên quyết."
Pythagore trả lời: Ông đến không phải để theo một kỷ luật đặc biệt nào mà đến để thâu thập một vài kiến thức. Những đại sư đáp: "Chúng tôi không thể cung cấp cho ông kiến thức như ông đã có. Thực ra, chúng tôi chỉ chú trọng vào kinh nghiệm mà kinh nghiệm không cần kiến thức thu thập. Tri thức nếu không được kinh qua kinh nghiệm thì nó không phải là tri thức. Ðể theo học với chúng tôi, ông cần nhịn đói 40 ngày. Ðồng thời, tập thở theo cách thức riêng biệt để có thể nhận thức một số vấn đề."
Vì không còn giải pháp nào khác, Pythagore đành chấp nhận nội qui. Xuyên qua 40 ngày nhịn đói, tập thở, ý thức, tỉnh thức và ông được nhận vào học. Pythagore phải thốt lên: "Các người không phải nhận Pythagore mà là người khác. Một người vừa được tái sinh. Các ông hoàn toàn có lý và tôi đã lầm lẫn. Giờ tôi nói bằng tâm thức. Nhờ vào chuyến tịnh hóa này, trung tâm bản thể tôi đã thay đổi. Từ cái đầu đã chuyển sang con tim. Bây giờ, tôi cảm nhận sự vật mà trước kia tôi chỉ hiểu lơ mơ. Bây giờ, cái thực không còn là khái niệm mà nó chính là cuộc sống."
Ðây không còn là một khái niệm triết học mà là kinh nghiệm hiện hữu. Học trình mà Pythagore theo không gì khác hơn là kỹ thuật 5 của Shiva. Điều đáng nói là trường đào tạo của Ai cập nhưng lại dùng phương pháp Ấn độ.
Kỹ thuật 5 bao gồm những gì?
Chú ý vào khoảng giữa 2 chặng mày, thả tâm thức trước dòng tư tưởng.
Ðể sinh khí của hơi thở tràn đầy và lên đỉnh đầu.
Ðể tràn ra như một trận mưa ánh sáng.
Ðây là kỹ thuật mà Pythagore đã thực hành, sau đó đem về Hy lạp. Nó là nguồn cội, là cha đẻ của thần bí học tây phương.  Nó là một trong những kỹ thuật sâu sắc nhất: "Chú ý vào giữa 2 chặng mày..."
Cơ thể học hiện đại đã khám phá ra hạch giữa 2 chặng mày, phần tử bí mật nhất của cơ thể. Hạch Pinéal là con mắt thứ 3 của người Tây tạng, "Shivanetra"; con mắt của Shiva. Theo Mật tông giữa hai mắt có con mắt thứ 3 không hoạt động.
Nó có sẵn và có thể hoạt động vào bất cứ lúc nào. Nhưng phải làm cái gì  đó để có thể đánh thức nó dậy, vì nó không mù mà chỉ đơn giản là đã đóng lại.
"Chú ý vào điểm giữa 2 chặng mày..." Nhắm mắt lại  hướng nhìn về giữa 2 chặng mày. Hãy tập trung vào điểm này, mắt nhắm như bạn nhìn khi mở mắt và hoàn toàn chú ý vào nó.
Ðây là phương pháp giản dị nhất. Không chỗ nào khác trong cơ thể thu hút sự chú ý như hạch này, nó có năng lực thôi miên làm mắt bạn trở nên cố định không thể nháy được vì con mắt này thu hút sự chú ý như nam châm.
Tất cả những phương pháp trên thế giới đều xài nó, có thể nói đây là phương tiện đơn giản nhất để luyện chú ý nhờ vào hạch Pinéal và chính nó giúp bạn. Nó có sức thôi miên và sự chú ý bị nó cuốn hút.
Mật điển từ xa xưa nói rằng: "Con mắt thứ 3 được nuôi bằng sự chú ý. Nó đang đói từ nhiều thế kỷ. Nếu bạn tập trung sức chú ý vào nó, nó rất sống động!"
Bạn cho nó sức sống và sự chú ý nuôi dưỡng nó. Khi bạn hiểu rằng sức chú ý của bạn được thu hút như nam châm bởi hạch này tức thì bạn chú ý được dễ dàng. Chỉ cần khoanh đúng điểm.
Nhắm mắt lại, hướng tầm nhìn về giữa 2 chặng mày. Khi bạn gần chạm nó, đột nhiên mắt bạn không nhúc nhích. Vào lúc bạn chớp mắt thấy khó khăn thì biết ngay đã tập trung vào đúng điểm.
"Chú ý ngay điểm giữa chân mày, để tâm trí đi trước dòng tư tưởng..."
Nếu đi vào tập trung, một hiện tượng kỳ lạ sẽ xảy ra. Lần đầu cảm thấy dòng tư tưởng  chạy trước bạn. Bạn trở thành nhân chứng. Như cuốn phim, những tư tưởng diễn hành trước mắt và bạn trở thành người quan sát. Có nghĩa là lúc tập trung vào con mắt thứ 3, đột nhiên bạn trở thành nhân chứng của dòng tư tưởng. Thông thường bạn không phải là nhân chứng mà đồng hóa mình với dòng tư tưởng.
Khi một tư tưởng thoáng qua tâm thức, bạn không phải là nhân chứng mà bạn đồng hóa mình với tư tưởng, bạn sống với nó, bạn trở thành tư tưởng và lấy hình ảnh nó làm thật.
Khi dục vọng nổi lên bạn trở thành dục vọng. Khi cơn giận xuất hiện bạn trở thành cơn giận. Khi lòng tham dấy lên bạn chính là lòng tham. Bạn đồng hóa với tư tưởng, không có khoảng cách giữa bạn và tư tưởng.
Hãy tập trung vào con mắt và bỗng nhiên bạn trở thành nhân chứng. Nhờ vào con mắt thứ 3, bạn thấy những tư tưởng chạy như những đám mây; như những người đi phất phơ trên hè phố.
Bạn không còn đồng hoá với chủ đề quan sát, bạn tách rời ra nó. Bạn quan sát nó từ xa và giờ đây khi cơn giận nổi lên; bạn có thể xem nó như là một vật thể. Bạn cảm thấy đang nổi giận; bạn cảm thấy một bầu không khí sân giận bao trùm. Nhưng bạn không phải là cơn giận, khi bạn không phải là cơn giận tất nhiên nó không còn khống chế bạn; không còn kích thích bạn và bạn trở nên bất động. Cơn giận đến rồi sẽ đi còn bạn, bạn lúc nào cũng ở ngay trung tâm.
"Chú ý vào điểm giữa 2 chặng mày, đặt tâm thức trước dòng tư tưởng"
Bây giờ, chú ý vào tư tưởng và đương đầu với dòng tư tưởng.
"Ðể dòng sinh khí tràn đầy hình tướng và dâng lên đỉnh đầu để trải ra trận mưa ánh sáng."
Khi chú ý tập trung vào con mắt thứ 3 giữa 2 chặng mày sẽ có hai điều xảy ra.
Trước tiên:
Bạn đột nhiên biến thành nhân chứng. Và ngược lại cũng đúng: "Nếu bạn trở thành nhân chứng của dòng tư tưởng; bạn sẽ tập trung dễ dàng ở con mắt thứ 3." Hãy thử làm nhân chứng. Dù sao đi nữa bạn cũng nên thử làm nhân chứng. Bạn đang bịnh, đang đau khổ, thân thể bạn đau đớn. Hãy là nhân chứng của căn bịnh và của cơn đau. Nhưng dù gì đi nữa, đừng đồng hóa với những gì xảy ra. Hãy là nhân chứng, hãy là một quan sát viên. Nếu có khả năng làm quan sát viên, có nghĩa là bạn đang tập trung vào con mắt thứ 3.
Trường hợp ngược lại, nếu bạn tập trung vào con mắt thứ 3. Bạn cũng có thể trở thành quan sát viên; hai việc này đều cùng một quá trình. Nếu bạn tập trung vào con mắt thứ 3,  cái Tôi, nhân chứng phát triển. Ðó là điều trước tiên.
Thứ hai:
Bây giờ bạn có thể cảm nhận sự rung động tế nhị của hơi thở. Bạn có thể cảm thấy hình tướng và tinh túy của nó. Bạn cần hiểu thế nào là "hình tướng" và "tinh túy" của hơi thở.
Khi thở, bạn không chỉ hít vào không khí, dưỡng khí, hydro hay khí tổng hợp gọi là không khí. Và Mật tông cho rằng không khí giống như một chiếc xe. Chiếc xe chuyển vận "Prana", Sinh khí.
Không khí là hình tướng, Prana là tinh túy; bạn hít cái Prana chứ không phải đơn thuần là không khí. Khoa học vẫn không thể chứng minh sự hiện hữu của Prana, nhưng có vài nhà nghiên cứu vẫn cảm nhận về bí mật này, và hơi thở không phải chỉ đơn thuần là hít không khí vào.
Một vài nhà bác học cũng nghi ngờ về điều này, đặc biệt là tâm lý gia Ðức Wilhelm Reich gọi chất bí mật này là"Orgone", đồng nghĩa với Prana. Reich cho rằng không khí mà chúng ta hít là bình chứa mà sự chứa bí mật có thể gọi là"Orgone", "Prana" hay "Sức sống". Sự chứa này rất tế nhị:
"Nó không phải vật chất nhưng nó lại chứa một hợp chất tinh vi; nhưng hoàn toàn vô chất."
Có thể cảm nhận ảnh hưởng của nó. Như khi đi chung một người đầy sinh khí, bạn cảm nhận một sức sống tràn ngập. Nhưng đi chung với một người bệnh, bạn cảm tưởng như họ đang hút sức sống của bạn giống như họ vừa đoạt nơi bạn một cái gì.
Tại sao bạn cảm thấy mệt mỏi khi bạn ở trong nhà thương. Vì người ta đang rút năng lượng bạn từ khắp nơi. Không khí toàn diện ở bệnh viện thì bệnh hoạn và những người nằm viện cần dựa vào "đà sống", cần dựa vào Prana. Vậy khi bạn vào bệnh viện' Prana của bạn bị cướp đi.
Tại sao có cảm tưởng ngạt thở khi bạn ở giữa đám đông. Vì người ta đang hút Prana của bạn. Khi ngồi một mình với nền trời xanh hoặc dưới bóng cây, bạn bổng nhiên cảm thấy một sinh lực mới tràn ngập. Đó cũng chính là Prana. Mỗi chúng ta đang cần khoảng không gian và nếu nó bị xâm nhập, bạn tiêu hao Prana.
Wilhelm Reich lao mình vào hằng hà thí nghiệm về Orgone. Người ta đã cho ông là điên. Khoa học đã bám chặt vào sự chủ quan và nó chưa bao giờ khám phá ra không khí chứa đựng Prana.
Nhưng ở Ấn độ, người ta đã biết nó từ nhiều thế kỷ. Bạn có lần nào nghe nói: Có người nào đó đi vào Samadhi và người ta chôn ông vào huyệt, không khí không lọt vào được.
Năm 1880, ở Ai cập có người đi vào Samadhi và ông được chôn vùi trong 40 năm. Khi rời huyệt vào năm 1920, những người đã chôn ông đều chết cả và không ai nghĩ sẽ tìm ra ông còn sống. Nhưng ông vẫn còn sống và sau đó còn sống thêm chục năm nữa, mặc dầu không khí không lọt vào nơi trú của ông suốt 40 năm dưới lòng đất. Những bác sĩ và các nhà bác học hỏi: "Bí mật của ông là gì ?"  Ông đáp: "Chúng tôi không biết. Chúng tôi chỉ biết một điều là Prana hiện hữu và xâm nhập khắp nơi."
Nơi nào mà hơi không lọt thì Prana lọt, khi biết cách hấp thụ trực tiếp Prana không qua bình chứa; người ta có thể ở trong trạng thái Samadhi hằng thế kỷ. Khi tập trung vào con mắt thứ 3, bỗng nhiên người ta có thể quan sát được tinh túy của hơi thở và sự khởi động sẽ xảy ra.
Mật điển viết:
"Để tinh túy của hơi thở tràn đầy hình tướng và dâng lên đầu"
Khi bạn cảm được cái tinh túy của hơi thở và nghĩ ngay rằng đầu bạn tràn ngập Prana. Chỉ nghĩ về thôi chứ không cần cố gắng. Tôi sẽ giải thích cho bạn cách thức tư tưởng hoạt động. Khi tập trung vào con mắt thứ 3, hãy nghĩ về sự việc nào đó sẽ xảy ra, đâu đó. Sự nghĩ về rất quan trọng. Bạn có thể nghĩ về cái gì đó và sự việc không xảy ra.
Nhưng đôi khi trong cuộc sống thường ngày, khi không cần nghĩ đến, những sự việc vẫn tự xảy ra. Bạn nghĩ đến bạn mình chẳng hạn và bỗng nhiên anh ta gỏ cửa. Bạn cho đó chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên khi người bạn đến đúng lúc mình nghĩ tới họ.
Hãy thử nhớ lại những trùng hợp tương tự và phân tích biến cố. Khi sự nghĩ về của bạn thành hình, hãy suy nghĩ kỹ và quan sát. Trong lúc nào đó, sức chú ý của bạn đã liên lạc với con mắt thứ 3. 
Khi một sự việc trùng hợp như vậy xảy ra, phải biết rằng đó không phải là ngẫu nhiên. Nó xảy ra như vậy vì bạn chưa hiểu khoa học huyền bí. Tâm thức bạn đã vô tình tập trung vào con mắt thứ 3, khi sự chú ý bạn đến gần con mắt thứ 3, sự nghĩ về có thể tạo ra bất cứ hiện tượng nào.
Khi tập trung vào con mắt thứ 3 và khi bạn cảm nhận ngay tinh túy của hơi thở, hãy để nó tràn đầy bên trong. Suy nghĩ về tinh túy này đang tràn ngập trong đầu bạn, đặc biệt là "Sahasrar" hay trung tâm thần kinh cao độ nhất. Khi suy nghĩ về nó, tinh túy của hơi thở tràn ngập tràn đầy cái Sahasrar và tuôn trào như một trận mưa ánh sáng.
Sự tinh túy, Prana sẽ tuôn trào như một cơn mưa ánh sáng và cơn mưa này sẽ làm mát lòng bạn, sẽ làm bạn tái sinh. Ðây là sự tái sinh nội thể. Tập trung vào con mắt thứ 3, sự nghĩ về cái gì đó của bạn sẽ có một sức mạnh kỳ diệu. 
Chính vì lý do này mà tâm thức bạn cần được thuần khiết. Sự thuần khiết không phải là khái niệm luân lý cần thiết cho Mật tông, nhưng khi tâm thức bạn không thuần và khi bạn tập trung vào con mắt thứ 3, sự nghĩ về... của bạn rất có thể nguy hiểm. Nguy hiểm cho bạn và cho người khác. "Nếu tư tưởng giết người hiện trong tâm thức bạn, ngay lúc này, chỉ cần nghĩ về thôi cũng đủ để giết người." Vì vậy, sự thuần khiết trong tư tưởng rất cần thiết cho loạt bài tập này. Pythagore phải tịnh hoá bằng cách nhịn ăn, tập thở sau khi được vào học trường Ai cập vì ông sẽ dấn thân vào một chân trời nguy hiểm.
Khi có quyền lực tất nhiên có nguy hiểm.
Nếu tâm thức bạn không tinh khiết và bạn nắm quyền năng lớn, những tư tưởng không thuần khiết sẽ xâm chiếm ngay tức khắc. Bạn đã từng ít nhất một lần mong muốn cái chết của người nào đó, nhưng may mắn óc tưởng tượng bạn không thể hoạt động khi nó vận hành, và khi nó hình thành ra một tư tưởng thì vô cùng nguy hiểm, không những cho người khác mà cho bạn nữa khi bạn đang có ý định tự tử.
Nếu tư tưởng tập trung ở con mắt thứ 3, chỉ ngay việc suy nghĩ về tự tử cũng tạo nên hành động tự tử. Bạn không còn thì giờ thay đổi ý kiến: "Nó giải quyết lập tức". Bạn có thể đã thấy một người bị thôi miên. Người thôi miên anh có thể sai khiến anh bất cứ điều gì và anh làm theo lời. Ngay cả những mệnh lệnh mờ ám, vô lý và bất khả thi.


Kỹ thuật 5 của Shiva là nền tảng của các lực thôi miên
Ðể thôi miên một người, họ sẽ bảo anh tập trung vào một điểm nào đó, một cái đèn, một điểm trên tường hay đôi mắt của người thôi miên. Khi bạn tập trung cái nhìn vào một điểm trong vài phút, sự chú ý trong bạn sẽ hướng về con mắt thứ ba, và khuôn mặt bạn bắt đầu thay đổi. Người thôi miên nhận ra được sự thay đổi này vì khuôn mặt bạn đột nhiên không còn sinh khí nữa. Nó trơ ra, và bạn đang chìm vào giấc ngủ sâu nồng. Con mắt thứ 3 đã thu hết sự tập trung và tất cả năng lượng đều tập trung về đây.
Người thôi miên biết rõ tất cả những gì họ ra lệnh, bạn đều phải làm theo. Nếu họ nói: "Bây giờ bạn đắm mình vào giấc ngủ say"; bạn sẽ ngủ thiếp sau đó. Nếu nói: "Bây giờ  bạn bất tỉnh " bạn bất tỉnh ngay lập tức. Tất cả đều có thể xảy ra. Hắn nói: "Bây giờ bạn là Nã phá luân hay Hitler, "bạn trở thành Nã phá luân hay Hitler, bạn xử sự như Nã phá luân, nói như Nã phá luân hay như Hitler.
Vô thức bạn thâu lệnh và biến  nó thành hiện thực.
Nếu bạn nhuốm bệnh và nếu người ta nói rằng cơn bệnh sẽ hết, nó sẽ hết. Hay ngược lại, người ta có thể cấy vào bạn bất cứ một căn bệnh nào. Nếu nhà thôi miên đặt viên đá vào tay và nói rằng đó là lửa, bạn cảm thấy một sức nóng mãnh liệt, bạn phỏng tay. Không những trong trí tưởng tượng mà cả trong thực tế, bạn sẽ bị phỏng thật sự.
Như vậy thì sao? Lửa thì không có, trong khi tay bạn chỉ là một viên đá tầm thường lạnh ngắt. Vậy cái gì xảy ra khiến bạn bị phỏng.
Vì sức tập trung của bạn ở ngay con mắt thứ 3. Nhà thôi miên gợi ý vào sự nghĩ về... của bạn và nó biến thành sự thực. Nếu hắn nói: "Bây giờ bạn sẽ chết", trái tim bạn ngừng đập. Nó ngừng đập ngay lập tức.
Tất cả điều này xảy ra vì bạn tập trung vào con mắt thứ 3. Nơi đây sự tưởng tượng và thực tế là một. Sự tưởng tượng là sự kiện không có khoảng cách giữa giấc mơ và thực tế. Hoàn toàn"Không", Giấc mơ là hiện thực. Vì thế Shankara đã nói rằng: "Thế giới là Giấc Mơ Của Ðấng Tối Cao". Nếu bạn tập trung vào con mắt thứ 3 tất cả những giấc mơ của bạn sẽ biến thành sự thực.
Khi Sariputta đi sâu vào thiền định vài hình ảnh xuất hiện. Ông thấy trời, địa ngục, thiên thần, thượng đế và ma quỉ. Tất cả đều xem như thật khiến ông chạy đến Phật kể lại những gì nhìn thấy, nhưng đức Phật chỉ nói: "Không có gì cả, đó chỉ là mộng."
Sariputta nhấn mạnh: "Nhưng tất cả đều như thật! Làm sao con có thể xem đó là giấc mộng. Khi con thấy một bông hoa trong lúc tham thiền, trông còn hơn những bông hoa thật. Con ngửi được mùi hương và có thể chạm đến nó như khi con thấy ngài, ngài không như thực. Ðóa hoa còn thực hơn sự hiện diện của Ngài đang trước mắt con. Vậy, làm sao có thể phân biệt những gì thực và mộng huyễn ?"
Ðức Phật trả lời: "Sự chú ý của ông hiện ở con mắt thứ 3, giấc mơ và hiện thực chỉ là một. Những gì ông mơ là sự thật và ngược lại cũng đúng." Ai đã bước qua trung tâm của con mắt thứ 3, những giấc mơ là sự thực và sự thực toàn diện là một giấc mộng. Bạn hiểu rằng không có sự khác biệt nền tảng nào giữa mộng và thực.
Như vậy, khi Shankara nói rằng thế giới này là Maya, Giấc mơ của Ðấng tối cao, đây không phải là mệnh đề suông, cũng không là một sự tuyên bố triết lý. Mà nó là kinh nghiệm nội tại của ai đã xâm nhập vào trung tâm con mắt thứ 3.
Khi sự chú ý của bạn tập trung vào con mắt thứ 3, hãy nghĩ về dòng Prana tràn ngập bạn trên đỉnh đầu như cơn mưa ánh sáng; như bạn ngồi dưới bóng cây với những lá và hoa rơi lả tả. Hay như bạn đang ở ngoài thì sét đánh và mưa xuống như trút; như khi bạn ngồi giữa đám sương ban mai và ánh mặt trời chứa chan. Hãy nghĩ đột nhiên bạn bị lớp mưa ánh sáng bao phủ. Cơn mưa tái tạo bạn, làm bạn tái sinh.


Kỹ thuật 6 nói rằng:
"Trong sinh hoạt thường nhật, hãy chú ý giữa hai thời thở; và cứ như vậy trong vài ngày, một bản thể mới xuất hiện."
Hãy quên hơi thở.
Chú ý vào khoảng lắng giữa hít và thở bạn vừa hít vào trước khi hơi ra ngoài.
Có một khoảng thời gian, một khoảng lắng, và phải chú ý không ngừng nghỉ.
Kỹ thuật 6 đòi hỏi sự liên tục. Vì thế nói: "Trong sinh hoạt hằng ngày..." Dù bạn đang làm gì cũng chú ý vào khoảng lắng giữa 2 thời thở. Hãy chú ý không gián đoạn.
Chúng tôi đề cập một kỹ thuật tương tự:
"Bây giờ phải thực hành bất cứ lúc nào và không chỉ khi bạn ở một mình." Chẳng hạn, bạn đang ăn; bạn vẫn ăn nhưng chú ý vào khoảng lặng. Trước khi đi ngủ: Nằm dài ra để giấc ngủ tràn ngập, nhưng tiếp tục chú ý vào khoảng lắng.
Tại sao trong sinh hoạt. Vì sinh hoạt làm xao lãng tâm thức. Sinh hoạt buộc bạn cần chú ý. Ðừng để bị xao lãng, giữ tập trung ngay khoảng lắng mà không ngừng hoạt động. Bạn tiếp xúc ngay hai lớp của hiện hữu: "Sinh hoạt" và "Bản thể".
Thế giới của hành động và thế giới của bản thể, ngoại vi và nội vi. Cứ tiếp tục ở vòng ngoài, ngoại vi, nhưng vẫn ở trung tâm. Cái gì sẽ xảy ra trong trường hợp này. Hoạt động của bạn trở thành cách hành động như bạn đóng một vai trò.
Tưởng tượng bạn đang đóng tuồng. Bạn là Ram hay Chúa. Bạn đóng vai Ram hay Chúa trong vở tuồng, dù vậy bạn vẫn là bạn. Trong trung tâm, bạn rõ biết bạn chính là "Bạn". Ở vòng ngoài, tiếp tục đóng vai trò Ram hay Chúa. Nhưng dù sao bạn vẫn là bạn. Bạn biết rằng mình không phải là Ram, bạn chỉ đóng vai Ram.
Bạn biết bạn là ai, và chú ý tập trung vào bạn, mặc dù vậy những hoạt động vẫn tiếp diễn ở vòng ngoài. Nếu thực hành thuật này, cuộc đời bạn trở thành vở kịch dài "Bạn trở thành diễn viên đóng nhiều vai; nhưng bạn phải tập trung  không ngừng nghỉ vào khoảng lắng. Nếu bạn quên khoảng lắng, bạn không đóng vai nữa. Bạn đã trở thành vai diễn."
Vậy phải xem sân khấu làm cuộc đời như chúng ta đã thường làm. Người ta nghĩ rằng mình đang sống. Nhưng cuộc đời không phải chỉ là một vai đóng, một vai mà xã hội, hoàn cảnh, văn hoá, truyền thống, tổ quốc, hiện trạng cho bạn một vai đóng và bạn đang đóng vai đó; bạn đã đồng hóa với nó. Mục đích của kỹ thuật nói trên để phá vỡ sự đồng hóa này.
Krishna có rất nhiều tên, Krishna là một trong những đại diễn viên. Ông đóng trò nhưng ông vẫn luôn luôn giữ trọng tâm. Ông diễn vô số tuồng, vô số vai; nhưng không cho đó là nghiêm trọng. Sự nghiêm trọng là đồng hóa với vai trò.
Nếu bạn thật sự trở thành Ram trong vở kịch chắc chắn bạn đang có vấn đề vì bạn đã đồng hóa với Ram và khi tới lúc người ta đoạt Sita. Có thể bạn sẽ lên cơn đau tim và vở hát phải dừng lại.
Nhưng bạn chỉ là diễn viên. Người ta cướp mất Sita đó chỉ là màn kịch; và sau đó bạn có thể về nhà và ngủ một giấc ngon lành không mộng mị. Ngay cả trong những giấc mơ, nếu có, bạn vẫn không cảm thấy Sita bị bắt cóc.
Khi Sita bị bắt cóc, Ram rên rỉ, khóc lóc, hỏi cây cối: "Sita của ta đâu. Ai đã lấy mất nàng?" Nhưng phải hiểu: Nếu những giọt nước mắt của Ram là thật, anh sẽ không còn là Ram; không còn là  thượng đế.
Vậy nên nhớ rằng đối với Ram, cuộc đời thật của anh cũng chỉ là một vai trò. Bạn thấy những diễn viên đóng vai Ram nhưng chính Ram cũng đóng một vai, dĩ nhiên trên  sân khấu lớn hơn.
Bên Ấn độ có một chuyện rất đẹp về đề tài này, tôi tin rằng chuyện này thật hi hữu. Người ta nói rằng Valmiki đã viết "Ramayana" trước khi Ram ra đời. Vậy, chuyện Ram được viết trước ngày sinh của ông và ông phải làm sống động vở kịch.
Khi một người như Valmiki đã viết truyện thì Ram phải đóng vai của mình. Như vậy, tất cả đã sẵn theo một định  hướng. Sita phải bị bắt cóc và chiến tranh phải xảy ra.
Nếu bạn hiểu điều này, bạn có thể hiểu Bhagya, Số mạng. Lập thuyết này có một ý nghĩa sâu sắc: Nếu bạn nghĩ số mạng bạn đã được định sẵn, cuộc đời bạn trở thành một vở tuồng. Nếu bạn là Ram trong tuồng, bạn không thể đổi vai; tất cả được định sẵn ngay cả những lời đối thoại. Khi bạn ngỏ lời với Sita, bạn chỉ lặp lại những gì đã viết. Bạn không thể thay đổi hiện hữu nếu bạn biết nó được viết sẵn."
Chẳng hạn, bạn sẽ chết vào một ngày đã định. Đến ngày chết, bạn khóc lóc, nhưng thời hạn đã quyết định và người nào đó sẽ ở bên cạnh cũng được định sẵn. Vậy nếu tất cả đều viết ra thì cuộc đời bạn trở thành một tuồng hát, bạn chỉ cần diễn vai mà thôi. Người ta không đòi bạn sống nó mà chỉ đòi bạn diễn.
Kỹ thuật 6 nhằm chỉ cho bạn thấy bạn đang sống trong bi kịch.
Bạn tập trung vào khoảng lắng giữa 2 thời thở và cuộc sống vẫn tiếp tục ở vòng ngoài; những gì xảy ra ở vòng ngoài đòi hỏi  sự "chú ý phụ"; cái gì đó tương tự sự chú ý của bạn. Bạn cảm nhận, bạn biết đấy nhưng không quan trọng. Tất cả đều xảy ra như bạn không phải là đích nhắm.
Tôi xin nhắc lại:
"Nếu bạn thực hành kỹ thuật 6, cả cuộc đời bạn sẽ diễn ra như một vở tuồng. Nhưng bạn không phải là đích nhắm."

Với kỹ thuật 7 
"Nhờ vào hơi thở bất tận ngay giữa trán khi đụng đến tim trong lúc ngủ. Hãy làm chủ giấc mơ và chính cái chết."
Càng xâm nhập từng lớp lớp sâu thẳm. Nhờ vào hơi thở bất tận giữa trán... Nếu bạn cảm thấy con mắt thứ 3 bạn hiểu được hơi thở bất tận; khí Prana vô hình ngay giữa trán. Vì vậy bạn biết được cơn mưa ánh sáng, khi cơn mưa này đụng đến tim "trong lúc ngủ", hãy làm chủ giấc mơ và chính cái chết"
Khởi đầu, bạn phải có khả năng cảm nhận dòng Prana trong hơi thở, phần bất khả xâm phạm, vô hình, vô thể. Bạn cảm nhận nó dễ dàng khi bạn tập trung sự chú ý của bạn ngay giữa 2 chặng mày.
Bạn cũng đạt đến khi chú ý vào khoảng lắng nhưng hơi khó hơn. Nếu bạn ý thức được cái trung tâm nơi lỗ rún, nơi hơi thở xâm nhập trước khi thở ra. Bạn cũng đạt được nhưng còn khó hơn.
Cách đơn giản nhất để cảm nhận thành phần vô hình của hơi thở là tập trung vào con mắt thứ 3. Nhưng bất cứ bộ phận nào trên cơ thể mà bạn chọn để tập trung, bạn cũng cảm nhận được dòng Prana đang chảy trong bạn.
Nếu bạn cảm nhận dòng Prana chảy trong người; bạn có thể biết khi nào bạn sẽ chết. Sáu tháng trước khi chết, bạn có thể biết nếu cảm nhận được phần bất khả xâm phạm của hơi thở.
Tại sao nhiều vị thánh dự đoán được ngày chết của họ. Vì nếu cảm được nội dung của hơi thở, cảm được dòng Prana chảy trong người; ngay cả lúc quá trình đi ngược lại.
Sáu tháng trước khi chết quá trình đảo nghịch xảy ra. Dòng Prana bắt đầu rời khỏi cơ thể. Hơi thở bạn không đem lại gì mà ngược lại, dòng Prana thoát qua hơi thở.
Sở dĩ bạn không cảm nhận được; vì bạn không cảm được cái thành phần bất khả xâm phạm của không khí. Bạn chỉ biết cái thành phần hữu hình, phương tiện chuyển tải. Lúc này chiếc xe không khí chứa dòng Prana đi khắp cơ thể; rồi trở về tay không để nạp dòng Prana lần nữa theo hơi thở vào chu lưu khắp cơ thể. Như vậy hít vào và thở ra hoàn toàn khác nhau. Cùng trên một chuyến xe nhưng hít vào là nạp dòng Prana, khi thở ra thì xe rổng không vì bạn đã hấp thụ xong dòng Prana.
Khi cận kề cái chết sẽ xảy ra tiến trình nghịch đảo. Hơi vào xâm nhập cơ thể bạn không chứa dòng Prana, cơ thể bạn không hấp thụ dòng Prana của vũ trụ được nữa; nhu cầu đã biến mất. Quá trình bị đảo nghịch khi không khí ra ngoài cơ thể nó lại kéo theo dòng Prana của bạn trả về vũ trụ. Ai có thể nhìn thấy được thế giới vô hình có thể biết bạn sắp chết.
Ðoạn kinh này rất quan trọng:
"Nhờ hơi thở bất khả xâm phạm giữa trán khi nó đạt đến tim trong giấc ngủ, hãy là chủ nhân ông của giấc mộng và cái chết."
Ta phải thực hành thuật này trong lúc thiếp ngủ, chỉ trong lúc này chứ không phải lúc nào khác. Khi bạn sắp thiếp ngủ, khi giấc ngủ từ từ tràn ngập bạn. Trong phút chốc thức của bạn biến đi. Trước khi cái thức tan biến hãy nhận thức hơi thở và thành phần vô hình, dòng Prana và cảm nhận nó tiếp cận trái tim.
Thử cảm nhận nó xuống đến tim.
Dòng Prana đi từ đầu bạn qua khắp cơ thể.
Hãy cảm nhận nó tiếp cận trái tim và cũng để giấc ngủ tràn ngập bạn. Vừa cảm nhận nó và vừa đi sâu vào giấc ngủ nếu chuyện này xảy ra. Nếu bạn cảm nhận được hơi thở vô hình đi xuống trái tim khi bạn đang chìm vào giấc ngủ; bạn giữ trạng thái này đến khi nằm mơ. Bạn sẽ biết rằng bạn đang nằm mơ.
Bình thường thì chúng ta không biết chúng ta đang nằm mơ mà chúng ta tưởng đó là sự thực, chẳng qua do con mắt thứ 3. Bạn có nhìn ai đang ngủ chưa. Cặp mắt họ dao động và hướng về con mắt thứ 3. Nếu bạn chưa quan sát hiện tượng này; hãy nhìn con bạn đang ngủ mở mí mắt em lên và nhìn xem mắt bên trong.
Hai đồng tử  em bé đang hướng về con mắt thứ 3. Tôi nhấn mạnh quan sát trẻ em và không phải những người lớn; vì giấc ngủ của người lớn không được sâu lắm. Quan sát một đứa trẻ; đôi mắt của chúng đều hướng về con mắt thứ 3.
Chính vì thế mà chúng ta thường xem mộng là thực. Người ta không nhận ra rằng đó là mộng. Nó thật đấy cho đến khi tỉnh dậy bạn mới biết rằng đó chỉ là mộng. Nhưng chỉ là do nhìn lại mà nhận ra.
Bạn không thể nhìn đó là mộng khi bạn đang mộng. Nếu bạn rõ biết điều này bạn sống được trên 2 tần số: giấc mộng ở đó nhưng bạn vẫn tỉnh, bạn vẫn ý thức trong lúc bạn nằm mơ.
Cho những ai ý thức được lúc đang mộng, đoạn kinh này thật tuyệt vời:
"Hãy làm chủ giấc mơ và chính cái chết."
Nếu ý thức được bạn đang mơ, có hai điều sẽ đến với bạn.
Trước tiên, bạn có thể tạo ra giấc mơ mà lúc bình thường thì không thể.
Thứ hai, con người hoàn toàn bất lực, họ không thể tạo nên giấc mơ. Không thể.
Họ không có quyền năng này vì họ là nạn nhân của giấc mộng chứ không bao giờ là người sáng tạo giấc mộng. Nếu bạn đang thiếp ngủ với nhận thức được dòng Prana đang tràn ngập trái tim, rằng mỗi lần hít vào đều đem lại dòng Prana, bạn sẽ làm chủ giấc mơ...
Điều này hiếm khi xảy ra. Như vậy, bạn sẽ mơ được những gì bạn muốn. Chỉ cần nhắc nhở mình trước khi ngủ "Tôi muốn mơ chuyện này..." và giấc mơ sẽ hiện thực hay đơn giản nhắc nhở "Tôi không muốn mơ như vậy..." và giấc mơ  sẽ không vào tâm thức bạn. Nhưng có ích lợi gì nếu làm chủ được giấc mơ? Khi bạn làm chủ được giấc mơ bạn sẽ không còn mơ nữa. Điều này làm bạn khó hiểu.
"Nếu bạn làm chủ giấc mơ, giấc mơ biến mất vì  không còn cần thiết.
Khi giấc mơ không còn nữa, giấc ngủ bạn sẽ mang chất lượng khác.
Chất lượng này tương tự như cái chết."
Giấc mơ khi không cần thiết thì nó tự động biến đi và tâm thức nghỉ ngơi liên quan đến sự bất lực của con người.
Cái chết là một giấc ngủ sâu. Nếu giấc ngủ của bạn sâu như cái chết, bạn sẽ không mơ. Chúng ta ngủ thiêm thiếp vì những giấc mơ; vì bám dính vào giấc mơ nên lúc nào chúng ta cũng lơ lửng trên mặt biển. Khi không còn giấc mơ, chúng ta như đang lặn sâu xuống lòng biển, xuống đáy sâu vực thẳm tột cùng.
Cái chết cũng tương tự. Ở Ấn độ  người ta bảo rằng: "Giấc ngủ là cái chết nhỏ còn cái chết là giấc ngủ dài." Về phẩm chất, giấc ngủ là cái chết thường nhật. Cái chết là chuyển tiếp của cuộc sống này sang cuộc sống khác. Giấc ngủ là từ cuộc sống này sang cuộc sống khác, mỗi ngày bạn thấm mệt bạn ngủ và  phục hồi sinh khí vào buổi sáng, bạn tái sinh.
Vào buổi hoàng hôn 70, 80 tuổi bạn thấm mệt nhưng cái chết nhỏ không đủ, bạn cần đến cái chết lớn. Sau cái chết lớn hay sau giấc ngủ lớn, bạn thức dậy (tái sinh) trong một cơ thể hoàn toàn mới.
Khi bạn biết thế nào là giấc ngủ không mộng mị; và bạn ý thức được. Bạn không còn sợ cái chết. Và không ai có thể chết. Đó là điều bất khả thi duy nhất.
Những trang trước, tôi nói với bạn cái chết là điều chắc chắn, nhưng giờ đây cái chết chính là điều bất khả thi vì vũ trụ là cuộc sống liên miên bất tận. Bạn tái sinh không ngừng nhưng giấc ngủ quá sâu cho nên bạn quên đi lý lịch cũ. Tâm thức bạn xóa đi những kỷ niệm cũ. 
Hay có thể chúng ta tư duy theo cách khác. Bây giờ bạn sẽ đi ngủ; giả như có cách xóa đi kỷ niệm... giống như xóa băng nhựa. Kỷ niệm giống như những gì đã thâu trên băng nhựa. Không sớm thì muộn, chúng ta sẽ khám phá ra một khí cụ đặt vào trong đầu, để xóa hoàn toàn tâm thức, những kỷ niệm hay ký ức. Sáng dậy bạn sẽ không còn là người cũ vì bạn không thể nhớ lại con người đang ngủ ngày hôm qua. Vậy giấc ngủ bạn giống như cái chết, vì mất liên tục tính. Bạn không thể nhớ lại ai đã ngủ. Sự vận hành  có thể xảy ra rất tự nhiên, khi bạn chết và tái sinh lại bạn không còn nhớ bạn đã chết mà bạn chỉ bắt đầu sống lại.
Nhờ kỹ thuật này, bạn làm chủ được giấc mơ, nghĩa là giấc mơ ngưng tồn tại. Hay nếu nó còn tồn tại chỉ vì bạn cố tình tạo ra nó. Nó không còn áp đặt bạn, bạn không còn là nạn nhân vì vậy giấc ngủ bạn có những đặc tính giống cái chết. Và cuối cùng, bạn nhận thức rằng cái chết chỉ là một giấc ngủ sâu.
"Hãy là chủ nhân của giấc mộng và cái chết."
Bạn biết được cái chết chỉ là giấc ngủ dài cần thiết và hoàn mỹ vì nó giúp bạn bước vào cuộc sống mới. Cái chết sẽ không còn hiện hữu cũng như những giấc mộng. Ðây là cách có quyền lực trên cái chết.
Nếu bạn hiểu được cái chết là giấc ngủ sâu, bạn có thể điều khiển được nó. Bạn có thể chọn nơi bạn tái sinh thế nào, khi nào và dưới hình thức nào. Có nghĩa là bạn làm chủ được ngày sinh của bạn.
Ðức Phật tuyên bố kiếp trước, trước khi ngài thành Phật: "Tôi sẽ tái sinh từ cha mẹ như thế này. Mẹ tôi sẽ như vầy, cha tôi sẽ như vầy và mẹ tôi sẽ chết ngay sau khi tôi vừa mới ra đời và trước ngày sinh của tôi, mẹ tôi sẽ có được giấc mơ như thế này."
Không những bạn kiểm soát được giấc mơ của bạn và kể cả của người khác. Như đức Phật chẳng hạn, đã khẳng định rằng mẹ ngài sẽ được báo mộng: "Khi tôi vào bụng mẹ, mẹ tôi sẽ được báo mộng cách nào. Người đàn bà nào nhận được điềm báo mộng như thế biết được chính tôi sẽ sinh ra."
Việc đó đã xảy ra trong lịch sử. Mẹ đức Phật đã được báo mộng, khắp nước Ấn độ nhận được thông tin; đặc biệt cho những người quan tâm đến tôn giáo. Giấc mơ này được lan truyền và người ta đoán mộng. Ðiều này chứng tỏ rằng Freud không phải là người tiên phong về đoán mộng hay là người đi sâu vào lãnh vực này. Cha đức Phật đã truy hội tất cả những người đoán mộng, những Freud, những Jung của thời đó và hỏi họ: "Giấc mơ nói gì. Tôi sợ, vì giấc mơ này rất hiếm nhưng  lặp lại thường xuyên. Lúc nào cũng là một giấc mơ lặp lại. Như vậy có nghĩa gì?"
Họ trả lời: "Ông sẽ làm cha một nhà đại tư tưởng và sau đó trở thành Phật. Vợ ông sẽ gặp nguy hiểm vì sau khi sanh ra Phật, người mẹ không thể tồn tại." Người cha thắc mắc. Những người đoán mộng trả lời: "Chúng tôi cũng không biết. Nhưng người sắp sinh đã tuyên bố: Khi sinh ra, người mẹ sẽ chết ngay sau đó."
Sau đó, người ta hỏi đức Phật: "Tại sao mẹ ngài chết sau khi sinh ngài?" Ngài trả lời: "Sinh Phật là một biến cố đến nỗi tất cả mọi sự trở nên phù phiếm. Người mẹ không cần thiết phải tồn tại; bà phải tái sinh; đó là điều tối hậu khi sinh ra Phật, và người mẹ phải ra đi."
Và quả vậy, mẹ đức Phật đã chết. Ðức Phật đã tiên đoán trong tiền kiếp Ngài sẽ sanh ra dưới bóng cây và sự việc đã xảy ra.  Ngài cũng nói: "Tôi sinh ra khi mẹ tôi đứng dưới gốc và tôi đi 7 bước. Tôi biết đi lúc vừa sinh ra và đây là những dấu hiệu cho biết một vị Phật sẽ ra đời" và tất cả đều diễn ra như lời ông nói.
Ðiều này cũng đúng cho Jésus, Mahavir và nhiều vị khác. Mỗi Jain Teethanker đã dự báo diễn tiến họ sinh ra. Họ đã tả trong điềm mộng tiêu biểu.
Người ta có thể làm chủ ngày sinh  của mình. Khi ta làm chủ giấc mơ, ta có thể kiểm soát chúng vì giấc mơ là một tổ hợp nhỏ trong thế giới và cuộc đời chỉ là tấm vải mộng... Và khi người ta làm chủ được giấc mơ, người ta có thể điều khiển được tất cả.
Mật điển ghi: "... ngay chính cái chết." Vậy ta có thể chọn ngày sinh, cuộc đời mà ta muốn. Chúng ta chỉ là những nạn nhân nếu chúng ta không biết vì sao chúng ta sinh ra để chết.
Ai chỉ đạo và vận hành hành trình của chúng ta, và tại sao? Hình như không có lý do nào cả; mọi việc xem như vô trật tự và đầy ngẫu nhiên chỉ vì chúng ta không làm chủ được định mệnh của mình.


Kỹ thuật 8
"Với niềm tín ngưỡng nồng nàn; tập trung vào 2 thời hít thở và tự biết mình."
Hình như có một sự khác biệt nhỏ giữa 2 kỹ thuật nhưng lại rất quan trọng cho bạn. Một chữ có thể gây ra một thay đổi lớn.
"Với niềm tín ngưỡng nồng nàn; tập trung vào 2 thời thở."
Nghĩa là khi hít vào trở thành thở ra và thở ra trở thành hít vào.
Và chúng ta đã đề cập đến sự chuyển hoán này. Kỹ thuật thứ 8 chứa một thay đổi nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng nhưng rất quan trọng cho ai muốn tìm. Ðó là: "Với niềm tin nồng nàn", chỉ thêm vào một điều kiện, tất cả kỹ thuật đã thay đổi.
Bước đầu của kỹ thuật không nhắc tới niềm tín ngưỡng. Nó chỉ là một kỹ thuật rất khoa học. Bạn ứng dụng nó, nó vận hành. Nhưng đối với một số người mà sự khô khan của kỹ thuật không thích hợp. Vậy hãy thử "với niềm tín ngưỡng nồng nàn" khi tập trung vào khoảng lắng của hơi thở.
Khi bạn không chuyên về khoa học, không có tinh thần khoa học nên thử áp dụng thuật này  "Với niềm tín ngưỡng nồng nàn", với lòng sùng tín, tình thương, tin tưởng, nhưng có phải vậy không? Bạn sẵn sàng tin một người, Khrisna, Chúa. Nhưng làm sao có thể có niềm tin chính mình, với khoảng lắng của hơi thở. Hiện tượng tuyệt đối xem như thiếu phần trang nghiêm.
Đối với Mật tông, Cơ thể là một thánh điện, Thân thể bạn là thánh điện của Ðấng Tối Cao. Vậy không nên đối xử thân thể như đồ vật hay công cụ mà hãy xem nó như là một thánh thể. Khi hít vào không phải bạn hít vào, Ðấng Tối Cao đang trong bạn. Bạn ăn, đang di chuyển, hành động, đi đứng  cũng là nơi Ðấng Tối Cao đang trú ngụ. Trong trường hợp này, những gì liên quan đến thân thể đều gợi lòng tín ngưỡng. Người ta thường nói những vị thánh rất thương yêu thân thể, họ đối xử với nó như đối xử với người yêu.  Bạn có thể đối xử với cơ thể như vậy hay chỉ đơn thuần xem nó như một cỗ máy.  Bạn có thể đối xử với nó với mặc cảm tội lỗi, như một cái gì ô uế; trong khi bạn có thể đối xử như với một cái gì mầu nhiệm.
Một phép lạ thật sự. Bạn có thể nhìn nó là nơi cư trú của Ðấng Tối Cao, cái đó tùy bạn. Nếu bạn đối xử cơ thể bạn như một thánh điện thì thuật này rất hữu ích: "Với lòng tín ngưỡng nồng nàn..."
Hãy thử khi bạn đang ăn. Thay vì nghĩ bạn đang ăn, hãy nghĩ chính Ðấng tối cao trong bạn đang ăn. Quan sát như vậy, tất có sự thay đổi trong bạn. Bạn cũng ăn cũng món ấy, bạn vẫn là bạn. Mặc dầu vậy, ngay lập tức tất cả sẽ thay đổi, vì bạn đang nuôi dưỡng Ðấng Tối Cao.
Chẳng hạn, đi tắm là việc thông thường. Nhưng hãy nghĩ bạn đang tắm Ðấng Tối Cao trong bạn. Thế là thuật trở nên dễ dàng: "Với lòng tín ngưỡng nồng nàn, hãy tập trung vào 2 thời thở và bạn tự biết mình"

Nào hãy xem thuật thứ 9:
"Hãy nằm thẳng như xác chết. Trôi theo cơn giận, giữ như vậy; hay nhìn không chớp mắt. Hay hơn nữa, hít vào và trở thành chính cái hít vào"
"Hãy nằm thẳng như xác chết..."
Hãy thử, đột nhiên bạn chết. Hãy rời khỏi cơ thể, không động đậy. Bạn không thể chớp mắt, khóc lóc, lớn tiếng mà chỉ bất động. Bạn đã chết. Cảm giác bạn thế nào. Ðừng tự dối mình hay làm bộ mà chỉ cần bất động. Nếu con muỗi quấy rầy bạn, cứ xem như bạn đã chết rồi. Ðây là kỹ thuật được sử dụng nhiều nhất.
Raman Maharshi đạt đến giác ngộ nhờ thuật này. Nhưng đối với ông nó không phải là kỹ thuật. Sự việc không xảy ra đột ngột, vì ông đã thực hành trong tiền kiếp và không có gì xảy ra một cách ngẫu nhiên mà tất cả đều có liên hệ nhân quả.
Ðột nhiên một tối, Raman (khi ông còn rất trẻ vào khoảng 14, 15 tuổi) thấy rằng mình sắp chết. Ông dự cảm chắc chắn cái chết đang đến, ông không còn cựa quậy. Cảm giác như bị tê liệt, như ngạt thở và biết rằng trái tim đang ngừng đập.
Ông không kịp khóc lóc hay nói với người khác: "Tôi sẽ chết". Chuyện này có thể xảy ra cho bạn khi gặp phải ác mộng: "Bạn không kịp khóc, không thể nhúc nhích. Ngay cả lúc mới thức dậy, trong một khoảng thời gian bạn chỉ bất động."
Ðó là việc xảy ra cho Raman. Ông giữ được quyền lực tuyệt đối với ý thức. Nhưng bất lực trước cơ thể. Ông biết ý thức hiện diện nhưng linh cảm ông chết chắc chắn đến nỗi ông đành buông xuôi. Ông nhắm mắt và chờ tử thần đến, và thế là ông chờ đợi.
Từ từ thân thể ông cứng dần, chết dần...  Tuy nhiên ông biết mình vẫn hiện hữu, vẫn sống mặc dầu thân xác đã mất. Và sáng dậy, ông trở lại cơ thể, ông sống lại. Nhưng  mãi mãi không còn là người cũ sau kinh nghiệm này, vì ông sống qua cái chết. Ông tiếp cận thế giới khác lạ, Ông trải qua một chiều khác của ý thức. Ông trốn về nhà; kinh nghiệm về cái chết làm thay đổi ông hoàn toàn. Ðây là người hi hữu đã biết được sự tỉnh thức vào lúc thiếu thời.
Kỹ thuật chỉ như thế, nhưng đối với Raman nó tới đột xuất. Tuy nhiên, với bạn nó sẽ không dễ dàng như thế. Dù vậy vẫn phải thử. Trong nhiều kiếp, nó sẽ xảy ra cho bạn trong lúc bạn thử và nếu bạn không đạt được cũng không vô ích.  Nó vẫn còn giữ trong bạn như hạt giống cho đến một ngày, đến lúc chín mùi, và mưa đến... hạt giống, sự cố gắng đâm chồi và bất chợt xuất hiện... như thế có nghĩa là cái hồn nhiên hoạt động.
Hạt giống được gieo vào giai đoạn nào đó, thời gian không kịp nẩy mầm, mưa cũng không rơi. Thế là trong cuộc sống khác, hạt giống sẽ khai hoa khi mưa xuống, mầm sẽ nẩy và bạn sẽ già giặn kinh nghiệm, tuyệt vọng hơn mọi người. Trong hoàn cảnh nào đó, đột nhiên mưa rơi và hạt giống nẩy mầm thế thôi.
"Hãy nằm thẳng như xác chết, trôi theo cơn giận, cứ như thế."
Khi bạn giận dữ, hãy ở trong cơn giận. Nếu cảm thấy buồn thì hãy buồn. Nếu bạn lo sợ hay sợ hãi thì hãy lo sợ và cứ  sợ hãi. Bạn đang chết không thể động đậy. Dù bạn suy nghĩ đến đâu cơ thể bạn đã chết và bạn bất động. Nếu bạn giữ được trạng thái chết hiện hữu trong vài phút đột nhiên bạn cảm thấy tất cả đều thay đổi, nhưng bình thường thì chúng ta phản ứng lại.
Khi tâm thức nhận một cảm giác nào đó thì cơ thể phản ứng, tình cảm tạo thành hành động. Nếu bạn giận dữ thì cơ thể cũng phản ứng; thế nên hãy bất động như một xác chết, ngăn cảm giác chủ động cơ thể. Hãy để cảm giác làm việc nhưng vẫn bất động chết cứng. Không một cử động nhỏ và nằm im.
"Hãy nhìn không chớp mắt."
Ðây là kỹ thuật của Meher Baba. Nhiều năm ông nhìn chòng chọc lên trần nhà. Trong nhiều năm, nằm dài trên đất ông nhìn trần nhà không chớp mắt, ông nằm dài không cử động chỉ trân trân.
Khi đặt cái nhìn như vậy bạn đang tập trung vào con mắt thứ 3 và bạn không thể chớp mắt. Mắt bạn nhìn thẳng. Meher Baba đã đạt giác ngộ như thế và bạn tự hỏi: "Thế nào với những bài tập nhỏ...  trong vòng 3 năm Meher đã nhìn trừng trần nhà không làm gì cả?" 
Ba năm quả thật là lâu. Khi thực hành kỹ thuật trong vòng 3 phút bạn có cảm tưởng như nằm dài từ 3 năm rồi, một phút đối với bạn quả là lâu, bạn có cảm tưởng thời gian như dừng lại.
Meher Baba cứ nhìn chòng chọc, từ từ ông ngừng suy nghĩ; không còn một dao động nào trong tâm thức. Ông trở thành ý thức; trở thành cái nhìn chòng chọc. Rồi ông không nói gì nữa trong suốt cuộc đời. Cái nhìn chòng chọc đã gây sự yên lặng nội tâm đến độ ông không thể buộc ra lời.
Meher Baba có dịp viếng thăm Hoa kỳ. Tại đây, có người đọc được tư tưởng người khác (và là người giỏi nhất trong lãnh vực này). Ngồi trước mặt bạn, ông nhắm mắt và chỉ vài phút sau ông có thể tương ứng với và đoán được tư tưởng bạn. Người ta đã trắc nghiệm nhiều lần nhưng lúc nào ông cũng có lý. Những gì ông nói đều là sự thật.
Một ngày kia, người ta dẫn Meher Baba đến. Đây là lần thất bại duy nhất trong cuộc đời ông. Ông nhìn chòng chọc Meher Baba thật lâu và bắt đầu đổ mồ hôi. Ông không hiểu gì cả, cây viết trong tay ông hoàn toàn bất động. Rồi đột nhiên ông tuyên bố: "Ông này là hạng người nào. Tôi không thể đọc được tư tưởng của ông vì không có gì để đọc. Người này hoàn toàn trống không. Tôi quên cả sự hiện diện của ông. Khi nhắm mắt lại, phải cạy mắt tôi ra để bảo đảm có người đang hiện diện trước mặt. Tôi khó tập trung vì khi tôi nhắm mắt tôi cảm tưởng như bị lừa... rằng người này đã trốn thoát và không ai ở trước mặt tôi. Tôi phải mở mắt để bảo đảm rằng ông vẫn hiện diện. Ông ta không tư tưởng gì cả.Một sự yên tĩnh hoàn toàn đã làm ngưng mọi hoạt động trong tâm thức ông ta."
Hãy nhìn không chớp mắt.
Hay hơn nữa, khi hít vào và hoà mình với nó.
"Ðó cũng chỉ là những qui kết, tất cả gì cũng được.
Miễn là bạn chết đi thì đủ."
"Trôi theo cơn giận và giữ yên như thế."
Ðoạn kinh này có thể là kỹ thuật. Bạn đang giận dữ; hãy thư giãn và ở trong trạng thái giận dữ, bất động, nằm im. Chỉ nằm bất động. Khrisnamurti cũng thường nói về nó. Kỹ thuật nằm nền tảng trên sự việc đơn giản:
"Trôi theo cơn giận và giữ yên như vậy."
Nếu bạn đang giận dữ, cứ giận dữ và giữ như vậy. Bất động. Nếu bạn không nhúc nhích, cơn giận tự biến đi và bạn thoát ra với trạng thái khác hẳn. Nếu bạn đang lo âu đừng làm gì cả, giữ yên như thế. Sự lo âu tự tan biến và bạn thoát ra trong trạng thái kinh nghiệm. Khi bạn sống với nỗi lo âu mà không động đậy và bạn làm chủ được nó.
"Hãy nhìn không chớp mắt.
Hay hơn nữa hít vào và hoà mình với nó"
Vấn đề chót rất dễ thực hành vì nó là điều cơ bản ta đã thực hành nó từ khi mới sinh ra. Hít vào là việc đầu tiên khi ra đời. Khi trẻ ra đời nó bắt đầu hét. Có thể bạn không hình tượng được những tiếng hét này. Trẻ không thật sự hét mà đúng ra chúng đang hít hơi vào. Nếu trẻ không hét chỉ trong vài phút sau nó sẽ chết vì tiếng hét tượng trưng cho sự cố gắng đầu tiên để hình thành hơi thở.
Trẻ đã không thở khi nó ở trong bụng mẹ, nó không cần thở. Nó sống như những đạo sĩ Du già tự chôn sống. Vì nó hấp thụ dòng Prana chứ không phải hít không khí. Dòng Prana tinh khiết qua trung gian người mẹ vì thế tình yêu giữa trẻ và người mẹ có đặc tính khác biệt hoàn toàn với các tình cảm khác.
Dòng Prana tinh khiết nhất liên kết họ, dòng năng lượng đó rất hi hữu. Có sự liên hệ tế nhị giữa họ và dòng Prana. Người mẹ truyền dòng Prana cho con khi nó chưa thở cho đến lúc ra đời nó tiếp xúc với thế giới mới bên ngoài bụng mẹ. Bấy giờ dòng Prana không thể đi tới dễ dàng đứa trẻ phải tự thở lấy.
Tiếng hét đầu tiên là bước đầu hít hơi để thở, thế rồi trẻ uống sữa mẹ để sống... Ðây là những bước mà chúng ta đã trải qua và mọi sự tiếp sau... Đó là những bước đầu của cuộc sống.
Nhưng bạn vẫn có thể thực hành điều này ngay bây giờ, "Hay hơn nữa hít vào và hòa mình với nó." Thế là thế nào? Bạn hít vào cái gì đó: "Bạn là người hít vào, không phải vật hít vào", chính bạn hít vào.
Ðoạn kinh nói sống như hành động và trở thành hành động hít vào. Chẳng hạn, bạn đang chạy, hãy trở thành động tác chạy, đừng làm người chạy. Hãy là động tác chạy và quên đi người chạy. Thử cảm nhận không còn người chạy nữa, chỉ còn quá trình chạy mà bạn là quá trình chạy, quá trình chạy như dòng nước đang chảy. Tất cả đều tĩnh lặng ở bên trong, chỉ còn lại là quá trình... một quá trình...
Hấp thụ vào thì rất tốt. Nhưng bạn cảm thấy rất khó thực hiện vì chúng ta quên cách hấp thụ. Không hẳn vậy, chẳng qua chỉ vì chúng ta đã tìm ra những món thế vào. Ðể thế vú mẹ, chúng ta thay vào bằng thuốc lá. Và khi khói thuốc nóng quyện vào bạn thì giống như sữa nóng của người mẹ.
Thường thì những ai không được nuôi với sữa mẹ là những người nghiện thuốc nặng nhất. Ðó là vật thay thế hữu hiệu nhất, hãy quên điếu thuốc, quên người hút, để trở thành chính động tác hút. Chúng ta có thuốc hút, người hút và quá trình hút; hãy trở thành cái hút, trở thành quá trình hút. Hãy thử với những món khác bạn sẽ tìm ra món thích hợp. Như bạn uống nước. Nước vào người bạn hãy trở thành hành động uống, không phải bạn đang uống nước.
Hãy quên nước quên luôn bạn và cái khát, đơn giản là hành động uống. Hãy trở thành cái tươi mát của nước, trở thành cảm giác nó đã tạo ra. Trở thành đường đi của nó vào miệng bạn và những bắp thịt dùng để uống. 
Tại sao. Chuyện gì sẽ xảy ra. Nếu bạn trở thành hành động hút, chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn trở thành được cái hút vào. Tức khắc bạn trở thành ngây thơ như đứa trẻ. Vì đặt để là hành động tiên khởi và bạn sẽ bị tha hóa về một hướng, nhưng cơn ghiền vẫn hiện hữu nơi bạn. Trong tận cùng của tâm thức, thử tìm những vật thế khác nhưng nếu bạn không trở thành chính hành động thì không gì có thể giúp bạn.
Nào, chúng ta hãy thử xem.
Tôi đề nghị kỹ thuật này cho một người. Ông đã thử rất nhiều phương pháp trước khi đến gặp tôi. Tôi hỏi: "Nếu bắt anh chọn một vật dụng, anh sẽ chọn gì?" Tôi bắt anh nhắm mắt lại trả lời liền. Thấy anh sợ và do dự nên tôi trấn an: "Đừng sợ và do dự. Hãy thành thật cho tôi biết cái gì mới thoáng qua trong đầu anh" anh đáp: "Thật có vẻ khó nói nhưng hình ảnh bộ ngực vừa xuất hiện."
Anh thấy xấu hổ. Tôi bèn trấn an: "Không cần thiết phải xấu hỗ. Cái vú không gì xấu hổ, đây là một trong những vật tuyệt vời nhất. Vậy tại sao anh cảm thấy tội lỗi?" Anh trả lời: "Nhưng đó là điều tôi bị ám ảnh. Tôi mong ông giải thích dùm tôi trước khi đề nghị kỹ thuật. Tại sao bộ ngực của phụ nữ thu hút tôi dữ vậy. Mỗi lần nhìn phụ nữ thì nhìn bộ ngực trước hết. Những phần khác chỉ phụ thuộc."
Hầu hết đàn ông là như vậy. Thật là tự nhiên; vì khi còn bé thơ cuộc tiếp xúc đầu tiên với thế giới qua bầu sữa mẹ. Vì thế, nó thu hút, làm bạn đắm đuối, ngây ngất. Một lực hút mãnh liệt xuất phát từ vô thức vì nó là vật đầu tiên mà bạn tiếp xúc.
Sự tiếp xúc thần diệu cung cấp thực phẩm, sức sống đồng thời là tình yêu và tất cả. Sự tiếp xúc dịu dàng, mơn trớn, hấp dẫn và như vậy nó in sâu trong tâm thức bạn.
Tôi bảo người đàn ông: "Bây giờ tôi sẽ cho ông một kỹ thuật. Hãy hít vào và trở thành cái hít vào." Tôi tiếp: "Hãy nhắm mắt và nghĩ đến bộ ngực của mẹ anh hay của người phụ nữ nào đó. Nghĩ về và mút nó như bầu sữa thật sự."
Ông ta theo lời hướng dẫn của tôi trong 3 ngày, ông hít vào rất nhanh rất điên cuồng. Cuối cùng vui sướng đến nỗi buột miệng: "Thật khó tin, tôi thèm khát mớm cả toàn thế giới. Thật là tuyệt diệu; nó đem lại một niềm yên lặng nội tại."
Trong 3 tháng sự hít vào và trở thành một động tác nhẹ nhàng. Môi anh ngưng hẳn tư thế mớm. Người ta không biết ông hoạt động ra sao nhưng cái mớm nội thể đã bắt đầu. Anh mút cả ngày. Nó đã trở thành một chân ngôn, một Japa (sự lặp lại chân ngôn).
Ba tháng trôi qua, anh đến tìm và hỏi tôi: "Tôi cảm thấy khác lạ. Hình như có một hợp chất nhẹ nhàng tràn liên tục khắp đầu và lưỡi tôi. Rất dịu dàng tràn đầy năng lượng tới nỗi không cần ăn nữa.
Tôi không thấy đói, tôi chỉ tiếp tục ăn vì thói quen. Ăn để gia đình khỏi bận tâm. Nhưng có cái gì đó nuôi dưỡng thân tôi không ngừng, cái gì đó thật dịu dàng và sống động."
Tôi khuyên anh tiếp tục thực hành kỹ thuật. Thêm ba tháng nối tiếp, anh trở lại gặp tôi như người điên, nhảy múa: "Động tác mớm đã biến đi nhưng tôi đã thay đổi. Tôi không còn là người đến gặp ông lần đầu. Một cánh cửa đã mở ra và đón chào tôi. Một cái gì đó vỡ tan; tôi không còn ham muốn. Bây giờ, tôi không thèm thuồng gì cả. Ngay cả Thượng đế cũng như trạng thái Moksha. Bây giờ tất cả đều hoàn thiện như nó là... Tôi chấp nhận nó và tôi thấy hạnh phúc."
Hãy thử đi, bạn cũng vậy. Hít vào và trở thành cái hít vào. Kỹ thuật này có thể hữu ích cho các bạn vì nó nhắc lại cho bạn nền tảng.
Thôi nhé! Quá đủ cho ngày hôm nay.

Ads Belove Post