Read more
Osho – Bồ Đề Đạt Ma: Thiền sư vĩ đại nhất
Chương 13. Tâm trí là tù túng
Không tâm trí không có phật nghĩa là phật tới từ tâm trí... Bất kì ai muốn thấy phật đều thấy tâm trí trước khi người đó thấy phật... một khi ông thấy phật, ông quên mất tâm trí. Nếu ông không quên tâm trí, tâm trí sẽ làm ông lẫn lộn...
Người hữu tử và phật tính giống như nước và băng. Bị khổ bởi ba chất độc này là người hữu tử. Được làm thuần khiết bởi ba giải thoát là phật tính. Cái đông lại thành băng trong mùa đông tan chảy thành nước trong mùa hè. Khử bỏ băng đi, và không còn nước nữa. Gạt bỏ người hữu tử, và không còn phật tính nữa. Rõ ràng, bản tính của băng là bản tính của nước...
Người hữu tử giải thoát chư phật và chư phật giải thoát người hữu tử. Đây là điều được ngụ ý bởi không thiên vị. Người hữu tử giải thoát chư phật bởi vì ưu phiền tạo ra nhận biết. Và chư phật giải thoát người hữu tử bởi vì nhận biết phủ định ưu phiền. Không thể có trợ giúp nào ngoài ưu phiền. Và không thể có trợ giúp nào ngoài nhận biết. Nếu không có ưu phiền, sẽ không có gì để tạo ra nhận biết. Và nếu không có nhận biết, sẽ không có gì để phủ định ưu phiền. Khi ông bị ảo tưởng, chư phật giải thoát cho người hữu tử. Khi ông nhận biết, người hữu tử giải thoát cho chư phật. Chư phật không trở thành chư phật theo cách riêng của họ. Họ được giải thoát bởi người hữu tử. Chư phật coi ảo tưởng như bố mình và tham lam như mẹ mình. Ảo tưởng và tham lam là những cái tên khác cho người hữu tử...
Khi ông ảo tưởng, ông trên bờ bên này. Khi ông nhận biết, ông ở trên bờ bên kia. Nhưng một khi ông biết tâm trí mình là trống rỗng và ông không thấy hình tướng, ông vượt ra ngoài ảo tưởng và nhận biết. Và một khi ông vượt ra ngoài ảo tưởng và nhận biết, bờ bên kia không tồn tại. Như lai không ở bờ bên này hay bờ bên kia. Và ông ấy không ở giữa dòng. A la hán là ở giữa dòng, và người hữu tử ở bờ bên này. Trên bờ bên kia là phật tính.
Bồ đề đạt ma có sáng suốt vô song. Đã có nhiều đệ tử của Phật Gautam đạt tới chứng ngộ, nhưng không ai đã biểu lộ sáng suốt lớn lao đến thế. Hoặc họ vẫn còn im lặng hoặc họ đã nói, nhưng cả việc im lặng của họ lẫn việc nói của họ đều không đạt tới chiều cao và chiều sâu của tâm thức.
Có lẽ lí do là ở chỗ Bồ đề đạt ma không sợ hãi điều ông ấy đang nói. Ông ấy không biết sợ. Ông ấy không bận tâm về điều mọi người sẽ nghĩ gì về phát biểu của ông ấy. Ông ấy không tính tới bất kì ai khác khi ông ấy nói. Gần như là ông ấy đang nói cho bản thân mình.
Trong chín năm ông ấy đã ngồi đối diện bức tường và khi mọi người tới, họ sẽ phải ngồi đằng sau ông ấy. Họ có thể hỏi các câu hỏi nhưng Bồ đề đạt ma sẽ chỉ trả lời cho bức tường. Ông ấy không quan tâm chút nào tới người đang hỏi câu hỏi; ông ấy quan tâm nhiều tới sáng suốt riêng của ông ấy.
Mới đêm hôm qua tôi nhận được cuốn sách cuối cùng của J. Krishnamurti, trong đó ông ấy không nói với ai cả - ông ấy nói chỉ cho bản thân ông ấy. Lời nói được ghi lại nhưng không có thính giả, và có lẽ trong cuốn sách này ông ấy tới gần với chân lí hơn so với bất kì cuốn sách nào khác của ông ấy. Thính giả là hạn chế.
Điều này cũng là kinh nghiệm của tôi nữa. Nếu tôi đang nói cho những người của riêng mình, thế thì không có giới hạn nào; thế thì tôi không cảm thấy rằng tôi phải nói điều gì đó, hay không nói điều gì đó. Thế thì tôi đơn giản nói cứ dường như tôi đang nói cho bản thân mình. Khi tôi nói cho mọi người, những người không biết tôi, những người không hiểu tôi - thường hơn cả là họ hiểu lầm tôi - có giới hạn lớn. Thế thì tôi không được tự do nói. Chính khuôn mặt của họ, mắt họ, cử chỉ của họ ngăn cản tôi không nói điều gì đó có thể làm tổn thương họ.
Mới vài ngày trước đây, bẩy mươi người trong nhóm báo chí Thời báo Ấn Độ đã tới để làm cuộc phỏng vấn riêng với tôi. Những người chủ cũng có mặt - Samir Jain, Nandita Jain và mẹ Indu Jain của họ cũng có mặt. Nhưng điều kì lạ nhất mà tôi lập tức cảm thấy khi tôi đi vào thính phòng này... xấu thế, vô nhân đạo thế và vô văn hoá thế: khi tôi đưa ra lời chào mừng của mình với bàn tay chắp lại cho mọi người, bẩy mươi người đó, kể cả Indu Jain, thậm chí cũng không thể đáp lại. Đó là một việc đơn giản, tại Ấn Độ. Ngay cả người lạ trên phố cũng chắp tay. Bạn không cần phải biết người đó là ai, nhưng bạn đáp lại bởi vì việc chào đón chắp tay có ý nghĩa tâm linh.
Bắt tay không có nghĩa tâm linh; bắt tay có nghĩa rất trần tục. Bạn phải bắt tay bằng bàn tay phải. Đó là một phương cách do phương Tây tạo ra để biểu lộ rằng bạn không cầm vũ khí trong tay phải. Nó không phải để đón chào - nó là việc tìm kiếm. Nó là việc cảnh giác rằng người này không phải là kẻ thù, rằng người đó không thể làm hại gì bởi vì tay phải người đó trống rỗng. Lí do cho bắt tay và tâm lí của nó là hoàn toàn khác; theo một cách rất tầm thường, chính trị.
Nhưng chào đón ai đó bằng tay chắp lại có nghĩa tâm linh: thứ nhất là tôi cúi mình trước sự tính thượng đế của bạn. Dù cho bạn là người lạ, bạn bè hay kẻ thù, không thành vấn đề; bạn vẫn trong ngôi đền của thượng đế, của thượng đế sống. Những bàn tay chắp lại đó biểu lộ kính trọng với thượng đế sống. Những điều này là phi vật chất - dù bạn là bạn bè hay người lạ hay kẻ thù.
Và thứ hai là, tay chắp biểu lộ rằng tôi không phải miễn cưỡng trong chào đón của mình. Tôi là toàn bộ. Cả hai tay, bán cầu trái của tôi, bán cầu phải của tôi cả hai, đều đang cùng đón chào bạn. Tôi đang đón chào bạn như một đơn vị hữu cơ.
Nhưng tôi ngạc nhiên là những dân báo chí Thời báo Ấn Độ - những người được giáo dục kĩ lưỡng, người sở hữu những tờ báo, tạp chí, báo tuần, báo tháng lớn nhất, những người tất cả đều là nhà báo - họ không thể đáp lại tôi. Họ ngồi đó giống như tượng đá, ngay cả Indu Jain.
Người duy nhất đáp lại tôi là Samir Jain, người bây giờ chịu trách nhiệm xuất bản tờ Thời báo Ấn Độ, và em gái ông ấy, Nandita Jain. Nhưng cô ấy cũng không thể tới với chào đón đầy đủ. Cô ấy ngần ngại, cho nên cô ấy tới nửa chừng. Cô ấy không thể tới với việc chào đón đầy đủ, nhưng cô ấy cũng không thể vẫn còn là bức tượng gỗ. Cô ấy nhìn cả hai phía. Ngay cả mẹ cô ấy, Indu Jain, người ở chỗ riêng tư đã chạm chân tôi, nhưng ở chỗ công cộng... bà ấy vẫn còn như bức tượng gỗ. Cho nên cô ấy nhìn vào mẹ mình và cô ấy nhìn vào anh mình và cô ấy chọn lối giữa. Cô ấy tới nửa chừng.
Nói với những người như vậy thì gần như tồi tệ hơn là nói với bức tường. Tôi đã lấy sáng kiến chào đón họ còn họ thậm chí không đủ nhân tính để đáp lại lời chào đón, và đặc biệt ở phương Đông, những điều xấu xí nhất như thế là không thể tha thứ được. Và họ cứ khăng khăng đòi phỏng vấn. Tôi ngần ngại - ngần ngại bởi lí do đơn giản rằng họ sẽ hỏi những câu hỏi ngu xuẩn, thế rồi họ sẽ bóp méo điều tôi nói. Nhưng khi tôi thấy rằng họ đã tới với toàn thể nhân viên của tờ báo Thời báo Ấn Độ, tôi đã đồng ý.
Nhưng tôi thực sự đồng ý với Samir Jain. Anh ta là một thanh niên, anh ta đã từng ở đạo tràng trước đó, anh ta đã thiền. Anh ta muốn trở thành sannyasin nhưng bố anh ta tuyệt đối phản đối điều đó, phản đối nhiều tới mức nếu anh ta trở thành sannyasin, bố anh ta sẽ từ anh ta. Bây giờ họ là trong số những người giầu có nhất của đất nước này. Anh ta không đủ can đảm để nói với bố mình, “Hoàn toàn được, bố có thể từ con,” nhưng anh ta có trái tim cảm thông - và anh ta là con người duy nhất đưa tay lên.
Bây giờ việc nói với những người như vậy trở thành không thể được, trừ phi bạn hoàn toàn quên họ đi, và mặc kệ họ liệu họ tồn tại hay không. Và đó là điều tôi phải làm. Tôi đã không nhìn vào họ chút nào, tôi chỉ nhìn vào người của tôi và nói với người của tôi. Và tôi đã ra một điều kiện cho họ rằng họ không được bóp méo bất kì phát biểu nào; họ phải xuất bản toàn thể phát biểu của tôi như tôi đã đưa ra. Nhưng họ thậm chí không có can đảm để công bố các câu hỏi riêng của họ và câu trả lời của tôi, bởi vì câu trả lời của tôi phơi bầy ra chính trị bẩn thỉu và cái nghề phóng viên bẩn thỉu đi theo chính trị.
Bồ đề đạt ma nói dường như ông ấy đang nói với bản thân mình. Thế thì ông ấy có thể cởi mở toàn bộ trái tim mình, không có hạn chế nào. Ông ấy tuyệt đối không bận tâm về ai định nghe ông ấy, ai định đọc ông ấy. Có lẽ đây là lí do tại sao ông ấy đạt tới sáng suốt sâu sắc vô cùng về bản tính con người. Bạn sẽ thấy các phát biểu mà chưa bao giờ được nêu ra trước đó, nhưng Bồ đề đạt ma đã làm cho chúng thành rõ ràng đến mức chúng không thể nào bị bác bẻ lại.
Nhưng lời kinh này đã ở trong sự tồn tại ít nhất một nghìn năm, nhưng không học giả Phật giáo nào đã bình luận về chúng. Cuốn sách này đã được giữ kín trong các chùa chiền, đền đài Phật giáo. Nó mới chỉ được phát hiện ra vài năm trước đây bởi vài học giả phương Tây, và họ không thể nào tin được rằng các Phật tử lại không cho phép thế giới biết tới điều mà cuốn sách cực kì có ý nghĩa này chứa đựng. Tôi có thể hiểu nỗi sợ của các Phật tử. Họ đã dịch hàng nghìn cuốn sách sang tiếng Anh và tiếng Đức và sang các ngôn ngữ quốc tế, nhưng Bồ đề đạt ma đã bị bỏ quên hoàn toàn.
Đây là một thế giới kì lạ. Tại đây, chân thành và trung thực là điều nguy hiểm nhất.
Mới vài ngày trước đây, tại đây ở Poona, Shankaracharya của Jyotirmath, Swami Svarupanand, đã tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng “Osho là vô song, con người nguy hiểm nhất trong toàn thể lịch sử nhân loại.”
Tôi không ra khỏi nhà mình. Tôi không phải là kẻ khủng bố. Tôi không quan tâm tới bất kì chính trị quyền lực nào. Tôi không có vũ khí hạt nhân nào. Trên nền tảng nào mà người này nói rằng tôi là vô song, là con người nguy hiểm nhất trong toàn thể lịch sử nhân loại? Nguy hiểm nào có đó?
Nguy hiểm là ở chỗ tôi không bận tâm về bất kì ai khi đi tới khẳng định chân lí.
Không phải là tôi nguy hiểm. Chính chân lí là nguy hiểm.
An ủi mọi người bằng lời nói dối. Cứ cho họ hi vọng để họ có thể xoay xở kéo lê bản thân mình tới nấm mồ của họ; cứ cho họ thuốc phiện để cho họ không cản thấy đau đớn, phiền não, ngu ngốc của các kiếp sống của mình.
Và đó là điều mọi tôn giáo đã từng làm. Bất kì khi nào ai đó đã nói ra chân lí, người đó lập tức trở thành người nguy hiểm. Bằng không thì Jesus đã không là người nguy hiểm; ông ấy chỉ mới ba mươi ba tuổi khi ông ấy bị đóng đinh - một thanh niên, không giáo dục, không làm hại bất kì ai, nhưng nói ra chân lí. Các giáo sĩ của Israel không thể dung thứ được con người này. Ông ấy đã quấy rối mọi bịa đặt dối trá của họ. Họ đã đóng đinh người thanh niên đó. Socrates chưa bao giờ làm hại bất kì ai, nhưng tội lớn nhất của ông ấy là nói ra chân lí. Ông ấy đã bị đầu độc và bị giết chết.
Bồ đề đạt ma cũng bị đầu độc. Mặc dầu những người đầu độc ông ấy tưởng rằng ông ấy đã chết, nhưng ông ấy không chết. Ông ấy đã được làm từ một loại vật chất khác. Ông ấy đơn giản đi vào cơn mê và trong đêm ông ấy biến mất, để lại một chiếc dép trong nấm mồ còn chiếc kia thì treo trên cây thiền trượng.
Sau ba năm, khi mọi người hoàn toàn tin rằng ông ấy đã chết, một viên quan cao cấp của triều đình thấy ông ấy đi qua biên giới Trung Quốc và vào Himalayas. Viên quan này không thể nào tin nổi vào mắt mình. Ông ta đã nghe nói rằng Bồ đề đạt ma đã bị đầu độc và đã chết. Ông ta hỏi Bồ đề đạt ma, ông này nói, “Ta bị mê đi và ta đợi cho tới đêm. Khi cơn mê biến mất một chút và ta có thể dậy được, ta thoát ra khỏi nấm mồ. Ta đã để lại một chiếc dép trong mồ làm bằng chứng rằng ta đã ở đó còn chiếc kia ta cầm đi, treo trên cây thiền trượng của ta để chứng tỏ rằng ta là Bồ đề đạt ma - thẻ căn cước của ta.”
Viên quan này lập tức tới núi nơi Bồ đề đạt ma đã bị đầu độc và ông ta kể lại chuyện cho các đệ tử. Họ chỉ nấm mồ và viên quan này nói, “Ta muốn nó được mở ra bởi vì ta đã gặp con người này với chiếc dép treo trên cây thiền trượng, và ông ấy đã bảo ta rằng ông ấy để chiếc dép kia như một dấu hiệu ở trong mồ. Ta muốn mở nấm mồ ra và xem liệu người đó có thực là Bồ đề đạt ma hay là ai đó khác đã bầy mưu mẹo với ta.” Nấm mồ được mở ra và chỉ một chiếc dép là có đó, không cái gì khác.
Nhu cầu đầu độc Bồ đề đạt ma là gì? Người ta không thể nào quan niệm nổi làm sao con người đã hành xử với những người như vậy... họ đã làm mọi nỗ lực để đánh thức bạn, và bạn đáp ứng lại bằng việc giết họ. Ai điên? Socrates điên chăng? Jesus điên chăng? Mansoor điên chăng? Sarmad điên chăng? Bồ đề đạt ma điên chăng? Hay là những người đã giết họ...?
Đây là vài lời kinh cho buổi sáng nay, có tầm quan trọng lớn cho những người muốn hiểu chân lí và những người đã sẵn sàng vứt bỏ mọi dối trá.
Không tâm trí không có phật nghĩa là phật tới từ tâm trí...
Nhưng phật không phải là tâm trí. Tâm trí là cảnh tù túng của vị phật, và khi ông ấy vượt ra ngoài tâm trí và đi vào trong trạng thái vô trí, ông ấy trở thành phật. Nhưng ông ấy tới từ tâm trí - và tất cả các bạn đều có tâm trí, cho nên các bạn đã hoàn thành ít nhất là một nửa cuộc hành trình rồi!
Nửa kia là để loại bỏ tâm trí và công bố phật tính của bạn. Bạn không cần phải hô to nó, bạn thậm chí không cần phải thì thào về nó. Nó sẽ tự công bố bản thân nó trong sự hiện diện của bạn, trong lời nói của bạn, trong im lặng của bạn, trong chiều sâu của mắt bạn, trong vẻ duyên dáng và đẹp đẽ của cá nhân bạn, trong hương thơm bao quanh bạn... bạn sẽ giống như làm gió mát.
Từ tathagata - như lai - được dùng cho Phật Gautam có hai nghĩa. Một nghĩa tôi đã giải thích cho các bạn: nó có nghĩa là người tin cậy vào sự tồn tại và vào cái như thế của của sự tồn tại. Bất kì điều gì xảy ra, dù tốt hay xấu, khổ hay phúc lạc, người đó vẫn còn không bị rối loạn. Người đó nói đó là sự như thế của mọi vật. Không cần phải bị rối loạn bởi đau khổ và không cần phải bị rối loạn bởi phúc lạc. Tất cả những điều này là hiện tượng tự nhiên. Bạn phải vẫn còn tách biệt. Đó là một nghĩa của như lai tathagata.
Cũng còn có nghĩa khác nữa, và nghĩa khác đó là có ý nghĩa trong việc hiểu lời kinh này. Như lai tathagata có nghĩa là một người tới như làn gió thoảng và đi như làn gió thoảng. Theo từng từ nó có nghĩa là, “vậy tới, vậy đi” - ông ấy không chờ việc mời chào của bạn. Bỗng nhiên ông ấy tới, và ông ấy không đợi cho bạn ngăn cản ông ấy; bỗng nhiên ông ấy đi, nhưng ông ấy đã để lại đằng sau một kinh nghiệm về trầm tĩnh và bình thản và thanh bình.
Cái bình thản đó, trầm tĩnh đó, chân thành đó, im lặng đó còn tuyên bố dõng dạc hơn bất kì cái gì khác với toàn thể sự tồn tại rằng vị phật đã tới, rằng bây giờ mọi tu sĩ bị lâm nguy, rằng mọi chính khách run rẩy bên trong. Tất cả những người đang sống trên dối trá đều sợ đến chết. Chân lí có sức mạnh thế. Nó chưa bao giờ làm hại bất kì ai nhưng nó làm cho toàn thể bịa đặt dối trá trên khắp thế giới run rẩy. Một con người của chân lí là đủ.
Tôi nhớ tới câu chuyện Do Thái. Trong Kinh Cựu Ước có nói rằng Thượng đế trở nên rất giận dữ - Thượng đế của người Do Thái là một Thượng đế rất giận dữ. Ngài trở nên giận hai thành phố, Gomorrah và Sodom, bởi vì họ đang thực hành những điều dục đồi bại, và ngài sẵn sàng tiêu huỷ chúng. Trong Kinh Cựu Ước ngài đã thực sự tiêu huỷ chúng. Điều đó nhắc nhở tới Hiroshima và Nagasaki... huỷ diệt toàn bộ, và các thành phố này gần như đích xác cùng kích cỡ như Nagasaki và Hiroshima. Chúng là những thành phố lớn vào thời đó, với dân số gần bằng Hiroshima và Nagasaki. Và Thượng đế đã phá huỷ chúng hoàn toàn bởi vì chúng đã trở thành đồi bại.
Nhưng trong Do Thái giáo có một dòng nhỏ các nhà huyền môn đích thực - đó là điều đẹp đẽ duy nhất mà Do Thái giáo đã đóng góp cho thế giới. Họ được gọi là Hassid. Họ không được Do Thái giáo chính thống chấp nhận, họ bị kết án, nhưng họ là những người của chân lí. Họ không thể quan niệm nổi về một Thượng đế lại có thể nổi giận, cho nên họ đã viết ra câu chuyện của riêng mình. Họ không bận tâm Kinh Cựu Ước nói gì.
Câu chuyện của họ là ở chỗ một nhà huyền môn Hassid, nghe thấy rằng Thượng đế định tiêu huỷ Sodom và Gomorrah, đã lại gần Thượng đế và nói, “Trước khi ngài tiêu huỷ chúng, ngài phải trả lời vài câu hỏi của tôi. Trước hết, nếu có hai trăm người không đồi bại trong hai thành phố này - những người tốt, những người là linh hồn thuần khiết, những người chân thành, những người của nhận biết - ngài vẫn định phá huỷ những thành phố đó và những người tốt đó sao?”
Thượng đế sửng sốt. Ngài không thể nói rằng ngài có thể tiêu huỷ hai trăm người người đã tự hiểu. Ngài nói, “Ta không nhận biết về điều đó; việc thông báo của ông là điều tốt. Ta sẽ không tiêu huỷ họ. Hai trăm người đó sẽ cứu cho hai trăm nghìn người.”
Người Hassid nói, “Câu hỏi thứ hai: nếu không có hai trăm người, mà chỉ hai mươi thôi, ông ấy có định tiêu huỷ họ không? Ông ấy có coi số lượng là có ý nghĩa hơn chất lượng không?”
Và Thượng đế lại thất bại. Chắc chắn là chất lượng có giá trị cao hơn số lượng. Có thành vấn đề gì khi có hai trăm người tự hiểu biết hay hai mươi? Thượng đế nói, “Ta chấp nhận lập luận của ông. Thậm chí nếu có hai mươi người... nếu ông có thể chứng minh có hai mươi người, những thành phố đó sẽ được cứu.”
Người Hassid cười và nói, “Luận cứ cuối cùng của tôi: nếu không có hai mươi người mà chỉ có một người tự hiểu biết, người này sống sáu tháng ở Sodom và sáu tháng ở Gomorrah, ông ấy có định tiêu huỷ những thành phố đó không? Ông ấy vẫn coi phẩm chất có nghĩa nhiều hơn - hay là số lượng?”
Thượng đế trở nên chán ngấy người này; ông ta là người Do Thái thực sự. Ông ta đã lôi ngài xuống, mặc cả, và bây giờ ông ta đã đem ngài xuống một người từ hai trăm. Ngài nói, “Thôi được, nhưng thế thì ông sẽ phải trình diện người đó!”
Người Hassid nói, “Tôi là người đó đấy!”
Người Do Thái không chấp nhận câu chuyện hay này. Họ nói nó là hư cấu, nhưng với tôi ý tưởng của họ về Thượng đế giận dữ và tiêu huỷ Gomorrah và Sodom là hư cấu. Với tôi, câu chuyện Hassid này dường như chân thực hơn.
Chỉ một con người của chân lí là đủ để cứu cả thế giới. Nhưng thế giới không muốn được cứu. Thượng đế không cần giết một người đó, thế giới sẽ giết người đó. Người mà người đó định cứu là những người tiêu diệt người đó.
Không tâm trí không có phật nghĩa là phật tới từ tâm trí... nhưng người đó không phải là tâm trí. Điều đó cũng giống như hoa sen. Nó mọc ra từ bùn, nhưng nó không phải là bùn. Bạn có thể nghĩ tới hai thứ khác nhau như bùn và hoa sen không? Nhưng hoa sen mọc ra từ bùn và vươn lên trên nước... hoa sen là biến đổi thế, nhưng không có bùn sẽ không có hoa sen.
Không có hoa sen, bùn có thể tồn tại... đây là điều gì đó cần được hiểu. Cái cao hơn rất mong manh, cái thấp hơn rất vững chắc. Cái thấp hơn giống như đá và cái cao hơn giống như hoa hồng. Bạn càng đi lên cao, bạn càng trở thành mong manh hơn. Những người này, Socrates hay Jesus hat Bồ đề đạt ma, có thể bị đầu độc. Đây là hoa sen. Nhưng tâm trí lầy bùn trở nên rất giận dữ. Thấy hoa sen mọc ra từ họ, giận dữ của họ là có thể hiểu được. Hoa sen đẹp thế - không có hoa nào khác trên thế giới sánh được với cái đẹp của hoa sen; do đó Phật đã gọi thiên đường của mình là “thiên đường hoa sen.” Để làm cho nó thành điều tối thượng trong cái đẹp, ông ấy đã dùng từ “hoa sen”.
Nhưng đây là điều kì lạ nhất về thế giới này - rằng bùn có thể tồn tại mà không có hoa sen nào, nhưng không hoa sen nào có thể tồn tại mà không có bùn. Tâm trí có thể tồn tại trong hàng triệu người mà không có lấy một vị phật, nhưng vị phật không thể tồn tại nếu mọi tâm trí đều vắng bóng. Tâm trí vận hành giống như bùn. Người đó phải siêu việt lên trên bùn và nước, và vươn lên trên để gặp mặt trời, để thấy mặt trời. Cho nên nhớ lấy: phật tới từ tâm trí, nhưng ông ấy không phải là tâm trí.
Bất kì ai muốn thấy phật đều thấy tâm trí... bởi vì phật là vô hình. Nó không phải là hoa nở ra cho mắt nhìn ra ngoài. Nó là hoa chỉ nở cho con mắt bên trong. Chừng nào con mắt bên trong của bạn còn chưa mở ra, bạn sẽ không nhận ra được vị phật.
Vô trí là cần thiết trước khi người ta có thể thấy phật.
Một câu chuyện cực kì hay là ở chỗ khi Phật trở nên chứng ngộ, ý nghĩ đầu tiên của ông ấy là trở lại vương quốc của mình; bố ông ấy phải già rồi nếu như ông ta còn chưa chết. Nếu ông ta vẫn còn sống, thế thì Phật mắc nợ điều gì đó với ông ta; ông ấy là con trai duy nhất và ông ấy đã gây cho ông ta đau khổ mênh mông. Phật đã được dự định là chỗ dựa cho ông ta lúc tuổi già, và ông ấy được dự định làm người kế tục của ông ta - và thế rồi ông ấy trốn mất. Cho nên ý nghĩ đầu tiên của ông ấy là về vương quốc và truyền đạt cực lạc của riêng mình, phúc lạc của riêng mình, cho bố mình.
Nhưng ông ấy không nhận biết sự kiện là bố ông ấy sẽ không có khả năng nhận ra được ông ấy là vị phật. Con mắt bên trong của ông ta còn chưa mở ra. Ông ta chỉ nghĩ qua tâm trí; ông ấy không biết cách tiếp cận nào qua vô trí. Cho nên khi ông ấy đối diện với ông già này, ông già đã thực sự giận dữ. Và bạn không thể phàn nàn về sự giận dữ của ông ta được.
Người bố nói, “Con đã lừa ta trong tuổi già của ta. Mười hai năm rồi con đã ở đâu? Con đã làm gì? Tất cả những điều này vô nghĩa làm sao...? Con trai một hoàng đế mang bình bát ăn xin! Con được sinh ra là một trong những hoàng đế vĩ đại nhất trên thế giới. Có lẽ, như nhà chiêm tinh đã nói khi con mới sinh ra, con có khả năng trở thành người chinh phục thế giới, mà con đã chọn cuộc sống ngu xuẩn này.”
Phật đứng im lặng, không nói lấy một lời. Trước hết ông ấy muốn để cho con người này xả hết tức giận của mình. Nhưng ông già đã nhận ra, sau một nửa giờ trôi qua, rằng trong khi ông ấy đang quát tháo, ông ấy đang xỉ vả và ông ấy đang kết án, con ông ấy đơn giản đứng đó với im lặng thế, tuyệt đối không xao động. Ông ấy nhìn kĩ hơn.
Phật nói, “Đây là cử chỉ đúng, ông nhìn kĩ đi. Tôi không phải là người đã bỏ ông đi; người đó đã chết từ lâu rồi. Vâng, tôi đang trong cùng sự liên tục nhưng trước kia nó là bùn; bây giờ tôi là hoa sen. Cho nên xin đừng trả thù hoa sen bởi vì ông đã giận bùn. Để tôi lau nước mắt cho ông,” bởi vì ông già đã đầy nước mắt, “và lau sạch mắt ông. Ông bình tĩnh lại và lấy cái nhìn khác - tôi không phải là cùng người đã bỏ cung điện ra đi. Biến đổi lớn đã xảy ra; tôi đã bỏ cung điện đi như một người hữu tử, tôi quay lại cung điện như một người bất tử. Tôi đã bỏ cung điện ra đi như một người bình thường, tôi quay lại cung điện như điều thiêng liêng. Ông nhìn một chút đi.”
Người bố nhìn vào ông ấy - chắc chắn đã có thay đổi lớn lao. Trong vài khoảnh khắc đã có sự im lặng hoàn toàn - người bố đơn giản cứ nhìn vào ông ấy mãi. Cái gì đó diễn ra giữa bố và con, và người bố nói, “Thứ lỗi cho ta. Trong cơn giận của bố, với nước mắt, với con mắt cũ của ta, ta đã không thể nào nhận ra biến đổi này. Bây giờ ham muốn duy nhất của ta là ở chỗ ông điểm đạo cho ta trên cùng con đường đã biến đổi bùn thành hoa sen. Ông chắc chắn đã trở thành hoa sen. Ta chưa bao giờ thấy ông đẹp thế, duyên dáng thế.” Không điều gì đã được nói ra, và người bố đã được điểm đạo.
Khoảnh khắc bạn biết, bạn không phải tuyên bố về nó. Nó tự tuyên bố rồi. Nhưng chỉ những người có nhạy cảm nào đó, có âm nhạc nào đó trong trái tim họ, có tính thơ ca nào đó trong bản thể họ, sẽ có khả năng nhận ra bạn. Những người đơn giản là kế toán, chủ ngân hàng, chạy theo tiền, chạy theo quyền, sẽ tuyệt đối mù khi đi tới nhận ra vị phật.
... một khi ông thấy phật, ông quên mất tâm trí.
Một khi bạn đã thấy hoa sen bạn quên tất cả về bùn.
Nếu ông không quên tâm trí, tâm trí sẽ làm ông lẫn lộn...
Nó sẽ không cho phép bạn nhận ra chuyển hoá lớn lao, biến đổi lớn lao đã xảy ra - có lẽ trong con bạn, có lẽ trong bạn của bạn, có lẽ trong người lạ. Bạn cần một thái độ thông cảm nào đó và việc cởi mở trái tim để cho phép con người đã biến đổi được để lại dấu ấn của người đó bên trong bạn.
Và việc nhận ra của bạn sẽ là hạt mầm của biến đổi bên trong bạn: thế thì bạn không thể còn trong tâm trí được nữa; thế thì bạn không thể vẫn còn bằng lòng với thế giới bùn lầy của bạn được nữa; thế thì bạn sẽ thích trở thành bông sen khác. Bạn đã nghe thấy thách thức và bạn đã nhìn thấy thực tại rằng bạn chứa hoa sen, nhưng bạn đã không nhận biết về nó, nó vẫn còn ngủ.
Mọi người đều là phật, nhưng chỉ trong hạt mầm, ẩn kín trong bùn. Việc nhận ra hoa sen là nhận ra tương lai riêng của bạn, khả năng riêng của bạn, huy hoàng riêng của bạn.
Người hữu tử và phật tính giống như nước và băng.
Không có mấy khác biệt giữa người hữu tử và người bất tử. Sự khác biệt chỉ giống như nước và băng.
Bị ưu phiền bởi ba chất độc này là người hữu tử. Được làm thuần khiết bởi ba giải thoát là phật tính.
Ba chất độc này, Bồ đề đạt ma nói, là tham lam, giận dữ, ảo tưởng. Với ba chất độc này bạn vẫn còn là người hữu tử. Một khi bạn được làm thuần khiết khỏi ba chất độc này, bạn đã trở thành người bất tử. Bạn đã đạt tới cái vĩnh hằng. Bây giờ không có cái chết cho bạn.
Cái đông lại thành băng trong mùa đông tan chảy thành nước trong mùa hè.
Không có khác biệt về phẩm chất giữa nước và băng hay hơi nước. Khác biệt chỉ là ở nhiệt độ. Mọi con người - kẻ tội phạm lớn, ngay cả một Aldolf Hitler - cũng có tiềm năng là vị phật. Dù bạn có thể vô ý thức đến thế nào, dù bạn có thể ngủ say như thế nào, bạn có thể được đánh thức dậy.
Thức không phải là khác biệt về phẩm chất. Nó là khác biệt chỉ về mức độ. Người ngủ kém thức còn người thức kém ngủ. Nhớ lấy, khác biệt giữa mọi người chỉ ở mức độ - và điều đó không khác biệt gì mấy. Hơi chút hiểu biết và khác biệt có thể tan biến đi.
Gạt bỏ người hữu tử, và không còn phật tính nữa.
Đây là chỗ đặc biệt của Bồ đề đạt ma. Ông ấy nói, gạt bỏ người hữu tử, và không còn phật tính nữa. Chỉ trong con mắt người hữu tử chư phật dường như cao thế. Khi tính hữu tử của họ kết thúc, phật tính riêng của họ được đạt tới. Và phẩm chất tinh tuý của nhận biết là ở chỗ nó có đó, nhưng bạn không nhận biết về nó.
Bạn không thể nhận biết về nhận biết được. Bạn không thể ý thức về tâm thức được.
Bạn không thể là người biết khi bạn thực sự biết. Thế thì bạn là một với nó. Phật tính chỉ xảy ra cho bạn bởi vì bạn là người hữu tử và Phật có vẻ xa xôi thế. Bạn chỉ trong bùn, chỉ là hạt mầm, và hoa sen trông xa xôi thế, khác biệt thế. Bạn không thể hình dung được bất kì mối nối nào giữa bạn và hoa sen. Nhưng khi chính bạn trở thành hoa sen, mọi khác biệt biến mất. Và hoa sen không nhận biết về cái đẹp của nó, không nhận biết về hương thơm của nó; đấy đơn giản là tự tính của nó.
Ngoại trừ Bồ đề đạt ma, không ai khác đã có khả năng đưa ra những loại phát biểu này bởi một lẽ đơn giản rằng chúng kì lạ thế, chúng có vẻ như phi logic thế, vô lí thế. Nhưng sự tồn tại là phi logic. Nó là bất hợp lí. Nếu bạn chỉ nghĩ trong tâm trí, thế thì nó là một điều, nhưng nếu bạn kinh nghiệm quá trình của việc biến đổi bùn thành hoa sen, bạn sẽ hiểu Bồ đề đạt ma không khó khăn gì. Bạn sẽ hân hoan trong phát biểu kì lạ của ông ấy.
Người hữu tử... lần nữa, một phát biểu kì lạ: người hữu tử giải thoát chư phật và chư phật giải thoát người hữu tử.
Tôi có thể hiểu tại sao các Phật tử đã che giấu những lời kinh này trong một nghìn năm, bởi vì chính cái ý tưởng này là mãnh liệt rằng người hữu tử giải thoát chư phật và chư phật giải thoát người hữu tử. Nhưng Bồ đề đạt ma là đúng.
Mọi phật đều tới từ người hữu tử và thấy ưu phiền, đau khổ, khổ, cái vô nghĩa liên tục của người hữu tử là nguyên nhân cho giải thoát của người đó. Nếu không có người hữu tử, sẽ không có chư phật.
Khi tôi trở về từ đại học, một cách tự nhiên bố mẹ tôi ước ao rằng tôi nên xây dựng gia đình. Họ sợ rằng tôi không phải là loại thường và bố tôi rất cảnh giác rằng một khi tôi nói không về cái gì đó, thế thì không còn cách nào làm nó thành có. Cho nên bố tôi hỏi bạn ông ấy, “Xem cái gì trong tâm trí nó, nếu điều ấy là có thể thì nó sẽ nói có. Chỉ thế thì tôi mới hỏi nó. Một khi nó đã nói không với tôi, câu chuyện kết thúc.”
Thế là người bạn của ông ấy bắt đầu hỏi tôi. Một trong những người bạn của ông ấy là bác sĩ trị liệu giỏi nhất khu vực đó. Ông ấy mời tôi ăn tối với ông ấy và trong bữa ăn ông ấy nhắc tới, “Cháu nghĩ gì về việc hôn nhân?”
Tôi nói, “Thưa bác, cháu chưa có gia đình; cháu không có kinh nghiệm gì. Bác đã lấy vợ ba lần. Bác có ba lần kinh nghiệm hơn bất kì ai khác. Bác bảo cháu, bác nghĩ gì?”
Ông ấy trông rất khổ và ông ấy nói, “Kinh nghiệm của bác - bác là đồ ngu! Bác đáng phải dừng khi vợ thứ nhất của bác chết. Nhưng ngu vẫn cứ là ngu thôi. Bác lấy vợ nữa cứ nghĩ rằng không phải mọi đàn bà đều như nhau. Nhưng trong vài ngày... người đàn bà là khác nhưng vấn đề vẫn là một. Và Thượng đế đã tốt với bác thế, ngay cả vợ thứ hai cũng chết. Nhưng ngu xuẩn của bác như vậy đấy, bác lại cưới nữa và bây giờ bác khổ. Còn cháu lại hỏi bác, ‘Bác nghĩ gì về hôn nhân’!”
Tôi nói, “Thế là đủ rồi. Bác kể cho bố cháu kinh nghiệm của bác. Bác đã giải thoát cho cháu khỏi hôn nhân.”
Ông ấy nói, “Cháu định nói gì bởi điều đó? Bác vừa làm việc đối lập với điều bố cháu yêu cầu bác. Bác định thuyết phục cháu.”
Tôi nói, “Bác đã thuyết phục cháu rồi! Bác kể cho bố cháu toàn bộ câu chuyện đã xảy ra... Cháu sẽ lấy vợ chỉ nếu bác nói có.”
Ông ấy nói, “Bác không thể kể được. Không, bác sẽ không lôi cháu vào trong cùng địa ngục mà trong đó bác đã sống. Bác không thể nói có.”
“Thế thì,” tôi nói, “bác bảo với bố cháu rằng bác đã thuyết phục được cháu là cháu không nên lấy vợ.”
Ông ấy nói, “Cháu đã gây cho bác rắc rối thế. Bố cháu đang tuỳ thuộc vào bác.”
Ông ấy báo lại cho bố tôi. Bố tôi nói, “Ông đáng ra nên thận trọng hơn một chút. Thay vì thuyết phục nó lấy vợ, ông đã làm hỏng toàn bộ mọi chuyện.”
Ông ấy nói, “Tôi có thể làm gì được? Nó xoay xở theo cách mà tôi quên mất hoàn toàn mục đích của bữa ăn tối đó là gì.”
Người hữu tử giải thoát chư phật... nhìn quanh vào người hữu tử và bạn không thể cưỡng lại việc là vị phật - càng sớm càng tốt! Và chư phật giải thoát người hữu tử. Đấy chỉ là trả lại món nợ. Khi họ trở thành phật họ bắt đầu gõ búa lên người hữu tử. Đó là điều tôi đã làm trong cả đời mình: trước hết người hữu tử giải thoát cho tôi, bây giờ tôi đang cố gắng giải thoát cho người hữu tử.
Những phát biểu này rất kì lạ. Có lẽ các học giả Phật tử không thể tìm ra cách giải thích nó, cho nên họ nghĩ tốt hơn cả là giữ nó trong quên lãng, không đem nó ra. Bằng không điều hoàn toàn tốt là chư phật giải thoát người hữu tử, nhưng người hữu tử giải thoát cho chư phật sao? Người có học, học giả, không thể nào hiểu nổi điều đó.
Đây là điều được ngụ ý bởi không thiên vị.
Người hữu tử giải thoát chư phật, chư phật giải thoát người hữu tử - điều này được gọi là không thiên vị. Bây giờ mọi thứ được cân bằng. Không ai nợ gì với bất kì ai khác; chư phật không làm ơn cho bạn, bạn không làm ơn cho chư phật. Bạn đã tới trạng thái nơi cả hai đều trả xong món nợ của mình cho lẫn nhau.
Người hữu tử giải thoát chư phật bởi vì ưu phiền tạo ra nhận biết.
Thấy người hữu tử và ưu phiền của họ... nếu bạn đủ thông minh thì bạn sẽ không theo con đường của họ. Biết bao nhiêu người đã theo con đường đó và mọi người đều rơi xuống hố. Và mọi người đều đau khổ.
Khi bố tôi thất bại với ông bác sĩ này, ông ấy tới người bạn khác của mình. Ông ấy nghĩ đó là nỗ lực cuối cùng, bởi vì người này là luật sư toà thượng thẩm và người ta biết rằng ông ấy chưa bao giờ thua bất kì vụ kiện nào. Cho nên bố tôi mới bảo với ông ấy, “Nếu ông có thể thắng vụ này, thế thì chúng tôi sẽ chấp nhận rằng ông là luật sư vĩ đại của toà thượng thẩm.”
Ông thẩm phán nói, “Điều này không là gì cả. Chỉ với bàn tay trái tôi cũng có thể làm được điều đó. Mai tôi sẽ tới nhà ông.”
Bố tôi bảo ông ấy, “Nhưng đến phải có chuẩn bị đấy!”
Ông ấy nói, “Đừng lo. Tôi biết con trai ông. Và ông cho rằng nó có thể đánh bại được luận cứ của tôi sao?”
Bố tôi nói, “Tôi không cho rằng nó có thể đánh bại ông trong lập luận, nhưng nó có cách thức kì lạ. Ông bác sĩ được nổi tiếng là người khôn ngoan nhất trong vùng này... nó còn xoay xở thao túng cả ông ấy. Bây giờ ông ấy ngả theo nó.”
Ông luật sư là người rất bản ngã và ông ấy có lí do để là người bản ngã. Ông ấy nói, “Ông không phải lo.”
Nhưng bố tôi nói, “Dầu vậy, ông cứ làm bài tập ở nhà đi. Đừng đến mà không chuẩn bị. Tôi báo trước cho ông. Ông có thể thua vụ này. Đứa con trai tôi là kẻ kì lạ.”
Ông luật sư nói, “Ông bình tình lại và đừng lo nghĩ.
Ngày mai tôi sẽ giải quyết mọi vấn đề.”
Thế rồi ngày hôm sau ông ấy tới. Tôi đón chào ông ấy và tôi hỏi ông ấy, “Cháu biết bác đến để làm gì. Và cháu nghĩ bố cháu phải đã nói với bác, ‘Phải được chuẩn bị, làm bài tập ở nhà đi.”
Ông ta nhìn tôi và nói, “Làm sao cháu biết?”
Tôi bói, “Đó là điều bố cháu đã nói với ông bác sĩ, cho nên cháu biết bố cháu phải đã nói cùng điều đó cho bác. Và bác là nỗ lực cuối cùng của bố cháu. Cho nên nếu bác bị thất bại, thế thì toàn bộ vấn đề cưới vợ chấm dứt.”
Nhưng ông ấy nói, “Ai nói là bác sẽ bị thất bại?”
Tôi nói, “Cháu không nói điều đó, cháu chỉ muốn làm rõ ràng rằng nếu cháu bị thất bại, cháu sẽ cưới vợ - nhưng nếu bác thất bại, bác có sẵn sàng li dị vợ bác không?”
Ông ấy nói, “Trời đất, bố cháu phải đấy. Bác chưa bao giờ nghĩ về điều đó... rằng điều đó có thể là câu hỏi. Chắc chắn cháu là phải. Bác cũng nên đặt điều gì đó vào nguy cơ. Nhưng nghe đây, bác có con, và cháu biết vợ bác. Bà ấy thậm chí còn đánh bác. Bác thậm chí không thể thốt ra lời ‘li dị’ trước bà ấy.”
Thế là tôi nói, “Bác đã không tới với việc chuẩn bị sẵn. Và cháu không cần bất kì quan toà nào. Cháu tin cậy vào bác, mặc dầu bác sẽ là một phần trong luận cứ và bác cũng sẽ là quan toà.”
Ông ấy nói, “Bác không muốn tranh luận chút nào!” Tôi nói, “Bác định trả lời bố cháu cái gì?”
Ông ấy nói, “Đó là điều bác đang nghĩ.”
Việc tranh luận không bao giờ bắt đầu. Và tôi hay tới nhà ông ấy hàng ngày, gõ lên cửa, còn ông ấy đơn giản nói, “Bác không muốn cãi nhau với cháu. Bác đã bị hành hạ quá nhiều rồi.”
Rồi một hôm vợ ông ấy bước ra và bà ấy nói, “Tại sao ông ấy sợ cháu?”
Tôi nói, “Bởi vì bác.”
Ông ấy bắt đầu trốn trong buồng tắm và ông ấy sẽ không ra nữa. Vợ ông ấy nói, “Đây là điều kì lạ đây. Ông ấy chưa bao giờ sợ bất kì ai. Ông ấy trốn, ông ấy nói với bác rằng ông ấy không ở nhà. Có chuyện gì vậy? Có gì giả mạo vậy?”
Tôi nói, “Không có gì giả mạo cả. Ông ấy sợ bị thất bại.
Và bác là sự hỗ trợ lớn cho cháu.”
Bà ấy nói, “Bác không hiểu. Chuyện gì đang diễn ra?
Vấn đề là gì? Bác là sự hỗ trợ theo cách nào?”
Tôi nói, “Bác hỏi ông ấy. Ông ấy nghĩ tới việc li dị bác.”
Và ông ấy lập tức bước ra khỏi buồng tắm. Ông ấy nói, “Đừng nói dối! Tôi chưa bao giờ định li dị bà ấy cả. Tôi yêu bà ấy. Tôi sẽ yêu bà ấy cả đời mình.”
Tôi nói, “Điều đấy thì tuỳ bác thôi. Nhưng luận cứ thì sao?”
Ông ấy nói, “Chấm dứt rồi. Tôi không muốn gặp lại cậu chút nào. Cậu đã làm cho tôi lung lay đến mức thậm chí ở toà án, khoảnh khắc tôi nhớ tới cậu là tôi lại cảm thấy sợ. Đừng có quấy rối cuộc sống gia đình của tôi.”
Tôi nói, “Bác đã định quấy rồi cả đời cháu!”
Người hữu tử giải thoát chư phật bởi vì ưu phiền tạo ra nhận biết. Và chư phật giải thoát người hữu tử bởi vì nhận biết phủ định ưu phiền.
Mọi chư phật đều tới từ người hữu tử. Họ chỉ có tính quan sát nhiều hơn bạn có. Họ nhìn quanh - toàn thể cảnh tượng là thảm kịch, thảm hại. Điều đó tạo ra nhận biết lớn. Và khi họ đã đi tới đỉnh cao nhất của nhận biết của họ, họ làm mọi nỗ lực để giúp bạn nhận biết để cho bạn cũng thoát ra khỏi ưu phiền.
Không chỉ đàn ông mới trong khổ. Đàn bà còn khổ hơn. Dường như là có một mưu đồ kì lạ đang diễn ra trong đó mọi người đang tạo ra khổ cho mọi người khác. Nhiều lần tôi đã được hỏi tại sao tôi lại không lấy vợ. Tôi nói, “Bởi vì những người đã xây dựng gia đình. Tôi đã biết quá nhiều người và họ cảnh báo cho tôi.”
Và bây giờ toàn thể công việc của tôi là bằng cách nào đó đưa bạn ra khỏi cái bẫy của bạn, để làm cho bạn tỉnh táo hơn, nhận biết hơn, dù bạn là chồng hay vợ. Với nhận biết của bạn, khổ của bạn sẽ biến mất. Hệt như ánh sáng xua tan bóng tối, nhận biết xua tan khổ.
Không thể có sự trợ giúp nào ngoài ưu phiền bởi vì mọi người vô ý thức. Và không thể có sự trợ giúp nào ngoài nhận biết.
Thỉnh thoảng ai đó sắp trở nên đủ tỉnh táo để thấy mọi điều xung quanh. Và người trở nên nhận biết cảm thấy cần chia sẻ cho những người không nhận biết.
Nếu không có ưu phiền, sẽ không có gì để tạo ra nhận biết. Và nếu không có nhận biết, sẽ không có gì để phủ định ưu phiền. Khi ông bị ảo tưởng, chư phật giải thoát cho người hữu tử. Khi ông nhận biết, người hữu tử giải thoát cho chư phật. Chư phật không trở thành chư phật theo cách riêng của họ.
Đây là cái vĩ đại của Bồ đề đạt ma. Ông ấy có thể nói điều đó một cách đích xác, dù điều đó đánh mạnh đến đâu. Ông ấy đang nói, Chư phật không trở thành chư phật theo cách riêng của họ. Không có toàn thể thế giới khổ này bao quanh họ, họ sẽ không bao giờ trở thành phật cả. Họ phải biết ơn với tất cả những người này, những người khổ này bởi vì đây là những người thúc đẩy họ đừng rơi vào bẫy, như bản thân họ bị mắc bẫy.
Chư phật coi ảo tưởng như bố mình và tham lam như mẹ mình.
Chỉ Bồ đề đạt ma mới có thể nói những điều như vậy, khi thấy sự tham lam của mọi người và nỗi thống khổ cùng lo âu mà tham lam tạo ra, khi thấy những ảo tưởng của mọi người. Mọi người đều đang nghĩ về bản thân mình, không phải là đích xác người đó là gì. Mọi người đều đang nhân cá tính của mình lên, bản ngã của mình, tri thức của mình. Người đó giả vờ mọi thứ rằng người đó không biết gì cả.
Một trong các giáo sư của tôi, tôi thấy, không hề đọc cái gì sau khi ông ấy đã rời đại học ba mươi năm trước đây. Mọi điều ông ấy nói đều lạc hậu. Tâm lí học là chủ đề của ông ấy - và tâm lí học là một chủ đề phát triển rất nhanh; trong ba mươi năm, mọi thứ đã từng là đúng đã trôi tuột đi hết.
Nhưng ông ấy vẫn trích dẫn sách mà ông ấy đã đọc trong môn học từ hồi sau tốt nghiệp của mình.
Ông ấy gặp khó khăn với tôi, bởi vì tôi đã đọc những điều mới nhất và tôi sẽ trích dẫn từ những nghiên cứu mới nhất. Ông ấy là một linh hồn nghèo nàn, ông ấy thậm chí không thể nói được, “Tha thứ cho tôi đi, tôi không biết về những nghiên cứu này.” Để giữ cho bản ngã mình, ông ấy sẽ nói, “Vâng, tôi đã xem những bài báo đó.” Nhưng nếu ông ấy đã xem những bài báo đó hay những sách đó, vừa mới in ra, thế thì ông ấy không nên dạy các lí thuyết đã lạc hậu về tâm trí và tâm thức con người.
Tôi báo cáo với ông phó hiệu trưởng. Tôi nói, “Cần phải bắt buộc mọi giáo sư dành ra ít nhất hai giờ mỗi ngày trong thư viện.”
Ông ấy nói, “Không trường đại học nào có điều gì giống thế này cả. Và mọi giáo sư sẽ phản đối lại điều đó. Tại sao anh nói điều đó?”
Tôi nói, “Mọi giáo sư đều đã được học từ hai mươi năm, ba mươi năm trước đây và tất cả những điều mà họ biết thì không còn liên quan nữa. Em đã kiểm tra trong thư viện, ai là giáo sư và ai mượn sách từ thư viện. Và với ông giáo sư đặc biệt này mà em nói tới, chưa từng mượn lấy một cuốn sách từ thư viện. Ông ấy chưa hề tới thư viện.” Mà thư viện của trường đại học rất phong phú, rất cập nhật, bởi vì người sáng lập ra trường đại học này là con người cực kì có học và ông ấy yêu sách hơn mọi vật khác.
Cho nên tôi nói với ông phó hiệu trưởng, “Xin thầy cho gọi giáo sư này tới trước em và em sẽ chỉ ra cho thầy tại sao em yêu cầu điều này. Và nếu thầy không nghe em, thế thì em sẽ tới hiệp hội sinh viên để nói cho mọi sinh viên, để tẩy chay mọi giáo sư, những người không tới thư viện trong ít nhất hai giờ.”
Ông ấy biết tôi - rằng tôi có thể làm điều này, cho nên ông ấy nói, “Đừng đi xa thế. Đưa ông giáo sư ấy lại đây.”
Tôi nói, “Em sẽ không đưa ông ấy tới đâu. Xin thầy cho gọi ông ấy lại. Em vẫn ngồi đây.”
Ông ấy gọi giáo sư này, giáo sư này tới. Và tôi chỉ mới bịa ra hai cái tên tưởng tượng của các nhà tâm lí học và hai tên sách hư cấu, chưa bao giờ được viết ra và sẽ không bao giờ được viết. Và tôi hỏi giáo sư này, “Thầy đã đọc hai cuốn sách này chưa?”
Ông ấy nói, “Trời, sao anh tìm được chúng? Chúng ở trên tủ trong phòng tôi. Tôi đã đọc chúng; chúng là đóng góp mới nhất.”
Và tôi bảo với ông phó hiệu trưởng, “Cả hai tên sách này đều hư cấu cả, cả hai cuốn sách này đều là hư cấu; chúng không tồn tại. Bây giờ xin bảo với người này đem hai cuốn sách đó tới văn phòng ông. Chúng đang nằm trên bàn ông ấy mà.”
Thế là ông này đâm ra sợ. Ông ấy sẽ lấy đâu ra hai cuốn sách hư cấu này? Và ông ấy lại đã nói rằng chúng đang nằm trên bàn mình, ông ấy đã đọc chúng, và chúng thật vĩ đại.
Tôi nói, “Đây là tình huống: đây là những người đang giảng dạy và sinh viên của họ sẽ trở thành giáo sư ngày mai. Và họ sẽ tiếp tục những thực nghiệm cũ rích, già cỗi năm mươi năm, đã sai và đã bị thay thế bởi những ý thức hệ mới.”
Ông phó hiệu trưởng nói, “Tôi thừa nhận với anh.” Và ông ấy đã ra một qui tắc bắt buộc mọi giáo sư đều phải tới thư viện, nghiên cứu những tạp chí, sách vở mới nhất và được cập nhật.
Các giáo sư tức lắm, tất cả họ đều tức tôi. Nhưng tôi nói, “Tức giận cũng không ích gì. Tôi vẫn kiểm tra hàng ngày trong thư viện, ai tới và ai không tới. Với những người không tới, tôi sẽ đem một đám sinh viên phản đối tới khoa của họ. Thế thì đừng có bảo tôi, ‘Anh đang tạo ra hỗn loạn.’ Chính các thầy tạo ra điều đó!”
Người thủ thư ngạc nhiên. Mọi giáo sư đều tới, đọc sách, mang sách về nhà. Nhưng cái ngày tôi rời khỏi đại học, tôi được thông báo, qui tắc này bị bãi bỏ. Sau bẩy hay tám năm, tôi tới trường đại học đó để đọc bài giảng. Tôi tới thư viện. Vẫn người thủ thư ấy còn đó và thư việc thì trống rỗng. Không có ai cả. Tôi hỏi người đó, “Có chuyện gì vậy?”
“Các giáo sư ấy không tới,” người đó nói, “Cái ngày anh rời khỏi đại học, qui tắc bị bãi bỏ; chỉ vì nỗi sợ rằng anh có thể tạo ra rắc rối. Ngay cả đến vị phó hiệu trưởng cũng bắt đầu tới thư viện. Bây giờ thì không ai tới.”
Mọi người cứ tạo ra ảo tưởng, khuếch đại chúng lên, cường điệu chúng lên. Bồ đề đạt ma nói tham lam là bố của chư phật và ảo tưởng là mẹ.
Ảo tưởng và tham lam là những cái tên khác cho loài người...
Khi ông ảo tưởng, ông trên bờ bên này. Khi ông nhận biết, ông bên bờ bên kia.
Đây chỉ là những cách nói tượng trưng bạn đang ở đây... bị ảo tưởng, bạn trong khổ; có nhận biết, bạn trong phúc lạc.
Nhưng một khi ông biết tới tâm trí mình là trống rỗng và ông không thấy hình tướng, ông vượt ra ngoài ảo tưởng và nhận biết.
Từng phát biểu một đều khó cho các học giả giải thích. Chỉ vị phật có thể giải thích được những phát biểu này. Ông ấy đang nói, khi bạn trong hiểu biết rằng tâm trí là trống rỗng - nói cách khác, khi bạn gặp vô trí của mình và bạn không thấy hình tướng - thì bạn vượt ra ngoài ảo tưởng và nhận biết.
Tôi chưa hề bắt gặp bất kì phát biểu nào nói rằng bạn ở bên ngoài nhận biết. Nhưng ông ấy tuyệt đối hợp lí, logic và đúng về sự tồn tại bởi vì khi bạn không có bệnh tật, tôi không nghĩ rằng bạn sẽ cứ mang thuốc theo mình. Khoảnh khắc bạn mạnh khoẻ hơn, bệnh tật của bạn đã mất, bạn đem thuốc của mình đi cho những người còn lại của Câu lạc bộ Lions. Bạn sẽ làm gì với nó? Những người ở Câu lạc bộ Lions cần nó để chứng tỏ cho thế giới rằng họ là một tổ chức từ thiện vĩ đại. Nó là vô dụng với bạn, bạn đã định vứt nó đi; tại sao không tận hưởng việc tặng nó cho câu lạc bộ Lions? Một cái lợi tốt lành - bạn đem cái gì đó vô dụng cho câu lạc bộ Lions. Và Câu lạc bộ Lions đem nó cho người nghèo, và không phải chi tiền gì Câu lạc bộ Lions trở thành một tổ chức từ thiện.
Cùng điều đó cũng là tình huống với khổ và nhận biết. Khoảnh khắc không có ảo tưởng, cần gì nhận biết? Điều đó không có nghĩa là bạn rơi vào giấc ngủ. Điều đó đơn giản có nghĩa là nhận biết trở thành chính bản tính của bạn; bạn không nhận biết về nó.
Và một khi ông vượt ra ngoài ảo tưởng và nhận biết, bờ bên kia không tồn tại. Cần gì ở bờ bên kia nữa? Bờ bên kia chỉ là một khái niệm biểu tượng. Bờ bên này là thế giới này, bờ bên kia là thiên đường. Khi thế giới này và việc gắn bó với thế giới này mất đi, ai còn bận tâm tới thiên đường? Bạn đã ở trong nó rồi, dù bạn ở bất kì đâu. Một câu ngạn ngữ Sufi là, “Bất kì nơi nào có người chứng ngộ, nơi đó là thiên đường.” Thiên đường là cái gì đó bên trong bản thể bạn.
Như lai không ở bờ bên này cũng không ở bờ bên kia. Và ông ấy không ở giữa dòng.
Chỉ có hai khả năng - hoặc trên bờ bên này, hoặc trên bờ bên kia, hoặc ở giữa dòng. Như Lai ở không đâu cả. Người đã hiểu bản thân mình có thể được gọi là hoặc ở mọi nơi, hoặc không đâu cả; cả hai là tương đương.
Nhưng trong lời kinh cuối ông ấy lại nhớ tới đối kháng của mình với a la hán: và người hữu tử là ở bờ bên này. Trên bờ bên kia là a la hán và người hữu tử. A la hán là ở giữa dòng đang đi sang bờ bên kia - cái không tồn tại. Họ vẫn đang mang ảo tưởng đối lập. Và người hữu tử là ở bờ bên này. Trên bờ bên kia là phật tính.
Nhưng khoảnh khắc bạn ở trên bờ bên kia, bờ bên kia biến mất. Bạn đơn giản là ánh sáng lên chính mình.
Nhưng về a la hán, ông ấy không thể quên được. Ông ấy xếp họ vào giữa dòng, không bờ bên này cũng không bờ bên kia. A la hán cũng ở bờ bên kia rồi, cũng như bồ tát, như phật ở bờ bên kia. Khoảnh khắc họ đạt tới bờ bên kia, cả hai bờ đồng thời biến mất. Bỗng nhiên họ thức tỉnh và họ thấy bản thân mình là một phần của cái toàn thể, cơn mưa rào lớn của phúc lạc trùm lên họ.
Nếu Bồ đề đạt ma có thể quên đi được đối kháng của mình với a la hán và dùng “vô trí” thay cho “tâm trí”, lời kinh của ông ấy đã hoàn chỉnh, không khuyết điểm nào. Nhưng cho dù với hai khuyết điểm này, chúng cũng vẫn vĩ đại. Và bất kì ai hiểu có thể làm cho bạn nhận biết về hai khuyết điểm này.
Đừng mang bất kì đối kháng nào. Và mọi lúc có thể được, dùng từ gần nhất với thực tại. Tâm trí không phải là từ gần nhất với thiền, vô trí mới gần gũi.
A la hán có thể đồng ý với ông ấy bởi vì họ đã trở nên chứng ngộ và họ không bao giờ chăm nom tới bất kì ai. Họ thậm chí không nói. Rất khó thu được cái gì từ a la hán. Nhưng cảm giác riêng của tôi là, mọi người phải là cái ta riêng của mình, tính cá nhân riêng của mình, tính duy nhất riêng của mình. A la hán có tính duy nhất riêng của họ. Sau khi trở nên chứng ngộ, họ trở thành hoàn toàn im lặng.
Đây là đối kháng của Bồ đề đạt ma, rằng họ phải từ bi hơn. Họ nên giúp người khác trở nên chứng ngộ. Và nếu bạn thấy luận cứ từ cả hai phía, bạn sẽ thấy rằng cả hai đều đúng theo cách riêng của mình. A la hán nói, “Đấy là can thiệp vào cuộc sống của ai đó khác. Nếu người đó muốn vẫn còn không chứng ngộ, đấy là quyền của người ấy.” A la hán nói, “Đây là từ bi của chúng ta rằng chúng ta không can thiệp vào cuộc sống của bất kì ai.”
Bồ đề đạt ma nói, “Từ bi của chúng ta là chúng ta làm mọi nỗ lực để làm cho người khác được chứng ngộ. Đây là từ bi của chúng ta.”
Tôi nghĩ cả hai đều có luận cứ hay, và không có gì sai trong cả hai luận cứ. Sự tồn tại đa chiều, nó có nhiều khía cạnh thế.
Con người của hiểu biết tối thượng sẽ không thấy bất kì mâu thuẫn nào ở bất kì đâu. Trong hiểu biết và sáng tỏ của người đó, mọi mâu thuẫn trở thành phần bù của nhau. Được chứ Maneesha? Vâng thưa Osho