Chương 4. Thiền là chết và phục sinh

Chương 4. Thiền là chết và phục sinh

Price:

Read more

Osho - Thiền động (Đi tìm điều huyền bí - Tập 1)
Chương 4. Thiền là chết và phục sinh

Một bạn hỏi liệu có nguy hiểm trong việc thức tỉnh kundalini không. Nếu có, nguy hiểm đó là gì? Và tại sao kundalini phải được thức tỉnh nếu làm việc đó nguy hiểm đến vậy?
Có nguy hiểm rất lớn tham gia vào. Thực sự, có nguy hiểm về việc mất tất cả những điều chúng ta coi là cuộc sống của mình. Như chúng ta hiện hữu, chúng ta sẽ không còn là như vậy nữa sau khi kundalini được thức tỉnh. Mọi thứ sẽ thay đổi. Mọi thứ. Mối quan hệ của chúng ta, những xúc động của chúng ta, thế giới của chúng ta và tất cả những cái chúng ta biết cho tới hôm qua sẽ thay đổi. Tất cả những cái sẽ thay đổi chính là nguy hiểm đó.
Nếu than được biến thành kim cương, nó phải chết đi như là than. Cho nên nguy hiểm là đủ lớn. Nhưng đó là nguy hiểm cho than. Nếu nó trở thành kim cương, nó chỉ có thể làm như vậy chỉ nếu nó biến mất như than. Có lẽ bạn không biết rằng không có khác biệt chung giữa kim cương và than. Về bản chất chúng là cùng một phần tử. Than biến thành kim cương trong một quá trình thời gian rất dài. Về mặt hoá học thì không có khác biệt cơ bản giữa kim cương và than. Nhưng than không thể vẫn còn là than được nếu nó muốn là kim cương. Cho nên than đối diện với nguy hiểm lớn.
Theo cùng cách này con người đối diện với nguy hiểm nếu người đó đang trên đường đi tìm Thượng đế. Người đó sẽ chết như con người. Nếu dòng sông chảy để gặp biển cả, nó đang đối diện với nguy hiểm lớn. Nó sẽ biến mất, nó không thể thoát được điều đó. Nhưng chúng ta ngụ ý gì bởi nguy hiểm? Nó ngụ ý việc biến mất. Họ một mình có thể cứ tiếp tục cuộc hành trình tới Thượng đế, những người được chuẩn bị để biến mất, để chết.
Cái chết không xoá chúng ta hoàn toàn như thiền, bởi vì cái chết chỉ tách rời chúng ta từ thân thể này và nối chúng ta với thân thể khác. Bạn không thay đổi trong cái chết; chỉ quần áo chúng ta thay đổi. Bạn vẫn còn như bạn hiện hữu. Cho nên cái chết không phải là nguy hiểm lớn như tất cả chúng ta vẫn nghĩ vậy. Thiền là nguy hiểm lớn hơn cái chết, bởi vì trong khi cái chết chỉ vồ lấy đi quần áo khỏi chúng ta, thì thiền vồ lấy bạn từ bạn.
Thiền là cái chết tuyệt đối.
Trong quá khứ, những người biết đều nói rằng thiền là cái chết, cái chết toàn bộ. Trong thiền không chỉ quần áo, mà mọi thứ đều thay đổi. Nhưng nếu dòng sông muốn trở thành biển cả, nó phải liều mạng mình. Trong thực tế dòng sông chẳng mất gì khi nó rơi vào trong biển cả; nó chẳng mất gì, nó lớn lên trở thành chính bản thân biển cả. Và khi than biến thành kim cương, nó chẳng mất gì; nó lớn lên trở thành kim cương. Nhưng chừng nào than vẫn còn là than thì nó sợ mất bản thân mình. Làm sao nó biết được rằng khi gặp biển cả, nó sẽ không mất gì, nó sẽ biến thành bản thân biển cả sao?
Con người đối diện với cùng nguy hiểm đó trong quan hệ với thiền. Cùng người bạn đó cũng hỏi tại sao người ta phải nhận nguy cơ này nếu mối nguy hiểm là hiển nhiên thế. Cần hiểu điều đó theo chiều sâu nào đó.
Chân lí là ở chỗ chúng ta càng liều, chúng ta càng sống một cách nguy hiểm hơn, thì chúng ta càng sống động hơn. Và chúng ta càng sợ, chúng ta càng chết hơn. Trong thực tế người chết tuyệt đối không có nguy hiểm nào để đương đầu. Nguy hiểm lớn mà người chết không phải đương đầu là ở chỗ họ không thể chết được nữa. Người có thể chết chỉ là người đang sống. Và người đó càng sống động, thì người đó có thể gặp cái chết một cách mãnh liệt hơn.
Đâu đó có một tảng đá, và rất gần nó một bông hoa đã nở ra. Tảng đá có thể nói với bông hoa, "Mày ngu thế. Sao mày lấy nguy cơ trở thành hoa? Mày không biết mày sẽ héo đi trước lúc mặt trời lặn sao?" Có nguy hiểm lớn trong việc là bông hoa thực. Nhưng không có nguy hiểm trong việc là tảng đá. Khi bông hoa sẽ héo tàn đi trong buổi tối, tảng đá vẫn nằm đó không suy suyển tại chỗ của nó. Tảng đá không phải đối diện với mấy nguy hiểm, bởi vì nó không sống. Người ta càng sống động, nguy hiểm càng lớn hơn.
Người đang trong nguy hiểm, người đó càng sống động tới mức độ đó. Người đó càng sống động, người đó càng bị nguy hiểm. Thiền là nguy hiểm lớn nhất có đó, bởi vì thiền là cánh cửa dẫn tới việc đạt tới đáy sâu thẳm nhất trong cuộc sống - điều tối thượng.
Nhưng người bạn này muốn biết tại sao người ta phải đi vì nó khi có nguy hiểm. Tôi nói, người ta phải đi chính xác là vì có nguy hiểm. Và tôi nói, đừng đi khi không có nguy hiểm. Đừng bao giờ đi nếu không có nguy hiểm, bởi vì chẳng có gì ngoài cái chết. Và bạn phải đi nếu có nguy hiểm, bởi vì khả năng của cuộc sống dư thừa tồn tại ở đó.
Nhưng tất cả chúng ta đều quá đỗi yêu mến an toàn. Chúng ta sợ những nguy hiểm của bất an, chúng ta chạy trốn khỏi nó, chúng ta che giấu mình với nó. Và do vậy chúng ta làm mất bản thân cuộc sống trong việc mặc cả. Nhiều người làm mất cuộc sống trong cố gắng cứu lấy nó. Họ một mình sống cuộc sống, những người không cứu nó, người sống với từ bỏ, người sống một cách nguy hiểm. Quả thực có nguy hiểm, và đó là lí do tại sao bạn phải đi vì nó. Và đó là nguy hiểm lớn nhất có thể có. Việc trèo lên đỉnh Everest cũng không nguy hiểm đến thế. Việc lên tới mặt trăng nữa, cũng không nguy hiểm đến thế, mặc dù gần đây vài nhà du hành vũ trụ đã lạc đường đi tới nó. Nguy hiểm này lớn, nhưng nguy hiểm này bị giới hạn vào thân thể; chỉ thân thể bị thay đổi qua cái chết. Nhưng nguy hiểm trong thiền còn lớn hơn là đi lên mặt trăng.
Nhưng tại sao chúng ta sợ nguy hiểm thế? Bạn đã bao giờ nghĩ tại sao chúng ta khiếp hãi nguy hiểm nhiều thế không? Đó là dốt nát nằm sau tất cả những khiếp hãi đó. Chúng ta sợ rằng chúng ta có thể đi tới chấm dứt; chúng ta sợ chúng ta có thể biến mất; chúng ta sợ chúng ta có thể chết. Cho nên chúng ta làm mọi thứ để bảo vệ, để an toàn, để củng cố, để bao quanh và để che giấu bản thân mình khỏi nguy hiểm. Chúng ta làm mọi thứ để chạy trốn khỏi chúng; chúng ta nhảy vào mọi con đường thoát chúng ta biết.
Tôi đã nghe một giai thoại. Tôi đã nghe nói rằng một nhà vua đã xây dựng một cung điện lớn, nhưng nó chỉ có một cổng, một lối vào duy nhất, cho nên nhà vua có thể được bảo đảm an toàn khỏi các nguy hiểm. Cung điện này không có cửa ra vào hay cửa sổ khác, để cho kẻ thù không thể vào được qua chúng. Cho nên nó như cái nhà mồ hơn là ngôi nhà. Nhưng cho dù một chiếc cửa cũng đặt ra nguy hiểm, vì kẻ giết người có thể vào cung điện đó và đi ra qua chính chiếc cửa này. Cho nên nhà vua đã đặt một nghìn lính gác vũ trang tại mỗi chiếc cửa này.
Một nhà vua lân bang tới thăm khi ông này được biết rằng bạn mình đã xây dựng nên một cung điện với những phương cách an ninh thế mà chưa từng vị vua nào đã từng có. Và ông ấy hài lòng khi thấy nó - ông ấy nói rằng cung điện này an ninh thế, nó tuyệt đối không có nguy hiểm gì từ các kẻ thù. Và ông ấy cũng nói rằng ông ấy sẽ xây một cung điện tương tự cho mình.
Khi hai nhà vua bước ra khỏi cung điện mới này, nhà vua tới thăm ca tụng bạn mình một lần nữa vì việc xây cung điện đẹp thế và an ninh thế và nói rằng ông ấy muốn một chiếc như thế được xây cho mình. Nhưng khi ông ấy nói lời tạm biệt bạn mình và trèo lên xe ngựa của mình, thì một người ăn xin ngồi bên cạnh đường cất lên tiếng cười khanh khách. Ông chủ cung điện này hỏi người đó sao lại cười. Người ăn xin nói, "Như tôi thấy nó, thì đã có một sai lầm trong xây dựng ngôi nhà này. Tôi đã từng ngồi ở đây từ lúc ngôi nhà này còn đang được xây dựng. Và kể từ đó, tôi đã chờ đợi cơ hội này để nói với ngài về điều đó. Có một sai lầm - và chỉ một sai lầm thôi."
Nhà vua muốn biết về điều đó, và người ăn xin nói, "Cánh cửa mà ngài đã cho phép hiện hữu đã làm cho bản thân nó thành nguy hiểm, nó là nguy hiểm. Có thể không ai sẽ có khả năng đi vào trong ngôi nhà này, nhưng cái chết chắc chắn đi vào qua cửa này. Cho nên tôi gợi ý ngài nên ở bên trong ngôi nhà và để cho cánh cửa này được bít lại bằng gạch từ bên trong. Thế thì ngài sẽ tuyệt đối được bảo vệ, vì cái chết không thể vào được."
Thế rồi nhà vua nói, "Ông điên. Trong trường hợp đó cái chết sẽ chẳng cần đi vào cung điện, bởi vì ta sẽ chết ngay khi cánh cửa này bị bít lại. Ngôi nhà này sẽ trở thành nấm mồ." Bây giờ người ăn xin này nói, "Nó đã là nấm mồ rồi, ngoại trừ mỗi cánh cửa này thôi. Và ông nữa cũng thừa nhận rằng nó sẽ trở thành nấm mồ nếu cánh cửa này bị bỏ đi" Khi nhà vua gật đầu thì người ăn xin nói thêm, "Càng nhiều cửa bị bỏ đi thì nó càng trở nên giống ngôi mộ. Bây giờ chỉ một cửa còn lại."
Người ăn xin nói thêm, "Một thời ngay cả tôi nữa cũng đã sống bị bao kín trong ngôi nhà. Nhưng thế rồi tôi đã phát hiện ra rằng cuộc sống bị vây kín thì cũng hệt như chết vậy. Bệ hạ nữa, cũng có thể thấy rằng nếu chiếc cửa duy nhất còn trong nhà bệ hạ mà bị bít lại, thì nó sẽ trở thành nấm mồ. Tôi đã kéo đổ tất cả các bức tường của ngôi nhà tôi sống, và bây giờ tôi đang ở dưới bầu trời rộng mở. Và như bệ hạ nói đấy, nếu ngôi nhà này mà hoàn toàn bị bít lại thì nó sẽ là tất cả cái chết, cho nên tôi nói rằng nó tất cả sẽ là cuộc sống nếu nó mở và không được bảo vệ về mọi phía. Tôi nhắc lại rằng khi nó tất cả đều mở và không được bảo vệ thì nó đã trở thành cuộc sống - cuộc sống dư thừa. Có đủ nguy hiểm, nhưng nó là dư thừa cuộc sống."
Có nguy hiểm, và đó là lí do tại sao nó đang mời gọi. Và chính bởi lí do này mà bạn không ủng hộ nó. Và đó là than, chứ không phải là viên kim cương đối diện với nguy hiểm. Và đó là dòng sông, chứ không phải là đại dương đang đương đầu với nguy hiểm. Và đó là bạn, chứ không phải là Thượng đế bên trong bạn là người gặp nguy hiểm. Cho nên bây giờ bạn nghĩ điều đó cho bản thân mình. Nếu bạn muốn cứu mình, bạn sẽ phải làm mất Thượng đế. Và nếu bạn muốn tìm Thượng đế, bạn sẽ phải làm mất bản thân mình.
Một đêm ai đó hỏi Jesus, "Tôi phải làm gì để tôi tìm được Thượng đế mà ngài cứ nói mãi?" Jesus nói, "Ông không phải làm gì ngoại trừ việc ông làm mất bản thân mình. Đừng tự cứu mình." Người này nói, "Ông nói gì vậy? Tôi sẽ được gì nếu tôi làm mất bản thân mình?" Và Jesus trả lời, "Người mất sẽ tìm thấy bản thân mình, còn người giữ, sẽ làm mất bản thân mình vĩnh viễn."
Các bạn có thể hỏi nếu các bạn có thêm gì để hỏi.

Câu hỏi được hỏi là:
Sự việc thế nào khi kundalini bắt đầu thức dậy có xuất hiện ngăn cản trên con đường của nó và sự việc thế nào nếu luồng chuyển của nó bị chặn lại?
Lí do cho điều đó là gì? Và chúng tôi có thể làm gì để làm cho nó chuyển động tiếp?
Không có nhiều lí do mà chỉ có một lí do thôi. Đó là việc chúng ta không cầu khẩn nó, cầu khẩn nó bằng tất cả mọi ý chí và sức mạnh của chúng ta, và việc chúng ta không đem tất cả năng lượng của mình vào thức tỉnh nó. Nỗ lực của chúng ta bao giờ cũng manh mún và không đầy đủ; chúng chưa bao giờ toàn bộ cả. Bất kì điều gì chúng ta làm, chúng ta đều làm nó một cách nửa vời. Chúng ta chẳng làm cái gì toàn tâm cả. Và đây là cản trở; không có cản trở nào khác hơn điều này. Và sẽ không có cản trở bất kì cái gì, nếu chúng ta làm mọi sự một cách toàn bộ. Nhưng tất cả chúng ta qua các kiếp sống của mình chúng ta đã thành thói quen chỉ đi nửa đường thôi, chúng ta chưa bao giờ đi toàn thể con đường. Cho dù chúng ta yêu, chúng ta cũng yêu kiểu nửa vời; chúng ta yêu một người và chúng ta cũng ghét người đó. Có vẻ kì lạ rằng chúng ta ghét chính người chúng ta yêu. Chúng ta yêu một người, chúng ta muốn sống vì người đó, và nhiều lúc chúng ta cũng nghĩ tới việc giết người đó. Khó mà tìm được một người yêu không nghĩ về người mình yêu bị chết.
Cuộc sống của chúng ta theo kiểu nó bao giờ cũng bị phân chia, bao giờ cũng một nửa-và-một nửa. Và hai nửa này  bao  giờ  cũng  kéo  theo  các  hướng đối  lập. Không giống như hai chân chúng ta, chân phải và chân trái, tiến lên trước theo cùng hướng, hai nửa của tâm trí chúng ta đi vào các hướng đối lập. Và đó là cái gây cho chúng ta căng thẳng và xung khắc. Bất ổn này của các kiếp sống của chúng ta là gì, nếu không phải là điều chúng ta bao giờ cũng nửa nọ nửa kia - chia chẻ, manh mún và hờ hững?
Một thanh niên tới tôi và nói rằng trong hai mươi năm anh ta đã nghĩ mãi tới tự tử. Tôi bảo anh ta, "Bạn điên thế, sao bạn không làm điều đó đi? Hai mươi năm là một thời gian dài. Khi nào bạn mới định tự tử nếu bạn đã nghĩ về nó suốt hai mươi năm trường? Bạn đằng nào cũng sẽ chết. Bạn sẽ tự tử sau khi bạn chết chứ?" Anh thanh niên này giật mình và anh ta nói, "Thầy nói gì vậy? Tôi tới thầy với hi vọng rằng thầy sẽ thuyết phục tôi đừng làm điều đó." Thế là tôi nói, "Bạn cần tôi thuyết phục bạn sao, khi bạn đã không làm điều đó trong hai mươi năm?" Câu trả lời của anh ta là, "Bất kì ai tôi gặp đều thuyết phục tôi đừng tự tử."
"Đấy là bởi vì những người thuyết phục đó," tôi bảo anh ta, "mà bạn đã chẳng sống chẳng chết. Bạn chỉ nửa vời. Bạn nên hoặc sống hoặc chết; đừng làm cả hai điều này cùng nhau. Nếu bạn muốn sống thì từ bỏ ý nghĩ tự tử và bắt đầu sống một cách đầy đủ. Còn nếu bạn muốn chết thế thì từ bỏ ý nghĩ về sống và chết một cách toàn thể."
Anh thanh niên này ở lại với tôi hai hay ba ngày. Và mọi ngày tôi đều bảo anh ta điều này; "Bây giờ đừng nghĩ tới sống. Nếu bạn đã nghĩ tới chết trong hai mươi năm rồi, thì tốt hơn cả bây giờ bạn chết đi." Ngày thứ ba anh ta nói với tôi, "Sao thầy nói điều đó? Xin đừng nói. Tôi muốn sống." Thế là tôi nói, "Không phải tôi yêu cầu bạn chết đi đâu. Chính bạn là người nói rằng bạn đã muốn chấm dứt cuộc sống mình trong suốt hai mươi năm."
Bây giờ đấy là vấn đề đáng xem xét. Nếu một người nghĩ về tự tử trong hai mươi năm và vậy mà vẫn chưa chết thế thì hiển nhiên người đó cũng không sống. Làm sao người đó có thể sống mà thường xuyên nghĩ tới chết được? Chúng ta đều nửa nọ nửa kia. Và thói quen sống nửa nọ nửa kia này đã thấm vào toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không thể trở thành người bạn hoàn toàn với ai đó mà cũng không là kẻ thù toàn bộ với người khác. Chúng ta không có khả năng là bất kì cái gì toàn bộ. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là ở chỗ việc là kẻ thù đầy đủ còn nhiều niềm vui hơn là người bạn nửa vời.
Trong thực tế, hễ cứ làm bất kì cái gì một cách toàn bộ thì cũng đều phúc lạc, bởi vì bất kì khi nào toàn bộ bản thể bạn được tham gia vào, tất cả năng lượng tiềm tàng của thân thể bạn tập hợp lại với nhau và hợp tác với bạn. Còn bất kì khi nào bạn bị phân chia và chia chẻ, bạn trong xung khắc và bạn vật lộn bên trong mình.
Bây giờ nếu việc đánh thức kundalini bị cản trở trên đường của nó, điều đó chỉ có nghĩa là một mặt bạn muốn đánh thức nó và mặt khác bạn sợ việc đánh thức nó. Bạn đang đi tới ngôi đền và đồng thời bạn không có dũng cảm để vào nó. Bạn đang làm cả hai cùng nhau. Bạn chuẩn bị cho thiền và đồng thời bạn không thu được dũng cảm để nhảy vào trong nó. Bạn muốn bơi trong sông, bạn đã đi tới bờ sông, và vậy mà bạn vẫn đứng trên mép bờ nghĩ xem phải làm gì. Bạn muốn bơi vậy mà bạn không muốn vào trong nước. Cứ dường như là bạn muốn bơi bên trong phòng ngủ của mình, cứ dường như là bạn muốn làm việc với tay và chân mình bằng việc nằm trên chiếc tràng kỉ có nệm và có niềm vui của việc bơi. Không, bạn không thể tận hưởng được việc bơi bằng việc nằm dài trên chiếc tràng kỉ thoải mái trong phòng ngủ của bạn. Điều này là ngu xuẩn. Niềm vui thực của việc bơi được gắn liền không tách rời với nguy hiểm.
Nếu thiếu nhiệt tình, điều đó sẽ cản trở kundalini theo nhiều cách. Đó là lí do tại sao nhiều bạn sẽ cảm thấy rằng mọi sự đã đi tới chỗ dừng lại.
Nếu kundalini đi tới chỗ dừng thì nhớ chỉ một điều... và đừng tìm cớ để biện minh cho nó. Chúng ta tìm đủ mọi loại cớ: nào nghiệp của các kiếp sống quá khứ đang tới trên đường, nào các sao còn chưa thích hợp, nào thời  đã không  đến. Không điều nào trong những điều này mà chúng ta quen nghĩ là đúng cả. Chỉ một điều là đúng: rằng bạn không làm hết sức để đánh thức nó. Nếu có bất kì chướng ngại nào ở bất kì đâu, nghĩ rằng bạn đã không lấy cú nhảy đầy đủ, và thế rồi nhảy với lực đầy đủ. Đem tất cả năng lượng của bạn vào nó và buông bỏ bản thân mình toàn bộ. Thế thì kundalini sẽ không bị chặn lại tại bất kì trung tâm nào.
Chân lí là ở chỗ kundalini có thể hoàn thành toàn thể cuộc hành trình của nó trong một khoảnh khắc; và thậm chí nó có thể lấy đi nhiều năm. Tất cả chỉ là vấn đề cam kết - liệu nó có là toàn bộ hay phân mảnh. Nếu ý chí chúng ta, tâm trí chúng ta là toàn bộ, toàn thể sự việc có thể xảy ra ngay bây giờ, chính khoảnh khắc này.
Nếu kundalini bị ngăn lại ở bất kì đâu, điều đó chỉ có nghĩa là bạn đã không đầu tư toàn thể năng lượng của mình vào nỗ lực của mình. Cho nên hợp tác với nó một cách đầy đủ, và đem tất cả năng lượng của bạn vào cho nó. Có vô hạn năng lượng được cất giữ bên trong mỗi người chúng ta, nhưng chúng ta chưa bao giờ sử dụng bản thân mình trong bất kì cái gì theo cách lớn lao. Chúng ta bao giờ cũng sống ở ngoại vi của cuộc sống, chúng ta chưa bao giờ đào sâu vào trong nó. Chúng ta chưa bao giờ cầu khẩn và triệu tập gốc rễ của mình, gốc rễ của bản thể chúng ta; chúng ta chưa bao giờ cầu khẩn chúng, và đó là lí do tại sao có chướng ngại. Và nhớ lấy, không có vấn đề nào khác hơn vấn đề này.

Một bạn hỏi: Chúng tôi được sinh ra với đói, ngủ và khát, nhưng không với khao khát về thượng đế. Sao vậy?
Cũng có ích để hiểu điều này. Khao khát về Thượng đế nữa, cũng tới với việc sinh thành của chúng  ta, nhưng phải mất thời gian lâu để biết nó. Chẳng hạn, trẻ con được sinh ra với dục, nhưng chúng phải mất mười bốn năm để biết nó. Ham muốn dục tới với việc sinh của chúng, nhưng chúng phải mất mười bốn tới mười lăm năm để nhận ra nó. Và tại sao phải mất nhiều thời gian thế? Ham muốn, khát khao có đó bên trong bạn, nhưng thân thể không được chuẩn bị cho nó. Thân thể mất mười bốn năm để trưởng thành và chín muồi về dục, và thế rồi ham muốn này được thức tỉnh. Cho tới lúc đó nó vẫn còn ở trong trạng thái tiềm tàng.
Khát khao về Thượng đế nữa cũng tới với việc sinh, nhưng thân thể chưa chín và chưa sẵn sàng. Và ngay khi thân thể được chuẩn bị thì khát khao này được phát sinh. Kundalini chuẩn bị cho sự trưởng thành đó, sự chín muồi đó. Nhưng bạn có thể hỏi tại sao tự nó không xảy ra. Đôi khi nó có xảy ra theo cách riêng của nó, nhưng điều như thế này cần được hiểu cẩn thận.
Trong tiến hoá của nhân loại một số điều xảy ra trước với cá nhân và rồi với nhóm người. Chẳng hạn, nếu bạn xem qua toàn thể Veda thế thì dường như là chẳng có nhận biết gì về hương thơm hay mùi hôi trong thời của Vedas. Trong tất cả các kinh sách của thế giới đương đại với Rigveda, không có nhắc gì tới khứu giác ở đâu cả. Hoa tất nhiên có được nhắc tới, nhưng không có hương thơm. Những người biết đều nói rằng cho tới thời của Rigveda khứu giác của con người vẫn còn chưa được thức tỉnh. Về sau đó nó đã thức tỉnh trong trường hợp của vài cá nhân. Thậm chí ngày nay, mùi vị cũng không có ý nghĩa gì đối với nhiều người; chỉ với vài người nó mới có nghĩa. Trong thực tế khứu giác phải thức tỉnh đầy đủ trong mọi người. Các công xã càng phát triển thì càng có nhiều khứu giác hơn, và công xã kém phát triển người ta ít có nó nhiều hơn. Vẫn còn tồn tại vài bộ lạc trên trái đất này không có từ dành cho hương thơm trong ngôn ngữ của họ. Cho nên khứu giác trước hết tới cho vài cá nhân và dần dần trưởng thành và trở thành một phần của tâm trí tập thể.
Giống như khứu giác, nhiều điều khác tới trong nhận biết của con người chỉ dần dần thôi. Chúng không tồn tại trong quá khứ. Nhận biết của con người về màu tạo ra câu chuyện đáng ngạc nhiên. Aristotle trong cuốn sách của mình đã nói tới chỉ mỗi ba màu. Cho tới thời của Aristotle, mọi người ở Hi Lạp đã đã nhận biết về mỗi ba màu; họ đã không biết gì về các màu khác. Chính qua một thời kì thời gian dài và cứ dần dần mà một số màu khác đã trở thành thấy được đối với họ. Và đừng nghĩ rằng ngay cả ngày nay chỉ có ngần ấy màu như mắt chúng ta thấy được. Có nhiều màu hơn thế này, nhưng chúng ta còn chưa nhận biết về chúng. Nhạy cảm của chúng ta vẫn còn chưa được phát triển. Đó là lí do tại sao đôi khi dưới ảnh hưởng của LSD hay mescaline hay hashish hay marijuana, một số màu mới trở thành thấy được cho mắt chúng ta, điều chúng ta chưa bao giờ thấy trước đây. Và màu sắc là nhiều vô kể. Nhưng chỉ dần dần và qua một khoảng thời gian dài chúng ta mới trở nên nhạy cảm với chúng.
Ngay cả ngày nay, có một số người trên thế giới là người mù màu, người không có cảm giác màu sắc. Nếu có một nghìn người ngồi đây, ít nhất năm mươi người trong số họ phải là mù với màu này màu khác. Mặc dầu bản thân họ có thể không nhận biết về điều đó. Và vài người có thể đến mức không thể phân biệt nổi giữa màu lục và vàng. Gạt sang bên những người thường, ngay cả một số người vĩ đại và lỗi lạc cũng đã được tìm ra là mù màu.
Một người như Bernard Shaw không thể phân biệt được màu lục với màu vàng. Và mãi cho tới độ tuổi sáu mươi ông ấy vẫn không biết rằng mình không thể phân biệt nổi giữa màu lục và màu vàng. Ông ấy đi tới biết ra điều đó vào ngày kỉ niệm sinh nhật lần thứ sáu mươi của mình khi ai đó tặng cho ông ấy bộ com lê xem như món quà sinh nhật. Nó có màu lục, nhưng bộ com lê thiếu một thứ - chiếc cà vạt. Người bạn này đã quên mua cà vạt đi kèm bộ áo com lê. Cho nên Shaw ra chợ để mua cà vạt hợp với bộ com lê, và ông ấy đã hỏi mua chiếc cà vạt màu vàng. Người chủ tiệm lễ phép nói rằng chiếc cà vạt vàng sẽ không hợp với bộ com lê màu lục. Shaw ngạc nhiên khi nghe nói điều đó và cứ nhấn mạnh rằng màu của cà vạt và màu của bộ com lê là một. Bây giờ đến lượt ông chủ tiệm thấy buồn cười, và ông ấy hỏi, "Sao chúng cùng màu được cơ chứ thưa ngài? Ngài có trẻ con không đấy?" vì ông ấy biết rằng Shaw rất giỏi đùa cợt. Ông ấy nói, "Có lẽ đấy chỉ là trò đùa khi ông nói rằng bộ com lê này và chiếc cà vạt có cùng màu. Chúng đâu cùng màu; chiếc cà vạt màu vàng trong khi bộ com lê màu lục." Nhưng dầu vậy Shaw vẫn cứ khăng khăng và tò mò hỏi màu vàng là gì.
Thế rồi Bernard Shaw phải được đưa đi kiểm tra mắt và bác sĩ xác nhận rằng ông ấy bị mù màu vàng.
Có thời màu vàng là không thấy được cho mắt con người. Đây là bổ sung mới nhất vào danh sách màu con người biết tới. Một số màu khác cũng là mới nữa.
Âm nhạc không có nghĩa cho mọi người. Nó có nghĩa cho vài người thôi. Và chỉ vài người đánh giá được sắc thái của nó thực sâu. Với phần còn lại nó chẳng là gì ngoài âm thanh và tiếng ồn - chẳng mang ý nghĩa gì. Nhận biết và đánh giá của họ về các nốt nhạc vẫn còn chưa phát triển và chưa sâu sắc. Trong thực tế, mãi cho tới giờ âm nhạc đã không là kinh nghiệm tập thể của loài người.
Cho nên khi có liên quan tới Thượng đế, ngài là kinh nghiệm rất rất xa vời, người siêu việt lên trên mọi giác quan, người ở bên ngoài mọi giác quan. Ngài là kinh nghiệm tối thượng; không có gì bên ngoài ngài. Đó là lí do tại sao rất ít người trở nên được thức tỉnh, mặc dầu tiềm năng được thức tỉnh nằm trong mọi người và nó tới người đó cùng việc sinh.
Nhưng bất kì khi nào một người giữa chúng ta thức tỉnh, thì việc thức tỉnh của người đó nữa cũng trở thành một nhân tố để khuấy động khao khát tiềm ẩn về Thượng đế trong nhiều người. Bất kì khi nào một người như Krishna vươn lên giữa chúng ta, chính tầm nhìn của người đó, chính sự hiện diện của người đó bắt đầu làm thức tỉnh trong chúng ta điều đã từng ngủ từ lâu thế.
Cơn khát, cơn đói về Thượng đế đi cùng mỗi chúng ta, và nó tới với việc sinh của chúng ta. Nhưng nó không được phép thức dậy, nó bị kìm nén. Và có nhiều lí do cho nó. Điều quan trọng nhất trong chúng là ở chỗ đám đông khổng lồ bao quanh chúng ta, đám đông bao la những người mà chúng ta sống cùng, hoàn toàn không có khao khát đó. Đó là lí do tại sao khi khao khát này bắt đầu dâng lên trong ai đó, người đó lập tức kìm nén nó, bởi vì đó dường như là một loại điên khùng với người đó. Trong một thế giới mà tất cả mọi người xung quanh bạn đều đầy những ham muốn mãnh liệt về tiền bạc, ham muốn mãnh liệt về danh vọng, thì ham muốn mãnh liệt về tôn giáo có vẻ như điên khùng. Và nó làm cho tất cả mọi người xung quanh hoài nghi về người đang khao khát tôn giáo, họ cho rằng người đó đang ra khỏi tâm trí mình. Cho nên con người tự kìm nén mình. Khao khát mãnh liệt này không được phép phát sinh, nó bị kìm nén từ đủ mọi phía.
Thế giới chúng ta vừa tạo ra không có chỗ cho Thượng đế, và chúng ta chịu trách nhiệm cho điều đó. Bởi vì như tôi đã nói, cho phép Thượng đế có chỗ đứng là điều nguy hiểm, cho nên chúng ta không dành cho ngài góc nào. Vợ sợ rằng Thượng đế có thể đi vào cuộc sống của chồng mình, bởi vì với việc tới của ngài thì vợ có thể biến mất, cô ấy có thể trở thành vô nghĩa với anh ấy. Chồng theo cùng cách đó sợ rằng nếu Thượng đế tới trong cuộc sống của vợ mình, thì vị trí riêng của anh ta như Thượng đế thực sự của cô ấy - Thượng đế thay thế - sẽ bị nguy hiểm. Thượng đế thay thế sẽ không có ở đâu cả. Đó là lí do tại sao chúng ta đã không cho phép Thượng đế có chỗ trong thế giới mà chúng ta đã tạo ra, bởi vì Thượng đế sẽ là nhân tố gây rối loạn ở đây. Nếu ngài tới, ngài sẽ gây rối, ngài nhất định gây rối cái này cái nọ; ngài sẽ làm đảo lộn nhiều thứ. Tại đây việc ngủ sẽ qua đi, tại kia cái gì đó khác sẽ xảy ra, và ở chỗ khác điều gì đó sẽ phải thay đổi. Chúng ta sẽ dừng là điều chúng ta đang là. Đó là lí do tại sao chúng ta  giữ Thượng đế ở ngoài thế giới của mình.
Nhưng như trong trường hợp khao khát Thượng đế nảy sinh ngẫu nhiên - để tránh nguy hiểm đó - chúng ta đã tạo ra các thượng đế giả, các thần tượng đá, trong nhà mình, và chúng ta tôn thờ chúng, để cho khát khao này không trực tiếp hướng tới Thượng đế thực. Chúng ta có các thượng đế thay thế ở khắp nơi. Điều này biểu thị cho tinh ranh tồi tệ nhất của con người và âm mưu lớn lao nhất của con người chống lại Thượng đế mãi. Những thượng đế nhân tạo này là biểu tượng cho âm mưu ghê gớm nhất chống lại tôn giáo và Thượng đế đã từng được ngấm ngầm dự định. Và chính vì điều này mà niềm khát khao của con người về Thượng đế đã không được phép biến thành việc truy tìm Thượng đế - thay vì thế bị đi lạc quanh đền chùa và nhà thờ mà vốn dĩ chẳng đáng giá gì. Và khi con người không tìm thấy cái gì trong đền chùa và nhà thờ, con người thất vọng và dường như với người đó nhà riêng của mình còn tốt hơn chúng. Rồi con người nói, "Có quái gì trong đền chùa và nhà thờ đâu?" Thế là người đó quay về nhà sau khi đến thăm chúng. Người đó không biết rằng đền chùa và nhà thờ là can thiệp của tinh ranh và lừa dối lớn lao.
Tôi đã nghe nói rằng một buổi tối quỉ trở về nhà chán ngán và thất vọng và nói với vợ mình, "Ta đã bị thành thất nghiệp tuyệt đối; ta chẳng có gì trong tay để làm cả." Vợ quỉ nhảy lùi lại, cũng như tất cả các bà vợ tỏ ra khi biết tin chồng mình mất việc, và cô ấy hỏi, "Anh thất nghiệp à? Làm sao có thể như thế được? Làm sao anh, trong tất cả mọi người, mà bị mất việc? Điều đó là không thể được, bởi vì việc của anh là vĩnh viễn. Việc làm biến chất mọi người sẽ diễn ra mãi mãi. Nó là vậy nó không bao giờ có thể đi tới chấm dứt. Làm sao anh làm mất nó được? Cái gì làm cho anh thành thất nghiệp?" Quỉ nói, "Ta đã bị làm thành thất nghiệp theo một cách rất kì lạ. Công việc của ta đã bị các đền chùa và nhà thờ chiếm giữ, bởi các tu sĩ và học giả. Ta không còn được cần tới chút nào. Ta có thể làm gì khác ngoại trừ việc làm chệch hướng mọi người khỏi con đường đi tới Thượng đế đây? Bây giờ không ai còn bước trên con đường đó nữa; đền chùa và nhà thờ hồi giáo có đó để làm lệch họ khỏi nó. Cho nên ta không có cơ hội đưa họ đi lạc lối như ta vẫn thường làm thời gian lâu thế."
Khao khát Thượng đế có đó từ bao giờ. Nhưng chúng ta bắt đầu giáo dục mọi người về Thượng đế từ thời thơ ấu sớm sủa của họ và đó chính là điều gây ra tai hại. Trước khi thực tế biết Thượng đế, một ảo tưởng được tạo ra rằng chúng ta biết ngài. Cho nên mọi người đều nghĩ mình biết Thượng đế. Trước khi khao khát này được đánh thức, chúng ta đã được cho uống nước, và điều này tạo ra chán chường và sợ hãi. Chính vì các giáo huấn sai lầm của chúng ta mà chúng ta phát triển việc không ưa Thượng đế; chúng ta mất đi tất cả mọi mối quan tâm tới ngài. Chúng ta nhồi nhét vào đầu mình đầy những Gita, Koran và Kinh Thánh, chúng ta tống vào tâm trí mình đầy những lời của các thánh nhân và mahatmas, điều đó trở thành buồn nôn và chúng ta muốn vứt bỏ nó sớm còn hơn là muộn. Cho nên vấn đề đạt tới Thượng đế không phát sinh.
Toàn thể xã hội chúng ta bắt đầu phản đối, toàn bộ hệ thống của chúng ta chống lại Thượng đế. Và đó là lí do tại sao khát khao về Thượng đế khó nảy sinh thế. Và ngay cả khi nó nảy sinh, người có liên quan đối với chúng ta dường như gàn gàn dở dở; người đó lập tức bị coi là có vấn đề tâm thần. Điều đó là vậy bởi vì người đó bây giờ khác thế với những người chúng ta còn lại. Người đó bắt đầu sống theo cách khác; ngay cả cách thở của người đó cũng thay đổi, toàn bộ phong cách sống của người đó thay đổi. Đó là thay đổi lớn lao. Người đó thôi là một người trong chúng ta; người đó trở thành người xa lạ với chúng ta.
Thế giới chúng ta đã xây dựng nên là chống lại Thượng đế. Và chúng ta đã thành công nhiều thế, và tiếp tục thành công cho tới ngày này. Chúng ta đã vứt Thượng đế đi, chúng ta đã đuổi ngài đi hoàn toàn. Và điều kì cục là ở chỗ chúng ta đã đuổi ngài ra khỏi thế giới riêng của ngài. Và chúng ta đã dựng nên chướng ngại vật không có lối mở để Thượng đế có thể vào lại thế giới của chúng ta. Cho nên làm sao khao khát này nảy sinh được?
Cho dù khao khát này không nảy sinh, cho dù nó thậm chí không được biết tới, vậy mà một loại bất ổn bên trong, và dòng chảy ngầm của nỗi thống khổ cứ theo đuổi chúng ta qua các kiếp sống của mình. Người ta đạt tới danh vọng, vậy mà người ta vẫn cảm thấy trống rỗng bên trong. Người ta cóp nhặt của cải, vậy mà người ta vẫn thấy thiếu cái gì đó, cái gì đó vẫn còn chưa được đạt tới. Người ta thấy tình yêu, vậy mà dường như là cái gì đó vẫn còn phải được tìm thấy, người ta vẫn còn không được thoả nguyện. Cái gì là cái dường như bị thiếu vào mọi lúc người ta đạt được thành công trong cuộc sống?
Đó là khao khát bên trong mà chúng ta đã kìm nén, cái mà chúng ta đã không cho phép nảy sinh, trưởng thành và được thoả mãn. Khao khát đó thỉnh thoảng ngẩng đầu lên; nó biến thành dấu hỏi trên mọi con đường chúng ta đi. Và nó nói với chúng ta, "Mình đã đạt tới biết bao nhiêu danh tiếng, vậy mà mình vẫn chẳng đạt được gì cả; mình đạt tới mọi thứ vậy mà mình vẫn trống rỗng." Khao khát đó gây đau đớn và làm chúng ta bị thương, khao khát đó quấy nhiễu và dằn vặt chúng ta từ mọi điểm thuận lợi trong các kiếp sống của chúng ta. Nhưng chúng ta phủ nhận nó và tự làm mình bận rộn mình trong công việc với niềm hăm hở đến mức chúng ta chẳng thể nghe được tiếng nói nhỏ nhoi của nó.
Đó là lí do tại sao người tham gia vào việc làm tiền thì cứ đâm đầu vào nó, còn người đuổi theo danh tiếng bắt đầu chạy như ngựa phi nước đại. Họ bít tai lại để cho họ không phải nghe rằng họ đã chẳng tìm thấy gì trong việc theo đuổi tham vọng của mình. Chúng ta làm đủ mọi thứ trong quyền lực của mình để ngăn cản khao khát này nảy sinh. Bằng không thì một ngày sẽ tới khi trẻ con trong thế giới này sẽ được sinh ra với khao khát Thượng đế này như chúng được sinh ra với đói, khát và dục. Một thế giới như vậy có thể được tạo ra, và xứng đáng tạo ra. Nhưng ai sẽ làm điều đó?
Chỉ một số người tìm kiếm Thượng đế mới có thể tạo ra thế giới như vậy. Nhưng để làm như vậy điều cần thiết là tất cả mọi mưu đồ chống lại Thượng đế, vẫn hiển nhiên từ trước tới giờ, đều bị chặn đứng và đánh bại.
Quả thực có khao khát, nhưng con người có thể nghĩ ra các biện pháp nhân tạo để kìm nén nó. Trong hàng nghìn năm ở Trung Quốc, đàn bà bị buộc phải đi giầy thép để cho bàn chân họ nhỏ nhất có thể được. Chân nhỏ được coi là biểu tượng cho cái đẹp. Bàn chân càng nhỏ, địa vị gia đình cô gái càng ở cấp cao hơn. Cho nên chân họ vẫn còn nhỏ tới mức đàn bà bước đi khó khăn. Trong khi thân thể họ phát triển thì chân vẫn còn bị còi cọc và nhỏ bé. Họ không thể bước được. Và người đàn bà không bước được được gọi là quí bà thuộc vào hoàng gia. Vợ người nghèo không thể đảm đương được điều đó, bởi vì cô ấy cần có chân lớn để có thể bước đi và làm việc. Chỉ đàn bà dòng dõi quí tộc mới có thể làm mà không bước đi; họ bước đi bằng sự giúp đỡ của người khác. Mặc dầu họ đi khập khiễng - chẳng có gì ngoài trạng thái khập khiễng - họ vẫn được coi là thanh nhã và đẹp. Ở Trung Quốc ngày nay không đàn bà nào chấp nhận điều đó. Cô ấy sẽ nói những người chấp nhận điều đó là điên rồ. Nhưng tục lệ này đã kéo dài hàng nghìn năm nay.
Khi một thứ trở thành mốt và phổ cập, khó mà thấy được qua sự ngu xuẩn của nó. Khi hàng nghìn người tuân theo nó, khi cả đám đông ở đằng sau nó, bạn không phán xét nó, đánh giá nó. Khi cả xã hội làm cho đàn bà phải đi giầy thép, tất cả đàn bà đều đi giầy thép. Và nếu ai đó không tuân theo thực hành này, cô ấy sẽ bị kết án là đàn bà điên, cô ấy bị coi như người đàn bà đáng thương và mất danh giá. Cô ấy sẽ không lấy được chồng tốt và đẹp trai; cô ấy sẽ không được lập gia đình trong nhà giàu có. Đàn bà với chân to bị xem là thô tục, vô giáo dục và vô văn hoá. Người ta đã nghĩ rằng chỉ đàn bà nông dân mới có chân to; chân của người ưu tú phải nhỏ. Khái niệm này đã làm què quặt đàn bà ở Trung Quốc trong hàng nghìn năm, và họ chẳng có ý tưởng rằng đi giầy thép là cực kì điên rồ; nhưng thực tế này vẫn kéo dài rất lâu. Và chỉ khi nó bị bãi bỏ thì họ mới có thể thấy sự điên khùng của nó.
Theo cùng cách đó, khi có liên quan tới Thượng đế, tâm trí của toàn thể nhân loại đã bị làm hư hỏng, què quặt. Khao khát của con người về Thượng đế, khao khát của con người để đạt tới ngài đã bị phá huỷ bằng mọi cách; nó không được phép vươn cao lên chút nào. Và cho dù nó có vươn lên, các thượng đế thay thế cũng được bịa ra và họ được bảo rằng nếu chúng ta muốn Thượng đế thì chúng ta phải đi tới đền chùa, chúng ta phải đọc Gita, Koran và Kinh Thánh, và chúng ta sẽ tìm thấy ngài. Thực tế, chẳng cái gì được tìm thấy trong kinh sách ngoại trừ lời, và chẳng cái gì được tìm thấy trong đền chùa ngoại trừ các thần tượng bằng đá. Và thế rồi con người nghĩ rằng có lẽ bản thân khao khát của mình là giả.
Và thế rồi khao khát này cứ tới rồi đi. Vào lúc các bạn tới đền chùa, nó qua rồi. Vào lúc bạn đọc Gita, nó đã biến mất. Dần dần nó thành gượng gạo và mòn mỏi. Và cuối cùng nó chết khi nó không được phép được thoả mãn. Chung cuộc nó tàn lụi đi. Nó cũng giống như cơn đói thể chất. Nếu bạn nhịn ăn trong ba ngày bạn sẽ kinh nghiệm cơn đói cồn cào trong ngày nhịn thứ nhất. Cơn đói sẽ còn cồn cào hơn trong ngày thứ hai, và cồn cào nhất vào ngày thứ ba. Nhưng tới ngày thứ tư, nếu bạn tiếp tục nhịn ăn, cơn đói sẽ bắt đầu suy giảm và nó sẽ ít cồn cào hơn vào ngày thứ năm. Ngày thứ sáu nó càng ít hơn nữa. Và sau mười lăm ngày cơn đói sẽ dừng hiện hữu. Và nếu bạn nhịn ăn cả tháng, bạn sẽ không còn biết đói là gì nữa. Bạn sẽ trở nên ngày một yếu hơn, bạn sẽ ngày một hốc hác hơn, và ngày tiếp ngày bạn sẽ mất cân vì bạn sẽ tiêu thụ thịt của mình để sống còn, nhưng cơn đói sẽ biến mất hoàn toàn. Bởi vì nếu cơn đói không được phép, không được thoả mãn trong cả tháng, thì nó sẽ chết là cái chắc.
Tôi đã nghe... Có một câu chuyện ngắn do Kafka kể. Ông ấy viết rằng có một đoàn xiếc với các kiểu diễn viên khác nhau và đủ loại trò và các loại nhào lộn và biểu diễn. Người chủ rạp xiếc đã thuê cho nhóm diễn viên một người tinh thông về nhịn ăn. Người này trình diễn tiết mục của mình về nhịn ăn, và người đó có một chiếc lều cho mình. Mọi người tới thăm rạp xiếc để xem nhiều thứ - như các kĩ xảo của những con vật được huấn luyện, những con vật lạ và hoang dại - và họ cũng tới xem người nhịn ăn này, người đó cũng là một đối tượng có sự hấp dẫn lớn. Người đó có thể sống không ăn hàng tháng. Có lần người đó đã trải qua kì nhịn ăn ba tháng liền. Cho nên mọi người tới xem ông ta nữa. Nhưng cũng có giới hạn cho điều đó.
Chuyện xảy ra là trong thị trấn nào đó nhóm xiếc này nấn ná ở đến sáu hay bảy tháng. Khán giả tới xem người đó nhịn ăn nửa tháng hay một tháng, nhưng rồi mối quan tâm của họ cũng phai đi. Đó là lí do tại sao người ta nói rằng những người biểu diễn và thánh nhân nên thường kì thay đổi chỗ của mình. Nếu họ ở một chỗ quá lâu, họ sẽ gặp khó khăn. Mọi người sẽ đứng xem họ được bao lâu? Cho nên hợp lí nhất là họ đi từ thị trấn này sang thị trấn khác cứ sau hai hay ba ngày. Khi họ tới thăm thị trấn mới, mọi người lũ lượt kéo đến họ. Tại thị trấn khác họ rất thú vị.
Gánh xiếc trong câu chuyện của Kafka ở quá lâu trong thị trấn đó, và kết quả là khách không đến xem người biểu diễn nhịn ăn nữa. Họ quên mất lều của ông ấy hoàn toàn. Và người đó gầy mòn hốc hác thế qua việc nhịn ăn dài ngày đến mức người đó không thể đi tới ông quản lí và thông báo cho ông ta về tình trạng của mình. Ông ấy yếu tới mức ông ấy thậm chí không thể ngồi dậy trên giường được, cho nên ông ấy cứ nằm và nằm ở đó. Và vì đoàn xiếc rất lớn, nên ông ấy thực tế bị quên mất.
Sau một  quãng  bốn  hay năm tháng,  ai  đó bỗng nhiên nhớ tới ông ấy vào một sáng đẹp trời và đi hỏi về ông ấy. Bây giờ ông bầu trở nên lo âu, e rằng người nhịn ăn có thể chết rồi. Ông ta chạy xô tới lều của ông ấy, nhưng hoảng sợ khi chẳng thấy người nào ở đó ngoại trừ một bó cỏ khô mà ông ấy vẫn nằm. Không có dấu vết của chính con người này. Khi ông bầu gọi tên ông ấy, không có tiếng trả lời từ ông ấy. Ông ấy mòn mỏi đến mức không thể nói được. Thế rồi ông bầu bỏ giường cỏ ra và ông ấy thất kinh khi thấy người nhịn ăn thu lại thành bộ xương trần. Nhưng con mắt ông ấy bình an và sống động.
Ông bầu nói với ông ấy, "Ông bạn ơi, tôi chân thành xin lỗi vì đã quên mất ông, nhưng ông có mất trí không vậy? Nếu không ai tới thăm ông nữa, thì ông phải ăn trở lại chứ." Người này đáp, "Nhưng bây giờ thói quen ăn của tôi đã chết rồi; nó bị chấm dứt rồi. Tôi không cảm thấy đói chút nào. Và tôi không còn là người biểu diễn nữa; tôi bị mắc bẫy vào chính bản thân việc biểu diễn; tôi là tù nhân bất lực trong tay nó. Tôi không còn đóng kịch nữa, nhưng thực sự không có đói gì cả. Trong thực tế, bây giờ tôi không biết đói là gì, bởi vì điều người ta gọi là đói thì không còn xảy ra cho tôi nữa."
Điều gì đã xảy ra cho con người này? Nếu bạn cứ nhịn ăn lâu dài và kéo dài thêm một cách có phương pháp, thì cơn đói chắc chắn sẽ chết và biến mất. Cho nên chúng ta không cho phép cơn đói Thượng đế của mình được thức tỉnh, bởi vì Thượng đế là nhân tố gây khuấy động nhất trong cuộc sống chúng ta. Không có gì trên thế giới có thể gây khuấy động hơn là ngài. Đó là lí do tại sao chúng ta đã làm mọi việc phòng ngừa ngăn cản ngài, và làm đủ mọi thu xếp để cho ngài khuất mắt. Chúng ta đã khoá đường của ngài từ mọi phía và theo cách thức rất có kế hoạch, để cho ngài không vào được thế giới của chúng ta ngay cả bằng cách lén lút.
Cho dù vậy mọi người đều được sinh ra với khao khát về Thượng đế. Và nếu được cho cơ hội và tiện nghi để thức tỉnh, thì tất cả mọi khao khát khác - như khao khát giầu có và khao khát danh vọng - sẽ biến mất. Thế thì không khao khát nào khác hơn khao khát Thượng đế là còn lại. Tất cả chúng không thể cùng đi bên nhau được. Cho nên để cứu lấy những khao khát này - những khao khát về giầu có, khao khát quyền lực và danh tiếng, khao khát về dục - chúng ta phải kìm hãm và đè nén khao khát của mình về Thượng đế. Bởi vì nếu khao khát thiêng liêng nảy sinh và chiếm giữ vũ đài, nó trước hết sẽ khử bỏ đi và rồi tiêu hoá trong chính nó tất cả các khao khát khác, và nó sẽ độc chiếm vũ đài này. Thượng đế rất ghen tị. Khi ngài xuất hiện, ngài giữ vũ đài một mình, tất cả cho chính ngài. Thế thì ngài sẽ không cho phép người khác làm trò hề quanh ngài. Khi ngài chọn bạn làm chỗ trú ngụ cho mình, ngôi đền chùa của ngài, tất cả các nam thần nữ thánh nhỏ bé đều phải ra đi; họ không thể sống ở đấy được nữa. Như bạn thấy một số trong họ được tôn thờ trong các đền chùa - thần khỉ Hanuman có đó và biết bao nhiêu thần khác; tất cả họ đều sẽ tan biến. Thượng đế sẽ không cho phép họ sống ở đó nữa. Khi Thượng đế tới, ngài sẽ biến thành một và tất cả. Một mình ngài sẽ ngồi trên ngai vàng. Ngài rất rất ghen tị.

Một bạn hỏi: chẳng phải điều một cá nhân làm thì thực sự là do đích thân thượng đế làm đó sao?
Đây là câu hỏi đúng. Chừng nào một cá nhân làm điều, điều đó không phải là do thượng đế làm. Chừng nào một cá nhân còn cảm thấy rằng mình đang làm, thì đấy không phải là việc làm của Thượng đế. Cái ngày cá nhân này biết rằng mình không còn nữa, người đó không là người làm, đấy chỉ là việc xảy ra, thì hành động của người đó trở thành hành động của Thượng đế; nó thuộc vào Thượng đế. Nhưng điều đó không trở thành hành động của Thượng đế chừng nào mà cá nhân còn nghĩ rằng chính mình đang làm. Cái ngày việc làm biến thành việc xảy ra, cái ngày cá nhân này thực sự kinh nghiệm nó như việc xảy ra, thì Thượng đế tiếp quản; thế thì ngài làm mọi việc thông qua cá nhân này. Nếu bạn hỏi gió, "Gió ơi, gió có thổi không?" chúng sẽ nói, "Không, chúng tôi đang được thổi đi." Nếu bạn hỏi cây, "Cây ơi, cây có đang lớn lên không?" chúng sẽ nói, "Không, chúng tôi đang được lớn lên." Nếu bạn hỏi sóng của biển cả, "Sóng ơi, sóng có xô vào bờ không?" chúng sẽ trả lời, "Không, chúng tôi đang bị xô vào bờ." Đây là hành động của Thượng đế.
Nhưng con người nói, "Tôi đang làm đấy." Chính tại đây con người đi xa khỏi Thượng đế. Chính tại đây bản ngã con người tiếp quản và con người bị bao vây trong bản ngã của mình. Và chính tại đây con người đứng tách rời khỏi Thượng đế như một thực thể tách biệt. Thượng đế tiếp quản vào chính ngày con người đi tới nhận ra rằng cách gió thổi, sóng xô, cây lớn, hoa nở, sao dời, thì mình nữa cũng đang được cử động; có ai đó bên trong mình cử động và nói, người đó không tách rời. Cái ngày đó, và chỉ ngày đó thôi, Thượng đế là người làm.
Việc chúng ta là người làm chính là ảo tưởng. Và chính ảo tưởng này tạo ra bất hạnh và khổ. Chính ảo tưởng này vận hành như bức tường giữa chúng ta và Thượng đế. Và cái ngày chúng ta dừng là người làm, mọi ảo tưởng dừng lại. Thế thì còn lại mỗi mình Thượng đế.
Trong thực tế, ngay cả bây giờ Thượng đế vẫn một mình. Không phải bởi vì bạn là người làm mà bạn trở thành nó. Tôi không nói điều này; tôi không ngụ ý nói vậy. Khi bạn nghĩ rằng bạn là người làm, bạn trong ảo tưởng. Ngay cả bây giờ một mình Thượng đế là người làm, nhưng bạn không nhận biết về điều đó. Điều đó cũng giống thế này: đêm nay bạn lên giường ở Nargol và bạn mơ trong giấc ngủ rằng bạn đã tới Calcutta. Bạn vẫn chưa tới Calcutta; bằng cách nào đó bạn mơ về Calcutta nhưng bạn vẫn ở Nargol. Nhưng trong giấc mơ bạn đã tới Calcutta, và bạn đang hỏi cách trở về Nargol, bằng tầu hoả, hay bằng máy bay hay bằng đường bộ. Bạn đang hỏi về con đường qua đó bạn sẽ quay về và hỏi người hướng dẫn sẽ đi cùng bạn. Và bạn đang nhìn vào bản đồ du lịch. Và bỗng nhiên giấc ngủ của bạn bị quấy rối và bạn tỉnh dậy ngạc nhiên phát hiện ra rằng bạn chưa đi đâu cả, rằng bạn vẫn ở Nargol. Và thế rồi bạn không hỏi về con đường và bạn không nhìn vào bản đồ du lịch nữa. Thế thì bạn không liên hệ với người hướng dẫn nữa. Và nếu ai đó hỏi bạn về ý định của bạn rời khỏi Calcutta bạn sẽ cười và nói rằng bạn đã không đi Calcutta, bạn mới chỉ nghĩ tới điều đó thôi.
Khi một người nghĩ rằng mình là người làm, người đó thực tế không phải là người làm; đấy chỉ là ý nghĩ, ý tưởng, giấc mơ. Người đó chỉ mơ rằng mình là người làm. Trong thực tế mọi thứ đều đang xảy ra. Và nếu giấc mơ này biến mất, thế thì cái bạn gọi là biết hay chứng ngộ xảy ra.
Ngay cả khi bạn nói rằng Thượng đế đang làm cho bạn làm một việc, thế nữa bạn cũng trong ảo tưởng, ảo tưởng cũ tiếp tục. Bởi vì thế nữa, bạn vẫn còn là một thực thể, một thực thể tách biệt, và có khoảng cách giữa Thượng đế và bạn. Bây giờ bạn tin rằng có Thượng đế, nhưng bên cạnh ngài bạn cũng có đó. Bây giờ bạn tin rằng Thượng đế là giám đốc còn bạn là người làm.
Không, khi bạn thực sự thức dậy từ giấc ngủ của mình ở Nargol bạn sẽ không nói rằng bạn bây giờ đã trở về từ Calcutta; bạn sẽ đơn giản nói bạn đã không ở đó chút nào. Cái ngày bạn sẽ thức dậy từ giấc ngủ của bản ngã, trong đó bạn mơ rằng bạn là người làm, bạn sẽ không nói rằng bạn làm vì Thượng đế chỉ thị cho bạn làm. Ngày đó bạn sẽ đơn giản nói, "Một mình Thượng đế hiện hữu, mình không hiện hữu." Bạn sẽ nói, "Trong thực tế mình chưa bao giờ tồn tại cả; đấy chỉ là giấc mơ đã đi tới hồi kết thúc."
Và chúng ta có thể cứ mơ trong vô số kiếp, vô hạn kiếp. Không có chấm dứt cho việc mơ này. Và điều đáng ngạc nhiên nhất về việc mơ là ở chỗ khi bạn mơ điều đó dường như tuyệt đối đúng. Bạn đã mơ mọi đêm, và sáng hôm sau bạn đi tới nhận ra rằng nó là giấc mơ và nó là giả. Nhưng khi bạn mơ đêm nay bạn sẽ không biết rằng nó là giấc mơ, và rằng nó là không thật. Bạn sẽ biết rằng nó đúng toàn thể. Và sáng hôm sau bạn sẽ nói khi thức rằng nó không thật chút nào. Kí ức chúng ta nghèo nàn làm sao! Điều bạn thấy là giả vào buổi sáng trở thành thực vào buổi đêm khi bạn trở lại mơ. Và nhận biết bạn có vào buổi sáng cứ mất đi mất lại mãi.
Không hoài nghi gì, nó không phải là nhận biết sâu sắc, nó tất cả đều hời hợt. Nó thậm chí không sâu hơn lớp da. Sâu bên dưới ảo tưởng cũ vẫn tiếp tục trở lại.
Chúng ta biết và hiểu mọi thứ chỉ một cách hời hợt. Ai đó đọc một cuốn sách nói rằng bất kì điều gì chúng ta làm thì tất cả đều là việc làm của Thượng đế, và trong một khoảnh khắc người đó hiểu một cách hời hợt rằng mình không phải là người làm, đó tất cả là việc làm của Thượng đế. Nhưng cái "tôi" cũ vẫn tiếp tục, người bây giờ nói, "Tôi không phải là người làm." Hiểu biết này sẽ tan biến trong một khoảnh khắc. Cho người đó một cú đánh mạnh và người đó sẽ phát rồ mà hét tướng lên, "Ông không biết tôi là ai à?" Người đó sẽ quên mất rằng chỉ mới trước đây người đó đã nói, "Tôi không phải là người làm, tôi không hiện hữu; một mình Thượng đế hiện hữu." Một cú đánh mạnh và người đó sẽ quên mất mọi thứ. Tất cả hiểu biết của người đó sẽ biến mất trong một phần giây, và đã nhiều lần người đó quát bạn, "Sao ông dám đánh tôi? Ông không biết tôi là ai sao?" Thượng đế và mọi việc nói về Thượng đế của người đó sẽ rời bỏ người đó, và cái "tôi" của người đó sẽ quay trở lại chỗ của nó.
Tôi đã nghe nói rằng một sư để ra ba mươi năm trường trên Himalayas. Ông ấy để thời gian của mình vào an bình và đơn độc lớn lao, và ông ấy quên mất tất cả về bản ngã của mình. Để bản ngã tồn tại, người khác là cần có. Làm sao bản ngã có thể sống được nếu người khác không có đó? Người khác là điều phải có cho bản ngã; nó không thể sống chỉ bằng chính nó được. Khi bạn nhìn vào mắt người khác một cách ngạo mạn, bản ngã của bạn đi vào hoạt động. Nếu người khác không có đó, bạn sẽ làm gì với cảm giác tự lấy làm quan trọng, với ngạo mạn của mình? Bạn sẽ làm thế nào để điều đó được cảm thấy? Bạn sẽ nói với ai, "Tôi đây." Để nói điều đó, một "người" cần có - người khác. Để làm chỗ dựa cho cái "tôi", vốn là cái giả tạo, thì một thực thể giả khác là cần có; đó là cái "người". Không có người khác bản ngã không thể tồn tại được. Một mạng lưới điều dối trá là cần có để một điều dối trá sống và phát triển. Nhưng chân lí đứng một mình; nó không cần dựa vào bất kì cái gì. Dối trá không thể đứng một mình được, nó cần nhiều chỗ dựa, tất cả đều được làm từ dối trá và dối trá một mình. Để làm chỗ dựa cho điều dối trá của cái "tôi" bạn cần biết bao nhiêu là điều dối trá khác như "người", 'người đó" và "họ". Chỉ thế thì điều dối trá mới có thể được duy trì.
Sư này một mình trên núi không có người nào khác. Không có "người", không có "người đó", không có "họ" và không có "chúng ta". Không có ai được gọi như vậy cả. Và do vậy người đó quên mất cái "tôi" của mình. Ba mươi năm là một thời gian dài. Sư trở thành rất tĩnh lặng và yên tĩnh. Cho nên bây giờ mọi người từ đồng bằng bắt đầu tới thăm sư. Và thế rồi họ đã đưa ra yêu cầu với sư, "Chúng tôi đang tổ chức hội chợ ở châu thổ bên dưới kia và chúng tôi yêu cầu ông làm vinh dự cho hội chợ bằng sự hiện diện của ông. Điều đó sẽ cho mọi người ở đồng bằng một cơ hội chiêm ngưỡng vẻ thánh thiện của ông, có được darshan của ông. Họ không thể đảm đương được việc đi tới nơi núi non xa xôi này. Chúng tôi sẽ biết ơn lắm." Sư này nghĩ rằng vì bản ngã mình đã biến mất, nên cũng chẳng hại gì mà đi tới mọi người. Thế là ông ấy đi xuống vùng châu thổ.
Theo cách này tâm trí lừa chúng ta biết bao nhiêu lần; nó nói bây giờ bản ngã mất rồi cho nên chẳng hại gì mà quay lại với mọi người.
Sư này đi xuống châu thổ. Hội chợ thật lớn và đông đúc. Hàng trăm nghìn người, tất cả đều xa lạ với sư, đã xúm vào hội chợ. Họ không biết về sư này, người đã xa lánh họ một thời gian dài trước đây. Ông ấy đã bị quên lãng hoàn toàn. Cho nên khi ông ấy bước qua đám đông, ai đó đi giầy dẫm lên ngón chân ông ấy. Ngay khi chiếc giầy dẫm lên ngón chân ông ấy, ông ấy tóm cổ người này và nói, "Ông không biết ta là ai sao?" Ba mươi năm ông ấy tu trên núi mất tiêu trong một giây, cứ dường như nó là giấc mơ vừa biến mất. Trong một phần giây, núi non, an bình, cái trống rỗng, việc dừng lại của bản ngã và sự xuất hiện của Thượng đế người làm mọi việc, tất cả đều biến mất đi trong làn khói. Trong một khoảnh khắc toàn thể sự việc bị chùi sạch cứ dường như nó chưa từng tồn tại. Bây giờ ông ấy túm lấy cổ người này và quát lên, "Ông không biết ta là ai sao?"
Thế rồi bỗng nhiên ông ấy sực tỉnh với cái thực của tình huống này và kinh hoàng thấy điều mình vừa làm. Ông ấy tự nói với mình, "Mình đã có tất cả nhưng đã quên mất rằng mình đã tồn tại, mình đã mất bản ngã mình. Làm sao nó trở lại đúng chỗ của nó thế nhỉ?" và ông ấy xin lỗi mọi người và nói, "Bây giờ xin cho tôi đi." Khi mọi người hỏi ông ấy định đi đâu, sư nói, "Tôi không định trở về núi non đâu, thay vì thế tôi xuống đồng bằng nơi tôi sẽ sống giữa mọi người." Và ông ấy nói thêm, "Điều tôi đã không biết khi sống trong đơn độc của núi non trong ba mươi năm, tôi đã biết ở đây trong khoảnh khắc đi vào tiếp xúc với một người. Bây giờ tôi định sống giữa mọi người và cố gắng tìm ra liệu tôi hiện hữu hay không hiện hữu. Ba mươi năm đã bị phí hoài, chúng bây giờ có vẻ như giấc mơ, bởi vì tôi đã nghĩ rằng cái tôi của tôi, bản ngã của tôi đã dừng lại; nhưng chẳng cái gì đã dừng lại thực cả, mọi thứ đều không bị đụng chạm tới ngay tại chỗ của nó."
Đây là cách các ảo tưởng được tạo ra, nhưng ảo tưởng không có tác dụng.
Bây giờ chúng ta sẽ chuẩn bị cho thiền.

Ads Belove Post