Chương 8. Thiền và tâm thần học

Chương 8. Thiền và tâm thần học

Price:

Read more

Osho – Từ Thuốc tới Thiền
Chương 8. Thiền và tâm thần học

Không trị liệu tâm lí nào có phẩm chất của thiền, bởi vì không phép trị liệu tâm lí nào tạo ra được một người chứng ngộ. Những người sáng lập ra chúng không chứng ngộ còn những người chứng ngộ ở phương Đông thì lại chẳng bao giờ bận tâm về bất kì phép trị liệu tâm lí nào. Họ thậm chí chẳng bận tâm gì tới tâm lí hay bản thân tâm trí, bởi vì với họ sự việc không phải là giải quyết vấn đề của tâm trí, với họ sự việc là cách thoát ra khỏi tâm trí, điều vốn dễ dàng hơn. Thế thì tất cả sự việc đều chấm dứt, bởi vì một khi bạn thoát ra khỏi tâm trí, thì tâm trí không còn nuôi dưỡng nào để cứ tạo ra vấn đề; bằng không thì nó là quá trình không kết thúc. Bạn được phân tâm, dù theo kiểu cách cũ hay mới thì cũng chẳng thành vấn đề; chúng chỉ là những biến thể của cùng một chủ đề. Tâm trí bạn cảm thấy một chút ít tươi tắn và thoải mái sau phiên tâm lí bởi vì bạn đã được làm nhẹ gánh cho bản thân mình. Một chút ít hiểu biết về tâm trí cũng tới – điều đó giữ cho bạn bình thường.
Trong thực tế, tất cả mọi phép trị liệu tâm lí đều phục vụ cho tổ chức; chức năng của chúng là không để cho mọi người thành bất thường. Ai đó đang vượt ra ngoài bầy đoàn và các qui tắc của bầy đoàn và làm những điều được coi là bạn không được làm… Những điều đó có thể vô hại nhưng xã hội không thể dung thứ cho những con người như vậy. Họ phải được đem lại cái bình thường, về với chuẩn thông thường.
Công việc của nhà trị liệu tâm lí là dọn sạch tâm trí bạn. Đó là một loại tra dầu bôi trơn cho máy móc của bạn – nó vận hành chút ít tốt hơn và bạn bắt đầu trở nên chút ít hiểu biết hơn về cách vận hành của tâm trí, mặc dầu điều đó không tạo ra bất kì thay đổi cách mạng nào. Và có thể là bạn cũng có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng bạn vẫn không loại bỏ được nguyên nhân. Bản thân tâm trí mới là vấn đề. Cho nên bạn có thể loại bỏ vấn đề này, tâm trí sẽ tạo ra vấn đề khác… Điều đó cũng giống như tỉa cây vậy: bạn tỉa lá này và chỉ từ lòng tự trọng và phẩm cách mà cây sẽ ra ba lá ở ngay chỗ trước đây chỉ có một lá. Đó là lí do tại sao người làm vườn lại cứ phải tỉa mãi; điều đó làm cho cây ra nhiều tán lá, nhiều lá hơn.
Cũng điều này là tình huống cho tâm trí: bạn có thể loại bỏ vấn đề này bằng việc hiểu nó – và điều đó cũng tốn kém – nhưng tâm trí vẫn có đó là cái tạo ra vấn đề, và nhà phân tâm không vượt ra ngoài các biên giới của tâm trí. Tâm trí sẽ tạo ra vấn đề mới, phức tạp hơn vấn đề bạn đã giải quyết. Một cách tự nhiên, bởi vì tâm trí hiểu bạn có thể giải quyết loại vấn đề đó thì nó tạo ra cái gì đó mới, phức tạp hơn, nhiều tán lá hơn.
Thiền là một điều hoàn toàn khác hơn phân tâm hay bất kì cách trị liệu nào, vốn bị hàm chứa trong tâm trí. Nó đơn giản nhảy ra khỏi tâm trí: “Đằng ấy có vấn đề của đằng ấy – tớ về nhà đây.” Bởi vì tâm trí là kẻ ăn bám nên nó không có sự tồn tại của riêng nó. Nó cần bạn bên trong nó, để cho nó có thể cứ ăn bạn, cái đầu bạn. Một khi bạn nhảy ra khỏi nó, tâm trí chỉ còn là nghĩa địa. Tất cả những vấn đề vốn đã quá lớn không vứt bỏ được, chúng đơn giản bị vứt bỏ chết đi.
Thiền là chiều hướng hoàn toàn khác: bạn đơn giản quan sát tâm trí và trong việc quan sát đó bạn đi ra khỏi nó. Và từ từ, tâm trí với tất cả những vấn đề của nó biến mất; bằng không thì tâm trí cứ tạo ra những vấn đề xa lạ…
Tâm trí là vấn đề duy nhất của bạn – tất cả các vấn đề khác chỉ là nhánh của tâm trí. Thiền cắt tâm trí ngay từ chính gốc rễ. Và tất cả những phép trị liệu này – Động thái và Đối thoại Tiếng nói và Fritz Perl – chúng ta có thể dùng chúng cho những người còn chưa đi vào trong thiền chỉ để có một chút ít hiểu biết về tâm trí sao cho họ có thể tìm ra cánh cửa để từ đó thoát ra. Chúng ta dùng tất cả mọi phép trị liệu có ích, nhưng không dành cho thiền nhân. Chúng chỉ có ích lúc ban đầu khi bạn còn chưa trở nên quen thuộc với thiền. Một khi bạn mang tính thiền rồi, bạn không cần bất kì phép trị liệu nào, thế thì không phép trị liệu nào có ích cả. Nhưng lúc ban đầu, nó có thể có ích, và đặc biệt đối với các sannyasin Tây phương…
Sigmund Freud chỉ đúng về tâm trí phương Tây và truyền thống của nó. Khi ông ấy nói rằng mọi con gái đều ghét mẹ bởi vì nó yêu bố, thì toàn bộ vấn đề đều dựa trên hiểu biết của họ về dục, rằng người ta yêu người khác giới. Cho nên con gái yêu bố, con trai yêu mẹ. Nhưng con gái không thể bầy tỏ tình yêu của chúng, đặc biệt chúng không thể nào có quan hệ dục với bố được, còn mẹ thì được có quan hệ dục. Cho nên chúng trở nên ghen tị với mẹ – người mẹ là kẻ thù của chúng. Con trai trở thành kẻ thù của bố và bởi vì điều đó mà con trai không thể làm tình với mẹ. Người Nhật Bản thậm chí không thể nào nghĩ về điều này; thậm chí người Ấn Độ cũng không thể nghĩ tới điều này – một cách dạy dỗ hoàn toàn khác. Sigmund Freud hay Jung hay Alder hay Assagioli hay Fritz Perl chẳng có ý tưởng nào. Thậm chí trong mơ họ cũng không nghĩ rằng mọi người có thể khác với người phương Tây…
Tại phương Đông, các nhà phân tâm không có ích mấy. Với người phương Tây, tôi muốn họ đi qua nhóm chỉ để dọn sạch tâm trí. Với một tâm trí sạch sẽ, việc đi vào trong thiền là dễ dàng hơn. Nhưng nếu bạn không đi vào trong thiền và bạn đơn giản phụ thuộc vào việc lau dọn tâm trí, thế thì bạn sẽ lau dọn tâm trí trong cả đời và bạn sẽ không đi đâu khác cả. Bởi vì khuynh hướng khác của mình mà phương Đông phải tìm chỗ trong đại học về thiền, không tìm phân tâm…
Tại phương Đông trong hàng thế kỉ vấn đề đã là làm sao vượt ra ngoài tâm trí – vấn đề duy nhất, vấn đề độc nhất. Nhưng với tâm trí phương Tây, bởi vì nó đã phát triển theo một cách khác nên nó chưa bao giờ nghĩ tới việc siêu việt lên trên tâm trí. Tôi đã xem các tài liệu gốc Do thái, các tài liệu gốc Ki tô giáo; không có một phát biểu nào trong toàn bộ lịch sử Tây phương tại đó ai đó đã nỗ lực để vượt ra ngoài tâm trí. Họ đã dùng tâm trí để cầu nguyện, họ đã dùng tâm trí để tin vào Thượng đế; họ đã dùng tâm trí để trở nên mang tính tôn giáo, đức hạnh, nhưng họ chưa bao giờ thậm chí nghĩ rằng có một khả năng vượt ra ngoài tâm trí.
Tại phương Đông đã có một việc tìm kiếm duy nhất, độc nhất. Toàn bộ thiên tài của phương Đông đã làm việc chỉ cho một điều, không vấn đề nào khác: cách vượt ra ngoài tâm trí, bởi vì nếu bạn có thể giải quyết được cả loạt vấn đề của mình chỉ bằng việc vượt ra ngoài, thế thì tại sao lại cứ đi giải quyết chi tiết từng vấn đề làm gì? Tâm trí cứ tạo ra vấn đề mãi; nó là một lực rất sáng tạo. Bạn giải quyết vấn đề này, vấn đề khác lại nảy sinh. Bạn giải quyết vấn đề kia, vấn đề nọ lại phát sinh. Đấy là kinh doanh tốt cho các nhà phân tâm, bởi vì người đó biết bạn chẳng bao giờ được chữa khỏi cả. Bạn sẽ không được chữa khỏi từ tâm trí; người đó chữa cho các vấn đề riêng của bạn. Tâm trí bạn có đó, nguồn gốc. Người đó chưa bao giờ chặt được rễ, người đó chỉ chặt lá, nhiều nhất là chặt cành, nhưng chúng cứ mọc ra mãi – gốc rễ vẫn còn đấy.
Thiền là việc chặt tận gốc các vấn đề. Tôi nhắc lại: tâm trí là vấn đề duy nhất, và chừng nào bạn chưa vượt ra ngoài tâm trí, bạn sẽ chẳng bao giờ vượt ra ngoài vấn đề được. Cũng thật là lạ rằng thậm chí ngày nay, các nhà tâm lí phương Tây thậm chí vẫn chưa cân nhắc tới sự kiện là phương Đông đã tạo ra biết bao nhiêu người chứng ngộ. Không một người nào trong số họ lại bận tâm về việc phân tích tâm trí cả… Hàng trăm phương pháp đã được tìm ra có thể giúp bạn siêu việt lên trên tâm trí, và một khi bạn đã ở ngoài tâm trí, tất cả các vấn đề của nó dường như chúng là vấn đề của ai đó khác. Bạn đạt tới trạng thái của người quan sát trên núi, và tất cả các vấn đề này đều trong thung lũng. Và chúng chẳng có tác động gì lên bạn cả; bạn đã vượt ra ngoài chúng.
Phương Tây vẫn còn hoàn toàn lấy trọng tâm là tâm trí. Tại phương Tây điều duy nhất người ta đã nghĩ tới là vật chất và tâm trí. Và vật chất là thực tại còn tâm trí chỉ là sản phẩm phụ; vượt ra ngoài tâm trí chẳng có gì cả. Tại phương Đông vật chất là ảo tưởng, tâm trí là sản phẩm phụ của tất cả những ảo tưởng, phóng chiếu, mơ mộng của bạn. Thực tế của bạn ở bên ngoài vật chất và tâm trí, cả hai. Cho nên ở phương Đông chúng ta phân chia thực tế làm ba phần: vật chất, phần bên ngoài nhất; linh hồn, phần bên trong nhất; tâm trí ở giữa hai điều này. Vật chất có thực tại tương đối; nó không là thực tuyệt đối, chỉ là thực tương đối. Tâm trí tuyệt đối không thực, còn linh hồn thì tuyệt đối thực.
Đây là cách phân loại nhân loại hoàn toàn khác. Tại phương Tây cách phân loại là đơn giản: vật chất là thực, tâm trí chỉ là sản phẩm phụ, và chẳng có gì bên ngoài tâm trí. Cho nên nhớ lấy, nếu bạn đang thiền thì chẳng có gì khác được cần tới nữa. Nếu bạn không thiền, thế thì các phép trị liệu tâm lí này có thể có ích như bàn đạp cho thiền… Phương Tây đang bị khai thác bởi đủ mọi loại giả dối bởi một lí do đơn giản rằng phương Tây đã không nhìn vào trong vấn đề về bản thân thiền. Cho nên bất kì kẻ ngốc nào cũng tới và nói bất kì điều gì, rồi tụ tập tín đồ bởi vì họ không biết thiền là gì. Họ chẳng tụng mật chú cũng không làm khinh công… Những điều này chẳng có liên quan gì tới thiền cả. Thiền chỉ có một nghĩa, và đó là vượt ra ngoài tâm trí và trở thành nhân chứng. Trong việc chứng kiến của bạn là phép màu – toàn bộ bí ẩn của cuộc sống.
Trong tạp chí Newsweek tôi đọc được một chuyện tiếu lâm bên trong một bài báo về cái gọi là trị liệu chữa nhanh. Một người trung tuần đã là nỗi thất vọng của gia đình mình trong nhiều năm bởi vì thói quen xé giấy thành mảnh vụn và rắc rải rác khắp mọi nơi anh ta đi qua. Gia đình đưa anh ta tới những chuyên gia nổi tiếng theo Freud, Jung và Aldler, với chi phí rất lớn nhưng kết quả lại toàn thất vọng. Cố gắng chiếu ánh sáng vào cái vực thẳm tăm tối của vô thức của anh ta, nơi thói quen ngụ ở đó, đã thất bại.
Cuối cùng họ hàng anh ta đưa anh ta tới một nhà trị liệu tâm lí mới không tiếng tăm nhưng lại canh tân. Nhà ảo thuật này đi vài bước với bệnh nhân mới lên và xuống văn phòng của mình, thì thào điều gì đó vào tai anh ta. Thế rồi ông ta tuyên bố làm cả gia đình ngạc nhiên, “Các vị có thể đưa anh ta về nhà được rồi; anh ta đã khỏi.”
Một năm sau thói quen này không trở lại và gia đình rất biết ơn đã đến hỏi vị bác sĩ rằng ông ấy đã nói gì với bệnh nhân của mình. Ông ta, nhún vai, nói, “Đừng xé giấy.” Xin thầy bình luận.
Bí mật của cuộc sống là rất đơn giản, nhưng tâm trí lại cố gắng làm cho chúng phức tạp lên. Tâm trí yêu mến cái phức tạp, bởi lẽ đơn giản, tâm trí chỉ được cần tới nếu có điều gì đó phức tạp. Nếu không có gì phức tạp, chính cái cần thiết cho sự tồn tại của tâm trí biến mất. Tâm trí không muốn buông bỏ quyền làm chủ của nó trên bạn. Nó chỉ là kẻ hầu nhưng nó đã xoay xở để trở thành người chủ, và mọi sự đã trở thành lộn ngược trong cuộc sống của bạn.
Câu chuyện tiếu lâm này đơn giản chỉ ra một sự kiện rất hiển nhiên. Người này xé vụn giấy và rắc chúng khắp nơi; một cách tự nhiên mọi người cứ nghĩ một cái gì đó đã đi sai: anh ta cần phân tâm, anh ta cần một người vĩ đại người hiểu cách thức của tâm trí để cho anh ta có thể được chữa lại. Không ai thậm chí bận tâm tới việc bảo anh ta “Đừng làm điều này.”
Hiển nhiên rằng người này đã thành điên khùng, cho nên họ mới tới các chuyên gia theo Freud, các chuyên gia theo Adler, các chuyên gia theo Jung, tới các nhà phân tâm lớn. Và tất cả những nhà phân tâm này đều phải làm việc vất vả, hàng giờ, hàng năm, phân tích giấc mơ của người này để tìm ra tại sao người đó lại xé vụn giấy và vứt rải rác khắp nơi. Nhưng chẳng ai thành công cả. Như một phương kế cuối cùng họ mới lôi anh ta tới một nhà ảo thuật, và người này chữa khỏi cho anh ta.
Nhưng tờ Newsweek lại là một tạp chí hợm hĩnh, cho nên chuyện tiếu lâm này vẫn còn chưa hoàn chỉnh. Đó là lí do tại sao bạn lại không thấy đâu là cái lớn lao của chuyện tiếu lâm này .
Nhà ảo thuật này đã bước lên bước xuống cầu thang và thế rồi thì thào vào tai người này, “Anh hãy dừng việc xé giấy; nếu không thì tôi sẽ đá anh ngã lăn lông lốc xuống từ trên đỉnh.” Và người này lại là người mạnh khoẻ. “Cho nên hãy lưu ý, bởi vì tôi không tin vào các nhà phân tâm hay bất kì cái gì, tôi đơn giản tin vào việc đá. Và tôi đá mọi người từ chỗ này. Thế là họ ngã lăn lông lốc hàng trăm bậc xuống đường. Bây giờ anh có thể về nhà; nhớ rằng tôi chỉ có một thủ đoạn thôi. Khi bất kì một người ốm yếu nào về mặt tinh thần được đem tới tôi, tôi chữa cho người đó. Đó là lí do tại sao tôi đã bước cùng anh lên và xuống những bậc thang này, để chỉ ra cho anh vấn đề có nghĩa là gì khi tôi đá anh. Cho nên bây giờ về nhà và nhớ lấy điều đó. Lần sau tôi sẽ không nói gì nữa đâu, tôi sẽ chỉ đơn giản làm điều đó.” Và người này đã hiểu điều đó; bất kì ai cũng sẽ hiểu điều đó.
Họ đã bỏ đi cái phần đó của chuyện cười này và đã phá huỷ mất cái đẹp của nó. Con người kia phải đã tận hưởng hệt như trò trẻ con, xé vụn giấy ra thành từng mảnh và vứt lung tung khắp chốn. Và điều đó trở thành sự tận hưởng bởi vì mọi người đều phân vân. Đấy đơn giản chỉ là hiện tượng trẻ con. Người này bị phát triển chậm; người đó không cần nhà phân tâm nào cả. Người đó cần một cú đá đích đáng – đó là ngôn ngữ mà người đó hiểu ngay lập tức.
Theo nhiều cách chúng ta cứ nghĩ mãi về những điều đơn giản theo các cách phức tạp. Vấn đề của chúng ta gần như rất đơn giản, nhưng tâm trí cứ làm bạn lẫn lộn. Và có những người khai thác bạn. Họ làm cho vấn đề của bạn thậm chí còn phức tạp hơn.
Có lần một cậu bé được đưa tới tôi. Nó phải mười sáu hay mười bẩy tuổi rồi, và gia đình nó lại phân vân, phiền muộn, mặc dầu chẳng cần bất kì ai phải phiền muộn cả. Đứa bé này cứ nói rằng hai con ruồi đã chui vào bụng nó, và chúng cứ bay vòng vo trong thân thể nó – bây giờ chúng ở trong đầu, bây giờ chúng lại xuống tay.
Nó được đưa tới bác sĩ, bác sĩ điều trị, và họ nói, “Đấy không phải là bệnh.” Nó được chiếu tia X, và không có con ruồi hay cái gì hết cả. Họ cố nói, “Cháu chẳng có con ruồi nào cả.”
Nhưng đứa bé nói, “Làm sao cháu có thể tin vào các bác được? Chúng bay vòng vo khắp bên trong thân thể cháu. Cháu nên tin vào kinh nghiệm của mình hay giải thích của các bác?”
Ngẫu nhiên ai đó gợi ý với bố mẹ nó về tôi, cho nên họ đem cậu bé tới. Tôi nghe toàn bộ câu chuyện. Cậu bé trong có vẻ rất miễn cưỡng, bướng bỉnh, bởi vì nó đã mệt mỏi với bác sĩ này, bác sĩ nọ, và họ tất cả đều nói, “Không có ruồi.”
Tôi nói, “Các bác đem nó lại là đúng người rồi đấy. Tôi có thể thấy mấy con ruồi này. Cậu bé đáng thương đang khổ sở đây, thế mà các bác lại cứ bảo rằng nó ngu.” Cậu bé được thảnh thơi. Tôi đâm ra được thuận lợi – vì lần đầu tiên một người đã chấp nhận ý tưởng của nó về con ruồi.
Tôi nói, “Tôi biết cách chúng đã chui vào. Nó phải vừa ngủ vừa há mồm.”
Cậu bé nói, “Vâng đúng ạ,”
Tôi nói, “Việc này đơn giản thế. Khi cháu ngủ há mồm, thì cái gì mà chẳng có thể vào được. Cháu may mà chỉ có ruồi mới chui vào thôi. Bác đã thấy những người… chuột cũng chui vào nữa…”
Nó nói, “Ôi trời, cả chuột nữa sao?”
Tôi nói, “Mà không chỉ có chuột đâu, sau chuột còn cả mèo nữa.”
Nó nói, ‘Những người đấy phải bị rắc rối lắm.”
Tôi nói, ‘Họ quả vậy đấy. Cháu chưa là cái gì cả, trường hợp của cháu rất đơn giản – chỉ có hai con ruồi thôi. Cháu nằm xuống đây, và bác sẽ lấy chúng ra.”
Nó nói, “Bác là người đầu tiên đã bầy tỏ hiểu biết cho một đứa bé đáng thương. Chẳng ai chịu nghe cháu cả. Cháu cứ nói mãi rằng chúng nó có đấy. Cháu chỉ chỗ chúng… chúng ở đây này, bây giờ chúng đã đi sang đây… và tất cả họ đều cười, và họ làm cháu thành thằng ngu.”
Tôi nói, “Tất cả họ đều là đồ ngu tuốt. Họ có bắt gặp những trường hợp như vậy đâu, nhưng đây là tri thức chuyên gia đặc biệt của bác. Bác chỉ giải quyết cho những người ngủ há mồm thôi.”
Nó nói, “Cháu biết là bác hiểu, bởi vì ngay lập tức bác nhận ra rằng chúng có đó – đích xác nơi chúng ở đấy.”
Tôi bảo với bố mẹ nói hãy ở nhà và để nó mười lăm phút với tôi. Tôi bảo nó nằm ra. Tôi bịt mắt nó và bảo nó há mồm ra.
Nhưng nó nói, “Ngộ nhỡ nhiều ruồi nữa lại bay vào…?”
Tôi nói, “Yên tâm đi: đây là phòng có điều hoà, và không có ruồi. Cháu chỉ nằm há mồm và bác sẽ cố gắng và thuyết phục mấy con ruồi đó bay ra.”
Tôi bỏ nó đó và chạy quanh nhà và bằng cách nào đó bắt hai con ruồi – lần đầu tiên, bởi vì tôi chưa bao giờ làm điều đó cả. Nhưng dẫu sao thì tôi cũng xoay xở được, và tôi nhốt hai con ruồi vào chiếc lọ nhỏ. Và trong khi tôi để chiếc lọ ở gần mồm nó thì tôi tháo chiếc khăn bịt mắt nó ra và nói, “Nhìn đây!”
Nó nói, “Hai con ruồi bé thế này… nhưng chúng gây ra rối lung tung làm sao! Cả đời cháu bị tiêu tùng. Bây giờ bác có thể cho cháu những con ruồi này được không?
Tôi nói, “Có chứ, bác cho cháu đấy.” tôi đóng nắp lọ lại và đưa cho nó.
Tôi hỏi nó, “Cháu định làm gì?”
Nói nói, “Cháu định đi tới tất cả các bác sĩ và bác sĩ trị liệu, những người đã từng ăn tiền mà chẳng làm gì và chỉ bảo cháu, ‘Không có ruồi.’ Bất kì ai đã bảo cháu điều đó… Cháu sẽ chỉ cho họ rằng đây là những con ruồi ấy đấy.”
Nó đã được chữa khỏi. Tâm trí nó mới chỉ bị mắc kẹt với một ý tưởng. Nhưng nếu bạn tới các nhà phân tâm, thì ông ấy sẽ tạo ra cả quả núi từ đống đất chuột đào – biết bao nhiêu là lí thuyết, giải thích… và phải mất nhiều năm vấn đề vẫn cứ còn đấy, bởi vì vấn đề vẫn còn chưa được đụng chạm tới. Ông ấy đã triết lí về nó và ông ấy thử triết lí của mình lên bệnh nhân đáng thương này.
Nhưng phần lớn bệnh của tâm trí – và bẩy mươi phần trăm bệnh tật đều là từ tâm trí – có thể được chữa khỏi dễ dàng. Điều cơ bản nhất là chấp nhận; đừng phủ nhận, bởi vì việc phủ nhận của bạn là chống lại lòng tự hào của con người. Bạn càng phủ nhận, thì người đó càng khăng khăng hơn: đấy là logic đơn giản. Bạn đang phủ định hiểu biết của người đó, bạn đang phủ định cảm tính của người đó, bạn đang phủ định tính nhân bản của người đó, nhân phẩm người đó. Bạn đang nói, “Anh chẳng biết cái quái gì cả” – về thân thể riêng của mình!
Bước đầu tiên là chấp nhận: “Anh phải đấy. Những người đã phủ định anh đều sai cả.” Và ngay lập tức một nửa nền tảng được khôi phục. Bây giờ có mối quan hệ thông cảm với người này. Những người đang phải chịu đựng các bệnh tinh thần đều cần thông cảm; họ cần chấp nhuận, không phải là phủ nhận. Họ không muốn bạn coi họ là người điên, người bất bình thường. Cho họ thông cảm, cho họ hiểu biết, yêu mến.
Để họ tới gần bạn và thế rồi tìm ra cách thức đơn giản. Đừng đi vòng qua kinh sách của những người theo Freud – đấy gần như là những kinh sách thiêng liêng, và sách về phân tâm học cứ tăng lên mãi; cứ ngày càng lớn hơn. Và bạn lại bắt đầu thử đủ mọi loại ý tưởng đó lên con người đáng thương kia, mà người đó thì lại chẳng có gì nhiều.
Hiểu biết riêng của tôi là ở chỗ mọi người đều cần tình yêu, và mọi người cũng đều cần yêu. Mọi người đều cần tình bằng hữu, thân thiện, thông cảm – và mọi người đều muốn đem cho nó nữa.
Tôi nhớ lại: chuyện xảy ra khi George Bernard Shaw đã gần tám mươi tuổi. Bác sĩ của ông ấy gần chín mươi tuổi – bác sĩ điều trị của riêng ông ấy – và cả hai là những người bạn lớn.
Một lần vào giữa đêm Bernard Shaw cảm thấy bị đau tim đột ngột, và ông ấy trở nên sợ hãi: có lẽ đó là cơn đau tim. Ông ấy gọi điện tới bác sĩ và nói, “Ông lại đây ngay lập tức vì tôi có thể không còn trông thấy mặt trời lên lần nữa.”
Ông bác sĩ nói, “Bình tĩnh đi, tôi tới đây, đừng lo nghĩ.” Ông bác sĩ tới. Ông ấy phải leo ba tầng cầu thang – một ông già chín mươi tuổi mang túi đồ của mình, vã mồ hôi hột.
Ông ấy tới và vứt cái túi xuống sàn và ngồi trong ghế nhắm nghiền mắt lại. Bernard Shaw hỏi, “Có chuyện gì vậy?” Ông bác sĩ đặt tay mình lên tim, và Bernard Shaw nói, “Lạy Chúa, ông bị đau tim rồi!” Và ông ấy có thể thấy… một ông già chín mươi tuổi, leo ba tầng cầu thang, vào giữa đêm, và ông ấy vã mồ hôi hột.
Bernard Shaw đứng dậy, bắt đầu phe phẩy quạt, lau mặt cho ông ấy bằng nước lạnh, rót ít rượu uống cho ông ấy bởi vì đêm thật lạnh, và ông ấy thử đủ mọi cách… đắp cho ông này các thứ chăn và quên mất hoàn toàn cơn đau tim của mình, bởi vì điều đó mà ông bác sĩ này mới được mời tới.
Sau nửa giờ ông bác sĩ cảm thấy khá hơn và ông ấy nói, “Bây giờ thì tôi đỡ rồi. Đây là cơn đau tim lớn. Điều này xảy ra lần thứ ba và tôi cứ nghĩ đây là lần cuối, nhưng bác giúp tôi nhiều lắm đấy. Bây giờ xin bác trả tiền công cho tôi.”
Bernard Shaw nói, “Tiền công cho bác sao? – mà tôi thì đã chạy lăng xăng đem đủ mọi thứ đến để phục vụ bác. Bác đáng phải trả tiền công cho tôi mới phải chứ?”
Ông bác sĩ nói, “Vô nghĩa. Đây tất cả chỉ là đóng kịch thôi. Tôi làm điều đó với mọi bệnh nhân tim – và bao giờ cũng có tác dụng. Họ quên mất cơn đau tim của họ và họ bắt đầu chăm sóc tôi – một ông già chín mươi tuổi. Bác phải trả tiền công cho tôi. Nửa đêm đã qua và tôi phải về nhà đây” – và ông ấy nhận tiền công.
Bernard Shaw nói, “Đây là điều gì đó. Tôi cứ hay nghĩ rằng tôi là người tiếu lâm, nhưng ông bác sĩ này mới là người tiếu lâm thực hành. Ông ấy thực sự đã chữa cho tôi.” Ông ấy thử tim mình, nó hoàn toàn ổn thoả. Ông ấy đã hoàn toàn quên mất nó. Đấy chỉ là một cái đau nhỏ mà tâm trí ông ấy đã nhân lên nhiều lần… nỗi sợ đau tim của ông ấy, cái ý tưởng về đau tim, cái ý tưởng về chết trở nên được khuếch đại lên.
Nhưng ông bác sĩ này mới thực sự là người tốt. Ông ấy đã làm cho Bernard Shaw đứng dậy, đã nhận mọi sự phục vụ, đã uống ngon lành và cuối cùng đã lấy tiền công và bước xuống cầu thang. Còn Bernard Shaw đơn giản nhìn theo bối rối toàn toàn. “Con người này nói rằng ông ấy đã làm điều đó với mọi trường hợp đau tim, và ông ấy bao giờ cũng thành công. Chỉ bởi vì tuổi già của ông ấy mà ông ấy mới xoay xở thật tài tình. Bất kì ai cũng sẽ quên mất… Bất kì bác sĩ nào cũng sẽ bắt đầu làm cho nó thành một hiện tượng phức tạp, nào tiêm, nào thuốc, nào nghỉ ngơi, hay thay đổi khí hậu, hay y tá chăm nom hai mươi tư tiếng. Nhưng con người này đã làm điều đó một cách nhanh nhẹn, chóng vánh, chẳng phức tạp gì.”
Tôi đã thấy đủ mọi loại trường hợp liên quan tới tâm trí. Tất cả những điều họ cần là một cách tiếp cận rất thông cảm, thân thiện, yêu thương, và trong mọi trường hợp đều là một cách trị liệu duy nhất – bởi vì bất kì điều gì đã được làm cho con người này đều là bình thường, thông thường và dần dần bệnh nhân này bắt đầu cảm thấy rằng mình đã thành công trong việc làm thất bại mọi loại bác sĩ – đối trị, vi lượng, tự nhiên, ayurvedic, châm cứu, acupressurists – đủ mọi loại người, vậy mà chẳng ai có thể chữa được cho người đó. Người đó bắt đầu có một bản ngã nào đó về nó, rằng bệnh của mình là một cái gì đó rất đặc biệt. Người đó muốn điều đó được chấp nhận như điều đặc biệt. Đấy là một sự thay thế.
Điều này cần phải được hiểu: mọi người đều muốn đặc biệt, phi thường – là một nhạc sĩ vĩ đại, một vũ công vĩ đại, một nhà thơ vĩ đại – nhưng mọi người đều không thể nào xoay xở được điều đó. Cần một kỉ luật rất lâu dài, gian khó để trở thành nhạc sĩ vĩ đại…
Mọi người đều dường như bị khép lại. Không trái tim của ai lại là cửa sổ mở ra. Và cánh cửa của mọi người đều không mở ra để đón chào khách thăm. Toàn bộ tình huống này tạo ra những điều kì lạ. Các nhu cầu thực của tâm trí con người không được thoả mãn; nó bắt đầu hành xử một cách kì lạ.
Có lẽ đó là lí do duy nhất mà người kia đã xé vụn giấy và vứt rải rác lung tung đây đó – chỉ để cho mọi người biết rằng, “Tôi ở đây, và tôi khác với mọi người khác. Tôi đang làm điều gì đó mà không ai khác làm cả.” Có lẽ người đó đã không được chấp nhận, không được đón nhận, không được yêu mến. Và việc chữa chạy mà người đó nhận được thì lại còn tồi tệ hơn là bệnh đó. Đấy mới thực sự là bệnh tật – rằng không ai yêu người đó cả – và bây giờ nhà ảo thuật đem lại việc chữa chạy cho người đó: “Nếu anh làm điều đó lần nữa thì tôi sẽ cho anh cú đá tới mức anh sẽ ngã lăn lông lốc xuống hàng trăm bậc thang này, và đến cuối cùng anh có thể chỉ tan thành từng mảnh trên đường.” Nhưng người đó chấm dứt việc làm đó – điều đó chứng tỏ rằng thay vì có được tình yêu, thì người đó lại thêm sợ hãi hơn. Nỗi sợ cũng có thể làm thay đổi hành vi của bạn, nhưng nó không làm thay đổi cho tốt hơn, nó làm thay đổi cho tồi đi. Và trong khi tình yêu là có sẵn – lại chẳng tốn kém gì – thì sao không dùng nó?
Tôi thấy rằng chẳng có cách trị liệu tâm lí nào hơn tình yêu. Nếu nhà trị liệu tâm lí có thể bầy tỏ tình yêu của mình, thì bệnh tật sẽ biến mất chẳng cần việc phân tích nào.
Tất cả mọi việc phân tích đều chỉ là nói nhảm. Bản thân nhà trị liệu tâm lí đang lẩn tránh tình yêu. Người đó đang lẩn tránh việc đối diện với bệnh nhân. Người đó sợ nhận ra thực tế. Tất cả các nhà phân tâm theo trường phái Freud, vốn là trường phái lớn nhất và quan trọng nhất, đều không ngồi trước bệnh nhân. Bệnh nhân nằm trên trường kỉ, và đằng sau trường kỉ nhà phân tâm ngồi. Bệnh nhân nói, khi nằm trên giường, không với ai cả, còn nhà phân tâm chỉ ngồi đó. Không đụng chạm con người – người đó thậm chí chẳng cầm tay bệnh nhân, người đó không thể nhìn vào mắt bệnh nhân được.
Tại phương Đông chẳng có gì giống như việc phân tâm đã từng xảy ra cả bởi một lẽ đơn giản là có hàng nghìn bậc thầy, sâu trong thiền, và bất kì ai tới họ… chỉ tình yêu của họ, thông cảm của họ, cách họ nhìn vào trong mắt bệnh nhân là đủ. Mọi người đều được chữa khỏi. Không phải là không có phân tâm… Tại phương Đông, điều đã xảy ra cho người bị thần kinh, cho người bị tâm thần, là ở chỗ họ được thay đổi tức khắc. Tất cả mọi điều họ cần là một tình yêu mênh mông không đòi hỏi điều gì – con người của an bình và im lặng, chính sự hiện diện của người này là liều thuốc. Người đã thiền trong một thời gian dài trở thành một cội nguồn mênh mông. Người đó toả ra cái gì đó không thấy được bằng mắt, nhưng trái tim thì bắt được nó. Một cái gì đó đạt tới bản thể bên trong nhất của bạn và làm thay đổi bạn.
Các vấn đề đều đơn giản. Các giải pháp cũng đơn giản. Chỉ có điều người ta phải thoát ra khỏi tâm trí để thấy cái đơn giản đó. Và thế thì bất kì cái gì được con người làm trong im lặng, trong an bình, trong niềm vui, đều sẽ là thuốc, đều sẽ ban phát mạnh khoẻ. Nó sẽ là lực chữa lành.
Nhà tâm thần cần mang tính thiền hơn bất kì ai khác – bởi vì toàn bộ công việc của bạn là nguy hiểm theo một cách nào đó. Chừng nào bạn còn chưa rất bình thản và tĩnh lặng, chừng nào bạn vẫn còn có thể bị ảnh hưởng bởi những điều xảy ra quanh bạn, thì điều đó là rất nguy hiểm. Nhiều nhà tâm thần phát điên hơn bất kì người theo nghề khác, và nhiều nhà tâm thần tự tử hơn bất kì người theo nghề khác. Đây là điều gì đó cần được suy nghĩ tỏ tường. Tỉ lệ này thực sự là quá nhiều! Nhiều gấp đôi theo số người tự tử. Điều đó đơn giản chỉ ra rằng nghề này đầy nguy hiểm. Chính trong đống lộn xộn – bởi vì bất kì khi nào bạn điều trị cho một người đang bị rối loạn về tâm thần, người đó thường xuyên phát ra các rung động của mình. Người đó thường xuyên ném ra năng lượng của mình, các đợt sóng tiêu cực của người đó dồn vào bạn, và bạn phải nghe người đó. Bạn phải rất chăm chú. Bạn phải chăm sóc, bạn phải yêu thương và từ bi hướng tới người đó;  chỉ thế thì bạn mới có thể giúp được cho người đó. Người đó thường xuyên ném ra năng lượng tích tụ tiêu cực – và bạn đang hấp thu nó. Trong thực tế bạn càng chăm chú lắng nghe, bạn càng thấp thu nó nhiều hơn.
Khi sống liên tục với người thần kinh và tâm thần, bạn bắt đầu nghĩ, theo một cách vô ý thức, rằng đây là điều nhân loại là gì. Chúng ta dần dần trở thành giống như những người chúng ta sống cùng, bởi vì không ai là hòn đảo cả. Cho nên nếu bạn đang làm việc với người buồn, bạn sẽ trở nên buồn. Nếu bạn đang làm việc với người hạnh phúc, bạn sẽ trở nên hạnh phúc, bởi vì mọi sự đều tiêm nhiễm nhau. Thần kinh mang tính tiêm nhiễm: tự tử cũng mang tính tiêm nhiễm.
Nếu bạn sống quanh những người đã chứng ngộ, rất nhận biết, thế thì cái gì đó trong bạn bắt đầu đáp ứng với khả năng cao hơn này. Khi bạn sống với những người rất thấp, thấp bất thường, trong trạng thái băng hoại, thế thì cái gì đó không lành mạnh trong bạn bắt đầu tương ứng và có quan hệ với chúng. Cho nên liên tục bị bao quanh bởi người ốm là nguy hiểm theo cách nào đó, chừng nào bạn không tự bảo vệ mình. Và chẳng có gì như thiền lại cho bạn sự bảo vệ này. Thế thì bạn có thể cho nhiều hơn bạn đang cho ấy vậy mà bạn vẫn còn không bị ảnh hưởng tới. Bạn có thể giúp đỡ nhiều hơn bạn đang giúp đỡ, bởi vì năng lượng của bạn càng cao, thì khả năng giúp đỡ càng nhiều. Ngoài ra nhà tâm thần, thầy chữa và người được chữa đều gần như trên cùng một nền; có thể khác biệt nhau chút ít về mức độ, nhưng khác biệt nhỏ đến mức không đáng xem xét tới.
Nhà tâm thần có thể đi vào trong điên khùng rất dễ dàng – chỉ hơi chút đẩy tới, một sự việc ngẫu nhiên nào đó, và người đó có thể đi vào lãnh thổ bị kết án. Những người thần kinh không phải bao giờ cũng thần kinh. Mới chỉ hai ngày trước đây họ còn là người bình thường, và lần nữa họ có thể trở lại bình thường. Cho nên bình thường và bất thường không phải là khác biệt định tính, chỉ là định lượng: chín mươi chín độ, một trăm độ, một trăm linh một độ – đó là kiểu khác biệt.
Trong thực tế, trong một thế giới tốt hơn, mọi nhà tâm thần nên được huấn luyện sâu sắc trong thiền, nếu không thì người đó không nên được phép hành nghề. Đó là cách duy nhất bạn có thể tự bảo vệ mình và không bị mong manh – và bạn có thể có ích thực sự. Nếu không thì ngay cả các nhà tâm thần vĩ đại, các nhà phân tâm vĩ đại, ngay cả họ theo một cách nào đó cũng trở thành rất vô vọng về nhân loại… ngay cả Freud. Sau kinh nghiệm cả đời mình cuối cùng ông ấy nói rằng ông ấy không thể nào hi vọng vào con người được; ông ấy cảm thấy vô vọng. Và điều đó là tự nhiên – bốn mươi năm sống với những người trong đống lộn xộn; kinh nghiệm duy nhất về nhân loại là những người điên. Dần dần điều đó bắt đầu dẫn tới việc nhìn vào mình dường như tính bất thường là bình thường… dường như là con người nhất định phải vẫn còn thần kinh, dường như có cái gì đó tự nhiên trong con người lái người đó hướng tới bị thần kinh.
Cho nên nhiều nhất thì người mạnh khoẻ là người được điều chỉnh ít nhiều với thế giới, có thế thôi. Việc điều chỉnh trở thành chuẩn cho mạnh khoẻ. Nhưng nó không thể thế được. Nếu toàn bộ xã hội điên khùng, bạn có thể được điều chỉnh theo nó và bạn sẽ vẫn điên khùng. Trong thực tế, trong một xã hội điên khùng, người không điên sẽ bị ngược đãi. Và đó mới thực sự là trường hợp xảy ra.
Khi Jesus bước đi trong thế giới này, ông ấy bị ngược đãi. Chúng ta phải đóng đinh ông ấy. Ông ấy là người xa lạ thế – chúng ta không thể dung thứ được ông ấy. Chúng ta không quan tâm tới ông ấy, chúng ta đơn giản bận tâm với chính mình. Bởi sự hiện diện của ông ấy, chỉ hai điều này là có thể – hoặc là ông ấy điên hoặc chúng ta điên. Cả hai không thể đều lành mạnh. Chúng ta thì nhiều còn ông ấy chỉ có một mình. Tất nhiên chúng ta sẽ giết ông ấy; ông ấy không thể giết chúng ta được. Khi vị phật bước đi, ông ấy trông có vẻ kì lạ – một người lành mạnh, người bình thường, tự nhiên thực sự, đi trong một xã hội bất thường.
Cho nên Freud đã đi tới kết luận rằng không có tương lai cho nhân loại. Nhiều nhất chúng ta có thể hi vọng rằng con người có thể được hoà giải với hình mẫu xã hội, có thế thôi. Nhưng không có khả năng nào cho con người được phúc lạc cả. Không thể có được, bởi chính bản chất của mọi vật. Tại sao lại có một kết luận bi quan đến thế? – bởi vì toàn bộ kinh nghiệm của ông ấy.
Toàn bộ cuộc sống của Freud là cơn ác mộng dài của người điên. Và dần dần bản thân ông ấy cũng trở thành bất thường. Ông ấy không thực sự lành mạnh. Ông ấy không phải là người phúc lạc. Ông ấy không bao giờ biết tới tính toàn thể là gì. Ông ấy sợ những vật nhỏ bé – sợ đến mức có vẻ ngớ ngẩn. Ông ấy sợ chết. Nếu ai đó nói về ma, ông ấy sẽ bắt đầu vã mồ hôi. Hai lần ông ấy ngất đi bởi vì ai đó bắt đầu nói về cái chết! Đây dường như là một tâm trí rất không cân bằng, nhưng theo một cách nào đó nó có thể được giải thích. Thậm chí điều này cũng là phép màu – rằng ông ấy vẫn còn lành mạnh cho cả cuộc đời mình.
Một trong những nhà tâm thần sắc sảo nhất, Wilhelm Reich, đã phát điên. Và lí do duy nhất để ông ấy phát điên còn người khác thì không, là bởi vì ông ấy thực sự sắc sảo. Ông ấy có một tài năng thực sự sâu sắc để đi vào gốc rễ mọi điều – nhưng điều đó là nguy hiểm. Toàn bộ cuộc sống của Freud hay Reich hay của những người khác đều biểu lộ một điều – rằng giá mà họ đã được huấn luyện trong thiền sâu sắc, toàn thể thế giới đã thành khác. Thế thì những người thần kinh này đã không trở thành chuẩn.
Có thể rất khó để trở thành vị Phật, nhưng ông ấy là chuẩn mực. Và người chuẩn mực là người tới gần với cái chuẩn mực đó. Nó chẳng liên quan gì tới việc điều chỉnh cả. Người ta tới gần hơn với ý tưởng về tính toàn thể, hạnh phúc, lành mạnh.

Ads Belove Post