Chương 7. Tiện dụng của vô hiện hữu

Chương 7. Tiện dụng của vô hiện hữu

Price:

Read more

Osho - Đạo: Ba Kho Báu (Tập 1)
Chương 7. Tiện dụng của vô hiện hữu


Về tiện dụng của vô hiện hữu:
Ba chục căm hợp một bầu;
Nhờ chỗ "không",
mới có cái "dụng" của xe.
nhồi đất để làm chén bát;
Nhờ chỗ "không"
Mới có cái "dụng" của chén bát.
Khoét cửa nẻo, làm buồng the,
Nhờ chỗ "không"
Mới có cái "dụng" của buồng the.
Bởi vậy, lấy cái "có" đó để làm cái lợi.
Lấy cái "không" đó để làm cái dụng.
Cốt lõi sâu xa nhất của hiện hữu là không hiện hữu. Nền tảng của cái có là cái không. Và khi tôi nói cái không tôi không ngụ ý cái không - tôi chỉ ngụ không cái gì.
Hình dạng tồn tại trên cơ sở cái vô hình. Hình dạng tới từ cái vô hình cũng như sóng tới từ biển, và thế rồi tạo nên giọt, tan biến vào cái vô hình. Danh nảy sinh từ vô danh, rơi trở lại, trở về cội nguồn nguyên thuỷ, lại trở thành vô danh. Cuộc sống nảy sinh từ cái chết và đi về cái chết lần nữa. Điều rất cơ sở phải nhớ là ở chỗ các cái đối lập này là không đối lập, chúng là bù nhau. Chết không phải chống lại sống, vô tồn tại không chống lại tồn tại, vô hiện hữu không chống lại hiện hữu. Chúng là hai cực của cùng một hiện tượng, cái siêu việt lên mọi hiểu biết.
Đôi khi nó tự diễn đạt bản thân mình như hiện hữu và đôi khi như vô hiện hữu, nhưng chính cùng một thứ diễn đạt trong cả hai. Điều này phải được hiểu sâu sắc nhất có thể được bởi vì toàn bộ sadhana của bạn, toàn bộ nỗ lực hướng tới hiểu biết tối thượng, sẽ phụ thuộc vào nó. Chừng nào bạn còn chưa sẵn sàng trở thành vô hiện hữu, bạn sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện hữu đích thực cả. Điều đó có vẻ nghịch lí.
Jesus nói với đệ tử của mình: Chừng nào các ông còn chưa làm mất bản thân mình, các ông sẽ không thu được bản thân mình. Nếu các ông níu bám lấy bản thân mình, các ông sẽ bị tiêu diệt, nếu các ông không níu bám, các ông sẽ được cứu. Ông ấy đang nói rằng nếu bạn đi vào trong vô hiện hữu, chỉ thế thì hiện hữu mới được cứu.
Tại Ấn Độ có một truyện ngụ ngôn rất hay và rất cổ trong Upanishad.
Một hiền nhân vĩ đại, Uddalaka, được đứa con mình, Svetketu, hỏi "Bố ơi, con là ai? Cái gì tồn tại trong con? Con cố gắng và cố gắng mãi, con thiền và thiền mãi, nhưng con không thể tìm ra nó được."
Svetketu là đứa trẻ nhỏ nhưng nó đã nêu ra một câu hỏi rất rất khó. Giá như ai đó khác mà hỏi câu hỏi này thì Uddalaka có thể đã trả lời một cách dễ dàng, nhưng làm sao giúp cho đứa trẻ hiểu được? Và nó đang hỏi vấn đề lớn lao nhất tồn tại.
Uddalaka phải tạo ra một phương cách. Ông ấy nói, "Con ra kia đi, đằng xa kia, nơi con thấy cây đấy và con đem quả nó về."
Đứa trẻ chạy đi; nó đem về một quả nhỏ từ cái cây đó.
Người bố nói, "Bây giờ con cắt nó ra. Con thấy gì bên trong nó?"
Đứa trẻ nói, "Hàng triệu hạt mầm nhỏ."
Người bố nói, "Bây giờ con chọn một hạt mầm và cắt nó ra. Bây giờ con thấy gì trong nó?"
Đứa trẻ nói, "Cái không."
Người bố nói, "Từ cái không đó phát sinh ra cái cây lớn này. Trong hạt mầm này ở ngay trung tâm tồn tại cái không. Con cắt nó ra - không có gì, và từ cái không đó lại phát sinh ra sự hiện hữu của cái cây lớn này. Và cùng điều đó cũng đúng cho con, Svetketu." Và một trong những ngạn ngữ vĩ đại nhất đã từng được thốt ra bởi bất kì con người nào được sinh ra: "tat-twam-asi, svetketu" - "Cái đó là ngươi, ngươi là cái đó, Svetketu."
Bạn cũng là cái không đó, tồn tại ở ngay tâm điểm của hạt mầm. Chừng nào bạn còn chưa tìm thấy cái vô hiện hữu này bên trong mình, bạn sẽ không đạt tới chân lí đích thực. Thế thì bạn có thể đi vào trong các lí thuyết, thế thì bạn có thể triết lí hoá, nhưng bạn sẽ không nhận thức ra.
Đứa trẻ đã thiền về cái không của mình và nó đã trở nên rất im lặng. Nó suy tư, nó tận hưởng cái không này, nó cảm thấy điều đó rất sâu sắc. Nhưng thế rồi lần nữa câu hỏi lại nảy sinh. Sau vài ngày nó lại tới bố và nó nói: "Con có thể cảm thấy nhưng mọi sự vẫn chưa thật rõ ràng, chúng vẫn còn mung lung, dường như đám sương mờ bao quanh mọi thứ. Con có thể thấy rằng từ cái không mọi thứ được sinh ra, nhưng làm sao cái không lại hoà lẫn với cái có được? Làm sao cái có hoà lẫn với cái không được? Làm sao hiện hữu hoà lẫn vô hiện hữu được? Chúng là ngược đời."
Người bố lại trong khó khăn - bất kì khi nào trẻ con nêu ra câu hỏi thì đều rất khó trả lời cho chúng. Gần như chín mươi chín phần trăm câu trả lời mà người lớn đưa cho trẻ nhỏ đều là sai - chỉ là cách giữ thể diện. Bạn lừa dối. Nhưng Uddalaka không muốn lừa đứa trẻ này. Và tính tò mò của nó không chỉ là tò mò, nó là việc dò tìm sâu sắc. Nó thực sự quan tâm. Thân thể nó có thể là thân thể của đứa trẻ nhưng linh hồn nó cổ đại. Nó phải đã vật lộn trong quá khứ, cố gắng vất vả để xuyên thấu vào bí ẩn này. Nó không chỉ tò mò - nó quan tâm đích thực. Đấy không phải là câu hỏi vẩn vơ trong tâm trí, nó đã bắt rễ rất sâu.
Người bố nói, "Con đi lấy một chén nước đây."
Đứa trẻ chạy đi lấy chén nước.
Thế rồi người bố nói, "Bây giờ con đi lấy ít đường đây."
Nó đem đường , và người bố nói, "Con trộn chúng với nhau."
Đường tan trong nước, và người bố nói, "Bây giờ, con có thể tách đường ra khỏi nước được không?"
Cậu bé nói, "Bây giờ thì không thể được. Con thậm chí chẳng thể thấy đường đã đi đâu."
Người bố nói, "Con thử xem."
Đứa trẻ nhìn vào trong đó nhưng nó không thể thấy mẩu đường nào; nó đã tan ra, nó đã trở thành nước.
Thế rồi người bố nói, "Con nếm nó đi." Đứa bé nếm, thấy ngọt. Và người bố nói, "Trông đấy, cũng giống thế này. Con có thể không có khả năng quyết định được hiện hữu là gì và vô hiện hữu là gì; chúng tan vào lẫn nhau cũng giống như nước và đường. Con có thể nếm và con có thể biết rằng nước này chứa đường. Con có thể không có khả năng tách chúng ra ngay bây giờ - trong thực tế không ai có thể tách chúng ra bởi vì chúng là không tách rời."
Nước và đường có thể được tách ra - đó chỉ là phương sách để làm cho đứa trẻ hiểu - nhưng vô hiện hữu và hiện hữu thì không thể được tách ra, sống và chết không thể được tách ra. Đấy là điều không thể được. Chúng là không tách rời, làm sao bạn có thể tách chúng ra được? Chúng bao giờ cũng tồn tại. Trong thực tế cùng nhau. Trong thực tế nói chúng tồn tại cùng nhau cũng là việc nói không đúng, bởi vì chính từ "cùng nhau" mang khái niệm về cái hai rồi. Chúng không là hai, chúng là một. Chúng chỉ có vẻ là hai.
Bạn tới từ đâu? Bạn đã bao giờ suy tư về chính vấn đề cơ sở này chưa? - bạn đã tới từ đâu? Cái không. Bạn đang chuyển đâu, bạn đang đi đâu? Cái không. Từ cái không tới cái không... và chỉ ở giữa hai cái không mới phát sinh hiện hữu. Dòng sông hiện hữu chảy giữa đôi bờ của cái không. Hiện hữu là đẹp, nhưng vô hiện hữu cũng đẹp. Sống là tốt, nhưng chết cũng tốt - bởi vì sống không thể tồn tại mà không có chết. Thông thường bạn nghĩ rằng chết là chống lại sống, rằng nó là phá huỷ. Không, bạn nhầm. Không có chết thì sống không thể tồn tại lấy một khoảnh khắc. Nó hỗ trợ cho sống. Nó là chính cơ sở. Bởi vì bạn có thể chết, đó là lí do tại sao bạn có thể sống.
Sống và chết không phải là hai điều mà là hai cánh - hai cánh của cùng một hiện tượng. Khoa học bao giờ cũng nghĩ rằng tôn giáo nói ngược đời, là bất hợp lí, phi logic. Nhưng chỉ trong vòng vài năm trước trong khoa học, đặc biệt trong vật lí một hiện tượng đã nảy sinh mà có thể rất có ích để hiểu sự gặp gỡ này của hiện hữu và vô hiện hữu. Hiện tượng này được gọi là lỗ đen. Khoa học bằng cách nào đó đã đi tới cảm nhận rằng trong không gian có vài chỗ là cái lỗ, lỗ đen - vô hiện hữu. Lúc ban đầu thì khó quan niệm về nó, nhưng bây giờ dần dần khái niệm này đang trở nên ngày một rõ hơn - bởi vì khoa học cũng cảm thấy rằng mọi thứ tồn tại với cái đối lập của nó. Làm sao sự tồn tại có thể tồn tại mà không có vô tồn tại? Sống tồn tại với chết, yêu tồn tại với ghét, từ bi với giận dữ - làm sao sự tồn tại có thể chỉ tồn tại mà vô tồn tại không có đó, bằng cách nào đó được bao hàm trong nó? Nó phải có đó. Họ đã tìm kiếm, và bây giờ một người đã đoạt giải Nobel về việc phát hiện ra lỗ đen. Lỗ đen là lỗ vô tồn tại trong không gian nơi không cái gì tồn tại cả, thậm chí không có không gian. Và chúng là hiện tượng rất nguy hiểm bởi vì nếu cái gì đó đi vào trong lỗ đen thì nó đơn giản biến mất, bởi vì lỗ đen biến mọi thứ thành vô tồn tại.
Phát hiện về lỗ đen đã giải quyết được nhiều bí ẩn.
Mới mấy năm trước đây chuyện xảy ra ở Mĩ: một máy bay thuộc vào quân đội đang bay trên bầu trời. Đã có liên lạc với máy bay, thế rồi bỗng nhiên liên lạc bị dừng lại. Một máy bay khác được phái đi tìm chiếc máy bay thứ nhất; điều gì đã xảy ra? Đích xác sau cùng khoảng thời gian, sau nửa giờ, chiếc máy bay thứ hai ra ngoài vòng liên lạc.
Bây giờ điều đó là nguy hiểm. Cho nên ba chiếc máy bay nữa được phái đi theo cùng hướng để tìm hai chiếc kia. Đích xác sau nửa giờ ba chiếc máy bay này cũng mất, liên lạc bị gián đoạn. Và chẳng bao giờ người ta biết được về năm chiếc máy bay này, điều gì đã xảy ra cho họ. Họ đã không để một dấu vết nào đằng sau. Nếu như họ bị rơi thì họ đã được tìm thấy. Họ không thể cứ bay mãi được... điều gì đã xảy ra? Bây giờ người ta ngờ rằng họ đột nhiên đi qua một lỗ đen; họ đơn giản đi vào trong lỗ đen và biến mất.
Lỗ đen có nghĩa là quyền năng của vô tồn tại, quyền năng của vô hiện hữu. Nếu bạn bị bắt vào trong đó, thì mọi thứ đơn giản biến mất, không một dấu vết để lại sau, bởi vì vật chất trở thành vô vật chất - bạn vô vật chất hoá.
Bạn đã nghe thấy từ "vật chất hoá"; bạn đã nghe nói về phép mầu, rằng có những người có thể vật chất hoá mọi thứ từ không có gì. Nhưng bạn chưa nghe nói về từ "vô vật chất hoá," rằng mọi thứ có thể đơn giản đi vào vô vật chất, đơn giản biến mất.
Nhiều lần chuyện như thế đã xảy ra. Có lần một con tầu chở bẩy trăm người đơn giản biến mất - một con tầu lớn thế! Khi nó đi qua cảng cuối cùng, mọi sự vẫn còn ổn thoả; nó chẳng bao giờ đi tới cảng tiếp. Và khoảnh cách thì không phải xa lắm, rất ngắn. Nếu như con tầu này chìm, với bẩy trăm người trên tầu, ai đó phải còn sống sót. Và nếu không ai sống sót, cái khung tầu sẽ phải được tìm thấy. Nhưng chẳng cái gì được tìm thấy cả. Nó đơn giản biến mất. Nó phải đã bắt gặp một lỗ đen trôi nổi.
Điều đó đang xảy ra mọi ngày, nhưng khi mọi sự xảy ra hàng ngày thì bạn trở nên quên lãng về chúng. Bỗng nhiên một người chết. Điều gì đã xảy ra? Người đó đã đi vào lỗ đen. Mới phút trước người đó còn ổn cả - vẫn thở, nói, sống, ý thức - và chỉ một giây sau đó chẳng cái gì còn lại, chỉ cái xác đang huỷ hoại. Cái gì đó đã đi vào vô tồn tại. Cái chết là lỗ đen.
Các nhà khoa học nói rằng các ngôi sao cũng được sinh ra và chết đi. Chúng sống hàng triệu năm, nhưng điều đó không thành vấn đề. Chúng sinh ra - từ đâu chúng tới? Ngay bây giờ nhiều ngôi sao đang được sinh ra. Cũng như nhiều trẻ em đang được sinh ra trong nhà hộ sinh, nhiều ngôi sao đang được sinh ra. Chúng tới từ cái không. Không vật chất nào tồn tại trước đó; lúc đó là không gian bao la, thế rồi bỗng nhiên một tinh vân đi vào hiện hữu - khói bụi nảy sinh từ cái không. Khói bụi bắt đầu tụ tập lại, đậm đặc lại, bắt đầu trở nên ngày một cứng rắn hơn. Phải mất vài triệu năm. Cũng như phải mất chín tháng để đứa trẻ được sinh ra, phải mất hàng triệu năm cho cái không trở nên đậm đặc và trở thành ngôi sao. Thế rồi trong hàng triệu năm ngôi sao vẫn còn sống, rồi nó chết. Thế rồi lần nữa nó dần dần tiêu tán đi, trở nên ngày càng ít cứng rắn hơn, trở thành hơi, khói bụi. Trong hàng triệu năm nó vẫn còn trên giường bệnh và thế rồi một ngày nào đó ngôi sao biến mất. Chỗ mà ngôi sao này có thời hiện hữu thì nay là một lỗ đen; nó đã trở thành vô tồn tại. Bây giờ, nếu bạn bắt gặp lỗ đen này, bạn đơn giản bị hấp thu. Khi lỗ đen hấp thu cả một ngôi sao... một hiện tượng bao la thế!
Mặt trời của chúng ta là một ngôi sao loại xoàng.
Nó lớn hơn trái đất sáu mươi nghìn lần. Nếu mặt trời của chúng ta - sáu mươi nghìn lần lớn hơn trái đất - mà chết đi... và một ngày nào đó nó sẽ chết. Các nhà khoa học nói rằng dường như nó nó có thể sống được quãng bốn nghìn năm nữa. Bởi vì nó đã già rồi, ốm yếu, phải đi bệnh viện - nhưng không có bệnh viện cho sao. Nó đang chết. Trong bốn nghìn năm nó sẽ sống, thế rồi một ngày nào đó nó sẽ không còn nữa. Đầu tiên ánh sáng sẽ biến mất, thế rồi vật chất sẽ biến mất, và thế rồi nó sẽ trở thành lỗ đen. Không gian nơi có thời mặt trời hiện hữu bây giờ không còn nữa sẽ là một cái xoáy vô cùng của cái không. Nếu trái đất bị bắt vào trong nó - thì hết. Trong một khoảnh khắc nó sẽ nghiền nát bạn - cái không tới cái không.
Và có những ngôi sao lớn hơn, ngôi sao của chúng ta chỉ là loại xoàng xoàng thôi. Hàng triệu mặt trời lớn tồn tại trong sự tồn tại, nhiều sao trong số đó đã chết rồi. Trong không gian, du hành tới mặt trăng không là cái gì cả - nhưng một khi chúng ta thoát ra khỏi hệ mặt trời, thế thì sẽ có rắc rối, bởi vì thế thì con tầu không gian của chúng ta có thể bắt gặp bất kì lỗ nào và bạn không thể biết trước được. Con tầu của bạn có thể đơn giản bị hấp thu và chẳng cái gì còn được biết về nó nữa. Những lỗ đen này là phần kia của sự tồn tại: chúng là vô tồn tại. Và nó phải là như vậy, bởi vì sự tồn tại phải được quân bình bởi vô tồn tại.
Lão Tử tin vào vô tồn tại vô cùng. Ông ấy là người đầu tiên đưa cái dụng của vô tồn tại tới vinh quang tối thượng của nó. Tất nhiên ông ấy đã không biết về lỗ đen, bằng không thì ông ấy đã nói về chúng. Ông ấy là người đơn giản, sống trong thôn làng, sống cuộc sống đơn giản của người nông dân - dân dã, đơn giản, không học thức không văn minh. Ông ấy chống việc văn minh hoá, ông ấy ủng hộ tự nhiên. Ông ấy chỉ có một so sánh đơn giản: cái bánh xe. Ông ấy nói trục bánh xe, trung tâm của bánh xe là trống rỗng, nhưng toàn bộ bánh xe đều phụ thuộc vào nó.
Nó được gọi là trục của bánh xe - tại sao? Bởi vì nó cũng giống như cái trục tồn tại trong con người. Ở gần rốn bạn, người Nhật Bản nói có tồn tại một điểm gọi là hara. Hara là lỗ đen trong thân thể bạn. Nhật Bản đã phát hiện ra, theo ý tưởng của Lão Tử, rằng đâu đó trong thân thể cái chết phải có một cái nhà. Cái chết không tới từ bên ngoài, nó không ngẫu nhiên như mọi người vẫn nghĩ. Mọi người nghĩ cái chết đang tới. Không, cái chết không tới, cái chết đang trưởng thành bên trong bạn; không phải là ở đâu đó trên con đường của cuộc sống mà bạn gặp cái chết một cách bất thần. Nếu mà nó là như vậy, thế thì người ta có thể phát minh ra phương pháp để tránh cái chết, để lừa nó, hay để không đi tới điểm nơi cái chết đợi bạn, để bỏ qua nó hay để cử ai đó khác tới thay cho bạn. Sẽ có khả năng như vậy nếu cái chết là hiện tượng bên ngoài. Nhưng cái chết được mang bên trong bạn như hạt mầm. Nó tới trong sự tồn tại khi bạn vào sự tồn tại, trong thực tế nó tồn tại thậm chí trước cả bạn. Bạn đã đi ra từ nó.
Cái chết phải có một điểm ở đâu đó bên trong thân thể bạn. Cho nên người Nhật Bản đã tìm trong thân thể để tìm ra xem lỗ đen tồn tại ở đâu. Nó ở ngay dưới rốn. Hai inch dưới rốn tồn tại một điểm của cái chết. Nó là điểm rất tinh tế. Bạn phải đã nghe tới từ hara-kiri; từ này bắt nguồn từ hara. hara nghĩa là lỗ đen bên trong thân thể, còn hara-kiri nghĩa là tự tử, dùng lỗ đen đó.
Người Nhật Bản đã trở nên rất hiệu nghiệm trong việc giết mình; không ai có thể giết được họ dễ dàng như người Nhật Bản, bởi vì họ đã tìm thấy đích xác điểm của cái chết. Với một con dao nhỏ, họ đơn giản xuyên vào hara; thậm chí không một giọt máu chảy ra. Việc tự tử này không có máu, và người ta không cảm thấy đau chút nào, không đau đớn - cuộc sống chỉ biến mất. Họ đã chạm trực tiếp tới lỗ đen trong thân thể, điểm của cái chết. Nếu bạn cắt cổ mình thì bạn sẽ chết, nhưng sẽ có nhiều đau đớn - bởi vì từ cổ tới hara có khoảng cách lớn; khoảng cách đó cái chết sẽ phải đi qua. Cho nên nếu đầu ai đó bị chặt, thân thể vẫn còn sống trong vài phút; nó tiếp tục run rẩy và thổn thức bởi vì bạn vẫn chưa xuyên trực tiếp vào hara. Người Nhật Bản có thể tự giết mình dễ dàng và im lặng tới mức khi bạn thấy một người đã làm hara-kiri, người đã tự tử, thì bạn sẽ không thấy bất kì dấu hiệu của cái chết trên mặt người đó; mặt người đó sẽ trông như khi sống vậy. Người đó đơn giản biến mất vào trong lỗ đen mà không vật lộn gì.
Hara đó trong thân thể là vô tồn tại. Nó là sự thiếu vắng, nó là cái không. Và toàn bộ công phu Đạo là để tỉnh táo với hara. Họ đã tạo ra các kiểu thở khác nhau cho nó; họ gọi nó là thở bụng. Bạn không thể tìm được người nào im lặng hơn Đạo nhân người đã thực hành thở bụng và đã trở nên hài hoà với nó.
Bạn thở từ ngực. Trên khắp thế giới việc thở ngực, là việc thở nông, đã tồn tại. Có thể đấy là vì sợ chết mà bạn không thở từ bụng, bởi vì khi bạn thở từ bụng thì hơi thở đi sâu tới hara. Thế thì bạn chạm tới cái chết. Sợ chết, bạn thực hành thở nông. Nhớ lấy, bất kì khi nào bạn sợ, việc thở của bạn sẽ trở nên nông. Bất kì khi nào nỗi sợ chiếm lấy bạn, bạn sẽ không có khả năng thở sâu - ngay lập tức việc thở trở thành nông. Mọi sợ về cơ bản đều là sợ chết; bạn có thể không nhận biết có ý thức về nó, nhưng thân thể bạn biết cái chết ở đâu: đừng đi theo cách đó. Thân thể bạn là trí huệ, trí huệ hơn tâm trí bạn - phải như vậy, bởi vì tâm trí là kẻ rất mới tới. Thân thể đã tồn tại lâu hơn tâm trí, đã trải qua hàng triệu kiếp sống, kiếp sống không tâm trí, và đã tích luỹ nhiều trí huệ. Bất kì khi nào bạn sợ, bạn đều ngừng thở hay bạn thở rất nông, sợ gần chết.
Thở sâu hấp thu cái chết vào trong cuộc sống, thở sâu tạo ra cây cầu giữa sống và chết; sợ biến mất. Nếu bạn có thể thở sâu xuống dưới bụng, thế thì sợ sẽ biến mất hoàn toàn. Đó là lí do tại sao người Nhật Bản có thể tự tử dễ dàng hơn bất kì ai khác trên thế giới. Điều đó cũng giống như trò chơi. Họ có thể tự tử cho những điều đơn giản đến mức không ai có thể hiểu nhu cầu là gì, bởi vì họ biết cuộc sống và cái chết không tách rời nhau, chúng là một. Chết cũng là sống - mặt kia của cùng đồng tiền. Nó là nghỉ ngơi.
Nếu bạn thở sâu, bạn sẽ cảm thấy nghỉ ngơi tuôn chảy khắp thân thể mình - thảnh thơi, trạng thái không căng thẳng về công việc. Bạn đã bao giờ quan sát đứa trẻ nhỏ thở chưa? Nó thở từ bụng. Bạn có thể quan sát và bạn sẽ thấy. Đó là cách Lão Tử muốn mọi người thở. Đó là yoga của Đạo: giống như đứa trẻ, bụng phồng lên xẹp xuống còn ngực vẫn hoàn toàn không bị ảnh hưởng, dường như ngực chẳng liên quan gì tới việc thở cả.
Nhưng có nhiều vấn đề: sợ chết - bạn không thể thở sâu, hara có đó. Và, ngay gần hara là điểm sống, điều bạn gọi là trung tâm dục - chỗ đó nữa cũng là nỗi sợ. Nếu bạn thở sâu thế thì dục phát sinh. Cho nên những người đã trở nên sợ dục không thể thở sâu được. Nếu bạn thở sâu thì ngay lập tức bạn sẽ cảm thấy rằng dục bị kìm nén đã lại trở thành sống động, nó bắt đầu chảy vào mạch máu bạn và vào máu bạn. Và tất nhiên nó dường như phải thế: trung tâm của sống phải ở gần trung tâm của chết. hara, trung tâm của chết, và dục, trung tâm của sống gần nhau thế, gần đến mức chúng gần như chạm nhau - hai mặt của cùng một đồng tiền. Đó là lí do tại sao trong dục người ta cũng sợ, bởi vì chết bắt đầu đập với dục. Kinh nghiệm dục thực sự cũng là kinh nghiệm về chết: bạn chết. Đó là lí do tại sao mọi người sợ dục thế, sợ phụ nữ thế; tôi không gặp mấy người không sợ phụ nữ. Sợ hãi... phụ nữ đã cho sự sinh thành của bạn, cô ấy phải mang cả cái chết của bạn nữa.
Nhìn quan niệm của người Hindu về Kali, Mẹ Kali. Bà ấy vừa là sống và chết, người cho và người lấy. Một đàn bà đẹp, nhưng đen, đen như cái chết; một đàn bà đẹp, nhưng rất nguy hiểm - nguy hiểm tới mức bà ấy nhảy múa trên xác của chồng riêng của mình, gần như giết chết ông ấy. Shiva đang nằm đó còn bà ấy nhảy múa trên xác ông ấy gần như đè nghiến ông ấy. Và bà ấy đeo vòng đầu lâu, và bằng một tay bà ấy chặt đầu, vết máu còn rịn ra từ đó. Tại phương Tây họ không thể hiểu được tại sao người mẹ phải nguy hiểm như vậy, tại sao đàn bà đẹp nên được mô tả theo cách nguy hiểm và khủng khiếp và ghê rợn như thế. Người Hindu biết rõ hơn. Họ đã thấm sâu vào bí ẩn của cuộc sống hơn bất kì ai khác. Họ biết rằng dục và chết gần gũi thế, gần đến mức chúng gần như là một. Và khi trung tâm dục bắt đầu đập mạnh và lan toả sóng của nó trên khắp thân thể bạn, thì trung tâm chết cũng bắt đầu đập mạnh. Đó là lí do tại sao cực thích đã trở thành một từ. Bạn không đạt tới cực thích trong dục - bạn không thể đạt được. Chừng nào mà bạn còn chưa chấp nhận chết thì bạn không thể đạt tới cực thích được, bởi vì cực thích có nghĩa là mất mọi kiểm soát, cực thích nghĩa là mất mọi tâm trí, cực thích nghĩa là toàn bộ thân thể đập mạnh trong cực lạc, mọi thớ thịt và mọi tế bào của nó. Toàn bộ thân thể mở hội trong phúc lạc chưa biết và tâm trí không còn là kẻ kiểm soát và kẻ thao túng nữa.
Đàn ông chỉ có thể đạt tới cực thích cục bộ - mà chẳng là gì ngoài việc xuất tinh, không phải là cực thích chút nào. Bởi vì nếu cực thích nắm quyền, thế thì bạn không còn đó nữa - bạn bị sống và chết cả hai cùng sở hữu. Và nỗi sợ nắm quyền. Trong hàng nghìn năm đàn bà đã không đạt tới cực thích. Ngay cả bây giờ ở Ấn Độ, tôi cũng không thấy rằng thậm chí hai phần trăm đàn bà là đạt tới cực thích. Chỉ trong vài năm trước đây đàn ông mới trở nên nhận biết rằng đàn bà cũng có thể đạt tới cực thích - nó đã là một điều bị kìm nén, bởi vì nếu đàn bà đạt tới cực thích thì cô ấy sẽ phát điên tới mức cô ấy sẽ trở thành Kali. Cô ấy sẽ điên lên với cực lạc đến mức cô ấy có thể bắt đầu nhảy múa trên ngực bạn và cô ấy sẽ không còn trong cô ấy nữa. Cô ấy sẽ trở thành cái gì đó khác - một lực tự nhiên, một cơn xoáy lốc, cơn bão. Cô ấy sẽ cười và khóc và không ai biết điều gì sẽ xảy ra; tất cả hàng xóm sẽ biết rằng người đàn bà đã đạt tới cực thích.
Và dục là chuyện riêng tư thế - chúng ta đã làm cho nó thành một điều che giấu và bí mật, trong bóng tối. Bạn tình thậm chí không thấy lẫn nhau, và đàn bà được huấn luyện để vẫn còn hoàn toàn thụ động, không chuyển động, bởi vì sợ. Bởi vì một khi cô ấy biết tới cái đẹp của việc đi tới điên dại hoàn toàn, thế thì cô ấy sẽ không thể nào kiểm soát nổi. Bất kì đàn ông nào cũng không thể nào thoả mãn được cho bất kì đàn bà nào, bởi vì đàn bà có thể đạt tới nhiều cực thích còn đàn ông chỉ đạt tới một. Đàn bà có thể đạt tới trong vòng vài phút ít nhất là sáu cực thích - sáu tới sáu mươi. Bất kì đàn ông nào cũng sẽ không thể nào thoả mãn được cho đàn bà, và cô ấy sẽ phát điên thế bởi vì cô ấy tự nhiên thế - tốt hơn cả là kìm nén cô ấy.
Dục đã bị kìm nén như một phần của cái chết. Chỉ hai điều đã bị kìm nén trên thế giới, dục và chết. Và điều này đã là quan sát của tôi: rằng bất kì khi nào một nền văn hoá kìm nén dục thì nó không kìm nén chết nhiều thế, bởi vì không có nhu cầu - kìm nén dục một mình cũng đủ. Bất kì khi nào một nền văn hoá kìm nén chết thì nó không bận tâm tới kìm nén dục, không có nhu cầu - kìm nén chết một mình nó cũng có tác dụng. Nếu bạn kìm nén một cái thì cả hai đều bị kìm nén, bởi vì cả hai là cùng nhau - và cả hai đều phải được giải phóng. Thế thì bạn sống một cách vô cùng, nhưng bạn bao giờ cũng sống bên bờ vực của chết. Bạn trở thành một sự hiện hữu, nhưng bạn bao giờ cũng nhìn vào trong cái không hiện hữu. Và đó là cái đẹp của nó, và cả sự ghê rợn nữa. Trong thực tế, tất cả mọi điều tự nhiên, đẹp đẽ cũng đều khủng khiếp cả.
Thượng đế không chỉ đẹp, Thượng đế cũng còn khủng khiếp nữa. Ông ấy không chỉ là một bí ẩn, ông ấy không chỉ là điều bí ẩn, ông ấy còn là khủng khiếp nữa; ông ấy không chỉ là sống, ông ấy cũng còn là chết nữa. Và một khi bạn kìm nén sự hiện hữu của riêng mình hay sự không hiện hữu thì bạn vứt đi chiếc cầu; thế thì bạn không thể đạt tới sự tồn tại được. Giống như sự tồn tại đi, chỉ thế thì cây cầu mới có đó; thế thì bạn được nối liền và gắn với nó.
Tại phương Tây, sau Freud, họ đã cho phép dục có chút ít tự do, nhưng bây giờ họ đã trở nên kìm nén nhiều hơn về chết. Tại phương Tây không ai nói về chết cả - dường như điều đó không xảy ra. Thậm chí có các nhà chuyên môn làm việc trên xác chết để cho nó có vẻ sống - sơn vẽ, tô mầu. Một phụ nữ chết; khuôn mặt cô ấy được tô vẽ, son bôi môi được dùng, được mặc quần áo đẹp, trong quan tài đẹp, và cô ấy được chở đi cứ như thể cô ấy đã đi vào trong giấc ngủ say, không đi vào trong cái chết. Đây là sợ chết: bạn không muốn nhìn vào khuôn mặt của nó.
Nghĩa địa được xây dựng bên ngoài thành phố và bạn đặt những tảng đá cẩm thạch đẹp lên chúng; bạn trang hoàng chúng. Bạn trang hoàng cho chết để cho bạn có thể né tránh nó, để cho không có nhu cầu đương đầu với nó - và chết chính là cội nguồn của sống.
Dùng cuộc sống, dùng cả cái chết nữa: đó là thông điệp. Dùng hiện hữu, dùng cả vô hiện hữu nữa. Và đừng sợ cái gì bởi vì không cái gì là của bạn mà có thể bị lấy đi được. Còn cái mà bạn không có, thì bạn không có nó; nó đã bị lấy đi khỏi bạn rồi, bạn không thể mang nó lâu được - và nếu bạn mang nó, bạn đơn giản mang một gánh nặng.
Cố hiểu những lời của Lão Tử. Về cái dụng của vô hiện hữu ông ấy nói:
Ba chục căm hợp một bầu;
Nhờ chỗ "không",
mới có cái "dụng" của xe.
Bánh xe chuyển động bởi vì trong trục, trong trung tâm, có cái trống rỗng. Nếu không có cái trống rỗng ở trung tâm, bánh xe không thể chuyển động được. Nó chuyển động trên cái trống rỗng.
Nhồi đất để làm chén bát;
Nhờ chỗ "không"
Mới có cái "dụng" của chén bát.
Khoét cửa nẻo, làm buồng the,
Nhờ chỗ "không"
Mới có cái "dụng" của buồng the.
Bởi vậy, lấy cái "có" đó để làm cái lợi.
Lấy cái "không" đó để làm cái dụng.
Đây là cách người ta có thể trở thành toàn bộ và toàn thể, và việc là toàn thể là điều linh thiêng với Lão Tử. Không có điều linh thiêng nào khác. Nó không phải là trau dồi nghi lễ tôn giáo, và nó thậm chí không phải là trau dồi đạo đức. Nó chẳng liên quan gì tới tính cách cả. Linh thiêng có nghĩa là cuộc sống là một toàn thể, cuộc sống đã không chối bỏ điều gì, cuộc sống chấp nhận, chấp nhận cái đối lập, cuộc sống không chọn lựa. Cuộc sống vô chọn lựa là linh thiêng. Linh thiêng có cùng gốc như toàn thể. Nếu bạn là toàn thể thì bạn là linh thiêng, và nếu bạn là toàn thể thì điều đó có nghĩa bạn đồng thời là cuộc sống và cái chết nữa. Bạn không che giấu sự kiện về cái chết và bạn không cố gắng che giấu chỗ hổng bên trong, sự trống rỗng. Bạn không cố gắng rót đầy nó bằng rác rưởi. Bạn tận hưởng thuần khiết của cái trống rỗng nữa. Chẳng cái gì thuần khiết như cái trống rỗng cả, chẳng cái gì có thể có thể vậy - bởi vì bất kì chỗ nào có cái gì đó, thì không thuần khiết đi vào. Chỉ cái trống rỗng mới có thể tuyệt đối thuần khiết.
Nhưng chúng ta sợ cái trống rỗng thế. Mọi người tới tôi và nói việc ở một mình khó như vậy bởi vì người ta bắt đầu cảm thấy cái trống rỗng của mình. Thế thì bạn đi tìm bạn bè, thế thì bạn đi tìm người yêu, và toàn bộ nỗ lực từ chính lúc ban đầu bị kết án, bởi vì một người sợ cái trống rỗng của mình thì không thể thực sự yêu được. Người đó sợ. Sâu bên dưới có nỗi sợ. Làm sao người đó có thể yêu được? Khi người đó đi và giả vờ rằng người đó đang yêu ai đó thì người đó chỉ đang cố gắng trốn thoát khỏi bản thân mình, khỏi cái trống rỗng của mình. Người đó đang cố gắng quên đi rằng ở đâu đó bên trong có cái trống rỗng và cái không. Người đó đang cố gắng rót đầy cái trống rỗng đó bằng sự hiện diện của ai đó - và người khác cũng làm cùng điều đó.
Cho nên gần chín mươi chín phần trăm chuyện tình trên trái đất này đều là giả. Chẳng chóng thì chầy bạn đi tới nhận ra rằng họ đã bị lừa. Những người yêu đi tới nhận ra rằng họ đã bị lừa, bị bịp. Nhưng họ nghĩ rằng người kia đã lừa họ, họ chưa bao giờ nghĩ rằng mình cũng đã làm cùng điều đó với người khác. Và họ không hiểu cái khổ của con người và cái ngu xuẩn của họ; nếu họ hiểu cái ngu xuẩn của mình, điều họ làm, thì họ sẽ có khả năng cảm thấy từ bi với tất cả. Khi bạn không thể một mình, im lặng, điều đó có nghĩa là bạn sợ cái đơn độc của mình, bạn muốn rót đầy nó bằng ai đó. Bạn giả vờ. Người khác cũng làm cùng điều đó với bạn, người đó không thể một mình được. Hai người không thể một mình được đang cố gắng ở cùng nhau; bây giờ điều này sẽ là hiện tượng khổ, địa ngục.
Nếu bạn không thể yêu bản thân mình trong cái đơn độc của mình, thì làm sao người khác có thể yêu bạn được? Làm sao bạn có thể trông đợi bất kì ai yêu bạn nếu bạn không thể yêu chính mình? Nếu bạn chán ngán với cái đơn độc của mình thế, chẳng chóng thì chầy người khác cũng sẽ chán ngán với cái đơn độc của bạn. Bạn không thể lấp đầy nó được, nó là cái gì đó không thể nào được làm đầy. Nó là cái gì đó tồn tại như một phần của sự hiện hữu của bạn - bạn không thể lấp đầy nó, nó phải vẫn còn trống rỗng. Nó sẽ vẫn còn trống rỗng. Tất cả mọi nỗ lực đều không lấp đầy được nó.
Cho nên điều đầu tiên là trở nên hoà hợp với cái trống rỗng này, cho phép nó, sống nó. Đừng kìm nén và đừng trốn chạy. Cảm thấy nó, tận hưởng nó - và dần dần bạn sẽ hiểu cái đẹp của nó. Một khi bạn bạn hiểu cái đẹp của tính đơn độc của mình thì nó trở thành tính một mình. Thế thì nó không còn trống rỗng nữa, thế thì nó không còn là cái không nữa. Thế thì nó là thuần khiết - nó thuần khiết đến mức nó là vô hình dạng.
Bao giờ cũng nhớ tới khác biệt giữa tính một mình và tính đơn độc. Đơn độc giống như vết thương. Đơn độc nghĩa là bạn thiếu người khác. Đơn độc nghĩa là bạn đang thường xuyên nghĩ về người khác, bạn thường xuyên khao khát về người khác. Người khác là trong tơ tưởng của bạn, trong tâm trí bạn, trong giấc mơ của bạn. Người khác là không thật, là tưởng tượng, nhưng người khác có đó và bởi vì nó không thực nên bạn cảm thấy đơn độc. Khi bạn bắt đầu cảm thấy tính một mình của mình, thì người khác bị loại bỏ khỏi tâm trí bạn hoàn toàn. Nó không còn gieo bóng vào giấc mơ của bạn, nó không còn chạm vào thuần khiết của bạn. Bạn hạnh phúc với bản thân mình, bạn cực lạc với bản thân mình, bạn tận hưởng với bản thân mình. Bây giờ lần đầu tiên bạn hoà hợp với sự hiện hữu của mình và với sự vô hiện hữu của mình. Bạn là cái toàn thể.
Bây giờ bạn có thể trong tình yêu. Bây giờ tình yêu có thể tuôn chảy. Nhưng bây giờ tình yêu sẽ là chia sẻ, không phải là trốn chạy. Bây giờ bạn có thể đi và chia sẻ sự hiện hữu của mình - và cả sự vô hiện hữu của mình nữa. Bây giờ bạn có thể chia sẻ tính toàn thể của mình. Bây giờ bạn có thể cho phép bất kì ai cởi mở cùng tham gia vào tính cởi mở của bạn, bây giờ bạn có thể trở thành những bạn tình trong cuộc hành trình vĩnh hằng. Tình yêu này sẽ không sở hữu, bởi vì bạn sẵn sàng một mình vào bất kì lúc nào. Trong thực tế, bạn hạnh phúc khi sống một mình, bạn hạnh phúc khi sống cùng nhau - bạn không chọn lựa. Cả hai đều tốt. Bất kì trường hợp nào bạn cũng đều cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc của bạn không thể bị phá huỷ bây giờ; người khác có thể tận hưởng nó và chia sẻ nó nhưng không thể nào phá huỷ được nó.
Bạn có thể chia sẻ và bạn có thể phân phát nó và bạn có thể đem nó cho toàn thế giới; bạn có nhiều về nó tới mức bạn có thể ban phúc cho toàn thế giới bằng nó. Và nó cứ phát triển mãi; bạn càng cho nhiều, bạn càng thấy nó nhiều ở đó. Bây giờ bạn không là kẻ hà tiện; bây giờ sự hiện hữu của bạn không bị dè sẻn, bạn không đóng, không sợ. Bạn có thể cho, bạn có thể chia sẻ, bởi vì bạn biết cái vô hiện hữu của mình nữa. Bây giờ bạn không sợ việc là vô hiện hữu. Bây giờ bạn biết dứt khoát rằng nó là một phần của sự hiện hữu của mình và cái đẹp của sự hiện hữu của mình; nó là không gian bên trong bạn nơi bạn có thể di chuyển, điện thờ bên trong, ngôi đền thực. Ngôi đền tồn tại trong bạn.
Nếu bạn tìm ở thân thể mình thì nó tồn tại gần rốn. Đó là lí do tại sao người Hindus lại trở thành người nhìn rốn. Tại phương Tây mọi người đều cười; bất kì khi nào ai đó thiền họ đều nói, "Anh đã trở thành người nhìn rốn chưa?" Người Hindu biết trong thân thể... cái điểm chết mà người Nhật Bản gọi là hara thì người Hindus gọi là ngôi đền của thân thể. Họ nhắm mắt lại và họ đem tâm thức của mình về ngôi đền của thân thể. Thân thể bạn là ngôi đền bởi vì nó mang bạn. Và từ ngôi đền đó mà bạn đi vào sâu hơn, và thế rồi bạn thấy cái vô hiện hữu của mình - đó là ngôi đền lớn hơn của sự hiện hữu. Thân thể trở thành cánh cửa và khi bạn đạt tới điện thờ bên trong, được bao quanh bởi vô hiện hữu, trên ngai vàng là điều thiêng liêng. Đó là trung tâm của vô hiện hữu.
Mới hôm nọ một số người đã hỏi làm sao có thể để cho cái trống rỗng bên trong có được trung tâm. Có đấy. Nó có trung tâm duy nhất và không có chu vi - trung tâm ở mọi nơi và chu vi ở không đâu cả. Đây là điều phi logic... bởi vì bản thân logic là phi logic và không liên quan tới cuộc sống. Cuộc sống có logic riêng của nó, và cơ sở của logic của cuộc sống là các cái đối lập là không đối lập, chúng là phần bù cho nhau.
Cái trống rỗng có trung tâm. Bạn thấy bánh xe - tại trung tâm có cái trống rỗng, cái trục. Bánh xe là vật chất, cái trục là vô vật chất. Nhưng khi bạn đi vào, thì việc ngược lại mới là trường hợp xảy ra: trong trục là sự hiện hữu, và bánh xe là vô hiện hữu. Vô hiện hữu chính là hào quang của sự hiện hữu của bạn, ánh sáng của sự hiện hữu của bạn, không gian của sự hiện hữu của bạn, lãnh thổ của sự hiện hữu của bạn. Và nó là đẹp bởi vì nó tuyệt đối trống rỗng; nó thuần khiết bởi vì nó tuyệt đối trống rỗng - đừng sợ nó. Ngay từ ban đầu nó có vẻ giống cái chết; nếu bạn cho phép nó, thì nó trở thành phục sinh. Sau mọi cái chết bên trong đều có phục sinh.
Đó là ý nghĩa của câu chuyện về phục sinh trong cuộc đời của Jesus - không phải là ông ấy đã phục sinh về mặt vật lí mà là ông ấy đã trải qua cái chết, cây thập tự, và ông ấy đã tới cuộc sống bên trong nhất. Bạn phải trải qua cái trống rỗng - đó là cây thập tự. Mọi người đều phải qua nó. Không ai khác có thể mang cây thập tự đó cho bạn, bạn phải mang cây thập tự riêng của mình. Và chừng nào mà bạn còn chưa làm điều đó, chừng nào bạn còn chưa trải qua cái trống rỗng đó, thì bạn sẽ không đạt tới trung tâm bên trong nhất. Tại trung tâm bên trong nhất đó bạn không còn là cá nhân nữa, bạn đã trở thành bản thân Thượng đế.
Người Hindus nói, aham brahmasmi; người Hindus nói, ta là bản thân Thượng đế. Câu ngạn ngữ này bắt nguồn từ những người đã đạt tới điểm bên trong nhất, người đã trải qua phần vô hiện hữu và người đã đi tới điện thờ nơi Thượng đế có đó còn bạn thì không. Nhưng bạn đang cố gắng trốn thoát khỏi nó, bạn không biết cách dùng nó. Nếu bạn trống rỗng và bạn không có gì để làm thì bạn bắt đầu làm cái gì đó... bất kì cái gì. Bạn bật radio hay ti vi, bạn nghiên cứu báo chí, bạn đọc tiểu thuyết, bạn tới khách sạn hay bạn đi tới câu lạc bộ - bạn làm nhiều thứ. Bạn có thể làm bất kì cái gì, nhưng bạn không thể làm cái gì cả. Mọi người có ý tưởng rằng nếu bạn không thể làm cái gì đó có liên quan, thế thì làm cái gì đó chẳng liên quan, nhưng đừng ngồi yên.
Ngồi trống rỗng. Chỉ với việc ngồi trống rỗng người ta đi tới đương đầu lớn lao nhất của cuộc sống - người ta đương đầu với cái chết riêng của mình. Nếu bạn có thể trải qua điều đó, nếu bạn có thể vượt qua điều đó khi nhảy múa, hạnh phúc, tận hưởng nó, nếu bạn có thể được nuôi dưỡng ngay cả bởi cái trống rỗng, thế thì không cái gì có thể phá huỷ được bạn - bạn đã đạt tới cái vĩnh hằng, cái không thể huỷ diệt nổi, cái bất tử.
Đó là lí do tại sao nhấn mạnh của tôi bao giờ cũng vào thiền nhảy múa. Nó không chỉ là việc nhảy múa bên ngoài. Bên ngoài không là gì nhưng huấn luyện là dành cho bên trong. Bạn nhảy múa bên ngoài, bạn cứ nhảy múa bên ngoài - dần dần điệu vũ bên trong nảy sinh và thế rồi bạn có thể nhảy múa bên trong và di chuyển hướng tới trung tâm bên trong nhất, chính cốt lõi của sự hiện hữu. Nhớ lấy - cái chết có thể bị vượt qua chỉ bởi việc nhảy múa, cái chết có thể bị đánh bại chỉ bởi cái cười sâu sắc. Người ta có thể mang cây thập tự của mình chỉ bằng hạnh phúc, phúc lạc, cực lạc - buồn bã, nghiêm trang nó sẽ trở thành gánh nặng thế. Cái trống rỗng riêng của bạn sẽ trở thành gánh nặng đến mức bạn sẽ muốn trốn thoát khỏi nó, bạn sẽ thoát ra và đi vào thế giới.
Học nhảy múa bên ngoài, chỉ như việc huấn luyện, như kỉ luật, để cho điệu vũ bên trong trở thành có thể. Nó là tâm trạng, bầu không khí - nhảy múa là bầu không khí, nó chẳng liên quan gì tới bất kì hoạt động nhảy múa nào. Nó là bầu không khí, sôi sục bên trong của phúc lạc, rộn ràng của phúc lạc. Chỉ trên con thuyền đó mà cái phần rất rất khó cho bạn vượt qua mới được vượt qua. Bằng không thì người ta trốn đi. Khoảng khắc bạn đối diện với cái trống rỗng bên trong của mình thì bạn trốn mất, bạn trở nên khiếp hãi đến chết. Đó là lí do tại sao biết bao nhiêu người chưa bao giờ nghĩ về chính mình. Họ nghĩ về toàn thế giới, họ lo nghĩ cho toàn thế giới, nhưng họ chưa hề nghĩ về bản thân mình, bởi vì vấn đề dường như động chạm tới vết thương bên trong. Họ sợ.
Đừng sợ. Sự tồn tại của mọi thứ là tốt; bạn có thể tận dụng nó, nhưng nó là không đủ. Chừng nào bạn chưa học từ bây giờ để được cái trống rỗng phục vụ thì bạn cũng chưa học được nghệ thuật, nghệ thuật toàn bộ. Nếu bạn chỉ biết cách sống, bạn mới biết một nửa nghệ thuật; nếu bạn cũng biết cách chết, thế thì bạn biết toàn thể nghệ thuật - và toàn thể nghệ thuật sẽ làm cho bạn thành toàn thể.
Nhớ lấy, chừng nào bạn chưa chết thì bạn không thể nào được tái sinh. Như bạn hiện thế, bạn phải trải qua chết. Và bạn đang níu bám quá nhiều vào sống. Điều đó chẳng ích gì - chết sẽ tới. Nhưng chết tới theo hai cách. Một cách, cách thông thường nó tới: bạn níu bám lấy sống và nó tới như kẻ thù; bạn tranh đấu với nó, bạn kháng cự nó, bạn làm đủ mọi thứ mà bạn có thể làm để tránh nó. Nhưng làm sao bạn có thể tránh được nó? Ngày bạn được sinh ra thì chết đã trở thành chắc chắn; mọi việc sinh đều mang hạt mầm của chết. Trong thực tế, trong cuộc sống chẳng cái gì khác là chắc chắn ngoài điều đó. Mọi thứ nhiều nhất là có thể, nhưng cái chết là chắc chắn. Nó sẽ xảy ra. Bạn có thể tránh nó, bạn có thể trì hoãn nó một chút, nhưng điều đó không thay đổi được tình huống. Nó sẽ xảy ra. Một cách đối diện với chết là như kẻ thù, là cách mà chín mươi chín phần trăm mọi người đối diện với nó - và bỏ lỡ nó. Bởi vì sự thù nghịch của họ mà họ không thể dùng được nó, họ không thể được lợi bởi nó, họ không thể được cái chết phục vụ.
Có cách khác: chấp nhận chết như người bạn, chấp nhận nó như phần bên trong nhất của sự hiện hữu của bạn, tận hưởng nó, đón chào nó, sẵn sàng cho nó và khi nó tới thì ôm choàng lấy nó. Bỗng nhiên phẩm chất của chết thay đổi. Nó không còn là chết nữa, nó trở thành cánh cửa. Nó không còn phá huỷ bạn; ngược lại, bạn được nó phục vụ. Nó đưa bạn tới cái bất tử.
Chết đi - bạn sẽ phải chết. Nhưng chết một cách duyên dáng. Tôi không nói chết như người khắc kỉ, tôi không nói chết như một người rất có kiểm soát. Không, tôi nói chết một cách duyên dáng, đẹp đẽ, dường như người bạn đang tới, gõ vào cửa của bạn, và bạn hạnh phúc. Và bạn ôm choàng lấy người bạn ấy và mời người ấy vào nhà, và bạn đã chờ đợi người ấy lâu thế...
Nếu bạn có thể yêu chết thì bạn trở thành bất tử; nếu bạn có thể hiểu sự vô hiện hữu thế thì sự hiện hữu của bạn trở thành chính nền tảng của tính hiện hữu, chính nền tảng của Thượng đế. Nếu bạn có thể yêu cái vô hiện hữu thế thì không cái gì có thể phá huỷ được bạn, bạn đã siêu việt lên trên thời gian và không gian. Thế thì bạn đã trở thành cái toàn bộ, và đây là điều tính linh thiêng là gì - trở thành cái toàn thể là trở thành linh thiêng.
Xem Chương 8 Quay về Mục lụcQuay về Mục lục Toàn tập

Ads Belove Post