Read more
Osho - Thế giới những Mật Điển
Câu hỏi: Tình yêu là sự diễn tiến không ngừng nghỉ, khi nào tình yêu trở thành sự hiến dâng và phụng sự?
Tại sao trong Mật điển, bố thí thân được xem là rất quan trọng?
Xin hãy giảng cho chúng tôi về sự bám chấp và tự do?
Câu hỏi đầu tiên:
Tình yêu là một diễn tiến không ngừng nghĩ, khi nào tình yêu trở thành sự hiến dâng và phụng sự?
Dường như rất khó khăn để yêu một ai đó suốt 24 tiếng đồng hồ. Tại sao tình yêu xảy ra như thế được. Tình yêu có phải chăng là một quá trình tiếp diễn không ngừng nghỉ; và ở trạng thái nào tình yêu mới trở thành sự hiến dâng?
Tình yêu không phải là hành động; tình yêu không là điều có thể tạo thành và nếu tạo ra được nó không phải là tình yêu. Sự tạo tác không thể tham dự vào tình yêu, vì tình yêu là trạng thái chứ không là hành động cụ thể. Trong thực tế, không một ai có thể làm điều gì tiếp diễn suốt 24 tiếng đồng hồ. Và bạn có thể thể hiện tình yêu nhưng không thể yêu suốt 24 tiếng đồng hồ.
Bất cứ tạo tác nào cũng làm mệt mõi. Cố ý thể hiện, bạn sẽ chán nãn và ngán ngẫm vì đơn điệu. Thế nên; sau hành động cần phải thư giãn và đó là điều tối cần thiết. Vì muốn làm ra tình yêu, sau đó sẽ thư giản trong sự ghét bỏ.
Bạn chỉ có thể ngủ trong đối nghịch. Có nghĩa là muốn yêu tức thì có sự ghét bỏ và thù hận ẩn tàng bên trong. Đó là lý do tại sao trong tình yêu lúc nào cũng pha trộn chút hận thù làm hương vị.
Yêu trong khoảnh khắc; phút giây kế tiếp là sự căm ghét và oán hờn đồng hiện diện cùng một đối tượng. Cũng con người ấy nhưng đã trở thành đối tượng, "Yêu và Hận". Có phải chăng đó là sự mâu thuẫn của những người tình, hay vì tình yêu là sự tạo tác và biểu diễn cho nên tẻ nhạt và buồn chán?
Vậy điều tiên quyết trong nhận thức: Tình yêu không phải là sự biểu diễn; không phải là một vai kịch để biểu diễn. "Bạn không thể làm ra trạng thái; bạn chỉ có thể yêu nhưng không thể thể hiện trạng thái tình yêu." Nếu làm được quả là phi lý bởi vì tình yêu không cần nỗ lực và chút cố gắng nào. Nếu ráng sức để thể hiện, bạn sẽ mệt mõi và tuyệt vọng; vì tình yêu là trạng thái của tâm thức.
Đừng bao giờ nghĩ có một giới hạn hay quy định nào đó liên hệ với nghĩ suy trong trạng thái tâm thức. Nếu bạn yêu, đó là trạng thái và trạng thái tâm thức yêu tập trung hướng về một người hay toàn thể.
Tình yêu hướng về đối tượng được nhận biết như yêu một ai, một cá thể, một đơn vị. Nhưng khi tình yêu hướng về không mục tiêu, không đối tượng; tình yêu trở thành sự cầu nguyện. Khi bạn yêu không vì một đối tượng; tình yêu sẽ trở thành hơi thở chính mình.
Nếu cố gắng để thở chắc chắn sẽ mệt mõi; và nhất thiết cần thư giãn. Có nghĩa là bạn chết hay đã giết chết trạng thái của tình yêu. Nếu hơi thở là sự nỗ lực, đồng nghĩa thỉnh thoảng bạn có thể quên để rồi chết.
Tình yêu giống như hơi thở, tình yêu đồng nghĩa với hơi thở nhưng ở cấp độ cao hơn. Nếu bạn không thở bạn sẽ chết. Nếu bạn không có tình yêu; sự linh thiêng của bạn không thể là bẩm sinh.
Hãy giữ gìn hơi thở như hơi thở tâm linh, như sự linh thiêng sùng kính. Khi bạn yêu, tâm thức bạn trở thành sự sống, và sức sống đã hòa vào trở thành hơi thở.
Chúng ta thường nghĩ: "Chỉ được thở khi ở bên tôi và không được thở bất cứ nơi nào khác." Bạn sẽ chết tức thì và bạn gần tôi như là một xác chết vì bạn không có khả năng thở bên cạnh tôi.
Chuyện xảy ra cũng như tình yêu. Chúng ta cưỡng bách, chiếm hữu... Đối tượng tình yêu là sự tư hữu và người tình sẽ nói: "Đừng yêu bất cứ một ai mà chỉ nên duy nhất một mình tôi." Tình yêu ấy thu mình lại, co cụm, hạn chế. Người tình không thể yêu, tình yêu đã trở thành huyền thoại không thể xảy ra vì tình yêu đã chết.
Tình yêu không có nghĩa là bạn phải yêu một ai đó hay với nhiều người; mà là trạng thái tâm thức. Tình yêu giống như hơi thở. Ngay khi kẻ thù đang đứng đối diện, bạn vẫn cần phải thở.
Chúa nói: "Hãy yêu kẻ thù của con." Lời nói trở thành một vấn nạn cho những người Cơ đốc giáo. Làm sao hiểu ý nghĩa lời nói này: "Yêu kẻ thù của con"?. đó là sự tương phản; đối nghịch đầy mâu thuẫn.
Nếu tình yêu không phải là hành động cụ thể, nếu tình yêu là trạng thái tâm thức, thì không có gì để thắc mắc giữa kẻ thù và bạn. Đơn giản bạn yêu như bạn thở.
Giờ đây, có lẽ nên thử chiêm ngưỡng tình yêu ở khía cạnh khác. Có những người luôn luôn sống trong trong trạng thái ganh tị. Vì thế, khi muốn thể hiện tình yêu. Họ cần nỗ lực hay gắng sức để chiếm đoạt. Tình yêu ấy là tạo tác, là mưu mô trong chiến trận bởi vì tâm thức không ngừng diễn tiến trong trạng thái sân hận. Đối với họ, sự cố gắng là cần thiết.
Có những người luôn luôn sống trong phiền muộn, buồn chán. Vì thế phải cố gắng lắm mới có thể tạo ra nụ cười. Chẳng qua lúc nào họ cũng tự gây hấn với chính mình.
Cho nên nụ cười trở thành gượng gạo, giả tạo. Họ sắp đặt nụ cười theo một lập trình; có nghĩa là công thức hóa động tác. Nên nó chỉ giống như chứ không phải nụ cười xuất phát từ sâu thẳm nội tại. Nó chỉ là phô diễn hình thức bên ngoài.
Có những người họ luôn luôn trong trạng thái giận dữ... không sân hận một điều gì hay chỉ đơn giản là giận thì tình yêu trở thành nỗ lực. Nói cách khác, nếu tình yêu là trạng thái tâm thức thì giận dữ là sự nỗ lực. Bạn có thể giận dữ. Nhưng sự thực bạn không giận. Vì sáng tạo giận dữ cũng là sự cố gắng thể hiện. Nên giận dữ cũng là điều không thực.
Nếu Phật hay Chúa cố gắng giận phải cần rất nhiều nỗ lực. Có nghĩa là hiện tượng ấy không thực. Những ai không nhận biết mới có thể ngộ nhận, còn những ai ý thức, sẽ biết ngay sự giận này là giả mạo. Nó chỉ là lớp sơn, là sự sáng tạo.
Giận dữ không xuất hiện từ nội tại; điều ấy không thể xảy ra. Phật, Chúa không thể ghét một ai. Nhưng khi cần thiết thể hiện, nếu họ muốn thể hiện căm ghét hay giận dữ thì các ngài sẽ phải "làm ra như giận dữ".
Không cần nỗ lực hay thể hiện ganh ghét mà tập trung vào yêu thương để thay đổi trạng thái. Nhưng làm sao thay đổi trạng thái tâm thức. Làm sao yêu thương?
Đó không phải vấn nạn về thời gian tính: "Làm sao có thể yêu thương suốt 24 tiếng đồng hồ?" Tất cả trở thành phi lý và câu hỏi đã trở thành vô nghĩa.
Không phải là câu hỏi thuộc về thời gian. Nếu có thể yêu trọn vẹn trong một sát na, như thế là quá đủ, vì không thể có hai sát na cùng một lúc. Duy nhất chỉ một sát na. Khi sát na ấy trôi đi thì sát na kế tiếp xuất hiện, lúc nào cũng chỉ một sát na luôn hiện hữu.
Nếu yêu thương trọn vẹn được trong một sát na, bạn sẽ nhận biết những điều bí ẩn mà không cần thiết phải suy gẫm, trầm tư mặc tưởng suốt 24 tiếng đồng hồ hay cả cuộc đời.
Chỉ cần duy nhất một sát na của tình yêu và bạn sẽ nhận biết làm sao tràn ngập khoảnh khắc với tình thương. Thế thì khoảnh khắc tiếp tục đến cũng được rót đầy với tình yêu nồng ấm.
Hãy ghi nhớ, không phải là câu hỏi thuộc về thời gian tính. Vấn đề chỉ một sát na và một sát na không phải là mảng vụn thời gian. Không phải là một quá trình mà sát na là"ngay bây giờ" Chúng ta hãy rót đầy tình yêu ngay bây giờ vào cái gọi là hiện hữu.
Khi nhận biết làm sao sống trong một sát na với tình thương, bạn bước vào thế giới vĩnh hằng và thời gian không còn nữa. Đức Phật và Chúa sống ngay giây phút hiện tiền còn chúng ta sống trong thời gian.
Ý nghĩa thời gian là sự suy gẫm về quá khứ và suy nghĩ đến tương lai. Trong khi nghĩ về quá khứ hay tương lai, hiện tại đã trôi qua không còn nữa. Đồng nghĩa: lúc nào chúng ta cũng đánh mất thực tại.
Bạn đầu tư vào tương lai và quá khứ, hiện tại bị đánh mất, và chỉ có giây phút đang là. Vì quá khứ đã trôi đi, tương lai chưa xảy đến; cả hai đều không hiện hữu, tức là không có sự sống.
Chỉ mỗi một sát na, một sát na chính là sự sống duy nhất... "Ở đây và ngay bây giờ". "Nếu biết yêu thương sẽ biết được điều bí ẩn", vì tình yêu không thể sinh ra hay rót vào cùng lúc hai sát na. Thế thì không còn phiền toái về thời gian nữa.
Sát na luôn luôn thường hằng trong dạng thức ngay bây giờ. Đồng thời, không thể có hai dạng thức "bây giờ". Mỗi một sát na đều giống nhau; không có sự khác biệt của khởi đầu hay kết thức. Một sát na trôi đi không cách biệt với sát na sẽ đến. Nó chỉ âm thầm liên tục trong miên viễn thời không.
Phân tử thời gian ngay bây giờ luôn giống nhau, đó là lí do tại sao Eckhart nói: "Không có thời gian trôi đi. Thời gian luôn luôn giống nhau. "Thế nên thản nhiên trên một điểm mà trượt.?
Thời gian thuần khiết, hay thời gian nguyên thủy là giữ nguyên trạng thái của nó; chúng ta chỉ trượt trên đó. Do đó, đừng suy nghĩ về phải liên tục suốt 24 tiếng đồng hồ và cũng không cần thiết nghĩ về sát na hiện tại! Cứ thế mà yêu thương đừng quan tâm đến thời gian và tại sao.
Còn một điều nữa: "Suy nghĩ cần có thời gian, sống không cần thời gian." Bạn không thể suy nghĩ trong một sát na mà cần có thời gian rất dài. Thế nên trong mỗi sát na nếu muốn, phải dừng ngay sự suy nghĩ.
Vì suy nghĩ cơ bản là nền tảng chú ý về quá khứ hay tương lai. Những gì có thể suy nghĩ trong hiện tại, sát na suy nghĩ ngay lập tức đã trở thành quá khứ.
Khi chúng ta nói: "Đóa hoa tuyệt đẹp", ngay lập tức lời nói đã là quá khứ. Trong hiện tại, bạn có thể là nhưng không thể suy nghĩ. Có thể là với đóa hoa nhưng không suy nghĩ về đóa hoa vì sự suy nghĩ đòi hỏi cần có thời gian.
Trong phương cách khác, sự suy nghĩ là thời gian. Nếu bạn không suy nghĩ thời gian không tồn tại. Vì thế, trong Thiền định bạn thấy thời gian không hiện hữu. Đó là lí do tại sao trong tình yêu bạn cảm thấy sự vô tận.
Tình yêu không suy tính mà nó là sự hủy diệt tư tưởng và bạn rơi vào cái đang là... Khi cùng với người yêu, bạn không thể suy nghĩ về tình yêu, cũng không thể suy nghĩ về người yêu. Dứt khoát không có một suy nghĩ nào lan man cả.
Và nếu tư tưởng bắt đầu lang thang; tất nhiên, bạn không còn cùng với người yêu, mà đang lang thang ở một nơi nào đó. Suy nghĩ là vắng mặt bây giờ... Thế nên, bạn không còn đó mà đang lưu vong nơi một thế giới nào xa thẳm.
Đó là lí do tại sao có quá nhiều người bị thức phô diễn ám ảnh nên không thể yêu thương ngay khi họ ở đó. Cho dù họ đã đến cội nguồn hoàn thiện nguyên thủy, mặc dù họ giáp mặt Chúa.
Nhưng họ vẫn tiếp tục suy nghĩ hay cầu nguyện về người, thế nên đành đánh mất cơ hội cùng người đồng hành. Bạn có thể tiếp tục suy diễn về người, nhận ra người nhưng không bao giờ trở thành sự thực.
Khoảnh khắc hiện tiền của tình yêu là sát na vô tận. Không có nan đề "Làm sao yêu trọn 24 tiếng đồng hồ?", "Làm sao sống trọn 24 tiếng đồng hồ?" Bạn không còn nghĩ làm sao sống suốt 24 tiếng đồng hồ và làm sao tồn tại suốt 24 tiếng đồng hồ cho dù sống hay chết.
Điều căn bản cần nhận thức là không có thời gian, chỉ có bây giờ... và ngay bây giờ tâm thức sống trọn vẹn trong trạng thái tình yêu.
Tại sao có sự thù ghét? Khi sự thù ghét xuất hiện, nên truy tầm nguyên nhân của nó, độc nhất chỉ có tình yêu xuôi theo nó. Khi cảm thấy sự sống có nguy cơ hay ngột ngạt, sự thù ghét bất ngờ dâng trào trong bạn, khi cảm thấy mình sẽ bị hủy diệt, bạn bắt đầu tàn phá những người khác.
Đó là sự bảo vệ an toàn, nó là những mảnh vụn, những phần tử trong bạn đang vùng vẫy đòi tranh đấu cho sự sống còn. Bất cứ khi nào cảm thấy sự sống mình nguy cơ, bạn tự rót tràn đầy tâm thức những hận thù.
Ngoại trừ cảm thấy sự sống không rơi vào nguy cơ hay hủy diệt, ngoài ra bạn không thể yêu thương... Phật và Jesus yêu thương vì biết về sự bất tử (thế giới hiện lượng). Còn chúng ta thuộc về thế giới của cái chết (thế giới hiện tượng).
Mỗi một sát na trong thế giới này là mỗi sát na sợ hãi. Thế thì làm sao có thể yêu khi hoảng loạn. Tình yêu không thể tồn tại với sợ hãi. Trong sợ hãi chỉ có thể hình thành một kiểu dáng được mang tên là tình yêu.
Một lần nữa, tình yêu trở thành sự đo lường an toàn và bảo đảm. Khi yêu, bạn không sợ hãi. Vì thế, khi làm bộ như yêu bạn bớt run sợ, trong khoảnh khắc bạn quên đi sự chết.
Ảo giác đã được sáng tạo và bạn chấp thuận bởi sự sống; vì bạn không thể từ chối hay phủ nhận. Đó là lí do tại sao yêu và được yêu rất cần trong cuộc sống.
Khi đang yêu một ai đó bạn sáng tạo những ảo giác cần thiết chung quanh cho sự sống... ít nhất cũng vì một ai đó. Một ai đó đang cần bạn, thế thì không còn phù phiếm cũng không phải ngẫu nhiên. Bạn cần thiết ở một nơi chốn và nếu không có bạn thì sự sống họ trống trải. Đó là trạng thái tươi mát vì bạn có mục tiêu, vận mệnh, ý nghĩa và hữu ích.
Khi không yêu thương, bạn cảm thấy bị ruồng bỏ, bị khước từ, vô nghĩa, mất phương hướng và không còn hiện hữu. Nếu không ai yêu, bạn sẽ chết vì không một ai cảm nhận sự hiện diện của bạn thế thì bạn không còn tồn tại nữa.
Tình yêu cho bạn cảm giác cần thiết. Đó là lý do trong tình yêu con người cảm thấy bớt hoảng loạn. Lúc nào tình yêu không còn nữa, bạn bắt đầu rối loạn, sợ hãi. Trong khủng hoảng, bạn tìm cách bảo vệ mình để trở nên thù hận. Hận thù là chiếc áo giáp che chở. Sợ hãi trạng thái hủy diệt, mất mát và bạn bắt đầu tàn phá.
Trong tình yêu, bạn bằng lòng, chào đón... không chỉ là vị khách mời mọc, mà hơn thế nữa, bạn được mời gọi, hoan nghênh, tiếp đãi ân cần và chờ đợi đón nhận sự sống hạnh phúc mà bạn là.
Một khi bạn yêu, nó trở thành đại diện cho toàn thể sự sống nhưng tình yêu nầy được đặt trên nền tảng cơ bản của sợ hãi. Bạn tìm cách tự bảo vệ để chống lại sợ hãi, sự chết, sự dã man lãnh đạm và thờ ơ trong sự sống.
Sự sống nầy thì bàng quang và hoàn toàn dững dưng. Mặt trời, đại dương, những vì sao, trái đất hoàn toàn không quan tâm, để ý hay lo lắng cho bạn. Và sự xuất hiện của bạn cũng không có gì là quan trọng hay cần thiết.
Không có bạn tất cả mọi sự việc vẫn tốt đẹp; chẳng có gì để mất hay được. Cái nhìn sự sống ngoại vật không một ai nó rỗng tuyếch chẳng cần ân cần hay lo lắng cho bạn, ngay cả không nhận thức sự có mặt của bạn.
Ngay cả trái đất mà bạn gọi là "Mẹ" cũng chẳng thèm để ý. Khi bạn chết đi cũng chẳng xao xuyến hay buồn rầu. Chẳng có gì thay đổi, tất cả đều vẫn thế cho dù có bạn hay không.
Tất cả chỉ là sự tình cờ, một ngẫu nhiên nào đó và sự hiện diện của bạn không cần thiết. Chẳng ai mời gọi... nếu có, chỉ là phát sinh may rũi và chính điều nầy hình thành sự sợ hãi. Đó là những gì Kierkeaard gọi là "nỗi đau đớn", là nỗi cô đơn mơ hồ vi tế tiếp diễn không ngừng nghỉ rằng bạn không cần thiết.
Khi có một ai đó yêu bạn, bạn cảm thấy chiều không gian khác xâm nhập vào đời sống. Bây giờ, ít nhất có một người khóc than, xin lỗi và buồn rầu và có những giọt nước mắt vì bạn cần thiết cho họ. Ít nhất có một người nhớ nhung, cảm thức sự vắng mặt nếu bạn không ở tại đó. Ít nhất cho một người tăng thêm vận mệnh, mục tiêu vì sự hiện diện của bạn.
Đó là lí do tại sao tình yêu là cần thiết. Nếu bạn không yêu, bạn mất gốc rễ. Nhưng tình yêu nầy không phải là tình yêu tôi đang thảo luận. Tình yêu thế gian là mối liên hệ tình cảm và tương quan sáng tạo của ảo giác...
Ảo tưởng về sự hỗ tương: "Tôi cần bạn và bạn cần tôi. Tôi cho bạn sự huyền ảo ví như không có bạn, thiếu vắng bạn thì mục tiêu, ý nghĩa đời sống và cuộc đời tôi không còn nữa. Vậy chúng ta nên giúp đỡ bằng cách yêu thương nhau để tồn tại trong ảo tưởng và chúng ta sáng tạo chia sẻ sự đơn độc, đời sống riêng tư mà chúng ta cho là có giá trị và ý nghĩa."
Trong ảo giác tổng thể trung tính của không gian bao la rộng mở đã bị lãng quên.
Hai người tình khắng khít bên nhau, họ hình thành thế giới riêng. Đó là lí do tại sao tình yêu cần riêng tư và cá nhân nhiều như thế. Tình yêu cần riêng tư vì toàn thể thế giới bị quên lãng.
Chỉ còn có hai người tình tồn tại và trạng thái trung tính của sự sống đã mất hẳn. Khi cảm nhận yêu thương mất đi và người tình không còn nữa, trong thế giới cá nhân, đời sống bạn mới thực sự có ý nghĩa.
Tôi không bàn luận về tình yêu dưới dạng thức nầy vì đó là ảo giác. Tình yêu ấy nuôi dưỡng ảo tưởng và làm cho con người yếu đuối, mất nghị lực vì không thể sống thiếu sự huyển ảo. Vậy ai có thể sống mà không cần ảo tưởng huyễn hoặc. Phật và Chúa có thể sống không cần ảo giác vì các ngài không sáng tạo thế giới mơ hồ, ảo mộng.
Khi ảo giác không cần thiết, chiều không gian khác của tình yêu xuất hiện. Không phải là người nào đó cần đến bạn. Tình yêu đến như sự nhận thức, phát hiện rằng bạn không thể bị tiêu diệt hay có sự khác biệt nào từ sự sống có cái nhìn không thiên vị và trung tính.
Bạn là một phần tử của tình yêu rộng mở được kết hợp trong một tổng thể. Và nếu cây đang nở hoa, nó không phân cách với bạn. Bạn nở những đoá hoa trên cây và cây hồi sinh trong bạn.
Biển cả, cát và những ngôi sao, mọi vật trong vũ trụ hiện hữu trong bạn và bạn hiện hữu trong vũ trụ. Bạn không phải là hòn đảo bị cô lập mà là sự kết hợp tổng thể với vũ trụ.
Toàn thể vũ trụ thể hiện trong bạn và tự tánh bạn hiện hữu trong vũ trụ. Bạn không nên ngừng tiếp xúc để nhận và rõ biết, nếu không, bạn sẽ không bao giờ trải nghiệm tình yêu vì nó là trạng thái của tâm thức.
Nếu tiếp xúc không cần hình thành ảo giác riêng tư với một đối tượng duy nhất. Nếu không yêu một đối tượng riêng biệt, ý nghĩa sự sống vẫn tồn tại. Thế thì không còn một chút sợ hãi nào tồn đọng, ngay chính cái chết chỉ có thể hủy hoại hình tướng nhưng không thể tiêu diệt chân tánh vì chính bạn đã là sự sống.
Có những điều xảy ra trong Thiền định. Trong Thiền định, bạn là một phần tử rộng mở. Bạn đang trải nghiệm"Sự sống và tôi là một". Thế thì tình yêu tuôn chảy trong bạn, tình yêu không cần nỗ lực và gắng sức. Bạn không thể tạo tác tình yêu, tình yêu giống như hơi thở. Tận sâu thẳm bên trong bạn thở tình yêu; hơi thở vào và hơi thở ra, bạn đang hít thở tình yêu.
Tình yêu trưởng thành trong hiến dâng và phụng sự và điều tối hậu bạn không quên tình yêu giống như hơi thở. Khi nào bạn nhớ đến hơi thở bạn. Có bao giờ bạn quan sát không. Bạn chỉ nhớ khi nào có có vấn đề.
Khi cảm thấy khó chịu bạn biết rằng bạn đang khó thở; hay nói một cách khác, thực sự không cần thiết ý thức về hơi thở. Nếu bạn để ý, hơi thở sẽ thể hiện những chướng ngại trong quá trình vận hành. Do đó, không cần thiết mà chỉ là khoảng lặng, sự yên lặng không ngừng tiếp diễn trong tâm thức.
Khi bạn ý thức về tình yêu, về lòng tử tế, tình yêu nầy là trạng thái tâm thức. Trạng thái nầy ở khoảng giữa ý niệm chưa hình thành và tư tưởng nhưng vẫn còn có một cái gì đó chưa đúng cho đến khi ý thức về khoảng giữa không còn hiện diện.
Chỉ cần đơn giản hít tình yêu vào và thở tình yêu ra, thế là quên hết mọi sự chung quanh. Ngay cả tình yêu, vì tình yêu đã trở thành sự hiến dâng. Đó là việc tối hậu, một điều tối thượng có thể xảy ra... Hay bạn có thể gọi bằng bất cứ định danh nào mà bạn thích.
Tình yêu trở thành sự cầu nguyện, sự hiến thân độc nhất khi ý thức phải mất đi. Không có nghĩa là bạn trở thành vô ý thức, rỗng tuyếch không biết gì, mà là quá trình đi vào khoảng lặng ngay giây phút đó, cho dù mọi sự ồn ào vẫn nhiễu loạn vây quanh. Bạn không phải vô ý thức mà chính là không cần biết đến ý thức.
Sự rõ biết trở về tự nhiên. Sự trong sáng sẵn có không còn nhiễu loạn vì tự tánh đã trở về vĩnh hằng và bất diệt. Nên nhớ, khi nói về tình yêu có nghĩa là tôi không bàn thảo về tình yêu thế gian. Nhưng nếu cố hiểu theo tình yêu dung tục, nó trở thành nền tảng đầu tiên để các bạn hướng về sự trưởng thành trong dạng thức tình yêu không biên giới.
Thế nên, tôi không hề phản đối hay chống lại tình yêu các bạn.Tôi chỉ đơn giản chứng minh rằng: "Nếu tình yêu là nền tảng của sợ hãi, trốn tránh cô đơn, tình yêu đó là tình yêu thế gian, tình yêu tùy thuộc bản năng." Thế thôi, tôi không có ý xúc phạm, chỉ trích, phê phán mà chỉ là gợi ý về một sự thực. Vì sợ hãi nên cần đối tượng ban tặng cảm giác được mời mọc, chào đón nồng nhiệt để che đậy nỗi sợ hãi cô đơn. Ít nhất đối tượng cũng làm bạn giảm bớt sợ hãi.
Sự việc xem ra cũng tốt đẹp nhưng không phải là điều mà đức Phật hay Chúa gọi là "Tình Yêu", là trạng thái của tâm thức yên lặng; không phải là mối liên hệ tương quan giữa cá thể này với cá thể khác. Tình yêu vượt qua mối liên hệ riêng tư mà chỉ là đơn thuần yêu thương. Yêu thương vì yêu thương chứ không gì khác.
Bạn không thể có khả năng yêu thương như thế; ngoại trừ đã chuyển hóa tình yêu dung tục vào trong Thiền định; ngoại trừ rõ biết sự bất tử, tính đồng nhất sâu thẳm bên trong. Nếu không thì để đi đến tình yêu vượt biên giới này hoàn toàn khó khăn và gần như là sự không tưởng.
Vậy những kỹ thuật thiền định là sự hỗ trợ, giúp chúng ta trưởng thành từ mối liên hệ tình cảm bước sang trạng thái tâm thức tĩnh lặng. Nhưng nên nhớ đừng bao giờ suy gẫm về thời gian cho dù một chút. Vì thời gian không thích hợp, không liên quan đến tình yêu tuyệt vời này.
Câu hỏi thứ hai:
Đa số những kỹ thuật mà ông thảo luận thường sử dụng thân như là một khí cụ. Nguyên nhân nào Bố thí thân lại quá quan trọng trong Mật điển?
Có một vài điểm căn bản cần làm sáng tỏ. Bạn là thân vật lý, bây giờ chỉ là xác thân và không có gì nữa. Có thể bạn có khái niệm, quan điểm về linh hồn, về Atma, về sự bất diệt... Nhưng tất cả chỉ đơn giản là ý niệm, là một ý kiến.
Chẳng hạn, ngay bây giờ, bạn đang là thân xác nầy và đừng tiếp tục tự lừa dối linh hồn bạn bất diệt, linh hồn bạn là vĩnh cữu. Đừng bao giờ gạt gẫm mình bằng những ý tưởng hay lời nói như thế. Vì đó chỉ là ý niệm mà ý niệm là nền tảng của sợ hãi.
Bạn không nhận thức cái gì là linh hồn của sự sống. Nếu chưa thấm nhuần đến trung tâm hay tận cùng bên trong, ở một nơi mà người ta hoàn toàn rõ biết sự bất tử. Bạn chỉ nghe nói về bất diệt và cố gắng dựa vào khái niệm bởi vì bạn sợ chết. Vì biết chết là sự thực, nên tiếp tục mong ước và tin rằng bạn có mặt, tồn tại và bất diệt. Đó chỉ là để thỏa mãn sự ước mơ và trốn tránh nỗi sợ hãi căn để.
Tôi không nói không có linh hồn, cũng không kết luận tất cả đều rỗng tuyếch và không gì được gọi là bất diệt. Không, tôi không nói như thế. Nhưng khi nào bạn còn chú ý đến thân với ý niệm linh hồn là bất diệt; đó chỉ ý tưởng tri thức thu thập, lưu trữ vì bạn đang sợ hãi. Và đó cũng là lý do tại sao những người càng yếu đuối và già thì càng tin tưởng vào linh hồn vĩnh cửu, vào Phật hay Chúa, thế là hăng hái đi nhà thờ, chùa, thánh đường... bạn sùng tín một cách cuồng nhiệt. Vì mong rằng sẽ chiếm hữu được một mảnh đất nhỏ nào đó trên thiên đường, hay cõi cực lạc theo như các tu sĩ đã hứa. Nếu có dịp đến đó, bạn sẽ tìm gặp những con người già cả hay những con người yếu đuối, nhu nhược, thất vọng đang chen vai sát cánh để chờ xin visa nhập cảnh!
Tuổi trẻ lại đặt nền tảng căn bản trên thuyết vô thần; hầu hết đều như thế. Bạn càng trẻ thuyết hữu thần càng ít, càng trẻ bạn càng không tin tưởng và cho đó là mê tín. Tại sao thế? Vì bạn còn khoẻ mạnh cường tráng, sức sống đang dâng cao và bạn không nhận ra sự sợ hãi lẫn khuất đâu đó, nên vẫn vô minh về cái chết. Bạn không thấy cái chết cận kề và bất cứ lúc nào tử thần cũng có thể viếng thăm. Cái chết hình như xa xăm ở một nơi xa xăm nào đó và chỉ xảy ra cho ai đó chứ không phải bạn.
Càng về già, bạn bắt đầu cảm thấy bàn tay tử thần đang sờ mó đến. Khi cái chết càng đến gần; người ta bắt đầu tin tưởng và cần điểm tựa nào đó dù mơ hồ. Vậy chính sự sợ hãi là nền tảng tín ngưỡng. Khi con người bắt đầu tin tưởng cũng có nghĩa là họ bắt đầu trấn an mình bằng niềm tin tôn giáo.
Bạn chỉ là thân vật lý ngay bây giờ... và đó là sự thực. Bạn không biết gì về bất tử mà chỉ biết về cái chết. Tuy sự bất diệt sẵn có và bạn có thể nhận biết. Mù quáng trong tín ngưỡng không giúp ích gì cả. Chỉ nhận thức rõ biết mới có thể giúp được, mới có thể sáng tỏ đời sống vĩnh hằng như thế nào trong trải nghiệm. Còn với những khái niệm mù sương thì bạn cứ mãi mơ hồ trong ảo tưởng. Phải trải nghiệm kiên định và vững chải đó mới là vấn đề chính trong cuộc sống.
Vậy đừng để cho tri thức lừa dối, gạt gẫm và đừng nhận ý niệm về tín ngưỡng như là sự trải nghiệm. Đó là lý do tại sao Mật điển luôn khởi đầu bằng thân vật lý vì đó là sự kiện thực tế và bạn phải dứt khoát: nó không bao giờ là bạn.
Khởi đầu từ thân vật lý vì bạn an trú trong thân, nhưng vẫn chưa chính xác. Khi tôi nói bạn an trú trong thân, đó chỉ là một cách nói chứ chưa phải là điều chính xác. Vì tôi nói và bạn ghi nhận vẫn chưa phải là trải nghiệm.
Còn chú ý an trú trong thân vật lý, tất nhiên không phải là an trú trong thân. Bạn không biết bất cứ điều gì về thân vật lý nên bí ẩn của trải nghiệm vượt khỏi thân vẫn còn là một điều xa thẵm.
Nếu bạn tìm đến siêu hình học gia hay chuyên gia thần học, họ sẽ bắt đầu bằng linh hồn. Nhưng Mật điển lại hoàn toàn khoa học: "Mật điển khởi sự từ bạn ở đâu, chứ không phải một nơi chốn nào mà bạn có thể..."
Khởi hành từ ở đâu mà bạn có thể là một điều hoàn toàn vô lý. Không thể nào bắt đầu từ một điểm có thể là... mà chỉ có thể bắt đầu độc nhất một nơi đang là... Vì thế, mới gọi con đường không có điểm khởi đầu và kết thúc.
Mật điển không chỉ trích hay phản kháng thân vật lý; mà hoàn toàn chấp nhận tất cả mọi hiện hữu nơi bạn như chúng là... Thần học Cơ đốc giáo hay những tôn giáo khác lên án và kiên quyết chống lại thể xác.
Họ sáng tạo thuyết nhị nguyên và phân cách để chia chẻ bạn làm hai (linh hồn và thể xác). Thế là thể xác được coi như kẻ thù, là ma quỷ, là sự cám dỗ... Vì thế, chúng ta vội vàng thiết lập trận chiến giữa linh hồn và thể xác. Quả là một nền tảng hoàn toàn sai lầm và triết lý ấy phân rẻ tâm thức chỉ để hình thành đưa con đường rời xa sự thật.
Tôn giáo giúp cho tâm trí nhân loại trở thành tâm thần phân liệt hay đa nhân cách. Bất cứ sự chia chẻ nào phân đôi; bạn sẽ hằn sâu và lúc nào cũng trở thành hai, hoặc trở thành nhiều đa dạng thức thay đổi liên tục (thần thánh hóa) và bạn không thể là bạn thực sự.
Tất cả mọi người là vô số chia chẻ nên không thể hòa hợp với chung quanh hay trở về trạng thái nhất như của nguyên lý mẹ nền tảng vì họ đã xa rời hay không còn trung tâm.
Hơn thế nữa, không còn phân rẽ cho đến khi nào ý nghĩa của vũ trụ không còn tồn tại. "Thế giới là bất khả phân, ý nghĩa cá thể không thể phân rẽ." Nhưng các bạn thì chia chẻ quá nhiều với những sự việc.
Không phải tâm thức và thể xác tự phân chia nhưng tâm và thân bạn đã có khoảng cách do những triết gia và tôn giáo gia. Điều vô lý ấy đã hằn quá sâu, chẳng hạn như thân chia chẻ hai phần, phần dưới là ma quỷ và phần trên là thánh thiện. Điều ấy quả là ngu xuẩn vì nó đã sẵn có như vậy.
Ngay chính bạn giờ đây cũng không thể có cảm giác bình an với phần dưới vì đã có một vài sự nhiễu loạn lẻn vào trong. Đó là sự chia chẻ và phân đôi và khoảng cách gây nên khủng hoảng.
Mật điển chấp nhận tất cả vì khoảng cách không đủ rộng để phân rẽ bạn ra khỏi những sự vật. Bất cứ điều gì đều bằng lòng với cả trái tim mình. Đó là lý do Mật điển có thể chấp thuận tính dục một cách trọn vẹn và nhìn nó hoàn toàn tinh khiết.
Điều quan trọng là: "Chính ta hành động tính dục hay bản năng đưa đến sự thỏa mãn dục tính."
Cách đây 5000 năm Mật điển là truyền thống độc nhất thừa nhận tính dục. Tại sao thế? Bởi vì tính dục phải được di chuyển cao hơn, vượt khỏi dục tính bản năng và bất cứ sự chuyển động nào sắp sửa khởi động phải từ điểm bạn đang là.
Hiện giờ bạn đang ở dục tính bản năng; nguồn năng lượng ở tại bản năng. Từ mốc nầy dục tính phải được nâng cao hơn và vượt khỏi nó. Nếu phủ nhận, chối bỏ có nghĩa là tiếp tục tự lừa dối: Bạn đã tiến hoá cao. Nhưng thực ra bạn chưa hề di chuyển và loại bỏ ngay điểm tựa có thể giúp nâng trình độ lên cao.
Vậy Mật điển hoàn toàn chấp thuận mọi sự và nói:
"Trí huệ thừa nhận tất cả để chuyển hoá dục tính; chỉ vô minh mới khước từ. Vì ngay cả thuốc độc cũng có thể dùng để trị liệu nhưng phải được thông qua trí huệ."
Thể xác trở thành cỗ xe được sử dụng để vượt lên chính nó và nguồn năng lượng dục tính trở thành nguồn năng lượng linh thiêng. Nên nhớ khi hỏi: "Nguyên nhân nào thể xác được trao cho, và ban tặng quá quan trọng trong Mật điển?" Tại sao bạn lại đặt ra vấn đề ấy? Tại sao?
Được sinh ra thân nầy, sống như thể xác, yếu đuối như thể xác đầy bệnh hoạn. Bạn điều trị, thuốc men, giúp đỡ và làm tất cả để thân xác được lành mạnh. Bạn cảm thấy tươi trẻ khi thân thể còn tươi trẻ và khi già và bạn chết vì thân xác đã chết, bạn thấy mình không còn tồn tại.
Toàn thể cuộc sống được đặt tại trung tâm thân vật lý, trung tâm bao bọc thân. Nhưng khi bạn yêu một ai và sống với họ tất nhiên đã sáng tạo một thể xác khác. Bạn tái sản xuất hay làm tái sinh thân vật lý khác.
Bạn đang làm gì cho cuộc đời mình? Bảo tồn bản ngã. Bạn bảo quản, duy trì thực phẩm, nước và nơi trú ngụ cho cái gì? Bạn đang làm gì qua tái sản xuất thân vật lý. Toàn bộ đời sống của bạn 99.9% chỉ hướng về thân hủy diệt. Bạn có thể vượt qua thể xác, nhưng hành trình xuyên qua, cần phải sử dụng chính thân vật lý.
Những thắc mắc và nghi vấn, chẳng qua vì chưa sáng tỏ thân lúc nào cũng hướng ngoại và trong tận cùng sâu tận thẳm bên trong là biểu tượng tính dục. Chính vì thế những truyền thống chống đối dục tính lúc nào cũng lên án và xem thân là một chướng ngại. Những truyền thống không phản kháng hay phân cách tính dục thì có thể làm bạn hài hòa với thân vật lý. Mật điển luôn luôn vui vẻ, thân thiện và nói rằng: "Thân người là vô cùng quý giá, là một thánh thiện và linh thiêng."
Đối với Mật điển, chỉ trích thân là xúc phạm đến sự linh thiêng, những lời nói về thân không thuần khiết, hay thân là tội lỗi và đau khổ đều vô nghĩa với truyền thống và là những lý thuyết đầu độc và giết người.
Mật điển chấp nhận thân vật lý, không những bằng lòng mà còn xác định thể xác là vật linh thiêng, thuần khiết và thơ ngây. Bạn sử dụng thân như cỗ xe trung tính để làm bàn đạp vượt khỏi sự ràng buộc của nó.
Thân hỗ trợ vượt tất cả những chướng ngại. Nhưng nếu chúng ta tranh đấu với thân, chắc chắn sẽ mất định hướng và lạc lối. Càng chiến đấu với thân, càng vùng vẫy chống đối đồng nghĩa với đánh mất hay bỏ lỡ dịp may.
Tranh đấu là sự tiêu cực; làm hòa là sự chuyển hóa thành tích cực, vậy đừng mâu thuẫn với thân và điều ấy không cần thiết. Giống như bạn ngồi trong xe và chống cự lại với nó. Tất nhiên bạn không thể vận hành vì mãi lo chiến đấu, vì chiếc xe là dụng cụ vận chuyển chứ không phải để tranh đấu. Bạn có thể hủy diệt chiếc xe trong trận chiến hăng say để rồi càng lúc càng khó khăn hơn trong di chuyển.
Thể xác là một cỗ xe đẹp rất bí ẩn, nhẹ nhàng và huyền diệu. Thế nên, sử dụng nó như là phương tiện chứ đừng bao giờ tranh đấu với nó. Hỗ trợ và giúp đỡ nó trong tinh thần tương tác.
Khoảnh khắc bạn chống đối xác thân có nghĩa là bạn chống lại chính mình. Như muốn đi đến một nơi nào đó mà lại chiến đấu đối với đôi chân mình hay đòi cắt bỏ đôi chân quả là một điều phi lý.
Mật điển nói: "Nhận biết về thân, chắc chắn sẽ biết được điều bí ẩn. Nhận biết năng lượng của dục và làm sao chuyển hoá năng lượng, di chuyển cao hơn (hướng thượng) là chuyển hướng vào chiều không gian (môi trường) khác.”
Thí dụ, nhận biết dục tính như là năng lượng căn bản trong thân. Bình thường, năng lượng tính dục được sử dụng như phương tiện sinh sản để bảo tồn nòi giống. Từ thân vật lý nầy hình thành ra những thân vật lý khác và cứ tiếp diễn như thế không ngừng nghỉ.
Năng lượng hữu dụng tính dục trở thành công cụ để tái sản suất và sinh sôi nhưng đó cách sử dụng thân thấp nhất. Nói thế, không phải là sự trỉ trích mà chỉ ngụ ý đó là thấp và dung tục. Cơ bản sinh sản là hình thành hay sáng tạo cái gì đó... Có lẽ đây cũng là lý do phụ nữ cảm thấy nhẹ nhàng khi trở thành mẹ bởi vì họ sáng tạo một cá thể mới.
Theo các chuyên gia tâm lý học: "Phái nam không sinh sản như phụ nữ, nên họ có cảm giác bị nhiễu loạn và để loại trừ sự rối loạn nầy hay vượt qua nó, họ cần phải sáng tạo một điều gì khác."
Họ sẽ sơn nhà, ca hát, nhảy múa, nhậu nhẹt... hay làm một điều gì đó như là sự sáng tạo và điều này giống như trở thành người mẹ. Đó là một trong những lý do phái nữ thường kém phát minh hay ít năng động hơn phái nam. Bởi vì người nữ có được môi trường tự nhiên chính nó đã sẵn thiên chức sáng tạo. Họ trở thành mẹ và họ cảm thấy trọn vẹn, mãn nguyện và bình an. Nhưng trong sáng tạo sâu thẳm và bí ẩn thì lại không hẵn như thế.
Theo tâm lý học: "Tính dục là nguồn năng lượng sáng tạo." Vậy sự sáng tạo sẽ xảy ra nếu người sơn nhà thực sự lắng sâu trong sự tạo thành, ông ta hoàn toàn quên hẳn tính dục. Khi một nhà thơ nối kết, thả mình theo dòng thơ, ông ta quên đi dục tính và không cần sự thúc đẩy hay ép mình vào đời sống độc thân. Ngoại trừ những tu sĩ hình thành đời sống cô độc trong tu viện cần thiết phải giữ giới, giữ đời sống độc thân.
Cũng chính cùng một năng lượng nhưng bạn sáng tạo vận hành thông qua tính dục và tính dục chuyển hướng sáng tạo. Nhưng vẫn có thể quên hoàn toàn và không thiết bất cứ một nỗ lực nào để quên. Bạn không thể quên vì mỗi một cố gắng là thêm một lần quan tâm đến nó. Bạn không thể nào cố gắng để quên bất cứ sự việc gì, tất cả đều vô hiệu quả.
Đó là tại sao một số người sống độc thân trở thành tâm thần vì lúc nào họ cũng đối trị tính dục. Rồi dục tính mãi ám ảnh trong tâm trí; vấn đề cứ tiếp diễn trong đầu... Đó là sự sai lầm, hư hỏng vì tâm trí đã biến thái sang cuồng loạn. Vì thế, bất cứ sự sáng tạo nào cũng giúp đỡ, hỗ trợ dục tính không tồn đọng.
Mật điển nói:
"Nếu bạn chuyển động năng lượng đi vào thiền định, dục tính sẽ không tồn đọng; nó có thể hoàn toàn tan biến vào hư không."
Toàn bộ năng lượng được hấp thụ ở trung tâm cao hơn vì thân các bạn có rất nhiều trung tâm. Dục tính là trung tâm thấp nhất, con người tồn tại sống ở tại trung tâm này (Dục giới).
Càng nhiều năng lượng chuyển vận đến, trung tâm cao mới bắt đầu tuôn chảy. Năng lượng chảy đến trái tim thì chuyển hóa trở thành tình yêu (Sắc giới). Khi năng lượng tuôn chảy ở trung tâm cao hơn; chiều không gian mới mẻ và trải nghiệm khác lạ bắt đầu xuất hiện (Vô sắc giới). Năng lượng tuôn chảy ở cao độ nhất, Mật điển gọi là Sahasrar (Bách hội) là huyệt cuối cùng tại đỉnh đầu.
Dục là huyệt thấp nhất và Sahasrar là điểm cao nhất; giữa hai huyệt đạo nầy, nguồn năng lượng dục tính vận chuyển. Năng lượng dục có thể phóng thích, giải tỏa từ trung tâm tính dục.
Khi năng lượng được giải phóng từ trung tâm tính dục, bạn trở thành nguyên nhân của hành động tính dục. Năng lượng giải thoát từ Sahasrar bắt đầu từ đỉnh đầu vào vũ trụ, bạn tự ban cho mình sự tái sinh cũng có thể gọi là sự hồi sinh. Nhưng không phải theo quan điểm vật lý.
Điều linh thiêng tái sinh, người Ấn thường gọi họ là bẩm sinh tái sinh, "Dwij". Bấy giờ, chính tự mình sáng tạo cho mình cho sự sống mới. Cũng cùng một nguồn năng lượng vận chuyển hoạt động nhưng quan trọng là nó xuất phát từ đâu.
Mật điển không kết án hay quy tội, chỉ có kỹ thuật bí mật giúp làm sao để chuyển hóa. Và Mật điển bàn thảo rất nhiều về thể xác vì cần thiết. Thân xác phải được hiểu rõ ràng và tường tận mới có thể biết được bạn khởi đầu ngay vị trí nào.
Câu hỏi thứ ba:
Ông nói: "Tình yêu có thể tạo cho ông tự do." Nhưng thông thường tình yêu trở thành bám luyến và tham chấp thay vì tự do, thong dong. Tình yêu hình thành thêm nhiều vòng đay trói buộc. Vậy xin giảng cho chúng tôi về buộc ràng và tự do?"
Tình yêu trở thành trói buộc và quyến luyến bởi vì nó chưa phải là tình yêu. Bạn chỉ tham gia vào trò chơi, đùa giỡn và tự dối gạt mình. Vì thế bám dính là sự thực và cái mà bạn gọi là tình yêu chỉ là một màn kịch.
Vậy khi tương tư hay yêu ai, sớm muộn gì cũng khám phá ra: Bạn chỉ là công cụ và toàn bộ sự chán chường, buồn tẻ bắt đầu xuất hiện. Thế thì cơ chế của nó là gì; và tại sao tình yêu lại xảy ra như thế?
Cách đây vài ngày, có người đàn ông đến gặp tôi với cảm giác đầy tội lỗi: "Tôi yêu cô ta, tôi yêu cô ấy say đắm. Ngày cô ta chết, tôi khóc lóc và than thở, nhưng đột nhiên trong tôi có một ý thức mạnh mẽ và tự do. Có cái gì đó bên trong bốc cháy và giải phóng rời xa khỏi thân thể. Tôi cảm nhận hơi thở sâu lắng trong tư tưởng hình thành: Tôi tự do, thoải mái giống như được giải phóng."
Trong đau khổ, thoáng chốc ông ta nhận thức tầng lớp thứ hai của cảm xúc. Bề ngoài, ông ta than khóc và gào thét và nói: "Tôi không thể nào sống thiếu cô ta." Nhưng sâu lắng tự bên trong, ông ấy lại nói: "Tôi nhận thức được đang có cảm giác lành mạnh, tốt đẹp vì tôi hoàn toàn tự do."
Tầng lớp thứ ba là cảm nhận tội lỗi. Thức nói với ông: "Ông đang làm gì vậy, đang có một tử thi nằm trước mặt ông và cô ấy là người ông yêu." Thế là ông ta bắt đầu có cảm giác mình vô cùng tội lỗi.
Ông ta nói rằng: "Xin hãy giúp tôi. Việc gì đang xảy ra trong tâm trí. Có phải tôi là một kẻ phụ bạc không?"
Không có gì xảy ra, cũng chẳng có ai phản bội ai. Khi tình yêu trở thành ràng buộc và tham đắm, nó là sự thiêu hủy, cô lập, tù túng. Nhưng tại sao tình yêu lại bám luyến như vậy?
Vì các bạn trong sống trong ảo giác mà ngỡ rằng tình yêu. Các bạn đùa giỡn vớí chính mình và cho rằng đó là tình yêu. Thực tế, các bạn bám vào ảo giác và đi sâu hơn nữa sẽ trở thành nô lệ của ảo giác.
Đây là sự khủng hoảng vi tế của tự do, vì tất cả mọi người đều muốn làm nô lệ. Mọi người bàn thảo về tự do nhưng không một ai dũng cảm, quyết tâm bức phá xiềng xích vì nghĩ khi thực sự tự do thì sẽ rơi vào cô độc. Nếu bạn can đảm đơn độc bạn mới có thể thực sự tự do.
Nhưng không một ai đủ dũng cảm cô độc vì lúc nào cũng cần có một đối tượng. Tại sao bạn lại cần một người nào đó hay phải đến một cuộc vui nào đó? Vì bạn sợ đối diện với chính mình trong nỗi đơn độc, lẻ loi; thấy trở nên buồn tẻ. Và sự thực, khi cô đơn, dường như sự việc đều vô nghĩa. Thế là phải cần đến với một ai đó, và bạn phải có vị trí trong họ để chiếm hữu và sáng tạo những phù phiếm vây quanh. Bạn không thể sống đơn độc và cần phải sống với một ai đó.
Tương tự, những người khác cũng không thể sống cô đơn, họ phải đi tìm kiếm một người nào đó, nói một cách văn vẻ, họ đi tìm một nửa của mình. Thế là ảo giác và ngộ nhận xảy ra. Khi hai người sợ đối diện với cô độc kết hợp với nhau và thế là họ bắt đầu trò chơi,diễn tuồng "Màn kịch của tình yêu".
Nhưng càng đi sâu hơn họ càng cột chặt mình trong sự ràng buộc, bám luyến, giam hãm và nô lệ. Đó cũng là những lý do trong xã hội, mức độ ly dị ngày càng cao hơn.
Sớm hay muộn, bất cứ điều gì bạn khao khát cũng sẽ xảy ra. Đó là một trong những sự việc bất hạnh nhất trên thế giới. Khi điều ham muốn xảy ra, bạn nhận lấy và sớm hay muộn, trò chơi cũng sẽ biến mất.
Khi vở kịch hạ màn, tất nhiên sẽ chấm dứt vai trò. Khi bạn trở thành vợ và chồng, nghĩa là nô lệ với nhau, sau khi lập gia đình, tình yêu tan biến bởi vì ảo tưởng đã hoàn tất vai trò, nó phải tan biến vào hư không để hình thành một ảo hóa mới.
Bạn không bao giờ trực tiếp yêu cầu trở thành nô lệ; và cũng không thể trắng trợn với một người: "Hãy trở thành nô lệ của tôi". Họ sẽ chống lại bạn tức khắc. Khi sự ham muốn mãn nguyện, tình yêu phải ra đi. Thế thì ngục tù giam hãm hình thành sự nô lệ, phục dịch. Thế là các bạn bắt đầu đấu tranh và tạo chiến tranh để đòi hỏi tự do.
Hãy ghi nhớ điều nầy: "Đó là một trong những nghịch biện của tâm thức. Khi được những gì mình có; bạn sẽ chán và bất cứ điều gì không thoả mãn thì bạn chờ đợi, mong ước. Khi cô độc, bạn chờ nô lệ và được giam hãm. Khi bị tù túng thì đòi hỏi tự do. Thực sự chỉ có nô lệ mới mơ ước tự do; và con người tự do thì muốn trở thành nô lệ. Tâm thức là sự vận chuyển không ngừng như quả lắc, di chuyển dao động từ thái cực nầy sang thái cực khác chỉ trong tích tắc."
Tình yêu không bao giờ ràng buộc. Ràng buộc là đòi hỏi những gì cần thiết và tình yêu chỉ là con mồi. Bạn đang đi tìm con cá có tên bám luyến, thế là tình yêu trở thành con mồi để cá cắn câu. Khi cá bị mắc câu, mồi không còn giá trị nữa. Nên nhớ, bất cứ bạn làm điều gì, hãy lắng thực sâu bên trong để khám phá nguyên nhân căn bản hay chính nguồn gốc của nó.
Nếu là tình yêu chân chính, không bao giờ ràng buộc. Vậy cơ chế vận hành để tình yêu trở thành bám chấp là gì. Ngay trong khoảng khắc bạn nói với người yêu hay người tình: "Chỉ yêu một mình tôi." Thế là bạn bắt đầu hình thành tư hữu.
Trong giây lát, bạn chiếm hữu một ai hay cái gì, tức là sĩ nhục đối tượng một cách sâu sắc, bởi vì bạn đã biến thành vật vô tri, một món hàng để tư hữu. Khi tôi chiếm hữu, bạn không còn là một người mà đã trở thành món hàng như những bàn ghế trang trí... Ồ! chỉ là một món hàng. Và tôi sử dụng do sự chiếm hữu, vì thế không bằng lòng bất cứ một ai có quyền sử dụng bạn.
Đó là sự trả giá tôi chiếm hữu được bạn và tôi có quyền xem bạn như món đồ. Đó là sự thỏa thuận mua bán; và bây giờ không một ai có thể sử dụng bạn. Vì cả hai đồng hợp tác trói buộc và biến thành tình trạng nô lệ cho nhau. Tôi biến thành sự nô dịch của bạn và ngược lại.
Thế thì chiến tranh bùng nổ. Tôi muốn tự do và cũng muốn tư hữu, muốn làm chủ tự do của bạn và chính tôi. Đây là tranh đấu, là nỗi loạn nếu bạn muốn chiếm hữu và tôi bị bạn tư hữu. Như thế nếu không muốn bị chiếm hữu thì không nên tư hữu.
Sự chiếm hữu làm của riêng không thể nào xảy ra giữa hai người, khi duy trì đơn độc và chuyển động như sự độc lập của tâm thức tự do. Chúng ta có thể đến gần, có thể kết hợp, hòa hợp với nhau. Nhưng không một ai tư hữu. Thế thì không có vòng đay, không có tình trạng nô lệ và không có sự ràng buộc.
Sự bám chấp là một trong những điều tồi tệ nhất. Khi nói xấu xa nhất, tôi không có ý nói về tôn giáo mà chỉ nói về lãnh vực mỹ thuật. Vì khi ràng buộc, bạn đánh mất sự đơn độc, bạn mất hết tất cả. Chỉ vì cảm nhận một người nào đó cần đến bạn và muốn sống với bạn; bạn mất hết tất cả, bạn mất con người mình trong tư hữu.
Nhưng vẫn có những cú lừa: Bạn cố độc lập để làm cho người khác chiếm hữu, thì người khác cũng có thể làm giống hệt như vậy. Thế nên chỉ có một biện pháp duy nhất, đừng tư hữu nếu bạn không muốn bị chiếm hữu.
Chúa nói: "Đừng kết tội ai thì ta không bị kết án." Cũng giống như: "Đừng chiếm hữu thì không bị chiếm hữu." Hay "Đừng biến một ai thành nô lệ, nếu không bạn sẽ trở thành nô lệ."
Chủ nhân luôn là nô lệ riêng cho đối tượng nào đó. Bạn không trở thành chủ nhân một ai, cũng không trở thành nô lệ cho ai. Bạn chỉ chủ nhân khi không còn một ai là nô lệ.
Đó dường như nghịch lý, vì khi tôi nói bạn chỉ có thể là chủ nhân khi không một ai là nô lệ , bạn sẽ nói: "Vậy thì chủ nhân là gì? Làm sao tôi là chủ nhân khi không còn nô lệ?" Nhưng tôi nói: "Khi nào bạn là chủ nhân, thì không một ai là nô lệ và cũng không một ai cố gắng giải phóng sự trói buộc vì bạn là chủ nhân của chính mình."
Yêu tự do, cố gắng được giải phóng, ý nghĩa căn bản là: Phải hiểu rõ ràng, sáng tỏ và sâu sắc chính mình. Bấy giờ, bạn nhận biết đủ để hiểu về con người mình. Bạn có thể chia sẻ với ai đó, nhưng không lệ thuộc vào đối tượng.
Có thể chia sẻ bản thân. Có thể chia sẻ tình yêu. Có thể chia sẻ niềm hạnh phúc. Có thể chia sẻ niềm an lạc và sự yên lặng với người nào đó. Nhưng chỉ là sự chia sẻ chứ không là lệ thuộc. Nếu không có một ai, tôi vẫn hạnh phúc, vẫn bình an. Nhưng nếu có ai đó thì cũng tốt và tôi có thể chia sẻ.
Khi hiểu rõ sự trong sáng nội tại ngay trung tâm, khi đó bạn mới có thể yêu thương mà không tư hữu hay bám chấp. Nếu không biết về trung tâm, tình yêu sẽ trở thành sự ràng buộc. Nếu biết được trung tâm bản thể, tình yêu sẽ trở thành hiến dâng và phụng sự. Nhưng đầu tiên cần phải biết yêu mới có thể buông bỏ được tình yêu thế nhân.
Đức Phật đi qua khu làng, có một chàng trai trẻ đến và nói: "Xin dạy con một điều. Làm sao con có thể phụng sự người khác?" Đức Phật mĩm cười: "Đầu tiên trở về gốc, hãy quên hết mọi người. Trước tiên, phải rõ biết chính con; thế rồi mọi sự việc sẽ theo sau."
Bây giờ bạn nói : "Không thể yêu vì khi yêu một ai, tự nhiên sẽ trở thành tư hữu, riêng tư." Bạn nói bạn không yêu, thì bất cứ hành động nào bạn làm cũng không đúng vì người hành động vắng mặt.
Ý thức nội tại không hiện diện và bất cứ việc gì bạn làm đều hỏng bét. Vậy đầu tiên bạn trở về nguyên thủy của động từ "là"; rồi sau đó có thể chia sẻ trạng thái, và pháp chia sẻ chính là tình yêu không biên giới. Còn trước đó, những gì bạn làm đều là bám chấp và tham luyến.
Cuối cùng, nếu bạn chiến đấu chống lại ràng buộc, có nghĩa là bạn chọn sai hướng đi. Bạn có thể đấu tranh, nổi loạn. Rất nhiều tu sĩ đã làm như thế vì khi cảm thấy mình bám luyến vào nhà cửa, tài sản, vợ con và bị giam hãm, tù túng.
Họ đào thoát, chạy trốn. Bỏ tất cả để trở thành khất sĩ và quy ẩn trong núi non, rừng rậm để tìm lấy sự cô độc. Nếu tiếp tục quan sát, bạn sẽ nhận ra họ vẫn bị ràng buộc với hoàn cảnh mới chung quanh.
Tôi đến thăm một người bạn sống ẩn dật dưới những cổ thụ trong rừng sâu, nhưng cũng có những vị tu khổ hạnh khác sống gần đó. Và việc xảy ra như thế nầy, tôi ở gốc cây với người bạn ẩn tu. Có người mới tới đến tìm chỗ trú trong khi bạn tôi ra bờ sông tắm. Dưới gốc cây, người khổ hạnh bắt đầu ngồi thiền định.
Ông ta trở về thấy thế đuổi người mới nầy đi và nói: "Đây là gốc cây của tôi. Ông nên đi tìm chỗ khác; không ai có thể ngồi thiền dưới gốc cây của tôi."
Người đàn ông đó đã từ bỏ vợ, con, tài sản. Nhưng bây giờ, gốc cây là tài sản do ông tư hữu." Ông không thể thiền định dưới gốc cây của tôi."
Bạn không thể nào dễ dàng chạy thoát khỏi sự bám chấp. Nó thay hình đổi dạng và bạn bị lừa đảo vì tham lúc nào cũng sẵn có. Vậy đừng tranh đấu với tham chấp và sự bám luyến.
Chỉ nên cố gắng để hiểu tại sao tham lúc nào cũng sẵn sàng hiện diện; và một khi nhận biết được nguồn gốc sâu sắc của tham. Bạn không còn hiện hữu trong thế giới tình yêu thế nhân.
Tự bên trong bản thể bị lưu vong, bạn đã vắng mặt từ lâu lắm, bạn nương dựa bất cứ cái gì để có cảm giác an toàn, bảo đảm. Bạn không là nguồn gốc, cội rễ mà chỉ nỗ lực tạo tác để có thể thay thế cho gốc rễ. Khi trở lại cắm rễ thực sâu, trong chính bạn nhận biết mình là ai. Sự xuất hiện này là gì và sự sáng tỏ rõ biết là gì. Thế rồi không còn dựa vào bất cứ cái gì nữa.
Như thế không có nghĩa bạn không biết yêu thương. Bạn chỉ có thể yêu thương thực sự khi nào sự chia sẻ có thể xảy ra vô điều kiện. Không chờ đợi để đáp ứng. Bạn đơn giản chia sẻ vì bạn có rất nhiều, vì bạn có quá nhiều nguồn năng lượng đang tuôn chảy cuồn cuộn bên trong.
Nguồn tuôn chảy trong bản thể chính là tình yêu không biên giới. Khi nguồn năng lượng ngập tràn, khi toàn thể năng lượng vũ trụ ngập tràn và tình yêu rộng mở sờ chạm đến những vì sao. Với tình yêu toàn thể, mặt đất sẽ an lành và tình yêu toàn thể chuyển động trong vũ trụ là cam lồ gội rửa để trở thành sự hiến dâng.