Ao vong la hinh bong cua Brahman

Ao vong la hinh bong cua Brahman

Price:

Read more

Có hai thuộc tính: ảo vọng, ảo tưởng, cho linh hồn vũ trụ, cho linh hồn hiện thân. Khi bỏ hai cái đó, cái thấy được chính là Param Brahman phúc lạc, hoàn toàn đúng đắn, ý thức - thực tại tối cao tối hậu.
Lời kinh này có hơi khó hiểu. “Thượng đế có thuộc tính ảo tưởng và linh hồn hiện thân có thuộc tính của người dốt nát.” Gọi nó là thuộc tính hay gọi nó là bệnh tật. “Thượng đế có thuộc tính ảo tưởng.” Chúng ta cần hiểu thấu hiểu biết này. Đây là điều hơi phức tạp và tinh tế; cố gắng hiểu nó. Có nhiều, nhiều cách lĩnh hội trong tâm trí con người. Hiểu một số cách lĩnh hội, và rồi chúng ta có thể đi vào lời kinh được.
Một khó khăn bao giờ cũng có đó cho bất kì ai hay suy nghĩ là ở chỗ nếu người ta chấp nhận Thượng đế thì lại trở nên rất khó chấp nhận thế giới này; nếu chúng ta chấp nhận Thượng đế, chúng ta trở nên rất khó giải thích được thế giới này. Chẳng hạn, nếu Thượng đế đã tạo ra thế giới này thì tại sao nó đầy những bệnh hoạn, khổ, đau đớn và tội lỗi thế? Nếu Thượng đế đã tạo ra thế giới này thì cần gì phải đẩy con người vào dốt nát đến thế? Con người không thể phải chịu trách nhiệm cho tất cả những điều này, chỉ Thượng đế mới phải chịu trách nhiệm chứ.
Vài ngày trước đây một linh mục Ki tô giáo đến gặp tôi. Tôi hỏi ông ta rằng ông ta đang làm việc gì. Ông ta trả lời, “Chúng tôi đang bận chiến đấu với tội lỗi.” Tôi nói, “Tội lỗi à! Tội lỗi đến từ đâu vậy?” Ông ta nói, “Nó do Quỉ tạo ra.” Đến đấy thì ông ta vẫn còn cảm thấy dễ dàng. Thông thường không ai hỏi sâu thêm vào những vấn đề như vậy, bởi vì nếu làm như thế thì tình trạng lúng túng sẽ nảy sinh. Tôi hỏi ông ta, “Ai tạo ra Quỉ?” Thế là ông ta cảm thấy hơi khó chịu, bởi vì bây giờ sự việc trở thành có vấn đề. Ông ta sợ nếu ông ta nói rằng Thượng đế tạo ra Quỉ thì điều đó trở nên khó khăn, vì nếu Thượng đế đã tạo ra Quỉ, và Quỉ tạo ra tội lỗi thì tất cả cái hỗn độn luẩn quẩn này là gì? Không lẽ Thượng đế không có đủ thông minh để đừng tạo ra Quỉ à? Và thậm chí Thượng đế có lỡ lầm tạo ra Quỉ thì đâu là khó khăn nếu bạn và tôi lỡ phạm phải tội lỗi? Và nếu tội lỗi là do Quỉ tạo ra, còn Quỉ lại do Thượng đế tạo ra, mà chúng ta thì phạm tội lỗi, vậy thì ai phải chịu trách nhiệm? Chúng ta chỉ là nạn nhân, bị trừng phạt không cần thiết. Chúng ta không liên quan gì đến nó cả.
Thượng đế tạo ra chúng ta, Thượng đế tạo ra Quỉ, Quỉ tạo ra tội lỗi, chúng ta phạm tội - trong toàn bộ cái vòng này chúng ta trở nên có trách nhiệm ở đâu? Chúng ta không tạo ra Thượng đế, chúng ta không tạo ra Quỉ, chúng ta không tạo ra tội lỗi - và chúng ta đau khổ không cần thiết trong cái đống hỗn độn này.
Vị linh mục trở nên hơi bất ổn. Ki tô giáo không có câu trả lời cho nó. Khó mà tìm được câu trả lời với bất kì những người này vì nó có quá nhiều vấn đề. Hay ai đó... chẳng hạn, người Zoroastrian tin, như Zarathustra nói, rằng Thượng đế và Quỉ là hai phần tử. Không ai tạo ra ai, cả hai đều vĩnh viễn. Bây giờ trong niềm tin này nguy hiểm còn lớn hơn, bởi vì nếu cả hai đều vĩnh viễn thì không ai trong hai người này có thể thắng hay thua được cả. Thượng đế và Quỉ sẽ cứ đánh nhau hoài. Và bạn là ai - bạn là chiến trường cho họ đánh nhau chăng? Không ai trong cả hai có thể thắng hay thua vì cả hai đều vĩnh viễn.
Người Zoroastrian cũng trong khó khăn nếu họ không tin cả hai đều vĩnh viễn và nói rằng Quỉ có thể bị đánh bại, bởi vì thế thì câu hỏi lại nảy sinh: Làm sao nó vẫn chưa bị đánh bại cho đến giờ? Bao nhiêu thế kỉ đã qua mà nó vẫn chưa bị đánh bại. Và đâu là đảm bảo cho thất bại của nó trong tương lai? Trong thực tế, tình huống dường như đối lập lại - rằng Quỉ lại thắng. Với nó bị thất bại chỉ là một giấc mơ xa xôi; Quỉ dường như ngày nào cũng thắng.
Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng gần đây, năm 1970, ở California, Mĩ, một nhà thờ mới đã dược đăng kí dưới cái tên Nhà thờ đầu tiên về Quỉ. Nó có môn đồ và tổng giám mục, và họ đã in kinh thánh của riêng họ và công bố, “Chúng ta đã có đủ thời gian để kinh nghiệm rằng Thượng đế đang bị thất bại và Quỉ đang thắng.”
Điều được nói dường như phải. Nếu ta nhìn vào thế giới thì phát biểu của họ dường như không có gì sai cả. Đệ tử của Quỉ thắng và đệ tử của Thượng đế bị thất bại. Đệ tử của Quỉ chiếm địa vị cao còn đệ tử của Thượng đế thì vẩn vơ đây đó.
Bạn có thể tự mình thử - bây giờ ngay cả đệ tử của Thượng đế cũng đã học được mẹo. Họ vẫn tụng niệm danh xưng của Thượng đế, nhưng nhận các thứ Quỉ cho; họ đã hiểu ai thực sự thắng. Trong tính toán cuối cùng thì chính Quỉ thắng. Nhưng nỗi sợ vẫn còn lẩn khuất trong tâm trí rằng có lẽ, bởi sai lầm nào đó, Thượng đế lại thắng thì sao! Cho nên họ vẫn giữ tụng niệm danh xưng Thượng đế: Rama, Rama, Rama. Họ vẫn cố ngồi trong cả hai con thuyền - mọi người thận trọng đều giống thế.
Khi có nhu cầu, họ nhận công việc từ Quỉ, còn khi không có nhu cầu và họ có thời gian tự do, họ quay sang cầu nguyện lần tràng hạt để làm vui lòng Thượng đế. Một loại thoả hiệp được duy trì, một loại cân bằng nào đó. Và thế thì ai biết được đến cuối cùng ai sẽ thắng? Nếu thế giới cho bất kì chỉ dẫn nào, đấy chỉ là thắng lợi của Quỉ. Thắng lợi của Thượng đế không thấy ở đâu cả. Việc tốt dường như không tăng lên mà việc xấu dường như cũng không giảm đi. Ánh sáng dường như không tăng lên mà bóng tối cũng dường như không giảm đi.
Cho nên có rắc rối trong việc tin Quỉ là vĩnh viễn. Và nếu người ta tin rằng nó không là vĩnh viễn, rằng Quỉ chung cuộc sẽ thất bại – không thành vấn đề việc nó thắng đến đâu trong thời kì ở giữa, vì đến cuối nó sẽ bị thất bại - thì đâu là đảm bảo cho điều đó? Đâu là đảm bảo cho những việc như thế xảy ra? Người đang thắng bây giờ thì sao sẽ thất bại về cuối? Dường như không có nhất quán hay logic trong niềm tin rằng người đang thắng sẽ đột nhiên bị thất bại về cuối.
Điều này vẫn còn là câu hỏi vĩnh viễn cho loài người. Các tôn giáo khác nhau đã dự kiến những phương pháp khác nhau để giải quyết vấn đề nhị nguyên này, nhưng không giải quyết được gì cả. Quan niệm của Upanishad dường như ít sai lầm hơn cả khi so sánh với tất cả các phương pháp đó - chỉ sai lầm ít nhất, nhưng không hoàn toàn đúng. Nhưng nếu nó đủ trọng lượng đối chọi với tất cả các quan niệm khác thì ý tưởng của Upanishad dường như là đúng đắn nhất - không hoàn toàn đúng, chỉ là đúng nhất.
Upanishad nói rằng không có đối lập giữa Thượng đế và thế giới: không có Quỉ, và không có quyền năng nào đối lập với Thượng đế. Vậy thì thế giới này được tạo ra như thế nào? Upanishad nói rằng Thượng đế không tạo ra thế giới này bằng cách tạo ra một thành phần đối lập nào đó để làm công việc đó. Trong chính con người Thượng đế, trong chính sự rực rỡ của Thượng đế - cái mà họ gọi là ảo vọng, ảo tưởng - trong chính bóng hình của Thượng đế - cái mà họ cũng gọi là ảo vọng, ảo tưởng – thì thế giới là vậy, hệt như một người đứng đấy và bóng người đó tự nhiên hình thành. Không có sự tồn tại rắn chắc của cái bóng: lưỡi gươm không thể chém đứt nó, lửa không thể đốt cháy nó, nước không thể nhấn chìm nó. Bạn cứ thử mọi cách đi, nó vẫn tồn tại. Nó không có sự tồn tại thực, nó chỉ là cái bóng. Nó bước sau bạn; nếu bạn chạy, nó chạy theo bạn, nếu bạn dừng nó cũng dừng.
Upanishad nói rằng bất kì khi nào cái gì đó tồn tại, nó cũng có cái bóng của nó. Và những nghiên cứu mới nhất trong khoa học và tâm lí cũng ủng hộ cho sự kiện này. Để điều này được hiểu rõ. Không có gì tồn tại mà không có cái bóng. Bất kì cái gì có đó cũng đều tạo ra hình bóng. Nếu có Brahman, thực tại tuyệt đối thì nó cũng phải có cái bóng. Cái bóng đó họ gọi là ảo vọng, ảo tưởng. Cái bóng của thực tại tuyệt đối là thế giới này.
Jung, một nhà tâm lí học lớn, đã nghiên cứu rất nhiều về thực tại này từ một chiều hướng khác và ông ấy đã thấy rằng mọi người cũng có sự tồn tại hình bóng, nhân cách hình bóng. Bạn cũng nên hiểu điều này bởi vì cả bạn nữa cũng có sự tồn tại hình bóng của mình. Bạn là người tốt, an bình và kiên nhẫn, và bạn không trở nên giận dữ. Nhưng một hôm bỗng nhiên, với một việc cỏn con, bạn trở nên giận dữ thái quá đến mức nó vượt ra ngoài hiểu biết riêng của bạn, bạn không biết việc gì đang xảy ra và ai đang làm việc này. Bản thân vấn đề đâu có nghiêm trọng đến mức sinh ra bất kì giận dữ nào, mà bạn thì cũng không phải là người quen trở nên giận dữ - bạn không trở nên giận dữ ngay cả với những vấn đề lớn, nghiêm trọng! Nhưng hôm nay, với việc cỏn con này, bạn đang phát rồ.
Đó là lí do tại sao sau đó người ta thường hay nói, “Sự việc đã xảy ra bất chấp cả tôi. Tôi đâu có chủ định mà nó cứ xảy ra.” Sao vậy? Làm sao điều đó đã xảy ra? Bạn đâu có định làm việc đó, thế thì làm sao nó xảy ra được? Đôi khi bạn không định nói điều gì đó nhưng nó lại bật ra từ mồm bạn. Bạn đơn thuần không muốn nói điều đó còn nó lại phun ra từ mồm bạn. Sau đó bạn hối hận rằng, “Tôi chưa bao giờ nghĩ tôi sẽ nói điều đó; tôi đã quyết định không nói nó, thế mà nó lại buột ra!”
Jung nói rằng bạn có nhân cách hình bóng của riêng bạn trong mọi điều mà bạn chối bỏ, nhưng bên trong thì bạn cứ tích luỹ nó. Đôi khi tìm ra một cơ hội nào đó, trong một thời điểm yếu đuối nào đó nó tìm ra một khe nứt trong hệ thống, thế là nhân cách hình bóng biểu lộ chính nó. Vì nhân cách hình bóng này mà một bệnh tật nghiêm trọng, được biết tới với tên ‘đa nhân cách’, đã thành chủ đề nghiên cứu trong tâm lí học. Một người bị phân làm hai phần. Đôi khi sự việc xảy ra là trở thành có hai nhân cách phân biệt trong con người - dường như là có hai người bên trong một người. Người này nói một điều và làm điều khác, không có phối hợp; người đó là một người này trong buổi sáng và là người khác trong buổi tối. Lời nói của người đó, con người người đó - không cái gì hoàn toàn tin cậy được. Bản thân người đó đáng sợ như điều người đó làm và điều người đó nói, đơn thuần không có hài hoà. Cứ dường như là có hai người bên trong người đó. Đôi khi người đó rất an bình, đôi khi rất khuấy động; đôi khi yên lặng, đôi khi huyên thuyên - người đó chỉ phân chia ra làm hai phần.
Có hàng nghìn những người điên như thế trong hàng nghìn nhà thương điên. Bệnh tật của họ là ở chỗ bỗng nhiên họ hoàn toàn mất một nhân cách và trở thành người khác hẳn. Chỉ mới hôm qua người đó là Rama, rồi bỗng nhiên điều gì đó xảy ra - một tai nạn, hay người đó bị ngã và bị thương ở đầu - và người đó trở thành Rahim. Bây giờ người đó đơn thuần không nhớ rằng người đó là Rama; người đó không nhận ra bố mình, mẹ mình hay vợ mình. Bây giờ người đó tuyên bố người đó là Rahim và đưa ra một giải thích hoàn toàn khác về cuộc đời mình mà không có gì liên quan tới gia đình này cả - thậm chí không quen biết gì.
Điều gì đã xảy ra vậy? Trong tai nạn nhân cách chính của người này đã bị đẩy vào hậu cảnh do cú sốc của tác động và nhân cách hình bóng đã trở nên hoạt động, cho nên người đó đã thay đổi tên mình và mọi thứ khác. Việc mang nhân cách hình bóng này cũng bị đảo ngược lại bởi cách trị liệu gây sốc. Đôi khi khi người này được chữa khỏi thì người đó lại trở thành Rama, con người trước đây, và toàn bộ hành vi của người đó thay đổi trở lại nhân cách nguyên gốc.
Nhân cách hình bóng này ẩn kín trong mọi người. Nếu chúng ta mô tả điều này theo ngôn ngữ Upanishad, thì đó là dốt nát, avidya, cái bị gắn vào mọi người - đó là nhân cách hình bóng của người đó. Giống như đó là ảo tưởng, ảo vọng được gắn vào Brahman, thực tại tối cao - đó là nhân cách hình bóng của nó. ảo tưởng này không đối lập với Brahman, nó chính là cái bóng, một phần bản chất của con người nó. Thế giới này không phải là kẻ thù của Brahman, nó chỉ là cái bóng của chính sự tồn tại của Brahman. Nếu chúng ta cố hiểu điều này theo ngôn ngữ khoa học thì có thể trở nên dễ nắm bắt hơn, nếu không thì không dễ gì hiểu thấu được hết cả.
Năm 1960, một nhà khoa học đã được giải thưởng Nobel vì phát minh ra phản vật chất. Đây là một thế giới rất kì lạ: phản vật chất. Phát minh của người này là ở chỗ trong thế giới này có vật chất và cũng có cái đối lập của nó, phản vật chất. Mọi thứ đều có cái đối lập. Không cái gì trong thế giới này tồn tại mà không có cái đối lập nó cả. Chẳng hạn, nếu có ánh sáng thì cũng có bóng tối; nếu có sống thì cũng có chết; nếu có nóng thì có lạnh; nếu có đàn ông thì cũng có đàn bà. Toàn bộ thế giới đều tồn tại thông qua nhị nguyên. Bạn có thể quan niệm được một thế giới chỉ có đàn bà và không có đàn ông không? Điều ấy không thể được. Bạn có thể quan niệm về một thế giới chỉ có đàn ông mà không có đàn bà không? Điều ấy không thể được. Sự phối hợp là sâu sắc đến mức khi trẻ con được sinh ra thì cứ một trăm mười lăm đứa con trai sinh ra lại có một trăm đứa con gái sinh ra; nhưng đến độ tuổi mười lăm thì mười lăm đứa con trai đã chết và tỉ lệ con trai và con gái thành ngang nhau.
Các nhà sinh vật nói rằng bởi vì con trai yếu hơn con gái nên tự nhiên phải cho sinh ra nhiều con trai hơn, bởi vì đến trước độ tuổi mười lăm, tuổi hôn nhân được, thì mười lăm đứa con trai sẽ chết. Bạn có thể ngạc nhiên mà biết rằng theo sinh học thì đàn bà khoẻ hơn đàn ông. Sức mạnh của đàn ông là cơ bắp; người đó có thể nâng một tảng đá lớn hơn nhưng người đó không thể mang nỗi đau lớn hơn. Sức mạnh của đàn bà là ở sức chịu đựng của cô ấy, cho nên đàn bà có thể chống đỡ với bệnh tật tốt hơn. Và điều đó là cần thiết, bởi vì cần có sức chịu đựng lớn nhất để sinh con, và cô ấy còn mang thai trong chín tháng nữa.
Nếu đàn ông phải sinh con thì người đó chắc sẽ phải tự tử từ lâu rồi. Bạn sẽ không tìm được một người đàn ông nào trên thế giới nữa. Cưu mang đứa trẻ trong chín tháng bên trong bạn - bạn cứ thử mang trên vai một đứa trẻ chín ngày xem, thậm chí chỉ chín giờ thôi, thậm chí chín phút thôi, mà xem! Đấy là việc khó khăn. Và rồi còn đau đẻ, cái đau sinh nở! Tự nhiên làm cho người đàn bà có khả năng chịu đựng những cái đau như thế. Cô ấy mạnh khoẻ, vững chắc. Sức mạnh của cô ấy thuộc vào kiểu khác. Cô ấy không thể đánh nhau, cô ấy không thể chạy thật nhanh, nhưng điều đó không làm cho cô ấy thành yếu. Chiều hướng sức mạnh của cô ấy khác hẳn. Cô ấy có khả năng lớn.
Cho nên trước độ tuổi mười lăm, tỉ lệ con trai và con gái là ngang nhau. Tỉ lệ này được duy trì trên toàn thế giới. Trong chiến tranh, nhiều con trai bị giết chết - chắc chắn, vì con trai ra chiến trường. Vậy số phần trăm đàn bà tăng lên. Và sau thời gian chiến tranh tỉ lệ sinh con trai tăng lên và tỉ lệ con gái giảm đi. Ai có thể lập kế hoạch cho mọi điều này? Và làm sao mọi điều này lại xảy ra?
Trong chiến tranh thế giới thứ nhất hàng trăm nghìn người đã bị giết. Trong hai đến ba năm của thời kì hậu chiến, tỉ lệ sinh con trai tăng lên đáng lưu ý và tỉ lệ con gái giảm đi. Sau đó tỉ số của tỉ lệ sinh giảm xuống bình thường. Điều này gây ra một suy nghĩ nào đó. Cùng điều này lặp lại lần nữa sau chiến tranh thế giới thứ hai. Thế thì cần phải hiểu rằng tự nhiên giữ cân bằng các phía đối lập từ bên trong. Bạn không bao giờ cần nghĩ rằng một ngày nào đó trên trái đất này sẽ chỉ có ánh sáng mà không có bóng tối. Điều này không thể xảy ra được. Bóng tối và ánh sáng bao giờ cũng còn được giữ cân bằng.
Việc khám phá ra phản vật chất dựa trên cùng nguyên lí này rằng thế giới là sự cân bằng giữa các phía đối lập. Cho nên nếu có vật chất thì cái đối lập của nó là gì? Và khái niệm của các nhà vật lí thì rất phức tạp. Chẳng hạn, nếu một hòn đá được đặt trên bàn, chúng ta thấy nó. Khi nó bị lấy đi, chúng ta không thấy gì trong chỗ của nó nữa. Bây giờ hình dung rằng trên bàn đó có một không gian hổng hệt như hình dạng của hòn đá. Khi hòn đá bị lấy đi, không gian hổng đó vẫn còn đấy và không gian hổng đó là phản vật chất. Chưa ai thấy được nó trừ người đã nhận giải thưởng Nobel. Và lí do ông ta có thể nhận được giải thưởng Nobel là ở chỗ người ta không thể chứng minh được ông ấy sai, bởi vì khi mọi thứ trong thế giới này đều có phía đối lập của nó thì vật chất cũng cần phải có cái đối lập của nó, mà có thể bị che giấu đâu đó gần nó. Người ta có thể thấy, người ta có thể không thấy, nhưng về nguyên tắc thì không có phương án nào khác ngoài việc chấp nhận nó.
Ảo vọng là hình bóng của Brahman. Cả Brahman cũng không thể có đó nếu không có ảo vọng, mà ảo vọng cũng không thể có đó nếu không có Brahman. Và trên qui mô rộng lớn thì ảo vọng là hình bóng của Brahman. Bạn có thể gọi nó là phản-Brahman. Trên qui mô nhỏ hơn của con người, dốt nát là cái bóng. Dốt nát là ảo vọng trên qui mô con người. Xung quanh bạn dốt nát tồn tại. Bây giờ có thể làm gì về nó? Nó có đó cùng với con người. Làm sao từ bỏ dốt nát? Và nếu đây là định mệnh, nếu có một sự thu xếp trong vũ trụ để cái đối lập có đó và nếu thậm chí Brahman không có khả năng loại bỏ ảo vọng, nếu thậm chí sự tồn tại tối cao bị bao bọc bởi ảo vọng thì chúng ta, những cá nhân nhỏ bé tí hon này, làm sao có thể loại bỏ được dốt nát? Brahman không thể loại bỏ ảo vọng, vậy làm sao chúng ta có thể loại bỏ được dốt nát? Và nếu chúng ta không thể loại bỏ được dốt nát thì tất cả những nỗ lực của tôn giáo đều trở thành vô nghĩa.
Không, chúng ta có thể loại bỏ dốt nát, nhưng để quá trình này được hiểu rõ. Chúng ta có thể loại bỏ dốt nát khi chúng ta sẵn sàng biến mất. Nếu chúng ta không sẵn sàng biến mất thì dốt nát không thể biến mất; cái nhị nguyên sẽ tiếp tục. Cả hai sẽ cùng còn hoặc cùng ra đi. Nếu tôi nói rằng tôi muốn tồn tại nhưng tôi cũng muốn phá huỷ dốt nát thì dốt nát sẽ không bao giờ bị phá huỷ cả. Nó chỉ là cái bóng của bạn. Giống hệt như nói rằng tôi muốn còn lại nhưng tôi muốn cái bóng của tôi biến mất. Nó không bao giờ biến mất cả.
Chỉ có một cách và đó là tôi phải biến mất để cho cái bóng cũng biến mất. Do đó có biết bao nhấn mạnh vào việc xoá bỏ bản ngã. Nếu tôi biến mất thì cái bóng của tôi cũng biến mất. Khi tôi biến mất cái bóng của tôi cũng biến mất, và tôi trộn lẫn và trở thành một với Brahman – không phải như một cái ‘tôi’ mà như một cái trống rỗng. Điều gì có thể xảy ra cho dốt nát của tôi? Khi tôi biến mất, khi tôi trộn lẫn vào Brahman, cái dốt nát của tôi trộn lẫn vào ảo vọng. Tôi biến mất vào trong Brahman, cái dốt nát biến mất vào trong ảo vọng. Bất kì khi nào tôi được tạo ra thì tôi lại ló ra từ Brahman, và dốt nát ló ra từ ảo vọng. Dốt nát là phần chung nhỏ bé của chúng ta với ảo vọng, được trao cho chúng ta, phần nhỏ bé của mảnh đất ảo vọng được chia phần cho ta.
Ảo vọng, dốt nát, đem lại khổ và đau. Đó là lí do tại sao chúng ta muốn tống khứ nó. Phải chăng nó không gây ra đau đớn cho Brahman? Phải chăng Brahman không muốn tống khứ nó? Bởi Brahman không có nghĩa là một người mà là sự tồn tại mênh mông, vô hạn. Phải chăng nó không đau đớn? Phải chăng nó không muốn tống khứ cái đó? Chúng ta cảm thấy đau đớn, chúng ta muốn tống khứ nó đi; không lẽ Brahman không muốn tống khứ nó đi sao?
Ở mức độ Brahman có chấp nhận toàn bộ. Ở mức độ Brahman sự tồn tại của ảo vọng được chấp nhận, không có việc chối bỏ nó. Không có việc chối bỏ nó cho nên không có đau. Ở mức độ chúng ta có đau; nếu chúng ta cũng chấp nhận thì sẽ không có đau đớn. Khi tôi làm đứt tay, cái đau không phải do việc đứt mà do ý tưởng của tôi rằng việc đứt tay đáng ra không nên đến với tôi. Nếu tôi chấp nhận rằng tôi nên bị đứt tay, rằng việc đứt đó chắc chắn sẽ xảy ra, rằng bị đứt tay là định mệnh của người ta, thế thì sẽ không có đau. Cái đau là ở phía đối lập, trong sự không chấp thuận. Cái đau là bởi vì chúng ta không thể nào chấp nhận nó. Một số trong chúng ta dám chấp nhận - như một Janaka, hay một Krishna - họ chấp nhận. Krishna chấp nhận mọi thứ. Và với việc chấp nhận, không làm điều gì, thì dốt nát trở thành ảo vọng, Krishna trở thành Brahman.

Đây là khác biệt giữa con đường của Krishna và Phật hay Krishna và Mahavira. Mahavira phá huỷ bản thân mình để cho mọi dốt nát cũng bị phá huỷ. Krishna không phá huỷ bản thân ông ấy mà cũng không phá huỷ dốt nát, ông ấy chỉ đơn thuần chấp nhận. Mahavira phá huỷ dốt nát bằng cách phá huỷ bản thân ông ấy; Krishna trở thành chính Brahman thông qua việc chấp nhận, ngay lập tức, vì khi Brahman không phá huỷ ảo vọng mà chấp nhận nó thì Krishna cũng chấp nhận nó.

0 Đánh giá

Ads Belove Post