Read more
Cá nhân có thể được chia thành bẩy thể. Thể thứ nhất là thể vật lí mà tất cả chúng ta đều biết. Thể thứ hai là thể ê te, và thể thứ ba - bên ngoài thể thứ hai này - là thể vía. Thể thứ tư - bên ngoài thể này - là thể trí hay hồn; còn thể thứ năm - lại ở ngoài thể này - là thể tâm linh. Thể thứ sáu ở ngoài thể thứ năm, và nó được gọi là thể vũ trụ. Thế rồi thể thứ bẩy và là thể cuối cùng là nirvana sharir, hay thể niết bàn, thể vô thể. Một chút ít thông tin thêm về bẩy thể này sẽ làm cho bạn có thể hiểu được kundalini đầy đủ.
Trong bẩy năm đầu của cuộc sống, sthul sharir - thể vật lí một mình được hình thành. Các thể khác còn đang ở dạng hạt mầm. Chúng có tiềm năng cho sự trưởng thành nhưng chúng nằm ngủ trong lúc bắt đầu cuộc sống. Cho nên bẩy năm đầu là những năm của giới hạn. Không có sự trưởng thành trí tuệ, xúc cảm hay ham muốn trong những năm này. Chỉ thể vật lí phát triển trong thời kì này. Một số người chưa bao giờ trưởng thành vượt ra ngoài bẩy năm này; họ trì trệ tại giai đoạn này và không hơn con vật. Con vật chỉ phát triển trong thể vật lí; các thể khác vẫn còn không được động chạm tới bên trong chúng. Trong bẩy năm tiếp sau - tức là từ bẩy cho tới mười bốn tuổi - bhawa sharir, thể ê te, phát triển.
Bẩy năm này là những năm trưởng thành về xúc cảm của cá nhân. Đây là lí do tại sao sự chín muồi dục, vốn là dạng mạnh mẽ nhất của xúc cảm, được đạt tới vào độ tuổi mười bốn. Bây giờ một số người còn trì trệ ở giai đoạn này. Thể vật lí của họ phát triển nhưng họ bị mắc kẹt với hai thể đầu.
Trong thời kì bẩy năm thứ ba, giữa độ tuổi mười bốn và hai mươi mốt, shukshma sharir, thể vía, phát triển. Trong thể thứ hai xúc cảm được phát triển; trong thể thứ ba lập luận, tư duy và trí tuệ được phát triển. Đây là lí do tại sao không toà án luật pháp nào buộc trẻ con phải chịu trách nhiệm về hành động của của nó cho đến bẩy tuổi, bởi vì trẻ con chỉ có thể vật lí. Chúng ta đối xử với trẻ con giống như cách ta đối xử với con vật; chúng ta không thể buộc nó có trách nhiệm được. Cho dù trẻ con có phạm phải tội ác, điều đó vẫn được coi rằng nó phạm tội dưới hướng dẫn của ai đó - rằng tội phạm thực là ai đó khác.
Sau khi phát triển thể thứ hai, người ta đạt tới tuổi trưởng thành. Nhưng đây là tuổi trưởng thành về dục. Công trình của tự nhiên được hoàn chỉnh với sự phát triển này, và đây là lí do tại sao tự nhiên lại trao sự cộng tác hoàn toàn cho tới giai đoạn này. Nhưng tại giai đoạn này con người không phải là con người theo nghĩa hoàn toàn của từ này. Thể thứ ba, nơi năng lực lập luận, trí tuệ và tư duy phát triển, là kết quả của giáo dục, văn minh và văn hoá. Đây là lí do tại sao quyền bỏ phiếu được cấp cho một người khi người đó hai mươi mốt tuổi. Mặc dầu điều này là phổ biến trên khắp thế giới, một số nước đang tranh cãi xem liệu có cho phép người mười tám tuổi có quyền đi bầu hay không. Điều này là tự nhiên, bởi vì con người đang trở nên ngày càng tiến hoá hơn, khoảng thời gian bẩy năm cho việc trưởng thành của mỗi thể đang trở nên ngày một ngắn hơn.
Trên khắp thế giới con gái đạt tới tuổi dậy, vào độ tuổi mười ba hay mười bốn. Từ ba mươi năm qua độ tuổi cho điều này đang ngày một trở nên thấp dần. Thậm chí con gái mười một tuổi cũng đạt tới dậy thì. Việc hạ thấp độ tuổi đi bầu xuống mười tám là một chỉ dẫn rằng con người bây giờ hoàn tất công việc của hai mươi mốt năm trong mười tám năm. Tuy nhiên, thông thường hai mươi mốt năm là cần thiết cho sự trưởng thành của thể thứ ba, và đại đa số mọi người đều không phát triển hơn điều này. Sự trưởng thành của họ dừng lại ngay với sự phát triển của thể thứ ba, và không có sự phát triển thêm nữa cho phần còn lại cuộc sống của họ.
Điều tôi có thể gọi là hồn là ở thể thứ tư - manas sharir. Thể này có những kinh nghiệm kì diệu riêng của nó. Bây giờ một người có trí tuệ không phát triển thì không thể có khả năng quan tâm tới hay thích thú toán học, chẳng hạn. Toán học có cái đẹp của riêng nó, và chỉ Einstein mới có thể bị cuốn hút vào nó như nhạc sĩ trong âm nhạc hay hoạ sĩ trong mầu sắc. Với Einstein toán học không phải là công việc mà là trò chơi, nhưng trí tuệ phải đạt tới đỉnh phát triển này để biến toán học thành trò chơi được.
Với mỗi thể đã phát triển đều có vô hạn khả năng mở ra trước chúng ta. Người có thể ê te không phát triển, người trì trệ sau bẩy năm phát triển đầu tiên, không có mối quan tâm gì trong cuộc sống ngoài ăn và uống. Cho nên văn hoá của những nền văn minh mà tại đó đại đa số mọi người phát triển chỉ tới thể đầu tiên, vẫn xoay vòng quanh những chồi nụ ăn uống của họ. Nền văn minh mà đại đa số mọi người bị mắc kẹt ở thể thứ hai sẽ đọng vào dục. Nhân cách của họ, văn chương của họ, âm nhạc, phim ảnh, sách vở của họ, thơ ca và hội hoạ của họ, thậm chí nhà cửa và xe cộ của họ, đều sẽ đặt trọng tâm vào dục, vào tình dục: tất cả những điều này sẽ được rót đầy bằng dục, bằng dục tình.
Trong nền văn minh mà trong đó thể thứ ba phát triển đầy đủ, mọi người sẽ mang tính trí tuệ và suy tư. Bất kì khi nào việc phát triển thể thứ ba trở thành rất quan trọng trong xã hội hay trong quốc gia, nhiều cuộc cách mạng trí tuệ xảy ra. Tại Bihar, đại đa số mọi người mang phẩm chất này vào thời của Phật và Mahavira. Đây là lí do tại sao tám người có tầm vóc của Phật và Mahavira đã được sinh ra trong cái tỉnh Bihar nhỏ bé này.
Bên cạnh đó, có hàng nghìn người khác vào thời đó, những người được trời phú thiên tài. Đó cũng là hoàn cảnh ở Hi lạp vào thời Socrates và Plato; đó cũng là hoàn cảnh ở Trung quốc vào thời Lão Tử và Khổng tử. Điều thậm chí còn kì diệu hơn và cần lưu ý là sự kiện rằng tất cả những con người chói sáng này đều tồn tại trong thời kì năm trăm năm. Trong năm trăm đó sự phát triển của thể thứ ba trong con người đã đạt tới đỉnh của nó. Nói chung con người dừng lại tại thể thứ ba. Đại đa số mọi người không phát triển sau hai mươi mốt tuổi.
Có những kinh nghiệm bất thường về thể thứ tư. Thôi miên, viễn cảm, thiên nhãn tất cả đều là tiềm năng của thể thứ tư. Người này có thể có liên hệ với người khác mà không bị cản trở bởi thời gian hay nơi chốn; họ có thể đọc được ý nghĩ của người khác mà không phải hỏi hay họ có thể phóng chiếu ý nghĩ lên người khác. Không có bất kì sự giúp đỡ bên ngoài nào người ta vẫn có thể truyền dẫn một hạt mầm ý nghĩ vào người khác. Một người có thể du hành bên ngoài thân thể mình; người đó có thể phóng chiếu thể vía và tự biết mình bên ngoài thể vật lí.
Có những khả năng lớn trong thể thứ tư, nhưng chúng ta thông thường không phát triển thể này vì có nhiều mạo hiểm cũng như lừa dối. Khi mọi thứ bắt đầu trở nên ngày một tinh tế, khả năng lừa dối cũng tăng thêm. Bây giờ khó mà tìm ra liệu một người có thực bước ra khỏi thân thể mình hay không. Người đó có thể mơ rằng mình bước ra khỏi thân thể mà người đó cũng có thể thực tại đã làm như vậy nữa, và trong cả hai trường hợp không có nhân chứng nào khác hơn bản thân người đó. Cho nên có mọi khả năng lừa dối.
Thế giới bắt đầu từ thể thứ tư mang tính chủ quan, trong khi thế giới trước đó mang tính khách quan. Nếu tôi có đồng ru pi trong tay, tôi có thể thấy nó, bạn có thể thấy nó, năm mươi người khác cũng có thể thấy nó. Đây là thực tại chung mà trong đó tất cả chúng ta có thể dự phần, và người ta có thể nghiên cứu liệu đồng ru pi có đó hay không. Nhưng trong địa hạt của suy nghĩ của tôi, bạn không thể là đối tác, mà tôi cũng không thể là đối tác trong địa hạt suy nghĩ của bạn. Từ đây thế giới cá nhân bắt đầu với tất cả những may rủi của nó; không qui tắc bên ngoài nào về tính hợp thức của chúng ta có thể dùng được ở đây. Cho nên thế giới thực của sự lừa dối bắt đầu từ thể thứ tư. Tất cả mọi lừa dối của ba thể đầu đều có thể thấy được.
Nguy hiểm lớn nhất là ở chỗ không nhất thiết kẻ lừa dối nhận biết được sự kiện rằng mình đang lừa dối. Người đó có thể lừa dối một cách không chủ ý - cả bản thân mình cũng như người khác. Mọi việc đều tinh tế, hiếm hoi và cá nhân trên bình diện này đến mức người ta chẳng có phương tiện nào để kiểm tra tính hợp thức của kinh nghiệm của người đó. Cho nên người đó không thể nói được liệu mình đang tưởng tượng mọi thứ hay liệu chúng thực sự xảy ra cho người đó.
Cho nên chúng ta bao giờ cũng cố gắng cứu loài người khỏi thể thứ tư này, và những người đã dùng thể thứ tư này, bao giờ cũng bị kết án và vu cáo. Hàng trăm phụ nữ đã bị đóng dấu sắt nung là phù thuỷ và bị thiêu sống ở châu Âu bởi vì họ đã dùng các khả năng của thể thứ tư. Hàng trăm người thực hành mật tông đã bị giết ở Ấn Độ bởi thể thứ tư. Họ biết một số bí mật dường như là nguy hiểm cho con người. Họ biết điều xảy ra trong tâm trí bạn; họ biết nơi các thứ được cất giấu trong nhà bạn mà chẳng cần phải bước tới đó. Cho nên địa hạt thể thứ tư bị xem như nghệ thuật "đen" trên toàn thế giới, vì người ta chẳng bao giờ biết cái gì có thể xảy ra. Chúng ta bao giờ cũng cố gắng hết sức để chặn tiến bộ không cho đi xa hơn nữa từ thể thứ ba, bởi vì thể thứ tư bao giờ cũng dường như là rất nguy hiểm.
Có những may rủi, nhưng cùng với những điều này cũng có những cái lợi kì diệu. Cho nên thay vì dừng lại, nghiên cứu là cần thiết. Thế thì chúng ta có thể tìm ra cách thức để kiểm tra tính hợp lệ của kinh nghiệm của mình. Bây giờ có những công cụ khoa học, và quyền năng hiểu biết của con người cũng tăng lên. Cho nên có thể tìm ra những cách thức hệt như trong trường hợp của nhiều khám phá khác đã được thực hiện trong khoa học.
Người ta không biết liệu con vật có mơ hay không. Làm sao điều này có thể chắc chắn được khi mà con vật không nói? Chúng ta biết điều ta mơ bởi vì ta dậy vào buổi sáng và nói rằng chúng ta đã mơ. Sau những nỗ lực và kiên nhẫn lớn, bây giờ người ta đã tìm ra cách thức. Một người đã làm việc nhiều năm với khỉ để tìm ra về điều này, và cách thức người này tiến hành thực nghiệm này cũng đáng để hiểu. Người này bắt đầu bằng việc chiếu phim cho khỉ xem. Ngay khi phim được bắt đầu, con khỉ được đem vào thực nghiệm sẽ bị gây một cú sốc điện. Một nút được đặt trên ghế của con khỉ và nó được dạy để nhấn nút này khi nó cảm thấy sốc. Cho nên hàng ngày nó được đặt ngồi trên ghế, và khi phim bắt đầu, nó cảm thấy sốc. Thế là nó ấn nút để tắt đi.
Điều này tiếp diễn trong vài ngày; thế rồi nó được gây ngủ trong ghế. Bây giờ khi nó bắt đầu mơ, nó sẽ bắt đầu cảm thấy không thoải mái, bởi vì với nó phim trên màn ảnh và phim trong giấc mơ của nó là một và như nhau. Nó lập tức ấn nút. Nhiều lần lặp đi lặp lại nó ấn phím, và điều này chứng tỏ rằng nó đang mơ. Theo cách này, con người bây giờ có thể thâm nhập vào thế giới mơ bên trong của các con vật câm. Các thiền nhân cũng đã tìm ra cách thức để kiểm tra kinh nghiệm về thể thứ tư từ bên ngoài, và bây giờ người ta có thể chứng minh liệu điều xảy ra là đúng hay sai. Kinh nghiệm về kundalini trên thể thứ tư có thể là về hồn, nhưng điều đó không làm cho chúng thành giả. Có những trạng thái hồn chân thực và trạng thái hồn giả. Khi tôi nói rằng kundalini có thể chỉ là kinh nghiệm tâm trí, điều đó không nhất thiết có nghĩa là đấy là kinh nghiệm giả. Kinh nghiệm tâm trí có thể là giả cũng như chân thực.
Bạn thấy một giấc mơ ban đêm. Bây giờ giấc mơ này là sự kiện bởi vì nó đã xảy ra. Nhưng khi tỉnh dậy vào buổi sáng, bạn có thể nhớ ra một giấc mơ nào đó mà bạn không thực đã mơ; thế nhưng bạn vẫn cứ khăng khăng rằng đấy là điều bạn đã mơ. Thế thì đây là giả. Một người có thể dậy vào buổi sáng và nói mình chẳng hề mơ. Nhiều người tin họ không mơ. Họ có mơ: cả đêm dài họ mơ, và điều này đã được chứng minh một cách khoa học. Nhưng vào buổi sáng họ khẳng định họ chưa hề mơ. Cho nên điều họ nói là tuyệt đối sai, mặc dầu họ không biết về nó. Thực tế, họ không nhớ các giấc mơ. Điều hoàn toàn đối lập cũng xảy ra: bạn nhớ những giấc mơ mà bạn chưa hề mơ. Điều này cũng sẽ là giả.
Mơ là không giả; chúng có thực tại của riêng chúng. Nhưng mơ có thể là thực cũng như không thực. Mơ thực là những giấc mơ thực tế đã được mơ. Điều rắc rối cũng là ở chỗ bạn không thể nào kể lại giấc mơ của mình một cách chính xác khi tỉnh dậy. Bởi lí do này, ngày xưa bất kì ai có thể kể lại giấc mơ của mình một cách rõ ràng và chính xác đều được quí trọng cao. Rất, rất khó để báo cáo lại một giấc mơ cho đúng. Trình tự giấc mơ là một điều khi bạn mơ nó và là điều đối lập lại khi bạn nhớ nó. Nó cũng tựa như cuốn phim. Khi chúng ta xem phim, câu chuyện trải ra từ đầu phim. Tương tự, cuộn phim về vở kịch mơ cuốn theo một chiều trong giấc ngủ và bắt đầu tháo ra theo chiều ngược lại trong trạng thái tỉnh, cho nên chúng ta nhớ phần cuối của giấc mơ trước hết rồi đi ngược để nhớ lại. Điều ta mơ đầu tiên trở thành điều cuối cùng được nhớ lại. Điều này cũng giống hệt như ai đó cố gắng đọc một cuốn sách từ cuối ngược lên; từ đảo ngược sẽ gây ra những sự lộn xộn như vậy. Cho nên nhớ lại giấc mơ và đưa ra cách biểu diễn đúng cho nó là một nghệ thuật lớn. Nói chung, khi chúng ta nhớ lại giấc mơ, chúng ta hồi tưởng những sự kiện mà chúng ta chưa hề mơ tới. Chúng ta bỏ phần lớn của mơ thực và sau đó bỏ phần lớn phần còn lại.
Mơ xảy ra cho thể thứ tư, và thể thứ tư có tiềm năng lớn. Bất kì cái gì siddhis được nói tới trong yoga cũng đều đạt được trong thể này. Yoga không ngừng cảnh báo cho thiền nhân đừng đi vào trong chúng. Nguy hiểm lớn nhất là việc đi lạc lối. Cho dù bạn đi vào trạng thái hồn, nó cũng chẳng có giá trị tâm linh nào. Cho nên khi tôi nói kundalini là hồn, điều tôi muốn nói là ở chỗ nó thực tại là điều xảy ra cho thể thứ tư. Đây là lí do tại sao các nhà sinh lí học không thể nào phát hiện ra kundalini bên trong thân thể con người. Cho nên cũng là điều tự nhiên mà họ từ chối sự tồn tại của kundalini và luân xa và gọi chúng là tưởng tượng. Chúng là những sự kiện của thể thứ tư.
Thể thứ tư tồn tại, nhưng nó rất tinh tế; nó không thể tới bên trong việc hiểu thấu của chúng ta. Chỉ thể vật lí mới có thể được hiểu thấu. Nhưng có những điểm tương ứng giữa thể thứ nhất và thể thứ tư. Nếu chúng ta đặt bẩy tờ giấy chồng lên nhau, xuyên một lỗ qua chúng bằng chiếc đinh ghim để cho tất cả các tờ giấy đều bị xuyên thủng, thế thì cho dù lỗ hổng biến mất trong tờ đầu, nó vẫn mang một dấu hiệu tương ứng với lỗ hổng trong các tờ giấy còn lại. Thế thì mặc dầu tờ giấy đầu tiên không có lỗ hổng, nó vẫn có một điểm tương ứng trực tiếp với các lỗ hổng trên các tờ giấy khác khi nó được đặt lên chúng. Cho nên luân xa, kundalini, vân vân không thuộc vào thể thứ nhất nhưng có những điểm tương ứng trong thể thứ nhất. Cho nên nhà sinh lí học cũng không sai nếu ông ta phủ định chúng. Luân xa và kundalini là trong các thể khác, nhưng các điểm tương ứng với chúng có thể thấy trên thể vật lí.
Vậy kundalini là việc xảy ra ở thể thứ tư và đó là phần hồn. Và khi tôi nói rằng phần hồn này có hai loại - một thật và một giả - thế thì bạn sẽ hiểu điều tôi muốn nói. Nó sẽ là giả khi nó là sản phẩm của trí tưởng tượng của bạn, bởi vì tưởng tượng cũng là một đặc trưng của thể thứ tư. Con vật không có quyền năng tưởng tượng, cho nên chúng có rất ít kí ức về quá khứ và không có ý tưởng nào về tương lai. Con vật được tự do khỏi lo âu vì lo âu bao giờ cũng là về tương lai. Con vật thấy nhiều cái chết xảy ra, nhưng chúng chưa bao giờ tưởng tượng rằng chúng cũng có thể chết; do đó, chúng không sợ chết. Trong con người cũng có nhiều người không bị bận tâm bởi việc sợ chết. Người như vậy bao giờ cũng liên kết cái chết với người khác chứ không với chính mình. Lí do là ở chỗ quyền năng tưởng tượng trong thể thứ tư còn chưa phát triển đầy đủ để nhìn vào tương lai.
Điều này có nghĩa là tưởng tượng cũng có thể thật hoặc giả. Tưởng tượng thật nghĩa là chúng ta có khả năng thấy trước tương lai, nghĩa là chúng ta có thể quán tưởng cái còn chưa tới. Nhưng tưởng tượng điều gì đó sẽ xảy ra mà không thể nào xảy ra được, cái không tồn tại, lại là tưởng tượng giả. Khi tưởng tượng được dùng theo đúng hoàn cảnh của nó, nó trở thành khoa học; khoa học chủ yếu chỉ là tưởng tượng.
Từ hàng nghìn năm con người đã mơ bay lượn. Những người đã mơ theo cách này đều phải rất giầu trí tưởng tượng. Nếu con người chưa bao giờ mơ về việc bay, sẽ không thể nào có chuyện anh em nhà Wright làm máy bay đầu tiên. Họ đã làm cho ham muốn bay của con người thành cái gì đó cụ thể. Ham muốn này cần thời gian để thành hình; thế rồi thực nghiệm đã được tiến hành, và cuối cùng con người đã thành công trong việc bay.
Cũng thế từ hàng nghìn năm nay con người đã muốn lên tới mặt trăng. Trước hết đấy chỉ là tưởng tượng của con người; dần dần nó thu được mảnh đất, và bây giờ nó được hoàn thành. Bây giờ, những tưởng tượng này là chân thực: tức là, chúng không phải trên con đường giả. Những tưởng tượng này đang trên con đường hiện thực mà có thể được khám phá vào thời gian sau. Cho nên các nhà khoa học cũng tưởng tượng, và người điên cũng làm như vậy.
Nếu tôi nói rằng khoa học là việc tưởng tượng và điên khùng cũng là tưởng tượng, chớ nghĩ rằng chúng là một và cùng một thứ. Người điên tưởng tượng những thứ không tồn tại và không có quan hệ gì với thế giới vật lí. Nhà khoa học cũng tưởng tượng: ông ta tưởng tượng những thứ có quan hệ trực tiếp với thế giới vật lí. Và nếu điều ấy ban đầu không dường như là vậy thì vẫn có khả năng đầy đủ cho sự hiện hữu của chúng trong tương lai.
Trong số những khả năng của thể thứ tư bao giờ cũng có cơ hội đi sai. Thế thì thế giới giả bắt đầu. Đây là lí do tại sao tốt nhất chúng ta đừng nuôi dưỡng bất kì trông đợi nào trước khi đi vào thể này. Thể thứ tư này là thể hồn. Bây giờ, chẳng hạn, nếu tôi muốn đi xuống tầng đất của ngôi nhà này, tôi sẽ phải tìm thang máy hoặc cầu thang để đi xuống. Nhưng nếu tôi muốn đi xuống trong ý nghĩ của mình, chẳng cần thang máy hay cầu thang. Tôi có thể ngồi ngay đây và đi xuống.
Mối nguy của tưởng tượng và ý nghĩ là ở chỗ người ta chẳng phải làm gì ngoại trừ việc tưởng tượng hay suy nghĩ, và do vậy bất kì ai cũng đều có thể làm điều đó. Hơn nữa, nếu bất kì ai đi vào cõi này với những ý tưởng và trông đợi định trước, thế thì người đó lập tức đi vào những điều này, bởi vì thế thì tâm trí cũng sẽ sẵn lòng hợp tác với điều đó. Nó sẽ nói, "Mình muốn thức tỉnh kundalini ư? Được thôi! Nó đang lên đấy... nó đã lên rồi." Thế thì bạn sẽ bắt đầu tưởng tượng kundalini đang lên, và tâm trí sẽ động viên bạn trong cái cảm giác giả tạo này cho tới cuối cùng bạn sẽ cảm thấy rằng nó hoàn toàn được thức tỉnh và rằng các luân xa đều đã được kích hoạt hết. Nhưng có một cách để kiểm tra tính hợp lệ của nó, và đó là ở chỗ với việc mở từng luân xa sẽ có sự thay đổi rõ rệt trong nhân cách của bạn. Sự thay đổi này bạn không thể tưởng tượng hay nghĩ trước, bởi vì sự thay đổi này xảy ra trong thế giới vật chất.
Cho nên, chẳng hạn, khi kundalini thức tỉnh, bạn không thể uống chất say được; điều ấy là không thể được. Thể trí bị ảnh hưởng bởi rượu cồn rất nhanh chóng vì nó rất tinh tế. Đây là lí do tại sao - và bạn sẽ ngạc nhiên mà biết điều này - khi đàn bà uống rượu, cô ấy trở nên còn nguy hiểm hơn đàn ông làm việc đó. Điều này là vì thể trí của cô ấy còn tinh tế hơn, và nó bị ảnh hưởng nhanh chóng đến mức mọi thứ tuột ra ngoài sự kiểm soát của cô ấy. Đây là lí do tại sao đàn bà đã được bảo vệ khỏi nguy cơ này bởi một số luật lệ trong xã hội. Đây là một chỗ mà đàn bà không tìm kiếm sự bình đẳng với đàn ông, mặc dầu không may là về sau, cô ấy lại cố gắng làm điều đó. Cái ngày cô ấy khẳng định sự bình đẳng của mình trong lĩnh vực này và cố gắng vượt trội hơn đàn ông trong điều đó, cô ấy sẽ gây ra tác hại cho bản thân mình mà chưa bao giờ hành động của đàn ông gây ra lại gây tác hại được đến thế.
Trong thể thứ tư việc thức tỉnh của kundalini không thể được chứng minh bởi việc bạn nói về kinh nghiệm này, bởi vì, như tôi đã nói trước đây, bạn có thể tưởng tượng giả về việc thức tỉnh và kinh nghiệm kundalini nữa. Nó chỉ có thể được đánh giá qua những nét vật lí của bạn: liệu có sự biến đổi triệt để nào đã xảy ra trong nhân cách của bạn hay không. Ngay khi năng lượng này được thức tỉnh, lập tức sẽ có những dấu hiệu về thay đổi trong bạn. Đây là lí do tại sao tôi bao giờ cũng nói rằng hành vi là tiêu chuẩn bên ngoài và không phải là nguyên nhân bên trong. Nó là tiêu chí cho điều đã xảy ra bên trong. Với từng nỗ lực, một số điều bắt đầu xảy ra không tránh khỏi. Khi năng lượng thức tỉnh, thiền nhân trở nên không thể nào uống được bất kì chất say nào. Nếu người đó vẫn còn say mê ma tuý và rượu cồn, thế thì hãy biết rằng kinh nghiệm của người đó tất cả là tưởng tượng, bởi vì điều ấy là tuyệt đối không thể được.
Sau khi thức tỉnh kundalini, khuynh hướng bạo hành biến mất hoàn toàn. Thiền nhân không chỉ không bạo hành, mà người này còn không cảm thấy bạo hành bên trong mình nữa. Sự thôi thúc để bạo hành, sự thôi thúc làm hại người khác, chỉ có thể tồn tại khi sinh lực đang ngủ. Khoảnh khắc nó thức tỉnh, người khác dừng là người khác và do vậy bạn không thể muốn làm hại người đó. Thế thì bạn sẽ không phải kìm nén bạo hành bên trong bản thân mình bởi vì thế thì bạn không thể là bạo hành được.
Nếu bạn thấy rằng bạn phải kìm nén cảm giác bạo hành, thế thì hãy biết rằng kundalini còn chưa thức tỉnh đâu. Nếu sau khi mắt mở ra bạn vẫn phải dò đường bằng gậy, thế thì hãy biết rằng mắt vẫn chưa thể thấy được, dù bạn có nói gì khác cũng chẳng thành vấn đề - bởi vì bạn vẫn chưa vứt được cây gậy đi. Việc người ngoài có thấy liệu bạn có thể thấy được hay không là tuỳ ở hành động của bạn. Gậy của bạn, sự dò dẫm của bạn và bước đi loạng choạng của bạn chứng tỏ rằng mắt bạn vẫn còn chưa mở.
Cho nên sẽ có thay đổi triệt để trong hành vi của bạn với việc thức tỉnh, và tất cả các lời thề tôn giáo đều giống như lời thề của mahavrata - không bạo hành, không ăn cắp, không sở hữu, vô dục và đầy nhận biết - sẽ trở thành tự nhiên và dễ dàng cho bạn. Thế thì hãy biết rằng kinh nghiệm của bạn là chân thực. Tuy nó là phần hồn, nhưng tất cả đều là chân thực như nhau. Bây giờ bạn có thể tiến thêm nữa. Bạn có thể tiến lên nếu con đường của bạn là chân thực nhưng không có điều ngược lại. Bạn không thể ở yên mãi mãi trong thể thứ tư vì đấy không phải là mục đích. Còn có các thể khác cần phải đi qua.
Như tôi đã nói, chúng ta thấy rằng rất ít người có khả năng phát triển thể thứ tư. Đó là lí do tại sao có những người thực hiện phép mầu trong thế giới ngày nay. Nếu thể thứ tư trong mọi người đều được phát triển, phép mầu sẽ tan biến ngay khỏi trái đất này. Nếu như có xã hội của những người mà sự phát triển của họ đã bị đình trệ sau độ tuổi mười bốn, thế thì người đã phát triển thêm một chút nữa, người có thể cộng hay trừ, sẽ được coi như thực hiện được phép mầu.
Hàng nghìn năm trước đây, khi một người tuyên bố về ngày tháng của nhật thực, điều đó được coi như một phép mầu mà chỉ những người rất thông thái mới có thể thực hiện nổi. Ngày nay chúng ta biết rằng thậm chí một cái máy cũng có thể cho chúng ta thông tin này. Đấy là vấn đề tính toán và chẳng cần đến một nhà thiên văn hay nhà tiên tri hay người có học nào cả. Một máy tính có thể cho thông tin không chỉ về một nhật thực mà còn hàng triệu nhật thực. Nó thậm chí còn có thể dự đoán ngày mà mặt trời sẽ lạnh đi - vì có tất cả các tính toán. Máy có thể tính ngày tháng từ số lượng năng lượng mà mặt trời phát ra hàng ngày, chia cho tổng số năng lượng của mặt trời để thu được số năm mặt trời sẽ kéo dài.
Nhưng tất cả những điều này bây giờ đối với chúng ta không giống như phép mầu nữa vì bây giờ tất cả chúng ta đều đã phát triển tới thể thứ ba. Một nghìn năm trước đây, nó đã là phép mầu lớn nếu một người tiên đoán được rằng năm tới, trong tháng này, trong đêm này, sẽ có nguyệt thực. Người đó sẽ được coi là siêu nhân. ‘Phép mầu’ đó bây giờ xảy ra thường xuyên - bùa mê ảo thuật, tro thả từ khung tranh - tất cả đều là sự kiện thông thường của thể thứ tư. Nhưng vì chúng ta không biết nên nó thành phép mầu với chúng ta.
Cũng hệt như bạn đứng dưới gốc cây còn tôi đang ngồi trên cây, và chúng ta hai người cùng nói. Bây giờ tôi thấy một chiếc xe đang chạy từ xa và tôi bảo bạn rằng trong một giờ nữa xe sẽ tới và dừng dưới cây. Bạn sẽ nói, "Thầy có là nhà tiên tri không đấy? Thầy nói điều bí ẩn thế. Chẳng có cái xe nào ỏ đâu quanh đây cả. Tôi không tin vào điều thầy nói." Nhưng sau một giờ, chiếc xe lăn bánh tới cái cây, và tất yếu bạn phải chạm chân tôi và nói, "Thưa thầy kính yêu, tôi kính trọng thầy.
Thầy đúng là nhà tiên tri." Sự khác biệt chỉ là thế này thôi, đó là tôi ngồi cao hơn bạn một chút - trên cây - từ đó có thể thấy được chiếc xe một giờ trước khi bạn cũng thấy được. Tôi không nói về tương lai, tôi đang nói chính về hiện tại. Nhưng có khoảng cách một giờ giữa thời hiện tại của bạn và của tôi bởi vì tôi ở mức cao hơn. Với bạn, nó sẽ thành hiện tại sau một giờ, nhưng với tôi nó là hiện tại bây giờ.
Người càng đứng sâu hơn bên trong bản thể mình, người đó càng trở thành phép mầu lớn hơn đối vối những người vẫn ở tầng bề mặt. Thế thì tất cả những việc làm của người đó sẽ trở thành phép mầu với chúng ta bởi vì chúng ta không có cách nào phán đoán những điều xảy ra này vì chúng ta không biết luật của thể thứ tư. Đây là cách thức ảo thuật và phép mầu xảy ra: chúng là sự trưởng thành hơn của thể thứ tư. Cho nên nếu chúng ta muốn phép mầu chấm dứt trong thế giới này, nó sẽ không xảy ra bởi việc thuyết giảng cho quần chúng. Cũng hệt như việc chúng ta trao sự dạy dỗ cho một người về thể thứ ba và làm cho người đó hiểu được ngôn ngữ và toán học, bây giờ chúng ta phải trao cho người đó việc huấn luyện về thể thứ tư. Mỗi người đều phải có đủ khả năng tương ứng, bởi vì chỉ thế thì phép mầu mới dừng lại; bằng không, ai đó hay người khác bao giờ cũng sẽ lợi dụng điều này. Thể thứ tư phát triển cho tới hai tám tuổi - tức là, cho bẩy năm nữa. Nhưng rất ít người có thể phát triển được nó.
Atma sharir - thể thứ năm, còn được gọi là thể tâm linh - có giá trị lớn. Nếu sự trưởng thành trong cuộc sống còn tiếp tục theo cách thức đúng đắn, đến độ tuổi ba mươi nhăm thể này phải được phát triển hoàn toàn. Nhưng đây là ý tưởng xa xôi bởi vì thậm chí thể thứ tư cũng chỉ được phát triển ở rất ít người. Đây là lí do tại sao linh hồn và những điều như vậy lại là chủ đề thảo luận duy nhất cho chúng ta; không có nội dung đằng sau từ này. Khi chúng ta nói atman, đấy đơn thuần chỉ là từ; chẳng có gì đằng sau nó cả. Khi chúng ta nói bức tường, không chỉ có từ mà còn có cả chất liệu đằng sau từ này; chúng ta biết "tường" nghĩa là gì.
Nhưng không có ý nghĩa đằng sau từ atman, vì chúng ta không có tri thức, không có kinh nghiệm về atman. Đây là thể thứ năm của chúng ta, và chỉ nếu kundalini thức tỉnh trong thể thứ tư, lối vào thể thứ năm mới thành có thể; bằng không, chúng ta không thể vào được. Chúng ta không nhận biết về thể thứ tư cho nên thể thứ năm cũng vẫn còn là điều không được biết tới.
Rất ít người phát hiện ra thể thứ năm; họ là những người mà chúng ta gọi là người tâm linh. Những người này coi điều này là chỗ kết thúc cuộc hành trình và tuyên bố, "Đạt tới atman là đạt tới tất cả." Nhưng cuộc hành trình vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên, những người dừng lại ở thể thứ năm đều phủ nhận Thượng đế. Họ nói, "Không có brahman; không có paramatman," cũng hệt như người trì trệ ở thể thứ nhất sẽ phủ nhận sự tồn tại của atman. Cũng hệt như người duy vật nói, "Thân thể là mọi thứ; khi thân thể chết, mọi thứ đều chết," cho nên người tâm linh tuyên bố, "Không có gì bên ngoài atman: atman là mọi thứ; nó là trạng thái cao nhất của hiện hữu." Nhưng đây chỉ là thể thứ năm.
Thể thứ sáu là brahman sharir - thể vũ trụ. Khi một người tiến hoá ra ngoài atman của mình, khi người đó sẵn lòng mất nó đi, người đó đi vào thể thứ sáu. Nếu loài người phát triển một cách khoa học, sự phát triển tự nhiên của thể thứ sáu sẽ xảy ra vào độ tuổi bốn mươi hai, và sự phát triển của nirvana sharir - thể thứ bẩy - vào độ tuổi bốn mươi chín. Thể thứ bẩy là thể niết bàn, thể vô thể - trạng thái vô thể. Đây là trạng thái tối thượng nơi chỉ cái hư không còn lại - thậm chí không có cả brahman, thực tại vũ trụ, mà chỉ có cái trống rỗng. Cái không còn lại; mọi thứ đã biến mất.
Cho nên khi bất kì ai hỏi Phật, "Cái gì xảy ra ở đó?", ông ấy đáp, "Ngọn lửa chết rồi." "Thế thì cái gì xảy ra?" người ta sẽ lại hỏi ông ấy. "Khi ngọn lửa mất đi, ông không hỏi, ‘Nó đã đi đâu? Ngọn lửa bây giờ đâu rồi?’ Nó mất đi, có vậy thôi." Từ niết bàn hàm ý sự tiêu tan của ngọn lửa. Do đó, Phật nói, niết bàn xảy ra.
Trạng thái của moska được kinh nghiệm trong thể thứ năm. Giới hạn của bốn thể đầu bị siêu việt lên và linh hồn trở thành hoàn toàn tự do. Cho nên giải thoát là kinh nghiệm của thể thứ năm. Cõi trời và địa ngục đi đôi với thể thứ tư, và người dừng lại đây sẽ kinh nghiệm chúng. Với những người dừng lại các thể thứ nhất, thứ hai và thứ ba, cuộc sống giữa sinh và tử trở thành mọi thứ; không có cuộc sống bên ngoài cái chết cho họ. Nếu một người vượt ra ngoài đi vào thể thứ tư, sau cuộc đời này người đó kinh nghiệm cõi trời và địa ngục, nơi có những khả năng vô hạn của hạnh phúc và khốn khổ.
Nếu người đó đạt tới thể thứ năm, có cánh cửa của giải thoát, và nếu người đó đạt tới thể thứ sáu, có khả năng của trạng thái nhận ra Thượng đế. Thế thì không có vấn đề về giải thoát hay không giải thoát; người đó trở thành một với cái đang đấy. Lời tuyên bố về "Aham Brahmasmi" - Ta là Thượng đế - là của bình diện này. Nhưng có một bước nữa, là bước nhẩy cuối cùng - nơi không có aham và không có Brahman, nơi cái ta và người là hoàn toàn không tồn tại, nơi đơn thuần không có gì – nơi chỉ có cái hư không toàn bộ và tuyệt đối. Đó là niết bàn.
Đây là bẩy thể được phát triển trong thời kì bốn mươi chín năm. Đây là lí do tại sao điểm giữa của năm mươi năm đã được biết tới như điểm cách mạng. Trong hai mươi nhăm năm đầu có một hệ thống cuộc sống. Trong thời kì này nỗ lực được tiến hành để phát triển bốn thể đầu; thế rồi việc giáo dục của người đó được coi như hoàn thành. Thế rồi người đó được coi như sẽ đi tìm các thể năm, sáu bẩy của mình trong phần còn lại của cuộc sống mình, và trong phần hai mươi nhăm năm còn lại người đó được trông đợi đạt tới thể thứ bẩy. Do đó, độ tuổi năm mươi được xem như tuổi trọng yếu. Vào lúc này con người trở thành wanaprasth, điều chỉ có nghĩa là bây giờ người đó nên quay cái nhìn về rừng rậm - rằng bây giờ người đó nên quay mắt ra khỏi mọi người, xã hội và phố thị.
Độ tuổi bẩy mươi nhăm lại là một điểm cách mạng nữa - khi con người đã trở nên được điểm đạo có tính sannyas. Quay hướng về rừng rậm có nghĩa là loại bỏ bản thân mình khỏi đám đông và mọi người; sannyas nghĩa là bây giờ thời điểm đã đến để nhìn ra ngoài bản ngã, siêu việt lên trên bản ngã. Trong rừng rậm cái ‘tôi’ sẽ cần phải đi cùng với người đó mặc dầu người đó đã từ bỏ tất cả những điều khác, nhưng tại độ tuổi bẩy mươi nhăm, cái ‘tôi’ này nữa cũng phải bị từ bỏ.
Tuy nhiên, điều kiện là ở chỗ trong cuộc đời người ta như một người nội trợ, người ta phải trải qua và phát triển tất cả bẩy thể để cho phần còn lại của cuộc hành trình trở thành tự phát và vui vẻ. Nếu điều này không được tiến hành, sẽ rất khó khăn, bởi vì với mọi chu kì bẩy năm đều được gắn với một trạng thái phát triển đặc biệt. Nếu thể vật lí của đứa trẻ không trưởng thành đầy đủ trong bẩy năm đầu cuộc sống của nó, nó bao giờ cũng ốm yếu. Nhiều nhất chúng ta có thể thấy trong đó là nó không còn ốm - nhưng nó sẽ không bao giờ khoẻ bởi vì nền tảng mạnh khoẻ cơ sở của nó mà đáng phải hình thành trong bẩy năm đầu đã bị lung lay. Cái mà đáng phải trở nên mạnh mẽ và vững chắc, đã bị rối loạn, và đó là thời gian cho việc phát triển nó.
Cũng giống hệt như việc làm móng cho ngôi nhà: nếu nền móng mà yếu, sẽ khó - không, phải nói là không thể được - để sửa chữa nó một khi đã đạt tới mái. Tại giai đoạn nền móng này chỉ có thể làm việc đặt nền móng cho vững. Cho nên trong bẩy năm đầu này, nếu có sẵn những điều kiện đúng đắn cho thể thứ nhất, thân thể sẽ phát triển đúng đắn. Bây giờ nếu thể thứ hai và các xúc cảm không phát triển đầy đủ trong bẩy năm tiếp, một số hư hỏng dục sẽ phát sinh. Thế thì sẽ rất khó để sửa chữa những điều này về sau. Cho nên thời kì phát triển cho một thể đặc biệt là chủ chốt nhất.
0 Đánh giá