Buog xuoi theo thay

Buog xuoi theo thay

Price:

Read more

Phật nói:
Những người theo Đạo nên hành xử như mẩu gỗ trôi dạt theo dòng chảy. Nếu mẩu gỗ không bị bờ sông giữ lại, không bị người vớt lấy, không bị ngáng trở bởi các thần, không bị cuốn vào xoáy nước, bản thân nó không mục ra, ta đảm bảo với các ông là mẩu gỗ này cuối cùng sẽ ra tới đại dương.
Một lời kinh rất có ý nghĩa. Điều thứ nhất Phật nói: Hãy buông xuôi đi! Điều cơ sở nhất là: hãy buông xuôi theo thực tại. Bạn càng tranh đấu, bạn càng xung đột với nó, bạn sẽ càng tạo ra chướng ngại. Bạn càng tranh đấu với thực tại, bạn sẽ càng là người thua. Tất nhiên, qua tranh đấu bạn có thể đạt tới bản ngã, bạn có thể trở thành một bản ngã rất mạnh, nhưng bản ngã của bạn sẽ là cản trở.
Phật nói:
Những người theo Đạo nên hành xử như mẩu gỗ trôi dạt theo dòng chảy. Họ phải hoàn toàn buông xuôi theo dòng sông cuộc sống, hoàn toàn buông xuôi theo dòng sông của sự tồn tại. Trong sự buông xuôi sâu sắc, bản ngã biến mất. Và khi bản ngã không có đó, thì lần đầu tiên bạn trở nên nhận biết về cái bao giờ cũng có đó. Bản ngã vận hành như tấm khăn bịt mắt bạn. Bản ngã giữ bạn mù quáng; nó không cho phép bạn thấy chân lí. Nó tạo ra quá nhiều khói và ngọn lửa có khuynh hướng bị mất đi trong khói. Bản ngã giống như quá nhiều mây đen quanh mặt trời - mặt trời mất tăm. Không phải là mây có thể phá huỷ được mặt trời, nhưng chúng có thể che khuất mặt trời.
Những người theo Đạo nên hành xử như mẩu gỗ... họ nên trở thành mẩu gỗ trôi dạt. Bạn có quan sát mẩu gỗ trôi theo dòng sông không? - không ý tưởng gì của riêng mình, thậm chí không cố gắng đạt tới đâu cả, thậm chí không biết dòng sông này đi đâu. Nếu song đi về phương bắc, mẩu gỗ đi về phương bắc. Nếu sông đi về phương nam, mẩu gỗ đi về phương nam. Mẩu gỗ hoàn toàn hài hoà với dòng sông. Việc hài hoà với dòng sông này là điều buông xuôi tất cả là gì.
Nhưng ý tưởng về việc trở thành mẩu gỗ trôi dạt lại không hấp dẫn. Mọi người tới tôi và họ nói: "Xin hãy giúp chúng tôi, Osho, để có sức mạnh ý chí hơn nữa. Xin hãy giúp chúng tôi để trở nên tự tin hơn. Sao chúng tôi lại bỏ lỡ sức mạnh ý chí? Làm sao chúng tôi có ý chí mạnh hơn?" Mọi người - nếu bạn quan sát bên trong mình, bạn sẽ thấy cùng ham muốn đó ẩn kín ở kia: làm sao có sức mạnh ý chí hơn. Mọi người đều muốn trở thành toàn năng, toàn trí, toàn diện; mọi người đều muốn trở thành quyền lực. Ai đó muốn trở thành có quyền lực qua việc có nhiều tiền hơn; tất nhiên, tiền đem tới quyền lực. Ai đó muốn có quyền lực qua việc trở thành thủ tướng hay tổng thống một nước; tất nhiên, chính trị đem tới quyền lực. Ai đó muốn trở thành có quyền lực bằng việc trở nên mang đức hạnh, bởi vì đức hạnh đem lại sự kính trọng. Ai đó muốn trở thành có quyền lực bằng việc trở nên mang tính tôn giáo, bởi vì tôn giáo cho bạn hào quang của quyền lực, của quyền lực thiêng liêng. Ai đó muốn có được quyền lực bằng việc trở nên hiểu biết nhiều hơn; tri thức là quyền lực. Nhưng dường như là mọi người đều muốn quyền lực; điều này dường như là ham muốn thông thường của tâm trí con người.
Còn Phật nói: Hãy trở thành mẩu gỗ trôi dạt. Ông ấy ngụ ý gì? Ông ấy muốn truyền đạt điều gì? Ông ấy đang nói: Hãy vứt bỏ cái ý tưởng trở nên có quyền lực này đi. Đó là sự cản trở của bạn. Đó là lí do tại sao bạn đã trở thành không có quyền lực - chính cái ý tưởng rằng "Mình phải trở nên có quyền lực" chẳng chứng tỏ cái gì ngoài việc không có quyền lực của bạn. Mọi người không có quyền lực đều muốn trở thành toàn năng; họ muốn có mọi quyền năng trong tay mình - nhưng tại sao? Bản ngã là ốm yếu, hoang tưởng tự đại.
Phật nói: Hãy trở thành mẩu gỗ trôi dạt - không quyền lực, không tự lo liệu. Bạn hãy quan sát mẩu gỗ trôi theo dòng nước: không tự lo liệu thế, không vật lộn, không xung đột, chỉ hợp tác. Trong thực tế, nói 'hợp tác' lại cũng không phải. Mẩu gỗ trôi dạt không có đó theo bất kì nghĩa bản ngã nào, cho nên chẳng có ích gì mà nói nó hợp tác. Nó không xung đột, nó không có việc hợp tác. Nó đơn giản không có đó. Chỉ dòng sông là có đó. Mẩu gỗ hoàn toàn buông xuôi. Đây là cách đệ tử phải hiện hữu. Và khi ai đó trở nên buông xuôi nhiều như thế, thì Phật nói người đó đã trở thành một srotapanna - dự lưu. 'Srotapanna' nghĩa là người đã đi vào dòng, nhập lưu.
Tại phương Đông, khái niệm về buông xuôi đã được phát triển rất kĩ lưỡng, rất chi tiết. Nhưng ví dụ này về mẩu gỗ trôi dạt thì gần hoàn hảo; bạn không thể cải tiến thêm được nữa. Đôi khi, ngồi cạnh dòng sông, bạn hãy quan sát mẩu gỗ trôi xuôi. Hãy thấy mẩu gỗ trôi dạt mới an bình làm sao, thảnh thơi làm sao, tin cậy làm sao. Không hoài nghi. Nếu dòng sông đi về phương Nam, thì việc đi về phương Nam phải là tốt. Không ham muốn riêng của nó, không mục tiêu riêng tư - "mục tiêu của dòng sông là mục tiêu của tôi." Dòng sông đã sắp đi ra đại dương. Dòng song đang sắp tan biến vào cái vô hạn bao la của đại dương. Nếu bạn có thể buông xuôi theo nó, điều đó sẽ là đủ.
Việc tới thầy và buông xuôi theo thầy không là gì ngoài việc đi vào dòng, nhập lưu. Thầy là người đã buông xuôi theo dòng sông của sự tồn tại. Với bạn thì khó thấy được dòng sông của sự tồn tại, nó là rất vô hình. Nó không mang tính vật chất, nó là rất không vật chất. Khó mà giữ nó trong tay bạn, nhưng khi bạn đứng bên cạnh vị phật, ít nhất bạn cũng có thể nắm lấy bàn tay phật.
Và ông ấy đã trở thành mẩu gỗ trôi dạt. Ông ấy đang nổi trên dòng sông. Bạn không thể thấy được dòng sông ngay bây giờ; bạn chưa có tâm thức tinh luyện nhiều thế. Mắt bạn còn chưa sẵn sàng để thấy dòng sông đó. Nhưng bạn có thể thấy Phật, bạn có thể cầm tay ông ấy. Bạn có thể thấy Christ, bạn có thể cầm tay ông ấy.
Phật đã buông xuôi theo dòng sông vô hạn của cuộc sống - ít nhất bạn cũng có thể dũng cảm và buông xuôi theo Phật. Bởi việc buông xuôi theo Phật bạn sẽ buông xuôi theo dòng sông mà Phật đã buông xuôi theo. Thầy chỉ là lối đi giữa đường, là lối cổng. Đó là lí do tại sao Jesus cứ nói đi nói lại mãi "Ta là lối cổng." Tương truyền Jesus đã nói: "Không ai đạt tới chừng nào người đó chưa đi qua ta." Người Ki tô giáo đã diễn giải sai điều đó. Họ nghĩ không ai đạt tới được Thượng đế chừng nào người ta không theo Christ. Đấy không phải là ý nghĩa. Khi Jesus nói: "Không ai đạt tới chừng nào người đó chưa đi qua ta," ông ấy đang nói, "Chừng nào người đó chưa đi qua một người đã đạt tới." Ông ấy không nói về Jesus con của Mary và Joseph; ông ấy đang nói về Christ - không về Jesus. Ông ấy đang nói về trạng thái của tâm thức.
'Christ' là tên của trạng thái tâm thức. 'Phật' cũng là cái tên cho trạng thái tâm thức. Khi ai đó chứng ngộ, người đó không còn nữa - người đó chỉ là lối cổng. Nếu bạn buông xuôi theo người đó, bạn sẽ có khả năng buông xuôi theo cách vòng tròn, theo cách gián tiếp, vào dòng chảy của bản thân cuộc sống. Trở thành đệ tử nghĩa là sẵn sàng nổi với thầy. Và nếu bạn có thể nổi với một người, với thầy, bạn sẽ bắt đầu tận hưởng, bạn sẽ bắt đầu mở hội - bởi vì mọi lo âu sẽ tan biến, mọi phiền não sẽ tan biến. Và thế thì bạn sẽ sẵn sàng buông xuôi toàn bộ.
Trước hết cần một chút ít nếm trải. Việc nếm trải đó tới thông qua thầy - việc nếm trải đạo, nếm trải pháp, nếm trải con đường. Những người theo Đạo nên hành xử như mẩu gỗ trôi dạt theo dòng chảy. Nếu mẩu gỗ không bị bờ sông giữ lại...
Bây giờ, Phật nói, đôi điều cần phải ghi nhớ. Bạn nên buông xuôi, việc buông xuôi nên toàn bộ, nhưng có vài chướng ngại phải liên tục được quan sát. Nếu mẩu gỗ không bị bờ sông giữ lại, không bị người vớt lấy, không bị ngáng trở bởi các thần, không bị cuốn vào xoáy nước, bản thân nó không mục ra, ta đảm bảo với các ông là mẩu gỗ này cuối cùng sẽ ra tới đại dương.
Bây giờ, bạn có thể bắt đầu níu bám thầy. Thay vì buông xuôi bạn có thể bắt đầu níu bám - và cả hai điều này có vẻ giống nhau, nhưng sự khác biệt lại bao la. Níu bám thầy không phải là buông xuôi theo thầy. Níu bám thầy nghĩa là bạn vẫn níu bám bản ngã của mình, bởi vì tất cả mọi việc níu bám đều là của bản ngã. Níu bám là của bản ngã. Cái bạn níu bám là phi vật chất. Nếu bạn níu bám thế thì bạn đang cố gắng cứu lấy mình. Tôi quan sát điều đó. Nếu tôi nói với ai đó 'làm điều này', nếu điều đó hợp với ham muốn của người đó thì người đó nói, "Osho ơi, tôi buông xuôi theo thầy. Bất kì điều gì thầy nói tôi đều sẽ làm." Còn nếu điều đó không hợp theo ham muốn của người đó, thì người đó chẳng hề nói, "Tôi buông xuôi theo thầy." Thế thì người đó nói, "Điều đó khó lắm." Và thế rồi người đó đem ra cả nghìn lẻ một lí do tại sao người đó không thể làm được điều đó.
Bây giờ người đó đang chơi trò chơi với chính mình. Bạn không thể lừa được tôi; bạn chỉ cứ tự lừa mình thôi. Khi điều đó khớp với ham muốn của bạn, bạn nói, "Tôi buông xuôi theo thầy - bất kì điều gì thầy nói." Khi điều đó không khớp với ham muốn của bạn, bạn quên hoàn toàn việc buông xuôi. Nhưng câu hỏi thực chỉ nảy sinh khi điều đó không khớp với ham muốn của bạn. Nếu bạn có thể nói có thì thế nữa khi tâm trí thông thường của bạn cứ nói không, thế thì không có níu bám, thế thì đấy là buông xuôi thật. Bằng không, bạn có thể trốn đằng sau thầy - và bản thân việc trốn đó có thể trở thành sự bảo vệ, sự an toàn.
Thầy là nguy hiểm. Thầy được nhân cách hoá theo kiểu bất an. Thầy là cuộc phiêu lưu. Ta có thể đảm bảo với các ông là mẩu gỗ này cuối cùng sẽ ra tới đại dương - chỉ nếu nó không bị bờ sông giữ lại, không bị người vớt lấy, không bị ngáng trở bởi các thần. Phật không tin vào bất kì thần nào. Ông ấy nói những người tin vào thần chỉ bị ngăn cản bởi ý tưởng của mình; chính ý tưởng của họ về Thượng đế trở thành chướng ngại cho họ. Như ai đó bị ngáng trở bởi giáo điều triết lí, bởi lời, bởi lí thuyết....
Chẳng hạn một phụ nữ trẻ mới hai ba ngày trước đây tới và cô ấy nói với tôi, "Con yêu thầy, Osho, nhưng con là đệ tử của Christ. Thầy đã giúp đỡ con vô cùng. Thầy đã làm mạnh cho tôn giáo của con: bất kì điều gì con vẫn hằng tin, thì bây giờ con còn tin sâu sắc hơn. Thầy đã giúp con vô cùng. Con phải tới để nói cho thầy lời cám ơn."
Bây giờ, tôi không ở đây để làm mạnh cho tôn giáo của bạn. Tôi không ở đây để hoàn thành triết lí của bạn. Nếu bạn nghĩ rằng tôi đang làm mạnh cho tôn giáo của bạn, thế thì bạn phải nghe cái gì đó khác với điều tôi nói rồi.
Vâng, tôi có thể đem bạn lại gần với Christ, nhưng cách duy nhất là nếu bạn đi qua tôi - không có cách khác. Nếu bạn nghĩ bạn đã biết Christ, nếu bạn nghĩ rằng Christ của bạn là Christ đúng, thì Christ sẽ trở thành rào chắn. Làm sao bạn có thể diễn giải được Christ? Hai nghìn năm đã qua, hai nghìn năm diễn giải sai đang có đấy; hàng nghìn chuyên luận, hàng nghìn diễn giải - làm sao bạn có thể diễn giải được Christ bây giờ?
Những diễn giải đó sẽ chẳng bao giờ cho phép bạn. Người Tin lành có ý tưởng khác về Christ; người Cơ đốc giáo lại có ý tưởng khác về Christ; người Mô ha mét giáo có ý tưởng hoàn toàn khác về Christ. Từ đâu bạn sẽ có ý tưởng của mình? Những ý tưởng đó sẽ là từ quá khứ. Bạn sẽ không đạt tới Christ - bởi vì Christ không phải là người đã xảy ra hai nghìn năm trước. Christ là trạng thái của tâm thức bao giờ cũng có sẵn cho những người thực sự muốn tìm kiếm.
Tôi nói với bạn: Tâm thức của tôi là trạng thái của Christ. Nếu bạn nghe tôi và bạn vẫn nghĩ rằng tôi hoàn thành cho ý tưởng của bạn về Christ, bạn bỏ lỡ tôi rồi. Nếu bạn đã hiểu điều tôi nói, bạn sẽ có khả năng thấy Christ trong tôi - ngay lập tức. Christ sẽ trở thành sự hiện diện - ở đây bây giờ. Điều đó chẳng liên quan gì tới Christ người đã xảy ra hai nghìn năm trước đây. Đó đã là một con người, Jesus, đi tới trạng thái của tính Christ. Tại đây lại là một con người khác đã đi tới cùng trạng thái đó.
Bây giờ, bạn tới và nghe tôi và bạn nghĩ tôi ở đây để hoàn thành ý tưởng của bạn về Christ sao? Ý tưởng của bạn nhất định là ý tưởng của bạn. Nó không thể lớn hơn bạn, nó không thể cao hơn bạn. Nó sẽ ngu xuẩn như bạn vậy. Nó sẽ xuẩn ngốc như bạn vậy. Nó sẽ đờ đẫn và ngu si như bạn vậy. Nó sẽ dốt nát như bạn vậy. Tất nhiên ý tưởng của bạn nhất định là ý tưởng của bạn.
Tôi không ở đây để hoàn thành các ý tưởng của bạn. Tôi không giúp bạn trở thành người Ki tô giáo tốt hơn, người Hindu tốt hơn và người Mô ha mét giáo tốt hơn. Tôi đang cố gắng vứt bỏ đi mọi chướng ngại trên con đường của bạn để cho bạn có thể trở thành cái bạn đang là. Nếu bạn có thể nở hoa thành tính toàn bộ của bạn, thì bạn sẽ là một Christ, bạn sẽ là một Phật.

Nhưng chướng ngại có đó, Phật nói. Đôi khi là đôi bờ. Đôi khi là người xung quanh bạn. Đôi khi là thần, triết lí, thần học. Đôi khi là cái xoáy riêng của tâm trí bạn. Và đôi khi bản thân bạn có thể suy đồi. Nếu bạn không tỉnh táo và thông minh, thì bạn đang suy đồi rồi, bạn đã chết rồi. Mọi ngày trí thông minh của chúng ta đều trở nên ngày một đờ đẫn hơn. Bạn hãy quan sát đứa trẻ: thông minh làm sao! tươi tắn làm sao! Và hãy quan sát ông già: đờ đẫn làm sao, cứng nhắc, chết! Mọi khoảnh khắc thông minh đều đang tụt dần đi, cuộc sống tuột ra khỏi tay bạn. Cho nên Phật nói những điều này phải được ghi nhớ. Nếu những điều này được ghi nhớ, và bạn không bị cái gì bắt giữ, thì hãy chỉ buông xuôi theo dòng nước và dòng nước sẽ đưa bạn ra đại dương.

0 Đánh giá

Ads Belove Post