Read more
Osho – Kỉ luật của siêu việt – Tập 3
Chương 1. Bạn bao giờ cũng trên dàn hoả thiêu
Phật nói:
"Bị thúc đẩy bởi ham muốn ích kỉ,
mọi người tìm kiếm danh vọng và vinh quang.
Nhưng khi họ đã đạt được nó,
họ bị tác động trong nhiều năm.
Nếu các ông khao khát danh vọng trần tục
và không thực hành Đạo,
lao động của các ông bị dùng sai
và năng lượng của các ông bị phí hoài.
Điều đó cũng giống như đốt que hương.
Dù hương thơm của nó được thán phục đến đâu,
ngọn lửa vẫn dần dần
đốt cháy que hương."
Phật nói:
"Những người bám dính lấy của cải trần tục
và niềm đam mê ích kỉ thì mù quáng
khi hi sinh những kiếp sống của mình vì chúng.
Họ giống như đứa trẻ cố liếm
đốm mật trên lưỡi dao.
Miếng mật chẳng đủ
thoả mãn cái thèm của nó,
nhưng gây nguy cơ làm đứt lưỡi nó."
Phật nói:
"Con người bị ràng buộc chặt với
gia đình và của cải của mình
còn bất lực hơn là trong tù.
Có cơ hội để tù nhân được thoát ra,
nhưng người chủ gia đình không
ấp ủ ham muốn được thoát ra
khỏi mối ràng buộc gia đình.
Khi niềm đam mê của con người nảy sinh
chẳng cái gì ngăn cản được người đó khỏi làm tàn tạ bản thân mình.
Ngay cả dạ dầy hổ người đó cũng nhảy vào.
Do vậy những người bị nhấn chìm trong rác rưởi của đam mê được gọi là kẻ dốt nát.
Những người có khả năng vượt qua nó
là a la hán thánh thiện."
Đạo của Phật không phải là tôn giáo theo nghĩa bình thường của từ này, bởi vì nó không có hệ thống đức tin, không giáo điều, không kinh sách. Nó không tin vào Thượng đế, nó không tin vào linh hồn, nó không tin vào bất kì trạng thái moksha nào. Nó là vô đức tin hoàn toàn - ấy vậy mà nó lại là tôn giáo.
Nó là duy nhất. Chưa từng có cái gì đã xảy ra trước đây giống như điều đó trong lịch sử tâm thức con người, và về sau cũng không có cái gì như thế cả. Phật vẫn còn hoàn toàn duy nhất, vô song.
Ông ấy nói rằng Thượng đế chẳng là gì ngoài việc tìm kiếm an ninh, tìm kiến an toàn, tìm kiếm chỗ trú ẩn. Bạn tin vào Thượng đế, không phải bởi vì Thượng đế có đó; bạn tin vào Thượng đế bởi vì bạn cảm thấy bất lực nếu không có niềm tin đó. Cho dù không có Thượng đế, bạn sẽ cứ bịa ra. Cán dỗ này tới từ yếu đuối của bạn. Nó là phóng chiếu.
Con người cảm thấy bị rất giới hạn, rất bất lực, gần như là nạn nhân của hoàn cảnh - không biết mình tới từ đâu và không biết mình đi đâu, không biết tại sao mình ở đây. Nếu không có Thượng đế thì rất khó cho người thường thấy ý nghĩa gì trong cuộc sống. Tâm trí bình thường sẽ nổi đoá nếu không có Thượng đế.
Thượng đế là chỗ dựa tinh thần - nó giúp bạn, nó an ủi bạn, nó tạo thoải mái cho bạn. Nó nói, "Đừng lo - Thượng đế Toàn năng biết mọi điều về tại sao mình lại ở đây. Ngài là Đấng sáng tạo, ngài biết tại sao ngài đã tạo ra thế giới này. Mình có thể không biết nhưng Cha biết, và mình có thể tin cậy vào ngài." Đấy là sự an ủi lớn.
Chính ý tưởng về Thượng đế cho bạn cảm giác nhẹ nhõm - rằng bạn không một mình, rằng ai đó đang chăm lo mọi việc; rằng vũ trụ này không hỗn độn, nó thực sự hài hoà; rằng có một hệ thống đằng sau nó, rằng có logic đằng sau nó; rằng đấy không phải là mớ bòng bong phi logic của mọi vật, rằng nó không là hỗn loạn. Ai đó đang cai quản nó; nhà vua tối cao có đó đang chăm lo tới từng chi tiết nhỏ nhất - thậm chí đến một chiếc lá rung rinh cũng là việc ông ấy làm cho nó rung rinh. Mọi thứ đều được lập kế hoạch. Bạn là một phần của định mệnh vĩ đại. Có thể bạn không biết tới ý nghĩa, nhưng ý nghĩa có đó - bởi vì Thượng đế có đó.
Thượng đế đem tới nhẹ nhõm vô cùng. Người ta bắt đầu cảm thấy rằng cuộc sống không ngẫu nhiên; có dòng chảy ngầm của ý nghĩa, định mệnh. Thượng đế đem tới cảm giác về định mệnh.
Phật nói: Không có Thượng đế - điều đó đơn giản chỉ ra rằng con người không biết tại sao mình ở đây. Điều đó đơn giản chỉ ra rằng con người bất lực. Điều đó đơn giản chỉ ra rằng con người không có ý nghĩa có sẵn cho mình. Bằng việc tạo ra ý tưởng về Thượng đế con người có thể tin tưởng vào ý nghĩa, và con người có thể sống cuộc sống vô ích này với ý tưởng rằng ai đó đang chăm nom nó.
Nghĩ xem: bạn đang trong chuyến bay trên trời và ai đó tới và nói, "Không có phi công." Bỗng nhiên có hoảng sợ. Không phi công sao? 'Không phi công' đơn giản nghĩa là bạn tận số. Thế rồi ai đó nói, "Cứ tin phi công đang có đó - vô hình. Chúng ta có thể không có khả năng thấy được phi công, nhưng ông ấy có đó; bằng không làm sao cái máy đẹp đẽ này còn bay được? Cứ nghĩ về điều đó mà xem: mọi thứ diễn ra tuyệt vời thế - phải có phi công chứ! Có thể chúng ta không có khả năng thấy ông ấy, có thể chúng ta còn chưa mang tính cầu nguyện đủ để thấy được ông ấy, có thể mắt chúng ta nhắm, nhưng phi công đang có đó. Bằng không làm sao điều này lại có thể được? Cái máy bay này đã cất cánh, nó đang bay hoàn hảo; động cơ đang ù ù đấy. Mọi thứ đều là bằng chứng rằng có phi công."
Nếu ai đó chứng minh điều này, bạn thảnh thơi trong ghế của mình. Bạn nhắm mắt lại, bạn lại bắt đầu mơ - bạn có thể rơi vào giấc ngủ. Phi công đang có đó, bạn không cần phải lo.
Phật nói: Phi công không có đâu - đấy là bịa đặt của con người thôi. Con người đã bịa ra Thượng đế theo hình ảnh riêng của mình. Đấy là phát minh của con người; Thượng đế không phải là khám phá, đấy là bịa đặt. Và Thượng đế không phải là chân lí - đấy là dối trá lớn nhất đang có đó.
Đó là lí do tại sao tôi nói Phật giáo không phải là tôn giáo theo nghĩ thường của từ này. Một tôn giáo vô Thượng đế - bạn có thể tưởng tượng ra được không? Khi lần đầu tiên các học giả phương Tây trở nên nhận biết về Phật giáo, họ choáng. Họ không thể nào hiểu được rằng tôn giáo có thể tồn tại - mà lại không có Thượng đế! Họ đã chỉ biết Do Thái giáo, Ki tô giáo và Mô ha mét giáo. Cả ba tôn giáo này đều rất non nớt nếu so với Phật giáo.
Phật giáo là tôn giáo đến tuổi trưởng thành. Phật giáo là tôn giáo của tâm trí chín chắn. Phật giáo không ngây thơ chút nào - và nó cũng không giúp cho bất kì ham muốn trẻ con nào trong bạn. Nó rất tàn nhẫn. Để tôi nhắc lại điều đó: Chưa bao giờ có người nào từ bi hơn Phật, nhưng tôn giáo của ông ấy lại tàn nhẫn.
Trong thực tế, trong tàn nhẫn đó ông ấy thể hiện từ bi của mình. Ông ấy sẽ không cho phép bạn níu bám lấy bất kì dối trá nào. Dù mang tính an ủi đến đâu, dối trá vẫn cứ là dối trá. Và những người đã trao cho bạn dối trá, họ không phải là bạn của bạn, họ là kẻ thù - bởi vì với tác động của dối trá bạn sẽ sống một cuộc sống đầy những dối trá.
Chân lí phải được đem tới cho bạn, dù nghiêm khắc thế nào, dù gây tan nát thế nào, dù gây choáng váng thế nào. Cho dù bạn bị triệt tiêu bởi tác động của chân lí thì đấy cũng là điều tốt.
Phật nói: Chân lí là ở chỗ tôn giáo của con người là bịa đặt của con người. Bạn đang trong bóng tối bị bao quanh bởi các lực ngoại lai. Bạn cần ai đó để bám vào, ai đó để níu lấy.
Và mọi thứ bạn có thể thấy được đang thay đổi - bố bạn sẽ chết một ngày nào đó và bạn sẽ bị bỏ lại một mình, mẹ bạn sẽ chết một ngày nào đó và bạn sẽ bị bỏ lại một mình, và bạn sẽ là đứa con côi. Và ngay từ thời thơ ấu bạn đã quen có bố bảo vệ mình, có mẹ yêu mình. Bây giờ cái ham muốn trẻ con đó sẽ lại tự khẳng định nó: bạn sẽ cần hình ảnh người bố. Nếu bạn không thể tìm được nó trên trời, bạn sẽ tìm thấy nó trong chính khách nào đó.
Stalin đã trở thành cha của nước Nga xô viết; họ đã vứt bỏ ý tưởng về Thượng đế. Mao đã trở thành cha của Trung Quốc; họ đã vứt bỏ ý tưởng về Thượng đế. Nhưng con người lại ở vào tình huống không thể sống được nếu thiếu hình ảnh người cha. Con người vẫn còn trẻ con. Rất hiếm người trưởng thành chín chắn.
Quan sát riêng của tôi là thế này, đó là mọi người vẫn còn ở quãng tuổi bẩy, tám, chín. Thân thể vật lí của họ trưởng thành, nhưng tâm trí họ vẫn còn bị mắc kẹt ở đâu đó dưới mười tuổi.
Ki tô giáo, Do Thái giáo, Mô ha mét giáo, đều là các tôn giáo dưới mười tuổi. Họ đáp ứng bất kì cái gì bạn cần; họ không lo nghĩ quá nhiều về chân lí. Họ lo nghĩ nhiều về bạn hơn, họ lo nghĩ nhiều về cách an ủi bạn.
Tình huống là như thế này: người mẹ đã chết và đứa con đang kêu khóc, còn bạn phải an ủi đứa trẻ. Cho nên bạn nói dối. Bạn giả vờ rằng người mẹ còn chưa chết: "Mẹ mới đi thăm hàng xóm - mẹ sẽ về ngay. Cháu đừng lo, mẹ sẽ về ngay thôi.” Hay: "Mẹ vừa đi công tác dài ngày. Mẹ phải đi vài ngày nhưng mẹ sẽ quay về." Hay: "Mẹ mới đi thăm Thượng đế - chẳng có gì phải lo cả. Mẹ vẫn còn sống: có thể mẹ đã rời khỏi thân thể, nhưng linh hồn sống mãi mãi."
Phật là cá nhân gây tan nát nhất trong toàn thể lịch sử nhân loại. Toàn bộ nỗ lực của ông ấy là để vứt bỏ mọi chỗ dựa. Ông ấy không nói tin vào cái gì cả. Ông ấy là người không tin tưởng và tôn giáo của ông ấy là tôn giáo vô tin tưởng. Ông ấy không nói "Hãy tin!" ông ấy nói "Hãy hoài nghi!"
Bây giờ, bạn đã nghe nói về các tôn giáo nói "Hãy tin!" Bạn chưa bao giờ nghe nói về tôn giáo nói "Hãy hoài nghi!" Hoài nghi là chính phương pháp luận - hoài nghi tới tận cốt lõi, hoài nghi tới tận cùng, hoài nghi tới cùng. Và khi bạn đã hoài nghi mọi thứ, và bạn đã loại bỏ mọi thứ từ hoài nghi, thực tại nảy sinh trong tầm nhìn của bạn. Nó chẳng liên quan gì tới niềm tin của bạn về Thượng đế. Nó không là cái gì giống như cái gọi là Thượng đế của bạn. Thế thì thực tại nảy sinh: tuyệt đối không quen biết và không biết.
Nhưng khả năng đó chỉ tồn tại khi tất cả mọi niềm tin đều đã bị loại bỏ và tâm trí đã tới trạng thái chín chắn, hiểu biết, chấp nhận "bất kì cái gì hiện có, và chúng ta không ham muốn khác hơn. Nếu không có Thượng đế, thì không có Thượng đế, và chúng ta không có ham muốn nào để phóng chiếu ra Thượng đế. Nếu không có Thượng đế, chúng ta chấp nhận điều đó."
Đây chính là chín chắn: chấp nhận sự kiện và không tạo ra hư cấu quanh nó; chấp nhận thực tại như nó đang thế, không cố gắng thi vị nó, không cố gắng trang điểm nó, không cố gắng làm cho nó dễ chấp nhận hơn cho trái tim bạn. Nếu nó làm tan nát, thì nó làm tan nát. Nếu nó gây choáng váng, thì nó gây choáng váng. Nếu chân lí giết chết, người ta sẵn sàng để bị giết chết.
Phật tàn nhẫn. Và chưa từng có ai đã mở ra cánh cửa của thực tại một cách sâu sắc, sâu lắng như ông ấy đã làm. Ông ấy không cho phép bạn có bất kì ham muốn trẻ con nào. Ông ấy nói: Trở nên nhận biết hơn, trở nên ý thức hơn, trở nên dũng cảm hơn. Đừng lẩn trốn sau những niềm tin và mặt nạ và thượng đế học. Nắm lấy cuộc sống của mình trong tay mình. Thắp sáng ngọn đèn bên trong của bạn và nhìn bất kì cái gì đang có đấy. Và một khi bạn đã trở nên đủ dũng cảm để chấp nhận nó, đó là phúc lành. Không cần niềm tin nào cả.
Đó là bước đầu tiên của Phật hướng tới thực tại: mọi hệ thống niềm tin đều mang tính độc hại; mọi hệ thống niềm tin đều là rào chắn.
Ông ấy không phải là người hữu thần. Và nhớ lấy: ông ấy cũng không phải là người vô thần - bởi vì, ông ấy nói, vài người tin rằng có Thượng đế và vài người tin rằng không có Thượng đế, nhưng cả hai đều là những người tin. Cái vô tin của ông ấy sâu sắc đến mức ngay cả những người nói không có Thượng đế, và tin vào điều đó, cũng không thể chấp nhận được ông ấy. Ông ấy nói rằng chỉ nói không có Thượng đế thì cũng chẳng khác biệt gì. Nếu bạn vẫn còn trẻ con, bạn sẽ tạo ra nguồn Thượng đế khác.
Chẳng hạn, Karl Marx đã tuyên bố: "Không có Thượng đế," nhưng thế rồi ông ấy lại tạo ra Thượng đế từ lịch sử. Lịch sử trở thành Thượng đế; cùng chức năng mà trước đây do Thượng đế đảm nhiệm thì bây giờ được lịch sử thực hiện. Thượng đế đã làm gì? Thượng đế đã là nhân tố tất định; Thượng đế là nhân tố cai quản. Chính Thượng đế là người đã quyết định cái gì phải là và cái gì không phải là. Marx đã vứt bỏ ý tưởng về Thượng đế, nhưng rồi lịch sử đã trở thành nhân tố tất định, thế thì lịch sử đã trở thành số mệnh, thế thì lịch sử đã trở thành số phận - thế thì lịch sử là tất định. Bây giờ lịch sử là gì? Và Marx nói chủ nghĩa cộng sản là giai đoạn không tránh khỏi. Lịch sử đã xác định rằng nó sẽ tới, và mọi thứ đều được lịch sử xác định. Bây giờ lịch sử trở thành siêu Thượng đế.
Nhưng ai đó xác định là cần tới. Con người không thể sống với thực tại như nó đang thế: hỗn độn, ngẫu nhiên. Con người không thể nào sống với thực tại mà không tìm ra ý tưởng nào đó làm cho nó có nghĩa, có liên quan, liên tục, cái cho nó một hình dáng mà lí trí có thể hiểu được; cái có thể được mổ xẻ, phân tích thành nguyên nhân và hậu quả.
Freud đã vứt bỏ ý tưởng về Thượng đế, nhưng rồi vô thức lại trở thành Thượng đế - thế thì mọi thứ lại được xác định bởi vô thức của con người, và con người bất lực trong tay của vô thức. Bây giờ đây là những cái tên mới cho Thượng đế; nó là huyền học mới.
Tâm lí theo trường phái Freud là huyền học mới về Thượng đế. Cái tên đã đổi nhưng dòng chảy vẫn còn như cũ; cái nhãn đã đổi, nhãn cũ đã bị bỏ đi; cái nhãn mới vẽ, tươi tắn đã được dán vào nó - nó có thể lừa những người không tỉnh táo mấy. Nhưng nếu bạn đi sâu hơn vào phân tích của Freud, bạn sẽ lập tức thấy rằng bây giờ vô thức đang làm cùng công việc mà Thượng đế vẫn làm.
Cho nên có gì sai với Thượng đế đáng thương? Nếu bạn phải bịa ra cái gì đó, và con người bao giờ cũng phải được xác định bằng cái gì đó - lịch sử, kinh tế, vô thức, thế này thế nọ - nếu con người không thể được tự do, thì phỏng có ích gì mà thay đổi huyền học, thượng đế học? Điều đó chẳng tạo ra khác biệt gì.
Bạn có thể là người Hindu giáo, bạn có thể là người Mô ha mét giáo, bạn có thể là người Ki tô giáo, bạn có thể là người Do Thái giáo - điều đó chẳng tạo ra mấy khác biệt. Tâm trí của bạn vẫn còn trẻ con, bạn vẫn còn chưa chín chắn. Bạn vẫn còn đi tìm, bạn tiếp tục tìm kiếm hình ảnh người bố: ai đó ở đâu đó người có thể giải thích mọi thứ, người có thể trở thành việc giải thích tối hậu.
Tâm trí chín chắn là người có thể vẫn còn đấy mà không có tìm kiếm nào cho dù không có lời giải thích tối hậu về mọi vật.
Đó là lí do tại sao Phật nói: Ta không phải là người siêu hình. Ông ấy không có siêu hình. Siêu hình nghĩa là việc giải thích tối hậu về mọi thứ - ông ấy không có lời giải thích tối hậu. Ông ấy không nói, "Ta đã giải quyết bí ẩn." Ông ấy không nói, "Tại đây ta trao cho các ông chân lí là gì."
Ông ấy nói, "Điều duy nhất ta có thể trao cho các ông là sự thúc đẩy, niềm khao khát, sự đam mê vô cùng, để trở nên nhận biết, trở nên ý thức, trở nên tỉnh táo; để sống cuộc sống của các ông một cách có ý thức, tràn đầy ánh sáng và nhận biết đến mức cuộc sống của các ông được giải quyết."
Không phải là bạn đi tới lời giải thích tối hậu về sự tồn tại - không ai đã bao giờ đi tới đó cả. Phật phủ nhận siêu hình hoàn toàn. Ông ấy nói siêu hình là tìm kiếm vô ích.
Cho nên điều đầu tiên: ông ấy phủ nhận Thượng đế.
Điều thứ hai: ông ấy phủ nhận moksha, thiên đường, cõi trời. Ông ấy nói: Cõi trời của bạn, thiên đường của bạn, chẳng là gì ngoài những ham muốn dục vọng chưa được thoả mãn của bạn, những bản năng chưa được đáp ứng, được phóng chiếu thành cuộc sống khác, cuộc sống ở cõi bên kia, cuộc sống sau cái chết. Và ông ấy dường như hoàn toàn đúng.
Nếu bạn thấy miêu tả, mô tả về cõi trời và thiên đường trong Mô ha mét giáo, trong Ki tô giáo, trong Do Thái giáo thì bạn sẽ hiểu điều đó thật rõ, điều ông ấy đang nói. Bất kì cái gì còn chưa được hoàn thành ở đây bạn phóng chiếu vào kiếp sau. Nhưng ham muốn dường như là như nhau!
Người Hindu nói có những cây họ gọi là kalpavriksha - bạn ngồi dưới gốc cây đó và bất kì điều gì bạn ham muốn, không trễ lấy một khoảng thời gian nào, nó được hoàn thành ngay. Bạn ham muốn một phụ nữ đẹp sao, cô ấy có đấy - ngay lập tức, ngay tức khắc. Tại phương Tây bạn đã phát minh ra cà phê uống liền và những thứ giống vậy, có ngay bây giờ. Ấn Độ đã phát minh ra cây thoả ước - từ hàng thế kỉ người ta đã tin vào điều đó. Điều đó thực sự được hoàn thành ngay lập tức - thực sự ngay lập tức, không khoảng thời gian trễ nào. Tại đây ý tưởng nảy sinh, tại kia nó được đáp ứng; thậm chí không có đến một giây trôi qua giữa hai điều này. Ý tưởng là sự hoàn thành nó! Bạn ham muốn một phụ nữ đẹp, cô ấy có đó. Bạn ham muốn thức ăn ngon, nó có đó. Bạn ham muốn cái giường đẹp để nghỉ, nó có đó.
Bây giờ, đây là phân tích tâm lí đơn giản - rằng con người không được thoả mãn trong cuộc sống. Và người đó cứ cố gắng. Cả đời mình người đó cứ cố gắng hoàn thành nó, vậy mà người đó không thể nào hoàn thành được, cho nên người đó phải phóng chiếu vào tương lai. Không phải là trong tương lai nó có thể được hoàn thành - ham muốn như thế thì không thể nào hoàn thành được.
Phật đã nói: Chính bản chất của ham muốn là ở chỗ nó vẫn còn không được hoàn thành. Bất kì điều gì bạn làm, bất kể bạn làm nó về cái gì, nó vẫn còn không được hoàn thành - đó chính là bản chất cố hữu của ham muốn. Ham muốn như thế vẫn còn không được hoàn thành. Cho nên bạn có thể ngồi dưới cây thoả ước - điều đó cũng chẳng khác biệt gì. Nhiều lần bạn có thể cảm thấy nó được thoả mãn, rồi nó lại phát sinh. Và vô hạn lần nó cứ phát sinh đi phát sinh lại mãi.
Người Ki tô giáo, người Mô ha mét giáo, người Do Thái, người Hindu - tất cả các cõi trời và thiên đường, đều không là gì ngoài những ham muốn không hoàn thành được phóng chiếu lên, những ham muốn bị kìm nén, những ham muốn nản lòng. Tất nhiên, chúng an ủi cho con người rất nhiều: "Nếu bạn không có khả năng thoả mãn ở đây - thì ở cõi kia. Chẳng chóng thì chầy bạn sẽ đạt tới Thượng đế; điều duy nhất bạn phải làm là cứ cầu nguyện tới ngài, cứ cúi đầu trước hình ảnh nào đó hay ý tưởng nào đó hay lí tưởng nào đó, và làm cho ngài sung sướng, làm cho Thượng đế sung sướng, và thế thì bạn sẽ thu hoạch được vụ mùa lớn những vui thích và ban thưởng. Đó sẽ là món quà của ngài cho bạn - cho lời cầu nguyện của bạn, cho sự cảm kích của bạn, cho sự buông xuôi liên tục, cho việc chạm chân ngài hết lần nọ tới lần kia, cho sự vâng lời của bạn - điều đó sẽ là phần thưởng."
Tất nhiên phần thưởng là sau khi chết, bởi vì ngay cả tu sĩ tinh ranh cũng không thể lừa được bạn trong cuộc sống này - ngay cả họ cũng không thể lừa được. Họ biết ham muốn vẫn còn không được thoả mãn, cho nên họ phải phát minh ra kiếp sau. Chẳng ai đã biết tới kiếp sau cả; mọi người có thể bị lừa rất dễ dàng.
Nếu ai đó tới và nói với bạn, "Thượng đế có thể hoàn thành ham muốn của bạn ở đây và bây giờ," thì sẽ khó chứng minh được điều đó - bởi vì chưa bao giờ ham muốn của bất kì ai được hoàn thành ở đây và bây giờ cả. Thế thì Thượng đế của họ sẽ lâm nguy. Họ đã thử một phương cách rất tinh ranh; họ nói, "Sau cuộc đời này." Thượng đế của bạn không đủ toàn năng để thoả mãn nó ở đây sao? Thượng đế của bạn không đủ toàn năng để tạo ra cây thoả ước trên trái đất này sao? Thượng đế của bạn không đủ mạnh để làm điều gì đó trong khi mọi người còn sống sao? Nếu ông ấy không thể hoàn thành được ở đây, thì bằng chứng nào chứng tỏ ông ấy sẽ hoàn thành ở kiếp sau?
Phật nói: Nhìn vào bản chất của ham muốn. Quan sát chuyển động của ham muốn - nó rất tinh tế. Và bạn sẽ có khả năng thấy hai điều: một, rằng ham muốn bởi chính bản chất của nó là không thể nào hoàn thành nổi; và thứ hai, khoảnh khắc bạn hiểu rằng ham muốn là không thể nào hoàn thành nổi, thì ham muốn biến mất - và bạn bị bỏ lại vô ham muốn. Đó là trạng thái của an bình, im lặng, yên tĩnh. Đó là trạng thái của hoàn thành! Con người chưa bao giờ đi tới hoàn thành qua ham muốn cả; con người đi tới hoàn thành chỉ bằng việc siêu việt lên trên ham muốn.
Ham muốn là cơ hội để hiểu biết. Ham muốn là cơ hội lớn để hiểu vận hành của tâm trí riêng của bạn - cách nó vận hành, cơ chế của nó là gì. Và khi bạn đã hiểu điều đó, trong chính việc hiểu đó là biến chuyển. Ham muốn biến mất, không để lại dấu vết gì đằng sau. Và khi bạn vô ham muốn, không ham muốn điều gì, bạn được hoàn thành. Không phải là ham muốn được hoàn thành, nhưng khi ham muốn được siêu việt lên thì có sự hoàn thành.
Bây giờ thấy khác biệt này: các tôn giáo khác nói, "Ham muốn có thể được hoàn thành trong thế giới khác." Phàm nhân nói, "Ham muốn có thể được hoàn thành ở đây" - người cộng sản nói, "Ham muốn có thể được hoàn thành ở đây. Chỉ cần một cấu trúc xã hội khác, chỉ cần tư bản bị lật đổ, vô sản phải nắm quyền, tư sản phải bị tiêu diệt, có thế thôi - và các ham muốn có thể được hoàn thành ở đây, cõi trời có thể được tạo ra trên trái đất này ở đây."
Phàm nhân nói, "Bạn có thể hoàn thành ham muốn của mình - hãy tranh đấu quyết liệt vào." Đó là điều toàn bộ phương Tây đang làm: "Tranh đấu, cạnh tranh, lừa đảo, bằng bất kì phương tiện và phương pháp nào! Chiếm lấy nhiều của cải, nhiều quyền lực!" Đó là điều các chính khách trên khắp thế giới đang làm: "Trở nên mạnh hơn và ham muốn của bạn có thể được hoàn thành." Đó là điều các nhà khoa học nói, rằng chỉ vài công nghệ nữa cần được phát minh ra và cõi trời sẽ ở ngay góc kia thôi.
Và các tôn giáo của bạn nói gì? Họ chẳng nói gì khác cả. Họ nói, "Ham muốn có thể được hoàn thành, nhưng không trong cuộc đời này - sau cái chết." Đó là khác biệt duy nhất giữa cái gọi là người duy vật và cái gọi là người duy tâm.
Với Phật, cả hai đều duy vật cả; và với tôi cũng thế, cả hai đều duy vật cả. Cái gọi là những người tôn giáo của bạn và cái gọi là những người phi tôn giáo của bạn cả hai đều trong cùng một con thuyền. Chẳng một li khác biệt! Thái độ của họ là như nhau, cách tiếp cận của họ là như nhau.
Phật mới thực mang tính tôn giáo theo cách này, cách ông ấy nói: Ham muốn không thể nào được hoàn thành. Bạn phải nhìn vào ham muốn. Không ở đây mà cũng chẳng ở bất kì đâu khác mà ham muốn được hoàn thành, không bao giờ. Điều đó chưa bao giờ xảy ra và sẽ không bao giờ xảy ra cả - bởi vì điều đó là ngược với bản chất của ham muốn.
Ham muốn là gì? Bạn đã bao giờ nhìn vào việc ham muốn của mình chưa? Bạn đã bao giờ đương đầu với nó chưa? Bạn đã cố gắng suy tư về nó chưa? Ham muốn là gì?
Bạn ham muốn ngôi nhà nào đó; bạn làm việc vì nó, bạn làm việc vất vả. Bạn phá huỷ cả cuộc đời mình cho nó - thế rồi ngôi nhà có đó. Nhưng có sự hoàn thành không? Một khi ngôi nhà có đó, bỗng nhiên bạn cảm thấy rất trống rỗng - bạn cảm thấy còn trống rỗng hơn trước đây, bởi vì trước đây có mối bận tâm để đạt tới ngôi nhà này. Bây giờ nó đây rồi: ngay lập tức tâm trí bạn bắt đầu tìm cái gì đó khác để được bận tâm vào. Bây giờ có những ngôi nhà lớn hơn; tâm trí bạn bắt đầu nghĩ tới những ngôi nhà lớn hơn đó. Có những lâu đài lớn hơn... Bạn ham muốn một người đàn bà và bạn đã đạt được ham muốn của mình, thế rồi bỗng nhiên tay bạn lại trống rỗng. Lần nữa bạn bắt đầu ham muốn người đàn bà khác nào đó.
Đây là bản chất của ham muốn. Ham muốn bao giờ cũng lao lên trước bạn. Ham muốn bao giờ cũng trong tương lai. Ham muốn là hi vọng. Ham muốn không thể nào được hoàn thành bởi vì chính bản chất của nó là vẫn còn không được hoàn thành và được phóng chiếu vào tương lai. Nó bao giờ cũng ở trên đường chân trời.
Bạn có thể xô tới, bạn có thể chạy về đường chân trời, nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ tới được cả: dù bạn tới đâu thì bạn đều sẽ thấy đường chân trời đã lùi ra xa. Và khoảng cách giữa bạn và đường chân trời vẫn còn hoàn toàn như cũ. Bạn có mười nghìn ru pi, ham muốn là về hai mươi nghìn ru pi; bạn có hai mươi nghìn ru pu, ham muốn là bốn mươi nghìn ru pi. Khoảng cách vẫn thế; tỉ lệ toán học vẫn thế.
Bất kì cái gì bạn có, ham muốn bao giờ cũng đi lên trước nó.
Phật nói: Bỏ hi vọng, bỏ ham muốn đi. Trong việc bỏ hi vọng, trong việc bỏ ham muốn, bạn sẽ ở đây bây giờ. Không ham muốn, bạn sẽ được hoàn thành. Chính ham muốn đang lừa dối bạn.
Cho nên khi Phật nói rằng cái gọi là những người tôn giáo này tất cả đều là người duy vật, thì tất nhiên người Hindu giận lắm - giận lắm; họ chưa bao giờ giận dữ như thế với bất kì ai. Họ đã cố gắng nhổ tận rễ tôn giáo của Phật khỏi Ấn Độ, và họ đã thành công. Phật giáo đã sinh ra ở Ấn Độ, nhưng Phật giáo không tồn tại ở Ấn Độ - bởi vì tôn giáo của người Hindu là một trong những tôn giáo duy vật nhất trên thế giới.
Bạn cứ nhìn vào Vedas mà xem: mọi cầu nguyện, mọi tôn thờ, đều chỉ để cầu xin nhiều thêm, thêm nữa, từ các thần hay từ Thượng đế - mọi hi sinh đều để xin nhiều thêm. Mọi tôn thờ đều mang tính ham muốn. "Xin cho chúng con thêm nữa! Xin cho chúng con nhiều vào! Mùa màng tốt hơn, mưa tốt hơn, nhiều tiền hơn, nhiều sức khoẻ hơn, nhiều cuộc sống hơn, sống lâu hơn - xin cho chúng con nhiều hơn!" Toàn thể Veda chẳng là gì ngoài ham muốn được viết to lên. Và đôi khi lại còn rất xấu. Trong Veda cái gọi là rishi không chỉ cứ cầu nguyện "Xin cho chúng con nhiều hơn!" - họ còn cầu nguyện: "Đừng cho kẻ thù của chúng con! Cho bò của con nhiều sữa hơn, nhưng để cho bò của kẻ thù chết đi hay để sữa của nó mất đi!"
Đây là cái kiểu tôn giáo gì vậy? Thậm chí gọi nó là tôn giáo cũng có vẻ ngớ ngẩn. Nếu đây là tôn giáo, thì chủ nghĩa duy vật là gì? Và ngay cả cái gọi là người khổ hạnh, người đã từ bỏ thế giới... và đã có nhiều người như vậy vào thời của Phật. Bản thân ông ấy đã tới nhiều thầy giáo trong khi ông ấy tìm kiếm, nhưng từ mọi nơi ông ấy đều đã quay về với bàn tay trống rỗng - bởi vì ông ấy đã không thể nào thấy được rằng đã có ai thực sự hiểu bản chất của ham muốn. Bản thân họ cũng ham muốn; tất nhiên, ham muốn của họ đã được phóng chiếu vào tương lai xa xăm, kiếp sống khác, nhưng đối tượng của ham muốn vẫn thế, tâm trí ham muốn vẫn thế. Vấn đề chỉ là thời gian.
Vài người ham muốn trước khi chết, vài người ham muốn sau khi chết, nhưng khác biệt là gì? - điều đó chẳng tạo ra khác biệt gì cả. Họ ham muốn cùng một điều - họ ham muốn! Ham muốn là như nhau.
Phật đã đi tới nhiều thầy và đã thất vọng. Ông ấy không thể nào thấy nở hoa tôn giáo ở đâu cả, việc bừng nở - họ tất cả đều là người duy vật. Họ đã là những nhà khổ hạnh lớn: ai đó nhịn ăn hàng tháng, ai đó đã không ngủ hàng năm - họ chỉ là những bộ xương. Bạn không thể gọi họ là phàm nhân và duy vật được nếu bạn nhìn vào thân thể họ; nhưng nhìn vào tâm trí họ, hỏi họ, "Sao các ông lại nhịn ăn? Sao các ông cố gắng vất vả thế? Để làm gì?" và có việc nảy sinh ham muốn đạt tới thiên đường hay cõi trời, đạt tới ban thưởng trong kiếp sau.
Nghe logic của họ và họ tất cả đều sẽ nói, "Tại đây mọi thứ đang biến đi nhanh chóng. Cuộc sống này là tạm bợ. Cho dù bạn có đạt được, mọi thứ đều bị lấy đi khi bạn chết, vậy phỏng có ích gì? Cuộc sống này sẽ không kéo dài mãi. Chúng ta đang tìm kiếm cái gì đó sẽ còn lại mãi - chúng ta theo đuổi cái bất tử, chúng ta theo đuổi ban thưởng tuyệt đối. Nhưng người ở đây, trong cuộc đời này, đang theo đuổi các ham muốn đều là kẻ ngu bởi vì cái chết sẽ lấy đi mọi thứ. Bạn tích luỹ của cải, và ở đây cái chết tới và tất cả bị bỏ lại đằng sau. Chúng ta đang tìm kiếm kho báu mà chúng ta có thể lấy cho chính mình, cái không bao giờ mất, cái không thể bị đánh cắp được, không chính phủ nào có thể đánh thuế nó được - không ai có thể lấy nó đi được, ngay cả cái chết cũng không lấy đi được."
Bạn gọi những người này là người tôn giáo sao? Họ dường như thậm chí còn phàm nhân hơn cái gọi là phàm nhân; họ còn duy vật hơn những người duy vật. Tất nhiên, chủ nghĩa duy vật của họ được trang phục trá hình; chủ nghĩa duy vật của họ mang hương vị tâm linh - nhưng nó là lừa dối. Dường như đấy là đống phân bạn đã vẩy nước hoa vào đó. Đống phân thì vẫn cứ là đống phân thôi; nước hoa chỉ có thể lừa được kẻ ngu.
Phật không bị lừa, ông ấy có thể thấy một cách tỏ tường. Và ông ấy bao giờ cũng có thể thấy rằng ham muốn có đó. Nếu ham muốn có đó, bạn là người duy vật và bạn là phàm nhân.
Cho nên ông ấy không thuyết giảng về thiên đường cho bạn, ông ấy không tin vào bất kì thiên đường nào cả. Không phải là ông ấy không tin vào phúc lạc, không. Ông ấy tin vào phúc lạc, nhưng đấy không phải là niềm tin: khi mọi thiên đường đều mất đi, khi mọi ham muốn đều bị bỏ đi, bỗng nhiên chính bản tính bên trong nhất của bạn là phúc lạc. Với nó, chẳng cái gì được cần tới cả - không cần đức hạnh, không cần khổ hạnh, không cần hi sinh. Chỉ hiểu biết là đủ.
Đạo của Phật là đạo của hiểu biết.
Và điều thứ ba trước khi chúng ta đi vào lời kinh: Ông ấy không tin vào linh hồn - không Thượng đế, không thiên đường, không linh hồn. Bây giờ điều này dường như rất khó.
Chúng ta có thể chấp nhận không có Thượng đế - có thể đấy chỉ là phóng chiếu; ai đã nhìn thấy đâu? Chúng ta có thể chấp nhận không thiên đường - có thể nó chỉ là ham muốn chưa hoàn thành của chúng ta mơ về nó mà thôi. Nhưng không linh hồn sao? Thế thì bạn lấy đi toàn bộ mảnh đất bên dưới rồi. Không linh hồn sao? - thế thì tất cả còn có ích gì nữa? Nếu không có linh hồn trong con người, nếu chẳng có gì bất tử trong con người, thế thì sao phải làm nhiều nỗ lực thế? sao lại thiền? để làm gì?
Phật nói ý tưởng này về cái ngã là hiểu nhầm. Bạn hiện hữu, nhưng bạn không phải là cái ngã. Bạn hiện hữu, nhưng bạn không tách ra khỏi vũ trụ này. Sự tách biệt là ý tưởng gốc rễ trong khái niệm về cái ngã: nếu tôi tách ra khỏi bạn thế thì tôi có một cái ngã; nếu bạn tách ra khỏi tôi thì bạn có một cái ngã.
Nhưng Phật nói: Sự tồn tại là một. Không có biên giới. Không ai là tách rời khỏi bất kì ai khác. Chúng ta sống trong một đại dương tâm thức. Chúng ta là một tâm thức - bị đánh lừa bởi biên giới của thân thể, bị đánh lừa bởi biên giới của tâm trí. Và bởi vì thân thể và tâm trí, và bởi vì sự đồng nhất với thân thể và tâm trí, chúng ta nghĩ chúng ta tách biệt, chúng ta nghĩ chúng ta là cái ngã. Đây là cách chúng ta tạo ra bản ngã.
Điểu đó cũng giống như trên bản đồ bạn thấy Ấn Độ, nhưng trên chính mặt đất thì lại không có Ấn Độ - chỉ trên bản đồ của các chính khách. Trên bản đồ bạn thấy lục địa Mĩ, lục địa Mĩ như tách rời, nhưng sâu bên dưới, xuống dưới đại dương, trái đất là một. Mọi lục địa đều cùng nhau, chúng tất cả là một trên trái đất.
Chúng ta tách rời chỉ trên bề mặt. Chúng ta càng đi sâu hơn, tách rời càng biến mất nhiều hơn. Khi chúng ta đi tới chính cốt lõi của bản thể mình, bỗng nhiên nó là vũ trụ, không có cái ngã trong nó, không có linh hồn ở đó.
Phật không có niềm tin vào Thượng đế, vào linh hồn, vào moksha. Thế thì giáo huấn của ông ấy là gì? Giáo huấn của ông ấy là cách sống, không phải cách tin. Giáo huấn của ông ấy là rất khoa học, rất kinh nghiệm, rất thực tế. Ông ấy không phải là triết gia, không phải là nhà siêu hình. Ông ấy là người ngay trên đất bằng.
Phật nói: Ông có thể thay đổi được cuộc sống của mình - những niềm tin này là không cần thiết. Trong thực tế, những niềm tin này là rào chắn cho sự thay đổi thực. Bắt đầu không bằng niềm tin nào, bắt đầu không bằng siêu hình, bắt đầu không bằng giáo điều. Bắt đầu hoàn toàn trần trụi, không thượng đế học, không ý thức hệ. Bắt đầu từ trống rỗng! Đó là cách duy nhất để đi tới chân lí.
Tôi mới đọc một giai thoại:
Nhà buôn đang đi du hành mở cuốn Kinh thánh Gideon trong phòng khách sạn. Trên trang đầu ông ta đọc câu viết: "Nếu bạn ốm, đọc bài thánh ca 18; nếu bạn gặp rắc rối về chuyện gia đình, đọc bài thánh ca 45; nếu bạn đơn độc, đọc bài thánh ca 92."
Ông ta đơn độc, nên ông ta mở bài thánh ca 92 và đọc nó. Khi ông ta đọc xong, ông ta chú ý tới đáy trang có dòng chữ viết tay: "Nếu bạn vẫn còn thấy đơn độc gọi số 888-3468 và hỏi Myrtle."
Nếu bạn nhìn sâu vào bên trong kinh sách của mình, bạn bao giờ cũng thấy lời chú thích cuối trang mà thường đúng hơn. Bạn tìm lời chú thích cuối trang ấy trên mọi trang kinh sách! Đôi khi nó có thể không được viết bằng mực thấy được, nhưng nếu bạn tìm kĩ thì bạn bao giờ cũng thấy nó ở đó - lời chú thích cuối trang thực tế hơn.
Phật nói tất cả mọi kinh sách của bạn đều chẳng là gì ngoài ham muốn của bạn, bản năng của bạn, tham lam của bạn, thèm khát của bạn, giận dữ của bạn. Tất cả mọi kinh sách của bạn đều chẳng là gì ngoài bịa đặt của tâm trí bạn. Cho nên nó nhất định phải là như vậy, rằng chúng sẽ mang mọi hạt mầm của tâm trí bạn. Kinh sách do con người tạo ra. Đó là lí do tại sao các tôn giáo cố gắng tích cực chứng minh rằng kinh sách của họ ít nhất thì cũng không do con người tạo ra.
Người Ki tô giáo nói Kinh Thánh không do con người tạo ra. Mười điều răn đã do Moses được nhận trực tiếp từ Thượng đế, trực tiếp từ bản thân ông chủ. Tân Ước là thông điệp trực tiếp từ con riêng của ông ấy, đứa con duy nhất, Jesus Christ. Điều đó chẳng liên quan gì tới nhân loại cả - nó tới từ bề trên. Người Hindu nói Veda không do con người tạo ra, chúng là do Thượng đế làm ra. Và cùng câu chuyện này cứ được lặp lại: người Mô ha mét giáo nói Koran được giáng xuống Mohammed từ trên trời.
Sao các tôn giáo này lại cứ khăng khăng rằng kinh sách của họ, và đặc biệt chỉ kinh sách của họ, chứ không phải là kinh sách của ai khác...? Người Mô ha mét giáo không sẵn sàng chấp nhận rằng Veda do Thượng đế làm ra, mà người Hindu cũng không sẵn sàng chấp nhận rằng Koran do Thượng đế làm ra - chỉ Veda của họ mới do Thượng đế làm ra còn mọi thứ khác đều do con người chế tạo ra. Tại sao có sự khăng khăng này? Bởi vì họ đều nhận biết rằng bất kì cái gì con người tạo ra đều có dấu ấn của tâm trí con người và ham muốn của con người.
Phật nói tất cả các kinh sách đều do con người làm ra cả - và ông ấy đúng. Ông ấy không cuồng tín chút nào. Ông ấy không thuộc vào bất kì quốc gia nào, và ông ấy không thuộc về bất kì giống nòi nào; ông ấy không thuộc về bất kì tôn giáo nào, bất kì giáo phái nào. Ông ấy chỉ là ánh sáng chiếu lên mình. Và bất kì cái gì ông ấy đã nói cũng đều là phát biểu thuần khiết nhất về chân lí mà đã từng được đưa ra.
Tôi đã đọc... Paritosh đã gửi cho tôi giai thoại hay này:
Một trong những nhà lãnh đạo tôn giáo ở Ireland được các tín đồ của mình yêu cầu lựa chọn chỗ chôn thích hợp và đài kỉ niệm cho thi hài của ông ta. Cuộc chiến tranh 'tôn giáo' đang diễn ra và cuộc sống của ông ấy bị đe doạ.
Ba bản kế hoạch riêng biệt đã được đệ trình cho ông ấy, và để làm mất tinh thần uỷ ban, ông ấy đã chọn bản ít tốn phí nhất.
Ông ấy được mọi người hỏi tại sao lại lấy lựa chọn này, tại sao ông ấy đã chọn chỗ an nghỉ khiêm tốn này, khi hai thiết kế kia là những nấm mồ thật tráng lệ.
"Thế này, các bạn thân mến của tôi," ông ấy bảo họ, "Tôi đánh giá cao sự hào hiệp của các bạn. Nhưng liệu có xứng đáng với mọi chi phí này không khi tôi không định ở trong nấm mồ đó quá ba ngày?"
Bây giờ, cái loại ngu xuẩn này bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy trong Phật. Cái loại chắc chắn giáo điều này bạn sẽ không bao giờ tìm thấy trong Phật đâu. Ông ấy rất nước đôi. Chỉ có một tên tuổi khác cũng nước đôi như vậy và người đó là Lão Tử; hai con người này rất nước đôi.
Đôi khi, bởi vì sự nước đôi của họ, nên bạn có thể không bị họ gây ấn tượng - bởi vì bạn bị lẫn lộn, bạn cần ai đó tự tin đến mức bạn có thể dựa vào người đó. Do đó, người cuồng tín gây ấn tượng cho bạn rất nhiều. Họ có thể chẳng có gì để nói cả, nhưng họ đập bàn nhiều thế, họ làm ồn ào về nó, đến mức chính sự ồn ào của họ tạo cho bạn cảm giác rằng họ phải biết, bằng không làm sao họ có thể chắc chắn thế? Các nhân chứng về Jehovah và những người như vậy - những người ngu, nhưng họ lại giáo điều trong những khẳng định của mình tới mức họ tạo ra cảm giác về sự chắc chắn. Và những người lẫn lộn cần sự chắc chắn.
Khi bạn tới vị phật, bạn có thể không bị ấn tượng ngay lập tức bởi vì ông ấy sẽ nước đôi thế, ông ấy sẽ không khẳng định điều gì cả. Ông ấy biết rõ hơn điều đó: ông ấy biết rằng cuộc sống không thể bị hàm chứa vào bất kì phát biểu nào, mọi phát biểu đều chỉ là bộ phận. Không phát biểu nào có thể chứa toàn thể chân lí, cho nên làm sao bạn có thể chắc chắn về nó được? Ông ấy bao giờ cũng sẽ vẫn còn tương đối.
Hai bậc thầy vĩ đại của Ấn Độ, Phật và Mahavira, cả hai đều rất sâu sắc về tính tương đối. Einstein đã phát hiện ra điều đó rất muộn; Einstein đã đem tính tương đối tới thế giới khoa học. Trước Einstein, các nhà khoa học cũng đã rất chắc chắn, chắc chắn một cách giáo điều, tuyệt đối chắc chắn. Einstein đã đem tính tương đối tới và đem khiêm tốn cho khoa học, và đem chân lí tới cho khoa học.
Cùng điều đó đã được Phật và Mahavira làm ở Ấn Độ: họ đã đem tính tương đối vào, đem khái niệm là chân lí không thể nào được khẳng định một cách toàn bộ, rằng chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn về nó cả, rằng nhiều nhất thì chúng ta có thể gợi ý về nó. Lời gợi ý phải gián tiếp; chúng ta không thể chỉ thẳng vào nó được - nó lớn thế, bao la thế. Và điều tự nhiên là chúng ta, những con người mong manh này, nên nước đôi. Sự nước đôi này chỉ ra sự tỉnh táo của ông ấy.
Bạn bao giờ cũng thấy những người ngu, người dốt rất giáo điều. Người càng dốt lại càng giáo điều. Đây là một trong những điều bất hạnh lớn nhất trên thế giới, rằng kẻ ngu tuyệt đối chắc chắn, và người trí huệ nước đôi. Phật rất nước đôi. Cho nên nếu bạn thực sự muốn hiểu ông ấy, bạn sẽ phải rất tỉnh táo trong việc nghe của mình, rất cởi mở. Ông ấy không giao chân lí cả đống cho bạn đâu. Ông ấy chỉ gợi ý tới... nhiều nhất là chỉ dẫn, và ngay cả những chỉ dẫn đó cũng rất tinh tế.
Và, như tôi đã nói với bạn, Phật rất không viển vông. Ông ấy không bao giờ bay cao vào siêu hình. Trong thực tế, ông ấy không bao giờ giới thiệu; ông ấy không có lời tựa cho phát biểu của mình. Ông ấy đơn giản nói ra chúng một cách trực tiếp, ngay tức khắc, đơn giản nhất có thể được. Đôi khi phát biểu của ông ấy có thể dường như không có chiều sâu nào - nhưng chúng lại có chiều sâu đấy. Nhưng ông ấy không quanh co vòng vo, ông ấy không làm om sòm về nó.
Tôi đã nghe:
Cô ấy là một người trẻ trung dịu dàng; anh ấy là uỷ viên chấp hành kế toán đang lên nhanh cùng hãng quảng cáo nổi tiếng ở Đại lộ Madison, Bittner, Berman, Dirstein và Osman. Mọi người đều nghĩ đấy là một cuộc hôn nhân lí tưởng. Nhưng hỡi ôi, lại có vấn đề....với dục. Tuần trăng mật thậm chí đã không bắt đầu nổi.
"Là-à người làm quảng cáo," cô ấy nức nở nói với người bạn, "mọi việc anh ấy làm mọi đêm là ngồi trên mép giường và kể cho tôi việc ấy diễn ra kì diệu thế nào!"
Nhưng điều đó chẳng bao giờ xảy ra cả! Bạn có thể hiểu về người làm quảng cáo: anh ta chỉ cứ nói mãi việc ấy diễn ra kì diệu thế nào.
Phật không có lời nói đầu. Ông ấy không bao giờ quảng cáo điều ông ấy sắp nói. Ông ấy chỉ nói điều đó và tiến lên trước.
Phật nói:
"Bị thúc đẩy bởi ham muốn ích kỉ,
mọi người tìm kiếm danh vọng và vinh quang.
Nhưng khi họ đã đạt được nó,
họ bị tác động trong nhiều năm.
Nếu các ông khao khát danh vọng trần tục
và không thực hành Đạo,
lao động của các ông bị dùng sai
và năng lượng của các ông bị phí hoài.
Điều đó cũng giống như đốt que hương.
Dù hương thơm của nó được thán phục đến đâu,
ngọn lửa cũng vẫn dần dần
đốt cháy que hương."
Một phát biểu rất đơn giản và thực tế.
"Bị thúc đẩy bởi ham muốn ích kỉ,
mọi người tìm kiếm danh vọng và vinh quang."
Ham muốn ích kỉ là gì? Theo cách diễn đạt của Phật, ham muốn ích kỉ là ham muốn dựa trên cái ngã. Thông thường, theo ngôn ngữ bình thường, chúng ta gọi một ham muốn là ích kỉ nếu nó chống lại ai đó khác và bạn không để ý tới người khác. Cho dù nó làm hại người khác, bạn vẫn cứ tiến tới và bạn hoàn thành ham muốn của mình. Mọi người gọi bạn là ích kỉ bởi vì bạn không để ý tới người khác, bạn không xem xét gì tới người khác.
Nhưng khi Phật nói một ham muốn là ích kỉ thì nghĩa của ông ấy lại hoàn toàn khác. Ông ấy nói: Nếu một ham muốn mà dựa trên ý tưởng về cái ngã thì nó là ích kỉ.
Chẳng hạn: bạn tặng, bạn tặng một triệu ru pi, vì một lí do tốt - xây bệnh viện hay mở trường học, hay phân phối thức ăn cho người nghèo, hay gửi thuốc men cho vùng nghèo của đất nước - không ai gọi nó là ham muốn ích kỉ cả. Nhưng Phật sẽ nói nó là ích kỉ - nếu có bất kì động cơ nào của cái ngã. Nếu bạn đang nghĩ rằng bằng việc tặng một triệu ru pi bạn sẽ thu được công đức và bạn sẽ được thưởng trên trời, thì đấy là ham muốn ích kỉ. Nó có thể chẳng hại người khác - nó không hại thật - trong thực tế, mọi người sẽ ca ngợi điều đó. Mọi người sẽ gọi bạn là con người vĩ đại, người tôn giáo, người công đức; người từ thiện vĩ đại, đáng yêu, từ bi, thông cảm. Nhưng Phật sẽ nói điều duy nhất xác định liệu một ham muốn là ích kỉ hay không là động cơ của nó.
Nếu bạn đã tặng mà không có động cơ nào, thế thì nó không phải là ích kỉ. Nếu có bất kì động cơ nào ẩn kín ở đâu đó - có ý thức, vô ý thức - rằng bạn định thu lấy cái gì đó từ nó, ở đây hay ở kiếp sau, thì nó là ham muốn ích kỉ. Cái bắt nguồn từ cái ngã là ham muốn ích kỉ; cái tới như một phần của bản ngã là ham muốn ích kỉ. Nếu bạn thiền chỉ để đạt tới cái ngã của mình, nó là ham muốn ích kỉ.
Phật đã nói với đệ tử của mình: Bất kì khi nào các ông thiền, sau mỗi lần thiền, giao mọi thứ các ông đã thu được từ việc thiền, giao nó cho vũ trụ. Nếu các ông phúc lạc, rót nó trở lại cho vũ trụ - đừng mang nó như kho báu. Nếu các ông cảm thấy rất hạnh phúc, chia sẻ nó ngay lập tức - đừng trở nên bị gắn với nó, bằng không bản thân việc thiền của các ông sẽ trở thành quá trình mới của cái ngã. Và việc thiền tối thượng không phải là quá trình của cái ngã. Việc thiền tối thượng là quá trình đi ngày càng nhiều hơn vào cái không ngã, vào cái vô ngã - nó là sự biến mất của cái ngã.
"Bị thúc đẩy bởi ham muốn ích kỉ,
mọi người tìm kiếm danh vọng và vinh quang. Nhưng khi họ đã đạt được nó,
họ bị tác động trong nhiều năm."
Và Phật nói: Trông đây, các ông có thể đạt tới danh vọng, tới vinh quang, tới quyền lực, tới uy tín, sự kính trọng, trên thế giới này - nhưng các ông đang làm gì đấy? Các ông có nhận biết không? Các ông đang phí hoài cơ hội lớn - vì cái gì đó hoàn toàn vô nghĩa. Các ông đang thu thập rác rưởi và phá huỷ thời gian sống, năng lượng sống riêng của mình.
"Nếu các ông khao khát danh vọng trần tục
và không thực hành Đạo...
Phật bao giờ cũng gọi tôn giáo của mình là 'Đạo' - dhamma - chỉ là Đạo, bởi vì ông ấy nói: đừng bị bận tâm vào mục tiêu; mục tiêu sẽ tự nó chăm lo điều đó. Các ông chỉ theo Đạo, thậm chí không có động cơ nào để đạt tới bất kì mục tiêu nào mà chỉ vì sung sướng tột đỉnh của thiền, cầu nguyện, yêu, từ bi, chia sẻ. Từ vui sướng tột đỉnh đó các ông thực hành Đạo. Không phải là các ông định thu lấy bất kì lợi lộc nào từ nó; đừng làm nó thành việc kinh doanh.
Thông thường tâm trí là nhà kinh doanh.
Ông bố già đang hấp hối và cả gia đình tụ tập xung quanh giường chờ đợi ông trút hơi thở cuối cùng. Khi ông già khò khè rời xa cuộc sống, người con trai cả nói với người em và mọi người, "Khi bố ra đi, nếu vào buổi tối, chúng ta có thể chôn bố sáng sớm mai tại khu dịch vụ mai táng lớn trong thành phố. Vì đám tang sẽ vào sáng sớm nên chúng ta sẽ không thể báo cho quá nhiều người được, cho nên chúng ta sẽ không cần nhiều xe to chỗ lớn, và điều đó sẽ không tốn phí nhiều."
Con gái của ông ta đang đứng đó và cô ta nói với người anh, "Anh biết đấy, cái chết này đối với em là chuyện rất cá nhân. Sao chúng ta lại phải gọi cả đống người lạ tới chứng kiến cảnh tượng buồn như vậy - hai anh ở đó và em ở đó là được rồi, cần gì thêm người nào khác nữa?"
Người em trai út nhìn vào họ và nói, "Em không thể đồng ý với các anh chị thêm được. Trong thực tế, sao chúng ta lại cần tốn kém để đem bố tới nơi làm dịch vụ tang lễ vậy? Bố chết trong nhà, ta chôn luôn bố trong nhà."
Và bỗng nhiên mắt ông già mở to ra. Ông ấy nhìn vào ba người con rồi quát lên, "Đưa cho tao cái quần!"
Họ đồng thanh trả lời, "Bố ơi, bố rất yếu. Bố muốn đi đâu?"
Ông ấy đáp, "Đưa cho tao cái quần. Tao sẽ đi ra nghĩa địa - tao là nhà kinh doanh."
Cả đời mọi người chỉ cứ tiết kiệm, tiết kiệm - để làm gì? Cuộc sống đang tuột đi dần; từng khoảnh khắc một khoảng khắc quí giá lại trôi qua và nó không thể nào lấy lại được. Phật nói: đừng phí hoài nó vào những thứ ngu xuẩn.
Danh vọng là ngu xuẩn, nó là lạc lõng, vô nghĩa. Cho dù cả thế giới biết tới bạn, làm sao điều đó làm cho bạn giầu hơn được? Làm sao điều đó làm cho cuộc sống của bạn phúc lạc hơn? Làm sao nó giúp cho bạn hiểu biết hơn? nhận biết hơn? tỉnh táo hơn? sống động hơn?
Nếu bạn không thực hành Đạo:
"... lao động của các ông bị dùng sai
và năng lượng của các ông bị phí hoài.
Điều đó cũng giống như đốt que hương.
Dù hương thơm của nó được thán phục đến đâu,
ngọn lửa cũng vẫn dần dần
đốt cháy que hương."
Đó là cách cuộc sống hiện hữu: từng khoảnh khắc cháy dần. Bạn bao giờ cũng trên dàn hoả thiêu bởi vì từng khoảnh khắc cái chết đang tới gần hơn, từng khoảnh khắc bạn ít sống hơn, chết nhiều hơn. Cho nên trước khi toàn bộ cơ hội này bị mất đi, Phật nói, đạt tới trạng thái vô ngã - thế thì sẽ không có cái chết. Và thế thì sẽ không có khổ. Và thế thì sẽ không có thèm muốn thường xuyên về danh vọng, quyền lực, uy tín.
Trong thực tế, bạn càng trống rỗng bên trong, bạn càng tìm kiếm danh vọng; nó là một loại thay thế. Bạn càng nghèo bên trong, bạn càng tìm kiếm cái giầu; nó là việc thay thế bằng cách nào đó, tống vào bản thân mình cái gì đó.
Tôi quan sát hàng ngày: mọi người tới tôi, và bất kì khi nào họ có vấn đề với chuyện tình của mình, họ lập tức bắt đầu ăn quá nhiều. Bất kì khi nào họ cảm thấy rằng chuyện tình của họ lâm vào khủng hoảng, họ không còn được yêu nữa, hay, họ không có khả năng yêu, cái gì đó đã chắn đường năng lượng yêu của họ, họ lập tức tọng vào mình đủ mọi thứ, họ cứ ăn. Tại sao? Họ đang làm gì với thức ăn? Họ cảm thấy trống rỗng - cái trống rỗng đó làm cho họ sợ. Họ bằng cách nào đó phải tống thức ăn vào nó.
Nếu bạn cảm thấy hạnh phúc bên trong, bạn không bận tâm tới danh vọng; chỉ người không hạnh phúc mới bận tâm tới danh vọng. Ai bận tâm xem liệu có ai biết tới bạn hay không, nếu bạn biết tới bản thân mình? Nếu bạn biết tới bản thân mình bạn là ai, thế thì không có nhu cầu. Nhưng khi bạn không biết mình là ai bạn sẽ muốn mọi người biết tới - mọi người biết bạn là ai. Bạn sẽ thu thập các ý kiến, bạn sẽ thu thập ý tưởng của mọi người, và từ thu thập đó bạn sẽ cố gắng phô ra một căn cước nào đó, rằng 'Đúng, mình là con người này. Mọi người nói, 'Bạn thông minh lắm' - mình thông minh thật." Bạn không chắc chắn. Nếu bạn mà chắc chắn, ai bận tâm điều người khác nói?
Bạn cứ nhìn vào mắt người khác để xem khuôn mặt mình - bạn không biết khuôn mặt mình. Bạn cầu xin: "Nói cái gì đó về tôi đi. Nói - bạn đẹp lắm. Nói - bạn đáng yêu lắm. Nói - bạn duyên dáng lắm. Nói điều gì đó về tôi đi chứ?!" Bạn có quan sát bản thân mình khi cầu xin: "Nói điều gì đó về thân thể tôi, về tâm trí tôi, về hiểu biết của tôi đi - nói điều gì đó đi!"
Bạn ngay lập tức bám lấy nếu ai đó nói điều gì đó. Và nếu ai đó nói điều gì đó gây chấn động và tan nát, bạn trở nên rất giận dữ. Người đó đang phá huỷ hình ảnh của bạn nếu người đó nói điều gì đó chống lại bạn. Nếu người đó nói điều gì đó thiện ý cho bạn, người đó giúp cho hình ảnh của bạn được trang điểm thêm chút ít, nó trở thành được trang sức thêm chút ít - bạn về nhà sung sướng. Tại sao?
Bạn không biết mình là ai. Đó là lí do tại sao bạn cứ đi tìm kiếm. Bạn cứ đi hỏi mọi người "Tôi là ai? Nói cho tôi đi!" Và bạn phải phụ thuộc vào họ. Và cái đẹp của nó, hay cái chớ trêu của nó, là ở chỗ đấy là những người chẳng biết mình là ai. Kẻ ăn mày này đi xin kẻ ăn mày khác. Họ đã tới để xin bạn, cho nên có lừa dối lẫn nhau.
Bạn bắt gặp một người đàn bà; bạn nói, "Đẹp thế! Thiêng liêng thế!" Còn cô ấy nói, "Vâng, và em cũng chưa bao giờ bắt gặp một người đàn ông đẹp trai như anh." Đây là lừa dối lẫn nhau. Bạn có thể gọi nó là tình yêu - đây là lừa dối lẫn nhau. Cả hai đều đang khao khát sự đồng nhất nào đó về họ. Cả hai đáp ứng cho ham muốn của nhau. Mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp - cho tới ngày một trong hai người quyết định rằng thế là đủ rồi và bắt đầu vứt bỏ lừa dối. Thế thì tuần trăng mật chấm dứt... và hôn nhân bắt đầu. Thế rồi mọi sự xấu đi. Thế thì bạn nghĩ "người đàn bà này lừa mình" hay "người đàn ông này lừa mình." Không ai có thể lừa được bạn chừng nào bạn không sẵn sàng để bị lừa, nhớ lấy. Không ai đã bao giờ lừa được ai cả - trừ phi bạn sẵn sàng để bị lừa, trừ phi bạn đang chờ đợi để bị lừa.
Bạn không thể lừa được người biết tới bản thân mình, bởi vì không có cách nào cả. Nếu bạn nói điều gì đó, người đó sẽ cười to. Người đó sẽ nói, "Đừng lo về điều đó - tôi đã tự biết mình là ai. Bạn có thể vứt chủ đề đó đi và chuyển sang nói bất kì điều gì bạn phải nói. Đừng bận tâm về tôi - tôi tự biết mình là ai."
Một khi bạn giầu có bên trong cuộc sống, bạn không tìm kiếm của cải, bạn không tìm quyền lực.
Các nhà tâm lí đã trở nên nhận biết rằng khi mọi người bắt đầu trở nên bất lực, họ bắt đầu tìm ra các biểu tượng dục, dương vật nào đó. Nếu một người trở nên bất lực người đó muốn biểu tượng dương vật nào đó để thay thế nó. Người đó có thể cố gắng có chiếc xe to nhất thế giới - đó là biểu tượng dương vật. Người đó muốn có chiếc xe mạnh nhất thế giới; bây giờ quyền lực riêng của người đó đã mất, năng lượng dục riêng của người đó đã mất - bây giờ người đó muốn cái thay thế. Trong khi tăng tốc chiếc xe của mình tới tốc độ tối đa, người đó sẽ cảm thấy thoải mái - cứ dường như người đó đang làm tình với người đàn bà của mình. Chính tốc độ sẽ cho người đó sức mạnh. Người đó sẽ được đồng nhất với chiếc xe.
Các nhà tâm lí đã quan sát hiện tượng này trong nhiều năm, rằng những người có phức cảm tự ti nào đó bao giờ cũng trở nên tham vọng. Trong thực tế, không ai đi làm chính trị trừ phi người đó bị bắt rễ sâu sắc vào phức cảm tự ti. Các chính khách về cơ bản là người mang phức cảm tự ti. Họ phải chứng minh tính cao siêu của mình theo cách nào đó, bằng không họ sẽ không có khả năng sống với phức cảm tự ti của mình.
Điều tôi đang cố gắng chỉ ra là: bất kì điều gì bạn bỏ lỡ bên trong, bạn đều cố gắng tích luỹ cái gì đó bên ngoài làm cái thay thế cho nó. Nếu bạn không bỏ lỡ cuộc sống của mình bên trong, bạn là đủ cho chính mình rồi. Và chỉ thế thì bạn mới đẹp. Và chỉ thế thì bạn mới hiện hữu.
Phật nói:
Những người bám dính lấy của cải trần tục
và niềm đam mê ích kỉ thì mù quáng
khi hi sinh những kiếp sống của mình vì chúng.
Họ giống như đứa trẻ cố liếm đốm mật
trên lưỡi dao.
Miếng mật chẳng đủ thoả mãn
cái thèm của nó,
nhưng gây nguy cơ làm đứt lưỡi nó.
Chẳng cái gì là đủ trong cuộc đời này để hoàn thành các ham muốn của bạn, để hoàn thành cái thèm của bạn. Thế giới này là thế giới mơ - chẳng cái gì có thể hoàn thành được bởi vì chỉ thực tại mới có thể hoàn thành.
Bạn có quan sát không? Trong giấc mơ một hôm nào đó, bạn cảm thấy đói vào ban đêm và trong giấc mơ bạn đi tới tủ lạnh và mở nó ra và bạn ăn một cách thoả thích. Tất nhiên, theo một cách nào đó thì điều đó cũng tốt - nó không quấy rối giấc ngủ của bạn; bằng không cái đói sẽ không cho phép bạn ngủ, bạn sẽ phải thức dậy. Giấc mơ đã tạo ra vật thay thế; bạn tiếp tục ngủ, bạn cảm thấy "Mình đã ăn đủ rồi." Bạn đã lừa thân thể mình.
Giấc mơ là kẻ lừa dối. Sáng hôm sau bạn sẽ ngạc nhiên - bạn vẫn đói - bởi vì bữa ăn trong mơ là tương đương với việc nhịn ăn. Ăn hay nhịn - cả hai đều như nhau trong mơ, bởi vì mơ là không thật. Nó không thể thoả mãn được. Để làm dịu cơn khát thực, cần có nước thực. Để thoả mãn, thực tại cuộc sống thực là cần thiết.
Phật nói: Ông cứ tạo ra nguy cơ tự làm mình bị thương, nhưng không hoàn thành nào tới từ cuộc sống này. Có thể đây đó bạn đã nếm mật ong - ngọt đấy, nhưng rất nguy hiểm, không thoả mãn. Và mật này là miếng mật dính trên mép lưỡi dao; có mọi nguy cơ bạn sẽ làm đứt lưỡi mình.
Bạn nhìn người già: bạn sẽ không thấy gì khác ngoài những vết thương; toàn bộ bản thể của họ chẳng là gì ngoài những vết thương - toàn những u là u. Khi một người chết đi bạn không thấy hoa nở trong bản thể người đó, bạn chỉ thấy những vết thương bốc mùi.
Nếu một người đã thực sự sống và không bị lừa dối bởi mơ của mình và những ham muốn ảo tưởng, người đó càng già sẽ càng trở nên đẹp hơn. Trong cái chết người đó là thượng hạng.
Đôi khi bạn có thể bắt gặp người già có tuổi già còn đẹp hơn tuổi thanh niên của người đó. Thế thì cúi đầu trước người già đó đi - người đó đã sống một cuộc sống đúng đắn, một cuộc sống hướng nội, một cuộc sống 'nội tâm'. Bởi vì nếu cuộc sống mà được sống một cách đúng đắn, thế thì bạn trở nên ngày một đẹp hơn và huy hoàng bắt đầu tới với bạn, một vẻ thanh tao; một cái gì đó của cái không biết bắt đầu tồn tại ở ngoại vi của bạn - bạn trở thành nơi ở của cái vô hạn, của cái vĩnh hằng. Nó phải là như vậy bởi vì cuộc sống là sự tiến hoá.
Nếu khi bạn không còn trẻ nữa mà bạn trở nên xấu, điều đó chỉ có nghĩa là trong tuổi thanh niên của mình, bạn đã nếm mật trên quá nhiều dao - bạn đã trở nên bị thương. Bây giờ bạn sẽ chịu đựng những vết thương ung thư này. Tuổi già trở thành sự chịu đựng lớn. Và cái chết rất hiếm khi đẹp, bởi vì rất hiếm người đã thực sự sống.
Nếu một người đã thực sự sống - giống như ngọn lửa cháy từ cả hai đầu - cái chết của người đó sẽ là hiện tượng vô cùng trọng đại, cái đẹp tột cùng. Bạn sẽ thấy cuộc sống của người đó chói sáng khi người đó sắp chết, tới mức tối đa, tới mức cực thịnh. Trong khoảnh khắc cuối này người đó sẽ trở thành ngọn lửa như thế, toàn bộ cuộc sống của người đó sẽ trở thành hương thơm tập trung vào khoảnh khắc đó, sự chói lọi lớn lao sẽ nảy sinh trong bản thể người đó. Trước khi người đó ra đi, người đó sẽ để lại sự ghi nhớ lấy.
Đó là điều đã xảy ra khi Phật rời khỏi thế giới này. Đó là điều đã xảy ra khi Mahavira rời khỏi thế giới này. Chúng ta đã không quên họ, không phải bởi vì họ là các chính khách vĩ đại hay những người có quyền lực lớn lao - họ là không ai cả, nhưng chúng ta không thể quên được họ. Không thể nào quên được họ. Họ đã chẳng làm gì cả khi có liên quan tới lịch sử. Chúng ta có thể gần như bỏ quên họ trong lịch sử, chúng ta có thể quên lãng họ trong lịch sử - chẳng cái gì bị mất cả. Trong thực tế, họ chưa bao giờ tồn tại trong luồng lịch sử chính; họ ở bên lề của nó, nhưng không thể nào quên họ được. Chính khoảnh khắc cuối cùng của họ đã để lại niềm vinh quang thế cho nhân loại. Sự rực rỡ cuối cùng của họ đã chỉ ra cho chúng ta khả năng riêng của chúng ta, tiềm năng vô hạn của chúng ta.
Phật nói:
"Con người bị ràng buộc chặt với gia đình và của cải của mình còn bất lực hơn là trong tù. Có cơ hội để tù nhân được thoát ra,
nhưng người chủ gia đình không ấp ủ ham muốn được thoát ra khỏi mối ràng buộc gia đình.
Khi niềm đam mê của con người nảy sinh
chẳng cái gì ngăn cản được người đó khỏi làm tàn tạ bản thân mình.
Ngay cả đến dạ dầy hổ người đó cũng nhảy vào.
Do vậy những người bị nhấn chìm trong rác rưởi của đam mê được gọi là kẻ dốt nát.
Những người có khả năng vượt qua nó là a la hán thánh thiện.
Phật nói: Những người bị lạc trong rác rưởi của đam mê và không bao giờ siêu việt lên trên nó, những người không bao giờ siêu việt lên như hoa sen vươn lên khỏi bùn mà nó được sinh ra, họ là người dốt nát, phàm nhân. Những người siêu việt lên trên thèm khát và ham muốn, những người hiểu ra cái vô ích của ham muốn, và những người trở nên hiểu biết về toàn bộ cái vô nghĩa mà tâm trí tạo ra và những ước mơ mà nó chế ra, họ là những a la hán vĩ đại.
'A la hán', chính từ này nghĩa là người đã vượt qua kẻ thù của mình. Phật nói ham muốn, việc ham muốn, là kẻ thù của bạn. Một khi bạn đã vượt qua ham muốn của mình, bạn đã vượt qua được kẻ thù của mình, bạn đã trở thành a la hán. A la hán là mục tiêu: trở thành vô ham muốn - bởi vì chỉ khi bạn vô ham muốn thì mới có phúc lành.
Cái gọi là các tôn giáo của chúng ta đều dựa trên sợ hãi. Tôn giáo của Phật dựa trên phúc lành bên trong. Chúng ta tôn thờ Thượng đế bởi vì chúng ta sợ, bởi vì chúng ta không biết phải làm gì với cuộc sống của mình. Chúng ta liên tục run rẩy, sợ hãi - cái chết đang tới và chúng ta không biết phải làm gì, làm sao tự bảo vệ mình. Chúng ta cần người bảo vệ. Đấy là từ sợ hãi. Tôn giáo của Phật là dựa vào phúc lành bên trong, dựa vào hạnh phúc bên trong - nó chẳng liên quan gì tới sợ hãi cả.
Để tôi kể cho các bạn một giai thoại:
Henry đi săn chuyến đầu tiên. Khi anh ta trở về văn phòng của mình thì anh bạn Morris nôn nóng được nghe tất cả mọi điều về chuyến đi của anh ta được. Henry kể cho anh ta, "Này, tớ đi vào rừng với người hướng dẫn. Cậu biết tớ đấy, hai phút trong rừng, tớ bị lạc. Tớ bước đi cực kì lặng lẽ, thì bỗng nhiên một con gấu to đùng mà cậu chưa từng thấy đang đứng ngay bên phải phía trước tớ. Tớ rẽ quanh và chạy thục mạng và con gấu kia, nó chạy còn nhanh hơn. Ngay khi tớ cảm thấy hơi thở nóng hổi của nó phả vào gáy, thì nó trượt chân ngã nhào. Tớ nhảy qua suối và chạy tiếp, nhưng tớ hết hơi và chắc rằng con gấu kia đang tiến lại gần tớ lần nữa. Nó gần như trên trốc tớ thì nó lại trượt chân và ngã nhào. Tớ cứ chạy và cuối cùng tớ thấy mình ở khu đất thoáng của khu rừng. Con gấu đang chạy nhanh hết sức và tớ biết tớ sẽ không có cơ hội thoát nữa. Tớ thấy những người thợ săn khác và kêu cứu, và ngay lúc đó con gấu lại trượt chân và ngã lần nữa. Người hướng dẫn của tớ có khả năng ngắm bắn và anh ta đã bắn con gấu và giết chết nó."
Morris nói, "Henry, đấy là cả một câu chuyện. Cậu là người rất bạo dạn. Nếu như điều đó mà xảy ra cho tớ, thì tớ đã bĩnh ra quần rồi."
Henry nhìn anh ta và nhún vai, "Morris, cậu nghĩ thế nào con gấu ấy còn trượt chân nữa không?"
Cái gọi là các tôn giáo chỉ bắt nguồn từ sợ hãi. Và bất kì cái gì dựa trên sợ hãi thì không bao giờ có thể đẹp được. Các thượng đế của bạn, các nhà thờ của bạn, các đền đài của bạn, nếu chúng bắt nguồn từ nỗi sợ của bạn thì chúng đều bốc mùi - chúng nhất định bốc mùi sợ hãi của bạn.
Tôn giáo của Phật không dựa trên sợ hãi chút nào. Đó là lí do tại sao ông ấy lại nói bước đầu tiên là vứt bỏ mọi niềm tin. Những niềm tin đó hiện hữu bởi vì sợ hãi. Với việc vứt bỏ niềm tin bạn sẽ trở nên nhận biết về nỗi sợ của mình, và điều đó là tốt, trở nên nhận biết về nỗi sợ của mình. Bạn sẽ trở nên nhận biết về cái chết của mình. Bạn sẽ trở nên nhận biết về toàn thể vũ trụ vô hạn này - chẳng đâu mà đi, không ai hướng dẫn, chẳng đâu tìm được bất kì an toàn nào. Trong nỗi sợ đó, trong nhận biết về nỗi sợ đó, chỗ duy nhất còn lại sẽ là bắt đầu đi vào bên trong - bởi vì chẳng có ích gì mà đi đâu cả. Nó bao la thế.
Cuộc hành trình bên trong bắt đầu khi bạn đã vứt bỏ mọi niềm tin và bạn đã trở nên nhận biết về nỗi sợ, cái chết, ham muốn. Và một khi bạn đã đi vào trong, bỗng nhiên bạn thấy nỗi sợ biến mất; bởi vì trong cốt lõi sâu nhất của bản thể bạn không bao giờ có bất kì cái chết nào cả, không thể có được. Cốt lõi bên trong nhất của bạn là hoàn toàn vô ngã.
Cái ngã có thể chết. Cái vô ngã không thể chết. Nếu có cái gì đó, nó có thể bị phá huỷ. Đó là lí do tại sao Phật nói chẳng có gì bên trong bạn - bạn là cái không thuần khiết. Cái không đó không thể nào bị phá huỷ. Và một khi bạn đã hiểu nó, rằng cái chết không thể phá huỷ được, rằng cái không này là đẹp đẽ thế trong chính nó, thì không có nhu cầu cứ nhồi nhét vào nó bằng tiền bạc, quyền lực, uy tín, danh vọng. Cái không này là thuần khiết và hồn nhiên và đẹp tới mức bạn được phúc lành trong nó. Bạn bắt đầu nhảy múa trong cái không đó. Cái không đó bắt đầu là điệu vũ. Phật hướng dẫn bạn tới điệu vũ đó.
Khi Phật sắp chết, Ananda bắt đầu khóc và ông ấy nói, "Bây giờ tôi biết làm gì đây? Thầy đang ra đi và tôi vẫn chưa trở nên chứng ngộ."
Phật nói, "Đừng khóc nữa, bởi vì ta không thể làm cho ông chứng ngộ được - chỉ ông mới có thể làm được phép màu đó cho bản thân mình. Là ánh sáng lên chính mình đi - appa deepo bhava."
Phật ném nhân loại vào cốt lõi bên trong nhất. Phật nói: đi vào bên trong đi - và không có chỗ nào khác mà đi đâu. Bạn là điện thờ. Đi vào bên trong đi! Và không có Thượng đế khác ở đâu cả để mà tôn thờ. Bạn càng đi vào bên trong, tâm thức tôn thờ sẽ càng nảy sinh - không có bất kì vật nào để tôn thờ; cầu nguyện sẽ nảy sinh, không hướng tới bất kì ai. Cầu nguyện thuần khiết... từ phúc lạc, từ bản thể, từ phúc lành bên trong.