Read more
Osho - Kinh Kim Cương
Chương 1. Cảnh giới niết bàn ấy
Kinh Kim Cương của Phật Gautama
Đây là những gì tôi đã được nghe vào thời ấy.
Phật ngụ tại thành Sravasti. Buổi sáng sớm ông ấy mặc trang phục, khoác áo cà
sa, cầm bình bát đi vào thành Sravasti khất thực. Khi trở về, ăn xong, ông ấy xếp
gọn y bát, rửa chân và ngồi vào chỗ dành cho ông ấy, hai chân xếp chéo, thân
ngay thẳng, mắt chăm chú nhìn về phía trước. Lúc ấy các tu sĩ, từng nhóm đông,
tiến tới cung kính đảnh lễ Phật xong đi vòng ba lần qua bên phải ông ấy rồi ngồi
xuống.
Lúc ấy tôn giả Subhuti (Tu Bồ Đề) cũng đang ngồi
giữa hội chúng. Ông đứng lên, vắt một vạt áo lên vai, quì gối phải xuống đất,
chắp hai tay hướng về Phật mà thưa rằng, ‘Bạch Thế Tôn, thật là kì diệu, hỡi Diệt
Độ, vô cùng kì diệu sự hộ trì mà Như Lai đã ban cho các vị bồ tát, những sinh
linh thượng đẳng! Vậy, Bạch Thế Tôn, hành giả đi theo con đường của bồ tát phải
làm sao để an trụ tâm, làm sao để hàng phục tâm?’
Sau những lời này Phật bảo Subhuti: ‘Vậy,
Subhuti, lắng nghe cho rõ và chăm chú!’
‘Hành giả đi theo con đường của bồ tát cần phải
nghĩ rằng, “Tất cả các loài chúng sinh trong vũ trụ, dù nhiều vô lượng, ta phải
dẫn dắt họ đến niết bàn, nơi chẳng còn để lại cái gì ở phía sau. Tuy nhiên, mặc
dù vô lượng vô biên chúng sinh đã được dẫn dắt vào niết bàn, nhưng thật ra
không có chúng sinh nào được dẫn vào niết bàn cả.” Và tại sao? Bởi vì nếu vị bồ
tát còn có ý nghĩ về “chúng sinh” thì không thể gọi là “bồ tát”. Tại sao vậy? Bởi
vì, nếu một ai đó còn có ý nghĩ về ta, về người, về linh hồn, về mạng sống, thì
không phải là bồ tát.”
Tôi yêu Phật Gautam, vì đối với
tôi, ông ấy là cốt lõi tinh hoa của tôn giáo. Ông ấy không phải là người sáng lập
Phật giáo - Phật giáo chỉ là sản phẩm phụ - nhưng ông ấy là người bắt đầu cho một
loại tôn giáo hoàn toàn khác trên khắp thế giới. Ông ấy là người sáng lập ra
tôn giáo phi tôn giáo. Ông ấy đã đề xuất không phải là tôn giáo mà là tinh thần
tôn giáo. Và đây là thay đổi triệt để vĩ đại trong lịch sử tâm thức con người.
Trước Phật đã từng có nhiều tôn
giáo, nhưng chưa bao giờ có tinh thần tôn giáo thuần khiết. Con người chưa chín
muồi. Với Phật, nhân loại đã đến tuổi trưởng thành. Thực ra, không phải tất cả
mọi người đều trưởng thành, điều đó đúng, nhưng Phật đã chỉ ra con đường; Phật
đã mở cánh cửa vô môn. Phải có thời gian, nhân loại mới hiểu được thông điệp
sâu sắc như thế. Thông điệp của Phật là sâu sắc nhất mà loài người chưa từng
bao giờ nhận được. Chưa từng có một ai làm được công trình như Phật đã làm,
cách thức mà ông ấy đã làm. Chưa từng có một ai biểu lộ được hương thơm ngát
thuần khiết như thế.
Những nhà sáng lập tôn giáo
khác, những bậc chứng ngộ khác đã có những nhượng bộ đối với thính giả của họ.
Còn Phật không bao giờ khoan nhượng, và đó là thuần khiết của ông ấy. Ông ấy chẳng
quan tâm tới điều bạn có thể hiểu được tới đâu, ông ấy chỉ quan tâm đến chân lí
là gì. Và ông ấy giãi bầy chân lí mà chẳng lo liệu bạn có hiểu được hay không.
Một mặt, làm như vậy có vẻ quá nghiêm khắc, nhưng mặt khác nó lại chứng tỏ từ
bi vô hạn.
Chân lí như thế nào thì phải được
nói ra đúng như thế. Ngay khi bạn nhân nhượng, khoảnh khắc bạn hạ thấp chân lí
cho vừa với trình độ tầm thường của tâm thức con người, chân lí liền mất hết
linh hồn, nó thành nông cạn, nó trở thành thứ chết. Bạn không thể hạ thấp chân
lí xuống cho vừa với trình độ con người; con người phải được nâng lên tới cấp độ
chân lí. Đó chính là công trình vĩ đại của Phật.
Kinh Kim Cương đã được nói ra
cách nay hai mươi nhăm thế kỉ, vào một ngày nào đó, sáng sớm - giống như sáng
hôm nay. Một nghìn hai trăm năm mươi tu sĩ đã có mặt. Việc ấy xảy ra tại thành
Sravasti. Đó đã từng là một trong những thành phố lớn thời đó. Từ ‘Sravati’ có
nghĩa là ‘Thành Diễm lệ’. Nó đã là một trong những thành phố diễm lệ nhất của Ấn
Độ cổ đại; lúc ấy thành phố có chín trăm nghìn gia đình. Ngày nay nó đã hoàn
toàn biến mất. Chỉ còn lại một cái làng rất rất nhỏ bé - thậm chí bạn cũng sẽ
không tìm thấy tên của nó trên bất kì bản đồ nào; thậm chí tên của nó cũng đã
biến mất. Bây giờ nơi đó được gọi là Sahet-Mahet. Không thể nào tin được rằng một
thành phố lớn đến thế đã từng tồn tại ở đấy. Cuộc sống là như vậy đấy - mọi vật
luôn đổi thay. Thành phố trở thành nghĩa địa, nghĩa địa trở thành bãi chợ... cuộc
sống là thay đổi liên tục.
Phật chắc phải đã yêu thành phố
Sravasti này, vì ông ấy đã trải qua ở đó hai mươi nhăm trong số bốn mươi nhăm
năm thuyết pháp. Chắc ông ấy đã yêu mến dân chúng của thành này. Trình độ tâm
thức của họ chắc phải rất cao. Những bản kinh tuyệt vời nhất của Phật hầu hết
được giảng ở Sravasti.
Bản kinh này - Kinh Kim Cương -
cũng đã được giảng tại Sravasti. Tên tiếng Phạn của kinh này có nghĩa là
"sự hoàn hảo của trí huệ sắc bén như cú sét đánh, như lưỡi tầm sét."
Nếu bạn cho phép, Phật có thể chém đứt bạn tựa như cú sét đánh. Ông ấy có thể
chặt đứt đầu bạn. Ông ấy có thể giết chết bạn và giúp bạn tái sinh.
Vị phật phải là cả hai - vừa là
kẻ sát nhân, vừa là người mẹ. Một mặt ông ấy phải giết chết bạn và mặt khác ông
ấy làm sinh thành con người mới trong bạn. Con người mới chỉ có thể sinh ra được
khi con người cũ đã bị phá huỷ. Chỉ từ tro tàn của con người cũ mà con người mới
được sinh ra. Con người là loài phượng hoàng. Loài ‘phượng hoàng’ thần thoại
này không chỉ là chuyện thần thoại; nó là biểu tượng. Nó đại diện cho con người.
Chim phượng hoàng đó không có ở đâu khác ngoại trừ trong con người. Con người
là sinh linh phải chết đi để được tái sinh.
Đó cũng là điều Jesus đã nói với
Nicodemus. Nicodemus là một giáo sư, một nhà thông thái, một giáo sĩ Do Thái, một
thành viên của ban kiểm soát ngôi đền lớn ở Jesuralem. Vào một đêm tối trời,
ông ta tìm đến gặp Jesus. Ban ngày ông ta không có đủ dũng khí để làm điều này.
Ông ta sợ mang tai tiếng: ông ta vốn là một nhân vật có tiếng và được xã hội
kính trọng. Đến thăm một kẻ thuyết giảng lang thang sao?... đến chỗ một kẻ đang
bị tất cả các giáo sĩ Do Thái và các nhà thông thái căm ghét sao?... đến chỗ một
kẻ du thủ du thực hay giao du với bọn trộm cắp, bọn bợm rượu và bọn gái điếm
sao?... Nhưng có cái gì đó bên trong thôi thúc Nicodemus đến gặp Jesus. Có thể
trong khi đi lễ nhà thờ, ông ta nhìn thấy Jesus đi qua. Ông ta có lẽ đã cảm thấy
cái gì đó sâu trong tiềm thức của mình hướng về con người này. Ông ta không thể
cưỡng lại chính mình.
Một đêm nọ, khi mọi người đều
đi vắng và bọn học trò đã ngủ, ông ta đã đến gặp Jesus và hỏi, "Tôi phải
làm gì để có thể vào được vương quốc của Thượng đế?"
Và Jesus đáp, "Chẳng thể
làm gì được trừ phi ông chết đi. Nếu ông chết đi, chỉ thế thì ông mới có thể
vào được vương quốc của Thượng đế. Con người hiện tại của ông phải chết đi, chỉ
thế thì con người thực sự bên trong của ông mới sinh ra được."
Bản ngã phải chết đi để bản thể
tinh tuý nổi lên bề mặt. Đây là ý nghĩa chính của Kinh Kim Cương. Nó chặt đứt
như lưỡi tầm sét. Nó có thể tiêu diệt bạn bằng một nhát chém. Đây là một trong
những bài giảng quan trọng nhất của Phật. Hoà điệu với nó đi.
Nhưng trước khi chúng ta vào lời
kinh, tôi sẽ giải thích cho bạn một vài điểm để bạn dễ hiểu hơn.
Phật Gautam đã bắt đầu một chất
tâm linh không bị kìm nén, không lí tưởng hoá. Đó là hiện tượng rất hiếm hoi.
Loại tâm linh thông thường, đầy rẫy trong vườn, đều rất kìm nén. Nó phụ thuộc
vào kìm nén. Nó không làm biến đổi con người, nó chỉ làm con người què quặt đi.
Nó không giải phóng con người, nó làm con người thành nô lệ. Nó là đàn áp, nó
là xấu xa.
Nghe những lời này của Thomas à
Kempis, tác giả cuốn ‘Bắt chước Christ’. Ông ta viết, "Bạn càng dùng bạo lực
với bản thân mình, bạn càng được nâng cao lên trong hồng ân của Thiên Chúa. Chẳng
có con đường nào khác ngoài sự hành xác mình mỗi ngày. Biện pháp tốt nhất, hoàn
hảo nhất, là tự khinh ghét bản thân mình." Trong mọi thời đại, đã có hàng
nghìn thánh nhân sẽ đồng ý với Thomas à Kempis. Còn Thomas à Kempis là một người
bệnh hoạn.
Hay như tu sĩ người Pháp
Bossuet nói, "Thiên hạ đáng nguyền rủa! Thiên hạ đáng nguyền rủa! Hàng
nghìn lần đáng nguyền rủa!" Tại sao? Tại sao Thiên hạ đáng nguyền rủa? Cuộc
sống phải bị nguyền rủa. Những người đó đã từng nghĩ cứ như là Thượng đế chống
lại cuộc sống, cứ như là cuộc sống chống lại Thượng đế. Cuộc sống chính là Thượng
đế. Không có đối kháng nào, thậm chí không có tách bạch nào. Đấy không phải là
những sự vật phân biệt, mà là những tên gọi khác nhau của cùng một thực tại.
Nhớ điều này: Phật không kìm
nén. Nếu bạn gặp những nhà sư Phật giáo kìm nén, nhớ lấy - họ chẳng hiểu gì về
Phật cả. Họ đã đem cái bệnh hoạn của riêng mình vào giáo huấn của ông ấy. Còn
Phật không phải là nhà ý thức hệ. Ông ấy chẳng đưa ra ý thức hệ nào, vì mọi ý
thức hệ đều xuất phát từ tâm trí. Và nếu ý thức hệ xuất phát từ tâm trí, chúng
không thể đưa bạn vượt ra ngoài tâm trí được. Không một ý thức hệ nào có thể trở
thành cây cầu để vượt ra ngoài tâm trí được. Mọi ý thức hệ đều phải bị vứt bỏ,
chỉ thế thì tâm trí mới bị vứt bỏ.
Phật chẳng tin vào lí tưởng nào
cả - vì tất cả các lí tưởng đều tạo ra căng thẳng và xung đột trong con người.
Chúng chia rẽ, chúng tạo ra đau khổ. Bạn là thứ này và chúng muốn bạn trở thành
cái gì đó khác. Giữa hai điều này bạn bị day dứt, giằng xé. Lí tưởng gây ra đau
khổ. Lí tưởng tạo ra tinh thần phân liệt. Càng có nhiều lí tưởng, con người
càng bị nhiều trạng thái tinh thần phân liệt; họ sẽ bị chia chẻ. Chỉ một tâm thức
không ý thức hệ mới có thể tránh được chia chẻ. Và nếu bạn bị chia chẻ, làm sao
bạn có thể hạnh phúc được cơ chứ? Làm sao bạn có thể im lặng? Làm sao bạn có thể
biết tới một chút an bình, thanh thản?
Con người ý thức hệ liên tục đấu
tranh với bản thân mình. Từng khoảnh khắc đều có xung đột. Người đó sống trong
xung đột, người đó sống trong lẫn lộn, vì người đó không thể nào quyết định được
mình thực sự là ai - là lí tưởng hay là thực tại? Người đó không thể tin cậy
vào chính mình được, người đó trở nên sợ chính mình, người đó mất tự tin. Và một
khi con người đánh mất đi lòng tự tin, người đó cũng đánh mất luôn cả lòng tự
hào. Thế thì người đó sẵn sàng trở thành nô lệ cho bất kì ai - cho bất kì tu sĩ
nào, bất kì chính khách nào. Thế thì người đó chỉ sẵn sàng, đợi rơi vào trong
chiếc bẫy nào đó.
Tại sao người ta trở thành đạo
đồ hay tín đồ? Tại sao người ta bị mắc bẫy? Tại sao người ta ở dưới quyền lực của
một Joseph Staline hay một Adolf Hitler hay một Mao Trạch Đông? Tại sao trước hết
có điều đó? Họ đã trở nên run rẩy thế; lẫn lộn về ý thức hệ đã làm họ bị rung
chuyển tận gốc rễ. Bây giờ họ không thể nào đứng theo ý riêng của mình; họ cần
ai đó để dựa vào. Họ không thể đi theo ý riêng, họ không biết mình là ai. Họ cần
ai đó bảo cho họ rằng họ là thế này thế nọ. Họ cần được trao cho căn cước. Họ
đã quên mất cái ta của mình, quên bản thể của mình.
Adolf Hitler rồi Joseph Staline
rồi Mao Trạch Đông sẽ cứ còn tới nữa, chừng nào và khi nào con người còn chưa
chịu buông bỏ tất cả các ý thức hệ. Và nhớ lấy, khi tôi nói mọi ý thức hệ, tôi
ngụ ý là tất cả mọi ý thức hệ. Tôi không phân biệt giữa những ý thức hệ cao cả
và những ý thức hệ ít cao cả hơn. Tất cả mọi ý thức hệ đều nguy hiểm. Thực tế,
những ý thức hệ cao cả còn nguy hiểm hơn, bởi chúng có quyền năng hấp dẫn hơn,
chúng mang tính thuyết phục hơn. Nhưng ý thức hệ như thế lại là bệnh tật, hay
nói chính xác hơn, nó là sự không thoải mái - bởi vì bạn trở thành hai: lí tưởng
và bạn. Và bạn vừa là con người hiện tại bị lên án, bạn cũng vừa là con người
không được ngợi ca. Bây giờ bạn lâm vào rắc rối. Sớm hay muộn bạn sẽ thần kinh,
rồi mắc bệnh tâm thần, rồi cái gì nữa.
Phật đã đem tới lối sống không
kìm nén, không ý thức hệ nữa. Đó là lí do tại sao ông ấy không nói về Thượng đế.
Ông ấy không nói về cõi trời, ông ấy không nói gì về tương lai cả. Ông ấy không
cho bạn bất kì cái gì để bấu víu; ông ấy lấy đi tất cả mọi thứ của bạn. Ông ấy
lấy đi cả cái ta của bạn. Ông ấy cứ liên tục lấy đi mọi thứ và thậm chí cuối
cùng ông ấy còn tước bỏ cả ý niệm về cái ta, cái tôi, bản ngã. Ông ấy chỉ để lại
trống rỗng thuần khiết phía sau. Và điều này là rất khó khăn.
Điều này là rất khó khăn, vì
chúng ta đã hoàn toàn quên mất cách cho. Chúng ta chỉ biết cách lấy. Chúng ta cứ
lấy đủ mọi thứ. "Tôi lấy kì thi", rồi "tôi lấy vợ" và thậm
chí "tôi lấy giấc ngủ trưa". Bạn cứ thế mà lấy. Bạn còn lấy cả giấc
ngủ trưa nữa - điều đâu có thể lấy được: bạn phải tuân theo nó. Giấc ngủ đến chỉ
khi bạn giao phó mình cho nó. Ngay cả đến vợ, đến chồng, bạn cũng cứ lấy. Bạn
không có kính trọng. Vợ đâu phải là tài sản. Bạn có thể lấy ngôi nhà - làm sao
bạn có thể lấy được vợ hay chồng? Nhưng ngôn ngữ của chúng ta phơi bầy tâm trí
chúng ta. Chúng ta không biết cách cho - không biết cách nhường nhịn, cách
buông bỏ, cách để cho mọi việc xảy ra.
Phật lấy đi mọi lí tưởng, toàn
bộ tương lai, và chung cuộc, ông ấy lấy nốt cái cuối cùng mà chúng ta rất khó từ
bỏ - ông ấy lấy đi chính cái ta của bạn, chỉ để lại trống rỗng thuần khiết, hồn
nhiên, trong trắng. Trống rỗng trong trắng đó ông ấy gọi là niết bàn. Niết bàn
không phải là mục tiêu, nó chỉ là trống rỗng của bạn. Khi bạn đã vứt bỏ hết những
gì bạn đã tích trữ, khi mà bạn đã chịu ngừng tất cả mọi hành động tích góp, khi
bạn thoát khỏi tính ki cóp bủn xỉn và bám víu, đột nhiên trạng thái trống rỗng ấy
xuất hiện. Nó vẫn có đó tự bao giờ.
Hakuin nói có lí, "Từ ngày
đầu mới sinh ra, tất cả mọi người đều là những vị phật." Cái trống rỗng vẫn
có đó. Bạn đã gom góp tích chứa bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh, khiến cho cái trống rỗng
ấy không còn thấy được nữa. Cũng hệt như là trong nhà bạn, bạn có thể cứ tích
chứa mọi thứ: thế thì bạn chẳng còn thấy chỗ trống, thế thì không còn chỗ chứa
nào nữa. Rồi đến một hôm mà ngay cả đi vào trong nhà cũng trở thành khó khăn; sống
trong nhà cũng trở thành khó khăn vì không còn chỗ nữa. Nhưng cái không gian
này vẫn chẳng đi đâu cả. Nghĩ về nó, thiền về nó đi. Không gian vẫn chẳng đi
đâu cả; bạn đã tích chứa quá nhiều thứ đồ đạc nào là ti vi, radio, dàn âm
thanh, đàn piano và một lô một lốc các thứ khác nữa - nhưng không gian chẳng đi
đâu cả. Bỏ đồ đạc đi, không gian có đó; nó bao giờ cũng có đó. Nó bị đồ đạc che
khuất, nhưng nó không bị phá huỷ. Nó không hề rời khỏi căn phòng, cho dù chỉ một
khoảnh khắc. Cái trống rỗng bên trong của bạn, niết bàn của bạn, cái không của
bạn cũng như vậy đấy.
Phật không cho bạn niết bàn như
một lí tưởng. Phật giải thoát thay vì ép buộc. Phật dạy bạn cách sống - không
hướng theo mục tiêu nào, không phải đạt tới cái gì, mà được niềm phúc lạc ở đây
và bây giờ - cách sống trong nhận biết. Không phải là nhận biết định cho bạn
cái gì đó đâu. Nhận biết không phải là phương tiện để đạt tới bất kì cái gì; bản
thân nó là mục đích - nó đồng thời là cả phương tiện và mục đích. Giá trị của
nó luôn nguyên vẹn.
Phật không giảng cho bạn về thế
giới bên kia. Điều này cần phải được hiểu. Con người thuộc vào thế giới này;
còn các tu sĩ luôn giảng về thế giới bên kia. Thế giới bên kia cũng không phải
thật là thế giới khác gì cho lắm, nó không thể thế được, bởi vì nó chỉ là mô
hình được cải tiến của cùng thế giới này thôi. Bạn có thể tạo đâu ra được cái
thế giới bên kia ấy? - bạn chỉ biết có thế giới này. Bạn có thể cải tiến, bạn
có thể tô điểm cho thế giới bên kia tốt hơn, bạn có thể loại đi vài điều xấu ở
đây và bạn có thể thay thế đôi điều mà bạn nghĩ sẽ đẹp hơn, nhưng nó vẫn cứ là
sáng tạo xuất phát từ kinh nghiệm của bạn về thế giới này. Cho nên cái thế giới
bên kia của bạn cũng không thể khác biệt gì nhiều lắm, không thể khác được. Đấy
là sự liên tục. Nó xuất phát từ tâm trí của bạn, nó là trò chơi của trí tưởng
tượng.
Bạn phải có những phụ nữ kiều
diễm ở đó, dĩ nhiên đẹp hơn những người bạn có ở đây. Ở đó bạn sẽ tìm thấy những
thú vui giống như ở đây, có thể là thường xuyên hơn, ổn định hơn, nhưng cũng vẫn
chỉ là những thú vui thế thôi. Ở đó bạn sẽ nếm những món ăn ngon lành hơn, hấp
dẫn hơn - nhưng bao giờ cũng chỉ là những món ăn. Bạn sẽ sống trong những ngôi
nhà, có thể là bằng vàng - nhưng đấy cũng chỉ là những ngôi nhà. Bạn sẽ lặp lại
toàn bộ mọi thứ một lần nữa.
Đọc các kinh sách, xem cách người
ta mô tả cõi trời và bạn sẽ phát hiện đó là thế giới này, được cải thiện thêm.
Đôi chút tô điểm thêm đây đó, nhưng dẫu sao nó cũng không phải là thế giới bên
kia. Đó là lí do tại sao tôi nói rằng thế giới bên kia của các tôn giáo khác
không phải là thế giới bên kia cho lắm. Nó là thế giới này được phóng chiếu vào
tương lai. Nó được sinh ra từ kinh nghiệm về thế giới này. Nơi đó sẽ không có
đau khổ, nghèo khó, bệnh tật, què quặt, đui mù, điếc lác. Cái gì bạn không
thích ở đây sẽ không có ở đó, cái gì bạn yêu thích sẽ có rất nhiều, nhưng chẳng
có gì mới cả.
Tâm trí không thể quan niệm cái
gì thật mới. Tâm trí không có khả năng quan niệm ra cái mới. Tâm trí sống trong
cái cũ, tâm trí là cái cũ. Cái mới không bao giờ xảy ra qua cửa tâm trí. Cái mới
chỉ xuất hiện khi nào tâm trí ngừng hoạt động, khi tâm trí không còn kiểm soát
bạn, khi tâm trí bị dẹp qua một bên. Cái mới chỉ xảy ra khi tâm trí không còn
can thiệp vào.
Nhưng tất cả các kinh sách đều
nói về cõi trời - và cõi trời hay nơi cực lạc, thiên quốc, đều chẳng là gì khác
ngoài cùng một câu chuyện. Dù nó được in trên giấy ảnh tốt hơn, với mực hảo hạng
và in ấn tuyệt vời, với những hình minh hoạ đầy mầu sắc, thì câu chuyện vẫn như
thế; nó không thể nào khác được.
Phật không nói về thế giới bên
kia hay thế giới khác. Ông ấy đơn giản dạy bạn cách sống ở đây, trong thế giới
này; cách sống tỉnh táo, luôn có ý thức, chăm chú để cho không cái gì chen vào
cái trống không của bạn; để cho cái trống rỗng bên trong của bạn không bị tha
hoá, không bị đầu độc; để cho bạn có thể sống ở đây mà vẫn còn không bị ô uế, ô
nhiễm; để cho bạn có thể sống trong thế gian còn thế gian không trong bạn.
Một tâm linh luôn luôn đặt trọng
tâm vào cõi bên kia thì nhất định là độc đoán, huỷ hoại, bạo ngược, tóm lại là
bệnh hoạn. Tâm linh của Phật có hương vị khác cho nó - hương vị vắng bặt lí tưởng,
hương vị vắng bặt tương lai, hương vị vắng bóng sự tồn tại của thế giới khác.
Đó là đoá hoa ở đây và bây giờ. Nó không đòi hỏi gì cả. Tất cả đều đã được hoàn
thành. Nó đơn giản trở nên tỉnh táo hơn cho nên bạn có thể thấy được nhiều hơn,
bạn có thể nghe được nhiều hơn, bạn có thể hiện hữu nhiều hơn.
Nhớ lấy, bạn chỉ hiện hữu theo
cùng tỉ lệ với việc bạn có ý thức. Nếu bạn muốn hiện hữu nhiều hơn, ý thức nhiều
hơn đi. Ý thức truyền đạt hiện hữu. Vô ý thức lấy mất đi trạng thái hiện hữu.
Khi bạn say rượu, bạn mất hiện hữu. Khi bạn ngủ say, bạn mất hiện hữu. Chẳng lẽ
bạn chưa từng quan sát điều đó sao? Khi bạn tỉnh táo, bạn mang phẩm chất khác -
bạn định tâm, bắt rễ. Khi bạn tỉnh táo, bạn cảm nhận sự vững chắc trong hiện hữu
của mình, nó gần như hữu hình. Khi bạn vô ý thức, như khi chìm vào giấc ngủ,
như khi buồn ngủ, cảm giác của bạn về sự hiện hữu kém đi. Nó bao giờ cũng tỉ lệ
với mức độ có ý thức.
Cho nên toàn bộ thông điệp của
Phật là có ý thức. Và không vì lí do nào khác, chỉ với mục tiêu có ý thức - vì
ý thức truyền đạt cho hiện hữu, ý thức tạo ra bạn. Và một bạn như thế là khác
biệt với bạn đang đấy đến mức bạn không thể tưởng tượng nổi. Một bạn mà cái
‘tôi’ đã biến mất, không còn cả ý niệm về cái ta tồn tại, không còn gì để xác định
bạn nữa... trống rỗng thuần khiết, trống rỗng tuyệt đối, vô hạn.
Điều này Phật gọi là trạng thái
thiền, sammasamadhi, trạng thái chân thiền, khi bạn chỉ còn tất cả một mình.
Nhưng nhớ lấy, một mình không phải là đơn độc. Bạn đã bao giờ nghĩ về cái từ
tuyệt vời này chưa ‘alone’,
một mình? Nó có nghĩa là ‘tất cả một’. Nó gồm hai chữ ghép lại: tất cả (all) và
một (one). Trong một mình bạn trở thành một với tất cả.
Một mình không có cái gì của
đơn độc trong nó cả. Bạn không đơn độc khi bạn một mình. Bạn một mình nhưng
không đơn độc - vì bạn là một với tất cả; làm sao bạn có thể đơn độc được? Bạn
không thiếu vắng người khác, đúng. Không phải là bạn đã quên họ, không phải là
bạn không cần họ, không phải vì bạn không chăm nom về họ, không. Bạn không nhớ
đến người khác vì bạn là một với họ. Mọi phân biệt giữa một và tất cả đều mất
đi. Một đã trở thành tất cả, và tất cả đã trở thành một. Từ tiếng Anh alone
này có vẻ đẹp kì diệu.
Phật nói sammasamadhi, chân thiền,
là một mình. Chân thiền là tuyệt đối một mình đến mức bạn là một với tất cả. Để
tôi giải thích điều này cho bạn. Nếu bạn trống rỗng, các biên giới của bạn sẽ
biến mất, bởi lẽ cái trống rỗng không thể có biên giới. Cái trống rỗng chỉ có
thể là vô hạn. Cái trống rỗng không thể có trọng lượng nào, cái trống rỗng
không thể có mầu sắc nào, cái trống rỗng không thể có bất kì tên tuổi nào, cái
trống rỗng không thể có bất kì hình tướng nào. Khi bạn là trống rỗng, làm sao bạn
phân chia mình với người khác được? - bởi vì bạn không có mầu sắc nào, bạn
không có tên tuổi nào, bạn không có hình tướng nào, bạn không có biên giới nào.
Làm sao bạn tạo ra được bất kì phân biệt nào? Khi bạn trống rỗng, bạn là một với
tất cả. Bạn đã tan chảy trong sự tồn tại; sự tồn tại đã hội nhập với bạn. Bạn
không còn là hòn đảo nữa; bạn đã trở thành lục địa mênh mông của bản thể.
Toàn bộ thông điệp của Phật được
cô đọng trong một từ này - sammasamadhi, chân thiền. Chân thiền là gì và giả
thiền là gì? Nếu thiền nhân còn tồn tại thì đấy là giả thiền. Nếu thiền nhân mất
đi trong thiền thì đấy là chân thiền. Chân thiền đem bạn tới cái trống rỗng và
một mình.
Bản kinh này, toàn bộ bản kinh
này nói về cách trở thành rỗng không hoàn toàn. Đó là món quà cơ bản của Phật tặng
cho thế giới.
Đây là những gì tôi đã được nghe vào thời ấy.
Các tạng kinh này đều được ông
Ananda, đại đệ tử của Phật nhớ lại. Và một điều cần phải được ghi nhớ: tất cả
các kinh đều mở đầu bằng câu, "Đây là những gì tôi
đã được nghe."
Sau khi Phật qua đời, tất cả
các đệ tử của ông ấy đã họp lại và thu thập tất cả những gì Phật đã nói trong bốn
mươi lăm năm ấy. Ananda là người duy nhất được sống liên tục trong suốt bốn
mươi lăm năm ấy bên cạnh Phật. Ông ấy là người chân thực nhất có thể tin cậy được.
Những người khác đã nghe, nhưng họ đã nghe lại từ người khác nữa. Đôi khi họ đã
ở cùng Phật và đôi khi họ lại không ở cùng Phật. Duy nhất có ông Ananda đã sống
như một cái bóng.
Vậy là ông Ananda kể lại, hừ? -
nhưng điều tuyệt diệu là ở chỗ ông ấy không bao giờ nói rằng "Phật đã nói
điều này." Ông ấy chỉ đơn giản nói "Đây là những gì tôi đã được
nghe." Khác biệt thật lớn lao. Ông ấy không nói "Phật đã nói điều
này" vì ông ấy nói "Làm sao tôi nói được điều Phật đã nói? Tất cả những
gì tôi có thể nói là thế này - đó là điều tôi đã được nghe. Điều Phật đã nói chỉ
có ông ấy mới biết. Điều ông ấy ngụ ý, chỉ có ông ấy mới biết. Tất cả những gì
tôi có thể nhớ được là những điều tôi đã nghe thấy. Khả năng của tôi có hạn.
Ông ấy có thể đã muốn nói điều gì đó khác. Tôi có thể đã quên một vài lời, tôi
có thể đã thêm một vài lời theo ý riêng của mình."
Đây là vô cùng trung thực. Ông ấy
cũng có thể tuyên bố rằng "Đây là điều Phật đã nói. Tôi đã có mặt, tôi là
nhân chứng mắt thấy tai nghe." Mà ông ấy quả là nhân chứng mắt thấy tai
nghe thật; không ai có thể phủ nhận điều đó. Nhưng hãy xem đức khiêm cung của
con người này: ông ấy nói "Đây là những gì tôi đã được nghe. Phật đã nói
và tôi đã nghe... tôi chỉ có thể kể lại điều tôi đã nghe. Điều ấy có thể đúng,
điều ấy có thể không đúng. Tôi có thể đã xen thêm vào, tôi có thể đã diễn giải,
tôi có thể đã quên mất vài điều, điều gì đó của tâm trí riêng tôi có thể đã len
vào trong nó - tất cả những điều ấy có thể lắm chứ. Tôi không phải là người đã
chứng ngộ." Thật vậy, ông Ananda khi ấy còn chưa chứng ngộ, cho nên ông ấy
nói, "Đây là tất cả những gì tôi có thể nói, tôi có thể bảo đảm được."
Đây là những gì tôi đã được
nghe vào thời ấy. Phật ngụ tại thành Sravasti.
Buổi sáng sớm ông ấy mặc trang
phục, khoác áo cà sa, cầm bình bát đi vào thành Sravasti khất thực. Khi trở về,
ăn xong, ông ấy xếp gọn y bát, rửa chân và ngồi vào chỗ dành cho ông ấy, hai
chân xếp chéo, thân ngay thẳng, mắt chăm chú nhìn về phía trước...
Điều này sẽ làm bạn ngạc nhiên.
Khi ông Ananda nói, ông nhắc đến từng chi tiết rất nhỏ bé. Biết làm sao được -
cần phải hết sức chăm chú khi nói về vị phật. Hử? Ngay cả điều này nhiều lần
ông ấy đã nhắc lại - những chi tiết nhỏ bé thế.
Buổi sáng sớm ông ấy mặc trang
phục, khoác áo cà sa, cầm bình bát đi vào thành Sravasti khất thực...
Ông Ananda theo Phật như cái
bóng, cái bóng lặng lẽ chỉ quan sát ông ấy. Chỉ quan sát ông ấy cũng đã là phúc
lành rồi. Và ông ấy quan sát mọi thứ.
Khi trở về, ăn xong, ông ấy xếp
gọn y bát, rửa chân và ngồi vào chỗ dành cho ông ấy...
Lần đầu tiên khi kinh Phật được
dịch sang ngôn ngữ phương Tây, các dịch giả có đôi chút phân vân - tại sao cứ
nhắc đi nhắc lại mãi như vậy? Cứ lặp đi lặp lại những điều như thế; lần nữa lại
như thế, lần nữa lại sự lải nhải này. Tại sao những điều nhỏ bé này lại được kể
lại? Họ không thể hiểu được điều đó. Họ nghĩ rằng đây là sự lặp lại, rằng đây
là sự lặp lại rất không cần thiết; nó chẳng cần chút nào. Tất cả những cái ấy
phỏng có ích gì? Nhưng họ đã bỏ lỡ. Điều ông Ananda đang nói là ở chỗ Phật chú
ý đến việc nhỏ cũng như việc lớn. Đối với vị phật thì không việc gì nhỏ và cũng
chẳng việc gì lớn. Chỉ có việc.
Khi ông ấy cầm bình bát, ông ấy
tỏ lòng tôn kính với nó ngang với bất kì Thượng đế nào. Khi ông ấy khoác áo cà
sa hay mặc y phục, ông ấy chăm chú thế; ông ấy tuyệt đối tỉnh táo, ông ấy không
máy móc. Khi bạn mặc quần áo, bạn làm như cái máy. Bạn biết cách mặc một cách
máy móc, vậy thì chăm chú vào việc mặc phỏng có ích gì? Tâm trí bạn chạy theo cả
nghìn hướng. Khi bạn tắm - bạn không thật tôn trọng việc tắm. Bạn không ở đó; bạn
ở đâu đâu khác. Bạn ăn, nhưng bạn không tôn kính thức ăn. Bạn không có đó, bạn
đơn giản cứ thế mà tọng thức ăn vào bên trong mình. Bạn cứ làm mọi việc theo
thói quen, một cách máy móc. Nhưng khi Phật làm một việc, ông ấy hoàn toàn có
đó; ông ấy không ở đâu khác.
Khi trở về, ăn xong, ông ấy xếp
gọn y bát, rửa chân và ngồi vào chỗ dành cho ông ấy, hai chân xếp chéo, thân
ngay thẳng, mắt chăm chú nhìn về phía trước...
Những chi tiết nhỏ nhặt ấy đáng
được kể lại, bởi vì chúng nêu ra phẩm hạnh của phật tính. Từng khoảnh khắc vị
phật đều sống trong nhận biết. Điều ông ấy làm chẳng liên quan; từng khoảnh khắc
ông ấy đều dồn sự chú ý của mình vào bất kì cái gì đang làm. Khi làm một động
tác, toàn bộ ông ấy là động tác ấy. Khi ông ấy mỉm cười, toàn bộ ông ấy là nụ
cười. Khi ông ấy nói, toàn bộ ông ấy là lời nói. Và khi ông ấy im lặng, toàn bộ
ông ấy là im lặng.
Ngắm vị phật, bản thân việc đấy
đã là phúc lành - cách ông ấy bước, cách ông ấy ngồi, cách ông ấy cử động, cách
ông ấy nhìn bạn. Mỗi khoảnh khắc đều là một khoảnh khắc toả sáng nhận biết. Đó
là lí do tại sao ông Ananda đã tường trình. Nhất định phải có im lặng lớn lao
bao trùm khi Phật trở về, xếp gọn y bát, rửa chân, ngồi vào chỗ đã chuẩn bị sẵn
cho ông ấy, thân thẳng, rồi tập trung toàn bộ sự chú ý phía trước mặt. "Tập
trung sự chú ý phía trước mặt" này là gì? Đó là một phương pháp đặc biệt của
Phật, gọi là anapansatiyoga - chú ý vào việc hít vào và thở ra. Đó là ý nghĩa của
việc tập trung sự chú ý vào phía trước.
Khi Phật làm một việc nào đó,
chẳng hạn như mặc áo, thế thì ông ấy chăm chú vào động tác ấy. Khi ông ấy bước,
ông ấy chăm chú vào việc bước. Khi ông ấy chẳng làm gì cả, ông ấy chú ý đến hít
vào và thở ra. Nhưng ông ấy chăm chú; ngay cả trong khi ông ấy ngủ ông ấy cũng
chăm chú.
Một hôm Ananda hỏi Phật... Ông ấy
đã sống với Phật mười năm và ngạc nhiên khi thấy Phật giữ nguyên một tư thế suốt
cả đêm. Tay Phật để ở đâu thì Phật giữ nguyên nó ở đó suốt cả đêm. Ông ấy phải
đã nhìn nhiều lần, phải đã lén nhìn trong đêm. Hừ, việc ấy cũng đáng lắm chứ? -
xem Phật ngủ như thế nào? Và ông ấy đã ngạc nhiên và phân vân là Phật giữ cùng
một tư thế - cùng một tư thế cả đêm. Ông không nén nổi tò mò. Một hôm ông ấy
nói, "Tôi thật đã làm một việc không phải, ban đêm tôi đã thức dậy và nhìn
thầy, tôi không nên làm việc như thế, nhưng tôi tò mò về thầy và tôi phân vân.
Thầy vẫn còn trong cùng một tư thế. Vậy thầy ngủ hay thầy vẫn liên tục giữ nhận
biết của mình?"
Còn Phật nói, "Giấc ngủ diễn
ra trong thân thể, ta vẫn còn tỉnh táo về nó. Bây giờ giấc ngủ đang tới, bây giờ
nó đã tới, bây giờ nó đã buông xuống, bây giờ thân thể đang được thảnh thơi, tứ
chi được thảnh thơi - nhưng ta vẫn duy trì sáng chói nhận biết."
Thiền là việc tiếp diễn hai
mươi bốn giờ. Không phải là bạn thực hành một lần trong ngày rồi bạn chấm dứt với
nó. Nó phải trở thành hương vị của bạn, nó phải trở thành bầu không khí của bạn.
Nó nên bao quanh bạn dù bạn ở bất kì đâu, dù bạn đang làm bất kì điều gì.
... mắt chăm chú nhìn về phía trước.
Lúc ấy các tu sĩ, từng nhóm
đông tiến tới cung kính đảnh lễ Phật xong đi vòng ba lần qua bên phải ông ấy rồi
ngồi xuống.
Hỏi Phật một câu hỏi cũng cần
có thái độ nào đó, chỉ thế thì bạn mới nhận được câu trả lời. Không phải là Phật
sẽ không trả lời. Bạn có thể hỏi một cách rất hỗn xược - Phật vẫn trả lời,
nhưng bạn sẽ không nhận được câu trả lời đó. Cho nên vấn đề không phải là ở chỗ
chỉ khi bạn cung kính thì Phật mới đưa ra câu trả lời. Đằng nào Phật cũng đưa
ra câu trả lời, nhưng nếu bạn không rất cung kính, rất khiêm tốn, tiếp nhận, nữ
tính, bạn sẽ bỏ lỡ câu trả lời. Cách đặt câu hỏi của bạn sẽ xác định rằng bạn
có thể nhận được câu trả lời hay không.
Bạn hỏi như thế nào, trong tâm
trạng nào... Bạn có dễ tiếp nhận không? Hay bạn chỉ tò mò thôi? Bạn có hỏi câu
hỏi từ tri thức đã tích luỹ của mình hay câu hỏi của bạn là hồn nhiên? Phải
chăng bạn đặt câu hỏi chỉ vì muốn kiểm tra xem người này có biết hay không? Bạn
đang hỏi từ trạng thái của tri thức hay từ trạng thái của việc không biết? Bạn
có khiêm tốn, buông xuôi không? Bạn có sẵn sàng đón nhận món quà nếu nó được
trao cho bạn không? Bạn có cởi mở, bạn có đón chào nó không? Bạn có nhận nó từ
trái tim mình không? Bạn có cho phép nó trở thành hạt mầm trong tim bạn không?
Đặt câu hỏi cho vị phật không phải là đặt câu hỏi cho giáo sư. Cần phải có phẩm
chất nào đó trong bạn; chỉ thế thì bạn mới được phúc lành từ việc đó.
Các tu sĩ, từng nhóm đông tiến
tới cung kính đảnh lễ Phật xong đi vòng ba lần qua bên phải ông ấy rồi ngồi xuống.
Việc đi ba vòng đó tượng trưng
cho ba thân. Vòng thứ nhất là đảnh lễ thân vật lí, thân mà ta có thể nhìn thấy
được, cái sẵn có cho các giác quan. Thân vật lí của Phật cũng rất đẹp; nó là bệ
thờ nơi điều thiêng liêng cư ngụ. Cho nên vòng thứ nhất là việc chào mừng thân
thứ nhất, thân vật lí. Vòng thứ hai là đảnh lễ thân phúc lạc, thân thứ hai. Còn
vòng thứ ba là đảnh lễ thân phật, tức là thân chân lí.
Ba vòng ấy cũng tượng trưng cho
cái gì đó khác nữa. Trong Phật giáo có ba nơi cư ngụ, ba nơi trú ẩn. "Tôi
cư ngụ Phật, tôi cư ngụ tăng, tôi cư ngụ Pháp". Ba vòng này là tượng trưng
cho chúng nữa.
Khi một người tới hỏi Phật điều
gì đó, người đó phải cư ngụ. Người đó phải mang tâm trạng này - rằng "mình
hài hoà với Phật", rằng "mình sẵn sàng rung động với cùng chiều dài
sóng". "Mình cư ngụ nơi Phật. Ông ấy là chỗ trú ẩn của mình, mình đến
với ông ấy như đệ tử, mình đến với ông ấy với hiểu biết rằng mình không biết
gì, mình đến với ông ấy trong hồn nhiên, mình cúi mình trước ông ấy, mình nhìn
nhận rằng ông ấy biết còn mình không biết - cho nên mình sẵn sàng tiếp nhận tất
cả những gì ông ấy cho là mình xứng đáng được trao."
"Mình cư ngụ vào tăng
đoàn, vào cộng đồng" - bởi vì vị phật chỉ là đại diện cho tất cả chư phật
quá khứ và tương lai. Vị phật là cánh cửa mở ra hướng tới toàn thể chư Phật. Bạn
có thể gọi chư Phật là các Christ hay Krishna; điều đó chẳng khác biệt gì. Đó
chỉ là những tên gọi khác nhau theo các tín ngưỡng khác nhau.
Vậy nơi trú ẩn thứ nhất là vị
phật ở trước mặt bạn. Nơi trú ẩn thứ hai là trong tất cả chư phật, tăng đoàn, cộng
đồng tất cả chư phật - quá khứ, hiện tại và tương lai. Và nơi trú ẩn thứ ba là
Dhamma - Pháp - tức cái bản thể tinh tuý làm cho một người là vị phật. Nghệ thuật
thức tỉnh đó là Pháp, tôn giáo.
Lúc ấy tôn giả Subhuti cũng
đang ngồi giữa hội chúng.
Subhuti là một trong những đại
đệ tử của Phật. Ông đứng lên, Ananda nói - và lần nữa ông lặp lại toàn bộ mọi
việc, vì Subhuti không còn là người bình thường nữa. Ông ấy đã gần là vị phật,
ngay bên lề của điều đó. Ông ấy có thể trở thành vị phật vào mọi khoảnh khắc.
Cho nên Ananda lại lặp lại.
Ông đứng lên, vắt một vạt áo
lên vai, quì gối bên phải xuống đất, chắp hai tay hướng về Phật mà thưa rằng:
‘Bạch Thế Tôn, thật là kì diệu, hỡi Diệt Độ, vô cùng kì diệu sự hộ trì mà Như
Lai đã ban cho các vị bồ tát, những sinh linh thượng đẳng!
Vậy, Bạch Thế Tôn, hành giả đi
theo con đường của bồ tát phải làm sao để an trụ tâm, làm sao để hàng phục
tâm?’
Subhuti đã gần đạt tới phật
tính. Ông ấy là bồ tát. Bồ tát có nghĩa là người đã sẵn sàng trở thành vị phật,
người đã tới rất gần điều đó; chỉ một bước nữa là người đó sẽ thành vị phật. Bồ
tát nghĩa là tinh hoa bồ đề, bản thể bồ đề: đã vượt lên được chín mươi chín bậc
- và đến bậc thứ một trăm là ông sẽ bay hơi. Nhưng bồ tát là người cố gắng lưu
lại thêm một chút ở bậc thứ chín mươi chín, để có thể cứu giúp mọi người bởi
lòng từ bi của ông ấy. Vì rằng, đến bậc thứ một trăm ông ấy sẽ vượt ra ngoài...
Gate gate paragate parasamgate bodhisvaha! (Yết đế, yết đế, Balayết đế,
Balatăng yết đế bồ đề ta bà ha!) - Vượt ra, vượt ra, vượt ra ngoài, vượt tất cả
ra ngoài, giác ngộ reo vui! Thế thì ông ấy đã vượt ra ngoài, ông ấy sẽ tan biến
trong cõi xa xăm, nơi cõi giới bên kia. Thế thì sẽ rất khó cho ông ấy thiết lập
mối liên hệ tiếp xúc với loài người ở bờ bên này.
Giúp đỡ lớn nhất thường xuất
phát từ những người ở bậc thứ chín mươi chín. Tại sao vậy? Bởi vì họ chưa chứng
ngộ. Họ biết cách thức của những người chưa chứng ngộ. Họ biết ngôn ngữ của những
người chưa chứng ngộ. Họ vẫn đang sống cùng những người này, nhưng, theo một
nghĩa khác, họ đã vượt được chín mươi chín phần trăm qua bờ bên kia. Một phần
trăm còn lại nối họ, bắc cầu họ liên hệ với thế gian.
Vậy bồ tát là người rất gần với
trạng thái phật, nhưng vẫn cố gắng lưu lại nơi bến bờ này lâu thêm chút nữa để
giúp mọi người. Ông ấy đã đạt tới; ông ấy muốn chia sẻ sự đạt tới của mình. Ông
ấy đã biết; ông ấy muốn chia sẻ điều mình đã biết. Người khác còn loạng choạng
trong bóng tối; ông ấy muốn chia sẻ ánh sáng của mình với họ, tình yêu của mình
với họ.
Subhuti là bồ tát. Ananda nói về
Subhuti theo cùng cách như ông ấy đã nói về Phật: Ông đứng lên... Bạn hình dung
một chút, quán tưởng bồ tát đứng dậy. Ông ấy hoàn toàn nhận biết. Ông ấy không
nhổm dậy như người máy. Từng hơi thở đều được nhận biết, hoàn toàn nhận biết.
Không cái gì xảy ra mà không có nhận biết. Ông ấy quan sát kĩ. Tín ngưỡng Ki tô
giáo gọi là tập trung tư tưởng, Phật giáo gọi là sammasati - chăm chú đúng đắn.
Chăm chú hay tập trung tư tưởng, được nhận biết, sống trong chăm chú: sammasati
- không làm dù chỉ một động tác vô ý thức.
Ông đứng lên, vắt một vạt áo
lên vai, quì gối bên phải xuống đất, chắp hai tay hướng về Phật mà thưa rằng...
Nhớ lấy, ngay cả bồ tát, người
đã tới rất gần việc trở thành phật, vẫn cung kính cúi mình trước Phật với lòng
biết ơn tràn đầy.
‘Bạch Thế Tôn, thật là kì diệu,
hỡi Diệt Độ...
Diệt Độ có nghĩa là người đã đạt
tới bờ bên kia. Ông Subhuti còn chưa rời bờ bên này, Phật thì đang ở bờ bên
kia. Ông Subhuti đã đi đến cái hiểu đó: ông có thể thấy bờ bên kia, ông có thể
thấy Phật trên bờ bên kia. Hỡi "Diệt Độ..."
Từ ‘diệt độ’ này có nhiều
nghĩa. Một: người đã đạt tới bờ bên kia. Nghĩa khác: người đã đạt tới điều tối
thượng của thiền. Phật đã nói rằng có tám bậc dẫn tới thiền tối thượng. Người đạt
tới bậc thứ tám được gọi là ‘diệt độ’. Nhưng điều ấy là một. Người đã đạt tới
samadhi, samadhi tối thượng, là người đã tới bờ bên kia, người đó không còn nữa
- đó là điều được ngụ ý bởi ‘diệt độ’. Đã diệt mất, hoàn toàn diệt mất. Ông ấy
không còn nữa, ông ấy chỉ là trống rỗng. Cái ta đã tan biến, bay biến.
Hỡi Diệt Độ, vô cùng kì diệu sự
hộ trì mà Như Lai đã ban cho các vị bồ tát, những sinh linh thượng đẳng!’
‘Như Lai’ là danh từ Phật học để
gọi "người đã Diệt Độ". Ông Subhuti thưa với Phật, "Thật kì diệu
sự hộ trì của Phật! Lòng từ bi của Phật đối với chúng tôi thật là vô biên mặc
dù chúng tôi thậm chí không xứng đáng."
‘Bạch Thế Tôn, thật là kì diệu,
hỡi Diệt Độ, vô cùng kì diệu sự hộ trì mà Như Lai đã ban cho các vị bồ tát, những
sinh linh thượng đẳng!
Vậy, Bạch Thế Tôn, hành giả đi
theo con đường của bồ tát... người đã nguyện lưu lại thêm ít lâu tại bờ bên này
- ... phải làm sao để an trụ tâm, làm sao để hàng phục tâm?’
Ông ấy đang hỏi gì vậy? Ông ấy
đang hỏi một câu hỏi mà có thể chẳng liên quan gì đến nhiều người trong các bạn,
bởi nó trở thành có liên quan chỉ khi bạn đã trở thành bồ tát. Nhưng một ngày
nào đó, ngày này hay ngày khác, bạn cũng sẽ trở thành bồ tát. Ngày này hay ngày
khác câu hỏi này sẽ liên quan đến bạn. Vậy tốt hơn hết nghĩ về nó đi, tốt hơn hết
thiền về nó đi.
Ông ấy nói, "Những người
đã quyết định trở thành bồ tát, làm sao họ có thể an trụ ở đó?" Ông ấy
đang nói "Sức hấp dẫn của bờ bên kia mạnh đến thế, sức hút của bờ bên kia
lớn đến thế - làm sao họ có thể trụ lại ở bờ bên này? Chúng tôi muốn cứu giúp mọi
người, nhưng làm sao đây? Sức hút của bờ bên kia mạnh biết bao, lực hút mạnh biết
bao - bờ bên kia đang vẫy gọi. Xin thầy dạy chúng tôi làm cách nào để có thể ở
lại đây, làm thế nào để chúng tôi có thể bắt rễ lại bờ bên này. Chúng tôi đã trở
nên bị bật gốc rễ; trong thế giới này chúng tôi không còn rễ nào nữa. Chín mươi
chín phần trăm rễ đã biến mất."
Nghĩ về một cây - chín mươi
chín phần trăm rễ đã bị chặt đi; chỉ còn lại một phần trăm rễ ở đó. Cái cây
đang hỏi, "Làm sao tôi có thể đứng vững bây giờ được? Tôi sắp đổ rồi, và
tôi biết rằng nếu tôi có thể trụ lại được thêm ít lâu nữa thì tôi có thể giúp đỡ
chúng sinh được rất nhiều, và họ rất cần sự giúp đỡ. Tôi quả đang cần - xin thầy
giúp tôi. Bây giờ người khác cũng đang cần - tôi phải giúp đỡ." Đó là cách
duy nhất đệ tử có thể trả ơn cho thầy. Không có cách nào khác. Thầy đã giúp bạn;
thầy chẳng cần sự giúp đỡ nào - làm sao trả ơn thầy đây? phải làm gì? Điều duy
nhất phải làm là giúp đỡ ai đó, người vẫn còn đang loạng choạng, mò mẫm trong
bóng tối. Tất cả những gì thầy đã làm cho bạn, làm những điều đó cho người
khác, thế là bạn đã đền ơn đáp nghĩa cho thầy được rồi.
Ông ấy hỏi "Làm sao trụ lại
đây?" - thật là khó, gần như không thể nào làm được - và "Làm sao tiến
tới, làm sao để bắt đầu cứu giúp mọi người?" - vì điều đó nữa cũng gay go.
Giờ đây chúng tôi hiểu rằng tất cả những khổ của họ đều là giả. Giờ đây chúng
tôi hiểu rằng họ đang trải qua các cơn ác mộng; khổ của họ là không thật. Bây
giờ chúng tôi biết họ thấy sợi dây thừng mà tưởng là rắn nên họ sợ. Bây giờ rất
khó để giúp cho những người này. Điều đó thật buồn cười. Và chúng tôi biết rằng
họ cần sự giúp đỡ, vì chúng tôi nhớ lại quá khứ của chính mình. Chúng tôi đã
run sợ, khóc than, kêu la tuyệt vọng. Chúng tôi biết chúng tôi đã đau khổ biết
bao nhiêu, mặc dầu bây giờ chúng tôi biết rằng tất cả những đau khổ ấy chỉ tựa
như giấc mộng, nó là ảo tưởng, nó là maya."
Nghĩ mà xem: nếu bạn biết rằng
người khác chỉ nói toàn điều vô nghĩa, rằng người đó chẳng có vết thương nào...
Một ngày nọ, người ta đưa đến
chỗ tôi một anh chàng. Anh ta bị ám ảnh bởi ý nghĩ là bằng cách nào đó hai con
ruồi đã chui vào dạ dầy anh ta - vì anh ta ngủ há mồm. Mà hai con ruồi thì cứ
bay vòng vo liên tục trong dạ dầy anh ta. Một cách tự nhiên, nếu chúng đã bay
vào thì chúng cứ bay vòng vèo mãi. Anh chàng vô cùng lo lắng, bồn chồn, đứng ngồi
không yên, hết đi bên nọ lại sang bên kia và nói, "Chúng đang ở đây, giờ chúng
lại qua bên kia rồi!" Anh ta gần phát điên.
Anh ta đã đi khám đủ mọi bác sĩ
nhưng chẳng ai giải quyết được gì. Bọn họ đều cười và bảo, "Đó chỉ là do
anh tưởng tượng ra thôi." Nhưng nói với ai đó rằng nỗi đau của anh ta chỉ
là do tưởng tượng thì không giúp ích gì cho anh ta cả, vì anh ta đang đau. Đối
với bạn, điều đó có thể là do tưởng tượng, nhưng đối với anh ta, dù cái đau là
tưởng tượng hay thật, anh ta cũng vẫn đang đau. Bạn gọi nó là gì thì cũng chẳng
khác biệt.
Thế là tôi sờ nắn dạ dầy anh ta
và nói, "À, chúng có đấy." Anh ta phấn khởi. Anh ta chạm chân tôi và
bảo "Thầy là người duy nhất đấy... Tôi đã đi khám đủ loại bác sĩ - đối chứng,
vi lượng - tất cả họ đều ngu! Họ cứ khăng khăng mãi một điều. Tôi bảo họ,
"Nếu các ông không có thuốc gì, thì cứ nói thẳng rằng các ông không có thuốc
đi, sao lại cứ bảo là tôi tưởng tượng? Bây giờ mới gặp thầy đây. Thầy thấy những
con vật ấy chứ?"
Tôi nói, "Tôi thấy rõ lắm,
chúng ở đây này. Tôi chuyên chữa những bệnh như thế này". Tôi nói,
"Anh đến gặp tôi là đúng người đấy. Nghề của tôi mà - tôi chuyên giải quyết
những vấn đề không có trong thực tế. Tôi là chuyên gia trong việc giải quyết những
vấn đề vốn không có." Tôi lại nói tiếp, "Nằm xuống và nhắm mắt lại.
Tôi phải che mắt anh, rồi tôi sẽ bắt chúng ra cho. Anh há mồm ra, tôi sẽ dùng
thần chú bí mật để thu hút chúng ra."
Anh ta rất thích thú. Anh ta
nói, "Phải làm như thế chứ!" Tôi bịt mắt anh ta lại, bảo anh ta há mồm
ra, còn anh ta nằm thẳng cẳng, há mồm, thích thú chờ những ruồi chết tiệt ấy
chui ra. Tôi vội vàng vào nhà chạy đi tìm bắt hai con ruồi.
Thật không dễ dàng vì tôi chưa
từng bắt ruồi bao giờ. Nhưng rồi tôi cũng làm được, khi anh ta mở mắt ra và
nhìn thấy hai con ruồi trong cái lọ, anh ta nói, "Thầy cho tôi xin cái lọ
này nhé. Tôi sẽ đi tìm cái bọn ngu ngốc kia." Anh ta khỏi hẳn. Nhưng thật
rất khó mà giúp được những người như anh chàng này, rất khó, vì bạn biết rằng
khó khăn của họ là hoàn toàn giả tạo.
Ông Subhuti bạch Phật, "Bạch
Thế Tôn, trước hết xin cho chúng tôi biết, làm sao để trụ lại nơi này, khi mà hầu
hết các rễ của chúng tôi đã mất? Chúng tôi không còn thuộc về thế giới này nữa.
Sự gắn bó của chúng tôi đã mất rồi – chúng là gốc rễ. Và làm sao để tiếp tục tiến
tới, để làm việc? - vì bây giờ chúng tôi biết rằng tất cả điều này chỉ là vô
nghĩa; mọi người đang tưởng tượng ra tất cả những phiền não của mình. Và rồi,
làm sao để hàng phục tâm?"
Ý ông muốn nói gì? Bởi vì bồ
tát không có những ý nghĩ thông thường - không phải là những ý nghĩ bạn có. Bây
giờ chỉ còn một ý nghĩ thôi, và ý nghĩ đó là về bờ bên kia..., và bờ bên kia
thì liên tục lôi kéo. Cánh cửa đã mở rồi, bạn có thể đi vào trong niềm vui nhất,
thế mà bạn lại tự kìm mình lại ngoài cửa - và cửa thì đã mở.
Trước hết bạn đã đi tìm cái cửa
ấy suốt trong nhiều kiếp sống; rồi bạn đã không ngừng gõ và gõ vào cánh cửa
trong nhiều kiếp sống - và giờ đây nó đã mở. Thế mà Phật nói, "Ông chờ đã.
Chờ tại cửa ấy. Rất nhiều chúng sinh đang yêu cầu sự cứu giúp của ông." Tự
nhiên, trong bạn nhen nhóm lên ước muốn mãnh liệt để bước vào trong, vượt qua cửa
này. Đó là những gì ông Subhuti đang hỏi.
Phật bảo, ‘Vậy, Subhuti, ông
chú ý lắng nghe và chăm chú! Hành giả đi theo con đường của bồ tát cần phải
nghĩ rằng...’
Chữ ‘nghĩ’ ở đây có vẻ không hợp
lắm theo bản dịch tiếng Anh. Chữ Phạn là chittopad. Người ta phải khởi lên một
ý định, một quyết định; người ta phải tạo ra một quyết định, quyết tâm lớn -
chittopad - theo cách này:
‘Tất cả các loài chúng sinh
trong vũ trụ, dù nhiều vô lượng, ta phải dẫn dắt họ đến niết bàn...’
"Không phải một hay hai,
Su bhuti, không phải một hay hai, mà là tất cả chúng sinh: đàn ông, đàn bà, con
vật, chim chóc, cây cỏ, đất đá. Tất cả mọi sinh linh trong vũ trụ. Người ta phải
khởi lên một quyết tâm là "Ta sẽ dẫn dắt tất cả họ vào trong niết
bàn."
‘...nơi chẳng còn để lại cái gì
ở phía sau.
Tuy nhiên, mặc dù vô lượng, vô
số, vô biên chúng sinh đã được dẫn dắt vào niết bàn, nhưng thật ra không có
chúng sinh nào được dẫn vào niết bàn’
Cả điều này nữa, bạn cũng phải
nhớ, bạn không được quên. Bằng không, trong khi dẫn dắt những kẻ khác, bạn sẽ lại
rơi vào trong dốt nát lần nữa. Tất cả chúng sinh đều phải được dẫn dắt sang bờ
bên kia, và bạn cũng phải nhớ rằng những khổ đau phiền não của họ đều là giả tạm,
cho nên phương thuốc của bạn cũng là giả nốt. Và bạn phải nhớ rằng họ không có
cái ta; bạn cũng không có cái ta. Cho nên đừng quên; đừng nghĩ rằng bạn đang cứu
giúp họ, rằng bạn là người giúp đỡ vĩ đại, thế này thế nọ, bằng không bạn sẽ lại
vấp ngã. Lần nữa bạn sẽ bắt rễ ở bờ bên này.
Cho nên có hai điều cần phải nhớ.
Bạn phải trụ lại ở bờ bên này với một quyết tâm lớn bằng không bạn sẽ bị hấp dẫn
qua bờ bên kia, nhưng bạn cũng không thể bắt rễ lại ở đây bằng không thì bạn
cũng chẳng có ích gì. Bạn sẽ tự huỷ hoại mình, bạn sẽ lại rơi vào thế giới mộng
ảo lần nữa.
‘Tại sao?
Bởi vì nếu vị bồ tát còn có ý
nghĩ về một ‘chúng sinh’ thì không thể gọi là bồ tát. Tại sao vậy?
Bởi vì, nếu một ai đó còn có ý
nghĩ về ta, về người, về linh hồn, về mạng sống, thì không phải là bồ tát.’
"Vậy Subhuti, ông nhớ cho
hai điều. Một: ông phải dẫn dắt tất cả chúng sinh sang bờ bên kia, mà ông vẫn
phải nhớ rằng không ai là chúng sinh cả - cả ông lẫn họ. Tất cả các bản ngã đều
giả tạo và ảo tưởng. Luôn nhớ điều này và tiếp tục với quyết tâm lớn. Giúp đỡ mọi
người đi tới bờ bên kia đi. Họ đã ở đó rồi; ông chỉ cần làm cho họ tỉnh táo và
nhận biết. Nhưng đừng lầm lạc, đừng trở thành người cứu giúp. Chỉ hai điều này
thôi."
Trong lời kinh này, Phật nhiều
lần nhắc đến phương tiện hay con đường của bồ tát. Tôi mong muốn tất cả các bạn
đều trở thành những vị bồ tát.