Chương 1. Hạt Cải Trời

Chương 1. Hạt Cải Trời

Price:

Read more

Hạt Cải Trời - Osho
Chương 1. Hạt Cải Trời

Các môn đệ nói với Chúa Giê-Su, “Hãy nói cho chúng tôi nghe Nước Trời giống như cái gì.”
Ngài nói với họ, “Nước Trời giống như hạt cải trời - nhỏ hơn mọi hạt giống khác, nhưng khi rơi xuống mảnh đất đã được cày xới, nó sẽ sinh ra một cây lớn và trở thành nơi nương tựa cho muôn loại chim trời.” (1)
Những mối quan hệ của con người đã thay đổi rất nhiều; thay đổi nhưng xấu hơn. Trong tất cả mọi khía cạnh, những mối quan hệ thâm sâu đã biến mất; vợ không còn là vợ mà chỉ là đào; chồng không còn là chồng mà chỉ là kép. Tình bằng hữu thì tốt nhưng thiếu chiều sâu. Hôn nhân là một loại quan hệ thâm sâu. Đó là một loại cam kết linh thiêng, mà nếu đôi bên không cam kết thật tình, tình nghĩa không thể nảy sinh. Trừ khi bạn cam kết thật tình, bạn không thể hiến đời cho tình yêu. Bạn chỉ dừng lại trên bề mặt, nhưng bạn không hề biết chiều sâu.
Dĩ nhiên, vực sâu có cái nguy hiểm của nó - nhất định phải vậy, bởi vì trên bề mặt bạn rất hiệu quả. Trên bề mặt bạn có thể hành động như một cái máy, không cần đến sự tỉnh thức. Nhưng bạn phải cảnh giác hơn khi tiến xuống chiều sâu, bởi vì thần chết có thể rình rập bất cứ lúc nào. Sự sợ hãi chiều sâu đã đưa đến sự nông cạn trong mọi quan hệ của con người. Họ vẫn chưa trưởng thành.
Chỉ là đào kép thì thú vị thật, nhưng đó không phải là cánh cửa dẫn đến những huyền bí thâm sâu nhất nằm ẩn tận bên trong mỗi người. Bạn có thể liên hệ với tình nhân về mặt tình dục, nhưng tình yêu không thể trưởng thành. Tình yêu cần phải mọc rễ thật sâu. Dục có thể xảy ra trên bề mặt, nhưng nếu chỉ có dục mà không có tình yêu thì có gì hơn thú vật? Dục chỉ được thăng hoa khi nó là một phần của tình yêu. Nhưng nếu không phải là một phần của tình yêu sâu xa, nó rất xấu xa; xấu xa nhất vì không có sự tương thân - bạn tìm đến nhau rồi vội chia tay. Hai thể xác gặp nhau nhưng thiếu hai tâm hồn – không có ta mà cũng chẳng có người. Điều này đã xảy ra trong mọi mối quan hệ. Mà mối quan hệ vĩ đại nhất đã biến mất, và quan hệ đó là quan hệ giữa đạo sư và môn đệ. Bạn không thể hiểu được Chúa Giê-Su nếu bạn không hiểu được ý nghĩ của quan hệ giữa thầy và đệ tử.
Điều đó đã biến mất hoàn toàn. Vợ được bạn gái thay vào, còn chồng thì được thay thế bởi bạn trai. Nhưng một đạo sư và mối quan hệ giữa Ngài và chúng đệ tử đã hoàn toàn biến mất. Cũng có thể nói rằng quan hệ ấy đã được thay thế bởi quan hệ giữa một bác sĩ tâm thần và bệnh nhân.
Giữa bác sĩ tâm thần và bệnh nhân chỉ có một mối quan hệ bệnh hoạn, thần kinh - bởi vì bệnh nhân không đến vì chân lý, không phải đến vì sức khỏe. Từ sức khỏe (health) này rất là thâm thúy; nó có nghĩa là nguyên vẹn (wholeness), linh thiêng (holiness); nó mang ý nghĩa của sự chữa lành chính bản thân mình. Vì vậy, nếu một bệnh nhân thực sự đi tìm sức khoẻ, anh ta nhất định phải là một môn đồ.
Bệnh nhân muốn được hết bệnh. Đó là một thái độ tiêu cực. Anh ta muốn được trở lại bình thường, như mọi người bình thường khác. Anh ta bị trục trặc, cần được điều chỉnh, và vị bác sĩ tâm thần giúp anh ta điều chỉnh lại. Nhưng điều chỉnh theo người nào? Điều chỉnh theo thế giới bệnh tật này, xã hội bệnh tật này sao?
Người mà bạn gọi là “bình thường” chẳng qua là bình thường một cách bệnh hoạn, điên khùng một cách bình thường, mát dây một cách bình thường. Người “bình thường” cũng điên khùng, nhưng điên khùng có giới hạn - cái giới hạn mà xã hội, văn hóa chấp nhận. Người nào bước ra khỏi giới hạn ấy, ranh giới ấy thì bị coi là bệnh hoạn. Lúc đó thì toàn thể xã hội, vốn là bệnh hoạn, sẽ nói rằng người ấy bệnh hoạn. Và bác sĩ tâm thần làm việc tại ranh giới để giúp người ấy trở lại với đám đông.
Bác sĩ tâm thần không thể là một đạo sư, vì ông ta vốn không nguyên vẹn. Mà bệnh nhân thì không thể là môn đệ, vì chủ đích của anh ta không phải là học hỏi; anh ta bị xáo trộn mà anh ta không muốn; anh ta chỉ muốn được điều chỉnh, không phải được chữa lành. Bác sĩ tâm thần không thể là đạo sư, mặc dù ở trời Tây ông ta đóng vai đó, và chẳng chóng thì chầy ông ta cũng sẽ làm bộ như vậy ở Đông phương nữa. Nhưng ông ta không thể làm được – chính ông ta là người bệnh. Ông ta có thể giúp người khác điều chỉnh lại; điều đó thì được: một người bệnh có thể giúp người bệnh khác, trong phạm vi nào đó.
Nhưng một người bệnh không thể làm cho một người bệnh khác trở thành nguyên vẹn được. Một người điên không thể giúp người điên khác khỏi điên. Thậm chí ngay cả Sigmund Freud, Carl Jung và Alfred Adler – ba ông tổ của Phân tâm học – cũng là những người bệnh; nói chi đến các bác sĩ tâm thần bình thường, người vĩ đại nhất trong bọn họ cũng bệnh hoạn và thần kinh. Tôi sẽ đưa ra vài thí dụ điển hình. Mỗi khi có người đề cập đến cái chết, là Freud run cầm cập. Hai lần ông ta ngất xỉu và té khỏi ghế ngồi, vì có người nói về xác ướp Ai Cập. Ông ta ngất xỉu! Một lần khác Jung, học trò của ông, nói về cái chết, về thây ma thì bỗng nhiên Freud run lên và ngã xuống, ngất xỉu, bất tỉnh nhân sự. Nếu Freud sợ chết đến thế, các học trò của ông ta thì sao? Tại sao phải sợ chết đến thế? Bạn có thể tưởng tượng nổi một vị Phật mà sợ chết không? Thế thì ông ấy không thể là Phật được. Jung kể lại là nhiều lần ông ta muốn đến La Mã để thăm tòa thánh Vatican, mà đặc biệt là thư viện vĩ đại của tòa thánh – nơi đó chứa những bản thảo bí mật nhất của tất cả các tôn giáo từ xưa đến nay. Nhưng mỗi khi ông ta định đi mua vé thì lại run lên. Mà đấy là mới chỉ đi La Mã thôi. Chuyện gì sẽ xảy ra khi ông ta đi tìm giải thoát hoàn toàn? Ông ta trả lại vé và trở về. Ông ta không bao giờ đến đó, không bao giờ. Ông ta cố gắng nhiều lần và cuối cùng quyết định, “Không, Tôi không thể đi.” Đi thăm La Mã có gì mà sợ?
Tại sao một bác sĩ tâm thần lại sợ viếng thăm một nơi tôn nghiêm? Lý do là La Mã chỉ là một biểu tượng, một đại diện. Mà Jung đã xây dựng một triết lý chung quanh tâm trí của ông ta, và Jung sợ triết lý ấy bị đập vỡ tan tành. Khác gì con lạc đà sợ đi đến Hi Mã Lạp Sơn, bởi vì khi đến gần Hi Mã nó sẽ thấy nó chỉ là con số không. Toàn bộ triết lý mà Jung đã xây dựng rất là ấu trĩ. Con người đã tạo ra biết bao nhiêu là hệ thống đồ sộ về vũ trụ, mà nay tất cả chỉ là những hoang tàn. Sợ đi đến La Mã là sợ tìm về những điêu tàn của những hệ thống đồ sộ mà quá khứ đã tạo ra. Thế thì những hệ thống nhỏ bé thì sao? Thế thì cái xó xỉnh nhỏ bé này mà bạn từng lau chùi và tô điểm thì sao? Thế thì triết lý của bạn thì sao? Những học thuyết lớn đã sụp đổ và trở về cát bụi: Hãy đến La Mã để xem cái gì đã xảy ra. Hãy đến Athens (2) mà xem! Những viện triết học của Aristotle, Plato và Socrates đã biến đi đâu rồi? Tất cả đã biến vào cát bụi. Những hệ thống vĩ đại nhất cuối cùng cũng trở thành tro bụi. Mọi ý tưởng đều được chứng minh là vô ích, bởi vì ý tưởng là sản phẩm của con người. Chỉ khi không bị ý tưởng khuấy động, bạn mới thể nghiệm được chân lý. Bạn không thể nương theo ý tưởng mà đạt được vĩnh cửu, bởi vì ý tưởng thuộc về thời gian.
Ý tưởng không thể thuộc về vĩnh cửu. Không một triết học nào, không một hệ thống tư tưởng nào có thể tồn tại mãi mãi. Sợ hãi là ở chỗ đó. Ít nhất là bốn hay năm lần, Jung đã đặt mua vé rồi lại thôi. Mà Jung là một trong những nhà phân tâm vĩ đại nhất. Nếu Jung sợ không dám đi La Mã, vậy đám học trò thì sao? Mà nếu bạn không sợ - không phải vì bạn khá hơn Jung, mà chỉ vì bạn đang say ngủ hơn ông ta. Jung biết rằng khi đến La Mã, ông ta phải cúi đầu. Khoảnh khắc mà ông ta nhìn đến những đổ vỡ của những hệ thống lớn, sự run rẩy, sợ chết điếng sẽ xâm chiếm tâm hồn, “Sự gì sẽ xảy ra cho hệ thống của ta? Sự gì sẽ xảy ra cho ta?” Nghĩ đến đó mà run nên trở về, và trong hồi ký ông ta viết, “Cuối cùng tôi bỏ hẳn dự án. Tôi không đi thăm La Mã.” Điều đó cũng xảy ra cho Freud rất nhiều lần. Ông ta cũng muốn đến La Mã – không phải là một sự trùng hợp – và ông ta cũng rất là sợ hãi. Tại sao? Freud cũng nổi giận như mọi người, cũng ham muốn xác thịt như mọi người, cũng sợ chết như mọi người, cũng xử sự điên rồ như mọi người. Vậy có gì khác đâu? Ông ta có thể thông minh hơn, có thể là một thiên tài, và có thể hữu ích một đôi chút, nhưng cũng mù quáng như mọi người trước chân lý tối thượng và những bí ẩn nhất, cốt lõi nhất của bản thể con người. Không, tâm bệnh học không thể trở thành tôn giáo được. Nó có thể trở thành một bệnh viện, nhưng không thể trở thành giáo đường. Và bác sĩ tâm thần có chỗ dụng vì có người bệnh, không thích nghi, nhưng ông ta không phải là đạo sư, và bệnh nhân không phải là môn đệ. Nếu đến với đạo sư như một bệnh nhân, bạn đi lạc đường, bởi vì Ngài không phải là bác sĩ tâm thần.
Tôi không phải là bác sĩ tâm thần. Nhiều người đến với tôi và nói, “Con bị khổ não vì những lo âu tinh thần, loạn thần kinh và những bận tâm khác.” Tôi bảo họ rằng, “Không sao hết. Tôi không chữa những lo âu của bạn. Tôi sẽ chữa bạn. Tôi không quan tâm đến bệnh tật của bạn, mà chỉ quan tâm về bạn thôi. Bệnh tật chỉ ở ngoài chu vi, mà chính bản thể của bạn thì chẳng có bệnh tật gì hết.” Một khi bạn đã nhận ra mình là ai, mọi chứng bệnh đều biến mất. Chúng tồn tại chỉ vì bạn đang che giấu cái ý thức về chính mình; bạn đang chạy trốn khỏi chính mình; bạn lẩn tránh sự đối mặt chỉ vì bạn không chịu nhìn vào chính bạn. Tại sao bạn không chịu nhìn vào chính mình? Điều gì đã xảy ra cho bạn? Trừ khi bạn sẵn sàng đối mặt với chính mình, bạn không thể là một môn đệ, bởi vì đạo sư sẽ chẳng làm được gì nếu bạn vẫn còn tránh né. Ngài chỉ có thể giúp bạn giáp mặt với chính bạn.
Tại sao bạn sợ như vậy?... Bởi vì một nhầm lẫn nào đó trong quá khứ. Một đứa trẻ sinh ra, và nó không được chấp nhận hoàn toàn. Nhiều điều phải thay đổi, phải ép buộc; nó phải được khép vào kỷ luật. Nó có những phần mà xã hội và cha mẹ không chấp nhận, nên những phần đó phải chối bỏ, đè nén; chỉ một phần nhỏ được chấp nhận và khuyến khích. Vì vậy nó phải cố gắng thực hiện những phần nhỏ đó. Nó phải chối bỏ những phần còn lại và không cho phép biểu lộ. Nó phải chối bỏ quá nhiều đến nỗi chính nó cũng không biết nữa.
Đó là ý nghĩa của đè nén, và toàn thể xã hội tồn tại nhờ đè nén. Phần lớn bản thể của đứa trẻ bị đè nén, bị nhét hoàn toàn vào bóng tối. Nhưng phần bị đè nén ấy cố khẳng định chính nó; nó nỗi loạn, phản ứng lại; nó muốn biểu lộ, và bạn phải trấn áp dài dài. Cho nên bạn sợ không dám đối mặt với chính mình, bởi vì cái gì sẽ xảy ra cho phần bị đè nén ấy? Nó sẽ trở lại; nó sẽ ngẩng đầu lên. Chuyện gì sẽ xảy ra cho phần vô thức. Nếu bạn đối mặt với chính mình thì sẽ chạm trán vô thức, và những gì bạn chối bỏ sẽ có mặt đầy đủ. Và điều đó làm cho bạn sợ. Trừ khi đứa trẻ được chấp nhận một cách trọn vẹn, sự sợ hãi này sẽ nằm chờ ở đó. Nhưng cho tới nay chưa có một xã hội nào chấp nhận đứa trẻ một cách trọn vẹn. Mà có lẽ không một xã hội nào có thể chấp nhận đứa trẻ một cách trọn vẹn; điều đó không thể xảy ra. Cho nên sự đè nén nhất định phải có, ít hay nhiều. Và mỗi người một ngày nào đó sẽ phải chạm trán với vấn đề đối mặt này. Bạn trở thành môn đệ cái ngày bạn quên hẳn mọi ý niệm về cái tốt, cái xấu; bạn bỏ sau lưng những gì được chấp nhận và những gì không được chấp nhận. Bạn chỉ trở thành môn đệ cái ngày bạn sẵn sàng lôi toàn thể con người bạn ra ánh sáng. Đạo sư chỉ là bà đỡ. Ngài giúp bạn đi qua một cuộc sống mới, để được tái sinh. Và thế nào là mối quan hệ giữa một đạo sư và môn đệ? Môn đệ phải tin tưởng; anh ta không thể nghi ngờ.
Nếu nghi ngờ, anh ta không thể phơi bày chính mình. Khi bạn nghi ngờ người nào, bạn sẽ thu lại; bạn không thể mở rộng. Khi bạn nghi ngờ… Một kẻ lạ mặt; thế thì bạn tự khép kín; bạn không thể rộng mở, vì bạn không biết kẻ lạ mặt này sẽ làm gì. Bạn không muốn bị người đó lừa đảo; bạn phải đề phòng và khoác lên áo giáp che thân.
Với một đạo sư bạn phải buông rơi áo giáp – đó là điều tối cần. Ngay cả với một tình nhân, bạn cũng mang áo giáp mỏng; khi bên cạnh người yêu, bạn cũng không hoàn toàn cởi mở. Nhưng với một đạo sư, sự cởi mở phải toàn phần, nếu không thì chẳng có gì sẽ xảy ra. Nếu bạn giữ lại chỉ một phần nhỏ của bạn, mối quan hệ với Ngài sẽ không xảy ra. Tin tưởng trọn vẹn là điều cần thiết; chỉ có thế thì những bí mật mới có thể tỏ lộ; chỉ có thế thì chìa khóa mới có thể trao cho bạn. Nếu bạn che dấu chính mình, nghĩa là bạn đang giằng co với Ngài, và thế thì không gì có thể hoàn thành được.
Tranh chấp không phải là lề lối của môn đệ; qui phục là chìa khóa. Và qui phục đã biến mất hoàn toàn khỏi thế giới này rồi. Nhiều điều đã dọn đường cho việc đó: trong ba hay bốn thế kỷ vừa qua con người đã được dạy để trở thành cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ; hắn không được dạy để qui phục mà phải đấu tranh, không phải vâng lời mà nổi loạn; hắn không được dạy để tin tưởng mà nghi ngờ. Điều đó có lý do: bởi vì khoa học phát triển qua sự nghi ngờ. Khoa học lấy nghi ngờ là nguyên tắc; nó không dùng đến niềm tin mà xây trên lôgic, lập luận, nghi ngờ.
Càng nghi ngờ, càng khoa học hơn. Phương pháp của khoa học trái ngược hoàn toàn với tôn giáo. Tôn giáo xây trên đức tin: càng tin tưởng bao nhiêu, bạn càng đạo đức bấy nhiêu. Khoa học làm ra nhiều phép lạ mà ai cũng thấy được. Tôn giáo tạo nên nhiều phép lạ hơn nhưng khó thấy được. Dù có đứng trước mặt một vị Phật, bạn cảm thấy gì nào? Bạn thấy gì chứ? Bạn không thể thấy Ngài bằng mắt thường – cái bạn thấy được chỉ là thể xác; nhìn bằng mắt thì Ngài cũng phải chết như mọi người, và Ngài sẽ già yếu, rồi ngày nào đó chết đi. Về mặt vô hình thì Ngài bất tử. Nhưng bạn không có con mắt để nhìn thấy cái vô hình; bạn không có khả năng để cảm thấy cái thâm sâu nhất, cái không thể biết được. Đó là lý do tại sao những con mắt tin tưởng dần dần cảm thấy được và trở nên nhậy cảm hơn. Tin tưởng nghĩa là bạn không dùng đến đôi mắt nữa. Vì vậy tin tưởng là mù quáng, khác gì yêu là mù quáng – nhưng tin tưởng còn mù quáng hơn cả yêu nữa.
Khi không dùng đến đôi mắt thì có gì xảy ra? Một sự chuyển hóa nội tại sẽ xảy ra. Khi bạn đóng lại đôi mắt trần vốn dùng để nhìn ra ngoài, việc gì sẽ xảy ra cho cái năng lượng vốn được dùng cho đôi mắt ấy? Nó bắt đầu quay ngược vào bên trong. Nếu không được lưu thông từ đôi mắt đến vật thể, nó đổi chiều. Năng lượng phải chuyển động, không thể tĩnh tại; nếu bị ngăn lối, nó sẽ tìm đường khác. Khi cả hai mắt bị khép lại, cái năng lượng vốn di chuyển qua đôi mắt ấy bắt đầu đổi hướng – một sự thay chiều xảy ra.
Năng lượng đó hướng về mắt thứ ba của bạn. Mắt thứ ba không phải vật chất: cái năng lượng trước đây di chuyển từ đôi mắt đến vật thể bên ngoài, nay đang quay ngược về nguồn. Nó trở thành mắt thứ ba – cách thứ ba để nhìn thế giới. Một vị Phật chỉ được thấy qua mắt thứ ba; chỉ có con mắt ấy mới nhận ra Chúa Giê-Su. Nếu không có con mắt ấy thì có đứng trước mặt Chúa bạn cũng không nhận ra Ngài – nhiều người cũng đã không nhận ra.
Ngay tại quê hương của Ngài, nhiều người nghĩ Ngài chỉ là con của người thợ mộc. Không một ai biết việc gì đã xảy ra cho Ngài. Ngài không còn là con người thợ mộc, mà đã trở thành con Thiên Chúa. Đó là một hiện tượng nội tâm. Và Chúa Giê-Su đã tuyên bố rằng, “Ta là con Thiên Chúa. Cha ta ở trên trời.” Nhiều người đã cười to và cho rằng hoặc là Ngài điên, hoặc ngu ngốc, hoặc là người xảo quyệt. Làm cách nào mà con của người thợ mộc bỗng dưng trở thành con Thiên Chúa? Nhưng có một cách… thể xác chỉ có thể được sinh qua thể xác. Bản thể bên trong không được sinh qua thể xác, mà qua Chúa Thánh Thần, qua thánh linh. Nhưng trước hết bạn phải có con mắt để thấy, phải có tai để nghe. Hiểu được Chúa Giê-Su là một điều rất tế nhị; bạn phải được huấn luyện trước. Tựa như nhạc cổ điển vậy. Nếu bỗng nhiên lần đầu tiên mà được nghe nhạc cổ điển, bạn sẽ nghĩ, “Đó là cái quái gì vậy?” Nó rất tinh tế; cần phải có sự huấn luyện lâu dài mới hiểu được. Bạn phải học hỏi qua nhiều năm thì tai bạn mới có thể nghe được những cái tinh tế mà chỉ có ở nhạc cổ điển. Và rồi những nhạc hàng ngày của đám đông, nhạc phim, không phải là nhạc chút nào; đó chỉ là những tiếng ồn mà lại ngu ngốc. Bởi vì tai của bạn không được huấn luyện nên bạn nghĩ đó là nhạc. Nhưng nhạc cổ điển thì chỉ những người sành điệu, qúy phái mới biết thưởng thức. Bạn cần phải được huấn luyện, và càng được huấn luyện thì cái tế vi trở nên rõ ràng. Nhưng nhạc cổ điển không thể so sánh được với Chúa Giê-Su, vì đó là nhạc của vũ trụ. Bạn phải trở nên thinh lặng đến độ không có một ý tưởng, không một chút chuyển động trong bản thể của bạn. Chỉ có thế bạn mới nghe được Ngài, hiểu được Ngài, nhận ra Ngài. Ngài thường nói, “Những người có tai, hãy nghe. Những kẻ có mắt, hãy xem!” (3) Tại sao Ngài lại lặp đi lặp lại như thế? Ngài nói về một loại hiểu biết mà chỉ một môn đệ mới có. Chỉ một số nhỏ mới hiểu được Ngài, nhưng đó là bản chất của sự việc, không thể khác được. Chỉ một vài người – và họ là ai? Họ không phải là học giả thông thái, không phải giáo sư đại học, không phải những con mọt sách, không phải triết gia. Họ là những người bình thường: người đánh cá, nhà nông, đóng giầy, kỹ nữ… họ là những người rất bình thường, bình thường nhất trong những người bình thường.
Sao mà họ có thể hiểu được? Phải có gì phi thường trong những người bình thường này. Những người bình thường phải có gì đặc biệt mà không thể thấy trong những người gọi-là “khác thường”. Cái gì vậy? Đó là sự khiêm tốn, sự tin tưởng. Càng được đào tạo trong trí tuệ, càng khó tin tưởng.
Nếu trí tuệ của bạn không được đào luyện, càng dễ tin tưởng hơn. Một nông dân tin cậy, ông ta chẳng cần phải nghi ngờ. Ông ta gieo giống xuống ruộng và tin rằng chúng sẽ mọc lên, sẽ nảy mầm khi đúng mùa. Chúng sẽ nảy mầm. Ông ta chờ đợi và cầu nguyện; khi đúng mùa, những hạt giống đó sẽ nảy mầm và thành cây. Ông ta chờ đợi và tin tưởng. Ông ta sống với cây cỏ, sông núi. Chẳng cần phải nghi ngờ gì; cây cối không xảo quyệt; bạn chẳng cần mang áo giáp để tự vệ; đồi núi không xảo quyệt – chúng không phải là chính khách, không phải tội phạm - bạn chẳng cần phải mang theo áo giáp làm gì. Ở đó bạn chẳng phải lo về an ninh; bạn có thể để mở. Đó là lý do tại sao khi đến gần ngọn đồi, bạn bất chợt cảm thấy có sự sung sướng. Từ đâu mà nó đến vậy? Từ ngọn đồi? Không, nó đến vì bạn đã bỏ rơi áo giáp, không có gì phải sợ hãi. Khi đứng dưới cây cối, đột nhiên bạn cảm thấy đẹp.
Không phải nó rớt từ trên cây xuống, mà phát khởi từ bên trong bạn. Với cây, bạn chẳng cần phải đề phòng; bạn có thể thư thái và thong thả. Hoa không tấn công bạn một cách bất thình lình; cây không thể là một kẻ trộm; nó không thể đánh cắp bất cứ một thứ gì của bạn. Vì vậy khi bạn đi về đồi núi, đi ra biển, đi vào rừng, bạn bỏ lại áo giáp một bên. Những người sống gần thiên nhiên dễ tin tưởng hơn. Một nước mà ít công nghiệp, ít cơ khí, ít kỹ thuật, sống gần với thiên nhiên thì người dân dễ tin tưởng và chất phác. Vì vậy bạn không thể mường tượng nổi là Chúa sinh ra ở New York - hầu như không thể được. Những người cuồng tín về Chúa có thể sinh ra ở đó, nhưng Chúa thì không. Mà những kẻ “cuồng tín” ấy chỉ là loạn thần kinh; Chúa chỉ là cái cớ của họ. Không, bạn không thể nghĩ là Chúa sinh ở đó, gần như không thể nghĩ được. Mà thậm chí nếu Ngài sinh ra ở đó, cũng chẳng có ai lắng nghe Ngài. Mà nếu Ngài có mặt ở đó, cũng chẳng có ai nhận ra Ngài. Ngài sinh ra lúc chưa có kỹ thuật, không có khoa học, chỉ là con của một thợ mộc. Cả đời Ngài sống giữa những người nghèo và chất phác, giữa thiên nhiên. Họ có thể tin cậy. Ngài đi đến bờ hồ trong một buổi sáng. Mặt trời vẫn còn thấp. Hai người đánh cá đang thả lưới xuống hồ.
Chúa nói với họ, “Này! Hãy theo ta! Ta sẽ biến các ông thành kẻ đánh cá người!” (4) Nếu Ngài nói với bạn lúc bạn đang ngồi trong văn phòng, hay trong cửa tiệm của bạn, bạn sẽ nói, “Cút đi đi! Tôi không rảnh! Đừng làm mất thì giờ của tôi!” Nhưng hai người chài lưới ấy nhìn Chúa; họ nhìn Ngài mà chẳng một chút nghi ngờ. Mặt trời đang lên, và Ngài trông rất đẹp. Và mắt của Ngài – đôi mắt ấy sâu hơn nước hồ, và sự rạng ngời của Ngài lấp lánh hơn cả mặt trời. Họ liền bỏ lưới và đi theo Ngài.
Đó là tin tưởng. Một câu hỏi cũng không có: “Ông là kẻ lạ mặt. Ông là ai?” Họ không biết Ngài; Ngài không sống chung một làng với họ; họ chưa thấy Ngài bao giờ, và chưa nghe nói về Ngài bao giờ. Nhưng thế là quá đủ rồi - tiếng gọi, lời mời ấy là đủ rồi. Họ nghe lời kêu gọi của Ngài; họ nhìn Ngài, và thấy được sự chân thành của Ngài. Thế là họ đi theo.
Khi họ mới ra khỏi đầu làng, có người chạy theo nói với hai người chài lưới kia rằng, “Các ông đi đâu vậy? Cha ông vừa mới qua đời. Hãy trở về mà chôn xác cha.” Hai người ấy xin với Chúa rằng, “Xin hãy cho chúng con trở về chôn xác cha.” (5) Chúa nói với họ rằng, “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết. Còn các người hãy đi theo ta.” (6) Và hai người ấy đi theo Ngài. Đó là tin tưởng: họ đã nghe và đã nhìn Ngài. Ngài đã nói rất đúng, “Khi cha chết, ông làm được gì? Khi người nào đó chết thì người đó chết. Chẳng cần phải đi. Và trong làng đã có đủ người chết; họ sẽ làm phần còn lại; họ sẽ làm những nghi thức; họ sẽ chôn cha của ông. Còn ông, hãy theo ta.” Thế rồi họ theo Ngài, và không bao giờ ngoảnh mặt lại, không bao giờ nhìn lại. Tin tưởng nghĩa là không nhìn lại. Tin tưởng nghĩa là không quay lại. Một tâm trí nghi ngờ lúc nào cũng xét lại, lúc nào cũng nghĩ đến giải pháp khác, lúc nào cũng nghĩ về cái phải làm, lúc nào cũng nghĩ là làm thế có đúng không? Ai mà biết được – Chúa nói Ngài là con Thiên Chúa, nhưng biết đâu đấy? Chẳng có ai biết Thiên Chúa; không ai biết con của Ngài là ai – mà người này trông có khác gì chúng ta đâu! (7) Nhưng hai người đánh cá ấy đi theo Ngài.
Nếu bạn đi theo người như Chúa, chẳng chóng thì chầy bạn sẽ bị lây, nhưng bạn phải theo từ đầu. Sớm hay muộn bạn sẽ cảm thấy Ngài là con Thiên Chúa. Mà không phải vậy thôi đâu; qua trung gian Ngài bạn sẽ nhận thức được rằng bạn cũng là con Thiên Chúa (8). Nhưng lúc ban đầu bạn phải tin tưởng. Nếu ngay từ lúc đầu mà có sự nghi ngờ, cánh cửa sẽ đóng lại. Quan hệ giữa đạo sư và môn đệ đã biến mất chỉ vì ba thế kỷ thành công của khoa học. Khoa học đã thành công quá mức, và đã tạo ra nhiều điều phép lạ – dĩ nhiên là những phép lạ vô ích, bởi vì chúng không làm cho con người hạnh phúc hơn; phép lạ nhưng vô ích nếu hạnh phúc không được tăng lên vì nó. Thật ra, hạnh phúc đã giảm đi. Tân tiến hơn, tiện nghi hơn, nhưng ít hạnh phúc hơn: đấy mới là phép lạ mà khoa học đã làm được. Càng nhiều thứ được làm bởi máy móc, bạn càng ít được cần tới hơn. Và càng ít được cần tới, bạn càng cảm thấy vô dụng hơn, vô ích hơn, vô nghĩa hơn. Sớm hay muộn máy tính sẽ thay thế bạn, và bạn sẽ chẳng được cần đến nữa. Thế rồi bạn ra đi và tự sát vì máy tính đã làm mọi thứ rồi.
Hạnh phúc có, vì được cần đến. Khi có người cần đến bạn, bạn thấy hạnh phúc, bởi vì bạn cảm thấy đời bạn có ý nghĩa, cuộc sống có ý nghĩa; bạn cảm thấy được cần đến, mà nếu không có bạn, sự việc đã khác. Nhưng nay, không có bạn, cũng chẳng có gì khác. Đúng ra, mọi sự sẽ khá hơn nếu không có bạn, vì máy móc có thể làm mọi thứ khá hơn bạn. Bạn chỉ là kỳ đà cản mũi, một vật đã lỗi thời rồi. Con người là một thứ lỗi thời nhất hiện nay, bởi vì mỗi năm, mọi thứ đều có ấn bản mới: một kiểu xe Ford mới, cái gì cũng có kiểu mới. Chỉ có con người là có kiểu lỗi thời. Trong số vô vàn đồ mới toanh, bạn là đồ cũ rích.
Tâm trí hiện đại luôn luôn cảm thấy vô nghĩa, bởi vì chẳng được ai cần đến. Thậm chí ngay cả con bạn cũng chẳng cần bạn, bởi vì chính phủ, hệ thống trợ cấp xã hội sẽ lo cho chúng. Cha mẹ già của bạn cũng không cần tới bạn, bởi vì nhà dưỡng lão sẽ chăm sóc họ. Ai cần đến bạn. Và khi không ai cần đến bạn, bạn chẳng khác gì một gánh nặng không cần thiết. Sao bạn có thể hạnh phúc được? Thời xưa bạn được cần tới.
Hillel là một nhà huyền môn gốc Do Thái. Ông ta là người có đức tin, rất sùng đạo. Trong kinh cầu với Thượng Đế, ông ta nói, “Đừng nghĩ rằng chỉ có tôi mới cần đến người - người cũng cần đến tôi vậy. Nếu không có tôi, người cũng chẳng là cái thá gì. Nếu Hillel không có mặt, ai sẽ cầu nguyện? Ai sẽ ngưỡng mặt lên nhìn người? Tôi là một thứ cần thiết. Vậy hãy nhớ điều này: Tôi cần người là phải, nhưng người cũng cần đến tôi.”
Khi cả vũ trụ cần bạn – ngay cả Thượng Đế - thì bạn thấy có ý nghĩa, được coi trọng, có hương thơm. Nhưng nay không ai cần bạn. Bạn có thể bị vất bỏ dễ dàng; bạn chẳng là gì cả. Kỹ thuật đã tạo ra tiện nghi và biến bạn thành đồ bỏ. Kỹ thuật xây được nhà tốt hơn, nhưng không làm cho người tốt hơn, bởi vì người tốt cần một phẩm chất khác – và phẩm chất ấy không thuộc về cơ khí. Đó là sự tỉnh thức – không phải máy móc.
Khoa học không thể tạo nên Phật Thích Ca hay một Chúa Giê-Su, nhưng khoa học có thể tạo nên một xã hội mà một vị phật không thể xuất hiện được. Nhiều người hỏi tôi tại sao đời nay không có Phật, không có Tổ, không có Chúa. Chính vì bạn! Bạn đã làm nên một xã hội mà một người chất phác khó mà tồn tại được, một người hồn nhiên khó mà đến được. Mà nếu ông ta có hiện hữu, bạn cũng chẳng nhận ra. Không phải là không có Phật - khó mà nhận ra họ, nhưng họ hiện diện. Mỗi ngày trên đường đến sở làm, bạn có thể đi qua họ, nhưng bạn không nhận ra, bởi vì bạn quáng gà. Tin tưởng đã biến mất. Hãy nhớ điều này: Chúa sống trong kỷ nguyên của tin tưởng, tin tưởng sâu xa. Toàn thể sự huy hoàng, sự quan trọng của Ngài chỉ có thể hiểu được qua lăng kính của sự tin tưởng.
Giờ đây, chúng ta hãy bàn qua một lời dạy ngắn gọn này của Chúa Giê- Su:
Các môn đệ nói với Chúa Giê-Su, “Hãy nói cho chúng tôi nghe, Nước Trời giống như cái gì.”
Họ không phải là những người cật vấn, không phải người tò mò; họ không tranh luận. Câu hỏi của họ rất hồn nhiên; Chúa chỉ trả lời một câu hỏi hồn nhiên. Bạn có biết thế nào là một câu hỏi hồn nhiên không? Nếu bạn đã có câu trả lời, câu hỏi ấy không còn hồn nhiên nữa. Bạn hỏi, “Thượng Đế có hiện hữu không?” và bạn đã có câu trả lời. Bạn biết rằng có, Ngài hiện hữu, và bạn tìm tôi chỉ để được tôi xác nhận. Hoặc là bạn biết Ngài không hiện hữu, và bạn đến chỉ để xem lão này có biết hay không. Nếu câu trả lời đã có, câu hỏi là xảo quyệt, thế thì nó không hồn nhiên. Thế thì Chúa không thể trả lời, bởi vì Ngài chỉ có thể trả lời sự hồn nhiên (9).
Khi một môn đệ hỏi, trong tâm trí ông ta không có câu trả lời. Ông ta không biết; vì không biết nên ông ta mới hỏi. Hãy nhớ điều này: khi bạn hỏi điều gì, hãy nhớ cho kỹ, có phải bạn hỏi vì bạn đã có câu trả lời chăng? Có phải bạn hỏi qua tri thức của bạn không? Thế thì không có sự tương ngộ. Thì dẫu tôi có trả lời đi nữa, nó cũng chẳng lọt vào tai bạn được (10). Bạn không để lòng trống mà nghe câu trả lời. Câu trả lời đã ở sẵn đó rồi. Bạn đã có thiên kiến, đã bị nhiễm độc rồi.
Câu hỏi có hai loại. Một là hỏi qua tri thức; thế thì hỏi cũng bằng thừa, vì đó là hỏi để tranh luận, không phải để đối thoại. Nhưng khi bạn hỏi một cách hồn nhiên, biết rất rõ rằng bạn không biết, khi bạn hỏi mà biết mình không biết, bạn đã trở thành một môn đệ. Như vậy sẽ không có tranh luận.
Bạn đang khát, và bạn hỏi xin nước; bạn đang đói, và bạn xin ăn. Bạn không biết và bạn hỏi; bạn sẵn sàng tiếp nhận. Một môn đệ hỏi mà biết rõ là mình không biết. Khi bạn không biết, bạn khiêm tốn. Khi bạn biết, bạn trở nên ích kỷ, và Chúa không thể nói với những cái tôi. Các môn đệ nói với Chúa Giê-Su…. Môn đệ nghĩa là người biết rõ mình không biết “Hãy nói cho chúng tôi nghe Nước Trời giống như cái gì.”
Chúa Giê-Su nói liên tục về Nước Trời, và điều này đã tạo ra nhiều phiền phức. Nội chữ “nước” thôi cũng đủ rắc rối rồi, bởi vì nó dính dáng đến chính trị nên các chính trị gia sợ hãi. Ngài bị đóng đinh bởi vì bọn chúng nghĩ, “Tên này nói về một nước nào đó sắp xuất hiện trên trái đất, và nó nói, ‘Ta là vua!’ (11) Nó đang cố sách động cho một cuộc cách mạng để lật đổ chính quyền. Nó muốn tạo nên một nước khác!” Nhà vua, phó vương, triều thần và tăng lữ đều lo sợ. Mà người này có nhiều ảnh hưởng vì được dân chúng nghe theo; mà không phải chỉ nghe thôi – nghe xong họ được biến đổi, bừng sáng, hoàn toàn đổi mới; điều gì đó đã xảy ra cho họ.
Vì vậy đám thầy tu, quan toàn quyền Pontius Pilate, vua Herod (12) cùng toàn thể chính phủ - cả đời lẫn đạo - đều lo sợ. Ông ta có vẻ nguy hiểm. Chưa có một người hồn nhiên như vậy bao giờ, nhưng trông có vẻ nguy hiểm. Ngài đã bị hiểu lầm. Nhưng người như Chúa bao giờ cũng bị hiểu lầm. Lý do là Ngài phải dùng ngôn ngữ của bạn, bởi vì không có ngôn ngữ nào khác. Bất kỳ Ngài nói gì, Ngài phải nói bằng từ của bạn. Không có từ nào khác, và từ của bạn đã bị lạm dụng quá nhiều rồi. Chúng có quá nhiều ý nghĩa, quá nặng nề.
Ngài chỉ nói về vương quốc của Thiên Chúa, Nước Trời. Nhưng “nước?” - từ đó rất nguy hiểm, sặc mùi chính trị. Chúa không phải là một nhà cách mạng của thế giới này. Ngài là một nhà cách mạng, cách mạng bậc thầy – nhưng của thế giới tâm linh. Ngài đang nói về vương quốc tâm linh. Nhưng ngay cả các môn đệ của Ngài cũng không hiểu Ngài đang nói gì. Khi bạn đến gặp một đạo sư thì có sự gặp gỡ của hai thế giới, tựa như sự gặp gỡ của trời và đất - chỉ trên bề mặt. Nếu có sự tin tưởng, bạn có thể bay bổng; nếu không có tin tưởng, bạn bị dính lại dưới đất. Nếu có sự tin tưởng, bạn có thể mở rộng đôi cánh mà bay, nhưng nếu tin tưởng không có, bạn không thể cất cánh được. Người này mang lại sự nguy hiểm cho bạn. Nước Trời là gì? Vương quốc nào vậy? Vương quốc này hoàn toàn đối lập, tuyệt đối ngược chiều với vương quốc của thế gian này (13).
Mà Chúa đã giải thích đi giải thích lại, nhưng khó mà làm cho người khác hiểu được. Ngài nói, “Trong Nước Trời, người nghèo nhất là người giầu nhất, và người thấp nhất sẽ là người cao nhất.” Ngài nói hệt như Lão Tử, và Ngài cũng thuộc loại người như Lão Tử (14). “Người đứng cuối cùng sẽ là người đứng đầu trên Nước Trời.” Ngài nói rằng người khiêm tốn nhất sẽ là người quan trọng nhất, người nghèo nhất sẽ là người giầu nhất (15), và người không được ai biết tới sẽ là người nổi tiếng nhất - lộn tùng phèo hết. Mà phải như vậy mới đúng. Nếu bạn đứng gần một dòng sông mà nếu nó thật yên tĩnh, không có một gợn sóng, và bạn nhìn xuống bóng của mình, bạn sẽ thấy nó đảo lộn. Hình phản xạ bao giờ cũng đảo lộn. Mọi thứ trên thế gian này đều đảo lộn cả. Mà nếu ta phải sắp xếp lại thứ tự, mọi sự phải lộn lại hết. Mà nếu làm vậy, mọi thứ lại trông đảo lộn hết. Một sự hỗn loạn sẽ xảy ra. Đức Phật sẽ thành tên ăn mày – người đứng sau rốt của thế gian này. Ngài là vua, nhưng Nước Trời thuộc về người đứng sau rốt của thế gian này. Ngài bỏ cung điện ra đi, bởi vì nước của thế gian này thật là vô ích, một gánh nặng vô ý nghĩa. Bạn kéo lê nó, nhưng nó không phải thức ăn. Nó phá hủy bạn. Nó là thuốc độc - và nó là chất độc ngấm lâu nên bạn không cảm thấy.
Một người đang uống nước. Một người bạn đi ngang nói, “Chất độc ấy ngấm từ từ đấy!” Anh ta nói, “Không sao đâu – Tôi cũng không vội.” Bất kỳ cái gì bạn gọi là sự sống đều là chất độc ngấm lâu, bởi vì rồi nó cũng chết. Nó giết bạn; nó chẳng làm gì khác. Có thể bạn không vội, nhưng cũng không thay đổi đặc tính của chất độc. Nó có thể lâu, bạn có thể không vội, nhưng nó vẫn giết bạn. Nước của thế gian này thuộc về sự chết, nhưng Nước Trời thuộc về sự sống đời đời. Vì vậy Chúa nói, “Ai đã sẵn sàng, hãy theo ta. Ta sẽ cho người ấy sự sống đời đời.” (16)
Chúa đi ngang qua một làng. Ngài khát nước và đến gần một giếng nước. Ngài nói với một thiếu phụ đang múc nước. “Tôi khát quá. Xin chị cho tôi một ít nước để uống.” Chị ta nói, “Tôi là một tiện dân. Tôi không được phép cho nước Ngài.” Chúa nói, “Xin đừng lo. Hãy cho tôi uống. Và để đổi lại tôi cũng sẽ cho chị uống nước từ giếng của tôi. Một khi đã uống nước ấy rồi, chị sẽ không bao giờ khát nữa.” (17)
Môn đệ hỏi, “Nước Trời giống như thế nào?” bởi vì những cái mà ta không biết chỉ có thể giải thích bằng những cái “giống như”. Chuyện thần thoại cũng thuộc loại đó. Thần thoại nghĩa là cố gắng giải thích những điều mà bạn không biết, không thể biết được trong trạng thái này của tâm thức; nó giải thích qua những điều bạn đã biết. Thần thoại cố gắng giải thích những cái không biết bằng những cái đã biết – giúp cho bạn hiểu được phần nào với trình độ của bạn. Nước Trời không thể nào giải thích bằng cách trực tiếp, ngay tức thì. Không thể làm được. Trừ khi bạn đã đến đó rồi, không có cách nào nói về nó được. Bất kỳ người nào nói gì đều sai hết. Chân lý không thể nói được (18). Thế thì Chúa, Lão Tử, Phật đã làm gì trong nhiều năm ròng rã? Nếu chân lý không thể nói được, các Ngài làm gì vậy? Họ cố giải thích những cái không thể giải thích được, xuyên qua những ký hiệu mà bạn đã biết. Đó là những cái khó nhất trên thế gian này - ngụ ngôn, thần thoại, chuyện.
Mà có những tên gàn dở cố gắng phân tích thần thoại, mổ xẻ nó rồi nói, “Đó là thần thoại, không phải chân lý.” Họ phân tích, mổ xẻ, họ giải phẫu thần thoại rồi nói, “Đó là thần thoại, không phải lịch sử.” Nhưng có ai nói thần thoại là lịch sử đâu. Thần thoại không thể mổ xẻ, bởi vì nó chỉ là biểu tượng. Có khác gì bạn mổ xẻ cái bảng chỉ đường trên đó có mũi tên, và bên mũi tên đó có chữ “Delhi”; bạn mổ xẻ mũi tên, sơn và những loại hóa học trên đó. Rồi bạn nói, “Tên khùng nào đã làm chuyện này – có thấy ‘Delhi’ nào trong đó đâu.”
Thần thoại là những bảng chỉ đường, hướng về cái không biết. Chúng không phải là mục tiêu; chúng chỉ gợi ý (19). Đó là ý nghĩa của câu hỏi của các môn đệ: Hãy nói cho chúng tôi nghe Nước Trời giống như cái gì. Ta không thể nói Nước Trời là cái gì. Hãy để ý đến cách đặt câu hỏi: ta không thể hỏi Nước Trời là gì – điều đó quá đáng. Không thể có câu trả lời cho câu hỏi đó. Ta chỉ có thể hỏi nó giống cái gì, nghĩa là, “Hãy nói về những điều chúng tôi biết, và dùng chúng mà gợi ý để chúng tôi có thể tưởng tượng được.” Tựa như người mù hỏi ánh sáng giống như cái gì. Sao bạn có thể hỏi được ánh sáng là gì khi bạn mù? Nếu bạn hỏi, chính câu hỏi đã chặn câu trả lời rồi. Không thể trả lời được. Ánh sáng có thể biết được, nhưng bạn cần đôi mắt. Nhưng “Ánh sáng là gì?” nghĩa là, “Nói gì đó bằng ngôn ngữ của người mù.” Mọi ngụ ngôn đều là chân lý trong ngôn ngữ của người mù. Thần thoại là chân lý bọc trong ngôn ngữ của người mù. Vậy đừng mổ xẻ chúng; bạn chẳng kiếm thấy gì đâu. Chúng chỉ là những chỉ dẫn. Và nếu bạn có đức tin, những chỉ dẫn ấy thật tuyệt diệu.
Trong một ngôi chùa bên Nhật có một tượng Phật. Nhiều người đi vào và hỏi, “Tượng để đâu?” Không có tượng nào hết, nhưng trên bàn thờ có một ngón tay chỉ lên trời – và đó là Đức Phật. Sư trụ trì nói, “Đó là Đức Phật.” Tôi không biết sư có hiểu hay không – đây là ngón tay chỉ trăng. Phật là gì? Chỉ là ngón tay chỉ trăng!
Các môn đệ hỏi Nước Trời giống như cái gì, nghĩa là, “nói cho chúng tôi, nói bằng ngụ ngôn, nói bằng chuyện mà trẻ con có thể hiểu được. Chúng tôi không biết, không kinh nghiệm. Hãy nói để chúng tôi có một ít ý niệm.” Chúa Giê-Su nói với họ, “Nó giống như hạt cải trời - nhỏ hơn mọi hạt giống, nhưng khi rơi xuống mảnh đất đã được cày xới, nó trở thành cây lớn và trở thành nơi nương tựa cho các loại chim trời.”
Chúa thường dùng hạt cải trời vì nhiều lý do. Trước hết, hạt cải trời là loại hạt nhỏ nhất. Thượng Đế vô hình, nhỏ hơn cái nhỏ nhất, vậy sao bạn có thể chỉ về Ngài? Tại ranh giới của hữu hình và vô hình là hạt cải trời, cái nhỏ nhất… nhỏ hơn nữa thì bạn không thể hiểu được, vì nhỏ hơn nữa là vô hình. Hạt cải trời là ranh giới, nhỏ nhất trong thế giới hữu hình - bạn có thể nhìn được, nhưng nó rất nhỏ. Nếu đi xuống dưới nữa, bạn đi vào thế giới tinh tế, của những cái nhỏ hơn cái nhỏ nhất. Hạt cải trời nằm ngay ranh giới. Và hạt cải trời không những là cái nhỏ nhất có thể nhìn được, nó còn có một phẩm chất rất huyền bí; khi mọc lên nó trở thành loại cây lớn nhất. Đó là một nghịch lý; còn là hạt giống thì nhỏ nhất, mà thành cây thì lớn nhất.
Thượng Đế vô hình, mà vũ trụ là vật hữu hình lớn nhất; vũ trụ là cây, là cổ thụ, và Thượng Đế là hạt giống; Thượng Đế ẩn tàng mà vũ trụ thì hiển lộ. Nếu đập vỡ hạt giống ra, bạn không thể tìm được cây trong đó; bạn có thể mổ xẻ nó, nhưng bạn không thể tìm thấy cây ẩn trong đó. Và bạn có thể nói: chẳng có cây mà bọn dốt nát nói, nó nằm ẩn trong đó. Đó là những điều các nhà phân tích vẫn thường làm. Bạn bảo họ bông hoa này đẹp; họ đem về phòng thí nghiệm và mổ xẻ để tìm vẻ đẹp ở đâu. Họ sẽ tìm thấy hóa chất và những hỗn hợp khác; họ sẽ mổ xẻ và phân tích, và họ sẽ bỏ mỗi phần khác nhau của hoa trong một bình rồi đánh dấu từng bình – nhưng họ không thể tìm được vẻ đẹp trong một bình nào cả. Không, họ sẽ ra khỏi phòng và nói, “Chắc là bạn bị ảo tưởng rồi, chắc là bạn đang mơ – có vẻ đẹp nào đâu. Chúng tôi đã mổ xẻ toàn bộ, không để sót gì cả, mà chẳng thấy vẻ đẹp ở đâu.” Có những cái chỉ biết được trong sự nguyên vẹn của chúng; bạn không thể chia cắt chúng. Chúng nó lớn hơn tổng số của các bộ phận; vấn đề là ở chỗ đó – vấn đề cơ bản cho những người tìm chân lý. Chân lý lớn hơn tất cả những bộ phận hợp lại. Nó không phải là tổng số của những bộ phận; nó lớn hơn những bộ phận. Một điệu nhạc không phải là tổng số của những nốt nhạc, của tất cả những âm điệu. Không, có gì đó lớn hơn. Khi tất cả những nốt nhạc hợp lại, một hòa âm trổi lên; hòa âm đó không có trong từng nốt nhạc. Tôi đang nói với bạn; bạn có thể mổ xẻ lời của tôi; chúng có trong từ điển, nhưng bạn không thấy tôi trong đó. Bạn có thể nói, “Mọi từ đều nằm ở đây, vậy bận tâm làm gì?”
Có lần Mark Twain (20) đến thăm một mục sư bạn; mục sư đã khẩn khoản trong nhiều ngày; ông ta là một trong những người hùng biện tiếng tăm, hùng biện rất thi vị, và ông ta rất được ngưỡng mộ; nhà thờ đông nghẹt mỗi khi ông ta diễn thuyết, nhưng Mark Twain không bao giờ tới nghe. Ông ta mời đi mời lại nên Mark Twain nói, “Được rồi, cuối tuần tôi sẽ đến.”
Chủ Nhật đó ông mục sư chuẩn bị chu đáo; ông ta sắp xếp mọi thứ thật đẹp vì có Mark Twain đến. Mark Twain ngồi ngay hàng ghế đầu, và mục sự giảng thật hay. Ông ta dồn mọi nỗ lực vào bài giảng, và bài giảng thật là tuyệt; nó là một tấu khúc, như thể thi ca. Nhưng dần dần ông ta bắt đầu sợ hãi, lo âu vì Mark Twain ngồi trơ như chết rồi, chẳng có dấu hiệu thích thú nào hiện trên mặt. Người khác thì vỗ tay rầm rầm, sung sướng mê li; Mark Twain vẫn trơ trơ ra đó, không một dấu hiệu nào lộ ra là có ấn tượng tốt,chẳng khen cũng chẳng chê. Ông ta vẫn dửng dưng – mà thái độ dửng dưng còn chết người hơn là chê bai, bởi vì nếu không thích cái gì, ít ra bạn cũng có thái độ nào đó. Nhưng nếu thờ ơ, bạn muốn nói rằng nó hoàn toàn vô ích, thậm chí cũng chẳng đáng để chống lại. Khi bài giảng kết thúc, Mark Twain ra xe với ông mục sư. Ông mục sư không thể hỏi điều gì, và cả hai im lặng.
Vừa lúc Mark Twain bước ra khỏi xe, ông mục sư nói, “Ông không nói gì về bài giảng của tôi.” Mark Twain trả lời, “Có gì mới đâu. Nhà tôi có một cuốn sách; ông chỉ copy từ đó. Bài giảng này vay mượn; ông không thể dấu tôi được. Ông có thể lừa những tên ngố kia trong nhà thờ, nhưng tôi là người đọc sách và tôi nghiên cứu. Tình cờ tối qua tôi đã đọc cuốn đó.” Ông mục sư không thể ngờ được, “Ông nói gì vậy? Tôi có copy đâu. Không thể có chuyện đó.” Mark Twain nói, “Mọi từ ông dùng đều nằm trong đó. Ngày mai tôi sẽ gửi sách đó cho ông.” Hôm sau Mark Twain gửi cuốn từ điển dày cộm và nói, “Ông có thể tìm thấy mọi từ của ông trong đó.”
Đó là tâm trí của nhà phân tích. Ông ta có thể giết thi ca ngay tức thì. Ông ta có thể nói đó chỉ là những từ kết lại với nhau. Ông ta không hiểu được ý, không thể đọc được giữa hàng – mà thơ nằm ở đó. Vẻ đẹp nằm ở đó; những ngây ngất mê li, Thượng Đế và những gì đầy ý nghĩa đều nằm giữa những từ, giữa những hàng.
Hạt cải trời nhỏ nhất mà chứa cái lớn nhất. Bạn không thể thấy được Thượng Đế, bởi vì Ngài là cái nhỏ nhất – hạt cải trời – nhưng bạn có thể thấy được vũ trụ. Mà nếu vũ trụ hiện hữu, hạt giống đó cũng phải hiện hữu. Có cây mà sao không có hột? Có cây nào không sinh ra từ hột không? Vấn đề không phải là bạn thấy, hay không thấy hột ấy. Vũ trụ này có thể hiện hữu mà không có một căn nguyên, hay một nguồn chính không? Sông Hằng có thể tồn tại mà không có nguồn không? Vũ trụ mênh mông này - bạn có thể nghĩ nó tồn tại mà không có căn nguyên không? Và vũ trụ này không những chỉ rộng lớn, mà còn có sự hài hòa trong đó nữa, một tấu khúc vĩ đại như thế, một hệ thống khổng lồ như thế. Nó không hỗn loạn mà thứ tự, lớp lang; mọi thứ đâu ra đó. Mà những người biết tường tận đều nói rằng nó là cái tốt nhất có thể có được, rằng không có gì tốt hơn nữa. Vậy phải có một hạt giống nhỏ hơn hạt cải trời. Hạt cải trời được dùng như một thần thoại để ra dấu. Đấy là câu hỏi của những người đánh cá, nông dân và làm vườn; họ có thể hiểu ngụ ngôn, ngụ ngôn về hạt cải trời. Nếu bạn mổ xẻ ngụ ngôn ấy thì sai bét. Nếu phân tích đạo giáo, bạn sẽ lầm to. Hoặc là bạn hiểu một cách trực tiếp mà không mổ xẻ, hoặc bạn không hiểu gì cả (21).
Có một cách là qua đức tin: bạn không thể thấy cây trong hột, nhưng nếu bạn đem hột đi cấy, nó sẽ thành cây – đó là đức tin. Anh ta sẽ nói, “Được rồi, đây là hột; tôi tin nó sẽ mọc; tôi sẽ mang nó đi cấy; tôi sẽ tìm chỗ tốt, và tôi sẽ làm rào quanh nó. Tôi sẽ chờ đợi và cầu nguyện. Tôi tin yêu và hy vọng, và tôi mơ tưởng…”
Bạn có thể làm gì khác không? Bạn có thể gieo hột và chờ đợi và mơ mộng, hy vọng và cầu nguyện. Bạn có thể làm gì nữa không? Rồi bỗng một ngày, một buổi sáng bạn thức dậy và thấy cây đã mọc, chồi đã nhô ra khỏi đất. Hột không còn là hột nữa mà đang trở thành cây, sắp sửa ra hoa. Điều gì xảy ra khi hột thành cây? Đó cũng là một phần của ngụ ngôn. Hạt giống phải chết đi - chỉ thế nó mới thành cây được. Thượng Đế phải chết đi để thành vũ trụ; Ngài không thể dửng dưng; Ngài nằm trong đó; Ngài biến mất trong đó (22). Đó là lý do bạn không thể tìm thấy Ngài. Bạn có thể lên Hi Mã, đến Mecca (23), đến Kashi (24), hoặc bất cứ nơi nào bạn muốn, nhưng bạn sẽ không thấy Ngài đâu cả, bởi vì Ngài ở đây, ở mọi nơi, tựa như hột ở mọi nơi trong toàn thể cây. Bạn không thể tìm thấy hột; nó đã chết đi và biến thành cây. Thượng Đế đã chết vào trong vũ trụ, trong hiện sinh, và đã trở thành vũ trụ. Ngài không phải tách biệt. Ngài không như người thợ mộc tách biệt hẳn với công trình của mình. Không thể như vậy được. Ngài tựa như hạt giống: cây mọc ra từ đó, và rồi nó biến vào trong cây. Bạn tìm lại Thượng Đế chỉ khi cây ấy biến đi.
Đạo Ấn nói rằng bạn có thể tìm ra Thượng Đế hoặc tại lúc khởi đầu sáng thế, hoặc lúc lâm chung của vũ trụ. Lúc ban đầu, khi trời đất chưa có, hạt giống đã có, nhưng bạn không có ở đó mà tìm - bởi vì bạn là một phần của cây, bạn là cành lá của cây. Hoặc là Ngài có mặt lúc chung cuộc, khi toàn thể vũ trụ sụp đổ, khi cây cằn cỗi và chết đi. Và không cây nào tránh khỏi: cây già thì hột mới lại có - cả triệu hột. Khi vũ trụ sụp đổ, bạn có thể tìm ra cả triệu thần thánh – nhưng bạn không có mặt lúc đó; vấn đề là ở chỗ đó.
Vậy chỉ có cách duy nhất để tìm Ngài: ngay lúc này và ngay bây giờ, trên mọi cành, trong từng chiếc lá. Nếu bạn đi tìm một hình ảnh nào đó, Krishna, Rama (25), bạn sẽ không tìm thấy Ngài. Họ cũng chỉ là những chiếc lá - đẹp hơn, dĩ nhiên, sống động hơn và xanh tươi hơn, bởi vì họ đã chứng đạo; họ đã thể nghiệm là họ ở khắp nơi.
Khi Chúa nói, “Nước Trời giống như hạt cải trời,” Ngài nói đến cả triệu thứ. Đó là cái đẹp của ngụ ngôn: gần như bạn không nói gì, vỏn vẹn có mấy từ, nhưng lại hàm chứa rất nhiều. Khi hột chết đi thì vũ trụ nảy sinh; hột chết đi thì thành cây. Đấy là nước Chúa; đó là Nước Trời. Và nếu bạn tìm nơi nào khác, bạn tìm trong vô vọng. Nếu bạn muốn nhìn vào Nước Trời, bạn cũng phải trở thành hột và chết đi, và bỗng nhiên sẽ có cây - bạn không còn nữa, nhưng Thượng Đế hiện diện. Bạn sẽ không bao giờ gặp Ngài. Nếu bạn còn, Thượng Đế sẽ không có, bởi vì có hột ở đó. Khi bạn biến mất, Thượng Đế sẽ hiển lộ; vì vậy sẽ không có sự gặp gỡ thực sự. Khi bạn không còn cái tôi, Ngài sẽ hiện diện; khi tay bạn trống không, Thượng Đế sẽ hiển hiện. Khi bạn không còn nữa, Ngài sẽ thay chỗ. Lại thêm một nghịch lý nữa: hột chứa cây, nhưng nó cũng có thể giết cây. Nếu hột ích kỷ, nếu nó nghĩ, “Ta chẳng cần ai hết,” và nếu nó sợ chết, thì chính cái vỏ trở thành nhà tù; chính cái hột bảo bọc cho cây trở nên nhà tù trước khi nó rơi xuống đất đã cày xới – thế thì cây sẽ chết theo với hột. Bạn giống như những hạt giống đã thành nhà tù. Phật là một hạt giống, Chúa là một hạt giống, nhưng không phải nhà tù: cái hột, cái vỏ đã chết đi và cây đã mọc.
Ngài nói với họ, “Nước Trời giống như hạt cải trời - nhỏ hơn mọi hạt giống khác, nhưng khi rơi xuống mảnh đất đã được cày xới, nó sẽ sinh ra một cây lớn và trở thành nơi nương tựa cho muôn loại chim trời.” …Nhưng khi rơi xuống đất đã được cày xới… cần phải có đất tốt. Chỉ có hột chết cũng chưa đủ, bởi vì bạn có thể chết khô trên đá mà không mọc thành cây; đó là cái chết đơn giản. Bạn cần đất tốt, môi trường tốt – và đó là ý nghĩa của môn đệ. Đó là sự huấn luyện. Môn đệ cần được đào luyện, phải học để thành đất đã cày xới, đất tốt. Hạt giống đã có nhưng phải tìm cho ra đất tốt. Bạn đã có cây bên trong; đạo sư chỉ có thể cho bạn đất tốt. Ngài có thể cày xới bạn, Ngài có thể nhổ cỏ, Ngài có thể sửa soạn cho đất sẵn sàng tiếp nhận. Ngài có thể phân bón cho đất màu mỡ - Ngài là người làm vườn.
Bạn có đủ cả, nhưng bạn vẫn cần người làm vườn; nếu không bạn sẽ đem hột liệng khắp nơi. Chúng có thể rơi trên xi-măng và chết đi; hoặc nó rơi trên đường đi để trên đó người qua lại đạp lên mà nó chết. Cần có người bảo vệ bạn khi bạn chết. Này nhé, bạn cần bà đỡ khi đứa trẻ sinh ra. Không ai nói thiếu bà đỡ mà được mẹ tròn con vuông. Bà đỡ tối cần vì khoảnh khắc đó rất nguy hiểm. Mà khi chân lý được khai sinh, khoảnh khắc đó còn tế nhị hơn nữa; khoảnh khắc mà Thượng Đế sinh ra trong bạn còn mong manh hơn gấp bội - lớn hơn mọi sự sinh.
Đạo sư chỉ là bà đỡ. Nếu không có đạo sư, nhiều trắc trở có thể xảy ra: có thể bị hư thai, có thể đứa trẻ chết trước khi nó được sinh ra. Cần phải có đạo sư để bảo vệ bạn, bởi vì mầm non rất yếu ớt, hoàn toàn bất lực – bất cứ gì cũng có thể xảy ra cho nó. Thập phần nguy hiểm. Nhưng nếu bạn tin tưởng – và tin tưởng rất cần, chẳng có cách nào khác; vì nếu nghi ngờ, bạn có thể chùn lại, và hột sẽ không chết đi – nhưng nếu bạn tin tưởng, hột sẽ chết. Hột không biết sẽ có cây, vấn đề là ở chỗ đó. Hột muốn chắc ăn, “Nếu chết đi, ta sẽ thành cây.” Nhưng bằng cách nào bạn có thể làm cho hột an tâm?
Đó là cái vô lý của đức tin. Đức tin nghĩa là vô lý. Bạn muốn nắm chắc rằng, “Ta có thể thành môn đệ, ta có thể từ bỏ tất cả, ta sẵn sàng chết đi, nhưng lấy gì để bảo đảm rằng khi hột không còn nữa thì cây sẽ mọc?” Ai có thể cho bạn bảo đảm, và cho bằng cách nào? Mà thậm chí nếu có bảo đảm chăng nữa, hạt giống của người ấy cũng chẳng có ở đó. Và bằng chứng nào có thể làm cho hột tin rằng khi nó không còn nữa, cây sẽ mọc? Không thể có bảo đảm nào hết. Đó là lý do tại sao đức tin là vô lý.
Tin vào cái không thể tin được là ý nghĩa của đức tin (26) – tin ở cái không thể tin được; chẳng có cách nào tin được, nhưng bạn vẫn tin. Hột chết đi trong sự tin tưởng sâu sắc là cây mọc lên. Nhưng ‘đất được cày xới’ phải có, đất tốt rất cần thiết. Toàn bộ ý nghĩa của môn đệ chỉ là trở nên mảnh đất đã được cày xới. …Nó mọc thành một cây lớn và trở thành nơi nương tựa cho muôn chim trời.
Và khi cây của bạn đã lớn, khi nó trở thành cây Phật, cả triệu những con chim đi tìm đạo sẽ đến mà tìm nơi trú ẩn. Dưới chân Chúa Giê-Su rất nhiều ‘chim trời’ tìm nơi nương tựa; dưới chân Đức Phật rất nhiều ‘chim trời’ tìm đến quy y (27). Đối với những người đi tìm những cái thâm sâu nhất, cây ấy – cây Phật, cây Chúa– trở thành nơi trú ẩn (28) và họ nghe được nhịp đập của cái vô hình. Ở đó họ có thể tin tưởng, ở đó họ có thể hiểu được cái không biết được, và ở đó họ có thể nhảy vọt.
Nước Trời giống như hạt cải trời…
Bạn là Nước Trời, bạn giống như hạt cải trời. Hãy sẵn sàng chết; hãy sửa soạn cho cái chết của bạn! Dĩ nhiên, sẽ có run rẩy, sợ hãi và lo âu. Cái nhảy ấy sẽ khó khăn. Rất nhiều lần bạn đã quay lại; rất nhiều lần bạn đã đi đến bờ vực rồi quay lại và trốn thoát, bởi vì đó là vực sâu thăm thẳm (29). Hột chỉ có thể biết vực sâu; nó không thể biết được cây.
Không có cách nào hột có thể chứng kiến được mầm non – không có cách nào. Nó phải chết đi và tin tưởng cái còn ẩn khuất sẽ xảy ra. Nếu bạn sẵn sàng chết đi, nó sẽ xuất hiện. Hãy gieo hạt xuống ruộng: khi cây đã mọc, hãy đào lỗ để xem hột nằm đâu. Nó đã biến mất, nó không còn nữa. Hãy tìm trong Đức Phật, trong Chúa Giê-Su - bạn sẽ không thấy các Ngài, cái hột. Đó là ý nghĩa Con Thiên Chúa của Chúa, không còn là con của thánh Giu- Se, người thợ mộc – bởi vì hột đến từ thánh Giu-Se và Mẹ Maria, nhưng cái hột đó đã biến mất, cái vỏ không còn nữa. Cây ấy không phải của hữu hình, mà thuộc về vô hình.
Hãy nhìn Chúa Giê-Su: hột không còn nữa, chỉ có Thiên Chúa. Hãy sẵn sàng chết đi để được tái sinh. Hãy vất bỏ tâm trí, thân thể, cái tôi và danh tính. Bỗng nhiên bạn sẽ thấy cái gì mới đang lớn dần bên trong: bạn đang mang thai, bạn đã trở thành dạ con. Và có thai trong thánh linh là cao điểm của sáng tạo, bởi vì xuyên qua đó bạn đang sinh ra chính bạn. Không gì có thể so sánh được. Bạn có thể vẽ được bức tranh lộng lẫy, một pho tượng diễm lệ, nhưng không gì có thể so sánh được khi bạn sinh ra chính bạn, khi bạn tự sinh (30).
Nhưng khi rơi xuống đất đã cày xới…
Hãy sẵn sàng chết đi! Trước khi bạn sửa soạn nhảy phắt, hãy trở thành ‘đất đã cày xới’ – trở thành môn đệ, thành đệ tử, trở nên khiêm tốn, trở nên như thể bạn không còn nữa. Chẳng bao lâu nữa bạn sẽ không còn nữa – nhưng hãy sửa soạn cho nó, hãy xử sự như thể bạn không còn nữa. Thế thì:
… Nó sinh ra một cây lớn và trở thành nơi nương tựa cho muôn chim trời. Điều đó luôn luôn xảy ra như vậy. Bạn ở gần tôi; hột của tôi đã chết – đó là lý do bạn đến đây. Chẳng phải chính vì bạn mà bạn đến đây; chính vì tôi mà bạn tụ họp nơi đây. Nhưng nói ‘chính vì tôi’ cũng không đúng nữa, bởi vì không có ‘tôi’ nữa; hột đã biến mất và chỉ còn lại cây. Và nếu bạn thoáng thấy được triển vọng của bạn qua tôi, việc lớn đã thành (31).
Nước Trời giống như hạt cải trời….
Bạn là hạt giống. Bạn có khả năng thành Nước Trời. Hãy sửa soạn chết đi, bởi vì đó là cách duy nhất để được tái sinh.
Chú Thích:
1 Xem Mat-Cô 4:31, Lu-Ca 13:19
2 Nhã Điển (Athenes), thủ đô của Hy Lạp, một thời là trung tâm văn hoá quan trọng của tây phương.
3 Mat-Thêu 11:15
4 Mat-Thêu 4:19, Mat-Cô 1:17
5 Mat-Thêu 8:21
6 Mat-Thêu 8:23
7 Người Do Thái nói với nhau, “Ông ấy không phải là con người thợ mộc sao? Mẹ ông ấy không phải là Maria sao?” Mat-Thêu 13:55, Mat-Cô 6:3.
8 Chúa Giê-Su nói với người Do Thái, “Không phải thánh thư của các ông có lời viết rằng, ‘Các ngươi là Thiên Chúa’ sao?’” (Gio-An 10:34)
9 Kinh Dịch, Sơn Thủy Mông, hào năm, viết, “Đồng mông, cát.” nghĩa là, “không biết (mông), nhưng hồn nhiên (đồng). Rất tốt.” Hồn nhiên là điều kiện tối cần của người tầm đạo. Môn đệ của Chúa đều là những người bình dân, ít học; họ đến với Chúa một cách hồn nhiên, và vì vậy họ đã chinh phục gần một nữa trái đất.
10 Thiền sư Nan-In rót nước mời một giáo sư đại học. Nước đã trào khỏi ly mà sư vẫn rót. Khách nói, “Đầy quá rồi! Không thể rót thêm được nữa!” Sư nói, “Đúng vậy! Thí chủ đến đấy với đủ mọi thiên kiến, ý tưởng. Chẳng còn chỗ nào để cho tôi lọt vào cả.”
11 Mat-Thêu 2:2, 2:9, 21:5, 27:11, 27:29, 27:37
12 Pointius Pilate (Phi-La-Tô) là viên toàn quyền La Mã cai trị Do Thái, trong lúc Herod là vua bù nhìn.
13 Chúa Giê-Su nói, “Vương quốc của tôi không thuộc thế gian này. Với nếu thế thì tôi tớ của tôi sẽ tranh đấu để tôi không bị người Do Thái bắt, nhưng đây không phải là vương quốc của tôi.” (Gio-an 18:36)
14 Lão Tử nói, “Gần với đạo dường như tối tăm.” (Đạo Đức Kinh)
15 Lu-Ca 16:19-26
16 Gio-An 3:16, “Vì Thiên Chúa quá thương thế gian nên đã hiến Con Một của Ngài, để nếu ai vào thì sẽ không bị chết, mà được sự sống đời đời.”
17 Gio-An 4:4-14
18 Mọi truyền thống đạo học đông phương đều đồng ý một điểm là, “chân lý không thể nói bằng lời”:
1. Phi-La-Tô hỏi Chúa Giê-Su, “Chân lý là gì?” Không đợi Chúa trả lời, Phi-La-Tô bỏ đi ngay (Gio-An 18:38). Phi-La-Tô bỏ đi vì với một người chỉ biết lừa lọc, phản phúc, mưu mẹo thì làm gì có chân lý. Chúa im lặng vì chân lý không thể nói được.
2. Phật không trả lời mười bốn câu hỏi. (Xem Osho, Bát Nhã Tâm Kinh, Vạn Sơn dịch)
3. Lão Tử nói, “Đạo khả đạo, phi thường đạo” (Đạo Đức Kinh)
4. Văn Thù Sư Lợi hỏi Duy Ma Cật về pháp bất nhị. Duy Ma Cật im lặng (Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh)
5. Paippaladin hỏi Jabalin Thượng Đế (Brahman), Jabalin im lặng (JabalyUpanishad)
6. Trí lên Bắc, tìm Vô-Vi Vị hỏi về đạo. Hỏi ba lần mà Vị không đáp. Trí bèn xuống Nam tìm Cuồng Khuất hỏi. Cuồng Khuất nói, “À tôi biết! Để tôi nói cho!” nhưng vừa muốn nói lại quên quên chỗ muốn nói. Cho nên “Biết thì không nói. Nói thì không biết.” (Trí Bắc Du, Nam Hoa Kinh).
7. Dịch, Quẻ Càn, hào sáu, viết, “Kháng long hữu hối.” Nghĩa là rồng bay cao có điều hối tiếc. “Rồng bay cao” và “Trí đi chơi phương Bắc” đều có nghĩa là chân lý nằm ngoài tầm với của trí năng, nên thánh nhân khi đạt đạo không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả kinh nghiệm của mình. Vì vậy, Đức Phật nói Ngài hoằng pháp 45 năm nhưng không nói được gì.
8. Wittgenstein viết, “Gặp những trường hợp không thể nói, bạn phải im lặng” (Tractatus Logico-Philosophicus)
19 Trang Tử nói, “Lời dùng để chuyển ý. Được ý quên lời; được cá quên nơm; được thỏ quên dò.” (Nam Hoa Kinh)
20 Mark Twain (1835-1910) là văn sĩ nổi tiếng người Mỹ
21 Kinh Dịch, Quẻ Khôn, hào hai, viết, “Trực, phương, đại. Bất tập, vô bất lợi.” Nghĩa là: Thẳng, vuông, lớn. Không học nhưng không gì bất lợi.” Đó là đặc tính của trực giác: hiểu một cách trực tiếp (thẳng), không cần phải qua một tiến trình lý luận từ A đến Z, và hiểu một cách toàn bộ (vuông), không phải từng phần (lớn). Thiền Tông gọi là “tâm truyền tâm” – không dùng đến tâm trí. “Trực, phương, đại. Bất tập, vô bất lợi.” – nói theo Thiền Tông là đốn ngộ, nghĩa là chứng nghiệm được chân lý bao giờ cũng xảy ra tức thời, khong phải từng giai đoạn một.
22 Ấn Độ giáo quan niệm rằng Thượng Đế (Brahman) và vũ trụ không phải hai (bất nhị=advaita). Mọi hiện tượng, mọi vật trong vũ trụ này đều là những biểu lộ khác nhau của Thượng Đế; tựa như nước và sóng, ngoài nước không có sóng, ngoài sóng không có nước.
23 Mecca là thánh địa của Hồi giáo, thuộc về xứ Ả Rập Saudi.
24 Kashi, còn gọi là Vanarasi, là thánh địa của Ấn giáo.
25 Krishna và Rama được người Ấn coi là hai hiện thân của Thượng Đế.
26 Thánh Phụ (Church Father) Tertulian có câu nổi tiếng, “Tôi tin vì nó vô lý!”
27 Khi một thánh nhân đắc đạo, lòng từ bi của Ngài tự động phát khởi, và lòng từ bi ấy thúc đẩy Ngài tìm đủ mọi phương tiện để giúp cho mọi người cũng được những kinh nghiệm ấy. Phật nói trong Diệu Pháp Liên Hoa, “Như Lai ra đời vì một nguyên nhân lớn duy nhất là khai thị chúng sinh nhập tri kiến Phật.”
28 Lòng từ bi của Ngài có thể bao dung tất cả. Kinh Dịch, Sơn Thuỷ Mông, hào hai, viết, “Bao mông, nạp phụ cát. Tử khắc gia.” Nghĩa là, “Bao dung những người còn non nớt, tối tăm, trẻ thơ và phụ nữ thì tốt. Kể cả những đứa ngỗ nghịch, chống đối gia đình.”
29 Kinh Dịch, Quẻ Càn, hào 3, viết, “Hoặc dược tại uyên. Vô cữu!” nghĩa là con rồng nhiều khi muốn nhảy qua vực thẳm. Không có lỗi. Con rồng là người tầm đạo. Nhảy qua vực thẳm nghĩa là quy phục một đạo sư. Việc đó có vẻ dễ dàng, nhưng chỉ người nào can đảm lắm mới làm được, vì chân sư đời nào cũng gây nên tranh luận gắt gao. Lý do là các ngài phát biểu kinh nghiệm tâm linh theo kinh nghiệm cá nhân của mình nên bao giờ cũng mới mẻ. Dịch gọi sự mới mẻ ấy là Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. Cho nên những người bám vào truyền thống sẽ không bao giờ dám đi theo họ. Ngày nay ta gọi những người theo Chúa là thánh, gọi những người theo Phật là bồ tát, nhưng thời ấy họ bị coi là điên khùng! Nicodemus phải đợi canh khuya mới dám đến gặp Chúa (Gio-An 3:2)
30 Chúa Giê-Su nói với Nicodemus, “Ta nói thật với ông! Trừ khi được sinh ra một lần nữa, ông sẽ không được vào Nước Trời.” (Gio-An 3:4) Ấn Độ gọi những người giác ngộ là “sinh hai lần” (dwij) – lần đầu do máu huyết của cha mẹ, lần sau do chính mình.
31 Phật nói trong Kinh Kim Cang, “Này Tu Bồ Đề! Khi Như Lai ở với Nhiên Đăng Phật (Dipankara), Ngài không học được gì cả!” Kinh nghiệm sau nhiều năm ngồi dưới chân các đạo sư là: cái ta học được từ các ngài là sự tin tưởng ở chính mình; khi cảm thấy được những gì đã xảy ra cho họ, dần dần chính mình cũng tự tin rằng những điều ấy sẽ xảy ra cho mình, nhưng không thể nói là các ngài đã dạy cho mình. Tự tin chính mình thì mọi sự đều có thể xảy ra.
Xem tiếp Chương 2Quay về Mục lục

Ads Belove Post