Read more
Osho - Hạt Cải Trời
Chương 10. Hãy tận hưởng
Chúa Giê-Su nói: “Không ai có thể cưỡi một lúc hai ngựa, và không thể giương hai cung cùng một lúc; Và không ai có thể làm tôi hai chủ, vì anh ta sẽ yêu người này và ghét người kia.” (1)
Người nào chẳng cưỡi hai ngựa, và chẳng giương hai cung? Không phải hai mà nhiều hơn nữa. Bảo sao bạn không thống khổ? Bảo sao bạn không lo lắng triền miên? Lo âu là dấu hiệu bạn đang cưỡi hai ngựa một lúc. Sao bạn có thể thoải mái được? Không thể được. Vì mỗi con đi mỗi chiều nên chúng chẳng đưa bạn về đâu cả.
Một ngựa thì được; bạn có thể đi đây, đi đó, nhưng hai thì vô dụng; chúng sẽ giằng co lẫn nhau nên bạn cứ mãi tiến thối lưỡng nan. Lo âu là thế. Bạn chẳng làm gì xong cả. Đầu mối của thống khổ là: cuộc sống đang tuột khỏi tay của bạn, trong lúc tuổi già đang đến gần, khi thần chết đang rình rập đâu đó mà bạn vẫn chưa hoàn thành được gì. Bạn chẳng khác gì going nước đã bị ứ đọng, đang cạn dần, cạn dần rồi sẽ chết. Bạn không còn mục đích, không còn gì để thỏa mãn nữa. Nhưng tại sao vậy? Vì bạn đã cố làm những chuyện không tưởng.
Nếu hiểu được tâm trí hoạt động ra sao, bạn sẽ hiểu được những gì Chúa muốn nói. Bạn muốn được tự do như một người nghèo, bởi vì chỉ nghèo mới có tự do - anh ta không phải lo lắng, không có cái gì để bảo vệ, không có gì để bị cướp đoạt. Anh ta không sợ hãi. Bạn không thể lấy bất cứ gì của anh ta, bởi vì anh ta không có gì cả. Vì không có gì nên anh ta rất thoải mái. Vì không sở hữu gì nên anh ta không sợ bị trộm thăm viếng. Anh ta không có kẻ thù, bởi vì anh ta chẳng tranh với ai, vì anh ta không có ai là đối thủ cả.
Bạn muốn được tự do như một người nghèo, như một tên ăn mày, nhưng lại muốn được an toàn như một người giàu, như một hoàng đế. Giàu thì an toàn, thì được bảo vệ, anh ta cảm thấy tất cả đều ổn định. Mặt ngoài thì tất cả đều chu đáo, anh ta không có nhược điểm gì. Thần chết muốn thăm anh cũng khó khăn; anh ta không thể bị giết một cách dễ dàng, vì anh ta luôn luôn đề phòng. Và bạn thích tự do như một tên ăn mày, lại muốn được bảo vệ như một hoàng đế. Đó là hai con ngựa của bạn, và điều đó không thể thực hiện được.
Bạn yêu một người, nhưng muốn coi người đó như một đồ vật, hoàn toàn trong sự kiểm soát của bạn. Nhưng bạn không thể yêu đồ vật, vì đồ vật thì vô tình và không tâm sự được với bạn. Do đó nếu là người, người đó không thể bị sở hữu; người ấy như thể thủy ngân: bạn càng cố gắng giữ trong tay, người ấy càng muốn thoát thân - bởi vì người nào cũng muốn được tự do. Nếu người ấy là người, bạn không thể sở hữu được; nếu để cho bạn làm chủ, người ấy không còn là người nữa, mà bạn cũng chẳng muốn yêu người ấy. Người ấy chỉ là một cái xác không hồn. Ai muốn yêu người như thế?
Bạn cưỡi trên hai con ngựa. Bạn muốn coi người yêu như thể đồ vật, vốn không thể xảy ra! Bạn chỉ muốn yêu một người sống động. Nhưng sống động là phải được tự do. Nhưng bạn muốn kiểm soát người đó nên bạn muốn chiếm hữu, rồi bạn giết người ấy, đầu độc người ấy. Nếu người ấy thuận theo ý của bạn, sớm hay muộn người ấy sẽ chỉ là một đồ vật. Theo cách đó mà vợ trở thành đồ trang trí trong nhà, và chồng trở thành người giữ nhà. Tình yêu theo đó mà bay. Điều này cũng xảy ra trên mọi lãnh vực.
Bạn nghi ngờ, bởi vì nó có những lợi ích riêng: nó giúp bạn tính toán, nó làm cho bạn dè dặt hơn, không ai có thể lừa dối bạn dễ dàng. Bạn nghi ngờ là vậy. Nhưng nối gót nó là lo lắng, bởi vì bạn không thấy chắc ăn. Nó là một căn bệnh. Trừ phi tin tưởng, bạn không thể thư giãn, vì nghi ngờ nghĩa là do dự, mà do dự thì bồn chồn. Nghi ngờ nghĩa là, “Phải làm gì - cái này hay cái kia?” Nghi ngờ nghĩa là, “sống, hoặc không sống?” Không thể nào qủa quyết được.
Còn nghi ngờ thì dù một việc nhỏ cũng không thể quyết định được. Bất quá thì quyết định của bạn nghiêng theo phần mà tâm trí chiếm đại đa số. Nhưng thiểu số vẫn có, và nó không phải là một phần nhỏ. Và vì bạn đã chống lại thiểu số, nó sẽ tìm cơ hội để chứng tỏ là bạn đã sai. Được dịp là nó sẽ nổi loạn; nó làm bạn rối beng bên trong.
Nghi ngờ thì không thể yên tâm. Nó là một căn bệnh, như mọi căn bệnh khác. Nó là một tâm bệnh. Cho nên người nào nghi ngờ thì ngày càng yếu đuối. Nhưng bạn không thể lừa dối người ấy một cách dễ dàng, vì người ấy ranh mãnh hơn, vì người ấy biết rõ đường đi nước bước của thế gian. Bạn không qua mặt nổi người ấy, vì bạn tám lạng thì người ấy nửa cân. Như vậy thì nghi ngờ có lợi – người ấy không thể bị lừa - nhưng có một sự mất mát rất lớn. Giá phải trả rất cao: người ấy sẽ do dự, bồn chồn, không thể quyết định. Mà nếu người ấy quyết định, đó chỉ là lấy đa số để chống thiểu số.
Người ấy bị chia cắt và luôn luôn có xung đột.
Bạn cũng muốn tin cậy. Bạn cũng muốn có tín ngưỡng, bởi vì nó ban cho bạn sức mạnh; bạn sẽ không lưỡng lự, sẽ chắc chắn hoàn toàn. Sự quả quyết mang lại cho bạn niềm hạnh phúc: không đắn đo, không dao động; bạn không bị chia cắt mà nguyên vẹn. Nguyên vẹn thì hồn nhiên. Tin tưởng làm cho bạn hồn nhiên, nhưng nhược điểm của nó là bạn dễ bị lừa. Nếu bạn tin, sẽ có nhiều rủi ro, vì những người xung quanh sẽ sẵn sàng lợi dụng bạn, và họ chỉ có thể lợi dụng nếu bạn tin cậy. Nếu bạn nghi ngờ, họ không thể giở trò.
Đó là cách bạn cưỡi lên hai con ngựa - nghi ngờ và đức tin - nhưng bạn đang làm chuyện không tưởng. Bạn sẽ lo lắng và thống khổ triền miên; bạn sẽ yếu dần. Hai con ngựa tranh thắng sẽ giết chết bạn. Chẳng chóng thì chầy sự xung đột sẽ nổ ra. Bạn sẽ bị kẹt ở giữa. Trước khi bạn đạt đến đích thì màn đã hạ rồi; bạn sẽ tàn úa trước khi được khai hoa, nở nhụy; bạn sẽ thành thiên cổ trước khi biết cuộc sống là gì, ý nghĩa của đời sống là gì. Sự sống đã biến mất.
Chúa Giê-Su nói: “Không ai có thể cưỡi một lúc hai con ngựa…
Nhưng người nào cũng cố làm những chuyện hoang đường; đó là tại sao không ai không bị rắc rối. Rắc rối trong mọi phương diện. Không những chỉ có hai, mà cả hàng triệu con, nên mỗi khoảnh khắc của bạn đầy rẫy những mâu thuẫn. Tại sao vậy? Nếu hiểu được sự hoạt động của nó, bạn có thể loại bỏ nó được. Cơ chế của nó ra sao? Cách mà trẻ em được dưỡng dục là nguyên nhân. Cách mà trẻ em được ném vào trong thế giới điên loạn là đầu mối. Họ tạo ra những sự mâu thuẫn, họ dạy bạn những điều trái ngược nhau.
Ví dụ, họ nói: Hãy yêu cả nhân loại, hãy coi mọi người như anh em mình, hãy yêu mọi người như chính mình. Và đồng thời bạn đã được dạy, được giáo dục, được điều kiện hóa để tranh thắng, để đấu tranh với mọi người. Khi bạn tranh đua, người khác là kẻ thù, không phải bạn bè. Anh ta phải bị đánh bại, phải bị chinh phục; nghĩa là, anh ta phải bị phá hủy. Và bạn phải tàn nhẫn, không thì người khác sẽ phá hủy bạn. Nếu bạn là một đối thủ, cả xã hội sẽ là kẻ thù, không ai là người thân, không ai là huynh đệ. Bạn không thể yêu, phải căm ghét, phải ghen tị, phải giận dữ. Bạn phải sẵn sang để đấu tranh và chiến thắng, và đó là một cuộc tranh chấp gian khổ. Nếu mềm lòng, bạn sẽ bị thua.
Cho nên phải mạnh mẽ, tàn bạo và hiếu chiến. Trước khi người khác tấn công, bạn phải ra tay trước. Bạn phải tấn công và chiến thắng trước khi quá muộn. Nếu không bạn sẽ thua cuộc, bởi vì cả triệu người cũng muốn cùng thứ đó, không phải chỉ mình bạn. Và làm sao một tâm trí chỉ biết háo thắng có thể yêu người khác được? Ðiều đó không thể xảy ra được! Nhưng bạn được huấn luyện trong cả hai cách ấy: bạn đã được dạy rằng thành thực là cách xử sự tốt nhất, và đồng thời công việc là công việc! Cả hai cùng một lúc. Hai con ngựa được đưa cho bạn cùng một lúc. Và vì không ý thức được cách thức của thế giới, đứa trẻ không thể nhận ra và cảm thấy sự mâu thuẫn.
Muốn thấy được mâu thuẫn thì phải tuyệt thế thông minh, như Chúa, như Phật. Một đứa trẻ không ý thức được lề lối của thế giới, và những huấn luyện viên - cha, mẹ, gia đình - những người mà nó yêu mến. Nó thương họ - sao nó có thể nghĩ họ đang tạo ra những mâu thuẫn cho nó? Thậm chí nó cũng không thể tưởng tượng được, vì họ là ân nhân của nó: họ tử tế với nó, dưỡng dục nó. Họ là sự sống của nó. Cho nên họ tạo ra mâu thuẫn để làm gì? Cha mẹ nào chẳng thương con, nhưng vấn đề là họ cũng được dưỡng dục như thế nên họ không biết gì hơn là lặp lại. Họ được cha mẹ dạy ra sao, họ dạy con như thế. Họ đang trao bệnh mà không biết; bệnh được chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bạn có thể gọi là ‘di sản’, ‘truyền thống’, nhưng cũng chỉ là một căn bệnh. Nó là một căn bệnh, bởi vì không một ai nhờ nó mà được lành mạnh.
Toàn bộ xã hội ngày càng điên loạn. Và vì quá đơn giản, quá ngây thơ nên đứa trẻ có thể dễ dàng bị điều kiện hóa trong những hoàn cảnh éo le. Khi nó nhận ra mâu thuẫn thì đã quá muộn màng. Và khi bạn nhận thức được thì định mệnh hầu như đã an bài, và bạn không hề biết rằng bạn đang cưỡi trên hai con ngựa. Hãy suy tư về mâu thuẫn này, và hãy tìm cho ra, hãy cố tìm ra nó trong cuộc sống của bạn. Bạn sẽ tìm thấy cả triệu những mâu thuẫn ở đó. Bạn bị lẫn lộn, bị xáo trộn, bị hỗn loạn.
Nhiều người đến với tôi và hỏi về tĩnh tâm. Tôi nhìn vào họ mà thấy thương, bởi vì gần như tôi không thể giúp được gì. Tĩnh tâm chỉ có thể đạt được khi không còn mâu thuẫn. Nó đòi hỏi nhiều nổ lực, rất thông minh, hiểu biết, và chín chắn. Đang bị xáo trộn mà chỉ lặp lại vài câu kinh là bạn sẽ được tĩnh tâm hay sao? Nếu dễ như vậy, thế giới này chẳng có chiến tranh. Bạn nghĩ chỉ cần đọc như vẹt là được tĩnh tâm sao? Đang cưỡi trên cả triệu con ngựa mà đọc vài câu kinh là được thinh lặng sao? Những câu kinh đó chỉ là thêm một ngựa nữa mà thôi - hỗn độn kéo theo hỗn độn. Nếu thêm một ngựa nữa, bạn còn bối rối hơn nữa.
Hãy xem những người đạo đức giả: ông ta còn rối rắm hơn người đời, bởi vì ông ta có nhiều ngựa hơn. Người sống giữa chợ, giữa trần thế ít phức tạp hơn, vì có thể họ có nhiều ngựa, nhưng chúng đều thuộc về thế giới này; ít nhất thì chúng tương tự nhau - chúng hoàn toàn thuộc về thế giới này. Và người đạo đức giả này cũng có nhiều ngựa mà có những con thuộc về thế giới này, và một vài con mới mà ông ta có thêm lại không thuộc về thế giới này. Ông ta đã tạo ra một mối bất hòa lớn hơn: thế giới bên kia, Thượng Đế, Nước Trời, và ông ta vẫn sống trong thế giới này. Ông ta trở nên rối rắm hơn, nhiều xung đột hơn xảy ra từ bên trong. Ông ta bị chẻ ra nhiều phần, ông ta bị phân tán; mỗi mảnh rơi một nơi; cảm giác hòa hợp của ông ấy bị tiêu tan. Cái đó gọi là loạn thần kinh.
Bạn đã được dưỡng dục một cách sai lầm, nhưng chuyện đó đã qua rồi, bởi vì bạn đã được giáo dục rồi, bạn không thể quay lại nữa. Nên bạn phải hiểu mà loại bỏ nó. Nếu bạn bỏ nó vì tôi nói thế, bạn sẽ thêm nhiều ngựa nữa. Nếu bạn bỏ nó vì hiểu biết - vì bạn hiểu toàn bộ nên nó tự bị loại bỏ - thế thì ngựa mới không được thêm vào. Mà ngược lại, ngựa cũ (2) sẽ được phóng thích, để chúng có thể tìm về mục đích của chúng... và bạn có thể tìm đến mục đích của chính mình (3).
Không phải chỉ mình bạn đang gặp khó khăn, ngựa của bạn cũng đang lồng lộn bởi vì bạn; chúng cũng đang giậm chân tại chỗ. Hãy tội nghiệp cho chúng, và cho cả bạn nữa. Nhưng điều này cần phải thực hiện qua việc hiểu biết - sự hiểu biết của bạn, không phải lời dạy của tôi, hoặc của Chúa, hoặc của Phật. Họ có thể dẫn đường, nhưng nếu theo một cách mù quáng, bạn sẽ không thể đạt đến mục đích (4).
Hãy cố gắng hiểu lời của Chúa.
Chúa Giê-Su nói: “Không ai có thể cưỡi một lúc hai ngựa, và không thể giương hai cung cùng một lúc. Và không ai có thể làm tôi hai chủ, vì anh ta sẽ yêu người này và ghét người kia."
Tại sao không thể làm được, và cái gì không thể làm đươc? Không thể làm được không phải là rất khó khăn. Việc gì dù khó đến đâu cũng có thể làm được, có thể thực hiện được. Không thể làm được nghĩa là dù cố gắng đến đâu, bạn vẫn không thể thực hiện được, không có cách nào làm được.
Khi Chúa nói không thể làm được, Ngài nhấn mạnh là không thể làm được; Ngài không muốn nói là rất khó - và cái bạn đang làm chẳng khác gì đội đá, vá trời. Cái gì sẽ xảy ra? Không thể làm được, nhưng bạn vẫn thoa muối vào vết thương. Không thể làm được, nhưng cái gì sẽ xảy ra cho bạn, khi bạn cố sức làm chuyện điên rồ ấy? Bạn sẽ bị phân liệt. Vẫn biết không thể làm được, nhưng bạn vẫn làm, bạn đang hủy hoại cuộc sống của chính mình.
Ðiều này sẽ xảy ra, và đã từng xảy ra.
Hãy xem những người hay nghi ngờ. Bạn đã thấy người nào nghi ngờ mà không có đức tin chưa? Nếu thấy người nào chỉ biết nghi ngờ thôi, bạn sẽ thấy rằng anh ta không thể sống, không thể nào sống được. Hãy tới nhà thương điên; bạn sẽ thấy những người nghi ngờ đủ mọi thứ. Thậm chí họ không làm gì được, bởi vì chuyện không đáng họ cũng nghi ngờ.
Tôi biết một người hoài nghi đến nỗi anh ta không dám ra chợ, mà chợ chỉ cách nhà có một vài bước. Khi gần đến nơi, anh ta trở về để xem cửa đã khóa chưa. Mà lũ trẻ mới thật quỷ quái! Anh ta đi được nửa đường thì chúng hỏi, “Ông đã khóa cửa chưa?” Anh ta giận dữ nhưng vẫn quay về. Vì chỉ có một mình nên anh rất sợ! Lúc anh ta tắm sông thì có người hỏi, “Nhà đã khóa chưa?” Anh ta rất giận dữ, nhưng đang tắm nửa chừng, anh ta lập tức chạy vội về nhà. Ðây là người hoài nghi siêu đẳng. Nghi ngờ quá nhiều sẽ dẫn đến nhà thương điên, bởi vì ở đó tha hồ mà bạn nghi ngờ. Ðó là những người nhìn đời mình qua từng mảnh vụn.
Mà nếu tin tưởng tuyệt đối, bạn trở thành mù quáng. Thế thì ai nói sao bạn nghe làm vậy; bạn chẳng có tí thông minh nào, chẳng biết trắng đen là gì. Thuộc hạ của Hitler là loại người này - họ đã tin và đã bị đánh bại vì lòng tin ấy. Vì hai lý do ấy nên bạn muốn làm chuyện không tưởng. Bạn muốn thỏa hiệp. Bạn không muốn đến cực đoan kia, bởi vì đó là cấm địa của điên khùng; bạn không muốn tới cực đoan này, vì ở đó mù quáng sẽ xảy ra. Vậy phải làm gì? Bạn sẽ suy luận rất là đơn giản, “Trung dung thì tốt, mỗi bên một ít – nghi một chút, tin một chút.” Nhưng thế thì bạn cưỡi hai ngựa một lúc. Có cách nào để sống mà chẳng nghi ngờ, cũng chẳng tin không?
Có thể chứ! Thật ra, đó là cách duy nhất để trưởng thành: sống mà không hoài nghi ngờ, cũng không cần lòng tin; Chỉ cần sống đơn giản, tự phát, và tỉnh thức. Và đó là ý nghĩa thật sự của tin tưởng - không phải tin người khác, mà tin vào cuộc sống: bất cứ nơi nào nó đưa tới (5), chẳng nghi ngờ, chẳng tin gì cả, bạn sẽ đáp ứng một cách hồn nhiên.
Người hoài nghi không thể hành xử một cách hồn nhiên. Mỗi khi làm gì anh ta sẽ tính toán, và đôi khi tính toán nhiều quá nên anh ta thiếu quả quyết và lỡ cơ hội. Ðó là vì sao những nhà tư tưởng không bao giờ làm gì nhiều. Họ không thể hành động, họ chỉ biết suy tư. Bởi vì truớc khi hoạt động, họ phải quyết định, phải quyết liệt; và họ không thể quả quyết, sao họ có thể hành động được (6)? Vậy thì tốt hơn là đợi, thay vì hành động. Nhưng đời sống sẽ không chờ bạn (7).
Cách khác là tin tưởng như một người mù. Rồi ai cũng được, chính khách, người điên, hay giáo sĩ nào cũng có thể đưa bạn đến bất cứ nơi đâu. Chính họ cũng mù nên khi mù dẫn mù thì thảm họa khó mà tránh được. Phải làm gì đây? Đương nhiên là bạn phải thỏa hiệp.
Tâm lý gia B.F. Skinner (8) có một thí nghiệm đáng nhớ. Ông ta thí nghiệm với một chuột trắng. Vì đã bị bỏ đói hai hoặc ba ngày nên nó rất đói, đói đến nỗi gặp gì thì đớp cái ấy. Nó được đặt trên một cái bục. Ngay dưới bục là hai cái hộp tương tự, cùng màu, cùng cỡ, và cả hai đều chứa thức ăn.
Nó có thể nhảy vào hộp bên phải, hoặc bên trái. Nó nhảy ngay lập tức, chẳng phải suy nghĩ lôi thôi. Nhưng nhảy vào hộp bên phải, nó sẽ bị điện giật, và ở đó có cửa sập đẩy nó qua hộp khác không có thức ăn. Nếu nhảy vào hộp bên trái, nó sẽ không bị điện giật, không bị cửa sập, và lấy được thức ăn. Chỉ hai, ba ngày là nó nằm lòng: nó nhảy vào hộp bên trái và tránh bên phải.
Lúc đó thì Skinner thay đổi vị trí của hai hộp. Chuột nhảy vào hộp bên trái thì bị điện giật. Nó phân vân, đôi đàng phải làm sao đây? Cho nên trước khi nhảy nó run rẩy, do dự, và nghi ngờ. Triết gia là thế đấy - một con chuột trắng, run sợ (9), nghi ngờ phải làm gì, trái hay phải, và chọn làm sao đây? Và ai mà biết..? Nhưng rồi nó lại thích ứng được. Skinner lại thay đổi nữa! Chuột ta bối rối đến nỗi, mặc dầu đói, nó sẽ đợi, run sợ, nhìn vào hộp này và hộp kia - quyết định sao đây? Rồi nếu là bạn, bạn cũng làm như nó: nhảy giữa hai hộp - nhưng không có thức ăn thì cũng như không. Và sau vài tuần thí nghiệm chuột ta hóa điên.
Ðó cũng là những gì đang xảy ra với bạn: bạn bị bối rối - làm, hay không làm? Bạn sẽ nhận ra là đang trong thế kẹt là khó mà chọn cái này, nhưng chọn cái kia cũng khó nữa. Cho nên tốt hơn là phải thỏa hiệp, chỉ cần giữ thái độ trung dung. Nhưng ở đó không có thức ăn. Tất nhiên là không bị điện giật, nhưng cũng không có thức ăn.
Bạn bỏ lỡ cuộc sống nếu đứng giữa. Nếu chuột ta có thể nhảy lên cả hai hộp, nó đã làm rồi. Chỉ có hai trường hợp khả hữu: cưỡi cả hai ngựa, hoặc nhảy vào giữa. Cần phải có một trí tuệ sắc sảo và rất bén mới hiểu được vấn đề rằng chẳng có giải pháp nào khác. Tôi sẽ không đưa ra một giải pháp nào.
Chúa hay Phật cũng không thể cho bạn một giải pháp nào. Chỉ cần hiểu rõ vấn đề mới là giải pháp. Khi bạn hiểu rõ vấn đề, tự nó sẽ biến mất. Có thể sống mà không cần đức tin, cũng không cần hoài nghi, và không cần phải thỏa hiệp chăng? Vì thỏa hiệp sẽ biến thành chất độc; những trái ngang ấy sẽ biến đời của bạn thành những mâu thuẫn, và nếu có mâu thuẫn, bạn sẽ bị chia cắt, bị chia ra từng mảnh; phân liệt sẽ là kết quả cuối cùng. Mà nếu chọn bên này và bỏ bên kia, bạn sẽ mất những lợi ích của bên kia. Nghi ngờ giúp bạn tránh khỏi bị lợi dụng. Đức tin giúp bạn quả quyết.
Bỏ cái này thì lợi ích của nó cũng mất. Mà nếu chọn cả hai, bạn lại cưỡi trên hai ngựa. Nhưng nếu thỏa hiệp, bạn sẽ tạo ra sự rạn nứt bên trong - bạn là hai; bạn trở thành một đám đông. Vậy phải làm gì đây?
Chỉ cần hiểu vấn đề và bước xuống cả hai ngựa - không cần phải thỏa hiệp. Được vậy thì một phẩm chất khác sẽ nảy sinh, một tâm thức mới sẽ xảy ra. Nhưng sao bạn không làm thế? Bởi vì phẩm chất đó cần sự cảnh giác, đòi hỏi bạn phải tỉnh thức. Thế thì bạn không cần phải nghi ngại gì, bạn chỉ cần tỉnh thức triệt để. Khi bạn cảnh giác, chẳng ai dám lợi dụng.
Nếu bị một người hoàn toàn tỉnh táo nhìn, bạn không thể lừa dối; chính cái nhìn xuyên thấu ấy sẽ tước vũ khí của bạn. Và nếu bạn lợi dụng được, không phải vì bạn xảo quyệt và lừa đảo được, nhưng vì người ấy tử tế và cho phép bạn. Bạn không thể lừa đảo một người hoàn toàn tỉnh táo. Bạn không thể qua mặt được, vì người ấy nhìn thấu tim đen của bạn; tâm thức của người ấy biến bạn thành trong suốt. Nếu người ấy cho phép bạn lừa đảo, đó là vì lòng thương của người ấy. Bạn không thể gạt người ấy được.
Có được tâm thức đó là một điều khó khăn nên bạn đã chọn điều không thể xảy ra được. Nhưng không thể xảy ra là không thể xảy ra. Bạn tự nghĩ rằng nó có thể xảy ra. Nó chưa hề xảy ra, và sẽ không bao giờ xảy ra. Bạn đã chọn điều không tưởng vì nó có vẻ dễ hơn. Thỏa hiệp luôn luôn có vẻ dễ hơn. Mỗi khi gặp khó khăn, bạn thỏa hiệp. Nhưng thỏa hiệp chỉ làm rối ren thêm, vì thỏa hiệp nghĩa là hai điều trái ngược cùng tồn tại bên trong bạn; chúng sẽ luôn luôn xung đột, và chúng sẽ chia cắt bạn. Và một người bị chia cắt không thể có hạnh phúc.
Ðó là những gì Chúa muốn nói, nhưng Ki Tô hữu đã hiểu lầm Ngài. Họ hoàn toàn không hiểu Chúa, vì tâm trí luôn luôn xuyên tạc. Xuyên tạc như thế nào? Họ nghĩ rằng Chúa nói, “Chọn một ngựa thôi! Hoặc thế giới này, hoặc thế giới kia - chỉ chọn một! Ðừng cưỡi hai ngựa, vì bạn sẽ không thể thực hiện được. Vì vậy hãy chọn một ngựa thôi.” Ðó là điều họ giải thích và kết luận.
Tôi đã nghe rằng: một đêm nọ vợ của Nasruddin thấy bụng cồn cào nên tìm đồ lót dạ, nhưng không có gì cả, ngoài cái bánh quy của chó. Cô ấy nếm thử, thấy ngon, nên ăn hết. Cô ấy thích quá đến nỗi sáng hôm sau bảo chồng mua thêm. Nasruddin mua thật nhiều loại bánh ấy.
Chủ tiệm nói, “Bạn làm gì thế? Tôi biết chó của bạn rất nhỏ, bạn không cần mua nhiều như vậy.”
Nasruddin nói, “Không phải cho chó, mà cho vợ tôi.”
Chủ tiệm nói, “Tôi phải nhắc cho bạn rằng bánh quy này dành cho chó.
Nếu vợ bạn ăn phải, cô ấy sẽ chết - Chúng có độc.”
Sáu tháng sau vợ chết. Nasruddin đến nói với chủ tiệm, “Vợ tôi chết rồi!”
Chủ tiệm nói, “Tôi đã cảnh cáo bạn rồi, rằng bánh đó sẽ giết bà ấy.”
Nasruddin nói, “Chúng không giết bà ấy. Bà ấy chết vì đuổi theo xe hơi, không phải tại bánh!”
Tâm trí của bạn khư khư với kết luận của nó, vì khi một kết luận bị bể, niềm tin của bạn bị khủng hoảng. Vì vậy bạn sống chết với kết luận của mình, bất kể tình huống nào. Nó cho cái tôi của bạn và tâm trí của bạn một chỗ đứng.
Một hôm Nasruddin đang bách bộ với một cây gậy rất lớn, lại quá dài đối với anh ta. Một người bạn gợi ý, “Nasruddin, vì sao bạn không cắt một vài phân từ đầu kia đi?”
Nasruddin nói, “Không được đâu. Đầu đó dài lắm.”
Suy luận của bạn có thể là tự sát (10). Thật vậy! Bạn nghĩ bạn đang suy luận, nhưng không phải suy luận, mà chỉ là lừa dối - lừa dối chính bạn. Nhưng bạn không muốn yếu hèn; bạn muốn được tự tin; nhưng tự tin của tâm trí là giả dối, bởi vì tâm trí không thể cho bạn tự tin. Nó chỉ có thể cho bạn những cái giả dối, nó chỉ có thể làm cho bạn điên đảo. Nó đã không thể cho bạn cái thực; nó chỉ là một cái bóng. Tâm trí chỉ là những ý tưởng, những cái bóng; nó không có thực thể. Nhưng nó có thể tiếp tục chơi trò duy lý, và bạn cảm thấy thích thú.
Ki Tô hữu hiểu sai Chúa hoàn toàn. Họ nghĩ rằng Chúa nói, “Hãy chọn lựa!” Chúa không thể nói “Hãy chọn lựa!” – Ngài muốn nói không lựa chọn... Vì nếu bạn chọn, thì tâm trí chọn lựa ấy được làm mạnh thêm, không phải bị phá hủy; nó trở thành mạnh mẽ hơn xuyên qua sự lựa chọn. Không, vấn đề không phải là lựa chọn. Và nếu lựa chọn, bạn không còn trọn vẹn nữa, vì bạn đã từ chối cái gì đó.
Nếu chọn lòng tin, bạn sẽ phải từ chối nghi ngờ. Nó sẽ biến đi đâu được? Nó không phải là cái gì bên ngoài mà bạn có thể bỏ đi, nó nằm sâu bên trong bạn. Nó đi về đâu? Bạn chỉ có thể nhắm mắt làm ngơ; bạn chỉ có thể nhét nó vào trong vô thức. Nhưng nó vẫn ở đó, như một ký sinh trùng ăn mòn ý thức của bạn. Nó nằm chờ ở đó, để rồi ngày nào đó sẽ tái xuất hiện.
Bạn có thể làm gì không? Bạn có thể loại bỏ nó như thế nào? Nếu chọn nghi ngờ, bạn sẽ để đức tin ở đâu? Nó là một phần của bạn. Vì vậy bạn phải thỏa hiệp: bạn sẽ trở thành là một mớ hỗn độn của nhiều thứ được kết lại với nhau; không phải là một tổng hợp, mà là một thỏa hiệp.
Chúa nói ngược lại hẳn. Ngài muốn nói, “Ðừng chọn lựa.”
Không ai có thể cưỡi một lúc hai con ngựa, và không thể giương hai cung cùng một lúc; Và không ai có thể làm tôi hai chủ, vì anh ta sẽ yêu người này và ghét người kia.
Hãy bàn câu cuối cùng: vì anh ta sẽ yêu người này và ghét người kia. Nếu bạn chọn một, bạn sẽ yêu người này và ghét người kia. Và phần bị ghét của bạn sẽ báo thù, nó sẽ chống đối. Nghi ngờ là nguyên tắc của khoa học (11). Nghi ngờ tất cả; niềm tin không có chỗ đứng. Nhưng bạn đã biết, và đã từng quan sát các nhà khoa học chưa? Ngoài phòng thí nghiệm họ rất có lòng tin; bạn không thể tìm được người nào tin tưởng hơn các nhà khoa học; họ bị lừa dễ hơn người khác, bởi vì phần nghi ngờ của họ hoạt động trong phòng làm việc, nhưng bộ phận tin tưởng lại hoạt động bên ngoài. Bên ngoài họ cũng bình thường như mọi người, nhưng trong phòng thí nghiệm thì họ rất khéo léo và thông minh.
Bạn có thể lừa một nhà khoa học rất dễ, nhưng khó mà lừa được những người đạo đức giả. Trong miếu họ có đức tin tuyệt đối, nhưng ngoài đời họ rất xảo quyệt. Ngoài đời bạn không thể lừa họ; không có cách nào để lừa đảo, hoặc lợi dụng họ; nhưng trong miếu họ rất đơn giản. Họ sử dụng phần tin tưởng ở đó; phần nghi ngờ họ hướng ra bên ngoài. Họ kinh doanh rất giỏi, họ biết cách làm giầu - họ trục lợi cả thế giới.
Nhà khoa học không thể là một doanh nhân giỏi, không thể là một chính khách có tài. Ðiều đó không thể xảy ra, vì phần nghi ngờ chỉ sống động trong phòng thí nghiệm; bên ngoài thì niềm tin chủ động. Nhà khoa học ở nhà hoàn toàn khác với nhà khoa học trong phòng làm việc. Có thể bạn đã nghe nhiều chuyện về sự lơ đãng của họ. Đó là những chuyện có thật, không phải bịa đặt (12). Vì ông ta chú ý trong phòng thí nghiệm, nhưng bên ngoài lại lơ đễnh - ông ta đã sử dụng một phần, ra khỏi phòng là hết. Vì thế ông ta có cuộc sống song trùng: khi làm việc ông ta rất lưu ý, nhưng ngoài đời ông ta trở thành đãng trí.
Có một chuyện về Albert Einstein (13). Ông ta đến thăm một người bạn, và họ cùng ăn tối. Họ tán gẫu về đủ đề tài. Einstein không phải là người ngồi lê đôi mách, và ông ta cũng ít nói. Người bạn cảm thấy buồn chán. Lúc ấy đã mười một giờ đêm. Người bạn muốn Einstein về nhà. Nhưng không biết phải nói sao với một vĩ nhân như thế, vì vậy ông ta đợi mãi. Ðôi khi ông ta nhắc khéo, “Ðêm nay đen như mực,” và, “dường như bây giờ mười một giờ rưỡi rồi.” Nhưng Einstein chỉ nhìn và ngáp dài; ông ta muốn đi ngủ. Đến khoảng mười hai giờ người bạn nói, “Tôi nghĩ ông đang cảm thấy buồn ngủ, vì ông đang ngáp.” Ðó là gợi ý cuối cùng.
Einstein nói, “Vâng, tôi buồn ngủ lắm rồi, nhưng tôi đợi khi ông về thì tôi sẽ đi ngủ.”
Người bạn nói, “Ông đang nói gì thế? Ông đang ở nhà tôi mà!”
Einstein đứng lên và nói, “Xin lỗi! Tôi cứ thắc mắc mãi, ‘Khi nào người này ra về để tôi có thể đi ngủ?’”
Trong phòng làm việc, nhà khoa học chú ý hoàn toàn, cảnh giác hoàn toàn. Nhưng phần đó chỉ được sử dụng lúc đó; bên ngoài thì ông ta là một người hoàn toàn khác, trái ngược hẳn. Ðó là vì sao bạn thấy có sự mâu thuẫn của những người đạo đức giả. Cũng tự nhiên thôi. Hãy nhìn vào mặt họ, khi họ cầu nguyện trong miếu. Họ quá ngây thơ, mắt của họ đẫm lệ và tràn đầy cảm xúc sâu xa. Nhưng bạn không thể tưởng tượng cũng người đó bên ngoài, điệu bộ của anh ta, cách anh ta bán hàng, cách anh ta sẽ xử sự khi ở cửa hàng.
Phần cảm xúc, phần tin tưởng, đã kết thúc ở trong miếu thờ, trong giáo đường; khi ra về, anh ta gạt nó qua một bên. Ở đó anh ta nghi ngờ chẳng kém một nhà khoa học nào, càng hoài nghi càng tốt. Ðây là cách chúng ta sống một cách nhị trùng; đây là một thỏa hiệp. Chúa không nói, “Chọn một trong hai.” Nếu bạn chọn phần này, phần kia sẽ bị xúc phạm, và nó sẽ báo thù. Nó sẽ làm khó dễ với bạn; nó sẽ làm cho bạn khó mà sống hạnh phúc được. Bạn càng cố gắng sống với một phần, phần kia càng cố làm đảo lộn những dự tính của bạn, những kế hoạch của bạn; hỏng keo này nó sẽ bày keo khác. Vậy phải làm gì?
Cách hay nhất là không chọn gì cả (14). Chìa khoá là phải hiểu rõ mọi mâu thuẫn nội tại của bạn. Không chọn lựa gì cả; không chọn phần này mà bỏ phần kia – cũng như bạn không thể bỏ một mặt của đồng tiền. Đồng tiền có hai mặt. Bạn không thể bỏ một khía cạnh, hay một mặt của nó. Có thể bạn không thích mặt kia, nhưng phải mang cả hai; nếu muốn mang một, bạn phải mang cả hai; đồng tiền sẽ đeo với bạn. Điều duy nhất bạn có thể làm là che giấu phần mà bạn không thích, và phần mà bạn thích có thể được trưng ra ngoài. Ðó là sự khác nhau giữa ý thức và vô thức.
Ý thức là phần, là con ngựa mà bạn thích. Còn vô thức là con ngựa, là phần mà bạn không thích. Ý thức là phần mà bạn chọn; vô thức là phần mà bạn gạt bỏ. Đó là hai đền thờ - một cái bạn đến, và một cái không đến. Nếu không thì cả ý thức lẫn vô thức đều biến mất, bởi vì chúng do chọn lựa mà có. Muốn bỏ thì bỏ cả đồng tiền, chứ không thể bỏ một nửa được.
Nghi ngờ và tin tưởng là hai mặt của cùng một đồng tiền. Giống như nóng và lạnh; chúng có vẻ trái ngược nhau, nhưng chúng nương vào nhau. Chúng là những đối cực của một toàn thể, như thể điện dương và điện âm, như thể nam và nữ. Chúng có vẻ đối chọi nhau, nhưng là hai đối cực của cùng một hiện tượng. Bạn không thể bỏ điện âm mà không bỏ điện dương, không thể giữ cái này mà bỏ cái kia. Nếu làm như thế, bản thể của bạn sẽ bị chia cắt: phần bị bỏ, bị đàn áp, bị từ chối sẽ thành vô thức; và phần được chấp nhận, được ưa thích sẽ thành ý thức. Kết quả sẽ là sự giằng co triền miên giữa ý thức và vô thức (15).
Nhưng bạn hãy còn cưỡi trên hai ngựa. Cách duy nhất là bỏ tất cả, và chìa khoá không nằm trong sự chối bỏ. Vì chối bỏ cũng là một lựa chọn. Điều này thật là phức tạp và tinh tế nhất: bạn có thể chối bỏ, nhưng lại chọn chối bỏ mà không chọn không chối bỏ. Thế là lại có hai ngựa. Không, điều này chỉ có thể thực hiện được qua sự hiểu biết. Vấn đề không phải là chối bỏ; quan trọng là sự hiểu biết.
Phải hiểu toàn bộ vấn đề: bạn đã làm gì cho chính mình, đã cho phép những gì xảy ra cho chính mình, và những loại mâu thuẫn nào bạn đã tích lũy - chỉ cần nhìn thấu suốt tất cả. Đừng chống, đừng thuận, đừng kết án, đừng phán xét (16) - chỉ cần nhìn thấu suốt con người của mình. Ðừng che giấu, đừng xúc phạm, đừng xét đoán: “Cái này tốt. Cái kia xấu.” Ðừng đánh giá. Ðừng phán xét. Hãy là một người qua đường thờ ơ, một quan sát viên vô tư. Chỉ cần nhìn thẳng vào chính mình, có sao thì thấy vậy. Bất kể những rác rưởi mà bạn đã tạo ra, hãy nhìn thẳng vào đó. Thình lình, một sự hiểu biết phát khởi, và nó biến thành sự chối bỏ. Chẳng khác gì khi bạn cố gắng đi qua bức tường, và thình lình bạn nhận ra rằng đó là bức tường không có cửa. Bạn có cần phải bỏ nỗ lực không? Bạn sẽ tìm lối khác, chẳng chống, cũng chẳng thuận. Bạn biết rõ là cố gắng mấy cũng vô ích. Ðó là ý của Chúa: chỉ cần nhìn rõ; không thể đạt được, vậy hãy tìm lối khác. Không cần chọn lựa. Chẳng cần cố gắng.
Nếu hiểu thật sự thì không cần nổ lực. Và khi nào làm gì mà không cố gắng thì rất đẹp, bởi vì được trọn vẹn. Nếu cần phải công sức thì lại xấu, vì chỉ được một phần mà không trọn vẹn. Cố gắng nghĩa là có trở ngại nào đó. Trở ngại gì? Cái mà bạn vẫn còn nuối tiếc. Kẻ thù có cái mà bạn không thích, giống như bạn bè vậy – nhưng đối nghịch nhau, và hắn vẫn ám ảnh bạn. Mà bạn đã bao giờ nghĩ rằng khi kẻ thù của bạn chết, cái gì đó ở trong bạn cũng chết ngay lập tức không? Không phải bạn chỉ buồn vì cái chết của của bạn bè, bạn cũng buồn vì cái chết của kẻ thù - bạn không thể như xưa nữa.
Điều đó đã xảy ra ở Ấn Độ. Mohammed Ali Jinnah và thánh Gandhi (17) chống đối nhau liên tục. Khi Gandhi bị giết, Jinnah nói, “Tôi rất buồn. Tôi cảm thấy như đã chết nửa người.” Còn ai để Jinnah cạnh tranh đây? Ai có thể tranh đấu với ông ta được đây? Cái tôi khó mà tồn tại nếu kẻ thù không còn nữa. Bạn là một ô hợp của bạn bè và kẻ thù - bạn là một mâu thuẫn.
Chỉ có người trọn vẹn mới không có bạn, không có thù; người ấy không chọn lựa, không nghiêng bên này, ngả bên kia; người ấy sống từng khoảnh khắc một với sự tỉnh thức mà không chọn lựa (18), và người ấy thuận theo dòng sống một cách tự nhiên. Người ấy không biết đấu tranh là gì, và hoàn toàn buông lơi. Nếu hiểu được điều này, bạn sẽ hiểu được ý nghĩa của Chúa: Không ai có thể cưỡi một lúc hai con ngựa, và không thể giương hai cung cùng một lúc; Và không ai có thể làm tôi hai chủ, vì anh ta sẽ yêu người này và ghét người kia.
Ý nghĩa bình thường sẽ là, “Chọn một chủ thôi. Đừng chọn hai.” Nhưng nếu phải lựa chọn, bạn sẽ được cái này mà mất cái kia, cho nên vấn đề không phải là chọn chủ này mà bỏ chủ kia, bởi vì bạn bị ràng buộc, không thể được tự do. Bạn chỉ được tự do khi không có sự lựa chọn (19). Bạn không chọn lựa, và không phải nỗ lực. Khi bạn hiểu rõ thì nỗ lực không cần thiết nữa. Khi đó bạn là chủ nhân.
Người Ấn gọi các hành giả là swami. Swami (20) nghĩa là chủ của chính mình, nghĩa là người không còn chọn lựa nữa, nghĩa là không có ai là chủ cả. Và đấy không phải là ngạo mạn, mà là một sự hiểu biết sâu sắc, là nếu phải chọn giữa những mâu thuẫn, bạn là một nạn nhân; nếu phải chọn giữa những điều trái ngược, bạn sẽ bị chia cắt vì những oan trái đó. Một hành giả không ưa thế giới này và ghét thế giới kia; người ấy chẳng theo, cũng chẳng chống. Người ấy chẳng biết bạn, thù là ai.
Một chuyện về Thiền rất hay (21).
Xưa có một người đang đứng trên một đỉnh đồi cao. Ba người bộ hành đi ngang qua trông thấy ông ta từ xa và bắt đầu cãi nhau.
Một người nói, “Có lẽ ông ta lạc mất con gia súc mà ông ta ưa chuộng.”
Người kia cãi lại, “Không đâu, chắc là ông ta đang chờ người bạn đấy thôi.”
Người thứ ba không đồng ý: “Ông ta lên đứng đó để thưởng thức không khí trong lành đó mà.”
Ba người bộ hành chẳng ai đồng ý với ai. Họ tiếp tục cãi nhau cho đến khi đến đỉnh đồi, chỗ người kia đang đứng. Người thứ nhất lên tiếng hỏi, “Này bạn, đứng trên đỉnh đồi trông ngóng, phải chăng bạn bị lạc mất gia súc nào chăng?”
“Thưa Ông, tôi không lạc mất gia súc nào cả.”
Người thứ hai nói, “Thế chắc là ông bị lạc mất người bạn chứ gì?”
“Thưa Ông, tôi cũng chẳng có người bạn nào bị lạc cả.”
Người thứ ba hỏi, “Như vậy chắc bạn đang đứng hóng gió?”
“Không phải vậy đâu, thưa Ông.”
“Tất cả các câu hỏi của chúng tôi bạn đều trả lời là không phải, vậy bạn đứng đây làm gì vậy?”
Người ấy trả lời: “Tôi chỉ đứng ở đây thôi.”
Nhưng đó là tĩnh tâm, là thiền quán, và là ý nghĩa của hành giả: chỉ hiện hữu. Thế thì bạn được tự do - tự do với bạn bè, với kẻ thù; với giàu, với nghèo, với thế giới này và thế giới kia, với vật chất và tâm trí - tự do với mọi lựa chọn và chia cắt. Khi đó những cái không tưởng bị bỏ rơi; bạn trở thành tự nhiên; bạn sẽ là một với Đạo, sẽ nổi theo dòng.
Khi không còn đánh vật với những điều không tưởng nữa, lo âu biến mất, thống khổ không còn nữa. Chúng sẽ nhường chỗ cho phúc lạc. Phúc lạc không phải là cái phải đạt được. Bạn chỉ phải tạo điều kiện cho nó xảy ra.
Khi bạn không đau khổ, phúc lạc xảy ra. Bạn đã tạo điều kiện. Như thể bạn mở cửa ra thì nhà sẽ sáng. Hiện giờ thì bạn có đủ lo lắng, bị chia cắt, đang cỡi trên hai con ngựa, cố giương hai cung cùng một lúc; bạn bị phân liệt, bệnh hoạn và do dự. Hoặc, cùng lắm thì bạn thỏa hiệp, và bạn sẽ bị thác loạn.
Một người bình thường sống đời một cách bình thường; họ không bị thác loạn; họ biết thích nghi. Thế thôi. Nhưng cũng chẳng giá trị gì. Dù biết thích nghi, dù là người gương mẫu, một người bình thường, bạn cũng chẳng biết ngất ngây là gì. Bạn cũng không hài lòng, và dù đạt được gì đi nữa, bạn cũng không hài lòng. Hãy nhìn những người đã thành công, những người khá hơn bạn, những người trên tột đỉnh vinh quang, bạn sẽ thấy họ buồn rầu hơn những người kém may mắn - vì họ chẳng còn hy vọng gì nữa.
Trời còn sáng mà Nasruddin đã đi chợ, mặt có vẻ rất buồn bã. Một người bạn hỏi, “Chuyện gì thế?”
Nasruddin nói, “Ðừng hỏi! Tôi buồn và quá thất vọng đến có thể khóc được.”
Người bạn hỏi lại, “Nhưng sao vậy? Tôi chưa hề thấy bạn buồn rầu như vậy. Bạn đã qua nhiều khó khăn, từ tài chính đến những chuyện khác, nhưng tôi chưa thấy bạn buồn và thất vọng như vậy. Vấn đề gì? Chuyện gì đã xảy ra?”
Nasruddin nói, “Hai tuần trước đây, chú của tôi chết và đã để lại một trăm nghìn đồng cho tôi.”
Người bạn nói, “Nasruddin, bạn điên rồi, phải không? Nếu chú đã để lại cho bạn một trăm nghìn đồng, bạn phải vui chứ, sao lại buồn rầu?”
Nasruddin nói, “Vâng, đúng như vậy. Nhưng tuần rồi ông chú khác chết và đã để lại cho tôi hai trăm nghìn đồng.”
Người bạn nói, “Vậy là hết thuốc rồi! Bạn phải nhảy múa, phải vui mừng, phải ăn mừng chứ, vì chẳng có lý do gì để mà buồn cả! Bạn là người hạnh phúc nhất trong làng này!”
Nasruddin nói, “Tôi biết chứ. Nhưng tôi không còn chú nào nữa. Ðiều đó làm tôi buồn.”
Điều đó xảy ra cho những người thành công: khi bạn không còn chú nào nữa, thì thình lình, hết hy vọng. Một người thất bại vẫn còn hy vọng, có thể hy vọng; vẫn còn chú khác, khả năng vẫn còn. Càng thành công, càng lo lắng, vì thành công sẽ tăng chứng loạn thần kinh lên, sẽ để lộ sự phân liệt của bạn ra. Ðó là lý do tại sao ở Mỹ nhiều người bị phân liệt hơn, nhiều khùng điên hơn bất kỳ nước nào khác, vì Mỹ đã thành công ở trong mọi mặt.
Một nước nghèo chẳng có mấy người điên. Họ vẫn còn hy vọng. Và khi còn nước thì còn tát, thua keo này bạn sẽ bày keo khác. Khi mục đích đã đạt được, bạn sẽ ngừng và sẽ phải nhìn vào chính mình, vào những xáo trộn, và những hỗn loạn mà bạn tạo ra trong bản thể của mình. Bất thình lình bạn cảm thấy mình ngớ ngẩn. Bạn luôn luôn ngớ ngẩn, nhưng nó chỉ lộ ra khi bạn thành công, vì khi không có gì để mơ mộng, bạn đối mặt với chính mình. Trong hiện trạng của bạn, phúc lạc xa tầm với, hạnh phúc ngoài tầm tay, và bạn có thể chỉ hy vọng. Bạn phải chấp nhận đau thương do chính bạn đã gây ra.
Nhưng phúc lạc có thể có; nó đã xảy ra với Chúa, với Phật. Nó cũng có thể xảy ra với bạn - nhưng bạn phải gạt điều không thể đạt được qua một bên. Hãy nghĩ về những điều tự nhiên, có thể làm được, dễ dàng. Ðừng nghĩ về điều không thể đạt được, khó khăn, đầy thử thách. Cái tôi luôn luôn thích những cái không thể đạt được, nhưng thất bại là cái chắc, nhất định phải thất bại. Nhưng cái tôi thích vá trời, vì bạn cảm thấy bạn có gì đặc biệt. Chinh phục được cái không thể đạt được sẽ biến bạn thành là một chiến sĩ vĩ đại.
Mà tôn giáo thì rất đơn giản, dễ dàng, tự nhiên - không cần phải cưỡi ngựa nào cả. Chẳng khác gì đi bộ khi trời sáng. Đi bộ tự nó là cứu cánh, không có gì đặc biệt cả, chỉ cần thưởng thức gió ban mai, mặt trời, chim chóc - chỉ cần tận hưởng.
Chú Thích:
1 Mat-Thêu 6:2
2 Ngựa cũ có thể là những nhu cầu cần thiết cần phải có, như ăn uống…
3 Đức Phật trong sáu năm đã hành xác đủ kiểu. Cuối cùng Ngài nhận ra rằng Ngài không thể thắng nổi những nhu cầu căn bản của thể xác. Và khi những nhu cầu ấy được thoả mãn, Ngài trở nên thư giãn hoàn toàn. Trong sự thảnh thơi ấy Ngài đã chứng nghiệm được chân lý.
4 Lời cuối cùng của Đức Phật, “Hãy là ánh sáng cho chính mình. Hãy là hải đảo cho chính mình.” Nikos Kazanzaki, tác giả tập sách nổi tiếng Zorba The Greek, cũng nói, “Chúa Giê-Su không đến để cứu chúng ta, nhưng Ngài đã chỉ cho chúng ta một con đường để tự cứu mình.”
5 Bất cứ nơi nào nó đưa tới, không kháng cự, không tranh thắng, tựa như nước ở chỗ mọi người đều ghét nên gần với Đạo. Đó là tóm tắt toàn bộ giáo lý của Lão Tử. Đạo Đức Kinh, chương tám.
6 Soren Kierkegaard là tổ sư của triết học Hiện Sinh. Ông ta yêu một cô gái và cô ấy cũng yêu ông ta. Cô ấy muốn lấy ông ta, nhưng ông ta suy nghĩ rất nhiều, và sợ rằng nếu cưới cô ta thì có thể sẽ mất tự do. Cuối cùng từ chối và hối hận cả đời.
7 Emmanuel Kant là trong những triết gia nổi tiếng nhất. Một học trò yêu và ngỏ ý muốn cưới ông ta. Ông ta bỏ ra ba năm suy nghĩ có nên lấy vợ hay không. Khi ông trở lại tìm thì cô ấy đã có chồng rồi.
8 Burrhus Frederic Skinner, 1904-1990, là một nhà Hành Vi Học (Behaviorist) nổi tiếng nhất. Phần lớn những ý tưởng của ông về con người đều được suy diễn từ những thí nghiệm với thú vật. Vì vậy, đối với ông, chỉ có bản năng và điều kiện hóa mới đáng kể; tự do và nhân phẩm không có chỗ đứng. Đó là tựa đề cuốn sách nổi tiếng của ông, Beyond Freedom And Dignity (Bên ngoài Tự Do Và Nhân Phẩm). Những ý tưởng của ông ngày nay không được coi là quan trọng nữa. Gần đây một số học giả, điển hình là nhà ngữ học lừng danh Noam Chomsky, cho rằng mô đen (model) của René Descartes thích hợp hơn, vì tâm trí có chỗ đứng trong mô đen ấy. Xem James Hall, Philosophy Of Religion. The Teaching Company.
9 Ludwig Wittgenstein, 1889-1951, là một trong những triết gia quan trọng nhất của thế kỷ hai mươi. Ảnh hưởng của ông rất sâu rộng trong triết học, tôn giáo và khoa học. Có ít nhất hai trường phái triết học được thiết lập do ảnh hưởng của ông. Một trường phái ấy là chủ nghĩa Thực Chứng (Logical Positivism). Khi về già ông được mời qua Mỹ để thuyết trình tại các đại học. Trong thời gian ở Mỹ, ông bị bệnh vì không quen khí hậu. Ông sợ chết đến nỗi phải la lên, “Tôi là người Âu Châu. Tôi qua đây làm gì vậy?” Xem Ray Monk, The Duty Of A Genius.
10 Suy luận chỉ có một giá trị rất nhỏ. Những người suy nghĩ nhiều thường do dự, không dám có những quyết định lớn. Những quyết định quan trọng, táo bạo đều phải nhờ vợ, bởi vì suy luận là sống bằng óc não, bằng phần óc bên trái. Các bà dám quyết định vì họ sống bằng con tim, bằng phần óc bên phải. Cho nên Dịch, quẻ Phong Thiên Tiểu Súc (lợi nhỏ), viết, “Mây đen mà không mưa. Ta phải đi về hướng tây.” Lý luận cũng như gió (phong) ở trên trời (Thiên) đưa mây về nhưng không thể mưa được. Ta phải nghe theo tiếng nói của con tim (hướng tây).
11 René Descartes, tổ sư của triết học hiện đại, nói rằng khi không còn một mảy may nghi ngời, ta mới chấp nhận, và có thể những ý tưởng của ta do một con quỷ nào đó gợi cho, nhưng nếu, “Tôi suy nghĩ, tôi hiện hữu.” Đó là câu nói nổi tiếng nhất của ông ta. Xem Discourses on Methods.
12 Archimedes trần truồng, chạy ra đường la lên, “Eureka! Eureka!” Adam Smith, tổ sư Kinh Tế học, ra đường nói nhảm như một người điên. Thomas Edison, hồi đệ nhất thế chiến, quên cả tên mình khi được gọi trình diện. Isaac Newton có hai con mèo, và đã khoét hai lỗ để cho chúng ra vào tự do trong phòng làm việc của ông ta….
13 Albert Einstein tác giả của thuyết tương đối. Đoạt giải Nobel Vật lý năm 1927.
14 Không lựa chọn tức là thuận theo tự nhiên, tựa như người say vì không chống lại nên tuy mang tật mà không chết. Trang Tử gọi là “ẩn mình nơi Trời”. Nam Hoa Kinh, thiên Trụy Xa (té xe) viết, “Người say rượu té xe, tuy mang tật mà không chết. Gân cốt thì giống mọi người, mà bị hại sao lại khác mọi người? Là vì nó giữ được toàn cái thần của nó. Lên xe cũng không biết, té xe cũng không hay: sống, chết, kinh hãi, sợ sệt không sao vào được trong lòng. Cho nên dù có chống lại với vật mà không biết sợ. Đó là kẻ đã hòa được với rượu mà còn như thế, huống chi kẻ đã hòa được với Đạo. Bậc thánh nhân ẩn mình nơi Trời nên không gì hại nổi. Mình bị thương, chả lẽ lại bẻ gươm mà trả thù. Dù là kẻ nóng tính cũng không oán miếng ngói rớt trên đầu mình.”
15 Ý thức và vô thức – xem chú thích 2, chương 9.
16 Đừng chống, đừng thuận, đừng kết án, đừng phán xét là ý nghĩa của câu nói của Chúa Giê-Su, “Phúc cho những người có lòng nghèo khó (poor in spirit), vì Nước Trời là của họ.” (Mat-Thêu 5:3) Lão Tử cũng nói, “Làm cùn cái bén nhọn, cởi cái khúc mắc, hòa với ánh sáng, cùng chung với bụi bặm.” Đạo Đức Kinh, chương bốn.
17 Jinnah và thánh Gandhi là hai lãnh tụ cùng tranh đấu dành độc lập cho Ấn Độ từ Anh Quốc. Jinnah là lãnh tụ của những người Hồi giáo, và thánh Gandhi của những người theo Ấn Độ giáo.
18 Không chọn lựa nghĩa là trong mọi việc làm chỉ có việc làm mà không có người làm. J. Krishnamurti gọi là sự chọn lựa không lựa chọn (choiceless choice). Lão Tử nói, “Người đức cao không cần đức nên có đức. Kẻ đức thấp không bỏ mất đức nên không có đức. Người đức cao không làm nên không có gì để làm. Bấc đức thấp làm nên mới có cái để làm.” Đạo Đức Kinh, chương 38.
19 Mô đen của Descartes có chỗ cho tâm trí (xem chú thích 8). Vì có tâm trí nên có sự lựa chọn, có tự do. Nhưng tâm trí được tự do chọn lựa, và chọn lựa trong lẫn lộn – giữa nhiều cái biết phải chọn cái nào cho đúng. Điều đó đưa đến trách nhiệm, và nó làm ta sợ hãi vì nếu chọn sai sẽ phải chịu hậu quả. Vì vậy, Jean-Paul Sartre nói tự do ấy bị nguyền rủa; Kierkergaad gọi là run rẩy. Cho nên tự do ấy chưa phải là tự do thực sự, bởi vì có tự do nhưng cái tôi vẫn còn. Osho phân biệt hai loại tự do: tự do của cái tôi (freedom of the self) và tự do khỏi cái tôi (freedom from the self). Tự do của cái tôi là loại tự do bị nguyền rủa. Tự do khỏi cái tôi mới là tự do thật sự, cái tôi không còn nữa thì ai ở đó mà lựa chọn trong lẫn lộn, để bị nguyền rủa, để run rẩy. Đức Phật gọi tự do ấy là vô ngã (anatta). Xem Osho, Bát Nhã Tâm Kinh, Vạn Sơn chuyển ngữ.
20 Hành giả nam gọi là swami, nữ là ma.
21 Ý nghĩa của câu chuyện Thiền này đã được Osho giải thích trong tập, “Thiền: Con Đường Nghịch Lý, tập I”, chương 7, Lê Công Đa chuyển ngữ.
Kết thúc quyển “Hạt cải trời” – Quay về Mục lục
0 Đánh giá