Read more
Osho – Kỉ luật của siêu việt – Tập 1
Chương 10. Vậy tới, vậy đi
Câu hỏi thứ nhất từ Anand Nirgrantha.
Câu hỏi thứ nhất
Thầy nói rằng Phật sẽ không nói về thượng đế bởi vì điều đó không thể chứng minh được. Vậy mà trong lời nói tiếp ông ấy lại nói về các kiếp sống khác, và hoá thân. Làm sao điều này khớp được với các sự kiện khoa học?
Phật nói không có linh hồn. Cái gì là cái còn lại sau cái chết? Hoá thân là gì? Tôi hiểu mông lung rằng có thể cái vô hình dạng vẫn còn, nhưng cái đó có một thực thể cá nhân không? Cùng con sóng đó không được tái sinh.
Câu hỏi này rất có ý nghĩa. Đó là một trong những đóng góp nền tảng nhất của Phật cho tâm thức con người - ý tưởng về vô ngã. Nó rất phức tạp. Bạn sẽ phải rất tỉnh táo im lặng để hiểu nó, bởi vì nó đi ngược lại mọi hình mẫu mà bạn đã được ước định.
Trước hết là vài điều tương tự, để cho bạn có ý tưởng nào đó về điều ông ấy ngụ ý bởi vô ngã. Thân thể bạn là cái túi da. Lớp da xác định ra thân thể bạn; nó xác định chỗ bạn và thế giới bắt đầu. Nó là ranh giới quanh bạn. Nó bảo vệ bạn với thế giới, nó phân chia bạn khỏi thế giới, và nó cho phép bạn chỉ có vài lỗ hổng để đi vào thế giới hay để thế giới đi vào bạn. Nếu không có da, bạn sẽ không thể nào tồn tại được. Bạn sẽ mất biên giới của mình với tất cả mọi thứ xung quanh bạn. Nhưng bạn không phải là da của mình. Da cứ thay đổi hoài.
Điều đó cũng giống như con rắn cứ lột lớp da cũ lặp đi lặp lại. Bạn cũng thoát ra khỏi da của mình lặp đi lặp lại nhiều lần. Nếu bạn hỏi các nhà sinh lí học, họ sẽ nói, 'Nếu một người sống bẩy mươi tuổi, thế thì gần mười lần người đó sẽ đổi da hoàn toàn.' Nhưng quá trình này rất chậm, cho nên bạn chẳng bao giờ trở nên nhận biết. Một phần tí xíu thay đổi mọi khoảnh khắc đến mức bạn không thể cảm thấy điều đó được; cảm giác của bạn không tinh tế thế. Thay đổi là rất tinh tế. Da cứ thay đổi dầu vậy bạn cứ nghĩ về bản thân mình rằng đây là thân thể bạn, vẫn cùng thân thể ấy. Nó không phải là cùng thân thể đó đâu, nó là sự liên tục.
Khi bạn còn trong bụng mẹ, ngày đầu tiên bạn chỉ là một tế bào nhỏ, vô hình với mắt trần. Đó là da của bạn vào lúc đó, đó là thân thể bạn. Thế rồi bạn bắt đầu lớn lên. Sau chín tháng bạn được sinh ra - thế thì bạn có một thân thể hoàn hoàn khác. Nếu bỗng nhiên bạn bắt gặp bản thân mình mới một ngày tuổi, vừa mới được sinh ra, bạn sẽ không thể nào nhận ra được rằng đây là bạn. Bạn đã thay đổi nhiều thế. Nhưng dầu vậy bạn vẫn nghĩ mình như cũ. Theo một cách nào đó thì bạn vẫn như cũ bởi vì bạn là cùng sự liên tục. Theo một cách nào đó bạn lại không như cũ bởi vì bạn vẫn đang thay đổi liên tục.
Theo cùng cách đó, cũng giống như da, là bản ngã. Da giữ thân thể bạn trong một hình mẫu, trong một định nghĩa, trong một giới hạn. Bản ngã giữ nội dung của tâm trí bạn trong một giới hạn. Bản ngã là lớp da bên trong để cho bạn biết mình là ai; bằng không bạn sẽ bị lạc - bạn sẽ không biết ai là ai; ai là mình và ai là người khác.
Ý tưởng về cái ta, cái tôi, bản ngã, cho bạn một định nghĩa, một định nghĩa tiện dụng. Nó làm cho bạn tách biệt rõ ràng với người khác. Nhưng điều đó nữa cũng là da, lớp da rất tinh tế, cái giữ lại tất cả nội dung của tâm trí bạn - kí ức của bạn, quá khứ của bạn, ham muốn của bạn, kế hoạch của bạn, tương lai của bạn, hiện tại của bạn, yêu của bạn, ghét của bạn, giận dữ, buồn rầu, sung sướng - nó giữ tất cả những cái đó trong một cái túi. Nhưng bạn lại không là bản ngã đó. Bởi vì cái đó nữa lại cũng cứ thay đổi và cái đó thay đổi còn nhiều hơn da thân thể. Từng khoảnh khắc nó đều đang thay đổi.
Phật dùng sự tương tự với ngọn lửa. Chiếc đèn được thắp sáng: bạn thấy ngọn lửa, nhưng nó liên tục thay đổi, nó chưa bao giờ như cũ cả. Đến sáng khi bạn tắt đèn đi, bạn không tắt cùng ngọn lửa đó đâu. Nó đã liên tục thay đổi cả đêm rồi.
Từng khoảnh khắc ngọn lửa đều biến mất thành khói và ngọn lửa mới đang thay thế nó. Nhưng việc thay thế lại nhanh tới mức bạn không thể thấy được sự vắng mặt - rằng ngọn lửa này đã qua, ngọn lửa khác đã tới. Cái này qua đi, cái khác tới liền. Khoảnh khắc này nhanh tới mức bạn không thể thấy được lỗ hổng giữa cả hai. Bằng không thì chỉ có sự liên tục; nó không phải là cùng ngọn lửa. Nhưng dầu vậy, theo một cách nào đó, nó là cùng ngọn lửa bởi vì nó là sự liên tục của cùng ngọn lửa. Nó được sinh ra từ cùng một ngọn lửa.
Cũng hệt như bạn được sinh ra từ cha mẹ mình - bạn là sự liên tục. Bạn không là một. Bạn không phải là bố bạn, bạn không phải là mẹ bạn - nhưng dầu vậy bạn vẫn là bố bạn và mẹ bạn, bởi vì bạn liên tục cùng một truyền thống, cùng một dòng họ, cùng một kế thừa.
Phật nói bản ngã là sự liên tục, nó không phải là cái căn bản - liên tục giống như ngọn lửa, liên tục giống như dòng sông, liên tục giống như thân thể.
Vấn đề nảy sinh... chúng ta có thể nhân nhượng về điều đó rằng thôi được, nó có thể là như vậy: nếu một người chết vào lúc chết và mọi thứ biến mất, thế thì hoàn toàn đúng - có thể đó chỉ là ngọn lửa. Nhưng Phật nói người ta được tái sinh - thế thì vấn đề nảy sinh. Thế thì ai được tái sinh?
Thế thì lần nữa, lại cần vài sự tương tự. Bạn đã bao giờ thấy ngôi nhà to bị cháy, hay một khu rừng bốc cháy chưa? Nếu bạn quan sát bạn sẽ đi tới thấy một hiện tượng. Đơn giản ngọn lửa nhảy từ cây nọ sang cây kia. Chẳng có chất liệu nào trong nó, nó chỉ là ngọn lửa thôi. Nó không có vật chất trong nó, nó chỉ là năng lượng thuần khiết, một lượng năng lượng, một số lượng năng lượng nào đó - nó nhảy từ cây nọ và lan tới cây kia và cây kia bốc cháy.
Hay, bạn có thể mang một ngọn đuốc chưa cháy lại gần ngọn đuốc đã thắp cháy. Điều gì xảy ra? Ngọn lửa từ đuốc đã cháy nhảy lên ngọn đuốc chưa cháy. Nó là bước nhảy lượng tử, nó là cú nhảy. Ngọn lửa thuần khiết nhảy tới ngọn đuốc khác và bắt đầu sự liên tục khác.
Hay, ngay bây giờ bạn đang nghe tôi. Nếu bạn bật radio lên, bỗng nhiên bạn sẽ bắt đầu nghe một buổi phát thanh nào đó từ trạm phát nào đó đang truyền ngay bây giờ. Chỉ cần mỗi máy thu thôi. Một khi máy thu có đó, cái gì đó đang trong buổi phát thanh từ London hay từ Moscow hay từ Bắc Kinh, bạn có thể bắt được nó.
Chẳng chất liệu nào tới cả, chỉ thuần sóng ý nghĩ thuần tuý nhảy từ Bắc Kinh tới Pune... chỉ sóng ý nghĩ, không cái gì chất liệu. Bạn không thể bắt giữ chúng trong tay được, bạn không thể thấy được chúng, nhưng chúng có đó bởi vì chiếc máy thu radio của bạn bắt lấy chúng, hay chiếc máy thu hình của bạn bắt lấy chúng.
Phật nói khi một người chết, toàn thể những ham muốn tích luỹ của cả đời người đó, toàn thể những kí ức được tích luỹ của cả đời người đó, toàn thể sanskaras, nghiệp của người đó, nhảy tựa sóng năng lượng vào bụng mẹ mới. Đó là cú nhảy. Từ đích xác là trong vật lí: họ gọi nó là 'bước nhảy lượng tử' - 'bước nhảy của năng lượng thuần khiết mà không có chất liệu nào trong nó'.
Phật là nhà vật lí lượng tử đầu tiên. Einstein tới sau ông ấy hai mươi nhăm thế kỉ, nhưng họ cả hai nói cùng một ngôn ngữ. Và tôi vẫn nói rằng Phật mang tính khoa học. Ngôn ngữ của ông ấy là ngôn ngữ của vật lí hiện đại; ông ấy tới từ hai mươi nhăm thế kỉ trước thời thời đại của Einstein.
Khi một người chết đi, thân thể biến mất, phần vật chất biến mất, nhưng phần phi vật chất, phần tâm trí, là rung động. Rung động đó được thoát ra, phát ra. Bây giờ, bất kì chỗ nào một bụng mẹ đúng sẵn sàng cho rung động này, nó sẽ đi vào trong bụng mẹ đó.
Không có cái ta đi, không có ai đi cả, không có bản ngã nào đi cả. Không có nhu cầu cho bất kì cái gì mang tính chất liệu di chuyển, đó chỉ là sự thúc đẩy của năng lượng. Nhấn mạnh là ở chỗ nó lại là cùng cái túi của bản ngã nhảy. Ngôi nhà này đã trở thành không thể sống được, thân thể này không còn có thể để sống nữa. Ham muốn cũ, niềm khao khát về cuộc sống - thuật ngữ của Phật là tanha, thèm khát về cuộc sống - vẫn còn sống, đang cháy. Chính ham muốn đó lấy cú nhảy.
Bây giờ, nghe vật lí hiện đại. Họ nói rằng không có vật chất. Bạn có thấy bức tường rất vật chất này đằng sau tôi không? Bạn không thể đi qua nó được; nếu bạn thử bạn sẽ bị thương. Nhưng vật lí hiện đại nói nó là cái không, chẳng cái gì có chất liệu cả. Nó đơn giản là việc chuyển năng lượng thuần khiết với tốc độ lớn vô cùng tới mức mọi khoảnh khắc nó đều tạo ra sự giả dối, ảo tưởng, dáng vẻ của chất liệu.
Thỉnh thoảng bạn quan sát chiếc quạt quay nhanh - thế thì bạn không thể thấy được cánh. Chỉ có ba cánh thôi, nhưng chúng chuyển động nhanh thế trông giống như một vòng tròn, như cái đĩa; bạn không thể thấy được lỗ hổng giữa hai cánh. Nếu cái quạt chuyển động với cùng tốc độ như điện tử đang chuyển động - tốc độ cao vô cùng - thế thì bạn có thể ngồi lên chiếc quạt và bạn sẽ không bị rơi khỏi nó. Bạn có thể ngồi như tôi đang ngồi trên chiếc ghế và bạn sẽ không cảm thấy chuyển động nào cả, bởi vì chuyển động này nhanh thế.
Đích xác cùng điều đó xảy ra trong chiếc ghế này và cùng điều đó đang xảy ra dưới bạn trên sàn. Nó không phải là sàn đá đâu, đấy chỉ là dáng vẻ, nhưng các hạt năng lượng đang chuyển động nhanh tới mức chính sự chuyển động của chúng, tính nhanh của chúng, tạo ra ảo tưởng về chất liệu. Chất liệu không tồn tại, chỉ năng lượng thuần khiết tồn tại. Khoa học hiện đại nói vật chất không tồn tại, chỉ năng lượng phi vật chất là tồn tại.
Do đó tôi nói Phật rất khoa học. Ông ấy không nói về thượng đế, nhưng ông ấy nói về vô ngã phi vật chất. Cũng như khoa học hiện đại đã lấy ý tưởng về chất liệu ra khỏi siêu hình của nó, Phật đã lấy ý tưởng về cái ta ra khỏi siêu hình của ông ấy. Cái ta và chất liệu là có tương quan với nhau. Khó mà tin được rằng bức tường lại là phi chất liệu và theo cùng cách đó khó mà tin được rằng không có cái ta nào tồn tại trong bạn.
Bây giờ, vài điều thêm nữa sẽ làm cho điều đó rõ ràng hơn. Tôi không thể nói rằng bạn sẽ hiểu điều đó, nhưng nó sẽ làm cho điều đó rõ ràng hơn.
Bạn bước đi, bạn đang bước, bạn đã đi dạo buổi sáng. Chính ngôn ngữ này - cái chúng ta nói 'bạn đang bước' - tạo ra vấn đề; vấn đề ở trong chính ngôn ngữ của chúng ta. Khoảnh khắc chúng ta nói ai đó đang bước, chúng ta giả thiết rằng ai đó có đó người đang bước - người bước. Chúng ta hỏi, làm sao có được việc bước nếu không có người bước?
Phật nói không có người bước, chỉ có việc bước. Cuộc sống không chứa các sự vật. Phật nói cuộc sống bao gồm các biến cố. Và đó là đích xác là điều khoa học hiện đại nói: chỉ có các tiến trình, không có vật - các biến cố.
Ngay cả nói rằng cuộc sống tồn tại cũng không đúng. Chỉ hàng nghìn và hàng nghìn quá trình sống tồn tại. Cuộc sống chỉ là ý tưởng. Không có gì giống như cuộc sống cả.
Trên trời một ngày nào đó bạn thấy mây đen tụ tập và có sấm sét. Khi có sét bạn có hỏi, 'Có cái gì đằng sau sét không? Ai đang làm sét? Sét là gì?' Bạn sẽ nói, 'Sét đơn giản là sét - không có ai đằng sau nó; đấy chỉ là một quá trình. Không phải là có cái gì đó là sét. Nó đơn giản là sét.'
Nhị nguyên được ngôn ngữ mang vào. Bạn đang bước - Phật nói chỉ có việc bước. Bạn đang nghĩ - Phật nói chỉ có việc nghĩ, không có người nghĩ. Người nghĩ được tạo ra bởi ngôn ngữ. Bởi vì chúng ta dùng ngôn ngữ dựa trên nhị nguyên, nó phân chia mọi thứ thành hai mặt.
Khi bạn nghĩ, có một chùm ý nghĩ, được thôi - nhưng không có người nghĩ. Nếu bạn thực sự muốn hiểu nó bạn sẽ phải thiền sâu và đi tới điểm mà suy nghĩ biến mất. Khoảnh khắc suy nghĩ biến mất bạn sẽ ngạc nhiên - người nghĩ cũng mất rồi. Với suy nghĩ, người nghĩ cũng biến mất. Đó chỉ là sự xuất hiện của ý nghĩ chuyển động.
Bạn nhìn dòng sông. Dòng sông có thực sự tồn tại không, hay đấy chỉ là chuyển động? Nếu bạn rút chuyển động ra, liệu sẽ còn dòng sông không? Một khi chuyển động bị lấy ra thì dòng sông sẽ biến mất. Không phải là dòng sông chuyển động; dòng sông không là gì ngoài việc chảy.
Ngôn ngữ tạo ra khó khăn. Có thể bởi vì cấu trúc đặc biệt này trong một số ngôn ngữ, Phật đã trở thành quan trọng và có ý nghĩa và trở nên được bắt rễ chỉ ở Nhật Bản, Trung Quốc, Miến Điện - bởi vì họ có ngôn ngữ khác hoàn toàn. Điều rất có ý nghĩa là hiểu tại sao ông ấy đã trở nên quan trọng thế trong tâm trí người Trung Quốc, tại sao Trung Quốc có thể hiểu được ông ấy mà Ấn Độ lại không thể hiểu được. Trung Quốc có một ngôn ngữ khác mà lại hợp với ý thức hệ Phật giáo tuyệt đối. Tiếng Trung Quốc không phân chia thành hai. Trong tiến Trung Quốc, hay tiếng Hàn Quốc, hay tiếng Nhật Bản hay tiếng Miến Điện tồn tại một cấu trúc hoàn toàn khác với tiếng Phạn, tiếng Hindi, tiếng Anh, tiếng Hi Lạp, tiếng Latin, tiếng Pháp, tiếng Đức - một cấu trúc khác toàn bộ.
Khi lần đầu tiên Kinh Thánh được dịch sang tiếng Miến Điện đã có nhiều khó khăn, bởi vì vài câu không thể dịch được chút nào. Khoảnh khắc bạn dịch, toàn thể nghĩa bị mất. Chẳng hạn, một câu đơn giản, 'Thượng đế hiện hữu'; bạn không thể dịch nó sang tiếng Miến Điện được. Nếu bạn dịch nó, nó sẽ thành 'Thượng đế trở thành'. 'Thượng đế hiện hữu' không thể được dịch bởi vì không có thuật ngữ tương đương cho 'hiện hữu', bởi vì 'hiện hữu' chỉ ra sự tĩnh tại.
Chúng ta có thể nói 'cây hiện hữu', nhưng trong tiếng Miến Điện bạn phải nói 'cây đang trở thành', chứ không 'hiện hữu'. Không có chữ tương đương cho 'hiện hữu'. Cây 'trở thành'. Vào lúc bạn nói 'cây hiện hữu', nó không còn là cùng cái cây đó, cho nên tại sao bạn lại nói 'hiện hữu'? 'Hiện hữu' cho sự tĩnh tại. Đó là hiện tượng giống như dòng sông vậy - 'cây đang trở thành'. Tôi phải nói 'cây đang trở thành' nhưng trong tiếng Miến Điện nó sẽ đơn giản 'cây trở thành', chữ 'đang' sẽ không có đó. 'Dòng sông hiện hữu' - nếu bạn muốn dịch - sẽ là 'dòng sông chuyển động'. 'Dòng sông chảy' sẽ là việc dịch chính xác trong tiếng Miến Điện.
Nhưng nói 'Thượng đế trở thành' là rất khó, bởi vì người Ki tô giáo không thể nói được điều đó. Thượng đế là hoàn hảo, ông ấy không thể trở thành được. Ông ấy không phải là quá trình, ông ấy không có khả năng phát triển - ông ấy đã đạt tới rồi. Ông ấy là cái tuyệt đối - bạn ngụ ý gì bởi việc 'trở thành'? Trở thành là có thể nếu ai đó còn chưa hoàn hảo. Thượng đế là hoàn hảo rồi, ông ấy không thể trở thành được. Cho nên làm sao dịch được điều đó? Rất khó.
Nhưng Phật xuyên thấu lập tức vào tâm trí Miến Điện, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; xuyên thấu lập tức. Chính cấu trúc của ngôn ngữ làm cho điều đó thành có thể; họ có thể hiểu Phật rất dễ dàng.
Trong cuộc sống chỉ có các biến cố. Việc ăn có đó nhưng không có người ăn. Quan sát việc ăn. Thực sự có người ăn không? Bạn cảm thấy đói, đúng - cơn đói có đó, nhưng không có ai đói cả. Thế rồi bạn ăn - việc ăn có đó, nhưng không có ai là người ăn. Thế rồi cơn đói được thoả mãn, thế rồi bạn cảm thấy thoả mãn - sự thoả mãn này có đó nhưng không có ai được thoả mãn cả.
Phật nói cuộc sống bao gồm các biến cố. Cuộc sống nghĩa là việc sống. Cuộc sống không phải là danh từ, nó là động từ. Và mọi thứ đều là động từ. Quan sát và bạn sẽ có khả năng thấy: mọi thứ đều đang trưởng thành, không cái gì tĩnh tại cả.
Eddington đã nói rằng trong tiếng Anh có vài từ tuyệt đối giả: chẳng hạn, nghỉ ngơi. Chẳng cái gì đã bao giờ trong nghỉ ngơi cả, chính từ này là sai, bởi vì không có tương đương trong thực tế. Bạn đã bao giờ thấy cái gì nghỉ ngơi chưa? Ngay cả khi bạn nghỉ ngơi, đấy là việc nghỉ, nó không phải là nghỉ ngơi. Đó là một quá trình: cái gì đó đang xảy ra, bạn vẫn thở.
Nằm dài ra, thảnh thơi - nhưng đấy không phải là nghỉ ngơi; nhiều điều, cả nghìn thứ đang xảy ra. Bạn đã bao giờ thấy cái gì nghỉ ngơi chưa? Điều đó là không thể được, nghỉ ngơi không tồn tại. Ngay cả khi một người chết, thế thì thân thể vẫn liên tục các quá trình của nó.
Bạn có thể chưa nghe nói - đôi khi điều đó xảy ra: người Mô ha mét giáo, người Ki tô giáo, nhưng người đi chôn người chết dưới đất, đôi khi đi tới biết rằng người chết đó nhưng râu anh ta vẫn mọc ra, tóc anh ta trở nên dài hơn, móng tay anh ta vẫn mọc. Người này chết rồi!
Bây giờ điều này là rất kì quái. Nếu bạn cạo trọc một người chết rồi đưa anh ta vào nấm mồ và sau sáu tháng bạn mở nấm mồ ra và anh ta có râu... bây giờ phải nói gì đây, liệu anh ta sống hay chết? Và bạn sẽ rất sợ; bạn sẽ trốn khỏi nhà, và khuôn mặt đó sẽ ám ảnh bạn trong đêm. Điều gì đã xảy ra? Nếu người này chết thế thì làm sao râu người đó lại mọc được? Còn nếu râu người đó có thể mọc được, thì người đó thực sự chết hay không - chỉ giả vờ sao?
Cuộc sống là hàng triệu quá trình. Ngay cả khi bản ngã của bạn biến mất từ căn cứ này, cất cánh từ sân bay này và hạ cánh trong bụng mẹ nào đó khác, nhiều quá trình vẫn tiếp tục. Tất cả các quá trình đều không dừng lại, bởi vì có nhiều quá trình chẳng có gì liên quan tới bản ngã của bạn; chẳng liên quan gì tới bản ngã của bạn - bản ngã của bạn có thể đi và chúng sẽ tiếp tục. Tóc mọc, móng tay mọc, chẳng có liên quan gì...
Và, ngay lập tức, khoảnh khắc bản ngã bạn rời đi, hàng triệu vi khuẩn nhỏ bé sẽ trở nên sống động và chúng sẽ bắt đầu làm việc và vận hành. Bạn sẽ gần như cái bãi chợ. Bạn sẽ sống động tràn đầy theo cách đó. Nhiều điều sẽ xảy ra: nhiều vi khuẩn chạy đi chạy lại đây đó, làm tình, hôn nhân, chết đi và mọi thứ sẽ xảy ra. Khoảnh khắc bạn rời bỏ thân thể, thân thể bạn trở thành mảnh đất cho nhiều người khác đang chờ đợi và những người sẽ nói, 'Xin ông đi cho! Để chúng tôi vào chứ.'
Cuộc sống là quá trình liên tục - không chỉ một quá trình mà nhiều quá trình, sự liên tục.
Phật nói chính ý tưởng về cái ta là bởi vì ngôn ngữ. Bạn cảm thấy đói: trong ngôn ngữ chúng ta nói 'tôi đói'. Ngôn ngữ tạo ra ý tưởng về tôi. Làm sao để nói nó? Để đích xác đúng bạn chỉ có thể nói 'cơn đói'. 'Tôi đói' đang đem cái gì đó tuyệt đối sai vào trong nó. 'Cơn đói' - thế là đủ.
Quan sát các quá trình của bạn và bạn sẽ cảm thấy điều đó. Khi bạn cảm thấy đói hôm nay, quan sát nó. Có thực sự có ai đó đang đói hay chỉ có cơn đói thôi? Và phải chăng hình mẫu ngôn ngữ cho nó sự xoắn xuýt và phân chia nó ra làm đôi, và bạn bắt đầu cảm thấy 'tôi đói'?
Phật giáo là tôn giáo đầu tiên đã đem thông điệp này vào thế giới - rằng tôn giáo của bạn, triết lí của bạn, được đặt nền móng trong các hình mẫu ngôn ngữ của bạn còn hơn ở trong bất kì cái gì khác. Và nếu bạn có thể hiểu ngôn ngữ của mình tốt hơn, bạn sẽ có khả năng hiểu các quá trình bên trong của mình tốt hơn. Phật là nhà ngôn ngữ học đầu tiên, và sáng suốt của ông ấy là có ý nghĩa vô cùng.
Bạn nói: "Phật sẽ không nói về thượng đế bởi vì điều đó không thể được chứng minh.' Vâng, ông ấy sẽ không nói về thượng đế đâu bởi vì điều đó không thể nào được chứng minh và ông ấy sẽ không nói về thượng đế bởi vì thượng đế mà bạn nghĩ là tồn tại, thì lại không tồn tại. Thượng đế của bạn lại là cùng cái giả dối cũ của cái ta. Bạn nghĩ bạn có cái ta, cho nên toàn thể vũ trụ phải có cái ta. Bởi vì bạn có cái ta, toàn thể vũ trụ phải có cái siêu ta. Cái siêu ta đó là thượng đế.
Phật nói bạn không có cái ta nào cả. Vũ trụ hiện hữu, nhưng không có cái siêu ta trong nó... Hàng triệu quá trình, nhưng không có cái siêu ta. Không có trung tâm cho nó; nó tất cả đều là chu vi.
Rất khó thấu hiểu được điều đó - chừng nào bạn còn chưa thiền. Đó là lí do tại sao Phật chưa bao giờ đi vào thảo luận siêu hình; ông ấy nói, 'Thiền đi.' Bởi vì trong thiền những điều này sẽ trở nên rõ ràng thế. Khi suy nghĩ dừng lại, bỗng nhiên bạn thấy người nghĩ đã biến mất. Nó là cái bóng. Và khi người nghĩ biến mất, làm sao bạn có thể nói, làm sao bạn có thể cảm thấy 'tôi đây'? Không có cái 'tôi' còn lại, bạn là không gian thuần khiết. Đó là điều Phật gọi là anatta, không gian thuần khiết của cái vô ngã. Đó là kinh nghiệm vô cùng.
...'Vậy mà trong lời nói tiếp ông ấy lại nói về các kiếp sống khác, và hoá thân.' Ông ấy nói, và các Phật tử bao giờ cũng gặp rắc rối bởi vì điều đó. Phật khoa học tới mức ông ấy không thể thêu dệt sự kiện được. Nếu ông ấy không phải là con người khoa học như vậy, nếu ông ấy chỉ là nhà siêu hình, thì hoặc ông ấy đã chấp nhận cái ta để làm cho toàn thể triết lí của ông ấy có vẻ nhất quán, hoặc ông ấy sẽ vứt bỏ ý tưởng về hoá thân, bởi vì cả hai điều này có vẻ mâu thuẫn. Nhưng ông ấy là nhà khoa học tới mức ông ấy sẽ không ép buộc cái gì từ tâm trí mình lên thực tại. Ông ấy đơn giản phát biểu sự kiện. Nếu nó mâu thuẫn, ông ấy nói, 'Có thể nó là mâu thuẫn đấy, nhưng nó là thế.'
Đây là điều đang xảy ra trong khoa học hiện đại. Mới năm mươi năm trước, khi các nhà khoa học đi vào cốt lõi bên trong nhất của vật chất, họ đã rất phân vân, bởi vì điện tử hành xử theo cách rất phi logic.
Bây giờ bạn không thể nào buộc các điện tử phải logic được, bạn không thể gửi chúng tới đại học để học Aristotle và bạn không thể bảo chúng, 'Các cậu hành xử phi logic lắm, hành xử như thế à! điều này là không đúng.' Bạn không thể nói được điều đó. Nếu chúng hành xử phi logic, thì chúng đang hành xử phi logic đấy! - bạn phải hiểu nó, có thế thôi; chẳng thể làm được gì cả.
Và cái phi logic mới thực sự lớn lao, nó không phải là vấn đề bình thường. Đôi khi cùng điện tử đó sẽ hành xử giống như sóng và đôi khi nó sẽ hành xử như một lượng, như một hạt. Bây giờ hai điều này là không thể được, chúng là phi Euclid và phi Aristotle - cứ dường như những điện tử này không tin vào Euclid và Aristotle. Chúng đang làm gì? Chúng chưa bao giờ biết tới Euclid sao?
Đó là hình học đơn giản, chúng ta tất cả đều đã học ở trong trường phổ thông - rằng điểm không thể là đường thẳng và đường thẳng không thể là điểm được. Đường thẳng là nhiều điểm được đặt cùng nhau theo trình tự, cho nên một điểm không thể hành xử như một đường được, bằng không thì toàn thể hình học sẽ bị rối loạn. Bạn đặt một điểm và bạn đi vào buồng tắm, bạn quay lại và nó đã trở thành một đường! Thế thì bạn sẽ làm gì?
Nhưng điều này đích xác là điều đang xảy ra trong cốt lõi bên trong nhất của vật chất đấy. Bạn cứ quan sát và nó trông giống như một điểm rồi bất thần nó là đường thẳng. Và cú nhảy lại tới mức bạn chẳng thấy nó phát triển thành đường.
Trong khoảng thời gian này nó là điểm, trong khoảng thời gian khác nó là đường - thậm chí không lớn lên thành đường, chỉ một cú nhảy... bất thần thế, phi logic thế. Nếu nó phát triển dần, chúng ta có thể hiểu điều đó nữa: có thể nó giống như hạt mầm, đâm chồi và trở thành cái cây. Được đấy, chúng ta có thể hiểu. Trong khoảnh khắc thời gian này nó là hạt mầm trong khoảnh khắc thời gian khác nó phát triển, dần dần và dần dần, tuần tự, và trở thành cái cây. Chúng ta có thể hiểu được.
Nếu một điểm dần dần trở thành đường, chúng ta sẽ có khả năng hiểu. Nhưng bất thần sao? Và không chỉ bất thần, thậm chí điều phi logic hơn là thế này: rằng hai người quan sát trong cùng một khoảnh khắc thời gian, đồng thời có thể quan sát - người này có thể quan sát nó là điểm còn người kia có thể quan sát nó là đường. Bây giờ phải làm gì? Người quan sát này thấy nó như hạt mầm và người quan sát khác thấy nó như cái cây? Trong một khoảnh khắc thời gian.
Toàn thể khoa học phương tây đã phát triển lên từ logic Hi Lạp. Những điện tử này đang nổi loạn chống lại Aristotle, và không có cách nào đưa chúng về lẽ phải. Các nhà khoa học đã cố gắng theo nhiều cách, bởi vì tâm trí có khuynh hướng níu bám lấy các khái niệm, hình mẫu của riêng nó. Không dễ dàng thế để thảnh thơi và buông xuôi theo những điện tử ngu xuẩn này.
Trong gần hai, ba thập kỉ, các nhà khoa học đã phân vân và họ đã cố gắng tìm ra cách nào đó để giải thích điều đó, hay ít nhất để thanh minh điều đó, tại sao nó lại xảy ra. Nhưng cuối cùng họ phải nhường bước cho sự kiện và họ chấp nhận nó. Do đó mới có lí thuyết về vật lí lượng tử.
Lượng tử: chính từ này đã được phát minh ra; nó chưa bao giờ tồn tại trước đây bởi vì con người chưa bao giờ bắt gặp một hiện tượng phi lí như vậy. Lượng tử nghĩa là điểm và đường cùng nhau, đồng thời. Lượng tử nghĩa là hạt và sóng cùng nhau, đồng thời. Chúng ta phải tìm ra cái tên cho điều gì đó tuyệt đối phi logic và chúng ta không có kí hiệu cho nó.
Và khi mọi người hỏi nhà khoa học, 'Các ông giải thích điều đó thế nào? - nó là phi logic,' họ nói, ‘Nó phi logic đấy nhưng nó là thế và chúng tôi không thể làm được gì cả. Chúng tôi phải nghe theo thực tại. Nếu thực tại là phi logic, thế thì cái gì đó phải sai với logic của chúng ta, có vậy thôi. Chúng ta có thể thay đổi logic, nhưng chúng ta không thể thay đổi được thực tại.'
Đó là điều đã xảy ra khi Phật vào thế giới này. Ông ấy đã đi vào cốt lõi bên trong nhất của cái gọi là cái ta, cả bạn và ông ấy cũng phân vân - phải làm gì đây? Không có cái ta, và có hoá thân. Bây giờ nếu ông ấy mà không thực là khoa học vĩ đại như vậy, và nếu ông ấy chỉ là một triết gia bình thường, thế thì ông ấy chắc đã quên rồi; ông ấy chắc đã không nói về sự kiện này chút nào - ông ấy chắc đã chọn lựa. Việc chọn lựa là đơn giản: hoặc bạn nói không có hoá thân bởi vì không có cái ta...
Đó là điều những người không tin vào linh hồn bao giờ cũng nói. Những người vô thần, charvakas, họ bao giờ cũng nói rằng không có cái ta - khi bạn chết bạn đơn giản chết, chẳng cái gì còn sống, và không có tái sinh. Điều đó là đơn giản, logic. Hay có những người theo điều vĩnh hằng, những người hữu thần, những người tin vào cái ta. Họ nói rằng bạn chết nhưng chỉ thân thể chết thôi; cái ta của bạn, trung tâm của bạn vẫn tồn tại. Linh hồn của bạn, atma của bạn vẫn còn tồn tại; nó là vĩnh hằng. Điều đó nữa cũng mang tính logic.
Phật rất phi logic và ông ấy là phi logic bởi vì sự khẳng định của ông ấy không đi ngược lại thực tại là tuyệt đối. Nhấn mạnh của ông ấy là thế này: rằng bất kì cái gì thực tại để lộ ra thì chúng ta đều phải nghe theo nó. Chúng ta không ở đây để áp đặt mộng tưởng riêng của mình lên nó. Chúng ta là ai?
Nếu đây là sự kiện, thế thì cái gì đó sai trong logic của chúng ta, trong ngôn ngữ của chúng ta, trong chính cách nghĩ của chúng ta. Chúng ta phải thay đổi điều đó chứ không phải là tránh né thực tại, trốn chạy khỏi thực tại. Cho nên ông ấy dường như là nhà tư tưởng ngớ ngẩn nhất trên thế giới, bởi vì đây là một trong những phát biểu ngớ ngẩn nhất - rằng bạn không tồn tại nhưng bạn được tái sinh.
Bạn có thể thấy điều đó một cách rõ ràng, nó là ngớ ngẩn. Nếu bạn không tồn tại, làm sao bạn có thể được tái sinh? Và ông ấy nói, 'Điều đó ta không biết. Ông không tồn tại và ông được tái sinh - điều đó thì ta biết, điều đó ta đã đi tới biết, điều đó ta đã thấy. Và nếu ông muốn thấy điều đó, thiền đi. Đi sâu hơn vào trong bản thể mình như ta đã đi vào bản thể ta và ông cũng sẽ bị phân vân, lẫn lộn rất nhiều. Nhưng dần dần ông sẽ lắng đọng với thực tại. Và thế rồi ông sẽ thay đổi toàn thể ngôn ngữ của mình.'
Phật đã thay đổi toàn thể ngôn ngữ, toàn thể phong cách triết lí. Chưa bao giờ có một con người độc đáo đến như vậy trước đây. Gần như không thể nào hiểu nổi ông ấy bởi vì ông ấy không nói theo cùng ngôn ngữ như bạn nói, và ông ấy đã đem tới những tầm nhìn mới nào đó vào trong thế giới này.
Người không tin vào linh hồn là rất cổ, chẳng có gì mới trong điều đó. Marx chẳng nói điều gì mới cả. Trong hàng nghìn năm đã từng có những người vô thần, người phủ nhận linh hồn, người phủ nhận tái sinh. Cả Mahavira lẫn Patanjali đều không nói điều gì mới, bởi vì bao giờ cũng có những người đã tin vào linh hồn và hoá thân.
Phật đang đem tới một tầm nhìn mới, rất độc đáo. Ông ấy nói: không có linh hồn và vậy mà vẫn có hoá thân. Đó là bước nhảy lượng tử.
Cho nên khi tôi nói rằng ông ấy là nhà khoa học, tôi ngụ ý điều đó. Và nếu bạn hiểu ngôn ngữ của vật lí hiện đại, bạn sẽ có khả năng hiểu Phật. Thực tế, hiểu Phật mà không hiểu vật lí hiện đại là không thể được. Lần đầu tiên, vật lí hiện đại đã đưa ra điều tương đương. Heisenberg, Planck, và Einstein, họ đã đưa ra điều tương đương. Vật chất đã biến mất; chỉ có năng lượng, không có cái ta trong nó, không có chất liệu trong nó. Và điều Phật nói là hệt như vậy: anatta, vô ngã.
'Làm sao điều này khớp được với sự kiện khoa học?' Nó khớp hoàn hảo đấy chứ. Thực tế, khi Nirgrantha hỏi làm sao nó khớp với sự kiện khoa học, ý của anh ấy về khoa học là khoa học thế kỉ thứ mười chín; anh ấy không nhận biết về khoa học hiện đại, anh ấy không nhận biết về những phát triển mới nhất. Ý của anh ấy về khoa học là rất chính thống, rất cổ hủ, lạc hậu rồi. Khoa học đã thay đổi nhiều lắm rồi.
Nếu Newton quay lại, ông ấy sẽ không có khả năng hiểu được khoa học chút nào, bởi vì khoa học đã thay đổi nhanh thế, và sáng suốt của nó đã trở thành thách đố tới mức các nhà khoa học đang nói như các nhà siêu hình, các nhà huyền môn. Bây giờ họ không nói như các nhà toán học, họ đang nói như các nhà huyền môn và nhà thơ.
'Tôi hiểu mông lung rằng có thể cái vô hình dạng vẫn còn.' Không, bạn sẽ không có khả năng hiểu được nó về mặt trí tuệ, bởi vì cái vô hình dạng của bạn sẽ lại có hình dạng nào đó. Làm sao bạn có thể quan niệm được về cái vô hình dạng? Từ này thì được, nhưng khoảnh khắc bạn cố gắng quan niệm cái vô hình dạng, lập tức nó bắt đầu lấy một hình dạng - bởi vì chỉ hình dạng mới có thể được quan niệm; cái vô hình dạng không thể được quan niệm. Nó là từ trống rỗng.
Bạn có thể cứ gọi thượng đế là vô hình dạng, nhưng bạn không thể quan niệm được điều đó. Và bất kì khi nào những người như Shankara, người nói về thượng đế vô hình dạng, đi tôn thờ, họ đều đi tôn thờ trước một hình dạng. Thế rồi họ bắt đầu ca bài Bhaj Govindam Moodhamate. Thế rồi lại có tượng, nghi lễ, thượng đế nam, thượng đế nữ, một hình dạng.
Ngay cả một người như Shankara cũng cứ nói mãi về cái vô hình dạng, vô thuộc tính - nirgun - nhưng việc tôn thờ của ông ấy, lời nguyện của ông ấy, là về sagun - có thuộc tính, có hình dạng - bởi vì không thể nào quan niệm nổi cái vô hình dạng. Việc quan niệm chỉ là về hình dạng thôi; hay về bất kì cái gì bạn có thể quan niệm, bằng chính khả năng của việc được quan niệm của nó, nó sẽ lấy một hình dạng. Cho nên đấy chỉ là một ý tưởng mông lung.
Nirgrantha nói, 'Tôi hiểu mông lung rằng có thể cái vô hình dạng vẫn còn.'
Không, đấy không phải là vấn đề hiểu mông lung đâu. Về mặt trí tuệ thì không có cách nào cả. Cách duy nhất chỉ là mang tính thiền, tính tồn tại. Bạn không hình dung ra nó qua trí tuệ, bạn đơn giản đi nhiều hơn vào thiền, mở ra chiều hướng mới cho tầm nhìn. Không ai đã nhấn mạnh vào thiền nhiều như Phật. Toàn thể phương pháp của ông ấy là thiền.
Và thiền là gì? Thiền là dần dần trở nên vô ý nghĩ; không rơi vào giấc ngủ - vẫn còn tỉnh táo và vậy mà trở nên vô ý nghĩ. Một khi ý nghĩ biến mất, mọi thứ đều trong như pha lê - rằng người nghĩ chỉ là sản phẩm phụ của các ý nghĩ di chuyển. Nó là một đống các ý nghĩ và không gì khác. Nó không có sự tồn tại tách biệt.
Thế rồi bạn bước đi, nhưng người bước lại không có đó nữa; thế rồi bạn ăn, nhưng người ăn không còn có đó nữa; thế rồi bạn ngủ, nhưng người ngủ không còn có đó nữa; thế rồi bạn sống, nhưng không có ai đang sống cả; thế rồi bạn chết, và không có ai đang chết cả.
Bạn chỉ là không gian thuần khiết trong đó hàng triệu quá trình tồn tại, trong đó cuộc sống tuôn chảy với tất cả những quá trình của nó và bạn vẫn còn không bị biến chất bởi nó. Bạn giống như bầu trời mở... mây tới và đi.
Một trong những cái tên hay nhất được đặt cho Phật là Như Lai - Tathagata. Nó có nghĩa là 'tới vậy, đi vậy'. Không có người nào tới và không có người nào đi cả - chỉ việc tới và việc đi thôi. Đó là nghĩa của Tathagata - chỉ là quá trình tới và quá trình đi; không có người nào đã tới và không có người nào đã đi.
Các Thiền sư bao giờ cũng nói rằng người này chưa bao giờ tồn tại cả, người có tên là Phật Gautam chưa bao giờ tồn tại cả. Vâng, ông ấy chắc chắn đã tới, và ông ấy cũng đã đi, nhưng ông ấy chưa bao giờ tồn tại. Điều đó cũng giống như quá trình mơ. Giấc mơ tới và đi và đến sáng bạn biết nó chưa bao giờ tồn tại cả.
Một khi bạn hiểu bản thân mình như không gian thuần khiết và nhiều điều xảy ra, bạn trở thành tách rời. Thế thì bạn trở thành vô sợ hãi, bởi vì không có gì để mất cả, không có ai để mất cái gì cả. Thế thì bạn không còn đầy những thèm khát cuộc sống, bởi vì bạn không quan niệm về cái ta nào. Thế thì bạn không sợ chết và bạn không trong thèm khát cuộc sống. Thế thì bạn không nghĩ về quá khứ và thế thì bạn không phóng chiếu tương lai. Thế thì bạn đơn giản hiện hữu - thuần khiết như bầu trời bao la bên ngoài; bạn cũng trở thành bầu trời thuần khiết bên trong. Và sự gặp gỡ của hai bầu trời này, cái bên trong và cái bên ngoài, là điều Phật gọi là niết bàn.
'Tôi hiểu mông lung rằng có thể cái vô hình dạng vẫn còn, nhưng cái đó có một thực thể cá nhân không?'
Không, nó không có thực thể cá nhân nào cả.
'Cùng con sóng đó không được tái sinh.' Đúng. Thực tế, nếu bạn quan sát kĩ hơn - đi tới dòng sông hay đại dương và quan sát sóng; bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy cái gì đó mới mẻ mà bạn chưa bao giờ nghĩ tới trước đây. Khi bạn thấy một con sóng xô tới mình, chẳng cái gì tới cả, sóng chưa bao giờ đi tới bạn. Bạn thấy nó chuyển động về phía bạn; nó không chuyển động đâu. Con sóng này đơn giản giúp con sóng kia dâng lên bên cạnh. Con sóng kia giúp con sóng khác dâng lên. Nhưng điều đó xảy ra nhanh tới mức nó tạo ra ảo giác, ảo tưởng - bạn nghĩ cùng con sóng đang đi tới bạn. Chẳng cái gì đi tới bạn cả.
Khi con sóng này nảy sinh, bởi tác động của con sóng đó mà con sóng khác nảy sinh; chỉ trong lân cận gần gũi, là con sóng khác. Bởi lực của con sóng thứ nhất, có con sóng thứ hai; bởi lực của con sóng thứ hai, có con sóng thứ ba; bởi lực của con sóng thứ ba, có con sóng thứ tư - đó là cách thức sóng nảy sinh. Nhưng chúng cho ảo tưởng cứ dường như cùng một con sóng đang đi tới bạn. Chúng chưa bao giờ tới cả. Khi bạn thấy một con sóng nảy sinh ở phía xa trên đường chân trời, nó vẫn còn ở đó; nó chưa bao giờ tới bạn cả.
Điều đó có thể xảy ra: bạn có thể thả một mẩu gỗ ở ngay giữa dòng sông: mẩu gỗ đó sẽ đi tới bạn, nhưng đừng bị lừa dối bởi điều đó - sóng không tới đâu. Khi con sóng này đi lên cao, mẩu gỗ đó chuyển sang con sóng khác; con sóng khác đi lên cao, nó đi cùng con sóng thứ ba. Với các con sóng lên cao và xuống thấp mẩu gỗ đi tới bờ, nhưng sóng chẳng bao giờ tới. Đây là sự kiện khoa học. Chúng chỉ có vẻ là đang tới thôi.
Đúng, chính xác, đó là điều Phật đang nói. 'Cùng con sóng đó không được tái sinh.' Ông ấy không nói bạn sẽ được tái sinh, ông ấy đơn giản nói có việc tái sinh.
Nhưng theo một cách nào đó chúng ta có thể nói bạn sẽ được sinh ra, bởi vì nó sẽ là sự liên tục. Cùng con sóng đó: sóng A tạo ra sóng B, sóng B tạo ra sóng C - nó là sự liên tục; sự liên tục là từ đúng. Điều đó nữa cũng tới từ vật lí hiện đại: sự liên tục.
Phật gọi nó là santati. Cũng như đứa trẻ được sinh ra cho bạn: nó là bạn theo cách nào đó, và vậy mà lại không phải là bạn, không toàn bộ là bạn. Nó sẽ có cá tính riêng của mình, nhưng bạn tạo ra con sóng. Chính năng lượng của người cha và người mẹ tạo ra con sóng mới. Con sóng này sẽ đi - người cha có thể chết, người mẹ có thể chết - con sóng này sẽ tiếp tục, và con sóng này sẽ tạo ra con sóng khác theo cách riêng của nó, vào thời riêng của nó.
Santati, sự liên tục. Bạn không được sinh ra, chỉ ham muốn của bạn là lại được sinh ra lần nữa; bởi vì bạn không hiện hữu, cho nên bạn không thể được sinh ra. Do đó, Phật nói, nếu bạn vứt bỏ việc ham muốn bạn sẽ không bao giờ được sinh ra nữa. Do đó, nếu bạn hiểu toàn thể cái vô tích sự của ham muốn và bạn dừng việc ham muốn, bạn vứt bỏ việc ham muốn, thế thì sẽ không có việc sinh cho bạn.
Thế thì, đầu tiên bạn trở thành một dự lưu, bạn đi vào trong dòng chảy, bạn bắt đầu hiểu cách mọi sự đang đấy, mọi thứ là gì: cuộc sống diễn ra mà không có cái ta. Đây là điều ông ấy ngụ ý bởi việc trở thành một dự lưu, đi vào dòng chảy: đi vào trong ý tưởng về dòng chảy - rằng cuộc sống cũng tựa như dòng sông, không tĩnh tại mà năng động; không có vật mà chỉ có các biến cố; thuyết động lực học, một hiện tượng năng lượng.
Thế rồi, dần dần, khi bạn đi sâu hơn vào trong luồng chảy này bạn trở thành một nhất hoàn - bạn sẽ được sinh ra chỉ một lần nữa thôi. Bạn hiểu, nhưng dầu vậy việc hiểu của bạn là không toàn bộ. Thế thì bạn trở thành một bất hoàn - bạn sẽ không được sinh ra lần nữa. Bạn đã hiểu toàn thể hiện tượng này. Trong chính việc hiểu đó bạn được giải thoát.
Bằng việc trở nên có khả năng không được sinh ra nữa, bạn trở thành một a la hán - người đã đạt tới, người đã về tới. Bây giờ tôi đang dùng ngôn ngữ không phải của Phật giáo, cho nên hãy nhận biết. Tôi phải dùng ngôn ngữ không phải của Phật giáo, cho nên tôi dùng các thuật ngữ - tôi nói, 'người đã đạt tới'. Bây giờ, không có cách nào khác để nói điều đó, nhưng bạn phải hiểu: khi tôi nói 'người đã đạt tới', thì không có 'người', chỉ có 'đạt tới'... chỉ có 'việc đạt tới', thậm chí không có 'sự đạt tới'.
Tầm nhìn của Phật là rất mang tính tồn tại và không có gì mang tính giải thoát như tầm nhìn của Phật. Bởi vì nếu bạn tin vào linh hồn thì bạn có thể bỏ lại thế giới này, nhưng thế thì bạn sẽ ham muốn thiên đường - bởi vì bạn không bỏ lại cái ta của mình. Ham muốn dịch chuyển vào chiều hướng mới. Bạn vứt bỏ tham lam, nhưng thực sự bạn không vứt bỏ nó - tham lam tinh vi nảy sinh.
Nhìn thiên đường của người Mô ha mét giáo hay người Ki tô giáo hay người Hindu giáo mà xem. Nó trông trần tục thế, báng bổ thế. Bởi vì bất kì cái gì những tôn giáo này đang bảo bạn vứt bỏ ở đây, thì lại được cung cấp ở đó, và với khối lượng dồi dào. Họ nói, 'Đừng uống rượu!' và trong thiên đường của người Mô ha mét giáo, firdaus, sông rượu lại có đó. Không có nhu cầu mua hay tậu, không có nhu cầu mang giấy phép; bạn chỉ có việc nhảy vào thôi. Bạn có thể tắm, bạn có thể bơi. Bây giờ, đây là cái gì?
Trong các quốc gia Hồi giáo, đồng dục đã từng rất phổ biến, cho nên ngay cả điều đó cũng được chu cấp. Không chỉ đàn bà đẹp có đó, mà cả con trai đẹp cũng được cung cấp. Bây giờ điều này có vẻ xấu, nhưng đấy là tâm trí người thường mà...
Bầt kì cái gì bạn đang vứt bỏ ở đây, bạn đang vứt bỏ chỉ để được nhiều hơn - đây là logic đó.
Đàn bà đẹp - apsaras người Hindus gọi họ vậy, hoors người Hồi giáo gọi họ vậy... và không chỉ hoors mà còn gilmes, con trai đẹp, con trai điển trai cũng có sẵn, bởi vì vài người đồng dục sẽ tới; họ sẽ làm gì?
Phật nói chừng nào bạn còn chưa vứt bỏ cái ta, bạn sẽ cứ duy trì mãi cùng cái điều vô nghĩa lặp đi lặp lại. Cõi trời của bạn sẽ chẳng là gì ngoài thế giới này được phóng chiếu - vẫn cùng thế giới này nhưng được sửa đổi đi, được làm cho đẹp hơn, được trang trí hơn. Ở đây trên trái đất này đàn bà đều phải già đi, trở nên già đi. Trong thiên đường, trong thiên đường của người Hindu, họ chẳng bao giờ trở nên già; họ bị kẹt lại ở tuổi mười sáu. Họ phải cảm thấy rất chán ngán - ở tuổi mười sáu; họ chẳng bao giờ lớn lên ra ngoài điều đó.
Thực tế, đó là ham muốn của mọi đàn bà - được kẹt lại ở tuổi mười sáu. Điều đó chẳng bao giờ xảy ra ở đây cả, nhưng ở kia... Sau mười sáu tuổi đàn bà lớn lên rất miễn cưỡng: trong ba, bốn năm, chỉ một lần ngày sinh của họ tới. Rất miễn cưỡng... Nhưng đó đã là ham muốn đấy - làm cho cái đẹp thành vĩnh viễn.
Ở đây điều đó là không thể được. Ngay cả với mọi thứ đồ vật khoa học, dụng cụ, phương pháp làm đẹp, phẫu thuật tạo hình, thế này thế nọ, ngay cả thế thì điều đó vẫn không thể được. Người ta phải già đi. Trong thiên đường - Hindu giáo, Mô ha mét giáo, Ki tô giáo, Do Thái giáo - phép màu đó đã xảy ra: thượng đế đã chuẩn bị vườn cõi trời có tường bao cho bạn rồi. Ông ấy đang đợi. Nếu bạn đức hạnh, nếu bạn vâng lời ông ấy, bạn sẽ được thưởng nhiều vô cùng; nếu bạn không vâng lời, thế thì có địa ngục.
Cho nên cái ta tồn tại ở đây như trung tâm của ham muốn và thượng đế tồn tại như trung tâm của việc đáp ứng cho ham muốn đó. Phật nói cả hai đều không có, bỏ cả hai đi; thượng đế không có mà cái ta cũng không có. Nhìn vào thực tại, đừng đi vào trong ham muốn. Vứt những tưởng tượng đi, chấm dứt việc mơ và nhìn vào cái đang đấy. Và ông ấy nói chỉ có thế giới vô thường này của các quá trình mà thôi - thế giới tựa như luồng chảy này, cơn lốc xoáy của thực tại... mọi thứ đều vô thường và thay đổi, chẳng cái gì thường hằng cả.
Đó là nghĩa của nhấn mạnh của ông ấy rằng không có cái ta, bởi vì bạn đang cố gắng làm cho cái gì đó trong bạn thành thường hằng. Bạn nói, thân thể thay đổi, được; thế giới này thay đổi, được. Mối quan hệ thay đổi, trở nên mục ruỗng, được thôi - nhưng cái ta, cái ta là vĩnh hằng. Vâng, thế giới thấy được này thay đổi - nhưng thượng đế vô hình, ông ấy là vĩnh hằng. Bạn muốn cái gì đó vĩnh hằng một cách liều lĩnh tới mức bạn bắt đầu tin vào nó. Chính ham muốn của bạn là cái vĩnh hằng phải có đó.
Phật nói không có gì vĩnh hằng cả. Mọi thứ đều vô thường, mọi thứ đều trong luồng chảy. Hiểu điều này, và chính hiểu biết này sẽ giải thoát bạn.
Nhớ lấy, khi người khác nói về giải thoát, họ nói về giải thoát vì cái ta. Khi Phật nói về giải thoát, ông ấy nói về giải thoát khỏi cái ta. Và đó là quan điểm triệt để vô cùng. Không phải là bạn sẽ được giải thoát, mà bạn được giải thoát khỏi bạn.
Tự do duy nhất mà Phật nói là tự do thực khỏi bạn. Bằng không tâm trí bạn sẽ cứ chơi trò chơi. Nó sẽ cứ vẽ ra những ham muốn mới trên vải vẽ mới. Chẳng cái gì sẽ thay đổi cả. Vải vẽ bạn có thể thay đổi được. Bạn có thể trốn khỏi bãi chợ và ngồi trong đền chùa - chẳng cái gì sẽ thay đổi, tâm trí bạn sẽ phóng chiếu cùng những ham muốn đó lên trời và thiên đường.
Nhìn vào tâm trí này. Nhìn vào ham muốn của nó. Quan sát, trở nên nhận biết đi. Tôi sẽ phải nhắc nhở bạn lặp đi lặp lại, bởi vì tôi đang nói trong ngôn ngữ phi Phật giáo. Cho nên khi Phật nói trở nên nhận biết, ông ấy ngụ ý: là việc nhận biết. Không có ai để trở nên nhận biết cả, chỉ có việc nhận biết.
Vâng, bạn sẽ không bao giờ được sinh ra lần nữa đâu, nhưng nếu bạn còn mang ý tưởng rằng bạn có, thế thì bạn sẽ vẫn còn trong sự liên tục đấy. Nếu bạn vứt bỏ ý tưởng về cái ta, sự liên tục biến mất; bạn bay hơi.
Đó chính là niết bàn là gì. Cũng như bạn thổi tắt đèn và ánh sáng dừng lại, biến mất, bạn tắt tâm trí ham muốn của mình đi và tất cả mọi khổ, và tất cả mọi luân hồi, và mọi đau khổ, đều dừng lại. Bỗng nhiên, bạn không có đó.
Nhưng điều đó không có nghĩa là không có gì cả, bằng không thì sẽ chẳng có gì khác biệt giữa một charvak và một Phật tử, thế thì sẽ không có gì khác biệt giữa người vô thần và Phật. Có khác biệt vô cùng đấy. Ông ấy nói bạn dừng lại và lần đầu tiên thực tại tiếp quản. Nhưng ông ấy không bao giờ cho nó cái tên nào, bởi vì việc đặt tên là không thể được - đặt tên cho nó là làm sai nó đi. Nói nó ra là làm không thật nó rồi. Ông ấy giữ im lặng, tuyệt đối im lặng về điều đó. Ông ấy chỉ ra cách thức để kinh nghiệm nó. Ông ấy không thêu và dệt triết lí quanh nó.
Câu hỏi thứ hai
Thầy đã nói cho chúng tôi nhiều lần: vị kỉ đi. Vị kỉ là gì vậy?
Vứt bỏ cái ngã đi. Bởi vì đó là điều đẹp nhất có thể xảy ra cho bạn. Đó sẽ là hài lòng lớn lao nhất có thể tới với bạn.
Vứt bỏ cái ngã đi, nếu bạn thực sự vị kỉ. Nếu bạn thực sự muốn là phúc lạc, vứt bỏ cái ngã đi - bởi vì cái ngã đang tạo ra đủ mọi khổ của bạn và mọi địa ngục của bạn.
Khó đấy, bởi vì điều đó cũng tựa như điều ngược đời. Nhưng bạn có quan sát không? Mọi khổ tới bạn bởi vì cái ngã của bạn, bởi vì bản ngã của bạn. Bạn cứ bị tổn thương lặp đi lặp lại, bạn đau khổ nhiều bởi vì bản ngã. Nó giống như vết thương bao giờ cũng còn đau, và bất kì cái gì, ngay cả một cơn gió thoảng, một cơn gió mát, cũng làm đau bạn. Ai đó mỉm cười và điều đó gây đau, ai đó cười to và điều đó gây đau, ai đó đang đi theo cách của mình, có thể bị lạc trong ý nghĩ riêng của người đó, không nhìn vào bạn, và thế thì điều đó gây đau.
Mulla Nasruddin nói với vợ mình, 'Đừng làm anh bực mình thêm nữa! Em đang chọc giận anh đấy!' Và anh ta thực sự phát điên.
Chị vợ nói, 'Nhưng em có nói gì đâu. Em làm việc của em mà.'
Mulla nói, 'Đấy là lí do tại sao. Em cứ im lặng thế, điều đó gây bực mình. Vì Chúa, em nói điều gì đó đi!'
Bây giờ, nếu bạn giữ im lặng, thế nữa ai đó cũng có thể bị bực mình. Nếu bạn nói, thế thì có rắc rối. Bản ngã sẵn sàng bị tổn thương; nó sẽ tìm cách thức và phương tiện để bị tổn thương. Cho nên người sống với bản ngã, với cái ngã, không thực sự là người vị kỉ đâu, người đó là người ngu. Bởi vì người đó chỉ đau khổ. Đây là cái kiểu vị kỉ phi vị kỉ gì vậy, nếu bạn chỉ đau khổ?
Tôi chỉ cho bạn cách thức: vứt bỏ bản ngã đi. Quên hết về bản ngã đi. Hiện hữu dường như bạn không có, tồn tại như cái trống rỗng, và nhìn xem - hàng triệu kinh nghiệm đẹp trở thành sẵn có cho bạn. Mọi thứ đều trở thành kinh nghiệm sâu sắc, thoả mãn. Mọi thứ đều đem tới món quà, ân huệ. Mọi thứ đều trở thành phúc lành.
Bản ngã bao giờ cũng mong đợi và do đó bao giờ cũng bị thất vọng. Người không bản ngã không mong đợi điều gì, do đó mọi thứ đều đáp ứng; bất kì cái gì xảy ra đều rất tốt, bất kì cái gì xảy ra đều vô cùng trọng đại. Ngay cả người đó bắt gặp một bông hoa cỏ nhỏ, người đó cũng bị thôi miên bởi nó. 'Bông hoa đẹp thế! Mà mình chưa làm được gì cả, mình không xứng với nó, và nó có đó chỉ để chờ đợi mình.' Chỉ nhìn lên trời thôi, và người đó được đáp ứng. Chỉ nghe chim chóc thôi, và bài ca vĩ đại nảy sinh trong tim người đó. Thế thì mọi thứ đều đáp ứng cho người đó.
Nhớ lấy, thất vọng bắt nguồn từ mong đợi, và bản ngã bao giờ cũng mong đợi. Bản ngã là kẻ ăn xin.
Tôi đã nghe một câu chuyện Sufi hay.
Một người ăn xin tới gặp hoàng đế và người ăn xin nói, 'Nếu bệ hạ định cho ta bất kì cái gì thì có một điều kiện đấy.' Hoàng đế đã gặp nhiều người ăn xin - nhưng người ăn xin với điều kiện sao? Và người ăn xin này mới thực sự kì lạ, một người rất mạnh mẽ. Ông ta là nhà huyền môn Sufi. Ông ta có duyên dáng, sức lôi cuốn, cá tính của ông ta có hào quang. Ngay cả hoàng đế cũng cảm thấy chút ít ghen tị. Và điều kiện sao?!
Hoàng đế nói, 'Ông ngụ ý gì? Ông ngụ ý gì bởi điều kiện của ông?'
Người ăn xin nói, 'Đây là điều kiện của ta: ta chỉ chấp nhận nếu bệ hạ có thể rót đầy bình bát ăn xin của ta một cách tuyệt đối.'
Đó là cái bình bát ăn xin nhỏ. Nhà vua nói, 'Ông cho ta là cái gì vậy? Ta là kẻ ăn xin sao? Ta không thể rót đầy cái bình bát ăn xin nhỏ bé bẩn thỉu này sao?'
Người ăn xin nói, 'Cứ phải nói trước với bệ hạ thì tốt hơn, bởi vì về sau bệ hạ có thể lâm vào rắc rối. Nếu bệ hạ cho rằng bệ hạ có thể rót đầy, thì rót đi.'
Nhà vua gọi viên tể tướng tới và bảo ông ta rót đầy nó bằng đá quí: bằng kim cương và ngọc bích, ngọc lục. Để cho người ăn xin này biết anh ta đang nói với ai! Nhưng thế rồi có khó khăn. Bình bát được rót vào nhưng nhà vua ngạc nhiên - khi viên đá quí rơi vào trong nó, đá biến mất. Nó được đổ vào nhiều lần và lần nào nó cũng lại thành trống rỗng. Bây giờ nhà vua bắt đầu khùng, nhưng ông ta bảo tể tướng, 'Cho dù toàn thể vương quốc của ta có mất đi, nếu tất cả các kho bạc của ta có bị trống rỗng, thì cứ để chúng như vậy đi - nhưng ta không thể cho phép kẻ ăn xin này đánh bại ta. Điều này là quá đáng.'
Và tất cả các kho bạc, chuyện kể rằng, đều biến mất. Dần dần nhà vua trở thành kẻ ăn xin. Điều đó phải mất nhiều tháng. Và người ăn xin vẫn có đó và nhà vua có đó và toàn thể kinh đô có đó và mọi người đều tự hỏi cái gì đã xảy ra, cái gì sẽ xảy ra vào lúc cuối. Mọi thứ đơn giản biến mất.
Cuối cùng nhà vua phải sụp xuống dưới chân người ăn xin và nhà vua nói, 'Tha thứ cho ta, nhưng trước khi ông ra đi, nói cho ta một điều. Bí mật của chiếc bình bát này là gì? Tất cả đều biến mất trong nó.'
Người ăn xin bắt đầu cười to. Ông ta nói, 'Nó được làm bằng bản ngã con người đấy. Ta đã làm ra bình bát ăn xin này bằng bản ngã của con người: mọi thứ đều biến mất trong nó, chẳng cái gì đã bao giờ hoàn thành nó cả.'
Đó là câu chuyện cực kì hay. Đó là điều đang xảy ra cho bạn. Nó không phải là câu chuyện, nó là cuộc sống của bạn. Bạn cứ cho vào trong bình bát ăn xin của mình nào nhà cửa, xe cộ, số dư ngân hàng - mọi thứ đều biến mất. Bạn lại trống rỗng. Chẳng bao giờ có thoả mãn nào, chẳng bao giờ có mãn nguyện nào. Bạn lại ăn xin. Bạn đã từng làm điều đó trong nhiều kiếp. Đó là câu chuyện của bạn. Nó đúng về từng câu chữ, nó không chỉ là đúng về mặt biểu tượng đâu. Nó là chân lí trong cuộc sống của mọi người, trong cuộc sống của mọi con người.
Chúng ta vẫn còn là kẻ ăn xin. Bình bắt ăn xin vẫn còn trống rỗng. Dường như nó là cái bình không đáy. Bạn thả vào trong nó bất kì cái gì, cái đó đơn giản biến mất.
Bản ngã không bao giờ được thoả mãn. Cho nên người bản ngã là người rất không vị kỉ. Nhớ lấy điều ngược đời này: người bản ngã là người rất không vị kỉ, bởi vì người đó không bao giờ được thoả mãn. Người vô bản ngã là người rất vị kỉ bởi vì người đó được thoả mãn. Người đó đạt tới phúc lạc.
Câu hỏi thứ ba
Hàng ngày thầy đều tới với tay khoanh lại, mỉm cười, và cùng cách đó thầy quay về sau bài nói. Ý nghĩa của cử chỉ này là gì vậy?
Tôi nói, tới mỉm cười, đi mỉm cười. Đó là ý nghĩa của như lai - tathagata: vậy tới, vậy đi. Để việc tới và đi này chỉ là nụ cười, không gì bản chất hơn nụ cười. Nụ cười là điều phi bản chất nhất trên thế giới. Bạn không thể bắt giữ được nó; nó tuột đi, nó lảng tránh, không thể nói ra được. Để cuộc sống của bạn chỉ là nụ cười. Tới mỉm cười, đi mỉm cười.
Và, tất nhiên, khoanh tay, bằng không thì ai đó có thể bị tổn thương. Nếu bạn mỉm cười mà tay không khoanh lại, bản ngã của ai đó có thể bị tổn thương. Người đó có thể nói, 'Anh ngụ ý gì vậy? Cười tôi sao?' Cho nên chỉ để bảo vệ để khỏi có bất kì hiểu lầm nào...
Nhưng đừng cố gắng làm cho nó thành cử chỉ trống rỗng, bởi vì nụ cười giả dối là một trong những điều nguy hiểm nhất để học. Đừng bao giờ cười giả dối, bởi vì một khi bạn bắt đầu mỉm cười giả dối, bạn sẽ quên mất cách mỉm cười chân thực. Đừng bao giờ làm biến chất nụ cười của bạn. Bằng không nó chỉ là việc giả vờ, và là việc giả vờ rất nguy hiểm; không chỉ bạn đang lừa dối người khác, bạn có thể tự lừa chính bản thân mình.
Để nụ cười của bạn bắt nguồn từ trống rỗng bên trong của bạn, để cho nó tới từ chính cốt lõi của cái vô ngã của bạn và lan toả khắp xung quanh bạn. Để cho nó giống như bông hoa tới từ chính gốc rễ, nhựa cây chạy từ rễ tới chính đỉnh và hoa. Để cho nụ cười của bạn tới từ chính cốt lõi tồn tại đích thực của bạn. Nó không nên được tô vẽ.
Tôi đã nghe:
Mới đây một người Do Thái mộ đạo và cao tuổi đã làm cho con mình ngạc nhiên. Họ nghĩ ông ấy đã cải đạo sang Ki tô giáo, bởi vì ông ấy dường như làm dấu chữ thập trên mình mọi lúc ông ấy rời khỏi nhà.
'Vớ vẩn!' ông ấy nói khi họ giáp mặt ông ấy. 'Tao chạm bên phải để chắc tao vẫn có kính, và chạm bên trái để chắc tao vẫn có khăn mùi soa. Tao đưa tay lên đầu để chắc mũ tao vẫn trên đầu, và tao chạm cúc áo để chắc nó đã được cài.'
Dấu chữ thập của bạn có thể giống như điều đó. Nụ cười của bạn cũng có thể giống như điều đó. Đừng bao giờ làm những cử chỉ vô tích sự. Chân thực vào. Ngay cả nỗi buồn chân thực cũng còn tốt hơn nụ cười giả dối - ít nhất nó cũng còn thực. Nước mắt thực còn tốt hơn tiếng cười không thực - ít nhất nó cũng thực, chân thực, nó giúp bạn trưởng thành. Người ta trưởng thành qua chân thực.
Cho nên tôi không nói học mỉm cười, tôi nói đạt tới mỉm cười. Tôi không nói học, tôi nói đạt tới, vươn tới mỉm cười.
Câu hỏi thứ tư
Đôi lúc tôi cảm thấy giống như cừu, đôi lúc giống như cáo, thỉnh thoảng lại giống đệ tử hơn. Có phải yêu hay hiểu biết làm biến đổi người ta thành đệ tử không?
Đó là một quan sát đúng. Đó là cách mọi người đang vậy. Câu hỏi này là từ Prem Asheesh. Đó là một quan sát đích thực. Đó là cách mọi sự đang vậy.
'Đôi lúc tôi cảm thấy giống như cừu...' Và nếu bạn giống như cừu, bạn không thể là đệ tử được. Tất nhiên nhiều cừu nghĩ rằng họ là đệ tử. Nếu điều đó chỉ là vì nỗi sợ rằng bạn theo tôi, thì bạn theo nỗi sợ của mình đó, bạn không theo tôi đâu. Tôi không ở đây để làm ra cừu từ bạn. Xã hội, các chính khách, các tu sĩ đã gây đủ tai hại rồi - không cần thêm nữa. Bạn đã bị rút gọn thành kẻ hèn nhát từ nhiều thế kỉ; mọi người đều đã có đó ép buộc bạn phải là kẻ hèn nhát. Mọi người đều buộc bạn đi vào sự tồn tại đáng sợ; bạn bao giờ cũng run rẩy.
Tôi ở đây để giúp bạn vứt bỏ run rẩy này. Không có gì phải sợ cả bởi vì không có gì để mất cả. Không có gì phải sợ ngay cả với cái chết, bởi vì không có ai để chết. Không thiệt hại nào có thể bị gây cho bạn được. Một khi bạn hiểu điều này, cừu biến mất. Cừu có thể là tín đồ nhưng không thể là đệ tử được.
Và tín đồ thì không nhất thiết là đệ tử. Tín đồ chỉ đang tìm cách thức và phương tiện để bảo vệ bản thân mình, để được an toàn. Tín đồ đang cố gắng đổ trách nhiệm lên vai ai đó khác. Tín đồ đơn giản cố gắng tìm ra một nhóm mà người đó có thể bị mất hút và nỗi sợ riêng của người đó không còn đó nữa, nơi người đó không một mình. Người đó đơn giản tìm kiếm bạn đồng hành. Người đó không thể một mình được, người đó sợ một mình. Người đó không thể tin cậy được vào bản thân mình. Tín đồ là người không thể tin cậy được vào bản thân mình.
Đệ tử là người tin cậy vào bản thân mình. Từ tin cậy của mình người đó đi tới học từ ai đó, người đã đi xa hơn bản thân người này chút ít. Người đó không phải là tín đồ, người đó không phải là kẻ bắt chước và người đó không tìm kiếm an ninh - người đó tìm kiếm hiểu biết. Cho dù hiểu biết đó đem tới nhiều bất an hơn, người đó vẫn sẵn sàng cho nó.
Tín đồ không bao giờ sẵn sàng cho bất an cả; người đó tới guru, tới thầy, để tìm sự bảo vệ, chỗ trú ngụ, để ẩn nấp đằng sau thầy. Người đó đi tìm kiếm hình ảnh người bố.
Đệ tử đi tìm thầy, không phải hình ảnh người bố. Đệ tử muốn học cuộc sống là gì. Cho dù cuộc sống là bất an, người đó vẫn sẵn sàng học. Cho dù cuộc sống hàm ý cái chết, người đó vẫn sẵn sàng học.
Tín đồ chỉ muốn có bản đồ. Đệ tử muốn đi tiếp cuộc phiêu lưu. Đệ tử không lo nghĩ về bản đồ, người đó đơn giản muốn thách thức. 'Thách thức tôi đi!' đệ tử nói. 'Kéo tôi ra khỏi trạng thái ngẩn ngơ,' đệ tử nói. 'Đưa tôi vào cuộc mạo hiểm,' đệ tử nói. Tín đồ nói, 'Bảo vệ con, đừng bao giờ để con một mình. Không có thầy con bị lạc. Đừng bảo con đi đâu! Để con nấp sau lưng thầy.'
Nhớ lấy, đệ tử là người tìm kiếm, tín đồ đơn giản ốm yếu với sợ hãi.
'Đôi lúc tôi cảm thấy giống như cừu...'
Đấy là những lúc bạn không thể là đệ tử được, ít nhất cũng không đối với tôi.
'Đôi lúc tôi cảm thấy giống như cáo.' Vâng, cáo cũng không thể là đệ tử được. Cáo là anh chàng rất tinh ranh, tính toán, hợp lí hoá. Tâm trí cáo bao giờ cũng trong tìm kiếm nhiều thông tin hơn, nhiều tri thức hơn - không nhiều hiểu biết hơn. Tâm trí cáo tóm giữ bất kì cái gì có thể được bắt giữ từ mọi nguồn để cho nó trở nên thông thái hơn. Bởi vì tri thức đem tới sức mạnh.
Cáo đang tìm kiếm quyền lực. Cừu đang tìm kiếm người mạnh mẽ người có thể bảo vệ, còn cáo đang tìm kiếm quyền lực. Cáo giả vờ là cừu nhiều lần chỉ để tóm bắt thêm chút ít từ ai đó, nhưng sâu bên dưới cáo đang học chỉ mỗi việc trở nên ngày một bản ngã hơn.
Có những người đi tới thầy chỉ để trở thành thầy chẳng chóng thì chầy - đó là mục đích duy nhất của họ. Họ không đi tới để học; thực tế, sâu bên dưới họ đã tới để dạy. Họ học một cách miễn cưỡng, bởi vì khó mà dạy nếu không học.
Cáo là quá tinh ranh đến mức không khiêm tốn được. Cáo quá tinh ranh và thông thái và tính toán để đi vào mối quan hệ sâu hơn với thầy, để đi vào trong tình yêu. Cừu không thể là đệ tử được bởi vì cừu sợ hãi quá nhiều; cáo không thể là đệ tử được bởi vì cáo sâu bên dưới là đang trong cuộc hành trình quyền lực.
Nhưng cả hai điều này đều có đó. Và Asheesh đã thực sự quan sát nó một cách đúng đắn, đích xác đúng đắn.
'Đôi lúc tôi cảm thấy giống như cừu, đôi lúc giống như cáo, thỉnh thoảng lại giống đệ tử hơn.'
Kì diệu là những khoảnh khắc bạn cảm thấy giống đệ tử. Nuôi dưỡng chúng. Những khoảnh khắc đó phải được nuôi dưỡng ngày một nhiều hơn, để cho dần dần chúng tới với bạn ngày một nhiều hơn, chúng xảy ra cho bạn ngày một nhiều hơn. Buông xuôi cả cừu lẫn cáo của bạn cho những khoảnh khắc hiếm hoi khi bạn là đệ tử.
Đệ tử không sợ hãi, không tìm kiếm quyền lực. Đệ tử đi tìm việc biết cuộc sống này là gì. Người đó không muốn chinh phục, người đó không muốn chứng minh bản thân mình trong thế giới rằng mình là ai đó, người đó đơn giản muốn biết, 'Tôi là ai?' Người đó không quan tâm theo bất kì cách nào vào việc chứng minh, người đó đơn giản muốn biết, 'Bí ẩn này đang xảy ra quanh tôi là cái gì vậy?' Người đó hỏi trong khiêm tốn sâu sắc.
Chất vấn của người đó không từ tò mò, chất vấn của người đó không chỉ là truy tìm, chất vấn của người đó là chất vấn của người tìm kiếm đích thực, mộtmumukshu. Chất vấn của người đó là mumuksha - ham muốn đam mê để biết cuộc sống là gì. Đệ tử là người trong tình yêu đam mê với cuộc sống và muốn biết cuộc sống này là gì, muốn đi vào trong bí ẩn này.
'Có phải tình yêu hay hiểu biết làm biến đổi người ta thành đệ tử không?' Một mình tình yêu sẽ không làm bạn thành đệ tử đâu. Hiểu biết một mình cũng sẽ không làm bạn thành đệ tử. Chính yêu hiểu mới làm cho bạn thành đệ tử. Nếu bạn đơn giản hiểu tôi, bạn sẽ vẫn còn xa xăm; sẽ có khoảng cách, bởi vì sẽ không có cây cầu nào. Không có tình yêu thì không có cây cầu. Bạn sẽ hiểu, nhưng việc hiểu của bạn sẽ vẫn còn khô khan. Bạn sẽ không được nối với tôi; tôi sẽ không tuôn chảy trong bạn, bạn sẽ không cho phép tuôn chảy của tôi, bạn sẽ không cho phép tôi làm ngập lụt bạn, biến đổi bạn. Bạn sẽ vẫn còn tách rời, toán học.
Và chỉ tình yêu một mình sẽ không ích gì, bởi vì tình yêu hạnh phúc tới mức nó quên mất hiểu biết. Tình yêu mở hội vui thế, nó quên mất hiểu biết. Nó tham gia vào tình yêu nhiều tới mức không có tách rời để hiểu biết.
Hiểu biết với thầy xảy ra chỉ khi bạn đủ tách rời để hiểu biết, và vậy mà vẫn đủ quan hệ để hiểu. Cây cầu tồn tại: tôi gọi nó là yêu hiểu. Thế thì bạn tham gia cùng tôi, thế thì bạn xúc động cùng tôi - nhưng xúc động đó không nhấn chìm bạn, xúc động đó không làm cho bạn thành người say. Bạn uống tôi thật nhiều như bạn có thể, nhưng dầu vậy bạn vẫn còn tỉnh táo, nhận biết; bạn không bị mất hút trong nó.
Đó là trạng thái rất ngược đời - yêu hiểu. Thế thì bạn trong tham gia sâu sắc cùng tôi, và vậy mà bạn vẫn còn tách biệt; bạn là một với tôi và vậy mà bạn vẫn còn tách biệt. Chỉ thế, và chỉ thế bạn mới trở thành đệ tử.
Câu hỏi thứ năm
Khác biệt giữa mẹ đẻ, người mẹ và Ma là gì?
Tôi không biết nhiều, nhưng tôi sẽ cố gắng tối đa theo mức của mình. Mẹ đẻ là người giả vờ là người mẹ, nhưng không phải vậy; người cho là người mẹ, nhưng không phải vậy. Bởi vì là người mẹ là rất, rất khó. Là mẹ đẻ lại rất dễ dàng. Chỉ sinh đẻ là đủ là mẹ đẻ rồi. Không cần hiểu biết gì cả.
Toàn thế giới đầy những mẹ đẻ, nhưng tìm ra người mẹ lại rất khó. Người mẹ là người giúp bạn là bản thân mình. Mẹ đẻ là người nghĩ, người tin rằng bà ấy yêu bạn, nhưng thực sự yêu bản thân bà ấy thôi, và muốn bạn trở thành sự phóng chiếu của tham vọng của bà ấy. Đó là điều bố đẻ cũng là gì.
Mẹ đẻ và bố đẻ bạn có thể tìm thấy ở mọi nơi; họ đã làm biến chất toàn thế giới - mẹ đẻ và bố đẻ. Freud nói nếu bạn đi sâu vào loạn thần kinh chức năng bạn bao giờ cũng thấy mẹ đẻ ở chỗ cuối cùng. Tất cả phân tâm học chung cuộc đều nghiêng về vấn đề nào đó mà người mẹ - mẹ đẻ - đã tạo ra. Cho nên mẹ đẻ là giả vờ làm người mẹ - bản sao vật lí của người mẹ tâm linh.
Là người mẹ là rất khó. Chỉ người đã về tới nhà mới có thể là người mẹ được. Cho sinh nở rất dễ dàng, nó là tự nhiên, sinh học; nhưng là người mẹ là cái gì đó tâm linh.
Mẹ đẻ muốn bạn theo bà ấy, bà ấy muốn sở hữu bạn - làm cho bạn trở thành một phần, một tài sản quí giá với bà ấy. Bà ấy sẽ níu bám quanh bạn.
Người mẹ sẽ giúp bạn trở nên độc lập. Bà ấy sẽ giúp bạn trở thành cá nhân. Bà ấy sẽ yêu bạn, nhưng bà ấy sẽ không cố gắng ép buộc cái gì lên bạn. Bà ấy sẽ đem tình yêu của mình tới cho bạn, nhưng sẽ không đem tri thức của bà ấy cho bạn. Bà ấy sẽ gửi bạn vào thế giới để tìm ra chân lí riêng của bạn, để tìm ra cuộc sống riêng của bạn. Bà ấy sẽ không cho bạn hình mẫu hay khuôn mẫu. Bà ấy sẽ không cấu trúc bạn, bà ấy đơn giản sẽ giúp bạn, dù bạn có thể là bất kì điều gì.
Người mẹ chỉ là lí tưởng, điều đó hiếm khi xảy ra. Mẹ đẻ bạn có thể tìm thấy ở bất kì đâu. Người mẹ chỉ là ý tưởng, ý tưởng không tưởng - người có thể cho việc sinh thành linh hồn bạn. Chỉ vị Phật mới có thể là người mẹ, hay một Meera mới có thể là người mẹ, hay một Krishna, hay một Mohammed mới có thể là người mẹ - người duy nhất có thể cho bạn linh hồn của mình, định mệnh của mình.
Mẹ đẻ chỉ mang tính sinh học. Khái niệm về người mẹ là mang tính tâm linh. Còn Ma lại rất đơn giản để hiểu. Ma là người đàn bà đang chịu chứng bệnh có tên là Osho!