Read more
Osho – Đức Phật và Phật Pháp
Phần 3. Phật pháp
Chương 11. Tiểu thừa, Đại thừa
Việc làm của một đạo sư là sửa soạn cho các đệ tử trước khi họ đắc đạo,để họ có thể phát biểu một cách lưu loát, là huấn luyện để họ có thể biến đổi những cái không lời thành thi ca, những cái tuyệt đối im lặng thành ca khúc, những cái tuyệt đối bất động thành những điệu vũ. Được thế thì họ mới hữu ích cho nhân loại mù loà. Đức Phật chia những người đắc đạo ra làm hai loại. Cả hai cùng đạt đến cùng một đỉnh cao; giữa họ chẳng có sự cao, thấp; bản chất cơ bản của cả hai đều giống nhau. Một là A-La-Hán (arhatas). Họ là những thánh nhân đã đắc đạo nhưng giữa im lặng hoàn toàn. Loại thứ hai là Bồ Tát (bodhisattvas). Họ đã đắc đạo, nhưng khác A-La-Hán ở chỗ là họ tìm đủ mọi phương tiện thiện xảo để giúp chúng sinh cũng đạt được những kinh nghiệm như họ. A-La-Hán thuộc Tiểu Thừa, một chiếc thuyền nhỏ chỉ đủ một người qua bờ bên kia. Tất nhiên là họ sẽ đến bờ bên kia. Bồ Tát thuộc Đại Thừa, một chiếc thuyền lớn có thể đưa hàng nghìn người qua sông. Chỉ có một bờ bên kia, nhưng Bồ Tát ích lợi cho nhiều người hơn. A-La-Hán không có khả năng hùng biện; ngài là người rất chất phác, nhân từ, rất khiêm tốn, nhưng không hề nói gì về sự chứng nghiệm của mình.
A-La-Hán không có khả năng hùng biện. Làm cho người khác hiểu được mình là một vấn đề gai góc đối với ngài. Ngài hoàn toàn thoả mãn và chẳng thấy có nhu cầu phải nói. Ngài quan niệm rằng mỗi người phải đi con đường riêng của mình. Sao phải làm phiền người khác một cách không cần thiết chứ? Đó là lập trường của Ngài. A-La-Hán là người tự tu, tự giác, và một khi đã giác ngộ, ngài quên hẳn những người còn đang lần mò trong bóng tối. Ngài chẳng quan tâm đến người khác. Giác ngộ đối với ngài là đủ rồi. Thật vậy, đối với ngài, ngay cả quan niệm về lòng từ bi cũng là một loại ràng buộc. Từ bi là một loại liên hệ, mà dù có cao cả và vĩ đại đến đâu, nó vẫn là một quan tâm đến người khác. Nó là một ham muốn. Ham muốn, dù là tốt, vẫn là ham muốn. Đối với A-La-Hán, ham muốn là một sự trói buộc, chẳng cần biết tốt hay xấu. Gông cùm có thể bằng vàng, có thể bằng sắt, vẫn là gông cùm. Xiềng xích là xiềng xích. Từ bi là cái xiềng bằng vàng. A-La-Hán chủ trương rằng không ai có thể giúp ai được. Cái ý tưởng giúp người khác được xây trên nền tảng sai lầm. Bạn chỉ có thể giúp chính mình. Đối với những người không hiểu thì A-La-Hán có vẻ ích kỷ quá. Nhưng nếu cân nhắc kỹ lưỡng lập trường của họ, có thể họ có những điều quan trọng để tuyên bố với thế giới. Giúp đỡ người khác cũng là một hình thức can thiệp vào đời sống, vào đinh mệnh của người ấy. Vì vậy, A-La-Hán không đặt nặng vấn đề từ bi. Đối với họ, từ bi chỉ là một cái tên mỹ miều để bị kẹt lại trong thế giới của thất tình. Đó là triệu chứng của một tâm trí đầy ham muốn. Sao bạn phải quan tâm đến sự giác ngộ của người khác? Sao bạn phải xía vào đời tư của người khác? Ai cũng có tự do của mình. A-La-Hán nhấn mạnh tự do tuyệt đối cá nhân. Cứu cánh không thể biện minh cho phương tiện. Không ai có quyền xen vào đời tư của người khác . Cho nên sau khi đắc đạo, ngài sẽ không nhận đệ tử, sẽ không thuyết pháp, sẽ không giúp ai cả. Ngài sẽ thoả mãn với sự ngây ngất của mình. Nếu ai được hưởng lây vì sự ngây ngất ấy, ngài sẽ không cản trở, nhưng ngài cũng không mời mọc ai cả. Nếu bạn đến ngồi dưới chân ngài, và học được gì từ sự hiện diện của ngài, đó là việc của bạn. Nếu bạn muốn bỏ đi, ngài cũng không ngăn cản. Trong một khía cạnh nào đó, quan niệm này tôn trọng tự do cá nhân một cách tuyệt đối, nhưng hơi cực đoan. Thậm chí nếu bạn có rơi xuống hố sâu, ngài cũng chờ đợi một cách thầm lặng. Nếu sự hiện diện của ngài giúp được ai, tốt, nhưng ngài sẽ không làm gì để giúp cả. Ngài sẽ không đưa tay mà kéo bạn lên. Rơi xuống hố là sự lựa chọn của bạn, và nếu có thể rơi xuống hố, bạn có thể leo lên được. Từ bi là ý tưởng xa lạ đối với vị A-La-Hán. Đức Phật chấp nhận là một số người sẽ trở thành A-La-Hán, và pháp môn của họ gọi là Tiểu Thừa - chiếc thuyền nhỏ - chiếc thuyền mà chỉ một người có thể qua bờ bên kia. A-La-Hán sẽ không làm thuyền lớn, sẽ không chờ đám đông để lên thuyền mà cùng qua sông. Ngài sẽ dùng chiếc thuyền nhỏ mà qua sông một mình. Ngài đã đến thế gian một mình, đã lăn lộn trong luân hồi trong hàng triệu kiếp, và ngài sẽ trở lại với đại thể một mình.
Đức Phật chấp nhận và tôn trọng lập trường của A-La-Hán, và Ngài cũng biết có những người có lòng từ bi vô lượng, và khi đắc đạo, ao ước đầu tiên là họ muốn chia sẻ niềm vui, và chân lý với người khác. Từ bi là hạnh nguyện của họ. Họ đã tìm được chân lý tối thượng. Họ là Bồ Tát. Họ kích thích và mong muốn người khác cũng được những kinh nghiệm như họ vậy. Và họ sẽ cố nán lại ở bờ bên này càng lâu càng tốt để giúp đỡ những người đang đi trên đường đạo, những người cần hướng dẫn, cần một bàn tay. Bồ Tát có thể hoãn lại việc qua bờ bên kia vì lòng từ bi đối với những người còn đang lần mò trong bóng tối. Đức Phật hiểu tất cả và chấp nhận cả hai. Một số người có phẩm hạnh của một A-La-Hán. Lại có những người có hạnh nguyện của một Bồ Tát. Đức Phật quan niệm rằng đó là bản chất của mỗi người, và không thể làm khác được; A-La-Hán sẽ thành A-La-Hán, và Bồ Tát sẽ thành Bồ Tát. Thiên tính của mỗi người khác nhau, mặc dù họ tới cùng một đích. Nhưng khi đã đến đích rồi, mỗi người hành động một cách khác nhau. A-La-Hán không ở lại bờ bên này dù chỉ một khoảnh khắc. Họ đã mệt mỏi, đã ở quá lâu trong luân hồi, đã trải qua hàng triệu lần sinh tử. Ngài đã nếm đủ mùi, và không thấy gì lý thú cả nên không muốn ở lại dù chỉ là một phút. Thuyền của ngài đã đến, và ngài sẽ qua bờ bên kia ngay tức thì. Đó là bản chất của họ. Ngược lại, Bồ Tát sẽ nói với người lái đò, "Xin hãy chờ. Chẳng có gì phải vội. Ta đã ở bờ bên này quá lâu. Ta đã trải qua mọi đau đớn, thống khổ, buồn bã, quằn quại trong đau thương. Nay tất cả đã tan biến, và ta đang hưởng phúc lạc tuyệt đối, im lặng, an bình nên chẳng cần phải qua bờ bên kia. Nếu có thể được, ta sẽ ở lại mãi mãi để giúp người khác." Đức Phật là một trong những thánh nhân có thể thấy được chân lý giữa những mâu thuẫn. Ngài chấp nhận tất cả mà không làm ai cảm thấy cao cả hay thấp hèn.