Chương 11. Vĩnh hằng là gì?

Chương 11. Vĩnh hằng là gì?

Price:

Read more

Osho - Con đường bên ngoài mọi con đường
Chương 11. Vĩnh hằng là gì?

Linh hồn, thực tại tối thượng,
được gọi là twam, ngươi, khi tự do khỏi mọi tướng mạo
- chân lí, trí huệ, cái vô hạn, chỗ của phúc lạc -
cũng như vàng khi tự do khỏi mọi hình dạng vòng đeo hay mũ miện.
Linh hồn vậy được hiển lộ trong tự tính của riêng nó,
cảm nhận và ý thức.
Brahman, thực tại tối thượng, là chân lí.
Nó là vô hạn và là chỗ của việc biết.
Chân lí là không thể huỷ diệt được.
Cái không bị huỷ diệt, ngay cả như trung gian của không gian,
thời gian và sự vật bị phá huỷ,
là avinashi, cái không thể bị huỷ diệt nổi.
Những đồ trang sức có thể được làm ra từ vàng và nhiều hình dạng là có thể - đẹp hay xấu - nhưng hình dạng không phải là vàng. Dẫu sao đi chăng nữa thì hình dạng không thể xuất hiện được nếu không có vàng, nó không thể tồn tại một mình được. Hình dạng không có sự tồn tại độc lập, nó xuất hiện chỉ khi nó bao cái gì đó.
Cho nên vàng có thể lấy nhiều hình dạng, nhưng không hình dạng nào là vàng cả. Vàng là tự do với mọi hình dạng, đó là lí do tại sao hình dạng này có thể đổi thành hình dạng khác. Nếu như vàng mà có hình dạng cố định, thế thì nó không thể lấy hình dạng khác được. Tuy nhiên chúng ta chưa bao giờ thấy vàng mà không có hình dạng - bất kì khi nào chúng ta thấy nó, nó đều có hình dạng. Nhưng vàng cũng có thể thay đổi hình dạng của nó - hôm nay nó là vòng đeo, ngày mai nó có thể được đúc khuôn thành hình dạng khác nào đó, và ngày kia lại một cái gì khác nữa. Hình dạng thay đổi, nhưng bản chất bên trong của vàng là bất biến. Cho nên chúng ta không thể thấy vàng vô dạng, ấy vậy mà vàng không phải là hình dạng.
Hiền nhân này bắt đầu nói với ví dụ này. Ông ấy nói: “Bất kì cái gì chúng ta thấy trong thế giới này tất cả đều là hình dạng. Cơ sở trên đó hình dạng xuất hiện là vô dạng, và việc tìm kiếm cái vô dạng này là việc tìm kiếm chân lí. Nhưng để tìm nó, hình dạng phải bị vứt bỏ. Tất cả các hình dạng và tất cả các thuộc tính đều cần bị dẹp đi, tất cả mọi giới hạn phải được siêu việt lên, chỉ thế thì người ta mới có thể đạt tới cái vô hạn, cái vô giới hạn, cái vĩnh hằng.”
Tâm trí được bao quanh bởi hình dạng. Quen biết đầu tiên của người ta chỉ là với hình dạng; hình dạng là cái đầu tiên được thấy. Cái vô dạng không thấy được ở bên ngoài; bất kì cái gì thấy được ở bên ngoài thì tất cả đều là hình dạng. Đó là lí do tại sao chúng ta trở nên bị ám ảnh với hình dạng và quên mất rằng cái đó phải là vô dạng, bằng không làm sao nó có thể lấy nhiều dạng thế?
Cái là hạt mầm hôm nay sẽ trở thành cây ngày mai. Hạt mầm mà có thể trở thành cây phải chứa cái gì đó vô dạng bên trong, cái có thể lấy hình dạng của hạt mầm cũng như hình dạng của cái cây. Cái vô dạng đó phải ẩn giấu trong hạt mầm bởi vì một hạt mầm đó có thể tạo ra đủ cây bao phủ toàn bộ trái đất. Một hạt mầm tạo ra một cây, và một cây mang hàng triệu hạt mầm. Nếu chúng ta gieo hàng triệu hạt mầm, từng và mọi hạt mầm đến lượt chúng sẽ mang hàng triệu hạt mầm nữa; một hạt mầm có thể bao phủ toàn bộ trái đất bằng cây cối. Chỉ trái đất mới có thể hết chỗ, từ chối nó và nói, “Đủ rồi! Đừng thêm nữa.”
Có biết bao nhiêu thứ ẩn chứa bên trong một hạt mầm mà không thể được chứa bên trong hình dạng vật lí của nó. Hình dạng của hạt mầm là không có ý nghĩa, gần như là cái không. Cái là vô dạng phải được ẩn giấu bên trong hạt mầm, bởi vì một hạt mầm có thể mang vô số hạt mầm. Hình dạng không thể tạo ra cái vô hạn được; bất kì cái gì được sinh ra từ hình dạng đều sẽ hữu hạn. Hạt mầm phải có khả năng hữu hạn, chỉ thế thì hình dạng của nó mới có nghĩa gì đó. Nhưng tôi đã bảo các bạn rằng một hạt mầm có thể tràn đầy cả trái đất - cho dù điều này chỉ là một cách diễn đạt. Bằng không, nếu chúng ta mở rộng toán học của nó một cách đúng đắn, một hạt mầm có thể rót đầy cả vũ trụ, và ngay cả vũ trụ cũng trở thành không đủ và hạt mầm yêu cầu nhiều không gian hơn bởi vì sẽ không có chấm dứt cho nó. Một hạt mầm tạo ra triệu hạt mầm, và từ triệu đó, lại hàng triệu và hàng triệu hạt mầm... không có chấm dứt cho nó.
Cho nên cái gì được ẩn kín trong hạt mầm đầu tiên mà có thể được hàm chứa trong bản thân hình dạng? Cái vô hạn không thể bị hàm chứa trong cái hữu hạn. Hình dạng chỉ có thể hàm chứa cái hữu hạn. Bản thân hình dạng là giới hạn, cho nên làm sao nó có thể hàm chứa cái vô dạng, vô giới hạn được? Cho nên khi chúng ta chỉ thấy hình dạng trong hạt mầm, đấy là lỗi của tầm nhìn của chúng ta bởi vì chúng ta không có khả năng thấy toàn bộ hạt mầm với mọi tiềm năng của nó. Cái mà có thể hiện hữu được, theo một cách nào đó, là vốn có trong nó ngay bây giờ, bằng không thì làm sao nó có thể biểu lộ được trong tương lai? Nếu một hạt mầm này không hàm chứa tất cả các hạt mầm của thế giới, làm sao chúng có thể biểu lộ trong tương lai? Chúng được ẩn kín trong nó hôm nay, ở đây và bây giờ, chỉ mắt chúng ta không có khả năng thấy chúng. Cho nên hình dạng của hạt mầm là ảo tưởng của chúng ta - bản chất thực của hạt mầm là vô dạng. Bất kì chỗ nào hình dạng được thấy, đấy là vì tầm nhìn sai sót của chúng ta.
Cũng giống như nhìn bầu trời qua cửa sổ. Nếu bạn chưa bao giờ thấy bầu trời bên ngoài, bầu trời sẽ trông dường như nó bị đóng khung. Hình dạng của cửa sổ sẽ dường như là hình dạng của bầu trời. Cửa sổ đem hình dạng cho bầu trời - nhưng bầu trời là vô dạng. Ngay cả khi chúng ta đứng bên ngoài nhà mà nhìn lên trời và không có cửa sổ, thế nữa thì trái đất lại vận hành giống cửa sổ và bầu trời dường như được uốn vòm. Lí do duy nhất cho cái dáng uốn vòm của bầu trời là ở tính tròn của trái đất. Bầu trời không tròn - trái đất trở thành cửa sổ và cho nó hình dạng. Mắt chúng ta không nhiều hơn cửa sổ; mắt chúng ta sẽ ấn định một hình dạng trên bất kì cái gì chúng ta thấy.
Cho nên, trong thực tế, nhìn ra bên ngoài chúng ta bao giờ cũng gặp hình dạng và không thấy cái vô dạng. Để tìm cái vô dạng chúng ta phải nhìn vào bên trong nơi chúng ta có thể gạt bỏ mọi cửa sổ. Với mắt nhắm chúng ta không cần nhớ tới cửa sổ - chúng ta không cần mắt nào, cửa sổ nào, hay thậm chí trái đất nào. Đi vào bên trong, chúng ta đi vào trong cái vô dạng.
Chân lí tồn tại ở bên trong và bên ngoài, nhưng trước hết người tìm kiếm phải biết chân lí bên trong. Cái ngày người đó biết tới cái vô dạng bên trong, cái vô dạng trở thành rõ ràng ở bên ngoài nữa. Thế thì hình dạng còn lại chỉ trên bề mặt như một dáng vẻ, do tự người ta tạo ra.
Cái vô dạng này là tự do với mọi mô tả như chân lí, trí huệ, cái vô hạn, chỗ của phúc lạc, nó là tâm thức và việc biết tựa vàng ròng. Khi một tâm thức như vậy được kinh nghiệm... lời kinh này rất quí giá... khi một tâm thức như vậy được kinh nghiệm thì nó được gọi là twam; nó được gọi là người, không phải tôi.
Khi chân lí vô dạng được kinh nghiệm, không có cách nào để nói tôi, bởi vì tôi là một giới hạn. Và điều bạn đã gọi là tôi mãi cho tới nay không tồn tại nữa. Bây giờ phải gọi nó là gì? Nó bao quanh bạn từ mọi hướng, nó hiện diện bên trong và bên ngoài. Mà chúng ta chỉ có hai từ chúng ta có thể dùng: hoặc tôi hoặc người. Chúng ta không thể nói tôi, bởi vì chỉ với sự biến mất của tôi thì vô dạng mới được kinh nghiệm. Cho nên với sự không thích hợp của ngôn ngữ chỉ còn lại một cách để mô tả nó, và đó là gọi nó là người. Cho nên những người sùng kính đã gọi thực tại tối thượng là người.
Lí do đầu tiên để gọi nó là người là bởi vì không có cách nào gọi nó là tôi cả. Thực tế, gọi nó là người cũng không phải, bởi vì người bao giờ cũng trong quan hệ với tôi; nó là mối quan hệ. Chừng nào mà tôi có đó, ai đó tồn tại như người. Và khi người có đó, tôi nữa cũng tồn tại. Trong những khoảnh khắc như vậy người ta kinh nghiệm cái vô tích sự của ngôn ngữ. Tôi không thể được nói bởi vì nó không còn nữa; nói người cũng khó khăn, bởi vì thế thì ai sẽ nói nó? Ai sẽ nói người? Nhưng nếu cái gì đó phải được nói, thế thì nói người còn đúng hơn là nói tôi. Cho dù điều đó là không đúng, nói người là không đúng, dầu vậy vẫn tốt hơn khi được so sánh với nói tôi... ít nhất nó cũng truyền đạt việc vắng bóng của tôi. Đây là lí do thứ nhất.
Thứ hai là chúng ta có thể đã gọi nó là cái đó - không tôi, không người, mà là cái đó. Người trí huệ cũng đã gọi nó là cái đó. Nhưng khi sự tồn tại được gọi là cái đó, dường như không còn mối quan hệ yêu thương nào trong nó; nó có vẻ dường như là một đối tượng. Chúng ta dùng 'cái đó' cho sự vật, và người cho cá nhân. Và khi kinh nghiệm về điều thiêng liêng xảy ra, nó không giống như việc kinh nghiệm một vật, nó giống như việc kinh nghiệm một thực thể tối thượng - cái sống tối thượng tràn đầy tình yêu vô hạn đang mưa xuống. Kinh nghiệm này giống như việc ôm choàng người yêu, cho nên gọi nó là 'cái đó' sẽ là bất kính, còn gọi nó là tôi thì lại ở ngoài vấn đề. Hiền nhân này gọi điều này là tâm thức thuần khiết, không có mọi thuộc tính và tự do với mọi hình dạng, twam, hay người.
Martin Buber, một nhà tư tưởng Do Thái vĩ đại của thế kỉ hai mươi, đã viết một cuốn sách, Tôi và Người. Ông ấy là một trong số ít những người trong lịch sử nhân loại đã giải nghĩa mối quan hệ sâu sắc nhất giữa tôi và người.
Con người có thể sống theo ba cách: giữ tôi ở trung tâm và làm người thành ngoại vi - cách mọi người thường sống - tôi bao giờ cũng ở trung tâm, người ở ngoại vi. Chúng ta dùng người, chúng ta khai thác người, và chúng ta thiết lập mối quan hệ với người, nhưng bao giờ cũng vì tôi. Ngay cả nếu chúng ta đôi khi buông xuôi theo người, đấy là trong hi vọng để làm cho người buông xuôi vì tôi; nhưng mối quan tâm bao giờ cũng là tôi. Đây là trạng thái của bản ngã - muốn đem cả thế giới về dưới chân bạn và trang điểm cho cái tôi của bạn. Tôi đứng ở trung tâm và toàn bộ thế giới trở thành ngoại vi: đây là trạng thái của tâm trí của người phi tôn giáo.
Trạng thái khác của tâm trí là giữ người ở trung tâm và tôi ở ngoại vi. Trạng thái này là nơi chỉ một khao khát còn lại và đó là buông xuôi bản thân mình, xoá bỏ bản thân mình, nơi chỉ một khát khao còn lại và đó là làm sao làm tan biến cái tôi vì người. Đây là trạng thái của người sùng kính, của người tôn giáo: người còn lại và tôi cứ lùi dần, co lại. Tôi trở thành một ngoại vi mỏng, người trở thành trung tâm mạnh. Đây là trạng thái vô ngã.
Có trạng thái thứ ba mà bao giờ cũng khó diễn đạt, nơi không người không tôi tồn tại - không ngoại vi không trung tâm tồn tại. Những người như Phật đã cố gắng diễn đạt trạng thái này nhưng họ đã thất bại. Không có cách nào diễn đạt nó, bởi vì mọi ngôn ngữ đều xoay quanh tôi và người. Chính việc sinh thành của ngôn ngữ là trong đối thoại giữa tôi và người. Do đó ngôn ngữ là không có khả năng truyền đạt cái ở bên ngoài tôi và người. Đó là lí do tại sao hiền nhân này phải gọi nó là twam, người.
Tại đây hiền nhân này đang cố gắng phạm phải lỗi lầm ít nhất, nhỏ nhất. Chân lí toàn bộ không thể được nói ra, do đó cái phi chân lí gần nhất với nó, cái phi chân lí ít nhất, mới được nói ra. Trạng thái này không thể được diễn đạt một cách đích xác bởi vì không tôi không người tồn tại ở đó, nhưng một cách diễn đạt nào đó về nó là điều phải có, thông điệp phải được truyền đạt. Trở về từ cõi không biết đó hiền nhân này muốn truyền đạt cho người mình yêu mến điều ông ấy đã biết, điều ông ấy đã thấy.
Cho nên hiền nhân này gọi nó là người. Điều này ông ấy nói cho đệ tử những người đang ngồi cùng ông ấy để học, người đang có đó với niềm khao khát biết. Anh ta được bảo cho rằng khi kinh nghiệm về tâm thức thuần khiết xảy ra, chúng ta gọi nó là người.
Người là một từ đáng yêu, và gần gũi hơn với chân lí. Và nếu ai đó bắt đầu sống cuộc sống của mình định tâm vào việc hiểu về người, điều đó là rất cách mạng.
Toàn bộ công phu tâm linh của Ramakrishna đều xoay quanh người. Nhà huyền môn tên là Totapuri, thực hành vedanta, đã tới thăm Dakshineshwar nơi Ramakrishna sống.
Totapuri hỏi ông ấy, “Sao ông lặp lại người mãi - nhiều người thế? Vứt nó đi, và đến tới nơi không tôi không người tồn tại.”
Ramakrishna là người khiêm tốn như những người sùng kính phải vậy. Đôi khi tính khiêm tốn trở thành một hiện tượng lớn. Ramakrishna nói, “Bầy cho tôi cách thức đi. Tôi chấp nhận lời mời của ông.”
Ramakrishna là một người đáng kính. Những người sùng kính của ông ấy gọi ông ấy là paramahansa, con thiên nga vĩ đại; hàng triệu người cúi mình dưới chân ông ấy. Totapuri chưa bao giờ trông đợi rằng ông ấy cũng đồng ý học dễ dàng thế. Ngay cả Totapuri, nếu có được hỏi, cũng không nói có dễ dàng thế. “Ta làbrahman - Ta là Thượng đế,” là mọi điều ông ấy nói. Khi ai đó tuyên bố, “Ta là brahman, ta là điều thiêng liêng,” thì chẳng còn lại gì để học nữa. Nếu tuyên bố này là chân lí, không việc học nào là cần nữa. Nhưng việc tuyên bố này cũng có thể là lừa dối. Nếu nó được nói ra sau khi kinh nghiệm điều thiêng liêng, tốt, nhưng nếu nó được nói ra trong khi vẫn dưới cám dỗ của cái tôi, thế thì nó là nguy hiểm. Bất kì ai cũng có thể vui mừng trong việc nói ra phát biểu này, nhưng nếu kinh nghiệm này thực tế xảy ra, nói “Ta là brahman” chỉ được dùng như phương tiện diễn đạt. Thực tế, tốt hơn thì phải nói, “Cái tôi không còn tồn tại nữa và chỉ brahman hiện hữu.”
Totapuri ngạc nhiên, nhưng ông ấy không nhận biết rằng người giữ người ở trung tâm có thể dễ dàng đồng ý với bất kì cái gì - miễn là người thực sự ở trung tâm của họ. Không thể có chuyện tôi là trung tâm được.
Ramakrishna đã đồng ý và nói, “Đem ta tới nơi mà không tôi không người tồn tại.” Đây là cách thức của ai đó giữ người ở trung tâm.
Chuyện xảy ra theo cách thật ngạc nhiên: khi Totapuri hỏi, “Ông có sẵn sàng toàn tâm toàn ý không?”, Ramakrishna đáp, “Để ta tới đền thờ và hỏi Mẹ, nữ thần Kali, xem liệu ta có thể từ bỏ bà ấy hay không. Để ta xin phép bà ấy để từ bỏ bà ấy.”
Totapuri nói, “Thế thì tất cả mọi việc nói đều vô nghĩa. Nếu ông muốn từ bỏ bà ấy, sao ông  cảm thấy cần xin phép? Vậy thì cái gì là cần để xin phép bà ấy ra đi?
Ramakrishna đáp, “Tôi không còn tồn tại nữa, cho nên làm sao tôi có thể từ bỏ cái gì được? Chỉ bà ấy còn lại - từ bỏ cái gì đó hay không, điều đó tất cả là tuỳ vào Mẹ. Tôi không hiện hữu, cho nên tôi không thể ra quyết định này được. Cái ngày tôi bỏ lại mọi thứ cho bà ấy thì cũng bao hàm ngay cả quyết định này. Nếu bà ấy không cho phép tôi thì tôi sẽ chết mà không biết, nhưng không có cách nào khác.”
Đây là cảm giác của ai đó người giữ người ở trung tâm - người đó thậm chí đồng ý chết là kẻ dốt nát. Thậm chí không gian nhỏ thế này cũng không có cho cái tôi rằng tôi có thể chọn để quyết định ngay cả về cơ hội cho việc biết tối thượng.
Trong bài hát của mình những người sùng kính nói rằng họ không khao khát giải thoát, tự do, niết bàn, chỉ muốn ở trên phố nơi Krishna đã bước đi là đủ, bởi vì giải thoát là cho cái tôi, còn nhảy múa trên phố Vrindavan là cái gì đó để làm với người. Đó là lí do tại sao những người sùng kính đã nói, “Chúng tôi không muốn giải thoát, bởi vì giải thoát nghĩa là giải thoát của tôi - sau rốt, điều thiêng liêng không cần tới giải thoát nào. Nhớ điều đó: giải thoát là cho tôi, niết bàn là cho tôi, trí huệ của việc biết là cho tôi. Cho nên họ hát, “Tôi không muốn giải thoát, niết bàn hay trí huệ của việc biết, cứ để tôi lang thang trên con đường nơi điều thiêng liêng có lần đã bước qua, điều đó là đủ.” Đây là cảm giác của người chấp nhận người tại trung tâm.
Có nhiều lí do để gọi tâm thức thuần khiết là người. Một trong chúng là ở chỗ chấp nhận bản chất của tâm thức thuần khiết như người là có ích cho người tìm kiếm - nó là một giả thuyết rất có ích. Nếu tâm thức được cảm nhận có bản chất của cái tôi, nhiều lúc điều đó có thể là nguy hiểm. Nếu tâm thức thuần khiết được chấp nhận như có bản chất của cái tôi, có chín mươi chín phần trăm cơ hội là thay vì xoá bỏ đi bản ngã, bản ngã sẽ trở nên mạnh hơn.
Upanishads là phải khi họ tuyên bố “Aham brahmasmi, ta là điều thiêng liêng.” Nhưng tuyên bố này chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra, với một trong hàng trăm người đã thấu hiểu. Tuyên bố này là ngoại lệ. Nó là phát biểu của những người đã làm tan biến mọi thứ vào trong cái tôi của họ, cái tôi của họ trở thành bao la đến độ ngay cả mọi phân biệt về người khác, về người, cũng đã trở thành được hàm chứa bên trong nó. Điều này là cực kì khó bởi vì cái tôi là rất thoả mãn, và toàn bộ thích thú cho cái tôi nằm ở chỗ tương phản với người - bằng không thì nó mất cái duyên dáng của nó. Cái gì là mục đích trong việc tuyên bố tôi, nếu tôi là một mình và không có người, không có người khác tồn tại trên thế giới này?
Đáp ứng cho bản ngã phụ thuộc vào người khác. Đó là lí do tại sao điều rất thú vị là bản ngã có thể tuyên bố bản thân nó là tự do, không nhận biết rằng về cơ bản nó là phụ thuộc, rằng nó không thể tồn tại mà không có người khác. Khi một người nói, “Ta là hoàng đế,” người đó không nhận biết rằng sự tồn tại của mình phụ thuộc vào thần dân của mình, rằng người đó phụ thuộc vào chính những người mà ông ta cai trị. Khi ai đó tuyên bố, “Ta là chủ,” người đó không biết rằng người đó không thể nào là người chủ mà không có nô lệ - và người đó phụ thuộc vào nô lệ của mình nhiều thế, làm sao người đó có thể là chủ được? Người chủ là phụ thuộc, người đó bị gắn với nô lệ của mình. Mọi tuyên bố của cái tôi, của bản ngã, chỉ tồn tại để làm cho người nhỏ đi. Bản ngã cũng có thể được đáp ứng theo cách này.
Khi Upanishads tuyên bố “Aham brahmasmi, ta là điều thiêng liêng,” thì thế giới lúc đó do những cư dân hồn nhiên và đơn giản cư ngụ. Nhưng dần dần vấn đề trở nên rõ ràng là giữ cái tôi ở trung tâm là nguy hiểm. Trong việc giữ cái tôi ở trung tâm, chín mươi chín phần trăm mọi người đều đi lạc lối, chỉ một phần trăm mới đạt tới chân lí. Sarvasar Upanishad này được ngụ ý giúp cho đa số những người tìm kiếm bằng việc diễn đạt điều tinh tuý của một số lớn chân lí, do đó từ ‘người’ đã được dùng, không phải “Aham brahmasmi, ta là điều thiêng liêng.”
Cho nên sẵn sàng xoá bỏ cái tôi để đạt tới chân lí. Cuộc hành trình này là cuộc hành trình của việc làm tan biến cái tôi. Nếu bạn có thể nhớ trong từng hơi thở rằng cái tôi không tồn tại, rằng chỉ người, điều thiêng liêng, thực tại tối thượng tồn tại, bạn sẽ thấy rằng trong một thời gian ngắn tất cả mọi căng thẳng đều rơi rụng đi, tất cả mọi phiền não của tâm trí đã tiêu tan và lo nghĩ đã biến mất, bởi vì lo nghĩ, phiền não và căng thẳng tất cả đều yêu cầu cái móc của cái tôi để treo lên, bằng không thì chúng không thể treo lên được. Nếu cảm giác này sâu sắc thêm, rằng “Tôi không hiện hữu, chỉ người hiện hữu,” bỗng nhiên một ngày nào đó bạn sẽ thấy rằng những lo nghĩ của bạn đã biến mất, và cho dù bạn có muốn được lo nghĩ thì bạn cũng không thể làm được, bởi vì lo nghĩ là cái bóng của cái tôi. Với biến mất của cái tôi, lo nghĩ cũng biến mất. Thanh bình là cái bóng của người - với việc làm sâu sắc người, thanh bình tự nó nở hoa.
Nietzsche đã cố gắng cả đời mình để sống dường như không có Thượng đế. Ông ấy tuyên bố rằng nếu Thượng đế mà đã từng tồn tại, bây giờ ngài chết rồi. Nietzsche là một thiên tài vĩ đại, ngang hàng với bất kì Phật hay Krishna nào. Ông ấy có một trí tuệ thấu suốt, nhưng việc phủ nhận Thượng đế đã biến trí tuệ của ông ấy thành phiền não, tài hoa của ông ấy biến thành lo nghĩ. Cũng đáng chú ý rằng khi một người tầm thường mà bị lo nghĩ, lo nghĩ của họ nhỏ mọn; khi một người thiên tài vĩ đại mà lo nghĩ, lo nghĩ của người đó cũng theo cùng tỉ lệ to lớn. Không có phương án nào cho Nietzsche ngoại trừ việc phát điên, loạn trí là kết quả của phủ nhận của ông ấy. Những thiên tài lớn không có mối lo nhỏ, họ có lo nghĩ lớn.
Nietzsche có thể đã đạt tới an bình của vị phật, ông ấy chẳng thiếu cái gì, nhưng ông ấy chỉ đạt tới cùng điên khùng như hàng nghìn người điên. Và lí do cho điều đó là ở chỗ ông ấy đã cố gắng xây dựng toàn bộ nhân cách của mình trên cái tôi.
Nietzsche đã viết trong nhật kí của mình: “Nếu Thượng đế tồn tại, tôi muốn trở thành Thượng đế số một, và ông ấy có thể được đặt sau tôi. Nếu ai đó có thể trở thành Thượng đế, sao tôi lại không - tôi thiếu cái gì? Hay nếu Thượng đế tồn tại, tôi có thể công bố phủ nhận của mình - tôi tự do để phủ nhận ông ấy. Ít nhất thì tôi cũng toàn bộ trong việc phủ nhận sự tồn tại của ông ấy, tôi không thể bị bó buộc phải chấp nhận sự tồn tại của ông ấy. Ngay cả Thượng đế cũng không thể buộc tôi phải chấp nhận ông ấy. Về điểm này tôi còn cao hơn Thượng đế - ông ấy yêu cầu sự thừa nhận của tôi để tồn tại. Nhưng nếu tôi phủ nhận ông ấy, ông ấy chẳng có cách nào làm cho tôi chấp nhận sự tồn tại của ông ấy.” Đây là kết quả của việc sống với cái tôi ở trung tâm.
Rất khó hiểu phiền não của Nietzsche, nhưng chúng ta có thể hiểu những mối lo nghĩ nhỏ mọn bởi vì chúng ta cũng sống với bản ngã.
Thỉnh thoảng làm một thực nghiệm nhỏ; loại bỏ cái tôi ra khỏi trung tâm trong hai mươi tư giờ, và đặt người vào trung tâm. Chỉ trong hai mươi tư giờ nhớ tới người một cách liên tục. Cho dù viên đá có đâm vào chân bạn, cho dù bạn bị xúc phạm, cho dù ai đó ném than hồng vào bạn, cho dù bạn được ca ngợi, cho dù ai đó cúi mình dưới chân bạn - chỉ trong hai mươi tư giờ, nhớ rằng người là ở trung tâm, không phải tôi. Điều đó sẽ là việc bắt đầu mới trong cuộc sống của bạn. Nếu việc nhớ này có thể thực hiện được trong hai mươi bốn giờ - hay thậm chí nếu bạn không thể làm được điều đó, nếu điều đó chỉ trong hai mươi tư phút, bạn sẽ không còn như cũ nữa. Một khi bạn biết tới những khoảnh khắc của thanh bình của người, bạn sẽ không bao giờ muốn sống với cái tôi nữa.
Khi sự nhấn mạnh dịch chuyển từ tôi sang người, điều đó trở thành dễ dàng hơn để nhận ra tâm thức thuần khiết. Hay, nếu tâm thức thuần khiết được đạt tới, thế thì cảm giác ngay lập tức dịch chuyển từ tôi sang người; đó là lí do tại sao tâm thức thuần khiết được gọi là twam, người.
Brahman, thực tại tối thượng, là chân lí.
Nó là vô hạn và là chỗ của việc biết.
Chân lí là không thể huỷ diệt được.
Nhiều người đã cố gắng nêu một định nghĩa cho chân lí. Chân lí là gì? Con người đã suy tư về nó từ nhiều khía cạnh. Chân lí là gì? Chúng ta ngụ ý gì bởi ‘chân lí’?
Khoa học coi sự kiện là chân lí, và định nghĩa này ngày nay được chấp nhận rộng rãi. Khoa học nói: sự kiện là chân lí. Sự kiện là cái có thể được kiểm nghiệm và kiểm tra bằng thực nghiệm, với sự kiện có bằng chứng trong thế giới vật chất.
Giả sử tôi giơ tay lên và chỉ một người trong nhiều người ngồi đây nói rằng người đó thấy tay tôi giơ lên còn số còn lại trong các bạn không thấy nó. Khoa học sẽ nói rằng người đó đang mơ, bởi vì người đó không có bằng chứng khác. Nó không phải là sự kiện, bằng không thì người khác những người có mặt đã trông thấy bàn tay giơ lên. Nó phải là mơ. Mơ mang tính cá nhân, sự kiện mang tính tập thể.
Cái bàn trong phòng bạn có thể được mọi người thấy, được mọi người đồng ý, nhưng nếu bạn nói rằng Thượng đế hiện diện trong phòng bạn thì họ sẽ nói, "Anh có thể thấy ông ấy, nhưng chúng tôi không thấy. Anh phải đang tưởng tượng mọi thứ, anh phải đang mơ.”
Điều rất thú vị là không thể chia sẻ mơ được. Hai người không thể thấy cùng một giấc mơ, hay họ có thể tạo ra được? Điều đó chưa xảy ra! Không cộng tác nào, không tình bạn nào là có thể trong mơ, mơ bao giờ cũng mang tính cá nhân. Với khoa học, cái mang tính cá nhân là mơ thì không phải là sự kiện, còn cái mang tính tập thể mới là sự kiện. Với khoa học, chân lí được định nghĩa như là sự kiện.
Upanishads không phản đối gì về định nghĩa này, trí huệ phương Đông không phản đối gì về định nghĩa này. Nhưng trí huệ phương Đông nêu ra một câu hỏi sâu sắc hơn, một câu hỏi mà khoa học không thể nào trả lời được. Trí huệ phương Đông nói: “Chúng ta chấp nhận rằng hiện tượng hiện diện khách quan là chân lí. Nhưng cái hiện diện hôm nay có thể vắng bóng ngày mai và cái vắng bóng hôm qua có thể hiện diện hôm nay. Tại phương Đông chúng ta gọi chỉ những hiện tượng không bao giờ vắng bóng mới là chân lí. Khi nó là vĩnh hằng, chúng ta gọi nó là chân lí - cái còn lại chúng ta chỉ gọi là sự kiện.”
Trí huệ phương Đông tạo ra ba phân chia: mơ là cái thuộc vào tưởng tượng của một cá nhân; sự kiện là cái thuộc vào kinh nghiệm tập thể; chân lí là cái vĩnh hằng. Bởi vì sự kiện không phải bao giờ cũng vẫn còn là sự kiện.... Hôm qua bạn còn trẻ và mọi người đã chứng kiến điều đó; hôm nay bạn không trẻ. Điều gì đã xảy ra cho chân lí? Và nếu chân lí có thể thay đổi giống như thế qua một thời kì mười năm, thế thì sự khác biệt giữa chân lí này và mơ mà vẫn tiếp tục cả đêm và thay đổi qua một khoảng thời gian mười giờ chỉ là khác biệt về thời gian.
Một người mơ trong tám giờ rằng mình là hoàng đế và đến sáng người đó lại trở thành kẻ nghèo túng - nhưng người đó đã là hoàng đế trong tám giờ. Bạn có thể nói rằng bạn đã không là nhân chứng cho điều đó, nhưng tất cả những người hiện diện trong mơ đều là nhân chứng - người mơ không một mình trong mơ; người đó có người hầu và người phục vụ, các quan thượng thư, quân đội, kinh đô lớn - tất cả trong số họ đều là nhân chứng của người đó, và họ đã chấp nhận người đó làm hoàng đế.
Cho nên khác biệt là ở chỗ mơ kéo dài chỉ tám giờ, trong khi tuổi thanh niên của bạn kéo dài mười hay hai mươi năm... khác biệt chỉ về thời gian. Giả sử ai đó còn trong cơn mê trong hai mươi năm và tiếp tục mơ rằng mình là hoàng đế... Điều đó đôi khi xảy ra.
Tôi đã tới một làng nơi một phụ nữ đã trong cơn mê trong chín tháng, và các bác sĩ đều có ý kiến rằng cô ấy có thể còn mê theo cách đó thêm ba năm nữa, sống nhưng trong cơn mê. Nếu người phụ nữ này mà mơ trong chín tháng - và cô ấy phải đã mơ, thứ nhất bởi vì cô ấy vô ý thức, và thứ hai bởi vì cô ấy là phụ nữ, cô ấy phải đang mơ! Và không có cách nào cho cô ấy biết rằng điều cô ấy đang thấy trong chín tháng chỉ là mơ - và mọi người hiện diện trong mơ đều đồng ý. Mơ có trở thành chân lí chỉ bởi vì nó đã diễn ra trong chín tháng không? Cũng có thể xảy ra là mơ hôm nay có thể trở thành chân lí cho đám đông ngày mai.
Abraham Lincoln có một giấc mơ ba ngày trước cái chết của ông ấy. Ông ấy thức dậy nửa đêm, lay vợ dậy và bảo với bà ấy, “Tôi đã có một giấc mơ gây bối rối trong đó tôi bị ám sát, và xác tôi nằm trong phòng nào đó của Nhà Trắng. Bà đang đứng gần đầu tôi, hai người đàn ông đứng gần chân tôi, một người mặc quần áo đen, nhưng anh ta trông không quen với tôi.”
Bà vợ đáp, “Ông ngủ lại đi, đấy chỉ là mơ.”
Lincoln nói, “Tôi chỉ muốn kể cho bà, có vậy thôi,” và trở lại giấc ngủ.
Ba ngày sau, Lincoln bị ám sát. Ông ấy nằm chết trong chính cái phòng đó. Vợ ông ấy đứng gần đầu ông ấy và hai người đàn ông đứng gần chân ông ấy, một người mặc quần áo đen, và bà vợ biết rằng người đó không quen với Lincoln. Toàn bộ cảnh này là hệt nhau.
Cho nên điều gì đó đã là mơ ba ngày trước đã trở thành sự kiện tập thể sau ba ngày. Cho nên có khác biệt mấy giữa mơ và sự kiện? Khác biệt chỉ là ba ngày. Khác biệt chỉ là về một khoảng thời gian nào đó.
Mơ xảy ra đúng, và chân lí trở thành mơ. Điều chúng ta biết như sự kiện thì có thể một ngày nào đó biến mất và rơi vào quên lãng. Hôm nay bạn yêu ai đó và bạn nói, “Anh sẵn sàng chết vì em - tình yêu này là thực.” Rồi ngày mai? - ngày mai thậm chí đến tro của tình yêu cũng mất rồi. Tình yêu này cháy nhiều tới mức nó đáng phải để lại chút khói đằng sau, nhưng sau đó thậm chí cũng chẳng còn dấu vết của khói nữa. Nó chẳng để lại dấu vết gì! Tình yêu này thật thế, thật tới mức bạn đã cho nó cả cuộc sống của mình - bây giờ ai quan niệm nổi rằng tình yêu đó sẽ trở thành không thật vậy?
Người duy vật chỉ làm hai phân chia: một là mơ, không thực, hư cấu; và cái kia là sự kiện, sự kiện bản chất. Sự kiện là cái được đám đông đồng ý, cái có sự tồn tại vật chất, cái chúng ta có thể kiểm nghiệm và kiểm tra một cách khách quan. Nhưng hiền nhân Upanishad này nói rằng chân lí là cái bất diệt, không thể huỷ diệt được.
Chúng ta tạo ra ba phân chia. Chúng ta gọi cái là kinh nghiệm cá nhân là mơ; nó có thể không nhất thiết là hư cấu, nó có thể lấy hình dạng của sự kiện. Thế rồi cái là kinh nghiệm tập thể được gọi là sự kiện, nhưng nó bao giờ cũng có thể không còn là sự kiện nữa, nó có thể trở thành mơ. Hai điều này không thể được gọi là chân lí: chân lí là cái bao giờ cũng còn lại y hệt - nó không phải là mơ, cũng không là sự kiện. Nó không bao giờ thay đổi, nó không bao giờ biến đổi bản thân mình - nó đơn giản hiện hữu. Không cái gì kém hơn thế lại được chấp nhận là chân lí. Định nghĩa của phương Đông về chân lí đặt nền tảng của nó vào tính vĩnh hằng và tính không thể huỷ diệt được. Đó là lí do tại sao chúng ta gọi thế giới này là maya, ảo vọng; không có lí do khác đằng sau nó.
Khi chúng ta nói thế giới này là ảo tưởng, hay như Shankara nói, “Thế giới là ảo tưởng,” thì điều đó không có nghĩa là thế giới này không tồn tại, nó có nghĩa là bản chất của thế giới này là ở chỗ nó sẽ không còn lại y nguyên vĩnh viễn. Khi Shankara gọi thế giới này là maya, mọi người đã hiểu lầm nó có nghĩa là ảo tưởng, dường như thế giới này là không tồn tại... cây trước bạn là không tồn tại, bạn ngồi đây nhưng bạn lại không hiện hữu... Không! Shankara không ngụ ý điều này. Shankara đang nói rằng bạn có tồn tại, nhưng bản tính của bạn là ở chỗ bạn tồn tại bây giờ và sẽ dừng tồn tại vào ngày mai. Cho nên chúng ta không nói rằng bạn là thực, chúng ta nói rằng bạn là ảo tưởng. Chúng ta gọi chân lí là yếu tố bên trong bạn đang tồn tại bây giờ, sẽ tồn tại ngày mai khi bạn biến mất, cái đã tồn tại thậm chí trước cả việc sinh ra của bạn và sẽ tồn tại khi bạn chết; sẽ tồn tại trong tuổi thanh niên của bạn, trong tuổi già của bạn; cái tồn tại khi bạn ở cực điểm tiếng tăm lừng lẫy và khi bạn rơi vào vực thẳm của nhục nhã, cái tồn tại trong mọi tình huống... trong mọi tình huống không tình huống nào tạo ra bất kì khác biệt nào cho sự tồn tại của nó. Chỉ cái đó chúng ta mới gọi là chân lí, tất cả các cái còn lại đều là ảo tưởng.
Cho nên cái gì là khác biệt giữa ảo tưởng và mơ? Với trí huệ phương Đông, mơ tập thể được gọi là thế giới còn thế giới cá nhân được gọi là mơ. Mơ tập thể là thế giới còn thế giới cá nhân là mơ... và chân lí vắng bóng từ cả hai điều này.
Nhưng chúng ta nhìn vào nó xa thêm nữa. Không cái gì dường như là không thể bị huỷ diệt - bạn đã bao giờ thấy một vật không huỷ diệt được chưa? Không cái gì dường như không thể bị huỷ diệt; mọi thứ dường như đều huỷ diệt được, mọi thứ đều tạm thời. Không cái gì vượt qua được giới hạn của thời gian vào vô thời gian, không cái gì vượt lên trên thời gian; mọi thứ đều tàn lụi đi theo thời gian. Chẳng chóng thì chầy mọi thứ đều tàn lụi đi, thời hạn không thành vấn đề - theo thời gian mọi thứ đều bị triệt tiêu.
Bạn đã bao gì thấy một vật bất diệt, một vật sẽ không bao giờ hữu diệt không? Chúng ta không thể thấy một vật như vậy trong thế giới bên ngoài bởi vì bản thân vật trung gian không phải là bất diệt, đôi mắt mà qua đó chúng ta thấy được là hữu diệt. Cái bất diệt không thể được thấy qua cái hữu diệt. Đây là một sự kiện đơn giản, rằng cái bất diệt không thể được thấy qua cái trung gian hữu diệt. Mắt không thể thấy được cái cao hơn bản thân chúng. Mắt có thể thấy được bên trong giới hạn của chúng - mắt là hữu diệt, do đó người ta chỉ có thể thấy cái hữu diệt. Tai là hữu diệt, do đó người ta chỉ có thể nghe thấy cái hữu diệt. Tay là hữu diệt, do đó người ta chỉ có thể chạm vào cái hữu diệt. Làm sao tay có thể chạm vào cái bất diệt được? Làm sao nó có thể chạm vào cái bất diệt được?
Vật trung gian bất diệt được là cần để tìm kiếm cái bất diệt; một vật trung gian hữu diệt sẽ không tìm được cái bất diệt, và tất cả các giác quan của thân thể chúng ta đều hữu diệt. Cho nên hiền nhân này nói rằng cuộc hành trình tới cái bất diệt là cuộc hành trình vào trong, nơi các giác quan không có chỗ dùng. Khả năng để thấy không có mắt, không có ánh sáng, để nghe không có tai, để sờ không có tay, là tồn tại ở bên trong.
Những linh ảnh, âm thanh và cảm giác có thể được kinh nghiệm bên trong, không cần sự giúp đỡ của các giác quan hữu diệt. Nhưng cái không được biết qua các giác quan có nhất thiết là bất diệt không? - bởi vì linh ảnh dường như ở bên trong có thể thấy được hôm nay, nhưng chúng vẫn có thể biến mất vào ngày mai.
Một người bạn hôm qua tới và nói rằng vào ngày thiền đầu tiên một ánh sáng lớn đã xuất hiện bên trong, nhưng vào ngày thứ hai nó không xuất hiện. Chắc chắn ánh sáng đã xuất hiện rồi biến mất không thể nào là bất diệt - cái mà có lần tồn tại và rồi mất đi chỉ là hình dạng.
Tôi bảo anh ta rằng dù có thấy ánh sáng hay không, một điều vĩnh viễn trong cả hai tình huống là người thấy, người quan sát. Người quan sát quan sát cả sự hiện diện của ánh sáng và sự thiếu vắng của ánh sáng: nó tồn tại trong cả hai tình huống.
Kinh nghiệm bên trong không nhất thiết là bất diệt, bởi vì chúng có thể tồn tại hôm nay và biến mất ngày mai. Nhưng một phẩm chất bao giờ cũng có đó: người biết, người quan sát, cái đó là vĩnh hằng. Cái đó là bất diệt bên trong chúng ta. Nếu chúng ta nhận ra cái đó, chúng ta có thể nhận ra yếu tố bất diệt trong thế giới này. Khác hơn cái đó, mọi cái khác đều hữu diệt.
Có thời bạn đã là đứa trẻ, bây giờ thời thơ ấu của bạn đã trôi qua... nhưng người đã kinh nghiệm thời thơ ấu này vẫn còn tồn tại bên trong. Bạn đã là thanh niên, bây giờ thời thanh xuân của bạn đã trôi qua... nhưng người đã kinh nghiệm thời thanh xuân này vẫn ở bên trong. Bây giờ bạn già, thời già sẽ qua đi... nhưng người đang kinh nghiệm thời già này sẽ vẫn còn bên trong. Ngươi đang kinh nghiệm cả ba thời này - thơ ấu, thanh niên và già lão - dường như có sự thường trực; mọi thứ khác đều tới rồi đi. Cái ta chứng kiến quan sát vui và buồn, phẩm giá và sỉ nhục; người quan sát này còn lại - tất cả những cái khác tàn lụi đi.
Nếu bạn dù chỉ có một thoáng nhìn nhỏ về cái ta chứng kiến này, bạn có thể biết rằng nhân chứng này đã chứng kiến sinh và cũng sẽ chứng kiến chết; theo cách này bạn sẽ tìm thấy sợi dây vĩnh hằng. Với việc đạt tới sợi dây này, hiểu biết này, sự tồn tại lập tức trở thành vĩnh hằng; với việc nhận ra sợi dây vĩnh hằng này chúng ta đạt tới tầm nhìn có thể nhận ra tất cả những cái vĩnh hằng và tất cả những cái tạm thời. Thế thì tất cả các hình dạng đều trở thành tạm thời và cái vô dạng ẩn đằng sau chúng được thấy là vĩnh hằng.
Sự kiện là hình dạng, chân lí là vô dạng. Đó là lí do tại sao tôn giáo cho định nghĩa về chân lí sắc sảo hơn, định nghĩa rộng khắp hơn định nghĩa của khoa học về sự kiện.
Brahman, thực tại tối thượng, là chân lí.
Nó là vô hạn và là chỗ của việc biết.
‘Nó là chân lí’ nghĩa là nó là bất diệt, ‘nó là vô hạn’, nghĩa là nó là vô giới hạn, bởi vì bất kì cái gì có giới hạn đều sẽ hữu diệt. Thực tế, tan rã bắt đầu với chính sự tồn tại của bất kì giới hạn nào. Bản thân biên giới bắt đầu tan rã. Bởi vì khi bạn lập quan hệ với các cái khác, có biên giới, và đây là nơi cọ xát xảy ra. Nếu thân thể bạn mà vô giới hạn, không cái chết nào là có thể bởi vì thân thể vô giới hạn nghĩa là không cái gì bị bỏ ra ngoài nó, ngoài thân thể của bạn. Cho nên làm sao nó chết được? Cái chết tới từ đâu? Sẽ không có bệnh tật, không có người báo trước cái chết, bởi vì không cái gì khác hơn bạn sẽ tồn tại.
Thân thể suy tàn bởi vì có quá nhiều thứ bên ngoài thân thể và do đó có cọ xát vào mọi khoảnh khắc. Các nhà khoa học nói rằng thân thể con người có thể sống bốn trăm năm nhưng nó suy tàn chỉ bởi vì cọ xát, vật lộn. Cũng giống như sắt mục nát bởi vì nó gỉ và gió thổi làm yếu cây, hay ánh mặt trời... tất cả xung quanh đều có vật lộn và những cú đánh vào thân thể bạn làm mòn mỏi nó dần. Nó trở thành kiệt quệ sau bẩy mươi năm. Cái chết đơn giản có nghĩa là thân thể của bạn đã không chịu nổi những tác động của biên giới của nó.
Cái hữu hạn tự nhiên trở nên cạn kiệt; nó không thể là bất diệt được, bởi vì vật lộn và xung đột này từ bên ngoài biên giới của nó mang đặc trưng đều đặn. Cọ xát là liên tục. Nếu chúng ta làm đông cứng một thân thể đặc biệt, giải thoát nó khỏi mọi vật lộn và cọ xát, chúng ta có thể gìn giữ thân thể này trong hàng nghìn và hàng nghìn năm. Không có vấn đề gì trong nó, bởi vì cái chết chỉ xuất hiện bởi cọ xát bên ngoài này. Nhưng cho dù thế, sau hàng nghìn năm, nó cũng trở nên bị cạn kiệt. Sau rốt, nó có giới hạn. Sự kéo dài của nó có thể lâu, nhưng nó không thể vĩnh hằng được.
Đây là lí do tại sao chúng ta nói rằng brahman, thực tại tối thượng, là vô hạn - không có giới hạn nào, không có biên giới nào. Chỉ cái không có biên giới mới có thể là cái toàn thể, còn cái có kết thúc, có biên giới, tạo ra biên giới bởi vì cái khác, không phải bởi vì chính nó.
Nhà của bạn kết thúc nơi nhà người khác bắt đầu. Nếu như không có nhà người khác trên trái đất, bạn sẽ chẳng cần xây dựng hàng rào quanh nhà mình, toàn bộ trái đất sẽ là nhà bạn. Hàng rào là cần bởi vì hàng xóm của bạn; các giới hạn và biên giới đi vào hiện hữu bởi vì sự tồn tại của người khác.
Nếu điều thiêng liêng là cái toàn thể, nó chỉ có thể hiện hữu không có giới hạn. Tất cả những cái không là toàn thể không thể nào bất diệt được, bởi vì bất kì giới hạn nào cũng đều mang tan rã, huỷ diệt bên trong bản thân nó, bất kì giới hạn nào cũng đều mang cái chết. Đây là lí do tại sao brahman được gọi là chân lí, cái vô hạn và chỗ của việc biết.
Kinh nghiệm vĩ đại nhất cho con người là kinh nghiệm về việc biết. Điều này sẽ khó cho việc hiểu. Người này có thể nói kinh nghiệm vĩ đại nhất là kinh nghiệm về tình yêu, người khác có thể nói rằng kinh nghiệm vĩ đại nhất là kinh nghiệm về phúc lạc, hay cái gì đó khác, nhưng trong thực tế cái vĩ đại nhất là việc biết - không có nó thì tình yêu không thể còn lại được, không có nó thì phúc lạc không thể được cảm thấy. Việc biết siêu việt lên trên cả hai; không có nó thì cả tình yêu lẫn phúc lạc đều không thể được biết tới. Việc biết có thể tồn tại mà không có tình yêu và phúc lạc, nhưng tình yêu và phúc lạc không có sự tồn tại nếu không có việc biết. Cho nên hiền nhân này đã gọi điều thiêng liêng là 'chỗ của việc biết’.
Jesus đã nói, “Thượng đế là tình yêu.” Điều này là rất có ý nghĩa: “Thượng đế là tình yêu.” Định nghĩa này là bởi vì một tình huống đặc biệt; mục đích của nó là hoàn toàn khác. Nó chỉ tái khẳng định cho bạn rằng điều thiêng liêng là tình yêu để cho bạn có thể hi vọng vào lòng nhân từ, sự giúp đỡ... rằng bạn không một mình và bất lực. Hỏi xin tình yêu và nó sẽ được ban cho bạn. Jesus định nghĩa Thượng đế là tình yêu để cho con người có thể được tái đảm bảo.
Tôi cũng nói rằng Thượng đế là tình yêu, hay tình yêu là Thượng đế, chỉ bởi vì nói “Thượng đế là việc biết” chẳng phục vụ cho mục đích gì. Chúng ta không thể đặt quan hệ với 'việc biết'; với 'việc biết' một khoảng cách, một lỗ hổng giữa bản thân chúng ta và việc biết bao giờ cũng còn. Khó mà chạm tới nó, không có cây cầu nào giữa việc biết này và chúng ta. Đó là lí do tại sao chúng ta nói Thượng đế là tình yêu.
Chắc chắn Thượng đế là tình yêu, nhưng đó không phải là định nghĩa tối thượng. Định nghĩa tối thượng là như hiền nhân này nói: “Thượng đế là chỗ của việc biết.” ‘Thượng đế là tình yêu’ là một định nghĩa tình huống giữ con người trong tâm trí, vì ích lợi cho con người, bởi vì việc biết không có mục đích, không có sức hấp dẫn, mặc dù nó là định nghĩa đúng nhất, định nghĩa phải nhất.
Một số người đã nói Thượng đế là phúc lạc, chỗ của phúc lạc - điều này cũng là một định nghĩa tình huống. Con người đang trong đau khổ nhiều tới mức chừng nào Thượng đế không là phúc lạc thì không cuộc hành trình nào là có thể; nếu nó không như vậy thì sao bạn phải đi tìm điều thiêng liêng ?
Triết lí của Phật đã bị nhổ bật rễ khỏi Ấn Độ trong vòng năm trăm năm; lí do là ở chỗ Phật đã không cho bất kì định nghĩa tình huống nào. Phật đã nói rằng nó tất cả là shunya, trống rỗng và hư không. Không ai muốn đi tới cái trống rỗng cả. Trong thực tế người ta sẽ tránh đi tới đó, tránh mối nguy hiểm này. Trống rỗng... bạn sẽ làm gì ở đó?
Bất kì khi nào Phật được hỏi, “Thượng đế có là phúc lạc không?” - ông ấy sẽ nói, “Không, chỉ có vắng bóng của đau khổ, vắng bóng của buồn, có vậy thôi.”
Điều này không gây hứng khởi cho bạn đi tìm điều thiêng liêng. Cũng tốt là không có buồn, nhưng điều này không phải là lí do đủ để bắt đầu cuộc hành trình. Con người đang trong đau khổ, đau khổ sâu sắc, do đó mới có định nghĩa tình huống này rằng Thượng đế là phúc lạc.
Nhưng đây không phải là định nghĩa tuyệt đối. Nếu chúng ta không tính tới con người thế thì định nghĩa chính xác là: Thượng đế là chỗ của việc biết, việc biết thuần khiết.
Upanishads chưa bao giờ là phổ cập cho quần chúng bởi vì những định nghĩa tuyệt đối này, bởi vì mọi người không thể có quan hệ với các định nghĩa tuyệt đối. Kinh Thánh thấm sâu vào con người hơn Upanishads. Mặc dầu Kinh Thánh không đứng được ở đâu trong so sánh với Upanishads, nhưng bởi vì định nghĩa tình huống của nó là rất gần với con người, nên nó có tiện dụng của nó. Mặt trời có thể cháy bỏng nơi xa, xa xăm, xa hàng tỉ dặm, nhưng nó chẳng hữu dụng cho chúng ta. Chỉ một ngọn đèn nhỏ cũng trở nên có ích bởi vì bạn phải bước đi ở đây trên trái đất. Bạn phải bước ở đây, lấy từng bước trong bóng tối, cho nên sao lại bận tâm về mặt trời ở nơi xa xăm kia? Nó có thể có đó, nhưng nó không giúp chúng ta bước đi dù chỉ một li trong đêm tối. Ngọn đèn của bạn có thể không là mặt trời, vâng, ngọn đèn của bạn là rất nhỏ, nhưng nó giúp bạn lấy từng bước và đi trên con đường, và những bước nhỏ này có thể đưa bạn tới mặt trời nơi tất cả mọi ngọn đèn đều có thể được vứt bỏ đi.
Nhưng Upanishads cho định nghĩa tối thượng, bởi vì vào lúc Upanishads được sinh ra thì mọi người không trong đau khổ nhiều thế mà phải được an ủi bằng phúc lạc, cũng không bất lực đến mức phải được an ủi bằng tình yêu. Con người hoàn toàn hồn nhiên và bằng lòng trong bản thân mình. Định nghĩa tối thượng và tuyệt đối là có thể trong những ngày đó: rằng Thượng đế là chỗ của việc biết.
Và việc biết thuần khiết này là chân lí, nó là bất diệt.
Cái không bị huỷ diệt, ngay cả như trung gian của không gian,
thời gian và sự vật bị phá huỷ,
là avinashi, cái không thể bị huỷ diệt nổi.
Cái mà bao giờ cũng còn lại, cho dù thời gian và không gian có biến mất, cho dù tất cả vật chất và vũ trụ có biến mất, cái mà là cốt lõi bản chất của tất cả cái đang đó được gọi là avinashi, cái bất diệt.
Xem tiếp Chương 12 - Quay về Mục lục

Ads Belove Post