Chương 2. Con người của Đạo

Chương 2. Con người của Đạo

Price:

Read more

Osho - Thuyền rỗng
Chương 2. Con người của Đạo

Con người của Đạo hành động không cản trở
Không làm hại người khác bằng hành động của mình
vậy mà người đó không biết mình là tốt bụng và tử tế
Người đó không tranh giành làm tiền,
và người đó không tạo ra đức hạnh từ nghèo khó.
Người đó đi con đường của mình không dựa vào kẻ khác,
và không tự hào mình đi một mình
Con người của Đạo vẫn còn vô danh
Đức hạnh hoàn hảo tạo ra cái không.
Vô ngã mới là cái ngã thật
Và người vĩ đại nhất là không ai cả
Điều khó khăn nhất, điều gần như là không thể được nhất đối với tâm trí chính là vẫn còn ở giữa, chính là vẫn duy trì được cân bằng, còn chuyển từ điều này sang phía đối diện của nó là dễ nhất. Chuyển từ cực này sang cực đối diện là bản chất của tâm trí. Điều này phải được hiểu rất sâu sắc vì chừng nào bạn chưa hiểu được điều này, chẳng cái gì có thể dẫn bạn tới thiền được.
Bản chất của tâm trí là di chuyển từ cực điểm nọ sang cực điểm kia. Nó phụ thuộc vào sự mất cân bằng, nếu bạn đang cân bằng, tâm trí biến mất. Tâm trí hệt như bệnh tật, khi bạn quân bình, bệnh không có đấy.
Đó là lí do tại sao người ăn quá nhiều lại dễ nhịn ăn. Điều ấy có vẻ phi logic bởi vì chúng ta nghĩ rằng một người bị ám ảnh bởi thức ăn thì không thể nào cứ nhịn ăn được. Nhưng bạn nhầm, chỉ người nào bị ám ảnh với thức ăn mới có thể nhịn ăn được, bởi vì nhịn ăn cũng lại là một loại ám ảnh nhưng theo hướng ngược lại thôi. Điều ấy không thực sự làm thay đổi bản thân bạn, bạn vẫn bị ám ảnh bởi thức ăn. Trước đây ăn quá nhiều, bây giờ lại chịu đói nhưng tâm trí cứ tập trung vào thức ăn từ cực đối lập kia.
Người quá ham mê về dục có thể trở thành người độc thân rất dễ dàng, chẳng có vấn đề gì cả. Nhưng thật khó cho tâm trí để đi đến đúng chế độ, thật khó cho tâm trí để duy trì ở chính giữa.
Tại sao khó duy trì ở chính giữa ? Điều đó cũng như là con lắc đồng hồ vậy. Con lắc của đồng hồ đi sang phải, rồi nó lại chuyển sang trái, rồi nó lần nữa lại chuyển sang phải, rồi nó lại chuyển sang trái; toàn bộ đồng hồ phải phụ thuộc vào chuyển động này. Nếu con lắc dừng ở chính giữa thì đồng hồ sẽ dừng lại. Và khi con lắc đi sang phải, bạn nghĩ rằng nó chỉ đi sang bên phải, nhưng đồng thời nó thu được đà để đi sang trái. Nó càng chuyển sang phải, nó lại càng thu nhiều năng lượng để chuyển sang trái, sang phía đối lập. Khi nó chuyển sang trái, nó lại thu được đà để chuyển sang phải.
Bất kì khi nào bạn ăn quá nhiều, bạn cũng đã thu được đà để nhịn ăn. Bất kì khi nào bạn quá say mê về dục, chẳng chóng thì chầy, brahmacharya, độc thân sẽ hấp dẫn bạn.
Và cùng điều như thế đang xảy ra ở cực đối lập. Bạn cứ đi hỏi cái gọi là các thánh nhân, các khất sĩ, các sannyasin của bạn mà xem. Họ đã làm cho vấn đề đi đến điểm là độc thân, bây giờ thì tâm trí của họ lại đang thu thập đà để chuyển vào trong dục. Họ đã đi đến một điểm là trở nên đói và chết đói, và rồi tâm trí của họ thường xuyên nghĩ đến thức ăn. Khi bạn đang nghĩ về thức ăn quá nhiều, điều đó chỉ ra rằng bạn đang thu thập đà cho nó. Việc nghĩ có nghĩa là cái đà. Tâm trí bắt đầu sắp xếp cho cái đối lập.
Một điều: bất kì khi nào bạn di chuyển bạn cũng di chuyển sang phía đối lập. Phía đối lập bị dấu kín, nó còn chưa hiện rõ ra.
Khi bạn yêu một người, ấy là bạn đang thu thập đà để ghét người đó. Đấy là lí do tại sao chỉ bạn bè mới có thể trở thành kẻ thù được. Bạn không thể bỗng nhiên trở thành thù được chừng nào trước hết bạn còn chưa trở thành bạn. Những người yêu cãi nhau, lục đục. Chỉ những người yêu mới có thể cãi nhau và lục đục, bởi vì chừng nào bạn chưa yêu, làm sao bạn có thể ghét được? Chừng nào bạn còn chưa chuyển xa sang cực trái, làm sao bạn có thể chuyển sang phải được? Nghiên cứu hiện đại nói rằng: cái gọi là tình yêu thực chất chỉ là quan hệ giữa những kẻ thù thân thiết thôi. Vợ bạn chính là kẻ thù thân thiết của bạn, chồng bạn là kẻ thù thân thiết của bạn - cả hai vừa thân thiết vừa đối địch. Họ dường như là đối lập, phi logic, bởi vì chúng ta vẫn tự hỏi vì sao một người đang thân thiết thế lại có thể trở thành kẻ thù được; một người đang là bạn bè, làm sao người đó lại trở thành kẻ thù?
Logic là nông cạn, cuộc sống đi sâu hơn, và trong cuộc sống tất cả các phía đối lập đều hợp lại với nhau, chúng cùng tồn tại với nhau. Nhớ lấy, điều này, bởi vì thế thì thiền mới trở thành cân bằng.
Phật đã dạy tám kỉ luật, và với mỗi kỉ luật ông ấy đã dùng một từ chính. Ông ấy nói: chính tinh tấn, bởi vì rất dễ chuyển từ hành động sang không hành động, từ thức sang ngủ, nhưng duy trì ở giữa là khó. Khi Phật dùng từ chính, tức là ông ấy đang nói: đừng chuyển sang phía đối lập, cứ ở chính giữa. Ăn đúng - ông ấy chưa bao giờ nói đến nhịn ăn cả. Đừng quá mê say trong ăn quá nhiều, cũng đừng quá mê say trong nhịn ăn. Ông ấy nói: ăn đúng. Ăn đúng nghĩa là đứng ở điểm giữa.
Khi bạn đang đứng ở điểm giữa, bạn không thu thập bất kì đà nào, và đây chính là cái đẹp của nó - một người không thu thập bất kì đà nào để đi đâu cả, có thể thoải mái với chính mình, có thể ở nhà.
Bạn có thể chẳng bao giờ ở nhà cả, bởi vì bất kì cái gì bạn làm, bạn ngay lập tức sẽ phải làm cái đối lập cho cân bằng. Và cái đối lập chẳng bao giờ cân bằng hết cả, nó đơn giản cho bạn ấn tượng rằng bạn đang trở nên cân bằng, nhưng bạn sẽ lại phải chuyển sang cái đối lập lần nữa.
Một Phật thì chẳng là bạn của bất kì ai, nhưng cũng chẳng là kẻ thù. Người đó đơn giản đứng lại ở giữa - chiếc đồng hồ không vận hành.
Người ta thường kể về một nhà huyền học của phái Hassid, tên là Muzheed, rằng là khi ông này đạt tới chứng ngộ, bỗng nhiên chiếc đồng hồ trên tường nhà ông ấy dừng lại. Điều ấy thì có thể xảy ra, cũng có thể không xảy ra, bởi vì đấy là một khả năng, nhưng tính biểu tượng là rõ ràng: khi tâm trí bạn dừng lại, thời gian dừng lại; khi con lắc dừng lại, đồng hồ dừng lại. Từ đó trở đi thì chiếc đồng hồ đó không bao giờ chạy nữa, từ đó trở đi nó bao giờ cũng chỉ cùng một giờ.
Thời gian được tạo ra do chuyển động của tâm trí, cũng giống hệt như chuyển động của con lắc vậy. Tâm trí chuyển động, bạn cảm thấy thời gian. Khi tâm trí không chuyển động, làm sao bạn cảm thấy thời gian được? Khi không có chuyển động, không thể cảm thấy thời gian được. Các nhà khoa học và các nhà huyền học đều đồng ý về điểm này: rằng là chuyển động tạo ra hiện tượng thời gian. Nếu bạn không chuyển động, nếu bạn tĩnh lặng, thời gian biến mất, cái vĩnh hằng đi vào trong sự tồn tại.
Chiếc đồng hồ của bạn chạy nhanh, và cơ chế của nó đang chuyển động từ cực đoan này sang cực đoan khác.
Điều thứ hai cần phải hiểu về tâm trí là ở chỗ tâm trí bao giờ cũng ao ước xa cách, chẳng bao giờ mong ước gần gũi cả. Cái gần gũi đem lại cho bạn chán chường, bạn phát ngán với nó; cái xa cách cho bạn mơ ước, hi vọng, khả năng để hài lòng. Cho nên tâm trí bao giờ cũng nghĩ đến xa cách. Vợ của một ai đó khác bao giờ cũng hấp dẫn, đẹp đẽ; nhà của ai đó khác bao giờ cũng ám ảnh bạn; xe ô tô của ai đó khác làm bạn mê mẩn. Điều đó bao giờ cũng là xa cách. Bạn mù với cái gần gũi. Tâm trí không thể thấy được cái ở rất gần. Nó chỉ có thể thấy được cái ở rất xa.
Thế những cái xa nhất, cái xa xôi nhất thì sao? Cái đối lập là xa cách nhất. Bạn yêu một người - bây giờ thì ghét là hiện tượng xa cách nhất; bạn ăn quá nhiều - bây giờ nhịn ăn là hiện tượng xa cách nhất; bạn độc thân - bây giờ dục là hiện tượng xa cách nhất; bạn đang là vua - bây giờ việc là sư là xa cách nhất.
Cái xa cách nhất chính là điều mơ mộng nhất. Nó hấp dẫn, nó ám ảnh, nó cứ vẫy gọi, mời mọc bạn, và thế rồi khi bạn đã đạt tới cực kia, chỗ mà từ đó bạn đã đi, lần nữa lại trở thành đẹp. Li dị vợ bạn, và sau vài năm, vợ bạn lại trở nên đẹp.
Một nữ diễn viên điện ảnh đến gặp tôi. Cô ấy đã li dị với chồng mười lăm năm trước. Bây giờ thì cô ấy cũng già rồi, kém đẹp hơn hồi cô ấy cùng với chồng, cô ấy đã li thân. Con của họ cũng đã xây dựng gia đình hồi năm ngoái, cho nên tại đám cưới, cô ấy gặp lại người chồng cũ, và họ lại cùng đi du lịch với nhau. Người chồng lại cảm thấy yêu cô ấy một lần nữa, cho nên cô ấy đến tôi và hỏi, “Tôi phải làm gì đây? Bây giờ anh ấy lại đề nghị cưới lần nữa, anh ấy muốn cưới tôi lần nữa.”
Cô ấy vẫn còn quyến rũ. Cô ấy chỉ chờ đợi tôi nói có. Tôi nói, “Nhưng các bạn đã sống cùng nhau rồi, bao giờ cũng có xung đột và chẳng có gì khác cả. Tôi biết toàn bộ câu chuyện này - các bạn lục đục thế nào, cãi nhau thế nào, các bạn tạo ra địa ngục và khổ lẫn cho nhau như thế nào, bây giờ lại thế nữa à…?”
Với tâm trí, cái đối lập có từ lực, và chừng nào qua hiểu biết bạn còn chưa siêu việt lên trên điều này, tâm trí vẫn cứ chuyển từ trái sang phải, từ phải sang trái, và đồng hồ vẫn cứ tiếp tục chạy.
Điều đó đã liên tục trong nhiều kiếp sống rồi, và đây là cách thức bạn đã lừa dối chính mình - bởi vì bạn không hiểu được cơ chế này. Một lần nữa xa cách lại trở nên vẫy gọi, một lần nữa bạn lại bắt đầu du hành. Khoảnh khắc bạn đạt được mục tiêu của mình, cái bạn đã quen thuộc với nó rồi thì bây giờ lại là xa cách, bây giờ lại có hấp dẫn, bây giờ lại trở thành ngôi sao, cái gì đó đáng giá.
Tôi đã đọc về một phi công, người đã bay qua California cùng với với một người bạn. Anh ta bảo với người bạn, “Nhìn xuống cái hồ đẹp kia kìa. Tớ đã được sinh ra gần đó, đấy là làng của tớ.”
Anh ta chỉ vào một cái làng nhỏ bé nằm cheo leo trên những mỏm đồi cạnh cái hồ, và anh ta nói, “Tớ đã được sinh ra ở đấy. Khi tớ còn là một đứa trẻ tớ vẫn quen ngồi ở gần cái hồ này và câu cá; câu cá là sở thích của tớ. Nhưng vào lúc đó, khi tớ còn là đứa trẻ câu cá ở gần hồ, máy bay bao giờ cũng bay qua trên trời, bay qua trên đầu, và tớ cứ mơ ước có ngày tớ trở thành phi công, tớ sẽ lái máy bay. Đấy là mơ ước duy nhất của tớ. Bây giờ nó đã được hoàn thành rồi, và khổ làm sao! Bây giờ tớ cứ liên tục nhìn xuống cái hồ và nghĩ về lúc tớ về hưu, và lại đi câu cá lần nữa. Cái hồ ấy mới đẹp làm sao...”
Đây là cách thức mọi việc xảy ra. Đây là cách thức mọi việc đang xảy ra cho bạn. Trong tuổi thơ, bạn khao khát lớn lên thật nhanh bởi vì người lớn mạnh mẽ hơn. Đứa trẻ khao khát lớn lên ngay lập tức. Người già khôn ngoan, còn đứa trẻ lại cảm thấy rằng bất kì cái gì nó làm cũng đều sai cả. Và rồi hỏi ông già xem - ông ấy bao giờ cũng nghĩ rằng khi tuổi niên thiếu mất đi rồi, mọi thứ cũng mất theo; thiên đường có đó trong thời niên thiếu. Và tất cả mọi người già đều chết đi trong việc nghĩ về thời niên thiếu, về sự hồn nhiên, về cái đẹp, về vùng đất mơ.
Bất kì cái gì bạn có cũng đều có vẻ vô dụng, bất kì cái gì bạn không có đều có vẻ có ích. Nhớ lấy, điều này, nếu không thì thiền không thể xảy ra được, bởi vì thiền có nghĩa là hiểu biết này về tâm trí, cách làm việc của tâm trí, chính quá trình này của tâm trí.
Tâm trí là biện chứng, nó làm cho bạn cứ chuyển động đi, chuyển động lại, hướng sang phía đối lập. Và đây lại là quá trình vô tận: nó chẳng bao giờ kết thúc chừng nào bạn còn chưa đột nhiên vứt bỏ nó, chừng nào bạn còn chưa đột nhiên trở nên nhận biết về trò chơi này, chừng nào bạn còn chưa đột nhiên trở nên nhận biết về cái mẹo mực này của tâm trí, và bạn dừng ngay giữa chừng.
Việc dừng lại ngay ở giữa chính là thiền.
Điều thứ ba, bởi vì tâm trí là bao gồm các cực, cho nên bạn chẳng bao giờ là cái toàn thể. Tâm trí không thể nào là cái toàn thể được; nó bao giờ cũng một nửa. Khi bạn yêu ai đó bạn có quan sát rằng bạn đang kìm nén căm ghét của mình không? Tình yêu là không toàn bộ, nó không phải là toàn thể, ngay sau nó thôi, tất cả cái thế lực đen tối đều đang ẩn nấp đấy và chúng có thể bùng ra bất kì lúc nào. Bạn vẫn đang ngồi trên núi lửa đấy.
Khi bạn yêu ai đó, bạn đơn giản quên mất rằng bạn còn có giận dữ, bạn còn có căm ghét, bạn có ghen tuông. Bạn đơn giản loại bỏ chúng dường như là chúng chưa bao giờ tồn tại cả. Nhưng làm sao bạn có thể loại bỏ được chúng? Bạn chỉ có thể đơn giản che giấu chúng trong vô thức. Ngay trên bề mặt bạn có thể trở thành việc yêu, nhưng sâu bên trong thì hỗn loạn đang ẩn nấp. Chẳng chóng thì chầy bạn sẽ chán ngấy, người được yêu sẽ trở thành quen thuộc.
Người ta nói rằng quen thuộc nuôi dưỡng khinh miệt, nhưng không phải quen thuộc nuôi dưỡng cho khinh miệt đâu - quen thuộc làm cho bạn phát chán, còn khinh miệt thì bao giờ cũng có đấy rồi, giấu kín. Nó tới, nó đang đợi cho đến khi đúng lúc; hạt mầm đã có đó rồi.
Tâm trí bao giờ cũng có cái đối lập ở bên trong nó, và cái đối lập đó đi vào vô thức, và đợi cho đến khoảnh khắc để nổi lên. Nếu bạn quan sát chăm chú, bạn sẽ cảm thấy nó ở mọi khoảnh khắc. Khi bạn nói với ai đó, Anh yêu em, nhắm mắt lại, thiền và cảm đi - có căm ghét nào ẩn kín đó không? Bạn sẽ cảm thấy nó. Nhưng bởi vì bạn muốn tự lừa dối mình, bởi vì sự thật xấu thế - sự thật là bạn ghét người bạn yêu, cho nên bạn không muốn đối diện với nó. Bạn muốn thoát ra khỏi thực tại, cho nên bạn che giấu nó. Nhưng che giấu cũng chẳng có ích lợi gì, bởi vì đấy không phải là lừa dối một ai đó khác, đấy là tự lừa dối mình.
Cho nên bất kì khi nào bạn cảm thấy cái gì đó, nhắm mắt lại và đi vào trong bản thân mình để tìm xem cái đối lập đang ở đâu đó. Nó đang có đấy. Và nếu bạn có thể thấy được cái đối lập, điều đó sẽ cho bạn cân bằng, thế thì bạn sẽ không nói, “Anh yêu em.” Nếu bạn là một người chân thành thì bạn sẽ nói, “Mối quan hệ của anh với em là mối quan hệ của tình yêu và căm ghét”.
Tất cả các mối quan hệ đều là mối quan hệ yêu/ghét. Không mối quan hệ nào là thuần tuý yêu, và cũng không có mối quan hệ nào thuần tuý ghét. Nó là cả yêu và ghét. Nếu bạn thật thà bạn sẽ gặp khó khăn. Nếu bạn nói với một cô gái “Mối quan hệ của anh với em là cả yêu và ghét. Anh yêu em như là anh chưa bao giờ yêu bất kì ai và anh ghét em như là chưa bao giờ ghét bất kì ai,” thì sẽ khó cho bạn để lấy cô ấy trừ phi là bạn tìm được một cô gái có tính thiền sâu sắc, người có thể hiểu được thực tại; trừ phi bạn có thể tìm ra được một người bạn có thể hiểu được cái phức tạp này của tâm trí.
Tâm trí không phải là cơ chế đơn giản, nó rất phức tạp, và qua tâm trí bạn chẳng bao giờ có thể trở nên đơn giản được bởi vì tâm trí cứ tạo ra dối trá. Có tính thiền có nghĩa là nhận biết về sự kiện rằng tâm trí đang che giấu cái gì đó với bạn, bạn đang nhắm mắt lại với những sự kiện nào đó đang gây phiền nhiễu. Chẳng chóng thì chầy, những phiền nhiễu đấy sẽ bùng ra, nó sẽ áp đảo bạn, và bạn sẽ chuyển sang phía đối lập. Và phía đối lập ấy thì không có đó ở một nơi xa xôi nào, ở ngôi sao nào đó; cái đối lập đang bị che giấu ngay đằng sau bạn, ở trong bạn, trong tâm trí bạn, trong chính vận hành của tâm trí. Nếu bạn có thể hiểu được điều này, bạn sẽ dừng lại được ở chính giữa.
Nếu bạn có thể thấy mình yêu và mình ghét, đột nhiên cả hai sẽ biến mất, bởi vì cả hai không thể tồn tại cùng nhau trong tâm thức được. Bạn phải tạo ra rào chắn: một cái phải tồn tại trong vô thức, và một cái thì trong ý thức. Cả hai không thể tồn tại trong ý thức được, chúng sẽ phủ định lẫn nhau. Yêu sẽ phá huỷ ghét, ghét sẽ phá huỷ yêu; chúng sẽ cân bằng lẫn nhau và chúng đơn giản sẽ biến mất. Cùng một khối lượng ghét và cùng một khối lượng yêu sẽ phủ định lẫn nhau. Bỗng nhiên chúng sẽ bay hơi mất - bạn sẽ có đó, nhưng không yêu và cũng không ghét. Thế thì bạn được cân bằng.
Khi bạn cân bằng, tâm trí không có đó - thế thì bạn là cái toàn thể. Khi bạn là cái toàn thể, bạn là linh thiêng, nhưng tâm trí không có đó. Cho nên thiền là trạng thái của vô trí. Qua tâm trí thì điều đó không thể nào đạt được. Qua tâm trí, dù bạn có làm gì đi nữa, bạn cũng chẳng bao giờ đạt được thiền. Thế thì bạn làm gì khi bạn thiền?
Bởi vì bạn đã tạo ra biết bao căng thẳng trong cuộc sống, cho nên bây giờ bạn thiền. Nhưng đây là cái đối lập của căng thẳng, không phải là thiền thực đâu. Bạn đang căng thẳng đến mức thiền đã trở thành hấp dẫn. Đó là lí do tại sao ở phương Tây thiền lại hấp dẫn hơn ở phương Đông, bởi vì có nhiều căng thẳng hơn ở phương Đông. Phương Đông vẫn còn thảnh thơi, mọi người không căng thẳng mấy, họ không phát điên một cách đễ dàng đến thế, họ không tự tử một cách đễ dàng đến thế. Họ không bạo hành đến thế, không hùng hổ đến thế, không sợ hãi đến thế, không khiếp đảm đến thế - không, họ không căng thẳng đến thế. Họ không sống theo một tốc độ điên khùng đến thế, khi chẳng có gì ngoài căng thẳng được tích luỹ.
Cho nên nếu Mahesh Yogi tới Ấn Độ, chẳng ai nghe hết cả. Nhưng ở Mĩ, mọi người đều phát điên vì ông ấy. Khi có nhiều căng thẳng, thiền sẽ hấp dẫn. Nhưng cái hấp dẫn này lại rơi vào cùng một bẫy. Đây không phải là thiền thực, đây lần nữa lại là thủ đoạn. Bạn thiền được vài ngày, bạn trở nên thảnh thơi; khi bạn trở nên thảnh thơi, lần nữa nhu cầu hoạt động lại nảy sinh, và tâm trí bắt đầu nghĩ đến việc làm cái gì đó, hay di chuyển. Bạn phát chán với thiền.
Người ta tới tôi là nói, “Chúng tôi đã thiền vài năm nay, thế rồi việc thiền trở thành chán, thế rồi chẳng còn có cái gì là vui vẻ nữa.”
Mới hôm nọ thôi, một cô gái đến tôi và nói, “Bây giờ thiền chẳng còn gì vui nữa, tôi phải làm gì bây giờ?”
Bây giờ tâm trí đang tìm kiếm cái gì đó khác, bây giờ nó đã có đủ thiền rồi. Bởi vì cô ấy bây giờ thấy thoải mái, cho nên tâm trí đang yêu cầu được căng thẳng hơn - cái gì đó cần phải được khuấy động lên. Khi cô ấy nói rằng bây giờ thiền không còn vui vẻ gì nữa, cô ấy ngụ ý rằng bây giờ căng thẳng không có đó, cho nên làm sao thiền có thể vui được? Cô ấy sẽ phải chuyển vào trong căng thẳng lần nữa, thế thì thiền lần nữa mới trở thành cái gì đó đáng giá.
Nhìn vào cái ngớ ngẩn này của tâm trí: bạn phải đi xa để về gần, bạn phải trở nên căng thẳng để thiền. Nhưng thế thì điều này không phải là thiền, thế thì lần nữa đây lại là trò mẹo của cùng cái tâm trí đấy thôi; trên một mức độ mới, cùng trò chơi lại tiếp diễn.
Khi tôi nói thiền, tôi nói tới vượt ra ngoài trò chơi này của các phía đối lập; loại bỏ đi toàn bộ trò chơi này, nhìn vào cái ngớ ngẩn của nó và siêu việt lên trên nó. Chính hiểu biết trở thành siêu việt.
Tâm trí sẽ buộc bạn phải chuyển sang phía đối lập - nhưng bạn đừng chuyển sang phía đối lập. Dừng lại ở chính giữa và thấy rằng điều này bao giờ cũng là trò mẹo của tâm trí. Đây chính là cách thức tâm trí đã chi phối bạn - thông qua phía đối lập. Bạn có cảm thấy điều đó không?
Sau khi làm tình với người đàn bà, bạn đột nhiên bắt đầu nghĩ về vô dục brahmacharya, và brahmacharya có hấp dẫn đến thế vào lúc bạn cảm thấy rằng dường như chẳng có cái gì khác cần đạt đến nữa. Bạn cảm thấy thất vọng, bị lừa dối, bạn cảm thấy rằng chẳng có gì trong dục cả, chỉ có brahmacharya mới có phúc lạc. Nhưng sau hai mươi tư giờ, dục lại trở thành quan trọng, có ý nghĩa, và lần nữa bạn lại phải chuyển vào trong đó.
Tâm trí đang làm điều gì vậy? Sau hành động dục nó bắt đầu nghĩ về cái đối lập, cái lần nữa lại tạo ra hương vị cho dục.
Người bạo hành bắt đầu nghĩ về không bạo hành, thế rồi người đó lại dễ dàng trở thành bạo hành lần nữa. Người cứ giận dữ đi giận dữ lại bao giờ cũng nghĩ đến việc không giận dữ, bao giờ cũng quyết định là không giận dữ nữa. Quyết định này giúp người đó trở nên giận dữ lần nữa.
Nếu bạn thật sự muốn không giận dữ nữa, đừng quyết định chống lại giận dữ. Chỉ nhìn vào trong giận dữ này và chỉ nhìn vào trong cái bóng của giận dữ mà bạn nghĩ rằng là không giận dữ. Nhìn vào dục đi, và nhìn vào cái bóng của dục, cái bạn nghĩ rằng đó là brahmacharya, vô dục. Đấy chỉ là phủ định, sự vắng mặt. Nhìn vào việc ăn quá nhiều và cái bóng của nó - nhịn ăn. Nhịn ăn bao giờ cũng theo sau ăn quá nhiều, quá mê đắm bao giờ cũng theo sau lời nguyền về vô dục; căng thẳng bao giờ cũng theo sau một số kĩ thuật thiền. Nhìn vào chúng cùng nhau đi, cảm thấy cách chúng có quan hệ với nhau; chúng là bộ phận của cùng một quá trình.
Nếu bạn có thể hiểu điều này, thiền sẽ xảy ra cho bạn. Thực sự, nó không phải là cái gì đó cần làm, đó là vấn đề về hiểu biết. Nó không phải là nỗ lực, nó không phải là cái cần thành đạt. Nó là cái gì đó cần phải được hiểu một cách sâu sắc.
Hiểu biết đem lại tự do. Tri thức về toàn bộ cơ chế của tâm trí là việc biến đổi. Thế thì bỗng nhiên chiếc đồng hồ dừng lại, thời gian biến mất: và với việc dừng lại của chiếc đồng hồ, cũng không còn tâm trí nữa. Với việc dừng lại của thời gian, bạn ở đâu? Con thuyền là rỗng không.
Bây giờ chúng ta đi vào lời kinh này của Trang Tử:
Con người của Đạo hành động không cản trở
Không làm hại người khác bằng hành động của mình
vậy người đó không biết mình là tốt bụng và tử tế
Con người của đạo hành động không cản trở gì… Bạn bao giờ cũng hành động với sự cản trở, cái đối lập bao giờ cũng có đó để tạo ra cái cản trở; bạn không phải là một luồng.
Nếu bạn yêu, ghét bao giờ cũng có đó như một cản trở. Nếu bạn di chuyển, cái gì đó đang giữ bạn lại; bạn chẳng bao giờ di chuyển một cách toàn bộ. Cái gì đó bao giờ cũng còn lại, di chuyển là không toàn bộ. Bạn đi bằng một chân nhưng chân kia lại không chuyển. Làm sao bạn có thể đi được? Cái cản trở đang có đó.
Và cái cản trở này, việc liên tục di chuyển của nửa này và không di chuyển của nửa kia, chính là đau đớn của bạn, lo âu của bạn. Tại sao bạn ở trong biết bao nhiêu đau khổ như vậy? Cái gì tạo ra biết bao nhiêu lo âu trong bạn như vậy? Bất kì cái gì bạn làm, tại sao phúc lạc không xảy ra qua nó? Phúc lại chỉ có thể xảy ra cho cái toàn thể, không bao giờ xảy ra cho bộ phận.
Khi cái toàn thể di chuyển, không có bất kì cản trở nào, chính việc di chuyển đó là phúc lạc. Phúc lạc không phải là cái gì đó đến từ bên ngoài - nó là cảm giác đến khi toàn bộ con người của bạn di chuyển, chính chuyển động của cái toàn thể là phúc lạc. Nó không phải là cái gì đó xảy ra cho bạn, nó nảy sinh ra từ bạn, nó là sự hài hoà trong con người bạn.
Nếu bạn bị phân chia - và bạn bao giờ cũng bị phân chia: nửa đi, nửa dừng, nửa nói có, nửa nói không, nửa yêu, nửa ghét, bạn đang trong vương quốc bị phân chia đấy - thường xuyên có xung đột trong bạn. Bạn nói điều gì đó nhưng chẳng bao giờ bạn ngụ ý nó, bởi vì cái đối lập có đó, đang cản trở, tạo ra chướng ngại.
Các đệ tử của Baal Shem quen ghi ra bất kì cái gì ông ấy nói, và Baal Shem lại hay nói: Ta biết rằng bất kì cái gì các anh viết ra cũng không phải là điều ta nói. Các anh nghe một điều, ta nói một điều khác, và các anh viết ra cái gì đó khác nữa. Và nếu các anh nhìn vào ý nghĩa, ý nghĩa lại là cái gì đó khác nữa. Các anh sẽ chẳng bao giờ làm điều các anh đã viết ra, các anh sẽ làm cái gì đó khác - những phân mảnh, không phải là điều được tích hợp lại.
Tại sao có những phân mảnh này?
Bạn đã bao giờ nghe câu chuyện về con rết chưa? Con rết đang bước đi với một trăm chân - đó là lí do tại sao trong tiếng Anh người ta gọi nó là centipede, một trăm chân. Bước đi bằng một trăm chân quả là điều kì diệu, bởi vì thậm chí quản lí hai chân thôi cũng đã thấy khó thế rồi! Quản lí đến một trăm chân thì thực sự gần như là không thể được. Nhưng rết vẫn cứ quản lí việc đi như thế đấy!
Một con cáo trở nên tò mò - và cáo thì bao giờ cũng tò mò. Cáo là biểu tượng trong văn học dân gian về tâm trí, về trí tuệ, về logic. Cáo là những nhà logic vĩ đại. Cáo nhìn, nó quan sát, nó phân tích, nó không thể tin được điều đó. Nó nói, “Hượm đã anh bạn! Tôi có câu hỏi đây này. Làm sao anh quản lí được, làm sao anh lại biết được chân nào phải theo chân nào? Những một trăm chân cơ! Anh bước nhịp nhàng làm sao. Làm sao hài hoà này lại xảy ra được?”
Rết nói, “Tôi đã bước cả đời chưa bao giờ tôi nghĩ về điều đó. Đợi tôi một chút.”
Thế rồi nó nhắm mắt lại và lần đầu tiên nó trở nên bị phân chia: tâm trí như là người quan sát, và bản thân nó như là vật được quan sát. Lần đầu tiên con rết trở thành hai. Nó bao giờ cũng sống và bước đi, và toàn bộ cuộc đời nó là một toàn thể; không có người quan sát đứng nhìn vào bản thân nó, nó chưa bao giờ bị phân chia cả, nó đã là một sinh linh nhất thể. Bây giờ, lần đầu tiên, phân chia nảy sinh. Nó nhìn vào chính bản thân mình, suy nghĩ. Nó trở thành chủ thể và khách thể, nó đã trở thành hai, và thế rồi nó bắt đầu bước. Nhưng khó quá, gần như là không thể được. Nó ngã nhào - bởi vì làm sao bạn có thể quản lí được đến một trăm chân?
Cáo cười phá lên và nói, “Tôi biết mà, phải là khó lắm, tôi biết trước điều này rồi.”
Rết bắt đầu kêu khóc. Nước mắt tràn trề, nó nói, “Tôi chưa bao giờ khó khăn như thế này trước đây cả, nhưng anh đã tạo ra vấn đề rồi. Bây giờ tôi chẳng bao giờ có thể bước được nữa.”
Tâm trí đã đi vào hiện hữu; nó đi vào hiện hữu khi bạn bị phân chia. Tâm trí nuôi dưỡng phân chia. Đó là lí do tại sao Krishnamurti thường xuyên nói rằng khi người quan sát đã trở thành cái được quan sát, bạn ở trong thiền.
Cái đối lập đã xảy ra với con rết. Cái toàn thể đã mất đi, nó đã trở thành hai: người quan sát và vật được quan sát, bị phân chia; chủ thể và khách thể, người suy nghĩ và ý nghĩ. Thế thì mọi thứ trở thành rối loạn, thế thì phúc lạc đã mất và luồng chảy bị dừng lại. Thế thì nó bị đông cứng.
Bất kì khi nào tâm trí đi vào là nó tới như một lực điều khiển, người quản lí. Nó không phải là người chủ, nó là người quản lí. Và bạn không thể nào trở thành người chủ chừng nào người quản lí này còn chưa bị đẩy sang một bên. Người quản lí sẽ không cho phép bạn đạt tới người chủ, người quản lí bao giờ cũng sẽ đứng ở cửa ra vào để quản lí. Và tất cả những người quản lí đều chỉ quản lí sai - tâm trí đã làm công việc rất lớn về việc quản lí sai.
Con rết tội nghiệp. Nó bao giờ cũng hạnh phúc. Nó chẳng bao giờ có vấn đề gì cả. Nó đã sống, đã di chuyển, đã yêu, mọi thứ, không có vấn đề gì, bởi vì không có tâm trí. Tâm trí đến với vấn đề, với câu hỏi, với việc truy tìm. Và có biết bao nhiêu cáo ở quanh bạn. Nhận biết về chúng đi - các triết gia, các nhà thượng đế học, các nhà logic, các giáo sư, tất cả bao quanh bạn - đều là cáo cả đấy. Họ hỏi bạn những câu hỏi, rồi họ tạo ra rối loạn.
Thầy của Trang Tử, Lão Tử đã nói: Khi không còn triết gia, mọi thứ đều được giải quyết, không có vấn đề gì, và tất cả các câu trả lời đều có đấy. Khi triết gia phát sinh, câu hỏi tới và câu trả lời biến mất. Bất kì khi nào có câu hỏi, câu trả lời ở rất xa. Bất kì khi nào bạn hỏi, bạn sẽ không bao giờ nhận được câu trả lời, nhưng khi bạn dừng hỏi, bạn sẽ thấy rằng câu trả lời bao giờ cũng có đó rồi.
Tôi không biết điều gì đã xảy ra cho con rết này. Nếu nó cũng đần độn như con người, nó sẽ ở đâu đó trong bệnh viện, què quặt, tê liệt mãi mãi. Nhưng tôi không nghĩ rằng con rết ấy lại đần độn thế. Nó phải đã vứt câu hỏi đó đi ngay. Nó phải đã bảo với cáo thế này, “Thôi, anh cứ giữ câu hỏi của anh lại, và để cho tôi bước đi.” Nó phải đi đến nhận biết rằng phân chia sẽ không cho phép nó sống, bởi vì phân chia tạo ra cái chết. Không bị phân chia, bạn là sống, bị phân chia bạn trở thành chết - càng phân chia nhiều, càng chết nhiều.
Phúc lạc là gì? Phúc lạc là cảm giác đến với bạn khi người quan sát trở thành cái được quan sát. Phúc lạc là cảm giác đến với bạn khi bạn đang trong hài hoà, không phân mảnh; là cái một, không bị phân tách ra, không bị phân chia. Cảm giác không phải là cái gì đó xảy ra từ bên ngoài. Nó là giai điệu phát sinh từ hài hoà bên trong của bạn.
Trang Tử nói:
Con người của Đạo hành động không cản trở…
Người đó không bị phân chia cho nên ai có đó để cản trở? Cái gì có đó để vận hành như vật cản trở? Người đó đơn độc, người đó di chuyển với tính toàn thể của mình. Chuyển động này trong cái toàn thể là cái đẹp vĩ đại nhất có thể xảy ra, đó là điều có thể. Đôi khi bạn cũng có những thoáng nhìn về nó. Thỉnh thoảng khi bạn bỗng nhiên là cái toàn thể, khi tâm trí không vận hành, nó xảy ra.
Mặt trời đang lên… đột nhiên bạn nhìn, và người quan sát không có đó. Mặt trời không có đó và bạn cũng không có đó, không có người quan sát và cũng không có vật được quan sát. Đơn giản mặt trời lên và tâm trí bạn không có đó để quản lí. Bạn không thấy nó và nói, “Mặt trời đẹp quá.” Khoảnh khắc bạn nói điều ấy thì phúc lạc bị mất rồi. Thế thì không có phúc lạc nữa, nó đã trở thành quá khứ, nó đã trôi qua.
Đột nhiên bạn thấy mặt trời lên và người thấy không có đó; người thấy còn chưa đi vào hiện hữu, nó chưa trở thành ý nghĩ. Bạn chưa nhìn, bạn chưa phân tích, bạn chưa quan sát. Mặt trời đang lên, và không có ai cả, con thuyền là rỗng; có phúc lạc, một thoáng nhìn. Nhưng tâm trí lập tức đi vào, và nói, “Mặt trời đẹp quá, cảnh mặt trời lên này đẹp thế.” So sánh đã đi vào và cái đẹp bị mất đi.
Những người chứng ngộ nói rằng bất kì khi nào bạn nói “Anh yêu em” hoặc “Em yêu anh” với người kia, tình yêu đã mất rồi. Tình yêu đã trôi qua bởi vì người yêu đã đi vào. Làm sao tình yêu có thể tồn tại khi phân chia, người quản lí, đã đi vào? Chính tâm trí nói ra “Anh yêu em” hay “Em yêu anh”, bởi vì, thực sự trong tình yêu không có anh và không có em. Trong tình yêu không có các cá nhân. Tình yêu là tan chảy, hội nhập, họ không phải là hai.
Tình yêu tồn tại, không phải là người yêu. Trong tình yêu, tình yêu tồn tại chứ không phải là người yêu, nhưng tâm trí đi vào và nói, “Anh đang trong tình yêu, anh yêu em.” Khi cái ‘tôi’ tới, hoài nghi đi vào; phân chia đi vào và tình yêu thì không còn nữa.
Bạn sẽ còn đi tới thoáng nhìn như thế nhiều lần trong việc thiền của mình. Nhớ lấy, bất kì khi nào bạn cảm thấy một thoáng nhìn như vậy, chớ có nói “Đẹp quá!” chớ có nói “Yêu thế!” bởi vì đấy chính là cách bạn sẽ làm mất nó. Bất kì khi nào cái thoáng nhìn này tới, để cho thoáng nhìn này ở đó. Đừng có làm cái điều con rết đã làm - đừng có đưa ra bất kì câu hỏi nào, đừng có làm bất kì sự quan sát nào, đừng có phân tích, đừng cho phép tâm trí đi vào. Hãy bước đi với một trăm chân, nhưng đừng có suy nghĩ về cách bạn bước.
Khi trong thiền bạn có một thoáng nhìn về một niềm cực lạc nào đó, hãy để nó xảy ra, hãy để nó đi sâu. Đừng tự phân chia mình. Đừng nêu ra bất kì phát biểu nào, nếu không thì sự tiếp xúc này sẽ bị mất.
Đôi khi bạn có những thoáng nhìn, nhưng bạn đã trở thành hiệu quả trong việc đánh mất sự tiếp xúc của mình với những thoáng nhìn đó, đến mức bạn không thể nào hiểu nổi cách chúng tới và cách bạn lại làm mất chúng một lần nữa. Chúng tới khi bạn không có đó, bạn mất chúng khi bạn tới lại. Khi bạn có thì chúng không có. Khi con thuyền trống rỗng, phúc lạc bao giờ cũng xảy ra. Đấy không phải là một điều ngẫu nhiên, đấy chính là bản chất của sự tồn tại. Nó không phụ thuộc vào bất kì cái gì - nó là việc mưa rào, nó chính là hơi thở của cuộc sống.
Điều thực sự kì lạ là ở cách thức bạn đã xoay sở để bị khổ thế, để khát bỏng thế, trong khi trời lại mưa khắp mọi nơi. Bạn đã thực sự làm được điều không thể làm được! ánh sáng có khắp mọi nơi còn bạn lại vẫn sống trong bóng tối; cái chết chẳng ở đâu cả còn bạn cứ thường xuyên chết đi; cuộc sống là một phúc lành còn bạn thì trong địa ngục.
Bạn đã xoay xở nó theo cách nào vậy? Thông qua phân chia, thông qua suy nghĩ… Suy nghĩ phụ thuộc vào phân chia, phân tích; thiền là khi không có phân tích, không có phân chia, khi mọi thứ đã trở thành được tổng hợp lại, khi mọi thứ đã trở thành một.
Trang Tử nói:
Con người của Đạo hành động không cản trở
Không làm hại người khác bằng hành động của mình
Làm sao người đó có thể làm hại được? Bạn có thể làm hại người khác chỉ khi bạn đã làm hại chính mình. nhớ điều này; đây là điều bí mật. Nếu bạn làm hại chính bản thân mình, bạn sẽ làm hại người khác. Và bạn sẽ làm hại ngay cả khi bạn nghĩ bạn đang làm điều tốt cho người khác. Chẳng cái gì có thể xảy ra qua bạn ngoài cái hại, bởi vì một người sống với những vết thương, người sống trong đau khổ và khổ, bất kì cái gì người đó làm, người đó cũng sẽ tạo ra nhiều đau khổ và khổ cho người khác. Bạn chỉ có thể cho cái bạn đã có.
Tôi đã từng nghe rằng ngày xưa có một người ăn xin đến một giáo đường Do Thái và người đó nói với người phụ trách giáo đường, “Tôi là một nhạc sĩ vĩ đại, và tôi nghe nói rằng nhạc sĩ thuộc về giáo đường này đã chết và hiện nay ông đang kiếm một nhạc sĩ khác. Cho nên tôi đến đây để hiến dâng bản thân mình.”
Người phụ trách giáo đường và giáo đoàn rất là sung sướng, bởi vì họ thực sự đang thiếu nhạc sĩ. Thế rồi người này bắt đầu chơi đàn - khủng khiếp làm sao! Không có âm nhạc của ông ấy thì đã có quá nhiều âm nhạc rồi. Ông ấy đã tạo ra địa ngục. Không thể nào cảm thấy bất kì cái im lặng nào trong giáo đường đó vào buổi sáng hôm đó. Người ta phải bảo ông ấy thôi, bởi vì phần lớn giáo đoàn bắt đầu bỏ đi. Mọi người trốn thật nhanh bởi vì âm nhạc của ông ấy thật là hỗn loạn, giống như là cơn điên và nó bắt đầu ảnh hưởng tới mọi người.
Khi người phụ trách giáo đường nghe thấy nói rằng mọi người đã bỏ đi, ông ta đi tới người này và bảo người này thôi. Người này nói, “Nếu ông không cần tôi thì ông có thể trả tiền cho tôi buổi sáng nay rồi tôi sẽ ra đi.”
Viên phụ trách giáo đường nói, “Không thể nào trả tiền cho ông được. Chúng tôi chưa bao giờ trải qua một điều khủng khiếp như thế.”
Thế là người nhạc sĩ này nói, “Thôi được, thế thì hãy giữ nó như phần đóng góp của tôi vậy.”
Ông phụ trách giáo đường nói, “Nhưng làm sao ông lại có thể đóng góp cái ông không có? Ông chẳng có một tí âm nhạc nào hết cả - làm sao ông có thể đóng góp được? Ông có thể đóng góp cái gì đó chỉ khi ông đã có được nó. Đây không phải là âm nhạc đúng hơn, ngược lại, nó là một cái gì giống như là phản âm nhạc. Cho nên xin ông đem cái đấy theo ông đi, đừng có đóng góp cái đấy cho chúng tôi chứ không thì nó sẽ ám ảnh chúng tôi mất.”
Bạn chỉ cho những cái bạn đã có. Bạn bao giờ cũng cho bản thể của mình. Nếu bạn chết bên trong, bạn không thể giúp ích gì cho cuộc sống; dù bạn có đi đến đâu chăng nữa thì bạn cũng sẽ giết chết. Dù có hiểu biết hay không hiểu biết, đấy không phải là vấn đề - bạn có thể nghĩ rằng bạn đang giúp các người khác sống, nhưng bạn vẫn đang giết họ đấy.
Một nhà phân tâm lớn, Wilhelm Reich, người đã nghiên cứu về trẻ con và vấn đề của chúng, có lần đã được hỏi, “Vấn đề cơ bản nhất đối với trẻ con là gì? Ông thấy gì tại gốc rễ của tất cả những khổ, vấn đề, điều bất thường của chúng?”
Ông ấy nói, “Người mẹ.”
Không người mẹ nào có thể đồng ý được với điều này, bởi vì mọi người mẹ đều cảm thấy rằng mình giúp đứa con của mình không có bất kì ích kỉ nào về phần mình. Cô ấy sống và chết cho đứa trẻ. Còn các nhà phân tâm thì lại nói người mẹ mới là vấn đề. Một cách không chủ ý họ đang giết chết, làm què quặt; một cách có chủ ý họ nghĩ là họ đang yêu.
Nếu bạn què quặt bên trong, bạn sẽ làm què quặt con bạn. Bạn không thể làm được bất kì điều gì khác, bạn không thể đừng được điều đó, bởi vì bạn đem cho bản thể mình - không có cách nào khác để cho cả.
Trang Tử nói: Con người của Đạo… không làm hại người khác bằng hành động của mình. Không phải là người đó trau dồi không bạo hành, không phải là người đó trau dồi lòng từ bi, không phải là người đó sống cuộc sống tốt, không phải là người đó hành xử theo cách thánh thiện - không. Người đó không thể làm hại bởi vì người đó đã chấm dứt làm hại bản thân mình. Người đó không có vết thương. Người đó phúc lạc đến mức từ hành động hay không hành động của mình, chỉ có mỗi phúc lạc tuôn chảy. Cho dù đôi khi dường như là người đó làm điều gì đó sai, người đó cũng không thể sai được.
Điều ấy thì đối lập lại với bạn. Đôi khi dường như là bạn làm điều gì đó tốt. Bạn không thể làm điều tốt được. Con người của Đạo không thể làm hại, điều đó là không thể được. Không có cách nào để làm điều đó, điều đó không thể quan niệm nổi - bởi vì người đó không phân chia, phân mảnh. Người đó không phải là đám đông, người đó không phải đa tâm lí. Người đó là vũ trụ bây giờ và không là gì khác hơn một giai điệu đang xảy ra bên trong. Chỉ âm nhạc này lan toả.
Con người của Đạo không phải là người của hành động - người đó không phải là con người của hành động, hành động xảy ra qua người đó là ít nhất. Người đó thực sự là con người của bất hoạt, người đó không bận tâm tới hoạt động.
Nhưng bạn lại bận tâm với hoạt động chỉ để trốn thoát khỏi bản thân mình. Bạn không thể tha thứ cho mình, bạn không thể tha thứ cho người đồng hành của mình. Bạn cứ tìm ai đó như một kẻ đào thoát, một bận tâm nào đó, trong đó bạn có thể quên lãng bản thân mình, trong đó bạn dính líu vào. Bạn chán bản thân mình đến thế.
Con người của Đạo, con người đã đạt tới bản tính bên trong, con người thực sự tôn giáo, không phải là con người của nhiều hoạt động. Chỉ cái cần thiết mới xảy ra. Cái không cần thiết bị cắt bỏ hoàn toàn, bởi vì người đó có thể thoải mái không hoạt động, người đó có thể ở nhà không làm gì cả, người đó có thể thảnh thơi, người đó có thể đi cùng với bản thân mình, người đó có thể sống cùng với cái ta của mình.
Bạn không thể sống cùng với bản thân mình được, do đó mới thường xuyên có thôi thúc đi tìm bầu bạn, tới câu lạc bộ, tới hội họp, tới đám tiệc, đi vào trong đám đông, nơi bạn không một mình. Bạn sợ bản thân mình đến mức nếu bạn bị bỏ lại hoàn toàn đơn độc không hoạt động gì thì bạn sẽ phát điên. Và đây không phải là điều gì đó do người tôn giáo nói, bây giờ các nhà tâm lí cũng đồng ý với điều đó. Chỉ trong ba tuần, nếu mọi hoạt động, nếu mọi bầu bạn, bị lấy đi khỏi bạn, nếu bạn bị bỏ lại một mình trong buồng, trong vòng ba tuần lễ bạn sẽ phát điên - bởi vì tất cả các hoạt động của bạn chỉ là để tống ra cái điên khùng của bạn, nó là việc thanh tâm.
Bạn làm gì khi bạn có một mình? Trong ba hay bốn ngày bạn sẽ mơ mộng và nói bên trong, huyên thuyên bên trong. Thế rồi điều này sẽ trở thành nhàm chán. Sau tuần đầu bạn sẽ bắt đầu nói to bởi vì ít nhất thì bạn sẽ nghe thấy âm thanh của tiếng nói của mình. Khi bạn bước đi trong phố tối ban đêm bạn bắt đầu huýt sáo. Tại sao? Tại sao việc huýt sáo này lại cho bạn sự can đảm? Tại sao việc huýt sáo này lại có ích cho bạn? Chỉ nghe thấy nó là bạn cảm thấy rằng bạn không đơn độc, ai đó đang huýt sáo. Cái ảo tưởng về hai người được tạo ra!
Sau tuần đầu bạn sẽ bắt đầu nói to bởi vì thế thì bạn cũng có thể lắng nghe. Bạn không một mình, bạn đang nói và bạn đang nghe dường như ai đó khác đang nói với bạn. Sau hai tuần bạn sẽ bắt đầu trả lời cho chính mình. Bạn sẽ không chỉ nói, bạn sẽ trả lời - bạn bị phân chia. Bây giờ bạn là hai; một người hỏi, một người trả lời. Bây giờ có đối thoại - bạn đã hoàn toàn phát rồ.
Một người đã hỏi bác sĩ tâm thần của mình, “Tôi rất lo nghĩ, tôi tự nói với chính mình. Tôi phải làm gì? Ông có thể giúp tôi được không?”
Bác sĩ tâm thần nói, “Điều này chẳng có gì phải lo nghĩ cả. Mọi người đều tự nói với chính mình, đây không phải là vấn đề lớn. Chỉ khi ông bắt đầu trả lời, hãy lại tôi, thế thì tôi có thể giúp được.”
Nhưng khác biệt chỉ là ở mức độ; nó không khác về kiểu, nó chỉ khác về định lượng. Nếu bạn bắt đầu nói với chính mình, chẳng chóng thì chầy bạn sẽ bắt đầu trả lời nữa, bởi vì làm sao người ta có thể cứ đơn giản nói mãi được? Việc trả lời là cần thiết, nếu không thì bạn sẽ cảm thấy ngu xuẩn. Đến tuần thứ ba thì bạn bắt đầu trả lời - bạn đã phát rồ.
Thế giới này, thế giới hoạt động này, kinh doanh và bận tâm, cứu bạn khỏi nhà thương điên. Nếu bạn bận bịu, năng lượng đi ra; thế thì bạn không cần để ý tới bên trong, thế giới bên trong, bạn có thể quên nó đi.
Con người của Đạo không phải là người của nhiều hoạt động - chỉ hoạt động thực chất nhất. Tương truyền rằng nếu Trang Tử có thể đứng, ông ấy sẽ không bước đi, nếu ông ấy có thể ngồi, ông ấy sẽ không đứng, nếu ông ấy có thể ngủ, ông ấy sẽ không ngồi. Điều thực chất, điều thực chất nhất, chỉ cái cần thiết thì ông ấy mới làm, bởi vì không có cái điên khùng trong nó.
Bạn làm toàn những điều không thực chất, bạn cứ làm những điều không thực chất. nhìn vào hoạt động của mình xem: chín mươi chín phần trăm là điều không thực chất. Bạn có thể loại bỏ chúng, bạn có thể tiết kiệm nhiều năng lượng, bạn có thể tiết kiệm nhiều thời gian. Nhưng bạn không thể loại bỏ chúng bởi vì bạn sợ, bạn hoảng sợ bản thân mình. Nếu không có radio, không có ti vi, không báo chí, không ai nói chuyện với, bạn sẽ làm gì?
Tôi đã nghe nói về một linh mục vừa chết. Tất nhiên, ông ấy mong đợi lên thiên đường, lên trời. Ông ấy tới đó và mọi sự đều đẹp đẽ. Ngôi nhà ông ấy vào là một trong những điều kì diệu nhất người ta mơ tới, thật nguy nga. Và khoảnh khắc ham muốn tới, ngay lập tức một người hầu xuất hiện. Nếu ông ấy đói, người hầu có đó với thức ăn, ngon nhất ông ấy đã từng nếm. Nếu ông ấy khát, thậm chí trước khi ham muốn trở thành ý nghĩ, trong khi nó mới chỉ là một cảm giác, một người sẽ xuất hiện với đồ uống.
Cho nên điều đó cứ liên tục diễn ra và ông ấy rất hạnh phúc trong hai hay ba ngày, và thế rồi ông ấy bắt đầu cảm thấy bứt rứt bởi vì người ta phải làm gì đó, bạn không thể chỉ ngồi trong ghế. Chỉ con người của Đạo mói có thể chỉ ngồi trong ghế và cứ ngồi, ngồi mãi. Bạn không thể thế được.
Linh mục trở nên bứt rứt. Trong hai hay ba ngày thì thế là được, như kì nghỉ, như việc nghỉ ngơi. Ông ấy đã hoạt động thế - nhiều dịch vụ công cộng thế, truyền giáo, nhà thờ, hành lễ; ông ấy đã dính líu với xã hội và cộng đồng nhiều đến thế, cho nên ông ấy nghỉ ngơi. Nhưng làm sao bạn có thể nghỉ được? Trừ phi bản thể bạn nghỉ, còn không chẳng chóng thì chầy ngày nghỉ sẽ kết thúc, và bạn phải quay lại với thế giới. Bứt rứt nảy sinh; ông ấy bắt đầu cảm thấy không thoải mái.
Bỗng nhiên người phục vụ xuất hiện và hỏi, “Ông cần gì? Cái cảm giác này của ông không phải là một ý muốn, ông không khát cũng chẳng đói, chỉ bứt rứt. Vậy tôi phải làm gì?”
Linh mục nói, “Ta không thể ngồi ở đây mãi mãi, vĩnh viễn được, ta cần hoạt động nào đó.”
Người hầu nói, “Điều đó là không thể được. Tất các ham muốn của ông sẽ được chúng tôi thoả mãn ở đây, cho nên cần gì phải có hoạt động? Không cần, đó là lí do tại sao nó không được cung cấp ở đây.”
Linh mục trở nên rất bứt rứt và ông ta nói, “Cái kiểu thiên đường quái quỉ gì thế này?”
Người hầu đáp, “Ai nói đây là thiên đường? Đây là địa ngục chứ. Ai bảo ông là thiên đường?”
Và đây thực sự là địa ngục. Bây giờ thì ông ấy hiểu: không có hoạt động, đây là địa ngục. Chẳng chóng thì chầy ông ấy sẽ phát điên. Không trao đổi hay nói chuyện, không dịch vụ xã hội nào được thực hiện, không kẻ ngoại giáo nào được cải đạo thành Ki tô giáo, không người ngu nào được làm thành trí huệ - vậy thì ông ấy có thể làm được gì?
Chỉ con người của Đạo mới có thể thay đổi địa ngục đó thành thiên đường. Con người của Đạo, dù người đó ở đâu, cũng đều an bình, thoải mái. Chỉ điều thực chất mới được làm, và nếu bạn có thể làm điều thực chất cho người đó, người đó hạnh phúc. Cái không thực chất bị loại bỏ.
Bạn không thể loại bỏ cái không thực chất. Thực sự, chín mươi chín phần trăm năng lượng của bạn bị phí hoài cho cái không thực chất. Cái thực chất là không đủ, và tâm trí bao giờ cũng khát khao những cái không thực chất, bởi vì cái thực chất ít thế, nhỏ thế, nó có thể được hoàn thành dễ dàng. Thế thì bạn sẽ làm gì?
Mọi người không quan tâm mấy tới việc có thức ăn ngon. Họ quan tâm nhiều hơn tới việc có chiếc xe ô tô lớn bởi vì thức ăn ngon có thể có được rất dễ dàng. Thế thì cái gì? Mọi người đều không quan tâm tới việc có thân thể khoẻ mạnh. Điều đó có thể đạt tới được rất dễ dàng. Họ quan tâm tới cái gì đó không thể đạt tới được một cách dễ dàng, cái gì đó không thể được, và cái không thực chất thì bao giờ cũng không thể được. Bao giờ cũng có ngôi nhà lớn hơn, xe lớn hơn, chúng cứ lớn mãi, lớn mãi và lớn mãi bạn thì chẳng bao giờ được phép nghỉ.
Toàn bộ thế giới này đang cố gắng để hoàn thành những cái không thực chất. Chín mươi phần trăm ngành công nghiệp đều tham dự vào những cái không thực chất. Năm mươi phần trăm lao động con người bị phí hoài vào những cái chẳng ích lợi gì theo bất kì cách nào. Năm mươi phần trăm công nghiệp được dành cho tâm trí nữ tính, hơn thế, thân thể phụ nữ: thiết kế trang phục mới cứ ba tháng một, thiết kế nhà mới, quần áo, phấn sáp, xà phòng, kem; năm mươi phần trăm công nghiệp dành cho những cái vô nghĩa thế. Và nhân loại thì đang chết đói, mọi người đang chết vì thiếu thức ăn, và nửa nhân loại đang quan tâm tới những cái hoàn toàn không thực chất.
Lên mặt trăng là điều hoàn toàn không thực chất. Nếu như chúng ta trí huệ hơn một chút thì chúng ta thậm chí không nghĩ về nó nữa. Điều hoàn toàn ngu xuẩn là đi phí hoài tiền bạc có thể nuôi sống cả trái đất. Chiến tranh là điều không thực chất, nhưng nhân loại lại điên, và nó cần chiến tranh hơn là lương thực. Nó cần lên mặt trăng hơn là thức ăn, hơn quần áo, hơn cái thực chất, bởi vì cái thực chất là không đủ.
Và bây giờ khoa học đã tạo ra nỗi khiếp hãi lớn nhất, và nỗi khiếp hãi đó là ở chỗ bây giờ điều thực chất có thể được đáp ứng rất dễ dàng. Trong mười năm, tất cả nhu cầu của nhân loại có thể được đáp ứng, toàn bộ trái đất này có thể được thoả mãn với những điều có liên quan tới nhu cầu thiết yếu nhất. Thế thì cái gì nữa? Thế thì bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ cảm thấy ở vào cùng vị trí như linh mục kia. Ông ấy nghĩ rằng ông ấy đang trong thiên đường, và thế rồi ông ấy thấy rằng đấy là địa ngục. Trong mười năm toàn bộ trái đất có thể trở thành địa ngục.
Cái không thực chất là cần để cho cái điên khùng của bạn vẫn còn dính líu vào. Cho nên mặt trăng cũng không đủ, chúng ta sẽ phải đi xa hơn, chúng ta sẽ phải đi để tạo ra cái vô dụng. Nó là cần thiết. Mọi người cần nó để bận tâm.
Con người của Đạo không phải là con người của nhiều hoạt động. Hành động của người đó là cái thực chất nhất - những cái không thể tránh được. Cái có thể tránh được, người đó tránh. Người đó hạnh phúc với bản thân mình đến mức không cần phải chuyển vào trong hành động. Hoạt động của người đó giống như bất hoạt; người đó làm không có ai làm cả.
Người đó là thuyền rỗng, di chuyển trên biển, không đi đâu cả.
Vậy mà người đó không biết mình là tốt bụng và tử tế
Cho phép điểm này thấm sâu vào trong tim bạn đi. Vậy mà người đó không biết mình là tốt bụng và tử tế - bởi vì nếu bạn biết, bạn đã lỡ vấn đề; nếu bạn biết rằng bạn là người đơn giản, bạn không đơn giản. Cái biết này làm cho nó thành phức tạp. Nếu bạn biết rằng bạn là người tôn giáo, bạn không phải là người tôn giáo, bởi vì cái tâm trí tinh ranh này, cái biết, vẫn còn đó.
Khi bạn hiền lành, và bạn không biết, khi bạn đơn giản, và bạn không nhận biết về nó, nó đã thành bản tính của bạn. Khi cái gì đó thực sự là tự nhiên thì bạn không nhận biết về nó, nhưng khi cái gì đó bị áp đặt, bạn nhận biết về nó. Khi ai đó trở nên giầu có, người giầu mới, người đó nhận biết về nhà mình, bể bơi của mình, về cái giầu có của mình, và bạn có thể thấy rằng người đó không là quí tộc, bởi vì người đó quá bận tâm tới việc khoe khoang.
Một người mới giầu ra lệnh làm ba bể bơi trong vườn. Bể được làm và anh ta đem chúng ra khoe với một người bạn. Người bạn có đôi chút phân vân. Anh ta nói, “Những ba bể bơi sao? Để làm gì vậy? Một cái cũng đủ.”
Người mới giầu nói, “Không, một cái sao được? Một cái cho tắm nước nóng, một cái cho tắm nước lạnh.”
Anh bạn hỏi, “Thế còn cái thứ ba?”
Anh ta trả lời, “Dành cho những người không biết bơi. Cho nên bể bơi thứ ba dự định để không có nước.”
Bạn có thể thấy nếu một người mới có của cải mới - thì anh ta sẽ đem khoe nó. Một người quí tộc thực sự là người đã quên mất rằng mình giầu. Con người của Đạo là nhà quí tộc của thế giới bên trong.
Nếu một người khoe khoang tôn giáo của mình thì anh ta vẫn còn chưa là tôn giáo thực sự. Tôn giáo vẫn còn giống như chiếc gai, nó không tự nhiên, nó gây đau, anh ta hăm hở khoe khoang nó. Nếu bạn muốn khoe cái giản dị của mình thì đấy là kiểu giản dị gì vậy? Nếu bạn trưng bầy sự hiền lành của mình, thế thì điều đó đơn giản là tinh ranh, chẳng có gì hiền lành tồn tại trong nó cả.
Con người của Đạo là nhà quí tộc của thế giới bên trong. Người đó hoà hợp với nó thế, không có sự trưng bầy - không chỉ với bạn, bản thân người đó cũng không nhận biết về điều đó. Người đó không biết rằng mình là trí huệ, người đó không biết rằng mình hồn nhiên - làm sao bạn có thể biết được bạn hồn nhiên hay không? Tri thức của bạn sẽ quấy rối sự hồn nhiên.
Một tín đồ của Hazarat Mohammed đi cùng ông ấy tới một đền thờ Mô ha mét giáo để làm lễ cầu nguyện buổi sáng. Lúc đó là mùa hè, và trên đường quay về họ thấy nhiều người vẫn còn ngủ trong nhà hay ngủ ngay ngoài phố. Lúc đó là sáng sớm, sáng sớm mùa hè, và nhiều người vẫn còn ngủ. Người này nói một cách ngạo mạn với Hazart Mohammed, “Điều gì sẽ xảy ra cho những kẻ tội lỗi này? Họ vẫn còn chưa cầu nguyện buổi sáng.”
Hôm nay là ngày đầu tiên bản thân anh ta đi cầu nguyện. Hôm qua anh ta vẫn còn ngủ như những người này. Người mới giầu này muốn trưng bầy, khoe khoang cho Mohammed: “Này Mohammed Hazrat, điều gì sẽ xảy ra cho những kẻ tội lỗi này? Họ vẫn còn chưa cầu nguyện buổi sáng, họ vẫn còn lười nhác và ngủ.”
Mohammed dừng lại và nói, “Anh về nhà đi, ta sẽ phải quay lại đền thờ lần nữa.”
Người này nói, “Sao vậy?”
Ông ta trả lời, “Lời cầu nguyện buổi sáng của ta bị phí hoài bởi vì anh; việc đi cùng với anh đã phá huỷ mọi thứ. Ta sẽ phải làm lại lời cầu nguyện của mình. Và đối với anh, xin nhớ lấy, đừng bao giờ đến nữa nhé. Tốt hơn cả là anh hãy cứ ngủ như mọi người khác; ít nhất thì họ cũng không phải là kẻ tội lỗi. Lời cầu nguyện của anh chỉ làm được mỗi một điều - nó cho anh chìa khoá để lên án người khác.”
Cái gọi là người tôn giáo thì chỉ tôn giáo để nhìn vào bạn với con mắt kết án, để cho người đó có thể nói rằng bạn là kẻ tội lỗi. tới các vị thánh, cái gọi là vị thánh, và nhìn vào mắt họ xem. Bạn sẽ không tìm thấy cái hồn nhiên đáng phải có đó. Bạn sẽ thấy tâm trí tính toán nhìn vào bạn và nghĩ về địa ngục: Anh sẽ bị ném xuống địa ngục còn ta sẽ lên thiên đường, bởi vì ta đã cầu nguyện nhiều thế, năm lần một ngày, và ta đã nhịn ăn nhiều thế. Cứ như là bạn có thể mua được thiên đàng…! Đây toàn là những đồng tiền - nhịn ăn, cầu nguyện - đây là những đồng tiền người ta cố gắng để mặc cả.
Nếu bạn thấy sự kết án trong mắt vị thánh, hãy biết rõ rằng ông ta là người mới giầu; ông ta còn chưa là nhà quí tộc của thế giới bên trong, ông ta còn chưa trở thành một với nó. Ông ta có thể biết nó - nhưng bạn biết điều gì đó chỉ khi nó tách biệt với bạn.
Một điều cần phải ghi nhớ ở đây: bởi vì điều này, tự biết là điều không thể được. Bạn không thể biết cái ta, bởi vì bất kì khi nào bạn biết nó, nó không phải là cái ta, nó là cái gì đó khác, cái gì đó tách khỏi bạn. Cái ta bao giờ cũng là người biết, không bao giờ là cái được biết, cho nên làm sao bạn có thể biết nó? Bạn không thể thu nó về một vật được.
Tôi có thể thấy bạn. Làm sao tôi có thể thấy mình? Thế thì ai sẽ là người thấy và ai sẽ là người được thấy? Không, cái ta không thể được biết theo cùng cách các vật khác được biết.
Tự biết là không thể được theo nghĩa thông thường, bởi vì người biết bao giờ cũng siêu việt lên, bao giờ cũng vượt ra ngoài. Bất kì cái gì nó biết, nó cũng không phải là cái đó. Upanishad nói: neti neti - không cái này, không cái kia. Bất kì cái gì bạn biết, bạn cũng không là nó; bất kì cái gì bạn không biết, bạn cũng không phải là nó. Bạn là người biết, và người biết này không thể bị thu lại là một vật được biết.
Tự biết là không thể được. Nếu cái hồn nhiên của bạn tới từ cội nguồn bên trong của bạn thì bạn không thể biết được nó. Nếu bạn đã áp đặt nó từ bên ngoài thì bạn có thể biết nó; nếu nó chỉ như bộ trang phục bạn mặc vào thì bạn biết nó, nhưng nó không phải là chính hơi thở của cuộc sống của bạn. Cái hồn nhiên đó là được trau dồi, và cái hồn nhiên được trau dồi là một điều xấu.
Con người của Đạo không biết chính mình là tốt và hiền lành. Người đó là sự hiền lành, nhưng người đó không biết; người đó tốt bụng, nhưng người đó không biết; người đó là tình yêu, nhưng người đó không biết - bởi vì người yêu và người biết không phải là hai, cái hiền lành, cái tốt bụng, cái từ bi và người biết, không phải là hai. Không, chúng không thể bị phân chia thành cái được biết và người biết. Đây là tính quí tộc bên trong: khi bạn đã trở thành giầu có đến mức bạn không nhận biết về nó. Khi bạn là cái giầu có đó, không cần phải trưng bầy nó.
Tôi đã từng nghe:
Có lần chuyện xảy ra là Henry Ford tới nước Anh. Tại văn phòng hỏi đáp ở sân bay ông ấy hỏi về khách sạn rẻ tiền nhất trong thành phố. Viên thư kí trong văn phòng nhìn ra - một khuôn mặt nổi tiếng. Henry Ford nổi tiếng khắp thế giới. Mới ngày hôm trước đã có một bức hình lớn của ông ấy in trên báo nói rằng ông ấy sẽ tới. Và ông ấy đây, đang hỏi về khách sạn rẻ nhất, đang mặc bộ áo choàng trông cũ rích như bản thân ông ấy.
Thế là viên thư kí nói, “Nếu tôi không lầm thì ông là Ông Henry Ford. Tôi nhớ rõ lắm. Tôi đã thấy ảnh ông.”
Người này nói, “Phải.”
Điều này làm anh chàng thư kí phân vân dữ lắm, và anh ta nói, “Ông đang hỏi khách sạn rẻ nhất, mặc bộ áo choàng trông cũ rích như ông vậy. Tôi cũng đã thấy con ông tới đây, và anh ta bao giờ cũng hỏi về khách sạn tốt nhất, và anh ta tới trong bộ quần áo tốt nhất.”
Henry Ford nghe nói đã nói, “Vâng, hành vi của con tôi là của kẻ trưng diện, nó vẫn còn chưa hoà hợp. Không cần cho tôi phải ở khách sạn đắt tiền; dù tôi có ở đâu thì tôi vẫn là Henry Ford. Thậm chí trong khách sạn rẻ tiền nhất tôi vẫn là Henry Ford, đâu có khác biệt gì. Con tôi vẫn còn mới, sợ điều mọi người sẽ nghĩ nếu nó ở khách sạn rẻ tiền. Còn áo này, vâng, nó là của bố tôi - nhưng cũng chẳng khác biệt gì, tôi không cần quần áo mới. Tôi là Henri Ford, dù với trang phục gì; thậm chí tôi có đứng trần, tôi cũng vẫn cứ là Henri Ford. Chẳng có gì khác biệt hết cả.”
Khi bạn thực sự hoà hợp, thực sự giầu có trong thế giới bên trong, bạn không bận tâm với việc trưng bầy. Khi bạn lần đầu tiên tới đền chùa, lời cầu nguyện của bạn có to hơn người khác chút ít. Nó phải như thế. Bạn muốn khoe khoang.
Việc khoe khoang là một phần của bản ngã, cái bạn đem ra khoe khoang thì không thành vấn đề. Bạn khoe khoang, bạn trưng bầy. Thế thì bản ngã có đấy, con thuyền không rỗng - và con người của Đạo là một thuyền rỗng. Người đó hiền lành, không nhận biết; người đó hồn niên, không biết gì; người đó trí huệ, đó là lí do tại sao người đó có thể đi như kẻ ngu, không lo nghĩ. Dù người đó là cái gì cũng không khác biệt, trí huệ của người đó vẫn nguyên lành, người đó có thể đảm đương được việc là ngu xuẩn. Bạn thì không thể thế được.
Bạn bao giờ cũng sợ rằng ai đó có thể nghĩ bạn là ngu xuẩn. Bạn sợ rằng nếu người khác nghĩ bạn là ngu, bạn sẽ bắt đầu hoài nghi về điều đó. Nếu nhiều người nghĩ bạn là ngu thì sự tự tin của bạn sẽ mất. Và nếu mọi người cứ lặp lại rằng bạn ngu, chẳng chóng thì chầy bạn sẽ tin vào điều đó.
Chỉ người trí huệ mới không thể bị lừa dối, người đó tỏ ra như người ngu.
Tôi đã nghe nói về một người trí huệ, người nổi tiếng là Người Điên. Chẳng ai biết điều gì khác về ông ấy cả, tên ông ấy hay bất kì cái gì, ông ấy chỉ được biết tới là Người Điên. Ông ấy là một người Do thái, và người Do thái đã tạo ra vài người thực sự trí huệ, người đó có cái gì đó của cội nguồn bên trong. Đó là lí do tại sao Jesus lại có thể được sinh ra trong số họ.
Người điên này hành xử theo cách thức ngu xuẩn đến mức toàn bộ cộng đồng trở nên bị phiền nhiễu bỏi vì chẳng ai biết ông ấy định làm gì tiếp sau cả. Vào những ngày tôn giáo, ngày Yom Kippur hay ngày lễ khác, cả cộng đồng đều sợ hãi, bởi vì không thể nào dự đoán được ông giáo sĩ này sẽ làm gì, cách thức ông ấy xuất hiện ở đó, cách thức ông ấy sẽ hành xử. Lời cầu nguyện của ông ấy cũng điên luôn.
Có lần ông ấy triệu tập phiên toà, toà án Do thái, với tất cả mười vị thẩm phán của toà. Phiên toà mở ra, bởi vì ông giáo sĩ này đã triệu tập, và ông ấy nói, “Tôi có một đơn kiện Thượng đế, cho nên các vị hãy quyết định trừng phạt cái tay Thượng đế này. Tôi sẽ nêu ra tất cả các luận cứ để chứng minh rằng Thượng đế là bất bình đẳng và tội phạm.”
Các thẩm phán rất sợ hãi nhưng họ phải lắng nghe bởi vì ông ta là giáo sĩ, người đứng đầu ngôi đền. Và ông ấy nêu ra việc kiện của mình như một luật sư tại toà.
Ông ấy nói, “Thượng đế, ông đã tạo ra thế giới này, và bây giờ ông lại cử sứ giả tới bảo chúng tôi cách từ bỏ nó. Ngu xuẩn hết mức! Ông đã cho chúng tôi ham muốn và bây giờ tất cả các bậc thầy của chúng tôi lại cứ tới và nói: Hãy vô ham muốn. Vậy thì ông nghĩ ông đang làm gì? Và nếu chúng tôi có phạm phải tội lỗi nào thì thực sự ông là kẻ tội phạm, bởi vì tại sao ông lại tạo ra ham muốn?”
Toà án phải quyết định thế nào đây? Ông ấy phải, nhưng toà án đã quyết định rằng con người này đã điên hoàn toàn và phải bị đuổi ra khỏi đền.
Nhưng con người này đang thực sự nói ra chân lí. Ông ấy yêu Thượng đế nhiều đến mức đấy là quan hệ ta/ngươi, thân mật thế. Ông ấy hỏi, “Ông đang làm gì vậy? Thôi đủ rồi, bây giờ chấm dứt đi, đừng ngu thêm nữa.” Ông ấy phải đã yêu điều thiêng liêng nhiều đến mức ông ấy có thể hành xử theo cách đó.
Và tương truyền rằng Thượng đế lập tức dừng lại khi ông ấy gọi. Ông ấy phải nghe con người này.
Và các thần hỏi, “Bỗng nhiên ông ấy dừng lại, có chuyện gì vậy?”
Thượng đế nói, “Người điên đó đang cầu nguyện. Ta phải lắng nghe, bởi vì bất kì điều gì người đó nói cũng đều đúng cả, và người đó yêu ta nhiều đến mức không cần lễ nghi gì cả…” Trong tình yêu, trong căm giận mọi thứ đều được phép, mọi thứ đều được cho phép.
Người điên này đi qua đường và một phụ nữ tới ông ấy. Cô ta hỏi, “Tôi đã khát khao và khao khát một đứa trẻ từ bốn mươi năm nay. Và nếu trong ba hay bốn năm nữa đứa trẻ không tới, thế thì điều đó sẽ không thể được. Vậy xin hãy giúp tôi.”
Người điên nói, “Ta có thể giúp, bởi gì mẹ ta có chuyện rắc rối tương tự. Mẹ ta đã đợi và đợi bốn mươi năm không đứa trẻ nào tới cả. Thế rồi mẹ ta tới Baal Shem, nhà huyền môn; mẹ ta bảo ông ấy, và ông ấy đã can thiệp. Mẹ ta cho ông ấy một cái mũ đẹp. Baal Shem đôi mũ lên đầu, ngước mắt lên và nói với Thượng đế, ‘Ông ấy đang làm gì đấy? Điều này không công bằng. Chẳng có gì sai trong đòi hỏi của người phụ nữ này, cho nên hãy cho cô ấy một đứa bé.’ Và sau chín tháng, ta được sinh ra.”
Thế là người phụ nữ này nói, tươi cười và hạnh phúc, “Tôi sẽ về nhà và tôi sẽ đem cho ông một cái mũ còn đẹp hơn ông chưa hề thấy. Thế thì đứa trẻ sẽ được sinh ra cho tôi chứ?”
Người điên nói, “Cô đã lỡ vấn đề rồi. Mẹ ta chưa bao giờ biết câu chuyện này. Cái mũ của cô chẳng có tác dụng, cô đã lỡ. Cô không thể bắt chước tôn giáo được, cô không thể bắt chước lời cầu nguyện được. Một khi cô bắt chước thì cô đã lỡ.”
Cho nên bất kì khi nào mọi người tới với người điên này, người đó đều nói, “Đừng bắt chước, hãy vứt đi tất cả kinh sách.”
Khi người điên này chết ông ấy đã đem tất cả sách vở đã từng được viết về ông ấy ra đốt hết. Và điều cuối cùng ông ấy làm là nói với đệ tử của mình, “Hãy đi quanh nhà và tìm xem, và bảo ta rằng không còn lại cái gì nữa, để cho ta có thể chết thoải mái. Thậm chí đến một bức thư ta viết cũng không đựơc bỏ lại; nếu không thì sau khi ta chết mọi người sẽ bắt đầu đi theo, và khi các anh đi theo, các anh lỡ.” Cho nên mọi thứ phải được thu thập lại và đem đốt hết. Thế rồi ông ấy nói, “Bây giờ ta có thể chết thoải mái, ta không để lại dấu vết gì đằng sau.”
Kiểu người trí huệ này là không sợ hãi. Làm sao người trí huệ lại có thể sợ bất kì ai được? Với mọi người, người đó có thể có vẻ như là ngu xuẩn, người đó không cần trưng bầy trí huệ của mình.
Bạn đã bao giờ quan sát bản thân mình chưa? Bạn bao giờ cũng cố gắng trưng bầy khôn ngoan của mình, bao giờ cũng tìm kiếm nạn nhân để bạn có thể khoe hiểu biết của mình, chỉ tìm kiếm, săn đuổi ai đó yếu hơn bạn - thế rồi bạn sẽ nhảy vào và bạn sẽ đem ra khoe sự khôn ngoan của mình.
Người trí huệ không cần là người khoe mẽ. Bất kì cái gì có đấy, nó có đấy. Người đó không nhận biết về nó, người đó không hấp tấp đem nó ra khoe. Nếu bạn muốn tìm nó, bạn sẽ phải nỗ lực. Nếu bạn phải biết liệu người đó là hiền lành hay không, điều đó sẽ là phát hiện của bạn.
Người đó không tranh giành làm tiền,
và người đó không tạo ra đức hạnh từ nghèo khó.
Nhớ điều này. Rất dễ làm tiền và cũng rất dễ tạo ra đức hạnh từ nghèo khó. Nhưng hai kiểu người này là không khác nhau. Một người cứ làm tiền, và thế rồi bỗng nhiên anh ta thất vọng. Anh ta đã đạt được, chẳng có gì thu được cả - cho nên anh ta từ bỏ. Thế thì nghèo khó trở thành đức hạnh, thế thì anh ta sống cuộc sống của người nghèo và thế thì anh ta nói: Đây là cuộc sống thực duy nhất, đây là cuộc sống tôn giáo. Con người này vẫn thế, chẳng có gì thay đổi cả. Con lắc chuyển từ trái nhưng bây giờ đã đi sang cực điểm kia.
Người đó không tranh giành làm tiền…
Điều này bạn sẽ hiểu; phần kia thì khó hơn.
…người đó không tạo ra đức hạnh từ nghèo khó.
Người đó không nghèo cũng chẳng giầu. Người đó không cố gắng để làm tiền, người đó không cố gắng để nghèo - bất kì cái gì xảy ra người đó đều cho phép nó xảy ra. Nếu cung điện xảy ra, người đó sẽ ở trong cung điện; nếu cung điện biến mất, người đó sẽ không đi tìm nó. Bất kì cái gì xảy ra, người đó sẽ cùng với cái đó, phúc lạc của người đó không thể bị khuấy động. Người đó không tranh giành làm tiền, người đó không tranh giành cái nghèo khó.
Người đó đi con đường của mình không dựa vào kẻ khác,
Điều này bạn có thể hiểu được dễ dàng.
Người đó đi con đường của mình không dựa vào kẻ khác,
và không tự hào mình đi một mình
Bạn phụ thuộc vào người khác, vợ bạn, con bạn, bố bạn, mẹ bạn, bạn bè, xã hội; thế rồi bỗng nhiên bạn vứt bỏ mọi thứ và trốn lên Himalayas. Thế rồi bạn bắt đầu tự hào với chính mình: Ta sống đơn độc, ta không cần bất kì ai, ta thoát khỏi thế giới đó.
Thậm chí thế thì bạn cũng vẫn không đơn độc bởi vì cái đơn độc của bạn vẫn còn phụ thuộc vào thế giới này. Làm sao bạn có thể đơn độc nếu không có xã hội để từ bỏ? Làm sao bạn có thể đơn độc nếu không có vợ, con, gia đình để bỏ lại đằng sau? Cái đơn độc của bạn phụ thuộc vào họ. Làm sao bạn có thể nghèo nếu không có tiền bỏ lại? Cái nghèo của bạn phụ thuộc vào cái giầu của bạn.
Không, người hoàn hảo, người thực sự là một hiền nhân, con người của Đạo, đi theo đường của mình không dựa vào người khác. Nếu bạn dựa vào người khác thì bạn sẽ đau khổ, nếu bạn dựa vào người khác, bạn bao giờ cũng sẽ trong tù túng, bạn sẽ trở nên phụ thuộc và yếu đuối. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên tự hào về mình rằng bạn đi một mình. đi một mình, nhưng đừng tự hào về nó. Thế thì bạn có thể đi vào trong thế giới không là một phần của nó. Thế thì bạn có thể là người chồng không có người chồng. Thế thì bạn có thể sở hữu không bị sở hữu bởi của cải của bạn. Thế thì thế giới có đó bên ngoài, nhưng không bên trong. Thế thì bạn có đó, nhưng không bị nó làm biến chất.
Đây là tính cô đơn thật sự - di chuyển trong thế giới không bị nó động chạm tới. Nhưng nếu bạn tự hào, bạn đã lỡ. Nếu bạn nghĩ, “Tôi đã trở thành ai đó,” thì con thuyền không rỗng, và lần nữa bạn lại rơi vào nạn nhân của bản ngã.
Con người của Đạo vẫn còn vô danh
Đức hạnh hoàn hảo tạo ra cái không.
Vô ngã mới là cái ngã thật
Và con người vĩ đại nhất là không ai cả
Lắng nghe đi… Con người của Đạo vẫn còn vô danh. Không phải là không ai biết tới người đó, nhưng điều đó là tuỳ ở bạn để phát hiện ra người đó. Người đó không nỗ lực gì để được mọi người biết tới. Nỗ lực để được biết tới là bắt nguồn từ bản ngã, bởi vì bản ngã không thể tồn tại khi bạn vô danh, nó tồn tại chỉ khi bạn được biết tới. Nó tồn tại, được nuôi dưỡng, khi mọi người nhìn vào bạn, khi họ chú ý tới bạn, khi bạn là ai đó quan trọng, có ý nghĩa.
Nhưng làm sao bạn có thể có ý nghĩa nếu không ai biết tới bạn? Khi toàn bộ thế giới biết tới bạn, thế thì bạn là có ý nghĩa. Đó là lí do tại sao mọi người lại theo đuổi danh vọng nhiều thế, và nếu danh vọng không thể đạt tới được thế thì người ta sẽ lắng sang chiều hướng khét tiếng - nhưng không phải là để vô danh! Nếu người ta không thể ca ngợi bạn thế thì bạn sẽ lắng sang việc bị lên án, nhưng bạn không thể chịu được rằng họ sẽ dửng dưng với bạn.
Tôi đã từng nghe về một chính khách người có lần đã có khá đông người theo. Nhiều người tán thưởng ông ấy - khi ông ấy còn chưa trở nên có quyền lực…
Khi bạn không có quyền lực thì bạn có vẻ rất hồn nhiên, bởi vì khi không có quyền lực thì bạn có thể làm được gì, làm sao bạn có thể che giấu? Cho nên bản chất thực của bạn chỉ trở nên được mọi người biết tới chỉ khi bạn có quyền lực.
nhìn vào những người theo Gandhi ở Ấn Độ trước Độc lập - thánh thiện thế. Và bây giờ mọi sự đã chuyển sang cực đối lập. Bây giờ họ là những người tham nhũng nhất. Điều gì đã xảy ra? Một luật đơn giản: khi người ta không có quyền lực thì người ta giống như chim bồ câu, hồn nhiên; khi quyền lực tới thì họ trở thành giống như rắn, tinh ranh, tham nhũng, lợi dụng.
Bản tính thực của bạn chỉ được biết tới khi bạn có quyền lực. Khi bạn có thể làm hại, thế thì nó được biết tới dù bạn có làm hại hay không.
Huân tước Acton đã nói: Quyền lực tham nhũng, quyền lực tuyệt đối tham nhũng tuyệt đối. Không, điều đó không phải. Quyền lực chưa bao giờ gây tham nhũng cả, nó chỉ đem tham nhũng ra thôi. Làm sao quyền lực có thể tham nhũng được? Bạn đã tham nhũng rồi nhưng không có lối ra cho nó. Bạn đã xấu rồi nhưng bạn vẫn đứng trong bóng tối. Bây giờ bạn đứng ra ánh sáng, cho nên bạn sẽ nói rằng ánh sáng làm cho bạn xấu chăng? Không, ánh sáng chỉ làm lộ ra.
… Chính khách này rất được tán thưởng và yêu mến, ông ấy có nhân cách rất thuyết phục. Thế rồi ông ấy lên cầm quyền và mọi người chống lại ông ta. Ông ấy bị tống ra, tên tuổi ông ấy thành khét tiếng, ông ấy bị kết án khắp mọi nơi, cho nên ông ấy phải rời khỏi thành phố của mình bởi vì mọi người sẽ không cho phép ông ấy sống ở đó, ông ấy đã làm hại thế.
Thế là cùng với vợ mình ông ấy đi tìm một chỗ ở mới ở một thành phố mới. Ông ấy đi tới nhiều thành phố chỉ để xem và cảm thấy đâu có thể ở được. Và thế rồi trong một thành phố người ta bắt đầu ném đá vào ông ấy. Ông ấy nói, “Đây mới đúng chỗ đây, chúng ta nên chọn thành phố này.”
Người vợ nói, “Ông có điên không đấy? Ông có phát rồ không đấy? Mọi người đang ném đá vào chúng ta.”
Chính khách nói, “ít nhất thì họ cũng không dửng dưng.”
Dửng dưng làm bạn bị tổn thương nhất bởi vì bản ngã không thể tồn tại trong dửng dưng được. Cùng với tôi hay chống lại tôi thì bản ngã có thể tồn tại, nhưng không dửng dưng với tôi bởi vì thế làm sao tôi có thể tồn tại được, làm sao bản ngã có thể tồn tại được? Con người của Đạo vẫn còn vô danh. Điều đó có nghĩa là người đó không tìm kiếm người biết mình. Nếu mọi người muốn biết, họ phải đi tìm người đó.
Đức hạnh hoàn hảo tạo ra cái không.
Đây là một trong những điều cơ bản của cuộc sống người theo Đạo.
Đức hạnh hoàn hảo tạo ra cái không, bởi vì khi bạn là đức hạnh hoàn hảo thì chẳng cần gì cả. Khi bạn là đức hạnh hoàn hảo thì không có ham muốn, không có động cơ. Bạn hoàn hảo. Làm sao cái hoàn hảo lại có thể di chuyển được? Chỉ cái không hoàn hảo mới di chuyển. Chỉ cái không hoàn hảo mới ham muốn tạo ra cái gì đó. Cho nên một nghệ sĩ hoàn hảo thì chẳng bao giờ vẽ tranh, một nhạc sĩ hoàn hảo thì vứt cây đàn sitar của mình đi. Một cung thủ hoàn hảo thì bẻ cung và tên đi, và một người hoàn hảo như Phật thì hoàn toàn vô dụng. Phật đã tạo ra được cái gì - thơ ca, điêu khắc, tranh vẽ, xã hội? Ông ấy dường như hoàn toàn không sản xuất, ông ấy chẳng làm ra cái gì cả.
Đức hạnh hoàn hảo tạo ra cái không, bởi vì nó cần cái không. Sản xuất đến từ ham muốn, sản xuất tới bởi vì bạn không hoàn hảo. Bạn tạo ra cái gì đó như vật thay thế bởi vì bạn cảm thấy không được mãn nguyện. Khi bạn hoàn toàn mãn nguyện, sao bạn phải sáng tạo, làm sao bạn có thể sáng tạo? Thế thì bản thân bạn đã trở thành niềm vinh quang của sáng tạo, thế thì bản thể bên trong tự nó hoàn hảo thế, không còn cần cái gì nữa.
Đức hạnh hoàn hảo tạo ra cái không. Nếu thế giới này là đức hạnh, mọi mục tiêu tiện dụng đều sẽ mất. Nếu thế giới này thực sự đức hạnh thì sẽ có chơi đùa và không có sản xuất. Thế thì toàn thể mọi việc sẽ chỉ trở thành trò chơi. Bạn thích thú nó, nhưng bạn không cần nó. Một hiền nhân hoàn hảo thì tuyệt đối vô dụng.
Vô ngã mới là cái ngã thật
Khi bạn cảm thấy rằng bạn không hiện hữu, lần đầu tiên bạn mới hiện hữu, bởi vì cái ta không là gì khác hơn sự đồng nghĩa với bản ngã. Đó là lí do tại sao Phật, Lão Tử, Trang Tử, tất cả họ đều nói không có cái ta, không có atman. Không phải là không có - họ nói không có atman, không có cái ta, bởi vì bản ngã của bạn tinh ranh thế, nó có thể ẩn đằng sau cái đó. Bạn có thể nói, Aham Brahmasmi, ta là Brahman… Ana’l haq, ta là Thượng đế, và bản ngã có thể ẩn đằng sau nó.
Phật nói bạn giống như củ hành: bạn bóc, bạn cứ bóc hết lớp nọ đến lớp kia, và cuối cùng chẳng còn lại gì. Tâm trí bạn cũng giống như củ hành, cứ bóc ra mãi. Đây là điều thiền là gì - cứ bóc mãi, bóc mãi, và một khoảnh khắc tới khi chẳng còn lại gì. Cái không đó là cái ta thực của bạn. Vô ngã mới là cái ngã thật. Khi con thuyền trống rỗng chỉ thế thì lần đầu tiên bạn mới trong con thuyền.
Và người vĩ đại nhất là không ai cả
Chuyện xảy ra là Phật đã từ bỏ vương quốc. Thế rồi ông ấy đi tìm hết khu rừng nọ tới khu rừng kia, từ tu viện nọ sang tu viện kia, từ thầy nọ sang thầy kia, cứ bước đi. Trước đây ông ấy chưa bao giờ bước đi không giầy nhưng bây giờ ông ấy chỉ là một kẻ ăn xin. Ông ấy đi qua bờ sông, bước đi trên cát, và dấu chân ông ấy bỏ lại sau.
Trong khi nghỉ lại dưới bóng cây thì một nhà chiêm tinh thấy ông ấy. Nhà chiêm tinh này đã từ Kashi trở về, từ chỗ học tập. Ông ta đã trở thành rất thiện nghệ trong chiêm tinh, đã trở thành hoàn hảo, và bây giờ ông ấy đã trở thành một tiến sĩ chiêm tinh vĩ đại, ông ấy đang trở về thành phố quê hương để thực hành. Ông ấy nhìn thấy dấu chân trên cát ướt và ông ấy trở nên xáo động: Những dấu chân này không thể nào thuộc về người thường bước đi trên cát không giầy trong mùa hè nóng bỏng, vào giữa trưa! Chân này phải thuộc về một vị hoàng đế vĩ đại, một chakravartin. Chakravartin là vị hoàng đế cai quản toàn bộ thế giới. Tất cả các biểu tượng có đó đều chứng tỏ rằng con người này là một chakravartin, một hoàng đế của toàn bộ thế giới sáu lục địa này. Và tại sao một chakravartin lại bước đi chân trần trên cát trong trưa hè nóng nóng thế? Điều đó là không thể được!
Nhà chiêm tinh này đang mang những cuốn sách quí giá nhất của mình. Ông ta nghĩ, “Nếu điều này là có thể thì mình phải vứt tất cả sách vở này vào dòng sông và quên chiêm tinh học đi mãi mãi, bởi vì đây là điều ngớ ngẩn. Rất, rất khó tìm ra một người có chân của chakravartin. Một lần trong hàng triệu năm một người mới trở thành chakravartin, và chakravartin này đang làm gì ở đây?”
Thế là ông ấy lần theo dấu chân tới tận ngọn nguồn và ông ấy thấy Phật đang ngồi nghỉ dưới gốc cây với đôi mắt nhắm, và ông ấy trở nên lại còn xáo động hơn. Nhà chiêm tinh này trở nên hoàn toàn xáo động bởi vì khuôn mặt ấy cũng là khuôn mặt của một chakravartin. Nhưng người này lại trông giống như một kẻ ăn xin, với bình bát ăn xin vẫn kia bên cạnh ông ta, với quần áo rách nát. Nhưng khuôn mặt thì trông hệt như khuôn mặt của một chakravartin, cho nên ông ấy phải làm gì đây?
Ông ấy nói, “Tôi rất xáo động, xin hãy làm cho tôi yên lòng. Chỉ có một câu hỏi tôi phải hỏi. Tôi đã thấy và nghiên cứu dấu chân ông ấy. Chúng phải thuộc về một chakravartin, về một vị hoàng đế vĩ đại người cai quản tất cả thế giới, toàn bộ thế giới đều là vương quốc của người đó - ông ấy thì lại là một kẻ ăn xin. Vậy tôi phải làm gì đây? Tôi có nên vứt tất cả mọi sách chiêm tinh của mình đi không? Mười hai năm cố gắng của tôi ở Kashi đã bị phí hoài và những người đó đều là kẻ ngu xuẩn cả. Tôi đã phí hoài phần quan trọng nhất của đời mình, cho nên xin hãy làm cho tôi yên lòng. Xin hãy cho tôi biết, tôi phải làm gì?”
Phật nói, “Ông không cần phải lo nghĩ. Điều này sẽ không xảy ra lần nữa đâu. Ông hãy đem sách của mình, vào thành phố, bắt đầu thực hành công phu của ông và đừng bận tâm về tôi. Tôi đã được sinh ra là một chakravartin. Những dấu chân đó mang quá khứ của tôi.”
Tất cả các dấu chân đều mang quá khứ của bạn - những đường nét trong tay bạn, trong lòng bàn tay bạn, đều mang quá khứ của bạn. Đó là lí do tại sao chiêm tinh học, tướng tay học, bao giờ cũng đúng về quá khứ, không bao giờ đúng đến thế về tương lai, và tuyệt đối không đúng về vị phật, bởi vì người đã vứt đi toàn bộ quá khứ của mình thì đi vào cái chưa biết - bạn không thể tiên đoán được tương lai của người đó.
Phật nói, “Ông sẽ không gặp một người có chuyện rắc rối như thế lần nữa đâu. Ông đừng lo nghĩ, điều này sẽ không xảy ra nữa, hãy coi nó là một ngoại lệ.”
Nhưng nhà chiêm tinh nói, “Xin có một vài câu hỏi nữa. Tôi muốn biết ông là ai: tôi có thực trong mơ không? Một chakravartin đang ngồi giống như kẻ ăn xin ư? Ông là ai? Ông có phải là hoàng đế trá hình không?
Phật nói, “Không.”
Thế là nhà chiêm tinh lại hỏi, “Nhưng khuôn mặt ông sao đẹp thế, bình thản thế, tràn đầy với cái im lặng bên trong. Ông là ai? Ông có phải là thiên thần từ thiên đường không?”
Phật nói, “Không.”
Nhà chiêm tinh hỏi một câu hỏi nữa, nói, “Cũng khí vô lễ để hỏi ông, nhưng ông đã tạo ra ham muốn và sự thôi thúc. Ông có phải là con người không? Nếu ông không phải là hoàng đế, là chakravartin, nếu ông không phải là deva từ thiên đường, ông có phải là con người không?”
Và Phật nói, “Không, ta là không ai cả. Ta không thuộc vào bất kì hình dạng nào, bất kì tên tuổi nào.”
Nhà chiêm tinh nói, “Bây giờ ông lại làm xáo động tôi hơn nữa. Ông ngụ ý gì?”
Đây là điều Phật ngụ ý:
Và con người vĩ đại nhất là không ai cả
Bạn có thể là ai đó, nhưng bạn không thể là người vĩ đại nhất. Bao giờ cũng có ai đó vĩ đại hơn ở đâu đó trên thế giới này. Và ai là người nào đó? Bạn là thước đo. Bạn nói rằng con người này vĩ đại - nhưng ai là thước đo? Bạn.
Cái thìa là thước đo cho đại dương. Bạn nói, “Con người này vĩ đại.” Bạn nói, và nhiều người giống bạn nói, “Con người này là vĩ đại” - và người đó trở thành vĩ đại bởi vì bạn!
Không. Trong thế giới này, bất kì ai là một ai đó thì không thể là vĩ đại nhất được, bởi vì đại dương không thể đo được bằng thìa. Và bạn là chiếc thìa cà phê đo đại dương. Không, điều đó là không thể được.
Cho nên người thực sự vĩ đại nhất sẽ là không ai cả trong bạn. Điều này có nghĩa gì khi Trang Tử nói, “Người vĩ đại nhất sẽ là không ai cả?” Nó có nghĩa là: điều đó không thể đo lường nổi. Bạn không thể đo được, bạn không thể dán nhãn được, bạn không thể phân loại, bạn không thể nói, “Đây là ai?” Người đó đơn giản thoát ra ngoài việc đo lường. Người đó đơn giản vượt ra ngoài, ra ngoài và ra ngoài và chiếc thìa cà phê rơi xuống đất.

Ads Belove Post