Chương 2. Không của tôi, không của bạn

Chương 2. Không của tôi, không của bạn

Price:

Read more

Osho - Nhịp đập của tuyệt đối
Chương 2. Không của tôi không của bạn

Tất cả mọi thứ trong thế giới này, hữu cơ và vô cơ,
đều tràn ngập với Thượng đế.
tận hưởng chúng qua việc từ bỏ chúng.
được tách rời;
đừng thèm muốn giầu có của người khác.
Lời tuyên bố bản chất của Ishavasya Upanishad, chính nghĩa của tiêu đề của nó, Ishavasya, là: Mọi thứ đều là của Thượng đế. Tất cả mọi thứ đều thuộc về Thượng đế. Nhưng tâm trí con người Khi mọi thứ là của sự tồn tại, không chỗ nào còn lại cho cái ‘tôi’ này của tôi đứng đấy. Nhớ lấy, để biểu lộ cho nó ngay cả bản ngã cũng cần một cơ sở. Để tồn tại, ngay cả cái ‘tôi’ cần sự hỗ trợ của cái ‘của tôi’. Nếu hỗ trợ của cái ‘của tôi’ không có đó, sẽ không thể tiến tới được cái ‘tôi’. Từ một quan sát nhân quả dường như là cái ‘tôi’ tới trước rồi cái ‘của tôi’ theo sau nó. Nhưng sự kiện là hoàn toàn đảo ngược lại. Trước hết, cái ‘của tôi’ được đặt nền móng, và thế rồi cấu trúc của cái ‘tôi’ được xây dựng lên trên nó. Nếu bất kì cái gì bạn có mà bạn gọi là ‘của tôi’ đều được lôi ra toàn bộ từ hiểu thấu của bạn, thế thì cái ‘tôi’ của bạn sẽ không được cần tới. Nó sẽ biến mất. Cái ‘tôi’ không là gì ngoài một tuyển tập những cái ‘của tôi’. Cái ‘tôi’ được tạo ra từ cơ cấu của cái ‘của tôi’ - của cải của tôi, nhà của tôi, tôn giáo của tôi, đền thờ của tôi, vị trí của tôi, tên tôi, gia đình tôi, và vân vân.
Khi chúng ta cứ ném đi dần từng cái ‘của tôi’ thì cơ sở của cái ‘tôi’ đồng thời cũng bị xói mòn dần đi. Nếu không một cái ‘của tôi’ nào được giữ lại, thế thì không có nền tảng nào để nâng đỡ cho cái ‘tôi’ cả. Cái ‘tôi’ cần chỗ dựa, chỗ trú ẩn, một toà nhà bằng cái ‘của tôi’. Cái ‘tôi’ đòi hỏi hòn đá nền tảng là cái ‘của tôi’, bằng không toàn bộ cấu trúc của cái ‘tôi’ sẽ đổ nhào. Tuyên bố đầu tiên của Ishavasya dự định làm đổ sập toàn bộ cấu trúc này. Hiền nhân này nói, “Mọi thứ là của Thượng đế.” Không có chỗ cho cái ‘của tôi’. Không có cơ hội chút nào để cho cái ‘tôi’ nói với chính nó về cái ‘của tôi’. Nếu nó có thể nói ‘tôi đây’, điều đó là sai. Nếu nó cứ khăng khăng nói ‘tôi đây’, thế thì nó là một cái ‘tôi’ bị bối rối. Cần phải hiểu điều này từ hai hay ba quan điểm.
Điều thứ nhất là thế này: bạn được sinh ra, tôi được sinh ra. Nhưng không ai hỏi tôi liệu tôi có muốn được sinh ra hay không; không rắc rối nào đã được tính tới để tìm ra ước muốn của tôi. Việc sinh ra tôi không phụ thuộc vào ham muốn của tôi hay chấp thuận của tôi. Khi tôi biết về bản thân mình, tôi biết bản thân mình đã được sinh ra. Không cái gì giống như bản thể tôi trước việc sinh của tôi. Chúng ta xem xét điều đó theo cách này: bạn đang xây một toà nhà; bạn chưa bao giờ hỏi toà nhà liệu nó có muốn được xây dựng ra hay không. Toà nhà không có ý chí riêng của nó. Bạn đang xây dựng ra nó, và nó được dựng lên.
Bạn đã bao giờ nghĩ rằng bạn cũng chưa lần nào được tư vấn trước việc sinh của bạn không? Sự tồn tại làm cho bạn được sinh ra, và bạn được sinh ra. Sự tồn tại tạo ra bạn, và bạn được tạo ra. Nếu toà nhà trở thành có ý thức, nó sẽ nói, ‘tôi’. Nếu nó trở thành có ý thức, nó sẽ từ chối coi người làm ra nó là người chủ của nó, là người thầy nó. Toà nhà sẽ nói, “Người xây là người hầu của ta; người đó đã xây dựng ra ta. Vật liệu là của ta; nó đã phục vụ ta. Ta sẵn lòng được tạo ra, cho nên người đó đã làm ra ta.”
Nhưng toà nhà không có tâm thức. Con người có. Và thực ra, ai biết được liệu toà nhà có tâm thức hay không? Điều đó là có thể; điều đó có thể là vậy. Có hàng nghìn mức độ tâm thức. Tâm thức của con người là một loại đặc biệt, không nhất thiết mọi vật có cùng loại tâm thức. Toà nhà có thể có tâm thức thuộc loại khác, đá có thể có loại khác nữa, cây loại khác nữa. Có thể là chúng nữa sống trong cái ‘tôi’ riêng của chúng. Khi người làm vườn tưới cây, có thể cây không nghĩ, “Người làm vườn này đang cho ta cuộc sống,” mà thay vì thế, “Ta đang biểu lộ quí mến với người làm vườn này bằng việc chấp nhận phục vụ của người đó. Qua ân huệ của ta, ta chấp nhận phục vụ của người đó.” Không ai đã bao giờ lại gần cây cối để hỏi về ham muốn của nó được sinh ra.
Điều tuyệt đối ngớ ngẩn là gọi điều đó là việc sinh của tôi khi nó được gây ra không có ham muốn của tôi. Đâu là nghĩa trong việc nói là sinh thành của tôi, mà về nó tôi chưa bao giờ được hỏi đến trước sự sinh thành của tôi? Khi cái chết tới, nó không hỏi sự cho phép của chúng ta. Cái chết sẽ không hỏi chúng ta, “Anh muốn gì? Anh có đi cùng tôi hay không?” Không, khi nó tới, nó tới theo cách riêng của nó, giống như việc sinh tới mà không có việc biết của chúng ta về nó. Cái chết tới không gõ cửa, không cần sự cho phép của chúng ta, không lời hướng dẫn, không báo trước, và đứng yên tĩnh trước chúng ta; và nó không cho chúng ta phương án khác, không chọn lựa. Nó không do dự thậm chí đến một giây, dù chúng ta ước muốn gì. Thật là ngu si hết mức để mà nói cái chết của tôi cho cái mà tôi không ham muốn hay sẵn lòng ít nhất.
Việc sinh thành đó không phải là sinh thành của tôi mà trong đó không có chọn lựa về phần tôi. Cái chết mà với nó sự sẵn lòng của tôi là không có liên quan, không phải là cái chết của tôi. Cho nên làm sao cuộc sống nằm giữa hai đầu này có thể là của tôi được? Làm sao khoảng thời gian ở giữa đó là của tôi được, khi cả hai đầu không tránh khỏi của nó - mà không có chúng tôi không thể tồn tại được - không phải của tôi? Đấy là lừa dối - lừa dối mà chúng ta cứ làm mạnh thêm, quên đi hoàn toàn sinh và tử. Nhưng nếu chúng ta tư vấn nhà tâm lí về vấn đề này, người đó sẽ nói, “Ông cố tình quên chúng đi, vì chúng là những kí ức buồn thế.” Khi việc sinh ra không phải là của tôi, tôi trở thành tội nghiệp và đáng thương làm sao. Khi cái chết không phải là của tôi, mọi thứ bị giằng khỏi tôi, không cái gì được giữ. Tay tôi vẫn còn trống rỗng. Chỉ có tro tàn còn lại.
Chúng ta dựng lên cây cầu cuộc sống dài giữa hai đầu này, giống như chiếc cầu bắc qua con sông; nhưng không bờ sông nào là của chúng ta cả. Mố cầu tại cả hai đầu không phải là của chúng ta. Cho nên nghĩ một chút: Làm sao cây cầu trải rộng từ bờ nọ sang bờ bên kia ngang qua con sông đó có thể là của chúng ta trong khi nền tảng của nó không phải là của chúng ta? Do đó chúng ta cố gắng quên đi việc sinh và tử - những nền tảng của chúng ta.
Nhiều người quên nhiều việc một cách cố ý. Người đó cố gắng không nhớ, vì việc nhớ có thể phá tan tất cả bản ngã của người đó và làm nó nát vụn. “Thế thì cái gì sẽ là của tôi đây?” Cho nên chúng ta kìm việc suy nghĩ về sự sinh và tử, và điều này tạo ra khả năng hiểu lầm lớn rằng tất cả những cái chúng ta thấy trong cuộc sống là của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta để cho bản thân mình khám phá và xem xét điều ta thấy, chúng ta chắc chắn phát hiện ra rằng nó không phải là của chúng ta.
Bạn nói, “Tôi đã rơi vào tình yêu với ai đó,” không xem xét liệu chuyện tình đó có là quyết định của bạn hay không. Nghe điều những người yêu nhau nói: “Chúng mình không biết khi nào nó xảy ra. Chúng mình đã không làm cho nó xảy ra.” Thế thì làm sao cái là của chúng ta nhưng đã xảy ra theo ý riêng của nó được? Nếu nó xảy ra, nó xảy ra. Nếu nó không xảy ra, nó không xảy ra.
Chúng ta bị phụ thuộc thế, bị điều chỉnh thế, dường như đâu đó mọi thứ bị cố định và tất định. Hoàn cảnh của chúng ta là tương tự như hoàn cảnh của một con vật bị buộc vào cọc qua chiếc dây thừng. Con vật sẽ đi vòng tròn quanh chiếc cọc và sẽ sống trong việc hiểu sai rằng nó đang tự do vì nó đang tự do đi vòng tròn. Nó sẽ quên mất chiếc dây thừng, vì việc nhớ tới điều đó là đau đớn; chiếc dây thừng buộc vào cọc làm cho chúng ta đau đớn vì nó nhắc nhở chúng ta về sự phụ thuộc của mình. Chân lí là ở chỗ nó bảo chúng ta rằng chúng ta không là cái ta thực của mình.
Chúng ta không đáng để bị phụ thuộc, ta hãy một mình xem xét vấn đề trở nên tự do. Phụ thuộc vào người ta - tức là cảm thấy sự dày vò của chiếc dây thừng - là cần thiết để nhận biết về bản thể người ta; và nhận biết rằng chúng ta không có đó. Con vật đi lang thang quanh chiếc cọc cố định, lúc sang trái, lúc sang phải và nghĩ, “Tôi tự do,” và khi nó nghĩ, “Tôi tự do”, cái “tôi’ có đấy. Thế rồi, dần dần, nó phải bắt đầu tự thuyết phục mình rằng, “Đấy cũng là do ý muốn của tôi mà tôi bị buộc vào cột. Tôi có thể cắt dây ra bất kì khi nào tôi muốn, nhưng tôi đang nghĩ về hạnh phúc của mình.”
Chúng ta tạo ra biết bao nhiêu ảo tưởng trong các kiếp sống của mình. Chúng ta nói, “Tôi trở nên giận dữ, tôi làm tình, tôi không thích, tôi ghét, tôi làm bạn, tôi trở thành kẻ thù...” nhưng không điều nào trong những việc làm này là quyết định của chúng ta. Bạn đã bao giờ trở nên giận dữ và là người làm ra giận dữ đó không? Bạn chưa bao giờ làm như vậy cả. Khi có giận dữ, bạn không có đó. Bạn đã bao giờ làm tình mà việc làm tình do bạn làm không? Nếu bạn có thể làm tình, thế thì bạn có thể làm tình với bất kì ai; nhưng sự kiện là ở chỗ bạn có thể yêu ai đó và bạn không thể yêu người nào đó khác. Bạn có thể làm tình với ai đó thậm chí khi bạn không muốn làm, và bạn không thể làm tình với ai đó thậm chí khi bạn muốn làm như vậy.
Tất cả mọi cảm giác và xúc động của cuộc đời đều đến từ một góc không biết nào đó - chúng tới như việc sinh của bạn tới. Bạn xâm lấn bừa vào việc xảy ra này và trở thành người chủ, người làm ra nó. Vậy mà bạn đã làm cái gì? Cái gì có đó do bạn làm ra? Cảm giác đói đến; giấc ngủ đến; buổi sáng việc thức kéo đến; và buổi tối mắt bạn bắt đầu nhắm lại lần nữa. Tuổi thơ đến. Khi nào nó đi qua? Nó trôi qua như thế nào? Nó không hỏi chúng ta, nó không đi vào tư vấn và thảo luận với chúng ta, và nó không chậm trễ trong việc trôi qua một khoảnh khắc, ngay cả liệu chúng ta có yêu cầu nó làm như vậy hay không. Thế rồi tuổi thanh xuân trôi qua, và tuổi già bước vào. Bạn đang ở đâu? - nhưng bạn cứ nói, “Tôi là thanh niên, tôi là người già,” cứ như tuổi thanh niên phụ thuộc vào bạn. Tuổi thanh niên của bạn có hoa riêng của nó. Tuổi già có hoa riêng của nó nữa; và chúng nở như hoa nở trên cây. Bụi hồng không thể nói, “Tôi làm cho hoa hồng nở.” Nó chỉ có thể nói như thế nếu nó có khả năng làm cho hoa hướng dương nở!
Đừng tính công trạng nào về mọi điều xảy ra này. Nếu có hồn nhiên trong tuổi thơ, nó có đó mà không có nỗ lực nào về phần bạn. Và khi dục và những ham muốn khác bắt giữ bạn trong tuổi thanh niên, chúng làm như vậy hệt như hồn nhiên bắt giữ bạn trong tuổi thơ. Bạn không là người chủ của hồn nhiên tuổi thơ của mình, không là người chủ của ham muốn dục của tuổi thanh niên của bạn, và đừng coi nó là thành tựu của bạn khi tâm trí bạn bắt đầu nghiêng về phía vô dục trong tuổi già. Nó giống như thế này: dục bắt giữ bạn trong tuổi thanh niên, và dửng dưng bắt giữ bạn trong tuổi già. Những người chưa bao giờ là nô lệ cho dục không có kiểm soát gì trên sự kiện đó. Cho nên bản thân đừng tự hào về sự kiện là bạn không phải là nô lệ cho dục.
Xem xét mọi nguyên tử nhỏ bé của cuộc sống và bạn sẽ nhận ra rằng không có chỗ đứng cho cái tôi - bản ngã. Thế thì tại sao chúng ta đang tạo ra ảo tưởng này? Nó xảy đến như thế nào? Lừa dối này đến từ đâu? Nó tới bởi vì chúng ta bao giờ cũng cảm thấy rằng có một phương án. Chẳng hạn, bạn xúc phạm tôi. Bây giờ tôi có hai phương án: tôi có thể xúc phạm trả lại bạn; hay tôi có thể bỏ qua nó, cho rằng việc xúc phạm là không có đó chút nào. Tức là, tôi có thể chọn đáp lại nếu tôi muốn, và nếu tôi không muốn, tôi có thể chọn không đáp lại. Nhưng thực có phương án nào không? Bạn có cho rằng người đáp lại xúc phạm cũng có thể đã chọn không xúc phạm, nếu người đó muốn không? Bạn sẽ nói: Nếu người đó không muốn làm như vậy, người đó không cần phải đáp lại xúc phạm ấy. Nhưng bạn sẽ phải đi sâu thêm chút ít để hiểu điều này. Phải chăng ham muốn đã có trong người đó, hay người đó đem nó ra từ đâu đó? Phải chăng ham muốn xúc phạm hay không xúc phạm nằm dưới kiểm soát của người đó?
Những người tìm kiếm bên trong nói rằng điều mà các chiều sâu lộ ra chỉ là ở chỗ những việc xảy ra đi ra ngoài kiểm soát của chúng ta. Người nghĩ tới xúc phạm, và người đó xúc phạm. Người khác quyết định không xúc phạm, và người đó không xúc phạm. Nhưng từ đâu ý tưởng này về việc đưa ra hay không đưa ra xúc phạm lại tới? Nó có phải là ý tưởng của bạn không? Không, nó tới từ nơi việc sinh tới. Nó tới từ nơi tình yêu hiện hữu. Nó tới từ nơi tâm thức hiện hữu. Nó trở về từ nơi cái chết hiện hữu. Nó được hấp thu nơi hơi thở đi qua.
Dễ dàng tự lừa dối mình bằng việc nói, “Đây là tay tôi, nó đang dưới sự kiểm soát của tôi. Nếu tôi muốn, tôi sẽ không xúc phạm.” Nhưng ai đã bảo bạn, ai đã yêu cầu bạn, xúc phạm? Người như Phật và Mahavira sẽ không đưa ra xúc phạm. Bạn có cho rằng họ đơn giản chọn việc cảm thấy xúc phạm không? Không; cũng như bạn kinh nghiệm một tình huống cố định và không tránh khỏi trong việc phải xúc phạm, Phật và Mahavira cũng kinh nghiệm một tình huống không thay đổi được tương tự về không cảm thấy xúc phạm. Họ không thể chọn, cho dù họ muốn, để cảm thấy xúc phạm. Bản thân ham muốn đó không được tạo ra.
Một người tới gặp một thiền sư vào sáng sớm và bắt đầu hỏi thiền sư tại sao ông ấy là bình thản và yên tĩnh thế, trong khi bản thân người đó khuấy động và rối loạn thế. Thiền sư trả lời, “Ta bình thản và ông khuấy động, có vậy thôi. Vấn đề qua rồi. Không cái gì cần nói thêm .”
Người này cứ nài nỉ, “Không tôi muốn biết làm sao thầy trở nên bình thản thế.”
Thiền sư trả lời, “Ta muốn biết làm sao ông trở nên khuấy động thế.”
Người này trả lời, “Khuấy động đến theo ý của nó chứ.”
Thiền sư nói, “Điều đó đích xác đã xảy ra với ta. Bình thản tới với ta theo ý riêng của nó, và ta không tính công nào cho nó. Khi khuấy động tới, nó tới. Ta không thể làm gì để dừng nó lại, và bây giờ, khi bình thản tới với ta, ta không thể làm bất kì điều gì để đem khuấy động tới dù ta muốn đem nó tới, cho nên ta bị giới hạn bởi tình huống.”
Người này nói, “Không, xin thầy chỉ cho tôi cách bình thản và yên tĩnh.”
Thế là thiền sư nói, “Ta chỉ biết có một cách, và đó là thế này: vứt bỏ ảo tưởng của ông rằng ông có khả năng làm bất kì cái gì về nó. Nếu ông trở nên bị khuấy động, vẫn còn bị khuấy động. Biết rằng ông đang bị rối loạn và rằng ông không thể làm được gì về nó. Nó ở ngoài kiểm soát của ông. Đừng làm nỗ lực để bình thản. Ngay cả những người làm nỗ lực để bình thản đều trở nên bị khuấy động và rối loạn. Họ trở nên bị khuấy động, và trong nỗ lực của họ để trở nên bình thản họ tạo ra sự không thoải mái mới trong bản thân mình.”
Nhưng người này khăng khăng, “Lời khuyên của thầy không định được tâm tôi; tôi muốn bình thản.”
Thiền sư nói, “Thế thì ông nhất định vẫn còn bị khuấy động bởi vì ông muốn cái gì đó. Ông từ chối để vấn đề này cho Thượng đế, trong khi sự kiện là ở chỗ mọi thứ đều phụ thuộc vào ngài; không cái gì ở trong điều khiển của ông. Ta trở nên bình thản từ ngày ta bắt đầu sẵn lòng chấp nhận bất kì cái gì xảy ra, bất kì cái gì đến với ta. Ta có thể không bình thản khi ta ham muốn và cố trở thành cái gì đó.”
Nhưng người này không chấp nhận điều thiền sư đã nói, “Tôi ghen tị với bình thản của thầy,” người đó nói. “Tôi không thể vẫn còn thoả mãn với giải thích của thầy.”
Thế là thiền sư yêu cầu người đó đợi và đặt câu hỏi cho người đó khi không có ai trong lều của mình, vì ông ấy có nhiều khách thăm. Người này đồng ý, và khi không còn ai trong lều người đó yêu cầu thầy chỉ cho người đó cách thức. Thế rồi thầy, đưa ngón tay lên môi anh ta, nói, “Tĩnh lặng.”
Người này thấy rất phân vân. Người đó nói, “Khi có người ở đây và tôi xin thầy trả lời, thầy bảo tôi hỏi khi không có ai ở đây; và khi không có ai ở đây và tôi hỏi thầy câu trả lời thầy bảo tôi giữ tĩnh lặng. Làm sao vấn đề của tôi sẽ được giải quyết?”
Trời tối, mặt trời đã lặn, và mọi người đã đi hết. Túp lều trống rỗng, và người này lại tìm câu trả lời. Thiền sư yêu cầu người đó đi ra ngoài. Trăng tròn toả sáng. Thiền sư hỏi, “Ông có thấy những cây này không?” Nhưng cây nhỏ đang mọc ở phía trước túp lều.
Người này đáp, “Tôi thấy chúng.”
Lần nữa thầy hỏi, “Ông có thấy những cây xa xa kia không, vươn cao lên trời ấy?”
Người này nói, “Tôi thấy chúng.”
Thế rồi thiền sư nói, “Những cây kia to cao. Những cây này nhỏ thấp. Không có xung đột gì giữa chúng. Ta chưa bao giờ nghe nói tới bất kì tranh cãi nào giữa chúng về vấn đề này. Những cây nhỏ này không bao giờ hỏi những cây cao tại sao chúng cao; chúng thoả mãn với cái nhỏ bé của chúng. Cây cao cũng không bao giờ hỏi những cây nhỏ tại sao chúng nhỏ. Cây cao có khó khăn riêng của chúng, như chúng phát hiện ra khi có bão. Cây nhỏ cũng có vấn đề của chúng nữa, nhưng chúng bằng lòng với cái nhỏ bé của mình, cũng như cây cao bằng lòng với cái cao của mình. Ta chưa từng nghe nói gì về tranh cãi giữa hai loại cây này; ta bao giờ cũng thấy chúng tĩnh lặng. Cho nên xin rời khỏi ta. Ta là cái ta đang vậy, và ông là cái ông đang vậy.”
Nhưng làm sao người đó thoả mãn được với ví von đó? Và làm sao chúng ta được thuyết phục? Tâm trí bao giờ cũng ham muốn là cái gì đó. Tại sao nó hành xử như vậy? Đấy là vì chúng ta bao giờ cũng coi là đương nhiên chúng ta có thể làm điều gì đó. “Không,” Ishavasya nói, “bạn không thể làm được điều gì cả. Bạn không thể là người làm.” Điều này là bí mật của một ý tưởng lớn được gọi là định mệnh. Định mệnh không có nghĩa là bạn không nên làm gì. Điều đó sẽ là ngồi tĩnh lặng - và định mệnh nói rằng bạn thậm chí không thể ngồi theo ý chí riêng của mình. Nếu định mệnh đặt bạn ngồi, chỉ thế thì bạn có thể ngồi. Định mệnh làm cho việc “tôi sẽ không làm gì cả” trở thành không thể được đối với bạn. Nếu định mệnh muốn bất kì việc không làm nào, thế thì việc không làm sẽ xảy ra.
Xin nhớ trong tâm trí, không có một người theo thuyết định mệnh nào trong số những người dường như theo định mệnh. Họ nói, “Mọi thứ đều trong tay của định mệnh. Chúng ta có thể làm được gì nào? Cho nên chúng ta không làm gì.” Chính sự tồn tại của ý tưởng là chúng ta không làm gì cả có nghĩa là cảm giác về việc làm vẫn còn hiện hữu. Khái niệm về định mệnh toàn bộ có nghĩa là chúng ta không có. Không có cách nào để làm bất kì cái gì. Nó là sự tồn tại.
Khi chúng ta không thể làm được bất kì cái gì, khi chúng ta không thể là người làm, thế thì liệu sẽ có 'cái của tôi', cái gì của tôi không? Chúng ta sẽ nói, “Nó là của tôi” cho ai? Chúng ta có thể nói, “Đây là con tôi” không? Trông có vẻ như vậy, vì dường như là, “Tôi đã cho nó sinh thành.” Ảo tưởng như thế xảy ra mặc dầu không ai đã bao giờ cho ra đời bất kì đứa con nào. Con được sinh ra, chúng tìm đường của chúng qua bạn. Bạn bắt đầu yêu một người đàn bà. Tình yêu đó không đến từ bạn, tình yêu tìm đường của nó qua bạn. Ham muốn dục, tình yêu, khao khát của thân thể bạn để gặp lẫn nhau - khao khát đó không phải là của bạn. Nó bị giấu kín trong từng hạt của thân thể bạn, trong từng sợi lông nhỏ bé nhất trên thân thể bạn. Nó được nén vào trong từng hạt và nó chèn ép bạn, nó thôi thúc bạn. Cuối cùng, đứa trẻ được thụ thai, ai đó trở thành mẹ và ai đó trở thành bố của nó. Có vẻ là họ đã mang đứa trẻ vào hiện hữu. Số phận cười bạn! Nó cười khoái trá vào bạn. Bạn đã bị làm thành công cụ của việc sinh: bạn đã không cho nó. Bạn chỉ là bước chuyển. Người mẹ chỉ là bước chuyển cho cuộc hành trình của ai đó đi vào cuộc sống. Qua cô ấy, định mệnh cho việc sinh. Bạn đã không làm gì.
Bạn xây ra một toà nhà và nói, “Nó là của tôi.” Nhưng bạn có quan sát chim cũng làm tổ cho chúng không? Trên thế giới này ngay cả con vật nhỏ nhất cũng xây dựng chỗ trú ẩn của nó. Có những loài chim mà mẹ của chúng bay đi sau khi đẻ trứng. Khi trứng nở, chim con bước ra. Chúng không nhận huấn luyện của mẹ không có bảo vệ của bố, chúng không tới trường. Và phép màu là ở chỗ những con chim đó làm tổ đích xác như mẹ chúng làm, bà chúng làm trước chúng. Tổ ấy không phải là tổ bình thường; nó bao gồm kĩ năng kiến trúc lớn lao. Nó đẹp đến mức nếu con người muốn làm một cái tổ như thế thì người đó sẽ phải học cách làm nó, và ngay cả sau khi học, vẫn khó cho người đó để xây dựng nó một cách khéo léo đến thế.
Tổ như thế được làm như thế nào? Các nhà khoa học gọi đấy là chương trình định sẵn. Họ nói có một chương trình định sẵn trong từng tế bào nhỏ của thân thể con chim. Toàn bộ quá trình xây dựng tổ được giấu kín trong xương, thịt và mô của chim. Điều con chim này có thể làm tổ của mình là điều chắc chắn. Nó sẽ tìm ra đích xác loại cỏ và lá mà mẹ nó đã tìm. Không ai dạy nó; chim mẹ thậm chí không nhìn tới chim con, và chim con đã không tới trường. Vậy mà nó sẽ nhặt những cái lá đó và những cọng cỏ đó và làm nên cái tổ hệt như trước đây mẹ nó và bà nó làm. Con người cũng xây dựng; mọi loài sinh vật đều xây dựng. Không có lí do gì để nói, “Nó là của tôi” - tuyệt đối không lí do nào.
Chúng ta có thể nói về cái gì qua “Nó là của tôi”? Chúng ta có thể làm đòi hỏi như vậy về của cải không? Mọi con vật đều tích trữ: chúng làm như thế theo nhiều cách khác nhau, và con người chắc chắn không phải là kẻ thông minh nhất về điều đó. Có những con vật khéo léo vượt xa hơn con người trong nghệ thuật tích trữ. Tại Siberia có gấu trắng: tuyết khắp sáu tháng trong năm, và con người có khó khăn sống sót trong sáu tháng đó, nhưng gấu tự bảo vệ nó. Phương pháp tích luỹ của nó thật kì diệu. Nó không thu thập các thứ, nó thu thập mỡ - đủ để kéo dài trong sáu tháng. Nó chỉ cứ tích trữ thật nhiều mỡ trong thân thể. Nó cất giữ nhiều mỡ trong thân thể đến mức nó có thể sống nhờ số mỡ đó trong sáu tháng này mà trong lúc đó nó ngủ dưới tuyết.
Kho báu của bạn không ở sâu như thế bên trong bạn. Kẻ cắp có thể đánh cắp nó từ bạn; và để hữu dụng cho bạn, của cải của bạn phụ thuộc vào nhiều hoàn cảnh. Bạn có thể có của cải, nhưng nó sẽ không dùng gì được cho bạn nếu thị trường chứng khoán sụp đổ. Con gấu trắng kia thông minh hơn bạn. Nó tích trữ thức ăn của mình ngay bên trong người nó, và bởi vì - nằm dưới tấm chăn tuyết nặng nề - thật bất tiện cho con gấu để nhai, nuốt và tiêu hoá rồi tạo ra thịt và mô mới, nó cất giữ thức ăn của nó dưới dạng mỡ mà có thể hấp thu một cách an bình.
Cả thế giới tích trữ. Đừng nghĩ rằng chỉ có bạn làm như thế. Nó là quá trình tự nhiên. Khi người mẹ cho con bú vú, tự hào cô ấy cảm thấy là vô căn cứ nào. Không sớm hơn khi đứa con được sinh ra là vú mẹ bắt đầu đầy sữa, thân thể cô ấy bắt đầu tạo ra sữa. Nếu đứa trẻ không chịu bú, người mẹ sẽ khó khăn và cảm thấy rất khó chịu. Chính phúc lành là đứa trẻ bú sữa. Người mẹ không chủ định chuẩn bị sữa. Việc sinh ra đứa con là một quá trình tự phát, và như một phần của quá trình này, sữa được tạo ra trong người mẹ. Khi đứa trẻ lớn lên, dòng dữa mẹ bắt đầu giảm đi, và khi nhu cầu của nó hết, sữa biến mất.
Tất cả những việc xảy ra này là tự nhiên. Ham muốn tích luỹ là tự nhiên. Đó là lí do tại sao lời kinh này của Ishavasya nói, “Prakriti” - Ishavasya gọi điều đó là Thượng đế: mọi thứ là của Thượng đế. Tự nhiên, số phận, prakriti, tất cả đều là từ mang tính máy móc; và ngài khổng lồ, tràn đầy bí ẩn, tràn đầy cuộc sống và tâm thức đến mức ngài không thể có tính máy móc được.
Khoa học cũng xác nhận rằng tự nhiên làm mọi thứ, nhưng khi chúng ta nói về Thượng đế theo ngôn ngữ của khoa học, chúng ta trở nên đáng thương; chúng ta trở thành vô giá trị và máy móc. Khi Ishavasya nói, “Thượng đế làm mọi thứ,” một mặt bản ngã của chúng ta rơi xuống, và mặt khác chúng ta trở thành Thượng đế. Điều này là quan trọng; nó đáng được hiểu. Khi khoa học tiến triển, nó nhấn mạnh rằng con người phải vứt bỏ ảo tưởng là tôi đang làm. Mọi thứ đều đang xảy ra. Nhưng việc nhấn mạnh của khoa học là vào mọi thứ đang xảy ra một cách máy móc. Mọi thứ đang xảy ra như trong một cái máy. Toàn bộ thế giới hành xử một cách máy móc. Và khi mọi thứ đang xảy ra một cách máy móc, vị trí con người là đáng thương. Bản ngã của con người chắc chắn bị đập vỡ, nhưng không cái gì được lộ ra để cho con người bất kì ý nghĩa hay giá trị nào.
Thật sự, lòng tự hào của con người, bản ngã của con người, là một hiện tượng rất không có ý nghĩa và nhỏ mọn, hệt như ngọn lửa cháy từ dầu trong một chiếc đèn đất nhỏ. Nó bị khoa học dập tắt, và có bóng tối sâu xa bao quanh tất cả; nhưng không có mặt trời mọc lên xảy ra ở chỗ đó. Đó là lí do tại sao lời tuyên bố của Ishavasya là có giá trị hơn nhiều lời tuyên bố của khoa học. Một mặt nó dập tắt ánh sáng cháy lờ mờ của bạn và vồ lấy bản ngã nhỏ bé của bạn, bằng việc nói, “Tắt đi! Bạn không có, và sợ của bạn là không cần thiết!” và mặt khác nó cho sinh thành một siêu mặt trời. Trong một khoảnh khắc, từ một phía nó nói, “Bạn không có,” và lập tức, từ phía bên kia, nó đặt cho bạn ở vị trí của Thượng đế. Từ một mặt nó vồ lấy bạn và tẩy sạch bạn hoàn toàn, và từ mặt khác nó tặng cho bạn cái toàn thể. Nó dập tắt ngọn đèn đất của bản ngã, ngọn lửa lờ mờ nặng mùi, mùi dầu lửa đầy khói, nhưng thay vào đó nó cho bạn ánh sáng rực rỡ, chói lọi của mặt trời. Nó tẩy sạch cái tôi, bản ngã, nhưng đặt chúng ta ở cái ta cao nhất - Thượng đế!
Đây là khác biệt giữa chiều hướng của tôn giáo và của khoa học. Khoa học xác nhận cùng những sự kiện mà tôn giáo xác nhận, nhưng nhấn mạnh của khoa học và vào máy móc. Tôn giáo, trong khi thảo luận về cùng thứ, đặt nhấn mạnh vào tâm thức, vào trí huệ, vào việc sống; và nhấn mạnh này là quan trọng. Nếu khoa học phương Tây thành công, con người chung cuộc sẽ trở thành cái máy; và nếu tôn giáo ở phương Đông thành công, con người cuối cùng sẽ trở thành Thượng đế. Cả hai đều phá huỷ bản ngã, nhưng khoa học làm giảm cấp con người trong quá trình này.
Quãng trăm rưởi hay hai trăm năm trước đây, khoa học bắt đầu tuyên bố lần đầu tiên rằng con người là loài vật bất lực. Khi Darwin nói với loài người, “Quên rằng bạn đã được Thượng đế tạo ra đi; bạn đã tiến hoá từ loài vật, từ loài thú,” bản ngã của con người bị đập mạnh lần đầu tiên - với một cú bùm! Con người đã từng tin rằng mình là con của Thượng đế, là sự sáng tạo của Thượng đế, mặc dầu người đó không có bằng chứng nào về điều đó. Thế rồi bất thần lại hoá ra là người bố không phải là Thượng đế, mà là con vượn! Đấy hẳn phải là một cú sốc lớn lắm. Một cú sụp đổ tan tành! Khoảnh khắc trước đã có Thượng đế, ngồi trên ngai vàng cao nhất, và chúng ta là con của ngài, và khoảnh khắc tiếp chúng ta được chứng minh là con cháu của khỉ. Điều này thật rất đau đớn cho con người; nó tác động tới con người nhiều lắm. Cho nên khoa học đã tuyên bố lần đầu tiên rằng con người nên quên tất cả về việc là người và nên tự coi mình như con vật, con thú đi. Tất cả mọi nỗ lực của con người để nuôi dưỡng bản ngã của mình đều bị đập tan tành.
Nhưng một cuộc hành trình một khi đã bắt đầu, dù theo chiều hướng nào, cũng không kết thúc trước khi nó được hoàn tất; nó tìm kiếm cái kết thúc của nó. Thật khó để dừng lại ở mức con vật. Ban đầu khoa học tuyên bố rằng con người là một loại thú; thế rồi, sau khi nghiên cứu thêm về bản chất của loài vật, khoa học thấy rằng con vật là máy.
Bạn quan sát con rùa bò. Bạn sẽ thấy rằng khi cái nhiệt tăng lên, rùa bò vào bóng râm. Bạn sẽ nói nó bò đến đó bởi vì nó cảm thấy nóng quá. Khoa học bác bỏ điều này. Khoa học chế tạo ra rùa máy. Chúng được đặt dưới ánh mặt trời, và chúng cứ ở đấy chừng nào mà nhiệt còn không lớn lắm; nhưng ngay khi nhiệt tăng lên, chúng bắt đầu bò. Chúng bò vào trong bụi cây, chỗ bóng râm. Những con rùa này chỉ là những thứ máy móc - điều gì đã xảy ra cho chúng? Khoa học gọi nó là điều kiện tự cân bằng - cách thức mà theo đó thông báo được đưa ra cho bất kì thay đổi có ý nghĩa nào về nhiệt độ. Không có tâm thức tham dự vào đó chút nào. Bạn thấy bướm đêm bay vào ngọn lửa đèn. Nhà thơ mô tả nó là một kẻ yêu đương mù quáng, điên cuồng với ngọn lửa, hi sinh cả mạng sống của mình cho tình yêu của nó. Nhà khoa học sẽ không chấp nhận điều này; với ông ta không cái gì giống như tính điên khùng trong sự kiện này. Tất cả chỉ là máy móc. Ngay khi con bướm nhìn thấy ngọn lửa thì cánh của nó bắt đầu nghiêng về ngọn lửa. Họ tạo ra các con bướm máy, và để chúng bừa bãi trong bóng tối. Thế rồi họ bật đèn lên, và lập tức các con bướm này xô về cái đèn.
Cho nên khoa học đã xác minh rằng các con vật đều là máy; và kết luận cuối cùng về chúng là đáng ngạc nhiên. Trước hết các nhà khoa học đã xác minh rằng con người bị hạ xuống loài vật; rồi họ xác minh rằng con vật giống như máy: phán xét cuối cùng của họ là ở chỗ con người là máy. Một cách tự nhiên, có chân lí nào đó trong biện luận này. Điều tốt là họ đã đập tan bản ngã của con người, nhưng khi làm như vậy, họ thu con người về trạng thái của cái máy - con người thoái hoá thành cái máy. Với con người việc nghĩ theo cách này là nguy hiểm, và đã chứng tỏ là có hại. Những người như Stalin và Hitler có thể đẩy hàng triệu người vào chỗ chết bởi vì họ coi con người như cái máy và do vậy trái tim của họ không xúc động bởi việc tàn sát.
Bây giờ xét tình huống đáng quan tâm này. Krishna đã nói trong Gita rằng linh hồn con người là bất tử, nó không chết, cho nên giết kẻ thù của bạn không tạo ra khác biệt gì. Stalin cũng có thể nói rằng vì con người là máy, không linh hồn, nên cũng không hại gì trong việc giết anh ta. Khi Krishna nói với Arjuna rằng linh hồn là bất tử và sẽ không chết dù bạn cố gắng đến đâu, tác động lên Arjuna là ở chỗ người đó trở nên dịu đi khi giết kẻ thù của mình. Nhưng kết quả của hai hành động này hoàn toàn khác nhau. Khi tính bất tử của linh hồn được chấp nhận, câu hỏi về cái chết trở thành vô nghĩa. Stalin hài lòng đẩy hàng triệu người vào cái chết; nhưng với ông ấy thì không có cái gì như linh hồn chút nào, không cái gì sai được thực hiện vì con người chỉ là cái máy.
Có thể không có phản đối việc phá huỷ cái máy. Nếu bạn đập cái máy bằng chiếc gậy, ngay cả người bất bạo hành cũng không thể buộc tội gì bạn về việc phạm bạo hành. Bên ngoài, kết quả dường như tương tự, nhưng chúng không như nhau, vì ý nghĩa thực sự của những kết quả này là rất khác và thay đổi toàn bộ nghĩa trong mỗi trường hợp. Khoa học cho rằng tự nhiên làm mọi việc. Khoa học không chỉ đập tan bản ngã con người, mà còn làm thoái hoá con người; khi tôn giáo đập tan bản ngã con người, nó nâng con người lên một mức cao hơn và đưa tiễn con người trên cuộc hành trình đi lên.
Lời kinh này nói bản ngã bạn sẽ biến mất nếu bạn dừng việc gọi mọi thứ là của bạn. Coi nó tất cả đều là của sự tồn tại đi. Đừng nuôi dưỡng ham muốn về của cải của bất kì ai. Sau rốt, tại sao? Khi không còn cái gì là của tôi, thế thì cũng không có cái gì là của bạn. Cẩn thận, bởi vì lời kinh này, “Đừng thèm muốn; đừng ham muốn giầu có của người khác,” đã bị hiểu sai nhiều lắm: nó đã bị diễn giải không đúng đến mức người ta có thể trở nên bị lúng túng sâu sắc.
Phần lớn những người bình luận đã giải thích nó là: “Ham muốn của cải của người khác là tội lỗi, cho nên đừng nuôi dưỡng ham muốn như thế.” Nhưng họ có vẻ ngu, vì phần đầu của lời kinh nói rằng của cải không thuộc vào ai cả; nó là của sự tồn tại. Phần thứ nhất của lời kinh này nói, “Khi nó không phải là của tôi, làm sao nó có thể là của bạn được?”
Không. Không, nghĩa đúng đắn của nó là thế này - rằng bạn không nên ước ao của cải của người khác bởi vì của cải không phải là của tôi cũng không phải là của bạn. Cơ hội cho ham muốn tồn tại chỉ khi, vì nó có thể là của bạn, nó cũng có thể là của tôi; bằng không ham muốn không có nền tảng nào để đứng . Các chuyên gia trong khoa học về luân lí đã giải thích điều ấy như có nghĩa là ngay cả việc nghĩ đến của cải của người khác cũng là tội lỗi; nhưng vì nó không thể là của tôi thì làm sao nó có thể là của người khác được?
Không chuyên gia về đạo đức nào có thể nắm được nghĩa thực của lời kinh này. Nó là tinh tế và sâu sắc. Nhà đạo đức học lo lắng khi thấy rằng không ai ăn cắp tài sản của người khác; khi không ai coi là của mình cái thuộc về người khác. Nhưng nhấn mạnh của ông ta vào tài sản của người khác chỉ là mặt trái của nhấn mạnh cuả ông ta vào cái của riêng ông ta. Nhớ lấy, người nói, “Đây là của bạn,” chưa thoát khỏi khái niệm, “Đây là của tôi,” vì hai khái niệm này là hai mặt khác nhau của cùng một đồng tiền. Chừng nào cảm giác này vẫn cứ còn, “Toà nhà này là của tôi,” phần tương ứng của nó, “Toà nhà này là của bạn,” sẽ vẫn tiếp tục: và khi cảm giác về toà nhà ‘của tôi’ biến mất, làm sao cảm giác tương ứng về toà nhà ‘của bạn’ còn lại được? Không ao ước tới của cải hay tài sản của người khác không có nghĩa là tài sản thuộc về người khác, cho nên ham muốn nó là tội lỗi; nghĩa thực của nó là ở chỗ tài sản và của cải không thuộc vào ai cả - của cải thuộc vào một mình sự tồn tại: chính bởi vì điều này mà việc ham muốn là tội lỗi. Đừng coi cái gì là của tôi hay của bạn, đừng xem bản thân mình là người chủ, và đừng cố đánh cắp từ người khác - vì đó là coi cái gì đó như của anh ta. Chúng ta không thể đánh cắp mà cũng không thể giữ được cái gì. Tất cả nó đều là của sự tồn tại, và cái là của sự tồn tại chúng ta không thể thu được cũng không tích trữ được.
Ý tưởng sở hữu nhộn làm sao! Tôi đặt một tấm biển lên một mảnh đất nói rằng nó là của tôi. Mảnh đất đó đã có ở đó từ trước khi tôi được sinh ra. Nhìn vào hành động này của tôi, mảnh đất đó phải cười phá lên, vì nhiều người trước tôi cũng đã từng dựng lên những tấm biển như thế mà nói nó là ‘của tôi’ - và mảnh đất chôn vùi tất cả họ. Họ được chôn vùi nơi bạn đang ngồi bây giờ đây! Có ít nhất là mười nấm mồ ở chỗ mỗi chúng ta đang ngồi. Khó mà còn tấc đất nào trên mảnh đất này mà có thể không chứa mồ của mười người. Biết bao nhiêu người đã được sinh ra và đã chết đi trên thế giới này mà có thể ít nhất mười người đã được chôn vùi dưới từng tấc đất. Mảnh đất đó biết hoàn toàn rõ rằng người yêu sách khác đó cũng đã dựng lên những tấm biển như thế trên nó. Nhưng không cái gì dừng con người lại; như người đó vậy, người đó sẽ vẫn cứ cắm biển của mình lên, và người đó không muốn thấy rằng người đó đang thêm tên mình vào một cái biển cũ, được sơn vẽ đè lên. Người đó không muốn thấy rằng ai đó khác sẽ phải nhận cùng rắc rối ngày mai. Thực ra, tất cả những công sức này không là gì cả. Mảnh đất đó phải cười to!
Cho nên đừng ước ao của cải của người khác, vì nó không thuộc vào người nào. Tôi không đơn giản ngụ ý rằng việc chiếm của cải của người khác là có tội với cách xem xét làm cho nó thành của bạn. Điều là tội lỗi ở ngay chỗ đầu tiên khi xét nó là của người đó hay của bạn. Nó là tội lỗi khi coi nó là của bất kì ai. Nó chắc chắn là tội lỗi nếu lấy cớ quyền sở hữu của bất kì ai trừ của sự tồn tại. Nếu bạn có thể hiểu cách diễn giải này, thế thì và chỉ thế thì bạn mới có khả năng hiểu thấu nghĩa sâu xa và tinh tế của Ishavasya. Bằng không nghĩa rõ ràng của những lời kinh này là ở chỗ mỗi người phải sở hữu vững chắc của cải của riêng mình và, để bảo vệ quyền lợi của riêng mình, phải quảng bá đi mọi phương rằng không ai được ước ao của cải của người khác.
Đây là lí do tại sao Marx và những người khác theo cách nghĩ của ông ấy đã không sai khi họ cảm thấy rằng mọi tôn giáo đều đưa ra bảo vệ cho người giầu có, phong lưu, bởi vì những diễn giải của lời kinh này đã bị sai lạc và không đúng. Từ những giải thích này dường như là bạn không nên cố gắng chiếm lấy của người khác những cái mà người đó là chủ sở hữu. Điều này rõ ràng xác định ra rằng người chủ có thể nhận được sự giúp đỡ của cảnh sát để bảo vệ của cải của mình. Cho nên ý định của nó là để duy trì luật pháp và trật tự, nguyên trạng và ý tưởng về quyền sở hữu. Nhưng lời kinh này không dự định điều này; chính lời tuyên bố đầu tiên của Ishavasya là ở chỗ mọi thứ đều thuộc về sự tồn tại. Một mình sự tồn tại là người chủ. Cả tôi lẫn bạn không là người chủ, và ý tưởng của chúng ta về quyền sở hữu là ảo tưởng. Một mình nó là người chủ, người chưa bao giờ tuyên bố, “Ta là người chủ.” Nó tuyên bố trước ai? Với ai mà nó nói, “Đất này là của ta?” Để nói như thế ít nhất cần phải có người khác - và tất cả đều là của sự tồn tại!
Nhớ lấy điều này khi bạn ghi tên mình lên một mảnh đất. Bạn làm như thế là để cho người khác, để cho người đó có thể biết rằng đấy là của bạn. Bạn không đặt tấm biển trong rừng rậm. Và giả sử bạn sống một mình trên trái đất này, tôi cho là bạn không điên khùng đến mức phải đi dựng biển ở các chỗ khác nhau. Nếu bạn là người duy nhất sống trên trái đất này, toàn bộ đất đai là của bạn. Không còn mục đích chút nào trong việc bận tâm nói như vậy.
Sự tồn tại không đưa ra những công bố như thế vì nó là người chủ. Tâm niệm điều này nữa; nó là một nghĩa nữa được hàm chứa trong lời kinh này của Ishavasya: những người đưa ra lời công bố này không thể là người chủ. Không cần người chủ phải công bố. Người chủ là người chủ, mặc dầu không có công bố nào. Chỉ người hầu đưa ra công bố. Nếu một người đưa ra một đòi hỏi mạnh mẽ về cái gì đó, điều ấy có thể tạo ra một hoài nghi mạnh tương đương trong tâm trí của người nghe. Khi một ai đó tuyên bố mãnh liệt rằng của cải là của mình, thế thì đương nhiên điều đó không thể là của người đó được. Tại sao đòi hỏi này được đưa ra hùng hồn thế? Chúng ta bao giờ cũng lớn tiếng trình bầy đòi hỏi về một vật để chứng tỏ rằng nó là của chúng ta khi thực ra nó không vậy.
Sự tồn tại không đưa ra lời công bố nào. Nó phải làm như vậy cho ai? Tại sao nó phải công bố? Lời tuyên bố sẽ là vô nghĩa. Lời tuyên bố, ngược lại, sẽ chứng tỏ rằng điều ấy không phải là của nó. Tất cả những điều này đều thuộc về nó, kẻ chưa bao giờ đưa ra lời đòi hỏi nào về nó. Nó không thuộc về bất kì ai đã từng lên tiếng đòi hỏi về nó. Đừng ao ước của cải của người khác, vì nó không thuộc vào ai cả - nó tất cả là của sự tồn tại. Đừng coi nó là của bạn hay của người khác, coi nó là của sự tồn tại: và nhận biết rằng người khác này, và cả bạn nữa, tất cả đều là của sự tồn tại - tất cả chúng ta đều là của nó. Cho nên đánh cắp hay tống tiền là vô dụng, vô nghĩa và không liên quan. Không có kĩ năng hay nghệ thuật gì trong đó. Nó cũng gần như là lao động bị mất. Nó là nỗ lực giống như vẽ đường trên nước.
Vẫn còn có một điểm nữa: tận hưởng chúng thông qua từ bỏ chúng. Người ta nói rằng nếu bạn từ bỏ một vật, bạn có thể tận hưởng điều đó. Nhưng không, điều đó không phải là tin của chúng ta. Ngược lại, chúng ta tin rằng chúng ta có thể tận hưởng chỉ cái chúng ta ôm giữ thật chặt. Nhưng hiền nhân này chỉ dẫn chúng ta làm điều hoàn toàn ngược. Ông ấy nói rằng chỉ họ có thể tận hưởng các thứ mà họ từ bỏ chúng. Phát biểu này rất đối chọi với niềm tin của chúng ta. Chỉ những người từ chối làm người chủ trở thành người chủ thật. Mọi thứ đều rơi vào trong tay những người không ham muốn ôm giữ thứ gì.
Một ví von hay là cố giữ không khí trong tay bạn. Bạn có thể lĩnh hội ý nghĩa thực của lời kinh này - từ bỏ để hưởng thú - nếu bạn đơn giản cố gắng giữ không khí trong tay mình. Ngay khi bạn nắm chặt nắm tay, không khí thoát ra ngoài hết. Bạn càng siết chặt nắm tay bạn càng giữ ít không khí, cho đến cuối cùng không còn lại không khí nào nữa. Để lỏng nắm tay và không khí sẽ xô bàn tay để mở của bạn. Bao giờ cũng có không khí trong bàn tay để mở, nhưng trong nắm tay chặt thì chúng trốn biệt. Một người để tay mình mở ra bao giờ cũng có đầy không khí; nó không bao giờ trống rỗng, mọi khoảnh khắc không khí đều tươi mát. Bạn đã bao giờ quan sát điều này chưa? Bàn tay để mở không bao giờ trống rỗng, và bàn tay nắm bao giờ cũng trống rỗng; và nếu một chút ít không khí vẫn còn lại trong nắm tay, nó là cũ rích và suy tàn. Riêng những người từ bỏ mới có khả năng tận hưởng.
Trong thế giới này, trong cuộc sống này, con người nhận được nhiều khi người đó sẵn sàng cho đi và buông bỏ. Đây là ngược đời - nhưng mọi qui tắc của cuộc sống đều ngược đời. Chúng không đối lập; chúng là ngược đời. Chỉ dường như chúng là đối lập. Người ao ước được tôn vinh và kính trọng trên thế giới này chắc chắn tìm thấy hổ thẹn và bất kính. Người ham muốn được giầu có, nhưng khi người đó bắt đầu tích luỹ của cải, người đó trở thành nghèo nàn và hèn hạ bên trong, khi người đó có vẻ giầu có bên ngoài. Người nghĩ hay mơ về tính bất tử lo âu về sợ chết cả hai mươi bốn tiếng một ngày. Cái chết không bao giờ tới viếng thăm nhà của người luôn sẵn lòng đón chào nó: người sẵn lòng gặp gỡ cái chết nếm những giọt cam lồ, trong khi người sợ hãi cái chết chết đi từng giờ mỗi ngày. Người ấy chết đi mọi lúc bởi vì người ấy không biết chút nào về cuộc sống là gì. Người nói, “Ta sẽ trở thành người chủ,” sẽ sớm trở thành kẻ nô lệ; và người nói, “Ta sẵn lòng là kẻ nô lệ,” sẽ là người chủ vô hạn. Nhưng đấy là những phát biểu mâu thuẫn cho nên rất khó để hiểu chúng, và khi chúng ta cố gắng diễn giải chúng, chúng ta làm điều ấy theo cách để chúng ta được cứu giúp trong cái ngược đời trong chúng - và do đó chúng ta bỏ lỡ vấn đề.
Do vậy mọi người đã hiểu nhầm những lời kinh này. “Tận hưởng qua từ bỏ” đã đi tới ngụ ý là nếu bạn làm việc từ thiện, bạn sẽ được thưởng ở cõi trời. Cho người ăn mày ngồi bên bờ sông Hằng một vài xu và bạn sẽ được thưởng hàng nghìn lần hơn. Không có cái gì khác trên thế giới này bị đối xử tệ bạc như những lời kinh này, và tương tự, không ai bị đối xử bất công như những hiền nhân này - bởi vì khó hiểu được họ theo đúng tinh thần của họ. Thay vì vậy, chúng ta diễn giải họ theo cảnh quan của chúng ta. Chúng ta nghĩ chúng ta hiểu lời kinh này: nếu bạn đem cái gì đó đi làm việc từ thiện, bạn sẽ được lên cõi trời sau khi chết. Nhưng chú ý: lời kinh này nói, “Người từ bỏ, nhận được.” Nó không nói: “Người từ bỏ với quan điểm để nhận được, sẽ nhận được.” Thực ra, người từ bỏ với quan điểm để nhận được, là không từ bỏ, vì người đó chỉ tìm cách để nhận được phần thưởng.
Người làm điều từ thiện ở đây trên thế giới này là để cho người đó có thể nhận được phần thưởng trên cõi trời không từ bỏ cái gì cả. Người đó đơn giản siết chặt nắm tay của mình cho tương lai. Nếu được hiểu đúng, hành động của người đó không chỉ là siết chặt nắm tay trên thế giới này, mà còn siết chặt nó cả trong thế giới tiếp nữa. Người đó đang nói với người khác bằng hành động của mình, “Hành động này là không quan trọng lắm ở đây, nó hoàn toàn thông thường, nhưng nó rất quan trọng ở kia, trong thế giới tiếp.” Nếu người đó hoàn toàn chắc chắn, nếu người đó một trăm phần trăm chắc chắn rằng người đó sẽ được thưởng trong thế giới tiếp vì hành động tốt của mình trên thế giới này, thế thì người đó được chuẩn bị để làm việc đầu tư nào đó. Người đó được chuẩn bị để chịu rủi ro một số tài sản của mình nếu người đó được đảm bảo đầy đủ về phần thưởng của người đó trong thế giới tiếp.
Không, người như vậy đã không hiểu thấu được nghĩa này chút nào. Đấy không phải là điều lời kinh này đang nói. Nó đơn giản nói, “Người từ bỏ, nhận được.” Nó không nói, “Từ bỏ để cho bạn có thể nhận được trong tương lai.” Một người có con mắt chỉ chăm chăm vào đầu nhận được cái gì đó không bao giờ có thể nghĩ dưới dạng từ bỏ được. Khi người đó dường như là từ bỏ, đấy không phải là từ bỏ mà là đầu tư. Người đó đơn giản thay đổi vấn đề tài chính để thu được nhiều hơn. Nếu một người đầu tư một triệu vào một nhà máy, đấy có thể được gọi là làm điều từ thiện không? Chắc chắn không. Người đó đang đầu tư với ham muốn để kiếm được một triệu rưởi. Rồi người đó có thể đầu tư một triệu rưởi. Đấy là từ thiện chăng? Vậy là người đó cứ tiếp tục, cứ đầu tư ngày một nhiều để cho người đó có thể có một cái nắm chặt hơn vào tài sản của mình. Người đó muốn ngày càng nhiều hơn. Người thực hành từ thiện với quan điểm để thu lại được cái gì là không hiểu nghĩa của từ thiện.
Lời kinh này đưa ra một tuyên bố đơn giản, trực tiếp rằng người từ bỏ, tận hưởng. Nó không nói, “Từ bỏ nếu bạn muốn tận hưởng.” Nó công bố rằng nếu bạn có thể từ bỏ, thế thì bạn có thể tận hưởng; nhưng nếu bạn đang nuôi dưỡng ý tưởng về tận hưởng, bạn có thể không bao giờ từ bỏ.
Đây là lời kinh tuyệt diệu. Nó tuyên bố ngay từ đầu rằng mọi thứ là của sự tồn tại: điều này bao hàm việc từ bỏ. Cái gì còn lại đó để sở hữu và nắm giữ đối với người đã hiểu rằng mọi thứ đều thuộc về sự tồn tại? Không cái gì còn lại để mà sở hữu. Từ bỏ là đầy đủ - và người đã nhận ra điều này, người đã từ bỏ mọi thứ và có bản ngã đã tan biến, là bản thân sự tồn tại; và việc trở thành sự tồn tại là bắt đầu tận hưởng. Người đó được hội nhập vào trong tận hưởng tối cao, được hấp thu vào trong phúc lạc tối cao. Người đó bắt đầu kinh nghiệm tận hưởng tối cao đó từ khoảnh khắc nọ sang khoảnh khắc kia. Mọi hạt nhỏ bé nhất trong cuộc sống người đó bắt đầu nhảy múa. Cái gì còn lại để được tận hưởng đối với một người đã trở thành bản thân sự tồn tại? Người đó bắt đầu tận hưởng mọi thứ. Mọi thứ! Bầu trời bao la, hoa nở, mặt trời mọc, sao đêm, nụ cười và tiếng cười - tất cả đều trở thành đối tượng phúc lạc của người đó. Tận hưởng tối cao đó bây giờ tự nó trải rộng về mọi phía cho người đó. Người đó bây giờ là người chủ và người sở hữu của không cái gì, nhưng theo mọi chiều hướng đều có sự trải rộng của tận hưởng, và từ khắp xung quanh, người đó uống nước cam lồ thiêng liêng.
Tôn giáo là tận hưởng. Khi tôi nói điều này - rằng tôn giáo là tận hưởng - nhiều người trở nên bất ổn bởi vì khái niệm của họ về tôn giáo là ở chỗ nó là từ bỏ. Nhớ trong tâm trí, người nghĩ tôn giáo là từ bỏ sẽ phạm phải sai lầm về đầu tư. Vậy mà bản chất của cuộc sống là từ bỏ. Cuộc sống là từ bỏ. Điều cực kì ngu xuẩn là ôm giữ bất kì cái gì trong cuộc sống. Sai lầm lớn là nắm giữ chặt; trong khi làm như vậy người ta mất đi cái mà người ta đáng thu được. Trong khi nói rằng, “Đó là của tôi,” con người đánh mất cái người đó đã là.
Mọi thứ rơi rụng đi theo ý của nó từ người đã nhận ra rằng mọi thứ đều là của sự tồn tại. Thế thì không còn lại gì cho người đó để từ bỏ. Nhớ lấy, hành động từ bỏ là không thể được với người nói, “Đó là của tôi.” Nếu một người nói, “Tôi đang từ bỏ điều này,” điều đó chứa niềm tin rằng vật ấy là của anh ta. Chân lí là ở chỗ anh ta, người nói như vậy không thể từ bỏ được, vì các khái niệm của người đó về của tôi và cái của tôi vẫn còn dai dẳng. Người duy nhất có thể từ bỏ được là người có thể nói, “Không cái gì là của tôi; tôi có thể từ bỏ cái gì?”
Trước khi từ bỏ cái gì đó, người ta phải có cái đó. Nếu tôi nói, “Tôi cho bạn bầu trời,” bạn sẽ cười vào tôi và nói, “Trước hết phải quyết định rằng bầu trời mà thầy đem cho đó là của thầy đi đã.” Tương tự tôi có thể nói, “Tôi làm điều từ thiện cho bạn hành tinh Sao Hoả đấy.” Điều này tương đương với điều vô nghĩa; nó phải là của tôi trước khi tôi có thể làm điều từ thiện với nó. Ảo tưởng về từ bỏ này xảy ra cho người đang ấp ủ các khái niệm về cái của tôi. Không, từ bỏ không xảy ra chỉ bởi hành động bỏ đi cái gì đó. Nó xảy ra chỉ trong việc nhận ra chân lí rằng mọi thứ thuộc về sự tồn tại. Thế thì việc từ bỏ xảy ra - nó không phải được thực hành.
Từ bỏ là kinh nghiệm, là việc nhận ra sự kiện rằng tất cả đều là của sự tồn tại. Bây giờ không cái gì còn lại để được từ bỏ. Bây giờ ngay cả bản thân bạn, người tranh đấu để từ bỏ, cũng không được dự trữ lại. Bây giờ không còn lời đòi hỏi về bất kì cái gì có thể quan niệm được về từ bỏ. Toàn bộ phúc lạc tới với người có việc từ bỏ mang bản chất này. Tất cả cái tinh tuý, tất cả cái đẹp đẽ, tất cả nước cam lồ của cuộc sống bây giờ là của người đó. Do đó lời kinh này nói rằng người đó, người từ bỏ, đạt được mọi thứ. Người đó, người làm trống rỗng bản thân mình, người buông xuôi ngay cả cái tôi của mình, trở thành người chủ của tài sản vô tận.
Đủ cho lời kinh này. Chúng ta sẽ nói thêm nữa vào tối nay. Xin lưu ý tới một vài điều hướng dẫn về thiền sáng trước khi chúng ta bắt đầu. Điểm thứ nhất là thế này: Bất kì cái gì tôi đã nói tất cả đều là thiền. Để bàn tay mở và bạn sẽ được đầy không khí. Khi bạn kinh nghiệm, khi bạn nhận ra, rằng mọi thứ đều thuộc về sự tồn tại, bạn sẽ xúc động với phúc lạc bên trong bạn.
Việc thiền này sẽ trong vòng bốn mươi phút. nhắm mắt và bịt tai hoàn toàn để cho không ánh sáng, không âm thanh nào có thể đi vào. Trong mười phút đầu thở sâu. Cố gắng hết mức, để cho tất cả năng lượng của kundalini có thể được khuấy động. Nếu thân thể bạn bắt đầu nhảy múa, nhún nhảy, quay vòng, cứ để nó làm như vậy. Đừng lo lắng về nó chút nào. Trong mười phút tiếp, với vui vẻ bên trong, thảnh thơi thân thể bạn đầy đủ. Thân thể bạn sẽ muốn nhảy nhót, múa may, cười nói, la hét, kêu khóc, hát hò. Cho phép nó làm bất kì cái gì nó muốn; hợp tác với nó hoàn toàn và đầy đủ. Trong mười phút tiếp nữa, tiếp tục hợp tác với thân thể bạn và đồng thời tự hỏi mình, “Ta là ai?” Cứ hỏi, “Ta là ai?” cứ như là bạn đang tụng mật chú vậy. Làm điều này với sự hài lòng, với vui vẻ. Thế rồi, trong bốn mươi phút, một số trong các bạn sẽ muốn đứng dậy, một số sẽ muốn nằm ra, và số khác sẽ muốn lăn tròn. Làm bất kì cái gì bạn thích! Cuối cùng, trong mười phút cuối, vẫn còn im lặng, đợi việc đi vào sự tồn tại bên trong. Giữ bản thân bạn thật hoàn toàn thảnh thơi và không có kháng cự gì để cho nó có thể đi vào bạn. Bạn sẽ phải đợi cho điều đó.
Trước khi chúng ta bắt đầu thực nghiệm của mình, đặt hai tay lên nhau, và trước sự tồn tại trịnh trọng đưa ra lời nguyện. Nhắm mắt, đặt hai tay lên nhau, nghĩ về sự tồn tại như nhân chứng của bạn, và lặp lại lời nguyện này ba lần: “Trong sự hiện diện của sự tồn tại, tôi nguyện rằng tôi sẽ cố gắng hết sức trong thiền.”
Xem tiếp Chương 3 - Quay về Mục lục

Ads Belove Post