Chương 20. Sự tồn tại là một

Chương 20. Sự tồn tại là một

Price:

Read more

Osho - Nhịp đập của tuyệt đối
Chương 20. Sự tồn tại là một

Cái đó là hoàn hảo và cái này cũng là hoàn hảo. Vì chỉ cái hoàn hảo được sinh ra từ cái hoàn hảo; và khi cái hoàn hảo được lấy đi từ cái hoàn hảo, chú ý, cái còn lại là hoàn hảo. Om. An bình, an bình, an bình
Đấy là luật vĩnh hằng của sự tồn tại, rằng cái kết thúc là được tìm thấy ở cái bắt đầu. Kết thúc là nơi bắt đầu có. Theo luật vĩnh hằng này, Ishavanya kết thúc ở lời kinh mà nó bắt đầu. Không có cách nào khác ngoài điều này. Mọi cuộc hành trình đều là vòng tròn - bước đầu tiên cũng là bước cuối cùng.
Những người đã hiểu luật này - rằng bước đầu tiên cũng là bước cuối cùng - được cứu khỏi rối loạn vô dụng và xung đột của các xúc động của tâm trí; họ được cứu khỏi những lo nghĩ và lo âu vô tích sự của cuộc sống. Chúng ta đạt tới chỗ mà chúng ta đã bắt đầu. Trạm đầu tiên của cuộc hành trình của chúng ta cũng là trạm cuối cùng. Do đó chúng ta có thể du hành ở giữa rất vui vẻ, bởi vì không có cách khác. Chúng ta sẽ không bao giờ tới chỗ mà chúng ta không có. Dù chúng ta có thể làm nỗ lực lớn đến đâu cũng không thành vấn đề, chúng ta không thể đạt tới nơi chúng ta không có.
Chúng ta hiểu điều đó theo cách này: chúng ta chỉ có thể là cái mà chúng ta đã là. Không có phương án nào khác. Cái được
ẩn kín trong chúng ta sẽ được lộ ra, và cái được lộ ra sẽ lại được giấu kín. Hạt mầm sẽ mọc thành cây, và cây sẽ lại trở thành hạt mầm. Đây là luật vĩnh cửu của cuộc sống. Lo âu và lo nghĩ của những người đã hiểu thấu luật này tiêu tan hoàn toàn. Những đau đớn tinh thần gấp ba của họ trở thành êm ả và im lặng. Thế thì không còn lại lí do gì cho hạnh phúc - không có nguyên nhân để bất hạnh khi chúng ta du hành tới đích của mình, và không có nguyên nhân để hạnh phúc bởi vì chúng ta không thu được cái gì chút nào, cái không có cùng chúng ta từ lúc bắt đầu. Để nêu ra một chỉ dẫn, một hướng dẫn, về luật vĩ đại này, Ishavanya kết thúc với lời kinh mà nó bắt đầu.
Cuộc hành trình mà chúng ta đã tiến hành ở giữa hai đầu này là những cánh cửa tách bạch khác nhau để làm cho chúng ta có khả năng hiểu được lời kinh này, để đi tới lời kinh này. Mỗi lời kinh đều là một hướng dẫn để khuấy động việc nhớ lại của chúng ta về đại dương vĩ đại đó, và mỗi bến bờ và mỗi nơi thiêng liêng là một lời mời, một lời gọi, để con thuyền ta giương buồm lên. Nếu bạn giữ lời kinh này trong tâm trí, bạn có thể đã quan sát rằng lời kinh này được ẩn kín sâu trong nghĩa của mọi lời kinh. Đó là lí do tại sao nó đã được công bố ngay từ đầu và bây giờ công bố vào lúc cuối. Tôi đã nói với bạn ý nghĩa của nó từ ngay ngày đầu tiên. Hôm nay tôi sẽ giải thích ý nghĩa bên trong của nó - cái bản chất của nó.
Bạn có thể hỏi, “Cái gì là khác biệt giữa nghĩa và điều bản chất?” Nghĩa là dáng vẻ bên ngoài, dạng biểu hiện, một vật, trong khi bản chất là thứ giấu kín. Nghĩa là thân thể bên ngoài, bản chất là linh hồn bên trong. Nghĩa cũng có thể được hiểu bởi trí tuệ, nhưng bản chất chỉ có thể được hiểu thấu bởi trái tim. Nói chung, nghĩa được giải thích lúc bắt đầu và không phải là bản chất. Còn bây giờ, tại giai đoạn này, chúng ta đã nhìn qua nhiều cánh cửa vào trong ngôi đền mà với nó lời kinh này được ngụ ý. Không chỉ chúng ta đã đi tới hiểu nó về mặt trí tuệ, mà chúng ta còn cố gắng hiều thấu nghĩa của nó bằng việc cũng đi vào trong thiền.
Đây là điều xảy ra duy nhất. Nhiều lời bình luận đã được đưa ra về Upanishad này, nhưng đây là cơ hội đầu tiên trên trái đất này khi lời bình luận đã được đi kèm với thiền. Cho nên một tìm kiếm sâu xa về nghĩa biểu hiện của nó và về nghĩa bên trong của nó đã được tiến hành đồng thời. Những lời của Upanishad đã được giải thích trước đây, nhưng đây là cơ hội lần đầu tiên mà qua đó một nỗ lực tích cực đã được thực hiện để nhảy vào nghĩa bên trong của nó - linh hồn của nó. Bất kì điều gì tôi đã nói cho các bạn đều với mục đích làm thành bàn nhảy cho bạn: mục đích là việc nhảy. Đây là lí do tại sao tôi đi vào trong thiền vào cuối mỗi lời kinh, để cho bạn có thể kinh nghiệm ý nghĩa của nó bằng việc lấy cái nhảy vào trong nó.
Cho nên bây giờ tôi có thể nói cho bạn ý nghĩa bên trong của nó. Bạn còn chưa xem xét nghĩa của những lời này thật đủ; nhưng bạn đã làm được điều gì đó khác - bạn đã đạt tới im lặng, bình thản. Những người hiểu những lời này đều có khả năng biết được nghĩa, nhưng chỉ những người biết im lặng là có khả năng biết nghĩa bên trong của nó, bản chất của nó. Nếu bạn đã đạt tới dù chỉ chút xíu hương vị của im lặng, bạn sẽ có khả năng hiểu nghĩa bên trong mà tôi đang định đi vào.
Điều đầu tiên tôi sẽ bảo bạn về nghĩa bên trong của lời kinh này là ở chỗ nó đã tuyên bố rằng cuộc sống là phi logic. Điều này không được nói ở bất kì đâu trong bao nhiêu từ của kinh này, chỉ có hướng dẫn về nó thôi. Bây giờ tôi sẽ nói cho bạn điều không được nói ra, điều chỉ được hướng dẫn tới. Wittgenstein đã viết một cuốn sách, Tractacus, mà có lẽ là cuốn sách quan trọng nhất của thế kỉ này. Trong đó ông ấy đã nói, “Cái không thể được nói ra phải không được nói ra: nó phải được bỏ lại không nói.” Ông ấy nói thêm, “Cái không thể được nói ra có thể được chỉ ra.” Nghĩa của ông ấy là ở chỗ một hướng dẫn, một chỉ dẫn, có thể được đưa ra cho cái không thể được nói ra. Cái không thể được nói ra và cái không nên được nói ra là nghĩa bên trong của kinh này. Điều tôi đang làm bây giờ chỉ là cho bạn một số chỉ dẫn hướng về nó.
Chỉ dẫn thứ nhất: Cuộc sống là phi lí, cho nên những người cố gắng tìm kiếm cuộc sống là gì sẽ lang thang quanh cái chết. Những người như thế không bao giờ có thể phát hiện ra bí mật của cuộc sống. Làm sao bạn có được chỉ dẫn về cái phi lí từ lời kinh này? Nó nói, “Cái hoàn hảo được lấy ra từ cái hoàn hảo.” Điều phi lí đầu tiên là trong câu hỏi, “Làm sao cái hoàn hảo có thể nổi lên từ cái hoàn hảo?” Vì không có không gian phụ bên ngoài cái hoàn hảo, cái hoàn hảo có thể đi đâu được?” Purna nghĩa là tuyệt đối, bên ngoài cái đó không có cái gì khác nữa; nếu có bất kì cái gì khác, thế thì hoàn hảo sẽ là không hoàn hảo ngần ấy. Chưa bao giờ có bất kì cái gì bên ngoài cái hoàn hảo, thậm chí không có cả không gian, cho nên làm sao cái gì có thể đi ra từ cái hoàn hảo được? Và giả sử nó có đi ra, nó sẽ đi đâu? Không có lối ra. Nhưng lời kinh này khẳng định rằng cái hoàn hảo được lấy ra từ cái hoàn hảo.
Không chỉ điều này, nhưng nó thêm cái phi lí nữa: “Sau khi cái hoàn hảo được lấy ra khỏi cái hoàn hảo, cái còn lại là hoàn hảo.” Nếu bất kì ai nhìn vào câu này theo quan điểm logic người đó sẽ tuyên bố đó là phát biểu của người điên. Và nếu ai đó xem xét nó theo quan điểm toán học, nó sẽ được thấy là không đúng toàn bộ. Người đó sẽ nghĩ nó được ai đó viết ra, mà người viết mất trí. Đây sẽ là ý kiến của bất kì ai xem xét nó theo quan điểm logic hay toán học. Nhưng những người xem xét và suy nghĩ theo cách này sẽ phạm phải sai lầm mà một thời đã mắc trong vườn.
Một người làm vườn nào đó mời bạn mình tới thăm hoa hồng đẹp đã ra hoa trong vườn mình. Người bạn là thợ kim hoàn, và người đó đến đó với một hòn đá thử. Khi thấy hoa hồng người đó nói với bạn mình, “Tớ không tin phát biểu của cậu đơn giản bằng việc nhìn hoa hồng. Cậu không thể lừa tớ được, tớ không phải là trẻ con. Tớ kiểm tra vàng, cho nên việc kiểm tra hoa hồng chỉ là trò chơi trẻ con. Tớ sẽ kiểm tra chúng.”
Người làm vườn hỏi, “Cậu kiểm tra hoa hồng thế nào?” Anh bạn trả lời, “Tớ đã mang hòn đá thử đi theo đây.”
Người làm vườn trở nên bồn chồn và nghĩ, “Mình thật sai lầm thì đi mời thằng cha này!”
Nhưng vào lúc đó anh thợ kim hoàn đã ngắt một đoá hoa và kiểm tra nó bằng cách cọ xát nó vào viên đá thử. Người đó ném đoá hoa xuống đất và nói, “Hòn đá thử đã chứng tỏ rằng không có cái gì trong hoa này cả; nó là giả.”
Hiền nhân của lời kinh này sẽ cảm thấy hệt như người làm vườn phải đã cảm thấy nếu ai đó cố hiểu lời kinh này theo quan điểm logic. Hoa không được thử bằng đá thử cho vàng, và nếu ai đó cố làm như thế, hoa không có lỗi; nó đơn thuần chứng tỏ cái ngu xuẩn của người này. Về tất cả những lời kinh của Ishavanya, điều này đặc biệt có hương vị của tự nhận ra. Điều này không thể được kiểm tra bằng hòn đá thử của logic, và điều được áp dụng hoàn toàn trong lời kinh này là không nên được thử như thế. Lời kinh đang bảo chúng ta rằng nó sắp sửa nói một điều gì đó phi lí, vượt ra ngoài logic, điều không thể xảy ra và vậy mà vẫn xảy ra, điều không nên xảy ra và vậy mà vẫn cứ xảy ra, điều không có cơ sở nào cho việc xảy ra của nó, điều không có cách nào được chứng minh - và vậy mà nó xảy ra, và vậy mà nó hiện hữu!
Cuộc sống là phi lí: phát biểu này có nghĩa gì? Nó có nghĩa là những người cố gắng tìm ra nghĩa, tìm ra bí mật của cuộc sống theo quan điểm toán học, logic, công lí, qui ước, quy định và luật lệ, sẽ vẫn tiếp tục tìm mà không biết gì về nó.
Người thợ kim hoàn đã kiểm tra hoa bằng hòn đá thử. Nếu bạn lấy đoá hoa đó vào phòng thí nghiệm khoa học và nói, “Đây là một đoá hoa rất đẹp,” thế thì nhà khoa học nữa sẽ mổ xẻ mọi phần của nó và nói, “Cái đẹp ở đây đâu rồi?” Ông ấy sẽ trích rút từng yếu tố một và để rải rác chúng ra. Mỗi hoá chất sẽ được phân tách và rồi ông ấy sẽ hỏi, “Cái đẹp đâu rồi?” Nó có nhựa hoa, khoáng chất, hoá chất và tất cả những thứ như thế, nhưng không có cái đẹp trong đó ở đâu cả. Nếu cái đẹp không được tìm thấy trong phòng thí nghiệm của nhà khoa học, đấy không phải là lỗi của hoa; không phải lỗi của nhà khoa học, vì phòng thí nghiệm của ông ấy không có đó để phát hiện ra cái đẹp. Chiều hướng mà trong đó cái đẹp có thể được thăm dò và đo đạc là hoàn toàn khác.
Cho nên những người nghĩ về cuộc sống theo quan điểm toán học có thể không bao giờ đo được nó, bởi vì cuộc sống về cơ bản là bí mật. Tất cả tri thức của chúng ta, dù nó có thể lớn đến đâu, đều dựa trên dốt nát; nó đơn giản hướng dẫn vào cái vẫn còn được biết tới. Và khi chúng ta đi đến biết ngày càng nhiều hơn, chúng ta hiểu chiều sâu của cái dốt nát của chúng ta. Chúng ta không có khả năng bầy tỏ cuộc sống, và nếu chúng ta cố gắng, chúng ta trở thành ngày càng bị vướng víu.
Tất cả nỗ lực của chúng ta để làm lộ nó ra cũng giống như những cố gắng trong câu chuyện của Aesop mà tôi đã nghe. Câu chuyện kể về con rết đang bước đi trên đường. Một con thỏ thấy nó và rất lấy làm phân vân. Con thỏ có lẽ đã được dạy trong một trường phái logic. Phân vân của nó là thế này: chân nào trong một trăm chân của con rết giơ lên trước nhất? Rồi chân nào là chân thứ hai cất lên? Chân nào thứ ba? vân vân. Làm sao con rết có thể nhớ được trật tự cho cả trăm chân của nó? Nó sẽ không vấp ngã khi bước chứ? Điều này chắc chắn là phải bị lẫn lộn.
Con thỏ bảo con rết dừng lại và trả lời câu hỏi của nó. Nó nói, “Tớ là sinh viên logic và tớ rất phân vân khi ngắm nhìn cậu. Chúng tớ bước trên bốn chân cho nên dễ dàng nhớ trật tự giơ từng chân lên khi bước. Nhưng làm sao cậu nhớ được trật tự giơ cho cả trăm chân thế vậy?
Con rết đáp, “Từ trước tới nay tớ bước đi rất dễ dàng; tớ chưa bao giờ thấy cần phải nhớ đến trật tự giơ chân, và từ trước tới nay tớ cũng chưa bao giờ nghĩ đến cách thức đó. Nhưng bây giờ khi cậu hỏi tớ, tớ sẽ nghĩ về nó và giải quyết vấn đề của cậu.”
Con thỏ ngồi đó nhìn. Con rết cố gắng đưa chân lên nhưng bị loạng choạng và ngã kềnh. Nó bây giờ gặp khó khăn. Với sự buồn bã từ trong tim nó nói với con thỏ, “Anh bạn ơi, logic của cậu làm cho tớ gặp khó khăn lớn rồi. Xin cậu cứ giữ lấy cái logic cho cậu đi, và đừng hỏi câu hỏi của cậu với bất kì con rết nào khác mà ngẫu nhiên đi qua cậu trên đường. Chúng tớ sống thoải mái và hạnh phúc. Chân tớ chưa bao giờ gây khó khăn cho chúng tớ - chúng chưa bao giờ đặt ra những câu hỏi như thế và chưa bao giờ tranh luận về nó. Chúng tớ chưa bao giờ nghĩ chân nào phải nâng lên trước hết rồi chân nào thứ hai. Chúng tớ không biết. Ngần này là chắc chắn: cho tới nay tớ vẫn có thể bước được. Chỉ từ bây giờ, vì cậu mà tớ thấy mình gặp khó khăn!”
Thế tiến thoái lưỡng nan của con người là ở chỗ con người luôn ở trong tình huống khó xử như tình huống của con rết. Con người không cần con thỏ phải đặt ra câu hỏi; con người tự đặt câu hỏi cho mình và tạo ra hoài nghi và làm mình lâm vào vướng víu. Con người tự hỏi mình những câu hỏi và đưa ra câu trả lời của riêng mình. Câu hỏi dứt khoát là sai, cho nên câu trả lời trở nên càng không đúng và lạc lối hơn. Mỗi câu trả lời làm nảy sinh thêm các câu hỏi mới. Câu hỏi và câu trả lời cứ thế nhân lên, một đống lộn xộn lớn được tạo ra, và con người trở nên ngày càng khó xử cho tới khi một khoảnh khắc tới, lúc con người phân vân đến mức không còn biết cái gì là cái gì nữa. Tất cả chúng ta đều trong trạng huống khó xử này.
Ai đó nói với Thánh Augustine, “Tôi thấy rất bối rối bởi một câu hỏi, và nếu ông làm ơn trả lời câu hỏi đó cho tôi, điều đó sẽ làm tâm trí tôi được thảnh thơi. Tôi nghe nói ông là người có học.”
Thánh Augustine nói, “Anh có thể đã nghe nói về điều đó, nhưng vì anh nói với ta cho nên ta gặp khó khăn.”
Người này nói, “Ông gặp khó khăn gì vậy? Khó khăn chỉ dành cho những người dốt nát như tôi thôi chứ.”
Thế rồi Thánh Augustine giải thích, “Ta đang gặp khó khăn vì lần đầu tiên ta nghe thấy nói rằng ta là người có học, bởi vì bây giờ ta đang cố gắng tìm ra xem tri thức này là ở đâu trong ta mà ta tìm không thấy nó. Trong sai lầm, trong dốt nát, ta đã tin vào điều đó lúc ban đầu. Nhưng bây giờ thật khó để cho ta tin như vậy. Nhưng thôi được, cho ta biết câu hỏi của anh. Anh đã tới từ nơi rất xa, cho nên hỏi câu hỏi của anh đi. Cho dù ta không có khả năng trả lời nó, ít nhất thì anh cũng được nhẹ bớt rằng câu hỏi đó đã được hỏi. Trong trường hợp ta có khả năng trả lời câu hỏi của anh, anh có cho rằng câu hỏi là được trả lời đúng bởi ai đó đưa ra câu trả lời không? Nhưng hỏi câu hỏi của anh đi.”
Người này hỏi, “Thời gian là gì?”
Thánh Augustine nói, “Anh đã hỏi một câu hỏi mà ta sợ anh có thể hỏi. Có một số câu hỏi nào đó mà chúng ta giả thiết chúng ta biết câu trả lời, nhưng khi chúng được hỏi ra, chúng ta bị mất hút vì câu trả lời. Ta dứt khoát biết thời gian là gì, nhưng khi anh hỏi câu hỏi này ta gặp khó khăn.”
Chừng nào ai đó còn chưa hỏi bạn câu hỏi này, bạn vẫn biết rất rõ thời gian là gì. Bạn đón tầu hoả đúng giờ, bạn đón xe buýt đúng giờ, bạn tới văn phòng đúng giờ và trở về nhà đúng giờ. Cho nên bạn biết rất rõ thời gian là gì. Nhưng ngay khi ai đó hỏi bạn câu hỏi đó, bạn lại trong khó xử như con rết. Bạn biết ngày tháng, bạn có đồng hồ, lịch đang treo tường, và vậy mà không ai có khả năng đưa ra câu trả lời đúng cho câu hỏi đó. Và các câu trả lời đã được đưa ra đều giống như việc dò dẫm trong bóng tối - không cái gì được thiết lập.
Nếu ai đó hỏi bạn, “Linh hồn là gì?” bạn không thể trả lời nổi, vì bạn vẫn không biết, cho dù nó đã cùng với bạn từ ngày bạn được sinh ra. Không chỉ có điều đó, những người biết đều nói nó đã có đó từ trước khi bạn được sinh ra. Không có khó khăn về nó cả chừng nào chưa ai hỏi về nó.
Nếu ai đó hỏi, “Tình yêu là gì?” thế thì cùng khó khăn ấy nảy sinh. Mọi người đều làm tình, và cho dù họ không làm tình, họ hành động dường như họ làm. Có biết bao chuyện tình đấy! Mọi câu chuyện đều là chuyện tình, và chúng là về tình yêu bởi vì con người vẫn còn chưa có khả năng làm tình thực sự cho nên người đó lừa dối tâm trí mình bằng việc viết ra chuyện về nó. Mọi bài thơ đều là thơ tình, và người không có tình yêu trong cuộc đời mình bắt đầu viết thơ tình. Viết thơ là rất dễ, làm tình là rất gay go. Thơ có thể được soạn theo các dòng vần điệu, nhưng tình yêu chỉ có thể được làm ra bằng việc xé bỏ mọi dòng. Thơ có cách đo và qui tắc của riêng nó, tình yêu hoàn toàn không có thước đo hay qui tắc. Thơ có thể được học và có thể được soạn. Nhưng không có cách nào, không thủ đoạn nào để học hay làm tình yêu. Chúng ta thường xuyên nói về tình yêu, và vậy mà nếu ai đó hỏi chúng ta, “Tình yêu là gì?” thế là chúng ta gặp khó xử liền.
G.E. Moore là một nhà tư tưởng vĩ đại, có lẽ là vĩ đại nhất trong thế kỉ này. Theo suy nghĩ logic của mình, ông ấy đã gây ấn tượng lớn nhất lên tâm trí con người trong năm mươi năm qua. Ông ấy đã viết một cuốn sách gọi là Principa Ethica - nguyên lí về đạo đức. Ông ấy đã rất đau đớn khi viết cuốn sách này, làm việc cần cù chỉ trên một câu hỏi: Tốt là gì? Và ông ấy đã lao động vất vả để chuẩn bị công trình bất hủ này mà tôi nghĩ rằng không người nào khác trong lịch sử loài người có thể đã làm việc vất vả đến thế về một cuốn sách. Nó đã được chuẩn bị sau nhiều năm lao động vất vả trong đó từng từ đều được cân nhắc và viết ra sau rất nhiều suy nghĩ. Nhà logic học của đại học Oxford này, nhà tư tưởng vĩ đại nhất này, trong kết luận cuối cùng của mình đã nói rằng tốt là không thể định nghĩa nổi. Đến cuối cùng, ông ấy nói rằng việc định nghĩa tốt cũng giống như định nghĩa mầu vàng.
Nếu ai đó hỏi tôi, “Mầu vàng là gì?” tôi sẽ nói gì? Tôi chỉ có thể nói, “Mầu vàng là mầu vàng.” Tôi có thể nói cái khác? Nhưng đây có phải là định nghĩa không? Mọi người đều biết rằng mầu vàng là mầu vàng. Bạn sẽ làm gì? Bạn có thể ngắt một đoá hoa vàng và đưa nó ra, nói rằng, “Đây là mầu vàng - đây là đoá hoa mầu vàng.” Nhưng Moore phản đối và nói, “Nó không phải là mầu vàng.” Nó cũng giống như một bức tường sơn vàng. Bức tường vàng không phải là mầu vàng. Có một mẩu vải vàng - nhưng nó là mẩu vải nhuộm vàng, nó không phải là mầu vàng. Một câu hỏi là, “Cái gì là tính vàng được thấy trong đoá hoa vàng, bức tường vàng hay mẩu vải vàng?” Bây giờ bạn sẽ nói gì? Bạn có thể nói, “Nó đây này, đừng lảm nhảm thêm nữa.” Moore cũng nói điều này. Sau khi tiến hành công trình vất vả đến thế về chủ đề này, ông ấy nói, “Nhiều nhất chúng ta có thể nói rằng đây là tính vàng.” Chúng ta có thể cho chỉ dẫn, hướng dẫn mà thôi; chúng ta không thể đưa ra định nghĩa của nó. Khi mà bạn không thể định nghĩa được mầu vàng, bạn có dám định nghĩa Thượng đế không? Nếu ai đó tới Moore và hỏi... nhưng cái ông Moore tội nghiệp này bây giờ không còn nữa! Nếu ông ấy còn sống, tôi nghĩ tôi tôi sẽ hỏi ông ấy - hay nếu tôi ngẫu nhiên gặp ông ấy trong một kiếp khác tôi sẽ hỏi ông ấy, “Thượng đế có thể được định nghĩa không khi ông thậm chí không có khả năng định nghĩa được mầu vàng là gì không?”
Ngay cả các sự kiện vô ý nghĩa nhất của cuộc sống cũng không thể được định nghĩa nổi; cho nên khi tôi nói cuộc sống là phi lí, tôi ngụ ý nó là không thể định nghĩa được. Bạn có thể sống cuộc sống, nhưng bạn không thể định nghĩa nó được, và nếu bạn còn cố gắng định nghĩa nó, bạn sẽ phạm phải cùng sai lầm mà hiền nhân của lời kinh này đã phạm phải. Ông ấy nói, “Cái hoàn hảo đến từ cái hoàn hảo và phần còn lại là hoàn hảo.”
Đây là một loại thách đố, kiểu như công án mà thiền sư Rinzai hay tạo ra. Những thầy này rất thích phát minh ra công án, vì có thể trao hướng dẫn qua chúng. Khi ai đó tới họ để tìm kiếm chân lí, họ sẽ nói, “Tìm cái đó về sau đi - ngay bây giờ ta có hơi chút khó khăn, và anh có muốn giải quyết vấn đề cho ta trước hết không.”
Người tìm kiếm sẽ hỏi, “Vấn đề của thầy là gì ạ?” Người đã tới trong việc tìm kiếm chân lí quên mất rằng, “Bản thân mình đã tới để tìm kiếm chân lí, làm sao mình có thể giải quyết vấn đề của người khác được?”
Khi Rinzai nói, “Hỏi câu hỏi của anh sau, giải quyết vấn đề của ta trước đi,” người này lập tức sẽ hỏi, “Vấn đề của thầy là gì ạ?”
Người tới là một học trò cố gắng thành thầy giáo. Người đó quên mất người đó đã tới để học. Người đó đáng phải nói, “Tôi đã tới để học từ thầy. Làm sao tôi có thể giải quyết vấn đề của thầy được? Bản thân tôi đang trong khó khăn.”
Nhưng Rinzai đã viết, “Ta đã giở thủ đoạn này với cả nghìn người mà lần nào người ta cũng nói, “Vấn đề của thầy là gì? Xin nói cho tôi.”
Rinzai đã tạo ra những vấn đề như thế mà không thể được giải. Trong sự kiện thực tế các vấn đề là ở mức chúng không thể được giải. Không vấn đề nào sẽ được giải quyết, bởi vì nó không phải là nhân tạo. Nó mang tính tồn tại, nó có đó trong sự tồn tại. Nếu nó là nhân tạo chúng ta có thể giải quyết được nó. Câu đố là nhân tạo cho nên chúng ta có thể giải chúng. Sách số học của trẻ con có câu hỏi bên trang này và câu trả lời bên trang kia. Không thủ đoạn nào như thế là có thể có trong cuộc sống. Chúng ta không thể lật trang cuộc sống để tìm câu trả lời cho một trong những vấn đề của cuộc sống. Không bản sao của cuộc sống bất kì ai có thể hữu dụng. Bạn sẽ bắt chước ai? Và bằng cách nào? Tuyệt đối không có cách nào lật trang cuộc sống và tìm ra câu trả lời cho vấn đề của bạn. Chỉ có vấn đề, không có câu trả lời nào cả.
Rinzai giữ một vấn đề đặc biệt sẵn sàng. Ông ấy hay nói, “Nghe đây, nếu anh giải quyết được vấn đề của ta, ta sẽ giải quyết vấn đề của anh.” Người hỏi cảm thấy hài lòng là đã có một người sẽ giải quyết vấn đề cho mình, với điều kiện là người đó giải quyết vấn đề của người kia trước. Rinzai sẽ nói, “Khó khăn của ta là ở chỗ ta để quả trứng ngỗng trong một cái bình. Một con ngỗng con phá vỡ vỏ trứng chui ra và bắt đầu lớn lên. Ta vẫn nuôi nó qua miệng bình. Bây giờ ta muốn lấy nó ra, nhưng nó đã lớn nhiều đến mức cổ bình thành quá hẹp với nó; mà ta không muốn đập vỡ bình vì nó rất giá trị. Bây giờ anh chỉ cho ta cách giải quyết. Con ngỗng bị mắc vào trong bình, cổ bình quá hẹp nó không chui ra được. Cho nên đừng nói, ‘Đem nó ra qua miệng bình.’ Chúng ta đã thử điều đó rồi. Nếu nó vẫn còn ở đó lâu thêm nữa nó chắc chết - và anh sẽ phải chịu trách nhiệm cho điều đó!”
Khi nghe thấy điều này, phần lớn người hỏi đều trở nên rất bồn chồn. Họ sẽ nói, “Điều này là không thể được. Thầy đang định bảo chúng tôi cái gì?” Nhưng trong biến cố này một người nói, “Tôi sẽ cố gắng, tôi đang nghĩ ra một lối thoát,” thế rồi Rinzai sẽ nói, “Sang ngay phòng bên và thiền về nó. Đừng mất nhiều thời gian, vì cuộc sống con ngỗng đang lâm nguy. Thiền nhanh lên và sâu vào vì con ngỗng có thể chết vào bất kì lúc nào.” Có một lối ra khác cho cái phòng bên đó, và khi Rinzai mở cánh cửa sau nửa giờ, ông ấy bao giờ cũng thấy rằng người hỏi đã chạy mất. Thế rồi Rinzai trở và bảo với bạn bè anh ta, “Cái bình rỗng, con ngỗng ở ngoài!”
Chỉ một lần ông ấy nhận được đáp lại từ một người, nhưng người đó không đến để hỏi điều gì từ Rinzai. Một sáng người đó tới và ngồi gần Rinzai. Rinzai nói, “Anh muốn hỏi ta điều gì không?”
Người này đáp, “Thầy muốn chỉ cho tôi điều gì chăng? Tôi không muốn hỏi bất kì điều gì. Nếu ai đó háo hức phô bầy điều gì đó, để cho người đó phô bầy điều đó!”
Rinzai sửng sốt bởi lời đáp và nghĩ, “Tay này thật nguy hiểm. Nó hoặc sẽ giết chết con ngỗng hoặc đập vỡ cái bình!” Nhưng bây giờ không có lối ra nào. Bởi vì điều này đã trở thành một thực hành khá lâu, Rinzai không thể đừng mà không hỏi người này về câu đố của mình. Ông ấy nói, “Không, ta không cái gì để phô bầy cả. Thực ra, bản thân ta đang trong khó khăn.” Người lạ yêu cầu Rinzai kể lại cho mình khó khăn của ông ấy. Thế là Rinzai kể cho anh ta. Khi ông ấy vừa kết thúc, người này đứng dậy, tóm cổ Rinzai. Rinzai phản đối, “Con ngỗng không ở bên trong ta, nó ở trong cái lọ ấy.”
Nhưng người này nói, “Ta đang đem con ngỗng ra đây,” và yêu cầu Rinzai nói, “Con ngỗng ở bên ngoài cái lọ!”
Rinzai nói, “Đúng, nó ở ngoài!”
Cuộc sống không phải là câu đố, và những người cố gắng làm cho nó thành câu đố đều lâm vào khó khăn. Cuộc sống không phải là vấn đề; những người làm nó thành vấn đề đều phải tìm kiếm câu trả lời của nó, và mọi câu trả lời chỉ làm cho họ phân vân nhiều hơn nữa. Cuộc sống là bí ẩn để mở - tuyệt đối để mở trước mắt bạn và tất cả quanh chúng ta. Nó không bị che giấu ở đâu cả, nó không bị khuất sau bất kì tấm rèm nào, và vậy mà nó là một bí ẩn.
Có khác biệt giữa bí ẩn và câu đố. Câu đố có nghĩa là cái không mở nhưng có thể được mở ra. Bí ẩn nghĩa là cái đã mở và vẫn còn không mở; cái mà, qua việc mở ra, vẫn còn sâu lắng đến mức mặc cho các cuộc hành trình vô số kiếp của bạn, bạn sẽ thấy rằng bao giờ cũng có cái gì đó còn lại để được biết. “Cái toàn thể đến từ cái toàn thể, và vậy mà cái toàn thể còn lại, và khi cái toàn thể bị hấp thu vào trong cái toàn thể, nó vẫn còn nhiều như nó trước đó.” Lời kinh này hướng dẫn vào sự kiện là người đồng ý với nó có thể đi vào bí ẩn này. Và người không đồng ý với nó, nói điều ấy là không thể được, sẽ vẫn còn bên ngoài cánh cửa. Người đó không thể đi vào được. Cuộc sống là bí ẩn; nó nằm ngoài logic và hợp lí.
Qui tắc của logic do trí tuệ con người lập ra. Chúng không được viết ở đâu trong tự nhiên. Tự nhiên không hỗ trợ cho các qui tắc logic. Chúng là nhân tạo và tạm thời, mặc dầu chúng ta quên mất rằng chúng là thế. Mọi qui tắc của chúng ta đều giống thế này, giống qui tắc của trò chơi. Chẳng hạn, trong trò chơi cờ vua, có quân đầu ngựa và quân cờ thấp và vân vân. Có các qui tắc qui định nước đi của chúng, và người chơi cờ chơi với sự nghiêm chỉnh lớn. Sự kiện là, người ta dường như không nghiêm chỉnh trong cuộc sống như họ nghiêm chỉnh khi chơi cờ. Nếu cãi cọ nảy sinh giữa những người chơi, có khi họ còn đánh lẫn nhau, kiếm lăm lăm trong tay. Quân cờ tất cả đều làm bằng gỗ, và vậy mà người chơi quên mất và hành xử như trẻ con. Thực tế thì không có quân đầu ngựa, quân cờ thấp, quân vua; toàn bộ trò chơi chỉ là giả vờ.
Mọi qui tắc của logic trong cuộc sống đều giống như qui tắc của cờ vua - chúng đều là giả. Không có qui tắc nào đã được cuộc sống hay tự nhiên trao cho. Tất cả đều là việc chúng ta bắt chúng ta phải theo. Các qui tắc của chúng ta giống như luật giao thông. Ở Ấn Độ mọi người đi bên trái, ở Mĩ người ta đi bên phải. Nếu bạn phá luật này hoặc ở Ấn Độ hoặc ở Mĩ, bạn sẽ bị đưa về đồn cảnh sát. Mọi người rất kì lạ. Nhưng một điều là chắc chắn: bạn phải lái xe hoặc bên trái hoặc bên phải, bằng không sẽ có hỗn độn trên đường. Và trong khi lái xe ở bên trái, dần dần chúng ta bắt đầu nghĩ rằng có một nguyên tắc nền tảng nào đó, tối thượng nào đó trong nó. Không có cái gì thuộc loại đó. Nó đơn thuần chỉ là sự thu xếp nhân tạo.
Mọi qui tắc logic của chúng ta đều là phương sách, cần cho việc điều chỉnh cuộc sống chúng ta; nhưng dần dần chúng ta trở nên bị mắc bẫy bởi chúng đến mức chúng ta cố gắng áp dụng chúng cho toàn thể bí ẩn của cuộc sống. Chúng ta cố gắng đảm bảo rằng cuộc sống của chúng ta tuân theo chúng. Một người trở nên lập dị khi người đó làm cho cuộc sống của mình phải tuân theo qui tắc của riêng mình. Đây là đặc trưng chính của người điên. Tôi gọi một người là lành mạnh khi người đó cư xử với bản thân mình theo điều bí ẩn của cuộc sống, và tôi gọi một người là điên khi người đó cố gắng ép buộc các qui tắc của riêng mình lên cuộc sống của mình. Đó là khi khó khăn đi vào cuộc sống người đó; và chúng ta đã chất đầy các qui tắc quanh các kiếp sống của mình.
Sẽ dễ dàng hiểu được lời kinh này nếu chúng ta hiểu một hoặc hai qui tắc của logic. Một trong những qui tắc cơ bản của logic là ở chỗ A là A và không thể là B. Như thế cũng được, tuyệt đối đúng, nhưng không có cái gì trong cuộc sống mà sẽ không đổi thành cái gì đó khác. Không có gì trong cuộc sống mà sẽ không đổi thành cái đối lập của nó. Mọi thứ trong cuộc sống đều là luồng, mọi thứ đều thay đổi. Đêm đổi thành ngày và ngày đổi thành đêm. Tuổi thơ đổi sang tuổi thanh niên và tuổi thanh niên đổi sang tuổi già. Sống đổi vào trong chết. Đôi khi chất độc đổi thành nước cam lồ. Tất cả thuốc đều là chất độc, nhưng chúng là nước cam lồ cho người ốm. Có tính luồng chảy trong cuộc sống, nhưng có tính cứng nhắc trong các qui tắc bởi vì chúng không sống.
Có biết bao nhiêu người ngồi trong phòng này. Giả sử tôi rời đi, quay trở lại sau một giờ, và tôi trông đợi bạn vẫn cứ ngồi tại cùng chỗ và trong cùng vị trí khi tôi rời đi; thế thì hoặc tôi là lập dị hoặc bạn là lập dị. Nếu tôi thấy bạn vẫn là bạn như lúc tôi rời đi, thế thì bạn hiện hữu! Chắc chắn phải có một thay đổi nào đó, bằng không xác chết phải đang ngồi đó. Người sống chắc chắn phải thay đổi vị trí và tư thế.
Một tình huống khó xử khá giống tình huống này đã có thời xuất hiện trong một thị trấn nào đó. Một nhà logic - và cũng khó mà nhớ được số những điều khó xử của nhà logic - đến một cửa hiệu cắt tóc vào sáng sớm để cắt tóc. Ông ấy cắt tóc xong. Tiền cắt tóc là năm mươi xu, và nhà logic đưa cho ông thợ cắt tóc một đồng ru pi. Không có tiền trả lại, ông thợ cắt tóc bảo khách hôm sau quay lại để lấy tiền thừa. “Làm sao mình có thể chắc chắn được rằng cho tới mai gã này sẽ không đổi lời hứa hay đổi nghề đây?” nhà logic nghĩ thầm.
Nói chung các nhà logic đều đòi hỏi bằng chứng. Ông ta biện luận với bản thân mình, “Thế nhỡ gã này đổi nghề vào ngày mai thì sao? Thế nhỡ gã đóng cửa hàng cắt tóc và mở cửa hàng kẹo thì sao? Người ta sẽ cười mình nếu mình nói gã này đã cắt tóc cho mình. Họ sẽ nói, ‘Nhưng ông ấy là người bán kẹo cơ mà!’ Cho nên ta phải nghĩ ra một thủ đoạn nào đó để cho gã không thể lừa được mình.”
Ông ta nghĩ rất lâu, thế rồi ông ta thấy một con trâu đang nằm đối diện với cửa hàng cắt tóc. Ông ta nghĩ, “Điều này thật hoàn hảo! Rất khó để mà di chuyển được con trâu. Nó là con vật bình thản và điềm tĩnh - giống hệt các qui tắc của logic. Nó nằm kiên quyết trên đường, phớt lờ mọi qui tắc giao thông. Ông thợ cắt tóc không bao giờ có thể thuyết phục được nó di chuyển. Làm sao ông thợ cắt tóc có thể thuyết phục được nó khi mà ngay cả nhà logic còn không làm được nữa là?”
Ông ta về nhà sau khi đã thiết lập chắc chắn rằng con trâu vẫn nằm đối diện với cửa hàng cắt tóc này. Hôm sau ông ta trở và thấy con trâu vẫn nằm đó. Nhìn sang phía đối diện, ông ta thấy rằng mối phiền luỵ mà ông nghi ngờ đã diễn ra. Phía đối lập con trâu là cửa hàng kẹo. Ông ta chạy vào, tóm cổ người bán kẹo và nói, “Ta đã nghi ngờ điều này từ hôm qua rồi, cho nên ta đã nghĩ ra một kế hoạch để làm thất bại cái mẹo vặt của mi. Thế này thì quá lắm! Mi đã thay đổi cả nghề nghiệp của mình chỉ để giữ lấy vài đồng xu!” Nhà logic tội nghiệp không biết rằng con trâu không tuân theo qui tắc của logic. Nó không phải là con vật cố định, đứng im; trong đêm nó đã di chuyển và nằm đối diện với cửa hàng của người bán kẹo.
Các qui tắc của logic là phi cuộc sống. Cuộc sống là luồng sống động, luồng chảy. Những người coi các qui tắc của logic là có giá trị và cố gắng sống tương ứng theo chúng đều kết thúc với việc giữ những thứ chết trong tay họ, nhưng những người thoát khỏi mạng lưới logic và nhảy vào trong cuộc sống có khả năng biết tới điều bí ẩn của cuộc sống. Đó là lí do tại sao lời kinh này nói tới việc phá vỡ mọi mạng lưới logic. Tôi đang nói cho bạn về điều hướng dẫn, điều chỉ dẫn bên trong lời kinh này, không phải về câu chữ thực tại của nó. Tôi đã giải thích nghĩa của nó cho bạn vào ngày đầu tiên. Đây là nghĩa bên trong của nó. Phá vỡ mọi qui tắc của logic đi, bởi vì nếu bạn tuân theo chúng sẽ khó khăn cho bạn đi vào cuộc sống.
Plato là một nhà logic rất vĩ đại sống ở Hi lạp hai nghìn năm trăm năm trước. Ông ấy đáng được gọi là là cha đẻ của logic.
Ông ấy đã có một hàn lâm viện rất nổi tiếng tại đó ông ấy dạy logic cho sinh viên. Một nhà huyền môn lang thang tên là Diogenes có lần tới hàn lâm viện này. Ông ấy là một nhà huyền môn tinh quái và vui đùa; có rất ít người giống ông ấy. Giống như Mahavira, ông ấy thậm chí đã vứt bỏ quần áo của mình. Khi ông ấy tới Plato đang dạy trong lớp, giải thích các nguyên lí của logic. Plato được biết tới trong nước chúng ta như Afalatoon. Do đó, nếu một ai đó làm phiền nhiễu mọi người với những biện luận và qui tắc logic, người đó bị chế nhạo bởi cái tên Afalatoon. Plato là một nhà logic lừng dang đến mức nếu ai đó bắt đầu tranh luận một cách logic, cho dù trong một làng nhỏ, mọi người đều sẽ nói, “Ông ta là một Afalatoon lớn,” cho dù người ta không biết Afalatoon là ai.
Diogenes đã tới hàn lâm viện nơi Plato đang dạy học. Vào khoảnh khắc đó một sinh viên đứng dậy và yêu cầu Plato định nghĩa về con người. Plato nói, “Con người là một con vật hai chân không có lông vũ.” Đứng sau người thầy, Diogenes lắng nghe, và ông ấy cười to khi nghe thấy định nghĩa này. Plato nhìn quanh, rồi hỏi ông ta, “Sao ông cười?”
Ông ấy đáp, “Tôi đang định đi tìm câu trả lời cho định nghĩa này.” Ông ấy đi ra ngoài, bắt lấy một con gà, con gà trống, nhổ hết lông. Ông ấy đem con gà trống vào lớp và nói, “Đây là định nghĩa của ông về con người. Nó không có lông vũ, và có hai chân.” Thế rồi ông ấy yêu cầu Plato đưa ra một định nghĩa khác, “Và khi ông nêu ra định nghĩa, xin cho tôi biết, và tôi sẽ đem cho ông câu trả lời khác!”
Tương truyền rằng Plato không bao giờ đưa ra định nghĩa khác. Ông ta biết Diogenes là một tay chuyên gây rối. Bản thân ông ta đã từng thấy cách thức ông này vặt lông con gà rồi đem nó vào cho ông, và ông ta nghĩ, “Ai mà biết tay này sẽ làm cái gì tiếp nữa đây?” Diogenes đến hàn lâm viện nhiều lần để tìm xem liệu Plato có đưa ra định nghĩa nào khác không. Cuối cùng Plato trở nên bồn chồn và nói, “Này ông bạn, xin lỗi ông, tôi đã phạm phải sai lầm trong việc định nghĩa con người theo cách này. Ông còn định quấy rối tôi bao lâu nữa?”
Diogenes đáp, “Tôi muốn nghe ông thú nhận về sai lầm của ông. Tại sao nói về con người? Ngay cả một mẩu đá cũng không thể được định nghĩa. Cuộc sống là không định nghĩa được, không định nghĩa nào là có thể có cho bất kì cái gì. Tôi muốn ông thú nhận sai lầm của ông. Bây giờ tôi sẽ đi. Tôi cũng phát chán về cách định nghĩa của ông.”
Các qui tắc của logic là cố định, trong khi cuộc sống tuôn chảy. Con sóng này đổi thành con sóng khác. Trong khi bạn đang định nghĩa thứ này, cái gì đó khác đang xảy ra cho nó trong cùng lúc. Trước khi bạn kết thúc coi một người là giận dữ, người đó đã bắt đầu yêu cầu bạn tha thứ. Thế thì bạn sẽ làm gì? Sự kiện là ở chỗ cơn giận dữ rất có thể đã biến mất trước khi bạn kết thúc việc nói rằng người này đang giận dữ - cái gì kéo dài mãi trong cuộc sống này? - cho nên định nghĩa của bạn sẽ không đúng.
Các định nghĩa bao giờ cũng là về quá khứ, trong khi cuộc sống bao giờ cũng là hiện tại. Cuộc sống là thay đổi thường xuyên, mọi thứ đều đang thay đổi từng khoảnh khắc, nhưng các định nghĩa vẫn còn cố định, vẫn còn như đã thiết lập. Không có trưởng thành, không có thay đổi trong chúng. Chúng giống như ảnh chụp của chúng ta vậy. Giả sử ai đó chụp ảnh tôi; bây giờ nó sẽ vẫn còn lại cố định và tĩnh tại, trong khi tôi đang trở nên già hơn vào mọi khoảnh khắc. Cuộc sống giống như một người đang sống; các định nghĩa là cứng nhắc và không sống. Lời kinh này nói không có tính hợp lí, không có logic về cuộc sống. Cuộc sống là bí ẩn.
Có một nhà huyền môn Ki tô giáo tên là Tertullian. Ai đó hỏi ông ấy, “Tại sao ông tin vào Thượng đế? Cái gì là lí do cho niềm tin của ông?”
Ông ấy nói, “Ông muốn biết lí do sao? Khi tôi nhìn vào cuộc sống, tôi thấy rằng không có lí do nào cho bất kì cái gì. Thế rồi tôi nghĩ, ‘Bây giờ chẳng hại gì trong việc tin vào Thượng đế. Khi mà toàn thể cuộc sống bản thân nó là không có lí do gì, Thượng đế cũng có thể được tin mà không có lí do gì.’ Và nếu ông không tin vào Thượng đế vậy mà vẫn hỏi tôi câu hỏi ấy, tôi sẽ bảo ông, tôi tin vào Thượng đế bởi vì ngài là ngớ ngẩn toàn bộ” - ông ấy dùng từ ngớ ngẩn... tôi nghĩ nó là từ đúng - “bởi vì tôi đã xem xét mọi qui tắc, đã phân tích chúng, và thấy chúng không đúng. Tôi đã kiểm nghiệm mọi lập luận logic và thấy nó sai. Mọi định nghĩa tôi đã kiểm thử đều bị chứng tỏ là sai. Bất kì điều gì tôi xem xét đúng về mặt trí tuệ, tới cùng lại bị chứng tỏ là sai. Bây giờ tôi đã bỏ sự trợ giúp của trí tuệ và lập luận và trở thành người vô lập luận. Tôi tin vào Thượng đế.”
Đây là ý nghĩa đúng đắn của tin cậy.
Nó có nghĩa là nhảy vào trong cái không biết. Lời kinh này giải thích tin cậy là gì. Lời kinh này là về tin cậy. Khi gạt sang bên mọi qui tắc, mọi định nghĩa và mọi tính toán, việc nhảy vào trong cái không đo được chính là nghĩa của tin cậy. Bỏ lập luận để nhảy vào trong cái vô lập luận.
Bạn nên nhớ rằng các triết gia là những người cố gắng tìm kiếm chân lí của cuộc sống với sự giúp đỡ của trí tuệ. Cho đến giờ họ vẫn không có khả năng phát hiện ra được cái gì. Họ đã viết hàng nghìn cuốn sách, nhưng sách của họ đơn thuần chỉ là trò chơi chữ. Họ là người thành thạo trong diễn giải lời nói và họ trải rộng tấm lưới lời nói của mình một cách ranh mãnh và rộng đến mức khó mà tìm được lối ra. Nhưng họ không biết gì cả, không biết chút nào. Những người biết tới chân lí của cuộc sống là các nhà huyền môn và các hiền nhân. Đây là những người, thay vì thực hành tung hứng lời, chìm vào trong sự tồn tại.
Tại sao chúng ta phải cố gắng học trong sách vở sông Hằng là gì? Khi sông Hằng đang chảy, tại sao chúng ta không chìm mình vào trong nó để biết nó là cái gì? Có thể người ta đã viết trong sách vở, trong thư viện, sông Hằng là gì, nhưng chúng ta có nên viện tới sách vở để biết nó là gì không? Tại sao chúng ta không nên biết nó bằng cách thực tế đi vào nó? Có hai cách để biết. Nếu tôi muốn biết về tình yêu, tôi có thể tới thư viện và đọc sách về nó và học tất cả về nó. Cách khác là với tôi rơi một cách cá nhân vào trong nó thật sâu sắc. Cách thứ nhất dứt khoát dễ dàng hơn, cho nên người yếu đuối viện tới con đường đó; ngay cả trẻ con cũng có thể đọc về nó. Nhưng thực sự biết yêu là trải qua thử lửa lớn, qua ăn năn lớn, qua thử thách lớn bằng lửa.
Biết yêu và biết về yêu là hai điều khác nhau. Không có mối liên hệ gì giữa chúng. Tương tự, biết chân lí và biết về nó là hai điều khác nhau. Bất kì cái gì được biết về chân lí tất cả đều là tri thức vay mượn, nó tất cả đều là cũ rích. Người muốn biết chân lí sẽ phải nhảy ra khỏi trí tuệ của mình.
Một người bạn tới gặp tôi hai hôm trước đây. Người đó nói, “Tôi nghi ngờ tất cả những gì tôi nghe thấy. Tôi nghi ngờ ngay cả điều thầy nói, và con sẽ tiếp tục nghi ngờ điều thầy sẽ nói. Nhưng tôi có vài câu hỏi, xin thầy trả lời chúng.”
Tôi bảo anh ta, “Bạn sẽ làm gì với câu trả lời bạn nhận được từ tôi? Tại sao bạn muốn gây rắc rối vô dụng cho tôi khi bạn không được chuẩn bị để di chuyển dù chỉ chút xíu từ lập trường hoài nghi của bạn? Bạn nên sống trong hoài nghi của mình. Tại sao bạn đã đến để hỏi tôi? Đừng hỏi bất kì ai nếu bạn quyết tâm hoài nghi, bởi vì bất kì cái gì người đó nói đều sẽ là tri thức của người đó, nó không thể là của bạn được, và bạn sẽ hoài nghi nó. Sự tồn tại trải rộng mọi bề - hoa nở, chim chóc nhảy múa, mây dời trên trời, mặt trời lên, cuộc sống rộn ràng bên trong bạn. Sự tồn tại có việc mở rộng vô tận! Nhảy vào trong nó đi, biết từ đó! Hỏi người khác là vô tích sự - đằng nào bạn cũng sẽ hoài nghi. Nhưng tôi muốn hỏi bạn một điều: Khi nào thì cái ngày đó tới, cái ngày mà bạn hoài nghi về sự hoài nghi của bạn?”
Khi một người quyết tâm hoài nghi, người đó nên hoài nghi bản thân sự hoài nghi; theo cách đó người đó có thể đạt tới cái gì đó qua hoài nghi của mình. Từ trước tới giờ việc hoài nghi của bạn đã đạt được cái gì? Nếu không, đấy là bởi vì bạn đã không hoài nghi về bản thân hoài nghi. Bạn đã không hoài nghi một cách toàn bộ. Nhớ trong tâm trí, tin cậy tới từ hai nguồn. Hoặc không có hoài nghi nào hết cả và lấy cú nhảy, hoặc làm cho việc hoài nghi của bạn thành sâu sắc đến độ bạn hoài nghi bản thân sự hoài nghi. Vậy hoài nghi của bạn sẽ huỷ bỏ việc hoài nghi thêm nữa và bạn sẽ thành trống rỗng hoài nghi, và thoát ra khỏi ảnh hưởng của trí tuệ. Không phải là trí tuệ bạn tạo ra hoài nghi; trí tuệ bạn là hoài nghi của bạn.
Sau khi hiểu lời kinh này, những người hồn nhiên và trung thực không nên hoài nghi về nó; còn những người tinh tế và phức tạp về bản chất thì nên hoài nghi nó một cách toàn bộ. Tin cậy sẽ được sinh ra từ cả hai điều kiện này và bạn sẽ có khả năng thực hiện cú nhảy.
Những người biết tin cậy là gì sẽ hiểu thấu ý nghĩa của lời kinh này, và những người có tin cậy ở trong lập luận sẽ không có khả năng hiểu thấu nghĩa của nó, bởi vì lập luận không có chỗ trong nó. Logic sẽ không đồng ý với phát biểu rằng cái hoàn hảo đi ra từ cái hoàn hảo, và cái còn lại cũng là hoàn hảo. Nhưng tin cậy sẽ đồng ý với nó, bởi vì điều đó là rất hồn nhiên và trung thực. Đó là tin cậy - niềm tin - trong sự tồn tại. Nó nói, “Không lẽ mình không có niềm tin nào đó vào sự tồn tại này, cái đã cho mình năng lực suy nghĩ, cái cho mình tình yêu, cái cho mình trái tim sao? Không lẽ mình không thể trao một chút ít tin cậy bạn bè cho sự tồn tại này, cái đã cho mình cuộc sống, nhận biết và tâm thức sao? Nếu mình không thể làm được, đấy thực sự là vô ơn lắm.” Lời kinh này đòi hỏi sự tin cậy và đức tin từ chúng ta. Nó hướng dẫn rằng duy nhất tin cậy sẽ mở ra cánh cửa cuộc sống, một mình tin cậy sẽ giúp bạn đạt tới đỉnh của cuộc sống. Đây là nghĩa giấu kín của nó.
Cuối cùng bạn nên hiểu đầy đủ điều nó đang nói về cái toàn thể, tại cuối cũng như tại đầu. Mọi thứ trong cuộc sống đều dường như không hoàn hảo. Có thể Ishavasya nên nói về cái không hoàn hảo, bởi vì thế thì nó sẽ nói về các sự kiện. Không cá nhân nào dường như hoàn hảo, không tình yêu nào dường như hoàn hảo; không quyền năng nào không hình dạng nào dường như hoàn hảo. Mọi thứ trong cuộc sống đều không hoàn hảo. Thế thì tại sao hiền nhân này của Ishavasya nghĩ về bắt đầu và kết thúc trong thảo luận của ông ấy về cái toàn thể? Những người tin vào chủ nghĩa hiện thực sẽ lên án điều này là phi hiện thực. Họ sẽ chỉ trích nó như sự giả vờ đồng bóng của những tay mơ. Bất kì cái gì toàn thể hay hoàn hảo trong thế giới này ở đâu? Điều lời kinh này chỉ dẫn là sự kiện rằng bất kì chỗ nào cái không hoàn hảo được bạn thấy, đấy là do cái không hoàn hảo của năng lực của bạn để thấy, bởi vì bằng không, không có sự không hoàn hảo ở bất kì đâu cả. Thực tại cái không hoàn hảo nằm ở cách nhìn của chúng ta.
Hoàn cảnh của chúng ta giống như một người nhìn lên trời từ cửa sổ nhà mình. Tất cả chúng ta đều làm điều đó. Một cách tự nhiên người đó sẽ thấy bầu trời bị cắt theo hình cửa sổ. Đường biên của cửa sổ cũng sẽ là đường biên của bầu trời. Liệu có phải là sai lầm không nếu một người, chưa bao giờ thấy bầu trời rộng mở từ bên ngoài toà nhà mình, nói rằng bầu trời là hình chữ nhật? Không, không có sai lầm gì cả, bởi vì bầu trời bao giờ trông cũng như thế nếu được nhìn từ cửa sổ. Sẽ khó khăn cho người như thế để quan niệm rằng không có cái khung như thế trên bầu trời.
Cái khung này là cửa sổ của riêng bạn, không có khung nào quanh bầu trời. Nó được bạn dựng lên. Bầu trời tuyệt đối không có khung và không có dạng. Nhưng không ở đâu nó dường như vô dạng cả, ngay cả khi chúng ta đi ra ngoài nhà. Cái khung trở thành lớn hơn một chút, nó giả định có dạng trái đất. Bầu trời dường như bao quanh toàn bộ quả đất, giống như mái vòm - vòm của các ngôi đền cũng được xây dựng theo mô hình này. Ngay cả giữa ngoài trời bạn vẫn đang đứng bên trong cửa sổ - trái đất là cửa sổ - cho nên nó không tạo ra khác biệt gì. Tiến xa thêm nữa, đi vòng quanh cả trái đất. Bạn sẽ thấy rằng bầu trời không chạm vào đất ở đâu cả: không có đường chân trời, nó là giả như khung cửa sổ bao quanh bầu trời vậy. Nhưng ngay cả khi bạn bay trong một con tầu không gian bạn sẽ thấy bầu trời theo một quan điểm đặc biệt, và điều đó sẽ dường như là biên giới của nó. Dù nó mở rộng đến mức nào cũng không thành vấn đề, nó vẫn là biên giới của nó.
Thế thì chúng ta có thể đi đâu nơi chúng ta sẽ có khả năng thấy được cái vô dạng? Các hiền nhân của Upanishad nói, “Chỉ có một chỗ, và đó là bên trong ông, nơi không có cửa sổ chút nào.” Gạt sang bên việc dùng các giác quan bởi vì chúng tạo ra các khung. Các giác quan của chúng ta là những cửa sổ. Nếu chúng ta nhìn bất kì đâu với sự giúp đỡ của các cửa sổ này, hình dạng sẽ được tạo ra. Nhắm mắt lại và đi vào bên trong; không có mắt, không có tai, không có tay và chân, không có thân thể, và chìm ngày càng sâu hơn vào bên trong nơi mọi thứ đều vô dạng. Tại đó bạn sẽ kinh nghiệm cái toàn thể.
Sau khi đã kinh nghiệm cái toàn thể bên trong, hiền nhân này đã khẳng định rằng nó là như vậy, và rằng người đã biết đến cái toàn thể bao giờ cũng sẽ thấy cái toàn thể, dù người đó đi đâu cũng không thành vấn đề, dù người đó có nhìn qua cửa sổ nào cũng không thành vấn đề. Cho dù người đó nhìn lên bầu trời khi đứng sau một khung cửa sổ rất nhỏ, người đó vẫn biết rõ rằng cái khung đó là cái khung cửa sổ của mình và không phải là của bầu trời. Bất kì ai đã có lần thấy cái toàn thể bên trong cũng đều sẽ bắt đầu thấy nó ở mọi nơi. Người đó có thể bị bao bọc quanh mình bởi bất kì cửa sổ nào, người đó có thể bị nhốt trong bao nhiêu nhà tù, vậy mà người đó biết rằng các nhà tù đó bị áp đặt bên ngoài; cái vô dạng vẫn ngồi tĩnh lặng bên trong.
Do đó hiền nhân này bắt đầu và kết thúc bài nói của mình bằng cái toàn thể. Sẽ không có hài hoà, không đồng điệu giữa lời kinh này và bản thân chúng ta nếu chúng ta đứng quay lưng lại nó. Chúng ta và hiền nhân của Upanishad đang đứng quay lưng nhau. Chúng ta nghe thấy lời của ông ấy, nhớ chúng vào kí ức, lặp lại chúng mọi sáng; nhưng nếu chỉ lưng chúng ta chạm tới, thế thì nghĩa mà chúng ta nhận được từ chúng trở thành vô dụng.
Điều cuối cùng tôi muốn nói với các bạn là ở chỗ cái toàn thể này là chân lí duy nhất. Nó ở mọi phía; mọi thứ đều là cái toàn thể. Không có vấn đề chút nào về cái không hoàn hảo. Làm sao có thể có cái không hoàn hảo? Ai sẽ tạo ra nó? Một mình Thượng đế hiện hữu; không có ai khác có thể làm ra cái không hoàn hảo. Một mình Thượng đế hiện hữu, cho nên ai sẽ vẽ ra biên giới? Biên giới bao giờ cũng được tạo nên bởi sự hiện diện của cái khác. Nếu bạn nghĩ biên giới của nhà bạn được làm bằng nhà bạn, thế thì bạn sai lầm. Nó được làm bằng nhà của hàng xóm đấy. Nó không được làm bằng nhà của bạn theo ý riêng của nó đâu, nó bao giờ cũng được làm bằng sự hiện diện của nhà khác.
Thượng đế bao giờ cũng một mình, sự tồn tại bao giờ cũng là một, luồng chảy của sự tồn tại bao giờ cũng là một. Không có cái khác chút nào. Ai sẽ làm ra biên giới? Ai sẽ làm ra cái không hoàn hảo? Không, điều đó là không thể được; sự tồn tại là vô giới hạn, sự tồn tại là tuyệt đối. Nhưng chúng ta sẽ chỉ biết nó khi chúng ta có khả năng bắt được thoáng nhìn về nó ở bên trong.
Người đã nếm dù chỉ một giọt của đại dương bên trong là có khả năng biết đến cái bí ẩn của đại dương vô biên. Cái toàn thể đến từ cái toàn thể, và cũng bị hấp thu vào trong cái toàn thể; và ở giữa cái không hoàn hảo đến, cái được tạo ra bởi khuôn khổ của trí tuệ chúng ta, bởi giác quan chúng ta. Từ bỏ các khuôn khổ này, đi chút ít ra ngoài chúng đi. Thế thì bạn sẽ được thiết lập trong cái toàn thể, và người đã được thiết lập như vậy trong cái toàn thể sẽ có khả năng hiểu được nghĩa ẩn kín của Ishavasya.
Bây giờ, ở chỗ cuối, chúng ta bắt đầu cuộc hành trình của chúng ta vào bên trong. Vì đây là ngày cuối cùng, tôi muốn nói với các bạn hai hay ba điều. Thứ nhất, trong thực nghiệm sáu ngày này tôi đã đưa các bạn tới điểm mà bây giờ tôi yêu cầu bạn bổ sung thêm một việc nhỏ vào nó. Sẽ có bùng nổ lớn nếu điều đó được thêm vào, cho nên được chuẩn bị về nó đi.
Khi bạn nhìn vào tôi, nhìn chăm chú cố định, đừng nháy mắt, và đồng thời, với từng hơi thở ra làm ra âm thanh Hu, Hu! Âm thanh này của Hu, Hu sẽ đập mạnh vào kundalini đang ngủ của bạn. Người Sufi đã nghiên cứu sâu vào trong âm thanh Allah Hu! Họ bắt đầu với âm Allah Hu, rồi dần dần từ Allah bị bỏ đi và chỉ còn lại Hu. Hô âm Hu thật mạnh, và khi bạn làm như vậy, rốn bạn sẽ co lại. Để cho Hu của bạn đập mạnh vào phía dưới rốn. Điều này sẽ làm cho rốn bạn co lại hoàn toàn và đập vào kundalini. Đấy là chỗ kundalini đang ở. Nó sẽ bị đập mạnh vào.
Chín mươi phần trăm trong chúng ta bây giờ đang trong điều kiện khi âm Hu đập vào mạnh đến mức năng lượng bên trong sẽ bắt đầu dâng lên giống như ngọn lửa. Khi nó dâng lên tôi sẽ đưa ra một dấu hiệu bằng tay với bạn. Rồi hãy phát rồ lên! Khi tôi nâng tay đưa lên bạn sẽ kinh nghiệm năng lượng bên trong dâng lên - dâng lên như ngọn lửa. Bạn sẽ cảm thấy rằng tất cả sinh lực của bạn đang dâng lên; bạn sẽ cảm thấy siêu việt. Thế rồi bắt đầu hò hét to, nhảy, múa, với tất cả khả năng của bạn.
Kết thúc quyển “Nhịp đập của tuyệt đối” - Quay về Mục lục

0 Đánh giá

Ads Belove Post