Read more
Osho - Cân bằng thân tâm
Chương 3. Bóng ma của "phải"
Toàn thể việc giáo dục của chúng ta – trong gia đình, trong xã hội, trong trường học, trong trường cao đẳng, trong đại học – đều tạo ra căng thẳng trong chúng ta. Và căng thẳng nền tảng là ở chỗ bạn không làm điều bạn “phải” làm.
Thế thì nó cứ dai dẳng cả đời bạn; nó theo bạn như cơn ác mộng, nó cứ ám ảnh bạn. Nó sẽ không bao giờ để cho bạn nghỉ ngơi, nó sẽ không bao giờ cho phép bạn thảnh thơi. Nếu bạn thảnh thơi, nó sẽ nói, “Mình đang làm gì vậy? Mình không được thảnh thơi thế; mình phải làm điều gì đó chứ.” Nếu bạn đang làm điều gì đó nó sẽ nói, “Mình đang làm gì vậy? Mình cần nghỉ chứ, đấy là điều phải làm, bằng không mình sẽ tự làm cho mình phát rồ – mình đã bên bờ vực rồi.”
Nếu bạn làm điều gì đó tốt, nó sẽ nói, “Mình là đứa ngốc. Làm điều tốt chẳng được trả tiền, mọi người sẽ lừa mình.” Nếu bạn làm điều gì đó xấu nó sẽ nói, “Mình đang làm cái gì vậy? Mình đang dọn đường xuống địa ngục, mình sẽ phải khổ vì nó.” Nó sẽ chẳng bao giờ để cho bạn nghỉ ngơi; bất kì điều gì bạn làm, nó sẽ có đó kết án bạn.
Kẻ kết án này đã được cấy vào trong bạn. Đây là thảm hoạ lớn nhất đã xảy ra cho nhân loại. Và chừng nào chúng ta còn chưa gạt bỏ được kẻ kết án này bên trong mình, chúng ta không thể là con người thực sự được, chúng ta không thể vui sướng thực sự được và chúng ta không thể tham gia vào việc mở hội mà sự tồn tại đang là vậy.
Và bây giờ không ai có thể vứt bỏ nó được ngoại trừ bạn. Và điều này không chỉ là vấn đề của bạn, đây là vấn đề của hầu hết mọi con người. Dù bạn được sinh ra ở bất kì nước nào, dù bạn thuộc về bất kì tôn giáo nào, điều đó không thành vấn đề – Cơ đốc giáo, cộng sản, Hindu giáo, Mô ha mét giáo, Jaina giáo, Phật giáo, không thành vấn đề bạn thuộc về loại ý thức hệ nào, điều bản chất vẫn là một. Điều bản chất là tạo ra sự chia chẻ trong bạn, để cho phần này bao giờ cũng kết án phần kia. Nếu bạn theo phần thứ nhất thế thì phần thứ hai bắt đầu kết án bạn. Bạn trong xung đột bên trong liên tục, cuộc nội chiến.
Cuộc nội chiến này phải bị vứt bỏ, bằng không bạn sẽ bỏ lỡ toàn thể cái đẹp, phúc lành của cuộc sống. Bạn sẽ không bao giờ có khả năng cười với sự mãn nguyện của trái tim mình, bạn sẽ không bao giờ có khả năng yêu, bạn sẽ không bao giờ có khả năng toàn bộ trong bất kì cái gì. Và chính chỉ từ tính toàn bộ mà người ta mới nở hoa, mà mùa xuân mới tới, và cuộc sống của bạn bắt đầu có mầu sắc và âm nhạc và thơ ca.
Chính chỉ từ tính toàn bộ mà bỗng nhiên bạn mới cảm thấy sự hiện diện của Thượng đế ở khắp xung quanh bạn. Nhưng điều nực cười là sự chia chẻ đã được tạo ra bởi cái gọi là các thánh nhân của bạn, các tu sĩ và nhà thờ. Thực tế tu sĩ đã là kẻ thù lớn nhất của Thượng đế trên trái đất.
Chúng ta phải gạt bỏ tất cả các tu sĩ; họ là căn nguyên gốc rễ của bệnh hoạn con người. Họ đã làm mọi người ốm yếu dễ dàng, họ đã gây ra bệnh dịch thần kinh. Và chứng thần kinh đã trở thành lan tràn tới mức chúng ta coi nó như đương nhiên. Chúng ta cho rằng cuộc sống là mọi điều như vậy, chúng ta cho đây là chính cuộc sống – chịu đựng, lâu dài, đau khổ lần lữa, lâu dài, sự tồn tại đau đớn, phiền não; một tự truyện của nhiều khó nhọc chẳng về cái gì cả.
Và nếu chúng ta nhìn vào cái gọi là cuộc sống của mình, nó dường như vậy, bởi vì không bao giờ có hoa, không bao giờ có bài ca trong trái tim, không bao giờ có tia vui thích thiêng liêng.
Điều không gì ngạc nhiên là những người thông minh trên khắp thế giới đều hỏi ý nghĩa cuộc sống là gì. “Sao chúng ta cứ phải sống? Sao chúng ta hèn nhát thế khi cứ sống? Sao chúng ta không thể thu lấy chút ít dũng cảm và đặt dấu chấm hết cho tất cả điều vô nghĩa này? Sao chúng ta không thể tự tử?”
Trước đây trên thế giới chưa bao giờ có nhiều người cho rằng cuộc sống là hoàn toàn vô nghĩa lí. Sao điều này xảy ra trong thời đại này? Điều đó chẳng liên quan gì tới thời đại này cả. Hàng thế kỉ, trong ít nhất năm nghìn năm, các tu sĩ đã gây ra mối hại này. Bây giờ nó đã đạt tới đỉnh tối thượng.
Đấy không phải là việc của chúng ta, chúng ta là nạn nhân. Chúng ta là nạn nhân của lịch sử. Nếu con người trở nên ý thức thêm chút ít, điều đầu tiên cần làm là đốt tất cả các sách sử. Quên quá khứ đi, nó là như cơn ác mộng. Bắt đầu mới lại từ ABC, cứ dường như Adam lại được sinh ra lần nữa. Bắt đầu dường như chúng ta lại trong vườn Địa đàng, hồn nhiên, không tì vết…
Một người đi tìm nhà thờ tốt để tham dự và tìm thấy một nhà thờ nhỏ trong đó giáo đoàn đang đọc cùng mục sư. Họ nói, “Chúng tôi đã bỏ không làm những điều chúng tôi đáng phải làm và chúng tôi đã làm những điều chúng tôi đáng không nên làm.”
Người này ghé vào một chỗ ngồi và thở dài nhẹ nhõm khi anh ta tự nói với mình, “Ơn Chúa, cuối cùng thì mình cũng đã tìm ra đám đông của mình.”
Làm điều bản tính bạn muốn làm, làm điều phẩm chất cố hữu bên trong bạn khao khát làm. Đừng nghe theo kinh sách, nghe trái tim riêng của bạn; đó mới là kinh sách tôi qui định. Vâng, lắng nghe rất chăm chú, rất ý thức, và bạn sẽ chẳng bao giờ sai. Và lắng nghe trái tim riêng của mình, bạn sẽ không bao giờ bị phân chia. Lắng nghe trái tim riêng của mình, bạn sẽ bắt đầu đi theo đúng hướng, không nghĩ cái gì là đúng và cái gì là sai.
Cho nên toàn thể nghệ thuật cho nhân loại mới sẽ bao gồm trong chỗ bí mật của việc lắng nghe trái tim một cách có ý thức, tỉnh táo, chăm chú. Và theo nó qua đủ mọi cách, và đi tới bất kì chỗ nào nó đưa bạn tới. Vâng, đôi khi nó sẽ đưa bạn đi vào trong nguy hiểm – nhưng thế thì nhớ, những nguy hiểm đó là cần thiết để làm cho bạn chín muồi. Và đôi khi nó sẽ đưa bạn đi lạc lối – nhưng cũng lại nhớ, những việc đi lạc lối đó là một phần của trưởng thành. Nhiều lần bạn sẽ ngã. Đứng dậy, bởi vì đây là cách người ta thu lấy sức mạnh – bởi việc ngã và đứng dậy lại. Đây là cách người ta trở nên được toàn vẹn.
Nhưng đừng theo những qui tắc bị áp đặt từ bên ngoài. Không qui tắc bị áp đặt nào có thể là đúng, bởi vì qui tắc do những người muốn cai trị bạn bịa ra. Vâng, đôi khi đã có những người chứng ngộ vĩ đại trong thế giới này nữa – một Phật, một Jesus, một Krishna, một Mohammed. Họ đã không trao qui tắc cho thế giới, họ đã cho tình yêu của mình. Nhưng chẳng chóng thì chầy các đệ tử tụ tập lại với nhau và bắt đầu làm ra luật ứng xử. Một khi thầy qua rồi, một khi ánh sáng tắt rồi và họ trong bóng tối sâu sắc, họ bắt đầu dò dẫm những qui tắc nào đó để theo, bởi vì bây giờ ánh sáng mà qua đó họ đã thấy không còn đó nữa. Bây giờ họ sẽ phải phụ thuộc vào qui tắc.
Điều Jesus đã làm là tiếng thì thào của trái tim riêng của ông ấyi, và điều người Ki tô giáo cứ làm lại không phải là tiếng thì thào của trái tim riêng của họ. Họ là những kẻ bắt chước – và khoảnh khắc bạn bắt chước, bạn sỉ nhục tính người của mình, bạn sỉ nhục Thượng đế của mình.
Đừng bao giờ là kẻ bắt chước, bao giờ cũng là nguyên bản. Đừng trở thành bản sao. Nhưng đó lại là điều đang xảy ra trên khắp thế giới – toàn những bản sao với bản sao.
Cuộc sống thực sự là điệu vũ nếu bạn là nguyên bản – và bạn được ngụ ý là nguyên bản. Và không hai người nào giống nhau cả, cho nên cách sống của tôi không bao giờ có thể trở thành cách sống của bạn.
Hấp thu tâm linh, hấp thu im lặng của thầy, học duyên dáng của thầy. Uống thật nhiều nhất có thể được từ bản thể của thầy, nhưng đừng bắt chước thầy. Hấp thu tâm linh của thầy, uống tình yêu của thầy, đón nhận từ bi của thầy, bạn sẽ có khả năng nghe tiếng thì thào của trái tim riêng của mình. Và chúng đang thì thào đấy. Trái tim nói theo tiếng nói rất tĩnh lặng, nhỏ bé; nó không la to.
Bất kì khi nào các lời răn được trao cho thì chúng lại tạo ra khó khăn cho mọi người bởi vì vào lúc chúng được trao thì chúng đã lạc hậu rồi. Cuộc sống chuyển động quá nhanh; nó năng động, nó không tĩnh tại.
Quên tất cả những điều bạn đã được bảo, “Cái này đúng và cái này sai.” Cuộc sống không cố định thế. Cái đúng hôm nay có thể sai ngày mai, cái sai khoảnh khắc này có thể đúng khoảnh khắc tiếp. Cuộc sống không thể bị xếp vào ngăn kín; bạn không thể dán nhãn cho nó dễ dàng thế, “Cái này đúng và cái này sai.” Cuộc sống không phải là cửa tiệm của nhà hoá học nơi mọi cái chai đều được dán nhãn và bạn biết cái gì là cái gì. Cuộc sống là điều bí ẩn; khoảng khắc này cái gì đó khớp và thế thì nó đúng. Khoảnh khắc khác, biết bao nhiêu nước đã chảy xuôi sông Hằng đến mức nó không còn khớp nữa và nó sai.
Định nghĩa của tôi về đúng là gì? Cái hài hoà với sự tồn tại là đúng, và cái không hài hoà với sự tồn tại là sai. Bạn sẽ phải rất tỉnh táo vào từng khoảnh khắc, bởi vì điều đó phải được quyết định từng khoảnh khắc tươi mới. Bạn không thể phụ thuộc vào câu trả lời làm sẵn cho cái gì đúng và cái gì sai.
Cuộc sống chuyển động nhanh thế; nó là sự năng động, nó không tĩnh tại. Nó không phải là cái vũng tù đọng, nó là sông Hằng, nó cứ chảy mãi. Nó không bao giờ như vậy cho hai khoảnh khắc liên tiếp. Cho nên một điều có thể đúng vào khoảnh khắc này, và có thể không đúng vào khoảnh khắc tiếp.
Thế thì phải làm gì? Điều có thể duy nhất là làm cho mọi người nhận biết tới mức bản thân họ có thể quyết định cách đáp ứng với cuộc sống đang thay đổi.
Mộc câu chuyện Thiền cổ: Có hai ngôi chùa, đối kháng nhau. Cả hai vị thầy – họ phải đã là những người được gọi là bậc thầy, phải thực sự là các sư – chống đối lẫn nhau nhiều đến mức họ bảo các tín đồ của mình đừng bao giờ ngó sang ngôi chùa kia.
Từng sư đều có một chú tiểu phục vụ mình, đi kiếm mọi thứ về cho ông ta, làm việc vặt. Sư của chùa thứ nhất bảo với chú tiểu của mình, “Chớ bao giờ nói chuyện với chú tiểu kia. Những người đó là nguy hiểm.”
Nhưng trẻ con vẫn cứ là trẻ con. Một hôm chúng gặp nhau trên đường, và chú tiểu của ngôi chùa thứ nhất hỏi chú tiểu kia, “Đằng ấy đi đâu đấy?”
Chú tiểu kia trả lời, “Bất kì đâu gió đưa tớ tới.” Nó phải đã lắng nghe những điều lớn lao về Thiền trong chùa; nó nói, “Bất kì đâu gió đưa tớ tới.” Một phát biểu vĩ đại, Đạo thuần khiết.
Nhưng chú tiểu thứ nhất rất lúng túng, bực mình, và nó không thể nào tìm được cách trả lời chú tiểu kia. Thất vọng, tức giận, và cũng thấy mặc cảm bởi vì “Thầy mình đã dặn đừng nói với những người này. Những người này thực sự nguy hiểm. Bây giờ, đây là loại câu trả lời gì? Nó làm bẽ mặt mình.”
Nó tới thầy mình và kể với thầy điều đã xảy ra: “Con rất tiếc là con đã nói với nó. Thầy đúng lắm, những người đó thật là kì lạ. Đây là loại câu trả lời gì vậy? Con đã hỏi nó, ‘Đằng ấy đi đâu đấy?’ – một câu hỏi chính thức đơn giản – và con biết nó cũng đi ra chợ, cũng như con đi ra chợ. Nhưng nó lại nói, ‘Bất kì chỗ nào gió đưa tớ tới.'”
Thầy nói, “Ta đã dặn con rồi, mà con không chịu nghe. Bây giờ nghe đây, ngày mai, con lại đứng cùng chỗ đó lần nữa. Khi nó tới hãy hỏi nó, ‘Đằng ấy đi đâu đấy?’ và nó sẽ nói, ‘Bất kì đâu gió đưa tớ tới.’ Thế thì con cũng triết lí thêm một chút nữa. Hãy nói, ‘Nếu đằng ấy không có chân thì sao?’ – bởi vì linh hồn là vô thân thể và gió không thể đem linh hồn đi bất kì đâu được – ‘Thế thì sao?'”
Tuyệt đối sẵn sàng, cả đêm chú tiểu lặp đi lặp lại câu trả lời đó mãi. Rồi sáng hôm sau từ rất sớm chú đã ra đó rồi, đứng ở ngay chỗ đó, và vào đúng giờ chú tiểu kia tới. Chú tiểu này sướng lắm, bây giờ nó sẽ cho cậu kia biết triết lí thực là gì. Thế là nó hỏi, “Đằng ấy đi đâu đấy?” Và nó chờ đợi…
Nhưng chú tiểu kia lại nói, “Tớ đi kiếm rau từ chợ đây.”
Bây giờ, phải làm gì với triết lí mà chú tiểu này đã học?
Cuộc sống giống như vậy đó. Bạn không thể chuẩn bị cho nó được, bạn không thể sẵn sàng cho nó được. Đó là cái đẹp của nó, đó là điều kì diệu của nó; rằng nó bao giờ cũng đem bạn vào cái không nhận biết; nó bao giờ cũng tới như điều ngạc nhiên. Nếu bạn có mắt bạn sẽ thấy rằng từng khoảnh khắc đều là điều ngạc nhiên và không câu trả lời làm sẵn nào là áp dụng được.
Tôi đơn giản dạy bạn một qui luật cố hữu của cuộc sống. Vâng theo cái ta riêng của bạn, là ánh sáng lên chính mình và đi theo ánh sáng đó và vấn đề này sẽ không bao giờ nảy sinh cả. Thế thì bất kì điều gì bạn làm đều là điều cần làm, và bất kì điều gì bạn không làm cũng đều là điều không nên làm…
Và cách duy nhất để ở trong tiếp xúc với cuộc sống, cách duy nhất để không bị tụt lại sau cuộc sống, là có trái tim không mặc cảm, trái tim hồn nhiên. Quên mọi điều bạn đã được bảo – điều phải được làm và điều phải không được làm – không ai khác có thể quyết định được điều đó cho bạn.
Tránh xa những kẻ giả vờ đó, người quyết định cho bạn; nắm lấy quyền kiểm soát trong tay bạn. Bạn phải quyết định. Thực tế, trong chính tính quyết định đó, linh hồn bạn được sinh ra. Khi người khác quyết định cho bạn, linh hồn bạn vẫn còn ngủ và trì trệ. Khi bạn bắt đầu quyết định theo cách của mình, sự sắc bén nảy sinh. Quyết định nghĩa là nhận lấy mạo hiểm, quyết định nghĩa là bạn có thể làm sai – ai mà biết được, điều đó là mạo hiểm. Ai biết điều gì sẽ xảy ra? Đó là mạo hiểm, không có đảm bảo.
Với cái cũ, có đảm bảo. Hàng triệu và hàng triệu người đã theo nó, làm sao nhiều người như vậy có thể sai được? Đó là đảm bảo. Nếu nhiều người thế nói điều đó là đúng, nó phải đúng rồi.
Nhận lấy mọi mạo hiểm là cần thiết để là một cá nhân, và chấp nhận thách thức để cho chúng có thể làm sắc bén bạn, chúng có thể cho bạn sự lỗi lạc và thông minh.
Chân lí không phải là niềm tin, nó là thông minh cực kì. Nó là sự bùng nổ của những cội nguồn cuộc sống của bạn còn bị ẩn kín, nó là kinh nghiệm rọi sáng của tâm thức của bạn. Nhưng bạn sẽ phải cung cấp đúng chỗ cho nó xảy ra. Và chỗ đúng là việc chấp nhận bản thân mình như mình đang vậy. Đừng phủ nhận cái gì, đừng trở nên chia chẻ, đừng cảm thấy mặc cảm.
Không bám vào khổ
Đáng phải dễ dàng vứt bỏ đau khổ, phiền não, khổ sở. Điều đó đáng phải không khó: bạn không muốn khổ, cho nên phải có sự phức tạp sâu sắc nào đó đằng sau nó. Sự phức tạp này là ở chỗ ngay từ chính thời thơ ấu của mình bạn đã không được phép hạnh phúc, phúc lạc, vui sướng.
Bạn đã bị buộc phải nghiêm chỉnh, và nghiêm chỉnh đưa tới buồn rầu. Bạn đã bị buộc phải làm những điều bạn chẳng bao giờ muốn làm. Bạn bất lực, yếu ớt, phụ thuộc vào mọi người; một cách tự nhiên bạn phải làm điều họ nói. Bạn đã làm những điều đó một cách miễn cưỡng, khổ sở, trong sự kháng cự sâu sắc. Chống lại bản thân mình, bạn đã bị buộc phải làm nhiều điều tới mức dần dần một điều trở thành rõ ràng cho bạn: rằng bất kì cái gì chống lại bạn cũng đều đúng, và bất kì cái gì không chống lại bạn nhất định sai. Và thường xuyên, toàn thể sự dạy dỗ này rót đầy bạn với nỗi buồn, điều không tự nhiên.
Vui sướng là tự nhiên, cũng như mạnh khoẻ là tự nhiên. Khi bạn mạnh khoẻ bạn không tới bác sĩ hỏi, “Sao tôi lại mạnh khoẻ?” Không có nhu cầu về bất kì câu hỏi nào về mạnh khoẻ của bạn. Nhưng khi bạn ốm, bạn lập tức hỏi, “Sao tôi lại ốm? Lí do là gì, nguyên nhân bệnh của tôi là gì?”
Hoàn toàn đúng khi hỏi tại sao bạn khổ. Không đúng khi hỏi tại sao bạn phúc lạc. Bạn đã được nuôi lớn trong một xã hội không lành mạnh nơi phúc lạc không nguyên nhân bị coi là điên khùng. Nếu bạn đơn giản mỉm cười chẳng có lí do gì chút nào, mọi người sẽ nghĩ cái gì đó mơ hồ trong đầu bạn – sao bạn lại cười? sao bạn trông hạnh phúc thế? Và nếu bạn nói “Tôi không biết, tôi chỉ thấy hạnh phúc thôi,” câu trả lời của bạn chỉ làm mạnh thêm cho ý tưởng của họ rằng cái gì đó đã đi sai với bạn.
Nhưng nếu bạn khổ chẳng ai hỏi tại sao bạn khổ cả. Khổ là tự nhiên; mọi người đều thế. Chẳng có gì đặc biệt về phần bạn cả. Bạn không làm điều gì đó độc đáo.
Một cách vô ý thức, ý tưởng này cứ đọng vào trong bạn, rằng khổ là tự nhiên còn phúc lạc là phi tự nhiên. Phúc lạc phải được chứng minh. Khổ không cần bằng chứng. Dần dần điều đó chìm sâu hơn vào trong bạn – vào máu bạn, vào xương bạn, vào tuỷ bạn – mặc dầu một cách tự nhiên điều đó ngược lại bạn. Cho nên bạn đã bị buộc trở thành tinh thần phân liệt; cái gì đó đi ngược lại bản tính của bạn đã bị áp đặt lên bạn. Bạn đã bị phân tán khỏi bản thân mình vào cái gì đó lại không phải là bạn.
Điều này tạo ra toàn thể khổ sở của nhân loại, rằng mọi người đều ở chỗ mà người đó đáng ra không nên ở, là điều mà người đó đang ra không nên là. Và bởi vì người đó không thể ở chỗ người đó cần ở – chỗ chính là quyền tập ấn của người đó là vậy – gười đó khổ. Và bạn đã ở trong trạng thái này của việc đi khỏi bản thân mình ngày một xa hơn; bạn đã quên mất đường quay về nhà. Cho nên dù bạn ở bất kì đâu, bạn đều nghĩ đây là nhà mình – khổ đã trở thành nhà bạn, phiền não đã trở thành bản tính của bạn. Đau khổ đã được chấp nhận là lành mạnh, không phải là ốm yếu.
Và khi ai đó nói, “Vứt cuộc sống khổ sở này đi, vứt đau khổ bạn đang mang một cách không cần thiết đi,” một câu hỏi rất có ý nghĩa nảy sinh: “Đây là tất cả những gì chúng ta đã có! Nếu chúng ta vứt nó đi thì chúng ta sẽ không là ai cả, chúng ta sẽ mất căn cước của mình. Ít nhất ngay bây giờ mình còn là ai đó – ai đó khổ sở, ai đó buồn rầu, ai đó đang trong đau khổ. Nếu mình vứt bỏ mọi điều này thế thì câu hỏi sẽ là, căn cước của mình là gì? Mình là ai? Mình không biết đường về nhà, và bạn đã lấy đi cái đạo đức giả, ngôi nhà giả đã được xã hội tạo ra.”
Không ai muốn đừng trần trụi trên phố.
Tốt hơn cả vẫn cứ khổ sở – ít nhất thì bạn còn có cái gì đó để khoác vào mình, cho dù nó là khổ sở… nhưng chẳng hại gì, mọi người khác đều đang khoác cùng loại quần áo đó. Với những người có thể đảm đương được điều đó, khổ sở của họ là đắt giá. Những người không thể đảm đương được nó còn khổ sở gấp đôi – họ phải sống trong một loại khổ sở nghèo khó, chẳng có gì để ba hoa về nó cả.
Cho nên có người khổ giầu và người khổ nghèo. Và người khổ nghèo đang cố gắng hết sức vất vả để bằng cách nào đó đạt tới địa vị của người khổ giầu. Đây là hai kiểu người duy nhất sẵn có.
Kiểu thứ ba đã hoàn toàn bị lãng quên. Kiểu thứ ba là thực tại của bạn, và nó không có khổ sở trong nó. Bản chất cố hữu của con người là phúc lạc.
Phúc lạc không phải là cái gì đó cần được đạt tới. Nó đã có đó rồi; chúng ta được sinh ra cùng nó.
Chúng ta đã không đánh mất nó, chúng ta đã đơn giản đi xa khỏi nó, quay lưng vào chính mình.
Nó ở ngay sau chúng ta; chỉ hơi quay lại và có cuộc cách mạng vĩ đại.
Nhưng có những tôn giáo giả tạo trên khắp thế giới vẫn đang bảo bạn rằng bạn khổ bởi vì trong kiếp sống quá khứ bạn đã phạm phải những hành động ác. Toàn là điều vô nghĩa. Bởi vì tại sao sự tồn tại phải đợi một kiếp rồi mới trừng phạt bạn? Dường như không cần thiết. Trong tự nhiên mọi sự xảy ra ngay lập tức. Bạn cho tay vào lửa trong kiếp sống này và trong kiếp sống sau bạn sẽ bị bỏng sao? Kì lạ! Bạn sẽ bị bỏng ngay lập tức, ở đây bây giờ. Nguyên nhân và hậu quả được nối liền, không thể có khoảng cách nào.
Nhưng những tôn giáo giả này lại cứ đi an ủi mọi người: “Đừng lo. Làm hành động tốt đi, tôn thờ nhiều vào. Đi tới đền chùa hay nhà thờ, và kiếp sau bạn sẽ không khổ nữa.” Chẳng cái gì dường là tiền mặt, mọi thứ đều ở kiếp sau. Và chẳng ai quay lại từ kiếp sau và nói, “Những người này toàn nói điều tuyệt đối dối trá.”
Tôn giáo là tiền mặt, nó thậm chí không phải là séc.
Các tôn giáo khác nhau đã tìm ra các chiến lược khác nhau, nhưng nguyên nhân là một. Người Ki tô giáo, người Do Thái giáo, người Mô ha mét giáo, các tôn giáo phát sinh bên ngoài Ấn Độ đều nói với mọi người, “Các bạn khổ bởi vì Adam và Eve đã phạm tội.” Đôi đầu tiên, hàng nghìn năm trước… và đâu phải tội lỗi gì lớn lao – bạn ngày nào mà chẳng phạm phải. Họ đơn giản ăn táo, và Thượng đế đã cấm họ ăn táo.
Vấn đề không phải là táo, vấn đề là ở chỗ họ đã không vâng lời. Hàng nghìn năm trước ai đó đã không vâng lời Thượng đế. Và người đó đã trừng phạt, người đó đã bị tống ra khỏi vườn Địa đàng, tống khỏi thiên đường của Thượng đế. Sao chúng ta lại khổ? – bởi vì họ đã là tổ tiên của chúng ta.
Thực tế là cái gì đó hoàn toàn khác. Vấn đề không phải là hành động ác, vấn đề là bạn đã bị đưa ra xa khỏi bản thân mình, khỏi phúc lạc tự nhiên của mình. Và không tôn giáo nào muốn bạn phúc lạc dễ dàng thế; bằng không điều gì sẽ xảy ra cho kỉ luật của họ? Điều gì sẽ xảy ra cho thực hành lớn lao của họ, thực hành khổ hạnh.
Nếu vứt bỏ khổ dễ dàng như tôi nói nó vậy, thế thì tất cả những tôn giáo giả tạo kia sẽ mất kinh doanh của họ. Đấy là vấn đề kinh doanh của họ. Phúc lạc phải bị làm thành khó thế – gần không thể được – tới mức mọi người chỉ có thể hi vọng về nó trong kiếp tương lai, sau cuộc hành trình gian nan lâu dài.
Nhưng tôi nói với bạn theo thẩm quyền của tôi: điều đó đã xảy ra cho tôi dễ dàng thế. Tôi đã sống nhiều kiếp quá khứ và chắc chắn tôi phải đã phạm vào nhiều hành động ác hơn bất kì ai trong các bạn – bởi vì tôi không coi chúng là hành động ác. Đánh giá cao cái đẹp, đánh giá cao việc thưởng thức, đánh giá cao mọi thứ làm cho cuộc sống đáng sống hơn, đáng yêu hơn, không phải là những điều ác với tôi.
Tôi muốn bạn trở nên nhạy cảm, cảm nhận một cách có thẩm mĩ với tất cả những điều này. Chúng sẽ làm cho bạn nhân bản hơn, chúng sẽ tạo ra sự mềm mại hơn trong bạn, lòng biết ơn hơn đối với sự tồn tại.
Và điều đó không phải là vấn đề lí thuyết với tôi. Tôi đã chấp nhận tính không làm cánh cửa – điều tôi gọi là thiền, không là gì ngoài cái tên khác cho tính không. Và khoảnh khắc tính không xảy ra bỗng nhiên bạn đang đứng đối diện với bản thân mình, mọi khổ biến mất.
Điều đầu tiên bạn làm là đơn giản cười bản thân mình, cười việc mình đã ngốc nghếch làm sao. Khổ đó chưa bao giờ có cả; bạn đã tạo ra nó bằng tay này và bạn cố gắng phá huỷ nó bằng tay kia – và một cách tự nhiên bạn trong chia chẻ, trong hoàn cảnh tinh thần phân liệt.
Điều đó tuyệt đối dễ dàng, đơn giản.
Điều đơn giản nhất trong sự tồn tại là chính bản thân mình.
Điều đó không cần nỗ lực nào; bạn đã là nó rồi. Chỉ là việc hồi tưởng lại… chỉ cần đi ra khỏi mọi
ý tưởng ngu xuẩn mà xã hội đã áp đặt lên bạn. Và điều đó là đơn giản như con rắn tuồn ra khỏi bộ da cũ của nó và thậm chí chẳng bao giờ nhìn lại. Đó là bộ da cũ.
Nếu bạn hiểu điều đó, nó có thể xảy ra ngay chính khoảnh khắc này.
Bởi vì chính khoảnh khắc này bạn có thể thấy chẳng có khổ, không phiền não nào cả.
Bạn im lặng, đứng trên cánh cửa của cái không; chỉ một bước vào trong và bạn đã thấy kho báu vĩ đại nhất vẫn đang chờ đợi bạn trong hàng nghìn kiếp.
Ý thức về phúc lạc
Thông thường tâm trí bao giờ cũng ý thức tới đau đớn, chẳng bao giờ ý thức tới phúc lạc. Nếu bạn đau đầu, bạn ý thức tới nó. Khi bạn không đau đầu bạn không ý thức tới mạnh khoẻ của đầu. Khi thân thể đau bạn ý thức tới nó, nhưng khi thân thể hoàn toàn mạnh khoẻ bạn không ý thức tới mạnh khoẻ.
Đây là nguyên nhân gốc rễ tại sao chúng ta lại cảm thấy khổ thế: toàn thể ý thức của chúng ta hội tụ vào cái đau. Chúng ta chỉ đếm gai – chúng ta chưa bao giờ nhìn vào hoa. Bằng cách nào đó chúng ta chọn gai và quên bẵng hoa. Nếu chúng ta bị thương và liên tục đau, chẳng có gì ngạc nhiên trong điều đó; nó phải như vậy. Bởi lí do sinh học nào đó nó đã xảy ra: tự nhiên làm cho bạn nhận biết về cái đau để cho bạn có thể tránh nó. Đó là một hệ thống có sẵn rồi. Bằng không, tay bạn có thể bị bỏng và bạn có thể không ý thức; sẽ khó mà sống sót được. Cho nên tự nhiên đã làm thành điều rất bản chất và không tránh khỏi là bạn phải ý thức tới cái đau. Nhưng tự nhiên không có cơ chế có sẵn để làm cho bạn ý thức tới hoan lạc, vui vẻ, phúc lạc. Điều đó phải được học, điều đó phải được luyện tập. Đó là nghệ thuật.
Từ khoảnh khắc này bắt đầu trở nên nhận biết về những điều không tự nhiên. Chẳng hạn, thân thể bạn đang cảm thấy hoàn toàn mạnh khoẻ: ngồi im lặng, trở nên ý thức về nó. Tận hưởng sự mạnh khoẻ. Chẳng cái gì sai – tận hưởng nó! Làm nỗ lực có chủ ý để ý thức tới nó. Bạn đã ăn ngon và thân thể được thoả mãn, mãn nguyện; trở nên ý thức tới nó.
Khi bạn đói, tự nhiên làm cho bạn ý thức, nhưng tự nhiên không có hệ thống làm cho bạn ý thức khi bạn được thoả mãn; điều đó phải được phát triển. Tự nhiên không cần phát triển nó bởi vì sự sống còn là mọi điều tự nhiên muốn; hơn thế nữa là xa hoa. Phúc lạc là xa hoa, xa hoa lớn nhất.
Và đây là quan sát của tôi về tại sao mọi người lại khổ thế – họ không thực khổ như họ trông vậy đâu. Họ có nhiều khoảnh khắc của niềm vui lớn lao, nhưng những khoảnh khắc đó trôi qua; họ chẳng bao giờ trở nên nhận biết về chúng. Kí ức của họ vẫn còn đầy những đau đớn và vết thương. Tâm trí họ vẫn còn đầy những cơn ác mộng. Không phải là không có những giấc mơ đẹp và linh ảnh thơ ca – chúng cũng có đó, nhưng không ai có đó để mà ghi nhớ về chúng. Trong thời gian hai mươi bốn giờ hàng nghìn điều xảy ra mà bạn đáng phải cảm thấy biết ơn thượng đế về chúng, nhưng bạn lại không ghi nhớ!
Điều đó phải được bắt đầu từ khoảnh khắc này. Và bạn sẽ ngạc nhiên rằng phúc lạc cứ nhiều thêm mọi ngày, và, theo cùng tỉ lệ, đau đớn và khổ sở trở nên ngày một ít đi. Và một khoảnh khắc tới khi cuộc sống gần như lễ hội. Đau đớn chỉ thỉnh thoảng mới có, và cái đau đó là một phần của trò chơi. Người ta không bị phân tán bởi nó, không bị quấy rối bởi nó. Người ta chấp nhận nó.
Nếu bạn tận hưởng sự thoả mãn tới sau khi bạn đã ăn, một cách tự nhiên bạn biết rằng khi bạn đói sẽ có đau chút ít… và điều đó là tốt. Khi bạn đã ngủ một giấc ngủ đêm ngon lành và vào buổi sáng bạn cảm thấy tươi tắn, sảng khoái thế, một cách tự nhiên nếu một đêm bạn không thể ngủ được, thì sẽ có chút ít khổ, nhưng đó là một phần của trò chơi.
Kinh nghiệm riêng của tôi là ở chỗ cuộc sống này bao gồm chín mươi chín phần trăn phúc lạc và một phần trăm đau đớn. Nhưng kiếp sống của mọi người lại bao gồm chín mươi chín phần trăm đau đớn và một phần trăm phúc lạc; mọi thứ đều lộn ngược.
Trở nên ngày một ý thức tới thích thú, niềm vui, tới điều tích cực, tới hoa, tới ánh sáng trăng trong mây đen.