Read more
Osho - Tôi là lối cổng
Chương 3. Bước ra khỏi bánh xe
Osho kính yêu,
Trong buổi họp trước Thầy đã nói về tràng hạt, về việc đổi mầu quần áo, về đổi tên, và lí do cho những điều này. Tại sao Thầy muốn ảnh Thầy được đeo quanh cổ, đặc biệt khi Thầy phủ nhận việc làm thầy?
Tôi phủ nhận là thầy, nhưng tôi không phủ nhận việc bạn là đệ tử. Người ta đừng bao giờ nên là thầy, nhưng làm đệ tử lại là một điều gì đó mà không có nó thì chẳng cái gì là có thể cả. Và khi không có thầy, thế thì làm đệ tử là cái gì đó bên trong - kỉ luật bên trong. Cả hai từ này đến từ cùng một gốc. 'Làm đệ tử' có nghĩa là một tâm trí sẵn sàng tìm kiếm, tìm tòi, học hỏi - tâm trí cởi mở và nhạy cảm. Cho nên tôi phủ nhận làm thầy, nhưng tôi không phủ nhận việc bạn là đệ tử.
Một điểm khác... tràng hạt với bức ảnh có nhiều nghĩa đằng sau nó. Một, bức ảnh không phải là của tôi. Cứ cho nó là của tôi, tôi sẽ ngần ngại đặt nó vào đó. Không ai đủ dũng cảm để đặt ảnh của mình vào. Mọi người đều nghĩ tới việc đặt nó ở đấy, nhưng chẳng ai đặt nó ở đấy cả. Bức ảnh chỉ có vẻ như của tôi, nó không phải vậy. Không bức ảnh nào của tôi là thực sự có thể. Khoảnh khắc người ta biết bản thân mình, người ta cũng biết mình là cái gì đó mà không thể nào mô tả được, diễn tả được, lên khung được. Tôi tồn tại như một cái trống rỗng mà không thể nào lên ảnh được, không thể nào chụp ảnh được. Đó là lí do tại sao tôi có thể đặt bức ảnh ở đó.
Hai hay ba điều nữa cũng cần được hiểu. Bạn càng biết nhiều về bức ảnh, bạn càng tập trung vào nó, bạn càng đi tới hài hoà với nó, thế thì bạn sẽ càng cảm thấy tôi đang nói gì. Bạn càng tập trung vào nó, câu hỏi đầu tiên về bức ảnh càng không có đó. Và khoảnh khắc bạn nhớ tới tôi, cho dù không chủ ý, theo một cách nào đó tôi có đó. Nhưng điều này bạn sẽ dần dần đi tới kinh nghiệm.
Biết bao nhiêu lí do còn có đó, nhưng tôi sẽ không nói về chúng. Nói nhiều thế này cũng đủ rồi. Các lí do khác sẽ được tiết lộ dần ra, và tốt hơn cả là chúng không nên được tiết lộ bây giờ. Có những điều không nên nói tới, vì ngay cả với việc nói về chúng thì chúng lại trở thành nông cạn. Có những điều nên cứ trong huyền bí, nên cứ trong bí mật, vì chúng vận hành trong bí mật, nếu không thì chúng không vận hành được. Chúng cũng hệt như rễ cây: rễ phải ở dưới đất, trong bóng tối, không được biết đối với cây. Chỉ thế thì chúng mới làm việc.
Cho nên có những điều huyền bí mà phải vẫn còn trong vô ý thức, dưới nền tảng. Bạn phải không biết về chúng - chỉ thế thì chúng mới làm việc, ngoài ra chúng sẽ không làm việc. Rễ phải không được biết tới. Chúng phải còn trong giấu kín. Cho nên có nhiều điều bạn hỏi tôi sẽ không trả lời, hay tôi sẽ trả lời chỉ tới một giới hạn nào đó, chỗ mà điều giấu kín không được để lộ ra. Cái được giấu kín phải vẫn còn được giấu kín. Bạn sẽ đi tới hiểu điều đó, nhưng chỉ qua kinh nghiệm dần dần.
Sau ba tháng bạn sẽ không thể nào còn lại một khoảnh khắc mà không có tràng hạt. Bạn sẽ cảm thấy khác. Nhưng đó sẽ là hiểu biết của bạn. Nó thật lớn lao, nó không thể nào vẫn còn không cảm thấy được. Và dần dần, khi kinh nghiệm phát triển sâu hơn và phong phú hơn, bạn sẽ không cảm thấy bức ảnh có đó. Với tâm thức sâu hơn của bạn, trái tim lồng ảnh ấy sẽ trở thành trống rỗng. Mọi người sẽ thấy bức ảnh, nhưng bạn thì không. Khi điều này xảy ra, thế thì bạn có thể trao đổi với tôi một cách trực tiếp, lập tức, không qua bất kì trung gian nào.
Tôi đang cố gắng theo nhiều cách để truyền đạt mọi điều mà không qua bất kì trung gian nào, vì có những điều không thể truyền đạt qua bất kì vật trung gian nào. Cho nên tôi sẽ phải tạo ra các phương sách - trạng thái sannyas này là một phương sách, việc điểm đạo này là một phương sách.
Những người được điểm đạo sẽ nhanh chóng trở nên có khả năng biết được những điều mà không thể nào được nói cho người khác - về biết bao nhiêu bí mật, mấu chốt, điều mà không một người bình thường nào có thể hiểu được chừng nào người đó còn chưa đến độ, chưa chín muồi qua huấn luyện huyền bí.
Đây mới chỉ là bắt đầu; nhiều điều còn theo sau. Nếu tôi cảm thấy bạn dễ cảm nhận, thế thì nhiều điều sẽ theo sau. Nếu tôi cảm thấy bạn không dễ cảm nhận, thế thì việc bắt đầu sẽ là kết thúc. Bạn sẽ thu được nhiều hơn ngay cả trong việc bắt đầu, nhưng không trong toàn bộ sự việc. Cho nên theo nhiều cách tôi cố gắng biết được nhạy cảm của bạn.
Nếu ai đó tới, tôi cho người đó tràng hạt và bức ảnh trong đó. Có thể đoán ngay được rằng người đó sẽ hỏi, "Tại sao bức ảnh này là của thầy?" Điều này rất dễ đoán. Nhưng nếu người đó không hỏi - nếu người đó đơn giản nhận lấy tràng hạt và không hỏi câu hỏi nào, nếu người đó không tò mò - người đó đã nêu ra một chỉ dẫn sâu sắc hơn về bản thân người đó, rằng những điều không thể nào hỏi được lại có thể được trao cho người đó. Có những điều mà không thể nào trao được nếu không được hỏi, vì không có bằng chứng nào có thể được nêu ra cho chúng, không có lập luận nào có thể được nêu ra cho chúng. Không thể nào có câu trả lời cho một số câu hỏi. Chúng là những phát biểu trống rỗng về việc biết - không chứng minh, không tiêu chuẩn.
Cho nên nếu tôi thấy ai đó tới tôi, và tôi đã trao cho người đó một số thứ mà với nó tâm trí bình thường luôn sinh ra việc hỏi, còn người đó không hỏi về chúng, người đó đã chứng tỏ có khả năng được trao cho những điều sâu sắc hơn, mà không nên được hỏi. Theo rất nhiều cách thức, bạn bị cột chặt lại! Cần phải biết được bạn bị cột chặt đến đâu vào phần tâm trí lập luận. Tôi phải biết điều đó bởi vì bạn càng bị cột chặt vào lập luận, bạn càng ít khả năng biết được những điều sâu sắc hơn... vì lập luận là phần nông cạn nhất của con người bạn, phần nông cạn nhất.
Mặc dầu lập luận vẫn tuyên bố nó là sâu sắc nhất - và chỉ cái nông cạn mới tuyên bố là cái sâu sắc - lập luận là phần nông cạn nhất của con người bạn. Nó có điều gì đó phải làm, nó có một số tiện ích, nhưng chỉ tiện ích thôi. Nếu bạn nghĩ về nó như phương tiện để đi vào cái chưa biết, thế thì bạn sẽ chẳng bao giờ, chẳng bao giờ có thể biết được bất kì cái gì đáng biết cả.
Cho nên tôi dùng biết bao nhiêu phương sách để biết bạn. Và từng thứ và mọi thứ đều có biết bao nhiêu lí do. Chẳng hạn, trường hợp của một người đang ngần ngại: ai đó viết thư cho tôi mười lăm ngày trước đây nói, "Tôi có thể được thầy điểm đạo. Tôi muốn được thầy điểm đạo, nhưng tôi không thể coi thầy là thầy được."
Tôi chẳng là thầy của ai hết cả, bản thân tôi chưa từng bao giờ tuyên bố là thầy - nhưng với người này tôi sẽ tuyên bố là thầy. Với người này tôi không thể nói "tôi cho phép bạn coi tôi không phải là thầy bạn." Người đó đã chứng tỏ cái không có khả năng của mình rõ ràng thế. Nếu bạn không phải là đệ tử, thế thì tôi sẽ phải là thầy. Nếu bạn là đệ tử, thế thì tôi cần phải không là thầy, không có sự cần thiết ở đây. Nhưng nếu bạn cứ nhấn mạnh vào bản ngã không buông xuôi, thế thì tôi sẽ phải nhấn mạnh vào biết bao nhiêu điều để phá huỷ bản ngã bạn. Tôi sẽ phải dùng biết bao nhiêu phương sách để làm cho bạn thành vô ngã.
Nếu bạn là vô ngã, thế thì tôi sẽ không dùng bất kì phương sách nào. Cho nên vấn đề trở thành thách đố hơn. Với người đã sẵn sàng là đệ tử, tôi sẽ nói, "Tôi không phải là thầy bạn. Điều ấy là đủ cho bạn làm đệ tử." Nhưng với người nói, "Tôi không tin vào ông, tôi sẽ không coi ông là thầy," thì tôi sẽ nhấn mạnh. Nếu không, người này không thể nào được điểm đạo. Người đó đến với một điều kiện và bạn không thể nào được điểm đạo với điều kiện của mình.
Điểm đạo có nghĩa là bạn đã sẵn sàng buông xuôi, sẵn sàng tin cậy; nếu không bạn chẳng cần trải qua điểm đạo. Điểm đạo chẳng là cái gì cả, tràng hạt này chẳng là gì cả, áo choàng này chẳng là gì cả. Đây chỉ là lối vào, bây giờ mọi con đường sẽ đen tối hơn. Có những điều bạn còn chưa hình dung ra. Bạn sẽ phải tin cậy, nếu không bạn không thể nào cất bước được. Cho nên tốt hơn cả là biết ngay tại lối vào rằng bạn không có khả năng tin cậy, rằng bất kì nỗ lực nào để đưa bạn vào cũng sẽ là không cần thiết và vô ích.
Tôn giáo về cơ bản không phải là việc tin mà cũng không phải là việc không tin. Tôn giáo là tin cậy, nó là tin cậy. Và bất kì khi nào có một điều chưa biết, bạn cần nhảy vào, không có cách nào khác cả. Chừng nào bạn chưa tin cậy bạn không thể nào biết được nó. Và bạn không biết nó bây giờ, vậy thì bạn có thể làm được gì? Bạn chỉ có thể tin cậy và nhảy. Tràng hạt này cũng sẽ giúp bạn tạo ra tin cậy đó.
Khi tôi nói rằng nếu bạn thiền về bức ảnh thì bức ảnh sẽ vắng bóng, đừng tin cậy hẳn vào điều đó. Cứ thử điều đó đi, và nó sẽ xảy ra. Khi tôi nói rằng chừng nào bức ảnh vắng bóng bạn có thể trao đổi với tôi, đừng tin cậy hẳn vào điều đó. Thử điều đó đi. Coi nó như giả thuyết và thực nghiệm với nó. Khoảnh khắc bức ảnh vắng bóng và bạn có thể trao đổi với tôi, bạn sẽ sẵn sàng cho những điều mà cần tới tin cậy của bạn. Thế thì bạn có thể bước xa hơn với tâm trí tin cậy.
Nền văn minh càng tiến triển, bản ngã càng trở nên kết tinh lại. Bản ngã là rào chắn duy nhất, và bây giờ nó là rào chắn lớn nhất. Nó không phải bao giờ cũng như vậy.
Sariputta* tới với Phật. Ông ấy là một trong những người học thức nhất thời đó. Ông ấy hỏi nhiều điều, ông ấy hỏi nhiều câu hỏi, ông ấy đã thảo luận biết bao nhiều điều, thế rồi ông ấy được điểm đạo. Từ lúc ông ấy được điểm đạo, liên tục trong ba mươi năm ông ấy luôn bên cạnh Phật. Nhưng từ đó ông ấy chẳng bao giờ hỏi gì nữa.
Cho nên ai đó hỏi, "Sariputta, ông đã từng là người học thức thế. Người ta nói ông biết còn nhiều hơn cả Phật." Về phần thông tin, ông ấy là một mahapandit, một học giả lớn - "Khi ông tới, ông đã thảo luận những điều sâu sắc thế, ông đã hỏi nhiều điều. Chúng tôi đã rất sung sướng rằng ai đó đã tới hỏi Phật, cho nên chúng tôi cũng biết thêm được nhiều điều mà có thể là vẫn còn chưa biết nếu không được nghe hỏi. Qua câu hỏi của ông chúng tôi có thể biết được chúng. Nhưng sao ông trở nên im lặng vậy?"
Sariputta nói, "Khoảnh khắc tôi đã sẵn sàng được điểm đạo, tôi đã dừng việc hỏi của mình, vì việc hỏi bất kì cái gì cũng đều là ngớ ngẩn. Tôi đã hỏi mọi thứ trước đây - trước khi có tin cậy. Bây giờ tâm trí tôi đã định."
Đôi khi Phật sẽ nói những điều ngớ ngẩn thế, chỉ để tìm ra xem liệu Sariputta có hỏi nữa hay không. Ông ấy đã nói những điều ngớ ngẩn đến mức bất kì ai cũng sẽ bắt đầu hỏi, "Phật nói gì vậy?" Nhưng Sariputta vẫn im lặng.
Phật nói với ông ấy, "Dù ông ở đâu, bao giờ cũng hết sức tôn kính nơi ta đang ở - dù ông ở đâu." Bất kì khi nào bạn đang lang thang, bạn cũng phải hết sức tôn kính hướng mà Phật đang ngụ.
Sariputta trở thành người tỉnh thức sau cái chết của Phật. Ai đó nói, "Ông đã trở nên tỉnh thức. Bây giờ ông chẳng cần tôn kính vào bất kì ai. Bản thân ông đã trở thành vị phật." Sariputta nói, "Tôi không thể tôn kính trước đây, vì tôi còn chưa thức tỉnh và bản ngã vẫn còn đó. Bây giờ tôi không thể tôn kính vì tôi đã trở nên tỉnh thức. Thế thì khi nào tôi sẽ tôn kính? Tôi không thể tôn kính trước đây, và ngay cả nếu tôi có tôn kính, điều ấy cũng là rất khó khăn, và kính trọng mà cảm thấy khó khăn thì là không tôn kính. Thế thì tôi không thể tôn kính được bởi vì bản ngã. Bây giờ ông nói tôi không nên quan tâm vì tôi đã thức tỉnh. Thế thì khi nào tôi sẽ tôn kính?" Sariputta nói, "Phật chẳng cần nó, nhưng bây giờ là thời điểm. Trước đó thì không thể được."
Nhưng có những thời mà tin cậy đã là dễ dàng.
Bây giờ tin cậy đã trở thành hoàn toàn không thể có được, đó là lí do tại sao tôn giáo trở thành không thể có được. Tôn giáo chắc chắn là bất hợp lí và mâu thuẫn. Việc nhảy vào trong sự tồn tại gắn liền với bất hợp lí, đấy là việc nhảy từ cái hợp lí và cái bất hợp lí. Cho nên dần dần tôi sẽ phải làm cho bạn sẵn sàng và có chuẩn bị. Từng chút một tôi sẽ làm cho bạn sẵn sàng đi vào trong điều bất hợp lí. Ngay cả việc tôi trả lời bạn đấy cũng không phải là thuyết phục theo lập luận của bạn, nhưng chỉ để làm tan nát nó. Ngay cả việc tôi đôi khi tỏ ra hợp lí, đấy cũng chỉ là bước mở đầu. Đấy chỉ là bước mở đầu với tâm trí bạn. Nếu bạn cảm thấy dường như tôi hợp lí, thế thì tâm trí bạn được hoà hợp.
Khoảnh khắc tôi thấy bạn hoà hợp, tôi sẽ đẩy bạn vào trong cái bất hợp lí. Không có cách nào khác ngoại trừ việc người ta bị đẩy vào cái bất hợp lí. Và điều này cũng không nhiều đâu. Bạn càng sẵn sàng tôi sẽ càng đẩy nhiều điều vào bạn, trông có vẻ mất trí dưới mắt kẻ khác. Khoảnh khắc tôi thấy rằng bạn đã sẵn sàng mất trí, khi bạn không còn sợ con mắt người khác và ý kiến người khác nữa, không sợ cả lập luận riêng của bạn, chỉ thế thì những chìa khoá sâu sắc hơn mới có thể được trao cho bạn, không sớm hơn được. Nếu không, bạn sẽ chỉ vứt chìa khoá đi, bạn sẽ không thể nào đánh giá được chúng. Thậm chí bạn sẽ không thể nào hiểu rằng chúng là chìa khoá.
Cho nên dần dần tất cả những người đã được điểm đạo thành sannyasin sẽ phải sẵn sàng để đi vào trong cái bất hợp lí. Sự tồn tại là như vậy, nó không trả lời cho câu hỏi. Cuộc sống là như vậy, nó không đưa ra lời giải thích. Nó là vậy. Và tất cả những câu hỏi của chúng ta và tất cả những câu trả lời của chúng ta cũng chỉ là những điều dối trá. Thậm chí câu trả lời khoa học cũng là lừa dối, vì chúng chưa bao giờ thực sự trả lời cho cái gì. Chúng chỉ đẩy câu hỏi lùi lại một bước. Bạn trở nên mệt mỏi, cho nên bạn không hỏi.
Không câu hỏi nào là trả lời được qua câu trả lời. Qua việc nhảy vào sự tồn tại mọi câu hỏi mới được giải quyết, không phải qua trí tuệ. Nếu bạn hỏi một nhà khoa học tại sao ô xi và hidro được tổ hợp lại tạo ra nước, ông ta sẽ nói rằng điều ấy chỉ xảy ra, nó là như vậy: "Chúng ta chỉ có thể nói về điều này - rằng nó vừa xảy ra." Nhưng tại sao nó xảy ra? Chẳng ai đi hỏi nhà khoa học tại sao ô xi và hidro có thể tạo ra nước. Tại sao? Tại sao không phải là heli và ô xi? Không có câu trả lời.
Nhà khoa học sẽ nói, "Chúng ta có thể nói cách nó xảy ra, không phải tại sao." Nhưng với tôn giáo chúng ta bao giờ cũng hỏi tại sao. Ngay cả khoa học, vẫn thường tuyên bố mình hợp lí, cũng không thể nào trả lời tại sao. Tôn giáo, chưa bao giờ tuyên bố mình là hợp lí, bao giờ cũng hỏi, "Tại sao?"
Bạn hỏi tôi, "Tại sao đeo tràng hạt này? Tại sao đeo bức ảnh này?" Tôi sẽ nói, "Cứ dùng nó theo cách này đi, và điều này sẽ xảy ra," và câu trả lời của tôi là khoa học nhất có thể được. Tôn giáo chưa bao giờ tuyên bố mình là hợp lí, chỉ tuyên bố mình là bất hợp lí.
Dùng tràng hạt theo cách này: thiền về bức ảnh, thế thì bức ảnh sẽ không có đó. Điều ấy xảy ra như thế. Thế thì bức ảnh thiếu vắng trở thành lối cổng. Qua lối cổng đó bạn trao đổi với tôi. Điều ấy xảy ra như thế. Sau khi tiến hành thiền, bỏ tràng hạt này đi và cảm nhận, thế rồi đặt tràng hạt này lên và cảm nhận, và bạn sẽ thấy khác biệt.
Không có tràng hạt này bạn sẽ cảm thấy hoàn toàn không được bảo vệ, hoàn toàn trong dây cương của một lực có thể là có hại. Với tràng hạt này bên mình bạn sẽ cảm thấy được bảo vệ, bạn sẽ tự tin hơn, định tâm hơn. Chẳng cái gì có thể quấy nhiễu được từ bên ngoài. Nó xảy ra như vậy; bạn sẽ làm thực nghiệm và sẽ biết. Tại sao nó xảy ra thì thậm chí không thể nào trả lời được một cách khoa học. Và về mặt tôn giáo không có vấn đề trả lời. Tôn giáo chưa bao giờ tuyên bố, đó là lí do tại sao biết bao nhiêu nghi lễ tôn giáo trở thành bất hợp lí.
Khi thời gian trôi qua, một nghi lễ rất có ý nghĩa sẽ trở thành vô nghĩa, vì chìa khoá đã mất và không ai có thể nói tại sao nghi lễ này lại tồn tại. Thế thì nó trở thành nghi lễ chết. Bạn không thể làm bất kì cái gì với nó. Bạn có thể thực hiện nó, nhưng chìa khoá đã mất. Chẳng hạn, bạn có thể cứ đeo tràng hạt, và nếu bạn không biết rằng bức ảnh trong nó mang một ý nghĩa trao đổi bên trong nào đó, thế thì nó sẽ chỉ là một trọng lượng chết. Thế thì chìa khoá bị mất. Tràng hạt có thể bên bạn, nhưng chìa khoá thì mất. Thế thì ngày nọ hay ngày kia bạn sẽ phải vứt tràng hạt đi vì nó vô ích.
Tràng hạt là một phương sách cho thiền. Nó là chìa khoá. Nhưng điều này sẽ tới chỉ qua kinh nghiệm. Tôi chỉ có thể giúp được bạn hướng tới kinh nghiệm. Và chừng nào nó chưa xảy ra, bạn sẽ vẫn còn chưa biết. Nhưng nó có thể xảy ra, nó dễ xảy ra lắm, nó chẳng khó khăn gì hết cả. Khi tôi còn sống, việc ấy dễ làm sao. Khi tôi không có đó, nó sẽ khó khăn hơn.
Tất cả các bức tượng đã tồn tại trên trái đất này đều đã được dùng như những phương sách như vậy, nhưng bây giờ chúng vô nghĩa. Phật đã tuyên bố rằng không nên làm tượng của ông ấy. Nhưng công việc đã được thực hiện bởi các bức tượng thì vẫn cứ phải được làm. Mặc dầu tượng là vô nghĩa, điều thực là công việc mà có thể được thực hiện qua nó.
Những người theo Mahavira có thể trao đổi với Mahavira thông qua tượng của ông ấy thậm chí cả ngày nay. Cho nên các đệ tử của Phật phải làm gì? Đó là lí do tại sao cây bồ đề lại trở thành quan trọng đến thế; nó đã được dùng thay cho tượng Phật. Năm trăm năm sau Phật vẫn không có tượng ông ấy. Trong các đền thờ phật giáo chỉ có một bức tranh cây bồ đề và hai dấu chân biểu tượng còn được giữ lại, nhưng điều này là đủ. Điều đó vẫn còn tiếp tục. Cây có tại Bodhgaya vẫn trong sự liên tục với cây nguyên thuỷ. Cho nên tận đến bây giờ những người biết chìa khoá đều có thể trao đổi với Phật qua cây bồ đề tại Bodhgaya. Không phải là điều vô nghĩa mà các nhà sư trên toàn thế giới cứ tới Bodhgaya. Nhưng họ phải biết chìa khoá, nếu không thì họ sẽ chỉ tới và toàn bộ vấn đề sẽ chỉ là nghi lễ.
Cho nên đây là chìa khoá - mật chú đặc biệt được tụng theo một cách đặc biệt, được phát âm theo một cách đặc biệt, được nhấn mạnh theo một cách đặc biệt với tần số như thế như thế. Một chiều dài sóng nên được tạo ra, các sóng nên được tạo ra. Thế thì cây bồ đề không chỉ là cây bồ đề; nó trở thành bước chuyển, nó mở ra lối cổng. Thế thì hai mươi nhăm thế kỉ không còn nữa, lỗ hổng thời gian không có đó. Bạn tới đối diện với Phật. Nhưng chìa khoá đã mất. Cho nên điều này rất có thể được nói là thế này: cứ dùng trái tim có lồng ảnh, và bạn sẽ biết nhiều đấy. Tất cả những điều tôi đã nói bạn sẽ biết, và nhiều điều tôi đã không nói bạn cũng sẽ biết nữa.
Osho kính yêu,
Người tìm kiếm tâm linh nghĩa là gì?
Nó có nghĩa hai điều, chủ yếu. Một, đó là cuộc sống như được biết tới ở bên ngoài là không thoả mãn, cuộc sống như nó được biết tới ở bên ngoài là vô nghĩa. Khoảnh khắc người ta trở nên nhận biết về sự kiện này, rằng toàn bộ cuộc sống này chỉ là điều vô nghĩa, thế thì việc tìm kiếm bắt đầu. Đây là phần tiêu cực, nhưng chừng nào phần tiêu cực này còn chưa có đó, phần tích cực không thể nào theo sau được. Tìm kiếm tâm linh có nghĩa đơn thuần là một cảm giác tiêu cực, một cảm giác rằng cuộc sống như nó đang đấy, là vô nghĩa, toàn bộ quá trình này chỉ kết thúc trong cái chết: "Cát bụi trở về với cát bụi." Chẳng cái gì còn lại chắc chắn trong tay người ta cả. Bạn đi qua cuộc sống với nỗi đau như thế, với địa ngục như thế, và chắc chắn chẳng có gì đạt được cả.
Đây là phần tiêu cực của việc tìm kiếm tâm linh, và toàn bộ cuộc đời giúp bạn hướng về điều đó. Phần này - cái tiêu cực này, cái thất vọng này, nỗi đau khổ này - là phần mà thế giới đang làm. Một khi bạn trở nên thực sự nhận biết về sự kiện này của cái vô nghĩa của cuộc sống như nó đang tồn tại, thế thì việc tìm kiếm của bạn thông thường bắt đầu, vì với một cuộc sống vô nghĩa bạn không thể cảm thấy thoải mái được. Với một cuộc sống vô nghĩa thì vực thẳm được tạo ra giữa bạn và tất cả những cái là cuộc sống. Lỗ hổng không cầu nối lớn lên, trở thành ngày càng rộng mãi ra. Bạn cảm thấy bị mất neo. Thế thì việc tìm kiếm cái gì đó có nghĩa, phúc lạc, bắt đầu. Đó là phần kia, phần tích cực.
Việc tìm kiếm tâm linh nghĩa là chịu chấp nhận thực tế hiện tại, không chấp nhận phóng chiếu mơ. Toàn bộ cuộc đời chúng ta chỉ là phóng chiếu, phóng chiếu giấc mơ của chúng ta. Đấy không phải là để biết cái gì đang có, đấy là để đạt tới cái được mong muốn. Bạn có thể lấy từ 'ham muốn' làm biểu tượng cho cái gọi là cuộc sống của chúng ta - nó chỉ là phóng chiếu theo ham muốn. Cho nên chúng ta cứ ham muốn, và cuộc sống cứ sẽ mang thất vọng, vì nó là như nó vẫn thế. Nó không thể như bạn muốn nó thế. Bạn sẽ bị vỡ mộng. Đấy không phải là thực tại đối nghịch với bạn, mà là bạn không hài hoà với thực tại, chỉ hài hoà với tất cả các giấc mơ của bạn. Giấc mơ của bạn sẽ tan tành, vỡ mộng. Cho nên khi bạn đang mơ, mọi thứ đều ổn cả. Khi bất kì một giấc mơ nào được đạt tới, mọi thứ đều trở thành vỡ mộng.
Việc tìm kiếm tâm linh có nghĩa là biết tới phần tiêu cực này: rằng ham muốn là nguyên nhân gốc rễ của thất vọng. Ham muốn là tạo ra địa ngục, theo ý muốn riêng của ai đó. Ham muốn là thế giới. Là phàm nhân có nghĩa là ham muốn và cứ ham muốn mãi, chẳng bao giờ nhận biết rằng mỗi ham muốn đều chẳng đưa tới cái gì ngoài nỗi thất vọng. Một khi bạn trở nên nhận biết về điều này, thế thì bạn không ham muốn, hay ham muốn duy nhất của bạn chỉ là biết cái gì đang đấy.
Tôi không phóng chiếu bản thân mình nhưng biết cái có đấy. Không phải là tôi phải theo cách này hay thực tại phải theo cách kia, nhưng chỉ thế này - rằng dù thực tại có thể là bất kì cái gì, tôi vẫn muốn biết nó, lột trần nó như nó hiện thế. Tôi không nên phóng chiếu. Tôi không nên đi vào. Tôi muốn đọ sức với nó như nó vẫn thế.
Việc tìm kiếm tâm linh tích cực nghĩa là đọ sức với sự tồn tại như nó hiện thế mà không có ham muốn nào. Khoảnh khắc không có ham muốn, cơ chế phóng chiếu sẽ không có đó để vận hành, thế thì bạn có thể thấy cái gì đang đấy. 'Cái gì đang đấy' này - cái đang diễn ra - một khi được biết tới, sẽ cho bạn tất cả.
Ham muốn bao giờ cũng hứa hẹn mà chẳng cho lại gì. Ham muốn bao giờ cũng hứa hẹn phúc lạc, cực lạc, nhưng cuối cùng chẳng bao giờ tới cả, và mỗi ham muốn chỉ kết thúc trong nhiều ham muốn hơn. Mỗi ham muốn chỉ tạo ra trong chỗ nó nhiều ham muốn hơn, lại còn lớn hơn, tất nhiên, nhưng đến cuối cùng, lại còn thất vọng hơn.
Tâm trí vô ham muốn là một tâm trí trong việc tìm kiếm tâm linh. Người tìm kiếm tâm linh là người hoàn toàn nhận biết về cái vô nghĩa của ham muốn và sẵn sàng biết cái đang đấy. Một khi người ta đã sẵn sàng để biết cái đang đấy, thực tại bao giờ cũng ngay ở góc kia, ngay góc kia thôi. Nhưng bạn chẳng bao giờ ở đấy cả, bạn đang trong ham muốn, trong tương lai. Thực tại thì bao giờ cũng trong hiện tại - ở đây và bây giờ - còn bạn lại chẳng bao giờ trong hiện tại cả. Bạn bao giờ cũng trong tương lai, trong ham muốn của mình, trong giấc mơ của mình. Trong giấc mơ, trong ham muốn, chúng ta ngủ cả. Còn thực tại thì ở đây và bây giờ.
Một khi giấc ngủ này bị phá vỡ, giấc mơ bị phá vỡ và bạn trở nên thức tỉnh với thực tại đang có ở đây và bây giờ, chỉ trong hiện tại. Bạn được tái sinh. Bạn đi tới cực lạc, tới mãn nguyện, tới tất cả những cái mà bao giờ cũng được ham muốn mà chẳng bao giờ được đạt tới. Việc tìm kiếm tâm linh là ở đây và bây giờ, và bạn chỉ có thể ở đây và bây giờ khi không có tâm trí ham muốn; nếu không, tâm trí ham muốn sẽ tạo ra vẩn vơ. Giống hệt con lắc, tâm trí hoặc đi vào quá khứ, vào kí ức, hoặc đi vào tương lai, trong ham muốn, trong mộng mơ. Nhưng nó chẳng bao giờ ở đây và bây giờ, nó bao giờ cũng bỏ lỡ vấn đề ở đây và bây giờ. Nó chỉ đi vào một cực điểm, vào quá khứ, hay vào cực điểm kia, vào tương lai. Chúng ta bỏ lỡ thực tại giữa những điều vẩn vơ này trong quá khứ và tương lai.
Thực tại là ở đây và bây giờ. Nó chưa bao giờ là quá khứ và chưa bao giờ là tương lai; nó bao giờ cũng trong hiện tại. Bây giờ là khoảnh khắc duy nhất. Bây giờ là thời điểm duy nhất. Nó chẳng bao giờ đi qua. Bây giờ là vĩnh hằng. Nó bao giờ cũng ở đây, nhưng chúng ta không ở đây. Cho nên là người tìm kiếm tâm linh nghĩa là ở đây. Bạn có thể gọi nó là thiền, bạn có thể gọi nó là yoga, bạn có thể gọi nó là cầu nguyện. Bất kì tên nào được trao cho nó cũng chẳng có gì khác biệt, tâm trí phải không có đó. Và tâm trí chỉ tồn tại khi có quá khứ hay tương lai, nếu không thì không có tâm trí.
Tôi mới nói với ai đó hôm qua. Bạn không thể nghĩ trong hiện tại, tôi đã bảo người đó. Khoảnh khắc bạn nghĩ, nó trở thành quá khứ. Cho nên tâm trí không thể nào tồn tại trong hiện tại được. Nó chỉ tồn tại trong kí ức về quá khứ, hay nó phóng chiếu vào tương lai. Nó chưa bao giờ tới trong tiếp xúc với hiện tại - nó không thể tới được, điều đó là không thể được. Cho nên nếu không có suy nghĩ thì không có tâm trí. Vô trí này là thiền. Thế thì bạn ở đây và bây giờ. Thế thì bạn bùng nổ trong thực tại. Thế thì thực tại bùng nổ trong bạn.
Tìm kiếm tâm linh không phải là tìm moksha, cứu rỗi sau cái chết. Lần nữa, đấy là ham muốn, thậm chí còn thèm khát hơn ham muốn của cải, ham muốn danh vọng, ham muốn quyền lực. Ham muốn moksha thậm chí còn thèm khát hơn, vì nó còn vượt ra sau cái chết.
Tìm kiếm tâm linh không phải là tìm kiếm Thượng đế, vì lần nữa đấy lại là thèm khát. Nếu bạn đang tìm kiếm Thượng đế, thế thì lần nữa tâm trí bạn lại thèm khát. Bạn phải tìm kiếm Thượng đế về cái gì đó. Tuy nhiên sâu bên trong và còn chưa hiểu được với bạn và còn vô ý thức với bạn, bạn phải tìm kiếm Thượng đế về điều gì đó. Nhưng tôi không ngụ ý qua điều này rằng khi việc tìm kiếm tâm linh đi tới mãn nguyện, thì không có Thượng đế. Tôi không nói rằng khi bạn đã tới thiền và tâm trí không có đó, moksha không có. Moksha vẫn có đó. Bạn có giải thoát nhưng đấy không phải là ham muốn của bạn. Nó chỉ là hậu quả của việc biết thực tại như nó vẫn đấy.
Thượng đế có đó, nhưng lại không có bởi ham muốn của bạn. Ngài là thực tại. Cho nên khi bạn biết thực tại thì bạn biết đó là điều thiêng liêng. Thực tại là điều thiêng liêng. Nhưng việc tìm kiếm thì không phải là về Thượng đế hay moksha hay phúc lạc, vì bất kì khi nào có ham muốn, bạn sẽ phóng chiếu lần nữa vào tương lai. Việc tìm kiếm tâm linh là làm vỡ mộng về tương lai và vẫn còn lại trong hiện tại, đang trong hiện tại, sẵn sàng đương đầu với bất kì cái gì tới ở đây và bây giờ. Điều thiêng liêng bùng nổ, tự do tới, nhưng đây không phải là đối tượng của bạn. Chúng là hậu quả, là hình bóng của việc hiểu cái thực.
Cho nên trước hết nhận biết về toàn bộ quá trình của cuộc sống là thất vọng đi. Không một ảo tưởng nào nên có đó, nếu không thì bạn sẽ bị cột chặt vào nó. Đi sâu vào trong từng chứng nghiệm của cuộc sống. Đừng trốn thoát khỏi nó. Biết nó sâu sắc đến mức bạn biết cả vỡ mộng về nó. Đừng trốn chạy; đừng từ bỏ. Chỉ thế thì phần này mới hoàn tất, và bạn có thể cất bước nhảy vào trong cái ở đây và bây giờ.
Nếu bạn đã trở nên nhận biết rằng tương lai là nguyên nhân gốc rễ của tất cả những cái vô nghĩa mà tâm trí con người tạo ra, thế thì bạn đã tiến được một bước cơ bản; bạn đã di chuyển. Bây giờ bạn có thể sẵn sàng nhận biết cái đang đấy. Trong phần thứ nhất, phần tiêu cực, cuộc sống giúp nhiều lắm. Cho nên đi tới mọi chứng nghiệm, tới mọi ham muốn đi; biết nó đi. Đừng bao giờ từ bỏ khi chưa chín muồi.
Điều này xảy ra: bạn không thực sự thất vọng với cuộc sống, nhưng bạn đã trở nên thèm khát những hứa hẹn tôn giáo. Bạn đã không biết rằng cuộc sống là điều thiêng liêng, nhưng bạn đã trở nên bị say mê với các thiên đường tôn giáo. Thế thì mọi thứ sẽ khó khăn, vì bạn vẫn chưa đi qua phần thứ nhất. Phần thứ hai sẽ rất khó khăn.
Cho nên đi qua phần thứ nhất và phần thứ hai sẽ rất dễ dàng. Phần thứ hai chỉ khó khi phần thứ nhất chưa được đi qua hoàn toàn. Thế thì bạn hỏi, "Làm sao thiền?" Thế thì bạn nói, "Tâm trí cứ vận hành." Thế thì bạn nói, "Quá trình suy nghĩ vẫn cứ tiếp tục. Nó không thể nào dừng lại được. Làm sao dừng nó lại được?" Ham muốn vẫn còn có đó, cho nên ham muốn sẽ cứ tạo ra suy nghĩ. Phần thứ nhất vẫn còn chưa được hoàn tất.
Người tìm kiếm tâm linh chín muồi là người đã đi mà không sợ hãi gì trong cuộc sống, và biết mọi xó xỉnh. Người đó biết nó nhiều đến mức chẳng cái gì còn lại mà không được biết cả. Thế thì thiền là dễ dàng, vì không có ai tạo ra suy nghĩ, không có ai tạo ra ham muốn. Chỉ bằng việc hô lên Hu! là bạn đã trong hiện tại. Bất kì một phương sách đơn giản nào cũng làm cho bạn tĩnh lặng lại. Chiếc thiền trượng của các thiền sư vừa đưa lên là bạn đã trong hiện tại. Thậm chí một phương sách đơn giản đến thế cũng có ích nếu phần thứ nhất được hoàn thành.
Một hôm thiền sư Rinzai đang nói trong một ngôi đền. Ông ấy đã đi vào trong buổi lễ nhưng ai đó vẫn còn quấy rối ông ấy ở đó. Cho nên Rinzai dừng lại và hỏi, "Việc gì thế?" Người ấy đứng dậy và nói, "Linh hồn là gì?" Rinzai cần chiếc thiền trượng và yêu cầu mọi người tránh đường cho ông. Người kia bắt đầu run rẩy. Người đó chưa bao giờ trông đợi rằng điều như thế lại là câu trả lời.
Rinzai tới chỗ người đó, túm lấy cổ người đó bằng cả hai tay và siết chặt. Mắt người này lồi ra. Ông cứ tiếp tục bóp và hỏi, "Anh là ai? Nhắm mắt lại!" Người này nhắm mắt lại. Rinzai lại tiếp tục hỏi, "Anh là ai?" Người này mở mắt ra và cười rồi cúi lậy. Người đó nói, "Tôi biết thầy đã thực sự trả lời linh hồn là gì!"
Một phương sách đơn giản đến thế! Nhưng người này đã sẵn sàng. Ai đó hỏi Rinzai, "Thầy có làm cùng việc ấy khi bất kì ai hỏi không?" Ông ấy nói, "Người đó đã sẵn sàng. Người đó không hỏi chỉ vì câu hỏi, người đó đã sẵn sàng. Phần thứ nhất đã hoàn thành; người đó đã thực sự hỏi. Đây là câu hỏi sống chết cho người đó: 'Linh hồn là gì?' Phần thứ nhất đã hoàn toàn được đáp ứng. Người đó đã vỡ mộng hoàn toàn về cuộc sống, và người đó đang hỏi, 'Linh hồn là gì?' Cuộc sống này đã chứng tỏ chỉ là cái chết cho người đó; bây giờ người đó đang hỏi, 'Cuộc sống là gì?' Cho nên không một câu trả lời nào từ tôi còn có nghĩa cả. Ta đã giúp người đó chỉ vẫn đứng tĩnh lặng trong hiện tại."
Tất nhiên, khi ai đó đang bóp cổ bạn, ngấp nghé giết chết bạn, bạn không thể có trong tương lai, bạn không thể có trong quá khứ. Bạn sẽ ở đây và bây giờ. Điều nguy hiểm là bỏ lỡ khoảnh khắc này. Nếu bạn chỉ nói với người như thế, "Đi sâu nữa và biết bạn là ai," thì người này trở nên được biến đổi. Người đó đi vào trong samadhi; người đó đứng tĩnh lặng trong khoảnh khắc đó.
Nếu bạn đang trong hiện tại, thậm chí chỉ một khoảnh khắc, bạn đã biết, bạn đã gặp, và bạn sẽ chẳng bao giờ có thể mất dấu vết được nữa.
Cảm giác tâm linh là để biết cái đang đấy - cái gì là tất cả cái này. Không phải là, cái này. Cái gì là tất cả cái này - cái này tôi nói, cái này bạn nghe, cái toàn thể này? Cái này là cái gì? Cứ đứng đấy, chìm sâu vào cái này. Để cho nó mở ra cho bạn, và để cho bản thân bạn mở ra cho nó. Thế thì có gặp gỡ. Gặp gỡ đó là việc tìm kiếm.
Gặp gỡ đó là toàn bộ tìm kiếm. Đó là lí do tại sao chúng ta đã gọi nó là yoga. Yoga có nghĩa là gặp gỡ. Chính từ yoga mang nghĩa gặp gỡ - nối lại, trở thành một lần nữa. Nhưng cái gọi là những người tìm kiếm tâm linh chẳng tìm kiếm bất kì cái tâm linh nào cả. Họ chỉ phóng chiếu ham muốn của mình theo chiều mới. Và không ham muốn nào có thể được phóng chiếu theo chiều hướng tâm linh này, vì chiều hướng tâm linh này chỉ mở ra cho những người không ham muốn. Cho nên những người ham cứ tiếp tục tạo ra những ảo tưởng mới, giấc mơ mới.
Trước hết biết rằng ham muốn chỉ là việc chạy đuổi và đạt tới chỗ không đâu cả. Thế rồi đứng tĩnh lặng lại và biết cái gì đang đấy. Mọi thứ đều cởi mở. Chỉ chúng ta là đóng lại trong ham muốn của mình. Toàn bộ sự tồn tại là cởi mở. Tất cả mọi cánh cửa đều mở, nhưng chúng ta đang chạy với tốc độ mà ta không thể thấy được. Và chúng ta càng trở nên thất vọng, chúng ta càng tăng tốc độ, vì tâm trí nói, "Đằng ấy chạy vẫn chưa đủ nhanh. Đấy là lí do tại sao đằng ấy chưa tới. Cho nên phải chạy nhanh hơn. Những người chạy nhanh hơn họ đang tới." Và cứ hỏi những người chạy nhanh hơn mà xem. Tâm trí họ đang nói cùng điều ấy, "Phải chạy nhanh hơn. Những người đã chạy họ đều đang tới."
Chẳng ai tới được cả, nhưng bao giờ ai đó cũng ở phía trước bạn và ai đó tụt lại sau bạn. Bạn đã đi lên trước ai đó, nhưng dù bạn ở đâu, ai đó vẫn cứ ở trước bạn. Sao vậy? Vì ham muốn chạy theo vòng tròn. Chúng ta đang chạy trong vòng tròn. Cho nên nếu bạn chạy rất nhanh, thậm chí người đang ở sau lại có thể ở phía trước bạn. Vì chúng ta đang chạy trong vòng tròn, ai đó bao giờ cũng ở phía trước, và cảm giác sẽ có đó rằng bạn chưa chạy đủ nhanh, rằng ai đó khác đang đạt tới còn bạn thì đang thua.
Chúng ta trên mảnh đất này đều biết tới bao nhiêu chân lí. Chúng ta gọi thế giới này là samsara, luân hồi. Luân hồi có nghĩa là bánh xe - không chỉ bạn đang chạy, mà bản thân bánh xe cũng đang chạy. Nó không phải là một vòng tròn tĩnh tại. Cho dù bạn đứng lại, bánh xe vẫn cứ chạy. Cho nên người ta phải không chỉ dừng lại, mà còn phải bước ra khỏi bánh xe.
Việc bước ra này là sannyas. Việc dừng lại vẫn chưa đủ. Bạn phải bước ra khỏi bánh xe, bởi vì cho dù bạn không chạy, bánh xe vẫn cứ quay. Và nó là bánh xe lớn thế, với lực lớn đến nỗi bạn sẽ vẫn cứ chạy cho dù là bạn đang đứng tại một chỗ. Bước ra có nghĩa là sannyas - không chỉ dừng chạy mà còn bước ra. Đừng ở trên bánh xe. Bước ra khỏi đường mòn đi. Chứng kiến nó. Chỉ thế thì bạn mới biết bánh xe này được làm bằng gì, tại sao nó cứ chạy ngay cả khi bạn không chạy.
Bánh xe này được tạo ra bởi vô vàn ham muốn, bởi tất cả mọi ham muốn đã từng tồn tại, đang có trong sự tồn tại ngày nay - tất cả ham muốn của tất cả mọi người, của tất cả những con người đã từng tồn tại. Bạn sẽ chết, nhưng ham muốn của bạn đã tạo ra những lớp sóng sẽ còn tiếp tục. Bạn sẽ không có đây, nhưng ham muốn của bạn đã tạo ra những gợn sóng. Bạn sẽ không có đây, nhưng tôi đã nói điều gì đó; những lời này, những âm này, sẽ cứ tiếp tục rung động vô hạn.
Dù bạn ham muốn bất kì cái gì - được mãn nguyện, không mãn nguyện, cũng chẳng có gì khác biệt cả - khoảnh khắc ham muốn tới trong tâm trí bạn, trong tim bạn, là bạn đã tạo ra những gợn sóng, lớp sóng. Chúng sẽ tiếp tục. Bánh xe này, luân hồi này, được thiết lập nên từ tất cả những ham muốn mà đã từng tồn tại và tất cả những ham muốn đang trong sự tồn tại. Đây là lực lớn lắm, của tất cả những người đã chết và người đang sống, lớn đến mức bạn không thể nào đứng tĩnh lặng được. Chúng sẽ xô đẩy bạn, bạn phải chạy.
Cũng hệt như đám đông. Khi toàn bộ đám đông đang chạy, bạn không thể nào đứng im được. Bạn bị xô đẩy phải chạy. Bạn an toàn nếu bạn đang chạy; nếu bạn không chạy bạn sẽ bị giết chết. Không phải là năng lượng của bạn là cần cho việc chạy. Nếu bạn không nỗ lực, đám đông sẽ xô đẩy bạn. Đây là bánh xe - bánh xe của ham muốn. Bạn phải đã thấy bức tranh Tây Tạng về bánh xe này. Nó được vẽ đẹp làm sao - toàn bộ bánh xe ham muốn.
Việc bước ra khỏi bánh xe là sannyas. Bạn chỉ bước ra khỏi đám đông. Bạn chỉ bước ra thôi. Bạn chỉ ngồi bên cạnh đường, bạn nói tạm biệt. Chỉ thế thì bạn mới biết hiện tượng bánh xe là gì. Chỉ thế thì bạn mới biết rằng một số người đang chạy trong vòng tròn, họ sẽ vượt qua bạn nhiều lần lắm - thế thì bạn biết rằng đây là bánh xe.
Một Phật, một Mahavira, cũng có thể gọi thế giới này là luân hồi, là bánh xe, vì họ đã biết rằng nó là bánh xe khi họ bước sang bên. Không phải là bạn đang chạy trong một đường thẳng, nó là vòng tròn - lặp lại cùng ham muốn, cùng ngày, cùng đêm, cùng vỡ mộng - và cứ thế trong cơn xoáy lốc. Bị đẩy từ sau, bị kéo từ trước, bạn cứ thế tiếp tiễn.
Sannyas nghĩa là bước sang bên, bước ra. Đây là phần thứ hai của sannyas. Sannyas có hai phần. Phần thứ nhất là biết cái thất vọng, biết cái đau khổ. Đây là điều mầu nhiệm: một khi bạn biết rằng thế giới là đau khổ, thế giới là thất vọng, bạn không thất vọng chút nào. Thất vọng tới vì bạn nghĩ thế giới là không làm thất vọng. Đau khổ tới là vì bạn hi vọng ngay cả khi bạn biết là nó vô vọng. Hi vọng đó là vô nghĩa. Khi bạn biết điều này, thế thì bạn không cảm thấy vô vọng chút nào nữa. Thế thì không cần phải cảm thấy như vậy. Thế thì chẳng có gì để mà cảm thấy vô vọng cả. - có điều không hi vọng.
Đó là lí do tại sao người ta không thể hiểu được Phật giáo. Tâm trí phương Tây chỉ diễn giải nó như bi quan. Đó chỉ là ý kiến sai lầm tự nhiên. Phật giáo không bi quan. Nhưng với tâm trí phương Tây nó dường như bi quan, vì việc nói rằng thế giới là việc làm thất vọng, thế giới là dukkha - khổ. Điều này làm cho bạn bi quan. Nhưng điều này không phải thế. Thế gian chưa từng biết tới một người hạnh phúc thế, phúc lạc thế như Phật, hay nó mới biết rất ít người như vậy. Ông ấy không bi quan chút nào. Cho nên điều bí mật là cái gì? Bí mật là thế này: nếu bạn biết thế giới này là dukkha, thế thì bạn không trông đợi điều gì ngoại trừ dukkha. Trông đợi chỉ tạo ra bi quan. Khi không có trông đợi, thế thì không cần phải trong khổ. Một khi cuộc sống được biết như phép mầu, bạn sẽ chẳng bao giờ trong khổ cả, bạn sẽ ra ngoài nó.
Cho nên sannyasin không phải là người thất vọng. Sannyasin là người đã biết thế giới như việc gây ra thất vọng. Người đó không thất vọng, người đó nhiều nhất cũng chỉ thấy dễ dàng. Không cái gì làm người đó thất vọng. Mọi thứ xảy ra, người đó biết nó xảy ra như vậy. Ngay cả cái chết cũng không đau khổ đối với người đó, vì cái chết là điều chắc chắn.
Một khi bạn biết bản chất của bánh xe xoay tít này - của thế gian này, của cái gọi là cuộc sống này, của cái vòng luẩn quẩn lặp lại này - thế thì bạn sẽ trở thành người im lặng và phúc lạc. Bây giờ bạn không hi vọng, cho nên không có cảm giác về vô hi vọng. Bạn thấy dễ dàng, bình tĩnh. Bạn càng cảm thấy dễ dàng, bạn càng cảm thấy bình tĩnh. Bạn càng trong khoảnh khắc này thì bạn càng không vẩn vơ, càng tĩnh lặng.
Trong chính khoảnh khắc này, ở đây và bây giờ, tất cả mọi điều đều được biết tới và được hiểu - moksha, Thượng đế, thực tại - trong khoảnh khắc này. Cho nên theo một cách nào đó, tìm kiếm tâm linh không phải là về cái gì đó. Nó không phải là về đối tượng nào đó. Nó là việc biết cái đang đấy, và việc biết này xảy tới một khi bạn đang trong khoảnh khắc này.
Ở trong khoảnh khắc này là cánh cửa bí mật, hay bạn có thể nói bí mật để mở. Ở trong khoảnh khắc này là bí mật để hiện hữu.
Xem tiếp Chương 4 – Quay về Mục lục