Chương 3. Kỳ diệu trong những kỳ diệu

Chương 3. Kỳ diệu trong những kỳ diệu

Price:

Read more

Osho - Hạt Cải Trời
Chương 3. Kỳ diệu trong những kỳ diệu

Chúa Giê-Su nói:
Ta đến giữa thế gian, và mặc lấy xác thịt mà đến với con người.
Ta thấy tất cả đều say, và không một ai khát.
Và linh hồn ta buồn rầu cho con người, vì con tim họ mù quáng và không biết rằng trắng tay họ đã đến với thế gian này, và trắng tay họ sẽ từ biệt thế gian. Nhưng giờ này họ còn đang say. Và khi hết men say họ sẽ hối hận.
Chúa Giê-Su nói:
Nếu xác thịt có vì linh hồn, đó là một kỳ diệu; nhưng nếu linh hồn có vì thể xác, đó là một kỳ diệu trong những kỳ diệu.
Nhưng ta kinh ngạc là tại sao sự kỳ diệu ấy lại xuất hiện giữa những ô uế này.
Chúa Giê-Su, Đức Phật, hay bất kỳ vị giác ngộ nào, đều cho rằng bạn đang say. Say có nhiều loại, nhưng cũng là say. Bạn không cảnh giác, không tỉnh thức; bạn chỉ nghĩ rằng bạn cảnh giác và tỉnh thức. Bạn ngủ say từ lúc sinh ra đến lúc chết.
Gurdjieff thường kể một chuyện nhỏ. Có một người nuôi hàng ngàn con dê; chúng thường đi lạc và bị dã thú ăn thịt. Vì vậy ông ta tìm đến một vị thông thái để hỏi ý. Vị này khuyên ông ta nuôi một bầy chó để canh. Ông ta nuôi bầy chó đến cả trăm con; chúng không để một con dê nào rời khỏi chuồng, mà con nào thoát ra sẽ bị chúng cắn chết.
Dần dần bầy chó ấy trở nên ghiền cắn giết, đến nỗi chúng bắt đầu tàn sát bầy dê – chúng trở nên nguy hiểm. Vì vậy ông ta lại tìm đến vị thông thái kia hỏi kế. “Vấn đề trở nên nguy hiểm; thay vì bảo vệ dê, chúng lại tàn sát.” Xưa nay đều vậy – hãy nhìn đám chính trị gia của bạn: họ là người bảo vệ, là bầy chó canh, nhưng một khi có quyền trong tay, họ thành đồ tể. Vị thông thái nói, “Chỉ còn một cách duy nhất. Tôi sẽ đến đó.” Vị ấy đến, thôi miên cả bầy dê và nói với chúng. “Mày hoàn toàn tỉnh thức, cảnh giác, và tự do. Không ai là chủ mày hết.” Từ đó bầy dê bị thôi miên, và không một con nào trốn đi, bởi vì chúng nghĩ rằng đây không phải là nhà tù, và chúng tin tưởng rằng chúng là chủ của chính chúng. Thậm chí nếu con nào bị chủ giết chết, chúng sẽ nghĩ, “Số nó xui rồi, không phải tôi. Không ai có thể giết tôi. Linh hồn tôi bất tử, và tôi hoàn toàn tự do. Vì vậy chẳng cần phải trốn thoát.” Không cần đến bầy chó nữa. Người chủ ung dung, bởi vì bầy dê đã bị thôi miên, chúng sống trong trạng thái nửa mê, nửa tỉnh. Và đó là trạng thái của bạn – trạng thái mà Chúa thấy bạn, mà tôi thấy bạn. Nhưng chẳng ai thôi miên bạn cả - đó là tự thôi miên. Bạn vừa là vị thông thái đã thôi miên bầy dê, vừa là con dê đã bị thôi miên - bạn tự thôi miên chính bạn.
Có phương pháp để tự thôi miên bạn: nếu bạn nghĩ liên tục về một ý tưởng nào đó, bạn sẽ bị nó thôi miên. Nếu bạn nhìn liên tục một vật gì đó, bạn sẽ bị nó thôi miên. Nếu bạn suy tư về điều gì đó, bạn sẽ bị nó thôi miên. Một thi sĩ người Pháp đến thăm Mỹ. Ông ta được đưa đi tham quan ở New York. Hướng dẫn viên dẫn ông ta đến thăm nhà chọc trời Empire State. Nhà thơ bị choáng váng; ông ta nhìn đi nhìn lại rồi nói, “Nó làm tôi liên tưởng đến dục.” Hướng dẫn viên bối rối. Ông ta đã nghe nhiều ý kiến, nhưng ông thần này thật hết thuốc chữa. Có ai nhìn tòa nhà này mà nói nó gợi ý đến dục bao giờ? Vì thế ông ta hỏi, “Xin ông đừng giận và xin cho biết tại sao nó làm ông liên tưởng đến dục?”
Thi sĩ trả lời, “Mọi thứ!”
Nếu bạn liên tục nghĩ đến dục, bạn sẽ bị thôi miên – thế thì đối với bạn, cái gì cũng là dục. Thậm chí nếu bạn đến giáo đường, nó cũng làm bạn nghĩ đến dục. Bạn đi đâu không thành vấn đề, bởi vì bạn mang theo tâm trí, và nó không ngừng thêu dệt quanh bạn. Người bị thôi miên bởi dục, kẻ bởi phú quý, lại có người bởi quyền thế - nhưng ai cũng bị thôi miên. Và chẳng có ai làm cái đó cho bạn – bạn tự thôi miên bạn; đó là việc làm của bạn. Nhưng vì làm việc ấy quá lâu nên bạn quên bẵng đi rằng bạn vừa là phù thủy, vừa là dê.
Một khi nhận thức được rằng, “Ta là phù thủy, và ta là dê,” sự việc sẽ thay đổi, bởi vì tia lửa chuyển hóa đã len vào. Bạn sẽ chẳng còn như trước nữa, bởi vì thôi miên đã bắt đầu hết hiệu nghiệm. Sự gián đoạn đã xảy ra – một chút tỉnh thức đã phát khởi trong bạn.
Bạn có thể có nhiều đối tượng thôi miên khác nhau; hãy tìm cho ra đối tượng nào hấp dẫn bạn nhất, cái nào trở thành hấp lực của bạn, và hãy quan sát là bạn bị nó thôi miên thế nào. Lập lại là phương pháp của thôi miên: nhìn vật gì một cách liên tục, hay nghĩ về nó liên tục. Nếu bạn gặp thầy thôi miên, ông ta sẽ nói, “Bạn đang buồn ngủ, buồn ngũ, buồn ngũ.” Ông ta sẽ lập đi lập lại một cách đều đều; chẳng mấy chốc bạn sẽ ngủ say. Ông ta chẳng làm gì hết, ngoại trừ lập lại như vậy. Nghe đi nghe lại sẽ làm bạn thiu thiu ngủ - bạn đã tự thôi miên chính mình.
Hãy nhớ điều này, bởi vì bạn đang liên tục lập lại, và xã hội cũng đang liên tục nhai lại. Toàn bộ kỹ thuật tuyên truyền là lập đi lập lại. Chính trị gia không ngừng lập lại khẩu hiệu gì đó. Họ tiếp tục lập lại, và chẳng cần biết bạn có nghe hay không. Nghe không phải là chủ đích, bởi vì nếu họ lập đi lập lại, dần dần bạn sẽ bị thuyết phục, lôi cuốn; không bằng lôgic, không bằng lý lẽ - họ không bao giờ tranh luận với bạn – mà vì lập lại mà bạn bị thôi miên.
Hitler lập đi lập lại rằng người Do Thái là nguyên nhân của sự đau khổ và suy xụp của Đức: “Một khi người Do Thái bị tiêu diệt, mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Các bạn là chủ nhân ông của cả thế giới; chủng tộc của bạn rất đặc biệt; bạn đến đây để thống trị - chủng tộc của bạn là chủng tộc siêu đẳng.”
Thậm chí bạn của Hitler lúc đầu cũng không tin, mà ngay cả hắn lúc đầu cũng chẳng tin nữa, bởi vì đó là một sự xảo trá rõ ràng. Nhưng hắn cứ tiếp tục; dần dần nhiều người tin theo - họ đã bị thôi miên. Và khi người khác bị thôi miên, hắn cũng bị thôi miên, vì nghĩ rằng nhất định phải có ít nhiều sự thật trong đó: “Khi cả triệu người tin theo, điều đó nhất định phải đúng.” Tiếp đó là bạn bè của hắn tin, rồi họ thôi miên lẫn nhau, rồi cả nước Đức đều tin như vậy.
Một trong những chủng tộc thông minh nhất xử sự một cách ngu xuẩn như vậy. Tại sao? Điều gì đã xảy ra cho tâm trí Đức? Chỉ vì lập lại, tuyên truyền. Hitler viết trong hồi ký của hắn, Mein Kampf (1), rằng biến dối trá thành sự thật là một tiến trình đơn giản: cứ nhai đi nhai lại – và hắn học từ kinh nghiệm bản thân. Nếu bạn lập lại hoài điều gì đó - bạn hút thuốc, hút mỗi ngày - sẽ trở thành thói quen. Rồi, mặc dù biết nó là vô dụng, phù phiếm, ngu xuẩn, và nguy hiểm cho sức khoẻ, bạn cũng bó tay, bởi vì nó đã trở thành tự thôi miên.
Vợ của Mulla Nasrudin đọc cho chồng bài báo chống hút thuốc. Các chuyên gia đều nói rằng hút thuốc thường gây ra ung thư, lao phổi và nhiều bệnh khác. Anh ta nghe xong nói, “Nhảm nhí! Hoàn toàn láo khoét! Và tôi nói cho bà biết, tôi sẽ hút cho đến khi chết thì thôi!” Vợ anh ta lo lắng nói, “Được rồi, ông muốn sao thì muốn. Nhưng sao ông biết được là lúc đó ông sẽ ngừng? Sao ông biết được là khi ông chết ông sẽ bỏ thuốc?”
Thật vậy, nếu bạn bị thôi miên, bạn sẽ không bỏ thuốc. Chết cũng chẳng có gì khác: trong kiếp tới bạn sẽ làm y như vậy, bởi vì kiếp tới bắt đầu ngay tại lúc kiếp trước chấm dứt; nó là một sự liên tục. Vì vậy khi một trẻ nhỏ sinh ra, nó không thực sự phải là một đứa trẻ, nó rất, rất già, rất cổ xưa; nó mang theo tất cả nghiệp chướng và điều kiện hóa từ trước. Nó bắt đầu như một người già – nó đã bị thôi miên rồi. Đó là cái mà người Ấn gọi là samkaras, nghiệp chướng.
Nghiệp là gì? Ý nghĩa thâm sâu của thuyết nghiệp chướng là gì? Nghiệp là phương pháp tự thôi miên. Nếu bạn lập lại một hành động một cách liên tục, bạn sẽ bị nó thôi miên; thế rồi nghiệp ấy, hành động ấy trở thành chủ và bạn là nô lệ. Dục đưa lại cho bạn lợi lộc gì? Bạn được gì hay chỉ là sự lập lại? Nhưng bạn lập lại quá lâu đến nỗi nếu ngừng, bạn sẽ cảm thấy thiếu cái gì đó. Nếu tiếp tục, bạn chẳng được lợi gì. Nếu chẳng lợi lộc gì thì khi ngừng, bạn chẳng cảm thấy thiếu sót gì. Vậy tại sao bạn cảm thấy thiếu? Đó chỉ là thói quen – nghiệp chướng, điều kiện hóa.
Bạn đã lập lại rất nhiều lần; bạn đã bị nó thôi miên. Nó buộc bạn phải lập lại; nó là một sự ám ảnh, một sự câu thúc. Một người ăn liên tục; anh ta biết là không tốt; anh ta khổ sở vì nó, bệnh tật vì nó, nhưng mỗi khi ngồi xuống là kềm không nổi. Nó là một loại nô lệ. Nô lệ đó là gì? Bởi vì anh ta làm điều đó quá lâu nên trở thành thôi miên. Anh ta đã say. Mulla Nasrudin tối khuya mới trở về nhà, khoảng ba giờ sáng. Vợ hắn mở cửa và rất giận dữ. Mulla nói, “Khoan đã! Hãy cho tôi một phút để giải thích, sau đó bà hãy nói. Tôi ngồi với người bạn bệnh nặng.” Vợ anh ta nói, “Khéo bịa chuyện thì thôi! Nhưng anh ấy là ai?” Mulla nghĩ một hồi lâu rồi nói một cách ngạo nghễ, “Nó bệnh nặng đến nỗi không thể nói tên nó được!”
Tâm trí, nếu say, sẽ tìm được đủ lý do, nhưng tất cả đều giả dối, chẳng hạn, “Nó bệnh nặng đến nỗi không thể nói tên nó được.” Bạn sẽ tìm được lý do cho dục, cho thuốc lá, cho sự say mê uy quyền, nhưng không lý do nào đứng vững. Sự thật là bạn không sẵn sàng thừa nhận rằng bạn bị ép buộc, rằng bạn bị ám ảnh, bị thôi miên. Đó là điều Chúa nhận thấy: mọi người đều say sưa và mê sảng.
Bạn không thể nhận ra vì chính bạn đang say ngủ. Trừ khi tỉnh thức, bạn không thể biết những gì đang xảy ra quanh bạn. Toàn thể thế giới đang mộng du. Đó là lý do tại sao có quá nhiều đau khổ, bạo hành, chiến tranh. Điều ấy không cần thiết, nhưng không thể tránh được, và không thể quy trách nhiệm cho những người say sưa và mê sảng. Nếu có người tìm đến với Chúa và hỏi phải làm gì để thay đổi, Ngài có thể nói: bạn không thể làm gì để thay đổi, trừ khi bạn tỉnh thức. Bạn có thể làm được gì? Người đang ngủ say có thể làm gì để thay đổi giấc mơ? Anh ta có thể làm được gì?
Nhiều người đã hỏi Gurdjieff như vậy – mà Gurdjieff là đại diện của Chúa trong kỷ nguyên này – không phải Đức Giáo Hoàng. Gurdjieff là đại diện, bởi vì Ngài tin tưởng và thực hành phương pháp ma sát mà Chúa đã từng làm. Ngài tạo ra đủ loại thánh giá để treo người lên và được chuyển hoá. Gurdjieff cũng thường nói là bạn không thể làm được gì, trừ khi bạn tỉnh thức. Và nếu không tỉnh thức, bạn không hiện diện, bạn chỉ nghĩ rằng bạn tỉnh thức. Tin tưởng chẳng giá trị gì.
Hãy suy tư về những lời này. Chúng rất là thâm thuý, rất sâu sắc, đầy ý nghĩa, và nó có thể làm ánh sáng dẫn đường cho bạn. Hãy nhớ cho kỹ.Chúa Giê-Su nói: Ta đến giữa thế gian, và mặc lấy xác thịt mà đến với con người. Ta thấy tất cả đều say, và không một ai khát. Chúa không bao giờ từ bỏ thế gian. Ngài ở giữa chúng ta. Ngài không thoát ly; Ngài rao giảng ngay giữa đô thị; Ngài ở với đám đông. Ngài dạy cho kỹ nữ, người lao công, nông dân, chài lưới. Ngài không tránh nhân gian; Ngài ở lại với chúng ta. Ngài biết thế gian hơn những người thoát tục. Chẳng trách gì thông điệp của Chúa vô cùng mạnh mẽ. Thông điệp của Mahavira không có sức mạnh ấy, nhưng Chúa hoán cải gần một nữa nhân loại. Sao vậy? – bởi vì Ngài ở lại với thế gian; Ngài hiểu thế gian… lề lối của nó, dân tình, tâm trí. Ngài đi theo chúng, Ngài hiểu rõ cách làm việc của họ – mê sảng, say sưa – và Ngài tìm được cách thức và phương tiện để đánh thức họ.
Đêm cuối cùng khi Chúa bị bắt – hay dàn cảnh để bị bắt – khi vở kịch cuối cùng được dựng lên, có những môn đệ của Ngài đi theo. Chúa nói, “Đêm nay là đêm cuối nên ta sẽ cầu nguyện. Ta sẽ đi cầu nguyện. Các con hãy cố tỉnh thức. Đừng ngủ quên. Ta sẽ trở lại. Đêm nay là đêm cuối của ta. Hãy nhớ nhé!” Ngài bỏ đi. Sau nửa giờ Ngài trở lại. Các môn đệ đã ngủ say. Ngài đánh thức họ dậy và nói, “Các người ngủ như chết. Mà ta đã bảo các người phải canh thức vì đêm nay là đêm cuối của ta. Hãy canh phòng vì ta sẽ không còn ở đây nữa. Sau đó các người có ngủ cũng được. Nhưng ta còn đây… hãy tỉnh thức với ta đêm cuối cùng này!”Các môn đệ nói, “Xin tha lỗi cho chúng con. Chúng con mệt quá và không cưỡng lại được. Nhưng chúng con sẽ cố gắng.”
Chúa lại bỏ đi cầu nguyện. Nửa giờ sau Ngài trở lại và thấy họ đang ngủvùi. Ngài đánh thức họ và hỏi, “Các người lại ngủ nữa ư? Trời đã hừng sáng và ta sắp bị bắt.” Họ nói, “Xin tha lỗi cho chúng con vì xác thịt thì nặng nề mà tinh thần thì yếu đuối. Chúng con nghĩ chỉ ngủ một chút và khi Thầy trở lại chúng con sẽ tỉnh ngủ.” Chúa trở lại lần thứ ba và lại thấy họ đang say ngủ.
Đó là tình huống của mọi môn đệ. Nhiều lần tôi đến với các bạn, và thấy các bạn say ngủ. Mê ngủ đã trở thành bản năng thứ hai. Nhưng say ngủ có nghĩa gì? Nghĩa là bạn chưa biết rõ về mình. Thế thì bạn không thể chịu trách nhiệm về những hành động của mình. Bạn điên rồ, và bạn hành sự như người say.
Mulla Nasrudin bị bắt về tội hôn ẩu một người lạ. Khi ra khỏi tòa hắn nói với bạn, “Thật là nhục nhã. Ông tòa phạt tôi năm chục đồng về tội đó. Nhưng sau khi nhìn kỹ bà ấy, ông ta phạt tôi thêm năm chục đồng nữa vì tội say!” – Bởi vì bà ta xấu quá, mà chỉ người say mới dám hôn. Bạn đã và đang hôn những cái xấu xa nhất, chỉ vì bạn đang say và mê sảng. Bạn có bao giờ suy tư về những cái đang ám ảnh bạn chưa? Xấu xa nhường nào! Bạn thấy gì xấu xa hơn quyền lực không? Bạn đã gặp người nào xấu xa hơn Hitler, Napoleon, Alexander chưa? Họ là những người thành công và quyền thế nhất đời. Nhưng bạn thấy ai xấu xa hơn họ không? Không gì xấu xa hơn quyền lực, nhưng ai cũng muốn thống trị người khác. Bạn thấy gì xấu xa hơn tiền của không? Nó xấu xa, không đẹp đẽ vì nhờ bóc lột mà có; nó xây trên xương máu, sự chết, và nhiều người bị tước đoạt hết điều kiện sống… chỉ để trương mục của bạn tăng lên mãi. Không có gì xấu xa hơn nữa, nhưng người nào cũng nhắm mắt mà làm giầu. Trong ngày phán xét cuối cùng bạn sẽ bị phạt năm chục đồng. Và khi Thượng Đế xét những gì bạn đã hôn, bạn sẽ bị phạt năm mươi đồng nữa vì bạn đang say.
Chúa Giê-Su nói:
Ta đến giữa thế gian, và mặc lấy xác thịt mà đến với con người.
Ngài không xuất hiện trong tinh thần. Thánh nhân đời trước không ngớt đến với bạn trong tinh thần. Đức Phật vẫn đến với bạn, nhưng trong tinh thần. Mà nếu không nhận ra người trong xác phàm, sao bạn có thể nhận ra Ngài? Ngay trong thế kỷ hai mươi này bà H. P. Blavatsky (2) đã khám phá – hay tái phát hiện - sự hiện diện của các thánh nhân liên tục xuất hiện trong tinh thần để giúp đỡ con người trên đường đạo, mà chẳng ai tin (3). Bà bị cho là điên, và người người đều hỏi, “Chứng cớ đâu?” Một trong những đóng góp quan trọng của Thông Thiên Học là sự tái phát hiện những thánh nhân; bất kỳ người nào đã giác ngộ đều ở lại với thế giới, bởi vì chẳng có chỗ nào khác để đi cả. Chỉ có một hiện sinh này thôi. Nên người ấy ở lại trong tinh thần để giúp đỡ tha nhân, và đó là bản chất của người ấy – đó là hạnh nguyện của người ấy.
Tựa như ánh sáng. Nó liên tục soi sáng mọi vật chung quanh. Thậm chí trên đường vắng không có người qua lại, nó vẫn chiếu sáng, vì đó là tính của nó. Nếu có người đến gần, nó sẽ chiếu sáng và dẫn đường. Không hẳn là nó phải làm gì - chỉ vì đó là tánh tự nhiên của nó. Khi một người trở thành chứng ngộ, người ấy thành ánh sáng dẫn đường. Nhưng nếu không nhận ra người dẫn đường trong thể phách, bạn sẽ không nhận ra người ấy trong tinh thần.
Chúa nói: Ta đến giữa thế gian, và mặc lấy xác thịt mà đến với con người … nghĩa là họ có thể nghe được ta, thấy được ta, cảm thấy được ta, nhưng họ vẫn không nhận ra. Họ không nhận ra bởi vì… Ta thấy tất cả đều say. Họ có xác nhưng không có hồn, không ý thức gì cả. Ta đến gõ cửa, nhưng nhà họ vắng người.
Nếu Chúa đến gõ cửa nhà bạn, bạn có ở đó để đón Ngài không? Bạn đi mất tiêu; bạn vắng nhà. Bạn lang thang khắp nơi, trừ nhà của bạn. Nhà bạn ở đâu? Bên trong, tại trung tâm tâm thức của bạn, là nhà bạn. Bạn chưa bao giờ đến đó, bởi vì bạn chỉ đến đó khi đi sâu trong tĩnh tâm. Và trong tĩnh tâm, bạn sẽ nhận ra Chúa ngay lập tức – dù trong thể phách, hoặc là tinh anh cũng chẳng khác nhau. Nếu có ở nhà, bạn sẽ nhận ra tiếng gõ cửa. Nhưng nếu bạn vắng mặt, Ngài có thể làm được gì? Chúa sẽ gõ cửa mà bạn không có mặt. Đó là ý nghĩa của từ “say sưa” của Ngài: vắng nhà.
Thật ra, mỗi khi muốn tìm quên, bạn tìm đến rượu chè, hút sách; mỗi khi muốn tìm quên, bạn uống rượu. Say sưa nghĩa là quên lãng, mà toàn bộ nỗ lực của tôn giáo là tỉnh thức; cho nên không tôn giáo nào không cấm uống rượu. Rượu tự nó không phải xấu – nếu bạn không phải là người tầm đạo thì không sao. Nếu bạn là hành giả thì không gì xấu xa hơn rượu, bởi vì đạo giúp bạn tỉnh thức, mà rượu làm bạn quên. Nhưng sao bạn muốn tìm quên chính mình? Sao bạn chán chường với mình đến thế? Sao bạn không thể sống được với chính mình? Sao bạn không thể tỉnh táo và thanh thản được?
Vấn đề gì vậy? Vấn đề là mỗi khi tỉnh táo, đơn độc, bạn cảm thấy trống rỗng; bạn cảm thấy như thể bạn là số không. Bạn cảm thấy trống rỗng bên trong, và sự trống rỗng ấy trở thành vực sâu. Bạn sợ hãi mà chạy thục mạng. Sâu bên trong bạn là một hố thẳm nên bạn cứ chạy miết. Đức Phật gọi hố thẳm ấy là vô ngã - không có ai bên trong. Khi bạn nhìn vào, nó là khoảng trống mênh mông, nhưng không có ai ở đó - chỉ là bầu trời nội tâm, một vực sâu không đáy, không đầu, không đuôi. Giây phút mà bạn nhìn vào, bạn sẽ thấy chóng mặt; lập tức bạn đào tẩu. Nhưng chạy đi đâu được? Bất kỳ nơi nào bạn đi, hố thẳm ấy theo bạn, bởi vì nó là bạn. Nó là bản tính của bạn, là tính trời của bạn, là Phật tính của bạn. Bạn phải chấp nhận nó.
Tĩnh tâm chẳng qua là chấp nhận cái hố thẳm nội tâm của bạn: nhận ra nó, không phải chạy trốn; sống với nó, chẳng chạy trốn; hòa tan vào nó, đối mặt với nó. Thế thì bỗng dưng cái trống rỗng ấy trở thành tràn đầy sự sống. Khi không bỏ chạy, nó là cái đẹp nhất, thuần khiết nhất, bởi vì chỉ có cái trống không mới tinh khiết. Nếu có gì ở đó, tức là bụi bậm đã bám vào; nếu có gì ở đó, sự chết đã len vào; nếu có gì ở đó, nó đã bị giới hạn. Nếu có gì ở đó, Thượng Đế không thể hiện diện. Thượng Đế nghĩa là cái hố sâu vĩ đại, cái hố thẳm tối thượng. Nó ở đó, nhưng bạn không được huấn luyện để nhìn vào.
Chẳng khác gì từ trên cao nhìn xuống, bạn sẽ thấy choáng váng. Bạn sẽ không dám nhìn xuống, vì nỗi sợ sẽ ôm chầm lấy bạn – bạn sợ bị té. Nhưng không có gì quá cao và quá sâu như hố thẳm bên trong bạn. Và khi nhìn vào trong, bạn sẽ thấy say xẩm, buồn nôn – bạn bỏ trốn lập tức, vắt chân lên cổ mà chạy. Bạn đã từng bỏ chạy hàng triệu kiếp, nhưng bạn chẳng tới đâu cả, bởi vì chẳng có chỗ nào để tới cả.
Bạn phải làm quen với hố thẳm bên trong. Và một khi bạn chấp nhận nó, bỗng nhiên hố thẳm ấy thay đổi bản chất – nó trở thành cái toàn thể. Thế thì nó không phải trống không; nó không phải tiêu cực, mà là cái tích cực nhất trong cái tồn tại. Và chấp nhận là chìa khóa. Đó là lý do tại sao có sự hấp dẫn ở rượu, cần sa, ma tuý. Và có đủ loại ma tuý: vật chất, hóa chất, tinh thần; tiền của, quyền lực, chính trị - mọi thứ đều là ma tuý.
Hãy nhìn một chính trị gia: y say mê quyền hành; y đi trên mây. Hãy nhìn một phú ông: bạn có nghĩ là ông ta đi trên đất không? Không, chân ông ta không bao giờ chạm đất, ông ta giầu có quá mà. Chỉ người nghèo mới đi trên đất, chỉ có người ăn xin; người giầu có bay bổng trên trời. Khi yêu một cô gái, bỗng nhiên bạn bay bổng, bạn không còn đi trên đất nữa – mơ mộng đã xen vào, lãng mạn đã lên men. Bạn đã đổi khác, bởi vì bạn đã say mèm rồi. Dục là ma túy cực mạnh mà thiên nhiên đã ban cho bạn.
Chúa Giê-Su nói:
Ta thấy tất cả đều say, và không một ai khát Điều này cần phải được hiểu rõ vì rất tinh tế. Nếu bạn say với thế gian này, bạn không còn biết đến thế giới nào khác nữa. Nếu thích rượu của trần gian, bạn sẽ không thích rượu linh thiêng nữa – không thể xảy ra được. Khi một người không say mê thế gian này, sự khao khát nảy sinh. Và sự khao khát ấy không thể được thỏa mãn bởi bất cứ gì của thế gian này. Chỉ có cái tối thượng mới thỏa mãn được, chỉ cái vô hình mới thỏa mãn được mà thôi. Cho nên Chúa nói một cách rất mâu thuẫn: Ta thấy tất cả đều say, và không một ai khát. Không có ai khát vì họ nghĩ là họ đã tìm được chìa khóa, kho báu, vương quốc. Vậy thì tìm kiếm để làm gì chứ?
Thượng Đế là một loại say khác. Kabir nói (4), “Tôi đã say đến nỗi không có gì có thể lay tỉnh được nữa, say một cách vĩnh viễn.” Omar Khayyam (5) cũng nói về rượu của thế giới bên kia. Thế mà Fitzgerald hiểu sai hoàn toàn, bởi vì Omar không nói về rượu của trần gian này; ông ấy nói về rượu siêu việt, mà đó là biểu tượng của Thượng Đế trong Bạch Y Giáo.
Một khi say vì Thượng Đế, bạn không thể khát được nữa. Nhưng rượu của thế gian này chỉ làm bạn khây khỏa trong chốc lát, chỉ giúp bạn lãng quên tạm thời. Hai cái ấy khác nhau nhiều lắm. Người say với Thượng Đế thì tỉnh thức hoàn toàn, ý thức và cảnh giác tuyệt đối. Còn rượu của trần gian làm cho bạn bị thôi miên, ngái ngủ, lờ đờ, mê man – cuộc đời của bạn là một cơn mơ dài.
Ta thấy tất cả đều say, và không một ai khát.
Và linh hồn ta buồn rầu cho con người vì con tim họ mù quáng, và họ không biết rằng trắng tay họ đã đến với thế gian này, và trắng tay họ lại sẽ từ biệt thế gian
Và linh hồn ta buồn rầu…. Bạn không thể hiểu được những nỗi khổ của Chúa, của Phật, khi các Ngài nhìn vào bạn: say mê với thế gian này, không màng gì đến điều linh thiêng, đến chân lý; bạn sống trong giả dối, lấy giả làm chân; bạn bỏ lỡ mọi dịp may; bạn đổi tất cả để lấy phù hoa. Đến đỗi ngay cả những cái nhỏ nhặt nhất cũng trở thành rào chắn.
Có một người bị bệnh nặng; ông ta luôn luôn cảm thấy đôi mắt muốn nổ tung, tai thì ù ù không ngớt. Liên tục hai mươi bốn giờ mỗi ngày làm ông ta điên lên được. Ngủ cũng không yên, làm cũng không xong.
Ông ta hỏi bác sĩ. Bác sĩ nói, “Phải cắt ruột dư!” Ruột cắt rồi mà bệnh vẫn bệnh. Bác sĩ khác thì nói, “Phải nhổ răng!” Răng không còn mà bệnh không hết. Bác sĩ khác lại nói, “Phải cắt amiđan!” Cũng chẳng hết. Có biết đâu là vì già mới sanh tật như thế. Có đủ loại cố vấn. Nếu cứ nghe họ thì chết xong. Cuối cùng ông ta tìm đến một bác sĩ nổi tiếng nhất. Bác sĩ chẩn bệnh rồi nói, “Tôi không biết phải làm gì vì không biết ông bị bệnh gì. Ông chỉ sống được sáu tháng là nhiều nhất. Mà nói thực với ông. Những gì cần phải làm thì đã được làm rồi.”
Ông ta ra về và nghĩ bụng, “Chỉ còn sáu tháng là chết. Vậy sao không ăn chơi cho đã đi?” Là một người keo kiệt vậy mà ông ta dám tậu một ô tô bóng loáng, một căn nhà ngay bờ biển, ba chục bộ complê; sơ mi thì gọi thợ đến đo.
Thợ may đo rồi nói, “Tay dài ba mươi sáu, cổ mười sáu.”
Lão già nói, “Mười lăm thôi. Lúc nào tôi cũng xài mười lăm.”
Thợ may đo lại rồi nói, “Mười sáu!”
Lão già nói, “Nhưng tôi luôn luôn xài mười lăm mà!”
Thợ may nói, “Ông muốn thế cũng được, nhưng nói thật với ông. Ông sẽ thấy mắt muốn nổ ra và ù tai!” Bệnh ông ta chỉ có thế thôi.
Bạn không mất sự linh thiêng vì những nguyên nhân vĩ đại. Không! Chỉ vì cổ áo ngắn quá làm mắt không thấy nên muốn lòi ra, và tai không nghe được nên ù ù. Bệnh của con người rất là đơn giản, bởi vì hắn say mê những cái vớ vẩn, nhảm nhí, tầm phào.
Mọi thứ ở đời này đều là nhỏ nhặt. Thậm chí nếu bạn là vua thì có gì vĩ đại đâu? Cũng tầm thường. Những vương quốc trong lịch sử đã biến đi đâu rồi? Babylon nay còn đâu? Đâu là Ba Tư? Đâu là văn minh Ai-Cập? Tất cả đã đi vào cát bụi. Những kinh thành tráng lệ ấy có lợi lộc gì chăng? Nào là Thành Cát Tư Hãn. Nào Alexander. Họ đã để lại cho ta những gì? Thế mà bạn không biết những gì bạn thiếu – bạn đã đánh mất thiên đường. Thậm chí nếu thành công đi nữa, bạn có được gì? Sẽ đưa bạn đi về đâu? Hãy nhìn vào những người đã thành danh. Họ có vui sướng không? Hãy nhìn vào những người trên tột đỉnh danh vọng. Họ có hạnh phúc không? Họ cũng đi tìm sự an lạc – còn hơn cả bạn nữa. Họ cũng sợ chết, cũng run rẩy như bạn vậy. Nếu nhìn kỹ những người thành công, bạn sẽ thấy những thần tượng ấy chân cũng lấm bùn. Thần chết sẽ đến rước họ đi và mang theo tất cả. Kết cục cũng chỉ là cơn ác mộng. Vậy mà phải qua biết bao là thử thách, bao nhiêu hy sinh, bất hạnh – mà cũng chẳng được gì. Cuối cùng cái chết làm tất cả tan như bọt xà bông. Mà chỉ vì đám bọt này mà cái bất diệt phải bị hy sinh.
Và linh hồn ta buồn rầu cho con người vì con tim họ mù quáng, và họ không biết rằng trắng tay họ đã đến với thế gian này, và trắng tay họ lại sẽ từ biệt thế gian Bạn đã đến với hai tay trắng, nhưng không hoàn toàn trắng tay, mà đầy những ước vọng. Trắng tay bạn ra đi, nhưng không hoàn toàn trắng tay: lại thêm ước vọng mới. Ước vọng là những cơn mê – bạn vẫn trống không – đàng sau chúng chẳng có thực chất nào cả. Bạn đến như tờ giấy trắng, rồi bạn sống và tích lũy đủ thứ, với hy vọng là chúng sẽ làm bạn thỏa mãn. Không lại hoàn không. Thần chết lấy đi tất cả; bạn trở vào phần mộ một cách trắng tay.
Thế thì mục đích của đời sống là gì? Có ý nghĩa gì và có kết luận gì không? Bạn có đạt được gì không? Đây là nỗi khổ của Chúa, của Phật khi nhìn đến con người. Tất cả đều mù quáng – mà tại sao mù quáng? Do đâu mà có? Chẳng phải là họ không tinh khôn – họ quá tinh khôn, quá khôn thì đúng hơn, nhưng khôn quá lại mang hại. Họ nghĩ là họ tinh khôn, xảo quyệt. Họ nghĩ là họ thông thái. Không phải là họ không thấy – họ thấy rõ lắm, nhưng chỉ thấy những cái thuộc trần gian này thôi. Con tim họ mù quáng; họ không thấy đường.
Bạn có thể thấy bằng con tim không? Bạn đã thấy gì bằng trí thông minh chưa? Nhiều lần bạn tự nghĩ, “Mặt trời đang lên, hôm nay đẹp quá,” mà bạn nghĩ là tiếng nói của con tim. Không.. đó là tâm trí của bạn đang lèm bèm. “Mặt trời đang lên; hôm nay đẹp quá.” Bạn có thực sự thấy rằng sáng nay trời đẹp quá không – buổi sáng này, cái hiện tượng đang xảy ra ở đây? Hay bạn chỉ lập lại sáo ngữ ấy?
Bạn thấy một cánh hoa? Nó có làm bạn rung động không? Bạn có xúc động không? Hay bạn chỉ thốt ra được câu, “Đẹp quá! Tốt quá!” Những sáo ngữ ấy không đủ sinh khí, bởi vì chúng không đến từ con tim. Con tim không có lời mà chỉ có cảm giác. Lời từ óc não mà có; cảm giác thuộc về trái tim. Nhưng con tim mù loà. Sao vậy? Bởi vì con tim có cái nguy hiểm của nó.
Vì vậy không ai được phép sống theo con tim. Cha mẹ đã uốn nắn cho bạn; họ không muốn bạn sống bằng con tim; họ sợ là bạn sẽ thất bại trên trường đời. Nhưng nếu quá thành công ở đời, bạn sẽ không màng gì đến thế giới bên kia. Đầu óc giúp cho bạn thành công. Nó rất xảo quyệt, tính toán, và thủ đoạn – nó giúp bạn thành công. Cho nên học đường chỉ lo về trí dục. Người nào học nhiều thì đỗ đạt cao. Họ sẽ thành công, và họ nắm được chìa khóa của thế gian này.
Nhưng người lắm tình cảm sẽ thất bại vì không biết bóc lột người khác. Người ấy không thể là người keo kiệt, tích trữ. Người ấy sẽ chia sẻ với người khác, và có gì thì cho cái ấy. Và người ấy không thể lừa dối bạn vì quá chân thành. Người ấy thật thà, lương thiện và chân thực. Nhưng người ấy chỉ là một kẻ xa lạ giữa đám người xảo quyệt. Cho nên cha mẹ nào cũng muốn con tim của con mình mù loà, khép kín. Nó không thể cầu nguyện, không thể yêu được nữa.
Họ có thể cầu nguyện – họ đến chùa, đến nhà thờ. Họ cầu nguyện, nhưng tất cả đều giả dối, bởi vì lời nguyện ấy đến từ đầu óc, vì họ đã thuộc lòng; nó không xuất phát tự con tim. Tim họ đã chai đá, không còn cảm giác gì nữa. Họ “yêu nhau”; họ kết hôn, rồi con cái – chúng không đến từ tình yêu. Tất cả đều có tính toán, so đo. Bạn sợ tình yêu vì ai mà biết tình yêu sẽ dẫn bạn về đâu. Không ai biết được lý lẽ của con tim; nó rất huyền bí. Bạn biết rõ đầu óc muốn gì; nó sẽ đưa bạn ra đại lộ. Con tim thì sẽ dẫn bạn vào rừng. Bạn sẽ phải mò từng bước.
Đường của con tim thì đơn độc, chiếc bóng. Cái đầu sẽ dẫn bạn vào với đám đông. Nó đã được xã hội huấn luyện; nó là một phần của xã hội. Con tim biến bạn thành đơn độc, đứng bên lề. Cho nên xã hội phải giết chết con tim. Mà Chúa nói:
… vì con tim họ mù quáng, và họ không biết rằng trắng tay họ đã đến với thế gian này,và trắng tay họ lại sẽ từ biệt thế gian Chỉ qua con tim bạn mới biết bạn trống rỗng như thế nào! Bạn đạt được gì? Bạn đã trưởng thành, đã phát triển đến đâu? Bạn đã thấy ngất ngây, đã thấy phúc lạc như thế nào chưa? Bạn đã bước qua những con đường đổ nát. Và tương lai bạn cũng sẽ lập lại như thế. Bạn biết làm gì khác chăng? Đó là sự buồn rầu của Chúa, của Phật. Họ thấy thương cho bạn.
Nhưng giờ này họ còn đang say. Và khi hết men say, họ sẽ hối hận Đừng nghĩ “họ” là người khác. Họ chính là bạn đấy. Khi hết cơn say, bạn sẽ hối hận. Từ “hối hận” này rất có ý nghĩa. Toàn bộ Ki Tô giáo xây trên khái niệm này. Các tôn giáo khác không cho ý niệm này là quan trọng. Nếu phát xuất từ con tim, hối hận thật là tuyệt vời; bạn sẽ thấy Chúa nói rất đúng, “Ta đã lãng phí cả đời ta.”
Sự lãng phí này là tội lỗi – không phải vì Adam phạm tội – sự lãng phí đời sống của bạn, khả năng, tiềm lực, cơ hội để vươn lên của bạn, và trở lên trọn lành giống như Thiên Chúa; lãng phí thời gian này vì những cái vô ích, vì những rác rưởi. Và khi nhận ra, bạn sẽ hối hận. Nếu sự hối hận phát xuất từ con tim, bạn sẽ qua một cuộc thánh tẩy. Không có gì lau sạch bằng sự hối hận. Và đó là một trong những cái đẹp nhất của Ki Tô giáo.
Ấn Độ Giáo không nói về hối hận, không bao giờ bàn về ý niệm đó. Đây là cái độc đáo của Ki Tô Giáo. Nếu bạn thực lòng hối hận, nếu nó đến từ trái tim, nếu bạn than khóc, nếu cả bản thân của bạn cảm thấy ân hận là bạn đã lãng phí cơ hội mà Thượng Đế đã cho bạn, rằng bạn đã vô ơn, đã không biết cư xử, và đã ngược đãi chính bản thân mình – tự bạn sẽ cảm thấy tội lỗi.
Đây mới là tội lỗi! – chẳng phải giết người, hay trộm cướp mới là tội lỗi. Đó là những tội nhẹ, vốn là kết quả của tội nguyên tổ: nghĩa là bạn đã say. Khi nhận ra điều đó con tim bạn sẽ thống hối. Bạn chẳng cần phải cầu cùng Thượng Đế, “Con đã biết lỗi, xin tha cho con.” Không cần phải làm thế. Từng tế bào của bạn toát ra sự thống hối. Bỗng dưng mọi tội lỗi được rửa sạch. Đây là một trong những chìa khóa bí mật nhất mà Chúa đã cống hiến cho nhân loại.
Kỳ Na giáo nói bạn phải đền bù những tội lỗi của bạn, và phải qua một quá trình lâu dài: bất cứ lầm lỗi gì trong quá khứ bạn phải chuộc lại hết. Rõ ràng như toán học vậy. Những gì sai lầm trong quá khứ bạn phải quân bình lại. Ấn giáo nói bạn đã tạo ra biết bao là nghiệp chướng trong quá khứ, trong bao nhiêu kiếp, bạn không thể chạy tội một cách dễ dàng như thế được. Bạn phải làm thật nhiều công đức thì mới mong xoá hết được. Nhưng Chúa cho chúng ta một chìa khóa. Ngài nói, “Chỉ cần ăn năn thì tất cả đều được rửa sạch.” Khó mà tin được, bởi vì có vẻ dễ dàng quá. Và đó là sự khác biệt giữa Ấn Giáo, Phật Giáo, Kỳ Na Giáo và Ki Tô Giáo. Ấn Giáo, Phật Giáo và Kỳ Na Giáo không bao giờ tin rằng cứ ăn năn là xong, bởi vì họ không biết ăn năn là gì (6). Chúa Giê-Su đã khám phá ra. Nó là một trong những chìa khóa cổ đại nhất. Cho nên phải hiểu hối hận là gì. Nói bằng lời chưa đủ, mà nói nửa vời cũng không xong. Khi cả bản thể của bạn nói lên sự thống hối, khi từng tế bào, từng sợi lông rung lên vì hối lỗi, vì bạn đã say và nay bạn đã ăn năn – thì bỗng nhiên có sự chuyển hoá.
Quá khứ biến mất, và sự phóng chiếu về tương lai từ quá khứ cũng biến mất theo; bạn bị đẩy ngược về ngay tại đây và ngay lúc này, bạn bị đẩy vào tận trung tâm của bản thể của bạn. Và lần đầu tiên bạn cảm thấy cái chiều vô tận của nội tâm. Bạn đã được tha thứ. Cho nên Chúa nói bạn sẽ được tha nếu bạn ăn năn.
Chúa Giê-Su đã được Thánh Gioan Tẩy Giả (7) rửa tội trên sông Jordan. Ngài đã dạy rằng, “Hãy ăn năn vì Nước Trời đã gần đến.” Ngài đến từ rừng núi và mang theo thông điệp đó. Đó là lý do tại sao Ki Tô Giáo không cần đến thuyết luân hồi. Chẳng phải vì Chúa không biết luân hồi. Ngài biết rất rõ việc đó. Nhưng Ngài bỏ hẳn ý niệm đó để đem lại cho ăn năn một sức mạnh tuyệt đối.
Nếu có nhiều để kiếp sống thì vội vàng gì mà phải ăn năn? Bạn có thể chờ, có thể trì hoãn. Bạn có thể nghĩ, “Nếu kiếp này không thành, cũng chẳng sao. Kiếp sau ta sẽ cố gắng hơn.” Đó là điều mà người Ấn đang làm. Họ trở thành lười biếng chỉ vì thuyết luân hồi ấy. Không phải là thuyết ấy sai. Vấn đề là họ luôn luôn trì hoãn, chẳng đi đâu mà vội. Mà sao phải vội vã chứ? Đó là lý do tại sao người Ấn không có ý niệm về thời gian. Họ không phát minh ra đồng hồ vì chẳng biết phải để làm gì. Cho nên đồng hồ là một sản phẩm ngoại lai đối với người Ấn. Đồng hồ là một phát minh của Ki Tô Giáo, bởi vì thời giờ quá ngắn, quá nhanh. Mà không phải là cái đồng hồ. Đó là đời sống đang tuột ra khỏi tay bạn. Chết lần này là vĩnh viễn. Bạn không thể trì hoãn được. Cho nên để tránh sự trì hoãn này Chúa và Thánh Gioan đã day phải ăn năn. Bởi vì chẳng còn nhiều thời giờ nữa, đừng trì hoãn nữa, nếu không thì chẳng kịp giờ Chúa gọi về. Điều đó mang lại cho toàn bộ vấn đề một cường độ rất mạnh.
Nếu bỗng dưng mà tôi nói hôm nay là ngày cuối cùng, và ngày mai là tận thế vì bom khinh khí sẽ nổ, và rồi tôi nói: Hãy ăn năn! – thì trọn bản thể của bạn sẽ có điểm hội tụ, tập trung; bạn sẽ quên hẳn không gian và thời gian. Mà nếu bạn nổi điên, bạn la hét – không phải la, hét bằng lời – mà hiện thực hơn nữa. Đó là tiếng thất thanh của con tim. Không phải chỉ mắt bạn khóc, mà con tim bạn đẫm lệ; toàn thể con người của bạn chỉ là nước mắt.
Thế thì bạn đã bỏ lỡ cơ hội.
Nếu ăn năn như thế thực sự xảy ra – xảy ra với cường độ cực mạnh, bạn trở nên cảnh giác – thì quá khứ sẽ được rửa sạch. Chẳng cần phải đền bù, bởi vì tất cả chỉ là những cơn mê. Chỉ cần tỉnh thức là đủ. Và khi đã tỉnh thức, tất cả mơ và ác mộng đều biến mất. Trong thực tế chúng đã không có thực; chúng chỉ là những ý tưởng của bạn. Cho nên bạn mới lười biếng, mới trì hoãn qua nhiều kiếp. Bạn có thể trì hoãn nhiều hơn nữa. Trì hoãn là mánh khoé của tâm trí. Nó sẽ nói, “Ngày mai” – luôn luôn như vậy. Ngày mai là chỗ dựa của nó. Ngày mai là chỗ núp của mọi tội lỗi, mà đức hạnh là ngay bây giờ.
Tôi nghe kể rằng…
Trong một trường dòng có một vài học sinh ngoại đạo. Họ cũng được học Kinh Thánh như mọi học sinh khác. Một hôm thầy giám thị hỏi một em nhỏ, “Người đàn ông đầu tiên là ai, và người đàn bà đầu tiên là ai?”
“Adam và Eva”
“Họ có quốc tịch gì?”
“Ấn Độ!”
Thầy giám thị sửng sốt và hỏi,” Sao em nghĩ họ là Ấn Độ?”
“Có gì đâu! Họ chẳng có nhà ở, chẳng có quần áo mặc, chẳng có gì để ăn, ngoại trừ một trái táo - thế mà họ vẫn nghĩ đó là thiên đường. Nhất định họ phải là Ấn Độ!”
Người Ấn sống ra sao cũng được. Họ chẳng lo gì hết và họ nghĩ, “Đời còn dài. Đi đâu mà vội, mà vàng?”
Ki Tô Giáo tạo ra sự sôi bỏng với ý niệm rằng chỉ có một kiếp sống. Và phải nhớ rõ là về mặt lý thuyết thì Ấn Độ Giáo đúng, mà Ki Tô Giáo sai. Nhưng lý thuyết không phải là một quan tâm của Chúa. Vấn đề Ngài phải đối phó là nhân tâm và sự chuyển hóa – và nhiều lúc sự thật cũng có hại; nó làm bạn lười biếng.
Một thí dụ khác làm bạn hiểu rõ hơn. Gurdjieff thường nói rằng bạn không có linh hồn. Bạn có thể tạo ra nó, nhưng bạn không có. Mà nếu không tạo ra được khi còn sống, thì khi chết đi, không có gì tồn tại cả. Ngài nói rằng trong hàng triệu người chỉ có một là có linh hồn, và linh hồn ấy bất diệt. Nhưng không phải ai cũng có. Lúc sinh ra bạn không có linh hồn; bạn phải tu luyện mới có. Phật, Chúa, Mahavira… là những người đã thành chánh quả. Họ trở thành bất tử. Bạn thì không! Gurdjieff nói bạn chẳng khác cây cỏ. Bạn sẽ mục nát, sẽ bị giun dế rỉa thịt; bạn không có một trọng tâm nào cả thì cái gì sẽ tồn tại?
Gurdjieff cũng theo sách của Chúa. Ông ta sai vì bạn có linh hồn, linh hồn bất tử. Nhưng lý thuyết rất nguy hiểm, bởi vì khi nghe nói bạn có linh hồn, rằng bạn bất tử, bạn sẽ say ngủ. Nó trở thành tự thôi miên. Nếu linh hồn bạn bất tử thì còn lo gì chứ? Công phu làm gì? Thiền quán làm quỷ gì?
“Aham brahmasmi – Ta là Thượng Đế.” (8) Bạn sẽ say ngủ vì chẳng có gì để làm nữa.
Lý thuyết là dao hai lưỡi; mặc dù chính xác, nhưng lý thuyết vẫn có thể giết bạn. Gurdjieff sai, nhưng lòng nhân từ của Ngài rất quảng đại. Và trong tình huống của bạn, chỉ có dối trá mới hữu dụng. Đạp gai lấy gai mà lẩy. Chúa biết rất rõ về luân hồi – không có ai biết rõ hơn Ngài. Nhưng Ngài bỏ hẳn ý tưởng đó vì Ngài đã từng sống ở Ấn Độ (9). Ngài quan sát tâm trí người Ấn và thấy mọi người trở nên lười biếng chỉ vì thuyết luân hồi, nên Ngài đã bỏ hẳn. Gurdjieff cũng từng đến Ấn Độ, Tây Tạng, và cũng thấy những nhảm nhí đã diễn ra chỉ vì bạn tin tưởng rằng bạn đã có sẵn những gì bạn cần. Khi đã là thần thánh rồi, cần gì phải làm gì nữa chứ. Thậm chí ăn mày cũng nghĩ là vua thì bận tâm làm gì?
Gurdjieff cũng dùng phương pháp tương tự như Chúa; lời dạy của hai người rất giống nhau: Ngài nói không phải ai cũng có linh hồn; bạn phải tạo ra nó; có thể bạn thành công, có thể thất bại – nhưng bạn phải vất vả. Nếu bạn tu luyện đúng mức, một trọng tâm sẽ được khai sinh, và trọng tâm đó sẽ tồn tại; mà nếu không thì bạn chẳng khác gì cây cỏ. Và để nhấn mạnh rằng bạn là cây cỏ, Ngài đã tạo ra một huyền thoại mới. Ngài nói, “bạn là đồ ăn của mặt trăng.” Ngài nói đùa nhưng rất có duyên, đầy ý nghĩa. Ngài nói mọi thứ trên trần gian đều là thực phẩm cho một thứ khác. Cá lớn nuốt cá bé nên con người chẳng phải ngoại lệ. Con người là thực phẩm cho cái gì đó.
Gurdjieff nói, “Người là thực phẩm cho mặt trăng, và mỗi khi mặt trăng đói bụng thì có chiến tranh, bởi vì nó cần nhiều người.” Ngài chỉ đùa thôi. Vậy mà đệ tử của Ngài không nhận ra; họ nghĩ chuyện khôi hài ấy là sự thật; họ khoe khoang rằng đó là một trong những chân lý vĩ đại nhất mà Ngài đã khám phá ra – nếu có mặt nơi đây chắc Ngài đã cười bể bụng.
Ngài rất khôi hài, nhưng sự đùa cợt của Ngài rất ý nghĩa. Ngài muốn nóitrong hiện trạng của bạn, bạn chẳng khác gì cây cỏ. Bạn chỉ được sinh ra để làm thịt cho mặt trăng. Bạn thấy gì ngu xuẩn hơn mặt trăng không? Khó mà tìm được! Khi các phi hành gia đặt chân lên đó, họ ngỡ rằng những mộng mơ, những thi ca của thế giới sẽ được hoàn thành, bởi vì con người luôn luôn bị ám ảnh bởi mặt trăng. Nhưng thấy tận mắt thì hỡi ôi! Nó chẳng là gì cả - bạn là thực phẩm cho hư không. Mặt trăng chỉ là một hành tinh chết.
Mà bạn là thực phẩm cho hành tinh chết, bởi vì bạn đã chết rồi! Nên nhớ rằng Ki Tô Giáo, đặc biệt Chúa Giê-Su, biết rất rõ về luân hồi, về tái sinh, về đầu thai. Đời sống là một sự liên tục lâu dài; một lần chết không phải vĩnh viễn. Nhưng một khi cho bạn biết, bạn sẽ lười. Mà toàn bộ phương pháp của Chúa dựa vào ma sát: bạn không được phép nghỉ ngơi, bạn phải chiến đấu, phải va chạm, để từ đó bạn mới được kết tinh. Nhưng giờ này họ còn đang say, và khi hết men say họ sẽ hối hận.
Chúa Giê-Su nói:
Nếu xác thịt có vì linh hồn, đó là kỳ diệu; nhưng nếu linh hồn có vì thể xác, đó là một kỳ diệu trong những kỳ diệu. Tôi nghĩ Các Mác không hiểu được điều này! Tôi tự hỏi ông ta sẽ nghĩ gì nếu đọc được những lời này của Chúa. Ngài nói: Xác thịt có vì linh hồn…. Mọi tôn giáo đều nói thế. Nghĩ là máu thịt từ thánh linh mà ra, vật chất nhờ tâm trí mà có; nhưng tâm thức là cái nguồn, còn thế giới chỉ là một sản phẩm phụ. Cho nên Chúa nói: …. Đó là một kỳ diệu…. đó là một bí ẩn.
Nhưng nếu linh hồn có nhờ thể xác…. Đó là điều mà những người vô thần, duy vật nói, Karl Marx, Charvak (10), và những người khác… Mác nói rằng ý thức là một phó sản của vật chất. Những người vô thần khác cũng nói thế, rằng vũ trụ không phải từ tâm mà có; ngược lại linh hồn là một phó sản của vật chất, nhờ vật chất mà có. Chúa thì nói, “… Nếu linh hồn có vì thể xác, thì đó là một kỳ diệu trong những kỳ diệu.” Một kỳ diệu mà ai cũng thấy: rằng Thượng Đế dựng lên trời đất. Nhưng có một kỳ diệu trong những kỳ diệu – nghĩa là vũ trụ tạo nên Thượng Đế. Tin tưởng điều đầu tiên đã khó. Tin điều thứ hai chắc là quá đáng rồi.
Cái thấp hèn sinh ra từ cái cao cả thì chấp nhận được, chẳng hạn bức tranh do người vẽ mà có. Ta có thể nói nó từ họa sĩ mà ra; đó là một kỳ diệu, một bức hoạ đẹp. Nhưng nếu người nào đó nói họa sĩ từ bức hoạ mà ra, thì đó là một kỳ diệu trong những kỳ diệu. Làm thế nào thánh linh từ vật chất mà ra nếu nó đã không có sẵn ở đó rồi? Nếu không có sẵn trong hột thì sao hoa có thể nở được? Cho nên Chúa nói cả hai đều là những kỳ diệu. Nhưng cái thứ ba mới thật là tuyệt diệu nhất:
Ta kinh ngạc là tại sao sự kỳ diệu ấy lại xuất hiện giữa những ô uế này. Bạn là tên ăn mày nghèo đói, vì bạn luôn luôn tham lam, xin xỏ đủ điều. Tham lam nghĩa là đòi hỏi, và tâm trí của tên ăn mày chỉ biết đòi hỏi. Thậm chí nếu là một ông hoàng, bạn cũng chỉ là một tên ăn mày vĩ đại mà thôi, bởi vì bạn không ngớt xin xỏ.
Có lần Farid, một nhà huyền môn Hồi giáo, sống trong một làng nhỏ gần Dehli. Đại đế Akbar (11) là một đệ tử của Ngài. Farid là một người khổ hạnh mà Akbar thường tìm gặp. Khi dân làng biết Akbar là đệ tử của Farid, họ tìm gặp Ngài và nói, “Nhờ Ngài xin Akbar cho chúng tôi một trường học, hay một nhà thương. Chỉ cần Ngài nói một tiếng là xong.”
Dân làng phần lớn nghèo, ít học; làng không có trường học mà nhà thương cũng không. Farid nói với họ, “Được, không biết tôi xin có được không, vì tôi chưa xin ai bao giờ. Nhưng nếu các vị muốn như vậy, để tôithử xem sao.”
Sáng hôm sau Farid đi vào cung vua. Quân canh đều biết Farid rất rõ nên Ngài lập tức được đưa vào. Akbar lúc đó đang cầu nguyện trong cái am nhỏ nên Farid phải đứng chờ. Akbar không biết Farid đứng chờ đàng sau nên cứ tiếp tục cầu nguyện như mọi khi. Cuối cùng ông ta kết thúc bằng câu, “Lạy Chúa nhân từ. Xin cho vương quốc của con ngày một lớn hơn, và xin cho kho lẫm ngày càng dồi dào hơn nữa.”
Nghe đến đó thì Farid bỏ ra về. Khi Akbar đứng lên thì thấy Farid đang bước xuống cầu thang. Akbar gọi giật lại, “Ông đến đây bao giờ? Mà sao vội vã vậy?”
Farid nói, “Tôi đến tìm một quân vương, nhưng lại gặp một tên ăn mày. Cho nên không cần thiết nữa. Nếu Ngài phải xin Thượng Đế, tôi cũng có thể tự xin lấy được. Sao phải nhờ người trung gian? Và thưa Ngài! Tôi nghĩ Ngài là một quân vương, nhưng tôi đã lầm.”
Akbar kể lại chuyện này trong tự truyện. Ông ấy viết, “Ngay lúc ấy tôi mới vỡ lẽ ra rằng bất kể là ta đã có gì. Có bao nhiêu cũng không đủ.”
Chúa nói đó là một kỳ diệu trong những kỳ diệu: …Tại sao sự kỳ diệu ấy – sự linh thiêng, siêu việt - lại xuất hiện giữa những ô uế này. Bạn là người say, bạn mê ăn mê uống, tham lam, cả đời xin xỏ những cái vớ vẩn, nhỏ nhoi, bị ám ảnh với đủ loại bệnh tật và đau yếu. Thế mà thánh linh lại xây đền thờ của mình trong đó, lại tìm nơi trú ẩn trong đó! Chúa nói đó là một bí ẩn nhất, không thể hiểu được, và gần như vô lý hoàn toàn. Kỳ diệu trong những kỳ diệu. Không gì có thể cao siêu hơn nữa.
Đó là nỗi khổ của Chúa, của Phật khi các Ngài nhìn bạn: toàn là những quân vương nhưng lại đi ăn mày, đi xin những cái vớ vẩn, phí thời giờ, phí cả đời, cả năng lượng và cơ hội. Hãy ăn năn! Hãy xét lại những việc bạn đang làm. Thật là ngốch nghếch. Ngay cả bạn cũng không thể tin được là bạn đã hành xử như thế. Thật là nực cười!
Hãy xem những gì bạn đã làm cho đời mình, cho chính mình. Bạn đang đi trên những hoang tàn, và sự đổ nát của bạn ngày càng lớn hơn. Vậy mà ngự trong trái tim khẩn cầu của bạn, trong tâm trí van nài của bạn là một quân vương, là một đấng tối cao (12). Đó mới thật là tuyệt diệu! Và vì thấy thật rõ nên Chúa mới buồn rầu, sầu não. Ngài không thể nở một nụ cười chỉ vì Ngài xót thương bạn. Cho nên Ngài đã nghĩ ra đủ kiểu, đủ cách để đánh thức bạn, để giúp bạn nhận ra sự thiêng liêng của bạn, để giúp cho bạn nhận ra bạn là ai.
Hãy suy tư về những lời này, và chỉ cần ghi vào lòng chỉ hai chữ: Ăn Năn. Và nếu bạn nhận ra rằng ăn năn là chìa khóa, nó sẽ lau sạch mọi quá khứ của bạn. Thì bỗng nhiên bạn sẽ trở nên tươi tắn và nguyên xi như chưa bao giờ. Và khi bạn trở nên trinh trắng thì thánh linh sẽ hiện đến, bởi vì thánh linh chỉ là sự tươi tắn và nguyên xi của bạn.

Chú Thích:
1 Mein Kampf - Cuộc Đời Chiến Đấu Của Tôi.
2 H. P. Blavasky, nhà huyền môn gốc Nga, là người sáng lập phong trào Thông Thiên học.
3 Bác sĩ Weiss, khoa trưởng phân khoa tâm thần tại đại học Florida, cũng khám phá ra điều ấy khi thôi miên bệnh nhân. Ông ghi lại những lần gặp gỡ các thánh nhân ấy – qua trung gian bệnh nhân – trong tập sách nổi tiếng Many Lives, Many Masters (Nhiều Kiếp, Nhiều Thầy). Người Công Giáo cũng tin rằng mỗi người đều có một thiên thần bản mệnh theo để hướng dẫn.
4 Kabir là một người đã chứng ngộ của Hồi Giáo.
5 Omar Khayyam là một nhà toán học và huyền học gốc Ba Tư. Tác phẩm Rubiyat của ông đã được Edward Fitzgerald dịch sang Anh ngữ
Chân Như và một số các bạn Phật Tử không đồng ý với quan điểm của này của Osho về Phật Giáo. Xét cho kỹ thì Osho cũng không sai. Vấn đề không phải là Chúa biết và Phật không biết. Các Ngài phải tùy theo bệnh mà cho thuốc, tùy theo hoàn cảnh và tâm lý xã hội mà đưa ra các phương pháp thích hợp. Vì Do Thái Giáo đặt trọng tâm ở tội nguyên tổ, do việc Adam và Eva ăn trái cấm, nên mới đặt ra vấn đề ăn năn. Ngược lại, Ấn Độ giáo coi cả vũ trụ này là một vở kịch (leela), mà người nào tự đồng hóa với vai trò nào đó mới vướng trong luân hồi, nghiệp báo, cho nên Đức Phật không thể xây giáo lý của Ngài quanh vấn đề tội lỗi và ăn năn như Chúa Giê-Su. Đại Sư Ramana Maharshi dạy, “Thậm chí nếu có phạm tội tày trời ta cũng không nên than thở và khóc lóc, ‘Ôi! Tôi là kẻ có tội. Ai có thể được cứu tôi?’ Ta phải bởi hẳn ý tưởng rằng ‘ta là kẻ có tội’ và tập trung hoàn toàn vào bản tâm của mình. Chỉ có thế mới có thể thành công được, bởi vì không có hai loại tâm trí – cái tốt và cái xấu. Nghỉ rằng tốt thì nó tốt, và nghĩ tâm mình xấu thì nó xấu.” Xem Who Am I?
7 Gioan Tiền Hô – John The Forerunner – nghĩa là người đi trước để mở đường cho Chúa Giê-Su. Ngài còn được gọi là Gioan Tẩy Giả - nghĩa là người đã làm phép rửa tội cho Chúa Giê-Su.
8 Ấn Độ Giáo có bốn đại tuyên ngôn tương đương với nhau:
  - Prajnanam Brahman – Trí Huệ Bát Nhã là Thiên Chúa
  - Aham Brahmasmi – Ta là Thiên Chúa
  - Tat tvam asi - Bạn là ‘cái đó’ (that art thou)
  - Ayam atman Brahman = Linh hồn là Thiên Chúa
Xem N. S. Subrahmanian, Encyclopedia of the Upanishads.
9 Trong mười bảy năm, từ mười ba đến ba mươi tuổi, Thánh Kinh không hề nói Chúa ở đâu, và đã làm gì. Một số tài liệu nói rằng Chúa từng sống ở Ấn Độ, Tây Tạng, và Nhật Bản. Xin đọc Clare Prophet, The Lost Years of Jesus Christ; hoặc Holger Kersten, Jesus Lived in India.
10 Chavak là ông tổ của trường phái duy vật của Ấn, sống trước thời Đức Phật.
11 Akbar và Ashoka (A Dục Vương) là hai ông vua nổi tiếng nhất của Ấn Độ. Akbar đã giúp cho Hồi giáo bành trướng; Ashoka giúp phát triển Phật Giáo.
12 Chúa Giê-Su nói, “Nước Trời ở trong lòng các ngươi.” Đấng tối cao ấy Phật gọi là Trí Huệ Bát Nhã Ba La Mật Đa.
Xem tiếp Chương 4Quay về Mục lục

Ads Belove Post