Chương 5. Cột mốc số không

Chương 5. Cột mốc số không

Price:

Read more

Osho - Nhịp đập của tuyệt đối
Chương 5. Cột mốc số không

Yếu tố tâm linh cao nhất đó, atman, có bản chất không đổi thay,
và có chuyển động nhanh hơn tâm trí.
Các giác quan không thể với tới nó, vì nó đứng trước tất cả chúng.
Trong sự tĩnh lặng của nó,
nó vượt qua mọi thứ chuyển động.
Chỉ trong sự hiện diện của nó mà khí sắc cai quản mọi hoạt động của mọi sinh linh.
Trong tĩnh lặng của mình, atman - yếu tố tâm linh cao nhất - là cái nhanh nhất trong các cái nhanh. Nó vượt qua sự chuyển động của các giác quan và của tâm trí bởi vì nó cao hơn cả hai. Nó có đấy trước khi cả hai thứ này được tạo ra. Nó ở bên ngoài cả hai.
Rất cần thiết và hữu dụng cho người tìm kiếm để hiểu lời kinh này. Điều thứ nhất là ở chỗ chúng ta dốt nát về yếu tố tâm linh cao nhất này; chúng ta không có bất kì tri thức nào về nó. Nó là chúng ta, vậy mà chúng ta không biết gì về nó chút nào. Nó là chiều sâu tối thượng của tâm thức chúng ta, từ nơi con người chúng ta được sinh ra và phát triển.
Nếu bạn tưởng tượng bản thân mình như một cây, việc hiểu biết sẽ được làm thành dễ dàng. Lá trên cây lan rộng trên bầu trời; sau lá là cành nằm lẩn khuất, và tận cùng của cành là phần chóp của cây. Cây cũng có rễ ăn phía dưới, ẩn trong đất sâu. Không quá khó cho cây để tin rằng nó chỉ là lá, vì rễ là không thấy được; chúng bị ẩn sâu trong đất. Cho nên có thể là cây sẽ nghĩ, “Ta là một chùm lá,” quên mất rằng rễ cũng có đó. Nhưng việc nó quên rễ không tạo ra khác biệt gì. Rễ vẫn cứ làm bổn phận của chúng mặc cho việc quên lãng đó. Lá không thể sống lâu được nếu không có rễ của chúng. Điều đáng quan tâm là để ý rằng lá không thể sống nếu không có rễ, nhưng rễ có thể sống mà không có lá. Cho dù nếu chúng ta có chặt cả cây đi, rễ vẫn cứ làm công việc của chúng và một cây mới sẽ mọc ra và nở hoa. Nhưng nếu chúng ta cắt hết rễ lá sẽ đơn giản héo đi, khô đi và chết. Chúng không thể cho sinh thành ra lá được. Rễ ẩn sâu bên dưới trong bóng tối là cuộc sống thực.
Nếu chúng ta xem người như cây, những điều chúng ta gọi là ý nghĩ không gì khác hơn lá của cây - và chúng ta coi tổng toàn bộ những ý nghĩ này là ‘tôi đây’. Rễ nằm ở chiều sâu là cái thực, chúng là yếu tố tâm linh cao nhất. Nhưng cũng như rễ của cây bị che giấu dưới đất sâu và trong bóng tối, yếu tố tâm linh cao nhất của chúng ta, atman, bị che giấu ở chiều sâu nguyên thuỷ, trong sự tồn tại. Từ đó chúng ta nhận được điều tinh tuý của cuộc sống, từ đó bản thân cuộc sống tới. Từ đó tuôn chảy dòng suối năng lượng-cuộc sống, chảy mãi lên tới lá của chúng ta. Nếu những rễ này không có đó, lá của chúng ta không thể có được. Cho nên vào ngày mà những cái rễ này quăn lại, lá của chúng ta héo đi, cành của chúng ta sẽ khô, mọi người nói về chúng ta, “Người này đã chết.”
Chừng nào mà những chiếc rễ này vẫn còn bú và uống nước nguồn năng lượng cuộc sống, yếu tố tâm linh cao nhất này vẫn còn tiếp tục mở rộng, và chúng ta cảm thấy mình đang sống. Suy nghĩ của chúng ta cũng giống như lá của chúng ta, ham muốn của chúng ta giống như cành của chúng ta, và bản ngã chúng ta được sinh ra từ sự hợp nhất của lá và cành này. Đây là một phần rất nhỏ của sự tồn tại của chúng ta. Phần quan trọng nhất của chúng ta, cái tinh tuý cơ bản của chúng ta, bị dấu ngầm dưới đất; nó được Upanishad gọi là atman, nghĩa là yếu tố tâm linh cao nhất. Nó là cái mà chúng ta có thể quên mất, nhưng không có nó chúng ta không thể sống được. Nó là cái mà không có nó chúng ta không thể đạt được cái gì cả. Nhưng nó ở sâu dưới đất, ở độ sâu của sự tồn tại đến mức chúng ta có thể quên mất nó. Yếu tố tâm linh cao nhất ấy bị lãng quên; chúng ta mất cái nhìn về nó.
Điều đáng quan tâm là quan sát rằng cái mà không có nó chúng ta vẫn có thể tồn tại không ở rất sâu, nó ở ngay trên bề mặt thôi, thấy được, và có thể dễ dàng nắm giữ, cho nên khi chúng ta cố gắng nắm giữ bản thân mình, chính do dồi dào suy nghĩ của chúng ta mà chúng ta nghĩ là ‘tôi’. Chúng ta nghĩ rằng tâm trí là ‘tôi’. Nhưng tâm trí - yếu tố trí tuệ - chỉ là đám lá của chúng ta thôi. Yếu tố tâm linh cao nhất là gốc rễ của chúng ta. Và nhớ trong tâm trí, người có hiểu biết chưa đạt tới chính gốc rễ không bao giờ có thể biết đến cái nguồn mà từ đó rễ hút nước. Rễ là atman, còn người đạt tới gốc rễ của mình sẽ sớm sẽ phát hiện ra đất cái nuôi dưỡng rễ.
Người đã đi tới hiểu ra yếu tố tâm linh cao nhất cũng sẽ có khả năng biết đến yếu tố tối cao - Paramatman - Thượng đế. Nhưng chúng ta sống ở lá và nghĩ rằng đám lá đó là ‘tôi’. Cho nên khi một cái lá nhỏ héo đi và rụng xuống, chúng ta nghĩ là chúng ta chết, chúng ta đã qua đời, chúng ta đã mất. Và khi tất cả lá đều héo đi, chúng ta nghĩ bản thân cuộc sống đã tắt. Chúng ta không biết cuộc sống là gì. Chúng ta sống trong niềm tin rằng cái vỏ bên ngoài của cuộc sống là ‘tôi’.
Upanishad nói rằng một người sống trong cái vỏ ngoài này là kẻ giết cái ta. Người biết cái ta là người đi sâu vào bên trong lớp vỏ, đi xuống tận rễ, tới nơi sự tồn tại làm nên ngọn nguồn nguyên thuỷ của nó; tại đó người đó phát hiện ra cội nguồn của cuộc sống. Người biết điều này là người biết cái ta. Chỉ người biết điều này mới tìm ra ánh sáng; người đó đạt tới sự sống. Người đó đạt tới bản chất của sự sống.
Ba điều được nhắc tới về yếu tố tâm linh cao nhất này. Điều thứ nhất là ở chỗ nó bao giờ cũng tĩnh lặng, trong khi tất cả quanh nó một mạng lưới biến đổi vĩ đại đang tiếp diễn. Điều có tầm quan trọng lớn là biết về bí mật của cái tĩnh lặng tại trung tâm. Bất kì chỗ nào biến đổi xảy ra, trung tâm sẽ không tránh khỏi tĩnh lặng, cũng như cái trục vẫn còn tĩnh tại khi bánh xe chuyển động. Bánh xe có thể chuyển động được bởi vì cái trục đứng yên. Bí mật của cái bánh xe chuyển động là ở cái tĩnh lặng của trục xe. Nếu trục bắt đầu di chuyển, bánh xe sẽ không di chuyển. Thế thì chiếc xe sẽ bị lật nhào và bị phá huỷ. Việc quay của bánh xe phụ thuộc vào sự bất động của trục xe.
Trục xe đi được bao nhiêu dặm khi bánh xe quay được một trăm dặm? Trục xe vẫn còn đứng yên tại chỗ của nó. Điều rất đáng quan tâm là thấy rằng bánh xe chuyển động cần sự trợ giúp của trục xe bất động. Bánh xe của thay đổi chuyển động trên cái không thay đổi. Cho nên điều đầu tiên cần phải nhớ là ở chỗ mọi thứ trong cuộc sống đều thay đổi; lá sẽ tới và đi chừng nào biến đổi có đó. Chúng sẽ mọc ra trong mùa xuân này và sẽ rụng đi vào mùa thu tới. Không cái gì còn tĩnh tại cho dù trong một giây. Nhưng có một yếu tố không biết nào đó ở sâu, sâu đâu đó bên trong, cai quản qua trung tâm của mọi vật và mang sự biến đổi quanh cái tĩnh lặng của riêng nó.
Bạn đã bao giờ thấy cơn xoáy lốc mùa hè di chuyển rất nhanh trong bầu khí quyển chưa? Nâng cả một đám mây bụi cùng nó, cơn xoáy lốc xoay tròn lôi mọi thứ lên trời. Bạn sẽ rất ngạc nhiên mà thấy những dấu vết bị nó bỏ lại trong cát bụi trên mặt đất. Nó di chuyển mọi thứ đi nhanh làm sao! Nhiều lần nó cuốn cả người lớn đi nữa. Bạn sẽ rất kinh ngạc nếu bạn quan sát các dấu vết do nó tạo ra. Có một khoảng không cỡ như một cái thùng nhỏ, giống như trục của bánh xe, ở trung tâm cơn xoáy lốc. Không gian này vẫn còn tuyệt đối không bị động chạm. Cho dù cơn xoáy lốc chuyển động mãnh liệt thế vẫn còn lại ở trung tâm nó một vị trí mà không bị động chạm tới và không bị xáo trộn. Một cái trục được tạo ra ở đấy, và toàn bộ cơn xoáy lốc xoay tròn quanh cái trục vững chắc đó. Thực tế là không cái gì có thể xoay tròn được nếu không có một trung tâm tĩnh lặng cho nó.
Cuộc sống chuyển động rất nhanh; ý nghĩ xoay tròn rất nhanh, ham muốn lơ lửng quanh chúng ta theo sự kế tiếp nhanh chóng, và đam mê cuộn xoáy với lực lớn. Cuộc sống là bánh xe chuyển động thật nhanh. Upanishad nói có một yếu tố bất động ở trung tâm của nó. Chúng ta phải tìm kiếm nó. Cơn xoáy lốc mạnh mẽ như cuộc sống không thể tiếp diễn được nếu không có sự hỗ trợ của yếu tố đó. Yếu tố vững chắc đó là atman. Nó bao giờ cũng tĩnh lặng, nó là bất động. Nó chưa bao giờ đi đâu. Nó chưa bao giờ thay đổi. Nhớ lấy rằng chúng ta chưa biết cuộc sống là gì chừng nào chúng ta còn chưa gặp cái yếu tố không bị thay đổi và không thể thay đổi đó. Hiện tại chúng ta chỉ biết tới những thay đổi xuất hiện ở phạm vi bên ngoài; chúng ta chưa được giới thiệu với yếu tố tâm linh cao nhất đó. Cho tới giờ chúng ta chỉ quen thuộc với nan hoa của bánh xe; chúng ta còn chưa thấy cái trục mà trên đó mọi thứ đều phụ thuộc vào.
Cụm từ ‘trong cái tĩnh lặng của nó’ có nghĩa gì? Dù chúng ta cho nó bất kì cách diễn giải nào, có toàn bộ khả năng phạm sai lầm. Phân lớn những người bình chú về Upanishad đều phạm phải sai lầm này. Cụm từ này này không có nghĩa trì trệ; nó không có nghĩa rằng nó giống như chiếc ao có nước không chảy đi đâu. Khi chúng ta nói yếu tố tâm linh cao nhất này là tĩnh lặng, điều đó không ngụ ý nó là trì trệ. Nó là một yếu tố hoàn hảo thế, nó là đầy đủ về mọi phương diện đến mức không còn phạm vi nào trong nó cho bất kì biến đổi nào. Nó chan chứa, lớn lao, vô tư đến mức tuyệt đối không có tiềm năng nào cho bất kì thay đổi khác xảy ra trong nó.
Cái đó thay đổi mà trong nó có sự không đầy đủ - nó còn thiếu cái gì đó. Biến đổi xảy ra tại nơi có phạm vi nào đó cho việc thích nghi thêm, nơi có tiềm năng nào đó, cơ hội nào đó, để là cái gì đó khác. Đứa trẻ lớn lên là thanh niên, thanh niên lớn lên là cụ già, bởi vì còn chỗ nào đó để chừa lại cho thay đổi; cho nên thay đổi liên tục xảy ra. Lá mọc ra, hoa nở, chúng héo đi và rụng, và lá mới, tươi lại tới nữa. Yếu tố tâm linh cao nhất là tĩnh lặng. Điều này có nghĩa là nó là hoàn hảo, đầy đủ về mọi phương diện.
Làm sao bạn có thể thay đổi cái hoàn hảo được? Biến đổi cho cái hoàn hảo sẽ xảy ra ở phần nào? Không còn chỗ nữa cho biến đổi. Không còn phạm vi thêm cho thay đổi. ‘Trong cái tĩnh lặng của nó’ nghĩa là nó được nở rộ hoàn toàn. Không còn chỗ nào cho việc nở rộ thêm. Nhớ trong tâm trí nó không giống như ao tù, nó giống như hoa sen đã nở trọn vẹn. Nó đã nở đến mức không còn nụ nào nữa để nở. Cho nên ở đây cái tĩnh tại, cái tĩnh lặng, có nghĩa là cái hoàn hảo. Cánh hoa sẽ nở ở đâu, cho dù chúng muốn nở? - bởi vì yếu tố tâm linh cao nhất là hoàn hảo tới mức tối đa, tới mức độ cao nhất có thể được. Nó hoàn hảo đến mức bây giờ không còn chỗ nào cho cánh hoa mở thêm ra nữa, cho dù chúng muốn làm như vậy. Ở đây, cái tĩnh lặng nghĩa là tiềm năng toàn bộ đã trở thành thực tại. Bất kì cái gì được che giấu trong hạt mầm đều được biểu hiện ra toàn bộ - không còn cái gì vô hình bị bỏ sau nữa. Cho nên, tĩnh lặng ở đây không kéo theo sức ì hay trì trệ; nó có nghĩa hoàn hảo toàn bộ. Cho nên nghĩ về đoá hoa nở tròn trịa chứ không phải là cái ao, và thế thì bạn sẽ hiểu nghĩa của nó.
Điểm tiếp mà lời kinh này của Ishavasya bảo chúng ta là ở chỗ các giác quan không thể đạt tới atman được, ‘vì nó đứng trước tất cả chúng.’ Khi bạn ở trước mắt tôi, tự nhiên tôi có thể thấy được bạn. Nhưng tôi không thể thấy được bản thân tôi bằng mắt mình vì tôi ở đằng sau đôi mắt. Tôi thấy bạn bởi vì bạn ở trước mắt tôi. Tôi không thể thấy được bản thân mình bằng mắt riêng của mình vì tôi ở đằng sau đôi mắt. Nếu tôi mất mắt, nếu tôi bị mù, thế thì tôi sẽ không có khả năng thấy được bạn chút nào; nhưng điều đó cũng không khác biệt gì cho năng lực của tôi thấy bản thân mình. Nếu tôi mất thị giác, tôi sẽ không có khả năng thấy được bằng mắt của mình. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy được bản thân mình bằng mắt mình, cho nên mặc dầu trở nên bị mù tôi sẽ vẫn có khả năng thấy bản thân mình. Về vấn đề này, hai điểm cần được hiểu thấu cho đúng.
Các giác quan trở thành phương tiện để nhìn, để biết về những đối tượng ở trước chúng. Chúng không trở thành phương tiện để thấy những đối tượng ở sau chúng. Từ ‘ở sau’ tại đây cũng có hai nghĩa. Nó không chỉ có nghĩa là ở sau - đằng sau lưng - nó cũng còn có nghĩa đứng trước. Khi bào thai bám vào tử cung để sinh ra đứa trẻ, sự sống tới trước rồi giác quan theo sau nó. Điều đó hoàn toàn đúng bởi vì, nếu sự sống không tới trước, ai sẽ tạo ra các cơ quan? Cho nên sự sống tới trước. Linh hồn đi vào bụng mẹ trước; toàn thể linh hồn đi vào và rồi các giác quan bắt đầu tiến hoá bộ phận nọ tiếp bộ phận kia khi thân thể bắt đầu tiến hoá. Các giác quan phát triển chậm qua bẩy tháng trong bụng mẹ, và chúng có được hình dạng hoàn chỉnh của chúng trong chín tháng. Nhưng dẫu thế vẫn có cái gì đó không được hoàn chỉnh. Chẳng hạn, cơ quan dục không phát triển đầy đủ. Nó còn cần thêm mười bốn năm nữa để tới phát triển đầy đủ của nó, ngay cả sau khi đã hình thành từ trong tử cung. Có một số phần của bộ óc phát triển dần dần, và liên tục phát triển trong toàn bộ cuộc sống. Ngay cả người chết cũng vẫn còn phát triển, ngay cả thế. Nhưng sự sống tới trước, các giác quan theo sau, và các tính năng khác xuất hiện sau.
Người chủ tới trước rồi người phục vụ được gọi tới sau đó. Ai thường gọi tới người phục vụ? Ai sử dụng họ? Người chủ có thể biết người phục vụ, nhưng ngược lại, người phục vụ không thể biết được người chủ. Linh hồn có thể biết các giác quan, nhưng các giác quan, về phần chúng, không thể biết được linh hồn, vì nó đã tồn tại trước chúng, trước khi chúng thành hình, và nó tồn tại ở chiều sâu mà các giác quan không thâm nhập tới. Chúng ở trên bề mặt. Chúng cũng bao phủ cuộc sống. Cho nên không ai có thể biết linh hồn bằng trợ giúp của giác quan, dù chúng vận hành nhanh đến đâu cũng không thành vấn đề.
Tâm trí thì cũng là giác quan. Nó chạy nhanh làm sao! Cho nên, có một phát biểu mâu thuẫn trong lời kinh này; cho dù tâm trí có chạy nhanh thế, nó không có khả năng đạt tới linh hồn, cái là tĩnh lặng. Tâm trí chạy nhanh như thế không đạt tới nó. Đây là cuộc đua rất đáng để ý. Cuộc đua là rất thách đố: tâm trí đua tranh này không thể đạt tới linh hồn bất động này! Nhưng đây là điều vẫn thường xảy ra trong cuộc sống. Những thứ bất động chỉ có thể có được bằng việc duy trì tĩnh lặng, không phải bằng việc đuổi theo chúng.
Bạn đang bước trên đường... có hoa nở bên vệ đường. Chúng là tĩnh lặng, bắt rễ tại chỗ. Bạn càng bước chậm, bạn càng thấy chúng nhiều hơn và nếu bạn đứng tĩnh lặng bạn sẽ có khả năng thấy tất cả mọi thứ ở đó để nhìn chúng. Nếu bạn đang trong xe chạy nhanh qua chúng với tốc độ một trăm năm mươi ki lô mét một giờ, bạn sẽ không thể có được lấy một thoáng nhìn về chúng, và nếu bạn đang bay trong máy bay qua chúng bạn sẽ không biết gì về chúng. Giả sử, nếu trong tương lai một phương tiện còn nhanh hơn được phát minh ra, thế thì bạn sẽ không bao giờ biết liệu hoa có đó hay không. Một chiếc máy bay bay với tốc độ mười sáu nghìn ki lô mét một giờ sẽ bỏ lỡ hoa đang mọc bên đường. Mặc dầu chúng vẫn đang đứng tĩnh lặng, bạn sẽ lỡ chúng bởi vì tốc độ lớn của bạn.
Tâm trí chạy với tốc độ cực lớn. Cho tới nay chúng ta không có máy bay hay phương tiện nào có thể sánh được với tốc độ của tâm trí. Cứ thử dành ra một phương tiện như thế, hay  một phương tiện chạy nhanh hơn tâm trí, để cho tâm trí chúng ta bị bỏ sau khi chúng ta theo cuộc đua mà xem! Sẽ có không thoải mái lớn, và rất khó khăn; con người sẽ thấy bản thân mình trong rắc rối lớn. Không, chắc chắn sẽ không xảy ra chuyện có chiếc máy bay bay nhanh hơn tâm trí chúng ta. Lúc mà máy bay tới được mặt trăng tâm trí chúng ta đã hoàn thành cuộc hành trình của nó tới sao Hoả rồi. Và khi máy bay tới sao Hoả thì tâm trí lúc đó đã đi vào một hệ mặt trời khác. Tâm trí luôn chạy trước mọi máy bay, dù tốc độ của máy bay có thể nhanh đến đâu.
Vậy mà tâm trí, với khả năng tốc độ nhanh thế, không bao giờ có thể đạt tới được atman bất động. Cho nên điều mà Upanishad nói là hoàn toàn đúng. Cái tuyệt đối tĩnh lặng không thể được đạt tới được bằng việc chạy đuổi theo; nó chỉ có thể đạt tới được bằng việc đứng tĩnh lặng. Nếu tâm trí trở thành yên tĩnh toàn bộ - tuyệt đối tĩnh lặng - thế thì, và chỉ thế thì, nó sẽ có khả năng biết cái là tĩnh lặng. Bạn cũng biết điều này - rằng khi tâm trí tuyệt đối yên tĩnh, nó dừng hiện hữu. Nó chỉ có đấy chừng nào nó đang chạy. Nói thực, chạy là cái tên khác của tâm trí. Nói tâm trí đang chạy là việc thừa. Khi chúng ta nói tâm trí đang chạy, chúng ta lỡ lời, cũng hệt như ta lỡ lời khi nói rằng tia sét đang loé lên. Trong sự kiện thật, việc loé sáng đó là tia sét. Không cần phải nêu ra hai phát biểu: “Tia sét đang loé lên.” Bạn đã bao giờ thấy tia sét mà không loé sáng không? Thế thì sao bận tâm nói như vậy? Chính việc dùng từ tạo nên khó khăn đó. Chúng ta tách bạch tia sét với việc loé sáng khi ta diễn đạt hiện tượng đó bằng lời. Thế rồi chúng ta nói, “Nhìn kìa, tia sét đang loé lên!” trong khi việc loé sáng và tia sét thực sự là hai tên cho một hiện tượng.
Chúng ta cũng phạm phải cùng sai lầm khi chúng ta nói tâm trí đang chạy. Thực ra, cái được gọi là tâm trí bao giờ cũng đang chạy. Chạy là tâm trí! Thế thì một tâm trí tĩnh lặng không có nghĩa, cũng như một tia sét không loé sáng không có nghĩa. Nếu ai đó nói, “Tia sét không loé sáng lần này,” bạn sẽ nói ngay, “Thế thì nó không có đó chút nào,” bởi vì phát biểu, “Tia sét không loé sáng,” không có nghĩa. Khi nó loé sáng, nó có đấy. Nếu tâm trí tĩnh lặng, nó dừng hiện hữu. Tâm trí tĩnh lặng trở thành vô trí.
Kabir gọi trạng thái này của vô trí là trạng thái của lặng lẽ. Khi nó tĩnh lặng, nó dừng tồn tại. Tâm trí chỉ hiện diện khi nó đang chạy. Đây là lí do tại sao bạn sẽ không bao giờ có khả năng giữ cho nó tĩnh lặng được. Nếu bạn trở nên tĩnh lặng, bạn sẽ thấy rằng tâm trí không có. Tâm trí không bao giờ có thể biết được linh hồn, vì linh hồn không bao giờ có thể được biết tới qua việc chạy, và tâm trí là từ khác cho việc chạy. Do đó atman chỉ được biết tới vào ngày không có tâm trí. Chúng ta có thể biết toàn thể thế giới qua tâm trí; chỉ yếu tố tâm linh cao nhất là vẫn còn không được biết. Chúng ta có khả năng biết yếu tố tâm linh cao nhất đó chỉ khi tâm trí không có đó.
Tâm trí có toàn bộ công nghệ bất ổn riêng của nó. Bởi vì việc chạy không mục đích là không thể được, tâm trí tạo ra nguyên nhân hay mục đích cho việc chạy của nó. Những điều này được gọi là ham muốn. Tâm trí nói, “Mình ham muốn điều đó, cho nên mình sẽ đuổi theo nó.” Làm sao bạn có thể chạy đuổi được nếu bạn không có ham muốn đạt tới cái gì đó trong tương lai, hay nếu không có mục đích nào để đạt tới? Do đó hàng ngày tâm trí đều quyết định hoàn thành một mục tiêu đặc biệt trong tương lai. Thế thì việc chạy đuổi bắt đầu, nhưng vào lúc mà mục đích được đạt tới, người ta phát hiện ra nó là vô dụng vì nó chỉ đơn thuần là cái cớ cho tâm trí chạy đuổi. Mục đích được đạt tới trở thành vô giá trị khi được hoàn thành. Thế thì tâm trí tìm kiếm cái cớ khác, mục đích khác để được đạt tới. Sau khi đạt tới mục đích đó nó sẽ nói, “Chẳng có gì thực chất trong cái này. Bây giờ mình phải cố gắng cho mục tiêu kia...” Cho nên nó tiếp tục chạy đuổi, thêm nữa thêm nữa.
Đây là lí do tại sao tâm trí bao giờ cũng ở tương lai. Nó không bao giờ có thể trong hiện tại. Người muốn chạy sẽ phải sống trong tương lai. Tâm trí bao giờ cũng ở phía trước bạn. Nó sẽ không còn ở đây nơi bạn đang có đấy. Để ở đây, nơi bạn đang có đấy, việc chạy phải dừng lại. Linh hồn - atman - là ở đây nơi bạn có đấy, và tâm trí có đấy nơi bạn không có - nơi bạn chưa bao giờ có đấy. Nó bao giờ cũng ở trước bạn, và bất kì nơi nào tâm trí đạt tới nó đều nói, “Cái này vô dụng, vô giá trị. Đi tiếp đi!” Nó giống như cột mốc có mũi tên bao giờ cũng báo bạn đi tiếp. Nhưng trong những cột mốc này mọi lần chúng ta đều bắt gặp một cột mốc đánh số không, thay vì mũi tên.
Hôm qua trong khi đi dạo tôi đã thấy một cột mốc với dấu số không trên đó. Không có mũi tên chỉ lối này hay lối nọ, vì số không nghĩa là điểm đích. Không đâu nữa mà đi; bạn đã đạt tới đích của mình. Nhưng tâm trí bịa ra mũi tên nói, “Đi tiếp.” Cột mốc với số không không bao giờ được thấy trên cuộc hành trình của tâm trí. Và nếu vào bất kì lúc nào, bất kì ngày nào, bạn bắt gặp một cột mốc như thế, biết rằng bạn đã đến một nơi được biết như thiền. Khi bạn tình cờ thấy cột mốc đó trên cuộc hành trình của mình, biết rằng đấy là việc nhận ra atman. Linh hồn có đấy nơi có số không. Cho nên những người đã biết tới điều tối thượng đều tuyên bố rằng bạn sẽ không thể biết được nó thông qua tâm trí; bạn sẽ biết nó bởi số không. Nhớ lấy, cái mà người chứng ngộ gọi là số không chính là vô trí.
Tôi đã bảo bạn tâm trí luôn tạo ra cớ để săn đuổi mọi thứ. Khi nó bắt đầu chán ngán với mọi thứ trần thế, chúng bị dẹp sang một bên. Tâm trí nói, “Mình thu được giầu sang lớn lao, mình đã xây dựng nhiều toà nhà, mình đã mua bao nhiêu thân thể cho việc tận hưởng nhưng không thu được bản chất gì từ những thứ này.” Thế rồi nó chơi trò mẹo cuối cùng để giữ việc chạy đuổi của nó: nó bắt đầu tạo ra mũi tên trỏ tới thế giới tiếp, tới cõi trời, tới cứu rỗi và Thượng đế. Cho dù thế, nó không yêu cầu chúng ta dừng tạo ra mũi tên và quay trở về số không. Không, bây giờ nó nói, “Thử đạt tới giầu có tâm linh xem sao. Giầu có trần thế mình đã đạt tới rồi và thấy nó vô dụng, cho nên thử tiếp xem sao! Bây giờ mình phải cố gắng đạt tới tôn giáo. Mình biết mình có thể làm được điều đó. Bằng cách này hay cách khác, mình sẽ làm điều đó!”
Thôi thúc trở thành dai dẳng. Nếu nỗ lực để có được cái gì đó vẫn tiếp tục, thế thì tâm trí cũng sẽ tiếp tục. Nhớ lấy điều này: người không phải là người tôn giáo thực là người ước ao đạt tới điều gì đó. Người tôn giáo là người đã nhận ra chân lí rằng mọi hoạt động nhằm thu được đều chỉ là tâm trí; người đó từ bỏ cố gắng đạt tới bất kì cái gì. “Bây giờ tôi không còn cố gắng đạt tới bất kì cái gì. Bây giờ, chung cuộc, tôi sẵn sàng cho tĩnh lặng. Bây giờ, cho dù Thượng đế có yêu cầu tôi tới chỗ ngài, chỉ bước hai bước tới chỗ ngài, tôi sẽ vẫn còn tĩnh lặng. Bây giờ tôi đang đứng ở cột mốc số không. Tôi không còn cuộc hành trình nào cần tiến hành bây giờ nữa.” Nhận biết đi, người đứng tĩnh lặng, trong cái tĩnh lặng ấy của người đó, người đó tìm thấy Thượng đế. Người chạy theo Thượng đế không bao giờ đạt tới ngài bởi vì việc chạy là của tâm trí, và yếu tố tâm linh cao nhất đó không bao giờ được đạt tới bởi tâm trí.
Khi bạn phát chán với việc tìm kiếm theo các đồ vật trần gian bởi tâm trí, bạn sẽ bịa ra những cái cớ mới cho tâm trí - atman, Thượng đế, chứng ngộ. Phật đi xa khi chối bỏ sự tồn tại của atman, vì bằng không bạn sẽ dồn mọi nỗ lực vào việc cố gắng tìm ra nó. Tâm trí láu cá thế, nó sẽ nói, “Được thôi, nếu không có cái gì khác, ít nhất có atman, cho nên ta sẽ theo đuổi cái đó! Ta sẽ cống hiến năng lực của mình để đạt tới điều đó!” Nếu nó không chạy về nhà nó sẽ chạy hướng tới đền thờ. Nó phải chạy - nếu không hướng tới đối tượng vật chất thế thì hướng tới Thượng đế; trong bất kì trường hợp nào, tâm trí phải chạy.
Nhưng chỉ những người đứng tĩnh lặng mới tìm thấy nó. Đây là tuyên bố của lời kinh này. Nó ở sau các giác quan và bên ngoài tâm trí. Cả hai không thể giúp cho bạn đạt tới atman. Thế thì chúng ta phải làm gì? Vì nó ở sau giác quan, vứt bỏ mọi khái niệm rằng chúng có thể giúp bạn. Vì nó ở bên ngoài tầm với của tâm trí, dừng việc tuỳ thuộc vào tốc độ tâm trí của bạn.
Tôi đang nói cho bạn để không đặt tin tưởng nào vào cả tâm trí lẫn giác quan. Khi tôi yêu cầu bạn nhắm mắt, thực ra đấy là yêu cầu bạn phá vỡ thói quen phụ thuộc vào một giác quan đặc biệt. Tôi đang bảo bạn, bạn đã từng thấy quá đủ bằng mắt bạn, vậy mà điều đó vẫn không được thấy. Mắt đã hoạt động trong nhiều kiếp rồi, nhưng điều đó không thể được thấy. Bây giờ chúng ta thấy bằng mắt nhắm.
Chúng ta đã cố gắng vất vả để nghe tiếng nói của điều đó, nhưng điều đó không thể được nghe thấy. Chúng ta đã mong mỏi đam mê để nghe thấy âm nhạc của nó, nhưng tai chúng ta không bắt được nó. Bây giờ, chúng ta nút tai lại. Chúng ta đã suy nghĩ và suy tư vô tận, nhưng không bao giờ có thể phát minh ra lời kinh đưa chúng ta tới đó. Chúng ta đã cố gắng vất vả với tâm trí, chúng ta đã chịu đựng nhiều lo âu và buồn phiền, chúng ta đã lập luận và cân nhắc, và đã nhìn vào nhiều triết học, nhiều tôn giáo và nhiều kinh sách. Chúng ta đã tạo ra nhiều cuốn sách và lập ra nhiều lí thuyết và nguyên lí, nhưng không tìm được bất kì dấu vết nào của điều đó. Bây giờ gạt sang bên tất cả những điều này đi. Chúng ta từ bỏ suy nghĩ. Bây giờ chúng ta đi vào vùng vô suy nghĩ. Có lẽ ở đây điều đó có thể được tìm ra.
Tôi dùng từ có lẽ cho bạn. Nó chắc chắn được đạt tới ở đây. Nhưng trong khi nó vẫn còn chưa được đạt tới, ngay cả với tin tưởng chân thành rằng trong vùng vô trí nó chắc chắn sẽ được tìm thấy, là nguy hiểm. Cho nên tôi dùng từ có lẽ cho bạn: thông thường, việc giữ niềm tin như thế trở thành chướng ngại cho tiến bộ của chúng ta. Người ta khuyên chúng ta rằng điều đó là được - rằng bây giờ chúng ta sẽ có nó, rằng bây giờ chúng ta đã tìm thấy cách thức để chắc chắn! Cho nên các lí thuyết đi tới trông có vẻ như những thành tựu. Đấy là lí do tại sao tôi dùng từ có lẽ, để cho bạn có thể được thuyết phục đi vào trong thực nghiệm.
Đấy là điều chắc chắn đạt tới được, nhưng phải từ bỏ sự hỗ trợ của các giác quan. Tâm trí, chạy và đua, phải bị loại bỏ. Đấy là bản tính của yếu tố tâm linh cao nhất, cái đã và bao giờ cũng hiện hữu bên trong chúng ta, nhưng cái mà chúng ta liên tục bỏ lỡ qua những phương sách và kế hoạch của riêng chúng ta cho cuộc sống. Nó chưa bao giờ bị chúng ta đánh mất, nó đơn giản bị quên lãng. Chúng ta đơn giản quên nó. Nhưng trong khi quên nó, toàn thể cuộc sống của chúng ta trở thành vô giá trị, trở thành địa ngục. Trong khi quên nó, không hoa nào phát triển trong cuộc sống, chỉ gai. Trong khi quên nó, cuộc sống trở thành sa mạc không có sông, không luồng nước ngọt. Mọi hạnh phúc biến mất. Cuộc sống của chúng ta trở thành sa mạc nơi mà, dù chúng ta tìm kiếm nhiều đến đâu, không dòng nước nào được tìm thấy, và chỉ có cát tuột qua đôi tay chúng ta. Chúng ta bước đi bao lâu không thành vấn đề, không bóng râm nào được thấy, không đâu là nơi trú ngụ, không đâu là chỗ nghỉ ngơi.
Hiểu điều này: không có chỗ trú ngụ nào, không có ốc đảo nào trong cuộc sống, nếu không có yếu tố tâm linh cao nhất đó, atman. Không cực lạc nào từng tuôn chảy mà không có yếu tố tâm linh cao nhất đó. Nó là tất cả nói chung. Nó là tinh hoa thực. Nhưng những người bị vướng vào lá cây không có khả năng tụt xuống rễ. Lá có thể công nhận việc mọc ra của chúng là từ rễ, nhưng những người vẫn còn vướng trong lá không bao giờ phát hiện ra rễ. Từ bỏ lá đi. Đi sâu xuống vào bên trong, vượt ra ngoài cảm giác, vượt ra ngoài giác quan, vượt ra ngoài ý nghĩ. Đi vào bên trong và ra sau chúng, dần dần, cho tới khi bạn đi tới điểm số không. Nó là ở bên trong mọi người. Xoay xung quanh nó, chúng ta vẩn vơ đây đó, nhưng không có nó không thể có việc lang thang được. Không có điểm số không bên trong đó, không có yếu tố tĩnh lặng hoàn hảo đó tại trung tâm, toàn thể quá trình biến đổi này, mạng lưới tuần hoàn khổng lồ này, không thể tiếp diễn được. Việc chạy đuổi này của bạn giống như cơn bão, việc xoay tròn này giống như cơn xoáy lốc, tất cả những điều này phụ thuộc vào sự hiện diện của số không đó.
Để tôi làm rõ một điều cuối cùng về vấn đề này. Có hai cách mô tả cho một điều đó: như số không và như sự hoàn hảo. Upanishad thích thuật ngữ hoàn hảo; họ ưa chuộng dùng từ hoàn hảo. Khi Upanishad đã đi vào sự tồn tại, khi những lời kinh này lần đầu tiên được đọc ra, con người chỉ có khả năng hiểu nghĩa này là hoàn hảo. Từ này diễn tả nghĩa này trong ngôn ngữ khẳng định. Việc dùng từ số không là để diễn tả nghĩa theo ngôn ngữ phủ định. Để hiểu thuật ngữ hoàn hảo người ta phải có trái tim hồn nhiên của trẻ thơ. Người già không có khả năng hiểu ngôn ngữ này, người đang đi xa hơn mỗi ngày khỏi trạng thái trẻ thơ.
Những người, giống như trẻ thơ, đã hiểu ngôn ngữ của hoàn hảo trong những ngày khi lời kinh này được soạn ra. Bạn sẽ hiểu tình huống này nếu bạn đã từng nghiên cứu trẻ con, nếu bạn đã theo cách thức và hành vi của chúng. Bước đi trên đường đứa trẻ hỏi đủ mọi loại câu hỏi; tất cả trẻ con đều làm điều này. Thỉnh thoảng câu hỏi khá thách đố, nhưng bạn đưa ra cho chúng những câu trả lời dễ dàng đơn giản, và chúng hài lòng và trở nên yên tĩnh.
Những câu hỏi đó đôi khi khó đến mức người già hơn không có câu trả lời cho chúng. Khi một em bé mới được sinh ra trong nhà, trẻ nhỏ sẽ hỏi, “Em bé mới này từ đâu đến thế?” Câu hỏi này thật khó. Bây giờ, người lớn không có câu trả lời đúng cho câu hỏi này; cả những người biết - các nhà sinh học - cũng không có câu trả lời đúng. Họ nói, “Chúng tôi vẫn còn đang nghiên cứu. Chúng tôi chưa biết dứt khoát em bé đến từ đâu. Chúng tôi có thể nói cho các anh những điều chúng tôi có khả năng phát hiện ra, nhưng cuộc sống đến từ cõi bên kia xa xăm; chúng tôi không biết điều gì một cách dứt khoát.”
Cho nên ngay cả các nhà nghiên cứu, người đã dành nhiều kiếp sống cho vấn đề này cũng không biết. Và những người cho sinh ra trẻ con không biết gì hết cả về điều đó, vì không cần phải biết gì về điều đó để sinh ra trẻ con. Nhưng ý tưởng sai lầm này được tạo ra rằng người bố của bẩy đứa con nên biết đứa trẻ từ đâu đến, và vì người đó cũng đã sống trong ảo tưởng này nên người đó sẽ đưa ra lời đáp, người đó sẽ tìm ra câu trả lời. Nhưng quan sát thật kĩ lưỡng phản ứng của đứa trẻ mà xem. Nó hỏi những câu hỏi khó thế - trẻ con từ đâu tới? - điều đó ngay cả khoa học vẫn còn chưa phát hiện ra câu trả lời đúng; và như tôi thấy, khoa học không bao giờ có được câu trả đúng. Nhưng bạn ngay lập tức đáp rằng bạn đã thấy con cò đem em bé tới. Đứa trẻ tin vào bạn, và chạy đi chơi. Với nó vấn đề thế là xong.
Nó đã tin vào bạn. Tâm trí của nó là tâm trí khẳng định, không phản đối, không hoài nghi cho đến lúc đó. Nó sẽ không hỏi để phản đối, “Làm sao cò đem em bé tới được? Nó lấy em bé từ đâu?” Bây giờ nó không nêu ra chút hoài nghi nào. Về sau nó sẽ hoài nghi. Rồi một ngày sẽ tới khi câu trả lời, “Cò đem em bé tới,” không còn tác dụng nữa. Thế thì nó sẽ hỏi nhiều câu hỏi và bày tỏ nhiều hoài nghi. Thế thì bạn sẽ biết rằng tâm trí phủ định đã đi vào sự tồn tại.
Có một thời đại khi toàn thể thế giới, toàn thể loài người đã từng hồn nhiên như trẻ nhỏ; người ta tin vào điều họ được nói cho. Cho nên kinh sách càng cổ bạn sẽ càng ngạc nhiên và bối rối nhiều. Bạn sẽ bị lẫn lộn bởi thiếu logic, và bởi vắng bóng lập luận khéo. Chỉ có những phát biểu trực tiếp. Ai đó đến một hiền nhân và bảo ông ta, “Tôi rất không thoải mái và lo âu. Tôi phải làm gì để có được an bình tâm trí?” Hiền nhân nói, “Niệm tên Rama đi.” Người hỏi được thoả mãn và nói, “Được rồi, tôi sẽ niệm,” và ra đi. Người đó thậm chí không hỏi điều gì sẽ xảy ra hay hỏi làm sao người đó có thể được trợ giúp chỉ bởi việc niệm tên Rama. Người đó không hỏi bất kì câu hỏi nào. Nhớ trong tâm trí, không cái gì sẽ xảy ra bởi việc niệm tên của Rama, nhưng hoàn cảnh của tâm trí con người là tới mức ngay cả nếu hiền nhân yêu cầu người đó lẩm nhẩm “Hòn đá, hòn đá!” người đó sẽ được lợi.
Không cái gì xảy ra bởi việc niệm hoặc từ Rama hoặc từ hòn đá. Nhưng chính hoàn cảnh khẳng định của tâm trí, tâm trạng hồn nhiên của việc chấp nhận, không biết tới chối bỏ hay không vâng lời, không phát sinh hoài nghi, làm cho nó có kết quả. Đó là lí do tại sao người ta hay nói, “Đi và niệm tên Rama rồi mọi thứ sẽ ổn thoả.” Người này về nhà, niệm tên Rama, và mọi sự ổn thoả. Nhớ lấy, không cái gì xảy ra bởi việc niệm tên Rama. Nó xảy ra là bởi vì thái độ khẳng định của tâm trí. Nếu như hiền nhân đã nói, “Cầm lấy bùa hộ mệnh này,” hay nếu ông ta đưa cho người



đó một thứ nước nào đó và bảo người đó uống, người này chắc chắn sẽ uống nước bùa đó và nó sẽ có kết quả. Bất kì cái gì cũng đều sẽ có hiệu quả. Không cái gì khác biệt khi phương thuốc là thế này hay thế nọ. Điều quan trọng là tâm trí khẳng định đằng sau toàn thể sự việc. Nếu điều đó có đấy, kết quả là thành công chắc chắn.
Nhưng bây giờ thái độ khẳng định của tâm trí đã mất rồi. Nó đã hoàn toàn biến mất ngay vào thời của Mahavira và Phật. Cho nên cả Mahavira và Phật đều phải dùng ngôn ngữ phủ định. Mahavira đã dùng nó chút ít và tuyên bố, “Không có Thượng đế!” - không phải bởi vì đã không có Thượng đế, mà bởi vì bây giờ không còn người nào sẽ nhảy múa vui vẻ khi được bảo rằng có Thượng đế. Một người như vậy sẽ không hỏi, “Ngài ở đâu?” Người đó đơn giản nhảy múa theo cách của mình để đi vào cực lạc. Người đó sẽ nói, “Nếu có Thượng đế, tôi sẽ tới gặp ngài, và cửa cõi trời sẽ được mở cho tôi.” Và nhớ lấy, không có cánh cửa nào không mở cho một tâm trí tin cậy và hồn nhiên như thế.
Không có những người như thế ngồi cùng Mahavira. Khi ông ấy bảo ai đó, “Thượng đế có đấy,” người đó lập tức đối chất với Mahavira với hàng loạt câu hỏi về chủ  đề này. Thế thì Mahavira nói, “Không có Thượng đế đâu.” Thực ra, câu trả lời thứ nhất của ông ấy là đúng, nhưng khi một ai đó bắt đầu đưa ra hoài nghi, toàn bộ tình huống trở thành ngớ ngẩn và vô ích. Không có ý nghĩa gì trong câu trả lời này nếu hoài nghi được nó gợi ra. Đó là câu trả lời của các hiền nhân cổ đại. Nhưng mọi người trong thời của Mahavira bắt đầu hỏi, “Thượng đế là ai? Ngài ở đâu? Ngài có bao nhiêu đầu? Ngài có bao nhiêu tay? Ngài được sinh ra thế nào? Ngài từ đâu tới? Chúng ta có thể gặp ngài ở đâu?” Cho nên Mahavira nói, “Ngài không có đó chút nào.”
Câu trả lời cũ không còn hữu dụng nữa. Câu trả lời mà từ đó câu hỏi bắt đầu nảy ra là không có giá trị nào. Mục đích của câu trả lời là để cho câu hỏi được tập trung vào trong nó. Đó là câu trả lời hàm chứa câu hỏi, cho nên câu hỏi rơi đi. “Có Thượng đế!” là câu trả lời lớn nhất, nhưng Mahavira bị buộc phải từ bỏ nó đi. Và Phật đã phải đi thêm một bước nữa.
Mahavira chấp nhận sự tồn tại của linh hồn, atman, với sứ mệnh của ông ấy. Khác trong quan điểm của Mahavira và Phật đã nảy sinh nhanh chóng thế. Không có khác biệt gì lớn giữa thời đại của Mahavira và Phật, thực ra chỉ ba mươi năm. Vậy mà Phật đã buộc phải nói, “Không có điều như linh hồn.” Mahavira đã nói, “Không có Thượng đế, có linh hồn.” Phật phải nói, “Thậm chí không có cả linh hồn,” vì vào thời của Phật người ta bắt đầu hỏi, “Atman có nghĩa gì?”
Không có câu trả lời cho điều đó. Phật nói, “Nó là số không; nó là cái không.” Nhớ lấy, câu hỏi không thể nảy sinh đối với số không, vì nó có nghĩa là cái không có đấy. Câu hỏi nào có thể được nêu ra về nó? Câu hỏi không thể được đưa ra cho số không. Và nếu bạn đưa ra bất kì câu hỏi nào, điều đó nghĩa là bạn đã không hiểu. Nghĩa của số không là ở chỗ nó không có. Bây giờ, bạn có thể hỏi câu hỏi nào thêm nữa về nó? Bản thân chúng ta nói, “Nó không có.” Phật nói, “Số không. Cái không!” và hướng dẫn mọi người trở thành được hợp nhất với nó. Toàn thể ngôn ngữ bị thay đổi. Nhưng tôi bảo bạn rằng số không và sự hoàn hảo là một và là cùng một thứ. Từ hoàn hảo là câu trả lời của tâm trí khẳng định, và từ số không là câu trả lời của tâm trí phủ định.
Điều đáng quan tâm là quan sát rằng chúng ta, trong thế giới này, không có kinh nghiệm gì về sự hoàn hảo, khác với kinh nghiệm về số không. Đó là lí do tại sao vòng tròn được chúng ta tạo ra và chấp nhận như biểu tượng về số không. Nó là hình vẽ hoàn hảo nhất được con người vẽ ra. Không một hình nào khác là hoàn hảo. Điều cũng đáng quan tâm để biết là, trong mọi nước trên thế giới, hình số không lần đầu tiên đã được phát minh ra ở Ấn Độ; và nó được phát minh ra không phải bởi các lí do toán học mà bởi các lí do của Veda, với mục đích để hiểu biết.
Số một tới chín cũng đã được hình thành nên ở Ấn Độ, nhưng điều rất đáng quan tâm là tất cả những con số này từ một tới chín đều không hoàn hảo. Cái gì đó có thể được thêm vào chúng. Với số một, một khác có thể được cộng vào, và cái mà với nó cái gì đó có thể được thêm vào là không hoàn hảo, vì giá trị của nó tăng lên theo phép cộng. Cái gì đó có thể được lấy đi, bớt từ nó đi, và cái mà từ đó cái gì đó có thể được lấy bớt đi, do vậy làm bé nó đi, là không hoàn hảo. Bạn không thể thêm cái gì vào số không cũng không bớt cái gì đi từ nó được. Nó là hoàn hảo. Bạn không thể bớt cái gì từ số không - làm sao bạn có thể bớt cái gì từ cái không? - bạn cũng không thể thêm gì vào số không được. Bạn có thể làm thế nào?
Số không là biểu tượng, là hình ảnh cho sự hoàn hảo. Nó là hình ảnh hình học của sự hoàn hảo. Chúng ta mang số không này, hình ảnh của sự hoàn hảo, bên trong chúng ta. Nếu bạn có thể đi tới hiểu Thượng đế thông qua sự hoàn hảo, điều đó là tốt. Và nếu bạn không thể hiểu được qua sự hoàn hảo, thế thì tới qua số không. Sẽ không khác biệt gì về kết quả cuối cùng.
Qua thay đổi thái độ tâm trí hai con đường đã đi vào hiện hữu, dẫn tới cùng đích. Nếu tâm trí bạn có tính khẳng định và bạn cảm thấy bạn sẽ không nhận ra nó qua số không, bạn nên lấy con đường của nhảy múa, ca hát và hiện hữu trong cực lạc. Và nếu bạn cảm thấy tâm trí bạn có tính phủ định và hoài nghi, thế thì cứ duy trì im lặng, yên tĩnh, là số không, và mất hút trong số không. Nếu bạn nghĩ tâm trí bạn có cách tiếp cận phủ định, thế thì trở nên được thống nhất với số không. Kết quả cuối cùng là như nhau.
Nhảy múa đó, cực lạc đó, sẽ tới qua cả số không nữa, nhưng nó sẽ tới bởi việc là số không, và số không sẽ tới qua nhảy múa, bởi việc trở thành một với việc nhảy múa. Người có hoàn cảnh tâm trí thiên về sự hoàn hảo sẽ nhảy múa, ca hát và tụng niệm lời cầu nguyện ngay từ đầu và do vậy biến mất trong số không. Khi việc nhảy múa trở thành nhanh và hoang dại, chỉ thế thì việc nhảy múa của người đó còn lại, và khi nó trở thành điên cuồng như một cơn xoáy lốc, người đó bắt đầu kinh nghiệm số không bên trong. Người đó sẽ cảm thấy ai đó đang đứng đằng sau. Thân thể sẽ tiếp tục nhảy múa và số không, atman, sẽ đứng lại, sẽ được thức tỉnh bên trong. Điểm tĩnh lặng sẽ bắt đầu xuất hiện cùng với bánh xe xoay tròn.
Nhớ trong tâm trí rằng nếu bánh xe bất động, sẽ khó biết tới điểm tĩnh lặng bởi vì cả hai sẽ tĩnh lặng. Sẽ khó phân biệt nổi đâu là trục xe và đâu là bánh xe nếu bánh xe bất động. Nếu bánh xe đang chuyển động, sẽ dễ dàng biết được trục vì nó sẽ không chuyển động khi bánh xe đang chuyển động. Được nhấn chìm trong cực lạc bởi việc trở thành một với sự hoàn hảo, một Chaitanya hay một Meera nào đó đang nhảy múa. Khi điệu nhảy tiếp tục, bánh xe quay càng ngày càng nhanh, và điểm trung tâm xuất hiện như sự tách biệt trong cái tĩnh lặng của nó.
Nếu bạn bắt đầu với số không thì bạn bắt đầu cảm thấy trống rỗng bên trong. Khi mọi thứ bên trong trở thành trống rỗng, bánh xe bên ngoài bắt đầu được thấy đang quay; ý nghĩ tới và đi, samsara, thế giới, đang tiếp diễn.
Cuộc hành trình tới điều tối thượng có thể bắt đầu từ trục xe hay từ bánh xe. Cả hai sẽ đem chúng ta tới điểm cuối cuộc hành trình. Yếu tố tâm linh cao nhất có thể được biết tới hoặc bởi việc trở thành sự hoàn hảo hoặc bởi việc trở thành số không; nhưng các giác quan không thể đưa chúng ta hoặc tới sự hoàn hảo hoặc tới số không được - mà tâm trí thì cũng không thể đưa ta tới đó được.
Xem tiếp Chương 6 - Quay về Mục lục

Ads Belove Post