Chương 5. Cuộc tìm kiếm cá nhân

Chương 5. Cuộc tìm kiếm cá nhân

Price:

Read more

Osho - Con đường bên ngoài mọi con đường
Chương 5. Cuộc tìm kiếm cá nhân

Khi có bất hoạt
và nghỉ ngơi của mười bốn công cụ
thì có thiếu cảm nhận,
và các vật thô, như thính giác và xúc giác,
không được kinh nghiệm.
Trạng thái này được gọi là sushupti,
trạng thái ngủ của linh hồn.
Tâm thức chứng kiến một cách vĩnh hằng
biết tới sự hiện diện hay vắng mặt của ba trạng thái,
và bản thân nó vượt ra ngoài sự hiện diện hay vắng mặt,
là turiya.
Đây là trạng thái thứ tư.
Thức là trạng thái thứ nhất, mơ là trạng thái thứ hai và ngủ là trạng thái thứ ba. Sushupti, trạng thái ngủ, nghĩa là không có nhận biết về thế giới bên ngoài, cũng không có kinh nghiệm gì về các đối tượng hay bất kì mơ nào được tạo ra bởi ấn tượng của chúng trong tâm trí. Ý thức hoàn toàn ngủ, không có dấu vết của bất kì nhận biết nào: ý thức có đó nhưng không có nhận biết, cuộc sống có đó nhưng hoàn toàn ngủ - không có hiểu biết về bất kì loại gì. Người này trở thành vô tri vô giác - sống đấy, vậy mà vô tri vô giác, trơ ra.
Cho đến giờ chúng ta đã thảo luận về hai trạng thái: khi chúng ta mở mắt, thế giới bên ngoài được nhìn thấy, khi chúng ta nhắm mắt, thế thì điều chúng ta đã thấy ở bên ngoài lại được thấy ở bên trong, trong mơ của chúng ta. Cái gì đó bao giờ cũng trực quan. Thế giới bên ngoài có thể vắng bóng, nhưng dầu vậy hình dạng được nó tạo ra vẫn tiếp tục chuyển động trên màn ảnh của tâm trí. Cái gì đó bao giờ cũng vẫn còn trên màn ảnh của tâm trí.
Khi màn ảnh này trống rỗng, trạng thái này được gọi là sushupti, trạng thái ngủ. Thế thì cả các đối tượng bên ngoài lẫn các ý nghĩ bên trong cũng đều không được cảm nhận, luồng tất cả các ảnh đều dừng lại; màn ảnh trống rỗng, nó bị bỏ trống, không nhận biết nào còn lại - trạng thái đó được gọi là sushupti.
Bây giờ, có vài điều rất quan trọng cần hiểu ở đây. Thứ nhất, cần hiểu rằng bạn chưa bao giờ nhận biết về bản thân mình cả. Nếu bạn quả có nhận biết nào đó về bản thân mình, thế thì cho dù thế giới bên ngoài có biến mất, và thế giới mơ bên trong cũng biến mất, vậy mà một điểm của nhận biết sẽ vẫn còn lại, rằng 'tôi đây'. Mặt trời, mặt trăng và các vì sao có thể không còn thấy được, mắt bạn có thể vẫn còn nhắm mà không mơ nào tuôn chảy, nhưng dầu thế thì nhận biết về 'tôi tồn tại' sẽ vẫn cứ còn. Nhưng như bạn hiện tại, chẳng có nhận biết gì về bản thân mình cả; nhận biết của bạn là hướng đối tượng; bạn nhận biết về người khác, về các sự vật, nhưng không về bản thân mình.
Cho nên khi tất cả mọi đối tượng biến mất, ý thức biến mất. Dù bạn có bất kì nhận biết nào về người khác; bạn vẫn không có nhận biết về bản thân mình. Khi bạn vấp ngón chân vào tảng đá, bạn mới trở nên nhận biết về tảng đá và kinh nghiệm cái đau của chính mình, bạn không nhận biết về người đang cảm nhận mọi thứ.
Ngay bây giờ, tôi đang nói và bạn đang nghe. Bạn nghe lời tôi, bạn đang nghe bằng những rung động trong tai mình, nhưng bạn vẫn chưa biết người nghe đang ẩn kín đằng sau tất cả những điều này. Nếu việc nói bị dừng lại và những lời đang lọt vào tai bạn biến mất và không có gì vang vọng bên trong, thế thì bạn sẽ không có nhận biết nào cả.
Đó là lí do tại sao vài nhà tư tưởng vẫn cứ mở rộng việc nói - và phát biểu của họ đúng tới chín mươi chín trong một trăm lần - họ nói rằng chẳng có gì như ý thức tồn tại cả; tâm thức của bạn chỉ là tiếng vọng bên trong của sự hiện diện của những thứ khác.
Trạng thái thứ ba này của việc ngủ, việc trở thành vô ý thức, phơi bầy ra những bí ẩn lớn. Khải lộ thứ nhất là ở chỗ chúng ta đang trong ảo tưởng lớn rằng chúng đã có ý thức. Chúng ta không có ý thức. Đó là lí do tại sao giấc ngủ sẽ ngay lập tức chiếm lĩnh khi bạn không bận bịu. Nếu bạn không bận, giấc ngủ sẽ lập tức bắt đầu hạ xuống bạn, cho nên cần phải bận rộn. Có mặt khác cho nó nữa: khi bạn trở nên quá bận rộn, giấc ngủ sẽ không tới mặc cho nỗ lực tối đa của bạn. Đêm rồi, bạn đang nằm trên giường, nhưng ý nghĩ của bạn chạy tứ tung không dừng và giấc ngủ không tới, bởi vì khi ý nghĩ của bạn xô đi lung tung thì bạn phải tỉnh táo, bạn không thể ngủ được; sự việc hiện diện, mặc dầu nó không phải là thế giới bên ngoài.
Nếu ai đó đang đánh trống gần bạn, bạn không thể ngủ được. Tại sao lại vậy? Bởi vì rằng việc đánh trống giữ cho bạn tỉnh táo có ý thức, nó không cho phép bạn ngủ. Nhưng cho dù trống không được đánh và bạn đang nằm với mắt nhắm, nhiều ý nghĩ vẫn sẽ chạy xô qua tâm trí bạn, những tưởng tượng sẽ cứ diễn ra trong tâm trí bạn, thế thì giấc ngủ cũng sẽ không tới. Ngay cả bạn có nghĩ tới giấc ngủ, cố gắng ngủ, bạn vẫn không thể ngủ được. Khi bạn đang nghĩ về cách bạn có thể làm cho bản thân mình thiếp đi, về điều bạn có thể làm để thiếp đi, việc ngủ vẫn không xảy ra, bởi vì bạn sẽ vẫn còn có ý thức chừng nào còn có một sự việc. Và thế thì, ngay khi sự việc biến mất, bạn sẽ ngay lập tức chìm vào trong vô thức.
Cho nên ý thức của bạn phụ thuộc vào các sự việc, bạn không là người chủ của nó. Nếu chúng ta hiểu điều đó đúng, thế thì sâu bên dưới là tù túng. Chúng ta có thể vẫn còn thức nếu ai đó hay cái gì đó giữ chúng ta thức; nếu không cái gì giữ chúng ta thức, chúng ta thiếp đi ngay lập tức. Đó là lí do tại sao con người phát minh những cảm giác mới hàng ngày, bằng không thì cuộc sống trở thành chán.
Cùng người vợ ấy! - và cuộc sống bắt đầu mất đi sự kích động của nó; cho nên chồng muốn tìm người đàn bà mới. Cùng ngôi nhà ấy! - và cuộc sống bắt đầu mất đi sự kích động; cho nên ngôi nhà khác được cần tới. Chỉ mỗi một kiểu thức ăn! - cuộc sống bắt đầu mất đi sự kích động; cho nên mọi ngày người ta muốn cái gì đó mới và khác để ăn. Ham muốn thay đổi này là để giữ chúng ta thức, bằng không thì chúng ta sẽ đi ngủ - nếu không có thay đổi, chúng ta sẽ thiếp đi. Do đó tất cả mọi phương pháp đem lại giấc ngủ đều chỉ dùng mỗi một kĩ thuật.
Tất cả các phương pháp được tạo ra để giúp cho những người không thể ngủ được đều dùng kĩ thuật đơn giản nhất của việc lặp lại cái gì đó. Sau một chốc họ bị chán thế bởi vì thiếu vắng cái gì đó mới thì chẳng có lí do gì để thức cả. Ngay cả bạn có lẩm nhẩm “Rama, Rama, Rama, Rama, Rama, Rama, Rama, Rama,” bạn cũng sẽ thiếp đi. Đó là lí do tại sao những người cứ lẩm nhẩm mật chú lại thiếp đi, rơi vào giấc ngủ và những người thờ cúng trong các đền chùa cứ buồn ngủ. Đơn giản không có gì mới, do đó không có thách thức; không có điều gì để duy trì thức tỉnh.
Mẹ vỗ vào trán đứa con năm đến mười lần - cùng việc vỗ đó... cùng việc vỗ đó... cùng việc vỗ đó - và đứa trẻ đi vào giấc ngủ. Chẳng có gì bất thường trong việc vỗ cả; đứa trẻ chỉ phát chán. Chẳng có gì mới xảy ra, cho nên đứa trẻ đi vào giấc ngủ.
Đó là lí do tại sao bạn thiếp đi dễ dàng hơn trong phòng riêng của mình; trong phòng lạ thì phải mất thời gian mới ngủ được bởi vì phòng lạ là không quen thuộc. Bạn thiếp đi rất nhanh chóng trên chiếc gối hay giường của riêng mình nhưng phải mất nhiều thời gian để thiếp đi trên giường của ai đó khác; có cái gì đó mới giữ cho bạn thức tỉnh. Do đó, mọi người đều có nghi thức ngủ của riêng mình.
Đứa trẻ nhỏ, cảm thấy bất ổn, liền đưa ngón tay cái vào miệng. Trong vài khoảnh khắc, bởi vì chẳng cái gì mới xảy ra, nó phát chán và thiếp đi. Không có nhiều khác biệt giữa trẻ con và người lớn. Ai đó không thể ngủ được trừ phi người đó hút thuốc lá vào ban đêm. Người đó hút thuốc - đó là cái thay thế cho việc bú ngón tay cái - thế thì người đó đi vào giấc ngủ. Thường lệ hàng ngày làm cho người ta cảm thấy chán ngay lập tức. Giấc ngủ cũng khó khăn ở chỗ mới, giữa những người mới, trong ngôi nhà mới, bởi vì có nhiều thứ quanh bạn giữ cho bạn thức đòi hỏi sự chú ý của bạn, nhận biết của bạn - bởi vì cái gì đó là mới.
Giấc ngủ đã bị quấy rối ở phương Tây bởi lí do đơn giản là phương Tây đang thay đổi nhanh chóng tới mức bao giờ cũng có cái gì đó mới. Phương Đông thoải mái khi có liên quan tới giấc ngủ, nhưng điều đó sẽ không còn kéo dài lâu nữa. Dân làng ngủ say; ai đó sống ở thành thị không thể ngủ say được như vậy. Không có lí do đặc biệt cho điều này ngoại trừ rằng dân làng sống trong những hình mẫu cũ, sống trong cái chán chường, không có gì mới giữ cho người đó thức. Với ai đó ở thành thị, hàng ngày đều có cái gì đó mới: phim mới được chiếu, báo mới được in, có người mới mà gặp, hàng hoá mới tới trên thị trường, ô kính cửa hàng được trang hoàng bằng những đồ trưng bày mới, có kiểu cách mới, mọi thứ đều mới hàng ngày. Tác động của tất cả những cái mới này là ở chỗ người đó thường xuyên thức và khó mà ngủ được. Tại thôn làng mọi thứ đều cũ; cùng làng ấy, cùng phố ấy, cũng những người ấy, mọi thứ đều như thế cả.
Nếu tôi trở về làng mình sau một hay hai năm tôi thấy rằng mọi thứ vẫn còn như cũ. Khi tôi về làng tôi biết đích xác tôi sẽ gặp người đưa thư nào tại ga xe lửa và người đó bao giờ cũng gặp tôi - người đó là nhân viên bưu điện duy nhất. Tôi biết người đánh xe ngựa nào sẽ gặp tôi và người đó sẽ nói gì, bởi vì trong nhiều năm bất kì khi nào tôi đã đi từ đó, người đó đều nói cùng một điều. Và khi người đánh xe ngựa này đi qua đường làng, tôi biết ai sẽ ngủ ngoài nhà mình và ho... Tôi biết cái gì sẽ diễn ra trong làng; mọi thứ đều dự đoán được. Tôi đã biết cái gì sẽ xảy ra, gần như chẳng cái gì thay đổi cả. Đôi khi cái gì đó có xảy ra: ai đó trong làng mất, ai đó mới sinh ra - thỉnh thoảng. Mọi thứ khác diễn ra như thường lệ.
Phương Đông đã không có vấn đề gì với giấc ngủ cả, bởi vì mọi thứ đều tĩnh tại. Phương Tây gặp rắc rối; mọi thứ đều đang thay đổi, và thay đổi nhanh tới mức sau năm năm khó mà nói được liệu thành phố của bạn có vẫn còn là cùng thành phố đó không bởi vì mọi thứ đã thay đổi quá nhiều. Khả năng ngủ đã bị khuấy động. Nếu không sự việc nào kích động bạn, giấc ngủ tới một cách tự nhiên; nếu có kích động, bạn vẫn còn thức.
Đây là một định nghĩa kì lạ về sushupti, trạng thái ngủ: rằng chúng ta không có nhận biết, không tự nhận biết; chúng ta không có tự ý thức... chúng ta chỉ ý thức về người khác. Nếu người khác giữ cho chúng ta thức thì chúng ta vẫn còn thức, nếu người khác kích thích chúng ta, chúng ta vẫn còn thức; nếu người khác tạo ra thách thức nào đó, duy trì sự vật lộn hay xích mích với chúng ta, thế thì chúng ta còn thức. Còn nếu không ai giữ chúng ta thức, chúng ta thiếp đi ngay lập tức, chúng ta biến mất trong những chiều sâu của giấc ngủ.
Có lần tôi ở trong một làng, một người bị rắn cắn. Không có bác sĩ trong làng đó cho nên người ta phải đưa anh ta sang làng khác. Những người già cả trong làng gợi ý phải giữ cho anh ta thức, không cho phép anh ta thiếp đi, bởi vì nếu nếu anh ta thiếp đi, có lẽ sẽ không thể làm anh ta sống lại được. Cho nên mọi người đem anh ta sang làng bên cạnh cứ phải giữ cho anh ta thức, không cho ngủ, vã nước vào anh ta, dựng anh ta ngồi dậy, lay anh ta để cho anh ta không thiếp đi.
Tôi cũng đi cùng họ một chốc vào ngày đó trong cùng chuyến tầu hoả, và bỗng nhiên tôi chợt nhận ra là người này có thể đã bị rắn cắn, nhưng tất cả chúng ta cũng đang trong cùng hoàn cảnh đó. Nếu mọi người quanh ta không giữ cho chúng ta thức, chúng ta cũng sẽ bị mất đi và thiếp đi. Ai đó liên tục giữ cho chúng ta thức, cảm giác mới giữ cho chúng ta tỉnh táo. Đó là lí do tại sao khi chiến tranh bắt đầu, mắt mọi người đều sáng lên và sự tươi tắn tới trên khuôn mặt họ - cái gì đó mới mẻ đang xảy ra. Vào buổi sáng họ lấy báo ngày, và ngay cả những người thường chẳng bao giờ dậy sớm, cũng dậy sớm và đợi báo. Điều gì xảy ra vậy? Điều đó đáng ngạc nhiên, bạn vẫn cho rằng chiến tranh sẽ đem đến nỗi buồn nhưng nó lại đem tới hạnh phúc, rằng chiến tranh sẽ đem tới phiền não nhưng nó lại đem tới tươi tắn. Ngay cả những quốc gia chết cũng bắt đầu rung động với cuộc sống... máu bắt đầu tuần hoàn nhanh hơn. Sao vậy?
Các nhà tâm lí nói rằng, như con người hiện hữu, người đó phải liên tục tranh đấu hoặc không thì người đó trở thành mê man hoàn toàn và người đó không có hương vị của cuộc sống. Cái gì đó phải liên tục xảy ra ở đâu đó, một loại rắc rối nào đó, bằng không thì chúng ta sẽ chỉ thiếp đi. Chúng ta tất cả đều bị rắn cắn.
Trạng thái thứ ba này, trạng thái của giấc ngủ, xảy ra khi không sự việc nào kích thích chúng ta - không cả từ bên trong lẫn bên ngoài, không trong thế giới các ý nghĩ lẫn trong thế giới sự vật. Chúng ta vẫn sống, nhưng vô ý thức.
Và trạng thái thứ tư được gọi là turiya. Khi ai đó đã xuyên thủng trạng thái thứ ba, cho dù toàn thể thế giới bên ngoài có tan biến đi, tâm thức người đó vẫn sẽ còn đó, thức tỉnh. Cho dù các vì sao và mặt trăng có lạnh đi và trái đất này biến mất và mọi thứ bị huỷ diệt, chẳng cái gì còn lại - nếu chỉ mỗi mình tôi hiện hữu, còn lại một mình - cho dù thế thì tôi vẫn còn thức tỉnh, tôi vẫn còn ý thức. Tất cả xung quanh là sự trống rỗng tràn ngập, mọi thứ trở thành không bản chất - tôi một mình còn lại. Chẳng có gì để biết, chỉ người biết là còn lại. Không âm thanh nào được nghe, chỉ người nghe là còn lại. Chẳng có cái gì để nhìn, chỉ khả năng nhìn là còn lại. Khi tất cả những cái khác không hiện hữu, ấy vậy mà tôi vẫn còn trong nhận biết, các nhà tiên tri Ấn Độ đã gọi trạng thái này là trạng thái thứ tư, trạng thái thực, turiya. Người đạt tới trạng thái này thì cũng đạt tới mọi thứ; người còn chưa đạt tới trạng thái này chỉ cứ tích luỹ các sự việc hay ý tưởng và vẫn còn bị lừa gạt, vẫn còn dưới ảo tưởng rằng “Mình biết mình là ai.” Nhưng nếu bạn lấy đi các sự việc và ý nghĩ của người đó thì người đó sẽ bị lạc vào trong giấc ngủ của mình và chẳng cái gì còn lại từ người đó cả.
Nếu một người rất giầu và ai đó đánh cắp tiền bạc của người đó, đau đớn của người đó không chỉ là do mất tiền, mà còn do sự kiện là cùng với tiền, một phần linh hồn người đó cũng bị lấy đi, bởi vì người đó không có linh hồn thực theo đúng nghĩa; nó chỉ có trong mối quan hệ với tiền. Khi chúng ta lấy đi lâu đài của ai đó, đấy không chỉ là lâu đài, linh hồn người đó cũng bị tước đi, bởi vì người đó không có linh hồn thực theo đúng nghĩa; người đó chỉ có ảo tưởng về linh hồn tỉ lệ với kích cỡ và độ lớn của lâu đài của mình. Bởi vì lâu đài bị lấy đi nên linh hồn người đó bị mất đi theo cùng tỉ lệ.
Đó là lí do tại sao trong hàng nghìn năm trên trái đất này, trên mảnh đất này, tính chất sannyas - việc từ bỏ 'thế giới này' - đã là một thực nghiệm duy nhất. Tôi sẽ giải thích thực nghiệm đó trong hoàn cảnh này cho bạn. Trong thực tế tính chất sannyas không phải là vấn đề từ bỏ, nó thực tế là nỗ lực để thấy xem, sau khi đã từ bỏ mọi thứ, liệu người ta có còn lại đằng sau hay không.
Vấn đề không phải là việc từ bỏ thế giới này bởi vì nó xấu, và vấn đề không phải là việc từ bỏ gia đình bạn bởi vì có cái gì đó sai với nó, hay từ bỏ vợ bạn bởi vì dục là tội lỗi. Chủ yếu thực nghiệm duy nhất về tính chất sannyas đã được thực hiện để xem liệu bạn có còn lại khi bạn đã từ bỏ mọi thứ. Nếu bạn không còn lại, thế thì bạn đã không hiện hữu ngay chỗ đầu tiên - “Tôi là ảo tưởng.” Còn nếu bạn vẫn còn lại cho dù sau khi đã từ bỏ tất cả - khi bạn đã thấy vợ không phải là 'của mình', con không phải là 'của mình', bạn bè không phải là 'của mình', nhà không phải là 'của mình', tiền không phải là 'của mình', khi bạn bắt đầu đứng hoàn toàn trần trụi, một mình trên phố - bạn có vẫn tồn tại không? “Nếu mình tồn tại, mình có linh hồn; nếu mình không tồn tại, mình phải tìm linh hồn.”
Mục đích của từ bỏ không phải bởi vì sở hữu là điều xấu, mục đích của nó là để thấy liệu bạn có phải chỉ là tổng cộng của các vật sở hữu của bạn hay liệu bạn tồn tại một cách độc lập, bởi vì khó mà có được hiểu biết rõ ràng trong khi bị bao quanh bởi các vật sở hữu.
Người tìm kiếm hay đi vào trong rừng không phải bởi vì thành thị là xấu, không phải bởi vì không thể nào đạt tới được chân lí ở thị trấn, không phải bởi vì điều thiêng liêng sợ tới thị trấn - không, nó có thể tới đó nữa. Người đó hay đi vào chỗ ẩn dật chỉ để nhìn xem liệu mình có còn ý thức trong đơn độc hay liệu mình sẽ thiếp đi, liệu nhận biết có vẫn còn hay người đó sẽ mất ý thức? Khi người đó đã từ bỏ mọi thứ, cái gì đó vẫn còn lại hay không? Nếu cái gì đó vẫn còn lại, chỉ thế thì người đó mới có một thước đo nhỏ nào đó về linh hồn. Nếu người đó không có thước đo này, người đó không nên khởi hành cuộc hành trình tìm kiếm nó; nếu người đó quả có linh hồn, người đó nên phát triển nó.
Đó là lí do tại sao khi một Phật hay một Mahavira đạt tới chân lí, linh hồn ông ấy, ông ấy quay về phố thị; bây giờ không có sợ hãi, bây giờ không có gì phải lo nghĩ, bây giờ ông ấy biết thực tại của mình.
Chúng ta không tồn tại độc lập với mọi thứ một chút nào, đó là lí do tại sao chúng ta bị gắn bó thế với mọi sự vật; gắn bó đó không phải là với các sự vật - chúng đã trở thành linh hồn của chúng ta. Khi ai đó lấy đi chiếc áo sơ mi của bạn, người đó không chỉ lấy đi chiếc áo đâu, người đó gần như lấy đi cuộc sống của bạn nữa. Nó không chỉ là chiếc áo sơ mi! Nếu như nó đã chỉ là chiếc áo thì đã chẳng có lí do gì để đau khổ nhiều thế.
Jesus đã nói với những người theo mình rằng nếu ai đó lấy chiếc áo khoác của bạn, cho người đó cả áo sơ mi nữa. Ai mà biết được, người đó có thể cần thật nhưng lại ngần ngại lấy nó. Đó không phải là lí do tại sao ông ấy đã nói điều này, nhưng nói như vậy để cho bạn không bị gắn bó với chiếc áo sơ mi của mình tới mức nó trở thành linh hồn của bạn. Và nếu ai đó yêu cầu bạn mang một vật nặng đi một dặm, mang nó đi hai dặm, để cho bạn có thể cảm thấy rằng thân thể mình không chỉ thuộc vào mình, nó còn thuộc vào người khác nữa.
Tâm thức biểu lộ với sự siêu việt lên trên sushupti.
Tôi đã nhắc tới Gurdjieff. Gurdjieff hay nói với những người tìm kiếm của mình: “Tập trung đôi mắt bạn vào việc quan sát, vào kim giây đang chuyển động, và làm một thực nghiệm nhỏ: nhận biết về chiếc kim giây và cứ quan sát nó, và vẫn còn nhận biết, đồng thời, rằng bạn đang nhận biết về nó.”
Đây là một thực nghiệm nhỏ, nhưng lại không nhỏ thế đâu - nếu bạn làm điều đó, bạn sẽ biết rằng nó rất khó. Trèo lên đỉnh Everest còn dễ hơn; thực nghiệm nhỏ này là rất gay go. Kim giây sẽ hoàn thành cái vòng của nó trong một phút. Gurdjieff hay nói rằng nếu bạn có thể nhận biết về nó trong toàn bộ một phút, bạn có một chút ít linh hồn rồi. Chỉ chừng ấy thôi, một phút thôi... rằng kim giây đang chuyển động, và nhận biết đồng thời rằng bạn đang nhận biết về nó - ý thức với mũi tên kép, mũi tên hai đầu - quan sát kim giây và cũng quan sát bản thân bạn đang quan sát nó.
Bạn sẽ ngạc nhiên rằng thậm chí không thể làm được điều đó trong bốn giây; bạn bị mất hút ở giữa. Điều đó thậm chí không kéo dài quá bốn giây - hoặc là cái kim giây bị quên mất hay bạn quên mất bản thân mình; bạn quên mất một trong hai điều này.
Khó cho bạn để nhớ trong một phút rằng 'Mình đây'. Giấc ngủ của bạn phải rất sâu! Nếu kim giây bị quên mất, điều đó nghĩa là bạn đã thiếp đi. Khi nào thì bạn quên kim giây? - bạn quên nó khi ý nghĩ khác nào đó tới với bạn và chú ý của bạn bị phân tán. Nếu kim giây mà không bị quên và bạn đang đặt sự chú ý của mình một cách bắt buộc vào nó, bạn lại mất sự tập trung mà bạn đang hướng vào bản thân mình.
Hoàn cảnh của con người dường như rất đáng thương - rằng thậm chí trong có một phút thôi con người cũng không thể nhớ được rằng mình tồn tại. Nhưng có lí do cho điều đó. Lí do là ở chỗ chúng ta chưa bao giờ ở ngoài luồng chảy của giấc ngủ; sâu bên dưới chúng ta liên tục ngủ. Nhiều nhất thì một hơi chút khó chịu có thể được cảm thấy từ bên ngoài... như khi một người đang ngủ và bạn kéo chân người đó, thế thì người đó trở mình, mở mắt một chút, càu nhàu cái gì đó rồi lại thiếp đi lần nữa - có vậy thôi. Trạng thái thức của chúng ta cũng tương tự như thế.
Con người bất lực; người đó cảm thấy đói, cho nên người đó dậy vào buổi sáng. Người đó bất lực; người đó phải chăm nom công việc của mình, nuôi nấng con cái, người đó phải tới văn phòng - đi một cách tự động, cứ như là ai đó đang kéo chân người đó trong giấc ngủ vậy. Cứ hễ có lỗ hổng là người đó thiếp đi liền.
Nếu bạn được cho cơ hội ngủ cả hai mươi bốn giờ thì bạn có muốn thức không? Nếu ai đó đã thu xếp cho bạn ngủ hai mươi bốn giờ, bạn có muốn vẫn còn thức không? Không, bạn còn thức là do bị cưỡng bách. Đó là lí do tại sao những người có thể đảm đương được điều đó, họ thậm chí còn gây ra giấc ngủ bằng việc uống rượu; bây giờ họ không bị buộc phải giữ thức tỉnh. Những người có nhiều chọn lựa hơn thì làm chìm ngập mình trong ma tuý LSD, marijuana, mescaline....
Bất kì khi nào xã hội có khả năng qui tụ dù chỉ một chút ít giàu có, điều đầu tiên nó chi tiêu quá nhiều tiền là vào rượu. Quên xã hội đi: bất kì người nào có thể đảm đương được xa hoa nào đó thì việc chi tiêu tiền bạc đầu tiên của người đó là vào rượu. Tại sao? Sao lại có ham muốn mãnh liệt để mà vô ý thức? Việc có ý thức lại đau đớn vậy sao? Ý thức mà chúng ta biết là rất đau đớn. Nó cũng giống như ai đó đang dùng vũ lực làm rung chuyển bạn mọi lúc để bạn thức, nhưng ngay khi dù chỉ hơi chút dịu bớt là bạn lại chìm vào giấc ngủ.
Chúng ta bị chất đầy tầng tầng lớp lớp của giấc ngủ, chúng ta được cấu tạo nên bằng giấc ngủ. Đây là trạng thái thứ ba và người tìm kiếm phải biết điều đó cho đúng, bởi vì không có cách nào để đạt tới trạng thái thứ tư mà không làm tan tành trạng thái thứ ba này.
Hiền nhân này nói:
Khi có bất hoạt
và nghỉ ngơi của mười bốn công cụ
thì có thiếu cảm nhận,
và các vật thô, như thính giác và xúc giác,
không được kinh nghiệm.
Trạng thái này được gọi là sushupti,
trạng thái ngủ của linh hồn.
Tâm thức chứng kiến một cách vĩnh hằng
biết tới sự hiện diện hay vắng mặt của ba trạng thái,
và bản thân nó vượt ra ngoài sự hiện diện hay vắng mặt,
là turiya.
Đây là trạng thái thứ tư.
Đây là ba trạng thái - thức, mơ và ngủ - nhưng những trạng thái này thuộc về ai? Ai là người trải qua tất cả ba trạng thái này? Đấy là ai? Ai thức? Ai thấy các giấc mơ? Ai thiếp đi? Chắc chắn người đó phải tách biệt với tất cả những điều này.
Bạn đi qua một ga xe lửa, thế rồi qua ga thứ hai, rồi ga thứ ba - đây là ba ga; chắc chắn người đang du hành phải tách biệt với những ga này. Bạn không phải là nhà ga, bằng không thì làm sao bạn có thể đi tới nhà ga thứ hai? Bạn không phải là nhà ga thứ hai bởi vì bạn đi tới nhà ga thứ ba; và bạn không phải là nhà ga thứ ba bởi vì bạn quay lại nhà ga thứ hai và thứ nhất.
Con người thức, mơ và ngủ; thế rồi người đó lại thiếp đi, thức dậy và mơ - người đó di chuyển qua cả ba. Cho nên hiền nhân này nói rằng người đi qua cả ba trạng thái này là cái thứ tư, người đó không thể là một trong ba điều này.
Chúng ta có thể làm được gì? Làm sao điều ấy lại là có thể được? - làm sao làm tan tành sushupti này? Giấc ngủ bao quanh chúng ta ở mọi nơi. Chúng ta bước đi khi ngủ, chúng ta đứng khi ngủ, chúng ta ngồi cũng ngủ... dù chúng ta đang làm bất kì cái gì, chúng ta đều làm nó trong khi ngủ.
Phật đã bước đi trên con đường. Đây là một sự việc từ trước khi ông ấy chứng ngộ. Một người bạn bước bên cạnh ông ấy, và một con ruồi bay tới đậu lên vai Phật. Phật vẫn tiếp tục nói chuyện với người bạn, vẫn đi trên đường, và phẩy tay đuổi con ruồi đậu trên tay đi. Thế rồi ông ấy đứng lại tĩnh lặng. Người bạn hỏi, “Ruồi đốt anh sao?” Nhưng Phật nhắm mắt, không trả lời người bạn mình, giơ tay lên, chuyển tay tới nơi ruồi đã đậu, phẩy con ruồi đi - mà lúc đó thì còn ruồi đâu - và khoanh tay lại. Người bạn hỏi, “Anh có điên không đấy? Ruồi đã bay từ ngay lúc đầu rồi, anh còn định phẩy nó đi bây giờ nữa sao?”
Phật nói, “Bây giờ tôi đã phẩy con ruồi đi như tôi đáng phải làm điều đó trước đây. Tôi đã phẩy nó đi một cách vô ý thức. Bàn tay đã di chuyển dường như trong giấc ngủ... tôi đã không thức, tôi đã bận nói chuyện với anh. Bàn tay đã di chuyển và phẩy con ruồi đi, và thế rồi tôi trở nên nhận biết rằng ruồi đã bay đi mà tôi thì làm điều đó một cách vô ý thức. Tôi đã làm điều đó trong giấc ngủ của mình. Để phá vỡ vô ý thức của mình vậy thì tôi đã làm điều đó theo cách tôi đáng phải làm điều đó ngay lần đầu. Bàn tay này giơ lên, cùng với nó ý thức cũng nâng lên; bàn tay này chạm vào vai một cách có ý thức và phẩy con ruồi đi.
“Khi tôi phẩy con ruồi thứ hai này, tôi nhận biết về điều mình đang làm và tôi cũng nhận biết về nhận biết của tôi về điều tôi đang làm. Đây là ý thức mũi tên kép.” Phật nói, “Nếu ruồi đậu lên tôi lần nữa, tôi sẽ phẩy nó đi giống thế này. Đấy chỉ là một thực hành nhỏ; chúng ta đi tiếp đi.”
Nếu chúng ta nhìn vào các kiếp sống của mình từ góc độ này, mọi hoạt động của chúng ta đều dường như là được làm trong giấc ngủ. Một người thậm chí không phẩy con ruồi đi một cách vô ý thức thì có thể giận dữ được không? Người đó có thể xúc phạm ai đó được không? Người đó có thể ghen tuông được không? Người đó có thể căm ghét được không? Tất cả những điều này xảy ra chỉ trong giấc ngủ; với ý thức chúng bắt đầu bị loại bỏ.
Ananda đã ở cùng Phật trong nhiều năm. Một hôm ông ấy hỏi Phật, “Mọi điều đều tốt cả, nhưng có một điều tôi không hiểu: thầy có ngủ ban đêm hay không?”
Phật nói, “Ông biết rằng ta đi ngủ hàng ngày cơ mà.”
Ananda nói, “Tôi có thấy điều đó, nhưng bất kì chỗ nào thầy để chân, nó vẫn còn đấy cả đêm, và bất kì chỗ nào thầy để tay, nó cũng vẫn còn đấy. Đêm qua tôi đã thức chỉ để xem liệu thầy có di chuyển tay hay không, liệu thầy có đổi bên hay không, nhưng mọi thứ vẫn còn nguyên một chỗ. Thầy có chăm nom việc không di chuyển cả đêm hay không? Thầy ngủ thế nào? Thầy có thực sự ngủ hay không?”
Phật đáp, “Có lần chuyện xảy ra là ta đã đổi bên mà không nhận biết. Nhưng thế rồi, từ ngày đó ta đã không đổi bên; ta đã chấm dứt việc đổi bên. Cần gì phải gắn với những điều như vậy? Ta ngủ, nhưng ta thức tỉnh bên trong. Bàn tay nên vẫn còn ở đó nơi ta đã để tay; nó là của ta, và nếu nó di chuyển mà không có phép của ta thì ta trở thành nô lệ, ta dừng là người chủ.”
Cho nên bắt đầu trở nên tỉnh táo trong trạng thái thức đi. Bắt đầu thức trong trạng thái này mà chúng ta gọi là ‘đang thức tỉnh’. Trở nên tỉnh táo. Thử xem: nỗ lực và thức dậy. Dần dần, dần dần, khi tỉnh táo hoàn toàn đã xảy ra trong trạng thái thức, thế thì bạn có thể đi xa hơn. Người đã trở nên tỉnh táo trong trạng thái thức bỗng nhiên trở nên nhận biết về các giấc mơ của mình trong khi người đó đang mơ. Và ngay khi người đó nhận biết về điều này, mơ biến mất, bởi vì mơ không thể xảy ra khi bạn có nhận biết; vô nhận biết là điều phải có cho mơ.
Và khi mơ của bạn biến mất, thức tỉnh đi vào trong trạng thái thứ ba; mũi tên của nhận biết đi vào trong sushupti, và thế thì người ta cũng nhận biết khi người ta đang ngủ. Điều đó nghĩa là người ta biết rằng thân thể đang thảnh thơi, có vậy thôi. Giấc ngủ là thảnh thơi cho những người như vậy, trong khi cách ngủ của bạn chỉ là công việc vất vả.
Nhìn vào người đang ngủ, bạn sẽ biết. Người đó đang làm việc trong giấc ngủ của mình thậm chí còn vất vả hơn là người đó đã làm việc cả ngày - vung tay loạn xạ, đập vào đầu, nhăn mặt và còn gì nữa. Người ta quay phim mọi người trong khi họ ngủ và rồi những phim này được đem chiếu cho họ xem về sau. Họ bị sốc và nói, "Tôi mà làm tất cả những điều này sao? Không thể thế được; phải có lừa dối gì ở đây, có thủ đoạn gì ở đây rồi.” Nếu bạn được quay phim trong khi ngủ trong đêm và rồi phim được đem chiếu lại cho bạn xem vào buổi sáng, bạn sẽ biết rằng bạn cũng làm những điều này. Biết bao nhiêu... bao nhiêu là rối loạn ngay cả trong giấc ngủ! Thậm chí không có an bình cả trong giấc ngủ sao?
Ngay cả giấc ngủ của chúng ta cũng là nỗ lực, trong khi đó với người có nhận biết thì ngay cả trạng thái thức cũng là thảnh thơi. Chúng ta mệt mỏi khi chúng ta thức dậy sau giấc ngủ bởi vì chúng ta đã làm quá nhiều trong cả đêm đến mức vượt ra ngoài sự tưởng tượng. Tôi không nói quá đáng đâu. Chúng ta dậy mệt mỏi ngay cả sau việc ngủ cả đêm, và đây là công việc thường ngày: chúng ta thiếp đi do kiệt sức sau công việc mệt mỏi cả ngày, rồi tỉnh dậy vào buổi sáng lại kiệt sức từ buổi đêm.
Cuộc đời chúng ta là mệt nhọc lâu dài, gánh nặng mà chúng ta phải mang. Chúng ta chẳng bao giờ có thể gạt bỏ được nó nếu như không có cái chết. Cái chết tới và lấy đi gánh nặng này bằng vũ lực. Nhưng chúng ta đầy những thèm khát và chúng ta bị gắn bó với gánh nặng đó đến mức ngay khi chúng ta chết, tâm thức của chúng ta liền bắt đầu khởi hành cho một lần sinh thành mới - trong việc tìm kiếm một gánh nặng mới, trong việc tìm kiếm những bệnh tật mới, rắc rối mới. Ngay khi mũi tên của tâm thức đi vào trong trạng thái ngủ, nó siêu việt lên trên giấc ngủ sâu của chúng ta, thế thì giấc ngủ chỉ còn như việc nghỉ cho thân thể.
Krishna đã nói trong Gita rằng nhà yogi không ngủ ngay cả trong giấc ngủ của người đó. Ông ấy đã không nói rằng nhà yogi đó đứng cả đêm với mắt mở như người điên vẫn làm. Điều này là điên khùng! Đây là điên khùng khác. Người điên nào đó không có khả năng ngủ thậm chí với mắt nhắm, người điên nào đó đứng với mắt mở để tránh việc ngủ, bởi vì Krishna đã nói rằng nhà yogi không ngủ ngay cả trong giấc ngủ của mình... nhưng họ đã không hiểu. Ông ấy đã không nói hãy đứng với mắt mở. Nhưng có những người....
Một thời gian trước đây tôi ngẫu nhiên ở một làng. Có một Khade Shri Baba, ‘Baba đứng’ ở đó. Mọi người hỏi tôi liệu tôi có biết về Khade Shri Baba không. “Chuyện gì xảy ra cho ông ấy vậy?” tôi hỏi.
“Ông ấy được gọi là Khade Shri Baba bởi vì ông ấy đã đứng trong mười năm.”
Tôi bảo họ, “Đem ông ấy tới bác sĩ đi - tôi có thể làm gì được đây? Cố gắng làm cho ông ấy ngồi xuống bằng cách nào đó đi, làm cho ông ấy ngủ đi.”
Nhưng bây giờ ông ấy không thể ngồi được nữa rồi, chân ông ấy bị phù ra như bệnh chân voi. Chân ông ấy đã lưu giữ máu nhiều quá mức, tất cả các mạch máu đều đã thành cứng; bây giờ ông ấy không thể ngồi được. Tôi bảo với mọi người, "Làm điều gì đó đi, làm cho ông ấy bây giờ là Baithe Shri Baba, ‘Baba ngồi’. Đừng ngại. Trí thông minh của ông ấy đã bị mất hoàn toàn rồi... nhất định phải là như vậy; tất cả máu đều đã dồn xuống chân ông ấy và chẳng cái gì còn lại cho não cả. Nhìn vào mắt ông ấy mà xem, chúng ngây ra như đá. Con người này đang chịu đựng cái chết trong khi ông ta vẫn còn sống.”
Sao ông ấy đứng? Con người có thể làm bất kì cái gì vì bản ngã. Mọi người cúi đầu dưới chân người đó, cúng dường hoa, cúng dường tiền bạc, đền chùa được dựng lên theo tên người đó! Sự đổi chác này không tốn kém gì, rẻ là đằng khác; ông ấy được bao nhiêu là đền chùa, bao nhiêu là hoa và bao nhiêu cái đầu cúi xuống! Như tôi thấy ông ta thì ông ta cực kì ngu xuẩn. Ông ta có thể cố gắng vất vả trong năm mươi kiếp và ông ta vẫn chẳng có khả năng làm ra chỉ một ngôi đền bằng sáng tạo của riêng mình. Cho nên cách cư xử này chẳng tốn của ông ta cái gì cả. Và đến bây giờ công phu đã mạnh rồi, bây giờ phải làm xoa bóp cực kì nhiều để đảo ngược lại công phu này. Điều đó là rất khó; không chắc là chân ông ấy sẽ cong trở lại. Ông ấy chỉ đứng như thằng ngốc.
Đâu đó, nếu Krishna ngẫu nhiên mà gặp ông ấy, thì ông ấy sẽ khẩn khoản với Krishna: “Sao ngài nói trong Gita rằng nhà yogi không ngủ ngay cả trong trạng thái ngủ?” Krishna vẫn ngủ bình thường. Ông ấy chưa bao giờ ngủ đứng cả! Nhưng dầu vậy chúng ta vẫn không thấy thông điệp đúng trong Gita. Không người thông minh nào vẫn còn đứng cả. Những người cúi đầu dưới chân nhà yogi này thậm chí cũng chẳng hỏi ông ta, “Krishna đã không làm công phu này, Phật chưa bao giờ làm công phu này, Christ chưa bao giờ làm nó - ông có định vượt tất cả bọn họ không?” Nhưng điều này không xảy ra cho chúng ta.
Nhận biết này, mà không ngủ trong trạng thái ngủ... Khi thân thể thiếp đi, khi tất cả các thớ thịt và thần kinh của nó thiếp đi, khi mọi thứ đều ngủ, ngọn lửa của nhận biết vẫn còn bùng cháy ở bên trong. Mặt trời vẫn còn toả ánh sáng của nó cho dù bị mây bao phủ.
Khi sushupti này được siêu việt lên, thì turiya, trạng thái thứ tư, được đạt tới. Nó được gọi là một ‘trạng thái’ chỉ bởi ngôn ngữ; bằng không thì nó không phải là trạng thái, nó là bản tính của chúng ta. Chúng ta đã là 'cái đó' rồi. Không phải là trước hết chúng ta ở trong ảo tưởng và thế rồi chúng ta được thay đổi. Không, ảo tưởng của chúng ta cũng giống hệt như khi cái que được nhúng vào nước. Trong nước nó có vẻ như bị biến dạng, nhưng nó không biến dạng, nó chỉ có vẻ theo cách đó thôi. Lấy nó ra, nó lại thẳng - nó không trở thành thẳng, nó đã là thẳng rồi. Khi nó có vẻ như biến dạng, ngay cả thế thì nó vẫn cứ thẳng. Khi nó có vẻ bị biến dạng, ngay cả thế thì nó vẫn cứ thẳng. Khi nó được lấy ra, nó trông lại thẳng. Nước chỉ tạo ra ảo tưởng trong dáng vẻ của nó, không trong bản thể nó.
Cho nên khi tâm thức đang trong ba trạng thái thấp này - trong sushupti, trong mơ và trong trạng thái thức - nó dường như bị mất, nhưng nó chẳng bao giờ bị mất cả, ít nhất cũng không mất; nó chỉ dường như vậy thôi. Khi tâm thức được phục hồi nó chỉ dường như là nó được đạt tới - nó đã không được đạt tới đâu, nó đã có đó rồi. Nhưng ảo tưởng này cứ xảy ra. Và không có việc làm tan tành ảo tưởng này rằng tâm thức cần phải được đạt tới, thì không một thoáng nhìn nào về phúc lạc là có thể có được trong cuộc sống; không làm tan tành ảo tưởng này thì không thể có được hương vị của nước cam lồ của phúc lạc; không làm tan tành ảo tưởng này thì không có khả năng nào nhận ra chân lí.
Nếu các ảo tưởng phải bị làm tan tành, hiểu biết là cần thiết nhưng vẫn không đủ, hiểu biết là điều bản chất nhưng vẫn không đủ. Người ta phải di chuyển, người ta phải du hành. Chúng ta đã làm cuộc hành trình, bây giờ chúng ta phải quay lại. Chúng ta đã đi xa nhà, bây giờ phải tìm lại nhà mình lần nữa. Có thể có hàng nghìn con đường cho việc tìm kiếm này; lấy bất kì con đường nào và bạn đều có thể đạt tới đó.
Nhưng nói chung tôi thấy rằng có ba kiểu người. Có vài người sợ làm mọi thứ - cho nên họ gọi tất cả những điều này là vô nghĩa và vô tồn tại. Họ nói rằng những điều này không tồn tại. Tôi biết nhiều người phủ nhận sự tồn tại của Thượng đế - không phải bởi vì họ có thù nghịch gì với Thượng đế, không phải bởi vì họ biết rằng Thượng đế quả không tồn tại, không phải bởi vì họ là người vô thần, mà bởi vì họ đơn giản thờ ơ. Nếu Thượng đế có tồn tại, họ sẽ phải biến chuyển, điều đó sẽ là rắc rối. Tốt hơn cả là phủ nhận quách Thượng đế ngay từ đầu. Điều này làm cho họ thoát khỏi bất định và họ định cư hạnh phúc trong thờ ơ của họ. Sao đi tìm cái mà không tồn tại? Nếu nó quả tồn tại, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy lo âu cho dù bạn không tìm kiếm. Nếu Thượng đế hiện hữu mà bạn vẫn còn nằm dài trên giường, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy lo âu. Đâu đó bên trong bạn một tiếng gọi sẽ rung động để tìm cái đang hiện hữu đó.
Do đó, nhiều lần tôi thấy những người tôn giáo có vẻ ngoài phi tôn giáo - chỉ để cho họ không cần chuyển động, không cần đi đâu cả hay không cần làm gì cả. Thờ ơ của họ trở thành chủ nghĩa vô thần của họ. Họ không còn lanh lợi nữa, họ làm ra chủ nghĩa thờ ơ của mình. Họ vẫn còn lắng đọng trong lười nhác của mình và chỉ nói về Thượng đế.
Rất dễ trở thành một chuyên gia trong việc nói về Thượng đế. Không dễ thế khi nói về các thứ khác bởi vì bạn có thể đưa mình vào rắc rối. Nếu bạn đưa ra một phát biểu về tảng đá, bạn sẽ phải chứng minh điều đó trong phòng thí nghiệm. Nhưng về Thượng đế bạn có thể nói điều bạn thích; nó chẳng thể được chứng minh hay bác bỏ. Không có cách nào để chứng minh nó, dù là đúng hay sai. Đó là lí do tại sao nói về Thượng đế thú vị thế và ngay cả người đờ đẫn nhất cũng có thể tham dự vào điều đó, do đó những người không làm gì thì ham mê nói về Thượng đế.
Nếu họ đưa ra phát biểu nào đó về trái đất, họ sẽ phải đối diện với rắc rối; nhưng nói về thiên đường... chẳng rắc rối gì cả. Nếu bạn vẽ bản đồ về chỗ này, Matheran, bạn sẽ phải chứng minh nó là đúng, bạn sẽ phải đo đạc, và sẽ có cả nghìn vấn đề khác. Sao tạo ra rắc rối làm gì? Vẽ quách bản đồ về Satyakhand, ‘Cõi giới của Chân lí’, hay vẽ bản đồ của Brahmlok, ‘Thế giới của Tuyệt đối’, thế thì chẳng ai trên trái đất này có thể thách thức bạn được bởi vì bạn ở ngoài phạm vi thách thức rồi. Mọi người ngồi trong ghế bành của mình và nói về Thượng đế. Họ thậm chí không tới từ đó. Họ nhìn mình như những người hữu thần, nhưng họ lại không phải vậy. Chủ nghĩa hữu thần của họ không được thoả mãn chỉ bằng việc nói, nó đòi hỏi kinh nghiệm.
Cho nên có vài người phủ nhận tất cả những điều này, và với họ thì chẳng có đâu mà đi cả. Có những người khác chấp nhận tất cả những điều này và nói điều đó đã được họ biết tới, và với họ thì cũng chẳng có chỗ nào mà đi cả, “Bất kì cái gì tồn tại, nó tất cả đều có trong kinh sách rồi. Các thánh nhân và hiền nhân đều đã nói về những điều này” - cho nên bây giờ với họ chẳng cần tìm kiếm nữa.
Nhớ điều đó, đây là khác biệt căn bản giữa tôn giáo và khoa học: trong khoa học, một khi một sự việc đã được phát hiện ra, người khác không cần phát hiện lại nó nữa; nhưng trong tôn giáo, nếu một sự việc được phát hiện ra, bạn đừng nhầm rằng nó đã được phát hiện ra mãi mãi và bạn không cần tìm kiếm nó thêm nữa. Tôn giáo là việc tìm kiếm cá nhân; mọi cá nhân đều phải tìm kiếm nó lặp đi lặp lại. Và đây là cái đẹp; đây là lí do tại sao tôn giáo bao giờ cũng tươi tắn, nó chưa bao giờ cũ rích. Khoa học trở nên cũ rích. Ngày nay, Newton là hoàn toàn cũ rích, nhưng Sarvasar Upanishad này vẫn còn tươi nguyên - bởi vì việc tìm kiếm là được thực hiện lặp đi lặp lại.
Tôn giáo giống như tình yêu. Bạn không nói, “Trông này, Majnu đã yêu, Farhad đã yêu, cho nên sao tôi lại phải nhận lấy rắc rối làm gì? Mọi thứ đều đã được viết ra về yêu - chúng ta sẽ đọc về nó, biết về nó, làm thơ về nó, sao phải nhận rắc rối của việc yêu?”
Không, ai đó có thể đã yêu nhiều, Farhad có thể đã yêu nhiều, nhưng điều này không thể thoả mãn bạn được, bạn sẽ phải tự mình yêu. Bạn sẽ không bằng lòng chừng nào bản thân bạn còn chưa yêu. Yêu là kinh nghiệm cá nhân. Hàng triệu và hàng triệu người có thể đã yêu, điều đó chẳng tạo ra khác biệt gì. Nó chưa bao giờ cũ rích cả. Bạn phải yêu đi yêu lại, và khi bạn yêu thì bạn mới biết nó; trước điều đó thì bạn không biết.
Không có cách nào để biết về yêu từ Farhad, hay từ Phật nữa. Tôn giáo giống như tình yêu... việc tìm kiếm này giống như chuyện tình vậy: nó phải được phát hiện ra lặp đi lặp lại.
Trạng thái thứ tư, từ đó mà ba trạng thái này được sinh ra - giấc ngủ tới, mơ phát sinh và việc thức xảy ra, thế rồi tất cả ba điều này lại tan biến trở lại vào trong trạng thái thứ tư này - trạng thái thứ tư này không hề được sinh ra từ cái gì mà cũng không tan biến vào cái gì. Nó là nguyên lí vĩnh hằng của cuộc sống, nó là cơ sở của cuộc sống; đây là chính chỗ bắt đầu và đây là chính chỗ kết thúc, và người còn chưa biết tới nó thì vẫn vẩn vơ ở giữa, trong cái vòng cuộc sống và cái chết.
Đủ cho hôm nay.
Bây giờ các bạn chuẩn bị cho thực nghiệm này. Có đôi lời về thực nghiệm này. Hôm qua bụi bặm đã tạo ra quá nhiều rắc rối cho các bạn, cho nên hôm nay những người muốn làm nó mạnh mẽ thì nên đứng ở vùng nổi cao, còn những người khác có thể toả ra trên khắp sân.
Kết quả cách mạng có thể tới trong thực nghiệm này, nhưng để có được điều đó các bạn phải đặt toàn bộ năng lượng của mình vào trong nó. Đó là lí do tại sao tôi đã lập lịch cho nó vào buổi đêm. Các thực nghiệm sáng và chiều sẽ động viên bạn và làm cho bạn có khả năng đặt toàn bộ năng lượng của mình vào thay đổi trong thực nghiệm đêm nay.
Sau điều này các bạn sẽ đi ngủ, cho nên đừng lo nghĩ về mệt mỏi. Nhiều nhất các bạn sẽ trở nên mệt mỏi! Chẳng hại gì trong nó cả. Các bạn sẽ đi vào trong giấc ngủ sâu, không cái gì khác sẽ xảy ra.
Cho nên điều bản chất là đặt toàn bộ năng lượng của bạn vào trong nó.
Xem tiếp Chương 6 - Quay về Mục lục

Ads Belove Post